Đánh giá phim cơn thịnh nộ của carrie

*LƯU Ý: Carrie (2013) là bản remake, bị so sánh là chuyện đương nhiên. Vì vậy khi nhận xét về nó tôi sẽ thường xuyên nhắc tới bộ phim gốc & hẳn là sẽ đưa ra những ý kiến khá nặng nề với bản remake. Mong bạn chuẩn bị sẵn tâm lý nếu bạn là người nhạy cảm.

Bộ phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên (tác giả: Stephen King) kể về cuộc đời khốn khổ của 1 cô nữ sinh trung học bị bạo hành, chèn ép đến mức bộc phát sức mạnh chết người vào đêm dạ vũ. Phim gây sốt từ khi chưa phát hành, tôi không để ý nên không biết chiến dịch quảng bá mạnh cỡ nào, nhưng chắc chắn cái yếu tố lớn làm nên độ hót đó là 1 lý do: đây là bản remake. Bản làm lại từ 1 bộ phim kinh điển hẳn sẽ làm người ta tò mò & đón chờ rồi. Vì tôi đã "lỡ" xem bản gốc năm 1976 từ lâu nên sau khi xem bộ phim mới ra năm ngoái, tôi đã phải trải qua cảm giác... hụt hẫng. Vì sao thì những dưới tiếp theo tôi sẽ trình bày cụ thể. Nếu bạn muốn xem "Carrie", hãy lựa chọn giữa 2 cách: xem Carrie (1976) & không động tới Carrie (2013), HOẶC xem bản mới rồi xem bản cũ. Nếu làm khác, nói thật là bạn sẽ bị hẫng như tôi (!?)

Đầu tiên, lúc nhìn poster phim tôi đã thấy "có gì đó không ổn ở đây". Poster phim hiện rõ gương mặt Carrie. Xinh đẹp, mịn màng, thu hút, căng tràn sức trẻ. Đáng thất vọng. Tại sao lại thất vọng về 1 gương mặt xinh đẹp như thế?? Vì đó không phải là Carrie. Carrie mà nhà văn Stephen King miêu tả trong tiểu thuyết không được đẹp mà PHẢI XẤU! Carrie nổi bật vì ngoại hình không ưa nhìn & tính cách nhu nhược, khờ khạo mà. Đạo diễn cố thỏa mãn thị hiếu "diễn viên chính phải là 1 cô nàng tóc vàng lôi cuốn khán giả mới thích xem" mà quên mất việc tôn trọng nội dung cần truyền tải. Thêm vài vệt máu cũng chỉ để nhắc "ĐÂY LÀ PHIM KINH DỊ" chứ chẳng làm xấu được gương mặt búp bê (đấy là chưa kể đến việc vết máu chảy được vẽ vào khá ẩu nhất là vùng mắt trái). Nếu đã muốn làm khác thì thà đổi tên phim, thành "Lucy", "Jennifer" hay gì đấy cho rồi, đã mang tên "Carrie" thì phải làm người ta thấy được Carrie từ những trang tiểu thuyết. Thật ra "Carrie" của năm 1976 do Sissy Spacek cũng không "đã xấu còn hơi mập & mụn nhọt" nhưng ít ra vẫn xấu với vẻ gầy nhom (vì đâu được mẹ quan tâm) & làn da nhợt nhạt. Xấu nhưng xấu lạ, độc, hợp lý & càng diễn càng mê.

Một thời gian sau thì tôi vẫn quyết định xem phim. Để xem nó có hay không, Carrie trừ ngoại hình ra thì những thứ khác có chuẩn không, so với bản gốc thì thế nào. Và giá như tôi chưa từng làm thế. Đã xem bản gốc rồi, giờ xem bản mới mà nó giống như là xem lại 1 phim 2 lần vậy. Chúng giống nhau 95% từ câu thoại đến tình tiết! Mà cái sau lại còn không hay bằng, 5% còn lại dành cho sự sáng tạo thì lại càng đi xa nguyên tác & giảm độ thuyết phục trong cách diễn của diễn viên chính Chloe Grace Moretz.

Tôi không biết Chloe Moretz diễn tốt thế nào trước đó cả, nhưng chắc chắn cô gái này vẫn còn non để làm Carrie. Có nhiều cảnh khi Carrie tỏ ra tội nghiệp, buồn bã, tôi mới chỉ thấy được cái "buồn" chứ chưa thấy cái sự lúng túng & sợ hãi - những nét tính cách của 1 người hay bị bắt nạt mỗi khi tiếp xúc với người khác. Đôi khi tôi thấy cách biểu hiện hơi gượng. Đôi khi tôi thấy Chloe mất tập trung. Chính vì thế mà diễn không tới. Căng hơn là mỗi khi đến cảnh giữa Carrie & bà mẹ, Carrie này giống như là 1 đứa con gái được chiều quá hóa láo hơn là 1 đứa sợ mẹ. Cái đó 1 phần cũng tại đạo diễn cho Carrie tính cách mạnh dạn quá, dám mở miệng cãi mấy lần liền trong khi Carrie đúng ra là người luôn sợ hãi & yếu đuối. Còn bà mẹ thì như 1 kẻ cuồng tín nhưng nhu nhược, ốm yếu & bất lực trước đứa con hư. Các diễn viên ít để lại dấu ấn, xem xong chẳng nhớ ai là ai.

Bên cạnh những yếu tố không vừa lòng, tôi vẫn thấy phim có điểm sáng. Như đã nói ở trên thì Carrie (2013) có 5% sáng tạo, không phải là cả 5% đều gây hỏng phim mà vẫn có 2% tích cực. Nó nằm ở việc Carrie nhận ra năng lực của mình & biết chủ động sự dụng chúng. Ngoài ngoại hình & tính cách, nhắc đến Carrie là không thể không nói đến khả năng di chuyển đồ vật. Trong khi chuyện này gần như không được chú ý trong bản gốc mãi cho đến buổi khiêu vũ. Carrie mới đã có sự đầu tư hơn. Nhưng đồng thời, việc thêm thắt chi tiết "cô điều khiển mọi thứ bằng cả mắt cả tay & biết bay" thì Carrie cứ như siêu nhân chung đội Superman, Wonder Woman, Batman,... quàng vải đỏ bay bay trên trời cứu người gặp nạn. Nếu như chỉ tập trung vào mắt thôi, thì:

  1. Tình tiết sẽ đỡ cảm giác "làm quá" hơn,
  2. Diễn viên sẽ tập trung dồn lực diễn xuất vào đôi mắt chứ không phải phân tán nó vào các bộ phận cơ thể khác.

Như thế thì nhân vật sẽ có hồn hơn, sẽ ghê hơn. Diễn viên đã non rồi mà cứ bị bắt phải làm nhiều. Sissy Spacek chỉ cần trợn mắt thôi mà đã tạo nên hình ảnh kinh điển trong làng phim kinh dị cho đến bây giờ rồi, chẳng phải vậy sao?

Ngoài ra, việc cho 1 số nhân vật được sống sót khỏi đêm dạ vũ máu me cũng nửa được nửa không. Theo tôi thì khi đã tức đến mức hóa quỷ dữ, trả thù bằng cách thanh trừng hàng đống người & đốt trụi phòng tiệc thì khó mà vẫn còn để tâm đến chuyện phân biệt người nào nên giết, người nào nên cho sống. Cứ giết hết tất cả thì sẽ thể hiện cơn thịnh nộ của Carrie rõ hơn. Cơn thịnh nộ không thể kiểm soát, tức giận đến mù quáng. Quỷ dữ không phân biệt đúng sai. Tuy nhiên xét về mặt nhân đạo thì để vậy cũng được, ít ra người xem (nhất là những ai hay thương người) sẽ không phải ức chế, ví dụ: "Ơ kìa, cô giáo có làm hại Carrie đâu mà bị giết?"

Tóm lại, tôi không hài lòng về bộ phim, nhưng vẫn công nhận nó có chút điểm tốt đáng ghi nhận.

Điểm:

4/10 (bài nhận xét nổi bật nhất trên Imdb chỉ cho 1/10, mà ý kiến cũng nhiều cái giống của tôi...; xem ra điểm 4 này nhẹ nhàng đấy chứ!)

Link phim: http://www.hayhaytv.vn/xem-phim/phim-carrie-con-thinh-no-cua-carrie-hd-353838316E61.html

*1 số hình ảnh trong phim:

"So với phần 1 thì phần 2 của phim là 1 bước tiến ngoạn mục."

Đánh giá phim cơn thịnh nộ của carrie

Thông tin:

  • Nội dung: Ba sinh viên đại học người Mỹ đang du học bị dụ vào một nhà nghỉ tại Slovakia, và khám phá ra những thực tế nghiệt ngã đằng sau nó.
  • Đạo diễn: Eli Roth
  • Diễn viên: Lauren German, Heather Matarazzo, Bijou Phillips
  • Thể loại: Kinh dị
  • Quốc gia: Mỹ
  • Thời lượng: 94 phút
  • Đơn vị phát hành: Lionsgate, Screen Gems, Next Entertainment
  • Năm phát hành: 2007

Mãi đến tháng 5/2013 tôi mới xem phần 2 vì phần 1 không để lại nhiều ấn tượng với tôi lắm. Một bộ phim mà có phần đầu trung bình thì bạn biết rồi đấy, người ta thường sẽ có suy nghĩ: "Chắc mấy phần tiếp theo cũng chẳng khá hơn đâu!" Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại tự dưng tò mò muốn xem, có gì đó cứ thúc giục tôi phải xem. Và tôi đã không phải hối hận khi quyết định dành thời gian cho "Lò Mổ 2"! Đây chính là số ít các phim có phần sau hay hơn phần đầu! (Phim nữa tôi biết là "Camp Rock"!)

Lật lại "Lò Mổ 1" chút nhé. Bộ phim cũng theo kiểu mô tuýp quen thuộc: 1 nhóm người đi du lịch, bị bắt cóc, tra tấn, chết, nhân vật chính thoát, tuy nhiên nó lại nổi bật giữa vô số phim tương tự. Phim có giải thích nguyên nhân đàng hoàng chứ không phải kiểu xem mà không hiểu sao mấy thằng ABC XYZ gì đó lại đi giết người. Phim còn có những khoảng lặng dành cho tình người, có thể chỉ là giây phút rủ cô gái Châu Á ít nói đi chơi, hay khi quyết định quay lại chỗ chết chỉ để cứu 1 người mới gặp, hay khi cô gái ấy tuyệt vọng rồi lao đầu vào xe lửa.... Phần 1 như vậy đó, không dở nhưng cứ có vẻ thiếu thiếu, & có mấy điểm bị đơn giản hóa quá. Ví dụ như việc Paxton may-mắn-1-cách-kì-lạ khi "đao phủ" của anh này lại điên điên bất thường, cứ nói lảm nhảm, rồi dừng tay không giết nữa. Chả hiểu sao!? Hay khi Paxton đi trả thù, rất tiện lần nữa là mấy kẻ "câu người" lại đều xuất hiện trên đường để sau đó bị đâm!?

Bây giờ chuyển sang trọng tâm là "Lò Mổ 2". Nó nối tiếp phần 1, vẫn tiếp tục với Tổ chức nhà giàu trả tiền để giết người (hậu quả của việc lắm tiền quá mà không biết dùng vào việc gì ý nghĩa...). Các nhân vật chính lần này là 1 nhóm sinh viên nữ trẻ. Nhóm mỗi người 1 tính cách được biểu hiện rõ nét, tôi rất thích khi phim chú ý mô tả sự gắn bó giữa họ. Tôi cũng phục lăn tính cách của cô nàng Beth vì là nạn nhân & hoảng loạn vô cùng nhưng dần dần bình tĩnh, làm chủ được tình thế. Người ta gọi là "LIKE A BOSS"! Đó là còn chưa kể đến Whitney- bạn thân của Beth cũng rất dũng cảm (tiếc rằng không gặp may mắn như bạn mình). Phần 2 giải thích quy mô của Tổ chức tàn độc rõ ràng & rộng hơn trước rất nhiều, có màn đấu giá người trực tuyến như đồ vật. Phim không chỉ tập trung vào mỗi sự trốn chạy của nhân vật chính (Beth) mà còn dành thời gian đề cập tới sự thay đổi tâm lý của bên giết người qua 2 "đao phủ" mới gia nhập. Việc đứng vào quan điểm của bọn phản diện là nét độc đáo của phim. Lại còn có cả sự tráo đổi tâm lý giữa chúng. Thằng ban đầu rõ là máu, hào hứng với trò chơi thì đến lúc lỡ tay chém vào đầu Whitney lại sợ hãi bỏ cuộc trong khi thằng kia thì ngược lại; sự đảo ngược gây bất ngờ. Ngoài ra còn có vài chi tiết rất nhỏ nhưng hay, ví dụ như khi anh chàng lạ mặt ngỏ ý cứu Beth khỏi tương lai bị hại; theo tôi thì đây là 1 chi tiết nhân văn và sáng tạo. Tất cả những điều này làm diễn biến phim không bị nhàm chán, khó đoán trước, có chiều sâu, & đa dạng.

Các cảnh tra tấn cũng nặng đô hơn phần 1! Những cảnh chặt chém, máu tuôn được chiếu kĩ, rõ & lâu hơn; vừa xem cảnh tắm máu y hệt nữ bá tước Elizabeth Báthory tôi vừa ôm cổ vì ghê & thương nạn nhân quá.

Phần 2 phức tạp nên các diễn viên hẳn là không dễ dàng gì khi phải thể hiện nhiều kiểu tính cách qua từng giai đoạn. Như nhân vật Beth phải từ 1 cô gái nghiêm túc chuyển sang vị trí nạn nhân đầy tuyệt vọng cuối cùng biến thành sát thủ, hay Stuart đang nhu nhược, thương người, đầy ân hận bỗng bị ám ảnh bởi lời động viên mà trở nên hung ác & dâm loạn. Tuy nhiên hầu hết diễn viên đã hoàn thành tốt vai trò của mình. Chưa kể đến việc dàn diễn viên gần như toàn người không xinh thì đẹp!

Có 1 điều nho nhỏ mà tôi không thích lắm là việc nhân vật còn sống của phần 1 (Paxton) được đưa vào phần tiếp theo nhưng chỉ ở vài phút của đoạn đầu, sau đó bị thủ tiêu trong lặng lẽ khi bạn gái đang ngủ. Ý của phim là muốn kết nối 2 phần với nhau nhưng tôi nghĩ là thừa. Có nhiều cách hay hơn để đưa người-quan-trọng của phần trước vào mà, chứ chết thế này lãng xẹt & nhanh quá. Ít ra thì chi tiết này cũng đã góp phần thể hiện độ đeo bám dai dẳng đầy bệnh hoạn của Tổ chức. Chúng không bao giờ cho "con hàng" thoát khỏi trò chơi đẫm máu.

Điểm:

7.5/10 (phần 1 tôi cho tầm 5/10)

Link phim: http://www.hayhaytv.vn/xem-phim/phim-hostel-2-lo-mo-2-hd-353334336E61.html

*1 số hình ảnh trong phim:

Đánh giá phim cơn thịnh nộ của carrie

Đánh giá phim cơn thịnh nộ của carrie

Tôi là Rendi (tên thật: Hằng)- 1 người có thể sợ hãi bởi mọi thứ nhưng không thể tránh xa phim ma/kinh dị.