Sự tích táo quân 1 bà 2 ông

"Thế gian một vợ, một chồng/ Không như vua bếp hai ông một bà"... những câu ca truyền miệng về sự tích Táo quân đã đi sâu vào đời sống văn hóa người Việt với câu chuyện éo le trong xã hội từng tồn tại chế độ "trai năm thê bảy thiếp".

Thế nên, chuyện "hai ông một bà" vừa được coi là hiếm, vừa là câu cửa miệng để người ta nhắc nhở, trêu đùa nhau: Đừng bắt chước...Táo quân! PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Lai Thúy - người từng có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa - xung quanh câu chuyện này.

Thưa PGS.TS Đỗ Lai Thúy, sự tích Táo quân không còn xa lạ với người Việt nhưng tình huống "hai ông một bà" vẫn được coi là chuyện xưa nay hiếm. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

- Sự tích Táo quân là một câu chuyện cổ phản ánh tàn tích của một giai đoạn từng tồn tại trong xã hội cũ đó là chế độ đa phu (một người phụ nữ lấy nhiều chồng). Trong văn học dân gian Việt Nam, không chỉ có sự tích Táo quân mà sự tích trầu cau cũng tương tự.

Để đánh giá về một chế độ, chúng ta cần đặt nó trong mối tương quan văn hóa, lịch sử giai đoạn ấy. Nếu đem chế độ đa thê (một người đàn ông lấy nhiều vợ) hay chế độ một vợ một chồng như ngày nay soi chiếu vào chế độ đa phu ắt sẽ thấy nó ngược đời, khó chấp nhận nhưng trong lăng kính của thời kì ấy lại hoàn toàn không có gì trái luân thường đạo lý hay đi ngược giá trị văn hóa, đạo đức gì cả.

Trong lịch sử nhân loại, hôn nhân của con người từng trải qua những bước như: Tạp hôn (tất cả đều là vợ là chồng của nhau), quần hôn (hôn nhân theo nhóm) rồi bước sang thời kì mẫu hệ. Bấy giờ, vai trò của người phụ nữ được đề cao, hình thành nên chế độ đa phu. Kết thúc giai đoạn này mới đến thời kì phụ hệ, đàn ông được lấy nhiều vợ và bây giờ là chế độ một vợ, một chồng. Quá trình trải qua các giai đoạn hôn nhân của loài người xảy ra ở bất cứ nơi đâu chứ không riêng gì Việt Nam. Dù đã qua những giai đoạn đó nhưng vẫn còn những tàn tích, ảnh hưởng nhất định trong đời sống văn hóa cũng như tâm thức hay vô thức của con người.

Theo ông, vì sao trong văn chương, nghệ thuật, tư liệu lịch sử... chế độ đa thê được khắc họa khá rõ nét còn chế độ đa phu thì không?

- Trước hết, về mặt thời gian, chế độ đa phu diễn ra trước và sự tồn tại cũng ngắn ngủi hơn. Đến khi người đàn ông chiếm lại được vai trò của mình thì hình thành ngay chế độ đa thê và chế độ này được kéo dài kỉ lục, thậm chí dài cho đến tận... ngày nay ở nhiều vùng văn hóa, lãnh thổ.

Bên cạnh đó, còn một đặc điểm khác là tư tưởng phụ hệ (đề cao vai trò người đàn ông) rất mạnh, mạnh đến mức đủ sức phá bỏ gần hết những tàn tích của chế độ mẫu hệ trước đó. Vì thế, chế độ đa phu của nhân loại, cụ thể là ở Việt Nam không còn nhiều bằng chứng trong văn chương, nghệ thuật, tư liệu lịch sử. Trong quá trình nghiên cứu, tôi cũng chỉ gặp có hai sự tích là Táo quân và trầu cau thôi. Câu chuyện lịch sử về bà Trưng, bà Triệu cầm quân đánh giặc cũng có thể được coi là dấu tích của chế độ mẫu hệ.

Sự tích táo quân 1 bà 2 ông

PGS.TS Đỗ Lai Thúy

Trong sự tích Táo quân, chỉ khi những nhân vật mất đi thì chuyện "hai ông một bà" mới được tác thành theo kiểu "nghĩa tử là nghĩa tận" còn dường như người Việt vẫn không chấp nhận điều này trong đời sống bình thường?

Ở góc độ văn hóa xã hội, nhất là khi đời sống ngày nay vẫn còn bị ảnh hưởng phần nào bởi tư tưởng phụ hệ thì thường những chuyện "hai ông một bà" sẽ không được chấp nhận. Nếu nhìn bằng tư tưởng phụ hệ, những người đàn ông mà phải "chung vợ" thì đó bị coi là nỗi nhục. Nói gì thì nói, trong xã hội hiện đại, dù bình đẳng đến đâu thì quyền lực của người đàn ông vẫn thường được đề cao hơn phụ nữ.

Thế mới có phong trào đấu tranh cho nữ quyền đã và vẫn đang tiếp tục diễn ra để chống lại việc người đàn ông áp đặt cái nhìn của mình lên toàn xã hội, buộc phụ nữ cũng phải tuân theo mình hoặc có khi là cuộc đấu tranh nội tại trong chính tư tưởng người phụ nữ vì suy nghĩ của họ so với đàn ông thường dễ chấp nhận, dễ thỏa hiệp trước éo le, bất hạnh hơn.

Riêng vấn đề cái chết giải quyết bi kịch con người thì rất phổ biến. Đó như một quy luật về tâm lý con người, dù bình thường người ta ghét nhau đến mấy thì lúc "nhắm mắt xuôi tay" xem như những mâu thuẫn, giằng co tạm thời khép lại bởi còn ai nữa đâu để mà "chiến đấu".

Tương tự, sự tích Táo quân dù không phản ánh hoàn toàn chế độ đa phu theo như định nghĩa vì các mối quan hệ đàn ông-đàn bà không diễn ra cùng lúc nhưng qua hình tượng, câu chuyện thì vẫn là tàn tích chế độ đa phu.

Từ tàn tích phản ánh qua chuyện cổ đến khi được dân gian tác thành, phong thần cho cả ba thì chuyện "hai ông một bà" đã hoàn toàn trở lại, hiện diện sống động trong tâm thức hoặc vô thức con người theo đúng chế độ đa phu thực sự.

Theo ông, phía sau sự tích Táo quân là bài học gì?

Sự tích Táo quân cũng có nhiều dị bản. Mỗi dị bản có cách kể về tình huống, bi kịch khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là những nhân vật đều sống có nghĩa có tình. Ngoài những lý giải về phong tục, văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống của người Việt thì sự tích này còn mang đậm ý nghĩa về tinh thần nhân văn, tình nghĩa vợ chồng.

Ngay cả khi họ không còn chung sống với nhau nữa nhưng dứt tình thì còn nghĩa vấn vương. Chính sự giằng co giữa hiện thực và quá khứ, giữa người này với người kia dẫu có thể tạo nên bi kịch nhưng phía sau đó luôn thể hiện tình cảm gắn bó, lòng trắc ẩn, sẻ chia của con người.