Vì sao nông dân không bỏ trồng lúa

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

  • Nóng

  • Mới

  • VIDEO

  • CHỦ ĐỀ

Đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp ở nhiều địa phương trong cả nước, do quá trình đô thị hóa trên diện rộng. Trong khi đó, người nông dân ở tỉnh Quảng Nam phải bỏ hoang nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân được xác định là do tình hình sản xuất kém hiệu quả, chi phí sản xuất cao, mùa màng thất bát, sâu bệnh, chuột bùng phát… Đặc biệt là thiếu nước tưới phục vụ sản xuất đối với vụ hè thu hàng năm.


Cần có giải pháp kịp thời để giúp bà con nông dân bám ruộng

Cùng với đó, các sản phẩm do người nông dân làm ra lại rơi vào tình cảnh giá cả bấp bênh, thậm chí không có đầu ra... Đây là bài toán hóc búa khiến chính quyền địa phương tại tỉnh Quảng Nam đang gấp rút tìm giải pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất bị bỏ hoang, giúp nông dân quay lại gắn bó với đồng ruộng…

Thực tế tại vùng lúa xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, trong vụ hè thu 2013 có ít nhất 10ha đất lúa bị bỏ hoang, phần lớn do đất bị nhiễm phèn, thiếu nguồn nước tưới để rửa chua. Ông Nguyễn Văn Bé, một nông dân ở xã chua chát, bình quân mỗi sào ruộng lúa [500m2] sau hơn 3 tháng canh tác, cần mẫn chăm sóc, cuối vụ thu về khoảng 1,1 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư sản xuất không ít hơn 1,2 triệu đồng.

Hiệu quả kinh tế mang lại quá thấp, thua lỗ nặng nên gần đây người nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, đến nay có hơn 100 hộ “treo ruộng” để tìm sinh kế khác như phụ hồ, chạy xe ôm, làm thuê…

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường, nước biển dâng cao hơn trước dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới, khiến nông dân bỏ ruộng không chỉ diễn ra ở các vùng ven biển, mà cả các vùng phía Tây tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quế Sơn cho hay, do thiếu hệ thống hồ chứa, đập dâng và kênh mương, nên vụ hè thu hàng năm nông dân đều bỏ hoang hơn 880ha, trong tổng số 3.850ha đất lúa của địa phương.

Diện tích đất lúa bị bỏ hoang tập trung nhiều nhất ở các xã Quế Hiệp, Quế Thuận, Quế Phong, Phú Thọ, Quế An, Quế Minh, Quế Long, Quế Châu...

Nhiều hộ nông dân ở huyện Quế Sơn cho hay, mặc dù được ngành nông nghiệp khuyến khích chuyển đổi cây lúa sang gieo trồng các loại cây chịu hạn tốt khác như vừng, sắn, cây họ đậu… Thời gian đầu cây phát triển tốt, nhưng từ giữa đến cuối vụ, nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến cây còi cọc, cho năng suất thấp.

Theo ông Nguyễn Văn Chín, chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan rất nỗ lực trong việc chuyển đổi cây giống cho bà con nông dân nhưng trong số 900ha đất lúa bỏ hoang, thì mới chuyển sang canh tác các loại cây trồng được khoảng hơn 200ha nhưng sản lượng rất hạn chế.

Điều kiện thiếu nước tưới sản xuất diễn ra ngày càng phức tạp và gây hậu quả nặng nề đối với ngành sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho hay, qua khảo sát tại nhiều vùng trong tỉnh, do điều kiện về tưới tiêu, biến đổi khí hậu… nên nhiều địa phương của tỉnh đã xảy ra tình trạng người nông dân bỏ hoang hóa đất sản xuất lúa, không tiếp tục thả nuôi tôm với diện tích trên 5.000ha.

Trong đó, trên 4.500ha đất lúa bỏ hoang vụ hè thu do thiếu nước và vùng trũng bị nhiễm mặn; có hơn 500ha đất nuôi tôm tại Tam Kỳ, Núi Thành, Duy Xuyên không tiếp tục thả nuôi tôm... Có khoảng 3.000ha đất lúa liên tục bỏ hoang trong vụ sản xuất hè thu, vì nước tưới chủ yếu dựa vào thời tiết hoặc bị ô nhiễm và xì mặn.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực hỗ trợ người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 4.500ha đất lúa thường bị bỏ hoang nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Lê Muộn, để giải quyết khâu nước tưới cho 4.500ha đất canh tác trên địa bàn thường bị bỏ hoang thì cần khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống hồ chứa, đập dâng, đập thời vụ, kênh dẫn. Tuy nhiên đây là số tiền không nhỏ nên nằm ngoài tầm tay của địa phương.

Để kéo người nông dân quay lại bám ruộng, ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương Quảng Nam cần nhanh chóng có giải pháp. Trước mắt là chọn các loại giống lúa và các loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt, thích hợp với vùng đất nhiễm phèn để đưa vào sản xuất giúp bà con  nông dân có nguồn thu hiệu quả hơn.

Trong dài hạn, cần có kế hoạch phân kỳ đầu tư để từng bước khắc phục những hạn chế đối với hệ thống thủy lợi hiện nay, để hỗ trợ người nông dân gắn kết với đồng ruộng…

Bài và ảnh Chí Thiện

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác [Bộ NNPTNT], cho biết dù chưa có tổng hợp số liệu chi tiết của các địa phương [hạn chót là ngày 10/8/2013] nhưng qua thực tế làm việc và kiểm tra ở các địa phương, ông cũng phần nào nắm được những nguyên nhân khiến người dân bỏ ruộng.

Làm "cửu vạn", “osin” còn giàu hơn... làm ruộng

Qua khảo sát của Cục Kinh tế hợp tác, tại khu vực Đồng bằng sông Hồng [ĐBSH], người đông, đất ít nhưng nông dân vẫn bỏ ruộng.

Ở nhiều vùng, nông dân bỏ ruộng vì không thể sống được từ ruộng. Ảnh minh họa

Từ năm 2011 trở về trước, việc bỏ hoang ruộng đất đã xảy ra ở một số tỉnh như: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh... nhưng chủ yếu là ở địa bàn xung quanh các doanh nghiệp, khu cụm công nghiệp, do đất bị chia nhỏ không đủ canh tác và chất lượng đất cũng không còn tốt khi ở gần các nhà máy này.

“Nhưng từ năm 2011 đến, ngày càng có nhiều hộ nông dân bỏ ruộng, thậm chí họ còn "làm đơn trả ruộng". Tình trạng này xảy ra nhiều ở các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh”, ông Lộc nói.

Ước tính hiện nay, số diện tích ruộng bị bỏ hoang bình quân mỗi tỉnh khoảng 100ha, tỉnh nhiều như Hải Dương là trên 200ha. Con số này có xu hướng tăng lên và diện tích ruộng bị trả chủ yếu là ruộng làm 2 vụ lúa hoặc 2 lúa 1 màu.

Ông Lộc đưa ra ví dụ làm lời giải cho tình trạng trên: Ở ĐBSH, bình quân 1 hộ có 3,72 khẩu [tính ra khoảng 1,7 lao động], mỗi hộ được giao khoảng 5,5 sào ruộng. Nếu tính thu nhập từ làm ruộng khi cấy 2 vụ lúa trên 5,5 sào và trong đó có khoảng 30% đất có thể làm được vụ 3 [vụ màu] thì tổng thu nhập 1 năm được khoảng hơn 22 triệu đồng [năng suất lúa trung bình khoảng 300 kg/sào/vụ và 1 sào màu/vụ bình quân thu 1,5 triệu đồng].

Trừ khoảng 48% chi phí [thuê công làm đất, mua giống, phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ thủy lợi, công gặt tuốt lúa...] thì 1 hộ còn gần 13 triệu đồng/năm. Như vậy giá trị ngày công [tiền lãi] bình quân 1 lao động/hộ chỉ khoảng 45.000 đồng/công [tính 24 công/tháng]. Tính ra thấp hơn rất nhiều so với giá trị ngày công của vùng.

Bây giờ ở khu vực ĐBSH, giá thuê nhân công 1 ngày là 150.000-200.000 đồng, chưa kể ăn uống, sinh hoạt nên người ta thu về cũng được từ 2,5-3 triệu đồng. Vì thế, nông dân không thiết tha gì với đồng ruộng cũng là lẽ tất nhiên.

Đóng góp còn nặng

Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác, năm 2011, nhiều xã ở ĐBSH đóng góp bình quân khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/hộ/năm, gồm các khoản: tiền bảo vệ đồng ruộng, tiền thu làm giao thông nông thôn, nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh môi trường, quỹ khuyến học, quỹ nông dân...; phần lớn những khoản này vẫn được tính theo đầu sào ruộng [vì chia bình quân cho dễ], trên lý thuyết, nhà nào nhiều ruộng thì thu nhập khá hơn.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác Tăng Minh Lộc

Tuy nhiên cách tính trên đã gây áp lực cho người dân trong điều kiện giá vật tư đầu vào ngày càng tăng mà giá sản phẩm nông nghiệp ngày càng giảm.

Cùng với đó, những mảnh ruộng manh mún khiến người dân khó có điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí [chưa kể là làm theo các quy trình GAP hay Global GAP để có thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm].

Cái vòng luẩn quẩn đó đủ mạnh để “đánh gục” người nông dân khi đóng góp ở nông thôn hiện nay chủ yếu được tính theo đầu sào ruộng, khiến người dân có tâm lý những mảnh ruộng là “gánh nặng” cho họ.

Ông Tăng Minh Lộc, người bám sát việc thực hiện triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới những năm gần đây, chia sẻ: Chủ trương thực hiện nông thôn mới đã đem lại nhiều thành quả cho nông dân, nông thôn nhưng cũng rất khó khăn khi thực hiện tại thời điểm kinh tế “trầm lắng” như hiện nay. “Hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hạn chế, các doanh nghiệp đầu tư cũng hạn chế. Như vậy chủ yếu đóng góp của người dân”, ông Lộc nhìn nhận.

Lý thuyết là nhà càng nhiều ruộng đóng càng nhiều tiền. Nhưng thực tế là nhà nhiều ruộng cũng như ít ruộng đều không thể trông chờ vào hiệu quả kinh tế từ những mảnh ruộng.

Sức hút của đô thị 

Ông Lộc tổng kết: “Có thể nói hầu hết thanh niên nông thôn đều cố gắng vượt khỏi lũy tre làng của mình để đến và mưu sinh tại thành phố. Mặc dù làm việc rất vất vả nhưng xem ra thu nhập của họ cao hơn làm ruộng. Hơn nữa, đi làm ở thành phố cũng thích hơn làm ruộng nên hiện nay ở làng quê vắng bóng lao động chính, chỉ còn lại chủ yếu là người già, phụ nữ. Vì thế việc đồng áng trông chờ vào số người ở lại quê, thậm chí cả trẻ em cũng phải ra đồng”.

Chuyện những ngôi làng chỉ còn toàn người già và trẻ con không còn lạ nữa. Thanh niên, thậm chí là phụ nữ, đàn ông còn sức lao động đều ra thành phố tìm việc hoặc tìm đường đi xuất khẩu lao động mong có thể đổi đời. Chính điều đó dẫn đến việc ở làng không có lao động trẻ, lao động chất lượng, nên việc tiếp thu các tiến bộ khoa học còn hạn chế, năng suất lao động thấp.

Người ta thường nói không ai sát việc bằng dân. Nhưng ở đây, những người làm chính sách đã nhìn thấy được những lý do rất cụ thể, rất vi mô chứ không chỉ khơi khơi vĩ mô tổng quát. Vậy cần phải làm gì để nông dân không rời bỏ những mảnh ruộng “cha truyền con nối” của mình?

Câu trả lời chắc chắn không dễ, nhưng không phải là không có...

Đỗ Hương


Video liên quan

Chủ Đề