Vì sao chiến thắng mậu thân mở ra bước ngoặt




Bộ đội hành quân trong cuộc tổng tiến công và nổi dậyxuân Mậu Thân 1968

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra trong bối cảnh đế quốc Mỹ ngoan cố leo thang chiến tranh, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời tiến hành “chiến tranh phá hoại” đối với miền Bắc, hậu phương lớn của cuộc kháng chiến. Đế quốc Mỹ đã huy động bộ máy chiến tranh khổng lồ với các lực lượng hải, lục, không quân được trang bị tối tân nhất để chống lại nhân dân ta với ý đồ chiến lược hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến ở miền Nam, phá hoại và xâm lấn miền Bắc, đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở khu vực Đông Nam Á.

Quán triệt sâu sắc và thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 154-NQ/TW, ngày 27-01-1967 của Bộ Chính trị [khóa III] về đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam: “Ra sức đánh bại cuộc phản công chiến lược lớn lần thứ hai của bọn xâm lược Mỹ, làm thất bại các mục tiêu lớn của chúng, giữ vững thế chủ động, bảo tồn và phát triển lực lượng của ta, tạo điều kiện và thời cơ cho các đợt hoạt động lớn tiếp theo, tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương”, quân và dân ta đã phát huy thế mạnh, thế chủ động tấn công địch, kiên cường chiến đấu, đánh và thắng lớn trên khắp các chiến trường, đặc biệt là ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trị-Thiên, bẻ gãy các cuộc phản công chiến lược của địch ở miền Nam và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc.

Nhận định thời cơ thuận lợi chuyển cuộc kháng chiến của dân tộc ta sang một bước phát triển mới, trên cơ sở đã có chuẩn bị từ trước và lợi dụng yếu tố bất ngờ trong dịp Tết Nguyên đán, Trung ương đã “hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đầu Xuân Mậu Thân, nhằm mục đích giáng cho đế quốc Mỹ một đòn thất bại nặng nề về quân sự và chính trị, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang và cùng ta giải quyết cuộc chiến tranh theo những điều kiện có lợi cho ta”. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, ta đã huy động hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, tập kết một khối lượng lớn vũ khí, trang thiết bị mà địch không hay biết. Khí thế của bộ đội và của quần chúng cách mạng lên cao, vượt lên khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã bất ngờ đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn, Huế, các căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy, các thành phố, thị xã, đồng thời đánh địch khắp các vùng nông thôn bị tạm chiếm; tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực và phá hủy một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của địch với đội quân lúc đó lên tới trên một triệu hai mươi vạn quân Mỹ, ngụy và chư hầu, được trang bị vũ khí hiện đại. Trong đó, có những trận gây tiếng vang mạnh mẽ trong nước và trên thế giới, như trận đánh vào tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh của ngụy quyền Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế,… Phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với các cuộc tiến công vào đô thị của các lực lượng vũ trang, nhân dân Nam Bộ đã nổi dậy, phá rã phần lớn bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở thôn, xã, giành quyền làm chủ ở nhiều vùng, mở rộng và củng cố vùng giải phóng.

Cùng với thắng lợi trong hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 và tại mặt trận Đường 9-Khe Sanh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giành thắng lợi to lớn chỉ sau ba năm, kể từ khi địch chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, trong bối cảnh địch đã leo thang đến mức cao nhất, tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường; xuống thang chiến tranh, chuyển hướng sang “phi Mỹ hóa”, “Việt Nam hóa” chiến tranh, bắt đầu rút quân về nước; chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Thắng lợi Tết Mậu Thân của quân và dân ta đã thúc đẩy nhân dân Mỹ đấu tranh mạnh mẽ hơn với chính quyền Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược, đưa con em của họ về nước. Nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới càng thấy rõ sức mạnh và tính tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính nghĩa của dân tộc ta, thấy rõ thất bại tất yếu của đế quốc Mỹ và ngày càng ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này đánh dấu một bước phát triển mới về nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, kết hợp tốt ba mũi giáp công là vũ trang, chính trị, binh vận, giữa tiến công và nổi dậy - nổi dậy và tiến công giành quyền làm chủ của nhân dân, hướng chính là mở mặt trận tiến công và vây ép địch ở thành thị, chủ yếu là các thành phố lớn, đồng thời diệt ác phá kìm, phá rã bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở và làm tan rã hàng ngũ của địch. Đây là phương châm chiến lược xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng, đã được phát huy nhuần nhuyễn, toàn diện trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân cũng như đến Đại thắng mùa Xuân 1975, giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường, sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đánh dấu bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam về tổ chức và phát động một cuộc tiến công đồng loạt trên khắp chiến trường rộng lớn vào các sào huyệt của địch mà vẫn giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ.

Sau thắng lợi vĩ đại này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã chuyển sang giai đoạn cách mạng mới với những thời cơ, thuận lợi mới để thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện sức mạnh vô song của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược đấu tranh cách mạng; là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dám đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng.

Kỷ niệm 50 năm thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào thời điểm công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và đang đứng trước thời cơ, vận hội phát triển mới với những khó khăn, thách thức đan xen, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh to lớn, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong hòa bình, đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Đất nước ta ngày càng lớn mạnh. Nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cao hơn, phức tạp hơn đang và sẽ đặt ra đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, chuyển thách thức thành thời cơ để phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã, đang và sẽ tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thử thách, tranh thủ cơ hội mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.


​Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra, nhưng thời khắc oanh liệt của mỗi trận đánh như được tái hiện trong ký ức mỗi người dân nước Việt. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đòn chí mạng làm rúng động cả chính quyền Sài Gòn, làm chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ và là cuộc tổng diễn tập quan trọng có ý nghĩa quyết định cho Đại thắng Mùa xuân 1975…

Vào những ngày này cách đây 50 năm, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã gửi thư chức tết đến toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước. Trong thư có đoạn viết: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Lời Bác Hồ như thức tỉnh cả dân tộc, đồng thời như lời hiệu lệnh cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 - cuộc tổng tiến công đầy táo bạo, bất ngờ, đánh thẳng vào sào huyệt kẻ thù.

Để làm rõ tầm quan trọng của chiến thắng xuân Mậu Thân và ý nghĩa lịch sử của nó trong bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Kon Tum đã tổ chức tọa đàm về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Những người trực tiếp tham gia chiến dịch - những nhân chứng lịch sử, một lần nữa khẳng định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân là một chiến thắng mang tầm chiến lược có ý nghĩa cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Tuy đã trải qua 50 năm, nhưng đối với ông Trần Thanh Dân - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự thị xã Kon Tum, người từng trực tiếp chỉ đạo và tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc như mới vừa diễn ra. Khi được mời giao lưu, ông xúc động khi nhớ lại thời khắc quân và dân tỉnh ta nổ súng mở màn chiến dịch…

Ông Trần Thanh Dân khẳng định: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn chí tử vào chính quyền nguỵ Sài Gòn và làm rúng động cả nước Mỹ, tạo niềm hân hoan trong lòng triệu triệu trái tim yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc kẻ thù phải xuống thang, chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc và chấp nhận đàm phán Hội nghị bốn bên tại Pari [Pháp].

Đây chính là một bước ngoặt chiến lược, đưa cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc ta sang giai đoạn mới. Đồng thời cũng là một cuộc tổng diễn tập lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng. Khi nói về vấn đề này, ông Trần Thanh Dân khẳng định: Điều đó thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta khi biết chọn thời cơ đúng lúc để mở chiến dịch và giành thắng lợi.

Khi quyết định chọn thời cơ để mở cuộc tổng tiến công, Đảng ta nhận định sau những thất bại nặng nề ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, nội bộ chính quyền Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, phong trào phản đối chiến tranh dâng cao khắp nước Mỹ, thêm vào đó gánh nặng chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế- xã hội nước Mỹ…

Hơn nữa, năm 1968 lại là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm về chính trị, buộc Tổng thống Mỹ đương nhiệm Giôn Xơn phải tính toán, thận trọng để đưa ra các quyết sách, nhất là đường lối chiến tranh Việt Nam, nhằm tạo sự ủng hộ của cử tri trong cuộc chạy đua vận động bầu cử. Tình hình trên cho thấy, mặc dù lực lượng quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn rất đông, tiềm lực chiến tranh còn mạnh, nhưng thực tế chiến trường đã đẩy đế quốc Mỹ vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Khi nói về nguyên nhân làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, không thể không nói đến sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, nêu cao quyết tâm tiến công địch, xây dựng được “thế trận lòng dân” ngay trong lòng địch. Đảng ta đã biết dựa chắc vào dân, biết khơi dậy, phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, lấy ít địch nhiều…

Các ý kiến tham gia buổi toạ đàm đều khẳng định: Mặc dù còn một số hạn chế, song ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi. Lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh, các lực lượng vũ trang đã có những bước tiến vượt bậc, vận dụng những phương thức tác chiến chiến lược độc đáo, linh hoạt, diệt được nhiều sinh lực địch. Ta giữ vững và mở rộng quyền làm chủ, hình thành thế bao vây xung quanh các căn cứ, thị xã, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở các đô thị.

Hội nghị Bộ Chính trị [tháng 12/1967] cũng nhận định: “Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Tình hình đó cho phép chúng ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đồng loạt nổ ra trên khắp các tỉnh, thành ở miền Nam, giáng đòn sấm sét vào ngay tại sào huyệt của kẻ thù. Và tại tỉnh Kon Tum, quân và dân ta cũng đồng loạt tiến công và nổi dậy đánh vào những cứ địa quan trọng của địch.

Là người trực tiếp tham gia và chỉ đạo chiến dịch, ông Trần Thanh Dân cho biết: Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại tỉnh Kon Tum thắng lợi, Tỉnh ủy tổ chức chỉnh huấn chính trị trong toàn Đảng, toàn quân tổng kết thắng lợi, xác định những tồn tại, khuyết điểm cần khắc phục. Từ đó tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại thiếu sót từ cơ sở, từng chi bộ, từng đơn vị. Trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những thành tích đạt được vừa qua mà động viên phong trào, nâng cao ý chí chiến đấu, nhất quán đường lối, phương châm; phương pháp cách mạng, đoàn kết nhất trí, thực hiện bốn bám. Phát động phong trào thi đua động viên mọi nỗ lực quyết tâm giành thắng lợi to lớn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy.

Đối với Thị ủy Kon Tum lúc bấy giờ, ta đã kiện toàn lãnh đạo và bộ máy thị xã [H5] để thống nhất lãnh đạo toàn thị xã tiến hành công tác chuẩn bị. Tăng cường lực lượng cho thị xã, lực lượng vũ trang thị đội, an ninh, đội công tác bám dân khắp các vùng ven tạo thành thế bao vây, phân tán lực lượng địch đối phó với ta để tập trung đột phá vào trọng điểm.

Bên cạnh đó còn xây dựng củng cố bàn đạp vững chắc để có thể làm chủ vào ban đêm, dễ dàng thuận lợi cho việc triển khai chuẩn bị và tiến hành tổng tiến công và nổi dậy. Đồng thời xây dựng căn cứ lõm trong nội thị, những nơi địch yếu và sơ hở để đưa cán bộ, đặc công vào bên trong, đưa vũ khí vào chuẩn bị chiến trường, quần áo, quân trang cho bộ đội…

Và như chúng ta đã biết, đêm 29 rạng sáng ngày 30/1/1968 [tức là rạng sáng ngày Mồng một tết], cùng với miền Nam, quân và dân tỉnh ta nổ súng mở màn chiến dịch, tấn công đồng loạt 23 mục tiêu quan trọng của địch tại hai vùng trọng điểm của thị xã Kon Tum và Đăk Tô-Tân Cảnh, góp phần vào chiến thắng vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 chính là nghệ thuật quân sự đặc sắc với sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của lực lượng vũ trang ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nổi dậy của lực lượng quần chúng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; lấy đòn tiến công quân sự làm động lực để quần chúng nổi dậy và đưa chiến trường vào tận sào huyệt của kẻ thù.

Qua đó chúng ta càng có cơ sở khoa học để khẳng định rằng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã tạo bước ngoặt quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, để lại những bài học lịch sử quý giá.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí chiến đấu, quyết thắng, khí phách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc, thể hiện nghệ thuật chiến tranh cách mạng, sáng tạo vượt bậc của chiến tranh nhân dân.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay…

Dương Đức Nhuận

Video liên quan

Chủ Đề