ĐỌC HIỂU ngưng phán xét và tôn trọng sự khác biệt

Đây là điều mà tôi ước mình biết sớm hơn so với bây giờ. Khi nhìn lại, có lẽ môi trường sống và giáo dục đã ảnh hưởng quá nhiều lên tư tưởng của một người trẻ như tôi. Tôi đã từng không biết sự khác biệt là gì, và luôn so sánh mọi thứ. Điều này thật sự, thật sự rất mệt mỏi, và nó khiến cảm xúc của tôi lên xuống như người bị bệnh huyết áp vậy.

ĐỌC HIỂU ngưng phán xét và tôn trọng sự khác biệt

Khác biệt bao gồm những gì?

Rất nhiều thứ – bình thường thì chúng ta hay nói về màu da, sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo. Nhưng đó là trường hợp chúng ta sống trong một môi trường đa văn hóa, tôi thấy nếu muốn có ví dụ gần gũi hơn, ta có thể nhìn đến môi trường sống xung quanh mình như: gia đình, công sở, trường học, hàng xóm và v.v.

Với tầm nhìn như vậy, ta hãy nhìn đến các khía cạnh như tính cách, sở thích, sở trường sở đoản, yêu ghét, cách suy nghĩ, cách sống và cách ứng xử của nhau.

Vì sao tôn trọng sự khác biệt lại quan trọng?

Đây chính là điều khiến tôi muốn biết đến việc này sớm hơn. Theo kinh nghiệm của mình, việc tôn trọng sự khác nhau của mỗi người giúp tôi:

  1. Có cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống và yêu sự ‘dị biệt’
  2. Không so xét quá nhiều khả năng của mình với khả năng của người khác
  3. Cảm thấy con người thật đa dạng và luôn muốn hiểu, cũng như mở lòng làm bạn với tất cả mọi người – ở mọi tầng lớp xã hội
  4. Luôn tìm kiếm sự tử tế dù rằng sự khốn nạn, đôi khi, làm lu mờ hết nhân tính của con người
  5. Tin vào bản thân hơn và lạc quan hơn

Tôi thấy điểm thứ 2 là thú vị nhất đấy. Vì từ nhỏ, tôi đã luôn sống trong môi trường giáo dục ‘thành tích’, rằng điểm cao sẽ giỏi giang, còn điểm thấp thì hư hỏng. Không riêng tư như các nước Châu Âu và Châu Mỹ, phiếu điểm của tôi luôn được gửi về cùng với điểm của tất cả các bạn trong lớp. Và đoán xem, việc hơn thua 0.1 điểm mà đứa đứng đầu, đứa đứng thứ 20 nghe thật ‘khắc nghiệt’ phải không?

Những lần tự dày vò vì mình chẳng bằng ABC khiến tôi lao vào cố học hơn nữa. Tôi không phủ nhận rằng việc so sánh mình với người khác tạo ra 1 động lực khủng khiếp để con người tiến lên phía trước, nhưng cảm giác đến sau đấy mới là thứ khiến tôi lo lắng.

Khi hơn ai đó, tôi cảm thấy bản thân mình thường ‘ngủ quên trên chiến thắng’ và hơi xem thường đối phương. Còn khi ‘thua cuộc’, y như rằng tôi sẽ cảm thấy thất vọng tràn trề – buồn đến nỗi không diễn tả được luôn ấy. Rồi tôi dễ rơi vào trạng thái tự ti và rồi, khép kín, tự dày vò mình.

Sau này khi lên đại học, rồi sau đó đi làm, tôi mới nhận định được rằng, chúng ta không ai có thể nhìn thấy được tương lai của mình diễn ra như thế nào, và việc nói trước, bao giờ cũng không tránh được việc bước hụt chân.

Anh A khi xưa học tệ nhưng nay ra làm lại là ông chủ của bao nhiêu shop cà phê. Hay cô B vốn thông minh ưu tú, nhưng nay lại vẫn ôm bằng ‘thac sĩ thất nghiệp’. Hay em C vốn thích làm công tác xã hội, nhưng phải học khối kinh tế để chiều lòng ba mẹ. Hoặc chị D sau khi đã chôn chân trong công việc mình không thích gần 10-15 năm, nay chị mới dám thực hiện ‘cú nhảy vọt’ sang tự kinh doanh để thỏa niềm đam mê của mình.

Đây là chưa kể đến tính cách – một phạm trù vốn luôn có 2 đường song hành. Anh thích ăn cay, tôi thích ăn mặn. Em thích búp bê tôi thích siêu nhân. Chị thích màu xanh tôi thích màu hồng. Anh yêu tôi nhưng tôi yêu ẻm và hằng hà xa số những ví dụ khác.

Đây chính là những sự khác biệt trong cuộc sống mà chúng ta NÊN TÔN TRỌNG nó, thay vì đả kích (nhất là sau khi chưa tìm hiểu kỹ về ngọn nguồn của tảng băng trôi).

ĐỌC HIỂU ngưng phán xét và tôn trọng sự khác biệt
Tảng băng trôi của việc Biết & Hiểu

Vậy chúng ta thể hiện sự tôn trọng với người khác bằng cách nào? 

Theo kinh nghiệm, tôi chia nhỏ các bước thế này:

  1. Quan tâm & lắng nghe: để biết họ đang gặp vấn đề gì
  2. Đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác: để HIỂU tại sao họ lại chọn hướng đi và hành động như vậy
  3. Chia sẻ sự đồng cảm
  4. Tìm hiểu thêm về những động lực hay lý do sâu xa: đây là những thứ họ có thể KHÔNG MUỐN NÓI hoặc KHÔNG NGHĨ ĐẾN, nhưng nếu bạn ‘đào’ được những điều thầm kín ấy, bạn sẽ hiểu rõ người đối diện nhiều hơn. (ví dụ: A bảo rằng mua Iphone X do Iphone cũ đã hư, nhưng lý do thực tế mà A không chia sẻ và cũng là động lực to lớn nhất, chính là do A muốn chứng tỏ mình là người sành điệu).

Hãy thử phương pháp 5 Why – hỏi những câu hỏi tại sao để tìm hiểu vấn đề thật kỹ trước khi phán xét ai bạn nhé.

Tôi biết con người ít ai thích sự khác biệt – nhất là khi nó đi ngược với những triết lý sống hoặc giá trị sống của nhau. Nhưng thật tốt nếu ai cũng góp ý chân thành và cố gắng tìm hiểu về động lực đằng sau sự khác biệt của người khác. Giờ đây tôi nhận thấy mình không còn đánh giá hay phán xét vội về ai đó nữa. Cho dù họ có biểu hiện của một dạng người nào đó, tôi cũng muốn hiểu sâu hơn về động lực hay những câu chuyện đứng sau hành vi của họ.

Hơn hết, tôn trọng sự khác biệt giúp tôi tự tin vào bản thân mình. Biết rằng sự thành công của người khác, không bao giờ là thước đo sự thành công của mình. Rằng mỗi người được sinh ra với một sứ mệnh nào đó và nhiệm vụ của đời ta là tìm ra và thực thi sứ mệnh ấy.

Tôi đọc ở đâu đó rằng con người chúng ta sống với nhau, cốt là hiểu và tập chấp nhận những điểm xấu và tốt của nhau. 

MỘT SỐ BỘ ĐỀ ĐỌC HIỂU Đề và đáp án trích từ sách Thủ thuật giải nhanh đề thi Ngữ văn, Chí Bằng, NXB Tổng hợp TP.HCM.

1. Ngưng phán xét và tôn trọng sự khác biệt I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường gặp người cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của chúng ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thôi sợ hãi và thử nghe theo chính mình? Thật ra, cuộc đời ai cũng có những lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Khi ấy, ba tôi dạy rằng, ta chỉ cần nhớ nguyên tắc sống cơ bản, cực kì ngắn gọn: “Trước hết, hãy tôn trọng người khác. Rồi sau đó, nghe theo chính mình”. Hãy tôn trọng bởi cuộc đời là muôn mặt, và mỗi người có một cách sống riêng biệt. Chẳng có cách sống nào là cơ sở để đánh giá cách sống kia. John Mason có viết một cuốn sách với tựa đề “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”. […] Nó khiến tôi nhận ra rằng mỗi người đều là một nguyên bản, duy nhất, độc đáo và đáng tôn trọng. (Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn…) 1. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản trên. 2. Anh/chị hiểu thế nào là “định kiến”? 3. Vì sao tác giả cho rằng: “Cuộc sống của chúng ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều.”? 4. Anh/chị rút ra được bài học gì cho mình từ câu chuyện trên? Liên hệ thực tế. GỢI Ý – HƯỚNG DẪN 1. [Nhận biết] – Thao tác lập luận: bình luận. – Giải thích lý do chọn: tác giả đưa ra nhận xét, đánh giá về những người thường hay phán xét ở đoạn đầu và bàn luận mở rộng ở đoạn còn lại. 2. [Thông hiểu] – “Định kiến” là ý nghĩa riêng đã có sẵn, thường là không hay và khó có thể thay đổi được. 3. [Thông hiểu] – “Cuộc sống của chúng ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ". Rất tệ bởi vì, định kiến khiến bản thân thường đánh giá, nhận xét một vấn đề theo một chiều, khó chấp nhận sự khác biệt dẫn đến khó hòa nhập. – “Nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều”. Vì nếu ta bị điều khiến bởi định kiến của người khác thì khó lòng ta được là chính mình. 4. [Vận dụng] – Bài học rút ra: tôn trọng sự khác biệt. Vì mỗi người mỗi cách sống, cách nghĩ khác nhau. – Học sinh có thể liên hệ thực tế về các vấn đề như: phân biệt sắc tộc, cách nhìn nhận đối với cộng đồng giới tính thứ ba,…

2. Hạnh phúc là hành trình, không phải đích đến !

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Có mấy ai nhận ra rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chính ta đang sống? Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh. Cách tốt nhất thích ứng cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình. Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kì hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình. Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn. Đừng đợi đến khi bạn thật rảnh rỗi hay đến lúc tốt nghiệp ra trường, đừng đợi đến khi kiếm được thật nhiều tiền, có gia đình hoặc đến khi được nghỉ hưu mới thấy đó là lúc bạn được hạnh phúc. Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia ánh nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống bạn mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này? Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng những khoảnh khắc quý giá trong chuyến hành trình ấy. Hãy dành thời gian quan tâm đến người khác và luôn nhớ rằng, thời gian không chờ đợi một ai! (Trích Hạt giống tâm hồn, NXB Văn học, 2012) 1. Xác định thao tác lập luận chủ yếu và trình tự lập luận được sử dụng trong đoạn trích trên. 2. Anh/chị hiểu thế nào về câu nói: “Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình”? 3. Tại sao tác giả cho rằng: “khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chính ta đang sống”? 4. Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị? GỢI Ý – HƯỚNG DẪN 1. [Nhận biết] – Thao tác lập luận chủ yếu: + Phân tích. + Giải thích lý do chọn: để làm rõ luận điểm “khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chính ta đang sống”, tác giả đưa ra những luận cứ phân tích “Đừng trông đợi một phép màu hay ai đó mang đến hạnh phúc”, “Đừng đợi…”,... – Phương thức lập luận: + Tổng – phân – hợp (luận điểm – phân tích – luận diểm). + Giải thích lý do chọn: luận điểm nằm ở vị trí đầu đoạn văn: “khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chính ta đang sống”, rồi đi đến phân tích cụ thể luận điểm đầu sau đó kết luận lại ở luận điểm cuối đoạn văn: “Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng những khoảnh khắc quý giá trong chuyến hành trình ấy”. 2. [Thông hiểu] – “Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình” vì đó là quá trình sống, trải nghiệm cả đời như một con đường chứ nó không chỉ là một khoảnh khắc. Từ sự trải nghiệm trên hành trình ấy ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc. 3. [Thông hiểu] – “khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chính ta đang sống” vì “Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh” nên những khoảnh khắc hạnh phúc rất khó có được. – Do vậy, biết trân trọng từng giây phút chúng ta đang sống trên đời, biết hài lòng với thực tại và chọn sống hạnh phúc cho hôm nay thay vì đau khổ, muộn phiền. 4. [Vận dụng] – Thông điệp: Hạnh phúc ở hiện tại, hãy trân trọng. – Ý nghĩa: hiểu được ra hạnh phúc không phải chỉ là một khoảnh khắc mà là cả một quá trình, bản thân mỗi người sẽ biết trân trọng cuộc sống, chắt chiu hạnh phúc ở hiện tại.

3. Người chân thật

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

''- Con ơi trước khi nhắm mắt Cha con dặn con suốt đời Phải làm một người chân thật. - Mẹ ơi, chân thật là gì? Mẹ tôi hôn lên đôi mắt Con ơi một người chân thật Thấy vui muốn cười cứ cười Thấy buồn muốn khóc là khóc. Yêu ai cứ bảo là yêu Ghét ai cứ bảo là ghét Dù ai ngon ngọt nuông chiều Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết Cũng không nói ghét thành yêu Từ đấy người lớn hỏi tôi: - Bé ơi, Bé yêu ai nhất? Nhớ lời mẹ tôi trả lời: - Bé yêu những người chân thật. Người lớn nhìn tôi không tin Cho tôi là con vẹt nhỏ...” (Trích Lời mẹ dặn – Phùng Quán) 1. Theo người mẹ chân thật là người như thế nào? Anh/chị hãy liệt kê từ ngữ, hình ảnh trong đoạn trích trả lời. 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ sử dụng trong đoạn thơ sau: “Thấy vui muốn cười cứ cười Thấy buồn muốn khóc là khóc. Yêu ai cứ bảo là yêu Ghét ai cứ bảo là ghét Dù ai ngon ngọt nuông chiều Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết Cũng không nói ghét thành yêu” 3. Xác định giọng điệu của người mẹ qua lời nhắn nhủ con trong đoạn thơ trên. 4. Tác giả nhắn nhủ điều gì qua đoạn trích trên? Ý nghĩa của lời nhắn nhủ ấy đối với anh/chị? GỢI Ý – HƯỚNG DẪN 1. [Nhận biết] – “Thấy vui muốn cười cứ cười” – “Thấy buồn muốn khóc là khóc” – “Yêu ai cứ bảo là yêu” – “Ghét ai cứ bảo là ghét” – “không nói yêu thành ghét” – “không nói ghét thành yêu” 2. [Nhận biết + thông hiểu] – Biện pháp tu từ: + Điệp cấu trúc câu: “Thấy…muốn…”; “…ai cứ bảo là…”; “không nói…thành…”. + Liệt kê: những trạng thái cảm xúc “vui, cười, buồn, khóc”; tình cảm “yêu, ghét”. + Phép đối/ tương phản: “vui”><“buồn”, “cười” ><“khóc”, “yêu” ><“ghét”. – Tác dụng: điệp cấu trúc nhằm nhấm mạnh, liệt kê để dẫn chứng cụ thể những trạng thái cảm xúc, đối lập/tương phản để thấy được sự khác biệt giữa ý muốn của người khác và bản thân.  Mọi cung bậc cảm xúc và tình cảm đều phải xuất phát từ sự thật thà bên trong ta, không theo ý muốn của người khác mà dối mình dối người. 3. [Thông hiểu] – Giọng điệu tâm tình, thủ thỉ nhưng kiên quyết. 4. [Vận dụng] – Lời nhắn nhủ: hãy làm một người chân thật. – Ý nghĩa: bài học giáo dục về đạo đức, phẩm chất, giá trị của con người. Hình thành lối sống đúng đắn cho bản thân.

4. Thái độ quyết định cuộc đời

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó Sao ta không tròn ngay tự trong tâm ? Đất ấp ôm cho những hạt nảy mầm Nhưng chồi tự vươn mình tìm ánh sáng Nếu tất cả đường đời đều trơn láng Chắc gì ta đã nhận ra ta Ai trong đời cũng có thể tiến xa Nếu có khả năng tự mình đứng dậy Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy Đâu chỉ dành cho một riêng ai. (Trích Tự sự – Nguyễn Quang Hưng) 1. Xác định phong cách ngôn ngữ trong bài thơ trên. 2. Cho biết tác dụng củahai biện pháp tu từ: ẩn dụ và nhân hóa được sử dụng trong hai câu thơ: “Đất ấp ôm cho những hạt nảy mầm Nhưng chồi tự vươn mình tìm ánh sáng” 3. Vì sao tác giả lại cho rằng: “Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy Đâu chỉ dành cho một riêng ai.” 4. Thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? GỢI Ý – HƯỚNG DẪN 1. [Nhận biết] – Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật. – Giải thích lý do chọn: dựa vào đặc trưng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. + Tính hình tượng: “méo mó”, “tròn”, “đất”, “chồi”, “đường đời”, “hạnh phúc như bầu trời” đều là những tính hình tượng nghệ thuật. + Tính truyền cảm: giọng điệu nghi vấn nhưng khẳng định quyết liệt một thái độ sống chủ động, có trách nhiệm. 2. [Thông hiểu] Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa và ẩn dụ. – Nhân hóa: rất sinh động, gợi cảm vì những thứ vô tri, vô giác nhưng lại có tình cảm và những cử chỉ rất người. – Ẩn dụ: “đất” và “chồi” có mối quan hệ mật thiết mà trong đó đất đóng vai trò là nguồn cung cấp dinh dưỡng nuôi cây cối, nhưng đất không thể cung cấp ánh sáng cho chồi, mà chồi cần tự phải tự vươn mình tìm ánh sáng để phát triển. Cách nói ẩn dụ như vậy giúp ta hiểu hơn về mối quan hệ giữa người bảo bọc, che chở và người được bảo bọc, che chở giống như đất và chồi. → Đừng bao giờ sống ỉ lại, phụ thuộc vào người khác mà hãy tự lực phát triển bằng chính khả năng của bản thân. 3. [Thông hiểu] – Cách so sánh “Hạnh phúc cũng như bầu trời” giúp ta hiểu rằng: hạnh phúc không dành cho riêng ai, hạnh phúc có khắp nơi, hạnh phúc dành cho tất cả mọi người. – Hai câu thơ như một lời khuyên: không có ai bất hạnh, ai cũng có cơ hội hạnh phúc. Hãy chủ động, nổ lực đi tìm hạnh phúc thì nhất định sẽ đạt được ý nguyện. 4. [Vận dụng] Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và lý giải tại sao thông điệp đó có ý nghĩa nhất với bản thân: – Dù là ai, làm gì, có địa vị xã hội thế nào cũng phải sống từ những điều rất nhỏ; biết nâng niu, trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống mới tích góp được hạnh phúc lớn lao. – Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn. – Muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên. – Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong muốn, biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chấp nhận, biết nhìn đời bằng con mắt lạc quan, biết cho đi thì mới được nhận lại.

5. Tính kỷ luật của người Nhật

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Khi rời Tokyo, thay vì đi taxi và tàu điện ra sân bay chúng tôi đã lựa chọn xe bus chạy tuyến nối trung tâm thành phố ở trạm xe bus gần nhà ga trung tâm ở khu Ikebukuro với sân bay quốc tế Tokyo Hadena. Xe bus chỉ có duy nhất một người phục vụ hành khách với rất nhiều vali hành lý. Anh vừa là lái xe vừa là người bán vé vừa là người phục vụ. Khi xe tới anh xuống xe nhận từng vali hành lý của khách, xếp gọn gàng vào hầm chứa đồ của xe một cách cực kỳ cẩn trọng nhưng cũng rất nhanh chóng. Thái độ làm việc đầy trách nhiệm này chắc chắn là bắt nguồn từ tinh thần kỷ luật rất cao đối với cá nhân khi thực hiện công việc của mình. Sau khi nhận hành lý của hành khách, anh lên xe để thực hiện việc bán vé tuyến Ikebukuro - sân bay Hadena cho từng khách với một thái độân cần và kính cẩn, luôn miệng cảm ơn từng người và cần mẫn trả tiền thừa cho mọi người, nhất là khi có rất nhiều du khách dùng tiền xu còn sót lại của mình để thanh toán cho tiền vé 1200 yên cho hành trình này. Khi xe tới sân bay anh lại một mình dỡ và gửi từng vali cho hành khách cũng nhẹ nhàng và cẩn trọng như chính hành lý của mình vậy, và luôn miệng cảm ơn hành khách chúng tôi. Tôi kính phục anh, kính phục tinh thần kỷ luật cá nhân của anh cũng như của người Nhật trong công việc. Nếu không có tinh thần kỷ luật cá nhân, người Nhật không bao giờ có thể làm công việc của mình một cách cần mẫn, chu đáo và chi tiết tới mức tỉ mỉ đến vậy. (Theo Fanpage Câu chuyện Nhật Bản) 1. Xác định đề tài và phương thức biểu đạt chính. 2. Thái độ và cách đối đãi của anh lái xe khi hành khách lên & xuống xe như thế nào? 3. Vì sao anh lái xe được nhân vật tôi nể phục? 4. Trong cuộc sống nếu thiếu kỷ luật, lúc đó thái độ của mọi người đối với anh/chị như thế nào? Anh/chị học hỏi được điều gì từ anh lái xe? GỢI Ý – HƯỚNG DẪN 1. [Nhận biết] – Đề tài: tính kỷ luật. – Phương thức biểu đạt chính: + Tự sự. + Giải thích lý do chọn: trình bày diễn biến sự việc, có cốt truyện, nhân vật và các câu văn trần thuật. 2. [Thông hiểu] – Xe buýt rất đông khách nhưng cả lúc khách lên và xuống anh không hề gắt gỏng, vội vã, ngược lại, anh đối đãi với khách với thái độ niềm nở, lịch sự và làm việc rất cẩn trọng, tỉ mỉ. 3. [Thông hiểu] – Nhân vật tôi kính phục anh lái xe người Nhật vì anh ta có tinh thần kỷ luật cao. 4. [Vận dụng] Học sinh có thể trả lời theo gợi ý sau: – Khi quá dễ dãi, thiếu kỷ luật sẽ bị mọi người xem thường. – Học hỏi được ở anh lái xe: + Bài học quý giá về tinh thần chấp hành kỷ luật tự giác. + Tính cần mẫn, chu toàn trong công việc. + Thái độ sống tích cực.

Reactions: Tuấn Anh Phan Nguyễn and Kyanhdo

CHUYÊN ĐỀ: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC & NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

A. LÍ THUYẾT
* Nghị luận là gì?
: - Hiểu đơn giản thì ''Nghị luận'' là bày tỏ quan điểm của mình về 1 vấn đề nào đó. Thường trong chương trình học, trong đề thi... ta dễ dàng bắt gặp 2 dạng bài NL chính, đó là:

- Nghị luận xã hội: Bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về một vấn đề xã hội (tư tưởng đạo lý, hiện tượng đời sống). Có 4 dạng: Vấn đề nghị luận:

+ Được đặt trong 1 câu nói, 1 câu danh ngôn,... + Vấn đề có thể tương phản, bổ sung, tương đồng (2 câu nói) + Một bức tranh, bức biếm họa,... + Trong 1 tác phẩm văn học (thơ, truyện cực ngắn,...)

- Nghị luận văn học: Bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về một vấn đề văn học theo một quan điểm nhất định đã được chứng minh, như:

+ Tác phẩm, tác giả (nhận định, phân tích đơn thuần) + Trào lưu văn học; + Lí luận văn học.


PHẦN I: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
- Một số dạng bài thường xuyên gặp trong đề thi

+ Phân tích tác phẩm đơn thuần; (Đề thi THPTQG, Tuyển sinh 10) + Phân tích tác phẩm để làm sáng tỏ/ chứng minh một vấn đề xã hội, văn học như lòng yêu nước, tinh thần đồng đội,... (Đề thi THPTQG, Tuyển sinh 10) + Một số vấn đề văn học: trào lưu văn học (Thơ mới,...), lí luận văn học,... (Olympic, HSG)

Vấn đề 1: Các bước làm bài:
*Bước 1: Tìm hiểu đề, phân tích đề:

Ở bước này, cần xác định những vấn đề như sau: + Dạng bài: Là nghị luận văn học, nghị luận xã hội hay bình giảng tác phẩm văn học,... + Các thao tác lập luận:

- Thao tác lập luận chính: Xuất hiện sẵn trên đề bài và đó là hướng của học sinh để có thể khai thác đúng vấn đề nghị luận. Ví dụ: Phân tích, chứng minh, bình luận, giải thích,... *Lưu ý: Thao tác lập luận chính thì chỉ có duy nhất 1 thao tác mà thôi.

- Thao tác lập luận: Học sinh cần có vốn kiến thức về các thao tác lập luận, phối hợp nhuần nhuyễn các thao tác để bài làm mình được hay hơn, sâu sắc và rõ hơn. Thao tác lập luận luôn phải có trong các văn bản nghị luận, chính luận,... Là: giải thích, phân tích, chứng minh, bàn luận, so sánh, bác bỏ. (Học sinh không cần sử dụng tất cả thao tác lập luận, chỉ sử dụng những thao tác cần thiết cho bài làm của mình) + Phạm vi tư liệu dẫn chứng – chứng minh: Thực tế xã hội hay trong tác phẩm văn học,...

*Bước 2: Lập dàn ý:

Tùy vào từng dạng bài mà có những dàn ý khác nhau, truyện và thơ – cách phân tích cũng khác nhau. Các dạng đề:

*Vấn đề 2: Dàn ý khái quát, kĩ năng làm bài:
1) Phân tích tác phẩm đơn thuần:

- Đối tượng phân tích tác phẩm văn học là truyện và thơ, thường, phân tích tác phẩm đơn thuần có luận điểm là nội dung của đoạn thơ (khổ thơ), theo tính cách nhân vật hoặc theo trình tự tác phẩm (SGK).

*Chuẩn bị các bước làm bài:

+ Dạng bài: nghị luận văn học. + Các thao tác lập luận: chính: phân tích, phụ: giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ. + Phạm vi tư liệu: dẫn chứng trong tác phẩm văn học để chứng minh.

*Lập dàn ý:


I. Mở bài: - Khái quát: tác giả, tác phẩm, đoạn trích,... - Trích dẫn đề: Phân tích nhân vật hay phân tích thơ? à Nếu là thơ phải trích – được phép trích ngắn gọn.

II. Thân bài:

1. Dẫn dắt: Nếu là truyện thì tóm tắt tác phẩm, nếu là thơ thì dẫn dắt chủ đề (thường là nghệ thuật và nội dung là chính) 2. Phân tích: Thành lập luận điểm phù hợp để phân tích, tùy theo dạng đề yêu cầu. Nếu là truyện thì phân chia luận điểm là tính cách nhân vật, trình tự thời gian, hoặc theo tác phẩm. Nếu là thơ thì phân chia luận điểm theo nội dung của vấn đề nghị luận thơ. 3. Tổng kết: Khẳng định, đánh giá về giá trị của tác phẩm văn học; về nhân vật; ý nghĩa nội dung và nghệ thuật tiêu biểu đặc sắc.

III. Kết bài:

- Khẳng định lại: - Liên hệ bản thân:

2) Phân tích tác phẩm văn học để chứng minh/ sáng tỏ một vấn đề nào đó: xã hội, văn học,...

- Ở đây, không giống như phân tích tác phẩm đơn thuần. Dạng đề này đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng, phải hiểu đề và hiểu sâu sắc tác phẩm, học sinh không được phân tích đơn thuần bởi làm vậy thì giám khảo họ sẽ đánh giá không hiểu vấn đề cần bàn à Điểm không cao.

*Chuẩn bị các bước làm bài:

- Dạng đề: nghị luận văn học để chứng minh/ sáng tỏ một vấn đề có xác định. - Các thao tác lập luận: chính: chứng minh à Thao tác phụ: phân tích, giải thích, bàn luận,... - Phạm vi tư liệu: đề bài cho sẵn. (văn học)

*Lập dàn ý:


I. Mở bài: - Dẫn dắt chủ đề cần phân tích: - Dẫn dắt tác phẩm văn học:

II. Thân bài:

1. Dẫn dắt sơ lược: nêu ý chính của vấn đề cần bàn luận à Chỉ nói sơ qua, không phân tích kĩ, hoặc có thể giải thích. (Khoảng 5 dòng) 2. Phân tích – chứng minh:

TRONG TÁC PHẨM A

- Khái quát tác phẩm A: tác giả tác phẩm (chỉ là dẫn dắt, không phân tích sâu) - Phân tích – chứng minh: Đặt luận điểm để phân tích bằng cách xem yêu cầu đề bài là cần làm rõ vấn đề nào? Đưa lí lẽ, rồi dẫn chứng à Đem phân tích nhưng không phân tích quá sâu. - Chốt ý của mỗi luận điểm.

TRONG TÁC PHẨM B

(Giống các bước làm của tác phẩm A)

ĐIỂM GẶP GỠ, ĐIỂM KHÁC BIỆT:

- Tìm điểm gặp gỡ à Nêu ý nghĩa. - Tìm điểm khác biệt à Nêu ý nghĩa. 3. Khẳng định, đánh giá: - Vấn đề bàn luận: - Các tác phẩm đã đem đi phân tích, chứng minh:

III. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị; - Liên hệ bản thân:.

3) Chứng minh nhận định văn học (lí luận văn học, nhận định văn học về tác giả, tác phẩm):

- Đây là dạng đề khó – không dễ - ít xảy ra ở các kì thi tập trung như Tuyển sinh 10, thi học kì, THPTQG, cho nên tỉ lệ ra rất thấp (HS không cần quá chú trọng phần này)

*Một số yêu cầu chính:

- Hiểu các nhận định văn học liên quan đến lí luận văn học, nhận định về tác giả. - Nếu đề cho sẵn tác phẩm để chứng minh – học sinh chỉ được phép lấy tác phẩm đó, không lấy tác phẩm khác được và ngược lại. (Đây là phạm vi tư liệu dẫn chứng để chứng minh) - Nếu đề cho một nhận định về tác giả, lí luận văn học – học sinh chứng minh dựa trên tác phẩm đã được đọc và học – ít nhất 2 tác phẩm để làm rõ. - Học sinh cần có kiến thức sâu về tác phẩm, bởi đề sẽ chẳng bao giờ yêu cầu phân tích cả bài – mà là chỉ lấy 1 chi tiết để làm rõ mà thôi.

*Dàn ý làm bài:


I. Mở bài: - Dẫn dắt câu nói lí luận văn học, nhận định văn học,... - Trích dẫn câu nói: (Bước quan trọng) - Dẫn dắt tác phẩm (đề cho sẵn tác phẩm thì đưa vào, không cho nghĩa là tự chọn mà tự chọn thì học sinh không cần đưa).

II. Thân bài:

1. Giải thích: (Bắt buộc phải có) - Giải thích nhận định văn học bằng nhiều cách: tách vế câu ra để giải thích hoặc giải thích cả câu nói (nếu có thể) - Giải thích câu nói hướng đến tác phẩm cần chứng minh: - Rút ra luận đề, luận điểm cần phân tích – chứng minh. 2. Phân tích – chứng minh: (Quan trọng – chiếm nhiều điểm nhất)

*Bàn luận:

Học sinh trả lời câu hỏi “Tại sao...?” cho luận đề. Đó là luận điểm. Để trả lời một cách đúng đắn nhất – học sinh dựa vào sự hiểu biết của mình và dựa trên cơ sở các nhận định, câu nói lí luận văn học, tìm nhiều câu trả lời cho luận điểm.

*Chứng minh:

Từ câu nói, học sinh tự rút ra luận điểm để chứng minh bằng các tác phẩm được yêu cầu hoặc tự chọn (tùy đề). Tách nhận định văn học ra làm nhiều vế à Mỗi vế của nhận định văn học được xem là 1 luận điểm. Học sinh sử dụng lí lẽ và dẫn chứng rồi phân tích khái quát để chứng minh cho luận điểm. 3. Đánh giá: - Đánh giá trên phương diện ý nghĩa của câu nói: - Đánh giá tác phẩm đã phân tích:

III. Kết bài:

- Khẳng định vấn đề: - Rút ra suy nghĩ bản thân:

Một số lưu ý:

- Đây là dạng bài thường xảy ra trong các đề thi của Olympic (Chuyên + Không chuyên), thi đội tuyển học sinh giỏi nên khả năng ra rất thấp. - Có thể sử dụng một số nhận định văn học để làm mở bài và kết bài cho các bài thi, bài làm à Có ưu thế mạnh và đạt điểm cao. Bởi các câu nhận định văn học thường khô khan và khó hiểu, học sinh làm rõ vấn đề sẽ được điểm. - Không phải học sinh nào cũng từng tiếp nhận lí luận văn học à Khi có khả năng mới dẫn dắt theo dạng lí luận văn học thế này.


PHẦN
II: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI


Kĩ năng làm bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm 1.1. Tìm hiểu chung

*Đối tượng

- Là một vấn đề xã hội có ý nghĩa sâu sắc nào đó được đặt ra trong TPVH. - Vấn đề xã hội có thể lấy từ hai nguồn: Tác phẩm văn học đã học trong chương trình hoặc một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn mà học sinh chưa được học.

*Mục đích chính của dạng đề nghị luận

– Dạng đề này liên quan và xuất phát từ tác phẩm văn học, nhưng tác phẩm văn học chỉ là “cái cớ” khởi đầu. – Mục đích chính là yêu cầu người viết bàn bạc, nghị luận về một vấn đề xã hội , đạo lí, tư tưởng, nhân sinh, hiện tượng đời sống…. + Nghĩa là nhân vấn đề đặt ra trong TP văn học đó mà bàn luận, kiến giải. + Trong trường hợp này, tác phẩm văn học chỉ được khai thác về giá trị nội dung tư tưởng, rút ra ý nghĩa xã hội khái quát của tác phẩm ấy. Tác phẩm nào cũng có một ý nghĩa xã hội nhất định. Điều quan trọng là vấn đề xã hội đó có mang tính thời sự, tính giáo dục sâu sắc, có phù hợp với tâm lí tuổi trẻ học đường hay không.

*Đặc điểm

Bài viết cho dạng đề này, ở phần thân bài thường gồm hai nội dung lớn:

– Phần 1: Phân tích văn bản (hoặc nêu vắn tắt nội dung câu chuyện) để rút ra ý nghĩa vấn đề.

+ Nếu đề văn nêu sẵn vấn đề xã hội rút ra từ một tác phẩm, thì người làm chỉ cần phân tích qua vấn đề đó đã được thể hiện như thế nào trong tác phẩm. + Nếu đề văn chưa cho sẵn vấn đề xã hội, thì người viết cần đọc – hiểu, phân tích văn bản để rút ra vấn đề xã hội và ý nghĩa của vấn đề trước khi vào phần hai.

– Phần 2 (trọng tâm): Nghị luận (phát biểu) về vấn đề xã hội đặt ra trong tác

phẩm văn học (câu chuyện). Khi đã có vấn đề (đề tài, chủ đề) cần bàn bạc rồi, thì mới bắt đầu làm bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm, nêu suy nghĩ của bản thân mình về vấn đề ấy.

*Tác dụng

– Giải quyết về văn loại này, học sinh có cơ hội được bộc lộ năng lực đọc- hiểu tác phẩm, những hiểu biết, những kiến thức về xã hội.

1.2. Hướng dẫn cách làm bài

Bước 1: Tìm hiểu đề

– Dạng đề. – Yêu cầu nội dung (đối tượng): Xác định vấn đề cần nghị luận. – Yêu cầu thao tác lập luận. – Yêu cầu phạm vi tư liệu, dẫn chứng.

Lập dàn ý

I. Mở bài:

– Dẫn dắt vấn đề – Nêu vấn đề cần nghị luận

II. Thân bài:

* Bước 1: Nêu hoàn cảnh xuất hiện vấn đề có ý nghĩa xã hội, phân tích văn bản (hoặc nêu vắn tắt nội dung câu chuyện) để rút ra ý nghĩa vấn đề (câu chuyện) - Nhấn mạnh, khẳng định ý nghĩa nội dung từ văn bản văn học đó. - Từ đó, khái quát chính xác vấn đề xã hội cần nghị luận. - Rút ra luận đề cần chứng minh – phân tích để làm sáng tỏ. * Bước 2: Thực hiện các thao tác nghị luận (tùy thuộc vào vấn đề nghị luận là một tư tưởng, đạo lí hay một hiện tượng đời sống HS áp dụng phương pháp làm bài cụ thể).

– Giải thích vấn đề (nếu cần thiết)
– Phân tích – chứng minh:

+ Đối với vấn đề xã hội là vấn đề tư tưởng, đạo lí : Làm rõ các biểu hiện của tư tưởng, đạo lí ở những phương diện khác nhau trong đời sống…; dùng thực tế xã hội để chứng minh. Đặt câu hỏi để xác định ý: Như thế nào? Ở đâu? Bao giờ? Người thật việc thật nào?…. + Đối với vấn đề xã hội là một hiện tượng đời sống: Xác định đó là hiện tượng tích cực hay tiêu cực, mô tả những biểu hiện của hiện tượng đó…. - Đặt nhiều câu hỏi “Tại sao...?” cho vấn đề nghị luận đó: - Đây là luận điểm, tìm thật nhiều câu trả lời các luận điểm sao cho thuyết phục - Đây là lí lẽ, đồng thời dùng thực tế xã hội để chứng minh cho luận điểm vừa đặt ra.

– Bình luận: Bình luận, chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề xã hội hiện nay

+ Đánh giá: . Quan niệm, tư tưởng ấy đúng đắn, sâu sắc như thế nào? Ý nghĩa đối với tâm hồn, nhân cách con người? (tư tưởng, đạo lí) . Hiện tượng ấy có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống con người ? (Cần thể hiện thái độ đồng tình, biểu dương, trân trọng trước vấn đề xã hội có ý nghĩa tích cực; phê phán những biểu hiện sai trái, suy nghĩ, quan niệm lệch lạc so với quan niệm, tư tưởng, hiện tượng được nghị luận) + Mở rộng: Xem xét vấn đề ở những phương diện, góc độ khác nhau (phương pháp, góc nhìn, tính hai mặt của vấn đề nghị luận…). (Phản đề)

* Bước 3: Rút ra bài học cho bản thân

– Về nhận thức: Vấn đề xã hội đó giúp ta hiểu sâu sắc về điều gì? Rút ra được điều gì có ý nghĩa? – Về hành động: Xác định hành động bản thân phải làm gì? Việc làm cụ thể, thiết thực.

III. Kết bài:

Đánh giá ý nghĩa của vấn đề xã hội trong tác phẩm.


*Kĩ năng làm bài nghị luận xã hội – vấn đề được đặt trong 1 câu nói, danh ngôn,...


1. Nội dung - Vấn đề nhận thức: lí tưởng, mục đích sống, nghề nghiệp, ước mơ… - Vấn đề về đạo đức, tâm hồn, tính cách: lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi… - Vấn đề về các quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em… - Vấn đề về các quan hệ xã hội: tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn… - Vấn đề về cách ứng xử, đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống.

1. Hình thức

- Dạng ngắn: Một câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn, châm ngôn, câu thơ… - Dang dài: Một bài thơ/truyện ngắn mang ý nghĩa triết lí…

2. Cách làm bài


I. Mở bài: - Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận - Nêu vấn đề cần nghị luận ra (trích dẫn) - Phải làm gì về vấn đề đưa ra nghị luận (có tính chuyển ý)

II. Thân bài:
* Bước 1:
Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…).

Tùy theo yêu cầu đề bài có thể có những cách giải thích khác nhau: - Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề. Giải thích nghĩa đen của từ ngữ, rồi suy luận ra nghĩa bóng, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề. - Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói, trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa của vấn đề mà câu nói đề cập. - Rút ra luận đề cần bàn bạc. * Lưu ý: Tránh sa vào cắt nghĩa từ ngữ ( theo nghĩa từ vựng).

* Bước 2: Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…)

Bản chất của thao tác này là giảng giải nghĩa lí của vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ tới cùng bản chất của vấn đề. Phần này thực chất là trả lời câu hỏi: Tại sao? (Vì sao?) Vấn đề được biểu hiện như thế nào? Có thể lấy những dẫn chứng nào làm sáng tỏ? * Bước 3: Bình luận, đánh giá (bàn bạc, mở rộng, đề xuất ý kiến…): - Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng – sai, đóng góp – hạn chế của vấn đề. - Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề đang bàn luận (…) - Mở rộng vấn đề * Bước 4: Rút bài học nhận thức và hành động - Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm, …( Thực chất trả lời câu hỏi: từ vấn đề bàn luận, hiểu ra điều gì? Nhận ra vấn đề gì có ý nghĩa đối với tâm hồn, lối sống bản thân?...) - Bài học hành động - Đề xuất phương châm đúng đắn, phương hướng hành động cụ thể ( Thực chất trả lời câu hỏi: Phải làm gì? …)

III. Kết bài:

- Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (…) - Lời nhắn gửi đến mọi người (…)

B. MỘT SỐ BÀI LÀM THAM KHẢO (NGHỊ LUẬN XÃ HỘI)


Spoiler: Đề: “Sống là một nỗ lực liên tục để vượt thoát khỏi mọi định kiến trong mình”. Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên?

Bài làm: Đã bao giờ bạn rụt rè trước đám đông chỉ vì những ánh nhìn không thân thuộc? Đã bao giờ bạn thu mình vào góc tối chỉ vì mong muốn thám hiểm những miền hoang sơ của bạn bị người ta xem là ‘phù phiếm’ và ‘không thực tế’? Cuộc sống cứ thế xoay vần, bạn cam chịu bó mình trong những giới hạn, rồi lại rập cùng một chiếc khuôn ấy lên người khác. Những bản sao hàng loạt ấy cứ dần dần xuất hiện, nhân lên, tràn lan. Những thành kiến cứng nhắc, những giới hạn giăng mắc khắp nơi sẽ trở thành ào cản cho bao nhiêu ước vọng của con người. Xã hội này sẽ ra sao nếu tất cả chỉ bám theo một con đường mòn? Tương lai sẽ ra sao nếu đôi chân ta không dám bước theo tiếng gọi của trái tim? Băn khoăn trước thực tế đáng buồn ấy, một triết nhân đã chiêm nghiệm: “Sống là một nỗ lực liên tục để vượt thoát mọi định kiến trong mình.” Từ thuở sơ khai, loài người đã luôn khao khát hướng về ánh sáng, luôn mơ về một cuộc đích thực. “Sống hay không sống, đó chính là vấn đề” – danh ngôn của nhà soạn kịch vĩ đại Shakespear đến tận ngày nay vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, vẫn là niềm trăn trở của biết bao người. Sống trên đời thật không đơn giản một chút nào. Nó là cả một hành trình trải nghiệm, bứt phá, đối đầu. Con người đâu phải là giống rùa rụt cổ mãi mãi vác chiếc mai trên mình; con người chính thực là loài đại bàng kiêu hãnh luôn đối mặt với sóng gió để nâng mình lên chín tầng cao. Để được sống chân chính, con người phải sẵn sàng đương đầu với bao kẻ thù bủa vây. Một trong những kẻ thù lớn nhất của con người chính là “định kiến”. Nó là thứ cản trở hành trình đến thành công và hạnh phúc của bao người. “Định kiến” chính là những suy nghĩ, những đánh giá một cách cảm tính về cuộc sống và con người đã hằn thành ‘nếp’, đã trở nên mặc định bên trong não bộ trước khi ta kịp nhận thêm thông tin gì liên quan đến sự vật, sự việc ấy. Một con người có định kiến sẽ luôn nhìn đời dưới góc độ hạ thấp, tiêu cực, chủ quan, khô cứng, như đóng đinh chắc nịch chẳng thể đổi thay. Dưới cặp mắt định kiến tất cả những quan điểm mới mẻ khác với mình hay đối lập với mình đều không thể chấp nhận được. Cần phân biệt giữa ‘chính kiến’ với ‘định kiến’. Chính kiến là suy nghĩ cá nhân, không bị ràng buộc bởi bất cứ ai; cũng là một quan điểm riêng, nhưng quan điểm ấy sẵn sàng tiếp nhận những quan điểm khác để hoàn thiện bản thân mình. Nhưng định kiến thì khác. Người mang định kiến sẽ răm ắp tuân theo những suy nghĩ đã trở thành khuôn mẫu. Họ áp cái khuôn ấy vào bất kì ai họ tiếp xúc. Chỉ cần ai đó khác cái khuôn ấy, dẫu một chút thôi là họ đã không thể chấp nhận nổi. Họ bàn tán, xa lánh, gạt bỏ đi ‘kẻ khác biệt” kia. Họ đóng khung lên tất cả, đồng thời cũng tự đóng khung chính mình trong một thế giới chật hẹp. Việc thay đổi định kiến là vô cùng khó, bởi nó đã hằn sâu trong tiềm thức. Định kiến là thứ tiêu cực nhưng lại có sức tồn tại lâu dài bởi nó thường bám rễ vào đám đông, lại có sức lây lan bởi nó ‘được truyền thụ mà thành’ (DaShanne Stokes). Thứ ‘truyền thụ’ ấy lại đi vào tiềm thức, chi phối cách nhìn nhận, cách suy nghĩ, thậm chí nó định hình cả con người bạn. Không thể phủ nhận, luôn có một định kiến nằm trong chính mỗi chúng ta, điều khiển ta; có những lúc, định kiến ăn sâu vào cả xã hội, làm thành cả một hệ tư tưởng chi phối loài người hằng thế kỉ. Đó cũng chính là thử thách mà cuộc đời đặt ra cho loài người, chịu thua nó, ta mãi mãi quẩn quanh trong những con hẻm chật hẹp; vượt được nó, trước mắt sẽ là trời cao biển rộng thênh thang. Chính vì vậy, “Sống” là tháo bỏ những “Định kiến bên trong mình”, vượt qua định kiến bản thân, ta sẽ nỗ lực kiện toàn cuộc sống. Cuộc sống tốt đẹp, sức sống mạnh mẽ, đời sống hạnh phúc, tất cả tùy vào nỗ lực vượt rào của bạn. Như đã nói, định kiến là rào cản lớn nhất của con người, có khi nó chi phối cả một xã hội qua hằng thế kỉ, khiến bao nhiêu giá trị đáng lẽ được nâng niu lại bị vùi dập, bao nhiêu chân lí bị bỏ sót, bao nhiêu cảnh khổ đau khốn cùng. Còn mang định kiến, ta sẽ không thể nào mở rộng lòng ra để chấp nhận những điều mới mẻ, những quan điểm khác hay là đối lập với mình. Thậm chí ta sẽ ra sứ chì chiết, tiêu diệt những quan điểm mới khi nó còn mới manh nha. Còn mang định kiến ta sẽ nhìn đời, nhìn người một cánh sai lệch, từ đó trở nên ích kỉ, nhỏ nhen. Đã có một thời, người ta khinh rẻ những người làm nghề hát xướng, coi đó là thứ rẻ rung, là “Xương ca vô loài”. Đã có một thời, số phận người phụ nữ bị buộc bởi ‘tam tòng tứ đức’, bị coi khinh, làm kiếp cò lặn lội với thân phận bèo bọt trong đêm trường tăm tối. Rồi cũng một thời, giáo hội gạt phắt đi, thậm chí là xử tử, lưu đày những nhà khoa học chỉ vì họ khám phá ra một điều ngược với định kiến xưa nay, chỉ vì họ dám tuyên bố: ‘trái đất quay quanh mặt trời’. Một vị vua Phổ đã từng nói: “Lạc thú cao quý và vĩ đại nhất của con người là khám phá ra những chân lí mới, tiếp sau đó là gạt bỏ những định kiến cũ.” Định kiến là hòn đá lớn luôn luôn chắn đường, phải đẩy nó ra thì ta mới tiến bước được. Hòn đá lớn ấy, tôi không thể nâng một mình, bạn không thể nâng một mình, mà cả tôi và bạn đều phải cùng nâng, phải luôn luôn nỗ lực để dẹp bỏ mọi chướng ngại. Quả vậy, theo từng bước tiến văn minh, xướng ca rồi đã trở thành một loại hình nghệ thuật tuyệt vời; người phụ nữ đã và đang không ngừng chứng tỏ tài năng, vị thế của mình; và trái đất muôn đời vẫn cứ xoay quanh mặt trời mà thôi… Tất cả những bước tiến tuyệt vời ấy, sự phát triển của nhân loại ấy, chẳng phải là nhờ sự tiếp thu điều mới và loại trừ định kiến hay sao? Sự bảo thủ của con người không chỉ vì suy nghĩ cá nhân, mà còn bởi sự kiêu ngạo và lòng tự tôn phụ trợ. Thứ chất độc mang tên định kiến ấy cứ làm hoen đi đôi mắt mà đáng ra phải nhìn đời một cách sáng trong. Kẻ ấp ủ định kiến, một xã hội đầy định kiến, thì thay vì nhìn tia sáng bảy màu rực rỡ, họ chỉ nhận đúng một màu đơn điệu mà thôi. Rồi những kẻ ấy, mãi mãi chỉ là con ếch ngồi trong đáy giếng, an yên với cái bầu trời nhỏ bé của mình. Định kiến là sợ sự đổi thay, họ sợ mất đi cái cuộc sống bình bình đang có, họ không dám đón nhận điều gì khác hơn cái họ biết – dù điều đó là chân lí. Chính điều đó đã kéo cả xã hội trì trệ và tụt dốc. Một hiền triết đã chiêm nghiệm: “Cuộc sống thường không chật hẹp ở ngôi nhà, góc phố hay những con đường, mà chính trong những định kiến của con người.” - cuộc sống ấy thu hẹp trái tim, đóng kín cảnh cửa tri thức, và làm mòn cả đời người, cả đời nhân loại. Tiếng thét đau khổ của Chí Phèo làm xót thấu tâm can bao người kia là do nguyên cớ gì? Vì đâu mà Nam Cao lại trở thành một nhà văn lớn? Chẳng phải vì trong cái bóng tối cuộc đời ấy, ông đã tìm ra một thứ sát nhân còn khủng khiếp hơn cường quyền và bạo lực – thứ giết người không dao – là định kiến xã hội hay sao. Chí Phèo chính là nạn nhân của định kiến. Cách tư duy một chiều, những tâm hồn định kiến xơ cứng kia đâu có đón nhận nổi màu sắc hồi sinh của Chí. Họ dè bỉu, xa lánh, tàn nhẫn đẩy Chí ra khỏi cõi người. Định kiến làng Vũ Đại vẫn xem hắn là loài quỷ dữ, họ ích kỉ muốn khư khư giữ cái xã hội của mình cho êm đềm mà mặc kệ ngoài kia một tâm hồn rỉ máu. Tôi khẳng định rằng, Chí Phèo không chỉ là truyện, không chỉ là một sản phẩm của hư cấu, mà xã hội từ thời của Nam Cao, hay còn trước đó nữa, cho đến tận bây giờ, vẫn còn tồn đọng thứ định kiến ích kỉ làm con người sẵn sàng đẩy con người ra xa như thế. “Cuộc sống đã đủ khắc nghiệt rồi, đừng đi loanh quanh khiến cuộc sống trở nên khốn khổ chỉ vì bạn có thể làm thế, bạn không biết họ đã phải trải qua những gì” Ngày nay, vẫn nhức nhối vết thương của những cảnh đời khốn khổ khi vẫn còn đó những con người kì thị bệnh nhân bị HIV/AIDS, vẫn còn đó những bộ mặt khinh khỉnh của những ngườigiàu nhìn những người lao động nghèo, vẫn còn kia cuộc đấu tranh bình đẳng giới và vươn xa hơn, tiếng súng của cuộc chiến tranh tôn giáo, sắc tộc vẫn còn chưa nguôi. Định kiến cố hữu đâu chỉ làm tổn thương người khác, nó còn làm nhức nhối cả chính bản thân mình. Nelson Mandela, vị tổng thống Nam Phi cả một đời đấu tranh cho quyền của người da đen – chống lại phân biệt sắc tộc, lại lo lắng khi bước lên một chuyến bay có phi cơ trưởng là người da đen, ông đau đớn nhận ra tự bao giờ, định kiến của xã hội cũng đã thâm nhập vào ông, làm ông đã có khoảnh khắc đi ngược lại với lí tưởng cả đời mình. Quyền được yêu thương, quyền sống thật với chính mình là quyền bất khả xâm phạm của mỗi con người. Vậy mà bao nhiêu trái tim khát yêu của con người lại bị xã hội vùi dập, chỉ bởi họ cảm thấy tình yêu đồng giới là ‘trái với tự nhiên’. Họ ngăn cấm, xúc phạm, kì thị những người đồng tính, đòi loại trừ tình yêu theo họ là ‘không bình thường’ ấy ra khỏi cuộc đời này – chỉ vì định kiến. Định kiến ấy cũng lại làm chính những con người vốn chỉ muốn yêu thương ấy cảm thấy tự ti, xấu hổ với chính mình. Họ hoặc giấu mình đi, hoặc chìm vào sa đọa, hoặc tự sát. Không ít những người con đã để lại mảnh giấy ‘Xin lỗi mẹ vì con là người đồng tính’ rồi ra đi. Đau đớn lắm, khi phải xin lỗi vì đã là chính mình! “Đàn bà con gái thì biết gì!” – Không chỉ một lần tôi nghe câu nói ấy vuột ra từ miệng người đối diện. Tôi từng chứng kiến một người chị bị chồng bạo hành, nhưng sau đó chị vẫn ráng nuốt nước mắt mà sống tiếp với kẻ vũ phu ấy. Khi tôi hỏi, chị chỉ cười cay đắng: “Phận con gái sinh ra đã khổ rồi, biết sao được hả em?”. Chị ơi! Sao chị lại phải tự ti như thế? Tại sao chị lại phải thu mình như thế, chị ơi? Ai bảo phận chị phải khổ? Ai bảo kiếp đàn bà chỉ được quẩn quanh góc bếp? Chính chị đã vô tình tự đặt định kiến lên mình. Thứ định kiến ấy vẫn là một cây kim nhức nhối trong quả tim nhân loại dẫu trải qua hàng thập kỉ, dẫu con người đã khoác lên mình bộ mặt hiện đại, văn minh. Thế mới biết, định kiến đáng sợ đến thế nào. Cuộc chiến chống lại định kiến bên trong mình là một cuộc chiến khốc liệt đòi hòi sự ‘liên tục’ và nỗ lực không ngừng. Và con đường chống lại định kiến ấy duy chỉ có một, ấy là giữ vững bản tâm, sẵn sàng mở rộng lòng ra mà ‘đón nhận lấy mọi vang động của đời’. Phải “tìm mà hiểu” nhau, cũng như Elizabeth và Darcy trong tiểu thuyết ‘Kiêu hãnh và định kiến’, chỉ có thể giành thời gian để tâm thấu hiểu người khác, học cách tư duy phản biện, thì mới có thể dẹp bỏ định kiến trong mình. Thay vì sẵn sàng phủ nhận, bạn hay thay đổi góc độ nhìn đi một chút, rằng ý kiến mới ấy không phải chống lại ta, đảo lộn cuộc sống của ta, mà nó giúp ta hoàn thiện mình hơn mà thôi. Hãy mang đôi mắt sáng trong của trẻ thơ mà tò mò quan sát thế giới này. Bạn biết đấy, đời quá rộng lớn để bạn có thể ôm chứa, vì vậy, hãy chuyển từ thái độ khẳng định sang một thái độ học hỏi và tìm những điểm hay của người khác. Tầm mắt ta lúc ấy sẽ mở rộng ra nhiều lắm, ta đều từng nghe: “Đời thay đổi khi ta thay đổi”, và những hòn đá chắn đường kia không nặng đến vậy đâu. Cuộc đời sinh ra con người là một vòng tròn với định kiến hiện hữu như thứ axit ăn mòn dần sự hoàn mỹ.Vượt thoát khỏi những định kiến, ta khỏa lấp mảnh khuyết, hoàn thiện đời mình. Muốn thay đổi người, trước hết hãy tự thay đổi chính mình. Bạn nhấc bỏ hòn đá định kiến mà bạn đặt lên vai người khác, thì sức nặng trên đôi vai bạn cũng sẽ dẫn tiêu tan. Trong cả tôi và bạn đều đang tồn tại định kiến bên trong. Ngày hôm nay, tôi đã bắt đầu hành động, còn bạn thì sao?

Nguyễn Lê Thảo Vi (10/2/2017)


Spoiler: Đề: Một câu chuyện cuộc sống mà anh/ chị tâm đắc nhất

Bài làm

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng, đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ. Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ. Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ, cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được? Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công. Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế? Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá – học – của – một- người – cha. Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó. Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công. Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế! Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.


Spoiler: Đề:“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió.” (Trích Đường đến ngày vinh quang – nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập) Trình bày suy nghĩ của anh/chị về nhận định trên.

Dàn ý

I. Mở bài
: - Giới thiệu dẫn chứng, câu nói câu hát => chuyển ý “Nếu ta muốn đi đến những cao nguyên tươi xanh, ta phải vượt qua những ngọn đồi đầy sóng gió” (Nguyễn Nhật Ánh) . Thật vậy ! Hiện hữu trong cuộc sống ai cũng có lối đi riêng cho mình, sinh ra trong dòng đời mỗi người lại có những suy nghĩ khác biệt. Nhưng để có thể bước trên con đường mình đã chọn thì thật không bao giờ là dễ dàng. Nó luôn đầy rẫy những nguy hiểm, những niềm đau, sự mất mát, … mà đòi hỏi ta phải vượt qua nó mới có thể đến được vinh quang từ con đường ta chọn. Và khi vượt qua được những khó khăn ấy ta sẽ tìm được ánh sáng của vinh quang ánh sáng của niềm vui và hạnh phúc. Vì thế trong bài hát “Đường đến ngày vinh quang” nhạc sĩ Trần Lập đã từng có câu hát : “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió.” Nói một cách khác đấy chính là lời nhắn nhủ cho mọi người ý thức được việc có thể đạt đến vinh quanh,hạnh phúc thì phải vượt qua những khó khăn,thử thách trong cuộc sống.

II. Thân bài:

a. Giải thích: Giải thích từ ngữ => chuyển ý

- Trong cuộc sống của chúng ta có một loài hoa tượng trưng cho tình yêu đấy là hoa hồng. Nói vậy bởi lẽ nó tượng trưng cho niềm vui, cho sự hạnh phúc và có hương thơm nhẹ nhàng, hơn thế nó toát lên mình một vẻ kiêu sa lộng lẫy. Nhưng hoa hồng không chỉ tượng trưng cho hạnh phúc, nó còn tượng trưng cho thành công và vinh quang. Lớp “gai nhọn” bao quanh thân hoa hồng chúng được tạo thành từ lớp vỏ và mọc ra với mục đích là bảo vệ hoa khỏi những thế lực bên ngoài . Nếu ta hiểu theo nghĩa bóng thì những “mũi gan” của hoa hồng tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống . Thế nên câu hát trên đã gợi nên trong ta về sự hiện hữu của hạnh phúc, thành công, vinh quang trong cuộc sống phải đi qua những gian nan thử thách trên nẻo đường nhân sinh.


b. Phân tích chứng minh ( dùng lí lẽ kết hợp dẫn chứng)


- Đức Phật đã từng nói : “đời là bể khổ”, nghĩa là cuộc sống của chúng vốn dĩ là những chuỗi ngày đau thương và khổ lụy. Những nỗi đau dù lớn hay nhỏ nó vẫn cứ len lỏi vào trong từng ngỏ ngách của kiếp nhân sinh. Do vậy, ước mơ có thể thoát ra khỏi bể khổ , để đạt những vinh quanh trong cuộc sống là suy nghĩ chung của mọi người. Nhưng ít ai hiểu được rằng chỉ khi nào ta vượt lên được khó khăn, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống thì khi đó ta mới có thể thành công, mới có thể có được vinh quang. Mà họ chỉ biết than vãn , than vãn tại sao cuộc đời lại bất công với họ, tại sao họ lại không có được những danh vọng như người khác. Bởi lẽ trong mắt họ chi toàn là sự than vãn, sự chán nãn trước cái khó khăn. Họ đâu nghĩ rằng một cái cây muốn lớn lên phải qua rất nhiều nỗ lực,nào là phải phá vỡ lớp vỏ bọc , phải xuyên qua lớp đất dày mớ có thể trở thành một cây to cao. Đấy chính là minh chứng cho việc vượt lên cực khổ, vượt lên cái khó khăn, cái “sóng gió”của cuộc đời. Hay đấy là bé gái được mệnh danh là “nick vujic Việt Nam”, Nguyễn Linh Chi (Yên Bái) là một cô bé đặc biệt xuất hiện trong sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam. Nhiều người đã gọi cô bé bằng cái tên đặc biệt “Nick Vujicic” Việt Nam.
- Ngay từ khi mới lọt lòng, Linh Chi bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, Linh Chi sinh ra không có chân tay. Từ bé, Linh Chi đã sớm nhận ra sự khác biệt của mình và nỗi buồn khi bạn bè xung quanh trêu trọc. Vượt lên trên nỗi đau và số phận, cảm nhận được tình yêu thương của mọi người trong gia đình dành cho mình, Linh Chi đã cố gắng rất nhiều để có thể tự lập mọi việc trong cuộc sống.
Dù không có chân tay, Linh Chi đã tập đi trên hai ống inox, em còn có thể cầm đồ vật, rót nước uống, mời khách. Chi cũng đã biết đọc và tập viết chữ bằng cách kẹp viết vào cằm, dù em viết chậm so với bạn. Ngoài niềm vui học hát, múa với bạn bè, Chi còn rất thích đọc thơ và vẽ tranh. Hiện cô bé đang theo học trường tiểu học Nguyễn Thái Học, và nhờ sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô, 2 năm gần đây, Linh Chi đã biết đọc, biết viết. Dù không có tay lành lặn, em vẫn viết được nét chữ khá đẹp và ngay ngắn.
Hay một người khác đó chính là nhà văn nghị lực Trà My dù không may mắn khi đôi chân bị bại liệt, giọng nói không rành mạch, tròn tiếng. Số phận đã cướp đi của chị đôi chân và tiếng nói, nhưng không thể cướp đi tình yêu văn chương và nghị lực sống phi thường nơi cô gái xinh xắn này. Trà My đã nỗ lực học tập, theo đuổi niềm đam mê của mình và có một số lượng độc giả hâm mộ không hề nhỏ. Những tác phẩm của chị đều tràn đầy tình yêu vào cuộc sống và niềm tin mãnh liệt ở tương lai. Chị từng tâm sự: “Đôi khi khuyến khuyết cũng là 1 may mắn bạn ạ. Người trẻ hãy cho họ nếm trải và hãy cho họ cơ hội. Không ai xấu và cũng không ai tốt trọn vẹn cả. Chúng ta cần phải nhìn cả 2 mặt để yêu đời và yêu người hơn chứ nhỉ?”. Ngoài các công việc thường ngày, dành thời gian sáng tác, Trà My còn thường tham gia tình nguyện. Đối với Trà My, số phận với cô vốn dĩ luôn may mắn, may mắn đó là khi cuộc sống đã ban tặng cho cô một trái tim yêu thương, đầy đam mê và nghị lực sống không gì so sánh được. Một sự thật nữa để đạt được thành công và vinh quang chính là biết chấp nhận thực tế của cuộc sống cũng như những khuyết điểm nơi bản thân. Nói khác hơn, để đạt được những thành công thì vượt qua những nỗi đau thương nơi thể xác, những hy sinh mất mát bằng một tinh thần không nao núng và ý chí bất khuất là điều không thể bỏ qua. Chẳng phải Nick Vujic, người sinh ra không được trọn vẹn như bao người khác, nhưng anh vẫn luôn chấp nhận những khuyết điểm nơi bản thân để rồi từ đó vươn lên nhằm thực hiện những ước mơ của mình. Kết quả thì đã rõ, anh trở thành biểu tượng của người giàu nghị lực sống trên toàn thế giới để mọi người noi theo. Nói đâu xa, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký cũng là một minh chứng thể hiện một con người có ý chí, quyết tâm cao. Dù bị bại liệt đôi tay nhưng thầy vẫn kiên trì sử dụng chân để viết, và thành tích mà thầy đạt được là trở thành một nhà giáo ưu tú. Do đó, một người có ý chí, quyết tâm, bản lĩnh vẫn luôn đạt được những thành công nhất định.


C. Bàn luận – mở rộng (phê phán hay chuyển ý)

Song song với những người đang ngày ngày nỗ lực để vượt qua những sóng gió thì lại có những con người rụt rè hèn nhát không dám đương đầu với những khó khăn thử thách, không những thế họ lại luôn than thở với trời, với đời than vì sao đời bất công nhưng không bao giờ nghĩ tại sao mình không đủ dũng khí để thực hiện ước mơ. Vượt qua khó khăn là điều nên làm nhưng không phải là dùng mọi thủ đoạn độc ác để có thể vượt qua nó mà đi đến vinh quang, như Võ Tắc Thiên bà sinh ra trong một gia đình nghèo khó, phải vào cung làm phi cho hoàng thượng may mắn được hoàng thượng sủng ái bà lại ra tay giết hết những phi tần cung nữ còn lại và trở thành hoàng hậu “ngẫu nghi thiên hạ” . Hay là Hít-le người đã gây ra cho dân chúng những đau khổ 70 mấy triệu người chết do cuộc chiến phi nghĩa. Qua đấy ta thấy đạt được vinh quang là khát vọng lớn nhất của con người nhưng ta phải hiêu vinh quang mà ta cần đạt được nó có phải là một vinh quan tốt, con đường ta chọn là chọn cho tiểu ái của bản thân hay là đại ái của người dân.

D. Tổng kết

- Vì thế, chúng ta là những chủ nhân tương lai của đất nước, ngay từ hôm nay cần tránh xa những lối sống vừa nêu và hãy trau dồi cho mình lối sống vượt qua những khó khăn bằng chính nỗ lực của bản thân và tâm thức luôn dính chặt câu nói: “Đường vinh quang đi qua đi qua muôn ngàn sóng gió.” Để đến “ngày đó sẽ không xa xôi, và chúng ta là người chiến thắng. Đường đến những ngày vinh quang, con đường chúng ta đã chọn”

III. Kết bài: Đánh giá, suy nghĩ, cảm nhận chung...


Reactions: , Phạm Đình Tài and phamkimcu0ng

Bonjour et bienvenue sur mon sujet *do dạo này idol mình hay nói câu đấy nên mình cũng bắt chước chứ không biết gì về Tiếng Pháp đâu :v có gì sai các bạn bỏ qua nheee*
À thì hôm nay mình quay lại với một thứ tài liệu gì đó như mọi khi. Cá nhân mình thấy cuốn này khá hay, mình không đánh giá kĩ về nd vì bản thân mình còn chưa đọc hết (về sau có nhiều bài trong chương trình THPT mà mình chưa học nên làm biếng đọc...). Hiện tại mình mới chỉ thấy một điểm trừ của nó là file pdf này bị ngược so với bình thường, nhưng bạn nào dùng điện thoại nè, ipad nè, blabla và tốt nhất là in hẳn ra để dễ học nhaa.​

Salut, à bientôt

ĐỌC HIỂU ngưng phán xét và tôn trọng sự khác biệt

Reactions: Phạm Đình Tài and Trần Tuyết Khả