Bảo quản hoa quả bằng thuốc hóa học

(HNMCT) - Hỏi: Gia đình tôi thích ăn hoa quả, nhưng tôi rất lo ngại mua phải các loại trái cây có nhiều chất bảo quản bởi nghe nói nếu thường xuyên ăn hoa quả nhiễm hóa chất độc hại thì dễ mắc ung thư. Xin hỏi bác sĩ, các loại hoa quả như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe? Hoàng Thanh Thủy (Đống Đa, Hà Nội)

Đáp: Để đạt năng suất cao hoặc để diệt các loại sâu, đặc biệt là đối với một số loại rau quả dễ bị sâu bọ phá hoại, không ít nông dân đã sử dụng quá nhiều phân bón hóa học. Nhiều người còn phun thuốc trừ sâu dù đã sát ngày thu hoạch. Mặt khác, một số loại rau quả được trồng trong vùng đất bị ô nhiễm, được tưới phân tươi hay nước thải bẩn và đó cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏa của người tiêu dùng. Ngoài ra, để giữ vẻ hấp dẫn cho trái cây, một số tiểu thương đã trộn hóa chất độc hại vào nước ngâm hoa quả.

Nếu thường xuyên ăn phải trái cây có hóa chất thì sức khỏe người dùng bị đe dọa nghiêm trọng. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mà thường xuyên ăn phải thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại thì sẽ tạo ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau.

Với trẻ em, cơ thể đang tăng trưởng nên có nhu cầu bổ sung chất dinh dưỡng rất cao để đáp ứng sự phát triển về thể chất, trí não. Việc thường xuyên ăn các loại hoa quả chứa hóa chất sẽ khiến trẻ hạn chế tăng trưởng do nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng; cơ thể khó đào thải nên tích lũy dần chất độc trong người, gây suy gan, suy thận, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí gây suy tủy, thiếu máu, giảm bạch cầu, ung thư...

Trên thị trường thực phẩm hiện nay, hoa quả được bày bán với các chủng loại đa dạng, màu sắc khá bắt mắt. Tuy nhiên, nhiều loại quả lại giữ được vẻ tươi ngon trong khoảng thời gian dài. Trong khi trên thực tế, thời gian bảo quản một số loại quả chùm như vải, nhãn chỉ kéo dài 3-4 ngày. Táo, lê có thời gian bảo quản lâu hơn nhưng không thể tươi từ 5-6 tháng trong điều kiện bình thường.

TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Rau quả sau thu hoạch - cho biết: "Chuyện hoa quả để cả tháng, thậm chí đến 5-6 tháng mà không hỏng là chuyện bất bình thường. Đặc tính của rau quả sau khi được thu hoạch là chỉ có thời gian bảo quản nhất định. Thời gian đó còn phụ thuộc vào các loại hoa quả khác nhau, đồng thời phụ thuộc của nguồn gốc, xuất xứ từng loại. Điều đó cho thấy, hoa quả đã được tác động với mục đích diệt trừ nấm, sâu bệnh. Tác động này lại ảnh hưởng đến quá trình sinh lý của quả, làm đặc tính bị biến đổi".

Bất ngờ hơn, loại chất được dùng để bảo quản hoa quả chỉ có giá rẻ 25.000 đồng. Chất bảo quản có hai dạng gồm: dạng nước và dạng bột. Theo những người bán hàng, cách sử dụng vô cùng đơn giản, chỉ cần pha với nước là có thể phun lên trái cây để giữ độ tươi lâu. Tuy nhiên, đây lại là những thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật.

Vụ một bé trai 5 tuổi tử vong sau khi ăn táo Trung Quốc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn của trái cây “đa quốc tịch” bày bán đầy rẫy trên thị trường hiện nay.

Bảo quản hoa quả bằng thuốc hóa học

Nhiều loại quả nhìn bóng đẹp, mỡ màng rất bắt mắt, nhưng khác thường ở chỗ bổ ra để cả tháng không hỏng, thậm chí kiến không buồn leo! Phải chăng những hoa quả này được ngâm tẩm thuốc bảo quản để vỏ căng láng và giữ được lâu?

Hiện chưa có kết luận ca tử vong của cháu bé ở Hà Tĩnh có phải do ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư trong quả táo hay không, nhưng theo TS Nguyễn Văn Khải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đèn Tiết kiệm Điện năng & Dung dịch Hoạt hoá Điện hoá - táo Trung Quốc thu hoạch từ tháng Bảy, tháng Tám mà đến giờ vẫn còn bán, thậm chí có thể mua bất kỳ thời điểm nào trong năm, hẳn phải ngâm thuốc bảo quản.

PGS.TS Nguyễn Kim Vũ - Nguyên Viện phó Viện Công nghệ Sau thu hoạch - cũng cho biết: Nếu bảo quản bằng các biện pháp an toàn (xử lý vật lý, dùng nhiệt, dùng các sản phẩm thuốc tím, cao lanh hấp thụ khí etylen sinh ra trong quá trình quả chín), thời gian cam tươi có thể kéo dài từ 1 – 2 tháng, mận tươi 10 ngày, vải tươi 3 – 4 ngày chứ không hoa quả nào giữ được tới 4 – 6 tháng như nhiều loại bán trên thị trường hiện nay.

Được sử dụng phổ biến nhất để bảo quản hoa quả là đất đèn và một số hóa chất độc hại khác. Thậm chí, người ta còn mua hóa chất rẻ tiền không nguồn gốc, pha trộn vô tội vạ, liều lượng tùy ý, miễn sao hoa quả tươi càng lâu, càng bóng đẹp càng tốt.

TS Khải từng đến thăm những bể hoá chất ngâm tẩm hoa quả khổng lồ của Trung Quốc. Đứng cách xa hàng mét ông đã ngửi thấy mùi hắc khó chịu. Ông còn thấy những người làm tại đây lâu năm môi thâm, bàn tay bàn chân bợt bạt.

Một số nơi ở Hà Giang, người ta thay những bể lớn bằng các chậu nhựa để ngâm hoa quả. Táo, cam, quýt sau khi ngâm trong hóa chất được vớt ra, để ráo, cho vào bao lưới hoặc túi bóng, đóng trong thùng giấy, vận chuyển đi tiêu thụ.

Bảo quản hoa quả bằng thuốc hóa học
Một người Hà Giang với túi thuốc “đầu lâu xương chéo” dùng bảo quản ngô

Đối với chuối, người ta xâu dây thép vào cuống, nhúng trong hoá chất, sau kéo lên, treo cho khô. Sau khi qua những công đoạn này, hoa quả để hàng tháng không hỏng, thậm chí bổ ra để lăn lóc thế mà kiến cũng không dám bò vào.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên công nghệ bảo quản ngô bằng thuốc “đầu lâu xương chéo” làm 9 người sống tại bản Phố (Hà Giang), ngộ độc, trong đó có một người chết ngày 9/6/2003. Đó là ngô bảo quản bằng một loại thuốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Họ nói, thuốc này tốt lắm, đem ngâm ngô để 2 - 3 tháng sau mới bị mọt. Thật kinh hoàng khi bà con mang túi đựng thuốc ra. Đó là thuốc bảo vệ thực vật và nhà sản xuất đã cẩn thận in lên bao bì hình đầu lâu xương chéo để cảnh báo người dùng!

Bản Phố không trồng cam, quýt mà chỉ trồng ngô. Không hiểu ở bản khác, người ta có dùng loại thuốc này để bảo quản hoa quả hay không?

Theo TS Nguyễn Văn Khải, thuốc bảo vệ thực phẩm (BVTV) tồn dư trong trái cây quá mức cho phép có thể gây ra bệnh đường ruột. Nặng hơn có thể gây ra ngộ độc cấp tính. Nghiêm trọng hơn, việc thường xuyên sử dụng các loại trái cây bảo quản bằng hoá chất khiến chất độc tích tụ ở gan, lâu dần có thể dẫn tới ung thư.

Tồn dư hóa chất trong trái cây khó có thể gây tử vong tức thì. Tuy nhiên, trường hợp này cũng có thể xảy ra nếu ăn phải hoa quả đã qua bảo quản nhưng bị giập, thối, môi trường thuận lợi để các độc tố vi nấm phát triển.

Chưa bắt được vụ nào

Trong quá trình tìm hiểu về thuốc BVTV, chúng tôi nhận thấy, nhiều hoá chất được dân sử dụng bảo quản hoa quả thực tế không nằm trong danh mục cấm sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, những thuốc này chỉ an toàn khi được dùng với liều lượng nhất định. Trong điều kiện người dân tự mua hoá chất, tự pha chế, việc đúng liều lượng là rất khó thực hiện.

Hơn thế, ông Đào Trọng Ánh - Trưởng phòng Quản lý Thuốc (Cục BVTV) - nói: “Việt Nam chưa hề cho phép một loại thuốc BVTV nào được sử dụng dưới dạng ngâm tẩm mà chỉ cho phép phun trên cây, quả trong quá trình sản xuất, gieo trồng”.

Khi hỏi một số nhà quản lý về việc xử lý vi phạm liên quan đến thuốc BVTV, chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời chung chung. Một quan chức Cục BVTV cho hay thanh tra Cục chỉ xử lý các vụ vi phạm dư lượng thuốc BVTV trên rau xanh chứ trên hoa quả thì chưa.

Hơn nữa, Cục chỉ quản lý ở phương diện sản xuất, đối với hoa quả tiêu thụ trên thị trường phải hỏi Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (VSATTP). Sang Cục VSATTP, ông Nguyễn Thanh Phong - Trưởng phòng Truyền thông - khẳng định “có nghe nói về hoa quả ngâm hoá chất bảo quản nhưng đi kiểm tra thì chưa phát hiện vụ sai phạm nào!".

Trong khi đó, hoa quả trên thị trường ngày càng phong phú. Nếu căn cứ vào tên gọi như táo New Zealand, nho Mỹ, xoài Ấn Độ, lê Trung Quốc..., người tiêu dùng quả may mắn vì có cơ hội được thưởng thức trái cây khắp thế giới.

Tuy nhiên, những hoa quả cao cấp này có đảm bảo an toàn hay không khó mà biết được bởi ngay nguồn gốc cũng mập mờ.

Năm 2003, một siêu thị từng bị phát giác gian lận khi gắn mác New Zealand cho hàng chục tấn táo, lê, nho mua của một tư thương bán hàng ở một chợ tạm và tư thương này lại mua hoa quả mác ngoại gốc Trung Quốc ở chợ Long Biên.

Mới đây, ngày 7/4/2005, đội Quản lý Thị trường TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện hơn 47 tấn trái cây ngoại từ Trung Quốc về Việt Nam không rõ xuất xứ. Đáng nói là hoa quả Trung Quốc từ lâu vốn “nổi tiếng” tươi hàng tháng trời không hỏng.

- Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2002, trên toàn quốc đã xảy ra 35 vụ ngộ độc thực phẩm với 843 người mắc, 36 người tử vong, trong đó có 12 vụ do hóa chất với 148 người mắc và 31 người tử vong. Các vụ ngộ độc thực phẩm do hóa chất xảy ra ở các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

- Trong khi việc phân biệt hoa quả tươi tự nhiên và hoa quả ngâm thuốc bảo quản không thể thực hiện được bằng mắt thường, các nhà chuyên môn khuyên người tiêu dùng nên chọn hoa quả có dáng vẻ tự nhiên thay vì thiên về những quả nom đẹp mã, quá bóng bảy.

Đối với cam quýt, chọn quả còn lá và cuống. Tốt nhất nên lay nhẹ cuống để xem cuống thật hay dính bằng... keo! Hoa quả mua về nên ngâm qua nước muối loãng vài phút trước khi ăn. Đối với dưa hấu, nên chọn quả vỏ thẫm màu, các gân xanh nổi lên rõ nét.