Tại sao tác giả lại đặt tên cho bài thơ là mùa xuân chín

 

  SAO LẠI LÀ  “MÙA XUÂN CHÍN” ?

     Ngô Minh

                Các  thế hệ nhà thơ Việt Nam đều có rất nhiều bài thơ Xuân rất hay, nhưng không hiểu sao cứ những ngày cận Tết đến Xuân về,  hồn tôi lại cứ vang lên bài thơ Mùa Xuân chín của Hàn Mặc Tử. Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi, / Hổn hển như lời của nước mây…Bài thơ như một nỗi niềm, bắt đầu từ những nét chấm phá đơn sơ mà ám ảnh:

                                         Trong làn nắng ửng khói mơ tan

                                          Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

                                          Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

                                         Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

            Bài thơ bắt đầu từ một buổi sáng rất bình yên, tinh khiết của một làng quê miền Trung thân thuộc. Tôi hình dung ra nhà thơ đang ngồi một nơi nào đó trên cao, trầm ngâm quan sát những hình ảnh, sắc màu Xuân đang hiển hiện từng nét, từng nét trước mắt mình. Trong làn nắng ửng khói mơ tan. Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng . Hai câu thơ tĩnh mà động. Tĩnh ở cảnh mà động ở tình.  Nắng ửng là nắng mới nhú, là nắng non, nắng xuân. Giống như Nắng mới của Lưu Trọng Lư : Mỗi lần nắng mới hắt bên song… Khói mơ là sương giăng, là khói bếp chiều qua còn đọng lại,  đang tan dần trong nắng sớm . Thi sĩ phát hiện thêm những nét thuỷ mặc dưới thung xa:  Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. Đó là hoa nắng, là ánh xuân đang rắc lên trời đất.. Đến câu thứ ba , thứ 4 của khổ thơ đầu thì  tác giả  bắt đầu nghe âm thanh, bóng dáng của mùa xuân sột soạt ngay cạnh mình : Sột soạt gió trêu tà áo biếc / Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang. Những động từ  Sột soạt, trêu, sang…nói rằng mùa xuân đang về gần lắm, tinh khôi lắm. có thể hít thở, sờ nắm được.

               Mùa xuân chín nằm trong chùm thơ Hương thơm [ tập thơ Đau Thương] Hàn Mặc Tử đề tặng người bạn thơ Quách Tấn, cùng với  các bài  Đà Lạt trăng mờ, Tối tấn hôn, Huyền ảo. Mùa xuân năm 1933, Hàn Mặc Tử tìm lên Đà Lạt thăm Quách Tấn. Theo nhà thơ Mai Văn Hoan thì ” Chính chuyến đi này  đã góp phần hình thành không gian thơ Hàn Mặc Tử- một không gian đầy sương khói, đầy trăng sao- một không gian huyền ảo, thực hư lẫn lộn” [Cảm nhận thơ Hàn Mạc Tử, NXB Thuận Hoá 1999]. Chỉ có buổi sáng Đà Lạt ấy , Hàn Mặc Tử nhìn xuống thung xa, nhà thơ mới  phát hiện ra những nét hoạ tiêu sơ mà cảm thức: Trong làn nắng ứng khói mơ tan. Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng…Phong vị Đà Lạt trong bài thơ không lẫn vào đâu được.

             Và chỉ có ở Đà Lạt mới có cảnh rất lãng mạn, tình tứ và  hư thực ở hai khổ thơ tiếp theo :

                                            Sóng cỏ xanh trong  gợn tới trời

                                            Bao cô thôn nữ hát trên đồi

                                         ….Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi

                                             Hổn hển như lưòi của nước mây

                                             Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc

                                             Nghe ra ý vị và thơ ngây.

          Đến đây thì mùa xuân đã đến thật rồi. Đến trong từng cảm giác, thớ thịt. Mùa xuân lượn trên sóng cỏ xanh trong , mùa xuân đến trong dáng điệu và tiếng hát  của  bao cô thôn nữ hát trên đồi. Những cô gái xuân xanh đầy sức sống ấy    đang vui xuân trong một không gian cao nguyên thoáng đãng, phóng túng. Nên họ vui,  tiếng ca vắt vẻo lưng chứng núi, họ hào hứng say sưa như đang hưởng   tình yêu nồng cháy : Hổn hển như lời của nước mây…” .Chỉ vài từ , Hàn Mặc Tử đã thể hiện được sức xuân, sức trẻ của thiên nhiên và con  người dân dã.

              Nhưng đó là  xuân của ngoại cảnh, nó  “thầm thĩ” với nhà thơ “ngồi dưới trúc”, như lay thức, rủ  rê, mời gọi.  Nhưng đối diện với mùa xuân  nồng cháy, tươi trẻ và  “thơ ngây” ấy, thi sĩ lại hướng tâm tư, tâm trạng mình về  quá khứ với những liên tưởng bất ngờ mà xa xót :

                                           Sóng cỏ xanh trong gợn tới trời

                                           Bao cô thôn nữ hát trên đồi

                                            – Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

                                           Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

             Vâng, nhất định Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi, vì đời người không vĩnh cửu. Thời gian sẽ phủ gió mây lên tóc, thời gian sẽ điểm chân chim trên nét mặt,  “ngày mai” tuổi xuân không còn nữa, tiếc lắm, buồn lắm. Biết là quy luật của tạo hoá, nhưng câu thơ sao cứ ngậm ngùi. Từ việc  ngẫm về ngày mai của “bao cô thôn nữ hát trên đồi” là cung buồn thứ nhất,  Hàn Mặc Tử nhớ đến một nỗi buồn thăm thẳm hơn, sâu sắc hơn, trực tiếp hơn của chính mình ở làng quê bên bờ sông Nhật Lệ, Quảng Bình . Và hình tượng  thơ được đẩy tới cung bậc buồn thứ hai, cao hơn, sâu hơn,  khảm vào tâm trí người đọc

                                               Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,

                                               Lòng trí bâng khuâng sức nhớ làng

                                               Chị ấy năm nay còn gánh thóc

                                                Dọc bờ sông trắng nắng chang chang ?

          Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh ra ở  Bảo Ninh, Đồng Hới. Con của ông Nguyễn Văn Toản, gốc Thanh Hoá, vào định cư ở Quảng Bình từ thời ông nội. Giấy rửa tội của Hàn Mặc Tử  mang số thự tự 437 ngày 25-9- 1912 lập tại Giáo xứ  Tam Toà, Đồng Hới. Đến năm 14 tuổi, cha đổi vào làm quan ở Huế,  Hàn Mặc Tử mới theo vào. Cho nên, câu “Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng” Nhà thơ đã chơi chữ. Lòng trí là lòng người, hồn người.  Nhưng lòng  TRÍ  cũng là “lòng của đứa con tên Trí” nhớ quê hương Bảo Ninh, Đồng Hới . Dọc bờ sông trắng nắng chang chang là câu thơ về cát trắng hoành tráng và bi hùng nhất trong thơ ca Việt. Làm quan ở Quảng Bình ba năm, trong Truyền Kiều của Nguyễn Du cũng đọng lại nắng cát Quảng Bình : Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia .  Chang chang cồn cát , Hàn Mặc Tử đã làm cho “Tiểu Trường sa”, “Đại Trường Sa” như dài thêm, mênh mông thêm bởi liên tiếp những điệp từ có đuôi “ang”: … trắng nắng chang chang. Câu thơ 7 chữ mà có tới  4 chữ có đuôi “ang” là thần viết chứ không phải người viết.  Sau này rất nhiều thi sĩ bị ám ảnh ,học theo, ví dụ  Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình [ Tố Hữu]. 

                Tại sao đang vui Xuân ở Đà Lạt, đang nhìn các em thôn nữ “hát trên đồi”, Hàn Mặc Tử lại nhớ làng và nhớ “Chị ấy” ? Đó là nỗi hoài cảm không dừng được, vì nhìn các cô thôn nữ, nhà thơ nhớ đến một người, cũng là một “thôn nữ”, nhưng đã  đã vào tuổi “Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi “. Bây giờ “người ấy” đang gánh thóc, đang lao động vất vả, không biết mùa xuân là gì !  Vậy, “Chị ấy” là ai ? Thi sĩ không nói tên, nhưng đọc thơ,  biết ngay đây là một “cô thôn nữ” Quảng Bình xinh đẹp mà Hàn từng ngưỡng mộ. Có thể là người chị bà con của thi sĩ . Cũng có thể là một mối tình tuổi mới lớn của Hàn Mặc Tử. Liệu từ “chị” của Tử có  giống như từ Chị  của Hoàng Cầm trong bài thơ  Lá diêu bông sau này :”Chị bảo đứa nào tìm được Lá Diêu Bông / Từ nay ta gọi là chồng” không ?

                                    Chị ấy năm nay còn  gánh thóc

                                    Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”   

                   Buồn lắm,  thương lắm  là tâm trạng người đọc sau khi đọc bài thơ Mùa xuân chín. Nhưng các nhà phê bình, các nhà thơ đều băn khoăn, tại sao Hàn MặcTử lại lấy tên bài thơ là “Mùa Xuân chín”, mà không phải là  “Xuân”? Xuân sao lại “chín?”. “Chín” thành trái rồi thì còn xuân không ?. Hàn Mặc Tử viết Mùa xuân chín khi mới 21 tuổi. Thế mà cuộc sống đã khắc vào lòng  thi sĩ những nghịch cảnh : Ở đây thì  “ Bao cô thôn nữ hát trên đồi” , còn trong  lòng tác giả lại  “Chị ấy năm nay còn gánh thóc”. Ở đây thì ” Sóng cỏ trong xanh gợn tới trời”, còn trong lòng tác giả lại “ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Những hình ảnh tương phản ấy lập nên cái tứ sâu thẳm của bài thơ. Tôi cho rằng chữ “chín” ở đây là “chín” trong tâm trạng tác giả. Xuân của đất trời tươi trẻ, “hổn hển như lời của nước mây” ,  nhưng xuân trong lòng thi sĩ  đã chín thành quả, thành hột, đã “chín” thành niềm hoài cảm khôn nguôi.

               Vâng chữ “CHÍN” ấy là bài thơ đã rụng vào hồn thi sĩ thành nỗi xót xa của tình yêu bất tử.

Video liên quan

Chủ Đề