Hóa chất hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày

Cách điều trị viêm loét dạ dày là một trong những câu hỏi được quan tâm bởi sự nguy hiểm của bệnh. Người bệnh thường có những triệu chứng như cơn đau thượng vị, đi kèm với ợ chua, nóng rát ở cùng vị trí. Viêm loét dạ dày thường là hậu quả của lối sinh hoạt không lành mạnh, thói quen ăn uống không điều độ, và có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Bị viêm loét dạ dày có sao không?

Viêm loét dạ dày là những tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày. Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc của dạ dày bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày sẽ bị lộ ra.

Bệnh thường xảy ra ở những người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Helicobacter pylori [H.pylori] là xoắn khuẩn được tìm thấy trong niêm mạch dạ dày. Tác nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày và liên quan bệnh ung thư dạ dày. Viêm loét dạ dày là bệnh không quá nguy hiểm và có thể điều trị dứt điểm, tuy nhiên bệnh có nguy cơ tái phát cao. Nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ, bạn có thể điều trị viêm loét dạ dày tại nhà bằng cách sử dụng các thuốc trung hòa dịch vị. Nhưng biện pháp an toàn và hiệu quả nhất là nên đến thăm khám và điều trị trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa. [1]

Ở những trường hợp viêm loét dạ dày mạn tính kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm làm giảm đáng kể sức khỏe của hệ tiêu hóa và có thể nguy hại đến tính mạng người bệnh. Một số biến chứng của viêm loét dạ dày gồm:

  • * Xuất huyết tiêu hóa trên: Biến chứng phổ biến của viêm loét dạ dày là xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh sẽ có những biểu hiện như đau thượng vị, nôn ra máu đỏ tươi hoặc máu bầm, tiêu phân có màu đen hoặc tiêu máu, hạ huyết áp, choáng váng.
  • * Thủng dạ dày: những vết loét có kích thước lớn và sâu có khả năng thủng. Biến chứng này biểu hiện bởi những cơn đau thắt đột ngột với cường độ lớn, người bệnh thường vã mồ hôi, tăng nhịp tim, hạ huyết áp cần được cấp cứu kịp thời.
  • * Hẹp môn vị: Loét dạ dày có thể làm ngăn cản quá trình vận chuyển thức ăn của hệ tiêu hóa do tình trạng hình thành các mô viêm xơ gây hẹp lòng dạ dày. Triệu chứng của người bị hẹp môn vị dạ dày gồm buồn nôn, nôn ra thức ăn cũ, đầy bụng, khó tiêu, đau thượng vị, sụt cân.
  • * Ung thư dạ dày: những ổ loét dạ dày ở các vị trí như bờ cong nhỏ dạ dày, kích thước lớn trên 2cm, kém đáp ứng điều trị ban đầu sẽ có nguy cơ ung thư dạ dày cao.

Cách điều trị viêm loét dạ dày

1. Dùng thuốc trị viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày thường được điều trị bằng thuốc, phổ biến là nhóm thuốc giảm tác động acid và nhóm thuốc tăng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Một số loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày:

  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Thuốc trung hòa acid dịch vị
  • Thuốc ức chế thụ thể histamin H2
  • Thuốc ức chế thụ thể choline

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh đối với những bệnh nhân viêm loét dạ dày có nhiễm Helicobacter Pylori. Thuốc kháng sinh đóng vai trò diệt vi khuẩn Helicobacter Pylori, giúp người bệnh giảm thiểu nguy cơ gặp các biến chứng. Điều trị Helicobacter Pylori cần phối hợp ít nhất hai kháng sinh đường uống và một thuốc ức chế axit dạ dày, thời gian điều trị trung bình là 14 ngày. Các thuốc kháng sinh thông dụng thường được chỉ định để điều trị viêm loét dạ dày có nhiễm Helicobacter Pylori gồm:[2]

  • Amoxicillin
  • Tetracycline
  • Metronidazole
  • Tinidazole
  • Fluoroquinolone

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định đối với những trường hợp nặng có biến chứng hoặc người bệnh không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.

Một số phương pháp phẫu thuật thường gặp là:

  • Thủ thuật cắt dây thần kinh phế vị
  • Phẫu thuật cắt một phần dạ dày
  • Phẫu thuật cắt một phần hai dạ dày
  • Phẫu thuật cắt ba phần tư dạ dày.

Những đối tượng được bác sĩ cân nhắc chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày: người mắc những biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày như thủng dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày.

Cách điều trị viêm loét dạ dày tại nhà

Viêm loét dạ dày cũng có thể được điều trị tại nhà trong trường hợp bệnh nhẹ không quá nghiêm trọng, xảy ra với tần suất thấp. Người bệnh có thể cải thiện triệu chứng viêm loét dạ dày tại nhà bằng cách thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng phù hợp.[3]

1. Thay đổi cách ăn uống

Chế độ dinh dưỡng không phải là phương pháp điều trị viêm loét dạ dày trực tiếp. Tuy nhiên, đây là một công cụ hỗ trợ tối ưu cho người bệnh viêm loét dạ dày, giúp hồi phục tổn thương và cải thiện hệ tiêu hóa.

Những loại thực phẩm nên có mặt trong chế độ dinh dưỡng của người bị viêm loét dạ dày gồm:

  • * Rau quả giàu flavonoid: Các thực phẩm như táo, hành, gừng, trà xanh là những loại quả chứa hàm lượng flavonoid cao, có khả năng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter Pylori.
  • * Thực phẩm chứa vi khuẩn có lợi: Sữa chua, miso được xem là những thực phẩm giàu lợi khuẩn. Lợi khuẩn giúp tăng cường khả năng miễn dịch của hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày.
  • * Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ trong thực phẩm có công dụng làm giảm lượng acid bên trong dạ dày, đồng thời giúp người bệnh thuyên giảm các cơn đau hoặc đầy hơi. Bạn có thể bổ sung táo, lê, bột yến mạch vào trong bữa ăn của mình để có một hệ tiêu hóa tốt.
  • * Vitamin A: Khoai lang là một thực phẩm lý tưởng chứa nhiều vitamin A. Loại vitamin này có thể giúp hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày bằng cách làm giảm tình trạng nghiêm trọng của những vết loét. Hơn nữa, vitamin A còn giúp hạn chế viêm loét dạ dày tái phát. Ngoài khoai lang, bạn có thể tìm thấy vitamin A ở trong những thực phẩm như rau bina, cà rốt, dưa lưới và gan bò.
  • * Vitamin C: Vitamin C là một chất đóng vai trò quan trọng trong làm lành các vết thương. Đối với người bệnh viêm loét dạ dày, vitamin C giúp hỗ trợ làm lành những vết loét và tăng cường sức đề kháng. Các loại trái cây như ổi, cam, quýt, kiwi là những thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C cao. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung rau mồng tơi và bông cải xanh vào danh sách chất xơ để bổ sung vitamin C tối ưu.

Những loại thực phẩm mà người bệnh viêm loét dạ dày không nên hoặc hạn chế sử dụng không để bệnh phát triển nghiêm trọng hơn gồm:

  • * Rượu bia và thức uống có cồn: Rượu bia là nguyên nhân gây ra kích thích đường tiêu hóa, thậm chí là làm suy giảm sức khỏe tiêu hóa. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người đang bị hoặc đang điều trị viêm loét dạ dày không được sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có cồn. Với người khỏe mạnh cũng không nên lạm dụng để hạn chế bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • * Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Hệ tiêu hóa cần nhiều thời gian để xử lý những thức ăn có nhiều dầu mỡ hơn. Vì vậy, khi bạn đang bị viêm loét dạ dày, bác sĩ khuyến cáo bạn không nên ăn thức ăn dầu mỡ để tránh tình trạng kích thích dạ dày, ảnh hưởng đến những vết loét vốn có.

2. Thay đổi lối sinh hoạt

Người bệnh viêm loét dạ dày cần chú ý xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh không chỉ để rút ngắn quá trình điều trị viêm loét dạ dày mà còn có thể cải thiện được sức khỏe hiệu quả.

Vận động và luyện tập thể dục đều đặn giúp cho người bệnh tăng cường sức đề kháng, giữ sức khỏe được duy trì ở mức ổn định. Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn uống đúng giờ để hỗ trợ điều hòa chức năng và hoạt động co bóp của dạ dày. Hạn chế được các cơn đau do co thắt dạ dày.

Ngoài ra, người bệnh cũng bảo vệ tốt sức khỏe tâm thần của chính mình, tránh gặp phải những vấn đề như căng thẳng, mất ngủ. Sự liên kết giữa thần kinh và hệ tiêu hóa sẽ khiến tình trạng dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh có tình trạng sức khỏe tâm thần không ổn định.

3. Dùng các loại thực phẩm tốt cho dạ dày hỗ trợ chữa bệnh

Đối với việc chữa viêm loét dạ dày tại nhà, bạn có thể tham khảo qua những thực phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày. Phương pháp này được ưu tiên sử dụng cho những người bị viêm dạ dày nhẹ, với cường độ cơn đau thấp.

Một số thực phẩm tốt hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày như:

  • * Nghệ vàng và mật ong: Nghệ và mật ong có công dụng kháng viêm, hỗ trợ lành vết loét được sử dụng ở những bệnh nhân viêm dạ dày. Không chỉ giúp làm giảm đầy hơi, nghệ vàng và mật ong cũng hỗ trợ tăng cường lợi khuẩn cho đường ruột.
  • * Nha đam: Nha đam được biết đến là thực phẩm có lợi cho sức khỏe với công dụng chữa lành những vết viêm ở dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa và ức chế nồng độ acid trong dịch vị dạ dày. Để hỗ trợ điều trị viêm dạ dày, bạn có thể sử dụng phần thịt của nha đam thành nước uống.
  • * Hỗ trợ điều trị viêm dạ dày bằng quả sung: Sung có khả năng hỗ trợ điều trị viêm dạ dày tại nhà vì có chứa những thành phần như phosphor, kali, glucose, vitamin, malic acid. Đây đều là những hợp chất có công dụng hỗ trợ làm lành các vết viêm loét ở dạ dày. Người bị viêm loét dạ dày có thể uống bột sung pha với nước ấm để cải thiện sức khỏe dạ dày và hệ tiêu hóa.

Lưu ý khi dùng các thực phẩm tự nhiên

Các thực phẩm tự nhiên được khuyến khích sử dụng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày cho những trường hợp bệnh nhẹ, không quá nghiêm trọng vì các nguyên liệu dễ tìm và chi phí hợp lý. Ở những bệnh nhân trên 40 tuổi, có biểu hiện nuốt nghẹn, nuốt vướng, sụt cân, tiêu phân đen, ói máu… cần đến thăm khám ngay và điều trị tại bác sĩ chuyên khoa.

Hơn nữa, người bệnh cần chú ý những triệu chứng và sự thay đổi sức khỏe của bản thân. Đặc biệt, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc các triệu chứng không cải thiện, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám chuyên sâu với bác sĩ ngay lập tức.

Viêm loét dạ dày có chữa khỏi được không?

Bệnh viêm loét dạ dày là một bệnh tiêu hóa không quá nghiêm trọng. Viêm loét dạ dày ở giai đoạn cấp tính hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm bằng cách dùng thuốc với mức chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý và chăm sóc sức khỏe tiêu hóa và phòng ngừa bệnh tái phát nhiều lần. Viêm loét dạ dày nếu tái phát nhiều lần hoặc kéo dài không được chữa trị sẽ có nguy cơ diễn tiến mạn tính. Những trường hợp viêm loét dạ dày mạn tính tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm có ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa [BVĐK Tâm Anh TP.HCM] và Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy [BVĐK Tâm Anh Hà Nội] là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về gan từ nhẹ đến nặng [gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính, xơ gan, ung thư gan…]. Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về gan với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:

Viêm loét dạ dày là những tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày. Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc của dạ dày bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày sẽ bị lộ ra. Từ đó gây cho người bệnh những triệu chứng và cơn đau thắt khó chịu. Có rất nhiều cách điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả. Người bệnh có thể lựa chọn điều trị viêm loét dạ dày tại nhà nếu các triệu chứng nhẹ.

Tuy nhiên, bạn cần đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa khi các cơn đau cường độ cao xuất hiện liên tục hoặc bệnh tái phát nhiều lần. Các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám chuyên sâu và chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả với tình trạng sức khỏe của bạn.

Chủ Đề