De cương ngôn ngữ học đại cương

Cho chuyên ngành Ngôn ngữ học

I. Yêu cầu:

Học viên cần nắm được những kiến thức cơ bản của chương trình ngôn ngữ học đại cương đã được học ở chương trình bậc đại học, có khả năng vận dụng tổng hợp những kiến thức này  để giải quyết những yêu cầu cụ thể của đề thi.

II. Nội dung:

Phần A: Những vấn đề chung

I. Bản chất của ngôn ngữ

1.Bản chất xã hội của ngôn ngữ

2.Bản chất ký hiệu của ngôn ngữ(Khái niệm ký hiệu, phân loại ký hiệu,lý luận của F. De Saussure về bản chất ký hiệu của ngôn ngữ )

II. Chức năng của ngôn ngữ

1.Chức năng làm công cụ giao tiếp

2. Chức năng làm công cụ tư duy

3.Các chức năng khác: chức năng lưu trữ thông tin, chức năng sáng tạo tác phẩm văn học

III. Cấu trúc ngôn ngữ

1. Khái niệm hệ thống- cấu trúc

2. Ngôn ngữ nội tại và ngôn ngữ ngoại tại

3. Các quan hệ ngôn ngữ: quan hệ ngữ đoạn và đối vị, quan hệ đồng nhất và đối lập, quan hệ tôn ty và trật tự

4. Các cấp độ của ngôn ngữ

5. Sự phân biệt ngôn ngữ và lời nói

Phần B: Ngữ âm học và hình thái học

I. Ngữ âm học

1. Bản chất cấu tạo âm thanh của ngôn ngữ

2. Cơ sở ngữ âm (cơ sở tự nhiên và cơ sở xã hội của âm thanh ngôn ngữ: Sự phân biệt ngữ âm học(đặc điểm tự nhiên của âm thanh) và âm vị học( đặc điểm xã hội của âm thanh))

3. Đơn vị ngữ âm: âm tiết, âm tố, và âm vị

4. Nguyên âm và phụ âm,các hiện tượng ngôn điệu( trọng âm , thanh điệu và ngữ điệu)

5. Âm vị và biến thể

II. Hình thái học

1. Hình vị :Khái niệm, bản chất , phân loại và cách xác định

2. Cấu tạo từ và cấu tạo dạng thức

3. Ý nghĩa ngữ pháp

4. Phương thức ngữ pháp

5. Phạm trù ngữ pháp

6. Phạm trù từ vựng ngữ pháp (tiêu chuẩn và các nguyên tắc phân định từ loại, tiểu loại)

Phần C : Cú pháp học, ngữ nghĩa học  và văn bản học

I. Cú pháp

1. Khái niệm

2. Các quan hệ cú pháp( quan hệ C-V,quan hệ đẳng lập,quan hệ C-P)

3. Các đơn vị cú pháp

- Cụm từ: Khái niệm, kiểu loại, đặc điểm

- Câu: Khái niệm, Thành phần câu, phân loại câu theo cấu trúc cú pháp

II. Ngữ nghĩa, ngữ dụng

1. Ngữ nghĩa

a. Ngữ nghĩa từ vựng: khái niệm , cách phân tích các thành phần ngữ nghĩa của từ

b. Ngữ nghĩa cú pháp: khái niệm, cách phân tích các thành phần ngữ nghĩa cú pháp

2. Ngữ dụng

a. Khái niệm

b. Lý thuyết hành động ngôn từ

c. Phân loại câu theo mục đích nói năng

III. Văn bản

1. Khái niệm

2. Cấu trúc văn bản: cấu trúc nghĩa và cấu trúc hình thức

3. Các nguyên tắc tạo lập và tiếp nhận văn bản

Phần D: Ngôn ngữ và các đặc trưng loại hình

1. Các phương thức ngữ pháp và loại hình ngôn ngữ

2. Các loại hình ngôn ngữ: hoà kết, chắp dính, đơn lập

3. Những đặc điểm cơ bản của loại hình đơn lập

III. Bài tập: Một số hình thức bài tập về phân tích ngữ âm, phân tích hình vị, phân tích và giải thích nghĩa của từ hoặc ngữ nghĩa cú pháp, phân tích cấu trúc cú pháp...

IV.Tài liệu tham khảo chính:

1.Bùi Khánh Thế (1997) Nhập môn ngôn ngữ học,Nxb GD,HN

2. Đỗ Hữu Châu (1987), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb ĐHTHCN, Hà Nội.

3.Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (1994), Ngôn ngữ học đại cương,(tập II) Nxb GD, Hà Nội.

4. Ferdinand De Saussure (2005),  Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb KHXH, Hà Nội (bản dịch của Cao Xuân Hạo)

5. Iu.V. Rozdextvenxkij (1997), Các bài giảng ngôn ngữ học đại cương, Nxb GD, Hà Nội.

6. John Lyons (1997), Nhập môn ngôn ngữ học lý thuyết, Nxb GD, Hà Nội (bản dịch của Vương Hữu Lễ)

7.Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên) Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh Thuyết ( 1994), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb GD, Hà Nội.

8.Nguyễn Lai (1997), Các bài giảng ngôn ngữ học đại cương, Nxb ĐHQG, Hà Nội.

9. O.J.MosKalskaja (1996), Ngữ pháp văn bản, Nxb GD, Hà Nội( bản dịch của Trần Ngọc Thêm)

10.V.B.Kasevich (1998), Những yếu tố cơ sở của ngôn ngữ học Đại cương,Nxb GD, Hà Nội.

V.  Đề thi ứng với đề cương này 4 câu

Câu 1 thuộc kiến thức phần A            : 4 điểm

Câu 2 thuộc kiến thức phần B            : 2 điểm

Câu 3 thuộc kiên thức phần C            : 3 điểm

Câu 4 thuộc kiến thức phần D            : 1 điểm

Download Tài liệu

File có vấn đề (không thể xem trước, không thể tải về, nội dung bị sai khác….) vui lòng để lại bình luận phản ánh để chúng tớ sửa lỗi.

Mọi đóng góp nhỏ bé của bạn sẽ giúp ích cho TailieuVNU lắm đó <3

Đừng tiếc 1 Like ở cuối bài viết và chia sẻ đến bạn bè của mình nhé!

Tài liệu VNU – Cho đi là còn mãi!

  • Bùi Minh Toán
  • Đỗ Hữu Châu
  • Giáo trình
  • PDF
  • Tài liệu
  • Tài liệu chung

Cũng như các ngành khoa học khác, ngôn ngữ học có một bộ môn nghiên cứu những vấn đề chung nhất, cung cấp cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu cho các bộ môn ngôn ngữ học khác để mô tả và giải thích các sự kiện ngôn ngữ, đó là Ngôn ngữ học đại cương (General Linguistics) hay Ngôn ngữ học lí thuyết (Theoretical Linguistics).

   Đọc sách: 

                       Ngôn ngữ học đại cương - Những nội dung quan yếu[*]

                                                                                      PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn

De cương ngôn ngữ học đại cương

  Cũng như các ngành khoa học khác, ngôn ngữ học có một bộ môn nghiên cứu những vấn đề chung nhất, cung cấp cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu cho các bộ môn ngôn ngữ học khác để mô tả và giải thích các sự kiện ngôn ngữ, đó là Ngôn ngữ học đại cương (General Linguistics) hay Ngôn ngữ học lí thuyết (Theoretical Linguistics).

           Lịch sử ngôn ngữ học cho thấy, mặc dù các nghiên cứu về ngôn ngữ đã xuất hiện từ thời Hy Lạp – La Mã cổ đại và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử nhưng chỉ đến những năm đầu thế kỷ 20, khi  Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Ferdinand de Saussure được trình bày ở Đại học Geneve (1906 -1911) và xuất bản sau đó (1916), gây ảnh hưởng lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ  thì Ngôn ngữ học đại cương mới ra đời và ngôn ngữ học mới được chính thức thừa nhận như một ngành khoa học về ngôn ngữ. Từ đó đến nay, Ngôn ngữ học đại cương đã trở thành một môn học không thể thiếu trong chương trình đào tạo ngôn ngữ học của các trường đại học trên thế giới.

            Ngôn ngữ học đại cương được giới thiệu vào Việt Nam từ khoảng đầu những năm 70 của thế kỉ XX, bắt đầu với Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương của F.de Saussure (bản dịch, in lần đầu năm 1973) và sau đó là các  công trình của Ju. Stepanov (Những cơ sở Ngôn ngữ học đại cương, 1984), V.Rozdextvenski (Những bài giảng Ngôn ngữ học đại cương, 1997), J. Lyons (Nhập môn Ngôn ngữ học lí thuyết, 1997), V.B Kasevich (Những yếu tố cơ sở của Ngôn ngữ học đại cương, 1998), v.v.  Một số bài giảng, giáo trình Ngôn ngữ học đại cương do các nhà ngôn ngữ học Việt Nam biên soạn cũng đã được xuất bản, trong đó đáng chú ý là bộ giáo trình Đại cương ngôn ngữ học (tập 1, tập 2) của Đỗ Hữu Châu và Bùi Minh Toán (1991) và Các bài giảng về Ngôn ngữ học đại cương của Nguyễn Lai (2002). Các công trình này đã cung cấp cho người đọc những tri thức lí luận đại cương của ngôn ngữ học từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, yêu cầu nhận thức, nhận thức lại và câp nhật các tri thức lí thuyết, phương pháp luận ngôn ngữ học vẫn đòi hỏi có một công trình Ngôn ngữ học đại cương trình bày các vấn đề cơ bản của ngôn ngữ học hiện đại một cách có hệ thống, khoa học và đặc biệt kết nối được các thành tựu của ngôn ngữ thế giới với ngôn ngữ học đông phương và Việt ngữ học.  Công trình Ngôn ngữ học đại cương – Những nội dung quan yếu của GS.TS Đinh Văn Đức mới được xuất bản (Nxb  Giáo dục Việt Nam 2012),  kết quả nghiên cứu và giảng dạy môn học này của tác giả trong hơn 30 năm,  đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó.

         Cuốn sách có 595 trang (kể cả phần tài liệu tham khảo), khổ 16x24, chia làm 12 chương , trình bày những nội dung quan yếu nhất của Ngôn ngữ học đại cương, được tác giả lựa chọn theo ba nguyên tắc ưu tiên cơ bản, thiết thực và sư phạm (tr.9). Điều đáng lưu ý là bố cục của cuốn sách không được trình bày theo lối diễn dịch truyền thống thường thấy trong các công trình Ngôn ngữ học đại cương là từ lí luận tổng quan đến các cấp độ ngôn ngữ, mà theo một lôgic phản ánh quá trình nhận thức là đi từ quan niệm (về ngôn ngữ học đại cương) đến đối tượng nghiên cứu (bản chất, chức năng và hệ thống, cấu trúc ngôn ngữ) và phương pháp nghiên cứu (các lý thuyết ngôn ngữ học).  Cách tổ chức nội dung quyển sách như vậy theo chúng tôi là mới mẻ so với các công trình đi trước.

Công trình bắt đầu với chương 1 trình bày tổng quan quan niệm của tác giả về Ngôn ngữ học đại cương.  Theo tác giả, “toàn bộ nội dung của Ngôn ngữ học đại cương, xét về mặt lí thuyết, đều nhằm trả lời 4 câu hỏi: (1) Ngôn ngữ là gì?, (2) Ngôn ngữ tồn tại, hiện hữu như thế nào?, (3) Ngôn ngữ hoạt động ra sao?, (4) Người ta tiếp cận với ngôn ngữ bằng cách gì?” (tr.14).  Và mục tiêu của Ngôn ngữ học đại cương là “giúp ta hiểu ít nhất bốn vấn đề then chốt…, cũng chính là bốn nội dung lí luận dưới đây:

-          Bản chất và chức năng của ngôn ngữ

-    Hệ thống và cấu trúc của ngôn ngữ

-          Cơ chế hoạt động của ngôn ngữ

-          Ngôn ngữ học và các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ.” (tr.15)

Và đó cũng chính là bốn nội dung bao trùm cuốn sách của tác giả.

Nội dung thứ nhất của quyển sách - các vấn đề liên quan đến bản chất và chức năng của ngôn ngữ, được trình bày trong các chương 2 (Ngôn ngữ và chức năng giao tiếp), 3 (Bản chất kí hiệu của ngôn ngữ) và 4 (Ngôn ngữ trong mối quan hệ với tư duy). Đây là các vấn đề cơ bản của triết học ngôn ngữ đã được đề cập và thảo luận khá nhiều trong các công trình ngôn ngữ học đại cương với nhiều quan niệm lí thuyết khác nhau, nhưng được tác giả đúc kết và làm sáng tỏ thêm cả về mặt lí luận và dữ kiện ngôn ngữ.  Kế thừa quan niệm coi “bản chất xã hội của ngôn ngữ là một vấn đề có tính nguyên tắc cho mọi lí luận ngôn ngữ học”, tác giả cho rằng “chức năng giao tiếp, chức năng làm công cụ của tư duy và bản chất kí hiệu của ngôn ngữ ….gắn bó chặt chẽ với nhau trên cái nền chung là bản chất xã hội của ngôn ngữ” (tr.25), và vì vậy,  để hiểu bản chất xã hội của ngôn ngữ, trước hết cần phân tích các chức năng của ngôn ngữ, cũng như để hiểu bản chất kí hiệu của ngôn ngữ phải xem xét nó trong mối quan hệ với chức năng giao tiếp và chức năng làm công cụ của tư duy. Trên cơ sở lí thuyết đó, tác giả đã  trình bày và thảo luận sâu sắc thêm các vấn đề chức năng giao tiếp của ngôn ngữ (vì sao ngôn ngữ có chức năng giao tiếp, bản chất của hoạt động giao tiếp, thông tin nhân loại và giao tiếp, các yếu tố của hoạt động giao tiếp, v.v), bản chất kí hiệu của ngôn ngữ (kí hiệu như là phương tiện giao tiếp, các loại kí hiệu, bản chất kí hiệu và các cách phân tích) và đặc biệt là vấn đề  mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy (chức năng phản ánh của tư duy, ngôn ngữ như là công cụ phản ánh, các biểu hiện của mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy ở trong ngôn ngữ, v.v. ).  Tác giả đã dành hơn 100 trang của chương 4 để trình bày và thảo luận về vấn đề quan trọng nhưng cũng khá phức tạp này.  Cho rằng “mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy rất chặt chẽ nhưng không đồng nhất”, trong đó “tư duy là mục đích còn ngôn ngữ là phương tiện” , tác giả khẳng định “mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy là mối quan hệ bản chất nhất vì nó bao trùm và tác động đến mọi hiện tượng ngôn ngữ” (tr.85),  “cho nên, mọi sự kiện ngôn ngữ chỉ có thể được giải thích từ mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy” (tr.93).  Tất cả những vấn đề cụ thể khác liên quan đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy biểu hiện qua ngôn ngữ (cấu trúc, chức năng, tính lịch sự và các chiến lược giao tiếp, tính tình thái, tư duy hình tượng và sáng tạo nghệ thuật) đều được nhìn nhận và giải thích từ các tiền đề lí thuyết quan trọng này.

Nội dung thứ hai và thứ ba của cuốn sách – các vấn đề về hệ thống, cấu trúc và cơ chế hoạt động của ngôn ngữ, được trình bày cô đọng ở chương 5. Ở đây, ngoài việc giới thuyết lại các khái niệm đại cương liên quan đến hệ thống – cấu trúc ngôn ngữ (như hệ thống ngôn ngữ, cấu trúc ngôn ngữ, các quan hệ trong ngôn ngữ, cấp độ ngôn ngữ và các đơn vị hữu quan), tác giả đã tập trung thảo luận làm rõ thêm về “cơ chế hoạt động của ngôn ngữ” với tư cách là “phương thức hoạt động của hệ thống ngôn ngữ” (tr.219),  thể hiện qua cơ chế ngôn ngữ và lời nói, cơ chế kết hợp và lựa chọn (F.de Saussure), cơ chế ngữ năng và ngữ thi (N. Chomsky), cơ chế hành động ngôn từ (J.L. Austin,  J.R Searle và các tác giả khác), qua đó kết nối các thành tựu nghiên cứu về hệ thống – cấu trúc ngôn ngữ với các nghiên cứu về chức năng và hoạt động ngôn ngữ của ngôn ngữ học hiện đại. Thoạt nhìn vào độ dài của chương 5 (chỉ khoảng 50 trang) có vẻ như các vấn đề về hệ thống – cấu trúc và cơ chế hoạt động của ngôn ngữ  ít thu hút sự chú ý của tác giả. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ có thể hiểu vì sao tác giả lại lựa chọn cách trình bày như vậy. Thứ nhất là vì các nội dung lí thuyết đại cương liên quan đến đặc điểm hệ thống – cấu trúc và cơ chế hoạt động của ngôn ngữ đã được trình bày khá kỹ trong nhiều công trình Ngôn ngữ học đại cương, Dẫn luận Ngôn ngữ học, thậm chí là các chuyên khảo theo chủ đề khiến tác giả thấy “không cần thiết phải viết lại…những vấn đề chắc gì nói lại đã tốt hơn các đồng nghiệp” (tr.12). Tuy nhiên, lí do thứ hai quan trọng hơn, theo chúng tôi, là việc trình bày một cách đại cương các vấn đề này chỉ phù hợp với một công trình dẫn luận ngôn ngữ học, chứ không thể phù hợp với một công trình lí luận về ngôn ngữ học đại cương. Trên thực tế, tất cả các vấn đề lí thuyết về hệ thống – cấu trúc và cơ chế hoạt động của ngôn ngữ đều gắn liền với các trường phái ngôn ngữ học nên không thể trình bày tách rời khỏi quan niệm của các trường phải này.  Và đó cũng là lí do để tác giả dành các chương còn lại tập trung cho nội dung 4 -  trình bày và thảo luận kĩ về các cách tiếp cận và các phương pháp luận nghiên cứu của ngôn ngữ học, qua đó một lần nữa làm sáng tỏ các vấn đề hệ thống – cấu trúc và cơ chế hoạt động của ngôn ngữ.

Ở phần nội dung thứ tư này của cuốn sách, để người đọc có thể tiếp cận ngay với phương pháp luận và các tiền đề lí thuyết của ngôn ngữ học hiện đại, tác giả bắt đầu bằng việc giới thiệu những luận đề cơ bản về ngôn ngữ và ngôn ngữ học của F.de Saussure, người khai sinh ra lí thuyết hệ thống –cấu trúc về ngôn ngữ (chương 6) và những luận thuyết ngôn ngữ học cơ bản của N. Chomsky, cha đẻ của lí thuyết Ngôn ngữ học tạo sinh (chương 7), trước khi nhắc lại các đặc điểm của Ngôn ngữ học truyền thống (chương 8). Tiếp theo, tác giả cũng dành một dung lượng thích đáng để trình bày các khái niệm cơ bản và những vấn đề phương pháp luận của Ngôn ngữ học cấu trúc (chương 9), Ngôn ngữ học chức năng (chương 10), Ngữ pháp chức năng (chương 11) và Ngôn ngữ học ứng dụng (chương 12).  Ở đây, điều đặc biệt là mặc dù hầu hết các chương được đặt tên và sắp xếp theo trình tự các trường phái hay lí thuyết ngôn ngữ học, nhưng về mặt nội dung tác giả đã “tránh lối trình bày theo dạng viết lịch sử ngôn ngữ học, mà cố ý chọn ra những vấn đề then chốt nhất của lí luận và phương pháp nghiên làm tiêu điểm giới thiệu”, như tác giả đã tự xác định ở  lời nói đầu (tr.8). Chẳng hạn, giới thiệu về N. Chomsky và Ngữ pháp Tạo sinh, tác giả tâp trung vào quan niệm của N.Chomsky về ngôn ngữ (với các tiêu điểm là sự thụ đắc ngôn ngữ,  sự phân biệt giữa ngữ pháp phổ quát và ngữ pháp đặc thù, giữa ngữ năng và ngữ thi) và các mô hình lí thuyết về ngôn ngữ của Chomsky ở giai đoạn đầu (Ngữ pháp cải biến 1, Lí thuyết chuẩn, Lí thuyết chuẩn mở rộng) mà tác giả gọi là các hình thái ngôn ngữ. Trình bày về Ngôn ngữ học cấu trúc, tác giả tập trung làm rõ bối cảnh xuất hiện, các tư tưởng và các đại diện chính của hai trường phái Ngôn ngữ học cấu trúc châu Âu (Trường phái Prague) và châu Mỹ (Miêu tả luận Mỹ), và các vấn đề phương pháp luận chính (phương pháp phân bố và phương pháp phân tích thành tố trực tiếp).  Với Ngôn ngữ học chức năng, tác giả lại lựa chọn tiêu điểm trình bày vừa theo khuynh hướng nghiên cứu (khuynh hướng chức năng của Trường phái Prague, Ngữ pháp quan hệ, Ngữ pháp cách), vừa theo hệ vấn đề nghiên cứu (hành động ngôn từ, câu và nghĩa của câu, phạm trù nghĩa biểu hiện, v.v). Cách trình bày kết hợp vừa theo hướng lịch sử (khuynh hướng nghiên cứu) vừa theo hệ vấn đề như vậy mang lại cho người đọc một bức tranh khá toàn diện về các vấn đề hữu quan, mặc dù không phải lúc nào cũng dễ theo dõi.

Một ưu điểm khác của cuốn sách là ngoài việc cung cấp cho người đọc một hệ thống kiến thức lí luận vừa toàn diện, vừa cụ thể về ngôn ngữ học đại cương, ở nhiều vấn đề, tác giả đã vận dụng lí luận đại cương để giúp người đọc hiểu rõ các vấn đề của Việt ngữ học và thực tiễn tiếng Việt. Có thể thấy rõ điều này qua những trang viết sinh động của tác giả về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy với cấu trúc và chức năng của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng (chương 4), về sự ảnh hưởng của các lí thuyết ngôn ngữ học vào Việt ngữ học, từ ngôn ngữ học truyền thống và cấu trúc luận đến các khuynh hướng khác nhau của chức năng luận và ngữ pháp chức năng (từ chương 8 đến chương 11).  

Cuốn sách có bố cục khá chặt chẽ, nội dung các chương liên kết với nhau một cách lôgich và mạch lạc. Văn phong của cuốn sách có tính hàn lâm, khoa học nhưng cũng dễ hiểu và có tính sư phạm cao vì luôn có sự kết hợp giữa trình bày lí luận với ý kiến phân tích, đánh giá của tác giả, với những dẫn dụ cụ thể được lấy từ  thực tiễn tiếng Việt và các ngôn ngữ khác.  Tất nhiên, ở chỗ này hay chỗ khác trong cuốn sách người đọc có thể nhận thầy còn có những cách sắp xếp khác hợp lý hơn, hoặc muốn được tác giả trình bày kĩ hơn, rõ ràng, thậm chí cập nhật hơn.  Thiết nghĩ với một công trình hơn 500 trang, đề cập đến hầu hết những nội dung quan trọng trong lí luận đại cương về ngôn ngữ học từ truyền thống đến hiện đại, mặc dù theo đánh giá của tác giả là cũng chỉ mới dừng lại ở dạng sơ thảo, thì những khiếm khuyết như thế, nếu có, cũng khó tránh khỏi.  

Chúng tôi đánh giá Ngôn ngữ học đại cương – Những nội dung quan yếu của GS. Đinh Văn Đức là một công trình khoa học có giá trị đồng thời là một giáo trình ngôn ngữ học đại cương có tính sư phạm cao. Có thể khẳng định đây là cuốn sách thực sự cần thiết cho các nhà khoa học, các NCS, HVCH và sinh viên ngôn ngữ học cũng như cho tất cả những ai yêu thích về ngôn ngữ học muốn hiểu sâu thêm về ngôn ngữ và ngôn ngữ học.  Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

                                                                                        Canberra, tháng 8/2013


[*] Đinh Văn Đức, Ngôn ngữ học đại cương – Những nội dung quan yếu.  Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012.