Theo luật giáo dục đại học mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ đại học là

Giáo dục học 

Bàn về MỤC TIÊU của GIÁO DỤC ĐẠI HỌC ở VIỆT NAM

26/03/202027/03/2020 thanhdiavnh Bài viết nghiên cứu khoa học [2019]

Lượt xem: 1.777

NGUYỄN HỒNG NGA
[Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh]

TÓM TẮT

     Bài viết bàn luận về các mục tiêu của giáo dục đại học [GDĐH] ở Việt Nam hiện nay để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhằm tạo ra nguồn nhân lực cao, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong số các mục tiêu của GDĐH, bài viết nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần có các phẩm chất và năng lực như: tư duy phản biện, biết đặt và giải quyết vấn đề; có trí tưởng tượng phong phú; theo đuổi tự do và nghĩa vụ học thuật; giao tiếp hiệu quả bằng lời nói và văn bản.

Từ khóa: mục tiêu giáo dục; giáo dục đại học; mục tiêu giáo dục đại học.

OBJECTIVES OF HIGHER EDUCATION IN VIETNAM

ABSTRACT

     This article discusses the objectives of higher education in Vietnam to contribute to attempts to improve the quality of teaching and research in order to create high-quality human resources to meet the Industrial Revolution 4.0. Among the objectives of higher education in Vietnam, the article discusses the importance of training high-quality human resources with such qualities and competencies as critical thinking, problem-solving; rich imagination; academic freedom; and effective communication.

Keywords: educational objectives; higher education; objectives of higher education.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Hiện nay chất lượng GDĐH ở Việt Nam được cả xã hội quan tâm. Trong bảng xếp hạng các trường đại học [ĐH] hàng đầu thế giới và châu Á, hầu như vắng bóng các trường ĐH Việt Nam. Theo bảng xếp hạng chất lượng ĐH châu Á năm 2018 do tạp chí Times Higher Education công bố, Việt Nam không có một đại diện nào. Ngày 07/06/2018, tổ chức xếp hạng ĐH của Anh là Quacquarelli Symonds [QS] đã công bố bảng xếp hạng thế giới QS 2020, trong đó ĐH Quốc gia [ĐHQG] Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm 701- 750, còn ĐHQG Hà Nội thuộc nhóm 801-1000. Kết quả này được các nhà GDĐH ở Việt Nam đón nhận với những tâm thế khác nhau, nhưng chắc chắc đây là một tín hiệu đáng mừng cho hệ thống GDĐH ở Việt Nam. Tuy nhiên, những vấn đề trong GDĐH ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế và ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của các trường ĐH. Phân tích nguyên nhân cho thấy quy mô về số lượng các trường mở rộng quá mức, trong khi đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo [GD&ĐT], năm 2018, trong tổng số 72.792 giảng viên ĐH mới có 16.514 tiến sĩ [22,69%], 43.127 thạc sĩ [59,27%] và 4687 giáo sư, phó giáo sư [6,44%], trong khi mục tiêu quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 đặt ra là đến năm 2015 phải có ít nhất 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ ở bậc ĐH. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thu nhập của giảng viên chưa cao… cùng với việc xác lập các mục tiêu của GDĐH cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đầu ra của các trường ĐH. Những mục tiêu của GDĐH theo Luật GDĐH còn khá chung chung, chưa theo kịp xu hướng các trường ĐH tiên tiến trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Câu hỏi đặt ra ở đây là: các mục tiêu nào cần đạt được để GDĐH Việt Nam có thể có một vị trí xứng đáng, ít nhất là tại châu Á, sau đó vươn tầm thế giới? Suy cho cùng, mục tiêu là cái đích để ta nhắm đến, nếu được hỗ trợ bởi các phương tiện hiện đại, cùng với ý thức và thái độ đúng đắn của mỗi người và cả xã hội thì chúng ta sẽ đạt được chất lượng GDĐH ngang tầm khu vực và thế giới.

2. Tổng quan giáo dục đại học Việt Nam hiện nay

     Chúng ta thường tự hào đã có trường “đại học” đầu tiên cách đây gần nghìn năm. Văn Miếu – Quốc Tử Giám do Lý Nhân Tông thành lập năm 1076 có thể được xem là một trường ĐH kiểu phong kiến, nơi có lối học khoa bảng văn chương, học để làm quan, học để trị nước trị dân, hầu như không có sáng tạo ra tri thức mới để phục vụ cuộc sống nói chung và nền kinh tế nói riêng. Kiểu trường ĐH theo nghĩa hiện nay ở Việt Nam bắt đầu từ thời Pháp thuộc bằng sự ra đời của ĐH Đông Dương vào năm 1907. Trong một thời gian dài, những trường ĐH thời Pháp chú trọng đào tạo quan chức hơn là nghiên cứu khoa học. 

     Trước thời kì đổi mới năm 1986, cả nước chỉ có 96 trường ĐH và cao đẳng, trong đó có 32 trường ĐH. Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2017- 2018, hệ thống giáo dục Việt Nam hiện có 235 trường ĐH và học viện [bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài], 37 viện nghiên cứu khoa học [có đào tạo trình độ tiến sĩ], 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. [Ministry of Education and Training, 2018].

     Như vậy sau hơn 30 năm đổi mới, số trường ĐH đã tăng từ 32 lên 235, tăng hơn 7 lần, bình quân mỗi năm tăng 6,9%.

     Tỉ lệ về số lượng sinh viên/giảng viên năm 1986 là: 4,4/1, sau 30 năm phát triển, tỉ lệ số lượng sinh viên/giảng viên năm 2018 là: 24,28/1, tăng gấp 5,52 lần. Như vậy có thể thấy rằng, ĐH Việt Nam phát triển quá nhanh về số lượng, mỗi năm tuyển sinh các hệ đào tạo là hơn 400 nghìn người học và tốt nghiệp hơn 300 nghìn. Số lượng giảng viên là tiến sĩ chưa đến 23%, số lượng giáo sư, phó giáo sư cũng chỉ chưa đến 7% tổng giảng viên trong các trường ĐH. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo các hệ từ ĐH, sau ĐH [cao học, tiến sĩ] còn có nhiều vấn đề và gần như chưa tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế [xem Bảng 1].

Bảng 1. Số liệu chung về GDĐH tại Việt Nam

 Năm học 2017 -2018

Năm học 2016 -2017

 

Tổng số

Công lập

Ngoài
công lập

Tổng số

Công lập

Ngoài
công lập

1. Số trường23517065235170652. Sinh viên tuyển mới ĐH418.991348.83270.159437.156352.98284.174Chính quy337.975271.28366.692368.843290.30078.543Vừa làm vừa học65.94462.529341554.61349.8954718Đào tạo từ xa15.07215.0205213.70012.7879133. Tuyển mới tiến sĩ, thạc sĩ44.46942.7071.76248.10641.9086.198Nghiên cứu sinh2.8822.822603.0742.639435Cao học41.58739.8851.70245.03239.2695.7634. Quy mô sinh viên ĐH1.767.8791.523.904243.9751.707.0251.439.495267.530Nữ934.476805.787128.689906.849772.957133.892Dân tộc98.67993.8624.817103.81696.6077.209Chia theo hệ đào tạo      Chính quy1.402.6831.170.060232.6231.420.5091.166.285254.224Vừa làm vừa học283.589273.9099680221.774209.80111.973Đào tạo từ xa81.60779.9351.67264.74263.4091.3335. Quy mô tiến sĩ, thạc sĩ119.388108.76310.625121.253106.98314.270Nghiên cứu sinh13.58713.39219514.68614.397289Cao học105.80195.37110.430106.56792.58613.9816. Sinh viên tốt nghiệp ĐH306.179268.94737.232320.578281.96538.613Chính quy235.203201.01934.184248.581212.10336.478Vừa làm vừa học70.97667.9283.04871.99769.8622.1357. Tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ35.91833.9062.01238.02135.1352.886Tiến sĩ1.2341.23401.5451.5432Thạc sĩ34.68432.6722.01236.47633.5922.8848. Cán bộ quản lí, nhân viên,
giảng viên80.44563.83416.61184.07166.48917.5828.1. Cán bộ quản lí8116112007695721978.2. Nhân viên6.8425.5891.2538.3116.6851.6268.3. Giảng viên cơ hữu72.79257.63415.15874.99159.23215.759Trong tổng số: – Nữ35.06428.3086.75636.55029.9426.608Dân tộc716713381677442Giáo sư574374200729529200Phó giáo sư4.1133.4746394.5383.796742Chia theo trình độ đào tạo      Tiến sĩ16.51413.8832.63120.19817.0033.195Thạc sĩ43.12735.0268.10144.63435.8568.778Chuyên khoa I+II523302221632368264ĐH và cao đẳng12.5198.3184.2019.4955.9893.506Trình độ khác1091054321616

     *Ghi chú: Không tính các trường thuộc khối An ninh, Quốc phòng.

     Nguồn: Ministry of Education and Training [2018].

3. Những mục tiêu của giáo dục đại học

     3.1. Mục tiêu của GDĐH ở Việt Nam hiện nay

     Điều 5 của Luật GDĐH có nêu hai mục tiêu của GDĐH:

     – Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế;

     – Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kĩ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.

     Như vậy, các mục tiêu của GDĐH ở Việt Nam hiện nay cũng đã nhấn mạnh đến việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức, kĩ năng và các phẩm chất đạo đức cần có. Tuy nhiên với sự phát triển của khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải cụ thể hóa một số mục tiêu để đạt được tính hiện đại, tổng quát và hội nhập. Đó là việc đào tạo nguồn nhân lực cao có tư duy phản biện và sáng tạo, có trí tưởng tượng phong phú và phóng khoáng, là một vũ trụ của tri thức, tạo môi trường tự do học thuật để nhắm tới sự tự do theo đúng nghĩa, tạo ra được những đội ngũ học giả biết đối xử với kiến thức một cách đầy tưởng tượng, tạo ra những con người có niềm đam mê lớn lao với kinh doanh và khởi nghiệp, biết cách đặt và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và hiệu quả, biết truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, giao tiếp hiệu quả bằng lời nói và văn bản, có trình độ ngoại ngữ tốt để phục vụ công việc và nghiên cứu khoa học, ham hiểu biết và có khả năng tự học và học tập suốt đời, sống tử tế và có trách nhiệm xã hội.

     Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến việc đào tạo nguồn nhân lực cao với các phẩm chất và năng lực cốt lõi như: có tư duy phản biện, biết đặt và giải quyết vấn đề, có trí tưởng tượng phong phú, biết theo đuổi tự do và nghĩa vụ học thuật và có khả năng giao tiếp hiệu quả bằng lời nói và văn bản.

     3.2. Mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cao trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

     [i] Tư duy phản biện, biết đặt và giải quyết vấn đề

     Tony Wagner [2008] cho rằng, trong thời đại ngày nay người lao động cần phải có bảy kĩ năng tồn tại cho thế kỉ XXI và ông đặt kĩ năng “Tư duy phản biện, biết đặt và giải quyết vấn đề” là kĩ năng đầu tiên và dĩ nhiên là quan trọng nhất. 

     Albert Einstein viết “Đặt vấn đề thường quan trọng hơn giải quyết vấn đề”. Hình thành thói quen đặt câu hỏi hay là một yếu tố thiết yếu của hai kĩ năng tư duy phản biện, đặt và giải quyết vấn đề hiệu quả. Đứa trẻ một ngày thường đặt khoảng 450 câu hỏi vì tính tò mò và ham hiểu biết thế giới xung quanh, lớn lên người ta bắt đầu lười và ít đặt câu hỏi hơn. Người trẻ cần được học cách đặt câu hỏi, khả năng nắm bắt vấn đề và đặt những câu hỏi để thảo luận, để truy vấn đến cùng bản chất của sự vật, hiện tượng.

     Cách đây hơn 2000 năm, Socrates đã tiếp cận và nhận ra sự tồn tại của tư duy phản biện. Nhưng phải đến khi John Dewey – nhà triết học, tâm lí, giáo dục người Mĩ đưa ra định nghĩa sâu sắc về vấn đề này, nó mới được biết đến rộng rãi. Ông cho rằng “Tư duy phản biện là một phạm trù chỉ sự suy luận theo lối mở, không bị hạn chế, số lượng các giải pháp là không giới hạn, bao hàm cả việc xây dựng các điều kiện, các quan điểm và ý tưởng đúng đắn để đi đến kết luận vấn đề” [Dewey, 2008]. Tư duy phản biện rất cần cho một xã hội phát triển nói chung và cá nhân nói riêng. Bởi tri thức luôn phân hóa và một xã hội lại rất cần tri thức cá nhân và tri thức tập thể để ứng dụng trong phát triển kinh tế – xã hội. Karl Marx đã từng nói: “Mâu thuẫn là động lực để phát triển”, vì vậy, tư duy phản biện sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy cá nhân và xã hội phát triển toàn diện.

     Niels Bohr, nhà vật lí vĩ đại người Đan Mạch đã viết: “Đối lập với một tuyên bố đúng là một tuyên bố sai. Nhưng đối lập với một chân lí sâu sắc rất có thể là một chân lí uyên thâm hơn” [Ayres, & Nalebuff, 2008, p.57]. “Hãy biết hoài nghi tất cả” là câu trả lời của Karl Marx khi con gái hỏi về câu châm ngôn mà ông thích nhất. Phản biện không phải là phản đối, chống đối mà là nhìn vấn đề dưới góc độ khác, quan điểm và tầm nhìn khác để có cách giải quyết khác hiệu quả hơn và có thể đơn giản hơn. Kĩ năng tư duy phản biện bao gồm khả năng ứng dụng kiến thức trừu tượng để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất, đồng thời triển khai và thực hiện những giải pháp hữu hiệu, đó là khả năng tư duy tổng quát và sâu sắc. Phải có những ý kiến và chính kiến khác nhau mới đề ra được các giải pháp tối ưu. Mục tiêu của giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng là dạy cho người học phải suy nghĩ như thế nào hơn là suy nghĩ cái gì. Hơn 90% giáo sư tại Mĩ cho rằng, việc cải thiện tư duy phản biện là mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục sinh viên [Rhodes, 2009, p.133].

     [ii] Có trí tưởng tượng phong phú

     Trí tưởng tượng là khả năng mà một người có để hình thành trong trí mình hình ảnh hoặc ý tưởng về những gì mới mẻ mà người ấy chưa từng trải qua. Trải qua hàng nghìn năm phát triển, loài người đã không ngừng tiến hóa, phát minh nhờ sự phát triển không ngừng của trí tưởng tượng, góp phần vào sự tồn tại và phát triển xã hội như vũ bão hiện nay. Trí tưởng tượng không thể và không nên tách rời khỏi các sự kiện: Nó là một cách thức làm sáng tỏ các sự kiện bằng cách khêu gợi những nguyên tắc tổng quát áp dụng cho các sự kiện, như chúng đang tồn tại, và sau đó bằng phân tích trí tuệ về các khả năng thay thế phù hợp với các nguyên tắc ấy. Điều này làm cho con người có khả năng kiến tạo tầm nhìn trí tuệ về một điều mới, một thế giới mới, và nó duy trì niềm vui sống bằng việc gợi ý đến các mục tiêu thỏa đáng và hợp lí. “Tuổi trẻ thì giàu trí tưởng tượng, và nếu sự tưởng tượng được kỉ luật củng cố thêm thì năng lượng này của trí tưởng tượng có thể được duy trì phần lớn suốt cuộc đời. Bi kịch của thế giới là ở chỗ những người giàu trí tưởng tượng lại chỉ có kinh nghiệm sơ sài, và những người giàu kinh nghiệm thì lại có trí tưởng tượng kém cỏi. Kẻ ngốc thì hành động dựa trên trí tưởng tượng mà không có kiến thức; người không ngốc lại hành động trên kiến thức và không có trí tưởng tượng. Nhiệm vụ của một trường ĐH là phải kết hợp trí tưởng tượng và kinh nghiệm lại với nhau. Sự biện minh cho một trường ĐH là ở chỗ nó duy trì sự kết nối giữa trí thức và niềm vui sống, bằng cách kết hợp người trẻ và người già trong mối quan tâm đầy sáng tạo tưởng tượng về việc học” [Whitehead, 2017, p.166].

     Có trí tưởng tượng tốt, người lao động sẽ có tính sáng tạo cao và khả năng vận dụng ý tưởng của mình vào cuộc sống. Một cầu thủ bóng đá trước mỗi đường chuyền đều phải tưởng tượng quỹ đạo của trái bóng và sự di chuyển của đồng đội cùng đối đối thủ của mình. Tất cả các cầu thủ vĩ đại đều sở hữu một trí tưởng tượng tuyệt vời về không gian và thời gian. Một nhà toán học phải tưởng tượng và chắp nhặt từ vũ trụ các con số và chứng minh các định lí để tạo ra những công thức kì diệu và kết nối chúng với thế giới hiện thực. Một doanh nhân phải có trí tưởng tượng nhanh nhạy để có tầm nhìn về quy trình sản xuất, bản thân hàng hóa và quá trình lưu thông trên thị trường nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất và lợi nhuận lớn nhất trong khi vẫn hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp với người lao động và nhà nước. Các ĐH không chỉ là các định chế về kĩ năng trí tuệ và phân tích, mà còn là một định chế của sự hòa nhập đầy tưởng tượng sáng tạo vào cuộc sống.

     Đúng như Albert Einstein đã từng nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Bởi kiến thức có giới hạn, còn trí tưởng tượng nắm cả thể giới trong tay, thúc đẩy sự tiến bộ, sản sinh sự tiến hóa” [Einstein, 1931, p.66].

     J. K. Rowling, cha đẻ của nhân vật Harry Porter, chia sẻ với sinh viên ĐH Harvard năm 2008, bà nói:

     Trí tưởng tượng không chỉ là khả năng con người hình dung ra những điều không có thật, nó còn là nguồn mạch của tất cả phát minh và sáng tạo… Chúng ta đâu cần phép thuật để thay đổi thế giới, chúng ta có đủ sức mạnh rồi: Sức mạnh tưởng tượng những điều tốt đẹp hơn! [Rowling, 2008].

     Chúng ta đọc chuyện cổ tích, nghe nhạc, xem phim, chơi trò chơi điện tử… là để rèn luyện khả năng tư duy trừu tượng, khả năng sáng tạo và sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất để làm cho thế giới xung quanh chúng ta đẹp và đa dạng hơn. Mục tiêu của các trường ĐH là tạo ra được những đội ngũ học giả biết đối xử với kiến thức một cách đầy tưởng tượng. Einstein kết luận: “Tôi đủ chất nghệ sĩ để tự do vẽ theo trí tưởng tượng của tôi. Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là hạn chế, còn trí tưởng tượng bao quanh khắp thế giới. Vấn đề duy nhất nằm ở chỗ: có bao nhiêu người biết cách đánh thức và tận dụng sức mạnh của trí tưởng tượng” [Einstein,1931, p.66]. Trí tưởng tượng phong phú sẽ làm cho người có tâm, có tài vươn xa, vươn cao, có được những tầm nhìn đi trước thời đại.

     [iii] Theo đuổi tự do và nghĩa vụ học thuật

     Thuật ngữ “tự do học thuật” mới được sử dụng từ đầu thế kỉ XX. Nó vừa quan trọng vừa được hiểu nôm na là các giáo sư ĐH và cơ sở GDĐH được bảo vệ, tránh sự can thiệp chính trị. Nó bảo hộ đặc biệt cho những khái niệm không chính thống và những hành vi trái với lệ thường trong môi trường học thuật. Mục đích to lớn của giáo dục khai phóng là tự do. Tự do thoát khỏi sự mê muội và sợ hãi, định kiến và sự phi lí. Theo Amartya Sen [Nobel Kinh tế năm 1998], tự do cá nhân là nền tảng cơ bản của phát triển. Ông cho rằng, có hai lí do riêng biệt cho thấy tầm quan trọng then chốt của quyền tự do cá nhân trong khái niệm phát triển, liên quan đến sự đánh giá và tính hiệu quả.

     Thứ nhất, các quyền cá nhân thiết yếu được coi là tối quan trọng. Sự thành công của một xã hội cần phải được đánh giá chủ yếu bởi các quyền tự do thiết yếu mà các thành viên của xã hội ấy được hưởng. Việc có nhiều quyền tự do hơn để làm những gì mà con người ta có lí do trân trọng: Một là, bản thân nó có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ quyền tự do của con người ấy; và hai là, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy cơ hội của người ấy có được các thu nhập giá trị. Cả hai điều này đều liên quan đến việc đánh giá quyền tự do của các thành viên trong xã hội, và vì vậy, có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh giá sự phát triển của xã hội.

     Lí do thứ hai để cho rằng quyền tự do thiết yếu có ý nghĩa tối quan trọng là quyền tự do không chỉ là cơ sở để đánh giá sự thành công hay thất bại, mà còn là nhân tố quyết định chủ yếu của sáng kiến cá nhân và tính hiệu quả của xã hội. Quyền tự do nhiều hơn tăng cường khả năng của người dân tự giúp mình cũng như ảnh hưởng đến thế giới, và các vấn đề này có ý nghĩa trung tâm đối với quá trình phát triển. [Sen, 2002, p.29].

     Nhiệm vụ của trường ĐH là “sáng tạo ra tương lai” [Whitehead, 1938]. Để làm được điều này thì việc tự do theo đuổi học thuật, nghiên cứu là thiết yếu. Nghiên cứu cần có quyền tự do và độc lập. Theo Bách khoa toàn thư Britannica, tự do học thuật [academic freedom] được hiểu là “sự tự do của người dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lí của pháp luật, nội quy hay áp lực công cộng” [Encyclopaedia Britannica]. Như vậy, tự do học thuật liên quan đến việc giảng dạy, nghiên cứu, phát ngôn thảo luận và phát biểu mà không bị kiểm duyệt hay áp đặt về các vấn đề chuyên môn, các vấn đề của bản thân trường ĐH, nơi người phát ngôn làm việc, cũng như các vấn đề chung của toàn xã hội.

     Lịch sử cho thấy tự do học thuật, tự do trong giảng đường, trong phòng thí nghiệm và trong các công bố kết quả nghiên cứu và học thuật đóng vai trò then chốt đối với việc tạo ra một văn hóa nghiên cứu, tạo ra một môi trường kích thích trí tưởng tượng. Điều 19, Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người 1948 ghi nhận “mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kì phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới” [Ho Chi Minh National Academy of Politics, 1998, p.62]. Đại hiến chương ĐH [Magna Charta Universitatum] của Hiệp hội các ĐH châu Âu [1988] tuyên bố: “Tự do trong nghiên cứu và đào tạo là nguyên tắc cơ bản của cuộc sống ĐH, các chính phủ và các trường ĐH, trong phạm vi tối đa của mình, phải đảm bảo tôn trọng yêu cầu cơ bản này.” [Vu, 2015].

     Ngày nay, tri thức và năng lực sáng tạo có vai trò to lớn và tối quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội ở bất kì một quốc gia nào. Với đặc thù kết nối giảng dạy với nghiên cứu, các trường ĐH nghiên cứu có nhiều ưu thế hơn so với những mô hình khác cũng tạo ra tri thức mới như các viện nghiên cứu hay phòng thí nghiệm của các công ti, tập đoàn. Nhờ có tri thức và sáng tạo, con người đã thay đổi thế giới một cách đáng kinh ngạc. Trong một thế giới mà ngay cả người nghèo cũng có thể hưởng thụ những thứ mà vua chúa cách đây 100 năm không hề có: điện thoại di động, ti vi màu, truyền hình vệ tinh, những loại thuốc mới, máy tính, mạng internet, máy bay… Nếu bạn có khả năng tài chính, bạn có thể đi khắp nơi trên thế giới, ngồi ở nhà có thể mua bất kì sản phẩm nào của bất kì quốc gia nào và bất kì hãng nào. Tất cả những điều này đã xuất hiện và phục vụ con người bởi những tiến bộ khoa học và công nghệ trong vòng chưa đầy 30 năm qua. Đây là những thành quả xuất sắc xuất phát từ những ý tưởng thiên tài của các nhà khoa học và thường được thực hiện bởi các nhà khoa học với những nghiên cứu mang tính đột phá cả về lí thuyết lẫn thực tế.

     Hiện nay, theo đánh giá của các nhà kinh tế, khoảng 80% các phát minh, sáng chế được tạo ra tại các trường ĐH và viện nghiên cứu thuộc các viện ĐH, nơi làm việc của các nhà khoa học hàng đầu. Các trường ĐH có hai chức năng chính là truyền bá tri thức và kiến tạo tri thức cho loài người. Tự do học thuật sẽ làm cho việc nghiên cứu, giảng dạy và phản biện xã hội của các trường ĐH trở nên hiệu quả và phục vụ cộng đồng hơn. Jefferson, cha đẻ của Bản tuyên ngôn Độc lập Hoa Kì bất hủ, đã viết: “Sự tiến bộ của khoa học mở ra khả năng tăng trưởng các tiện nghi cuộc sống, mở rộng sự hiểu biết và cải thiện đạo đức của nhân loại” [Kerr, 2013].

     Tự do học thuật có một đối ứng ít được nói tới là nghĩa vụ học thuật. Cũng như các quyền tự do khác, tự do học thuật luôn đi đôi với trách nhiệm học thuật, trong đó quan trọng nhất là sự khách quan và trung thành với chân lí, sự tuân thủ các chuẩn mực về đạo đức và chuyên môn nghề nghiệp, sự tôn trọng quyền tự do học thuật của những thành viên khác trong cộng đồng học thuật và đối xử công bằng với những quan điểm học thuật khác biệt. Ở đây có sự đối xứng giữa quyền tự do cá nhân và trách nhiệm trước xã hội và cộng đồng như hai mặt của một đồng xu. Tự do đi đôi với nghĩa vụ, tự do gắn liền với trách nhiệm: có cái này thì phải có cái kia, và ngược lại. Đó là nghĩa vụ nghiên cứu và phát kiến, công bố công trình khoa học, nói ra sự thật, vươn khỏi tháp ngà để đến với công chúng và tạo sự thay đổi cho thế giới ngày càng tốt đẹp, văn minh, bình đẳng và tự do hơn.

     [iv] Giao tiếp hiệu quả bằng lời nói và văn bản

     Kĩ năng giao tiếp hiệu quả luôn được xem là yếu tố then chốt đối với sự phát triển toàn diện của một người, là một trong những kĩ năng quan trọng cần phải rèn luyện để thực sự thành công. Người có kĩ năng giao tiếp giỏi là người có trí thông minh thực tế, đó là biết nói điều gì, với ai, khi nào và nói làm sao cho hiệu quả. Việc một nhà quản lí, một quan chức biết cách truyền đạt ý tưởng, thông tin, cả về nói và viết, đến người lao động, đến người dân một cách mạch lạc, dễ hiểu, dễ nghe và dễ đi vào lòng người là hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian và tạo ra sự phấn chấn trong doanh nghiệp và cộng đồng. Trong môi trường ĐH, việc sử dụng ngôn ngữ học thuật là hiển nhiên, nhưng việc áp dụng các kiến thức, các công trình nghiên cứu khoa học mang tính học thuật và đăng tải đến dân chúng thì lại cần một cách diễn đạt đơn giản với ngôn ngữ bình dân, không công thức rối rắm, không từ ngữ phức tạp, biến phức tạp thành đơn giản để đa số dân thường có thể tiếp cận với những phát minh, sáng chế về khoa học và nhân văn. Những người thành công đa phần là những bậc thầy về khả năng giao tiếp. Có ý tưởng đã khó nhưng trình bày ý tưởng một cách đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu còn quan trọng hơn. Điều này thúc đẩy sự phát triển và lan rộng của ý tưởng và tri thức. Việc sử dụng ngôn ngữ viết hiệu quả cũng làm cho việc truyền bá tri thức, ý tưởng được nhanh và hiệu quả hơn. Kĩ năng nói và viết là anh em song sinh để bảo tồn, phát huy, truyền bá, mở rộng và ứng dụng tri thức một cách hiệu quả nhất.

4. Một số điều kiện để thực hiện các mục tiêu giáo dục đại học

     Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, nhân tố chính và quan trọng nhất đó là đội ngũ giảng viên của các trường ĐH. Các giảng viên ĐH phải có những năng lực và phẩm chất đặc thù giống như 9 điều cơ bản được Hiệp hội Dạy học ĐH, Canada [Society for Teaching and Learning in Higher Education] xây dựng và đạt được sự tán thành của những người đạt giải thưởng giáo dục quốc gia như sau:

     1] Giảng viên ĐH phải có năng lực về trình bày nội dung giảng dạy;

     2] Giảng viên ĐH cần được trang bị năng lực sư phạm;

     3] Giảng viên ĐH cần biết và xử lí hiệu quả các chủ đề nhạy cảm;

     4] Giảng viên ĐH cần quan tâm đến sự phát triển của sinh viên;

     5] Giảng viên ĐH phải quan tâm và xử lí khéo léo các mối quan hệ đối với sinh viên;

     6] Giảng viên ĐH biết tôn trọng đồng nghiệp;

     7] Giảng viên ĐH cần biết và quan tâm đến vấn đề bảo mật;

     8] Giảng viên ĐH cần biết và phải đánh giá sinh viên một cách phù hợp;

     9] Giảng viên ĐH cần tôn trọng nhà trường.

     Ở một số nước tiên tiến, giảng viên ĐH cần phải tuyên thệ và đọc lời thề Socrates: “Tôi xin tuyên thệ cống hiến sức mình cho sự tiến bộ và mở mang tri thức, nhận thức rằng tôi có nghĩa vụ đối với sinh viên, với lĩnh vực chuyên môn, với các giảng viên đồng nghiệp, với trường ĐH, và với công chúng… Lời thề này do tôi tự nguyện thực hiện và giữ gìn với ý thức rằng đặc ân của quyền tự do học thuật được dành cho tôi đi liền với bổn phận của trách nhiệm nghề nghiệp để vinh danh và phục vụ sinh viên, ngành học, nghề nghiệp, đồng nghiệp, và trường ĐH của tôi, và của xã hội rộng hơn.” [Rhodes, 2009, p.373-376].

      Ở Việt Nam, việc tuyên thệ khó khả thi, vì vậy, giảng viên ĐH cần ý thức cao về các phẩm chất và năng lực của nhà giáo, thừa nhận việc dạy học và nghiên cứu, phục vụ xã hội cộng đồng là một nghĩa vụ cao cả, trong đó hàm chứa sự tín thác của nhân dân và phải tận tụy phụng sự cho sự nghiệp cao cả đó.

5. Kết luận

     GDĐH ngày nay có vai trò cực kì quan trọng trong việc định hình thế giới nói chung và con người nói riêng. Để đạt được chất lượng đầu ra tốt và chuẩn mực, các ĐH phải xác định chuẩn đầu ra phù hợp với trật tự mới, xu hướng mới, nhu cầu mới và quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực cống hiến và tận hiến cho nhân loại nhiều hơn. Thế giới ngày nay nhấn mạnh sự phát triển bền vững trong sự suy kiệt của tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới là hết sức cần thiết. Trường ĐH là định chế quan trọng nhất để tạo ra sự thay đổi và sáng tạo ra tương lai. Để đạt được mục tiêu thì các trường ĐH cần làm cho xã hội có niềm tin vào hệ thống GDĐH như John Stuart Mill từng nói: “Một người có niềm tin thì có sức mạnh xã hội bằng 99 người chỉ có lợi ích” [Aikinson, & Ezell, 2017, p.392].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ayres, I., & Nalebuff, B. [2008]. Why Not? Hanoi: Tri thuc Publishing House.

Dewey, J. [2008]. Democracy and Education. Hanoi: Tri thuc Publishing House.

Einstein, A. [1931]. Book review of “Cosmic Religion: With Other Opinions and Aphorisms”. Opinions and Aphorisms of Albert Einstein. New York: New York Times, p.66.

Encyclopaedia Britannica. Retrieved from //www.britannica.com/EBchecked/topic/2591/academic-freedom

Ho Chi Minh National Academy of Politics, Human Rights Research Center [1998]. International documents on human rights [Cac van kien quoc te ve quyen con nguoi]. Hanoi: National Political Publishing House, p.62.

Jaspers, K. [2013]. The Idea of the University. Hanoi: Hong Duc Publishing House.

Kerr, C. [2013]. The Uses of the University. Hanoi: Tri thuc Publishing.

Kennedy, D. [2012]. Academic Duty. Hanoi: Tri thuc Publishing House.

Ministry of Education and Training [2018]. University education statistics school year 2017-2018 [So lieu thong ke giao duc dai hoc nam hoc 2017-2018]. Retrieved from
//moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=5877

Ngo Bao Chau et al. [2011]. University Humboldt 200 years [1810-2010]: World Experience and Vietnam [Dai hoc Humboldt 200 nam [1810-2010]: Kinh nghiem the gioi va Viet Nam]. Hanoi: Tri thuc Publishing House.

National Assembly of Socialist Republic of Vietnam [2013]. Law of University’s Education.

Rhodes, F. [2009]. The Creation of the Future. Van Hoa Sai Gon Publishing House.

Robert, D. A., & Stephen J. E. [2017]. Innovation Economics. Hanoi: Su that Publishing House.

Rowling, J. K. [2008]. The Fringe Benefits of Failure, and the Importance of Imagination. Retrived from //news.harvard.edu/gazette/story/2008/06/text-of-j-k-rowling-speech/

Sen, A. [2002]. Development as Freedom. Hanoi: Thong ke Publishing House.

Vu Thanh Tu Anh [2015]. Creating a true university [Kien tao mot nen dai hoc thuc thu]. Retrieved from //fsppm.fulbright.edu.vn/vn/tin-tuc-su-kien/giang-vien-fetp-tren-bao-chi/kien-taomot-nen-dai-hoc-thuc-thu

Wagner, T. [2014]. The Global Achievement Gap. Hanoi: Thoi dai Publishing House.

Whitehead, A. N. [2017]. The Aims of Education and Other Essays. Hanoi: Hong Duc Publishing House.

Nguồn: Tạp chí của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; ISSN: 1859-3100

Ban Tu Thư [thanhdiavietnamhoc.com]

HTKH Việt Nam học lần IV-2019 Văn hóa 

Sự GIAO THOA VĂN HÓA đầu thế kỷ XX qua trường hợp NHÓM HÀN THUYÊN [Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,…]

05/02/2020 thanhdiavnh Chức năng bình luận bị tắt ở Sự GIAO THOA VĂN HÓA đầu thế kỷ XX qua trường hợp NHÓM HÀN THUYÊN [Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,…]

Văn hóa Việt Nam hiện nay một mặt luôn giữ gìn những tinh hoa truyền thống của dân tộc, một mặt vẫn có sự tiếp biến giao lưu với văn hóa khu vực và quốc tế. Vậy sự tiếp biến đó bắt đầu từ khi nào? Nó thăng hoa vào giai đoạn nào? Lịch sử dân tộc trải qua nhiều biến cố thăng trầm, song hành với những biến cố đó là nhiều sự dịch chuyển của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong đó, giai đoạn đầu thế kỷ XX từ 1930 đến 1945 có thể xem là thời kỳ có nhiều thay đổi lớn với sự du nhập của nhiều luồng tư tưởng khác nhau trong xã hội.

Chủ Đề