Từ mặt trong mặt ngoài còn e nghĩa là gì

Kim Trọng là mẫu người thiên tài lý tưởng. Hấp dẫn hơn, chàng Kim là khách tài tử đa tình tiêu biểu cho khát vọng tình yêu đôi lứa. Nhân vật Kim Trọng rất thực và rất mới, rất gần gũi với tuổi trẻ ngày nay, có lẽ vì thế.

XIN MẠNH DẠN HIỂU THÊM ĐÔI TỪ TRONG “TRUYỆN KIỀU” Tác giả: Trần Văn Lý Tôi không hiểu tôi đã “say” truyện Kiều từ lúc nào. Để đến lúc này nhận ra rằng: Từ phen đá biết tuổi vàng Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ Thú thật, lúc ngồi trên ghế nhà trường, học thuộc một vài đoạn Kiều, thầy giảng như thế nào tôi cứ hiểu y như lời thầy. Cái tuổi mười bốn, mười lăm tôi làm sao hiểu nổi thế nào là Tình trong như đã mặt ngoài còn e… hay Khách đà lên ngựa người còn ghé theo. Bỗng mười tám, mười chín tuổi, tự nhiên tôi lại thích và thuộc: Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng và: Người đâu gặp gỡ làm chi Trăm năm biết có duyên gì hay không? ấy thế là tôi bắt đầu “ngốn” Truyện Kiều gặp ai yêu văn thơ tôi cũng cố hỏi cho bằng được câu này nghĩa là thế nào. May thay, tôi đã gặp hai thầy giáo. Qua những tác phẩm viết về thơ cổ điển Việt Nam, Xuân Diệu là ông thầy thứ nhất. Ông thầy thứ hai là cuộc đời [cuộc sống]. Chính cuộc sống đã cung cấp kiến thức cho tôi hiểu được cái hay của Truyện Kiều. Còn Xuân Diệu, thầy dạy tôi cách tiếp cận Truyện Kiều. Nên tôi hiểu được rằng không ai dám nói là mình đã hiểu hết cái hay của Truyện Kiều và cái tuyệt vời của văn Kiều. Vì thế còn bàn thêm đôi chỗ trong Truyện Kiều vào lúc này hay mãi mãi về sau vẫn là điều cần thiết. Ví như câu nhà thơ Xuân Diệu dẫn: “Dưới trăng quyên đã gọi hè Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” Trong bài “Chung quanh từ ngữ truyện Kiều”, nhà thơ Xuân Diệu viết: “Có… đơm bông, nghĩa là các cánh hoa nở đơm lên nhau, thì mới lập lòe được. Chứ hoa mới đâm bông, nghĩa là ra nụ nhọn mà chưa nở ra sắc màu, thì không thể lập lòe”. Tôi xin mạnh dạn phát biểu về từ “đâm” trong hai câu Kiều này: Động từ “lập lòe” nghĩa là lúc có, lúc không. Như con đom đóm lúc sáng, lúc tắt. Vậy nếu hoa lựu đã mở tới mức cánh hoa… đơm lên nhau. Nghĩa là cánh hoa này nở xếp lên cánh kia, nghĩa là hết cỡ. Mà đã nở thì dù có không hết cỡ người ta vẫn trông thấy rõ quá đi rồi còn “lập lòe” làm sao được nữa. Nên để từ “đâm bông” như một số bản Kiều đã in là hay nhất. Nụ hoa mới hé một tí sắc đỏ ra khỏi cái đài của nó. Mỗi khi gió thổi qua những chiếc lá lay động che khuất, lúc lại nhìn thấy. Thế mới gọi là “lập lòe” vì câu trên: Dưới trăng quyên đã gọi hè Cuốc đã kêu, tuy là “đã” đấy, nhưng là “đã gọi” như vậy nghĩa là chưa bước hẳn sang hè. Nếu mùa hè tới hẳn rồi thì còn cần gì phải “gọi” nữa. Thế nên cái “Màu đỏ” của bông lựu cũng chỉ mới hé ra một tí để báo cái sự “nắng lửa” của mùa hè chớm… bắt đầu. Hai câu thơ trên của Nguyễn Du thật hay, thật tài tình và vô cùng chính xác. Tôi xin bàn thêm hai câu Kiều nữa mà Xuân Diệu đã dẫn: Sông Tần một dải trong xanh Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan Nhà thơ Xuân Diệu viết: “Đây là hai câu vào loại những câu thơ tuyệt diệu của truyện Kiều. Cũng như danh lam thắng cảnh của mặt đất, không nên đụng tới nữa. Nếu để là “Một dải xanh xanh” thì cũng có thể nói rừng kia là một dải xanh xanh. Bất tất cứ phải là con sông mới được! Thôi, xin đừng sửa chữa nữa, thật vàng chẳng phải thau đâu, đừng đem đổi mãi mà đau lòng vàng! Chỉ có con sông Tần giữa mùa thu mới có thể trong và xanh”. Đọc xong lời bình trên của nhà thơ Xuân Diệu, tôi vỗ mạnh vào đùi nhảy cẫng lên “Hay! Hay thật! Thế mới là bình chứ”. Con gái nhỏ của tôi cũng vui lây: “A ha bố hâm, bố hâm rồi”. Rồi nó ôm cổ và trèo lên lưng tôi. Hồi đi công tác phải xa nhà mấy năm. Chia tay vợ con, tôi viết: Đau nào hơn nỗi chia ly Chan hòa nước mắt người đi người về Người đi năm tháng lê thê Người về hoảng hốt trong mê gọi người Hồi tưởng lại cảnh chia tay ở sân bay… vợ tôi chan hòa nước mắt. Con gái tôi òa khóc, nhoài người trong tay mẹ, nức nở: “Bố ơi! Bố cho con đi với bố ơi! Bố đừng bỏ con…”. Lúc ấy xung quanh tôi nào có thấy gì đẹp đâu. Dù là lần đầu được ngồi máy bay, bay lên trời. Thật là: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ Khi Thúc Sinh chia tay với Kiều. Hai người cũng: Cầm tay dài ngắn thở than Chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời Lúc ấy liệu có còn lòng nào để mà cảm thấy cái đẹp của con sông Tần về mùa thu không? Mà lại đẹp tới mức “trong xanh” nữa chứ. Vậy thì theo tôi cứ để chứ “xanh, xanh”, như một số bản Kiều đã in có lẽ là hơn. Sông Tần một dải xanh xanh Khi Nguyễn Du viết “Sông Tần một dải…” là đã vẽ ra trước mắt ta một dải nước kéo về xa, mà người trong cuộc sắp chia ly ấy, tuy còn ngồi bên nhau, mắt đã ướm đo cái khoảng cách xa vời trước mắt. Có vậy mới thấy được những cành liễu “loi thoi”. Vậy thì khi nhìn cái dải nước kéo dài xa tít ấy chỉ có thể thấy màu xanh xanh chứ không thể trong xanh.

Đã đăng báo Người Hà Nội số 49 ngày 6-12-1997.

Chủ Đề