Biểu cam kết wto tiếng anh là gì năm 2024

Ngày 11/1/2007, WTO công nhận Việt Nam là thành viên chính thức thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này.

Sau 15 năm, gia nhập WTO đã mang lại cho Việt Nam những thành tựu to lớn và mở ra những cơ hội mới cho việc phát triển lâu dài và bền vững. Năm 2006 kim ngạch xuất nhập khẩu là 39,6 tỷ USD. Năm 2022, con số này dự kiến đạt 700 tỷ USD, tăng 17 lần so với năm 2006. Tổng giám đốc WTO đánh giá Việt Nam là một trong 30 nước gia nhập WTO thành công nhất. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ từ một nước nhập siêu, nhưng Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu trong những năm gần đây. Tính đến tháng 11 năm 2022, bất chấp những bất ổn chính trị và suy thoái toàn cầu, Việt Nam vẫn xuất siêu hơn 10 tỷ USD và thu hút hơn 25 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị pháp lý của Biểu cam kết WTO

Khoản 5 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: “Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”

Như vậy, trừ Hiến pháp, Cam kết số 318/WTO/CK của WTO và Việt Nam về dịch vụ (Biểu cam kết WTO) vốn là điều ước quốc tế nên có giá trị áp dụng cao hơn các văn bản quy phạm pháp luật khác trong nước. Biểu cam kết WTO thể hiện mức độ mở cửa, phương thức hiện diện… của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia thành viên khác của WTO khi gia nhập vào thị trường Việt Nam. Việc hiểu rõ và vận dụng đúng nội dung Biểu cam kết WTO sẽ góp phần quan trọng cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Nội dung cơ bản của Biểu cam kết WTO

Biểu cam kết WTO gồm 3 phần: cam kết chung, cam kết cụ thể và danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc (MFN).

Phần cam kết chung: Bao gồm các cam kết được áp dụng chung cho tất cả các ngành và phân ngành dịch vụ đưa vào Biểu cam kết. Phần này chủ yếu đề cập tới những vấn đề kinh tế – thương mại tổng quát như các quy định về chế độ đầu tư, hình thức thành lập doanh nghiệp, thuê đất, các biện pháp về thuế, trợ cấp cho doanh nghiệp trong nước v.v…

Phần cam kết cụ thể: Bao gồm các cam kết được áp dụng cho từng dịch vụ đưa vào Biểu cam kết. Mỗi dịch vụ đưa ra trong Biểu cam kết như dịch vụ viễn thông, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ vận tải… sẽ có nội dung cam kết cụ thể áp dụng riêng cho dịch vụ đó.

Danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc liệt kê các biện pháp: Được duy trì để bảo lưu việc vi phạm nguyên tắc MFN đối với những dịch vụ có duy trì biện pháp miễn trừ. Theo quy định của GATS[1], một thành viên được vi phạm nguyên tắc MFN nếu thành viên đó đưa biện pháp vi phạm vào danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc và được các Thành viên WTO chấp thuận.

Các phương thức cung cấp dịch vụ trong Biểu cam kết WTO

GATS quy định 4 phương thức cung cấp dịch vụ, bao gồm: (1) cung cấp qua biên giới; (2) tiêu dùng ngoài lãnh thổ; (3) hiện diện thương mại; (4) hiện diện thể nhân. Trong đó phương thức (3) hiện diện thương mại là phương thức quyết định đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, theo phương thức (3): Nhà đầu tư nước ngoài (đến từ nước thành viên WTO) được quyền thiết lập các hình thức hiện diện tại Việt Nam như thành lập, góp vốn công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, chi nhánh…

Ví dụ: ngân hàng Hoa Kỳ thành lập chi nhánh để kinh doanh tại Việt Nam, các nhà đầu nước ngoài (cá nhân hoặc tổ chức) thành lập các công ty FDI có tỷ lệ vốn góp 100% tại Việt Nam…

Hiện nay, cam kết của Việt Nam trong Biểu cam kết WTO chia thành từng lĩnh vực ngành nghề, dịch vụ với các mức gồm:

  • Cam kết toàn bộ: Là cam kết không áp dụng các biện pháp hạn chế mở cửa thị trường hoặc đối xử quốc gia (tức mở cửa hoàn toàn tại Việt Nam).
  • Cam kết kèm theo những hạn chế: Việt Nam chấp nhận mở cửa thị trường cho một hoặc nhiều ngành dịch vụ nhưng liệt kê tại các cột tương ứng của Biểu cam kết các biện pháp hạn chế áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.
  • Không cam kết: Việt Nam duy trì khả năng đưa ra mọi biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia đối với một hoặc nhiều phương thức cung cấp dịch vụ cụ thể.

Đối với những ngành nghề, dịch vụ không được cam kết trong Biểu cam kết WTO

Do đặc thù, tầm quan trọng cũng như mức độ ảnh hưởng của một số ngành đối với nền kinh tế và xã hội của Việt Nam, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường toàn bộ tất cả ngành nghề, dịch vụ trong Biểu cam kết WTO.

Đối với những ngành nghề Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường hoặc không có quy định trong Biểu cam kết WTO thì việc mở cửa đối với ngành nghề đó sẽ do Việt Nam quyết định và quy định hình thức, mức độ mở cửa cụ thể.

Ví dụ 1: Đối với dịch vụ môi giới bất động sản, tuy Việt Nam không cam kết trong Biểu cam kết WTO nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể đầu tư và kinh doanh ngành này tại Việt Nam theo Điều 60 của Luật Kinh Doanh Bất Động Sản 2014.

Ví dụ 2: Đối với dịch vụ xuất bản, do Việt Nam không cam kết trong Biểu cam kết WTO và Điều 12 Luật xuất bản 2012 quy định các công ty FDI không thuộc các cơ quan, tổ chức được thành lập nhà xuất bản nên nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không được đầu tư vào ngành này tại Việt Nam.

MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BIỂU CAM KẾT WTO:

Hỏi: Mã CPC trong Biểu cam kết WTO là gì?

Trả lời:

Mã CPC là viết tắt của PROVISIONAL CENTRAL PRODUCT CLASSIFICATION: hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm của Liên Hợp Quốc. Các nhà đầu tư khi làm thủ tục đăng ký đầu tư tại Việt Nam cần đối chiếu ngành nghề mà mình muốn đầu tư kinh doanh với từng mã CPC trong Biểu cam kết WTO và quy đổi mã CPC này tương ứng với mã ngành VSIC tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được ban hành tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hỏi: Ngành nghề sản xuất có được cam kết trong Biểu cam kết WTO?

Trả lời:

Biểu cam kết WTO chỉ cam kết với ngành nghề dịch vụ (phi sản xuất), không cam kết đối với ngành nghề sản xuất. Tuy nhiên, dù không có trong Biểu cam kết WTO nhưng Việt Nam hiện đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất nếu các dự án sản xuất này đáp ứng đầu đủ các điều kiện về địa điểm đầu tư, môi trường, khả năng tài chính…

Hỏi: Trong trường hợp nhà đầu tư đến từ quốc gia vừa thành viên của WTO, vừa là thành viên của một hiệp định thương mại khác như CPTPP thì nhà đầu tư cần áp dụng quy định tại đâu nếu có sự khác nhau giữa các cam kết/hiệp định này?

Trả lời:

Do Biểu cam kết WTO và Hiệp định CPTPP cùng là điều ước quốc tế có thứ tự ưu tiên áp dụng ngang bằng nhau. Trong trường hợp này, nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn kết hợp cả hai hoặc lựa chọn một trong hai điều ước quốc tế nêu trên (nếu có sự mâu thuẫn nhau) sao cho phù hợp nhất với mục tiêu đầu tư của mình tại Việt Nam.

[1] GATS: Tên đầy đủ là Hiệp định chung về thương mại dịch vụ – một hiệp định trong khuôn khổ WTO và điều chỉnh các vấn đề về thương mại dịch vụ giữa các thành viên WTO.