Tại sao giá trị xuất nhập khẩu tăng rất nhanh từ sau năm 2000

ThS. LÊ TUẤN ANH và ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH LIÊN [Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành]

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích, so sánh, làm rõ những thay đổi trong cán cân thương mại của Việt Nam trong những năm gần đây. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ kể từ sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, nhưng lại gắn sự lớn mạnh nhanh chóng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài so với khu vực kinh tế trong nước. Ngoài ra, kết quả còn cho thấy hiện tượng nhập siêu dai dẳng từ khu vực kinh tế trong nước và thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang tăng lên nhanh. Từ đó, bài viết cũng đề xuất một số giải pháp phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại quốc tế trong thời gian tới.

Từ khóa: Xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, thương mại quốc tế, nhập siêu.

1. Đặt vấn đề

Sau 10 năm chính thức là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới [WTO], quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, năm 2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 350,7 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,52 tỷ USD - mức xuất siêu cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, đằng sau con số tăng trưởng ấn tượng này là hàng loạt vấn đề cần làm rõ, như: Liệu các mức tăng trưởng này có thực sự tích cực cho nền kinh tế Việt Nam không? Sự đóng góp của các khu vực kinh tế cho cán cân thương mại như thế nào? Khu vực kinh tế nào đóng vai trò chủ yếu trong việc gia tăng cán cân thương mại thời gian qua? Xu hướng tăng trưởng này có bền vững hay không?

Để làm rõ các câu hỏi trên, bài viết đặt trọng tâm vào giải quyết những mục tiêu nghiên cứu chính như sau: [i] Đi sâu phân tích, làm rõ sự thay đổi trong quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2007-2016, [ii] Làm rõ sự đóng góp của các khu vực kinh tế, của cơ cấu hàng hóa trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam trong thời gian nghiên cứu, [iii] Đề xuất một số giải pháp gửi tới các cơ quan chức năng tham khảo nhằm phục vụ công tác quản lý hoạt động thương mại quốc tế thời gian tới.

2. Phân tích thương mại quốc tế của Việt Nam dựa trên cán cân thương mại

Trong những năm gần đây, cán cân thương mại Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc cả về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu. Những điểm khác biệt chủ yếu trên cán cân thương mại tổng thể được tổng hợp như sau:

Thứ nhất: Có xu hướng gia tăng mạnh mẽ của tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam, đặc biệt giai đoạn 2007 - 2016, tổng kim ngạch đạt 2211,2 tỷ USD [gấp gần 5,3 lần giai đoạn 1997 - 2006]. Cũng trong giai đoạn 2007 - 2016, giá trị xuất khẩu đạt 1072,93 tỷ USD [gấp 5,5 lần giai đoạn 1997 - 2006] và giá trị nhập khẩu đạt 1138,27 tỷ USD [gấp 5,1 lần giai đoạn 1997 - 2006].

Hình 1: Kim ngạch thương mại của Việt Nam giai đoạn 1997 - 2016

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thứ hai: Kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu đã dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam tăng lên đột biến năm 2007. Giá trị nhập siêu tăng vọt từ 5,06 tỷ USD năm 2006 lên mức 14,12 tỷ USD năm 2007 và đạt 18,02 tỷ USD vào năm 2008. Như vậy, chỉ trong hai năm 2007 - 2008, giá trị nhập siêu đã gấp 1,27 lần cả giai đoạn 2000 - 2006. Giai đoạn 2009 - 2011 giá trị nhập siêu của Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao nhưng có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, năm 2012, cán cân thương mại đột biến thặng dư 748 triệu USD và con số này đã tăng lên 2,37 tỷ USD vào năm 2014. Năm 2015, cán cân thương mại lại rơi vào thâm hụt 3,55 tỷ USD và đến năm 2016 bất ngờ đổi chiều và đạt đỉnh thặng dư từ trước đến nay là 2,52 tỷ USD. Việc cán cân thương mại thặng dư trong giai đoạn 2012 - 2014 và năm 2016 là do xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài [FDI] tăng vọt kết hợp với việc giảm nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước.

Hình 2: Cán cân thương mại Việt Nam giai đoạn 2000 - 2014

Nguồn: Tổng cục Thống kê

3. Phân tích thương mại quốc tế của Việt Nam dựa trên khu vực kinh tế

Nhìn tổng thể trong cả giai đoạn 2000 – 2016, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI đều tăng lên, nhưng tốc độ tăng của khu vực FDI lại nhanh hơn và ngày càng vượt xa khu vực kinh tế trong nước.

3.1. Về kim ngạch xuất khẩu

Năm 2006, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 57,9% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Từ năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh một cách đột biến so với khu vực kinh tế trong nước. Giai đoạn 2012 – 2016, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng với tốc độ trung bình 21,3%/ năm [cao hơn mức tăng của kim ngạch xuất khẩu cả nước trung bình là 12,7%]. Đỉnh điểm là năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đã cao hơn gấp 2 lần khu vực kinh tế trong nước, chiếm tỷ trọng gần 72% trong tổng kim ngạch xuất khẩu [năm 2010, khu vực FDI chỉ chiểm khoảng 47%]. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng rất chậm, đặc biệt là trong năm 2015 - 2016, kim ngạch xuất khẩu của khu này giảm lần lượt 8,5% và 2,8%. Điều này cho thấy, thương mại Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào khu vực FDI với xu hướng này ngày càng tăng.

Hình 3: Kim ngạch xuất khẩu theo khu vực kinh tế giai đoạn 2005 - 2016

Nguồn: Tổng cục Hải quan

3.2. Về kim ngạch nhập khẩu

Năm 2006, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước vẫn chiếm 63,3% tổng kim ngạch [28,4 tỷ USD] và khu vực FDI là 26,7% [16,49 tỷ USD]. Năm 2007 - 2008, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh hơn khu vực FDI [năm 2007 tỷ trọng nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước là 65,4% tổng kim ngạch, tăng 2,1% so với năm 2006]. Tiếp theo, giai đoạn 2009 - 2010, nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước lại sụt giảm liên tục và phục hồi vào năm 2011. Qua năm 2012, khu vực kinh tế trong nước chỉ còn chiếm 47,3% tổng kim ngạch nhập khẩu [53,89 tỷ USD], chính thức bị khu vực FDI vượt qua khi khu vực này đạt mức 59,9 tỷ USD [đạt 52,7% tổng kim ngạch]. Trong năm 2016, nhập khẩu khu vực FDI đã đạt 102,3 tỷ USD [chiếm 59% tổng kim ngạch], còn khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 71 tỷ USD [chỉ còn 41% tổng kim ngạch].

Trong giai đoạn 2014 - 2016, khu vực kinh tế trong nước luôn rơi sâu vào nhập siêu thì khu vực FDI luôn xuất siêu với giá trị lớn. Chính điều này dẫn đến tình trạng nhập siêu giảm dần và từ năm 2012 trở đi thương mại Việt Nam đã bắt đầu xuất siêu và năm 2016, Việt Nam đã đạt mốc kỷ luật khi thăng dư 2,52 tỷ USD. Nhưng trạng thái này diễn ra không bền vững do thương mại Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào việc xuất siêu của khu vực FDI.

4. Phân tích thương mại quốc tế của Việt Nam theo quốc gia đối tác

Kim ngạch xuất khẩu: Trước khi gia nhập WTO [năm 2006], 03 quốc gia nhập khẩu từ Việt Nam nhiều nhất là: Hoa Kỳ 7,8 tỷ USD, Nhật Bản 5,2 tỷ USD và Australia 3,7 tỷ USD. Đến năm 2016, 03 quốc gia nhập khẩu từ Việt Nam nhiều nhất lần lượt là: Hoa Kỳ đạt 38,5 tỷ USD, Trung Quốc đạt 21,9 tỷ USD và Nhật Bản đạt 14,68 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu: Năm 2006, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc 7,4 tỷ USD, Singapore 6,2 tỷ USD và Đài Loan 4,8 tỷ USD. Đến năm 2016, 03 quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, gồm: Trung Quốc 49,8 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 31,7 tỷ USD và Nhật Bản đạt 15 tỷ USD. Tổng cộng 3 đối tác này chiếm 55,4% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, đáng lưu ý là trong giai đoạn 2006-2016, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng rất mạnh [tăng thêm 42,4 tỷ, gấp 6,7 lần trước khi gia nhập WTO].

5. Phân tích thương mại quốc tế của Việt Nam theo nhóm hàng xuất, nhập khẩu

Sau 10 năm gia nhập WTO, cơ cấu nhóm hàng xuất, nhập khẩu đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 3,47 tỷ USD, giảm 29,2% so với năm 2015. Xuất khẩu dầu thô cả năm ước đạt gần 7 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 2,35 tỷ USD, giảm 24,2% về lượng và 36,7% về trị giá so với năm 2015. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 141,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ và chiếm 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tốc độ tăng cao là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 18,5 tỷ USD, tăng 18,4%. Nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 22,14 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2015.

Về các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, lượng dầu nhập khẩu năm 2016 ước đạt 11,47 triệu tấn, tăng 14,2% về lượng, nhưng giảm 11,7% về kim ngạch với năm 2015, khi chỉ đạt 4,71 tỷ USD… Còn lại, các mặt hàng khác đều tăng về lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu. Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng nhập khẩu năm 2016 ước đạt 28,09 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2015. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 27,8 tỷ USD tăng 20,1% so với năm 2015. Sắt thép các loại nhập khẩu đạt hơn 18,4 triệu tấn, tăng 18,8% và kim ngạch là 8,02 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015.

Trong 10 năm qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã mang hàm lượng cao hơn nhưng xuất khẩu hàng hóa hiện do khu vực FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch, trong khi giá trị gia tăng đóng góp của khu vực này vào GDP chưa đến 20%. Điều này cho thấy khu vực kinh tế trong nước chậm phát triển, chưa tận dụng được cơ hội chuyển giao hội nhập.

6. Kết luận và một số đề xuất cho công tác quản lý nhà nước

Bài viết đã đi sâu phân tích cán cân thương mại của Việt Nam trong giai đoạn 2000 - 2016. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy nổi bật một số vấn đề như sau:

Thứ nhất: Kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ sau khi gia nhập WTO. Trong đó cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng lên nhưng nhập khẩu tăng cao đột biến đã làm cán cân thương mại của Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt cao ngay sau khi gia nhập WTO, chỉ chuyển sang thặng dư từ năm 2012 trở lại đây.

Thứ hai: Sau khi gia nhập WTO thì cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực FDI đều vượt lên so với khu vực kinh tế trong nước. Khu vực FDI luôn xuất siêu trong khi khu vực kinh tế trong nước lại liên tục nhập siêu. Từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư là kết quả của xuất khẩu khu vực FDI tăng cao, cùng với nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước lại giảm mạnh.

Thứ ba: Thị trường xuất, nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn truyền thống, chậm thay đổi sau khi gia nhập WTO. Các quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam vẫn chỉ là Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam xuất siêu lớn nhất với Mỹ và nhập siêu ngày càng nhiều từ Trung Quốc.

Thứ tư: Sau khi gia nhập WTO, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Tỷ trọng xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhiên liệu và khoáng sản đã giảm mạnh, trong khi đó nhóm công nghiệp chế biến đang có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó, tỷ trọng nhập khẩu các nguyên liệu thô phục vụ sản xuất, xuất khẩu; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng cũng có xu hướng tăng. Điều đó cho thấy, việc gia nhập WTO nhìn chung đã tác động tích cực đến sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực FDI đang là khu vực chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu, nhập khẩu.

Từ kết quả phân tích sự thay đổi trong quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp phục vụ công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại quốc tế trong thời gian tới như sau:

Một là: Mặc dù cán cân thương mại của Việt Nam đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư từ năm 2012 trở lại đây, nhưng thành quả này chủ yếu đến từ khu vực FDI. Từ đó sẽ dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng chặt chẽ hơn của xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung vào hoạt động của khu vực FDI. Do đó trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ tích cực tạo sự liên kết, tham gia sâu hơn của các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI để từng bước tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong quá trình hội nhập.

Hai là: Cần theo dõi, phân tích, đề ra các giải pháp cụ thể để giảm dần sự phụ thuộc của hoạt động thương mại quốc tế vào thị trường Trung Quốc. Thời gian tới, nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt thì với cơ cấu xuất nhập khẩu hiện nay sẽ tất yếu dẫn đến sự phụ thuộc hoàn toàn của Việt Nam vào công nghệ, nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc, từ đó kéo theo sự mất cân đối trong dài hạn của cán cân thương mại và cả cơ cấu các ngành công nghiệp, thậm chí cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba là: Đẩy mạnh đa dạng hóa đối tác thương mại nhằm giảm thiểu rủi ro cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần quan tâm gắn chặt quan hệ chính trị, ngoại giao với quan hệ thương mại nhằm tạo nhiều không gian hơn cho việc tăng kim ngạch xuất khẩu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Asian Development Bank [2014], Asia Indicators for Asia and the Pacific, Manila, Philippines.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư [2013], Kỷ yếu hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Hà Nội.

3. Dự án hỗ trợ thương mại Đa biên EU-Vietnam [2009], Báo cáo phân tích thâm hụt thương mại của Việt Nam và các điều khoản về cán cân thanh toán của WTO, Hà Nội.

4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI [2013], Tài liệu tập huấn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và quá trình tham gia của Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

5. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí giai đoạn quý I/2004 đến quý IV/2014, Hà Nội.

6. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê năm 2006 và Niên giám năm 2013, Hà Nội.

7. Trung tâm WTO-VCCI [2014], Bản tin doanh nghiệp và chính sách thương mại quốc tế, Hà Nội.

VIETNAM'S IMPORT-EXPORT ACTIVITIES:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

MA. LE TUAN ANH

Faculty of Business Administration - Nguyen Tat Thanh University

MA. NGUYEN THI BICH LIEN

Faculty of Business Administration - Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

The article analyzes the changes in Vietnam's trade balance in recent years. The results of the study show that Vietnam's export-import turnover has increased dramatically since joining the World Trade Organization which is tied to the rapid growth of the foreign invested sector rather than the domestic economic sector. In addition, the results also show that the persistent trade deficit from the domestic economy and the trade deficit of Vietnam with China are rising rapidly. Since then, the article also proposes some solutions to the state management of international trade activities in the coming time.

Keywords: Import and export, trade balance, international trade, trade deficit.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây

Video liên quan

Chủ Đề