Đẹp trai không bằng chai mặt là gì

"Bố mình chiều mẹ mình làm. Làm gì cũng một câu vợ, hai câu vợ. Ở ngoài, bố làm sếp 'đao to búa lớn' nhưng về nhà là xắn quần xắn áo làm hàng với mẹ đến nửa đêm", M.A. kể.

Đôi khi nghe "phụ huynh" kể về câu chuyện "tán gái" ngày xưa chắc hẳn nhiều thanh niên bây giờ phải cảm thấy thán phục. Bởi những bậc làm cha, làm mẹ vì tình yêu mà có thể làm nên những chuyện liều lĩnh chẳng ai ngờ tới.

Mới đây, cô gái M.A đã kể câu chuyện về tình yêu của bố mẹ. Đọc xong nhiều người phải xuýt xoa, ước ao có được một người chồng nịnh vợ, yêu vợ như bố cô.

"Nằm vạ" ở nhà người ta đến khi được chấp nhận mới thôi

Bố M.A. tên Th., sinh năm 1960. Mẹ cô là L, ít hơn chồng 4 tuổi. Gia đình M.A. hiện sinh sống và làm việc tại Hải Phòng

M.A. kể: "Bố mẹ mình cưới nhau 30 năm trước. Thi thoảng, bố mẹ vẫn kể về những tháng ngày năm xưa đó họ làm sao lại quen biết rồi yêu nhau. Gặp mẹ, thấy xinh đẹp quá nên bố 'đổ' luôn.

Sau này chắc chẳng biết làm cách nào để tán tỉnh được thành công, ông dùng chiêu bài 'ăn vạ'. Cứ 12 giờ trưa hàng ngày bố đến nhà ông ngoại nằm lỳ tới tối. Ai mà ngờ, cách này lại hiệu quả.

Thời gian đầu, mẹ thấy bố như vậy cũng cáu: 'Ơ cái ông này hay nhỉ?'. Sau đó mẹ dần quen, hôm nào bố sang muộn là mẹ lại đứng ngóng: 'Ủa, hôm nay không sang à'. Bố đã mạnh dạn dùng chiêu bài 'đẹp trai không bằng chai mặt' vậy đó".

Khi ấy, mẹ M.A. cũng thuộc nhóm những người có nhan sắc xinh đẹp. Đen đủi thay, bố cô lại nghèo nhất, xấu nhất trong hội theo đuổi mẹ. Nhưng cuối cùng, suốt gần cả năm ròng "nằm vạ" như thế, bố cô thành công "rước nàng về dinh". Ngày cưới, mẹ M.A. mới 20 tuổi.

Thời điểm đó, cả nhà nội và nhà ngoại M.A. đều vất vả nên đám cưới tổ chức khá bình thường. Những năm tháng đầu hôn nhân của hai bố mẹ rất khó khăn.

"Mình nghe kể thì biết hồi đó cuộc sống chẳng dễ dàng gì. Người bình thường đi lên từ 'bàn tay trắng'. Bố mẹ mình chắc phải từ 'bàn tay âm' mất. Ngày đó bố cũng chưa phải người có công việc gì. Ông cũng làm bảo vệ, coi xe, làm việc xa nhà.

Sau này, bố muốn để vợ con đỡ khổ nên học hành, lấy bằng Thạc sĩ Luật và từng bước xây dựng sự nghiệp. Phải đến 10 năm sau khi cưới nhau, bố mẹ mới mạnh dạn xây nhà riêng. Thật sự cũng khâm phục mẹ, mẹ đã chọn sát cánh bên bố ngay cả khi ông không có gì trong tay", M.A. tâm sự.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tình cảm của bố mẹ vẫn là điều khiến M.A. vô cùng hâm mộ.

Ông chồng "chỉ biết người phụ nữ duy nhất là vợ mình"

Hiện tại, bố M.A. là người có sự nghiệp. Khi ra ngoài, ông có thể được người người trọng vọng nhưng về nhà, bố cô vẫn "vợ là nhất", lời nói của vợ mới quyền lực nhất nhà.

M.A. tâm sự: "Bố mình chiều mẹ mình làm. Làm gì cũng một câu vợ, hai câu vợ. Ở ngoài, bố làm sếp 'đao to búa lớn' nhưng về nhà là xắn quần xắn áo làm hàng với mẹ đến nửa đêm. Đi đâu, hai bố mẹ cũng nắm tay nhau rất chặt. Họ cũng không ngại ngần thể hiện tình cảm đâu và những ngày lễ phụ nữ, chẳng bao giờ bố quên mua quà tặng mẹ".

Là người đàn ông hơn 50 tuổi nhưng với vợ, bố M.A. cũng chỉ như chàng trai đang yêu thôi. Ông cũng có những lúc lúng túng, ngại ngần chẳng biết chuộc lỗi thế nào vì bị vợ giận dỗi.

"Có lần mẹ giận bố, bố cứ đắn đo mãi chẳng dám lên phòng vì sợ mẹ cáu. Bố ở dưới tầng lau nhà chục lần, sàn nhà bóng soi gương được thì thôi. Hết việc để làm, bố lại ra đánh rửa vỉa hè. Sau đó biết tránh mãi không ổn, bố bê cơm lên tầng nịnh mẹ. Nịnh vợ chính là một chiêu bài mà bố không ngại dùng đi dùng lại", M.A. chia sẻ.

Bố chính là hình tượng về mẫu đàn ông lý tưởng mà M.A. muốn đồng hành trong cuộc sống hôn nhân. Theo cô, có một người như thế ở bên thì đã là một điều hạnh phúc.

"Bố nghiện hơi mẹ lắm, cứ tối xem phim mà không có mẹ ở bên xem cùng là không yên đâu. Mẹ đang ngồi nói chuyện với mình nhưng bố chẳng quan tâm, cứ gọi xuống: 'Vợ ơi lên xem phim đi muộn rồi'. Bố mẹ bên nhau gần 30 năm, lúc nào cũng ngọt ngào như thế khiến mình cũng thấy ngưỡng mộ vô cùng", M.A. kể thêm.

Theo M.A. bố cô cưng vợ đã đành, mẹ cô cũng thuộc kiểu người khiến người ta phải nể phục yêu thương. Bà quán xuyến hết mọi chuyện trong nhà, lại giỏi giang, khéo léo, đối nội đối ngoại đều ổn thỏa hết cả.

M.A. chia sẻ: "Nói bố chiều mẹ chứ thật ra là hai ông bà chiều chuộng nhau đấy. Bình thường mình thích cái gì mà mẹ ngăn cản, không cho mua thì mình thường bảo: 'Cái này bố thích lắm mẹ ạ' là kiểu gì mẹ cũng nghĩ lại. Con cái trở thành những người được ăn ké đấy chứ".

Trong gia đình M.A. dường như chuyện chiều vợ đã trở thành một nét truyền thống khi ông nội, bố, cho đến anh trai cô đều như vậy cả. Những người đi trước truyền lại kinh nghiệm cho người sau như một cách giữ gia đình hạnh phúc.

"Bố mẹ mình hầu như chẳng bao giờ cãi nhau. Khi tranh luận vấn đề nào đó mà thấy hơi to tiếng là bố đổi hướng luôn rồi lại nịnh mẹ ngay. Nhiều lúc mẹ cũng bảo với mình là sau này hôn nhân hạnh phúc được như mẹ là ổn nhất. Mẹ mãn nguyện với cuộc sống hiện tại đang có rồi", M.A. tâm sự.

Nịnh vợ - nghe thì đơn giản nhưng làm được đâu phải dễ dàng gì. Nó còn bao gồm cả sự yêu thương, trân trọng của đàn ông dành cho người phụ nữ cùng kề vai, sát cánh với mình vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời. Bởi vậy, ai muốn có một cuộc hôn nhân bền chặt, hạnh phúc hãy thử dùng qua bí quyết của bố M.A. xem sao nhé!

An Thanh

Từng nghe nhiều truyện cổ tích, từng xem nhiều phim về chuyện tình lãng mạn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp nghe và nói chuyện với người thật việc thật. Cô miên man thích thú kể, một cách sống động, như thể vẫn là em của ngày hôm qua. Còn Chú  thì vừa nghe vừa hẩy hẩy cái tay như thể không muốn cho Cô kể tiếp. Cô thì cứ đập đập cái tay: Mình cứ để tớ kể cho mọi người nghe. Cô Chú đã có nhiều con nhiều cháu, thế mà cái tuổi xuân ấy vẫn sống động và xanh tươi!

Hồi đó, Chú là con trai một, nhà giàu nhất vùng. Thế nên, suốt ngày anh chàng đi chơi hết chỗ này đến chỗ khác, hết đám bạn này đến đám bạn kia, chẳng phải động tay đến chút gì. Ngày nọ, anh chàng không thèm đi chơi nữa, cứ trụ lại một chỗ, ngồi như đợi sung rụng.

Bạn bè không hiểu. Sau nhiều lần, mọi người mới khám phá ra: chàng ấy, đang ngồi nhìn xuyên qua bờ rào. Bên kia có bọn con gái đang chơi nhảy dây. Có nhiều lắm, nhưng không hiểu sao, anh ta đã để ý được một người. Thế là ngày qua ngày, cứ cái giờ đó, anh chàng lại trồng cây sung.

Thời gian trôi qua, tin tức cũng đến tai tụi con gái bên kia. Cô ấy, điểm nhắm của anh ta, cũng biết, và giật mình. Chẳng là cô bé ấy nhìn lớn tướng, cũng xinh đẹp, và nhảy dây rất giỏi. Chẳng là vì, cô bé là con gái lớn trong nhà, nên rất đảm đang tháo vát mọi chuyện. Cái gì cũng nhanh nhẹn, tính tình lại rất cởi mở tươi vui. Nhưng cô chẳng bao giờ nghĩ là có anh chàng đang “nhòm ngó” mình.

Biết tin, cô bé không đi chơi nhảy dây với các bạn nữa. Thế là anh chàng bị mất mục tiêu. Chàng ta không chịu thua. Giờ ngồi chờ sung, mà biết chắc sung không có, nên khỏi cần chờ.

Anh chàng dò la tin tức để tiếp cận mục tiêu. Chàng ta, vốn công tử con nhà giàu, nhưng rất tốt tính, thẳng thắn làm luôn: đi hỏi vợ.

Đại diện gia đình nhà trai tới, đặt cau trầu, mới tá hỏa: cô bé mới có mười mấy tuổi thôi, còn nhiều năm nữa mới đến tuổi cưới. Thế là hụt!

Cứ tưởng, tiếng sét ái tình làm mờ mắt chàng công tử. Nhưng không, không hiểu sao anh ta không chịu bỏ cuộc. Cô bé cũng không hiểu nổi: Làm sao trên đời lại có một kẻ lỳ đến thế.

Cứ hết ngày ngày đến ngày khác, dịp này đến dịp khác, năm này đến năm khác, anh ta cứ đến, cứ ngồi đó. Đuổi về thì không được, vì cũng chẳng có lý do. Mà thực sự, có đuổi, anh ta cũng nhất định không chịu về, rồi nhất định lần sau vẫn tới như thường.

Tình yêu nhiều khi kể cũng rất khó hiểu. Hỏi anh ta: Tại sao anh thích tôi? Anh bảo: Chẳng biết nữa, nhìn là thích. Tại sao anh không tìm người khác đi, mà cứ lì ở đây cả nhiều năm rồi? Thì tôi thích nên tôi cứ ở, tôi không thích tìm người khác.

Thời gian trôi qua, cô bé cũng siêu lòng. Cô bé tự nhủ: Mình tốt thì tốt thật, xinh thì cũng xinh, dễ thương cũng có, nhưng mà sao cái anh này lại thích mình “ghê gớm” như thế chứ! Kể cũng tội nghiệp thật… Từ chỗ thấy “tội nghiệp” cho anh ta, cô bé cảm thấy cũng “chấp nhận” được: Thôi thì mặc kệ anh ta, thích đến lúc nào thì đến, thích đi khi nào thì đi, mình “chẳng thèm quan tâm”.

Có lúc, cô bé tự hỏi: Chẳng lẽ anh ta “thương mình” thật sao? Vì nếu có đùa, sao mà có người đùa dai đến thế, đến cả mấy năm rồi. Còn nếu hỏi anh ta, câu trả lời trước sau vẫn như một: Tôi thích thế!

Cuối cùng, gia đình cô bé nói: Cũng chấp nhận được, vì anh ta tỏ ra tử tế, gia đình anh ta cũng tốt, nên tùy con thôi. Cô bé năm nào, giờ đã đến tuổi lớn: Cô gật đầu chấp nhận cái đồ “chai mặt”. Vì kỳ thực anh ta không “đẹp trai” chút nào. Nói không ngoa chứ, mang tiếng là công tử con nhà giàu nhất vùng, mà nhìn mặt “bẩn bẩn xấu xấu” khó ưa.

Vì không có lý do để từ chối, nên sự đồng thuận đã đến: đẹp trai không bằng chai mặt. Cô bé, đã thử thách đủ chàng trai, và cô cũng sẵn sàng liều lĩnh cho phần còn lại của cuộc đời mình.

Thời cuộc đầy khó khăn, chiến tranh cướp bóc loạn lạc xảy ra… Sau bao nhiêu biến động, cô bé ngày xưa vẫn tươi cười gật gù: Đúng là mình không nhầm người, anh ta chai mặt thật, xấu xí thật, nhưng rất tốt tính, rất thương vợ con, dù là công tử bột, nhưng đảm đang mọi chuyện.

Vừa nghe chuyện, chàng trai ngày ấy, giờ cứ ngồi cười tít mắt: Mẹ nó kể khúc này ngay từ đầu có phải hay không, cứ kể luyên thuyên nhiều chuyện dài dòng.

Cô đứng lên xoay một vòng, cười thích thú: Mọi người nhìn em giờ mập thế này, chứ ngày xưa em đẹp lắm. Cô đưa cả hình hồi trẻ cho xem: Hồi đó, em đẹp thế, mới làm hoa mắt anh ta chứ! Đúng là cô bé ngày xưa đẹp thật. Cô kết luận: Chết thật, giờ mình mập nặng gấp đôi hồi đó.

Kể thêm: Lần kia Cô đi xưng tội, vào tòa giải tội. Quỳ xuống một cái, cha giải tội giật mình thót tim. Vì khi cô quỳ xuống, như một quả cân nặng đặt lên một bên đòn bẩy, nâng tòa giải tội bật lên! Cô kể mà thích thú: Ồ, không ngờ mình lại nặng đến thế! Tội nghiệp cho cha xứ quá!

Tứ Quyết SJ

Video liên quan

Chủ Đề