Giá trị sản xuất công nghiệp chiếm bảo nhiêu phần trăm

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

0:00/ 0:00

Giọng nam

  • Giọng nam

[ĐCSVN] - Vốn được biết đến là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước, tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, việc đổi mới chính sách đất đai, mở rộng tín dụng và đẩy mạnh cho vay, phát triển nguồn nhân lực,… là các giải pháp mà ngành NN&PTNT thời gian tới sẽ tập trung triển khai quyết liệt cho vùng.

Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL [Ảnh: B.T]

Trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn [NN&PTNT], năm 2021, tốc độ tăng GRDP nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long [ĐBSCL] đạt 1,6%; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của vùng chiếm 32,2% GRDP toàn vùng và chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều sản phẩm nông nghiệp chiếm sản lượng lớn của cả nước.

Điều này có thể thấy trên lĩnh vực trồng trọt, lúa là cây trồng lợi thế của vùng, được đầu tư phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Hàng năm, vùng xuất khẩu 5 - 6 triệu tấn gạo với kim ngạch từ 2 - 3 tỷ USD. Năng suất lúa năm 2021 của vùng đạt 60,1 tạ/ha, sản lượng lúa 24,312 triệu, chiếm tới 55,4% sản lượng lúa cả nước, giá trị khoảng 77.459 tỷ đồng. Trong đó, Kiên Giang là tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất, chiếm 18,5% sản lượng lúa của nước [4,509 triệu tấn] với giá trị 11.287 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cây ăn trái của vùng với diện tích lớn thứ hai sau lúa. Năm 2021, diện tích cây ăn trái đạt 400 nghìn ha, chiếm gần 40% diện tích cả nước. Sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60% cả nước, trong đó dừa lớn nhất với 1,505 triệu tấn. Giá trị sản xuất của cây ăn trái 48.651 tỷ đồng, chiếm 48% giá trị sản xuất cây ăn trái cả nước.

Đáng chú ý, thủy sản cũng là một trong những thế mạnh của vùng. Năm 2021, sản lượng thủy sản của vùng đạt 4,79 triệu tấn, chiếm tới 55,7% sản lượng thủy sản của cả nước; giá trị sản xuất thủy sản đạt 182.250 tỷ đồng. Trong đó, riêng diện tích nuôi trồng 806 nghìn ha, sản lượng nuôi trồng 3,37 triệu tấn, chiếm tới 69,5% sản lượng nuôi trồng của cả nước. Các sản phẩm đa dạng, trong đó sản phẩm chính là cá tra và tôm sú. Cùng với nuôi trồng, sản lượng khai thác năm 2021của vùng đạt 1,48 triệu tấn, chiếm 40,4% tổng sản lượng cả nước.

Ngoài ra, trên lĩnh vực chăn nuôi, năm 2021, sản lượng thịt lợn xuất chuồng của vùng đạt 450 nghìn tấn, chiếm 10,9% sản lượng thịt lợn cả nước. Với chăn nuôi gia cầm, năm 2021 đạt 324 nghìn tấn, chiếm 16,9% sản lượng của cả nước.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL [Ảnh: B.T]

Còn nhiều thách thức cho sản xuất nông nghiệp

Bên cạnh những kết quả nổi bật, việc phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Một trong số đó có thể kể đến là xâm nhập mặn. Theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường dựa vào mực nước biển dâng và sự thay đổi dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Công, trong 50 năm tới, khoảng 47% diện tích của ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4 phần nghìn và có tới 64% diện tích ảnh hưởng bởi độ mặn 1 phần nghìn. Vùng thuộc bán đảo Cà Mau là vùng bị nhiễm mặn nghiêm trọng nhất.

Với hệ thống hạ tầng kiểm soát lũ, mặn và thâm canh lúa hiện nay tại ĐBSCL, một số vùng đang gặp các khó khăn về úng ngập cục bộ do không tiêu thoát được nước khi cùng lúc triều cường dâng cao và dòng chảy xuống lũ lên nhanh. Một số khu vực thuộc bán đảo Cà Mau tiếp tục có nguy cơ thiếu nước ngọt mùa khô ngày càng nghiêm trọng khi xa các nhánh sông lớn.

Cùng với đó, việc hệ thống canh tác thâm canh lúa và thủy sản thiếu xử lý chất thải làm ô nhiễm nguồn nước mặt [kể cả nước mưa] dẫn đến phải tăng cường khai thác nước ngầm và tiếp tục gây sụt lún.

Đáng chú ý, trong quá trình mở rộng thị trường và hội nhập sâu rộng, bên cạnh cơ hội, còn mang lại các thách thức về các biến động khó lường của thị trường, nhất là giá cả. Đây cũng là một trong những thách thức cho nông sản của vùng ĐBSCL. Ngoài ra, khi hội nhập sâu rộng, Việt Nam phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt hơn đối với hàng hóa xuất khẩu. Hội nhập cũng đồng nghĩa với việc mở rộng hơn thị trường trong nước và chấp nhận cạnh tranh ngay tại nội địa. Thách thức này đối với ĐBSCL càng lớn hơn một phần do năng lực dự báo, cung cấp thông tin, quản lý thị trường, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Thứ nữa, việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất nông lâm thủy sản còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Kinh tế hộ tại vùng vẫn là chủ lực, sản xuất quy mô nhỏ vẫn phổ biến. Kinh tế trang trại chưa trở thành động lực để thúc đẩy hộ gia đình vươn lên sản xuất lớn.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ tại vùng còn nhiều, trong khi đó sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ ít đã ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Ưu tiên mở rộng tín dụng và đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị

Theo Bộ NN&PTNT, đến năm 2025, toàn vùng ĐBSCL phấn đấu tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm. Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông lâm thủy sản đạt trên 5%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%.

Cùng với đó, tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững đạt trên 20%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn được xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch đạt 50%. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường đạt trên 30%,…

Nhằm khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đạt được các mục tiêu đề ra cho vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tập trung đổi mới chính sách đất đai, cho phép xây dựng cơ chế đặc thù để thúc đẩy chuyển đổi, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi đất lúa, nhất là những vùng chuyển đổi từ thâm canh lúa 3 vụ sang hình thức canh tác khác.

Ưu tiên mở rộng tín dụng và đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị cho hộ nông dân, kinh tế tập thể, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ logistics hỗ trợ nông nghiệp.

Đồng thời, đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nông dân, tổ chức kinh tế tập thể và doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho phát triển nông nghiệp của vùng. Trong đó, đối với nguồn ngân sách Trung ương, sẽ xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm, cân đối và có kế hoạch cụ thể đối với các công trình hạ tầng thiết yếu cấp vùng và tiểu vùng. Ưu tiên đầu tư vào hiện đại hóa các công trình thủy lợi cấp vùng và tiểu vùng ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp.

Ngoài ra, tập trung thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đối với việc xây dựng hạ tầng giao thông huyết mạch; xây dựng hạ tầng các trung tâm hậu cần - vận chuyển; xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp chế biến sâu sản phẩm và các phụ phẩm tại các thành phố lớn; xây dựng hạ tầng tại các cụm công nghiệp - dịch vụ tại các vùng trung tâm của vùng chuyên canh chủ lực.

Thêm một giải pháp được Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, đó là phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp của vùng. Trong đó, phối hợp với Hội Nông dân và các hiệp hội ngành hàng xây dựng Chương trình đào tạo nông dân chuyên nghiệp. Xây dựng Chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, tổ chức quản lý nhà nước và dịch vụ công trong ngành nông nghiệp tại ĐBSCL.

Ngoài ra, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu để hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, chế biến nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL./.

BT

Video liên quan

Chủ Đề