Review hệ liệt thân yêu

Hệ liệt thân yêu/ Ngôn – Chân

  • Tác giả: Cửu Nguyệt Hi
  • Thể loại: Ngôn tình – trinh thám
  • Hệ liệt đã được Văn Việt xuất bản hoàn chỉnh, bao gồm ba bộ:
  1. Freud thân yêu [Ngôn Cách – Chân Ý]
  2. Archimedes thân yêu [Ngôn Tố – Chân Ái]
  3. Socrates thân yêu [Ngôn Hàm – Chân Noãn]

Trong một giây phút bồng bột ham thích lại gặp được đáp ứng, nên đã ôm cả hệ liệt 3 bộ tức là 6 cuốn sách. Hic, là một lần viêm màng túi không hề nhẹ.

Đánh giá dưới đây là cảm nhận của riêng cá nhân mình sau khi đọc xong hệ liệt. Hy vọng mang đến cho những bạn nào đang tìm kiếm thông tin để quyết định xem có nên mua sách hay không, và tìm kiếm sự đồng cảm ở các bạn độc giả khác đã đọc xong.

Nếu đánh giá công tâm, theo ý mình, bộ truyện xứng đáng là ngôn tình – trinh thám hay nhất trong cả ba, và so với một số ít ỏi mình đã đọc, thì Socrates thân yêu là hay nhất. Nhưng Freud thân yêu lại là tác phẩm mình yêu thích nhất. Và Archimedes thân yêu là tác phẩm làm cho mình thất vọng và nản nhất.

Trước tiên nói về Archimedes thân yêu. Đây là một tác phẩm được review tốt rất khủng cả trên mạng và trên tiki. Thế nên mình kỳ vọng vào nó khá nhiều, và đây là bộ duy nhất trong hệ liệt mình mua mới 100% trên tiki [hai bộ kia mua sách đã đọc rồi của một bạn khác] vì không mua được sách đã đọc, cũng như mới cày xong Freud thân yêu trên mạng xong và hết sức háo hức.

Nói cho công tâm thì các vụ án trong Archimedes thân yêu khá ổn, cụ thể thì các bạn đi dạo một vòng review là rõ hết. Nhưng đứng trên phương diện cá nhân, nó có những yếu tố mình khá ghét khi đọc ngôn tình trinh thám.

Nổi bật trong số đó là: một, nhân vật nam chính và nữ chính quá tài giỏi, xây dựng hơi mơ mộng và xa vời thực tế, với những khuyết điểm cũng hết sức “dễ thương”; và thứ hai [mình chỉ ngộ ra sau khi đọc cả Hãy nhắm mắt khi anh đến và cả bộ này], ấy là việc đưa phác họa chân dung tâm lý nói riêng và tâm lý học tội phạm nói chung lên làm căn cứ chính, lèo lái cả quá trình phá án.

Mình thích cái cách mà tâm lý học tội phạm – theo ý mình đánh giá những gì mà tác giả đưa ra trong truyện, khá là chủ quan và mơ hồ – chỉ là một trong những công cụ, kết hợp với pháp y và phá án truyền thống, bổ sung cho nhau để giải quyết vụ án, như trong hai bộ truyện kia hơn. Mình cảm thấy hai bộ kia có một chiều sâu nhân văn mà Archimedes không vươn tới được. Và Archimedes có cái gì đó hơi màu hồng hơn, không chín chắn như hai bộ kia [hơi sến nữa, những đoạn thanh niên thiên tài Ngôn Tố bày tỏ các kiểu đà điểu], và nó nhắm tới đối tượng độc giả có gì đó dường như mơ mộng hơn mình.

Nói chung chín người thì mười ý, nếu bạn có điều kiện thì cũng nên tiếp cận cả hệ liệt để đưa ra đánh giá chính xác nhất. Đọc sách theo mình có chỗ giống như yêu đương, giống như uống nước, chính là nóng lạnh tự mình biết, người ngoài không đánh giá chính xác được. Mình cũng không biết là nếu được quay lại, mình có mua Archimedes nữa không, vì mình có máu sưu tầm sách, và thực sự là review rất rất tốt. Ước gì mình đã đọc bản edit trên mạng trước.

Freud thân yêu có lẽ là bộ viên mãn nhất trong cả hệ liệt. Và thực tế là nó nhẹ nhàng hơn so với hai bộ còn lại. Bởi vì như một bạn đã review trên mạng [xin lỗi vì không nhớ được tài khoản WP của bạn], Freud thiên về nhân văn nhiều hơn là trinh thám. Thực sự những vụ việc trong Freud không đưa người đọc đi sâu vào quá trình phá án như Archimedes và Socrates, mà nó thiên về cách thức mà Chân Ý hành động vì thân chủ của mình, về những góc sáng và góc tối trong nhân cách con người, trong xã hội, về việc giữa những xấu xa vẫn còn những tâm hồn tốt, những tình cảm chân tình.

Không nhớ chính xác lắm, nhưng mình thích cách hành động của Chân Ý trong công việc. Cô không dễ dàng nhận biện hộ [dành cho những bạn chưa đọc: Chân Ý là luật sư hình sự], nhưng nếu đã nhận và quyết tâm biện hộ cho ai đó, ví dụ như Tống Ngưng, Thích Miễn, Đường Thường, cô sẽ làm những điều không tưởng vì họ, sẽ giẫm đạp lên đạo đức và luật pháp để biện hộ cho họ, đứng về phía họ.

Đây cũng là điều trăn trở mà tác giả đặt ra trong cả Freud và Socrates: đâu là ranh giới giữa bảo vệ người vô tội và trừng phạt kẻ có tội? [Theo như trong phim Charmed- một bộ phim Mỹ mà tôi rất thích hồi thơ ấu] Đâu là ranh giới giữa cái đúng và cái sai? Khi pháp luật không bảo vệ được người vô tội và trừng phạt kẻ có tội, chúng ta sẽ đứng về phía nào, đúng hay sai luật, theo luật pháp hay lương tâm?

Có lẽ yếu tố khiến tôi thích Freud nhất hệ liệt, dù chính tôi cảm thấy nó không xuất sắc bằng Socrates, là Ngôn Cách, là bối cảnh của Ngôn Cách có gì đó hao hao giống với Châu Sinh Thần trong Cốt cách mỹ nhân – một tác phẩm tôi yêu thích của Nhị Bảo. Đúng là chẳng có lý do gì hết! ^^ Còn nếu nói về yếu tố gì đó khiến tôi không hài lòng về Freud thì đó là:

Một, chi tiết Ngôn Cách có khả năng bị xâm hại tình dục khi đụng mặt Châm Tâm và bị nhân cách này hành hạ, đã được nêu ra như là một phần trong những gì mà Ngôn Cách phải chịu đựng trong quá khứ và là nhân tố khiến Chân Ý mất trí – tức là một trong những nguyên nhân chính tạo nút thắt cao trào cho truyện.

Nhưng tác giả lại không khai thác nó, mà chỉ đơn giản gói gọn nó lại vì Ngôn Cách không coi trọng vấn đề đó [theo như những gì nhân vật bày tỏ trong truyện], vì khi đó anh bị tự kỷ và bất tỉnh sẵn rồi nên cũng chẳng ảnh hưởng gì đến anh. @_@ Thật đấy! Trời ơi một cái tình tiết như thế mà không khai thác sâu hơn nội tâm của Ngôn Cách, và ảnh hưởng của nó hơn nữa tới Chân Ý, mà chỉ giải quyết nhẹ tựa lông hồng vậy.

Mình cảm thấy nếu tác giả ngay từ đầu không có ý định khai thác tình tiết này thì không cần đưa nó vào làm gì, vì tự dưng thừa ra rất vô duyên, mà chỉ cần đi sâu vào tình trạng thê thảm của Ngôn Cách khi đó, đi sâu vào cách hành hạ của Chân Tâm thì hơn. Còn nếu đã đưa ra tình tiết ấy, thậm chí coi như việc đó xảy ra cũng là do chủ ý của Chân Tâm nhằm hành hạ Ngôn Cách, thì nên làm gì đó với nó.

Hai, cách thức giải quyết nút thắt cuối truyện. Nếu chất độc tiêm vào người Chân Tâm thì cô hẳn sẽ quên hết mọi chuyện, hoặc phần lớn mọi chuyện, chứ không nên quên có chọn lọc [giữ lại cảm xúc và sự tin tưởng với Ngôn Cách] như thế. Vì cá nhân mình thì tin là tình cảm gắn bó với ký ức, nhiều người mất trí nhớ trở nên xa lạ và sợ hãi chính người thân, cho đến khi được tiếp xúc trở lại và nảy sinh tình cảm dựa trên sinh hoạt tiếp xúc sau này. Chỗ này thì là ý kiến cá nhân thôi, mình cũng cảm thấy nó hơi vô lý ha ha.

Còn Socrates thì có thể coi là bộ truyện nhiều giằng xé nội tâm nhất, phức tạp nhất cả hệ liệt. Sự đấu tranh nội tâm diễn ra giữa gần như hầu hết nhân vật trong truyện, và bạn đọc có thể cảm nhận rõ điều đó, từ nhân vật chính cho tới các nhân vật phụ [cảnh sát, pháp y, hung thủ, nạn nhân].

Một lần nữa, và với cách thức ác liệt hơn, tàn nhẫn hơn, trần trụi hơn, đưa ra vấn đề về lằn ranh giữa đúng và sai, giữa bảo vệ người vô tội và trừng phạt kẻ có tội,giữa phần con và phần người, thể hiện thông qua Ngôn Hàm. Ngôn Hàm là một cảnh sát tài năng, kinh nghiệm, và đối xử với người tốt rất tốt, nhưng anh không bao giờ có kiểu lấy nhân nghĩa thắng hung tàn.

Có thể nói là Ngôn Hàm đối tốt với người tốt, xấu với kẻ xấu, và tàn bạo hơn cả những kẻ tàn bạo. Song cái phần tối đó được giấu rất kỹ, ngủ rất sâu trong anh, và bình thường luôn bị cái chính nghĩa trong anh bao phủ. Nhưng phần tối ấy, con thú ấy nhảy xổ ra không khoan nhượng khi điểm yếu của anh, tâm can bảo bối của anh bị xâm phạm. Những con người cực đoan như thế thực ra vô cùng nguy hiểm, và nếu họ bị giẫm phải đuôi, thì có thể trở thành mối họa khôn lường cho xã hội.

Cá nhân mình hiểu và đồng cảm với Ngôn Hàm, song lại rất yêu thích Chân Noãn. Cô gái Chân Noãn này không mạnh mẽ nhiều như Chân Ý, nhưng lại có cái kiên cường của riêng mình, không thiên tài đến mức viễn tưởng như Chân Ái nhưng lại không phải dạng vừa đâu, cũng là bậc thầy trong chuyên môn và lĩnh vực của mình. Và ở cô có cái phần thiện lương và ngay thẳng đáng quý.

Nếu người cô yêu làm chuyện xấu xa, cô không thể dứt bỏ tình cảm với họ, những cũng sẽ không ở bên họ nữa, sẽ cô độc sống nốt quãng đời còn lại. Đó là cách xử lý vừa ngây thơ lại vừa sâu sắc. Thực ra có mấy ai trong chúng ta có thể gạt bỏ tình cảm sâu sắc ngay trong một sớm một chiều, có thể hoàn toàn cắt đứt để đứng về phía lý trí? Đến cả Dịch tiên sinh còn không dám chứng kiến cái chết của Vương Giai Chi dù thực tế cô là gián điệp muốn hại hắn, dù chính hắn ra lệnh xử bắn cô và đồng bọn, không dám và không thể thừa nhận chiếc nhẫn kim cương tặng cô – một thứ hắn đã thực sự bỏ tình cảm và công sức vào trong đó – là của hắn cơ mà.

Điều mình hay nghĩ tới khi khép lại Socrates thân yêu là một viễn cảnh. Có thể Thẩm Dực chính là anh em sinh đôi với Ngôn Hàm. Nếu kế hoạch T không diễn ra, 4 người bọn họ: Thẩm Dực, Ngôn Hàm, Chân Noãn và Hạ Thời sẽ có một tuổi thơ, một mối tình và mái ấm gia đình đẹp đến nhường nào.

Hai anh em sinh đôi yêu hai chị em sinh đôi thanh mai trúc mã.

Thẩm Dực trầm ổn thích một Chân Noãn quyết đoán, Ngôn Hàm xốc nổi yêu một Hạ Thời ngây thơ trong sáng.

Cô em gái Hạ Thời yếu đuối sẽ được các anh chị yêu quý, chở che và trải qua tuổi thơ tươi sáng, một cuộc sống hạnh phúc.

Chân Noãn mạnh mẽ sẽ trừng trị Ngôn Hàm vô tâm xốc nổi nếu làm tổn thương đến em gái Hạ Thời yêu quý của cô.

Còn Thẩm Dực sẽ luôn là người cần mẫn chịu khó thu dọn chiến trường thay bọn họ, năn nỉ Chân Noãn thay cho em trai nóng nảy lỗ mãng của mình.

Viễn cảnh ấy càng đẹp thì thực tại lại càng phũ phàng. Và sau tất cả những đau thương mà mọi người gánh chịu, tất cả những đau thương mà một nửa máu thịt bị chia cách, bị bắt cóc của họ gánh chịu, Ngôn Hàm và Chân Noãn – Hạ Thời thực sự sẽ càng phải sống tốt, sống hạnh phúc hơn nữa… phải không?

Nhân tiện có lẽ vì đọc không kỹ, nhưng bạn đọc nào đó có thể lý giải giúp mình là Archimedes thân yêu tại sao lại lấy tên Archimedes không?

Chủ Đề