Tiêu chí đánh giá dự án oda của wb năm 2024

Nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức [ODA: Official Development Assistance] là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA vẫn còn những tồn tại, bất cập cần sớm khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng.

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam ưu tiên đầu tư nguồn vốn ODA cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp quy hoạch, phát huy hiệu quả dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh như: xây dựng đường giao thông, phát triển lưới điện nông thôn, hệ thống cấp nước, xây dựng trường học, bệnh viện, trạm y tế và đầu tư trang thiết bị; trồng rừng, bảo vệ rừng; dự án xóa đói, giảm nghèo... Các dự án đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh. Các dự án cơ bản triển khai thực hiện đúng với mục tiêu viện trợ, có sự tham gia tích cực của người hưởng lợi. Việc quản lý nguồn vốn của các dự án hầu hết thực hiện theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Phiên họp giải trình chấp hành pháp luật về đầu tư công được tổ chức vào tháng 6.2020

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án có sử dụng nước ngoài là hơn 5.315 tỉ đồng cho 36 dự án [bao gồm các dự án vốn viện trợ không hoàn lại có sử dụng ngân sách tỉnh đối ứng]. Trong đó, vốn trong nước hơn 724 tỉ đồng, vồn nước ngoài là hơn 4.591 tỉ đồng.

Các dự án ODA thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã phát huy kết quả, tạo thêm tư liệu sản xuất, ổn định và tăng năng lực sản xuất, năng suất, thu nhập, phát triển kinh tế hộ một cách ổn định, cải thiện điều kiện sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân nông thôn. Các dự án lĩnh vực giao thông đã được triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông Quảng Nam đến năm 2020 để phát triển, quản lý tốt mạng lưới đường giao thông địa phương nhằm tăng tính kết nối của hệ thống giao thông dân sinh ở nông thôn; cải thiện điều kiện sinh hoạt, đi lại, thông thương hàng hóa giữa các vùng miền; góp phần không nhỏ vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho Nhân dân, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các dự án thuộc lĩnh vực môi trường - phát triển đô thị đã phát huy vai trò hoàn thiện hạ tầng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân, thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam.

Một số dự án có chất lượng và vận hành tốt, phát huy hiệu quả như: Xử lý nước, chất thải rắn và bảo vệ môi trường thành phố Hội An; Hệ thống xử lý chất thải bệnh viện; Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn; giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2; sửa chữa và nâng cao an toàn đập; cấp điện nông thôn lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020; đường Phước Mỹ - Phước Công; trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh và tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng…

Tuy nhiên, trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập nhất định: nhiều dự án còn chậm trễ trong thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng xây lắp, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng... do vậy thời gian hoàn thành các dự án thường kéo dài hơn so với hiệp định được ký kết, phải xin gia hạn làm tăng chi phí vay, giảm hiệu quả đầu tư. Năng lực của một số ban quản lý dự án còn yếu kém, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, công tác đào tạo cán bộ quản lý dự án ODA chưa được chuẩn hóa; việc lập kế hoạch giải ngân vốn của các chủ đầu tư nhiều lúc chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình đầu tư từ nguồn vồn ODA chưa đầy đủ, đặc biệt là công tác theo dõi, thống kê, đánh giá hiệu quả của công trình sau đầu tư. Kết quả quản lý thường được đánh giá chỉ bằng công trình [mức độ hoàn thành, tiến độ thực hiện] mà chưa xem xét toàn diện đến hiệu quả sau đầu tư một khi công trình được đưa vào vận hành, khai thác.

Trong giai đoạn 2021-2025, vẫn rất cần huy động nguồn vồn ODA để đầu tư trên nhiều lĩnh vực nhằm tiếp tục đưa Quảng Nam phát triển toàn diện, bền vững. Dự kiến kế hoạch vốn đầu tư thực hiện các dự án nước ngoài chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang với tổng kinh phí ước tính 4.720 tỉ đồng và đề xuất 4 dự án mới để đàm phán với các nhà tài trợ với tổng kinh phí khoảng 9.634 tỉ đồng.

Nhưng việc vận động nguồn vốn này có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với giai đoạn 2016-2020 do Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA". Kể từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không được tiếp tục nhận tín dụng bao cấp qua chương trình IDA của World Bank [WB]. Đồng nghĩa Việt Nam phải chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa trên hỗ trợ nước ngoài sang một nền kinh tế cạnh tranh trên thị trường quốc tế; cộng đồng quốc tế nay đã thay đổi một cách mạnh mẽ và để thích ứng, những nước đang phát triển như Việt Nam càng cần bớt lệ thuộc vào sự tài trợ từ bên ngoài. Đồng thời, từ năm 2017, Quảng Nam trở thành một trong các địa phương có điều tiết thu ngân sách về Trung ương, vì vậy không còn được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với vốn đối ứng trong nước, tỉ lệ cho tỉnh vay lại đối với vốn vay nước ngoài ngày càng cao lên đến 70%, cá biệt có dự án tỉ lệ vay lại ngân sách tỉnh là 100%.

Bên cạnh đó, ngày 06.11.2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1489/QĐ-TTg về phê duyệt định hướng, thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó nêu rõ quan điểm chủ đạo trong định hướng thu hút, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2021 - 2025. Căn cứ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và điều kiện thực tế của Quảng Nam, trong giai đoạn 5 năm đến, việc vận động, tìm kiếm nguồn vốn ODA để đầu tư trên địa bàn tỉnh cần quan tâm một số vấn đề sau:

Trước hết, cần cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; đổi mới căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng trực tiếp làm việc với từng nhà đầu tư để giới thiệu các dự án cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và lợi ích của các nhà đầu tư. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Bởi, các nước phát triển khi viện trợ ODA đều gắn với những lợi ích và chiến lược như mở rộng thị trường, đảm bảo mục tiêu về an ninh - quốc phòng hoặc theo đuổi mục tiêu chính trị... Vì vậy, họ đều có chính sách riêng hướng vào một số lĩnh vực mà họ quan tâm hay có lợi thế. Hoặc gắn với việc mua các sản phẩm từ nước ngoài, gắn với các điều khoản mậu dịch đặc biệt nhập khẩu tối đa các sản phẩm của họ mà không hoàn toàn phù hợp, thậm chí là không cần thiết đối với địa phương nhận nguồn vốn ODA. Mặt khác, bên tiếp nhận ODA tuy có toàn quyền quản lý sử dụng nhưng thông thường các danh mục dự án phải có sự thoả thuận, đồng ý của nước viện trợ, dù không trực tiếp điều hành dự án nhưng họ có thể tham gia gián tiếp dưới hình thức nhà thầu hoặc hỗ trợ chuyên gia [bên nước tài trợ ODA thường yêu cầu trả lương cho các chuyên gia, cố vấn dự án của họ quá cao so với chi phí thực tế]. Do vậy, trong quá trình đàm phán phải linh hoạt, hài hòa lợi ích của hai phía, nhưng cũng phải kiên quyết từ chối những dự án đầu tư, những yêu cầu không phù hợp đối với tình hình thực tế của tỉnh.

Tác động của yếu tố tỷ giá hối đoái có thể làm cho giá trị vốn ODA phải hoàn lại tăng lên. Do vậy, việc lựa chọn dự án để kêu gọi nguồn vốn ODA cũng cần xem xét, ưu tiên những dự án thời hạn giải ngân ngắn, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm giảm chi phí.

Bảo đảm có đội ngũ cán bộ chuyên trách, được đào tạo cơ bản và phù hợp; đủ điều kiện cơ sở vật chất thực hiện công tác vận động, quản lý, sử dụng viện trợ hiệu quả, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư, nhà tài trợ thực hiện tiếp cận, vận động vốn nước ngoài...

Việc sử dụng vốn vay ODA cần tập trung cho một số lĩnh vực trọng yếu để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô. Cần có quá trình thẩm định, đánh giá chặt chẽ, khách quan, minh bạch thông qua xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn dự án theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam và Quảng Nam. Ưu tiên sử dụng cho các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn để tăng cường năng lực trả nợ như: các dự án giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng [giao thông, đô thị thông minh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo…], phát triển nông nghiệp thông minh [thủy lợi, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, điện khí hóa nông nghiệp…], kích thích các ngành hoặc hoạt động xuất khẩu, các dự án đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và các dự án có tính chất hàng hóa công cộng, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng...

Chỉ sử dụng nguồn vốn ODA cho các lĩnh vực/dự án mà vốn đầu tư công chưa đáp ứng được, khu vực tư nhân không có động lực để đầu tư do không có lợi nhuận hoặc một số lĩnh vực đặc thù cần Nhà nước đầu tư để kiểm soát và quản lý giá nhằm tạo thuận lợi phát triển các ngành kinh tế khác như cảng sông, cảng biển... Khuyến khích tư nhân tham gia cùng nhà nước đầu tư giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng. Sử dụng vốn ODA với vai trò là vốn mồi, chất xúc tác cho các nguồn vốn trong nước, nhất là vốn đầu tư tư nhân. Giảm dần tỷ trọng vốn vay nước ngoài trong tổng mức đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hoàn thành các khâu chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công các dự án đã được ký kết, thỏa thuận. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong quá trình triển khai dự án; đánh giá tác động, hiệu quả đầu tư của từng dự án.

Chủ Đề