Tại sao gọi là hố nai

Có dịp đi ngang con đường Nguyễn Ái Quốc thuộc địa bàn phường Hố Nai và phường Tân Biên thành phố Biên Hòa - Ðồng Nai, nhiều người thường bật ra câu hỏi: tại sao mật độ nhà thờ ở đây lại dày như thế ? Nếu tính từ điểm đầu là nhà thờ Gia Cốc cho đến điểm cuối là nhà thờ Thánh Tâm, chỉ vỏn vẹn gần 4km, đã có đến 17 xứ đạo hiện diện.

Mỗi xứ đạo là một mảnh ghép 

Hố Nai là phường nằm ở ngoại vi phía Ðông và cách trung tâm thành phố Biên Hòa 6 cây số. Ngược dòng thời gian, vùng đất kề cận con sông Ðồng Nai này trước năm 1954 thuộc làng Bình Trước. Năm 1954-1955, làn sóng dân cư từ miền Bắc di cư vào với số lượng lớn. Chính quyền lúc bấy giờ đã lập nhiều trại định cư trên quốc lộ 1. Ðến 1957 thì thành lập xã Hố Nai, với các ấp Tây Hải, Nam Hải, Ðông Hải, Bắc Hải... [có một số xứ đạo thành lập sau đó đã lấy theo tên các ấp]. Ngoài ra có những nơi lấy tên gốc từ xứ đạo hay giáo phận hoặc tỉnh lỵ nơi quê cũ trước khi di cư như Kẻ Sặt, Hà Nội, Hải Dương, Ba Ðông, Phú Tảo... 17 giáo xứ nằm trên đoạn đường này gói trọn trong hạt Hố Nai, với tổng số giáo dân chừng 80.000 người, gần bằng số tín hữu của một giáo phận trung bình ở Việt Nam. Trước 1975, tỷ lệ người Công giáo nơi đây là 100%, hiện là 85%.

Phố nhà thờ ! Có thể gọi như vậy. Nếu khởi đi từ cầu Săn Máu, lần lượt khách sẽ “chạm mặt” các nhà thờ Gia Cốc, Ba Ðông, Kim Bích,  Bắc Hải, Hòa Hiệp, Tây Hải, Phú Tảo, Lộc Lâm, Phúc Lâm, Hải Dương, Nam Hải, Xuân Trà, Trung Nghĩa, Kẻ Sặt, Ðại Lộ, Hà Nội, Thánh Tâm... nằm ở cả hai bên đường. Ðiểm chung lớn nhất của các giáo xứ trong hạt Hố Nai chính là thời điểm hình thành và xây dựng các họ đạo trên đất mới với cột mốc từ năm 1954 đến vài năm sau đó. Ðọc lại tất cả các trang sử của các xứ đạo nơi đây, phần nào có thể hình dung bầu khí xây dựng nhà thờ tiếp nối nhau của bà con tín hữu trong những ngày còn “chân ướt chân ráo” vào định cư. Hãy đọc qua lịch sử hình thành của vài giáo xứ, chẳng hạn xứ Gia Cốc : “Do cha Ðaminh Phạm Khắc Hiếu dẫn theo 50 gia đình Công giáo đến lập nghiệp tại khu vực suối Máu - Hố Nai”; hay xứ Hải Dương thì : “Vào năm 1954, nhiều giáo xứ di cư từ miền Bắc đến định cư tại xã Hố Nai, quận Ðức Tu, tỉnh Biên Hòa. Sau khi rút thăm, bà con thuộc giáo xứ Hải Dương, giáo phận Hải Phòng, được chia và định cư tại vùng đất xứ Hải Dương hiện nay”; hoặc tư liệu của xứ Phú Tảo : “Cha Ðaminh Phạm Bá Linh cùng với khoảng 246 giáo dân đến vùng đất Hố Nai cách trung tâm tỉnh Biên Hòa bấy giờ khoảng 7km để định cư và thành lập giáo xứ Phú Tảo”; xứ Thánh Tâm nói rõ mốc thời gian là ngày 10.9.1954, cùng sự việc “có cha Giacôbê Ðào Hữu Thọ cùng với khoảng 400 giáo dân từ Thái Hà ấp, giáo phận Hà Nội đến định cư lập nghiệp tại cây số 9 vùng đất Hố Nai, lấy tên là trại định cư Alphongsô và dựng một nhà nguyện tạm bằng vải bạt và gỗ làm nơi dâng lễ và cầu nguyện”. Những ghi chép như thế có ở hầu hết các xứ và vẫn được các bô lão nhắc lại mỗi dịp kỷ niệm lớn ở họ đạo...

Chính vì cùng thời điểm hình thành nên năm nay và vài năm tới, các giáo xứ thuộc hạt Hố Nai liên tiếp tổ chức các sự kiện mừng mốc 65 năm. Xứ này mừng cho xứ khác, dân họ đạo nọ tham dự lễ chúc mừng, chia vui với họ đạo kia, càng làm bầu khí các xóm đạo thêm muối men gắn kết.

Hội trống kèn mang đặc trưng nét văn hóa Bắc bộ

Bức tranh nhiều màu sắc

Nếu làm một thống kê nhỏ, dễ nhận ra giáo dân nơi này chủ yếu có gốc từ các giáo phận Hải Phòng, Hà Nội..., cụ thể đến từ các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội... Ðiều này phần nào tạo nên nét tương đồng trong văn hóa vùng miền, thể hiện rõ nhất là trong các sinh hoạt nhà đạo như mùa Chay, mùa Vọng, tháng Hoa… với các hình thức ngắm, nguyện, dâng hoa, kiệu Ðức Mẹ, tổ chức hội kèn, hội trống... Do vậy, nhắc đến vùng Hố Nai, người ta còn ấn tượng bởi các nếp sống đạo truyền thống, độc đáo khó lẫn với vùng người Bắc di cư 1954 nào khác.

Hoạt động bác ái, xã hội sôi nổi tại các giáo xứ vùng Hố Nai

Từng có nhiều năm gắn bó với giáo hạt Hố Nai, cha Giuse Nguyễn Văn Tịch [hiện là phó xứ Bắc Hải - Trưởng ban Bảo vệ Sự sống GP Xuân Lộc] nhận xét: “Hầu hết mọi người đều có chung niềm tin nên rất hiểu nhau trong cách sống đạo lẫn ngoài đời. Ở đây nếu có sự cạnh tranh cũng là sự cạnh tranh lành mạnh. Tức là xứ này, họ này nhìn thấy cái hay, cái tốt của xứ khác, hội đoàn khác sẽ học tập, làm theo. Nói chung, điều tốt đẹp thường được nhân lên tạo nên sự sôi nổi trong rất nhiều sinh hoạt, nhất là các mảng hướng về tha nhân, vì cộng đồng…”. Thật vậy, nếu rảo một vòng quanh các xứ đạo ở Hố Nai, nhất là vào dịp cuối năm, sẽ bắt gặp nhịp sống năng động, tràn ngập yêu thương trong từng khu xóm, ở mỗi hội đoàn. Nếu bà con Phú Tảo rủ nhau dọn dẹp môi trường, vệ sinh khu phố thì người anh em “sát vách” Tây Hải tất bật lo cho bếp cơm từ thiện, ngay bên kia đường, những bạn trẻ xứ Lộc Lâm chăm chỉ tập luyện mừng ngày kính ông thánh tử đạo Ðaminh Bùi Văn Úy - bổn mạng giáo xứ... Trên bốn cây số đó, nơi này là nghĩa trang thai nhi được xây dựng tử tế gần một xứ đạo, chỗ nọ là quán cơm 2000 đồng niềm nở đón khách nghèo lỡ bữa, trong xứ kia lại có nhà tạm lánh cho chị em lỡ mang thai ngoài ý muốn, xứ khác nữa thì mở phòng khám miễn phí cho người người khó khăn đau bệnh, tư vấn nâng đỡ người chẳng may nhiễm HIV... Rất đẹp và đầy tình người…

Ở một khía cạnh khác, Hố Nai còn là mảnh đất góp phần cho Giáo hội nhiều ơn gọi với hàng trăm linh mục, tu sĩ nam nữ xuất thân từ 17 xứ đạo vừa kể. Không giấu niềm tự hào, ông Vũ Minh Tâm ở xứ Hà Nội khoe : “Riêng giáo xứ tôi đã có đến mấy chục linh mục và tu sĩ nam nữ, trong đó có Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ đấy !”. Bà Phạm Thị Xuân ở Kẻ Sặt ánh lên niềm vui mỗi khi nhắc đến “sự kiện” “làng Sặt có Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên” và “xứ nhà có 56 vị mục tử cùng 77 tu sĩ nam nữ đang hoạt động khắp nơi...”. Hạt Hố Nai cũng thường xuyên tổ chức ngày hội Ơn gọi hằng năm với mong muốn ngày càng có nhiều bạn trẻ bước vào đời sống tu trì để phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội. Quả là một cộng đồng người Công giáo lớn mạnh trên nhiều mặt, vâng, có thể nói như thế mà không sợ quá lời !

Một trong những đặc sản làng nghề nổi danh

Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu kể về Hố Nai mà không nói đến các nghề truyền thống và những loại đặc sản. Những người con thuộc các xứ đạo lâu đời miền Bắc di cư đến đây mang theo nhiều món ăn của cha ông, của xứ sở. Nổi bật là nghề làm bánh gai, bánh đa đường, gò thùng, hủ tíu... Sân nhà thờ Kim Bích luôn có từng hàng phên phơi bánh đa, hủ tíu. Xóm đạo Bắc Hải thì thoang thoảng mùi bánh gai.

Hố Nai hơn nửa thế kỷ trước còn hoang vu, cây cối um tùm và thú dữ vô số, được từng nhóm người ủi đất lấy chỗ ở và dựng tạm một ngôi nhà nguyện vách gỗ đơn sơ làm nơi dâng lễ, cầu kinh, nay đã đổi thay, trở thành nơi đông đúc, sầm uất, với những mái nhà thờ cao vút, vững chãi…

Minh Hải

Ý NGHĨA TÊN CÁC HUYỆN Ở ĐỒNG NAI

Ý nghĩa của tên 11 huyện, thị xã và thành phố ở Đồng Nai

1. HUYỆN CẨM MỸ
Huyện Cẩm Mỹ được thành lập vào tháng 11 - 2003, trên cơ sở 7 xã của huyện Long Khánh và 6 xã của huyện Xuân Lộc.
Cẩm Mỹ có nghĩa là đẹp như gấm.

2. HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Huyện có diện tích 966,5km2, gồm thị trấn Định Quán và 13 xã.
Định Quán vốn là tuần, còn gọi thủ Ba Can, được lập dưới thời Gia Long [1802 - 1820] để thu thuế thủy trình.
Có giả thuyết cho rằng khi chúa Nguyễn đem quân vào Nam đã từng đóng quân ở đây, nên gọi là “Định Quân”, về sau đọc trại ra “Định Quán”.

3. HUYỆN LONG THÀNH
Trước năm 1976, Long Thành là huyện thuộc tỉnh Biên Hòa, nay là một trong 9 huyện nằm ở phía nam tỉnh Đồng Nai. Long Thành có một thị trấn Long Thành và 18 xã. [Xem lại]
Về tên của địa danh này, có người cho rằng Long Thành có nghĩa là “thành rồng”. Thật ra không phải như vậy.
Nếu chỉ căn cứ theo nghĩa phổ biến “long là rồng” thì kết quả nghiên cứu có thể dẫn đến sai lệch. Bởi trong từ Hán Việt có nhiều từ đồng âm. Theo tác giả Lê Trung Hoa [Cửa sổ tri thức, tập 2] thì có bốn từ long, trong đó có hai từ phổ biến nhất có nghĩa là “con rồng” và “thịnh vượng”. Có ba từ thành và hai từ được nhiều người biết nhất, đó là “cái thành” và “thành công”. Trong các địa danh Thăng Long, Hạ Long, thì “long” là “rồng”. Trong hai địa danh Vĩnh Long, Long An, thì “long” lại là “thịnh vượng”.
Trong địa bạ Biên Hòa [1836], chữ “long” được viết bằng chữ Hán mang nghĩa “thịnh vượng”, còn “thành” là “thành công”. Hơn nữa, quá trình tìm hiểu trên sách báo và đi thực tế, chúng tôi nhận thấy ở vùng này trước đây không có cái thành nào. Vì vậy, Long Thành phải được hiểu là “thành công và thịnh vượng” chứ không phải là “thành rồng”.

4. HUYỆN NHƠN TRẠCH
Huyện Nhơn Trạch có diện tích 410,9km2, gồm 12 xã.
Nhơn Trạch [Nhân Trạch] có nghĩa là theo nơi ý người mà tuyển chọn, tức nhân vi tuyển trạch.

5. HUYỆN TÂN PHÚ
Huyện có diện tích 773,7km2, gồm thị trấn Tân Phú và 17 xã.
Tân Phú có nghĩa là giàu có và mới mẻ.

6. HUYỆN THỐNG NHẤT
Huyện Thống Nhất có diện tích 247,2km2, gồm 10 xã.
Thống Nhất là tên huyện được đặt sau năm 1975 để chỉ việc đất nước đã hợp lại thành một khối, có chung một cơ cấu tổ chức, có sự điều hành chung.

7. HUYỆN TRẢNG BOM
Tên một huyện của tỉnh Đồng Nai thành lập tháng 8-2003, được tách ra từ huyện Thống Nhất, gồm một thị trấn Trảng Bom và 16 xã.
Có ý kiến cho rằng danh từ Trảng Bom phải chăng từ tiếng Pháp Transport [vận chuyển] lâu ngày đọc trại thành? Vì nhà máy BIF [1907] lập riêng 2 nhánh đường sắt từ ga Biên Hòa đến nhà máy và từ ga Trảng Bom đến Bến Nôm. Nhà máy này sản xuất mặt hàng xuất khẩu là gỗ xẻ, đồ mộc… Sau còn sản xuất thêm rượu và cao su.
Một cách lý giải thú vị khác là vào lúc chiến tranh, quân đội Mĩ đã dùng máy bay B52 oanh tạc vùng đất này. Bom sau khi nổ tạo thành những hố lớn, gọi là chảng bom mà đọc trại đi là trảng bom. Từ đó tên gọi Trảng Bom đã trở thành đơn vị hành chính nơi đây.
Theo chúng tôi, Trảng Bom hay Trảng Bôm là trảng có trồng nhiều cây bom. Trong Đất Việt trời Nam có đoạn: “… Trảng Bôm [Trảng là một cái đồi bằng phẳng và rộng rãi, plateau] có trồng nhiều cây chum-bao lom, đọc trạnh thành bom, sinh ra một thứ dầu gọi là chaulmougra, dùng để trị phong hủi”. Theo tác giả Bùi Đức Tịnh thì: “Ở Thủ Dầu Một có Trảng Bom, được gọi như thế có lẽ vì ngày xưa gần trảng có cây bom; theo một bô lão, cây bom nay không còn nữa, là một loại cây mà con tê giác thích ăn lá”.
Ý kiến này có thể đúng vì các lý do sau: 1. Có người từng nói với chúng tôi là đã thấy cây bom ở vùng Thủ Đức [TP. HCM]; 2. Ở Phú Yên, Vĩnh Long có địa danh Cây Bôm [Cây Bôm trong từ điển này, có lẽ nói chệch]; 3. Loại địa danh “Trảng + tên cây” khá phổ biến ở Nam Bộ: Trảng Bàng [cỏ bàng], Trảng Lớn,…

8. HUYỆN VĨNH CỬU
Huyện Vĩnh Cửu có diện tích 1.092km2, gồm thị trấn Vĩnh An và 11 xã.
Vĩnh Cửu là một từ Hán Việt có nghĩa là lâu dài.

9. HUYỆN XUÂN LỘC
Huyện Xuân Lộc có diện tích 726,8km2, gồm thị trấn Gia Ray và 14 xã.
Xuân Lộc là lộc mùa xuân.

10. THỊ XÃ LONG KHÁNH
- Thị xã Long Khánh được thành lập tháng 8 - 2003, gồm 6 phường và 9 xã.
Long Khánh nghĩa là vui mừng và thịnh vượng.

11. THÀNH PHỐ BIÊN HÒA
Địa danh Biên Hòa ngày nay có xuất xứ từ tên của dinh Trấn Biên [huyện Phước Long] được thành lập vào năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn kinh lược xứ Đàng Trong. Năm 1808, dinh Trấn Biên đổi thành trấn Biên Hòa. Năm 1832, trấn Biên Hòa đổi thành tỉnh Biên Hòa. Năm 1976, ba tỉnh Biên Hòa, Long Khánh và Phước Tuy nhập lại thành tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, Biên Hòa là một thành phố loại I thuộc tỉnh Đồng Nai, với 23 phường và 7 xã.
Tác giả Lương Văn Lựu đã giải thích địa danh Trấn Biên và trấn Biên Hòa như sau: Dinh Trấn Biên vào năm Kỷ Tỵ [1629] nguyên là phủ Phú Yên, cương thổ cuối cùng của Đại Việt, giáp phía nam là nước Chiêm Thành. Năm 1679, dân ta chiếm đất Đông Phố của Thủy Chân Lạp. Chúa Hiền Thái Tông Hiếu triết Hoàng đế Nguyễn Phước Tần sắp đặt lại địa hạt hành chính và chia đất Đông Phố ra làm hai dinh, trong số có Trấn Biên. Dinh là một căn cứ lãnh thổ, theo binh chế cũ, gồm lối 500 người. Trấn Biên có nghĩa là trấn của biên cương [giáp cận Thủy chân lạp quốc]. Chữ “Biên” xuất phát từ đó và được lấy đặt tên cho cương thổ miền Đông Nam Việt.
Còn về địa danh trấn Biên Hòa thì sau 24 năm [từ năm 1778 đến năm 1802] chống Tây Sơn, Nguyễn Vương Phúc Ánh thống nhất sơn hà, xưng đế hiệu là Gia Long, tổ chức lại nền hành chính quốc gia. Nhà vua chia địa giới hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn ra làm nhiều trấn nữa. Nguyễn Vương đặt lại tên là “Biên Hòa” với ý nghĩa: Trấn Biên, một doanh trấn ở biên cương sau thời binh biến nhiễu nhương tao loạn, được phục hồi tình trạng an hòa thái lạc. Về sau, người Pháp gọi là “PORTE DE LA PAIX”. Biên Hòa được chính thức xưng danh kể từ đó, trên phương diện chính trị và hành chính.
Nói tóm lại thì Trấn Biên có nghĩa là trấn của biên cương. Còn Biên Hòa có liên quan đến chữ “Biên” trong địa danh trên, nghĩa là một trấn ở ven biên cương nay được thái lạc, an hòa. Nếu nói ngắn gọn thì Biên Hòa là hòa bình ở biên giới.

Video liên quan

Chủ Đề