Các nghị quyết về văn hóa quan trọng của đảng năm 2024

Phát huy giá trị “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong xây dựng văn hóa giữ nước hiện nay

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời cách đây đã 80 năm, nhưng vượt qua thời gian, những quan điểm cơ bản của Đảng ta trong xây dựng nền văn hóa cách mạng không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng trong xây dựng văn hóa giữ nước hiện nay.

Giá trị và ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam - 80 năm nhìn lại

Trong không khí sục sôi của cách mạng, giữa dòng sự kiện và những diễn biến phức tạp của tình hình, Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã sớm nhận thấy vai trò, tác động của văn hóa, từ đó định hướng sự phát triển mang tính bước ngoặt của cách mạng bằng văn hóa. Tháng 02/1943, đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp khởi thảo bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” [sau đây gọi tắt là Đề cương văn hóa], được Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng [từ ngày 25/02 đến 28/02/1943] thảo luận và thông qua. Văn kiện lịch sử này mang tầm vóc một Cương lĩnh của Đảng về văn hóa. Đó là văn hóa của thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, đặt nền tảng xây dựng nền văn hóa mới dân chủ và cách mạng; đồng thời, rọi sáng về xu thế và triển vọng của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa sau này.

Đề cương văn hóa được chứng thực tác dụng từ thực tiễn và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám [năm 1945], xây dựng chính thể cộng hòa, đường lối và phương châm vừa kháng chiến vừa kiến quốc cũng như qua các chặng đường lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn liền với sức mạnh nội sinh của văn hóa, của lòng yêu nước, sức sáng tạo, dũng cảm, hy sinh của con người và toàn thể dân tộc Việt Nam. Luận điểm văn hóa soi đường cho quốc dân đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi còn nguyên giá trị. Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa và sáng tạo lịch sử. Trong bảng giá trị: Chân - Thiện - Mỹ, con người là giá trị cao nhất - giá trị của mọi giá trị. Sự phát triển và hoàn thiện nhân cách con người là chiến thắng lớn nhất của văn hóa. Khi xác định ba đặc tính cơ bản: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng để từ đó xác lập ba nguyên tắc cốt lõi xây dựng nền văn hóa mới: Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa thì tất cả những giá trị, định hướng đó đều xuất phát và quy tụ vào chủ thể văn hóa, từ cá nhân tới cộng đồng dân tộc. Đó là con người Việt Nam, nhân dân và dân tộc Việt Nam.

Tám mươi năm nhìn lại, Đề cương văn hóa là sự vận dụng và cụ thể hóa sâu sắc tư tưởng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 [tháng 5/1941] về văn hóa; đồng thời, đây cũng là sự vận dụng và cụ thể hóa tư tưởng về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết Trung ương 8 trong khi giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đã đề cập tới vấn đề dân tộc và văn hóa của mỗi dân tộc: “Các dân tộc sống trên cõi Đông Dương sẽ tùy ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành một dân tộc quốc gia tùy ý”1; “Văn hóa của mỗi dân tộc sẽ được tự do phát triển, tồn tại, tiếng mẹ đẻ của các dân tộc sẽ được tự do phát triển, tồn tại và được bảo đảm. Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng”2.

Quan điểm khoa học và chính trị đó chính là sự thấm nhuần tư tưởng của V.I. Lênin về quyền tự quyết dân tộc và bình đẳng giữa các dân tộc được thể hiện trong đặc tính Dân tộc - Khoa học - Đại chúng của nền văn hóa mà cách mạng sẽ xây dựng và phát triển. Các nguyên tắc Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa trong xây dựng nền văn hóa mới đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp, giữa Tổ quốc với nhân dân. Khẳng định vai trò nhân dân là chủ thể sáng tạo văn hóa, cảm thụ và thụ hưởng các giá trị văn hóa do chính mình tạo ra, cả về văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần.

Để nhân dân trong từng quốc gia - dân tộc có thể sở hữu được văn hóa, phải làm cho người dân có độc lập, tự do về chính trị, tức là phải giành được độc lập, người dân là người chủ, xóa bỏ địa vị, thân phận nô lệ; đồng thời, phải được trang bị về học vấn làm tiền đề nhận thức cho sự hiểu biết và sáng tạo văn hóa.

Đại chúng hóa phải dựa trên cơ sở của khoa học hóa và dân tộc hóa để khẳng định tinh thần dân tộc, ý thức và bản lĩnh dân tộc, thể hiện trí tuệ và phẩm giá dân tộc, tự do chứ không làm nô lệ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”3. Con người sáng tạo ra văn hóa, chính văn hóa đào luyện và hoàn thiện nhân cách, phẩm giá con người. Ở đó, con người sống, hoạt động sáng tạo như một sự lựa chọn giá trị, con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại đã chọn dòng trong chứ không chọn dòng đục. Tinh thần dân tộc và tâm hồn dân tộc chân chính ấy chói sáng ở lòng yêu nước, ở chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, đó là sức sống bất diệt, là hằng số của dân tộc và văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đạo đức là cốt lõi của văn hóa. Lòng vị tha, nhân ái, khoan dung trong phẩm chất, đặc tính con người Việt Nam làm cho tính dân tộc và khuynh hướng dân tộc hóa của văn hóa Việt Nam là tốt đẹp và tích cực, nó xa lạ với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, vị kỷ. Khoan dung, bao dung, độ lượng của con người Việt Nam vừa là đạo đức vừa là chính trị và hợp thành văn hóa - một nền văn hóa dân chủ như một đặc tính, một nền văn hóa bao dung [biết chấp nhận, chia sẻ, đồng cảm, rộng lượng] như một giá trị và một thế ứng xử.

Đề cương văn hóa là một thiết kế tư tưởng lý luận về văn hóa, vừa truyền thống vừa hiện đại. Qua 80 năm, giá trị, ý nghĩa và sức sống của Đề cương văn hóa càng tỏa sáng, còn mãi trong hành trình xây dựng, kiến tạo văn hóa mới, con người mới trong thời đại mới ở Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh - Độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, đó là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”4, để dân tộc cường thịnh, trường tồn. Muốn thực hiện khát vọng đó, phải nuôi dưỡng và phát huy “tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”5, với lực đẩy “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”. Nuôi dưỡng tinh thần và khát vọng cống hiến để biến khát vọng thành hiện thực sinh động, trên cơ sở khai thác, tận dụng sức mạnh nội sinh, nguồn lực nội sinh từ văn hóa, con người Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và phát huy giá trị Đề cương văn hóa trong xây dựng văn hóa giữ nước hiện nay

Dựng nước gắn liền với giữ nước, xây dựng chính thể, phát triển kinh tế, văn hóa gắn liền với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia - dân tộc là quy luật trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ông cha ta đã sáng suốt nhận thức và vận dụng sáng tạo quy luật này trong đường lối “An dân trị quốc” để “Quốc thái dân an”; đồng thời, chủ động xây dựng kế sách giữ nước trong mọi tình huống. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, là một thông điệp, gợi mở cho quân và dân ta sự cần thiết phải xây dựng văn hóa giữ nước.

Trong những chỉ dẫn của Người về văn hóa giữ nước, có những luận điểm nổi bật, quan trọng đặc biệt, đó là: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. “Văn hóa... không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”6. Xây dựng, phát triển kinh tế [để kinh tế phồn thịnh, đất nước phú cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc] là một trong những nội dung của xây dựng văn hóa. Phải làm cho chính trị thấm sâu vào đời sống dân gian, mà chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết. Điều đó cho thấy, nội dung đạo đức, bảo đảm đạo đức cho chính trị - một nền chính trị thực sự dân chủ và nhân văn. Muốn cho chính trị thấm sâu vào đời sống dân gian thì chính trị đó phải thực sự là văn hóa chính trị. Ngày nay, Đảng ta nhấn mạnh, phải đưa văn hóa vào trong chính trị, trong các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể của hệ thống chính trị. Sức mạnh văn hóa - sức mạnh từ nội sinh, sức lan tỏa, thẩm thấu của văn hóa vào mọi lĩnh vực đời sống như một sức mạnh mềm, kết tinh thành các giá trị định hướng cho phát triển xã hội vì con người và mang lại hạnh phúc cho con người. Đó là phát triển xã hội thực sự có tính nhân văn. Đó còn là các chuẩn mực để con người thực hành lối sống có đạo đức và văn hóa.

Thường xuyên chăm lo củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, phát huy lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân. Sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc tạo thành sức mạnh vô địch với giá trị quý báu nhất là độc lập - tự do. Đây là nền tảng, thực chất của văn hóa giữ nước, quy tụ được lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc với khí phách “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”7, đặt “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết” để hành động với sự đồng tâm nhất trí của toàn dân, với ý chí quyết tâm: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”8.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa với những luận điểm nổi bật trên; đồng thời, phát huy giá trị của Đề cương văn hóa vào việc xây dựng văn hóa giữ nước trong tình hình hiện nay, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp cụ thể, thiết thực, đó là:

Trước hết, giáo dục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về văn hóa giữ nước. Không chỉ là văn hóa quân sự mà cần nâng cao nhận thức và thực hành trong Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội giá trị rộng lớn và sâu xa hơn, đó là văn hóa chính trị. Giá trị cốt lõi, biểu hiện cụ thể là lòng yêu nước, ý thức và tinh thần dân tộc, thấm nhuần trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa theo đường lối, nghị quyết của Đảng. Kết hợp giáo dục, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phẩm chất Người chiến sĩ Công an nhân dân; giáo dục lý tưởng, bồi dưỡng tình cảm cách mạng và niềm tin khoa học để hành động dũng cảm, sáng tạo, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cơ sở xã hội sâu xa để xây dựng và thực hiện văn hóa giữ nước là khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, phải phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng và củng cố thế trận, tiềm lực quốc phòng toàn dân gắn với thế trận và tiềm lực an ninh nhân dân, bảo vệ biên giới, biển, đảo; đẩy mạnh thực hiện phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nâng cao ý thức “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, phòng ngừa từ sớm, từ xa trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng với bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bằng sức mạnh tổng hợp. Nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và ý chí sẵn sàng chiến đấu hy sinh của quân và dân ta, bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc đổi mới.

Hai là, đẩy mạnh công tác dân vận, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa giữ nước không chỉ chú trọng lực lượng vũ trang, mà còn thực hiện chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, lấy sức mạnh từ toàn dân, với lực lượng toàn dân, mỗi người dân là một chiến sĩ. Vì vậy, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân phải là lực lượng nòng cốt, đi đầu, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, xây dựng “thế trận lòng dân” để phát huy sức mạnh, sáng kiến, sáng tạo của nhân dân trong thực hiện văn hóa giữ nước. Sự hài lòng của người dân là thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ là tài sản vô giá, phải giữ gìn, phát huy. Phải coi nhân dân, cộng đồng xã hội là chủ thể và động lực của văn hóa giữ nước.

Ba là, chú trọng phát triển kinh tế phồn vinh, hiện đại, góp phần xây dựng và thực hiện văn hóa giữ nước thiết thực và hiệu quả. Kinh tế là tiềm lực, nguồn lực để đầu tư cho quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có đủ sức mạnh đánh thắng kẻ thù, đủ khả năng ứng phó với mọi thách thức, nhất là thách thức từ an ninh phi truyền thống; phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh trên không gian mạng, bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh con người trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xã hội chuyển đổi số, nền kinh tế số, quản lý, quản trị xã hội số, từ công dân truyền thống [của một nước] sang công dân toàn cầu.

Bốn là, đổi mới mạnh mẽ thể chế, chính sách, cơ chế, tạo động lực phát huy tiềm năng trí tuệ con người, thích ứng, tiếp biến văn hóa để phát triển. Hội nhập quốc tế về văn hóa để phát triển nhưng không đánh mất truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn, nên nội lực văn hóa của dân tộc là bảo đảm cho sức mạnh, hiệu quả của văn hóa giữ nước nhìn từ phương diện văn hóa. Do đó, để văn hóa giữ nước biểu hiện thành sức mạnh tổng hợp cả vật chất và tinh thần, phải luôn nhất quán quan điểm: con người là nhân tố quyết định. Trong kỷ nguyên số, với dòng thác thông tin chuyển động như vũ bão, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, văn hóa giữ nước vẫn phải được đảm bảo từ chất lượng nhân văn - xã hội, với chính trị, đạo đức, văn hóa cùng với vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ. Xây dựng văn hóa giữ nước phải chú trọng giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa con người - tiềm lực chính trị tinh thần với các yếu tố và tiềm lực khác. Xây dựng văn hóa giữ nước trên quan điểm giá trị phải thể hiện nhất quán với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hệ chuẩn mực con người Việt Nam, lấy hệ giá trị văn hóa gia đình làm cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ Đề