Tại sao nước ta không có Nguyên soái

Tại sao nước ta không có Nguyên soái

Nguồn hình ảnh, Galerie Bilderwelt

Chụp lại hình ảnh,

Thống chế Bernard Law Montgomery của Anh, đội mũ nồi (giữa), sau lễ trao hai huân chương và tước hiệp sỹ cho Nguyên soái Georgy Zhukov (trái) và Nguyên soái Konstantin Rokossovsky (phải), trước Cổng Brandenburg, Berlin, tháng 7/1945

Ngày 12/07 năm 1945 ở Berlin, Thống chế Bernard Law Montgomery thay mặt Hoàng gia Anh trao tặng huân chương cho các nguyên soái, tướng lĩnh Liên Xô.

GCB - Knight Grand Cross - danh hiệu cao quý nhất của dòng hiệp sỹ Anh, The Order of the Bath (có từ 1725) được trao cho Nguyên soái Georgy Zhukov, Phó Tổng tư lệnh Hồng quân Liên Xô.

Tước thứ nhì, KCB -Knight Commander - được trao cho Nguyên soái Konstantin Rossokovsky, người Ba Lan, tư lệnh Mặt trận Belarus I.

Đức phải đầu hàng hai lần năm 1945

Những chuyện nực cười trong cái chết của Stalin

Nguyên soái Sokolovsky, Đại tướng Melinius cũng nhận huân chương, tước hiệu của Anh.

Nhưng trong toàn bộ buổi lễ, Thống chế Anh luôn đi cùng hai vị nguyên soái hàng đầu, Zhukov và Rossokovsky, như bức hình lịch sử ghi lại.

Theo những gì Montgomery kể lại thì ngay từ lần đầu gặp ở Wismar để bàn về việc nhận đầu hàng của phát-xít Đức, ông đã có đầy ấn tượng về Rokossovsky.

Ông mô tả Rokossovsky, người nói thạo tiếng Pháp, là "rất cao, tóc vàng, vóc dáng như một sỹ quan kỵ binh".

Montgomery cũng từng nói "tôi không thể bằng Rokossovsky" trong chiến trận.

Đây không phải là lần đầu tiên Đế quốc Anh trao tặng huy chương cho sỹ quan cao cấp Liên Xô.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tượng nguyên soái Zhukov ở Moscow

Khi sang dự hội nghị Yalta cùng Stalin đầu năm 1945, Winston Churchill đã nhận từ Hoàng gia Anh một số huy chương để tặng cho các sỹ quan Hồng quân.

Thế nhưng các tước vị Bernard Montgomery trao tặng cho Zhukov và Rokossovsky là để cảm ơn cho hai lãnh đạo quân sự tài năng bậc nhất của Liên Xô, giúp Đồng minh kết thúc cuộc chiến.

Hai người cùng nhận huy chương của Anh lại có cuộc đời rất khác nhau.

Với Zhukov, tước hiệp sỹ Anh trao tặng có thể là mới lạ vì ông đi lên từ một người lính nông dân.

Còn Rossokovsky có thể 'không cần' tước hiệu đó bởi bản thân ông xuất thân từ một gia đình quý tộc Ba Lan.

Theo chính sử của Nga, Konstantin Rokossovsky ra đời năm 1896 ở gần Pskov, rồi được gia đình đưa về Warsaw, khi đó thuộc đế quốc Nga.

Cha ông người Ba Lan, mẹ người Belarus.

Thời thanh niên Rokossovsky đã hoạt động trong phong trào công nhân chống Nga hoàng và bị bắt và giam ở Warsaw.

Đăng lính vào quân đội Nga rồi ủng hộ Cách mạng Tháng 10/1917, ông gia nhập Hồng quân năm 1919, vào đảng Bolshevik và thăng tiến nhanh chóng.

Xuất thân nông dân, Zhukov có 'thành tích' dập tắt cuộc nổi loạn của nông dân Tamov năm 1921.

Còn Rokossovsky là người Ba Lan nhưng may mắn không phải dự cuộc chiến Hồng quân đánh Ba Lan năm 1920.

Tranh cãi về 'Di chúc Lenin muốn loại Stalin'

Vĩnh biệt người về từ Ngục tù Gulag

Mikhail Borodin: Người sếp cũ của Hồ Chí Minh

Ngôi làng thần tượng Gorbachev

Khi đó ông đang trong lực lượng của Hồng quân tham gia nội chiến Mông Cổ.

Năm 1942, ở tuổi 46 tuổi, mang hàm trung tướng, Rokossovsky được phong làm tư lệnh Mặt trận Sông Đông sau khi có thành tích bảo vệ Moscow.

Ông là người anh hùng của trận Stalingrad, bắt sống Thống chế Đức Friedrich von Paulus.

Stalin nói câu nổi tiếng: "Tôi không có Suvorov, nhưng đã có Rokossovsky."

Victor Suvorov là danh tướng Nga thời kháng chiến chống Napoleon.

Năm 1943, ông Rokossovsky làm tư lệnh trận Kursk nổi tiếng, phá tan các binh đoàn xe tăng Panzer kinh khủng của Đức.

Ông được phong hàm đại tướng sau đó.

Sang năm 1944, Rokossovsky được phong nguyên soái và thành người Ba Lan duy nhất trong lịch sử có quân hàm cao nhất ở Nga và Liên Xô và Nga trong thế kỷ 20.

Nhưng gốc tích Ba Lan cũng là một 'vấn đề' khá lớn cho Rokossovsky.

Năm 1937, ông bị công an Liên Xô bắt giam, bỏ tù gần ba năm và tra tấn nhiều lần nhưng không nhận tội "làm gián điệp cho Ba Lan".

Cai ngục đã nhiều lần tổ chức xử bắn giả để bẻ gãy tinh thần người sỹ quan nhưng không thành.

Vợ và con gái ông bị đi đày.

Chụp lại hình ảnh,

Nguyên soái Zhukov (hàng đầu, đứng) tại lễ ký kết văn bản đầu hàng của Đức rạng sáng ngày 9/05/1945

Chỉ nhờ nguyên soái Symion Tymoshenko can thiệp với Stalin, Rokossovsky mới được ra tù, trở lại quân đội, và lên thiếu tướng trước khi Hitler đánh Liên Xô.

Lần thứ nhì, có thể vì nguồn gốc quý tộc Ba Lan, ông bị Stalin tước quyền chỉ huy Mặt trận Belarus I để giải phóng Berlin.

Theo các sử liệu Ba Lan, Stalin muốn vinh dự đó phải thuộc về Zhukov, người Nga lại vào đảng Bolshevik sớm hơn (từ năm 1917).

Rokossovsky được cho chỉ huy 1 triệu quân trên Mặt trận Belarus II, trải dài 900 km, đánh vào vùng Đông Phổ (nay là Bắc Ba Lan) và mạn Bắc nước Đức.

Ngày 3/05/1945, quân của ông hội ngộ với Quân đoàn 2 của Anh ở Wismar, vùng biển Baltic, trong khi Georgy Zhukov và Ivan Koniev chiếm Berlin, đánh dấu sự xóa sổ của chế độ Hitler.

Số phận của hai vị nguyên soái Liên Xô sau Thế Chiến 2 lại diễn biến bất ngờ và rất khác nhau.

Rokossovsky được trao nhiệm vụ vinh quang là tổ chức lễ duyệt binh mừng ngày chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Moscow năm 1945.

Nhưng vị anh hùng của ngày lễ là Zhukov, cưỡi ngựa trắng đi đầu hàng quân.

Zhukov hưởng mọi vinh quang của ngày chiến thắng nên bị Stalin ghen tỵ và tước dần các chức vụ.

Đến tháng 4/1946, Zhukov đã bị tước quyền tư lệnh Hồng quân và về chỉ huy quân khu Odessa.

Sang năm 1948 ông bị đẩy đi làm tư lệnh quân khu Urals, và chỉ được gọi về làm Thứ trưởng Quốc phòng sau khi Stalin chết năm 1953.

Nguồn hình ảnh, Fred Ramage

Chụp lại hình ảnh,

Người Anh mô tả Konstantin Rokossovsky (trái) là một người đàn ông cao lớn, tóc vàng, vóc dáng như một sỹ quan kỵ binh quý tộc, không nông dân như Zhukov

Còn Rokossovsky lại được giao một nhiệm vụ không ai ngờ tới: Bộ trưởng Quốc phòng của Ba Lan.

Từ 1945 đến 1955, hàng trăm sỹ quan Nga, gồm 20 tướng, nhiều đại tá, thượng tá đã sang Ba Lan trực tiếp làm việc trong hai bộ công an và quốc phòng.

Rokossovsky được Đảng cộng sản Ba Lan phong hàm nguyên soái năm 1949, vào Bộ Chính trị, rồi làm Phó thủ tướng năm 1952.

Như thế, ông vừa là tư lệnh Tập đoàn quân phương Bắc của Liên Xô đóng tại Ba Lan, vừa là tổng tư lệnh quân đội của nước chủ nhà.

Tuy thế, vị chỉ huy quân sự lỗi lạc lại không phải là chính khách.

Vai trò nửa khách nửa chủ đã gây ra khá nhiều vấn đề cho Rokossovsky và quan hệ Liên Xô - Ba Lan.

Bản thân ông tự viết trong hồi ký về giai đoạn này rằng: "Với người Nga tôi luôn là người Ba Lan, còn với người Ba Lan tôi lại là người Nga."

Ông bị xô đẩy trong các cuộc đấu đá nội bộ của Ba Lan, giữa phe thân Nga và phe dân tộc chủ nghĩa ngay trong đảng cộng sản.

Các sử gia nay nói ông đã nặng tay trong việc trấn áp công nhân vùng mỏ Ba Lan đình công năm 1956, làm chết 74 người.

Nhiều người Ba Lan coi Rokossovsky là đại diện Stalin ở nước họ, như một 'phó vương' Nga hoàng xưa cử sang cai trị.

Sau khi Stalin qua đời, ngay tại Liên Xô có phong trào giải thể các di sản đen tối mang tên ông ta.

Một làn sóng mới dâng lên ở các nước Đông Âu, buộc Moscow chấp nhận mô hình xã hội chủ nghĩa theo tính cách riêng của họ.

Năm 1956, tân tổng bí thư đảng cộng sản Ba Lan, Wladyslaw Gomulka yêu cầu mọi sỹ quan Liên Xô làm việc trong các bộ ngành Ba Lan về nước.

Riêng với Nguyên soái Rokossovsky, 'các đồng chí Ba Lan' chấp nhận cho ông và vợ con quyền định cư nếu muốn nhưng không được nhận quốc tịch CHND Ba Lan.

Đau đớn vì cảm thấy bị hắt hủi, Rokossovsky gói đồ đạc và đưa gia đình trở về Liên Xô và cho đến lúc chết (năm 1968), không bao giờ quay lại.

Ông làm thứ trưởng quốc phòng Liên Xô, liên tục là ủy viên trung ương Đảng và viết sách, giảng dạy về quân sự.

Ngày nay, các sử liệu cho thấy con người và lòng trung thành của Rokossovsky phức tạp hơn ta tưởng.

An ninh Liên Xô thậm chí đã có ít nhiều cơ sở để nghi ngờ Rokossovsky khi giam ông ba năm (1937-1940) vì nghi làm "gián điệp".

Trên thực tế, hồi trẻ, hai anh em Rokossovsky nhận lệnh của đảng cách mạng dân tộc Ba Lan của Roman Dmowski xâm nhập hàng ngũ quân Nga để lập ra các đơn vị Ba Lan chống Nga giành độc lập.

Không chỉ như vậy, khác với các tài liệu Liên Xô ghi rằng ông Rokossovsky sinh ở Nga, các nguồn Ba Lan và chính những gì Rokossovsky và gia đình để lại cho biết ông sinh ra ở khu Praga, Warsaw, vào năm 1894.

Nhưng khi đi lính, Rokossovsky đã khai nơi sinh khác, năm sinh khác (1896) và lấy tên đệm Konstantin làm tên đầu, vì tiếng Nga không có tên Ksawery.

Chụp lại hình ảnh,

Thống chế von Paulus khi bị bắt tại Stalingrad vẫn đeo Huân chương Chữ Thập Sắt. Ông tặng lại cho Rokossovsky một khẩu Browning

Việc nhập ngũ của anh em nhà Rokossovsky có vẻ như là hoạt động có tổ chức chứ không phải tình cờ.

Điều này lý giải vì sao ngay sau khi Ba Lan độc lập, anh trai ông từ Nga trở về Warsaw làm trong cục điều tra chống đối lập cộng sản của cảnh sát CH Ba Lan.

Em gái ông là Helena sống tại Warsaw suốt đời và nhà Rokossovsky mang gia huy Oksza vẫn được ghi nhận trong lịch sử Ba Lan vì đã sản sinh ra nhiều kỵ sĩ.

Cũng các sử liệu nay cho thấy khi đã làm sỹ quan cao cấp của Liên Xô, ông được tình báo nước Cộng hòa Ba Lan tư sản (1919-1939) tiếp cận để móc nối.

Tuy từ chối hợp tác, ông đã không báo cho an ninh Liên Xô để bắt người ta.

Sự tin tưởng của các cấp cao nhất ở Moscow với Rokossovsky cũng khá hạn chế.

Ngay cả khi ông làm Bộ trưởng quốc phòng Ba Lan, Moscow giao cho tướng Nga Stanislav Poplavsky làm thứ trưởng để giám sát.

Tuy thế, lợi dụng vị trí 'lưỡng quốc nguyên soái', ông đã tập trung xây dựng quân đội CHND Ba Lan thành lực lượng vũ trang mạnh thứ nhì trong khối Warsaw, chỉ sau Liên Xô, cả về số xe tăng, tàu chiến, phi cơ, quân trang quân dụng.

Một số quyết định của Rokossovsky nay được cho là nhằm bảo vệ các sỹ quan cộng sản Ba Lan khỏi bị an ninh bắt.

Ông ra lệnh rằng mọi vụ điều tra cấp sỹ quan phải chỉ huy trực tiếp của người đó đồng ý, nhằm tránh tình trạng như ông từng bị bắt đi ở Liên Xô năm 1937.

Cuộc thanh trừng hồi đó đã ám ảnh Rokossovsky tới mức cho đến lúc chết, ông luôn mang trong người khẩu Browning do Thống chế tù binh von Paulus của Đức tặng sau trận Stanlingrad, để tự sát khi cần.

Bản thân Rokossovsky đã cứu nhiều sỹ quan Ba Lan, gồm cả tướng Franciszek Cymbareiwicz, thứ trưởng quốc phòng, khỏi vào tù trong thời kỳ Stalinism.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hai tướng Đức, Mauritz von Wiktorin và Heinz Guderian lên bục cùng chỉ huy trưởng đơn vị xe tăng Liên Xô, Semyon Krivoshein duyệt hàng quân ở Brest-Litovsk ngày 22/09. Liên Xô và Đức đã cùng nhau tấn công và xóa sổ Cộng hòa tư sản Ba Lan năm 1939. Không lâu sau đó, Hitler tung quân đánh Liên Xô

Một quyết định khác của ông là sa thải tư lệnh quân khu duyên hải, tướng Nga Nikolai Ivanov (đóng ở Torun) vì ông này không chịu học và nói tiếng Ba Lan.

Rokossovsky đã bổ nhiệm một sỹ quan Ba Lan vào chức vụ thay thế.

Sau khi trở về Liên Xô, tính dân tộc Ba Lan của Rokossovsky lại càng tăng lên, kể cả về mặt tôn giáo, dù ông là ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Liên Xô.

Ông muốn các cháu được rửa tội tại nhà thờ Công giáo Ba Lan ở Moscow, và những lần sinh nhật cuối cùng đều mặc quân phục Ba Lan tiếp khách.

Rokossovsky qua đời năm 1968 và hộp tro đựng thi hài ông được đặt vào tường Điện Kremlin, vinh dự cao nhất cho người Liên Xô.

Thế nhưng ngày nay, cháu chắt ông đang yêu cầu chính quyền Moscow cho đem phần di hài cụ mình ra khỏi đó.

Gia đình nói Rokossovsky có ý nguyện được chôn cạnh vợ và con gái ở nghĩa trang dân sự, theo lời chắt của ông, cô Ariadna Rokossovska một nhà báo ở Moscow, nói với báo Ba Lan hồi 2016.

Được biết cho đến nay, chính quyền của ông Putin vẫn không chấp nhận yêu cầu này.

Với họ, Rokossovsky vẫn mãi mãi là một nguyên soái Liên Xô.

Tranh cãi về trận Liên Xô đánh Ba Lan

Ba Lan trừ lương hưu cựu công an XHCN

Xe tăng và quân Mỹ bắt đầu tới Ba Lan