Sự hài lòng trong học tập của sinh viên

Posted on by Lê Văn Tuấn

Sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo các môn khoa học cơ bản tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn

[Nguồn: //tapchicongthuong.vn/]

TS. HÀ NAM KHÁNH GIAO [Trưởng khoa Vận tải Hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam] TRẦN THỊ MỸ VÂN [Thư ký Ban Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn]

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến sự hài lòng [SHL] của sinh viên đại học về chất lượng dịch vụ đào tạo các môn khoa học cơ bản tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn [STU], bằng việc khảo sát 380 sinh viên năm 1 và năm 2, công cụ Cronbach’s Alpha, EFA và phân tích hồi quy bội được sử dụng, với phần mềm SPSS 20.0.

Kết quả đã đưa ra được mô hình sự hài lòng của sinh viên gồm 4 nhân tố, sắp xếp theo thứ tự độ mạnh giảm dần: [1] Chi phí khóa học; [2] Đội ngũ giảng viên; [3] Chương trình đào tạo; [4] Cơ sở vật chất. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các hàm ý quản trị đến Ban Chủ nhiệm Khoa Khoa học Cơ bản – Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn nhằm nâng cao sự hài lòng của sinh viên.

Từ khóa: Sự hài lòng, chất lượng dịch vụ đào tạo, SERVPERF, môn khoa học cơ bản, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn.

1. Tổng quan

Chất lượng đào tạo luôn là vấn đề quan trọng và được các trường đại học hiện nay đặc biệt quan tâm, khi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định việc đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá để tạo sự đổi mới toàn diện giáo dục đại học và phát triển quy mô phải đi đôi với đảm bảo chất lượng đào tạo.

Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn [STU] cũng đã từng bước thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trên thực tế, hai năm đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, sinh viên thường gặp nhiều bỡ ngỡ, cần sự tư vấn và hỗ trợ từ phía Nhà trường và thầy cô. Sinh viên sẽ phải tiếp cận các môn Khoa học Cơ bản bao gồm các kiến thức giáo dục đại cương cần thiết, và trong những năm đầu tiên  sinh viên thường có thái độ học tập còn hạn chế. Vì vậy, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ đào tạo các môn Khoa học cơ bản tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn trở nên cần thiết.

2. Khái luận lý thuyết

2.1. Chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của sinh viên trong giáo dục đại học

Ngành Giáo dục là một trong những lĩnh vực dịch vụ và được coi là xương sống, đóng góp quan trọng trong phát triển đất nước và nền kinh tế của một quốc gia. Chất lượng giáo dục cũng là một thách thức đối với các trường đại học trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung [Hà Nam Khánh Giao, 2018]. “Và sinh viên là những “khách hàng” của một trường đại học” [Huang, 2009].

Berry [1995] cho rằng “Dịch vụ là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao giá trị tích cực và có thể ảnh hưởng đến sự thành công của một trường đại học. Nhận thức của sinh viên về sự hài lòng như là một công cụ cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ các trường đại học”. Oldfield & Baron [2000] thêm vào “Giáo dục đại học có thể được xem như là một “dịch vụ thuần túy”, cho thấy nó có tất cả các đặc điểm độc đáo của một dịch vụ”. Chính vì vậy, “Cố gắng để đánh giá mức độ chất lượng dịch vụ và sự hiểu biết về các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ tổng thể là rất quan trọng, đó là yếu tố để các tổ chức giáo dục đại học có thể thiết kế dịch vụ của họ theo cách tốt nhất có thể” [Firdaus, 2006].

Firdaus [2006] đã chỉ ra trong mô hình HedPERF những Hoạt động ngoài chuyên môn, Hoạt động chuyên môn, các Chương trình đào tạo, truy cập và uy tín là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ trong giáo dục đại học. Kuh và Hu [2001] đã tuyên bố rằng, sự tương tác một cách hiệu quả giữa sinh viên và giảng viên là một yếu tố tác động mạnh mẽ của sự hài lòng của sinh viên.

2.2. Đề xuất mô hình nghiên cứu

Kết hợp với kết quả nghiên cứu từ mô hình HedPERF của Firdaus [2006], Tuan [2012], Phạm Thị Liên [2016], Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Thị Phượng và Vũ Thị Hồng Loan [2016], Võ Văn Việt [2017], Huang [2009], Muhammed [2010], Athiyaman [1997], Vrana và ctg [2015], và từ tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia [Lãnh đạo Phòng/Ban/Khoa], nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu về sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo các môn Khoa học Cơ bản tại STU tại SHL = f [Chi phí khóa học; Đội ngũ giảng viên; Chương trình đào tạo; Cơ sở vật chất, Đội ngũ hỗ trợ] và các giả thuyết nghiên cứu.

H1: Chi phí khóa học tác động cùng chiều đến SHL.

H2: Đội ngũ giảng viên tác động cùng chiều SHL.

H3: Chương trình đào tạo tác động cùng chiều đến SHL.

H4: Cơ sở vật chất tác động cùng chiều đến SHL.

H5: Đội ngũ hỗ trợ tác động cùng chiều đến SHL.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thông tin mẫu nghiên cứu

Đối tượng khảo sát là những sinh viên năm thứ nhất [Khóa 2018] và sinh viên năm thứ hai [Khóa 2017] đã và đang theo học các môn Khoa học Cơ bản tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn. Tổng cộng có 380 bảng khảo sát được phát ra, thu về 380 bảng [Không có bảng khảo sát nào không đạt yêu cầu] đạt tỷ lệ 100% trên tổng số bảng khảo sát phát ra. Bảng câu hỏi được mã hóa và được xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0 [Bảng 1]. 

3.2. Kiểm định thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha

Nhóm tác giả phân tích hệ số Cronbach’s Alpha để loại các biến không phù hợp hạn chế các biến rác, kết quả cho thấy các biến có hệ số Cronbach’s Aalpha lớn hơn 0.55 và có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0.33 [Hà Nam Khánh Giao & Bùi Nhất Vương, 2019] [Bảng 2]. Các biến này được sử dụng trong phân tích EFA tiếp theo.

Bảng 2. Hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha

Nhân tố Số biến quan sát Cronbach’s Alpha Hệ số tương quan biến- tổng nhỏ nhất
Đội ngũ giảng viên [DNGV] 6 0,779 0,460
Đội ngũ hỗ trợ [DNHT] 6 0,817 0,367
Chương trình đào tạo [CTDT] 6 0,803 0,443
Chi phí khóa học [CPKH] 5 0,861 0,649
Cơ sở vật chất [CSVC] 7 0,774 0,388
Sự hài lòng [SHL] 5 0,837 0,620

Nguồn: Tổng hợp từ nghiên cứu của nhóm tác giả

 3.3. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Có 30 biến độc lập được đưa vào phân tích yếu tố EFA với phương pháp trích Principal Component và phép quay Varimax. Sau khi loại 3 biến quan sát DNHT6, CSVC2, CSVC1 ở lần EFA đầu tiên. Kết quả kiểm định Barlett với sig bằng 0 [< 0,005] và hệ số KMO bằng 0,872 [> 0,5], Eigenvalue bằng 1,370 và phương sai trích là 55,387% [> 50%] đạt yêu cầu. Mô hình hồi quy sẽ có 05 biến độc lập [Bảng 3].

Bảng 3. Kết quả phân tích nhân tố khám phá lần 2

  Yếu tố
1 2 3 4 5
CPKH3 0,831        
CPKH4 0,739        
CPKH1 0,739        
CPKH5 0,733        
CPKH2 0,725        
DNHT3   0,840      
DNHT1   0,837      
DNHT2   0,823      
DNHT4   0,700      
DNHT5   0,613      
CTDT1     0,718    
CTDT3     0,714    
CTDT4     0,663    
CTDT2     0,612    
CTDT6     0,598    
CTDT5     0,568    
DNGV2       0,701  
DNGV1       0,673  
DNGV5       0,673  
DNGV4       0,655  
DNGV3       0,606  
DNGV6       0,583  
CSVC6         0,736
CSVC4         0,708
CSVC7         0,699
CSVC3         0,636
CSVC5         0,561

 Nguồn: Tổng hợp từ nghiên cứu của nhóm tác giả

Phân tích EFA cho biến phụ thuộc “Sự hài lòng”, kết quả cho thấy các biến quan sát có tương quan đủ mạnh để chạy EFA thông qua kiểm định Bartlett với số sig bằng 0 nhỏ hơn 0,05 và KMO bằng 0,771 lớn hơn 0,5. Kết quả có 1 nhân tố được trích tại hệ số Eigenvalue bằng 3,033 và tổng phương sai trích là 60,652%. Hệ số tải nhân tố của 5 biến quan sát đều đạt yêu cầu lớn hơn 0,5.

3.4. Phân tích tương quan tuyến tính và phân tích hồi quy

Ma trận tương quan Pearson cho thấy rằng mức ý nghĩa của các hệ số rất nhỏ [sig < 0,50] nên các hệ số tương quan có ý nghĩa thống kê và đều đủ điều kiện để đưa vào phân tích hồi quy.

Phân tích hồi quy tuyến tính bội được thực hiện bằng việc sử dụng phương pháp Enter lần 2 cho kết quả như trong Bảng 4, trong đó, nhân tố Đội ngũ hỗ trợ bị loại.

Bảng 4. Kết quả hồi quy

Mô hình Hệ số chưa chuẩn hóa Hệ số

chuẩn hóa

T Sig. Thống kê đa

cộng tuyến

B Sai số chuẩn Beta Dung sai VIF
1 [Hằng số] 0,976 0,175   5,575 0,000    
CPKH 0,409 0,037 0,486 11,099 0,000 0,712 1,405
CTDT 0,124 0,049 0,121 2,524 0,012 0,597 1,674
DNGV 0,178 0,048 0,164 3,689 0,000 0,689 1,451
CSVC 0,086 0,039 0,097 2,220 0,027 0,718 1,392
Biến phụ thuộc: SHL
R2 hiệu chỉnh: 0,483
Thống kê F [ANOVA]: 89,525
Mức ý nghĩa [Sig. của ANOVA]: 0,000
Durbin-Watson: 1,819

Nguồn: Tổng hợp từ nghiên cứu của nhóm tác giả

Kết quả phân tích phương sai ANOVA cho thấy trị thống kê F = 89,525 với giá trị sig = 0,000 chứng tỏ mô hình hồi quy phù hợp với tập dữ liệu. Durbin-Watson là 1,819 < 3 cho thấy,  không có sự tương quan giữa các biến trong mô hình. Hệ số VIF của các biến đều < 10 chứng tỏ không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Hệ số R2 hiệu chỉnh 0,483 cho thấy 48,3% sự biến thiên của biến phụ thuộc được giải thích bởi các biến độc lập. Phương trình hồi quy chưa chuẩn hóa: SHL = 0,976 + 0,409 * CPKH + 0,124 * CTDT + 0,178 * DNGV + 0,086 * CSVC.

3.5. Kiểm định sự vi phạm của các giả định hồi qui

Đồ thị phân tán Scatterplot cho thấy phần dư phân tán ngẫu nhiên xung quanh đường đi qua tung độ 0 và dao động nhiều ở biên độ +/- 1, chứng tỏ rằng giả định liên hệ tuyến tính không bị vi phạm. Biểu đồ tần số Histogram cho thấy đường cong phân phối chuẩn đặt chồng lên biểu đồ tần số, giá trị trung bình rất nhỏ gần bằng 0 [mean = 1,10E-15] và độ lệch chuẩn gần bằng 1 [Std. Dev = 0,995], cho thấy phân phối của phần dư xấp xỉ chuẩn. Biểu đồ P-P plot cũng cho thấy các điểm quan sát không phân tán quá xa đường thẳng kỳ vọng nên có thể kết luận rằng giả thiết phần dư có phân phối chuẩn không bị vi phạm. Như vậy, mô hình hồi qui tuyến tính trên là phù hợp.

Bảng 4 cho thấy 04 biến độc lập có tác động cùng chiều vào biến phụ thuộc SHL theo thứ tự giảm dần: Chi phí khóa học [β = 0,486], Đội ngũ giảng viên [β = 0,164], Chương trình đào tạo [β = 0,121], Cơ sở vật chất [β = 0,097]. Các giả thuyết H1, H2, H3, H4 đều được chấp nhận ở độ tin cậy 95%, giả thuyết H5 bị bác bỏ.

3.6. Kiểm định sự khác biệt

Kiểm định T-test và ANOVA một chiều được sử dụng, kết quả cho thấy không có sự khác biệt giữa nam và nữ, năm 1 và năm 2 về SHL, tuy nhiên có sự khác biệt giữa các ngành học về SHL.

4. Kết luận và đề xuất hàm ý quản trị

4.1. Kết luận

Qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng phù hợp, xử lý số liệu bằng phương tiện thống kê để có thể xác định được 4 yếu tố đánh giá SHL, sắp xếp theo thứ tự tác động giảm dần: Chi phí khóa học; Đội ngũ giảng viên; Chương trình đào tạo; Cơ sở vật chất và từ đó đề xuất các hàm ý quản trị mang tính khách quan.

4.2. Hàm ý quản trị

4.2.1. Chi phí khóa học

“Chi phí khóa học” có mức độ ảnh hưởng cao nhất với β = 0,486 và mean là 3,2911. Do đó, Nhà trường nên cân nhắc, tính toán, quan tâm hơn nữa các mức học phí ở tất cả các ngành và bậc học để sinh viên cảm thấy hài lòng hơn với các mức học phí được áp dụng tại trường. Nhìn chung, chi phí khóa học các môn KHCB tại trường STU phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên, phù hợp với chuyên ngành và bậc học, kể cả khi so sánh với mặt bằng chung ở tất cả các trường ngoài công lập.

4.2.2. Đội ngũ giảng viên

“Đội ngũ giảng viên” có mức độ ảnh hưởng xếp thứ hai với β = 0,164 và mean là 3,8430. Vì vậy, Nhà trường cần có những chính sách thu hút các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm giảng dạy, có kiến thức sâu rộng thực tế về lĩnh vực giảng dạy, về công tác chính thức tại trường. Ngoài ra, Nhà trường cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu hiện có bằng cách: Tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên có cơ hội học tập nâng cao trình độ ở bậc sau đại học, khuyến khích nghiên cứu khoa học, hỗ trợ hơn nữa cho giảng viên tham gia các hội thảo nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ngoài trình độ chuyên môn, các giảng viên cần trau dồi các kỹ năng như: Kỹ năng sư phạm, các phương pháp giảng dạy; Kỹ năng tin học; Kỹ năng ngoại ngữ, … Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần có hình thức kiểm tra và đánh giá điểm số của sinh viên một cách công bằng, hợp lý, có thái độ gần gũi và thân thiện với sinh viên, có biện pháp đôn đốc, theo dõi, nhắc nhở sinh viên đến lớp học, thường xuyên lấy ý kiến phản hồi của sinh viên giúp sinh viên cảm thấy hài lòng và tin tưởng về đội ngũ giảng viên của trường.

4.2.3. Chương trình đào tạo

Mean của nhân tố này là 3,6781. Trong tuần gặp gỡ sinh hoạt đầu khóa chào đón các tân sinh viên, Nhà trường sẽ phát sổ tay sinh viên, niên giám năm học, trong đó có các nội dung: Mục tiêu đào tạo; Chương trình đào tạo; Khối lượng kiến thức tích lũy [các môn học bắt buộc và môn học tự chọn]; Phương thức đánh giá môn học; Các quy định của trường, các quy chế học vụ; Chuẩn đầu ra của ngành học,… để sinh viên nắm được tổng quát mức độ cần thiết của các môn học nói chung và của các môn học KHCB nói riêng [khối kiến thức bắt buộc] trong chương trình đào tạo. Sinh viên đánh giá cao ở yếu tố này là do Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng thực tế mà sinh viên cần có. Công tác quản lý đào tạo, đăng ký môn học, sắp xếp lịch học, bố trí lịch thi của trường hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Nhà trường cần tiếp tục duy trì, phát huy và thực hiện tốt yếu tố này nhiều hơn nữa.

4.2.4. Cơ sở vật chất

Mean của nhân tố này là 3,4253. Vì vậy, đối với các trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập, cơ sở vật chất toàn diện, Nhà trường cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm để kịp thời sửa chữa, thay thế các trang thiết bị hư hỏng, tránh tình trạng lỗi thời không phù hợp với ngành nghề đào tạo, làm ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó, thư viện Trường nên tiếp tục bổ sung, cập nhật các đầu sách mới, xây dựng dữ liệu thư viện điện tử với nhiều tài liệu, sách, giáo trình, các nghiên cứu khoa học giúp cho sinh viên tiếp cận dễ dàng.

4.3. Hạn chế của đề tài

Mặc dù đề tài đã giải quyết xong mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, nhưng vẫn còn một số hạn chế như sau: [1] Phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên tại STU, do đó, kết quả mang tính đại diện chưa cao, [2] Vẫn còn một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên, [3] Một số sinh viên chưa thật sự quan tâm trả lời bảng khảo sát. Đó cũng chính là gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo.

———————–&&&———————–

Filed under: Phân tích giáo dục |

Video liên quan

Chủ Đề