Uống thuốc sắt bao lâu thì có tác dụng

Buổi tư vấn bổ sung sắt cho phụ nữ tuổi sinh sản diễn ra trên Báo VnExpress lúc 14h-16h ngày 1/11 thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả. Việc thiếu hụt sắt sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, như da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, môi khô, mất gai vị giác ở lưỡi, móng tay, móng chân nhạt, dẹt, có thể có sọc, tóc khô rụng dễ gãy...

Dưới đây là phần tư vấn của bác sĩ Phan Thị Hiền Thu, công tác ở Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM.

- Bác sĩ cho em hỏi cách nhận biết cơ thể đang thiếu sắt và cách bổ sung.
Em hay bị chóng mặt khi đứng lên hoặc ngồi xuống đột ngột, do tính chất công việc ngồi văn phòng và dùng máy vi tính nên em hay bị đau vai, cổ bên phải. Thỉnh thoảng hay bị đau đầu. Xin bác sĩ tư vấn cho em ạ! Em cảm ơn! [Lê Thị Thanh Hoa, 31 tuổi, Hưng Yên]

Chào em,

Để nhận biết thiếu máu do thiếu sắt, em sẽ thấy da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, môi khô, mất gai vị giác ở lưỡi, móng tay, móng chân nhạt, dẹt, có thể có sọc, tóc khô rụng dễ gãy.

Về lâu dài việc thiếu máu, thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ, kém tập trung, mệt mỏi và đau đầu, có thể làm tim đập nhanh, thở nông, sức đề kháng giảm...

Ngoài ra, việc đau vai, cổ có thể một phần do tính chất công việc phải ngồi lâu nên dễ dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ. Em nên vận động giữa mỗi 30-45 phút làm việc bằng các động tác tập tại chỗ cho cổ và vai.

Việc em hay chóng mặt khi đứng lên, ngồi xuống đột ngột do bị thiếu máu nên khi thay đổi tư thế, máu sẽ lên não không kịp, làm em thấy choáng. Ngoài ra, em nên kiểm tra lại huyết áp vì khi bị huyết áp thấp cũng gây ra tình trạng này.

- Em vừa có cháu thứ 2 nay được 12 tháng tuổi. Khi có đứa thứ 2 sức khỏe giảm sút nhiều so với khi có đứa con đầu: rất dễ bị cảm, nhanh quên, da dẻ xanh xao hơn hồi chưa sinh cháu thứ 2. Hiện em vẫn còn cho con bú mặc dù sữa rất ít, chủ yếu là bú buổi tối nhưng lượng sữa cũng không nhiều. Em đang suy nghĩ là mình nên bổ sung thêm chất bổ cho cơ thể nhưng đang phân vân chọn thuốc nào cho phù hợp với tình trạng và độ tuổi của mình.
Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
Em cảm ơn! [Phạm Thị Mỹ Nương, 34 tuổi, Quảng Nam]

Chào em,

Những triệu chứng mà em mô tả rất thường gặp ở phụ nữ đã sinh con, đặc biệt là hai bé và trong giai đoạn đang cho con bú như em. Giai đoạn này, người phụ nữ cần bổ sung rất nhiều vi chất dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe sau sinh và nuôi con nhỏ, đặc biệt canxi và chất sắt nhu cầu cao hơn so với bình thường.

Ngoài chế độ ăn đa dạng, đủ 4 nhóm thực phẩm, chú ý các thực phẩm giàu canxi và sắt, em nên bổ sung các thuốc có chất sắt bổ máu, canxi và vitamin D, các vitamin nhóm B khác để đáp ứng được nhu cầu tạo sữa cho con và phục hồi cơ thể của bản thân.

- Thưa bác sĩ, cháu đang là học sinh lớp 12, gần đây cháu thường buồn ngủ không thể tập trung học bài, đặc biệt khi tới tháng cháu còn hay chóng mặt và đau đầu. Hiện vẫn không có cách khắc phục tình trạng này dù cháu đã ăn uống đầy đủ và hạn chế thức khuya. Xin bác sĩ cho cháu biết nguyên nhân vì sao? [Nguyễn Thị Lan]

Chào cháu,

Cháu đang học lớp 12 nên chắc chắn việc học tập sẽ có ít nhiều căng thẳng, bận rộn, cộng với việc tuổi đang lớn lại càng cần nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng. Cho dù cháu đã có ý thức ăn uống đầy đủ và ngủ sớm, nhưng không có nghĩa đảm bảo 100% cháu đã cung cấp đủ chất dinh dưỡng và ngủ đủ so với lứa tuổi.

Vấn đề đặc biệt chính cháu nhận thấy là khi tới tháng thì cháu kém tập trung và mệt mỏi hơn. Điều này thể hiện rõ là cháu có tình trạng thiếu máu, nên đến chu kỳ kinh nguyệt bị mất máu thêm trong chu kỳ [0,5 - 2 mg sắt nguyên tố một ngày] sẽ càng làm cháu mệt mỏi và khó tập trung.

- Chào bác sĩ, em vừa lập gia đình và đang mong muốn có con. Tuy nhiên, em ăn chay trường và đã kéo dài được 3 năm, em đọc được nhiều thông tin vì ăn chay, nên em sẽ dễ bị thiếu máu do thiếu sắt điều này sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Xin bác sĩ cho em biết thông tin này có đúng không? [Nguyên, 83 Lê Văn Huân, P.13, Q. Tân Bình, Tp.HCM]

Chào bạn,

Khi ăn chay kéo dài đúng là dễ bị thiếu máu do thiếu sắt vì chất sắt bổ máu có nhiều trong các thực phẩm động vật hơn là thực vật. Hơn nữa sắt hem [có trong nguồn gốc động vật] dễ hấp thu hơn sắt non hem [có nguồn gốc từ thực vật]. Vì vậy nhu cầu về sắt ở người ăn chay cao gấp 1,8 lần so với người ăn mặn bình thường.

Ngoài ra, người ăn chay trường còn dễ bị thiếu máu do thiếu vitamin B12, loại thiếu máu làm hồng cầu to, vì vitamin này chỉ có trong động vật, không có trong bất cứ thực phẩm thực vật nào.

Khi người mẹ mang thai bị thiếu máu sẽ gây ảnh hưởng ngiêm trọng cho cả mẹ và con. Mẹ dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản... Con sẽ bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy dinh dưỡng từ trong bào thai, dự trữ sắt thấp. Em bé khi sinh ra sẽ dễ biếng bú, chậm phát triển...

Ngoài ra, phụ nữ mang thai thiếu acid folic có thể gây những dị tật ống thần kinh của thai nhi như vô sọ, gai đôi cột sống...

- Chào bác sĩ, con gái tôi năm nay 16 tuổi nhưng cháu chỉ mới dậy thì thời gian gần đây, vì là lần đầu tiên cháu “bị” nên con bé trông rất mệt mỏi, xanh xao do mất máu. Tôi có mua thịt bò để bồi dưỡng cho cháu. Nhưng cháu trông vẫn mệt mỏi, da xanh xao, tôi phải làm sao để cháu có thể khắc phục tình trạng này? [Loan, 83 Lê Văn Huân, P.13, Q. Tân Bình, Tp.HCM]

Chào bạn,

Để giúp bù đắp lượng máu mất theo chu kỳ kinh nguyệt, ngoài việc bổ sung chất sắt, bạn nên chú ý các thực phẩm có nhiều vitamin nhóm B như B2, B5, B9, B12... Thịt bò chỉ là một trong những thực phẩm giàu chất sắt, nên bạn cần cho bé ăn đa dạng các thực phẩm bổ máu khác như: tim, cật, huyết; các loại thịt gia súc gia cầm như thịt dê, thịt chim bồ câu.

Có một điều bạn cần lưu ý là chất sắt sẽ được hấp thu tối đa trong bữa ăn có vitamin C, protein động vật, các acid hữu cơ trong trái cây và rau củ. Không nên dùng những thực phẩm làm giảm hấp thu chất sắt trong bữa ăn như trà, cà phê.

- Tôi có thể tự mua viên sắt ở nhà thuốc về uống để bổ sung sắt không? Làm như vậy có gây hại gì không? Có bị dư sắt trong cơ thể không, vì nếu dư sắt cũng tai hại. Cảm ơn bác sĩ. [Lê Liêu Chi, 27 tuổi]

Chào bạn,

Dù viên sắt là thuốc bổ nhưng bạn cũng không nên tự ý mua về uống mà cần phải có sự thăm khám, tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Nếu đã được khám và chẩn đoán xác định là thiếu máu do thiếu sắt, bạn nên uống theo chỉ định của bác sĩ. Còn nếu tự cảm thấy, chế độ ăn không đủ cung cấp chất sắt và có các dấu hiệu của thiếu máu thiếu sắt và đặc biệt đang trong độ tuổi sinh nở, bạn có thể uống dự phòng mỗi viên một tuần trong 3 tháng, ngưng 3 tháng rồi lập lại.

Việc tự uống có thể gây quá liều và dẫn tới các tác dụng phụ sau: gây rối loạn tiêu hóa như táo bón, buồn nôn, gây ngộ độc cấp ảnh hưởng hệ thống thần kinh trung ương, gan, thận.

- Dấu hiệu nhận biết thiếu sắt là như thế nào ạ? Hậu quả của thiếu sắt?
Cách bổ sung qua thức ăn có đủ không hay loại thuốc nào ạ? [Hoàng Nhung, 26 tuổi]

Chào Nhung,

Câu hỏi của bạn cũng là vấn đề được nhiều bạn nữ quan tâm.

Thiếu máu do thiếu sắt làm cho bạn dễ mệt mỏi, hay chóng mặt, có thể nhức đầu, kém khả năng tập trung... Điều này sẽ dẫn đến giảm khả năng làm việc cũng như học tập, giảm khả năng hoạt động thể lực, giảm sức đề kháng và có thể dẫn đến rối loạn hành vi như bực tức, cáu gắt...

Để bổ sung sắt qua thức ăn, bạn nên chọn các thực phẩm như: các loại thịt đỏ màu [bò, heo, dê...]; thịt gà; mộc nhĩ [nấm nèo], nấm hương; các loại đậu; vừng.; các loại rau lá xanh đậm.

Khi đã thiếu máu do thiếu sắt thì việc bổ sung chỉ đơn thuần qua thức ăn là không đủ. Bạn cần bổ sung các loại thuốc có thành phần sắt, đặc biệt sắt [III] sẽ hấp thu tốt hơn sắt [II] như sắt Fumarate.

- Bác sĩ cho em hỏi. Hiện em đang mang thai khoảng 9 tuần, vậy em uống loại sắt, acid folic nào là tốt nhất và uống vào buổi nào là đúng nhất trong ngày. Em xin cảm ơn. [Nguyễn Thị Tuyết Anh, 23 tuổi, Đồng Tháp]

Chào em,

Khi mang thai, em nên đi khám thai tại bác sĩ sản khoa. Tại đây, bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp với thể trạng của em. Thông thường khi mang thai, em cần được bổ sung loại thuốc có 60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic.

Em nên uống thuốc vào trước bữa ăn để giúp hấp thu chất sắt tối ưu, tuy nhiên nếu em nghén hoặc khó chịu, kích thích dạ dày, em có thể uống sau ăn một giờ đồng hồ.

- Xin chào bác sĩ Hiền!
Tôi năm nay 31 tuổi, chưa lập gia đình, xin bác sĩ cho tôi hỏi từ tuổi nào thì người phụ nữ trong những ngày có kinh nguyệt được uống sắt bổ sung? Và lượng uống mỗi ngày như thế nào, uống trong bao nhiêu ngày vì chu kỳ kinh của tôi thường là 7 ngày mới dứt hết, nên uống sắt trước kỳ kinh hay là trong kỳ kinh. Tôi chân thành cảm ơn bác sĩ đã tư vấn. Chúc bác sĩ nhiều sức khỏe. [Thùy Linh, 623-625 nguyễn trãi]

Linh mến!

Phụ nữ ở lứa tuổi sinh nở 15-49 cần được bổ sung sắt mỗi 60 mg sắt nguyên tố và 280 mcg acid folic hàng tuần, 3 tháng liên tiếp, sau đó ngưng 3 tháng, nếu có điều kiện thì lập lại suốt năm.

Nếu bạn hay quên cũng có thể uống mỗi 7 ngày trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng để giúp tránh mất máu.

- Tôi hay uống cà phê sữa vào mỗi buổi sáng, sau đó là uống viên sắt, nếu uống kết hợp 2 thứ này với nhau có gặp vấn đề gì không? [Lê Ngọc]

Chào bạn,

Nếu uống sắt cùng với cà phê sữa sẽ làm giảm hấp thu chất sắt vào cơ thể vì cả cà phê và sữa đều là hai chất làm ức chế sự hấp thu sắt. Bạn nên uống viên sắt trước bữa ăn sáng 30 phút hoặc sau 1-2 giờ để được hấp thu tốt nhất.

- Em vừa bị sẩy thai thì có nên bổ sung sắt cho đến khi có em bé lại không hay khi nào có em bé thì mới uống sắt? [Nguyen thi bich dung, 28 tuổi, Luong son, bac binh, binh thuan]

Chào em,

Em có thể bổ sung sắt trong vòng một tháng ngay sau khi sẩy thai để giúp cơ thể mau hồi phục. Thông thường em có thể bổ sung sắt trước khi dự định có thai lại 3 tháng, uống trong suốt thời kỳ mang thai và sau sinh một tháng.

- Em hay có hiện tượng ngáp liên tục, mặc dù em kiểm tra tim em không có vấn đề gì? Lúc nào em cũng trong tình trạng mệt mỏi và buồn ngủ, nhưng khi ngủ thì không sâu giấc. Bác sĩ tư vấn giúp em nhé! Em cám ơn! [Lê Thị Thanh Hoa, 31 tuổi, Hưng Yên]

Chào Hoa!

Hiện tượng mà em gặp phải có thể do làm việc quá sức, căng thẳng, thiếu ngủ và thiếu dinh dưỡng. Đầu tiên, em nên cân đối lại thời gian giữa làm việc và nghỉ ngơi, nên đi ngủ vào một giờ nhất định, tập thể dục thường xuyên, chú ý ăn uống đủ bữa và đủ chất.

Nếu đã điều chỉnh mà em vẫn còn gặp tình trạng trên, em nên đi khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm xem có bị thiếu máu do thiếu sắt. Nếu thiếu, các bác sĩ sẽ kê toa bổ sung viên sắt cho em. Sau thời gian được bổ sung viên sắt khoảng 1-3 tháng thì các triệu chứng của em sẽ cải thiện rõ rệt.

- Cách đây 2 tháng em kiểm tra máu thì có bị thiếu sắt. Nhưng dạo gần đây em hay bị chóng mặt, đặc biệt là khi nằm xuống giường em cảm giác chóng quay mặt mũi. Buổi sáng em có bổ sung sắt nhưng đi ngoài phân có màu xanh xanh đen đen. Xin hỏi bác sĩ như vậy có phải là em không hấp thu được sắt ạ phải không? Và em phải bổ sung sắt như thế nào cho đúng cách? Em cảm ơn! [Thu Trang, 31 tuổi, Hà Nội]

Chào bạn,

Trong khi uống thuốc bổ sung sắt, đi ngoài phân có màu xanh đen là dấu hiệu tương đối thường gặp do màu của chất sắt, không phải là không hấp thu được chất sắt. Nếu bạn đã ngưng uống mà đi ngoài phân vẫn có màu xanh đen thì mới cần kiểm tra nội soi đường tiêu hóa, xem có bị xuất huyết tiêu hóa trên.

Để bổ sung sắt đúng cách, bạn nên uống trước bữa ăn hoặc sau một giờ đồng hồ. Bạn nên chú ý ăn thêm rau xanh, các loại trái cây có vitamin C để tăng hấp thu chất sắt tối ưu.

- Em thắc mắc là nam có bị trường hợp thiếu sắt không và nếu có thì phải bổ sung bằng cách nào? [Hoang Long, 24 tuổi]

Long mến!

Thông thường nam giới ít bị thiếu máu do thiếu sắt vì chế độ ăn thường được cung cấp đủ và không bị mất máu mỗi tháng. Nếu có nghi ngờ mình đang bị thiếu máu do thiếu sắt, bạn cần được khám, xét nghiệm và chẩn đoán xác định tình trạng cụ thể, lúc đó mới có thể bổ sung thuốc.

- Chào bác sĩ, cháu năm nay 16 tuổi đang trong giai đoạn đầu của tuổi dậy thì vì ý thức được cơ thể mình đang lớn, nên cháu thường xuyên tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội. Cháu biết được rằng, nhu cầu sắt trong mỗi độ tuổi đều khác nhau, nhờ bác sĩ tư vẫn cụ thể trong độ tuổi của cháu thì cần bao nhiêu lượng sắt để bảo đảm sức học tập cũng như kịp thời đáp ứng với những thay đổi của cơ thể ạ? [Ánh Nguyễn]

Chào cháu,

Cô có lời khen ngợi vì cháu rất có ý thức và quan tâm đến sức khỏe. Đúng là nhu cầu sắt trong mỗi độ tuổi đều khác nhau, ví dụ khi chưa có kinh nguyệt thì nhu cầu khuyến nghị là 9,3 mg sắt một ngày, nhưng khi đã có kinh nguyệt thì nhu cầu tăng lên là 21,8 mg một ngày. Vì vậy, cháu cần chú ý ăn các thực phẩm giàu sắt những thực phẩm giàu chất sắt như: tim, cật, huyết; các loại thịt gia súc gia cầm như thịt dê, thịt chim bồ câu.

Ở lứa tuổi của cháu, việc học hành cũng căng thẳng. Vì vậy cháu không nên bỏ bữa, ăn đủ 4 nhóm và đa dạng thực phẩm để tránh tình trạng thiếu máu thiếu sắt, đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển về thể chất, năng lượng cho học tập.

Ngoài độ tuổi dậy thì và lứa tuổi sinh nở [15-49 tuổi] thường bị thiếu máu do thiếu sắt, thì một số đối tượng sau cũng cần lưu ý có khả năng bị thiếu máu do thiếu sắt như:

- Người có bệnh lý phải điều trị bằng thuốc kháng acid, thiếu kiềm, hoặc đang trong tình trạng bệnh lý làm thiếu acid dịch vị, cắt một phần dạ dày.

- Người ăn chay trường.

- Người có hoạt động thể lực tích cực thường xuyên [nhu cầu sắt của những người này có thể cao hơn 30-70% so với những người không thường xuyên tham gia các hoạt động thể lực.

- Người bị nhiễm ký sinh trùng: giun, sán...

- Tôi đi khám, bác sĩ nói bị cạn sắt dự trữ. Bác sĩ có cho uống thuốc sắt [đã uống cả viên và ống] nhưng tôi bị đau dạ dày, nôn ói. Bác sĩ tiêu hoá lại nói ngưng uống sắt. Giờ không biết làm sao. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi, tôi ăn uống rất kém nữa. Tôi xin cảm ơn! [Nguyễn Thanh Mai, 41 tuổi, 48/11 nguyễn tư giản, gò vấp, tphcm]

Chào Mai,

Đúng là trong thuốc bổ máu có chất sắt, dễ gây kích thích dạ dày cho một số người. Nếu chị đang bị đau da dày, cần điều trị cho qua giai đoạn cấp tính thì sẽ bổ sung tiếp chất sắt. Chị lưu ý nên uống viên sắt sau ăn để tránh kích thích dạ dày cho bản thân.

- Em đang có kế hoạch có em bé, muốn bổ sung sắt cho cơ thể. Vậy em có thể bổ sung uống viên sắt với liều lượng như thế nào, uống trong bao lâu là tốt nhất. Hiện em uống Ferrovit [162mg Ferous Fumarate/0.75mg Folic acid/7.5mcgvitamin b12] với liều lượng một viên một ngày, uống sau ăn sáng. Với liều lượng đó em gặp hiện tượng táo bón nhẹ! [Giang Bích Hồng, 25 tuổi, Hà Nội]

Chào em,

Điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM tiến hành cho thấy lượng sắt và acid folic trong khẩu phần ăn của phụ nữ mang thai chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu khuyến nghị. Vì vậy, việc em chủ động uống bổ sung viên sắt mỗi ngày một viên trước khi có thai là tốt. Sản phẩm em đang dùng là thích hợp vì ngoài chất sắt, còn có acid folic giúp phòng ngừa các dị tật bẩm sinh và vitamin B12 hỗ trợ cho quá trình bổ máu.

- Thưa bác sĩ, em vừa sinh con đầu lòng xong, thấy người không còn khỏe như thời con gái. Bác sĩ cho em hỏi sau khi sinh con, em có nên tiếp tục uống sắt không? [Mai thị Hậu, 28 tuổi]

Chào em,

Sau khi sinh, em nên uống viên sắt tối thiểu một tháng và có thể uống tiếp nếu đang cho con bú, nhằm cung cấp đủ chất sắt cho nhu cầu phát triển của trẻ. Khi được 6 tháng tuổi, trẻ sẽ được cung cấp chất sắt từ chế độ ăn dặm.

- Bác sĩ cho em hỏi nếu uống bổ sung viên sắt thì có cần theo toa bác sĩ không? Và uống thuốc của nhiều hãng khác nhau có ảnh hưởng gì không ạ. Cám ơn bác sĩ ạ. [Huyền Trang, 25 tuổi, Tân Bình]

Chào em,

Bổ sung viên sắt theo chương trình phòng ngừa ở lứa tuổi sinh sản thì không cần theo toa bác sĩ. Em cần phải được khám và sử dụng theo toa trong trường hợp uống theo liều điều trị. Việc uống thuốc của nhiều hãng khác nhau không ảnh hưởng gì. Nhưng em cần chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thể trạng. Khi em đang uống sản phẩm của một hãng mà thấy thích hợp thì không nên đổi qua sản phẩm khác, tránh gây những tác dụng phụ không mong muốn.

- Thưa bác sĩ, tôi đi khám bệnh thì biết rằng mình bị thiếu máu do thiếu sắt. Bệnh này có nguy hiểm không bác sĩ? Cách điều trị như thế nào? [Anh Ha, 24 tuổi]

Chào bạn,

Việc mới bị thiếu máu do thiếu sắt thì chỉ gây mệt mỏi, kém tập trung, hoa mắt, chóng mặt. Tuy nhiên nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng của não như giảm tập trung, giảm trí nhớ, giảm khả năng học tập và làm việc, giảm khả năng hoạt động thể lực cũng như hệ thống miễn dịch... Ở độ tuổi của bạn, việc thiếu máu do thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh nở cũng như đến em bé trong bào thai.

Còn với trẻ em, việc thiếu máu do thiếu sắt sớm và kéo dài sẽ gây ảnh hưởng trí não, không hồi phục, nên phải được tầm soát, phát hiện và bổ sung sớm cho trẻ.

Trong trường hợp được chẩn đoán xác định thiếu máu do thiếu sắt, bạn phải điều trị sắt với liều 3-4 mg/kg cân nặng, chứ liều uống bổ sung một viên một ngày là không đủ. Bạn cần uống trong thời gian ít nhất 3 tháng và cần được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa.

VnExpress

Video liên quan

Chủ Đề