Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa là gì năm 2024

Sáng ngày 10/8, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện phong trào trên địa bàn tỉnh từ năm 2022 đến nay.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đầu Thanh Tùng, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của tỉnh.

Tham dự buổi làm việc có các lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện các sở, ban, ngành và một số địa phương của tỉnh.

Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa là gì năm 2024

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” làm việc với tỉnh Thanh Hóa

Báo cáo của Sở VHTTDL về thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (sau đây gọi tắt là Phong trào) nêu rõ: Tỉnh ủy, UBND, Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành 22 chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương liên quan đến Phong trào. Theo đó, Ban chỉ đạo các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai Phong trào. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa phương, vùng miền, từng đối tượng.

Năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023, các nội dung của Phong trào được tiếp tục triển khai và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các mô hình giúp nhau giảm nghèo phát huy hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 ước tính còn 3,79%, bình quân trong 2 năm 2022-2023 giảm 1,5%. Việc thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm xây dựng đồng bộ. Đến nay, có 2/7 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh đạt chuẩn theo quy định; 20/27 huyện có Trung tâm Văn hóa – Thể thao (đạt 74%); 532/599 xã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa phục vụ cộng đồng (đạt 95,2%), trong đó có 287/559 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa – Thể thao (đạt 51,3%).

Tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ngày càng tăng, đạt 83,7% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa và 83,3% số thôn, bản, khu dân cư được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa (năm 2022). Có 2.288 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp huyện và 1.613 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được phát triển sâu rộng. Người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt tỷ lệ 43%; số gia đình thể thao đạt 30%.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; 359 xã, 700 thôn, bản đạt chuẩn Nông thôn mới; 80 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 14 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; 22 phường, thị trấn đăng ký đạt chuẩn đô thị văn minh.

Các phong trào, hoạt động được các ngành, các cấp quan tâm, lồng ghép thực hiện với các phong trào, nội dung của đơn vị, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay phù hợp với từng địa phương và nhiều gương điển hình tích cực tham gia các phong trào, góp phần rất lớn vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa là gì năm 2024

Quảng cảnh buổi làm việc

Tuy nhiên, việc thực hiện Phong trào ở tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Đây là một phong trào lớn, đa dạng, phong phú về nội dung, tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng nên công tác chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra của Ban Chỉ đạo Phong trào ở các cấp chưa thực sự thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa xây dựng Phong trào chưa thực sự sâu sắc, toàn diện, chưa đề cao vai trò của phong trào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động phong trào từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế.

Một số địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Cán bộ văn hóa thường xuyên thay đổi, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa được thường xuyên tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Các ngành thành viên cũng chỉ ra một số hạn chế, như các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vật chất, sức khỏe cho công nhân lao động chưa được quan tâm đúng mức, triển khai thường xuyên; hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ cho công nhân thiếu sự đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người lao động...

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào đã ghi nhận sự sáng tạo, đánh giá cao những hiệu quả đạt được trong thực hiện Phong trào tại tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, nêu ra một số giải pháp để tỉnh Thanh Hóa phát triển sâu rộng phong trào.

Các ý kiến đều cho rằng, cần gắn hết các hoạt động Phong trào với phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch. Bởi, Thanh Hóa có nhiều yếu tố tiềm năng từ các cơ chế chính sách, điều kiện tự nhiên đến con người để tạo nên một bức tranh văn hóa xứ Thanh đậm đà bản sắc, văn minh, hiện đại.

Một trong những giải pháp đó là chú trọng hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn, phát huy các nét văn hóa truyền thống, đặc trưng; đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp để làm nền tảng phát triển du lịch.

Tranh thủ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, triển khai các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từ đó tạo ra sự cố kết cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa là gì năm 2024

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp thực hiện Phong trào của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương; biểu dương những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong triển khai thực hiện Phong trào của Thanh Hóa. Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đoàn kiểm tra ghi nhận, tiếp thu để tổng hợp và báo cáo với Trung ương, các bộ, ngành liên quan để có phương hướng giải quyết.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nêu ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng phong trào, như: Tiếp tục chú trọng quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về nội dung của Phong trào gắn với thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các chương trình, nghị quyết của Trung ương, tỉnh. Nâng cao chất lượng các nội dung, công tác bình xét, đánh giá các phong trào thi đua.

Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao bằng cách cụ thể hóa các phong trào, gắn với các phong trào, hoạt động của địa phương. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các ngành thành viên trong thực hiện phong trào, hướng tới nội hàm của phong trào là xây dựng đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, ở mọi vùng miền. Quan tâm đầu tư hơn nữa cho văn hóa nói chung và Phong trào nói riêng để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, phục hồi, tu bổ và phát huy giá trị các di tích. Quan tâm hoàn thiện các đề xuất của tỉnh về việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực văn hóa gửi Bộ VHTTDL để có căn cứ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm đã tích lũy được để triển khai hiệu quả, xem đây là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng đã cảm ơn sự ghi nhận, đánh giá của Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương đối với những kết quả đạt được và chia sẻ với những khó khăn trong thực hiện phong trào của tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí khẳng định, tỉnh luôn quan tâm phát triển văn hóa, xem phát triển văn hóa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kiên trì được thể hiện qua việc xác định nâng cao chất lượng văn hóa là chương trình trọng tâm.

Thay mặt Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương. Đồng thời, đề nghị các ngành, địa phương tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Phong trào. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu, ý kiến kết luận của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tại buổi làm việc, nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo các Ban Chỉ đạo huyện hoàn chỉnh hơn nữa công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Phong trào. Tổng hợp, cập nhật thông tin, đề xuất của tỉnh cho các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến văn hóa gửi Bộ VHTTDL./.