Phương pháp nghiên cứu chứng của kế toán

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán [ISSN 1859 – 1914], số 212, Tháng 5/2021 của Th.S. Nguyễn Thanh Tùng – Khoa Kế toán, Kiểm toán – Học viện Ngân hàng}.

Báo cáo tài chính là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp nhà đầu tư và các chủ nợ đánh giá được tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một trong những loại báo cáo không thể thiếu, trong việc ra quyết định liên quan đến thị trường vốn. Sự minh bạch của báo cáo tài chính thúc đẩy sự tin tưởng trong các giao dịch trong thị trường vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, báo cáo tài chính thường bị thao túng hay điều chỉnh theo các mục đích nào đó của người lập, nhất là các chỉ tiêu liên quan đến kết quả kinh doanh như thu nhập hay lợi nhuận. Bài báo trình bày tầm quan trọng của việc nghiên cứu thực nghiệm thao túng lợi nhuận cũng như các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm của chủ đề trên, cũng như tác dụng của từng phương pháp.

Khái niệm thao túng lợi nhuận
Có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề trên. Ronen & Yaari, [2008] đã tóm tắt ba xu hướng khác nhau khi xác định quản lý thu nhập hoặc thao túng lợi nhuận. Cách thứ nhất cho rằng quản lý thu nhập cải thiện lợi ích của các báo cáo tài chính [BCTC], trong khi cách thứ hai cho rằng việc quản lý thu nhập tạo ra “sự trình bày sai và gian lận” trong các báo cáo này; Cách cuối cùng đưa ra khái niệm là thao túng kế toán, để xây dựng triển vọng kinh doanh tươi sáng của công ty.

Healy & Wahlen [1999] thì đưa ra khái niệm quản lý thu nhập hay thao túng lợi nhuận là hoạt động của nhà quản lý xoay quanh việc “đánh giá trong BCTC và cấu trúc các giao dịch” trên BCTC nhằm “đánh lừa một số bên liên quan về kết quả hoạt động kinh tế cơ bản”, hoặc “ảnh hưởng đến kết quả hợp đồng” .
Tầm quan trọng của nghiên cứu thao túng lợi nhuận
Healy & Wahlen [1999] cho rằng, cần có bằng chứng thực nghiệm về việc quản lý thu nhập của các công ty trong việc ban hành các chuẩn mực kế toán hoặc BCTC. Cụ thể, các chuẩn mực và quy định ngành kế toán cần quan tâm đến các vấn đề: Tính thường xuyên của việc quản lý hay thao túng thu nhập trên BCTC đã công bố; đối tượng kế toán cụ thể và phương pháp kế toán sử dụng để quản lý thu nhập; động cơ của việc quản lý thu nhập và thời điểm các công ty thực hiện điều này; tác động của quản lý thu nhập đối với người sử dụng BCTC hoặc ảnh hưởng của nó đến việc phân bổ các nguồn lực hạn chế trong nền kinh tế như thế nào.

Bằng chứng thực nghiệm về vấn đề này, sẽ giúp cơ quan quản lý lĩnh vực kế toán – kiểm toán giảm bớt mức độ và cách thức thực hiện cũng như tác động tiêu cực của việc quản lý, thao túng thu nhập. Ví dụ, các cơ quan quản lý có thể phải ban hành các tiêu chuẩn mới hoặc sửa đổi các quy định hiện hành, nếu bằng chứng thực nghiệm cho thấy mức độ phổ biến và mức độ quản lý thu nhập đủ lớn – nó có tác động lớn đến nền kinh tế.

Ngoài ra, thao tác kế toán được sử dụng trong quản lý thu nhập giúp các cơ quan quản lý xác định hoặc tập trung vào các khoản mục hoặc chuẩn mực kế toán cần được sửa đổi. Động lực của các hoạt động quản lý thu nhập có thể cho phép người lập kế toán xác định các biện pháp, để cải thiện việc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đó.

Việc ban hành các quy định liên quan đến quản lý thu nhập ngày càng cần thiết. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sự bảo vệ của nhà đầu tư đang giảm dần do ảnh hưởng của quản lý, thao túng thu nhập, chẳng hạn như Leuz, Nanda, & Wysocki, [2003]; Nabar & Boonlert-U-Thai, [2007]. Bởi lẽ, việc chủ sở hữu hạn chế trong việc kiểm soát tình hình nội bộ của doanh nghiệp [DN] đã khuyến khích sự “phán xét” và “cấu trúc hóa” thông tin kinh doanh của người quản lý DN.

Các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm thao túng lợi nhuận trên thế giới

Lựa chọn phương pháp kế toán
Theo Sun & Rath, [2010], phương pháp này thường được sử dụng, từ năm 1970-1980. Việc sử dụng phương pháp kế toán khác nhau, sẽ dẫn đến các kết quả về doanh thu và chi phí khác nhau. Ví dụ, việc lựa chọn phương pháp tính giá xuất kho hàng hóa, sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến giá vốn hàng bán; việc lựa chọn phương pháp khấu hao tài sản cố định có ảnh hưởng đến chi phí khấu hao; các phương pháp lựa chọn ghi nhận doanh thu hợp đồng xây dựng khác nhau dẫn đến lợi nhuận kế toán từng kỳ khác nhau,… Thông thường, các tác giả sẽ sử dụng biện pháp so sánh giữa hai xu hướng làm tăng và giảm lợi nhuận bằng việc lựa chọn phương pháp kế toán thích hợp.

Cách này tuy dễ tìm ra bằng chứng nhưng mức độ sử dụng quản lý thu nhập của các DN theo cách này ít. Bởi theo Sun [2010#12] mọi điều chỉnh về chính sách kế toán đều có thể dễ phát hiện bởi quy định phải trình bày chúng trên BCTC. Cho nên, các nhà quản lý sẽ thường thao túng lợi nhuận qua các khoản dồn tích chứ không bằng thay đổi chính sách kế toán, để ít bị phát hiện hơn. Một lý do khác là, theo Healy [1985 #29] thì chi phí quản lý thu nhập bằng các khoản dồn tích là thấp hơn so với việc thay đổi một chính sách, thủ tục đang được thực thi trong công ty.

Thông qua các hoạt động sản xuất – kinh doanh thực tế
Phương pháp này được sử dụng thông qua việc nghiên cứu các hoạt động kinh doanh cụ thể, ví dụ, các công ty tập trung vào chính sách cụ thể nhằm làm có được doanh thu nhiều hơn trong kỳ hiện tại. Các khoản chiết khấu, giảm giá, khuyến mại,… làm tăng khối lượng hàng bán ra, qua đó làm tăng doanh thu trong kỳ mặc dù giá bán có thể giảm trong kỳ. Tuy nhiên, doanh thu trong kỳ sau có thể sụt giảm nếu như không còn các chính sách bán hàng đó nữa. Hay như là quyết định thanh lý tài sản cố định có thể làm gia tăng lợi nhuận trong kỳ đó của DN nhiều hơn các kỳ khác. Ví dụ như nghiên cứu của Bartov [1993] sử dụng một mô hình có hai biến độc lập là EPS và DETEQ [equal long-term liability dividing owner equity] và biến phụ thuộc là thu nhập từ việc bán tài sản đó. Kết quả nghiên cứu của Bartov [1993] chỉ ra quyết định bán tài sản có thể bị ảnh hưởng bởi cả hai biến, hay cả hai lý do thao túng lợi nhuận hoặc hệ số nợ phải trả – vốn chủ sở hữu.

Hoặc nếu như doanh thu ít có thể điều chỉnh, nhà quản lý có thể thay đổi giá vốn hàng bán trong kỳ bằng việc thay đổi giá thành sản xuất tính trên một đơn vị sản phẩm của kỳ đó. Ví dụ, họ có thể thay đổi sản lượng sản xuất của từng kỳ, qua đó làm tăng giảm chi phí sản xuất chung tính trên một đơn vị sản phẩm, theo Roychowdhury, [2006]. Một trong những kết luận của tác giả này là mức độ dự trữ hàng tồn kho có mối liên hệ tích cực với quản lý thu nhập, thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế.
Hay một cách khác, để điều chỉnh chi phí trong kỳ là việc sử dụng chi phí R&D. Nghiên cứu của Dechow & Sloan [1991] đưa ra kết luận, trong năm cuối cùng làm việc của mình, các nhà quản lý thường báo cáo ít hơn chi phí R&D nhằm mục đích tối đa hóa lợi của nhà quản lý khi nghỉ hưu. Vì các lợi ích [compensation] của các nhà quản lý khi nghỉ hưu, thường được tính toán dựa trên kết quả kinh doanh của các năm làm việc cuối cùng của họ. Do đó, họ sẽ có động lực trì hoãn ghi nhận chi phí trong các năm này. Bushee, [1998] cũng đưa ra bằng chứng về việc cắt giảm chi phí R&D, vì mục tiêu điều chỉnh thu nhập trong ngắn hạn. Động lực này sẽ tăng, nhất là ở các công ty có số lượng chủ sở hữu nhiều và thay đổi thường xuyên. Các nhà đầu tư này gây áp lực lên các nhà quản lý, trong việc trì hoãn sự sụt giảm của thu nhập báo cáo.

Tuy nhiên, theo Sun & Rath [2010], việc nghiên cứu thao túng lợi nhuận qua việc thực hiện các hoạt động sản xuất – kinh doanh là khó khăn, bởi vì thiếu một thước đo cho việc quy kết khi nào thì các giao dịch trên là theo ý chủ quan người lập.

Thông qua tổng các khoản dồn tích [total accurals – TA] hoặc các khoản dồn tích đặc biệt [special accurals – TA]
Các ý tưởng nghiên cứu thao túng lợi nhuận qua tổng các khoản dồn tích chủ yếu thông qua xây dựng phương trình hồi quy, trong đó biến phụ thuộc ‘thu nhập hay lợi nhuận’ phụ thuộc vào 2 biến độc lập là ‘dòng tiền từ hoạt động kinh doanh’ và ‘tổng các khoản dồn tích [TA]’. Trong đó, TA được tiếp tục tính toán thông qua 2 biến là các khoản dồn tích tùy ý [discretionary accruals] và các khoản dồn tích không tùy ý [non-discretionary accurals]. Trong đó, mô hình của Jones [1991] được rất nhiều các nghiên cứu sử dụng. Theo nghiên cứu của Verbruggen [2008], biến dồn tích có thể được đo lường theo hai cách tiếp cận là từ bảng cân đối kế toán hoặc từ báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Các khoản dồn tích tùy ý, đặc biệt có thể là chi phí thuế thu nhập hoãn lại; dự phòng rủi ro cho vay, dự phòng tổn thất dồn tích,… Ví dụ, Phillips [2003] đã cho thấy chi phí thuế thu nhập hoãn lại là một cách để quản lý thu nhập, nhằm tránh các khoản lỗ hoặc làm thu nhập giảm. Beaver [2003] điều tra thao túng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm thông qua các khoản dồn tích về dự phòng tổn thất. Gray [2004] cho rằng, các ngân hàng quản lý thu nhập thông qua dự phòng rủi ro cho vay.

Theo Sun [2010] thì điều tra quản lý, thao túng thu nhập qua các khoản dồn tích đặc biệt thường ít được sử dụng rộng rãi bằng điều tra qua tổng các khoản dồn tích. Bởi thông thường, các công ty thường điều chỉnh thu nhập bằng tất cả các khoản dồn tích có thể, mà hiếm có xu hướng tập trung vào một khoản dồn tích cụ thể nào đó. Vì vậy, nghiên cứu qua các khoản dồn tích đặc biệt chỉ phù hợp với những ngành mà động lực sử dụng các khoản dồn tích đặc biệt để thao túng lợi nhuận là cao. Ví dụ như ngân hàng hay công ty tài chính, bảo hiểm hay sử dụng các khoản dự phòng để quản lý, thao túng kết quả kinh doanh. Ưu điểm của phương pháp này theo Sun [2010 #12] là nó phù hợp để chứng minh sự tồn tại của quản lý thu nhập.

Phân phối của thu nhập và phân phối của thay đổi thu nhập sau điều chỉnh
Khởi đầu của các tiếp cận này là Hayn [1995 #47] đã phân chia lợi nhuận thành các nhóm để nghiên cứu tính phân bổ của các khoản lỗ.

Sau đó, Burgstahler & Dichev [1997] đưa ra một ý tưởng về sự sự không liên tục trong phân phối của các khoảng thu nhập quanh mức zero, là bằng chứng của thao túng lợi nhuận. Cụ thể, các nhà nghiên cứu này cho rằng, nếu không có thao túng lợi nhuận thì phân phối của các lỗ nhỏ và lãi nhỏ quanh zero phải mượt và liên tục. Đây còn được gọi là giả thuyết ‘null’. Tương tự thế, nếu không có quản lý thu nhập để tránh sự sụt giảm trong thu nhập thì phân phối của các khoản giảm nhỏ trong thu nhập và tăng nhỏ trong thu nhập quanh mức zero cũng phải mượt. Để kiểm tra sự phân phối của các mức thu nhập quanh zero có liên tục hay không, các tác giả đã thiết kế một kiểm định thống kê.

Tuy nhiên, một số học giả nghi ngờ về sự gián đoạn trong phân phối thu nhập thể hiện bằng chứng về việc quản lý thu nhập. Dechow, Richardson, & Tuna, [2003] cho rằng, sự gián đoạn trong việc phân phối thu nhập có thể là do các lý do khác, ngoài việc quản lý thu nhập. Điều này có thể là do những nỗ lực thực tế của DN và ảnh hưởng của việc mở rộng thu nhập. Ngoài ra, Durtschi & Easton [2005] đã chỉ ra rằng, trong khi phân phối thu nhập trên mỗi cổ phiếu [EPS] là liên tục, thì việc phân phối giá trị thị trường theo tỷ lệ ròng là không liên tục. Do đó, các tác giả lập luận rằng, cách mở rộng quy mô thu nhập có thể là lý do khiến việc phân phối thu nhập bị gián đoạn.

Để hỗ trợ chủ sở hữu giả định của mình, Durtschi & Easton [2009] lập luận rằng sự gián đoạn trong phân phối thu nhập có thể là do các tiêu chí lấy mẫu. Hơn nữa, bà cho rằng biểu hiện của quản lý thu nhập không chỉ thể hiện ở lợi nhuận ròng mà còn ở thu nhập ròng và EPS. Tuy nhiên, nếu sử dụng cách tiếp cận phân phối thu nhập, biểu đồ phân phối của thu nhập ròng và EPS không cho thấy sự gián đoạn đang được coi là bằng chứng của việc quản lý thu nhập.

Để tranh luận, Jorgensen et al. [2014] đã bảo vệ phương pháp phân phối thu nhập bằng cách phân tích các kết quả không thường xuyên của Durtschi & Easton, [2005] và [2009] về phân phối EPS. Do công thức của EPS, ông lập luận rằng EPS có thể được quản lý bằng thu nhập hoặc số lượng cổ phiếu trung bình đang lưu hành. Ông đã tìm thấy một đặc điểm bất thường, trong phân tích mẫu của Durtschi & Easton. Đây là mức EPS pha loãng của các công ty niêm yết tại Mỹ. Theo quy định về kế toán [SFAS 128], EPS pha loãng phải được điều chỉnh lại, dẫn đến hai cách đo lường EPS hàng năm trong cùng một khoảng thời gian lấy mẫu. Vì vậy, ông cho rằng kết quả của Durtschi & Easton, [2005] không thể mở rộng cho các mẫu khác. Kết luận của ông là, việc mở rộng quy mô thu nhập và các tiêu chí lựa chọn mẫu không phải là lý do dẫn đến sự gián đoạn trong biểu đồ phân phối thu nhập.

Để bảo vệ quan điểm của mình, Burgstahler & Chuk [2015] chứng minh tại sao các nghiên cứu của Durtschi & Easton’s [2005], [2009] không tìm thấy sự gián đoạn trong phân phối thu nhập. Bởi vì, Durtschi & Easton, [2005] đã không tính đến tác động của quy mô DN, khi chọn một tỷ lệ lớn các DN nhỏ trong mẫu của mình, và sử dụng thiết kế nghiên cứu không phù hợp với mẫu đã chọn. Thiết kế này không thừa nhận rằng, số lượng thu nhập thỏa mãn lợi ích quản lý lớn hơn chi phí quản lý sẽ được giảm bớt với các công ty nhỏ hơn.

Kết luận
Có rất nhiều cách tiếp cận để phát hiện cũng như tìm ra bằng chứng thực nghiệm của thao túng lợi nhuận, trong thực tế. Đối với kỹ thuật nghiên cứu, Vladu & Cuzdriorean, [2014] đã chỉ ra các kỹ thuật nghiên cứu thực nghiệm về thao túng lợi nhuận từ 5 tạp chí kế toán hàng đầu, bao gồm: Phỏng vấn; khảo sát; phân tích lịch sử; tổng quan và thực nghiệm văn học; phân tích thống kê hoặc mô hình toán học.

Các phương pháp tiếp cận về nghiên cứu thao túng lợi nhuận bên trên, mỗi một phương pháp có những lợi thế khác nhau. Tùy vào mục đích nghiên cứu, trường hợp cụ thể về cách thức thao túng lợi nhuận, các nhà nghiên cứu nói chung hay đối tượng sử dụng ưa thích đọc BCTC nói riêng có thể lựa chọn cách thức nghiên cứu hay mô hình nghiên cứu phù hợp, để phỏng đoán hoặc tìm ra bằng chứng của việc thao túng lợi nhuận trên thực tế, của các công ty.

————————–

Tài liệu tham khảo

Bartov, E. [1993]. The timing of asset sales and earnings manipulation. Accounting review, 840-855.
Basu, S., Hwang, L.-S., & Jan, C.-L. [2005]. Auditor conservatism and analysts’ fourth quarter earnings forecasts.
Beaver, W. H., McNichols, M. F., & Nelson, K. K. [2003]. Management of the loss reserve accrual and the distribution of earnings in the property-casualty insurance industry. Journal of Accounting and Economics, 35[3], 347-376.
Burgstahler, D., & Chuk, E. [2015]. Do scaling and selection explain earnings discontinuities? Journal of Accounting and Economics, 60[1], 168-186.
Burgstahler, D., & Dichev, I. [1997]. Earnings management to avoid earnings decreases and losses. Journal of Accounting and Economics, 24[1], 99-126.
Bushee, B. J. [1998]. The influence of institutional investors on myopic R&D investment behavior. Accounting review, 305-333.
Comprix, J., Mills, L. F., & Schmidt, A. P. [2012]. Bias in quarterly estimates of annual effective tax rates and earnings management. Journal of the American Taxation Association, 34[1], 31-53.
Cheng, C. A., Wang, J., & Wei, S. X. [2015]. State ownership and earnings management around initial public offerings: Evidence from China. Journal of International Accounting Research, 14[2], 89-116.
Das, S., Hong, K., & Kim, K. [2013]. Earnings smoothing, cash flow volatility, and CEO cash bonus. Financial Review, 48[1], 123-150.
Das, S., & Shroff, P. K. [2002]. Fourth quarter reversals in earnings changes and earnings management.
Dechow, P. M., Richardson, S. A., & Tuna, I. [2003]. Why are earnings kinky? An examination of the earnings management explanation. Review of accounting studies, 8[2], 355-384.
Dechow, P. M., & Sloan, R. G. [1991]. Executive incentives and the horizon problem: An empirical investigation. Journal of Accounting and Economics, 14[1], 51-89.
Durtschi, C., & Easton, P. [2005]. Earnings management? The shapes of the frequency distributions of earnings metrics are not evidence ipso facto. Journal of Accounting Research, 43[4], 557-592.
Durtschi, C., & Easton, P. [2009]. Earnings management? Erroneous inferences based on earnings frequency distributions. Journal of Accounting Research, 47[5], 1249-1281.
Fan, Q. [2007]. Earnings management and ownership retention for initial public offering firms: Theory and evidence. The Accounting Review, 82[1], 27-64.
Fan, Y., Barua, A., Cready, W. M., & Thomas, W. B. [2010]. Managing earnings using classification shifting: Evidence from quarterly special items. The Accounting Review, 85[4], 1303-1323.
Freedman, D., & Diaconis, P. [1981]. On the histogram as a density estimator: L 2 theory. Zeitschrift für Wahrscheinlichkeitstheorie und verwandte Gebiete, 57[4], 453-476.
Gray, R. P., & Clarke, F. L. [2004]. A methodology for calculating the allowance for loan losses in commercial banks. Abacus, 40[3], 321-341.
Guidry, F., Leone, A. J., & Rock, S. [1999]. Earnings-based bonus plans and earnings management by business-unit managers. Journal of Accounting and Economics, 26[1], 113-142.
Hayn, C. [1995]. The information content of losses. Journal of Accounting and Economics, 20[2], 125-153.
Healy, P. M. [1985]. The effect of bonus schemes on accounting decisions. Journal of Accounting and Economics, 7[1-3], 85-107.
Healy, P. M., & Wahlen, J. M. [1999]. A review of the earnings management literature and its implications for standard setting. Accounting horizons, 13[4], 365-383.
Holland, D. [2004]. Earnings management: A methodological review of the distribution of reported earnings approach. Working paper
Holland, D., & Ramsay, A. [2003]. Do Australian companies manage earnings to meet simple earnings benchmarks? Accounting & Finance, 43[1], 41-62.
Jones, J. J. [1991]. Earnings management during import relief investigations. Journal of Accounting Research, 193-228.

Video liên quan

Chủ Đề