Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn thế nào sau chiến dịch Tây Nguyên

Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975

Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Bước vào mùa Xuân năm 1975, ta chọn Nam Tây Nguyên làm hướng đột phá chiến lược cho cuộc tổng tiến công. Chiến dịch được mở ra với ý định ban đầu là giải phóng vùng Nam Tây Nguyên, trước hết là thị xã có ý nghĩa chiến lược Buôn Ma Thuột.

Sau các hoạt động nghi binh tích cực thu hút địch lên hướng bắc, từ ngày 4/3/1975, bộ đội ta bước vào tác chiến tạo thế, chặt đứt giao thông địch trên trục đường 19 và 21, chia cắt chiến lược các tập đoàn địch ở Tây Nguyên và đồng bằng. Ngày 8/3, Sư đoàn 302 diệt cứ điểm Cẩm Ga, chiếm giữ đường 14 ở khu vực này, chia cắt chiến dịch quân địch ở Bắc và Nam Tây Nguyên. Từ 9 đến 10/3, chính thức bước vào tác chiến chiến dịch, Sư đoàn 10 tiêu diệt căn cứ Đức Lập.


Quân đội Việt Nam Cộng hòa thất bại thảm hại và phải tháo chạy hỗn loạn khỏi Tây Nguyên [ảnh tư liệu]

Ngày 10/3, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95b, Trung đoàn 198 đặc công đồng loạt mở 5 mũi tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh then chốt chủ yếu. Sau hơn một ngày chiến đấu quyết liệt, trưa 11/3, ta giải phóng thị xã.

Từ 14 đến 18/3, Sư đoàn 10, Trung đoàn 25 tiến công lực lượng địch đổ bộ trực thăng trên đường 21, Đông Bắc thị xã Buôn Ma Thuột, tiêu diệt Sư đoàn 23 và Liên đoàn biệt động quân 21, đập tan ý đồ phản kích của địch.

Bị thất bại nhanh chóng và nặng nề, trước tình huống không còn lực lượng cơ động ứng cứu, ngụy quyền Sài Gòn buộc phải ra lệnh rút bỏ Bắc Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng còn lại của Quân đoàn 2. Khoét sâu sai lầm của địch, ta tung Sư đoàn 320 vào truy kích, tập kích tập đoàn địch rút chạy trên đường 7, từ 17 đến 23/3, tiêu diệt hầu hết lực lượng này gồm 1 trung đoàn bộ binh, 5 liên đoàn biệt động quân, 3 thiết đoàn và các đơn vị khác, giải phóng Cheo Reo, Củng Sơn.

Đồng thời, từ 18 đến 24/3, Sư đoàn 968, Trung đoàn 95a, và Trung đoàn 271 tiến vào giải phóng các thị xã Kon Tum, Plâyku, Gia Nghĩa.

Qua 20 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 24-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn. Quân, dân miền Nam đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 Việt Nam cộng hòa, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng rút chạy trên đường số 7, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2, Quân khu II, giải phóng Tây Nguyên, nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung.

Những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị động, bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường.

Bày mưu kế, lập thế trận và lựa chọn mục tiêu [hướng] là những phát triển nổi bật của nghệ thuật quân sự trong chiến dịch này. Ta chọn mục tiêu chủ yếu [Buôn Ma Thuật] vào đúng nơi hiểm nhưng yếu của địch. Để mục tiêu này càng “yếu” hơn, ta đã nghi binh điều địch lên hướng bắc, đồng thời bí mật cơ động lực lượng lớn về hướng nam, nhờ vậy ta đã tập trung ưu thế áp đảo ở nơi cần thiết, tạo yếu tố bất ngờ. Ta bố trí thế trận hiểm, chia cắt chiến lược và chiến dịch địch, khiến các cụm quân của chúng bị cô lập. Từ đó buộc địch phải chấp nhận các tình huống ta đã dự kiến [thí dụ: do thế trận của ta, địch chỉ còn một khả năng duy nhất là đổ bộ trực thăng xuống đường 21 sau khi mất Buôn Ma Thuật. Tại đây, ta đã bố trí sẵn sàng Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25. Có nghĩa là địch đã rơi vào đúng kế, đúng định của ta]. Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 còn nổi bật ở nghệ thuật phát triển tiến công. Nắm thời cơ có địch rút chạy, ta đã kịp thời và kiên quyết truy kích tiêu diệt chúng, đưa địch đến thất bại chưa từng có, nó đã làm rung chuyển chiến lược của địch, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ vào bước ngoặt quyết định./.

Theo Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Tư tưởng quân sự Việt Nam

 Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước [30/4/1975-30/4/2021]

 

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi là niềm tự hào sâu sắc của mỗi người dân Việt Nam

Cách đây 46 năm, ngày 30/4/1975 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành toàn thắng. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Quân và dân cả nước đã thực hiện trọn vẹn điều mong muốn thiết tha của Bác Hồ kính yêu:" ... Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nửa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà…”.

Thắng lợi của Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, là trang sử hào hùng, chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; kết thúc vẻ vang 30 năm kháng chiến gian khổ, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945; 45 năm đấu tranh kiên cường của toàn dân ta kể từ năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ vì độc lập, tự do, vì Chủ nghĩa xã hội. Đây còn là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy, cổ vũ các dân tộc đang tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng, mở đầu cho sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

Sau 46 năm đất nước thống nhất, đặc biệt là sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cách đây 13 năm, nước ta đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 đô la Mỹ, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 3.500 đô la Mỹ, chỉ số phát triển con người thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ, phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng. Công tác chăm sóc người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển mới về quy mô, loại hình trường lớp; những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc được bảo tồn, phát triển; giao lưu hợp tác văn hóa với nước ngoài được mở rộng, các tài năng văn hóa- nghệ thuật, thể thao được khuyến khích sáng tạo, cống hiến.

Hệ thống chính trị hoạt động ngày càng hiệu quả, hiệu lực, tinh gọn hơn; Chính phủ liêm chính, kiến tạo đang thật sự hành động, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai quyết liệt hơn và đạt một số kết quả rỏ nét, được nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị, xã hội ổn định; độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế văn hóa -xã hội cũng như bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ và sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước thân yêu.

Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng theo hương đa phương hóa, đa dạng hóa; đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế, ASEAN, ASEM, APEC, WTO… Tích cực giải quyết vấn đề biên giới, biển đảo, góp phần giữ vững môi trường hòa bình ở khu vực cũng như trên thế giới.

Phát huy những giá trị lịch sử to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, mỗi người dân Việt Nam và cán bộ, đảng viên, nhân dân Quảng Ngãi đang cùng nhau ra sức lao động, học tập, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2021; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thường xuyên nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa; từ đó nêu cao quyết tâm giữ vững độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, phấn đấu xây dựng đất nước ta " đàng hoàng hơn, to đẹp" hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đang tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra; phát huy truyền thống yêu nước, khát vọng phát triển, phấn đấu dựng và phát triển quê hương Quảng Ngãi ngày càng phồn vinh, thịnh vượng./.

Tuấn Anh

Video liên quan

Chủ Đề