Các bài đánh giá về võ nguyên giáp năm 2024

Những kỷ niệm và tình cảm thân thương, gần gũi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam và quốc tế. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp [25-8-1911 25-8-2021], Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin ghi lại cảm xúc, kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của người dân Việt Nam và nước ngoài.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam:

Niềm tự hào và biểu tượng của QĐND Việt Nam anh hùng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài ba, là người "Anh Cả” của Quân đội nhân dân [QĐND] Việt Nam. Từ một thầy giáo dạy lịch sử và trở thành người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cách mạng phải “Dĩ công vi thượng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đưa ông trở thành vị “Đại tướng của nhân dân”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ có nhiều cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mà còn để lại nhiều di sản quý báu đối với công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, đặc biệt là đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đó là những vấn đề về nghệ thuật quân sự, khoa học quân sự, lý luận quân sự mà Đại tướng đã đúc kết từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội cũng như thực tiễn chỉ đạo kháng chiến trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Đồng thời, những vấn đề nghệ thuật quân sự, khoa học quân sự, lý luận quân sự còn được đúc kết từ chính cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Do đó, trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những quan điểm, tư tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những vấn đề về nghệ thuật quân sự, khoa học quân sự, lý luận quân sự của ông vào điều kiện cách mạng mới. Đó cũng là cách để cán bộ, chiến sĩ toàn quân nắm bắt, tiếp thu những vấn đề về chiến tranh và cách mạng, vận dụng vào thực tiễn huấn luyện, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Cùng với đó, cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hiện nay, cùng với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và học tập tấm gương của các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, chúng ta cần học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua đó toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thêm tự hào về lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc, về những con người làm nên lịch sử. Đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội, đó là niềm tự hào và là biểu tượng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng!

VĂN DUYÊN [ghi]

----

Tiến sĩ Bountheng souksavatd [Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào]:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài giỏi của Việt Nam

Qua lời kể của bố mẹ, ngay từ thuở nhỏ tôi đã biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài giỏi của Việt Nam và được nhân dân Việt Nam vô cùng kính trọng và yêu mến. Tôi luôn ước muốn có một ngày được gặp vị tướng huyền thoại đã từng làm nên một Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng khắp năm châu. Và ngày đó đã đến, ngày mà đoàn học giả nước ngoài tham gia Hội thảo 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội, chúng tôi đã vinh dự được gặp Đại tướng vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Lúc đó, tôi rất vui mừng bởi ước muốn của mình bao năm đã thành hiện thực khi được tận mắt nhìn thấy hình ảnh vị tướng bình dị, gần gũi.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn quả nhớ người trồng cây”, có được cuộc sống hòa bình và hạnh phúc như ngày hôm nay thì phải biết ơn công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, vị Đại tướng đã suốt đời vì dân, vì nước.

Trong lòng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, hội tụ đầy đủ phẩm chất về nhân cách khiêm nhường, đức độ và luôn đặt nhân dân mình lên cao nhất.

Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi rất đau buồn bởi như mất đi một điều gì đó quan trọng trong đời mình. Thời điểm ấy, tôi không có mặt ở Việt Nam nhưng qua buổi truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam hôm đó, tôi đã khóc. Đại tướng đã về với Bác Hồ và các nhà cách mạng tiền bối nhưng hình ảnh của vị tướng huyền thoại này sẽ mãi in đậm trong tâm trí tôi.

KHÁNH HUYỀN [ghi]

----

Hoàng Thị Đông, giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học Thành Công A [Ba Đình, Hà Nội]:

Tự hào, noi gương người thầy giáo mẫu mực

Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai ai cũng rất tôn kính và tự hào. Đặc biệt, những người đã và đang đứng trên bục giảng như chúng tôi lại càng thấy tự hào hơn vì trước khi trở thành Đại tướng, ông đã từng là một thầy giáo.

“Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn làm nghề dạy học” - Câu nói giản dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho thấy ông rất yêu nghề dạy học. Lòng yêu nghề dạy học của vị tướng ấy gắn liền với lòng yêu thương học trò, cũng là lòng yêu thương con người. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi chọn nghề dạy học là “gieo vào đầu con trẻ lòng yêu nước” và mong muốn học trò học thật giỏi. Sau này, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã rời Trường tư thục Thăng Long, bước sang chặng đường mới, để lại trong ký ức không thể nào quên của các học trò Thăng Long một hình ảnh thầy Giáp với kiến thức uyên bác, những bài giảng thấm đượm tinh thần yêu nước và nhiệt tình cách mạng.

Xuất thân là một thầy giáo nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất hiểu và coi trọng giáo dục. Hàng trăm bài nói chuyện, bài viết của Đại tướng về giáo dục từ khi ông còn là Phó thủ tướng đến khi ông đã nghỉ đều toát lên một tầm nhìn chiến lược, một sự quan tâm tỉ mỉ, chu đáo mọi vấn đề, từ phương hướng chiến lược của ngành đại học đến giáo dục phổ thông; về chất lượng giáo dục ở miền núi; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; giảm tải kiến thức hàn lâm trong chương trình; chú ý việc giáo dục kiến thức khoa học gắn với thực tiễn từng địa phương… Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin rằng: “Trong công cuộc tiếp tục đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng với việc xây dựng một xã hội học tập, tinh thần sáng tạo và trí tuệ Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng bằng được nghèo nàn lạc hậu, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, sẽ một lần nữa biến huyền thoại thành lịch sử”.

Các thế hệ nhà giáo chúng tôi luôn vinh dự, tự hào và biết ơn vô hạn dành cho “Vị tướng của lòng dân, vị tướng của cả nhân loại” và luôn lấy tấm gương đạo đức của nhà giáo cách mạng tiêu biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để học tập, noi theo. Với lòng kính trọng và ngưỡng mộ vô vàn với Đại tướng, tôi nguyện cố gắng hết mình để mang hơi thở mới, cách thể hiện mới lạ, tạo nên những tiết học lý thú, bổ ích, thu hút các em học sinh; truyền hết đam mê, nhiệt huyết của mình đối với môn mỹ thuật đến các em học sinh, để các em có say mê, hứng thú, yêu cái đẹp, từ đó các em vận dụng được vào cuộc sống hằng ngày, hướng các em đến chân - thiện - mỹ”, xây dựng tâm hồn tươi đẹp, từ đó hình thành phát triển nhân cách, trí tuệ con người.

NGUYỄN THẢO [ghi]

-----

Đồng chí Thẳm Thị Hiên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ [Điện Biên]:

Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng trong xây dựng phát triển kinh tế

Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế xã Mường Phăng với dân số hơn 1.000 hộ với hơn 5.000 khẩu, gồm các dân tộc: Thái, Mông, Kinh. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng rất tự hào khi được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.

Năm 2004, khi Đại tướng trở lại thăm Mường Phăng lần cuối, thực hiện mong mỏi của nhân dân xã, Đại tướng đã viết một lá thư gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tạo điều kiện đáp ứng nguyện vọng của người dân xây dựng hồ chứa nước Lọong Luông. Ngày 7-5-2013, tỉnh Điện Biên đã khánh thành công trình hồ chứa nước Loọng Luông. Hồ chứa nước Loọng Luông ngày nay có vai trò rất quan trọng trong đời sống và sản xuất, cấp nước tưới ổn định cho hơn 150 ha đất trồng lúa 2 vụ cho bà con các dân tộc thuộc 14 bản trên địa bàn xã. Tự hào là vùng đất cách mạng, ngày nay nhân dân xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ ra sức bảo tồn, phát huy di tích; phát triển kinh tế, xã hội, đưa đời sống dân bản tiến bộ.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hiện, toàn xã đã sử dụng 100% giống lúa mới trong sản xuất nông nghiệp. Các bản Che Căn, Ðông Mệt, Cang, Yên, Phăng 1, 2... đồng ruộng cho năng suất trên 60 tạ/ha vụ chiêm xuân và gần 50 tạ/ha vụ mùa. Tận dụng các bãi chăn thả và diện tích ao ruộng để chăn nuôi trâu, bò, dê… tăng thu nhập cho người dân. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%; thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng/người/năm. Hệ thống giao thông được sửa chữa, nâng cấp khang trang… Xã phát huy tiềm năng du lịch homestay và khôi phục nghề: Đan lát, dệt thổ cẩm các lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng về bảo vệ khu di tích, ngày nay Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành điểm tham quan, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, đồng thời là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử có giá trị cho các thế hệ mai sau.

PHẠM KIÊN [ghi]

---

Thượng úy Nguyễn Đức Hà, Giảng viên Trường Sĩ quan Chính trị:

Người tâm huyết với công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng khoa học, giáo dục, đào tạo

Có thể khẳng định, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, những bài nói chuyện, bài viết, phỏng vấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sự nghiệp giáo dục đều toát lên một tầm nhìn chiến lược, một sự quan tâm tỉ mỉ, chu đáo mọi vấn đề.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần nhấn mạnh việc đổi mới tư duy về quan điểm và mục tiêu giáo dục và đào tạo. Từ đó, đổi mới chương trình, nội dung, phương châm, phương pháp giáo dục, đổi mới hệ thống tổ chức, công tác quản lý và hệ thống chính sách. Để thực hiện được điều đó, ông cho rằng phải tổ chức lại và kiện toàn Hội đồng Giáo dục Quốc gia ngang tầm với nhiệm vụ. Tổ chức nghiên cứu rà soát lại hệ thống chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Nghiên cứu tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân cho hợp lý. Sớm chấm dứt tình trạng “vừa thừa vừa thiếu cả thầy lẫn thợ”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của giáo dục, của nhận thức xã hội về hoạt động giáo dục từ những biểu hiện nhỏ đến những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận. Tất cả những vấn đề đó được nêu lên với tâm huyết của một nhà cách mạng, một nhà giáo yêu nước.

Đặc biệt, Đại tướng cũng nêu rõ quan điểm chiến lược con người trong giáo dục: “Nói cụ thể hơn, con người mới đó phải có khả năng tư duy độc lập, có phương pháp tư duy hệ thống và cách nhìn toàn thể; có năng lực sáng tạo và tinh thần đổi mới; có khả năng thích ứng với sự thay đổi thường xuyên, đa dạng, phức tạp, đầy biến động bất ngờ và bất định; có năng lực hành động hiệu quả và tinh thần hợp tác trong một môi trường đa văn hóa của một thế giới toàn cầu hóa”.

Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng huyền thoại trong lòng nhân dân Việt Nam. Với những người đang công tác trong ngành giáo dục, tình cảm, sự trân trọng dành cho Đại tướng càng sâu sắc hơn. Đại tướng không chỉ là một nhà giáo mà còn là người tâm huyết với công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng khoa học, giáo dục, đào tạo. Trong giai đoạn hiện nay, những đóng góp tâm huyết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với công tác giáo dục, đào tạo vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự.

Chủ Đề