Tình hình dịch bệnh ở trung quốc

Giới chức thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hôm nay ghi nhận thêm 22 ca nhiễm nCoV. Pang Xinghuo, phó giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Bắc Kinh, nói rằng Covid-19 đã "lây lan âm thầm" tại thành phố suốt một tuần qua và gây thêm khó khăn cho nỗ lực kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

"Nguy cơ chuỗi lây truyền chưa được khoanh vùng này tiếp tục lan rộng là cao, khiến tình hình sẽ khốc liệt và phức tạp", Tian Wei, quan chức thành ủy Bắc Kinh, cho biết. "Toàn bộ thành phố Bắc Kinh phải hành động ngay lập tức".

Gần một phần tư ca bệnh đang điều trị tại Bắc Kinh là người trên 60 tuổi, trong đó một nửa những người cao tuổi nhiễm nCoV đều chưa được tiêm vaccine.

Nhân viên y tế trên đường phố Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 24/4. Ảnh: AFP.

Quận Triều Dương đông dân nhất của Bắc Kinh thông báo người dân sẽ phải xét nghiệm nCoV ba lần trong tuần tới, đồng thời đình chỉ vô thời hạn các hoạt động thể thao và lớp học ngoại khóa. Nhiều phòng gym tại thủ đô đã phải đóng cửa hoặc hủy buổi học.

Giới chức Bắc Kinh cũng kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra vào thành phố. Người đến đây phải có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 48 giờ, trong khi những người từng đến khu vực có ca nhiễm nCoV trong hai tuần qua sẽ không được vào thủ đô.

Thượng Hải ngày 24/4 báo cáo 39 người chết vì Covid-19, mức cao nhất kể từ khi ca tử vong đầu tiên được ghi nhận hồi tuần trước, nâng tổng số trường hợp chết vì Covid-19 tại đây lên 87. Giới chức cũng thông báo có thêm 1.401 ca nhiễm nCoV tại Thượng Hải trong hôm qua.

Thành phố gần 26 triệu dân gần như đã phong tỏa hoàn toàn từ đầu tháng, trong bối cảnh chính quyền Thượng Hải chịu áp lực lớn để kiểm soát đợt bùng phát Covid-19 khiến hơn 430.000 người nhiễm, bất chấp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Giới chức y tế cũng cảnh báo nguy cơ biến chứng của Covid-19 với cộng đồng người cao tuổi chưa tiêm vaccine, cho biết độ tuổi trung bình của những ca tử vong tại Thượng Hải là 81.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm nay báo cáo 1.580 ca nCoV mới, nâng tổng số trường hợp trên cả nước lên 200.654, trong đó hơn 29.500 ca đang điều trị với 236 trường hợp nặng. Nước này cũng báo cáo thêm 20.285 ca nhiễm không triệu chứng trong hôm nay, các trường hợp này không được tính vào thống kê ca nhiễm toàn quốc.

Trung Quốc kiên trì áp dụng chiến lược "Không Covid" từ khi đại dịch bùng phát cuối năm 2019, với mục tiêu đưa ca nhiễm về 0 bằng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt và truy vết tiếp xúc nhằm khoanh vùng và loại bỏ ổ dịch ngay khi phát hiện. Tuy nhiên, đợt bùng phát mới nhất, do biến chủng Omicron có khả năng lây truyền cao và sự gia tăng đột biến ca không triệu chứng, đang thách thức chiến lược đó.

Vũ Anh [Theo AFP]

Ngày 24/4, Thượng Hải tiếp tục báo cáo 39 ca tử vong do Covid-19 trong ngày thứ 7 liên tiếp. Đây cũng là ngày thành phố này thông báo số ca tử vong nhiều nhất trong đợt dịch mới, gấp hơn 3 lần một ngày trước đó là 12 ca, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 87 người. 39 ca tử vong mới có độ tuổi trung bình 78,7, đều có các bệnh nền và chưa tiêm vaccine. Hiện Thượng Hải vẫn còn 160 bệnh nhân nặng và 19 ca nguy kịch, trong khi số ca bệnh nặng vẫn có chiều hướng gia tăng.

Người dân xếp hàng xét nghiệm Covid-19 tại một cộng đồng dân cư ở Thượng Hải ngày 12/4. Ảnh: IC.

Trong ngày 23/4, thành phố này ghi nhận thêm 21.058 trường hợp dương tính mới, trong khi trước đó một ngày con số này là 23.370 ca, tăng mạnh hơn 5700 trường hợp. Số ca mắc mới quay trở lại mốc 20.000 đã phá vỡ xu hướng giảm trong tuần qua, phủ bóng đen lên những nỗ lực chống dịch của thành phố, vốn đã bước vào một “trận quyết chiến” nhằm dập tắt các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng bắt đầu từ thứ Sáu, khiến cư dân lo ngại và tiếp tục làm chậm tốc độ mở cửa của Thượng Hải.

Trong cuộc họp báo sáng 24/4, ông Triệu Đan Đan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế thành phố cho biết: “Số ca dương tính mới vẫn tương đối nhiều và dao động ở mức cao, nguyên nhân chủ yếu là do dịch bùng phát theo cụm tại một số công trường và doanh nghiệp. Vì vậy, vẫn cần nhận thức đầy đủ về mức độ phức tạp và nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải hiện nay.”

Cũng theo quan chức này, Thượng Hải sẽ tiếp tục kết hợp xét nghiệm kháng nguyên và axit nucleic trên diện rộng theo phân vùng rủi ro, người dân tại các “khu vực kiểm soát” do có ca bệnh vẫn được yêu cầu không ra khỏi nhà.

Thượng Hải mới đây vừa thông báo số liệu tăng trưởng kinh tế quý I năm 2022. Theo đó, do tác động của Covid-19 gây áp lực lên trung tâm tài chính và cũng là động cơ tăng trưởng hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, GDP của thành phố chỉ tăng 3,1% trong quý đầu tiên, giảm mạnh so với 17,6% của năm ngoái và chậm hơn mức trung bình 4,8% của cả nước.

Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo về “áp lực suy giảm lớn hơn” từ tháng 4, khi thành phố bắt đầu phong tỏa nhằm hạn chế các ca bệnh nhiễm biến thể Omicron gia tăng nhanh hơn. Họ cũng lưu ý rằng xu hướng tăng trưởng GDP trong quý II của Thượng Hải là “không lạc quan” và vẫn phụ thuộc vào việc liệu dịch bệnh có được kiểm soát hiệu quả trong ngắn hạn hay không.

Trong khi đó, ông Lương Vạn Niên, Trưởng nhóm chuyên gia ứng phó với Covid-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khẳng định, chi phí dùng để thực hiện “không Covid-19 năng động” ở nước này, bao gồm đầu tư cho vaccine, xét nghiệm, xây dựng địa điểm cách ly, nhân lực..., giống như mua bảo hiểm để đối phó với rủi ro. Khoản bảo hiểm này là “xứng đáng” vì nó dành cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc, nhằm giữ cho dịch bệnh được kiểm soát và không lây lan. Theo ông, nếu “nằm thẳng”, tức không can thiệp, sẽ tạo thành một “vòng tuần hoàn ác tính” và gây nên “thảm họa”, do tỷ lệ tử vong vì Omicron ở Hong Kong gấp 7-8 lần so với bệnh cúm thông thường, con số này ở người trên 80 tuổi lên tới gần 100 lần, trong khi số lượng chủng ngừa ở nhóm người này tại Trung Quốc “chưa đủ cao”. Tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng khẳng định, “không Covid-19 năng động” là “chiến lược chống dịch với chi phí xã hội tổng thể thấp nhất”./.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc [Trung Quốc], hồi tháng 8/2021. [Ảnh: THX/TTXVN]

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng sau khi liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc mới lây lan trong cộng đồng trong vài ngày qua. Trước tình trạng này, nhà chức trách y tế Bắc Kinh đã nhanh chóng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Quận Triều Dương ở thủ đô Bắc Kinh, nơi có khoảng 3,5 triệu cư dân, sẽ triển khai ba đợt xét nghiệm axit nucleic hàng loạt, bắt đầu từ ngày 25/4 sau khi quận này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất trong đợt bùng phát dịch gần đây nhất ở thủ đô của Trung Quốc.

Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh quận Triều Dương ngày 24/4 cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm đối với những người đang sinh sống và làm việc ở quận này vào các ngày 25, 27 và 29/4.

Triều Dương đã báo cáo 11 ca mắc mới COVID-19 từ chiều 23 đến chiều 24/4, nâng tổng số ca mắc ở quận này kể từ ngày 22/4 lên 26 ca, bao gồm học sinh, giáo viên của một trường trung học cơ sở cùng những người thân của họ.

Tổng cộng 1.230 người tiếp xúc gần với các ca bệnh đã phải cách ly. Hai khu dân cư ở quận Triều Dương ngày 24/4 lần lượt được xếp vào khu vực có nguy cơ cao và nguy cơ trung bình. Người dân ở Triều Dương được khuyến khích làm xét nghiệm trước khi đi làm vào ngày 25/4 và giảm tối đa các hoạt động xã hội.

Cơ quan phòng chống dịch của quận Triều Dương cho biết việc xét nghiệm mở rộng nhằm ngăn chặn và cắt đứt tình trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19, qua đó bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Theo các chuyên gia y tế, Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp hiệu quả và mạnh mẽ để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn, và kết quả xét nghiệm axit nucleic hàng loạt sẽ là chỉ số để thành phố thủ đô quyết định có thực hiện thêm các biện pháp chống dịch như phong tỏa một số khu vực hay không.

[WHO theo dõi sát tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc đại lục]

Trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, một số khu vực ở Triều Dương có các ca mắc COVID-19 đã xảy ra tình trạng người dân mua sắm hoảng loạn và một số khu chợ bị thiếu rau tươi tạm thời vào chiều 24/4.

Để xoa dịu tình hình, các công ty thương mại điện tử thực phẩm tươi sống ở Bắc Kinh đã ngay lập tức kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp để phân bổ và tăng nguồn cung hàng hóa, bao gồm thịt, gia cầm, trứng, sữa, trái cây tươi và rau quả.

Tuy nhiên, nhiều nền tảng thương mại điện tử về thực phẩm đã báo cáo tình trạng thiếu khả năng phân phối khi người dân cố gắng mua thực phẩm trực tuyến vào cuối ngày 24/4.

Trong cuộc họp báo hôm 24/4, Cục Thương mại Thành phố Bắc Kinh đã nhấn mạnh đủ nguồn cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày ở thành phố và các tuyến giao thông đến nguồn cung cấp hàng hóa đang hoạt động bình thường. Cơ quan này kêu gọi các nền tảng thương mại điện tử chính tăng lượng hàng dự trữ và bổ sung nhân lực để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng.

Các chuyên gia cho rằng phản ứng của công chúng Bắc Kinh là một trong những bài học rút ra từ đợt bùng phát dịch bệnh ở Thượng Hải, nơi người dân bị thiếu lương thực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Phát biểu với truyền thông Trung Quốc, một chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc giấu tên cho biết nhờ rút ra bài học từ đợt bùng phát dịch ở Thượng Hải và ở các tỉnh khác, Bắc Kinh sẽ có thể đối phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả hơn.

Theo chuyên gia này, kể từ khi dịch bệnh tái bùng phát, Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch "mạnh mẽ" nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, bao gồm xét nghiệm axit nucleic càng nhiều càng tốt, thực hiện các cuộc điều tra dịch tễ rất chính xác và phong tỏa bất kỳ khu vực nào có nguy cơ dịch bệnh.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Hồ Nam [Trung Quốc], ngày 10/8/2021. [Ảnh: THX/TTXVN]

Về việc Bắc Kinh có phong tỏa toàn bộ thành phố hay phong tỏa một phần hay không, chuyên gia này nhận định điều đó phụ thuộc vào phạm vi lây nhiễm ở Bắc Kinh.

Ông nói: "Khi kết quả xét nghiệm axit nucleic ở Triều Dương và các khu vực khác được công bố, sẽ cung cấp cho chúng ta bức tranh về tình hình dịch bệnh tổng thể ở Bắc Kinh. Sẽ có nhiều biện pháp hơn được thực hiện sau đó."

Kể từ ngày 22/4, tổng số ca mắc COVID-19 ở Bắc Kinh đã lên tới 42 ca, liên quan đến 6 quận của thành phố. Trong số các ca mắc có giáo viên, sinh viên, công nhân trang trí nội thất, một người giao hàng và một đầu bếp làm việc tại một nhà hàng, thực khách và những người lớn tuổi trong một nhóm du lịch.

Trong cuộc họp báo ngày 24/4, giới chức chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết, virus SARS-CoV-2 đã âm thầm lây lan trong thành phố trong một tuần và nhiều ca nhiễm mới đã được phát hiện.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh thành phố Bắc Kinh Bàng Tinh Hỏa [Pang Xinghuo] cảnh báo nguy cơ gia tăng số ca mắc ở thủ đô Trung Quốc do các ca nhập cảnh, các đợt bùng phát dịch bên ngoài Bắc Kinh cũng như dòng người gia tăng trong kỳ nghỉ lễ 1/5 sắp tới.

Bà Bàng Tinh Hỏa cho biết các mẫu giải trình tự gen của 4 ca mắc COVID-19 ở Bắc Kinh cho thấy các trường hợp này nhiễm biến thể Omicron và liên quan đến các đợt bùng phát dịch theo cụm bên ngoài Bắc Kinh. Gần 1/4 số người bị nhiễm từ 60 tuổi trở lên và 50% trong số này chưa được tiêm phòng.

Thượng Hải ghi nhận thêm 51 ca tử vong

Cùng ngày, chính quyền thành phố Thượng Hải thông báo ghi nhận 51 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 24/4, tăng so với 39 ca ghi nhận một ngày trước đó.

Thành phố này cũng ghi nhận 2.472 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng, tăng so với 1.401 ca một ngày trước đó. Ngoài ra, có 16.983 ca mắc mới không triệu chứng được ghi nhận tại Thượng Hải, giảm so với 19.657 ca một ngày trước đó.

Hiện Thượng Hải là nơi bùng phát dịch COVID-19 mạnh nhất tại Trung Quốc./.

Tiến Trung-Minh Châu [TTXVN/Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề