Hết tuổi lao động là bao nhiêu theo luật mới

Độ tuổi lao động là một trong những căn cứ quan trọng để xác định người lao động có đủ điều kiện ký hợp đồng hay không. Vậy theo quy định hiện nay, độ tuổi lao động ở Việt Nam là bao nhiêu?

Hết tuổi lao động là bao nhiêu theo luật mới

1. Giới hạn độ tuổi lao động ở Việt Nam là bao nhiêu?

Theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận. Người này được trả lương nhưng đồng thời phải chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Về độ tuổi lao động, khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ:

Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này.

Trong đó, độ tuổi lao động tối thiểu của hầu hết các ngành nghề, công việc là 15 tuổi. Với một số ngành nghề, công việc nhẹ nhàng thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thì người sử dụng lao động được phép tuyển dụng cả những người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi (theo khoản 3 Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019).

Riêng công việc về nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người lao động dưới 13 tuổi và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý cho phép tuyển dụng thì người sử dụng lao động có thể sử dụng người lao động chưa đủ 13 tuổi để thực hiện các công việc kể trên (theo khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2019).

Bộ luật Lao động năm 2019 hiện chỉ giới hạn độ tuổi lao động tối thiểu như trên chứ không giới hạn độ tuổi tối đa. Do đó, nếu người lao động còn đủ sức khỏe để thực hiện công việc, đồng thời người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng thì các bên hoàn toàn có thể ký hợp đồng lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

2. Sử dụng lao động chưa thành niên phải chú ý gì?

Theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019, lao động chưa thành niên là những người lao động chưa đủ 18 tuổi.

Căn cứ mục 1 Chương XI Bộ luật Lao động năm 2019, khi tuyển dụng họ vào làm việc, doanh nghiệp phải chú ý một số vấn đề sau:

- Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc bị cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi.

- Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

- Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.

* Ký hợp đồng lao động:

- Ký hợp đồng với người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.

- Ký hợp đồng với người chưa đủ 15 tuổi phải có chữ ký của người lao động và người đại diện theo pháp luật của người đó.

* Điều kiện làm việc:

- Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;

- Đảm bảo người chưa đủ 15 tuổi có đủ sức khỏe để làm việc (phải có giấy khám sức khỏe xác nhận phù hợp với công việc) và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng/lần.

- Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

- Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi: Tối đa 04 giờ/ngày và 20 giờ/tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

- Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi: Tối đa 08 giờ/ngày và 40 giờ/tuần; có thể được làm thêm giờ, làm ban đêm với một số nghề, công việc.

3. Tuyển dụng lao động cao tuổi phải lưu tâm điều gì?

Theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu.

Căn cứ mục 2 Chương XI Bộ luật Lao động năm 2019, khi thuê lao động cao tuổi, doanh nghiệp phải đặc biệt chú ý những quy định sau:

- Người lao động có quyền thỏa thuận để rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

- Các bên có thể ký nhiều lần hợp đồng lao động có thời hạn chứ không bắt buộc ký hợp đồng không xác định thời hạn.

- Không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đang hưởng lương hưu mà đi làm. Thay vào đó, trả thêm cho người lao động số tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động vào mỗi kỳ trả lương,

- Không được thuê lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi nếu không bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường vào năm 2023 đối với nam là từ đủ 60 tuổi 9 tháng, với nữ là từ đủ 56 tuổi.

Hết tuổi lao động là bao nhiêu theo luật mới

Độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường vào mỗi năm.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Độ tuổi này áp dụng đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường. Đồng thời, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm như trên chỉ áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Hiện nay theo quy định, thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.