Cách hưởng thụ cuộc sống một cách văn mình

Bạn có muốn trở thành nữ hoàng trong cuộc đời của bạn không?

Mae West, nữ minh tinh huyền thoại Mỹ, đã sống theo châm ngôn ấy để tự trở thành nữ hoàng của chặng đường 87 năm đời mình. Thế nhưng, hiểu cho đúng ý nghĩa thụ hưởng đời người như bà nghĩ, e không đơn giản.

Hưởng thụ–huyễn hoặc và hiện thực

Có phải đó là kiểu sống xa xỉ của hội con nhà giàu Rich Kids với hình ảnh siêu xe, du thuyền, biệt thự triệu đô… được tung lên mạng mỗi ngày? Hay là trò ngông như cô nàng Jo Fraser bỏ việc lên đường thỏa mãn thú du lịch để rồi phá sản, thất nghiệp? Câu nói “Cuộc sống hoặc là một chuyến phiêu lưu táo bạo hoặc không là gì cả” của Helen Adams Keller với họ xem chừng đang bị hiểu méo mó!

Điều gì khiến Iris Apfel, huyền thoại của làng thời trang nước Mỹ, một siêu fashionista đến tuổi 94 mà vẫn sành điệu, nếu không phải là bà đã nâng sự hưởng thụ lên thành một nghệ thuật sống. Bạn nghĩ thế nào trước thông tin các nhà khảo cổ đã phát hiện các bộ xương khảm thời cổ đại Hy Lạp cách đây 2.400 năm với tư thế tượng hình mô tả lời khuyên: “Hãy vui vẻ, tận hưởng cuộc sống của bạn”?

Thực ra, ý nghĩa sự hưởng thụ cuộc đời mà Mae West đề cập bắt đầu bằng những chữ “không”: không hưởng thụ trên những thứ mình chẳng bỏ công sức mà có, không cố sức làm việc quên mất hưởng thụ, không hy sinh một cách mù quáng, không tận hưởng theo bầy đàn quá mức mình làm ra, không “gato” với sự hưởng thụ của người khác. Và bằng những chữ “hãy”: hưởng thụ cân bằng với nỗ lực thành công, xem hưởng thụ là nữ quyền, động viên giới nữ cùng biết tận hưởng cuộc sống và luôn làm mới “kỹ năng” hưởng thụ.

Bà Iris Apfel

Những rào cản tâm lý trước việc hưởng thụ cuộc sống

Thế giới thay đổi chóng mặt nhưng nhiều phụ nữ còn “giậm chân tại chỗ”. Khi thả lỏng mình vui chơi hưởng thụ đời một tí, một số phụ nữ cảm giác có lỗi với gia đình. Ngay cả khi có điều kiện kinh tế, được chồng tạo điều kiện, không ít chị em vẫn chưa biết cách hưởng thụ, cứ bù đầu việc nhà, bỏ mặc ngoại hình, ki bo tiết kiệm. Hai chữ “hy sinh” thường được họ trưng dụng để chống chế cho lối sống thụ động sai lầm.

Nói về chuyện hy sinh vì con cái, nữ diễn viên gạo cội Jane Fonda khuyên các bà mẹ: “Chớ làm nô lệ cho con cái. Chúng có số phận riêng và sẽ tìm được đường đi trong đời”. Bà nói không sai vì khoa học cũng cho rằng người mẹ quá lo cho trẻ trong thời gian từ 3 – 11 tuổi dễ “hư” cả mẹ lẫn con. Với công việc và tiền bạc, Fonda nhắc khéo: “Cuộc sống dài hơn đời lao động đấy, hãy hưởng thụ nó ngay lúc đi làm”. Nhà thiết kế áo dài Nguyễn Thị Huệ Hữu tự nhận mình là người thích tận hưởng. Theo chị, nếu không hưởng thụ thành quả mình tạo ra thì đó đâu phải là sống.

Còn đàn ông, những anh chồng có phải là rào cản? Thực ra, không ít ông chồng luôn muốn vợ chu toàn bổn phận, nhưng mặt khác, hầu như ai cũng muốn vợ luôn trẻ đẹp, hiểu biết… Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chứng minh: “Sau 10 – 15 năm hy sinh, chính phụ nữ sẽ tạo nên khoảng cách về sự tiến bộ giữa hai vợ chồng, một chiếc hố rất sâu về hình thức, tiền bạc, sự thành đạt và cả trí tuệ, tâm hồn…”

Trong thế giới hiện đại, ngay cả khi tình dục đang chiếm vị trí quan trọng trong danh sách lạc thú cuộc sống thì nhiều phụ nữ lại e dè gặm nhấm niềm vui ấy trong góc khuất. Theo nữ văn sỹ Tâm Phan, tác giả đầu sách Sex và những thứ khác nhận định, nhiều phụ nữ quá quen với sự bất bình đẳng nên nghĩ rằng tình dục chỉ dành cho đàn ông và khi mình làm tình là mình đang phục vụ tình dục. Chị cho rằng, đây là tâm lý mặc cảm tự ti vì phụ nữ có quyền hưởng thụ tình dục cũng như đàn ông.

Một cảnh trong film “Sex and the City” phản ánh tình dục, tình yêu trong đời sống dưới góc nhìn của phụ nữ

Hưởng thụ cuộc sống để hạnh phúc như phụ nữ Pháp

Trong cuốn sách của mình, chuyên gia tâm lý Rebeca Plantier cho rằng phụ nữ Pháp trưởng thành không cảm thấy quá có lỗi nếu tự sắm cho mình một đôi giày tốt thay vì tậu một món đồ cho đứa con tuổi teen. Họ chú ý đến chất lượng bữa ăn, tự do làm theo sở thích. Họ thoải mái ăn mặc, trang điểm và không có giới hạn tuổi tác trong đời sống tình dục.

Nghiên cứu của Tập san y khoa Canada cho rằng những ai biết tận hưởng cuộc sống sẽ duy trì các chức năng thể lý trong mỗi hoạt động hàng ngày, kể cả khi cao tuổi, tốt hơn so với những người ít tận hưởng cuộc sống. Còn chuyên gia Jacob Hirsh đánh giá những phụ nữ có tâm lý hướng ngoại thường thích hưởng thụ cuộc sống ngay khi có cơ hội. Với nhà thiết kế Li Lam, ngoài công việc, chị dành thời gian hưởng thụ và chăm sóc bản thân bằng cách tập yoga, đlịch và… tu tâm. Chị chia sẻ: “Con người của mình là một ngôi đền, tôi muốn giữ nó thanh tịnh, trong trẻo, bình an. Tắm mát tinh thần mỗi ngày bằng những kiến thức, trải nghiệm lòng tốt và sự chia sẻ. Tôi thích phụ nữ đẹp sexy. Không đặt ra ranh giới về đàn ông, đàn bà, nhưng là phụ nữ, theo tôi phải là một người dịu dàng nhất có thể với một tinh thần cá tính”.

Hãy là nữ hoàng của đời mình

Có câu nói rất hay của nhà văn Elizabeth M. Gilbert, rằng: “Bạn được ban cho cuộc đời, bổn phận làm người của bạn là phải tìm kiếm những điều đẹp đẽ của nó, cho dù nhỏ nhặt đến đâu”. Điều đẹp đẽ ấy có khi là chấp nhận chí ít mỗi ngày “điên” 15 giây khi quyết định tự thưởng cho mình một chiếc váy, cái túi thật đẹp, diện bảnh xuống phố, ngồi thư giãn ở một quán café đẹp.

Điều đẹp đẽ ấy lại rất dễ phát giác nhờ trực giác phụ nữ. Bạn hãy để cho khả năng nhạy bén này tham gia vào sự hưởng thụ cuộc sống của mình, vì khoa tâm lý đã chứng minh quyết định bắt nguồn từ trực giác thường hiệu quả bằng hoặc hơn sự chọn lựa nhờ phân tích, nó sẽ giúp cân bằng quyết định của chúng ta khiến sự hưởng thụ không bị lệch hướng.

Có khó gì để làm nữ hoàng của đời mình? Đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản như là khoảnh khắc “lên ngôi” khi về nhà ăn bữa cơm ngon với mẹ, đi massage và làm đẹp, ngủ một phát thật đã đời, hay nổi hứng du lịch solo. Làm nữ hoàng đời mình là luôn không quên chăm sóc bản thân, làm những gì khiến ta hạnh phúc, sống với những ai làm ta cười và yêu bao lâu khi còn sống.

Thứ cản trở mỗi người đạt được hạnh phúc thường là suy nghĩ “Một ngày nào đó, ta sẽ….”. Shayne Azad từng nói: “Một số người trong chúng ta hưởng thụ ngày hôm nay, một số lại hưởng đời tương lai trong khi số khác lại vui thú với những gì thuộc quá khứ”. Bạn nằm trong nhóm người đầu tiên chứ?

Bài : Nghi Trần
Harper’s Bazaar Việt Nam

THƯỞNG THỨC hay HƯỞNG THỤ? Cuộc đời sinh ra cuối cùng là để được gì? Có lẽ câu hỏi này sớm hay muộn thì mỗi người sẽ bắt đầu phải nghĩ đến.

Nó như là một “phần thưởng”, một “món” gì đó có trong cuộc sống mà văn minh loài người đã tạo ra đến ngày hôm nay, như: các loại hình âm nhạc, hội hoạ, mỹ thuật, nghệ thuật, thể thao, văn hoá, thời trang, ẩm thực, thám hiểm, nghiên cứu, khoa học, kỹ thuật...

Có nhiều người sống theo cách Thưởng Thức Cuộc Sống. Họ học tập và làm việc chăm chỉ để có tiền để họ thưởng thức cuộc sống [Chứ không phải Hưởng Thụ]. Họ chủ đích: muốn được cảm nhận, muốn được trải nghiệm, muốn tìm hiểu, muốn tận hưởng...xem qua cuộc đời này cuối cùng mình đã thưởng thức được những gì trước khi trở về cát bụi hay chuyển thể sang một thế giới khác.

Ví dụ, có nhiều người họ quan tâm đọc sách, quan sát để hiểu biết những gì có trong cuộc sống, từ đó họ chọn ra một số món để thưởng thức như là: đi xem kịch, đi nghe hoà nhạc, đi xem triển lãm tranh các thời đại, đi câu cá trên biển, đi leo núi, đi biển lặn ngắm san hô, đi trượt tuyết, luyện đàn, chơi cờ, đi xem bóng đá, bóng chày, golf các giải chuyên nghiệp, đi khám phá các món ăn mới lạ, đi khám phá các kiến trúc cổ, lịch sử hình thành, chế tác ra những vật phẩm, tác phẩm, ngắm trăng làm thơ, sáng tác nhạc...

Có thể hiểu nôm na về khái niệm này như sau. Có nhiều người hay nói rằng cuộc sống là phải Hưởng Thụ. Hàm ý ở đây là: sẽ phải làm ít thôi, phải nghỉ ngơi thư giãn nhiều hơn, đừng bận tâm suy nghĩ gì nhiều cho ai, phải làm cho mình được thoải mái theo cách muốn gì được đó. Và cụ thể hàm ý của Hưởng Thụ nó bao hàm các việc như: có nhiều tiền để mua sắm, đi chơi, du lịch, ăn ngon mặc đẹp, có người phục dịch....

Người muốn thưởng thức cuộc sống người ta ngay từ đầu họ đã chủ động để học tập, tìm hiểu và lao động để có được điều kiện để thực hiện được cho mục đích thưởng thức cuộc sống này. Kể cả khi họ lao động cũng là để Thưởng Thức Cuộc Sống.

Còn người muốn hưởng thụ cuộc sống này thì thường xuất phát từ sự mong đợi, cầu mong, ước ao để có được cuộc sống hưởng thụ như thế. Và kết quả là chỉ chờ đợi và cầu mong nên đôi khi phép màu không hiển linh và họ vẫn sẽ tiếp tục mong ước. Còn có những người có được nhiều tiền nhưng cũng không thưởng thức cuộc sống mà chỉ dừng lại là hưởng thụ.

Từ đây có thể thấy được rằng chỉ cần mình thay đổi quan niệm về SỐNG là Thưởng Thức Cuộc Sống hay SỐNG chỉ là để Hưởng Thụ, thì chúng ta sẽ hiểu được giá trị của quãng đời chúng ta đã dành cho nó và đạt được những gì và như thế nào?
Có thể nhìn thấy rõ, người dân sống ở các nước phát triển thì họ sống theo cách Thưởng Thức Cuộc Sống. Còn các nước chậm hơn có vẻ nhiều người luôn mong muốn được Hưởng Thụ cuộc sống hơn là Thưởng Thức nó.

Chỉ cần chúng ta hiểu rõ về từ ngữ đã được hình thành, chúng ta đã tìm ra được rất nhiều giá trị cho cuộc đời này.

2019.04.20, Iwate, Japan

Lê Long Sơn

Video liên quan

Chủ Đề