Thế nào là công dân số

Theo GS. Phạm Tất Dong để khai thác tốt tiềm năng của người Việt, biến thành động lực cho sự phát triển KT, xã hội thì mỗi người phải trở thành những công dân số, học tập suốt đời.

GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam.

Nếu hình dung cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra như một đoàn tàu chạy với tốc độ cao thì con người chúng ta ở đâu trong đó, thưa giáo sư?

Ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, con người cũng là chủ thể, là động lực cho sự phát triển. Tất cả mọi sản phẩm, của cải vật chất đều do con người lao động, sản xuất, sáng tạo ra. Chính vì vậy, dù trong giai đoạn phát triển kinh tế nào, con người vẫn giữ vai trò là người lái tàu, quyết định vận tốc, quyết định đoàn tàu chạy đúng đường ray hay lạc mất phương hướng.

Khi xã hội càng phát triển, thì vai trò của con người, đặc biệt con người có trí tuệ càng trở nên quan trọng. Tri thức của con người sẽ là nguồn lực, động lực chủ yếu tạo nên sự tăng trưởng trong kinh tế tri thức của các quốc gia. Và trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, nguồn lực con người được đặt ở vị trí trung tâm, khơi dậy và phát huy tiềm năng của các nguồn lực khác để từ đó ở mỗi cấp độ quản lý từ vĩ mô đến vi mô đồng bộ đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển nguồn lực này.

Vậy theo giáo sư nguồn lực con người trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 có gì khác so với thời kỳ trước?

Trong nền kinh tế tri thức thì chuyển đổi số là xu hướng cần thiết. Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế tri thức dựa trên 3 trụ cốt là xã hội số, kinh tế số và chính phủ số.

Xã hội số được hình thành từ những công dân số. Vậy thế nào là công dân số? Công dân số chắc chắn phải là những người hiểu biết về công nghệ. Họ có kiến thức về phần cứng và phần mềm, cũng như kỹ năng sử dụng máy móc, thiết bị điện tử. Họ sử dụng công nghệ và Internet cho mọi tác vụ và quy trình có thể. Đồng thời, khi hoạt động trên môi trường số, công dân số phải am hiểu pháp luật, nắm được các quy định được phép hay cấm thực hiện.

Tuy vậy, để có những công dân số, chúng ta lại phải quay lại gốc rễ vấn đề, đó chính là giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, giáo dục phổ thông có thể đào tạo ra nhân lực chất lượng phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Giáo dục phổ thông chỉ tạo ra “nguồn nhân lực” chứ không phải “nhân lực”.  Khoảng cách từ “nguồn nhân lực” tới “nhân lực” còn khá xa. Đó chính là quãng đường học nghề, học đại học, sau đại học, học tập suốt đời nếu mỗi người muốn làm chủ công nghệ, có tri thức và trở thành công dân số, công dân toàn cầu.

Dù là công dân số hay công dân toàn cầu, trong mối quan hệ giữa nguồn lực con người và sự phát triển, không thể không nhắc tới giáo dục và nhân tố người thầy, thưa giáo sư?

Như đã nói ở trên, con người là động lực cho sự phát triển, song giáo dục lại là nền tảng để phát triển con người. Và khi nhắc tới giáo dục, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của người thầy.

Khi thế giới bước vào thời đại công nghệ 4.0, thì người thầy phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để bắt kịp với thời đại, đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Áp lực chuyển đổi số đang đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt trong ngành giáo dục, điều này càng nên được xem trọng nhiều hơn. Sở dĩ như vậy là do giáo dục là đào tạo con người, con người lại đóng vai trò đổi mới và tạo ra xu thế mà bản thân người thầy không phải là người tiên phong trong xu hướng thì việc trở nên lạc hậu là đương nhiên.

Muốn hội nhập và bắt kịp xu hướng thì các trường sư phạm - chiếc nôi đào tạo người thầy cần phải thay đổi trước tiên trong việc ứng dụng và làm chủ công nghệ thông tin, góp phần vào xu thế chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Và sau đó, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giáo viên cũng phải là người dẫn đầu các xu hướng đổi mới, sau đó mới đến các tầng lớp khác trong xã hội.

Giáo viên hiện nay không còn là người truyền thụ kiến thức, mà là người hỗ trợ học sinh hướng dẫn tìm chọn và xử lý thông tin. Vị trí của nhà giáo không phải được xác định bằng sự độc quyền về thông tin và trí thức có tính đẳng cấp, mà bằng trí tuệ và sự từng trải của mình trong quá trình dẫn dắt học sinh tự học.

Người ta đã bắt đầu quan tâm đến câu hỏi của người học đến trường để làm gì nếu không có gì mới hơn sách điện tử. Đương nhiên, chức năng định hướng và dẫn dắt của nhà trường không thay đổi, nhưng không thể thực hiện theo mô hình dạy học cũ. Cần xác định lại vai trò người thầy trong học tập kết nối mạng đó là sáng tạo, phản biện và giáo dục.

Chúng ta thấy rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ đem lại nhiều phương tiện, công cụ, các hệ thống để hỗ trợ giáo viên cũng như cả ngành giáo dục đổi mới phương pháp giảng dạy hiện tại, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Tuy nhiên, để áp dụng các lợi thế này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi nhiều, từ tư tưởng giảng dạy, phải chấp nhận những vấn đề mới, quan điểm mới, có trường hợp sẽ không có đúng sai hoàn toàn. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ phải học sử dụng nhiều phần mềm, công cụ mới để thể hiện nội dung giảng dạy.

Cùng với vai trò người thầy, theo giáo sư, bản thân ngành giáo dục cần có những đột phá nào để góp phần bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người một cách hiệu quả?

Người lao động trong xã hội hiện đại không chỉ được nhấn mạnh ở những kỹ năng làm việc đơn thuần, mà còn nhấn mạnh vào năng lực sáng tạo mới. Muốn vậy, giáo dục phải thực sự đổi mới căn bản và toàn diện, phải làm tròn chức năng lĩnh hội tri thức, truyền bá tri thức và sáng tạo ra tri thức mới, đồng thời ứng dụng tri thức vào cuộc sống.

Giáo dục phải áp sát vào yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong kinh tế tri thức, phải nhận được sự quan tâm chu đáo của toàn xã hội. Phải xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đi trước và thích ứng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong chiến lược phát triển quốc gia 10 năm tới, chúng ta phải hình dung được vai trò vị trí của giáo dục nằm ở đâu và trách nhiệm như thế nào. Chúng ta không sợ nhanh hay chậm, mà quan trọng phải cùng chung dòng chảy với thế giới. Giáo dục hiện đại phải làm tốt việc đa dạng hóa hoạt động nhằm đánh thức tiềm lực, phát huy tính năng động và khả năng sáng tạo gắn với mục tiêu học tập mang tính cá thể của từng cá nhân, từng nhóm người học.

Ngoài ra, chiến lược giáo dục của Việt Nam giai đoạn tới phải đặt trong bối cảnh giáo dục công dân toàn cầu, tính đến sự cạnh tranh quyết liệt của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và phải tính đến việc chuyển giao   tri thức không phân biệt quốc gia.

Ngoài giáo dục, một yếu tố khác mà chúng ta thường hay nhắc tới đó chính là văn hóa. Vậy nền tảng văn hóa có vai trò ra sao trong việc khơi dậy, phát huy sức mạnh của nguồn lực con người theo quan điểm của giáo sư?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như một khẳng định về vai trò đặc biệt của văn hóa với sự phát triển đất nước, con người Việt Nam.

Ngày nay, Đảng có nhiều chủ trương về phát triển văn hóa, coi “Văn hóa là nền tảng tinh thần của đất nước”, “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đặt mục tiêu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước đã minh chứng, nếu khơi gợi được giá trị văn hóa, niềm tự hào dân tộc, sự đoàn kết, tự tin của dân tộc, chúng ta sẽ bước đi vững chắc hơn. Vì khi có tự hào dân tộc, chúng ta sẽ nỗ lực để niềm tự hào trở thành hành trang tiến về phía trước. Ngược lại, sẽ không có sự đột phá trong phát triển đất nước.

Hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi sự đa dạng văn hóa đang bị đe dọa, các quốc gia đang có nguy cơ mất bản sắc văn hóa và mất căn tính quốc gia, dẫn đến sự phát triển không bền vững. Không ai mong muốn sự phát triển dù đầy đủ về vật chất, lại không giữ được bản sắc văn hóa riêng. Quốc gia nào cũng kỳ vọng văn hóa được gìn giữ để khẳng định vị thế đất nước mình trong thế giới toàn cầu hóa.

baodautu.vn

Minh Trương dịch từ nguồn. Lưu ý: nội dung gốc đã và sẽ tiếp tục được thay đổi, điều chỉnh vì bản thân mô hình đang được hoàn thiện. Bản dịch có thể khác với bản gốc mới nhất.

Tư cách Công dân số [Digital Citizenship] có thể được định nghĩa là các chuẩn mực của những hành vi phù hợp và có trách nhiệm đối với việc sử dụng công nghệ.

1. Truy cập số [digital access]: quyền tham gia, truy cập điện tử đầy đủ trong xã hội.

Người dùng công nghệ cần nhận thức được rằng không phải ai cũng có cơ hội như nhau đối với công nghệ. Việc hướng tới các quyền kỹ thuật số bình đẳng và hỗ trợ quyền truy cập điện tử là điểm khởi đầu của Công dân số. Việc loại trừ kỹ thuật số làm cho sự phát triển khó khăn khi xã hội càng ngày càng sử dụng các công cụ này. Giúp cung cấp và mở rộng quyền truy cập công nghệ nên là mục tiêu của tất cả các công dân số. Người dùng cần lưu ý rằng có những người có thể có quyền truy cập hạn chế, và cần được cung cấp các nguồn tài nguyên khác. Để trở thành công dân có ích, chúng ta cần cam kết đảm bảo rằng không ai bị từ chối quyền truy cập số.

2. Thương mại số [digital commerce]: mua bán hàng điện tử.

Người dùng công nghệ cần hiểu rằng một phần lớn nền kinh tế thị trường đang được thực hiện qua điện tử. Các trao đổi hợp pháp đang diễn ra, nhưng người mua hoặc bán cần phải nhận thức được các vấn đề liên quan đến nó. Việc mua đồ chơi, quần áo, xe hơi, thực phẩm,…đã trở nên phổ biến đối với nhiều người dùng. Đồng thời, có một lượng hàng hóa và dịch vụ tương đương có sự vi phạm về luật pháp hoặc đạo đức của một số quốc gia đang nổi lên [có thể bao gồm các hoạt động như tải về bất hợp pháp, khiêu dâm và đánh bạc]. Người dùng cần tìm hiểu về cách trở thành người tiêu dùng hiệu quả trong nền kinh tế số mới.

 3. Truyền thông số [digital communication]:trao đổi thông tin điện tử.

Một trong những thay đổi quan trọng trong cuộc cách mạng số là khả năng giao tiếp với người khác. Trong thế kỷ 19, các hình thức giao tiếp bị hạn chế. Trong thế kỷ 21, các tùy chọn liên lạc đã bùng nổ để cung cấp nhiều lựa chọn [ví dụ: e-mail, điện thoại di động, nhắn tin tức thời]. Các tùy chọn giao tiếp kỹ thuật số mở rộng đã thay đổi mọi thứ vì mọi người có thể giữ liên lạc liên tục với bất kì người nào khác. Bây giờ mọi người đều có cơ hội giao tiếp và cộng tác với bất cứ ai từ bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào. Thật không may, nhiều người dùng đã không được dạy cách đưa ra quyết định đúng đắn và phù hợp khi phải đối mặt với rất nhiều tùy chọn giao tiếp số khác nhau.

4. Kiến thức số [digital literacy]: quá trình dạy và học về công nghệ và sử dụng công nghệ.

Trong khi các trường học đã đạt được tiến bộ lớn trong lĩnh vực giáo dục công nghệ, ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Một trọng tâm mới cần được đề ra về việc những loại công nghệ nào phải được dạy cũng như cách sử dụng chúng. Các công nghệ mới đang được sử dụng tại nơi làm việc lại không được dạy và sử dụng trong các trường học [ví dụ: họp qua video, không gian chia sẻ trực tuyến như wiki]. Ngoài ra, người lao động trong nhiều ngành nghề khác nhau cần thông tin ngay lập tức [thông tin tức thời]. Quá trình này đòi hỏi các kỹ năng tìm kiếm và xử lý tinh vi [kiến thức về thông tin]. Người học phải được dạy cách học trong xã hội số. Nói cách khác, người học phải được dạy để học mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi. Kinh doanh, quân sự và y học là những ví dụ tuyệt vời về việc công nghệ đang được sử dụng theo cách khác như thế nào trong thế kỷ 21. Khi các công nghệ mới xuất hiện, người học cần học cách sử dụng công nghệ đó một cách nhanh chóng và phù hợp. Công dân số liên quan đến việc giáo dục mọi người theo cách mới – những cá nhân này cần có kỹ năng và trình độ cao trong việc hiểu biết thông tin.

5. Nghi thức số [digital etiquette]: tiêu chuẩn điện tử về hành vi hoặc thủ tục.

Người dùng công nghệ thường xem lĩnh vực này là một trong những vấn đề cấp bách nhất khi nói đến Công dân số. Chúng ta nhận ra hành vi không phù hợp khi chúng ta nhìn thấy nó, nhưng trước khi ta sử dụng công nghệ, ta không học phép nghi thức số [hành vi phù hợp]. Nhiều người cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện với người khác về nghi thức số của họ. Thông thường các quy tắc và quy định được tạo ra hoặc công nghệ chỉ đơn giản là bị cấm để ngừng các hoạt động sử dụng không phù hợp. Nó không đủ để tạo ra các quy tắc và chính sách, chúng ta phải dạy mọi người trở thành công dân số có trách nhiệm trong xã hội mới này.

6.   Luật lệ số [digital law]: trách nhiệm điện tử cho các hành động và hành động

Luật lệ số liên quan đến đạo đức công nghệ trong một xã hội. Sử dụng công nghệ một cách phi đạo đức thể hiện dưới hình thức trộm cắp và / hoặc phạm tội. Sử dụng công nghệ một cách đạo đức thể hiện dưới hình thức tuân thủ pháp luật của xã hội. Người dùng cần hiểu rằng ăn cắp hoặc gây thiệt hại tới công việc, danh tính hoặc tài sản trực tuyến của người khác là một hình thức phạm tội. Có những quy tắc nhất định của xã hội mà người dùng cần phải nhận thức được trong một xã hội đạo đức. Những luật này áp dụng cho bất cứ ai làm việc hoặc chơi trực tuyến. Việc xâm nhập vào thông tin của người khác, tải nhạc bất hợp pháp, ăn cắp ý tưởng, tạo ra những con sâu, virus phá hoại hoặc tạo ra Trojan Horse, gửi thư rác hoặc đánh cắp nhận dạng hay tài sản của bất cứ ai là phi đạo đức.

7. Quyền và trách nhiệm số [Digital Rights & Responsibilities]: các quyền tự do được mở rộng cho mọi người trong thế giới số.

Giống như trong Hiến pháp Hoa Kỳ, nơi có Dự luật về Quyền, có một bộ quyền cơ bản được mở rộng cho mọi công dân số. Công dân số có quyền riêng tư, tự do ngôn luận, v.v. Các quyền về kỹ thuật số cơ bản phải được đề ra, thảo luận và được hiểu trong thế giới kỹ thuật số. Những quyền này cũng đi kèm với trách nhiệm. Người dùng phải giúp xác định làm sao để sử dụng công nghệ một cách phù hợp. Trong xã hội kỹ thuật số, hai lĩnh vực này phải kết hợp cùng nhau để đem lại hiệu quả.

8. Sức khỏe số [Digital Health & Wellness]: sức khỏe về thể chất và tâm lý trong thế giới công nghệ kỹ thuật số.

Bảo vệ mắt, tránh hội chứng căng thẳng lặp lại và thực hành công thái học [ergonomic] là những vấn đề cần được nêu ra trong thế giới công nghệ mới. Ngoài các vấn đề về thể chất, những vấn đề tâm lý cũng đang trở nên phổ biến hơn như là nghiện Internet. Người dùng cần được dạy rằng công nghệ vốn có những mối nguy hiểm. Công dân số bao gồm một nền văn hóa nơi người dùng công nghệ được dạy cách tự bảo vệ bản thân thông qua giáo dục và đào tạo.

9. An ninh số [tự bảo vệ bản thân – digital security]: các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn.

Trong bất kỳ xã hội nào đều có những cá nhân ăn cắp, phá hoại hoặc gây rối cho người khác. Cộng đồng số cũng vậy. Niềm tin vào các thành viên khác trong cộng đồng là không đủ cho sự an toàn của chúng ta. Đối với ngôi nhà của chính mình, chúng ta cài ổ khóa và báo cháy trong nhà để được bảo vệ. Bảo mật số cũng phải như vậy. Chúng ta phải có phần mềm bảo vệ chống vi-rút, sao lưu dữ liệu và kiểm soát thiết bị của mình. Là những công dân có trách nhiệm, chúng ta phải bảo vệ thông tin của mình khỏi các lực lượng bên ngoài có thể gây rối hoặc tổn hại.

Tôn trọng, giáo dục và bảo vệ [Respect, Educate and Protect – REPs]

Các yếu tố này cũng được tổ chức theo các nguyên tắc Tôn trọng, Giáo dục và Bảo vệ. Hầu hết mọi người đều hiểu rằng khi giữ cho cơ thể khỏe mạnh thì ta sẽ trở nên năng động, và một trong những cách để bắt đầu là tạo thói quen tập luyện. Việc luyện tập sẽ khiến ta trải qua các bài tập nhiều lần và lặp lại để tăng cường cơ bắp. Với sự gia tăng của công nghệ trong tầm tay của tất cả mọi người, đặc biệt là những đứa con của bạn, các cha mẹ cần cách tập luyện mới và các nguyên tắc REP mới. Có hai khía cạnh cho mỗi một nguyên tắc REP: một khía cạnh tập trung vào việc sử dụng công nghệ cho cá nhân và khía cạnh còn lại là trách nhiệm làm điều tương tự cho người khác [giúp người dùng tập trung vào sự đồng cảm với người khác]. Các nguyên tắc REP bao gồm các yếu tố giúp cha mẹ và trẻ em thảo luận về các vấn đề và ý tưởng đang xảy ra liên quan đến công nghệ.

Tôn trọng bản thân / Tôn trọng người khác

  • Phép lịch sự
  • Quyền truy cập
  • Pháp luật

Giáo dục bản thân / Kết nối với người khác

  • Trình độ học vấn
  • Giao tiếp
  • Thương mại

Bảo vệ bản thân / Bảo vệ người khác

  • Quyền và trách nhiệm
  • An toàn [An ninh]
  • Sức khỏe và phúc lợi

Nếu được dạy bắt đầu từ cấp mẫu giáo, ta sẽ theo mô hình:

Bài 1 [mẫu giáo đến lớp hai]

Tôn trọng bản thân / Tôn trọng người khác
Nghi thức số

Giáo dục bản thân / Kết nối với người khác
Trình độ kỹ thuật số

Bảo vệ bản thân / Bảo vệ người khác
Quyền và trách nhiệm số

Bài 2 [lớp ba đến lớp năm]

Tôn trọng bản thân / Tôn trọng người khác
Truy cập số

Giáo dục bản thân / Kết nối với người khác
Truyền thông số

Bảo vệ bản thân / Bảo vệ người khác
An toàn số [An ninh]

Bài 3 [lớp sáu đến lớp tám]

Tôn trọng bản thân / Tôn trọng người khác
Luật lệ số

Giáo dục bản thân / Kết nối với người khác
Thương mại số

Bảo vệ bản thân / Bảo vệ người khác
Sức khỏe và phúc lợi số

Video liên quan

Chủ Đề