Thị trường vốn Việt Nam hiện nay

Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới

[ĐCSVN] - Diễn đàn lần này đã tạo nên sự kết nối giữa cơ quan xây dựng chính sách với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu và nhận diện bức tranh thị trường vốn trong kỷ nguyên mới.

Ngày 30/3, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, 35 Hùng Vương, Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới, với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách...

Chủ trì Diễn đàn [Ảnh: PV]

Diễn đàn được tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam [VietinBank], Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Nguyễn Lệ Thủy cho biết, sau hơn 20 năm Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét, gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn. Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 2 thập kỷ đầu tiên phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu trong nền kinh tế. Nếu như năm 2000, khi thị trường chứng khoán mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP, các doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, thì sau 2 thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam, khi mà kênh tín dụng ngân hàng cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Lệ Thủy nhìn nhận, thị trường vốn Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức. Trên thị trường tín dụng, thách thức hiện hữu là các ngân hàng khó tăng năng lực tài chính, trong khi nguy cơ nợ xấu ngày một dày lên, do hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Cùng với đó, nhiều hình thái tín dụng, thanh toán gắn công nghệ với tài chính xuất hiện, trong khi Việt Nam chưa có chính sách để quản lý.

Trên thị trường chứng khoán, Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021 với nhiều chính sách được cải thiện nhằm nâng tầm thị trường. Tuy nhiên, tình trạng nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán tạo nên thách thức hiện hữu cho các mục tiêu lớn và dài hạn, như nâng hạng thị trường, tăng quy mô, tăng tính chuyên nghiệp và thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam.

Trong kỷ nguyên mới, thị trường vốn kỳ vọng sẽ phát triển và thực hiện tốt vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế và hoàn thành các mục tiêu chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong giai đoạn 2021-2030. Kỷ nguyên mới cũng được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự thay đổi toàn diện của đời sống kinh tế, xã hội khi Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế, các loại thị trường nhanh hơn, gắn kết hơn bao giờ hết.

Toàn cảnh diễn đàn [Ảnh: PV]

Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ Vietinbank, khi định mức rủi ro của doanh nghiệp cao, thì khó tiếp cận vốn ngân hàng, nên phải tiếp cận vốn trên thị trường tài chính [phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc các công cụ phái sinh]. Chúng ta hay nói đến những đơn vị huy động vốn thành công trên thị trường tài chính, nhưng lại thường không quan tâm đến những doanh nghiệp vì nhiều lý do mà không còn tốt nữa nên gặp khó khăn trong huy động vốn.

Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt [BVSC] nhấn mạnh, hiện, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và thu hút lớn nguồn vốn FDI. Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với tiềm năng, nên tiếp tục mở ra cơ hội phát triển cho các ngành: Bất động sản, xây dựng, bán lẻ, giao thông vận tải Cần tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm và quản lý tài sản phát triển hiệu quả.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong kỷ nguyên mới, để phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019; vận hành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc TTCK; chú trọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hơn. Cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước [DNNN] gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK. Thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2023. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát rủi ro hệ thống; tăng tính độc lập của UBCKNN. Đặc biệt, kỷ nguyên mới đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhấn mạnh, phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các DNNN sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước, qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương khuyến nghị, để thị trường vốn phát triển tích cực trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển TTCK và thị trường tiền tệ. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh chứng khoán; sáp nhập, mua, bán doanh nghiệp; hạn chế tình trạng nhà đầu tư thao túng thị trường và thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam. Kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng vẫn là yêu cầu then chốt đảm bảo phục hồi kinh tế bền vững. Các biện pháp áp dụng trong thông tư 01/2020/TT-NHNN cần được giám sát chặt chẽ tránh tình trạng khi các biện pháp này hết hạn áp dụng thì nợ xấu tăng vọt. Đẩy nhanh lộ trình áp dụng quy tắc Basel II trong toàn hệ thống, vì đây là công cụ then chốt nâng cao năng lực quản lý rủi ro và khả năng chống chịu thua lỗ. Do đó, cần nâng cao hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, để giúp phát hiện rủi ro tiềm ẩn từ các ngân hàng và thị trường tài chính. Từ đó, xây dựng các phương án điều hành cụ thể về cách thức phản ứng với diễn biến mới. Cùng với sớm xử lý triệt để nợ xấu, tránh nợ xấu tồn đọng kéo dài, cần có cơ chế rõ ràng nhằm xử lý các ngân hàng yếu kém...

Rõ ràng, việc định vị tầm nhìn, mục tiêu và nhận diện những cơ hội mới trên thị trường vốn là chủ đề được rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chủ thể khác trong nền kinh tế quan tâm. Diễn đàn Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới đã tạo không gian để các các chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận và gợi mở giải pháp vượt qua các thách thức hiện hữu, hướng tới thúc đẩy phát triển thị trường vốn ở Việt Nam...

HA.NV

Video liên quan

Chủ Đề