Thực trạng văn hóa giao tiếp giới trẻ hà nội năm 2024

[VOV2] - Bạo lực học đường, công kích nhau trên mạng xã hội, nói tục chửi bậy… là tình trạng đang ngày càng phổ biến ở lứa tuổi học sinh. Những hành vi này đang tạo ra một thói quen xấu và gây ảnh hưởng đến lối sống, nhân cách của giới trẻ.

Văn hóa ứng xử, lối sống của giới trẻ lâu nay luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Bởi dẫu được tăng cường truyền thông, giáo dục nhưng đâu đó vẫn xảy ra những câu chuyện về lối sống lệch chuẩn của giới trẻ.

Những năm gần đây, trên cả nước diễn ra không ít vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài trường học chỉ vì những lý do rất trẻ con như “nhìn đểu”, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông hoặc đơn giản là đánh cho bõ ghét... Điển hình như vụ việc nam sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị bạn đánh hội đồng đến rối loạn tâm thần xảy ra tháng 11 vừa qua khiến dư luận phẫn nộ. Hay cách đây vài hôm, một học sinh tại trường THCS Vũng Tàu, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cầm kéo đuổi theo, đâm bạn học nhập viện.

Hiện tượng học trò vô lễ, không tôn trọng thầy cô, gọi thầy cô bằng những từ ngữ vô văn hóa, cãi lại khi bị thầy cô nhắc nhở, xé bài kiểm tra trước mặt thầy cô... diễn ra khá phổ biến, trở thành những tiêu cực trong môi trường học đường. Đơn cử như sự việc 8 học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa nhắn tin trên facebook xúc phạm đến danh dự, uy tín của thầy, cô giáo và nhà trường.

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại hình ảnh một nữ giáo viên bị nhiều học sinh bao vây, tấn công, kèm theo đó là những tiếng chửi bới. Các học sinh còn ngang nhiên ném giấy lên mặt và nhét rác vào cặp của cô giáo. Đỉnh điểm, một chiếc dép ném trúng trán khiến cô choáng váng vài giây rồi lăn ra ngất xỉu. Sự việc xảy ra khiến dư luận xã hội bất bình và lo lắng về ý thức, thái độ thiếu tôn trọng thầy, cô giáo của một bộ phận học trò hiện nay.

Cách đây không lâu, người dùng mạng xã hội không khỏi xôn xao vì sự xuất hiện của một group với cái tên: "Hội những người ghét cha mẹ". Đây là nơi tụ họp của hơn 7000 thành viên, hầu hết đều ở lứa tuổi học sinh. Các bài đăng trong nhóm đều chứa đựng những nội dung tiêu cực, từ ngữ dung tục, hỗn hào, thậm chí nguyền rủa cha mẹ mình khiến bất cứ ai cũng cảm thấy đau lòng.

Biết rằng, không đánh đồng tất cả các bạn trẻ đều có lối sống, văn hóa ứng xử kém văn hóa, văn minh, thế nhưng, phải thừa nhận rằng, đây đang là một thực trạng rất đáng báo động, là hồi chuông cảnh báo, nhất là gần đây, nó còn lan rộng đến cả bậc tiểu học, một lứa tuổi rất nhỏ.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân là do việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ chưa thực sự hiệu quả. Hình thức giáo dục sơ sài, chưa có sức hấp dẫn, còn mang tính lý thuyết. Bên cạnh đó là sự nổ rộ của các trang mạng xã hội. Cùng với những tiện ích mà mạng xã hội đem lại, đây cũng là nơi các thông tin xấu, độc hại với mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng tác động lớn đến suy nghĩ, hành vi và lối sống của giới trẻ.

Không chỉ có vậy, thời gian gần đây, có không ít những giáo viên có những cư xử thiếu tế nhị, thậm chí là suồng sã trong cách nói năng, hành xử với học sinh. Và cũng có không ít phụ huynh lại “cậy quyền”, “cậy tiền” có những hành động thiếu nhân văn, xem thường thầy, cô giáo, như trường hợp nhóm phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An bắt một cô giáo của trường này quỳ xuống xin lỗi họ. Hay trường hợp phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2, tỉnh Nghệ An đã “trả đũa” một thầy giáo bằng hành động đánh thầy phải nhập viện. Những hành động này không chỉ ảnh hưởng tới danh dự của thầy, cô giáo, của truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà còn có ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức và hành vi của thế hệ trẻ.

Thực tế cho thấy, những hành vi thiếu chuẩn mực của giới trẻ lâu nay không chỉ khiến mọi người xung quanh có cái nhìn không thiện cảm, gây bức xúc bất bình mà còn dẫn đến rất nhiều hậu quả khó lường. Chính vì vậy, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, cần nêu cao trách nhiệm của giáo dục gia đình cũng như sự gương mẫu của người lớn, mà ở đây bao gồm cả cha mẹ, thầy cô giáo và toàn xã hội.

Văn hóa ứng xử không thể đem ra cân, đong, đo, đếm và cũng không tỷ lệ thuận với trình độ học vấn, mà do trình độ nhận thức và sự quan tâm hướng dẫn, giáo dục của gia đình và nhà trường. Do đó, để xây dựng lối sống, ứng xử văn hóa trở thành một thói quen tốt, thiết nghĩ các bạn trẻ nói riêng và mọi người nói chung cần phải tự nâng cao hơn nữa ý thức bản thân, sống có văn hóa, biết tôn trọng bản thân mình và những người xung quanh.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Với mong muốn đẩy lùi tình trạng trên, góp phần chung tay xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, văn minh trên không gian mạng, Tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ” đã được Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa [Nhà hát Lớn Hà Nội], Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam Like và Công ty LeBros phối hợp tổ chức ngày 19/4 tại Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan [Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam] cho rằng: Tọa đàm đã rất đúng và trúng khi lựa chọn hai đối tượng “nghệ sĩ” và “giới trẻ” để trao đổi. Bởi với độ nổi tiếng, tầm ảnh hưởng, những phát ngôn, hình ảnh, hành động của nghệ sĩ luôn thu hút được sự chú ý cũng như tạo tác động lớn tới đông đảo người dùng mạng. Trong khi đó, giới trẻ với thế mạnh về công nghệ cũng đang là lực lượng chủ đạo sử dụng mạng xã hội, tạo ra sự lan tỏa, tương tác thông tin rất lớn trên không gian mạng.

Theo bà Từ Thị Loan, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới. Nhưng theo khảo sát mới công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong số năm quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng. Đây là hồi chuông báo động cho văn hóa ứng xử của người Việt trên không gian mạng.

Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan trao đổi tại Tọa đàm.

Thời gian qua, thông qua sức mạnh của mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ đã có những hành động đẹp gắn liền các dự án nghệ thuật, thiện nguyện, từ đó củng cố thêm tình yêu, niềm tin trong lòng công chúng. Những người trẻ cũng luôn chứng minh là lực lượng đi đầu trong lan tỏa những thông điệp sẻ chia, nhân văn trong cộng đồng…

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận nghệ sĩ hay người trẻ tuổi lợi dụng mạng xã hội để câu view, câu like, đánh bóng bản thân theo hướng phản cảm, quảng cáo cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc, đăng tải những thông tin vô bổ, tiêu cực, sử dụng những lời lẽ thiếu văn hóa trên mạng xã hội…, dẫn đến những hệ lụy khó kiểm soát. “Thực trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp để cảnh tỉnh, để “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, nếu không sẽ rất nguy hại”, bà Từ Thị Loan khẳng định.

Hội chứng chỉ trích, chê bai trên mạng xã hội

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros phân tích: Những con người bình thường khi xuất hiện trên không gian mạng rất dễ trở thành quan tòa phán xét cuộc sống của người khác, từ đó tạo ra tác động tâm lý rất lớn đến đối tượng bị phán xét. Trên mạng xã hội, người ta thường không dễ chấp nhận mình thua bởi chung quanh có quá nhiều người đang quan sát, là khán giả cổ vũ họ.

“Vì thế, những con chữ từ bàn phím rất có thể trở thành vũ khí phá nát cuộc đời, cuộc sống của người khác. Giới trẻ là đối tượng ít có khả năng miễn nhiễm với những tấn công trên mạng xã hội bằng ngôn từ, nên chịu tác động tâm lý vô cùng lớn”, ông Vinh nhận định.

Theo ông Lê Quốc Vinh, để dọn “rác” ứng xử trên mạng xã hội, chính cộng đồng mạng, người dùng mạng phải có ý thức tạo ra lưới lọc để hạn chế những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Lưới lọc ấy cần được xây dựng dựa trên các yếu tố: sự thật - sự tử tế - tính hữu dụng để từ đó, người dùng mạng biết chọn gì để nghe, để nói và chuyển tải cho người khác.

Để dọn “rác” ứng xử trên mạng xã hội, chính cộng đồng mạng, người dùng mạng phải có ý thức tạo ra lưới lọc để hạn chế những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Lưới lọc ấy cần được xây dựng dựa trên các yếu tố: sự thật - sự tử tế - tính hữu dụng để từ đó, người dùng mạng biết chọn gì để nghe, để nói và chuyển tải cho người khác. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros

Để chấn chỉnh tình trạng ứng xử lệch chuẩn trên không gian mạng, nhất là của nghệ sĩ, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Quyết định 512/QĐ-BTTTT năm 2023 về Kế hoạch hành động cập nhật Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung xử lý [hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo] đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục. Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, hiện nay, các vi phạm về ứng xử của nghệ sĩ trên không gian mạng đang được xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng, Luật khoa học và công nghệ, Nghị định hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Thời gian tới, về phía quản lý nhà nước sẽ có nhiều biện pháp xử lý quyết liệt hơn. Hiện tại, ngành văn hóa đang phối hợp một số bộ, ngành để có quy chế phối hợp quản lý người hoạt động văn hóa nghệ thuật tốt hơn.

Xử lý nghiêm nền tảng mạng xã hội vi phạm pháp luật

Ở góc độ của người hoạt động nghệ thuật, người mẫu Hạ Vy cho rằng cơ quan chức năng có thể nghiên cứu để có những chế tài mạnh mẽ hơn, như khóa tài khoản facebook, Youtube, TikTok của các cá nhân vi phạm để cảnh báo. “Họ có thể lập tài khoản mới để sử dụng nhưng tôi tin sau vài lần bị xử lý, họ sẽ buộc phải có ý thức chấn chỉnh”, Hạ Vy chia sẻ. Cô cũng cho rằng các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn nữa, trở thành những người bạn trên mạng của các con để kịp thời đưa ra lời khuyên, sự uốn nắn nếu phát hiện thấy con có ứng xử lệch chuẩn trên môi trường mạng.

Chủ Đề