Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi

Tết Trung thu là dịp tuyệt vời nhất để tổ chức trò chơi Trung thu truyền thống, vui nhộn cho thiếu nhi. Việt Nam chúng ta có rất nhiều trò chơi truyền thống vui nhộn, vậy trò chơi dân gian nào là thích hợp? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn Top 14 trò chơi truyền thống cho thiếu nhi dịp Tết Trung thu.

Ý nghĩa của đêm rằm Trung thu

Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm (tức ngày 15) tháng Tám âm lịch hằng năm. Tết Trung thu ở Việt Nam không biết có từ bao giờ bởi không có một sử liệu nào nói về nguồn gốc của ngày rằm tháng Tám ở Việt Nam. Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam đã có từ thời xa xưa.

Trải qua hàng ngàn năm, trăng tròn được xem là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên. Theo phong tục của người Việt, mỗi dịp đêm rằm Trung thu hằng năm, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Tết Trung thu mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân

Không những thế, khi đêm xuống, trẻ em được vui chơi các trò chơi trung thu mang tính dân gian như: múa lân, rước đèn, kéo co, bịt mắt bắt dê, trốn tìm… Còn người lớn thì tụ họp ăn bánh, uống chè, ngắm trăng, trò chuyện, tận hưởng khoảnh khắc trăng tròn trong đêm rằm Trung thu.

Đêm rằm Trung thu còn mang ý nghĩa to lớn hơn khi là dịp để dự đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu như trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó dự đoán sẽ có thiên tai và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị, thái bình.

Top 13 trò chơi Trung thu ý nghĩa trong đêm trăng rằm

1. Trò rước đèn

Chiếc đèn ông sao là hình ảnh gắn liền với đêm trăng rằm và là hoạt động mà thiếu nhi yêu thích và mong chờ nhất. Không khí đêm trăng rằm sẽ nhộn nhịp hơn biết bao khi đám trẻ nhỏ nắm tay nhau rước đèn khắp xóm làng, đường phố với vẻ mặt vui vẻ, hạnh phúc.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Chiếc đèn ông sao là hình ảnh gắn liền với đêm trăng rằm

Ngoài chiếc đèn ông sao năm cánh truyền thống, giờ đây đã có nhiều đèn Trung thu được biến tấu với vẻ ngoài độc đáo, khác biệt như đèn con cá, đèn ông sư,… Dường như trò rước đèn đã trở thành trò chơi tuổi thơ tươi đẹp của biết bao thế hệ người Việt Nam chúng ta.

2. Trò múa lân

Theo dân gian, múa lân trong đêm Trung thu tượng trưng cho đất nước thái bình, thịnh trị, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sẽ thật tuyệt vời nếu trò múa lân là tiết mục mở đầu cho đêm rằm Trung thu với nhiều trò chơi vui nhộn và các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Múa lân luôn là trò chơi mà các em háo hức mong đợi mỗi dịp Trung thu về

Đối với thiếu nhi, trò múa lân luôn là trò chơi Trung thu mà các em háo hức mong đợi mỗi dịp thu về. Để giúp trẻ thực hiện được những động tác múa lân đẹp mắt thì ba, mẹ hoặc thầy, cô cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ múa lân và hướng dẫn cho trẻ những động tác múa lân vui nhộn.

3. Thi làm đèn Trung thu

Có một sự thật đáng buồn là hiện nay, những chiếc đèn Trung thu truyền thống dường như ít xuất hiện hơn mà thay vào đó là những chiếc đèn Trung thu điện tử, lấp lánh và xa xỉ. Trò chơi thi làm đèn Trung thu là trò chơi giúp các thế hệ trẻ ngày nay lưu giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của thế hệ trước.

Việc dạy và hướng dẫn thiếu nhi làm đèn Trung thu là hành động đơn giản để có thể tổ chức ở bất cứ nơi đâu. Trẻ em sẽ rất vui vẻ và hạnh phúc với những chiếc đèn Trung thu mà mình tự tay làm, phần nào rèn luyện cho trẻ sự khéo léo, nhanh nhẹn trong hành động.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Thi làm đèn Trung thu là trò chơi giúp thiếu nhi lưu giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của thế hệ trước

Bên cạnh đó, đây cũng là một hành động có ý nghĩa đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có thể tự làm cho mình chiếc đèn Trung thu ấn tượng và có một đêm Trung thu vui vẻ như bạn bè đồng trang lứa. Mặc dù có thể nó không đẹp bằng đèn bán sẵn, nhưng trẻ chắc chắn sẽ thích và trân trọng.

4. Thi múa hát

Bất kỳ cuộc vui nào cũng không thể thiếu được những tiết mục văn nghệ đặc sắc, đặc biệt là đêm rằm Trung thu. Hãy tổ chức những cuộc thi múa hát trong đêm rằm Trung thu để trẻ có thể tự do thể hiện năng khiếu của bản thân và tạo không khí sôi động cho đêm rằm tháng Tám.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Các tiết mục văn nghệ là phần không thể thiếu trong các đêm hội Trung thu

Ngoài việc thể hiện năng khiếu và tạo bầu không khí sôi động cho đêm trăng rằm, trẻ em còn có thể rèn luyện các kỹ năng đứng trước đám đông, giúp trẻ thoải mái vui chơi, bỏ qua sự nhút nhát, rụt rè của bản thân để tự tin trình diễn tiết mục văn nghệ của mình.

5. Trò bịt mắt đập niêu

Bịt mắt đập niêu là trò chơi Trung thu của dân gian thường xuất hiện trong các lễ hội lớn. Do vậy, nếu muốn tổ chức một trò chơi hoàn toàn mới mẻ cho trẻ, bạn có thể tham khảo trò bịt mắt đập niêu. Trò chơi này nêu cao tinh thần đồng đội, giúp trẻ có sự kết nối với bạn bè và những người xung quanh.

Cách chơi rất đơn giản, người chơi sẽ chia thành hai . Ở trò này các bậc phụ huynh cũng có thể tham gia cùng với trẻ. Một người lớn sẽ cõng một trẻ bị bịt mắt trên lưng và đi đến chỗ treo niêu. Người bị bịt mắt phải đập vỡ niêu theo sự hướng dẫn của đồng đội bên dưới. Bên nào đập vỡ sớm hơn thì thắng.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Bịt mắt đập niêu là trò chơi dân gian thường xuất hiện trong các lễ hội lớn

Vì là trò chơi tổ chức cho thiếu nhi nên nếu bạn sợ dùng niêu có thể gây nguy hiểm cho trẻ thì có thể thay thế bằng các vật có tính an toàn cao hơn, có thể là thú nhồi bông để đảm bảo an toàn cho mọi người. Có thể nói trò bịt mắt đập niêu sẽ làm cho bầu không khí sôi động hơn bao giờ hết.

6. Bịt mắt bắt dê

Một trò chơi đã quá quen thuộc với hầu hết chúng ta đó là trò bịt mắt bắt dê, đây là trò chơi dân gian quen thuộc có thể tổ chức cho thiếu nhi trong dịp Tết Trung thu. Trò chơi này không chỉ giúp trẻ vận động nhanh nhẹn, mà còn giúp rèn luyện khả năng phán đoán và tư duy cho trẻ.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Bịt mắt bắt dê là trò chơi dân gian quen thuộc

Tất cả trẻ em sẽ nắm tay nhau và đứng thành vòng, bao vây người bị làm sói bị bịt mắt đứng bên trong. Người bị làm sói có thể được chọn thông qua trò oẳn tù tì quen thuộc. Sau đó các trẻ em sẽ cùng hát bài “Bịt mắt bắt dê”, sau khi hát xong, sói sẽ chạy đi bắt dê là tất cả các trẻ.

Nếu sói bắt được dê thì phải đoán được đó là ai, nếu đoán đúng thì sói thắng, còn nếu đoán sai sẽ phải tiếp tục làm sói. Trò chơi này vừa giúp tăng tính đoàn kết của trẻ, vừa làm sôi động bầu không khí. Chắc chắn đây sẽ là trò chơi mà tất cả các trẻ em đều yêu thích.

7. Rồng rắn lên mây

Trò chơi dân gian này chắc chắn đã trở thành trò chơi tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt Nam. Trò chơi vui nhộn và đem đến nhiều tiếng cười sảng khoái cho tất cả trẻ em. Các bạn nhỏ sẽ ôm nhau nối đuôi rồng rắn và hát bài hát “Rồng rắn lên mây” quen thuộc.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Rồng rắn lên mây trò chơi tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt Nam

Sau khi hát xong sẽ hỏi một câu hỏi “Ông chủ có nhà hay không?”. Nếu ông chủ trả lời không thì phải hát lại, còn nếu ông chủ trả lời có thì sẽ hỏi lại “Ông xin khúc nào?”. Số khúc ông chủ trả lời sẽ tương ứng với thứ tự người đứng trong hàng rồng rắn ban đầu.

Tất cả bạn trẻ trong hàng rồng rắn sẽ có nhiệm vụ bảo vệ người bị chọn tránh bị ông chủ bắt được. Nếu ông chủ bắt được người bị chọn thì ông chủ thắng, còn nếu không bắt được thì ông chủ thua. Đây là một trò chơi tuyệt vời để rèn luyện sự đoàn kết cho mỗi trẻ em.

8. Trò chơi trốn tìm

Trò chơi trốn tìm không chỉ được tổ chức ở các ngày lễ đặc biệt như đêm trăng rằm Trung thu mà đây có thể được xem là trò chơi dân gian quen thuộc nhất đối với mỗi thế hệ người Việt. Trò chơi quen thuộc đến nỗi bất kỳ ai cũng biết luật .

Đây là một trò chơi Trung thu đơn giản, không giới hạn số lượng người chơi và không cần bất cứ dụng cụ nào. Sau khi oẳn tù tì để tìm ra người đi tìm, người này phải úp mặt vào vật lớn như bức tường, thân cây sau đó đếm lớn tiếng một dãy số: 5, 10, 15, 20… cho đến 100 thì mở mắt và bắt đầu đi tìm những người khác.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Trốn tìm là trò chơi dân gian quen thuộc nhất đối với mỗi thế hệ người Việt

Trong khi người đi tìm đang đếm thì những người khác sẽ chạy đi tìm chỗ trốn. Trò chơi này có thể kết thúc bằng nhiều cách, khi người tìm phát hiện một người trốn thì có thể hô lớn tên và vị trí của người trốn và người trốn sẽ bị loại.

Một biến thể khác là người trốn dù bị phát hiện nhưng nếu nhanh chân chạy lại đập tay vào vật mà người tìm úp mặt lúc bắt đầu đếm thì coi như "sống". Nếu người tìm chạy về trước và đập tay vào chỗ đếm ban đầu thì người trốn đó bị loại. Người nào trốn được lâu nhất sẽ chiến thắng.

9. Thi làm bánh trung thu

Bạn đừng nhìn vào tên trò chơi và lo lắng rằng đây là một trò chơi khó. Vì hiện nay, các nguyên liệu cũng như khuôn để làm bánh Trung thu đã được bày bán ở nhiều nơi, giúp cho việc tổ chức trò chơi làm bánh Trung thu cho thiếu nhi trở nên đơn giản hơn trước rất nhiều.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Làm bánh trung thu sẽ giúp các bé biết trân trọng giá trị của sức lao động khi tự tay làm bánh

Trong quá trình hướng dẫn cho trẻ làm bánh Trung thu, bạn đừng quên kể cho các bạn nhỏ nghe sự tích về bánh Trung thu để các bé có thể cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của loại bánh truyền thống này. Trò chơi này cũng sẽ giúp các bé biết trân trọng giá trị của sức lao động khi tự tay làm bánh.

Một lưu ý quan trọng khi dạy trẻ em làm bánh đó là chú ý các bé để tránh bị thương hay bỏng, hoặc lãng phí đồ ăn. Bên cạnh đó, cần cẩn thận lựa chọn nguyên liệu kỹ lưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ em và luôn theo dõi các bé để đảm bảo an toàn.

10. Trò chơi mèo đuổi chuột

Đây là trò chơi tập thể, không giới hạn số lượng người chơi nên cần không gian rộng, bằng phẳng, đủ chỗ để các bé chạy nhảy và không có vật cản để đảm bảo an toàn cho trẻ. Lưu ý không được tổ chức ở những nơi nguy hiểm như khu vực gần đường giao thông hay ao, hồ, sông, suối,…

Hai trẻ đóng vai mèo và chuột đứng quay lưng vào nhau ở giữa vòng tròn do các trẻ còn lại nắm tay nhau, giơ lên cao thành một vòng tròn để tạo lối cho mèo và chuột chạy qua. Khi người điều khiển ra hiệu lệnh cho mèo bắt đầu đuổi theo chuột thì chuột chạy và mèo đuổi theo.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Trò mèo đuổi chuột giúp trẻ rèn luyện tinh thần tập thể và đoàn kết

Chuột có thể chạy vào vòng tròn rồi lại chạy ra ngoài qua khoảng trống giữa 2 trẻ. Chuột chạy theo lối nào thì bắt buộc mèo phải chạy theo lối đó. Khi chạy chuột kêu “chít chít” và mèo kêu “meo meo”. Khi mèo bắt được chuột là thằng cuộc, trò chơi lại tiếp tục với hai trẻ khác.

Khi chơi mèo đuổi chuột trẻ phải chạy nhanh, luồn lách qua các bạn khác. Trẻ đóng là mèo thì phải tìm cách bắt được chuột và trẻ đóng làm chuột thì phải chạy thoát. Do dó, trò chơi rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo. Ngoài ra còn giúp trẻ rèn luyện tinh thần tập thể và đoàn kết.

11. Trò chơi kéo co

Trò chơi kéo co là trò chơi có thể giúp trẻ rèn luyện sức mạnh, sự kiên trì, dẻo dai và khả năng phối hợp đồng đội. Trò chơi này thường chơi theo đội, mỗi đội từ 5 - 7 người. Cần lưu ý tổ chức ở nơi rộng rãi, không có vật cản để đảm bảo sự an toàn cho trẻ khi tham gia trò chơi.

Đây không chỉ là trò chơi Trung thu riêng mà còn là trò chơi thường ngày được tổ chức ở mọi sự kiện cho mọi người tham gia.

Để tổ chức trò chơi cần chuẩn bị một sợi dây thừng dài và mềm, sau đó kẻ một vạch để làm ranh giới và ở giữa đoạn dây cũng buộc 1 mảnh vải màu để đánh dấu làm mốc phân thắng thua giữa hai đội. Hai đội chơi sẽ đứng đối mặt nhau ở hai bên vạch theo hàng dọc, tay cầm vào dây.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Trò chơi kéo co giúp nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết của thiếu nhi

Khi có mệnh lệnh của người điều khiển, thường là tiếng còi hoặc tiếng hô “Bắt đầu”. Trong khi hai đội bắt đầu kéo co, đội nào bị kéo ra khỏi vạch ranh giới giữa hai đội là bên đó thua cuộc. Trò chơi này đòi hỏi sức mạnh đoàn kết của cả hai đội.

Đây là trò chơi phối hợp đồng đội, nâng cao tinh thần tập thể rất tốt. Các thầy cô giáo hoặc phụ huynh có thể tổ chức hội thi kéo co trong ngày Tết Trung thu hoặc trong các giờ tập thể dục, giờ giải lao… để nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết của thiếu nhi.

12. Trò đố vui đêm Trung thu

“Cái gì 5 cánh, có nến ở trong, đêm rằm tháng Tám, trẻ con hay cầm là gì thế các em ơi?" - Chú Cuội đố vui các em nhỏ trong đêm trăng rằm tháng Tám.

“Chiếc đèn ông sao” - Các em nhỏ đồng thanh trả lời.

"Đúng rồi, trên tay các em nhỏ trong đêm rằm Trung thu là chiếc đèn ông sao. Các em giỏi quá!"".

Những câu đố vui tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có thể làm cho các bé cảm thấy hào hứng và thích thú, trò chơi đố vui đêm Trung thu rất thích hợp để tổ chức cho thiếu nhi vào đêm rằm tháng Tám. Để tổ chức trò chơi này, bạn nên chuẩn bị các câu hỏi phù hợp với kiến thức của các em về đêm Trung thu.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Trò chơi đố vui đêm Trung thu rất thích hợp để tổ chức cho thiếu nhi vào đêm rằm tháng Tám

Khi các bạn nhỏ trả lời đúng, bạn đừng quên chuẩn bị những phần quà nho nhỏ để khuyến khích tinh thần của các bé. Đó có thể là những chiếc bánh, que kẹo… Với tinh thần ham học hỏi của thiếu nhi, chắc chắn các bạn nhỏ sẽ rất thích thú với trò chơi đố vui đêm rằm Trung thu này.

Trò chơi đố vui đêm Trung thu không những cung cấp cho trẻ em những kiến thức mới về Tết Trung thu, mà còn giúp các bé rèn luyện được kỹ năng suy luận, tư duy và những phần quà nho nhỏ sẽ giúp các bé mạnh dạn trả lời câu hỏi với tinh thần thoải mái, vui vẻ mà trò chơi hướng đến.

13. Thi trang trí mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả tượng trưng cho sự đầy đủ, bình an, là nét truyền thống đặc sắc của người Việt Nam mỗi khi lễ, tết. Mâm ngũ quả Trung thu được bày biện với các loại trái cây mùa thu, đầy đủ màu sắc thể hiện tính cân bằng trong vũ trụ. Hiện nay, người ta bày mâm ngũ quả còn thêm vào các loại trái cây vùng miền cho mâm quả thêm sinh động.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi
Trang trí mâm ngũ quả là trải nghiệm thú vị của các bạn thiếu nhi

Và chắc hẳn trang trí mâm ngũ quả là trải nghiệm thú vị mà các bạn thiếu nhi hiếm khi có được, đặc biệt là dịp Tết Trung thu. Để tổ chức cuộc thi trang trí mâm ngũ quả cho trẻ em, bạn nên lựa chọn những cách trang trí đơn giản và dễ thực hiện để hướng dẫn các bé.

Sau khi hướng dẫn chi tiết cách trang trí mâm ngũ quả cho các bé, có thể chia các em thành từng nhóm nhỏ và thi đua trang trí mâm ngũ quả. Với khả năng sáng tạo của mỗi em, đây sẽ là trò chơi mà các em sẽ rất hào hứng và thích thú khi được tham gia.

14. Làm Tò he

Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo có trộng ít nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, 1 phần nếp trộn đều, ngâm nước rồi đen xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó người ta  năm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng. Bột có bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen và xanh. Được tạo ra với nhiều hình dáng thú vị khác nhau như: công, gà, trâu, cá,… vừa để chơi, vừa có thể ăn luôn nếu thích.

Hướng dẫn tổ chức trò chơi trung thu cho thiếu nhi

Tò he không chỉ là một nghề mưu sinh hay một món đồ chơi dân gian truyền thống, mà quan niệm ẩn giấu bên trong là những giá trị sâu sắc về cuộc sống. Từng bước sáng tạo trong việc nặn tò he hướng chúng ta đến cái chân, thiện, mỹ. Qua đó, con người học được tính cần cù, sự tinh tế, sắc sảo và biết nâng niu hơn nữa những hạt ngọc của đất, biết yêu thương và quý trọng những giá trị cuộc sống.

Tò he như khúc đồng dao thương nhớ, như một phần không thể thiếu của tuổi thơ nhiều người, nhiều miền quê Việt Nam có sức bền riêng, rất khó mai một… Là thức quà yêu thương gắn bó với tuổi thơ của nhiều người và ở trong những câu đồng dao mẹ thường hay kể:  “Tò he cô bán mấy đồng/Tôi mua một cái cho chồng tôi chơi/ Chồng tôi đánh vỡ đánh rơi/ Tôi mua cái nữa tôi chơi một mình”.

Vậy là bài viết của Chanh Tươi giới thiệu cho bạn về những trò chơi thường được tổ chức trong dịp Tết Trung thu đã khép lại ở Top 14 trò chơi. Mong rằng, qua bài viết này, những bạn đọc còn ít tuổi thì sẽ hiểu hơn về văn hóa dân tộc cũng như các bố mẹ đã có con nhỏ thì cũng sẽ có thêm nhiều thông tin và ý tưởng để tổ chức những trò chơi vui nhộn, gần gũi với văn hóa, truyền thống dân tộc để mang đến những giá trị văn hóa, tinh thần cho con em mình.

Chúc các bạn sẽ có một mùa Trung thu ấm áp bên gia đình cùng những trò chơi Trung thu gần gũi nhưng đầy mới mẻ.