So sánh hoàng kim giáp và dạ yến năm 2024

Thời gian gần đây, hàng loạt những bộ phim bom tấn đóng mác Trung Quốc ra đời với kinh phí đầu tư hàng chục triệu USD như Hoàng kim giáp, Ngọa hổ tàng long hay Vô cực. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu tiền đầu tư có tỉ lệ thuận với chất lượng và nghệ thuật?

Các siêu phẩm thay nhau ra đời

Ở một đất nước nổi tiếng với những phim nghệ thuật có kinh phí đầu tư thấp, trung bình là 7 triệu USD một phim, thì việc sản xuất những bộ phim bom tấn quả là rất mạo hiểm. Nhưng những nhà làm phim kiểu mới của Trung Quốc vẫn kiên định đi theo quan điểm của mình.

Phim Ngọa hổ tàng long

Trương Nghệ Mưu, một trong số những đạo diễn thuộc thế hệ thứ năm phát biểu: “Điện ảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề nghiệm trọng, phần lớn thị phần đang bị những bộ phim Hollywood nắm giữ. Nếu không có người Trung Quốc nào chịu làm phim thương mại thì chỉ nay mai thôi thị trường sẽ tràn gập phim nước ngoài."

Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An được coi là mở màn cho trào lưu phim bom tấn của Trung Quốc. Với kinh phí đầu tư 15 triệu USD, phim được công chiếu lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 2000, bộ phim đã nhanh chóng trở thành phim nước ngoài có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ với 128 triệu USD. Bộ phim giành được 10 đề cử và 4 giải Oscar năm 2000 trong đó có giải giành cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

Phim Anh hùng

Sự ra đời của Anh hùng, Thập diện mai phục với kinh phí đầu tư 12 triệu USD, cùng với những cảnh quay hoành tráng, võ thuật công phu và dàn diễn viên ngôi sao Chương Tử Di, Lý Liên Kiệt, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc của đạo diễn Trương Nghệ Mưu tiếp tục làm nên kì tích ở các rạp chiếu.

Không thể không nhắc tới: Hoàng kim giáp bộ phim có chi phí đầu tư lớn chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc với 45 triệu USD.

Trương Nghệ Mưu không những chi một số tiền khổng lồ để xây dựng một cung điện giống y như thật, ông còn thuê 20.000 người cho các cảnh đánh trận và mua 3 triệu chậu cúc để làm nền cho bộ phim.

Doanh thu của siêu phẩm này cũng không hề khiêm tốn, riêng thị trường Trung Quốc Hoàng kim giáp đã có được 37 triệu USD và trở thành bộ phim nói tiếng Hoa có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh nước này.

Trần Khải Ca đạo diễn nổi tiếng với phim Bá Vương Biệt Cơ cũng quyết định tăng chi phí đầu tư cho những bộ phim của mình. Năm 2005 ông cho ra đời phim Vô cực, một thiên hùng ca hoành tráng trị giá 35 triệu USD được coi là Lord of the Rings của Trung Quốc.

Phùng Tiểu Cương - người từng thống trị các rạp chiếu phim bởi những bộ phim hài nổi tiếng như Cellphone, Be There or Be Square - cũng đã quyết định sản xuất những bộ phim săn giải Oscar. Ông hợp tác với những người bạn lâu năm, anh em nhà Hyayi để sản xuất ra siêu phẩm Hamlet của Trung Quốc có tên Dạ yến với chi phí đầu tư là 20 triệu USD.

Siêu phẩm có đồng nghĩa với nghệ thuật?

Doanh thu phòng vé và kinh phí đầu tư cao chưa bao giờ đi kèm với những lời khen, điều này có vẻ đúng trong trường hợp những bộ phim bom tấn ở Trung Quốc.

Thay vì góp phần khơi gợi niềm tự hào dân tộc, những bộ phim đã dấy lên một làn sóng tranh cãi trong nước về tương lai của điện ảnh Trung Quốc và liệu những đạo diễn này còn là những nghệ sĩ chân chính hay đã bị hai chữ “lợi nhuận” che mắt.

Phim Hoàng kim giáp

Giới phê bình và các đạo diễn trẻ Trung Quốc chỉ trích một số đạo diễn thuộc thế hệ những nhà làm phim thứ năm [trong đó Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương] quay lưng lại với quá khứ của dân tộc. Họ coi những bộ phim do những đạo diễn này sản xuất ra không đáng xem, nhạt nhẽo vô vị, đa số đều là phim thương mại, đắt về kinh phí đầu tư nhưng rẻ tiền về nội dung.

Tiêu biểu là phim Hoàng kim giáp khi ra đời bộ phim đã “giành” được rất nhiều lời “khen gợi” từ giới phê bình.

Trong một bài báo trên tạp chí Sunday Times của Đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc, tác giả đã không ngớt lời chỉ trích đây là một bộ phim khát máu và quá thô với những hiệu ứng giả tạo: "Tiền không thể làm nên nghệ thuật. Những bộ phim hay không dựa trên những cảnh và hiệu ứng giả tạo cũng như những cảnh B.L và se‌ּx. Sau khi xem xong phim, tôi vẫn còn cảm thấy buồn nôn. Nói tóm lại, đó là một bộ phim mang đầy tính B.L.”

Thậm chí giáo sư của khoa điện ảnh trường đại học Thượng Hải Chen Xihe còn có nhận xét sau về Trương Nghệ Mưu: “Những bộ phim gần đây của ông, nhìn thì đẹp, thành công về mặt thương mại tuy nhiên lại không có giá trị sâu sắc. Ông ấy chuyển từ một đạo diễn thông minh coi trọng những giá trị truyền thống sang một nhà làm phim hiện đại đặt nặng vấn đề thành công của thị trường.”

Sau khi phim Vô cực được trình chiếu, Trần Khải Ca cũng nhận được khá nhiều phản hồi từ phía giới phê bình phim.

Báo Thẩm Dương đánh giá: "Nếu so sánh về kết cấu câu chuyện, chủ đề phim, những khám phá về tình người, Vô cực rõ ràng kém hẳn những bộ phim kinh điển như Thị trấn Phù Dung, Bá Vương biệt Cơ.

Nếu Bá Vương Biệt Cơ là một tấm bia nhân văn khó vượt qua thì Vô cực lại thiếu tính văn học, mặc dù cả hai phim đều dùng kết cấu sử thi. Vô cực chỉ giúp cho các nhà điện ảnh nước ngoài nhìn thấy được một bộ phim viễn tưởng đến từ phương Đông xuất sắc như thế nào".

Phim Dạ yến

Nhà phê bình điện ảnh Trung Quốc Dương Cận Tùng tỏ ra thất vọng: "Bộ phim kể về một câu chuyện có liên quan tới lời hứa và sự thất tín. Đạo diễn đã nói rõ chủ đề phim ngay từ cảnh mở đầu khi cô bé nghèo Khuynh Thành đứng nói chuyện với cậu bé Vô Hoan.

Nhưng do quá chạy theo thị trường, ỷ lại vào dàn diễn viên minh tinh, đạo diễn đã biến câu chuyện vốn đơn giản thành phức tạp, nhằm đánh lạc hướng khán giả và tăng thêm trí tò mò.

Do vậy, dấu ấn của đạo diễn trong phim quá đậm nét, thậm chí có chỗ cố ý. Chỉ sau khi xem xong phim, khán giả mới hiểu rõ té ra bộ phim chỉ kể về câu chuyện liên quan tới một cái bánh màn thầu".

Huang Shixian, giáo sư của Học viện Điện Ảnh Bắc Kinh thẳng thắn phát biểu: “Một số siêu phẩm trong nước không thể phản ánh được văn hóa truyền thống Trung Quốc. Chúng quá tập trung vào hiệu ứng hình ảnh và có xu hướng bắt chước các bộ phim Hollywood.”

Đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha, người từng chiến thắng giải “Sư tử vàng” cho “Phim xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Venice với "Still Life", đã khuyến cáo tiêu chí làm phim với các siêu phẩm kinh phí lớn có thể làm xói mòn sự sáng tạo trong nền phim ảnh Trung Quốc: “Bây giờ các nhà làm phim quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tiền bạc. Nhiều người nghĩ nếu làm tương tự như Hollywood thì mọi người sẽ thích xem phim của họ. Thật nực cười.”

Chủ Đề