Bộ sách lớp 1 theo công nghệ giáo dục

[Ảnh minh họa: PV/Vietnam+]

Bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục dành cho lớp 1 của giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo loại ngay từ vòng một. Theo đó, sách công nghệ giáo dục cũng sẽ bị dừng triển khai ở lớp 1 trong năm học 2020-2021.

Trong khi hội đồng thẩm định cho rằng việc sửa chữa [nếu có] cũng phải mất một năm, sau đó có thể tiếp tục thẩm định lại, thì giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng khẳng định bộ sách của ông đã hoàn thiện và ông sẽ không sửa chữa gì thêm. Điều đó đồng nghĩa với việc sách công nghệ giáo dục có thể sẽ bị dừng hẳn.

Vừa thiếu, vừa quá tải so với chương trình mới?

Chia sẻ thông tin với báo chí, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, việc thẩm định sách giáo khoa có ba mức kết quả: đạt, chưa đạt và không đạt. Các sách chưa đạt sẽ có một tháng để tác giả, nhà xuất bản sửa chữa, sau đó hội đồng sẽ thẩm định vòng hai. Sách giáo khoa không đạt vẫn có cơ hội được thẩm định lại từ đầu, sau khi tác giả, nhà xuất bản sửa chữa theo yêu cầu của chương trình mới.

Hiện Hội đồng đã thẩm định xong vòng một và đang thẩm định vòng hai với một số bản thảo sách giáo khoa. Trong số các bản thảo sách giáo khoa không đạt có sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hội đồng có tính đến kết quả thực nghiệm khi thẩm định vì sách giáo khoa công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại đã và đang được triển khai rộng rãi ở trên 40 tỉnh thành trên cả nước, có nhiều đánh giá tích cực, ông Thái Văn Tài cho biết, theo quy định, hồ sơ thẩm định tất cả các sách đều phải có kết quả thực nghiệm.

[99% trường ở Nghệ An dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 công nghệ]

Giáo sư Trần Đình Sử, thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 cho rằng, nói sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại lâu nay đã được sử dụng và sử dụng tốt thì cũng giống như sách lớp 1 hiện hành. Tuy nhiên, bây giờ, sách phải soạn theo chương trình mới nên sách của thầy Đại và các sách hiện hành đều phải được viết lại theo chương trình mới.

Bộ sách công nghệ giáo dục lớp 1 của giáo sư Hồ Ngọc Đại. [Ảnh: Chinhphu.vn]

“Với tính chất như thế, việc thực hiện và kết quả thực hiện từ lâu nay không phải là lý do để các sách đã sử dụng có thể đưa vào chương trình mới. Ở đây, chúng tôi làm việc theo Thông tư 33 [thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc thẩm định sách giáo khoa – PV], đánh giá sách viết theo nội dung, phương pháp và yêu cầu cần đạt của chương trình mới ban hành năm 2018. So với chương trình đó, những sách nào không đạt yêu cầu về nội dung, phương pháp thì chúng tôi đánh giá là chưa đạt,” giáo sư Trần Đình Sử nói.

Phân tích kỹ hơn, giáo sư Trần Đình Sử cho biết, chương trình mới yêu cầu dạy học sinh lớp 1 theo bốn tiêu chí đọc, viết, nghe, nói. Trong khi đó, sách giáo khoa của giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy âm, chữ, quy tắc chính tả. 

Sách cũng có điểm vượt quá yêu cầu như dạy học sinh lớp 1 kiến thức về ngữ âm tiếng Việt, cấu trúc ngữ âm của từ tiếng Việt, các khái niệm âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi. Chương trình mới chỉ yêu cầu học sinh lớp 1 phân biệt chính tả c –k, g- gh, nhưng sách giáo khoa của giáo sư Hồ Ngọc Đại phân biệt chính tả cả về ngữ âm, ngữ nghĩa, vượt lên ở lớp 2, 3, 4. Những điều đó có tính hàn lâm, quá tải.

[Cần Thơ: Nhiều phụ huynh hài lòng với Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục]

Giáo sư Trần Đình Sử cũng cho biết, hội đồng thẩm định có 5 giáo viên đang dạy lớp 1, một trưởng phòng giáo dục, một hiệu trưởng bậc tiểu học. “Họ cho biết để dạy theo công nghệ giáo dục đạt hiệu quả, giáo viên phải dành nhiều giờ khác để khắc phục những điểm yếu của sách. Hàng năm, họ có đề đạt các vấn đề này nhưng đáng tiếc những yêu cầu về khuyết điểm đó thường bị giấu đi nên xã hội không biết được tất cả những nhược điểm của việc thực hiện chương trình này. Thực tế này cần hỏi thêm các giáo viên khác. Chúng tôi chỉ căn cứ vào các tiêu chí của Thông tư 33, căn cứ vào yêu cầu của chương trình mới để thẩm định. Chưa đạt thì chúng tôi kết luận là chưa đạt,” giáo sư Trần Đình Sử nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, giáo sư Mai Ngọc Chừ, thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1, cũng nêu ví dụ, trong các trang sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại đều có các thành ngữ, tục ngữ như “thế chẻ tre”, “bé xé ra to”, “ “củ rủ cù rù”, “vắt chanh bỏ vỏ”...

“Những thành ngữ, tục ngữ ấy dạy cho lớp 1, chúng ta thấy thế nào? Rồi ‘Nam quốc sơn hà’, ‘Bình Ngô đại cáo’... Một bộ sách lớp 1 không thể ôm hết được. Hội đồng ở đây có các giáo sư ngôn ngữ học, các giáo viên dạy trực tiếp lớp 1 nhiều năm nay, các nhà quản lý, không phải ngẫu nhiên mọi người đều bỏ phiếu không đạt. Về đánh giá có nhiều cách tiếp cận, nhưng cái quan trọng nhất chúng tôi căn cứ vào chương trình mới, trong đó có giảm tải nội dung khó, đó là nguyên tắc. Chương trình mới có tính mở để giáo viên sáng tạo trong khi với sách công nghệ thì thầy cô làm việc như một cái máy. Chúng tôi không đồng ý thông qua bộ sách vì nó không bám sát chương trình mới,” giáo sư Mai Ngọc Chừ phân tích.

Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học theo sách giáo khoa mới, chương trình mới. [Ảnh: TTXVN]

Chương trình mới cần có sách mới

Giáo sư Trần Kiều cho rằng, nguyên tắc khi xây dựng chương trình mới là phải có sách mới phù hợp với chương trình mới đó. “Vì thế, thứ nhất, có lẽ không nên so sánh sách giáo khoa hiện hành, trong đó có sách của thầy Đại, khi thẩm định. Thứ hai, việc thẩm định phải áp dụng các tiêu chí mới của chương trình mới, sách phải thể hiện được năng lực cần đạt của chương trình, cách đánh giá của chương trình, phải tạo được cơ hội cho người thầy đổi mới phương pháp, nên không thể chỉ tính chuyện chữ nghĩa,” giáo sư Trần Kiều nói.

“Chương trình mới giáo dục toàn diện chứ không chỉ viết, đánh vần, ví dụ ngữ liệu phải mới, có hướng đến bảo vệ môi trường, bình đẳng giới..., trong khi bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại về cơ bản không có gì mới,” giáo sư Mai Ngọc Chừ chia sẻ.

Cụ thể hơn, Trần Đình Sử cho hay, bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại gửi tới hội đồng thẩm định không sửa gì so với bản hiện hành. “Sách giáo khoa lớp 1 của giáo sư Đại có ba tập thì giáo sư in y như vậy, rồi viết thêm một quyển thứ 4 là Tự học, tạo thành một bộ sách vá víu, cũ, không đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi không thể chấp nhận một sách giáo khoa như vậy để đem cho học sinh học, chúng tôi phải có trách nhiệm với học sinh. Tôi nghĩ giáo sư Hồ Ngọc Đại phải tôn trọng chương trình mới của Bộ, nếu không thì sẽ thành nhiều chương trình, nhiều sách giáo khoa, vi phạm Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về một chương trình, nhiều sách giáo khoa,” giáo sư Trần Đình Sử nói.

[Giấc mơ về một thế hệ tương lai của Giáo sư Hồ Ngọc Đại]

Cũng theo giáo sư Trần Đình Sử, ông rất tôn trọng giáo sư Hồ Ngọc Đại và đánh giá sách của giáo sư Đại dù đã trải qua hơn 40 năm vẫn có những kết quả tốt, những ưu điểm. Tuy nhiên, thẩm định sách thì vẫn phải căn cứ vào chương trình mới.

“Chúng tôi không phủ nhận tư tưởng của anh Đại. Tôi chỉ có lời khuyên anh Đại là nên theo chương trình mới của Bộ để viết lại, vẫn có thể giữ lại những mặt tích cực của anh. Anh Đại là người nghiên cứu rất cụ thể về công nghệ giáo dục, và là nhà tâm lý giáo dục tiểu học hàng đầu. Nhưng nếu anh nói anh không sửa thì tôi cũng không thể nói khác được. Bộ không thể thay đổi chương trình để đi theo anh Đại. Chương trình chỉ có một và là pháp quy, sách giáo khoa phải theo chương trình,” giáo sư Trần Đình Sử phân trần.

Hội đồng đã làm việc công tâm, khách quan

Theo ông Thái Văn Tài, qua vòng một, hội đồng đánh giá rất cao tâm huyết, tinh thần muốn cống hiến cho thế hệ trẻ của các tác giả, các sách đều được viết rất công phu. Hội đồng rất trân trọng nhưng hội đồng làm việc theo tinh thần của Thông tư 33 nên đánh giá khách quan.

“Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào đối với kết quả vòng một. Chúng tôi đánh giá trong giai đoạn vừa qua, hội đồng đã làm việc trách nhiệm, công tâm, tâm huyết với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giáo dục, phục vụ công cuộc đổi mới,” ông Tài cho biết./.

Phạm Mai [Vietnam+]

Sách Công nghệ giáo dục vi phạm những tiêu chí nào?

Cần nhắc lại, Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sách giáo khoa biên soạn theo chương trình mới phải thỏa mãn các tiêu chí sau:

Điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa, Nội dung sách giáo khoa, Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong sách giáo khoa, Cấu trúc sách giáo khoa, Ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa và hình thức trình bày sách giáo khoa. [1]

Tuy nhiên qua thẩm định, Hội đồng đánh giá sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại chỉ thỏa mãn duy nhất tiêu chí Điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa.

Cũng theo Hội đồng thẩm định, sách này có 300 [ba trăm] nội dung/chi tiết cần sửa chữa hoặc hủy bỏ.

Chúng tôi đã đọc toàn bộ nội dung sách Công nghệ giáo dục [Tiếng Việt 1] và nhận thấy: phần ngữ âm, từ vựng, cú pháp, văn bản có nhiều chỗ chưa phù hợp với học sinh lớp 1 [chỉ mới 6 tuổi].

Sách "Công nghệ giáo dục" do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên. [Ảnh minh họa: Baotayninh.vn]

Thứ nhất, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đề cập đến cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt [âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối] – đây là một trong những nội dung đã được Giáo sư Nguyễn Thiện Thuật nói đến đến trong sách Ngữ âm tiếng Việt, nghĩa là không lạ, không mới.

Tuy nhiên, sau này công trình Âm vị học và tuyến tính, Giáo sư Cao Xuân Hạo đã chứng minh thuyết phục cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt không giống các thứ tiếng châu Âu - không có tuyến tính.

Ví dụ từ tiếng Anh: ‘funny’ - /ˈfʌni/, ta sẽ đọc lần lượt 2 âm tiết ‘fun’ và ‘ny’ là theo trình tự trước sau rõ ràng.

Nhưng, khi phát âm âm tiết ‘toang’ của tiếng Việt chẳng hạn, thì đặc tính môi của cái gọi là ‘âm đệm’ /u/ sẽ trải dài từ đầu tới tận cuối âm tiết.

Như thế, việc phân chia cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt thành âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối như một số ngôn ngữ châu Âu về mặt học thuật là chưa chính xác.

Thứ hai, theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại để học cấu trúc ngữ âm, học sinh chỉ học âm tiết, không học nghĩa [bởi nếu học nghĩa thì hoá ra học từ]. [2], [5]

Đây là một quan niệm sai trái. Học sinh lớp 1 cần phải học từ nào là biết nghĩa của từ đó, chứ sao lại không cần học nghĩa?


Bộ Giáo dục nên dứt điểm với sách của thầy Đại, không nên dây dưa nữa

Ví dụ, khi học sinh học từ ‘ăn’ là phải hiểu được nghĩa của từ này ‘tự cho vào cơ thể thức [ăn] nuôi sống’.

Nhưng khi học ‘ăn cắp’ thì phải hiểu ‘lấy của người khác một cách lén lút, thường nhằm lúc sơ hở’ [đây là một hành vi xấu].

Chính vì quan niệm học sinh chỉ học âm tiết, không học nghĩa nên sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục xuất hiện hàng loạt từ đến người lớn cũng… cũng thấy khó như: ‘trì trệ’, ‘chú ỉ’, ‘ghe cộ’, ‘y bạ’… [3]

Thứ ba, cách viết câu trong sách này có chỗ còn chưa chuẩn như:

‘Tháng ba hàng năm, lễ giỗ Tổ. Hàng vạn dân Phú Thọ và hàng ngàn dân các làng gần mộ Tổ làm lễ dâng hoa và dâng lễ vật’. [3]

Câu văn này đọc lên nghe trúc trắc, rối rắm thì liệu học sinh 6 tuổi có hiểu được không?

Thứ 4, một số ngữ liệu trong sách không phù hợp với học sinh lớp 1, không phù hợp với yêu cầu giáo dục môi trường… 

Cụ thể, sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục [tập 3, trang 11] có câu: ‘Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen’.

Học sinh lớp 1 sao có thể hiểu ‘đánh ghen’ là gì?


Ông Ngô Trần Ái nói về cách chơi chữ của một số cựu lãnh đạo ngành giáo dục

Chúng tôi khẳng định, những kiến thức về ngôn ngữ học là tiệm cận với khoa học tự nhiên [như ‘ngữ âm’] nên dứt khoát chỉ có đúng hoặc sai.

Nhiều người cho rằng, kiến thức về ngữ âm trong sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của là hàn lâm. Nhưng riêng phần ngữ âm đã sai lạc như đã phân tích thì hàn lâm chỗ nào?

Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định cũng kết luận, môn Toán có nhiều nội dung vượt quá chương trình như:

Các nội dung liên quan đến khái niệm ‘tập hợp’, ‘phương trình’.

Việc sử dụng lý thuyết tập hợp để hình thành số, phép toán cho học sinh lớp 1 là vượt quá chương trình. Các số ‘đứng liền nhau’, ‘dãy số’, ‘dãy số tự nhiên’, ‘trục số’ không có trong chương trình.

Các nội dung của chủ đề hình học như ‘Quan sát, nhận biết hình dạng của một số hình phẳng và hình khối đơn giản’; ‘Thực hành lắp ghép, xếp hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đơn giản’; ‘Tính nhẩm: Thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm trong phạm vi 10’; ‘Thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm các số tròn chục’ chưa được đề cập phù hợp trong bản mẫu... [1]

Ngoài ra, vừa qua cuộc đối thoại giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng không có kết quả khi tác giả của sách Công nghệ giáo dục cho rằng:

“Hội đồng thẩm định thời gian qua chỉ làm việc như một công việc dịch vụ chứ không phải là khoa học. Trong đó thành viên hội đồng thẩm định được lựa chọn, ký hợp đồng, đặt cọc, thực hiện rồi nhận tiền...”

“Tôi không thể sửa chữa gì nữa ngoài những cái tôi đã có và gửi thẩm định lần này. Cuốn sách của tôi trong 40 năm qua tôi đã sửa hằng năm và chỉ có thể sửa chữa đến một mức nào đó là dừng”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại tái khẳng định. [4]

Theo chúng tôi, những phát biểu của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là thiếu thiện chí trong khi Hội đồng thẩm định đã làm việc rất thấu tình, đạt lí và cầu thị.

Thiết nghĩ, những gì thuộc về học thuật thì phải minh xác, nhất là những kiến thức ở sách giáo khoa lớp 1.

Và chúng tôi cho rằng, đã đến lúc cần chấm dứt tranh luận về sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Bởi ngành Giáo dục còn rất nhiều việc phải làm, nhất là chuẩn bị thay cho việc sách giáo khoa các cấp trong thời gian tới.

Vì vậy, những tranh luận không có hồi kết như thế này chỉ làm hao phí thêm thời gian, công sức – lẽ ra không đáng có – mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

[1] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tai-sao-sach-giao-khoa-cong-nghe-giao-duc-cua-gs-ho-ngoc-dai-bi-loai-567108.html

[2] //vnexpress.net/giao-duc/chu-tich-hoi-dong-tham-dinh-sach-danh-van-phan-bien-gs-ho-ngoc-dai-3807579.html

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sach-cong-nghe-giao-duc-giao-vien-ngu-van-cung-bat-luc-khi-day-con-post204891.gd

[4] //thanhnien.vn/giao-duc/doi-thoai-ve-sach-cong-nghe-giao-duc-cua-gs-ho-ngoc-dai-gay-gat-chia-re-1167926.html

[5] //www.sggp.org.vn/tieng-viet-1-cngd-quan-diem-chan-khong-ve-nghia-khong-dung-voi-ban-chat-cua-ngon-ngu-545506.html

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài

Video liên quan

Chủ Đề