Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

Toàn bộ danh từ phiên âm ở bản gốc của Nguyễn Văn Khỏa được thay thế bằng danh từ gốc trong tiếng Pháp.

Show

Có tham khảo nội dung từ sách tái bản năm 2014 của NXB Văn Học liên kết xuất bản với Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, cùng nhiều nguồn tham khảo khác.

Ebook này không giống hệt với bất cứ bản sách in nào.

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

Ebook này được thực hiện theo dự án “SỐ HÓA SÁCH CŨ” của diễn đàn TVE-4U.ORG

TÁC GIẢ

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

Tác giả Nguyễn Văn Khỏa (1932-1988) từng nhiều năm công tác tại bộ môn Văn học phương Tây, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu văn học của mình, một trong những công trình mà ông đã dành nhiều tâm sức biên soạn là Thần thoại Hy Lạp. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu từng đánh giá: “Trong khoảng năm mươi năm nữa, sẽ không có ai viết được quyển Thần thoại Hy Lạp hay như cuốn của anh Nguyễn Văn Khỏa”. Ngoài Thần thoại Hy Lạp, nhà giáo Nguyễn Văn Khỏa còn có nhiều công trình uy tín đã xuất bản:

- Anh hùng ca của Hômerơ, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1978.

- Từ điển văn học I và II (cùng nhiều tác giả), NXB Khoa học Xã hội, 1983 & 1984.

- Iliát (bút danh Huyền Kỳ), NXB Kim Đồng, 1986.

TÁC PHẨM

Từ bao đời nay, thần thoại Hy Lạp đã trở thành một giá trị vô cùng quý báu của gia tài văn hóa nhân loại. Những nhân vật, điển tích trong đây liên tục được tái sinh, hiện diện, truyền nguồn cảm hứng tới khắp mọi nơi từ triết học, hội họa, điện ảnh cho đến kiến trúc, văn học, thi ca. Cho dù hôm nay, thời đại của niềm tin và tư duy thần thoại đã lùi vào quá khứ, cung điện Olympe của các vị thần hẳn đã dời đến một hành tinh nào khác xa xăm, thì những cái tên như Zeus, Éros, Héraclès... hay Achille vẫn truyền cho loài người những âm hưởng thánh thần để chinh phục ngày mai.

MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU

Thần thoại Hy Lạp, một di sản văn hóa của nhân dân Hy Lạp, từ lâu đã trở thành một giá trị phổ biến vô cùng quý báu của gia tài văn hóa nhân loại. Thật vậy, hiếm có thần thoại của dân tộc nào trên thế giới lại luôn luôn được tái sinh như thần thoại Hy Lạp, lại luôn luôn có mặt trong đời sống hàng ngày như thần thoại Hy Lạp. Ngay trong thời cổ đại, thần thoại Hy Lạp đã “hóa thân” thành thần thoại La Mã. Sự chế biến này của nền văn hóa La Mã gần với nguyên mẫu như sao chép đến nỗi khoa thần thoại học hầu như không có sự phân biệt giữa những vị thần Hy Lạp được đổi tên Latinh với những vị thần Hy Lạp chính cống. Người ta vẫn thường dùng Jupiter (Latinh) đề chỉ Zeus (Hy Lạp), Vénus để chỉ Aphrodite, Minerve để chỉ Athéna, Mars để chỉ Ares và ngược lại. Nói như thế không có nghĩa là thần thoại La Mã chỉ là sự chế biến lại thần thoại Hy Lạp. Thần thoại La Mã cũng có một số sự tích, truyền thuyết về vị thần này, thần khác mang tính chất riêng biệt của mình. Nhưng nhìn chung cái vốn thần thoại gọi là đích thực La Mã ấy không lấy gì làm phong phú, đáng được liệt hạng.

Trong nền văn hóa nhân loại, từ những bức vẽ, bức tượng của các nghệ sĩ thời cổ đại, thời Phục Hưng, thế kỷ thứ XVII, XVIII, XIX và cả thế kỷ XX của chúng ta cho đến một tập khảo luận, một vở kịch, một cuốn truyện... đều đã khai thác đề tài, cốt truyện, nhân vật, sự việc trong thần thoại Hy Lạp. Trong văn chương, trên báo chí, những thành ngữ, điển tích từ thần thoại Hy Lạp được sử dụng phổ biến như một thứ tín hiệu quen thuộc (đương nhiên chúng ta vẫn chưa quen lắm với thứ tín hiệu này), nào Con ngựa thành Troie, Quả táo bất hòa, Chiếc giường Procuste, rồi Tai vua Midas, Thói Narcisse, Gã Satyre... Ấy là chưa kể tên các vì sao, chòm sao, đường phố, rạp hát, công viên, quảng trường, lâu đài, dinh thự, tên hàng hóa, vũ khí, con tàu vũ trụ... cũng lấy từ thần thoại Hy Lạp.

Đọc những tác phẩm của K. Marx, F. Engels, V.I. Lénine, chúng ta thường gặp những ẩn dụ, tỉ dụ bằng thần thoại Hy Lạp. Như vậy thần thoại Hy Lạp không phải là lĩnh vực chuyên môn hẹp của những nhà folklore học, thần thoại học, văn học phương Tây, mà là lãnh vực kiến thức phổ thông trong thế giới hiện đại. Thiếu vốn kiến thức phổ thông này là thiếu một phương tiện để hiểu biết. Tiếp xúc, đối thoại với nền văn hóa phương Tây mà không có vốn kiến thức phổ thông này thì quả là gặp khó khăn không ít. Làm sao lúc nào cũng có, cũng mang theo bên người một cuốn từ điển để tra cứu điển tích này, điển tích khác? Hơn nữa trong việc diễn đạt tư tưởng, một cách viết, một cách nói, việc biết sử dụng những ám dụ, tỉ dụ từ điển tích thần thoại càng làm cho tư tưởng mềm mại hơn, uyển chuyển hơn, duyên dáng hơn, dễ tiếp nhận hơn, nhất là đối với thế giới phương Tây.

***

Thần thoại, tiếng Hy Lạp cổ là Mythologia có nghĩa là một tập hợp, một tổng thể những chuyện kể dân gian truyền miệng với những nội dung mà ngày nay chúng ta coi là hoang đường, kỳ ảo, huyền hoặc. Mythologia được cấu tạo bởi hai từ: mythos và logos. Mythos là truyền thuyết, truyện cổ tích, ngày nay chúng ta dịch là huyền thoại. Logos là ngôn từ chuyện kể. Thật ra lúc đầu mythos mang nghĩa là ngôn từ, sau dần mới chuyển thành truyền thuyết, truyện cổ tích hoặc truyện ngụ ngôn. Còn logos lúc đầu mang nghĩa là lời nói xấu xa, nịnh hót, lời nói tinh quái, sau dần mới chuyển thành ngôn từ, lời nói chân chính, và cuối cùng mang nghĩa là lời nói của văn xuôi hoặc là học thuyết, khoa học. Trong ý nghĩa này, logos đối lập với mythos. Mythos là lời nói của thơ ca, truyền thuyết, truyện cổ tích, nghĩa là lời nói của ảo tưởng, hoang đường, không duy lý, không đáng tin cậy, lời nói chưa có trật tự, ổn định, rõ ràng, minh xác. Còn logos là lời nói của lý trí và chân lý, lời nói của sự ổn định, trật tự, xác thực, đáng tin cậy, lời nói thông minh về bản chất hoặc bản chất sự vật. Quá trình chuyển nghĩa trên đây của mythos và logos diễn ra trong hoàn cảnh xã hội Hy Lạp từ chế độ công xã thị tộc chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ. Với logos, nước Hy Lạp bước vào thời kỳ triết học.

Mythologia, ngoài nghĩa là một tổng thể những mythos, sau được mang thêm một nghĩa nữa là khoa thần thoại học. Sự ra đời thuật ngữ mythologia trên cơ sở kết hợp, gắn liền mythos với logos, biểu lộ một khuynh hướng muốn kéo mythos lại gần với lý trí, chân lý. Bởi vì bản thân huyền thoại cũng có những chuyện chứa đựng chân lý, phản ảnh chân lý, có sự tham gia phần nào của lý trí như là mầm mống của tư duy lý luận. Bởi vì nếu đối lập một cách tuyệt đối mythos với logos thì vô hình trung đi tới chỗ phủ nhận toàn bộ vốn liếng kiến thức của tổ tiên. Mythologia ra đời lãnh nhiệm vụ điều chỉnh lại mối quan hệ đó. Vấn đề là phải trật tự hóa cái vô trật tự, hỗn độn của huyền thoại, tạo ra một sự hài hòa giữa truyền thống huyền thoại vốn mơ hồ, trái ngược, mâu thuẫn, tổ chức chúng lại thành từng hệ, từng khối cho rõ ràng. Trong quá trình ứng tác - biểu diễn, những nghệ nhân dân gian aède và rhapsode, đã từng làm công việc đó. Và khi nước Hy Lạp bước vào nền văn minh của chế độ chiếm hữu nô lệ với sự phân công lao động trí óc và lao động chân tay thì công việc đó chuyển vào tay những người trí thức, những người ghi chép, biên tập lại những chuyện huyền thoại mà tiếng Hy Lạp gọi là: mythographe. Như vậy, với logos, người Hy Lạp không đi đến việc loại trừ, phủ nhận mythos. Họ cảm nhận thấy rằng trong huyền thoại, có chứa đựng, ẩn giấu một ý nghĩa nào đó. Huyền thoại muốn nói lên, nhắn nhủ, khuyên bảo, giáo dục, giải thích cho con người một điều gì đó. Nhà triết học Platon, người đã trục xuất các nhà thơ ra khỏi tác phẩm Nước Cộng Hòa lý tưởng của mình, - nghĩa là trước hết coi những nghệ nhân dân gian cùng với gia tài thơ ca huyền thoại mà họ lưu truyền là vô ích, vô nghĩa - lại cũng là người sử dụng huyền thoại với ý nghĩa ám dụ, tượng trưng để minh chứng cho quan điểm triết học của mình. Thật rõ ràng, một xã hội muốn tiến bước vào văn minh không thể không khẳng định vai trò của logos, nói theo danh từ hiện đại là tư duy lý luận. Đảy là một xu thế tất yếu của tiến trình lịch sử. Nhưng cũng rõ ràng hơn, không phải nền văn minh nhân loại chỉ là tư duy lý luận, chỉ cần đến tư duy lý luận là đủ.

Căn cứ vào sự khảo chứng nói trên của những nhà Hy-Lạp-học, chúng ta có thể rút ra một kết luận: Mythologia trước hết là sự xác nhận giá trị và ý nghĩa của huyền thoại trong đời sống văn hóa của người Hy Lạp. Đương nhiên, giá trị của huyền thoại như thế nào, đến mức nào, vị trí của nó trong đời sống tinh thần tư tưởng ra sao, lại là một vấn đề khác, một vấn đề không phải chỉ đặt ra trong quá trình phát triển của xã hội cổ đại mà còn đặt ra cả với thời hiện đại của chúng ta, một vấn đề đã từng gây nên - và hiện nay vẫn đang gây nên - những cuộc tranh luận, bút chiến sôi nổi, và hiện vẫn đang thu hút tâm trí của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới.

***

Thần thoại, tư duy thần thoại là một hiện tượng mang tính lịch sử - cụ thể như nhiều hiện tượng khác trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Tư duy thần thoại là sản phẩm (đúng hơn, vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả) của một trình độ sản xuất hết mức thấp kém, một trình độ hiểu biết và khống chế những lực lượng tự nhiên hết sức thấp kém của xã hội công xã thị tộc. Những người nguyên thủy, trong khi giải thích, “khắc phục”, khống chế và tạo thành các lực lượng của tự nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng, đã di chuyển chủ nghĩa tập thể thô thiển, chặt chẽ, không chia cắt được của mình vào tự nhiên. Chính sự nhận thức “thiên nhiên và toàn bộ thế giới” như là một cái gì đó để phổ biến của chủ nghĩa tập thể công xã thị tộc đã là nguồn gốc của thần thoại. Người nguyên thủy đã di chuyển những quan hệ công xã thị tộc vào tự nhiên, đồng hóa những quan hệ đó với tự nhiên trong một cách nhìn, một trí tưởng tượng, khái quát sinh động - nghĩa là không phải sự khái quát trừu tượng hóa bằng khái niệm mà bằng hình ảnh, hình tượng. Tự nhiên và toàn bộ thế giới được thần thoại hóa bằng những hình ảnh, hình tượng con người mang tính nết, tính cách của con người. Đó là quá trình mà chúng ta thường gọi là sinh động hóa tự nhiên bằng nhân hình hóa và nhân cách hóa. Quá trình này diễn biến rất phức tạp và lâu dài.

Thần thoại Hy Lạp hình thành trong quãng thời gian lịch sử khá dài. Đó là một quá trình lịch sử từ thời kỳ nền văn minh Mycènes (2000-1100 TCN) đến những buổi thi biểu diễn, đọc, kể anh hùng ca của Homère trong những ngày hội Dionysos... Trong quá trình lịch sử khá dài đó, thần thoại Hy Lạp đã trải qua nhiều giai đoạn. Không kể đến những dấu vết của thần thoại Ấn, Âu nguyên thủy và thần thoại Crète, thần thoại Hy Lạp cho chúng ta biết nhiều nhất về nền văn minh Mycènes. Đọc thần thoại Hy Lạp chúng ta ghi nhận được nhiều chi tiết phù hợp, tương ứng với những dữ kiện khoa học do khảo cổ học và sử học cung cấp. Những nơi diễn ra những sự kiện quan trọng trong thần thoại đều là những địa điểm danh tiếng trong nền văn minh Mycènes: thành Mycènes, quê hương của vị chủ tướng Agamemnon, thành Tirynthe, quê hương của người anh hùng Héraclès, thành Thèbes có bảy cổng, quê hương của người anh hùng Oedipe với chiến công thanh trừ con quái vật Sphinx... Trong anh hùng ca của Homère thường nhắc đến thành “Mycènes đầy vàng” thì trong thực tế khai quật khảo cổ học ở khu vực này chưa từng có nơi nào người ta đào được nhiều vàng như ở Mycènes (14 kg, tính đến trước năm 1952). Thần thoại Hy Lạp đã phát triển từ những cơ sở huyền thoại thời kỳ mẫu quyền ở vùng Thessalie (Bắc Hy Lạp) sang thời kỳ phụ quyền với sự quần tụ huyền thoại quanh ngọn núi Olympe, từ những huyền thoại cổ Titan-Cyclopes sang huyền thoại có tính nghệ thuật: huyền thoại nhân hình, nhân tính, anh hùng. Trong thời kỳ chế độ công xã thị tộc tan rã, thần thoại, với tư cách là niềm tin ngây thơ, kết thúc số phận của mình và chuyển dần sang loại thần thoại triết học tự nhiên. Bước sang chế độ chiếm hữu nô lệ, với tư cách là những hình thức nghệ thuật, thần thoại đóng vai trò khá quan trọng trong việc phục vụ hệ tư tưởng của chế độ chiếm hữu nô lệ (thời kỳ cổ điển), và cuối cùng suy tàn và tiêu vong theo thời cổ đại (thời kỳ Hy Lạp hóa, đế chế La Mã suy tàn). Sự hình thành thần thoại và phát triển thần thoại qua các giai đoạn kể trên diễn ra rất phức tạp. Đó là một quá trình phức hợp, từ chỗ là một hình ảnh, một hạt nhân huyền thoại thô sơ được mở rộng ra, bồi đắp vào, thêm thắt vào, đến chỗ huyền thoại quần tụ lại thành một hệ (cycle) gắn bó với nhau bằng một sự kiện trung tâm. Vì thế, chắc chắn rằng những gì mà chúng ta lưu giữ được hiện nay về thần thoại Hy Lạp chỉ là một phần nhỏ và không phải là thần thoại Hy Lạp ở dạng thái cổ nhất. Trong quá trình phát triển, những lớp thần thoại cũ nhiều khi chỉ đóng vai trò tấm áo ngụy trang, một chiếc mặt nạ, để phục vụ cho sức sống của lớp huyền thoại mới (lớp Pasiphaé, Minotaure trong truyện người anh hùng Thésée).

Mặc dù bị mai một đi khá nhiều, gia tài huyền thoại Hy Lạp còn lại với chúng ta ngày nay vẫn là một di sản phong phú của kho tàng văn học nhân loại. Công lao lưu giữ gia tài thần thoại trước hết thuộc về những nghệ nhân dân gian aède, rhapsode. Những nghệ nhân dân gian này đã đóng vai trò sưu tầm và “nhuận sắc”, thậm chí có thể nói tái tạo huyền thoại trong quá trình biểu diễn... ứng tác lưu động. Nhưng điều may mắn hơn nữa, khi nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời, với sự ra đời của chữ viết, thần thoại Hy Lạp đã được ghi chép lại. Thần thoại Hy Lạp được ghi chép lại, nhưng không phải trong những bản kinh và sự hành lễ thuần túy tôn giáo, điều sẽ làm mất đi tính chất thế tục, hồn nhiên của thần thoại. Thần thoại Hy Lạp được ghi chép lại bằng một con đường khác: con đường biểu diễn văn học nghệ thuật. Đây là một sự tái tạo thần thoại bằng văn học nghệ thuật mà chữ viết chỉ đóng vai trò đầu tiên là phương tiện cho những người nghệ sĩ diễn đạt cảm xúc của mình (đối với hoạt động ứng tác, biểu diễn; trong trường hợp không biểu diễn, chữ viết không cần thiết), và cuối cũng là phương tiện ghi chép, lưu giữ. Tác phẩm nghệ thuật, dù thuộc loại hình nào, muốn tác động đến công chúng cũng phải thông qua hoạt động biểu diễn. Công chúng Hy Lạp xưa kia không ngồi ở nhà đọc anh hùng ca, đọc kịch như chúng ta ngày nay. Ngay đến môn triết học khô khan, văn nghị luận (hùng biện) cứng rắn, đanh thép ở Hy Lạp xưa kia người ta cũng giảng và đọc ở quảng trường, ngã tư đường phố. Giấy và máy in chưa ra đời, việc phổ biến các tác phẩm văn hóa rất khó khăn. Chí một số ít người có điều kiện mới có thể đọc, “sách” được đọc trên những tấm da bò hoặc vỏ cây. Vì thế công chúng Hy Lạp xưa kia đi nghe các nghệ sĩ kể anh hùng ca, nghe đọc thơ, ngâm thơ, xem diễn kịch. Còn đối với nghệ thuật tạo hình thì chữ viết không có một ý nghĩa gì. Nó không phải là phương tiện diễn đạt cảm xúc của nhà điêu khắc. Thần thoại Hy Lạp được tái tạo bằng con đường văn học nghệ thuật, vì thế, như lời K. Marx nói, nó là “vật liệu của nghệ thuật Hy Lạp”, “kho tàng của nghệ thuật Hy Lạp”, “mảnh đất nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp”. Thần thoại Hy Lạp được văn học hóa, nghệ thuật hóa. Còn văn học nghệ thuật thì lại nảy sinh ra từ thần thoại, lại từ cái “mảnh đất nuôi dưỡng” mà cất tiếng ca, cất tiếng hát chào đời, mà lớn lên và trưởng thành. Văn học nghệ thuật cũng được thần thoại hóa, Nếu như trước kia trong thời kỳ công xã thị tộc, thần thoại Hy Lạp trong trạng thái truyền miệng đã là “tự nhiên và các hình thái xã hội được trí tưởng tượng dân gian chế biến đi một cách nghệ thuật - không tự giác”, thì giờ đây lại được trí tưởng tượng của cá nhân người nghệ sĩ chế biến đi một cách nghệ thuật - tự giác. Đó là con đường của thần thoại Hy Lạp đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp: hay nói cách khác, nói ngược lại, xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp - xã hội chiếm hữu nô lệ với cơ chế thành bang (polis) - đã mở đường, trải thảm đỏ để mời thần thoại Hy Lạp từ thời đại dã man tiến bước vào nền văn minh cổ điển của mình. Tuy nhiên, nền văn minh cổ điển Hy Lạp sở dĩ được gọi là văn minh là do ở chỗ trước hết nó khẳng định vai trò của logos với thành tựu lớn nhất, tiêu biểu nhất của nó, là triết học; đánh dấu một bước tiến lớn về trình độ tư duy, về khả năng nhận thức khái quát, trừu tượng của con người bằng lý luận, bằng khái niệm.

Thần thoại Hy Lạp đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp bằng con đường văn học nghệ thuật. Những giá trị nhân văn vốn có của nó chẳng những không bị nhấn chìm trong những nguyên tắc chuẩn mẫu, những giáo điều của hệ tư tưởng tôn giáo, mà lại còn được con mắt của văn học nghệ thuật phát hiện ra và nâng cao lên. Điều đó giải thích cho chúng ta rõ vì sao thần thoại Hy Lạp được đánh giá là giàu tính nhân văn hơn một số thần thoại khác.

Thần thoại Hy Lạp đã đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp vào lúc tư tưởng triết học đã ra đời và phát triển. Ảnh hưởng của tư duy triết học đối với giới trí thức Hy Lạp là rất lớn. Đây là thời đại của logos. Chính vì lẽ đó chúng ta hiểu vì sao thần thoại Hy Lạp giàu tính duy lý, giàu tính triết học. Đọc những vở bi kịch Hy Lạp chúng ta thấy điều đó rất rõ. Những nhà viết bi kịch Hy Lạp mà chúng ta được biết qua tiểu sử đều là những người có học thức sâu rộng. Họ là những người có vốn hiểu biết ở trình độ cao nhất có thể có được ở xã hội Hy Lạp thời đó. Huyền thoại, qua sự tái tạo của họ, sinh động hẳn lên, giàu ý nghĩa hẳn lên. Kịch của họ viết chặt chẽ, hấp dẫn, cho đến ngày nay, từ bố cục đến đối thoại đối với chúng ta vẫn là những mẫu mực, những bài học quý báu. Điều đó cho phép chúng ta rút ra một kết luận: logos - tư duy lý luận, tư duy khái niệm, và mythos - tư duy cảm tính cụ thể, tư duy hình tượng, đã được kết hợp thống nhất, hài hòa để tạo nên những sản phẩm huy hoàng của thời cổ điển.

Trong nghệ thuật tạo hình, vấn đề lại càng rõ ràng hơn nữa. Một sự hiểu biết về xương cốt, cơ bắp con người để thể hiện được hình dáng, phong thái của thân thể con người mà quần áo che phủ bên ngoài chỉ để làm nổi bật lên vẻ đẹp, vẻ khỏe mạnh, uyển chuyển, duyên dáng, hấp dẫn của con người, một sự hiểu biết như thế chắc chắn không thể là một sự hiểu biết cảm tính - mythos. Một sự hiểu biết như thế chỉ có thể là kết quả của tư duy lý luận - logos. Tư duy này đã đúc kết, khái quát thành quy luật về sự cân xứng hài hòa, về tỷ lệ, sự chuyển động trong nghệ thuật tạo hình. Nhà Hy Lạp học André Bonnard đã có những nhận xét hết sức sâu sắc về nghệ thuật tạo hình thời kỳ cổ điển. Những nhận xét này cũng đồng thời soi sáng cho chúng ta về con đường đi độc đáo của thần thoại Hy Lạp.

“... Nghệ thuật Hy Lạp, từ những nguồn gốc của nó cho đến thời kỳ cổ điển thật ra là một quãng đường rất dài, đầy rẫy những trở ngại khác nhau. Những trở ngại khó khăn về kỹ thuật, đúng thế, là sự chuyển hóa (adaptation) của mắt và bàn tay, nhưng cũng còn những trở ngại khác; đó là những tín ngưỡng và những sự mê tín tin vào ma thuật của thời cổ đại còn chất đầy trong đầu óc người nghệ sĩ. Nhưng rồi, kết quả như lời Michelangelo nói: ‘... Con người ta vẽ bằng óc chứ không vẽ bằng tay. Ai mà không có đầu óc tự do thì thật là xấu hổ...’ Chính là trong cuộc đấu tranh với những trở ngại đó mà nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm của mình. Mỗi lần anh ta vượt qua một trong những trở ngại đó là anh ta hoàn thành được một tác phẩm giá trị (...).

Thân hình người đàn ông và người đàn bà đương nhiên là sự thể hiện tốt nhất, đúng nhất hình ảnh các vị thần. Trong khi tạo ra các hình tượng như thế, người nghệ sĩ Hy Lạp đã ban cuộc sống cho những vị thần của nhân dân mình.

Những nhà điêu khắc tiến lên bằng quan điểm đó. Cũng với quan điểm đó, các nhà thơ đã tiến xa hơn họ, còn các vị học giả (savants) lại tiến chậm hơn. Các vị đang nghiên cứu tìm cách diễn đạt một số quy luật của tự nhiên. Những nhà điêu khắc cũng vậy, trong khi tạo ra các vị thần họ đã giải thích thế giới.

Vậy thì sự giải thích này là thế nào? Đó là sự giải thích thần thánh bằng con người. Không có một hình thức nào thể hiện đúng nhất sự thể hiện của thần thánh, sự hiện diện không trông thấy được và không bàn cãi được trong thế giới, bằng thân hình của người đàn ông và người đàn bà. Người Hy Lạp đã biết đến những bức tượng của nền văn minh Ai Cập và Assyrie. Nhưng chưa bao giờ họ nghĩ tới việc diễn đạt thần linh bằng một người đàn bà đầu bò hay một người đàn ông đầu chó sói (chacal). Huyền thoại có thể vay mượn ở Ai Cập một số biện pháp ngôn ngữ nào đó, một số truyện kể và nhân vật nào đó (Thí dụ: Io, con bò cái bị con ruồi trâu châm đốt trong bi kịch Prométhée bị xiềng của Eschyle). Chiếc đục của nhà điêu khắc từ sớm đã lảng tránh những hình thù quái đản đó, ngoại trừ đối với những sinh vật rất gần với những sức mạnh tự nhiên như những Centaure trang trí dưới mái đền Parthénon thể hiện sự tiến công hung tợn của những người Dã Man. Thần, đấy là chàng trai này giản dị và trần truồng. Nữ thần, đó là người thiếu nữ kia ăn mặc đẹp đẽ và có khuôn mặt dễ thương (...).

Và đây là quy tắc (règle): Cái đẹp nhất thì ban cho các vị thần. Còn gì ở trên thế gian này đẹp hơn vẻ trần truồng của một chàng trai hay vẻ duyên dáng của một thiếu nữ ăn mặc lượt là? Đó là điều mà con người hiến dâng cho các vị thần, và đó cũng là cách con người nhìn thấy các vị thần...”

Nhà nghệ thuật học Élie Faure gọi nền điêu khắc của thời kỳ cổ điển là nền điêu khắc triết lý (la sculpture philosophique). Và André Bonnard trong đoạn phân tích sau đây dường như đã giải thích cho chúng ta ý nghĩa triết lý đó:

“... Sự dũng cảm hiện lên trên vẻ bình thản của khuôn mặt. Sự bình thản này nhiều khi bị người ta coi như là một thiếu sót của kỹ thuật, lại là dấu hiệu của hiện tượng con người đã chế ngự được những dục vọng riêng tư của mình, là dấu hiệu của sức mạnh tâm hồn, của sự thanh thản hoàn toàn (la parfaite sérénité) mà xưa kia chỉ các vị thần mới có. Sự thanh thản cổ điển đáp lại nụ cười cổ xưa. Nụ cười này vốn thể hiện niềm vui ngây thơ được sống ở cõi đời này, ở một thời đại còn mang trong mình bao nhiêu gánh nặng của những cuộc đấu tranh và là một thời đại chiến đấu, còn vẻ thanh thản thể hiện sự chế ngự của lý trí đối với dục vọng, và nó như sự hiến dâng của con người cho cộng đồng công dân duy nhất của mình.

Nhưng cái thời đại mới này cũng rất giàu tính người. Nó không phải chỉ hoàn toàn thấm nhuần tính chất thần linh. Thần thánh được nó thể hiện dưới hình dạng người thì ít nhưng con người được nó tán dương tới tầm thước của thần thánh thì lại nhiều hơn.

Không một bức tượng cổ điển nào mà ở đó con người lại không toát lên một niềm tự hào cao cả là đã hoàn thành trung thực cái chức năng con người của nó hay chức năng thần linh của nó.

Chủ nghĩa cổ điển Hy Lạp được xây dựng thành chủ nghĩa hiện thực đã gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa nhân văn. Nó là biểu hiện của một giai cấp đang lên - giai cấp đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh Hy Lạp-Perse (Ba Tư) bằng tinh thần anh dũng của mình, là biểu hiện của một giai cấp vừa thâu tóm lại trong tay những lợi ích xứng đáng với giá trị của nó. Chủ nghĩa cổ điển là thành quả của một cuộc chiến đấu và nó vẫn sẵn sàng chiến đấu...”.

Những gì là ý nghĩa triết lý của nghệ thuật tạo hình Hy Lạp thì trong một mức độ nhất định nào đấy cũng đồng thời là của văn học Hy Lạp. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu ví những vở bi kịch của Sophocle đẹp như những bức tượng cổ điển.

Thần thoại Hy Lạp bằng con đường văn học nghệ thuật đi vào thời kỳ cổ điển đến lượt mình được trả ơn xứng đáng: văn học nghệ thuật của thời kỳ cổ điển cũng đã nuôi dưỡng trở lại thần thoại Hy Lạp bằng tư tưởng nhân văn, bằng ý nghĩa triết lý, bằng tính chất duy lý, bằng hình thức biểu diễn.

Hầu hết những câu chuyện thần thoại còn lại với chúng ta ngày nay đều do những nhà thơ, nhà viết kịch kể lại, sau này là các mythographe. Quá trình kể lại cũng đồng thời là quá trình sắp xếp, biên soạn lại, tái tạo theo một khuynh hướng nào đó. Cùng một câu chuyện về thần Prométhée lấy cắp ngọn lửa trên thiên đình đem xuống cho loài người, nhưng trong thơ ca của Hésiode kể khác, trong bi kịch của Eschyle kể khác. Cùng một câu chuyện Oreste giết mẹ để trả thù cho bố, nhưng vở Choéphores của Eschyle khác với vở Électre của Sophocle, và cả hai đều khác vở Électre của Euripide. Ở một số quốc gia phương Đông, thần thoại không phát triển theo con đường của thần thoại Hy Lạp, nghĩa là nó không được các nhà thơ như Homère, Hésiode, các nhà viết kịch như Eschyle, Sophocle, Euripide kể lại, tái tạo lại. Nó bị những nhà thần học và những người biên soạn nghi lễ tôn giáo (ritualiste) xây dựng lại và giải thích lại. Và khi thần thoại đã bị biến thành một yếu tố cấu thành của hệ tư tưởng tôn giáo thì nó phải tuân theo những quy tắc chuẩn mẫu, những khuôn phép của tôn giáo. Những yếu tố thế tục, hồn nhiên, cái chất người phàm tục và cao thượng, anh hùng và hèn nhát, dễ hiểu, đáng yêu, đáng giận, vốn gần gũi với cuộc sống, vốn là cuộc sống trong thần thoại, bị thanh lọc đi, bị “đưa ra ngoài biên chế” của tôn giáo. Tôn giáo chỉ giữ lại sự sợ hãi, sự khiếp nhược và sự cam chịu khuất phục của con người trước thần thánh. Nó chỉ cần ở con người lòng tin mù quáng, và sức mạnh vạn năng của thần thánh có thể ban phước, giáng họa, điều khiển thế gian và vận mệnh con người một cách tuyệt đối. Còn thần thánh trong tôn giáo thì cũng mất đi tính chất người và những cuộc can thiệp tự do, phóng túng vào cuộc sống của loài người; những cuộc can thiệp “sai nguyên tắc” của tôn giáo làm ảnh hưởng đến tính chất thiêng liêng, cao cả và tuyệt đối phải kính trọng đối với thần thánh. Huyền thoại bị tôn giáo đồng hóa, bị hòa vào tôn giáo. Huyền thoại Hy Lạp may mắn hơn, không bị rơi vào cái tai họa đó. Huyền thoại Hy Lạp được văn học nghệ thuật đồng hóa, được hòa vào trong văn học nghệ thuật.

Nhưng ở Hy Lạp cổ đại cũng có tôn giáo và trong một thời gian khá dài, tôn giáo của người Hy Lạp là đa thần giáo-thần thoại, vậy thì tôn giáo này có ảnh hưởng gì, tác động gì đến thần thoại?

Tôn giáo Hy Lạp hình thành trong một hoàn cảnh khác biệt với các xã hội phương Đông cổ đại. Ở vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, Ấn Độ, những công xã nông thôn không trải qua một quá trình tan rã phân hóa như ở xã hội Hy Lạp. Vì thế những quan hệ cộng đồng thị tộc, bộ lạc được duy trì, bảo tồn qua nhiều năm. Hình thái tôn giáo tôtem của thời kỳ công xã thị tộc do đó được lưu giữ dai dẳng. Những bức tượng của người đàn bà-sư tử, đàn ông-bò mộng, v.v. là thể hiện quan điểm tôtem giáo chuyển hóa, đồng hóa với những quan hệ thị tộc đối với thế giới bên ngoài (động vật, thực vật), nghĩa là tập thể thị tộc, bộ lạc được vật hình hóa bằng hình ảnh một con vật nào đó, còn con vật đó thì lại được nhân hình hóa, nhân tính hóa như một thành viên của tập thể thị tộc, bộ lạc. Những công xã nông thôn ở Hy Lạp trải qua một quá trình đổ vỡ từ bên trong. Ruộng đất bị tư hữu hóa. Quá trình tư hữu hóa ruộng đất cũng là quá trình giải phóng những quan hệ cộng đồng nguyên thủy, quá trình giải phóng những thành viên của thị tộc khỏi những ràng buộc của chủ nghĩa tập thể tự phát thô thiển của thời đại dã man - có nghĩa là con người được lịch sử cắt đứt cuống nhau nối liền với công xã thị tộc, bộ lạc. F. Engels đã nhận xét: “Chỉ nơi nào mà các công xã đó đã tan rã thì nhân dân mới tiến bộ, và sự tiến bộ đầu tiên của họ về kinh tế là ở chỗ tăng gia và phát triển sản xuất bằng lao động theo kiểu nô lệ...”

Thần thoại Hy Lạp hình thành trong một bối cảnh xã hội như thế (Đúng hơn, chính xác hơn, ta phải nói tôn giáo này đã chuyển biến vì những nguyên nhân kinh tế, xã hội như thế). Vì lẽ đó, những tàn dư tôtem giáo còn lại không nhiều trong thần thoại và bị chế biến đi, trong khi đó chất người lại nhiều hơn, phong phú hơn thành một thứ tôn giáo giàu tính thế tục và thẩm mỹ, nếu có thể nói như thế được. Hơn nữa, và đây là điều đặc biệt, tôn giáo này chấp nhận tự do tư tưởng, không thù địch với tự do tư tưởng. Không có những giáo điều nghiêm ngặt, không có đẳng cấp tăng lữ với quyền hành thao túng tạo nên một thứ giáo hội như một nhà nước, một thứ chính quyền của chính quyền, đứng trên chính quyền, có tòa án xét xử những người vi phạm vào những điều ngăn cấm và đức tin tôn giáo. Nhà triết học Xénophane (khoảng 385-473 TCN) có nói: “... Nếu loài vật cũng giống như con người thì ngựa đã quan niệm thần thánh như hình ảnh con ngựa, bò đã hình dung đấng bất tử như hình ảnh của bò”, cũng như Démocrite (thế kỷ V TCN) có thể truyền bá thuyết nguyên tử của mình mà không bị xử tử bằng hình phạt ném đá. Nói như thế không có nghĩa là trong thời kỳ đó không xảy ra một vụ án tự do tư tưởng nào, một vụ án tôn giáo nào, và tôn giáo-thần thoại không biểu hiện sự phẫn nộ đối với một số trường hợp nào đó. Tất nhiên là có, song rất ít, không phổ biến. Các nhà thơ, nghệ sĩ có thể khai thác, cải biên thần thoại một cách tự do mà không bị trừng phạt. Ở Hy Lạp xưa kia có một số trung tâm tôn giáo với những đền thờ lớn như Dodone, Olympe, Delphes, Délos... Những người Hy Lạp, kể cả những nhà cầm quyền tối cao, thường tới những nơi này để xin những lời chỉ dẫn cho hành động của mình, xin những lời tiên báo cho tương lai của đô thị mình, sự nghiệp mình. Nhưng điều rất thú vị là ngay những trung tâm tôn giáo ấy lại là nơi hội tụ không phải chỉ của những tín đồ ngoan đạo mà còn là nơi hội tụ của các lực sĩ Hy Lạp, nghệ sĩ Hy Lạp, văn võ anh tài. Ngày hội lễ tôn giáo cũng đồng thời là ngày thi đấu thể dục thể thao, thi biểu diễn nghệ thuật (Hội Olympiques: thi thể dục thể thao, Hội Đionysos: thi diễn kịch). Tôn giáo-thần thoại ở Hy Lạp gắn bó với những lễ nghi, lễ thờ cúng giàu tính chất thế tục, nhân văn và thẩm mỹ như vậy.

Ở Hy Lạp từ thần thoại cho đến tôn giáo đều không có những chuẩn mực, quy phạm. Chính quyền và những người làm nghề tôn giáo không quy định, cố định hóa tôn giáo-thần thoại thành những văn bản chuẩn mẫu. Tôn giáo-thần thoại và văn học, nghệ thuật-thần thoại cùng “tồn tại hòa bình”. Những bức tượng các vị thần đặt ở đền miếu trang nghiêm để thờ cũng là do những nghệ sĩ sáng tạo, là kết quả của một cá tính sáng tạo tự do, của một cảm xúc chân thực, nồng nàn, phóng khoáng chứ không phải là kết quả của cảm xúc tiên định, siêu hình, phi cá thể của tôn giáo. Nó không bị quy định bởi những chuẩn mẫu, khuôn phép, công thức như phong cách của những bức tượng thờ của Thiên Chúa giáo hay Phật giáo sau này. Nó đa dạng, sinh động, tươi tắn, lạc quan chứ không rầu rĩ, đau khổ, ưu tư, siêu thoát. Và cũng thật là thú vị khi ở đền Delphes, người ta vẫn thấy khắc câu châm ngôn đầy tính triết lý-đạo đức của nhà triết học Socrate ở đầu hồi: “... Hãy hiểu biết ngay bản thân mình...”. Còn đền thờ ở khu vực Olympe thì đúng là một cung văn hóa. Ngoài tượng thờ còn có tượng của các lực sĩ đã đoạt giải vô địch trong các kỳ hội Olympiques.

Một đặc điểm nữa của tôn giáo-thần thoại Hy Lạp là ở mối quan hệ trực tiếp của nó với văn học nghệ thuật. Nó chứa đựng trong bản thân mình một thế giới folklore nhiều đến nỗi ta thật khó tách biệt rạch ròi đâu là folklore (văn hóa dân gian), đâu là tôn giáo. Đúng hơn ta phải nói rằng nó cũng là một hình thái folklore.

Tôn giáo-thần thoại không áp đặt đề tài cho văn học nghệ thuật, không ép buộc văn học nghệ thuật phải minh họa cho hệ tư tưởng của mình, có nghĩa văn học nghệ thuật không bị biến thành đầy tớ, nô lệ ngoan ngoãn của thần học mà mất đi tính độc lập của bản thân mình, điều mà chúng ta sẽ thấy diễn ra ngược lại sau này trong thời trung cổ Thiên Chúa giáo: thần học là thống soái, mọi khoa học đều là đầy tớ, là nô lệ của thần học. Như quả đất xoay quanh mặt trời nhưng đồng thời lại xoay quanh mình nó, văn học nghệ thuật Hy Lạp, trong khi phục vụ cho hệ tư tưởng của chế độ chiếm hữu nô lệ, vẫn đảm bảo được sự phát triển của bản thân mình với tư cách một khoa học độc lập. Chính vì lẽ đó mà sân khấu Hy Lạp, nghệ thuật tạo hình Hy Lạp, cũng như nhiều ngành khác của gia tài văn hóa cổ đại, mới sáng tạo ra được những giá trị bất diệt và mãi mãi là tài sản vô giá của nhân loại. Tôn giáo-thần thoại không áp đặt đề tài cho văn học nghệ thuật, nhưng trong nhiều trường hợp, ở một chừng mực nào đó cấu thành chính ngay loại hình văn học. Thể thơ Hymno có nguồn gốc từ bài ca nghi lễ. Bi kịch ra đời từ hội đồng ca thờ cúng thần Rượu Nho Dionysos với bài ca Dithyrambe. Hài kịch Hy Lạp ra đời từ đám rước thần Rượu Nho Dionysos với bài ca Phallique. Giống như thể dục thể thao là một thành tố trong nghi thức thờ cúng ở hội Olympe, văn học nghệ thuật trong nhiều trường hợp cùng là thành tố trong nghi thức thờ cúng các vị thần. Như vậy đối với văn học nghệ thuật, tôn giáo-thần thoại Hy Lạp đóng vai trò tạo dựng cấu thành các loại hình văn học.

***

Các nhà nghiên cứu chia gia tài tư liệu gốc về thần thoại Hy Lạp ra làm hai loại. Loại thứ nhất là nguồn tư liệu ở tác phẩm văn học (sources littéraires): các bản anh hùng ca, trường ca, thơ, kịch thơ. Loại thứ hai là nguồn tư liệu ở tác phẩm biên khảo (sources érudites) gồm các tác phẩm sưu tầm, biên soạn, bình luận, khảo chứng viết bằng văn xuôi.

Anh hùng ca Homère (Iliade và Odyssée) là tác phẩm văn học cổ nhất ra đời vào quãng thế kỷ IX - VIII TCN, tiếp đó là Thần Hệ (Théogonie) của Hésiode quãng thế kỷ VII TCN, những bài Hymne kiểu Homère (Les Hymnes Homériques) thế kỷ VII-VI TCN. Gia tài bi kịch Hy Lạp mặc dù mất đi khá nhiều nhưng hơn ba mươi vở kịch thơ còn lại cũng là một nguồn tư liệu khá phong phú trong quãng thế kỷ V-IV TCN. Thế kỷ II TCN còn để lại một bản trường ca toàn vẹn: Những người thủy thủ của con tàu Argo (Les Argonauteses) của Apollonios thành Rhodes. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm khác nữa mà chúng ta không thể liệt kê ra đây được.

Nền văn học La Mã cung cấp cho chúng ta hai tác phẩm quan trọng đều ở vào thế kỷ I TCN. Bản anh hùng ca Énéide của Virgile có một quyển (khúc ca) kể lại sự sụp đổ của thành Troie. Trường ca Biến hóa (Les Métamorphoses) của Ovide kể lại nhiều huyền thoại truyền thuyết. Đây là một tác phẩm được đánh giá rất cao về sự phong phú của nội dung, và đặc biệt là quan điểm tiến bộ của việc viết lại huyền thoại. Một tác phẩm quan trọng nữa của nền văn học La Mã nhưng ở vào thế kỷ II là tập Biến hóa của Apulée. Đó là những tác phẩm chính.

Về nguồn tư liệu biên khảo, những tác phẩm sớm nhất là của Hécatée, Acousilaos thành Argos, Phérécyde thành Athènes và Hérodote. Những tác phẩm này ra đời vào quãng thời gian từ cuối thế kỷ VI-V TCN, phần lớn chúng đều bị thất lạc, hiện nay chỉ còn lưu giữ được những đoạn rời rạc. Thế kỷ III TCN, Ératosthène thành Cyrène viết cuốn Biến thành các ngôi sao (tiếng Hy Lạp: Katasterimoi) ghi chép lại chuyện các anh hùng sau khi chết được thần thánh biến thành những ngôi sao. Cũng từ thế kỷ III TCN ra đời các bản sưu tầm, (collections), thực chất là các bản tóm tắt những huyền thoại mà cho đến nay chúng ta còn lưu giữ được chút ít. Đầu thế kỷ II TCN, Nicandre, một nhà văn La Mã, trong một tuyển tập văn xuôi mang tên Biến hóa (Métamorphoses) đã ghi lại nhiều chuyện thần thoại! Chính tác phẩm này đã là ngọn nguồn trực tiếp của tập trường ca Biến hóa của Ovide kể trên. Vào nửa sau thế kỷ II TCN ra đời cuốn Tủ sách (Bibliothèque) của Apollodore, một nhà ngữ văn học của thành Athènes. Cuốn Tủ sách biên tập lại các huyền thoại, truyền thuyết từ thủa khai thiên lập địa cho đến sau cuộc Chiến tranh Troie, chia các huyền thoại ra thành từng hệ lớn. Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm này không phải đích thực của Apollodore mà có lẽ của một tác giả nào đó ở vào thế kỷ I viết lại theo một bản tóm tắt nào đó. Thần thoại trong tác phẩm này chỉ còn là một xác ướp khô quắt, lạnh ngắt. Nhìn chung khuynh hướng của những người ghi chép, biên tập lại huyền thoại (mythographe) là muốn dựng lại huyền thoại theo một trật tự thống nhất, muốn cố định hóa huyền thoại và chuẩn mẫu hóa huyền thoại. Song công việc của họ không thành tác phẩm quý nhất đối với khoa thần thoại. Miêu tả nước Hy Lạp (Description de la Grèce) của Pausanias viết vào nửa đầu thế kỷ II TCN. Giá trị tư liệu của cuốn sách rất lớn. Nhiều truyền thuyết địa phương được ghi lại cho chúng ta một bức tranh trung thực về folklore về các biến thể của nó. Tuy còn nhiều địa phương ở Hy Lạp mà tác phẩm không nói đến, song nhờ vào những bản bình luận, chú giải (scholies) của các nhà học giả thuộc nền văn học Byzance mà khoa thần thoại học có thể bổ sung nhiều điều cần biết.

Những tài liệu biên khảo (scholies) của hai học giả Johannès và Issaac Tzétzès cung cấp cho khoa học rất nhiều sự kiện, trong đó có một số thuộc vào thời kỳ khá cổ, cho nên rất quý. Đó là tóm tắt và lược thuật những nguồn tư liệu gốc của thần thoại Hy Lạp.

Những cuốn thần thoại Hy Lạp và từ điển thần thoại Hy Lạp mà chúng ta sử dụng của các nhà Hy Lạp học Pháp hoặc Xôviết, Anh... trong vốn sách của chúng ta đều biên khảo biên tập, phóng tác lại dựa trên những nguồn tư liệu gốc này.

Lịch sử những lý thuyết về huyền thoại chỉ thực sự bắt đầu từ thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ III TCN). Những cách giải thích này, khác với trước đó, đã đóng vai trò đặt vấn đề, thể nghiệm cho những lý thuyết sau này được xây dựng một cách có lập luận và có phương pháp hơn. Những nhà triết học của thời kỳ Hy Lạp hóa trong khi đánh giá những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết là sự thể hiện những quá trình lịch sử hoặc tự nhiên đã đặt ra vấn đề mới về tương quan giữa huyền thoại với thực tại. Nhìn chung, có thể tóm tắt những lý thuyết về huyền thoại trong thời kỳ cổ đại thành ba loại:

1 - Loại thứ nhất cho rằng huyền thoại là sự phản ánh những hiện tượng tự nhiên hoặc tinh thần, đạo đức bằng hình thức tượng trưng và ám dụ.

2 - Loại thứ hai cho rằng huyền thoại chỉ là sự tưởng tượng dông dài, tùy tiện, vô tích sự của các nhà thơ, hoặc chỉ là sự lừa bịp có ý thức của những người làm nghề tôn giáo, những viên tư tế.

3 - Loại thứ ba cho rằng huyền thoại là lịch sử của những nhân vật kiệt xuất từ thời cổ xưa sau khi được thần thánh hóa (lý thuyết của Évhémère). Sau này khi Thiên Chúa giáo ra đời, lý thuyết của Évhémère đã được Giáo Hội sử dụng để chống lại những dị giáo - đa thần.

Đối với những nhà triết học cổ đại, nhìn chung huyền thoại không được thừa nhận; các nhà duy vật đã đành, nhưng ngay đến cả những nhà triết học duy tâm tin vào việc có một nguyên lý tinh thần tồn tại bên ngoài thế giới vật chất, cũng gạt bỏ huyền thoại.

Thời Trung Cổ, Thiên Chúa giáo là hệ tư tưởng thống trị, huyền thoại Hy Lạp bị kết án, các vị thần Hy Lạp bị coi như là quỹ dữ, đối lập với vị thần đích thực, chân chính, duy nhất là Chúa Cứu Thế.

Thời đại Phục Hưng, với phong trào khôi phục lại gia tài văn học cổ đại, huyền thoại Hy Lạp trở thành một lãnh vực trí thức cần thiết đối với con người có học vấn của thời đại. Huyền thoại Hy Lạp một lần nữa trở thành vật liệu của văn học nghệ thuật, cung cấp cho các nhà văn, thơ, nhà kiến trúc, điêu khắc, hội họa một nguồn đề tài và cảm hứng vô tận để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mà cho đến nay nhiều tác phẩm đã trở thành giá trị vĩnh cửu của nền văn minh nhân loại.

Không riêng gì huyền thoại cổ đại, huyền thoại Thiên Chúa giáo cũng trở thành một kho tàng vật liệu cho sáng tác văn học nghệ thuật. Tuy nhiên điều khác nhau là ở chỗ: huyền thoại Thiên Chúa giáo nằm trong đức tin nghiêm ngặt của tôn giáo, còn huyền thoại cổ đại nằm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Và hai huyền thoại vốn đối lập nhau về cơ bản này, vì lẽ đó, có thể cùng tồn tại trong hòa bình. Công cuộc nghiên cứu huyền thoại cổ đại chỉ đến thời đại này mới bắt đầu.

Lịch sử của việc nghiên cứu huyền thoại cũng như lịch sử các lý thuyết về thần thoại ghi nhận thế kỷ XVIII như thế kỷ có công lao đưa việc nghiên cứu thần thoại tiến lên một bước thực sự khoa học. châu Âu từ trước chỉ biết có thần thoại Hy Lạp, cho đến thời kỳ này đã mở rộng tầm mắt nhìn sang thần thoại Ai Cập, thần thoại các dân tộc ở phương Đông, ở châu Mỹ... và từ đó dẫn đến việc nghiên cứu so sánh thần thoại. Nhà triết học người Ý Giambattista Vico (1668-1744) là người đầu tiên đã có những kiến giải về huyền thoại theo quan điểm lịch sử. Ông chỉ ra rằng huyền thoại được hình thành trong sự cảm thụ trực giác của người nguyên thủy. Thần thánh chẳng qua chỉ là sự sợ hãi và ngu dốt của con người không giải thích được các hiện tượng của tự nhiên.

Chủ nghĩa duy lý trong thời đại Ánh sáng ở Pháp, từ kết luận của Vico, đã đi tới chỗ coi thần thoại như sản phẩm của sự ngu dốt và lừa dối, một thứ mê tín dị đoan lạc hậu và phản động [Bernard Le Bovier de Fontenelle (1657-1757), Francois Maria Arouet tức Voltaire (1694-1778), Denis Diderot (1713-1784), Charles-Louis de Secondat, tức Nam tước xứ La Brède và xứ Montesquieu (1689-1755),...], nhưng ngược lại, nhà thơ Anh James Macpherson (1736-1796), nhà văn và nhà triết học Đức Johann Gottfried de Herder (1744-1803) và khá nhiều nhà nghiên cứu khác coi thần thoại như là sự thể hiện tài năng sáng tạo và trí tuệ tuyệt vời của nhân dân. Ta không thể không nhắc đến vai trò của chủ nghĩa lãng mạn Đức đối với huyền thoại mà đặc điểm nổi bật là sự trân trọng đến mức lý tưởng hóa đối với những sáng tác dân gian. Chính ở Đức trong giai đoạn này đã tiến hành sưu tầm và xuất bản nhiều truyện cổ tích, truyền thuyết... Một trong những người cầm đầu chủ nghĩa lãng mạn Đức là Clemens Bretano (1778-1842) cùng với anh em Grimm [Wilhelm Garl Grimm (1786-1859) và Jacob Ludwig Garl Grimm (1785-1863)]... hình thành một tổ chức nghiên cứu lấy tên là “Trường phái thần thoại”. Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu của thế kỷ XVIII, đặc biệt là của trường phái thần thoại Đức, bước sang thế kỷ XIX nhiều lý thuyết thần thoại ra đời, biểu hiện những cố gắng của những nhà khoa học muốn đem ánh sáng của trí tuệ rọi chiếu vào lãnh vực phức tạp và huyền bí này.

Lý thuyết thần thoại khí tượng-mặt trời với những đại biểu là hai nhà thần thoại học người Đức: Adalbert Kuhn (1812-1881), Max Müller (1823-1900)... giải thích huyền thoại như là sự phản ánh ám dụ tượng trưng những hiện tượng thiên văn và khí tượng. Lý thuyết “thần thoại hạ cấp” mà đại biểu là W. Schwartz và W. Mannhardt... coi huyền thoại như là sự phản ánh bản thân những hiện tượng thông thường trong cuộc sống. Lý thuyết thần thoại-vật linh giáo coi thần thoại là biểu tượng của tâm hồn con người đối với thế giới tự nhiên. Đại biểu của lý thuyết này là nhà thần thoại học người Anh Edward Tylor (1832-1917), nhà triết học tiến hóa luận người Anh Herbert Spencer (1820-1903), Friedrich Lenger... Một lý thuyết được phát triển hết sức rộng rãi và thu hút được khá nhiều sự đồng tình của giới nghiên cứu là lý thuyết ngữ văn-lịch sử. Các nhà nghiên cứu theo trường phái này như Udơnơ, Mônlendơrphơ, V. Belinsky, Giebelep, L. Tolstoy... đã vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ văn học vào việc nghiên cứu huyền thoại. Nhìn chung những lý thuyết thần thoại nói trên xét về chi tiết và cục bộ có những điểm có thể chấp nhận được, nhưng xét về toàn bộ, về cơ bản thì những lý thuyết đó không đủ sức thuyết phục khoa học. Về lập trường, quan điểm, phương pháp nghiên cứu của những nhà khoa học thuộc các trường phái lý thuyết nói trên tuy có khác nhau nhưng lại có một quan điểm chung nhất giống nhau là tất cả đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của trào lưu triết học thực chứng hoặc xã hội học-thực chứng luận.

Một nhà nghiên cứu thần thoại trong thế kỷ XIX mà chúng ta không thể không nhắc đến là Bachofen, người Thụy Sĩ. Mặc dù ông chưa thoát khỏi quan điểm duy tâm thần bí coi tôn giáo như động lực quyết định tiến trình lịch sử thế giới như những kiến giải của ông về huyền thoại Oreste giết mẹ để trả thù cho cha và được xử trắng án như là một huyền thoại phản ánh cuộc đấu tranh thắng lợi của chế độ mẫu quyền là hoàn toàn xác đáng. Cách giải thích của ông đã gắn huyền thoại vào một bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể, một trình độ phát triển nào đó của lịch sử-xã hội nhân loại.

Cống hiến có ý nghĩa lớn lao đối với lý thuyết huyền thoại là những ý kiến của K. Marx và F. Engels. Những ý kiến của Engels viết trong lời tựa cuốn Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước đã giải thích huyền thoại bằng quan điểm duy vật lịch sử và biện chứng. Những ý kiến của Marx trong cuốn Góp phần phê phán chính trị-kinh tế học đã nêu cho chúng ta thấy ý nghĩa lịch sử của huyền thoại: huyền thoại như một hình thái ý thức xã hội đã phản ánh thực tại (tự nhiên và xã hội) với tất cả bản chất năng động của ý thức con người. Marx chỉ ra rằng cái hay, cái đẹp, cái kỳ lạ, huyền diệu của thần thoại là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội trong đó có những điều kiện tất yếu đẻ ra huyền thoại. Đó là trình độ hết sức thấp kém của sản xuất, tri thức khiến cho con người sống gần như phụ thuộc vào tự nhiên, không giải thích được những hiện tượng tự nhiên và xã hội diễn ra trong đời sống hàng ngày. Và khi con người không có khả năng giải thích, khống chế những sức mạnh tự phát của tự nhiên và xã hội bằng năng lực thực tế, khoa học kỹ thuật, thì nó giải thích và khống chế những sức mạnh đó bằng những ảo tưởng thần thoại. Như vậy, Marx đã coi huyền thoại như “một hình thức chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh bằng trí tưởng tượng dân gian, bằng sự chế biến đi một cách nghệ thuật-không tự giác”. Những ý kiến đó của Marx là sự tiếp thu những thành tựu của những nhà nghiên cứu tiền bối hoặc cùng thời, từ anh em Grimm đến Morris, Schelling [Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (1775-1854): nhà triết học duy tâm người Đức], và nâng cao lên trên những quan điểm triết học của mình. Đương nhiên những ý kiến của Marx và Engels chỉ giải quyết một mặt nào đó rất cơ bản của huyền thoại chứ không phải là toàn diện và hệ thống, bởi vì, như chúng ta đã biết, hai ông không phải là những nhà folklore học hoặc dân tộc học.

Thế kỷ XX với những thành tựu lớn lao của những ngành khảo cổ học, dân tộc học, folklore học... đã tạo dựng nên một bức tranh hết sức phong phú và cực kỳ phức tạp của lý thuyết thần thoại. Những công trình nghiên cứu khổng lồ của nhiều nhà bác học trên thế giới đặt ra nhiều vấn đề mới. Trong số những nhà nghiên cứu nửa đầu thế kỷ XX, trước hết ta phải kể đến nhà folklore học người Anh James George Frazer (1854-1941). Ông viết một bộ sách gồm 12 tập mang tên Nhành lá vàng (Le Rameau d’or). Với công phu điều tra, sưu tầm tỉ mỉ, miêu tả cụ thể, bộ sách của ông trước hết là một kho tư liệu khổng lồ. Ông cho rằng ma thuật, tôn giáo và khoa học là ba giai đoạn kế tiếp nhau đóng vai trò làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển của thế giới quan con người. Huyền thoại, theo ông, cũng nằm trong hành động ma thuật. Thiếu sót lớn nhất của tác giả là đã nhìn nhận mọi hiện tượng không trên quan điểm lịch sử. Sự khảo sát của tác giả đã không phân biệt được các kiểu loại huyền thoại hình thành trong những xã hội khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Tiếp đến là những công trình nghiên cứu của Wilhelm Wundt, một nhà bác học Thụy Sĩ. Ông tự đặt cho mình nhiệm vụ xây dựng một khoa học về “tâm lý các dân tộc”. Cống hiến của ông là đã nghiên cứu Hy Lạp với quan điểm tâm lý-xã hội học, chỉ ra sự liên hệ, gắn bó của huyền thoại với những xúc cảm trong đời sống, với những sự “kích động mạnh”. Ông coi huyền thoại như sự thể hiện những ảo tưởng vô thức của con người nguyên thủy. Đối lập với lý thuyết của Wundt là lý thuyết tư duy nguyên thủy của nhà dân tộc học người Pháp Lévy-Bruhl (1857-1939). Ông là môn đệ của trường phái xã hội học-thực chứng của nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim (1858-1917). Tiếp tục phát triển những kiến giải của Frazer và Wundt, Lévy-Bruhl nêu lên luận điểm: tư duy nguyên thủy là nguồn gốc của huyền thoại. Tư duy này có một quy luật đặc biệt là sự “cùng tham dự” (hiện diện). Nó là tư duy tiền logic, tư duy của tập thể người nguyên thủy. Về cuối đời ông từ bỏ quan điểm cho rằng tư duy nguyên thủy tiền logic là một trình độ phát triển tất yếu của lịch sử. Và ông đã bổ sung đính chính lại rằng tư duy nguyên thủy và tư duy logic cũng tồn tại đồng thời với nhau. Ảnh hưởng của Lévy-Bruhl trong nửa đầu thế kỷ XX rất lớn.

Một lý thuyết giải thích huyền thoại khá kỳ khôi là lý thuyết phân tâm học của nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud (1856-1939) và những môn đệ của Freud. Lý thuyết này giải thích những hiện tượng huyền thoại từ cơ sở tâm lý tiềm thức và cá nhân, trong đó những đòi hỏi của bản năng nhục dục là chủ yếu (Mặc cảm Oedipe - Le complexe d’Oedipe). Thật ra thì lý thuyết của Freud hoàn toàn bất lực trong việc giải thích huyền thoại, bởi vì nó phiến diện, và rõ ràng qua thực tiễn khảo sát nó không giải thích được điều gì hết. Lý thuyết của Freud tuy không thu hút được sự đồng tình của giới nghiên cứu nhưng trong lãnh vực sáng tác văn học nghệ thuật nó đã chiếm lĩnh được một vị trí khá đặc biệt ở phương Tây. Dường như lý thuyết này đã cung cấp một “cơ sở khoa học khách quan” cho những hành động dâm bạo, loạn luân và đủ thứ chuyện trong cái chuyện “làm tình” cũng như những hành động bạo lực, tàn nhẫn trong loại truyện tiểu thuyết và điện ảnh suy đồi ở phương Tây.

Nửa sau thế kỷ XX nổi lên lý thuyết cấu trúc-loại hình học thần thoại và người đề xướng là nhà bác học người Pháp Claude Lévi-Strauss (1908-2009). Ông coi huyền thoại như một trường hoạt động của những thao tác logic vô ý thức. Chúng ta cũng không thể không nhắc đến lý thuyết văn hóa-lịch sử mà người mở đầu là Bronisław Malinowski (1884-1942) và những người kế tục hiện nay là nhà nghiên cứu người Pháp Georges Dumézil (1898-1986).

Nhìn chung, những lý thuyết huyền thoại của nền khoa học tư sản đã có những cống hiến lớn lao về nhiều mặt song vẫn chưa có một lý thuyết nào giải thích và làm sáng tỏ được bản chất xã hội của huyền thoại.

Khoa thần thoại học, folklore, dân tộc học Xôviết vận dụng quan điểm và phương pháp duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của triết học Marxisme-Léninisme, tiếp thu những thành tựu của nền khoa học tư sản, đã cố gắng nghiên cứu, giải thích huyền thoại theo quan điểm lịch sử văn hóa bằng cách gắn liền sự nghiên cứu, giải thích đó với việc nghiên cứu, so sánh, phân tích theo quan điểm lịch sử thể loại tự sự trong nền văn hóa thế giới. Những công trình nghiên cứu của các nhà bác học Xôviết như A.F. Lossev, S.A. Tokarev, Iu.P. Frantsev, V.Ia. Propp, E.M. Meletinsky... đã có những cống hiến đúng đắn tích cực vào nền khoa học thế giới. Đối với khoa học folklore, thần thoại học còn non trẻ của chúng ta, những thành tựu của nền khoa học Xôviết là một chỗ dựa vững chắc để chúng ta có thể tiếp xúc với các đại dương mênh mông của các loại lý thuyết thần thoại.

Thật ra vấn đề huvền thoại là gì? Đặc điểm và bản chất của tư duy huyền thoại cũng như ý nghĩa, nội dung phản ánh giải thích thế giới của huyền thoại vẫn đang là vấn đề lớn và hóc búa đối với các nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu M.I. Shakhnovich (Liên Xô cũ) tổng kết hiện có hơn 500 định nghĩa về huyền thoại.

Còn nhà bác học Tenase, một chuyên gia lỗi lạc về lịch sử văn hóa, Viện trưởng Viện Triết học của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Rumani cho chúng ta biết: “... Huyền thoại là một hiện tượng văn hóa hết sức phức tạp, chính vì vậy rất khó có một nghĩa sao cho bao quát được mọi kiểu mẫu (type) và chức năng của huyền thoại trong tất cả các xã hội thượng cổ (công xã nguyên thủy) và xã hội truyền thống (phương thức sản xuất châu Á...)”.

Chính vì lẽ đó nên ngày nay khái niệm huyền thoại cũng được sử dụng với tính đa nghĩa của nó. Khi thì huyền thoại được hiểu là một câu chuyện hoang đường, phi lý, không đúng với sự thật (huyền thoại về sức mạnh vô địch của không lực Hoa Kỳ), khi thì được hiểu là một chiến công kỳ diệu, một năng lực sáng tạo phi thường, phong phú, bay bổng, đa nghĩa, giàu sức tưởng tượng-biểu hiện (Hãy sáng tạo những huyền thoại mới trên đất nước chúng ta, thơ ca-huyền thoại, tiểu thuyết-huyền thoại, huyền thoại mới ở sông Đà...)

Vấn đề huyền thoại trong nửa đầu thế kỷ XX chỉ là vấn đề của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận folklore học, thần thoại học, dân tộc học nhưng bước sang nửa sau thế kỷ XX đã trở thành vấn đề lý luận mỹ học, lý luận sáng tác. Người đầu tiên đưa vấn đề huyền thoại vào lý luận sáng tác, mỹ học một cách ồn ào, nhiệt liệt là Garaudy, một nhà triết học người Pháp. Trong cuốn Chủ Nghĩa Marx Thế Kỷ XX, Garaudy đề cao huyền thoại tới mức dường như là đỉnh cao, là thành quả tuyệt vời nhất của năng lực sáng tạo của nhân loại... Ông chỉ nhìn thấy ở huyền thoại, trong huyền thoại, chứa đựng những gì tốt đẹp nhất, tích cực nhất của trí tuệ loài người. Từ đó, ông kêu gọi phải sáng tạo huyền thoại, vì huyền thoại chẳng những phản ánh cái đã qua, cái hiện tại, mà còn tiên báo tương lai... Những ý kiến cúa Garaudy như vậy là đã thoát ly khỏi quan điểm lịch sử và xem xét vấn đề huyền thoại một cách phiến diện. Chúng ta có thể tiếp thu, học tập những gì gọi là tích cực, những biện pháp kỹ thuật có hiệu quả gây xúc động thẩm mỹ mạnh mẽ của huyền thoại, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta phải quay trở lại với tư duy huyền thoại và nền văn học của thế kỷ XX chỉ có thể đạt được những thành tựu vĩ đại khi nó đặt cho bản thân mình nhiệm vụ sáng tạo huyền thoại. Hơn nữa, trong thực tế không phải bất cứ câu chuyện huyền thoại nào cũng có giá trị tích cực và một sức khái quát, tượng trưng-biểu hiện như nhau...

Trong cuộc hội thảo quốc, tế tổ chức hai năm một lần, lần thứ năm về chủ đề thơ ca và huyền thoại tổ chức ở Knokke, Vương quốc Bỉ 1961, những nhà nghiên cứu đã chỉ ra tính chất mơ hồ, tính chất song nghĩa đối lập nhau của huyền thoại là một mảnh đất đặc biệt thuận lợi cho thơ ca. Nhưng đồng thời cũng có những nhà nghiên cứu đề cao huyền thoại quá mức như Garaudy, thậm chí còn hơn cả Garaudy. Có một loại ý kiến coi huyền thoại như “người phát hiện ra những sức mạnh của nhân loại đã từng bị chèn ép”, và ngày nay “... đứng trước mối đe dọa của khoa học và kỹ thuật, những sự thất bại của nền văn minh đang bị giằng xé bởi lo âu và mâu thuẫn; (tất cả những điều đó) cho phép con người ta nghĩ rằng cái lý trí hay suy luận (la raison raisonnante) có thể cũng là một thói quen điên rồ khác và cũng là sự tha hóa nguy hiểm. Vì thế, con người đã bị hạ thấp xuống quá nhiều. Giờ đây cần phải để cho bản thân mình lắng nghe tiếng hát toát lên từ những cõi sâu thẳm, tiếng niệm thần chú (l’incantation) của những sức mạnh ẩn tàng khi bớt bận rộn và không lý thuyết dông dài nữa (verbiage...)”.

Thế là văn minh và khoa học kỹ thuật bị kết án như là một tai họa của loài người, đã tha hóa con người, hạ thấp con người. Và cách giải trừ tai họa ấy là quay về với huyền thoại, vì “tác phẩm của nhà thơ có thể xem như một sự chiêu hồn (évocation), một sự kiếm tìm lại cái mythos đã mất...”

Một quan điểm như thế rõ ràng đối với chúng ta thật xa lạ, khó thu hút được sự đồng tình. Chúng ta tin ở nền văn minh nhân loại, chúng ta tin ở khoa học kỹ thuật và tương lai của nhân loại. Nếu như có một nền văn minh làm tha hóa con người, hạ thấp con người, một nền khoa học kỹ thuật đe dọa con người thì cách sửa chữa những tệ nạn, khuyết tật ấy của nó hẳn rằng phải nhắm ngay vào những quan hệ xã hội-kinh tế, quan hệ quyền lực-chính trị vốn là cơ sở của nền văn minh đó và nền khoa học kỹ thuật đó vốn đang điều hành nền văn minh đó và nền khoa học kỹ thuật đó... Kết tội cái lý trí hay suy luận của con người thật là oan uổng cho lý trí của con người. Con người đã là một động vật có lý trí thì làm sao nó lại không dùng lý trí của mình để tư duy, để suy luận! Còn nếu thơ ca quay về với huyền thoại, nghĩa là quay về với quá khứ để chiêu hồn, để tìm kiếm lại cái mythos đã mất thì chẳng những không chống lại được sự tha hóa con người, hạ thấp con người; không cứu vãn được nền văn minh, không ngăn ngừa được mối đe dọa của khoa học kỹ thuật... mà rút cục cũng không kiếm tìm lại được cái mythos đã mất, đúng hơn lại biến mình thành một thứ mythos!

Tai họa không phải ở ngọn lửa mà thần Prométhée đã ban cho loài người, ngọn lửa là ngọn nguồn của văn minh và khoa học kỹ thuật, ngọn lửa của tư duy và lý trí, ngọn lửa sinh ra niềm hy vọng luôn bập bùng cháy trong trái tim con người. Tai họa là ở những vị thần trong cõi trần điều hành nền văn minh ấy, nền khoa học ấy để chống lại loài người.

***

Ngày nay thời đại của niềm tin thần thoại và tư duy thần thoại đã lùi vào quá khứ. Cung điện Olympe của thế giới thần thánh chắc hẳn đã phải dời đến một hành tinh xa xăm nào đó vì lẽ không chịu đựng nổi tiếng động cơ máy bay phản lực siêu âm. Nhưng chúng ta vẫn lưu giữ trân trọng tài sản thần thoại như lưu giữ một chiến công hiển hách của loài người trong tiến trình lịch sử. Chúng ta vẫn lưu giữ trân trọng gia tài thần thoại như lưu giữ một kỷ niệm sâu sắc và hào hùng, cao quý và đẹp đẽ của đời người cũng như một kỷ niệm vất vả, đắng cay, đau xót của đời người. Và chúng ta, nhân loại, vẫn tiếp bước tới tương lai ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta vẫn mang theo quá khứ của mình để tiến tới tương lai chứ không phải quay về quá khứ, quay về niềm tin thần thoại và tư duy thần thoại để chinh phục tương lai, tương lai của thời đại tư duy khoa học và cách mạng. Nhiều ước mơ của con người xưa kia đã trở thành hiện thực. Biết bao chàng Dédale và Icare của thế kỷ XX đã đi đi, về về trong không gian bao la của vũ trụ khiến cho thần Zeus dù có nổi trận lôi đình, dồn mây mù sấm sét cũng không ngăn cản được. Nhân loại sống đã khác xưa rất nhiều. Tuy nhiên trong đời sống của nhân loại lại nảy sinh ra những mối đe dọa khủng khiếp của một thứ “số mệnh mới” cùng với các vị thần mới, ma quỷ mới, bạo chúa mới tiêu diệt loài người, muốn xóa bỏ những thành tựu văn hóa, văn minh mà loài người phải đổ biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ mới có được. Nhân loại vẫn đang đứng trước một câu hỏi, một lời thách đố của một con Sphinx, con Sphinx-Lịch sử. Chính vì lẽ đó nhân loại còn cần đến những Prométhée, Héraclès, Thésée, Oedipe... bởi vì nhân loại phải sống đấu tranh với Số mệnh để chiến thắng Số mệnh. Và để sống, chiến thắng thì không thể để mất Lòng tin và Hy vọng, không thể thiếu Mơ ước, hơn nữa lại càng phải biết yêu cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ thật sâu sắc để biết cái Ác, cái Dối trá, cái Ti tiện, cái Hèn nhát thật sâu sắc. Có thế mới chiến thắng được Số mệnh, Định mệnh. Chính vì lẽ đó thần thoại Hy Lạp vẫn rất đáng quý đối với chúng ta. Dường như nó vẫn đang hàng ngày hàng giờ nhắn nhủ loài người chúng ta; “Hãy sống nhân ái và cao thượng hơn nữa! Hãy sống tốt hơn nữa, đẹp hơn nữa, yêu công lý và trọng danh dự hơn nữa! Hãy lập chiến công vì dân vì nước nhiều hơn nữa! Hãy sống trung thực dũng cảm và hiểu biết hơn nữa!” Bởi vì thần thoại là nhân loại của tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng, ngây thơ vụng dại song tràn đầy tin yêu; hiểu biết chưa nhiều, giản đơn song thông minh một cách ngộ nghĩnh và tràn đầy ước mơ đẹp đẽ, tràn đầy khát vọng táo bạo.

Còn chúng ta ngày nay với ngọn lửa và niềm tin, niềm hy vọng bất diệt của Prométhée, với dũng khí và tài năng của Persée, Héraclès, Dédale, Thésée, và hơn nữa với trí tuệ của Oedipe, chúng ta sẽ tiếp tục sáng tạo ra những thành quả văn minh với một sức mạnh hiện thực phi thường. Chúng ta sẽ làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, không bằng trí tưởng tượng thần thoại mà bằng sức mạnh xã hội của Cách mạng Khoa học kỹ thuật. Chúng ta sẽ giải đáp và phải giải đáp đúng, giải đáp chiến thắng bất kỳ một câu hỏi nào, lời thách đố nào của con Sphinx-Lịch sử. Bởi vì lịch sử của nhân loại là một quá trình giải đáp liên tục những câu hỏi, những lời thách đố, những bài toán của lịch sử.

Ngày 19 tháng 4 năm 1982

NGUYỄN VĂN KHỎA

NGUỒN GỐC CỦA THẾ GIAN VÀ CỦA CÁC VỊ THẦN

Thuở xưa, trước buổi khai thiên lập địa, trước khi có thế gian và các vị thần, lúc đó chỉ có Chaos. Đó là một vực thẳm đen ngòm, vô cùng vô tận, trống rỗng, mơ hồ, vật vờ, phiêu bạt trong khoảng không gian bao la.

Thoạt đầu là Chaos một vực thẳm vô cùng

Hung dữ như biển khơi, tối đen, lang thang, hoang dã.

Nhà thơ Milton, người Anh, thế kỷ XVII đã diễn đạt lại quan niệm của người Hy Lạp cổ về khởi nguyên của thế gian và các vị thần bằng hai câu thơ như thế.

Nhưng rồi từ Chaos đã nẩy sinh ra thế gian với bao điều kỳ lạ cùng với các vị thần có một cuộc sống phong phú khác thường. Từ Chaos đã ra đời Gaia, Đất mẹ của muôn loài, có bộ ngực mênh mông. Chính Đất mẹ-Gaia là nơi sinh cơ lập nghiệp bền vững đời đời của muôn vàn sinh linh, vạn vật.

Chaos lại sinh ra Érèbe-Chốn Tối tăm Vĩnh cửu và Nyx-Đêm tối Mịt mù. Nhưng chưa hết, từ Chaos lại ra đời Tartare-Địa ngục và Éros-Tình yêu. Éros là đứa con cuối cùng của Chaos nhưng lại là đứa con xinh đẹp nhất. Éros ra đời lãnh sứ mạng làm cho thần thần, người người, cỏ cây hoa lá, vạn vật muôn loài giao hòa gắn bó với nhau để tạo nên thế gian và cuộc sống vĩnh hằng bất diệt.

Như vậy là Chaos sinh ra năm “người con”. Với “năm người” này (ngày nay chúng ta gọi là nguyên lý) sẽ sinh sôi nảy nở ra con đàn cháu đống nối dõi đời đời.

Érèbe-Chốn Tối tăm Vĩnh cửu lấy Nyx-Đêm tối Mịt mù làm vợ. Họ sinh được hai người con: anh là Khí-Éther bất diệt, em là Ánh sáng trong trẻo-Héméra; Ngày-Jour ra đời từ ánh sáng này. Kể từ đó thế gian tràn ngập ánh sáng. Ngày và Đêm thay nhau ngự trị.

Nữ thần Đất mẹ-Gaia có bộ ngực nở nang tràn đầy sức sống. Đứa con đầu lòng của nàng là Ouranos-Bầu trời sao nhấp nhánh. Nhà thơ Hy Lạp Hésiode sống vào quãng thế kỷ VIII hoặc VII TCN, kể lại trong tập Thần hệ (Théogonie):

Nữ thần Đất có bộ ngực nở nang

Đối với mọi vật nàng là móng nền vững chắc

Nàng Đất tóc vàng sinh cho thế gian trước hết

Bầu trời sao nhấp nhánh, bạn thân thiết của nàng

Để Bầu trời che phủ khắp thế gian,

Để làm nơi cư ngụ cho các vị thần Cực lạc.

Nàng lại còn đẻ ra Núi-Ouréa cao vút, sừng sững, nghênh ngang và Biển-Pontos mênh mông, khi hung dữ gầm thét, lúc hiền dịu rì rào. Trời, Núi, Biển như vậy đều do nữ thần Đất mẹ-Gaia sinh ra. Chúng là những đứa con không cha, bởi vì khi ấy mẹ chúng chưa cùng ai kết bạn. Đối với thần thì điều ấy chẳng có gì đáng lạ.

Tiếp đó, nữ thần Đất-Gaia kết hôn với thần Bầu Trời-Ouranos. Hai người sinh ra được rất nhiều con. Chúng toàn là những người khổng lồ có sức mạnh và tài năng mà thuở ấy chưa có vị thần nào ra đời để có thể sánh bằng. Tất nhiên, sau này chúng phải quy phục trước các vị thần mới. Người ta chia những đứa con khổng lồ của Ouranos và Gaia ra làm ba loại:

1 - Những thần khổng lồ Titan và Titanide - Có sáu nam thần khổng lồ tên gọi chung là Titan và sáu nữ thần khổng lồ tên gọi chung là Titanide.

Sáu Titan là: Okéanos tức thần Đại dương, Koios, Crios, Hypérion, Japet và Cronos (thần thoại La Mã: Saturne).

Sáu Titanide là: Téthys, Théia, Thémis, Mnémosyne, Phoébé và Rhéa.

2 - Ba thần khổng lồ Cyclopes - Đây là những vị thần chỉ có một con mắt ở giữa trán, hung bạo khỏe mạnh chẳng kém một ai, hơn nữa lại rất khéo chân khéo tay. Họ là những người thợ rèn thiện nghệ đã làm ra không thiếu một thứ gì. Tên ba anh em là: Argès, Stéropès và Brontès.

3. Ba quỷ thần khổng lồ Hécatonchires - Những Cyclopes đã thật là quái đản nhưng những Hécatonchires lại còn quái đản hơn nhiều. Mỗi Hécatonchires có một trăm cái tay và năm chục cái đầu. Người ta thường gọi chúng là thần Trăm tay. Sức mạnh của chúng thật kinh thiên động địa, ít ai dám nghĩ đến, chỉ nghĩ đến thôi, việc đọ sức với chúng. Tên chúng là Cottos, Briarée và Gyès.

***

Như trên đã kể, Ouranos lấy Gaia làm vợ sinh được sáu trai gọi chung là Titan, sáu gái tên gọi chung là Titanide. Các Titan kết hôn với các Titanide sinh con đẻ cái để cho chúng cai quản thế gian.

Titan đầu tiên, con cả, là thần Okéanos. Thần cai quản mọi biển khơi, suối nguồn, sông nước. Thần đã điều hòa, sắp xếp biển, sông làm thành một con sông khổng lồ bao quanh lấy đất, che chở cho đất. Okéanos lấy Téthys đẻ ra ba nghìn trai, ba nghìn gái. Gái có tên chung là Okéanide. Đó là những tiên nữ thường trú ngụ ở dưới biển nhưng cũng ở cả sông, suối. Con trai là các thần sông cai quản mọi sông cái, sông con trên mặt đất.

Okéanos sống cách biệt với các anh em Titan của mình ở tận cung điện dưới đáy biển sâu. Chẳng bao giờ vị thần này tham dự các cuộc họp của thần thánh và loài người. Mặt trời, Mặt trăng và các Ngôi sao đều do Okéanos điều khiển. Chúng phải xuất hiện với thế gian rồi trở về với Okéanos. Duy chỉ có chòm sao Đại Hùng-Gande Ourse là không bao giờ chịu quy phục dưới quyền điều khiển của Okéanos.

Titan Koios lấy Phoébé sinh được hai con gái là Léto và Astéria. Sắc đẹp của hai chị em nhà này đã gây ra cho họ biết bao đau khổ, gian truân, một chuyện nếu kể ra ắt phải đụng đến thần Zeus.

Titan Hypérion lấy nữ thần Théia. Đôi vợ chồng này sinh được một trai, hai gái. Trai là Hélios-Thần Mặt trời đỏ rực, gái là Séléné-Nữ thần Mặt trăng hiền dịu và Éos-Nữ thần Rạng đông hay Bình minh có những ngón tay hồng.

Titan Cronos mà thần thoại La Mã gọi là Saturne lấy Rhéa sinh được ba trai, ba gái: trai là Hadès, Poséidon, Zeus; gái là Hestia, Déméter, Héra.

Riêng hai Titanide Thémis và Mnémosyne lúc này chưa chịu kết bạn với ai. Duyên cớ vì sao, người xưa không kể lại nên chúng ta không rõ. Vì thế hai Titan Koios và Japet phải lấy hai vị nữ thần khác không cùng huyết thống Titan.

Crios lấy Eurybie sinh được ba trai là các vị thần Astréos, Pallas và Persès, nổi danh lừng lẫy vì sự hiểu biết uyên thâm. Nhân đây ta cần phải kể qua cuộc tình duyên của người con cả của Titan Koios, thần Astréos. Thần lấy tiên nữ Éos-Rạng Đông có những ngón tay hồng, sinh ra cho thế gian các thần Gió hung dữ. Tuy vậy, thần Gió-Zéphyr (thần thoại La Mã: Favonius) tính khí lại rất dịu dàng. Thần đến với thế gian bằng những cử chỉ vuốt ve, âu yếm, đem đến cho loài người những đám mây đen báo trước những cơn mưa mát dạ mát lòng. Chúng ta thường gọi Zéphyr là thần Gió Tây. Còn thần Gió Bấc-Borée (thần thoại La Mã: Septentrion) có bước đi nhanh, ít thần Gió nào sánh kịp, vì thế thần đem đến cho loài người không ít lo âu. Thần Gió Nam-Notos (thần thoại La Mã: Auster) ấm áp. Thần Gió Tây Nam-Euros (thần thoại La Mã: Vulturnus) mát mẻ, dịu dàng. Cả đến những ngôi sao hằng hà sa số thao thức vằng vặc suốt đêm trên bầu trời bao la cũng là con của Astréos và Éos.

Cũng cần phải kể thêm một chút nữa là Éos còn có nhiều cuộc tình duyên với các vị thần khác và cả với người trần để sinh con đẻ cháu cho thế gian đông đúc vui tươi.

Titan Japet lấy một tiên nữ Okéanide tên là Clymène. Họ sinh được bốn con trai là: Atlas, Prométhée, Epiméthée, và Ménétios.

Thế còn hai Titanide Thémis và Mnémosyne không “lấy chồng” thì làm gì? Xin thưa, thế giới thần thánh xưa kia không để cho ai ăn không ngồi rồi cả. Ai ai cũng có những công việc phải làm tròn. Thémis là vị nữ thần Pháp luật, Công lý, sự Cân bằng, Ổn định tối cao do Quy luật và Trật tự tạo nên. Nhờ có Thémis thế gian mới ổn định và phát triển hài hòa. Nàng là người có tài nhìn xa trông rộng, hiểu biết, khôn ngoan. Còn Mnémosyne là nữ thần của Trí nhớ, Ký ức. Nhờ có Mnémosyne mà con người lưu giữ được kinh nghiệm và sự hiểu biết để ngày càng khôn lớn, giỏi giang.

Đó là chuyện về lớp con đầu của Ouranos và Gaia, những Titan và Titanide cùng đôi chút về con cháu họ. Tất nhiên nếu lần theo tộc phả từng chi, từng ngành thì còn biết bao nhiêu chuyện.

Về nguồn gốc của thế gian còn có một cách kể hơi khác một chút. Nhà viết hài kịch cổ đại Hy Lạp, Aristophane thế kỷ V TCN viết:

Đêm tối có đôi cánh đen

Đem một quả trứng sinh ra từ gió

Đặt vào lòng Érèbe tối đen, sâu thẳm, mịt mù

Và trong khi bốn mùa thay nhau qua lại

Thì cả không gian hằng hằng mong đợi

Thần Tình yêu đến với đôi cánh vàng ngời ngợi chói lòa.

Cách giải thích này rõ ràng không giống với câu chuyện vừa kể trên. Đó là cách giải thích theo quan niệm của học thuyết thần thoại tôn giáo Orphisme, một học thuyết ra đời muộn hơn, vào quãng thế kỷ VIII TCN.

... Thuở xưa, trước buổi khai thiên lập địa chỉ có Chaos. Chaos là một vực thẳm trống rỗng, tối tăm nảy sinh từ Thời gian Vĩnh viễn-Chronos. Lửa, Nước, Không khí cũng từ Chronos mà ra, và nhờ có chúng các vị thần mới có thể kế tiếp nhau ra đời hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Đêm tối-Nyx và Sương mù đều cư ngụ trong lòng Chronos. Sương mù kết đọng lại thành một quả trứng khổng lồ. Và đã có trứng thể tất có ngày trứng phải nở.

Quả trứng đã nở ra một vị thiên thần tươi trẻ, xinh đẹp có đôi cánh vàng. Vừa ra khỏi vỏ trứng vị thần này liền lấy hai tay dâng một nửa vỏ trứng lên cao và đạp nửa vỏ sau xuống dưới chân mình. Thế là Trời-Ouranos và Đất-Gaia hình thành. Còn vị thiên thần tươi trẻ xinh đẹp là thần Tình yêu-Éros. Éros là một vị thần có quyền lực đặc biệt; thần có tài làm cho vạn vật muôn loài, từ các vị thần cho đến con người, súc vật, cỏ cây hoa lá, thậm chí cả núi non sông biển giao hòa gắn bó với nhau. Thần đã gom góp, kết hợp mọi vật ở thế gian này để tạo ra cuộc sống. Mà quả thật như vậy, nếu như Trời và Đất không “âu yếm” nhau thì tại sao Trời không xa nổi Đất? Tại sao Trời không bỏ Đất mà đi để mặc Đất sống cô đơn, trơ trọi một mình, không ai che chở trong cõi Hư không tối tăm lạnh lẽo? Chính vì Trời đã “âu yếm” Đất nên đã chiếu rọi xuống Đất ánh sáng và khí nóng, đã tưới tắm cho Đất những cơn mưa ẩm mát để cho mùa màng tươi tốt, hoa thắm cỏ xanh. Còn Đất, để đền đáp lại tình yêu của Trời, tình yêu của Éros ban cho, Đất đã thai nghén ấp ủ trong lòng những hạt giống và làm cho chúng nảy mầm đâm nhánh. Đất đã truyền đi nhựa sống của mình nuôi cỏ hoa cây cối. Và có phải để “làm dáng” với Trời mà Đất luôn luôn thay đổi y phục và đồ trang sức, khi thì xanh xanh bát ngát, khi thì vàng rượi óng chuốt một màu? Lại có lúc Trời bận việc đi xa để Đất nhớ, nhớ đến héo hon, ủ rũ, âu sầu!

CRONOS LẬT ĐỔ OURANOS

Ouranos và Gaia, như trên đã kể, sinh ra ba loại con khổng lồ. Đối với những đứa con Cyclopes và Hécatonchires, Ouranos rất ghét. Hình như Ouranos thấy sự có mặt của chúng là một điều ô nhục đối với mình. Thần nghĩ ra một cách để tống chúng đi cho khuất mắt: đầy chúng xuống địa ngục Tratar, nơi sâu thẳm kiệt cùng dưới lòng đất.

Nữ thần Gaia hoàn toàn không bằng lòng với chồng về cách đối xử với lũ con Cyclopes và Hécatonchires của bà như vậy. Bà tìm đến đám con Titan, xui giục các Titan chống lại bố. Nhưng chẳng một Titan nào dám nghe theo lời mẹ. Duy chỉ có Titan Cronos là dám đảm nhận công việc tày đình ấy. Theo mưu kế của mẹ, được mẹ giao cho một lưỡi hái, Cronos rình nấp chờ lúc Ouranos vào giường ngủ, chém chết Ouranos.

Máu của Ouranos-Trời chảy xuống Gaia-Đất sinh ra một thế hệ khổng lồ thứ tư mà so với các Cyclopes và Hécatonchires, thế hệ này nếu không hơn thì cũng chẳng hề mảy may thua kém. Đây là những khổng lồ Gigantos có thể gọi là Đại khổng lồ, thân hình cao lớn, khiên giáp sáng ngời, trong tay lúc nào cũng lăm lăm ngọn lao dài nhọn hoắt, mặt mày dữ tợn gớm ghiếc.

Máu của Ouranos còn sinh ra những nữ thần Érinyes (thần thoại La Mã: Furies) tay cầm roi, tay cầm đuốc, mái tóc là một búi rắn độc ngoằn ngoèo vươn đầu ra tua tủa, ai trông thấy cũng phải cao chạy xa bay. Những nữ thần này lãnh sứ mạng trừng phạt báo thù kẻ phạm tội bằng cách giày vò trái tim kẻ đó suốt đêm ngày khiến cho y ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng bồn chồn, day dứt.

Người ta còn kể, những giọt máu của Ouranos nhỏ xuống biển đã sinh ra nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp Aphrodite.

***

Con cái của Ouranos rất nhiều. Người ta tính ra Ouranos có khoảng từ 12 đến 45 đứa con. Vào thế kỷ I TCN nhà học giả Diodore đảo Sicile trong tác phẩm Tủ sách lịch sử đã sưu tầm và kể lại các huyền thoại. Huyền thoại về Ouranos, dưới ngòi bút của ông, lúc này đã ít nhiều mang ảnh hưởng của lý thuyết về huyền thoại của Évhémère, một lý thuyết giải thích thần thoại có tính chất duy vật và duy lý còn sơ lược và ngây thơ. Diodore cho rằng Ouranos là vị vua đầu tiên của những người Atlante sống trên bờ Okéanos. Ouranos đã truyền dạy cho dân mình khoa học, kỹ thuật, bản thân nhà vua là người rất am hiểu khoa học, kỹ thuật và thường say mê theo dõi thiên văn. Vì thế sau khi Ouranos chết, nhân dân đã thần thánh hóa ông và dần dần người ta đồng nhất ông với bầu trời. Cũng theo nhà học giả này, Ouranos có 45 con, 18 đứa trong số đó là con của Ouranos với Tita. Vì thế mới có cái tên Titan. Sau này Tita đổi tên là Gaia. Cách giải thích của Diodore chắc chắn là không đủ sức thuyết phục khoa học. Nhưng chúng ta cần biết qua để thấy được một cố gắng của các nhà học giả cổ đại muốn tìm hiểu hạt nhân hiện thực trong huyền thoại.

Về nữ thần Gaia không phải chỉ sinh nở có thế. Nàng còn có nhiều cuộc tình duyên và mỗi cuộc tình đều đem lại cho thế gian những vị thần này, thần khác. Kết hôn với thần Biển-Pontos, con mình, Gaia sinh ra các thần Biển: Nérée, Phorcys, Thaumas, Céto. Kết hôn với Tartare, Gaia sinh ra Typhon, một quỷ thần có trăm đầu là rắn phun ra lửa, to lớn khổng lồ có dễ còn hơn cả thế hệ khổng lồ Hécatonchires lớp trước. Có chuyện còn kể Gaia sinh ra cả lũ ác điểu Harpies, con mãng xà Python...

Là nữ thần Đất Mẹ, Gaia có một vị trí rất lớn, rất quan trọng trong tín ngưỡng của người Hy Lạp cổ. Gaia được coi như là vị cao tằng tổ mẫu của loài người, là nơi cư ngụ cho những người trần thế, nuôi sống họ đồng thời cũng là nơi an nghỉ của họ, khi họ đã kết thúc cuộc sống tươi vui của mình trên mặt đất tràn đầy ánh sáng để bước vào cuộc sống ở thế giới khác. Nàng là khởi đầu và kết thúc của sự sống. Nàng còn được coi là người nuôi dưỡng mùa màng, cây cối cho được tươi tốt, bội thu, sinh con kết trái. Vì thế Gaia có một biệt danh là Carpophorus, nghĩa là Gaia-Được mùa. Khắp nơi trên đất nước Hy Lạp xưa đâu đâu cũng thờ cúng Gaia. Trong những lời thề nguyền thiêng liêng, người Hy Lạp thường viện dẫn Gaia để chứng giám.

Ở vùng Dodone, Tây Bắc Hy Lạp, sau này người ta coi Gaia như là vợ của Zeus, đẩy lùi hình ảnh Dioné, Héra, Déméter xuống vị trí thứ yếu.

***

Nữ thần Đêm tối-Nyx sinh ra rất nhiều vị thần tai hại cho thế gian và loài người. Đó là những nữ thần Kères có đôi cánh đen, chân có móng sắc nhọn, khoác một tấm áo lúc nào cũng thấm ướt máu người. Các nữ thần Kères thường hạ cánh xuống nơi chiến địa để hút máu, ăn thịt những người đã chết. Đây là những nữ thần Chết khác với thần Thanatos, một nam thần cũng là con của Nyx, lãnh sứ mạng đi báo tử cho những kẻ bất hạnh mà thật ra người Hy Lạp xưa kia cũng coi Thanatos như là thần Chết. Tiếp đến là thần Giấc ngủ-Hypnos còn gọi là thần Giấc mộng, nữ thần Bất hòa-Éris.

Trong số con gái của nữ thần Nyx ta không thể không nhắc đến vị nữ thần Đấu tranh. Giống như mẹ, vị nữ thần này lại đẻ ra một loạt các thần tai hại khác như Mỏi mệt, Đói khổ, Đau thương, Hỗn loạn, Gây gổ, Cướp bóc, Chém giết...

Chưa hết, Đêm tối-Nyx còn sinh ra ba chị em nữ thần Moires (thần thoại La Mã: Parques hoặc Tri Fata) cai quản Số mệnh của thần thánh và loài người. Số mệnh này là cuộn chỉ trong tay nữ thần Clotho (thần thoại La Mã: Nona). Nàng quay cuộn chỉ để cho nữ thần Lachésis (thần thoại La Mã: Decima) giám định. Chiểu theo sự giám định này, nữ thần Atropos (thần thoại La Mã: Morta) tay cầm kéo lạnh lùng cắt từng đoạn chỉ-Số mệnh của chúng ta. Thật bất hạnh cho ai bị lưỡi kéo của Atropos cắt đoạn chỉ-Số mệnh của mình. Người đó sẽ buộc phải từ bỏ cuộc sống êm dịu, ngọt ngào như mật ong vàng để về sống dưới địa ngục Tartare.

Ta còn phải kể đến nữ thần Némésis một người con gái của nữ thần Đêm tối-Nyx, đảm đương công việc trừng phạt, trả thù đối với những kẻ phạm tội để giữ gìn luân thường đạo lý và sự công bằng. Nàng còn là vị nữ thần gìn giữ sự mực thước trong đời sống. Những thói kiêu căng, ngạo mạn của người trần thế muốn vượt lên thần thánh, rồi những hoàn cảnh ỷ thế giàu sang, có quyền có lực làm càn, làm bậy, cùng những hành động thái quá như xa hoa, tự phụ, ức hiếp lương dân đều không qua được con mắt nữ thần Némésis.

Đó là tóm tắt câu chuyện về buổi khai thiên lập địa, thế gian từ chỗ hoang vu, hỗn độn đến chỗ có hình dáng và có thần cai quản. Nhưng lúc này đây mọi thứ còn hết sức bề bộn ngổn ngang, chưa ổn định, chưa trật tự, cân bằng. Cronos cướp ngôi của Ouranos cai quản thế gian với tất cả nỗi khó khăn như vậy.

Thần thoại về buổi khai thiên lập địa của người Hy Lạp có những nét tương đồng với thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới mà khoa thần thoại học so sánh (comparatif mythologie) đã khảo sát thấy. Đó là môtíp về việc tách đất ra khỏi trời, về việc tống giam những đứa con của đất vào lòng đất.

Đọc thần thoại Ấn Độ chúng ta thấy: Thuở khởi đầu của vũ trụ chỉ là nước mênh mông, không có cả Cái Tồn tại và Cái Không tồn tại. Sau dần Nước thai nghén Mặt trời, Cái Không tồn tại vốn ở trong lòng Đất sinh ra cái Tồn tại. Và giai đoạn đầu của sự sáng tạo ra thế gian là phải tách cái Tồn tại ra khỏi Cái Không tồn tại. Cái Tồn tại là thế giới của người và thần, của Mặt trời, Khí nóng và Nước, Trời và Đất là những vị thần đầu tiên. Cái Không tồn tại là phạm vi của yêu ma quỉ quái, chỉ có bóng tối lạnh lẽo. Lại có cách giải thích khởi nguyên của vũ trụ là do tình ái: “Khi Shiva và Shakti giao hợp, tia lửa, lạc thú xuất hiện và vũ trụ phát sinh do tình ái...”, “... Shiva tự phân làm hai nửa, một âm và một dương, âm dương giao hòa thành vũ trụ...”. Thần Indra theo một giả thuyết là con của Trời và Đất được thai nghén và sinh ra vào lúc mà hai vị thần này còn sống chung với nhau ở cùng một chỗ. Indra nhờ uống được thứ rượu thần là soma bỗng vụt lớn lên thành người khổng lồ có sức mạnh vô địch khiến bố, mẹ của Indra - Trời và Đất - vô cùng khiếp sợ, bỏ chạy. Nhưng mỗi người chạy đi một phía ngược chiều với nhau vì thế mà họ xa nhau vĩnh viễn. Còn Indra thì chiếm lấy khoảng không gian giữa Trời và Đất. Ở thần thoại Trung Quốc có truyện ông Bàn Cổ và bà Nữ Oa. Còn thần thoại Việt Nam có truyện thần Trụ Trời.

THẦN ZEUS

Lật đổ Ouranos, giành lấy quyền cai quản thế gian, thế nhưng Cronos vẫn chưa yên tâm. Thần vẫn lo sợ số phận mình có ngày sẽ kết thúc như Ouranos, nghĩa là có một ngày nào đó, những đứa con do Cronos này dứt ruột đẻ ra sẽ truất ngôi của bố nó. Thần nghĩ ra một cách để trừ hậu họa: nuốt các con vào bụng! Rhéa năm lần sinh nở đều chẳng nuôi lấy được một đứa nào. Hestia (thần thoại La Mã: Vesta), Déméter, Héra rồi Hadès, Poséidon lần lượt bị Cronos nuốt chửng vào bụng. Nữ thần Rhéa rất đỗi lo lắng và giận dữ. Hơn nữa nàng lại sắp đến ngày sinh nở. Lần này theo lời khuyên của nữ thần Đất mẹ-Gaia, nàng lánh sang đảo Crète. Ở đây trong một cái hang đá của ngọn núi Ida, nàng đã sinh đứa con trai út và đặt tên nó là Zeus (thần thoại La Mã: Jupiter). Để bảo vệ con thoát khỏi số phận các anh chị của nó, Rhéa lấy một hòn đá dài quấn tã lót vào nom y hệt như một đứa bé rồi trao cho chồng, không nghi ngờ gì, Cronos nuốt luôn đứa bé hòn đá vào bụng.

Tuổi thơ ấu, Zeus ở đảo Crète, tuy phải xa mẹ (vì Rhéa sau khi sinh xong trở về Hy Lạp) song vẫn được chăm sóc chu đáo. Ngày ngày hai tiên nữ Ida và Adrastée - những tiên nữ trú ngụ ở rừng già, đồng nội, bờ sông ngọn suối hay ở núi cao, hang sâu cho đến những thung lũng hoang vắng mà người Hy Lạp gọi bằng một cái tên chung là Nymphe - lấy sữa dê và mật ong nuôi đứa bé. Con dê thần Amalthée với bầu sữa lúc nào cũng căng, không bao giờ để chú bé Zeus phải khóc vì đói. Nó lại còn là người bạn thân thiết của Zeus, để cho Zeus khỏi khóc vì buồn. Tuy vậy cũng phải đề phòng nhỡ có lúc nào đó chẳng hiểu làm sao chú bé Zeus khóc thì phiền, rất phiền. Cronos mà nghe được tiếng khóc của Zeus thì số phận của chú thoát sao khỏi bị nuốt. Các quỷ thần Curètes lo việc đó. Bằng mọi cách, gõ trống, gõ chiêng khua vang binh khí, hò hét, kêu la... các Curètes phải làm cho hễ Zeus vừa cất tiếng khóc là bị át đi ngay. Cẩn thận hơn nữa, các Curètes còn lấy gỗ lấp, vít cửa hang thật kín không sót một kẽ hở nào để nhỡ ra Zeus có khóc thì cũng không một tiếng khóc nào lọt được ra ngoài.

Thường sau khi bú no rồi Zeus quay ra chơi đùa với “người bạn” dê của mình. Khi thì Amalthée dụi dụi đầu vờ húc chú bé Zeus, và chỉ dướn đầu lên đẩy nhẹ một cái là Zeus lăn kềnh ra đất. Khi thì Zeus nắm lấy đôi sừng của Amalthée mà vật, vật với tất cả sức lực của mình nhưng rồi Zeus lại lăn kềnh ra đất. Ngày tháng trôi đi, Zeus và “người bạn” Amalthée của mình sống với nhau thân thiết ấm cúng. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Zeus trong một lần chơi đùa với Amalthée đã... vặn gẫy băng mất một chiếc sừng của bạn! Có ai ngờ được Zeus đã lớn mau và khỏe mạnh đến thế. Zeus khổ sở vô cùng. Cậu chỉ còn biết an ủi Amalthée thân thiết với mình bằng một lời hứa chân tình, ân nghĩa. Zeus hứa, nếu sau này trở thành một vị thần có quyền thế, Zeus sẽ trả Amalthée chiếc sừng khác và sẽ ban cho Amalthée lúc nào cũng có thật nhiều, rõ thật nhiều hoa thơm, quả ngọt, trái chín, lá non.

Nói về chiếc sừng bị gãy của Amalthée, vì là chiếc sừng của con dê thần nên nó có phép lạ khác thường. Nếu ai có nó trong tay thì có thể ước gì được nấy. Zeus đem tặng chiếc sừng này cho hai tiên nữ đã nuôi dưỡng mình. Cái sừng Amalthée hay Cái sừng sung túc là một điển tích trong văn học thế giới chỉ sự phong phú dồi dào. Ở châu Âu người ta thường vẽ hoặc có khi trao tặng cho khách quý một chiếc sừng đựng đầy hoa quả để tượng trưng cho nguyện vọng và lời chúc tụng hạnh phúc, giàu có, ấm no.

Lại có một chuyện cũng nảy sinh ra điển tích Cái sừng sung túc. Đó là chuyện người anh hùng Héraclès giao đấu với thần Sông-Achéloos: Thần Sông đuối thế biến mình thành một con bò mộng, Héraclès nắm lấy sừng bò và bẻ gãy. Các tiên nữ Naïades, con của các thần Sông, đã nhặt chiếc sừng này làm thành một “lọ” hoa vô cùng đẹp đẽ. Từ đó ra đời điển tích Cái sừng sung túc.

Zeus lật đổ Cronos. Cuộc giao tranh với các Titan (Titanomachie)

Thời gian trôi đi vùn vụt. Chẳng mấy chốc Zeus đã là một chàng trai khỏe mạnh, cường tráng. Nữ thần Đất-Gaia, bà nội của Zeus và Rhéa, mẹ Zeus, trao cho Zeus sứ mạng phải giải thoát số anh chị em bị nuốt. Trước khi bước vào cuộc giao tranh, Zeus tìm đến nữ thần Métis con của thần Okéanos, để xin một lời chỉ dẫn, vì Métis là vị nữ thần Thận trọng Khôn ngoan. Métis nói cho Zeus biết một thứ cây bí hiểm xưa nay chưa ai biết. Zeus phải lấy lá cây này về sắc thành nước cho Cronos uống thì mới có thể thành công.

Liều thuốc mới công hiệu làm sao! Cronos uống xong là lập tức trong bụng có gì nôn mửa ra hết. Thế là là ba chị gái và hai anh trai của Zeus sống lại. Cả hòn đá trá hình Zeus xưa kia cũng không mất. Tuy nhiên để lật đổ được Cronos thì lực lượng của Zeus quá yếu. Sáu anh chị em của Zeus làm sao đánh bại được các Titan cùng với con cháu của họ vốn là những vị thần có muôn vàn sức mạnh. Zeus phải giải thoát các Hécatonchires và các Cyclopes bị nhốt trong lòng đất. Những vị thần khổng lồ này xưa kia bị Ouranos đày xuống địa ngục Tartare khi Cronos lật đổ Ouranos, họ đã được giải thoát. Nhưng rồi Cronos thấy để họ sống trên dương gian sẽ có ngày gây ra hiểm họa cho địa vị của mình, vì thế tốt hơn hết là cứ trả họ về sống dưới vương quốc Tartare.

Zeus đã giải thoát cho các Cyclopes và các Hécatonchires. Lực lượng của phe Zeus mạnh hẳn lên. Với nghề rèn khéo léo, Cyclopes Argès đã sáng tạo ra chớp và trao cho Zeus,vì tên của thần, Argès, có nghĩa là “chớp”, còn Brontès thì trao cho Zeus sấm và Stéropès trao cho Zeus sét. Thật ra thì ba thứ vũ khí lợi hại này đều là công trình chung của cả ba anh em. Các Cyclopes còn rèn cho thần Hadès một chiếc mũ tàng hình. Ai đội mũ này thì địch thủ dù có trăm mắt cũng không sao thấy được. Thần Poséidon thì được cây đinh ba dài và nhọn hoắt. Với cây đinh ba này Poséidon có thể gọi gió bảo mưa, khêu sóng biển gây ra những cơn bão khủng khiếp và cũng có thể làm cho trời yên sóng lặng tùy theo ý muốn.

Riêng Titan Okéanos và con gái là Styx - nữ thần cai quản con sông âm phủ, đứng về phía Zeus. Các con của Styx là các nữ thần Nhiệt tình-Zélos, Thắng lợi-Niké, các nam thần Uy quyền-Cratos, Bạo lực-Bia đều theo mẹ chống lại Cronos và các Titan khác. Người ta còn kể Titan Japet và con cháu Titanide Mnémosyne cũng đứng về phe Zeus. Riêng Atlas con của Titan Japet là không theo cha, Atlas chống lại Zeus.

Cuộc giao tranh diễn ra suốt mười năm trời vô cùng khủng khiếp: đất lở, trời rung, biển sôi, núi sập tưởng chừng như vũ trụ thế gian trở lại cảnh hỗn mang nguyên thủy buổi nào. Các Titan bê từng quả núi ném tới tấp vào phe Zeus. Phe Zeus cũng giáng trả lại không kém. Zeus cho nổi sấm rung chuyển bầu trời, phát ra những tia chớp chói lòa mặt đất và giáng sét thiêu đốt, phá sập mọi thứ chung quanh. Thần Poséidon dùng cây đinh ba khơi sóng của Đại dương lên tạo ra những cơn giông tố hung dữ. Biển khơi sôi réo, gào thét, vật mình quằn quại làm rung chuyển cả mặt đất và run rẩy cả bầu trời. Còn các Hécatonchires với trăm tay và năm chục đầu thì không sức nào cản được. Và cuối cùng các Titan bị vây chặt phải chịu đầu hàng. Thần Zeus xiềng họ lại rồi tống giam xuống địa ngục do thần Tartare cai quản. Các Titan bị tống giam vào một khu vực hết sức nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chung quanh là những bức tường đồng dày. Nhưng cẩn thận hơn, Zeus còn giao cho các quỷ thần Hécatonchires trấn giữ ngay ở cửa. Riêng thần Atlas là con của Titan Japet chịu một hình phạt khác. Thần Zeus bắt Atlas phải giơ vai ra, gánh đội, chống đỡ cả bầu trời suốt quanh năm, ngày tháng. Sau này Atlas lại phạm tội bạc đãi người anh hùng Persée, con của Zeus, vi phạm truyền thống quý người trọng khách, nên đã bị Persée biến thành ngọn núi đá cao ngất. Và chính ngọn núi đá Atlas cho đến nay vẫn chống đỡ bầu trời ở trên đầu chúng ta. Nếu không có nó, có thể bầu trời đã đổ sập xuống, đổ ụp xuống đất từ lâu rồi.

Thế là sau mười năm giao tranh ác liệt, Zeus đã chấm dứt được quyền lực cai quản thế gian của các vị thần già. Các vị thần trẻ do Zeus cầm đầu từ nay sắp đặt lại trật tự trong thế gian theo ý định của mình. Họ chọn ngọn núi Olympe cao ngất làm nơi trú ngụ, xây dựng trên đó một cung điện cực kỳ nguy nga, lộng lẫy, tráng lệ. Nơi đây không khí trong veo, quanh năm ngày tháng lúc nào cũng chan hòa ánh sáng. Chẳng có khi nào tuyết rơi, băng giá, cũng chẳng có những đám mây u ám đưa mưa dầm gió bấc về. Thật là một nơi ở thanh cao, tuyệt diệu của các vị thần. Từ đây người ta gọi thế hệ các vị thần trẻ do Zeus cầm đầu là các vị thần ở ngọn núi Olympe, gọi tắt là các vị thần Olympe.

Nói về thần Atlas, thời cổ đại người ta tạc tượng vị thần này là một con người to khỏe, lực lưỡng đang cúi khom lưng giơ vai ra chống đỡ cả một quả cầu to đè nặng xuống trên vai. Vì lẽ đó cho nên ngày nay ở nhiều nước trên thế giới, cuốn sách in bản đồ, địa lý nước này nước khác mang tên là Atlas. Từ đó mở rộng ra cả đến những cuốn sách khoa học có tuyển in tranh ảnh để minh họa và giới thiệu toàn cảnh một vấn đề cũng gọi là Atlas. Rồi đến đốt xương cổ đầu tiên của cột sống đỡ cái đầu chúng ta cho ngay thẳng khỏi suy sụp cũng mang tên Atlas. Quê hương Atlas theo người xưa kể ở miền cực Tây, tên gọi là Atlante. Vì thế miền biển cực Tây đối với người Hy Lạp, Đại Tây Dương, mới có tên gọi là Đại dương Atlantique (Océan Atlantique). Trong nghệ thuật kiến trúc, những cột chống tạc hình người, hoặc những môtíp người đội, chống đỡ cho một thành phần nào trong công trình kiến trúc, mang tên là Atlante. Vì quê hương Atlas ở Atlante cho nên người ta cũng gọi Atlas là Atlante.

Cuộc giao tranh với các Gigantos (Gigantomachie)

Tuy nhiên trật tự mới do thần Zeus tạo lập chưa phải đã ổn định vững vàng, chưa phải đã loại trừ được hết nguy cơ đảo ngược. Nữ thần Đất mẹ-Gaia không hài lòng trước việc Zeus đối xử với các Titan tàn nhẫn như vậy. Bà nhớ thương lớp những đứa con khổng lồ đầu tiên của mình bị giam giữ trong ngục tối. Bà nuôi ý định một ngày nào đấy phải giải thoát cho chúng. Và Gaia đã tìm đến những đứa con Gigantos-Đại khổng lồ của mình. Đây là những đứa con sinh ra từ giọt máu của Ouranos lúc bị tử thương. Gigantos là những quỷ thần, hình thù vô cùng quái đản. Nửa người nửa rắn, cao lênh khênh như núi, lông lá, râu tóc rậm rạp như rừng, mỗi bước chân là những con mãng xà dữ tợn. Bọn chúng được võ trang khiên giáp sáng ngời, lao dài nhọn hoắt. Nhưng những quỷ thần này thiệt phận hơn các đàn anh ở chỗ chúng không bất tử, nghĩa là chúng có thể chết như người trần, song chỉ chết với một điều kiện nhất định phải cùng một lúc bị một vị thần và một người trần đánh. Phải cả hai, thần và người, cùng đánh thì mới hạ nổi các gã Gigantos-Đại khổng lồ. Có một thứ cỏ lạ, nếu tìm được uống vào thì có thể làm cho các quỷ thần Gigantos trở thành bất tử, thân thể sẽ cứng như đồng như sắt, gươm đâm chẳng thủng, lao phóng chẳng xuyên. Nữ thần Gaia biết thứ cỏ thần tiên đó. Nàng báo cho lũ con Gigantos biết và hy vọng chúng sẽ mau chóng tìm được. Tiếc thay, thần Zeus cũng biết điều bí mật này. Thần lập tức ra lệnh cấm không cho thần Hélios-Mặt trời, Séléné-Mặt trăng và Éos-Rạng đông có những ngón tay hồng, được tỏa chiếu ánh sáng xuống mặt đất. Như thế Trời và Đất sẽ tối như bưng, chẳng ai biết lối mà đi tìm. Cỏ thần tiên không thể lọt vào tay ai ngoài tay thần Zeus. Cuộc giao tranh lần này diễn ra ác liệt hơn trước nhiều. Các quỷ thần Gigantos bê những hòn núi đá ném vào đỉnh Olympe. Nhưng vô hiệu. Chúng lại đem lửa đốt cháy từ đất cho đến tận trời há vọng thiêu ra tro cả ngọn Olympe. Nhưng lửa không sao bén mảng được đến chỗ ở của các vị thần trẻ. Giáng trả lại lũ Đại khổng lồ-Gigantos là những đòn sét nổ, sấm rền kinh thiên động địa. Bầu trời đen kịt chốc chốc lại lóe ra những tia sáng loằng ngoằng như những ánh mắt hằn học dữ tợn. Các quỷ thần Gigantos quyết một phen tử chiến với các vị thần Olympe. Chúng bê những hòn đá, xếp chồng lên nhau để leo lên hòng đánh tràn vào đỉnh Olympe cao ngất. Tình hình thật nguy ngập. Các vị thần Olympe phải cầu cứu đến một người trần tên gọi là Héraclès. Đây là một người trần có sức khỏe không thua kém gì các vị thần. Héraclès đến, chàng dùng sức mạnh phi thường của mình xô đẩy thần Gigantos. Thế là đổ sập tất cả. Lũ Gigantos rơi từ trên cao xuống. Cùng lúc đó Zeus và các vị thần giáng sấm sét, phóng lao, ném đá, tung lửa ra đánh tới tấp xuống bọn chúng. Héraclès với cây cung thần của mình bắn cho chúng những trận mưa tên đau buốt. Lũ Gigantos, kẻ chết, đứa bị thương, bọn sống sót bỏ chạy tán loạn. Dấu vết các trận đánh và cuộc tháo chạy hoảng loạn của chúng còn in lại ở những vùng đất quanh Địa Trung Hải. Sườn núi lửa Etna còn in dấu chân của tên Gigantos Encelade. Có người bảo tên này bị đánh chết ở đảo Sicile. Có người nói hắn bị Zeus bắt sống và đày xuống địa ngục Tartare. Những dãy núi đá ở vùng Thrace trong bán đảo Pallene ở Hy Lạp, ở vùng Solfatare de Pouzzoles ở Ý đã bị lửa của cuộc giao chiến đốt cháy đến cằn cỗi.

Chuyện về cuộc giao tranh với các quỷ thần Gigantos thật ra còn dài lắm. Nào Héraclès và nữ thần Athéna đã đánh bại tên Alcyonée ra sao, nào cuộc giao đấu giữa Héraclès, Héra với tên Porphyrion sau được Zeus đến giúp sức, quật ngã địch thủ như thế nào, rồi thần Apollon hạ Éphialtès, Dionysos đánh bại Eurytos... nhiều chuyện lắm, thật không thể nào kể hết được. Tuy nhiên ta không thể bỏ qua một vị thần đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho chiến thắng của Zeus. Đó là Titan Prométhée, vị thần đã từ bỏ hàng ngũ các vị thần già, đứng về phe các vị thần trẻ mà Zeus là người cầm đầu.

Như vậy các vị thần Olympe đã một lần nữa, lần thứ hai chiến thắng các thế lực cũ.

Trong thần thoại Ấn Độ, cuộc giao tranh giữa thần Indra với Vritra, một cuộc giao tranh vô cùng khốc liệt, kết thúc bằng chiến thắng của Indra đã mở đầu cho sự sáng tạo ra thế gian. Nhờ Indra chiến thắng Vritra, giải thoát cho Nước Vũ trụ, Người Mẹ thần linh, nên Nước Vũ trụ mới sinh ra được Mặt trời. Có Đất, có Trời, có Không trung lại có Nước và Hơi ẩm của Nước, có Mặt trời, Ánh sáng và Khí nóng của Mặt trời nên mới có thế gian, thần thánh và loài người cũng như các loài vật khác.

Cuộc giao tranh với Typhon

Nữ thần Gaia vẫn không nguôi mối oán hận trong lòng. Bà vẫn muốn giải thoát cho các Titan bị giam giữ trong lòng đất. Lần này Gaia giao sứ mạng phục thù cho Typhon. Như trên đã kể, cuộc tình duyên của Gaia với Tartare đã sinh ra Typhon; một con quỷ thần cực kỳ hung dữ, cực kỳ quái dị. Hắn cao chót vót tưởng như đầu chạm tới trời, lưng rộng mênh mông tưởng chừng như sông dài biển cả, tiếng nói ầm ầm tựa thác đổ sấm rền. Hơn nữa Typhon còn biết nói đủ mọi thứ tiếng của vạn vật, muôn loài. Hắn có thể sủa như chó, hót như chim, rú như sói, rống như bò, kêu như dê, gầm như sư tử... Chỉ dang hai tay ra là tưởng như Typhon có thể ôm được cả châu Âu, châu Á vào lòng. Đầu của Typhon không phải là đầu người mà là một trăm cái đầu rồng, đầu rắn tua tủa, ngoằn ngoèo, quằn quại, lúc nào cũng lăm le như muốn quấn, muốn siết lấy ai. Có chuyện lại kể, đó là những ngón tay của Typhon. Typhon lại có cánh để bay khắp mọi nơi. Cả mắt cả miệng đều có thể phun ra lửa, những ngọn lửa có lưỡi dài hung tợn có thể liếm băng mọi thứ trên đời. Mình Typhon là một lớp vẩy cứng, lớp vẩy mà ngày nay chúng ta có thể thấy ở loài bò sát như con kỳ đà, cá sấu. Typhon rất hung hăng và táo tợn, đâu đâu hắn cũng có thể sục sạo, luồn lách, len lỏi đến, cho nên hắn rất kiêu căng, ngang ngược. Các vị thần Olympe đã đối phó với Typhon ra sao? Đây là một sự thật đáng buồn, không lấy gì làm vẻ vang cho các vị, song lại không thể che giấu được. Các vị chỉ có mỗi một cách đối phó là... cao chạy xa bay. Tam thập lục sách tẩu vi thượng sách! Các vị chạy thẳng một mạch sang tận Ai Cập.

Thế nhưng có một vị thần của các vị thần dám trụ lại đương đầu với Typhon. Đó là thần Zeus. Chẳng phải kể dài dòng chúng ta cũng đoán biết được cuộc giao tranh lần này ác liệt, khủng khiếp gấp muôn ngàn lần hai cuộc giao tranh trước. Typhon phóng lửa thiêu đốt hết mọi vật xung quanh. Zeus liên tiếp đánh trả bằng những đòn sét đánh. Typhon phóng lửa, ném đá thì Zeus cũng ném đá, phóng lửa. Khói bụi mù mịt. Đất run lên và giật giật từng cơn. Trời vùng vẫy, giãy giụa trong màn hơi nóng dày đặc bốc lên cuồn cuộn. Biển thì nóng sôi lên sùng sục. Sông lớn, sông nhỏ đều cạn nước. Thần Hadès ở tận thế giới ngục tù sâu thẳm, dưới lòng đất cũng run lên vì sợ hãi quá chừng. Cả đến thần Cronos và các Titan cũng nhớn nhác, lo âu.

Cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn và xem ra khó có thể đoán định được kết thúc như thế nào, vì hai đối thủ đều không phải là những kẻ tầm thường và không hề thua kém nhau về bất cứ một vũ khí gì. Trong một đòn ác hiểm, Zeus giáng một nhát sét ầm vang xuống và thấy Typhon loạng choạng rồi ngã gục. Zeus bèn tiến lại gần định để bắt sống Typhon hoặc để bồi cho Typhon một đòn nữa, kết thúc thắng lợi cuộc giao tranh. Ai ngờ Typhon mới bị thương nhẹ. Và bất chợt Typhon vùng dậy giật phăng lấy cây rìu Zeus cầm trong tay bổ cho Zeus một đòn tựa trời giáng. Bị một đòn bất ngờ, Zeus ngã quay xuống đất, mê man. Typhon liền lấy dao lóc hết gân ở chân tay Zeus. Typhon không thể giết chết được Zeus bởi lẽ Zeus vốn bất tử. Nhưng bằng cách làm ấy, lóc hết dây gân, Typhon biến Zeus thành một vị thần vô dụng, sống cũng như chết, không cử động được. Bây giờ thì chẳng còn phải đề phòng gì nữa, Typhon vác ngay Zeus lên vai đem về ném vào một cái hang hẻo lánh ở tận đảo Sicile. Tiếp đó Typhon đem những dây gân lóc được ở người Zeus ra bỏ vào một miếng da gấu bọc kín lại rồi giao cho con rồng Delphesnée canh giữ. Thế là Typhon có thể yên chí mà khoái cảm với thắng lợi của mình, một thắng lợi mà theo hắn là vĩnh viễn, là không thể nào xoay chuyển được. Chỉ còn mỗi một việc giải thoát các Titan nữa là xong nhiệm vụ với Gaia.

Tình hình thật là bi đát. Vị thần phụ vương của các thần và người trần thế bị cầm tù. Vương triều Olympe liệu có thể đứng vững được không, một khi các Titan được giải thoát khỏi Tartare-Địa Ngục? Làm thế nào để cứu được Zeus bây giờ? Chỉ có cách giải thoát cho Zeus thì các vị thần Olympe mới có thể giữ được quyền cai quản thế gian. Hermès và Pan, hai con của Zeus, suy tính như thế và đảm nhận sứ mạng cứu cha. Dùng vũ lực đương đầu với Typhon hẳn là không được rồi. Chỉ có thể dùng mưu được thôi.

Hermès và Pan lên đường. Hai người đem theo cây đàn lia và ống sáo. Họ lần tìm đến chỗ Typhon và gảy lên những tiếng đàn thánh thót êm ái. Lần đầu tiên trong đời, gã quỷ thần Typhon được nghe tiếng đàn. Hắn say mê, ngây ngất tưởng chừng như được thưởng thức rượu nho của thần Dionysos pha với mật ong vàng. Bỗng dưng Hermès và Pan ngừng lại, thở dài:

- Chà, thật đáng tiếc! Cây đàn này tồi quá, đến phải vứt nó đi thôi. Biết thế này, chúng tôi sẽ làm một cây đàn thật tuyệt diệu để đến đây chúng ta cùng thưởng thức thì có phải hay biết bao không!

- Sao? - Typhon hỏi lại. - Có thể làm được một chiếc đàn tuyệt diệu hơn chiếc này ư?

- Làm được chứ! Nhưng phải cái hơi khó.

- Khó những gì các bạn cứ nói đi, ta sẽ giúp đỡ.

- Phải tìm được gân của một vị thần làm bộ dây thì mới được. Tiếng đàn sẽ trong trẻo, ấm cúng, thánh thót khác thường, sẽ hay gấp muôn nghìn lần thứ tiếng đàn anh vừa nghe.

Typhon lập tức đi lấy bọc gân của thần Zeus về giao cho Hermès và Pan. Không để lỡ thời cơ, hai vị thần này liền lẻn vào trong hang Zeus bị giam, nhanh nhẹn và khéo léo nối lại các dây gân vào bắp thịt cho Zeus. Phút chốc Zeus trở lại khỏe mạnh như xưa và sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu phục thù. Lần này Zeus đứng trên một cỗ xe thần có cánh, từ xa, đánh nhau với Typhon. Zeus vung lưỡi rìu giáng sét liên hồi, bủa vây Typhon bằng một lưới lửa dày đặc. Typhon vác hết quả núi này đến quả núi khác ném Zeus. Nhưng vô ích, vì Zeus cho nổi phong ba bão táp làm cho những hòn núi đá đó bay ngược lại, đè lên Typhon. Cuối cùng Typhon bị đánh bại hoàn toàn và Zeus sau khi xem xét kỹ mới yên tâm trở về đỉnh núi Olympe bốn mùa mây phủ, mở tiệc mừng chiến thắng với các chư vị thần linh. Chuyện Typhon đánh nhau với Zeus nói qua là như thế chứ thật ra còn có thể kể dài hơn.

Xin kể rõ về cái chết của Typhon. Typhon giao chiến với Zeus hồi lâu thì bị trọng thương, đành phải bỏ chạy. Thần Zeus không hề chậm trễ, rượt đuổi theo ngay. Vừa đuổi thần vừa giáng sét chém, đốt lần lượt hết trăm đầu của Typhon. Trong lúc tên quỷ thần này hoang mang, nao núng, mải cắm đầu chạy thì Zeus thừa thắng vác luôn ngọn núi Etna ném theo Typhon. Không thể tưởng tượng được đòn đánh này mạnh đến như thế nào, ác hiểm đến như thế nào. Ngọn núi bay vèo đi như ta ném một hòn đá và đè sập xuống Typhon kết liễu gọn đời hắn. Giống như một người thợ rèn nung miếng sắt cứng trong lò khi kéo miếng sắt ra đặt trên đe, khói còn bốc lên nghi ngút hồi lâu rồi mới tắt. Cũng vậy, xác của Typhon bị ngọn núi Etna chôn vùi còn phụt lửa lên miệng núi gây ra biết bao tai họa cho thế gian. Để thật yên tâm hơn nữa đối với một địch thủ đáng sợ, Zeus tống giam hẳn Typhon xuống địa ngục Tartare sâu thẳm. Thế nhưng cuộc đời của Typhon chưa hết. Ở dưới địa ngục, Typhon kết duyên với một quái vật nửa phụ nữ, nửa rắn tên là Échidna. Về dòng dõi của quái vật này, người thì bảo mụ là con của Gaia với thần Biển-Pontos. Có người lại kể chính bố mẹ của mụ là Chrysaor và tiên nữ Callirhoé con gái của thần Okéanos. Typhon và Échidna sinh ra được khá nhiều con. Con cái của đôi vợ chồng quái đản này đứa nào cũng lưu giữ, thừa kế được cái “nếp nhà” quái vật bắt đầu từ cha mẹ chúng. Trước tiên quái vật Chimère đầu sư tử, đuôi rồng, thân dê. Có người lại nói chính mắt đã trông thấy Chimère có ba đầu: sư tử, rồng và dê; miệng phun ra ba dòng lửa. Quê hương của Chimère mỗi người kể mỗi khác, có người nói, chính quê tên này ở tận bên Ấn Độ. Rồi đến chó ngao hai đầu Onthros, chó ngao ba đầu Cerbère, mãng xà trăm đầu Lerne. Đấy là những anh em sinh ba của gia đình quái vật.

Về chó ngao Cerbère, có người bảo không phải chỉ có ba đầu mà có tới năm chục đầu. Chó ngao Cerbère lại kết hôn với mẹ Échidna sinh ra quái vật Sphinx có cánh, nửa thân trên và khuôn mặt là người phụ nữ, nửa thân dưới là sư tử, đuôi rồng. Lại còn ác quỷ Méduse, sư tử Némée, con rồng ở xứ Colchide, con rồng Ladon canh giữ những quả táo vàng, tặng phẩm của nữ thần Đất mẹ-Gaia cho Héra ngày cưới.

Typhon còn sinh ra những ngọn gió hung bạo (không phải gió Euros, Notos, Borée và Zéphyr) gây nên những cơn lốc, cơn bão và những ngọn sóng thần khiến cho thuyền bè đi biển bị đắm, mùa màng bị thiệt hại, người chết, của mất đau thương, ai oán không sao kể xiết.

Nói về Zeus thì từ đây không còn phải bận tâm đối phó với một kẻ thù nào nữa. Zeus cũng chẳng còn phải lo sợ một thế lực nào, vì thế đã đến lúc Zeus có thể ân xá cho những vị thần thuộc thế hệ trước. Zeus mở ngục Tartare giải thoát cho các Titan và Cronos, đưa họ đến trị vì ở một nơi xa tít tắp mù khơi. Đó là một thế giới tuyệt diệu trên những hòn đảo “hạnh phúc”, nơi mà tất cả niềm hạnh phúc vô tư, thanh thản sung túc của thời đại Hoàng kim đang còn lưu giữ được.

Như vậy là kết thúc cuộc giao tranh lần thứ ba của các vị thần trẻ, các vị thần của thế giới Olympe văn minh và năng động hơn những vị thần già cổ hủ của ngọn núi Othrys. Và thần Zeus trở thành vị thần tối cao của trật tự mới và pháp chế mới: trật tự và pháp chế của thời đại anh hùng. Thật ra hình ảnh này về Zeus có phần nào làm người ta quên đi cái hình ảnh “thuở hàn vi” xưa kia của Zeus, lúc Zeus chỉ đơn thuần là sấm sét, giông bão, mây mưa. Lại có lúc Zeus là hàng rào, là gióng cửa, là thanh gỗ chắn đảm nhận chức năng vị thần bảo hộ cho gia đình. Giờ đây ở cương vị mới, Zeus giữ lại sấm sét như là thuộc tính của mình.

NGUỒN GỐC CỦA LOÀI NGƯỜI. NĂM THỜI ĐẠI

Các vị thần đã được sinh ra như thế, khởi nguyên từ Vũ trụ, Đất, Trời, Tình yêu rồi từ thần này sinh ra thần khác, nối tiếp nhau đời đời kiếp kiếp. Nhưng còn loài người được sinh ra như thế nào, đó là điều ai cũng muốn biết.

Ai đã sinh ra những con người trên thế gian này? Xin thưa, các vị thần. Đó là các vị thần Olympe không hề biết đến tuổi già và cái chết, đã sáng tạo ra loài người. Các thần đã lấy vàng tạo ra giống người đầu tiên. Những con người đầu tiên này sống trong thời đại Cronos nắm quyền cai quản thế gian. Thời đại Cronos còn được người xưa gọi là thời đại Vàng hay thời đại Hoàng kim, hoặc thời đại Saturne.

Vào thuở ấy con người sống khác bây giờ nhiều. Thiên nhiên đem lại cho họ biết bao thức ăn, vật dụng dồi dào, hoàn hảo. Cây trĩu quả, lúa chắc bông, đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa... tóm lại không có một điều gì đáng phàn nàn chê trách. Con người sống như các vị thần chẳng hề biết đến lo âu, phiền não. Họ cũng không phải làm những công việc cực nhọc đến kiệt sức người. Cảnh đói khổ chẳng bao giờ bén mảng đến cuộc sống của bất cứ ai. Không có bệnh tật làm cho con người phải đau đớn, âu sầu. Và con người cũng không biết đến tiếng gõ cửa dọa đe của tuổi già và cái chết. Ngày này qua ngày khác con người sống trong hội hè, yến tiệc tưng bừng và cứ trẻ đẹp mãi mãi. Của cải đều là của chung hết thảy mọi người vì thế chẳng một ai phạm phải những thói hư tật xấu như: tham lam, ky cóp, trộm cắp, lừa đảo... Cửa ngõ chẳng phải then trong khóa ngoài, rào đóng trước sau. Con người sống trong tình thương yêu đùm bọc, quấn quýt lấy nhau. Mọi người đều trung thực, tin cậy lẫn nhau và trọng danh dự. Con người cứ thế sống mãi cho tới một người nào đó, họ từ giã cõi đời, từ giã một cách bình thản, tự nhiên như một giấc ngủ êm dịu thường đến đè nặng trên mi mắt, chinh phục họ. Khi đất đen đã phủ kín giống người Vàng này thì từ đây họ bước sang một cuộc đời mới. Thần Zeus vĩ đại giao cho họ một sứ mạng cao cả. Họ sẽ đóng vai trò của những vị thần Nhân hậu (Bienveillant) nhưng không phải sống trên đỉnh Olympe mà sống trên mặt đất, làm người bênh vực chân lý và bảo hộ cho những người trần thế. Đó là đặc ân của thần Zeus vĩ đại đã ban cho những người của thời đại Hoàng kim do Cronos trị vì, và chính thần Zeus đã giao cho con gái của mình là nữ thần Diké-Nữ thần Công lý, điều khiển thế gian nên cuộc sống mới tốt đẹp như vậy. Nhưng rồi mọi việc đều biến đổi. Thời đại Hoàng kim qua đi, con người Vàng chẳng còn trên thế gian nữa. Và phải một thời gian khá lâu sau này các vị thần Olympe mới sáng tạo ra được một giống người thứ hai để kế tiếp giống người Vàng đầu tiên. Nhưng con người bây giờ được sáng tạo ra không phải bằng vàng mà bằng bạc. Nó chẳng giống gì lớp người trước kia về hình dáng cũng như về trí tuệ. Nói đúng ra nó có phần không đẹp như trước và có phần kém thông minh hơn. Từ đây, người mẹ phải nuôi con vất vả sớm hôm, nuôi mãi, nuôi mãi ròng rã một trăm năm, đứa con mới khôn lớn trưởng thành. Nhưng con người của thời đại Bạc này sống chẳng được bao lâu. Sự ngu ngốc đã gây ra cho họ biết bao tai họa. Họ không xa lánh được những điều cám dỗ xấu xa. Từ đâu mọc lên trong trái tim họ những dây mơ rễ má của thói ghen tỵ, tham lam, xúc xiểm, dối trá, tàn bạo. Họ mất trí đến nỗi không còn biết sống cho mực thước nữa. Họ đã khinh thị thần linh, không chịu dâng lễ hiến tế đều đặn. Và thế là Zeus nổi cơn thịnh nộ, chôn vùi họ xuống đất đen, bắt họ phải chết. Thật ra thì họ chỉ được phép sống một cuộc đời mới ở dưới âm phủ. Họ chẳng được một ân huệ gì của các bậc thần linh.

Thần Zeus vĩ đại, bậc phụ vương của các thần linh và những người trần thế, lại sáng tạo ra một giống người thứ ba nữa. Đây là giống người Đồng, được sáng tạo ra từ cán của những ngọn lao đồng, khác hoàn toàn giống người Bạc. Đó là những con người rất hung hăng và rất đáng sợ. Loại người này chỉ ưa thích những cuộc giao tranh là suối nguồn của máu và nước mắt. Họ có một trái tim rắn như đá, lạnh như băng, chẳng hề xót xa trước cảnh đầu rơi máu chảy. Họ cũng chẳng biết đến những cử chỉ tế nhị, dịu dàng, những thú vui thanh nhàn, cao thượng mà chỉ quen thú vui với bạo lực, với cảnh đầu rơi máu chảy. Được thần Zeus ban cho một thân hình cao lớn, to khỏe với những đôi tay, bắp chân gân guốc có thể bạt núi ngăn sông nhưng họ lại không dùng sức lực đó để cày cấy, trồng trọt mà lại dùng vào các cuộc chinh chiến, chém giết lẫn nhau. Những người Đồng làm những ngôi nhà bằng đồng để ở, vật dụng trong nhà từ giường ghế cho đến đồ ăn thức đựng cũng đều bằng đồng. Vũ khí trong các cuộc giao tranh cũng bằng đồng bởi vì thời ấy sắt đen cứng rắn chưa ai biết đến. Những người Đồng không ăn bánh mì. Với tính khí hung hăng, kiêu ngạo, họ luôn chém giết lẫn nhau. Cứ thế, hết cuộc chém giết này đến cuộc chém giết khác cho đến một ngày kia chẳng còn sót một ai trên thế gian nữa. Giống người Đồng đã tự hủy diệt vì sự thái quá, sự không mực thước. Họ phải từ bỏ mặt đất chan hòa ánh sáng tươi vui để đi vào địa ngục muôn đời tối tăm của thần Hadès, chẳng một chút vinh quang lưu lại, và thế là chấm dứt thời đại Đồng của giống người Đồng.

Khi đất đen đã bao phủ giống người Đồng thì cũng là lúc Zeus, người con của Cronos, một lần nữa lại sáng tạo ra giống người thứ tư cho Đất Mẹ. Đây là một thế hệ người đứng đắn hơn, ưu tú hơn giống người trước. Họ là những vị anh hùng của dòng giống thần linh được mang danh là các vị Bán thần. Các vị anh hùng Bán thần này đã sống trên mặt đất bao la của chúng ta với bao nhiêu chiến công hiển hách. Nhưng họ cũng không có được một cuộc sống vĩnh hằng. Các cuộc chiến tranh thảm khốc và những cuộc hỗn chiến bạo tàn cướp đi cuộc sống của họ. Người thì chết dưới chân thành Thèbes bảy cổng, kẻ thì bỏ mình trong cuộc tranh giành gia súc của Oedipe. Và biết bao nhiêu người con ưu tú đã xuống thuyền vượt biển khơi mù xám để sang đánh thành Troie vì nàng Hélène mà không thấy được ngày trở về. Thương xót những vị anh hùng Bán thần, thần Zeus ban cho họ một cuộc sống mới vô cùng tốt đẹp. Thần đưa họ tới một nơi cách biệt với mọi người, xa tít tắp mù khơi, ở tận nơi cùng kiệt của đất. Đây là những hòn đảo Hạnh phúc trên bờ Đại dương do Okéanos cai quản có vực nước xoáy sâu. Họ sống ở đây trái tim thanh thản, chẳng phải tất bật lo toan về bát cơm manh áo. Đất đai phì nhiêu, màu mỡ, cứ mỗi năm ba vụ hiến dâng họ những hạt lúa chắc mẩy, ngọt như mật ong vàng.

Thời đại thứ năm là thời đại Sắt, một thời đại nghiệt ngã và tồi tệ hơn tất cả các thời đại trước. Đây là thời đại thống trị của Hybrid, Nữ thần Thái quá (Không mực thước). Con người được tạo ra bằng sắt, hai thái dương xám xịt, suốt đêm ngày bị đắm chìm trong cuộc sống vất vả, cực nhọc, bận rộn, tức tưởi. Và chẳng thể nào chấm dứt được tai họa ấy. Các vị thần đã đem lại cho con người bao nỗi ưu tư nặng nề khôn tả. Thời đại này sa sút đến mức xấu tốt lẫn lộn, phải trái không phân minh. Ở cái thời đại Sắt này con người đối xử với nhau lạnh lùng, tàn nhẫn. Cha mẹ chẳng chăm sóc, yêu mến, lo toan dạy bảo con cái. Con cái chẳng kính trọng mẹ cha. Truyền thống quý người trọng khách mất hết, tình bạn chân chính chẳng còn... Biết bao chuyện đau lòng đã xảy ra: cha già con bạc, hiếu nghĩa nhạt phai, danh dự bị vất bỏ. Điều Chân, điều Thiện, lời thề hứa mất tính chất thiêng liêng, cao cả. Quyền thế là sức mạnh thống trị tối cao. Vì thế kẻ ác tâm có thể hại người lương thiện bằng những lời bịa đặt xấu xa. Thói xấu muốn lợi mình hại người, thích thú trước việc dèm pha, chèn ép, triệt hại người khác cứ hiện ra lồ lộ dưới một bộ mặt đen xỉn ghê gớm. Bất hòa, bạo lực, chiến tranh cứ bám riết cuộc sống của loài người như một tai họa, một nỗi bất hạnh triền miên. Vì lẽ đó các nữ thần Lương tâm (Conscience) và Công bằng (Équité) vốn che giấu thân thể kiều diễm của mình trong những tấm lụa trắng phải từ bỏ con người để trở về với cuộc sống của các vị thần bất tử ở đỉnh Olympe. Đời sống trần thế chẳng có chỗ dung thân cho hai vị nữ thần này nữa. Còn các vị thần trên đỉnh Olympe tức giận giống người Sắt này khôn tả. Các vị chẳng ban cho họ những phúc lợi như xưa. Từ nay họ phải nai lưng ra làm việc đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có miếng ăn. Để có được thịt muông thú họ phải dấn thân vào những cuộc săn bắt nguy hiểm. Để có được cá ăn họ phải đương đầu với biển khơi hung dữ. Để có được thóc lúa, hoa quả họ phải chống chọi với nắng hạn, mưa úng, bão lụt. Đời sống của giống người Sắt ngắn hơn các giống người ở các thời đại trước. Họ phải chịu nỗi khổ đau giày vò của tuổi già và bệnh tật. Nỗi bất hạnh cứ bám dai dẳng vào cuộc sống của họ như những cái vòi của con bạch tuộc bám chặt vào đá mà không phương kế gì rứt bỏ nó ra được, cứu chữa được.

Đó là câu chuyện về nguồn gốc loài người trải qua năm thời đại do nhà thơ Hy Lạp Hésiode kể, một câu chuyện nghe thì cũng hay nhưng quả thật cũng không lấy gì làm vui cho lắm. Bởi vì... nó là chuyện thần thoại mà!

Huyền thoại về năm thời đại của loài người của Hésiode có chút gì phảng phất, na ná như những huyền thoại nào đó của Thiên Chúa giáo. Điều dễ nhận thấy nhất là ở quan điểm cho rằng con người sống càng ngày càng hư hỏng, tội lỗi, xấu xa đến mức thần thánh, Thượng đế đã nhiều lần gia ân, khoan hồng cho nhưng con người vẫn chứng nào tật ấy. Và chính vì những tội lỗi ghê gớm của con người mà thần thánh phải trừng phạt, tước bỏ không ban cho họ cuộc sống an nhàn, vĩnh hằng, hạnh phúc. Thần thánh đã trừng phạt con người, bắt con người phải “lao động” mới có miếng ăn. Khoa tôn giáo học gọi quan điểm này là mạt thế luận. Xuất phát từ quan điểm này mà Thiên Chúa giáo có tội tổ tông, tội lỗi của Cain, nạn hồng thủy, ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng... Phật giáo có quan điểm: con người ta sinh ra là đã mang ngay vào bản thân mình cái tiền oan nghiệp chướng của mọi nỗi khổ đau. Cái “dục” của con người ngày càng lớn ngày càng làm cho con người hư hỏng, tội lỗi.

THẦN PROMÉTHÉE VÀ LOÀI NGƯỜI

Thuở ấy thế gian chỉ mới có các vị thần. Mặt đất mênh mông, dẫu đã có khá nhiều vị thần cai quản song vẫn còn hết sức vắng vẻ. Không muốn để tình cảnh buồn tẻ đó kéo dài, bữa kia hai anh em Prométhée và Epiméthée xin với Ouranos và Gaia tạo ra cho thế gian thêm nhiều nhiều cái gì đó để cho cuộc sống đông vui. Ouranos và Gaia ưng thuận. Hai vị giao luôn việc đó cho hai anh em Prométhée và Epiméthée. Cậu em Epiméthée mừng quá, tranh ngay lấy đất và nước nhào nặn ra trước hết các loài vật và ban cho mỗi con vật một đặc ân của thần, một “vũ khí” để có thể phòng thân, hộ mệnh, bảo vệ được cuộc sống của giống loài mình. Con thì được ban cho ân huệ chạy nhanh như gió. Con thì có đôi mắt sáng xanh nhìn thấu cả đêm đen. Con thì có thân hình khổng lồ mạnh khỏe hết chỗ nói. Có con thân hình bé nhỏ nhưng lại có nọc độc gớm ghê. Rồi con có bộ lông dày, con có sải cánh rộng. Con thì xuống nước không chìm, con thì trèo leo thoăn thoắt... Tóm lại mỗi con vật, mỗi giống loài đều có “vũ khí” cần thiết để sống được ở thế gian.

Công việc làm xong xuôi, Epiméthée gọi Prométhée đến để xem xét lại. Mọi việc đều tốt, rất tốt nữa là đằng khác. Nhưng xem kỹ ra thì tai hại thay, còn sót lại một con, một con mà chàng Epiméthée đần độn lại quên mất chẳng ban cho một đặc ân, một thứ “vũ khí” gì. Đó là con người! Một con người, nhưng trần trụi, trần trụi hoàn toàn. Phải, đúng là một con người trần trụi hoàn toàn trước mặt Prométhée. Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào để con người sống được ở thế gian khi các “nguyên liệu” đặc ân đã sử dụng phân phối hết rồi? Con người sẽ sống thế nào trước các con vật: hổ, báo, voi, sói, vẹt, nhím, gấu, ngựa, sư tử, cá, chim... là những con vật đã được sáng tạo hoàn hảo? Là những con vật đã được ban cho đặc ân của thần thánh? Và rồi còn phải đương đầu với nắng, mưa, bão tố, núi lửa phun, nước sông dâng, đất liền phút chốc thành biển cả, bãi bể hóa nương dâu... biết bao biến thiên, tai họa khôn lường? Prométhée đã nghĩ như thế. Và vị thần có bộ óc thông minh, có tài nhìn xa trông rộng này quyết sửa chữa bằng được cái thiếu sót của chú em lơ đễnh, đần độn của mình. Prométhée dựa theo thân hình trang nhã của các vị thần tái tạo lại con người cho có một thân hình đẹp đẽ thanh tao. Phải làm cho con người đẹp đẽ thanh tao hơn hẳn con vật. Prométhée lại làm cho con người đứng thẳng lên, đi bằng hai chân để đôi tay được thảnh thơi làm nhiều việc khác. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Con người vẫn còn bấy yếu và thua kém nhiều so với các con vật. Phải làm cho con người mạnh hơn hẳn con vật thì nó mới có thể sống được trong thế gian này. Prométhée liền băng ngay lên bầu trời cao xa tít tắp, đến tận cỗ xe của thần Mặt trời-Hélios, lấy lửa của thần Mặt trời châm vào ngọn đuốc của mình đem xuống trao cho loài người. Và thế là từ đó, thế gian, mặt đất lúc nào cũng rực cháy ngọn lửa của Prométhée ban cho. Con người thoát khỏi cảnh sống tăm tối, giá lạnh, đói khát. Ngọn lửa trở thành người bạn thân thiết, người bảo vệ chắc chắn nhất, một vũ khí mạnh nhất của loài người. Ngọn lửa của con người hơn hẳn bộ lông dày, hàm răng sắc, cặp móng nhọn, thân hình đồ sộ, khỏe mạnh, tài bay cao, nhìn xa, chạy nhanh như bất cứ con vật nào. Và với ngọn lửa của Prométhée, con người, thế hệ này qua thế hệ khác, tạo dựng cuộc sống của mình ngày càng văn minh hạnh phúc hơn.

Và từ đó dẫu mong manh và bấy yếu,

Giống loài người đã có ngọn lửa của Prométhée;

Ngọn lửa thiêng dạy họ biết bao nghề.

Pandore - Người đàn bà đầu tiên của thế gian và những tai họa Zeus giáng xuống trừng phạt loài người

Truyện Prométhée trao ngọn lửa cho loài người còn có đôi đoạn kể khác nhau đôi chút:

Truyện kể rằng, xưa kia khi thần Zeus sáng tạo ra loài người, sáng tạo rồi nhưng thần Zeus lại không ban cho một đặc ân gì hết để họ có thể dùng làm vũ khí bảo vệ giống nòi. Họ sống trần trụi trong một cuộc sống tối tăm, hoang dại với biết bao nỗi hiểm nguy đe dọa họ từng phút từng giờ. Khi ấy trên thế giới chỉ có rặt là đàn ông, còn đàn bà chưa có. Các vị thần chưa sáng tạo ra cho cuộc sống người đàn bà. Việc làm đó của thần Zeus khiến Prométhée bất bình, vì Prométhée vốn yêu quý loài người.

Bữa kia nhân vụ phân xử một cuộc tranh chấp giữa các vị thần bất tử và loài người đoản mệnh ở Mecone, Prométhée với trái tim ưu ái đối với loài người đã chọn một con bò to béo giết thịt để dâng các vị thần và ban cho loài người. Vốn yêu quý loài người và không ưa gì thần Zeus, Prométhée đã chia thịt ra làm hai phần. Một phần là bộ lòng và những miếng thịt ngon Prométhée đem bọc lại trong một mảnh da xấu xí. Còn một phần là những miếng xương ngắn, xẩu dài, gân dai, bạc nhạc, thần đem bọc lại trong một lớp mỡ béo ngon lành. Và Prométhée kính cẩn dâng cả hai phần lên để cho Zeus lựa chọn. Zeus chẳng nghi ngờ gì, chọn ngay phần mỡ béo bọc ngoài vì nó hấp dẫn hơn cả. Nhưng hỡi ôi! Khi mở ra thì bên trong toàn là xương xẩu chẳng có lấy một miếng thịt nào. Zeus tức uất lên tận cổ song đành ngậm đắng nuốt cay. Nhưng cũng vì thế mà trong trái tim của vị thần này bùng lên một nỗi căm tức, thù địch đối với Prométhée và loài người. Vì câu chuyện này mà loài người từ đó trở đi, đời này qua đời khác, mỗi khi cúng tế thần linh đều phải kính cẩn đốt xương súc vật trên các bàn thờ uy nghi, trang trọng. Zeus thù ghét Prométhée và loài người. “Loài người là cái gì mà Prométhée lại quan tâm, chăm sóc chúng đến như thế? Đã thế ta sẽ không ban cho chúng ngọn lửa thiêng liêng nữa. Ta sẽ chẳng lấy cây tần bì làm đuốc, đốt cháy lên ngọn lửa hồng không mệt mỏi để trao cho chúng nữa. Để xem xem chúng sẽ sống ra sao và Prométhée liệu có cứu chúng khỏi họa tuyệt diệt không nào!” Zeus nghĩ thế và làm như thế. Nhưng Prométhée đã đoán được ý đồ của Zeus bởi vì thần vốn là người tiên đoán được mọi việc. Và lập tức Prométhée lấy ngọn lửa thiêng liêng của thiên đình ủ kín vào trong lớp ruột xốp khô của một loài cây sậy (férule) đem xuống trần trao cho loài người. Bằng cách ấy Prométhée đã đem “tia lửa giống” băng qua bầu trời xuống trần mà Zeus không hay không biết.

Thế là ngọn lửa của Prométhée đến tay loài người. Khắp mặt đất, chỗ này chỗ khác, nơi này nơi khác người người nhà nhà truyền cho nhau cái ánh sáng thiêng liêng bất diệt đó. Từ thiên đình nhìn xuống, bỗng nhiên Zeus thấy đâu đâu cũng rực lên từng đốm sáng nhấp nhánh, bập bùng. Zeus biết thôi thế là mưu đồ của mình đã bị Prométhée phá vỡ. Ngọn lửa thiêng liêng, báu vật riêng của các bậc thần linh, một vũ khí vô địch đã bị mất rồi. Ngọn lửa đã về tay người trần thế mất rồi. Một nỗi căm tức lại cắn rứt trái tim của thần Zeus: “Thế là loài người không bị tiêu diệt nữa... không thể tiêu diệt loài người được nữa! Chúng nó đã có một vũ khí vô địch mà chỉ riêng các vị thần Olympe mới có... nhưng không tiêu diệt được chúng thì ta cũng quyết không để cho chúng sống yên vui, hạnh phúc!” Zeus nghĩ thế và mưu tính một sự trả thù.

Các vị thần Olympe được triệu đến. Theo lệnh của Zeus, vị thần Chân thọt-Héphaïstos danh tiếng lẫy lừng, lấy đất và nước nhào nặn ra một người nhưng không phải là người đàn ông, mà là một người đàn bà, một thiếu nữ, phỏng theo hình dáng thanh tú, kiều diễm của các vị thần. Đương nhiên là người thiếu nữ đó phải vô cùng xinh đẹp. Ngay các vị nữ thần khi thấy cũng phải tấm tắc khen thầm. Héphaïstos còn ban cho người thiếu nữ đó tiếng nói thánh thót như chim, sức sống bừng bừng, rạo rực như hơi thở hừng hực của lửa nóng ở lò rèn. Và đó là vật dành riêng cho giống người trần đoản mệnh. Sức sống này được vị thần Chân thọt đưa vào ẩn náu trong một thân hình mềm mại như một làn sóng biển, uyển chuyển như một giống dây leo, sáng ngời như ánh trăng rằm, long lanh như những hạt sương chưa tan buổi sớm. Nữ thần Athéna có đôi mắt sáng ngời, ban cho nàng chiếc thắt lưng xinh đẹp của mình và một tấm áo dài trắng muốt. Nàng lại còn ban cho người thiếu nữ đó một tấm lụa mỏng để cô ta trùm lên vầng trán cao cao xa xa vời vợi của mình. Một chiếc mũ bằng vàng do đích thân thần Héphaïstos với bàn tay khéo léo của mình sáng tạo ra, được nữ thần Athéna đem tới âu yếm đặt lên đầu người con gái. Trên chiếc mũ vàng ngời ngợi này, Héphaïstos đã dày công chạm khắc biết bao hình ảnh đẹp đẽ của vũ trụ và thế gian: núi rừng trập trùng, suối sông uốn khúc, nai thơ thẩn dưới trăng, hươu từng bầy gặm cỏ... nơi đây dưới ánh bình minh, người người đang mải miết cày lật đất đen, nơi kia bên bếp than hồng, người người quây quần nướng thịt thú rừng, thỏ, nai săn được. Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp Aphrodite ban cho cô gái vẻ đẹp duyên dáng, dục vọng đắm say và sự khêu gợi thầm kín. Còn thần Hermès ban cho cô gái tài nói năng tế nhị, dịu dàng, có thể cám dỗ làm xiêu lòng người khác. Thần lại ban cho cô gái cả tài che giấu ý nghĩ thật của mình, trái tim nghĩ một đằng, miệng nói một nẻo. Đó là sự không trung thực và thói xảo trá, ỏn thót, điêu ngoa. Cả những lời nói nịnh khéo, khen bừa, lẩn tránh quanh co để được vừa lòng tất cả mọi người, hoặc lấp lửng nước đôi, mặn nồng vừa đấy mà đã nhạt phai ngay liền, thoắt khóc, thoắt cười đều do vị thần Trộm cắp Hermès ban cho cô gái hiền dịu, trong trắng, đẹp đẽ tuyệt vời đó. Tiếp đến những nữ thần Duyên sắc-Charites (thần thoại La Mã: Graces) và nữ thần Khuyên nhủ đeo vào cổ người thiếu nữ những chiếc vòng vàng muôn phần xinh đẹp. Còn những nữ thần Thời gian-Heures có mái tóc đẹp đội vào đầu cô gái vòng hoa xuân rực rỡ thắm sắc thơm hương.

Khi mọi việc đã xong xuôi, Hermès tuân theo ý định của thần Zeus, đặt tên cho người thiếu nữ đó là “Pandore” nghĩa là “có đủ mọi tài năng”. Mà đúng thế, bởi các vị thần đã ban cho người con gái đó đủ mọi tài năng. Thần Zeus quyết định đưa người con gái này xuống trần để làm vợ Epiméthée. Từ nàng Pandore này sẽ sinh sôi, nảy nở ra giống đàn bà, một loài độc hại cho giống đàn ông mà giống đàn ông không sao dứt bỏ được bởi vì, theo sự sáng tạo của các vị thần, giống đàn bà là loài không thể chịu đựng được cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, nghèo túng, khó khăn mà chỉ sinh ra để sống trong cảnh an nhàn, sung túc và hưởng thụ kết quả lao động khó nhọc của người đàn ông, cũng như gây ra cho người đàn ông biết bao điều đau khổ, phiền muộn trong chuyện hôn nhân và gia đình. Người đàn bà sẽ là người bạn đường của người đàn ông nhưng là người bạn đường gây ra những nỗi bất hạnh cho người đàn ông. Đó là cái tai họa mà thần Zeus ban cho loài người.

Theo lệnh của Zeus, vị thần Dẫn đường sáng suốt Hermès đưa Pandore xuống trần để làm bạn với Epiméthée. Zeus còn giao cho Pandore một cái chum đậy kín (có chuyện kể là cái hộp, cái tráp) và căn dặn kỹ, dặn đi dặn lại Pandore không được mở ra xem.

Không phải kể dài dòng hẳn mọi người cũng đoán biết được đứng trước Pandore, chàng Epiméthée sẽ như thế nào. Anh ta bối rối, ngây ngất đến đờ đẫn người ra trước sắc đẹp của Pandore. Vốn là người có đầu óc nặng nề, chẳng tỉnh táo gì, nay trước tình cảnh này anh ta lại càng mất tỉnh táo hơn nữa, nhất là khi được nghe những lời nói dịu dàng, được tiếp nhận những cử chỉ rất rất đáng yêu của Pandore. Thế là Epiméthée quên sạch cả những lời dặn dò chắc chắn của Prométhée trước lúc Prométhée bị thần Zeus sai bộ hạ đến bắt đi, giải đến một vùng núi đá hoang vắng và xiềng Prométhée vào đó. Vì là người tiên đoán nên Prométhée biết trước mưu đồ của Zeus. Chàng dặn lại Epiméthée, tuyệt không được nhận một tặng phẩm gì, tiếp nhận một ai của thần Zeus đưa đến. Nếu có thì phải gửi trả lại các vị thần Olympe ngay.

Nhưng làm sao mà Epiméthée nhớ được lời căn dặn ấy hay dẫu có nhớ thì làm sao mà Epiméthée có đủ nghị lực để thực hiện đúng lời căn dặn ấy, và việc phải xảy ra đã xảy ra. Epiméthée cưới Pandore làm vợ. Không rõ đôi vợ chồng này đã sống với nhau bao nhiêu ngày để cho đến một ngày kia họ gây ra tai họa cho thế gian và loài người, cái tai họa gớm ghê truyền kiếp bắt đầu từ gia đình họ. Số là Zeus có trao cho Pandore một cái chum đậy kín và dặn đi dặn lại Pandore không được mở ra xem. Pandore nói điều đó cho Epiméthée biết. Nghe lời vợ, chàng cẩn thận đưa chum vào trong phòng và chẳng hề ngó ngàng, táy máy đến cái vật thiêng liêng ấy của thần Zeus. Chàng cũng không quên dặn bảo gia nhân điều cẩn mật mà vợ chàng đã từng nói đi nói lại với chàng nhiều lần. Nhưng bữa kia, khi Epiméthée đi vắng, Pandore ở nhà, bỗng đâu từ trái tim nàng ngọ nguậy thói tò mò muốn biết xem trong chiếc chum kia đựng những gì mà thần Zeus lại ra lệnh nghiêm cấm ngặt nghèo đến thế, căn dặn kỹ lưỡng đến thế. Pandore đắn đo suy nghĩ, nửa muốn nửa không, nhưng rồi nghĩ quanh, nghĩ quẩn thế nào, nàng lại để cho tính tò mò xúi giục. Thật là ma đưa lối quỷ dẫn đường! “Chậc, cứ mở ra một tị, nhoáng cái thôi rồi đậy kín, chắc chẳng tội vạ gì...” Pandore nghĩ thế và mở nắp chum ra. Một cơn gió lốc từ đáy chum cuốn bay lên, ùa ra ngoài làm Pandore tối tăm mặt mũi. Những thứ gì trong đó? Đó là những hạt giống, những hạt giống của mọi loại tai họa như: Chiến tranh, Đói khổ, Trộm cắp, Lừa đảo, Phản bội, Dối trá, Ghen tị, Thù hằn, Ức hiếp, Bạo lực, Keo kiệt, Bủn xỉn, Bạc ác, Bất nhân, Bất nghĩa, Bệnh tật, Dịch tả, Thương hàn, Dịch hạch, Sốt rét... Lũ lụt, Động đất, Sụt đất, Núi lửa phun... tóm lại là mọi thứ Tai họa, Xấu xa và Tội ác.

Pandore đậy vội nắp chum lại, thở phào một cái. Nàng có biết đâu hành động tò mò của nàng đã gây cho loài người một cuộc sống bi thảm, khốn khó mà không bút nào tả xiết. Những hạt giống của mọi thứ Tội ác, Xấu xa, Tai họa bay đi khắp nơi trên thế gian nảy mầm, đâm nhánh ở bất cứ chỗ nào có con người, luồn lách vào trái tim con người. Và cũng từ đó trở đi loài người mất đi cuộc sống vô tư, êm ấm, hạnh phúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống, phúc họa, buồn vui, sướng khổ thường bên nhau; có lẽ nào bên cái tai bay vạ gió đó mà loài người trần tục chúng ta phải chịu há chẳng còn điều gì an ủi chúng ta? Có, nhất định phải có! Và đúng thế, Zeus còn bỏ vào, bỏ lẫn vào trong muôn vàn hạt giống của mọi loại Tội ác, Xấu xa, Tai họa một hạt giống Hy vọng. Hạt giống này không bay đi lẫn vào cùng với đám những hạt giống kia. Nó còn nằm lại ở đáy chum. Và Pandore đã kịp đậy nắp chum để giữ nó lại. Hạt giống Hy vọng ở lại với con người, còn lại với cuộc sống con người. Nghèo nàn thay một hạt giống an ủi! Song cũng được, cũng tốt. Và với chỉ với hạt giống Hy vọng không thôi, loài người vẫn sống, cố sống, cứ sống, không chịu để cho những Tội ác, Xấu xa, Tai họa đè bẹp, và chỉ với hạt giống Hy vọng không thôi, loài người đương đầu với tất cả thử thách trong cuộc sống của mình. Và có lẽ họ tin rằng với hạt giống Hy vọng này, một ngày kia họ sẽ khôi phục lại cảnh đời thái bình, hạnh phúc xưa kia bằng mồ hôi, nước mắt của họ.

Ngày nay trong văn học thế giới, thành ngữ Cái chum của Pandore hoặc Cái hộp của Pandore chỉ một sự việc, sự vật gì mà bề ngoài thì hào nhoáng, đẹp đẽ nhưng bên trong lại xấu xa, thối nát, độc địa giống như những câu tục ngữ Khẩu Phật tâm xà, Miệng thơn thớt, bụng ớt ngâm, Miệng nam mô bụng một bồ dao găm trong văn học nước ta.

Nạn hồng thủy. Deucalion và Pyrrha. Giống người đá

Như đã kể, con người trên thế gian sống ngày càng xấu xa, hư hỏng, tội lỗi. Tội nặng nhất của con người là kiêu căng, ngạo mạn, khinh thị thánh thần. Thần Zeus giận họ vô cùng. Thần nghĩ bụng: “Phải xóa bỏ cái đồ hư hỏng ấy đi và tạo ra một giống mới tốt đẹp hơn, ngoan ngoãn hơn, trong sạch hơn”. Nghĩ xong, thần quyết định sẽ dùng nước để tẩy rửa sạch cái giống người hư hỏng đã làm ô uế mặt đất. Thần ra lệnh cho thần Mưa hành động. Thế là hết ngày này sang ngày khác, đêm này sang đêm khác, mưa từ trời cao trút xuống mặt đất bao nhiêu là nước. Mưa ròng, mưa rã, mưa tầm, mưa tã, mưa hoài, mưa mãi, không ngơi không dứt chút nào. Cẩn thận hơn, Zeus còn cấm không cho thần Gió Notos và Euros ra khỏi đỉnh Olympe, vì chỉ có hai vị thần này mới có thể xua tan được những đám mây đen gây ra lũ lụt do thần Zeus dồn về lớp lớp chất chồng. Mưa to và kéo dài như thế khiến cho nước ở biển, sông suối, hồ ao... ngày một dâng cao. Nước dâng lên tràn bờ, vỡ đê, ngập lụt khắp ruộng đồng, đô thị, làng mạc. Chẳng mấy chốc mà khắp mặt đất chỉ là một biển nước mênh mông, trắng xóa chẳng còn gì là dấu vết của đồng lúa chín vàng, ruộng nho trĩu quả, rừng xanh sẵn thú, lắm chim. Người người, nhà cửa đều bị nước cuốn trôi ra biển. Cuối cùng chỉ còn lại giống cá là được dịp vùng vẫy, lặn ngụp thỏa thích. Chúng đi khắp đó đây, tung tăng nô đùa không hề biết gì đến thảm họa ghê gớm mà Zeus đã giáng xuống cho loài người.

Nhưng may thay loài người không chết hết. Vẫn còn sót lại hai người, đúng hơn là một cặp vợ chồng. Chồng tên gọi Deucalion là con của Titan Prométhée và tiên nữ Clymène, vợ tên gọi là Pyrrha, con của Epiméthée và Pandore. Hai vợ chồng Deucalion và Pyrrha sinh cơ lập nghiệp ở đất Thessalie vốn là những người nhân nghĩa, phúc hậu nên được thần Zeus gia ân cho sống sót. Prométhée theo lời phán truyền của Zeus, xuống báo tin cho con biết tai họa khủng khiếp sắp tới và cách đề phòng. Theo lời chỉ dẫn của cha, Deucalion đóng một cái hòm lớn, chất đầy lương thực. Khi trời đổ mưa, nước bắt đầu dâng cao, hai vợ chồng rời nhà vào ngồi trong hòm. Và chiếc hòm đã bập bềnh trên sóng nước, trôi nổi đi khắp đó đây dưới những trận mưa tầm tã, ròng rã suốt chín đêm ngày. Chín đêm ngày lênh đênh như thế cho đến ngày thứ mười thì chiếc hòm của hai vợ chồng Deucalion và Pyrrha trôi dạt đến ngọn núi Parnasse (Có chuyện kể là núi Othrys), một ngọn núi duy nhất không bị nhấn chìm dưới nước. Đó cũng là lúc thần Zeus nguôi giận, mưa tạnh dần, nước rút hết, mặt đất hiện ra.

Thấy tạnh mưa, nước rút hai vợ chồng Deucalion bảo nhau ra khỏi hòm. Thật không thể nào kể xiết nỗi bàng hoàng, ngơ ngác của họ trước cảnh mặt đất tiêu điều, hiu quạnh, xác xơ đến thế. Họ đi xuống chân núi tìm thấy một ngôi đền thờ bị bùn phủ kín, rêu rong bám dày song chưa đến nỗi đổ nát. Họ nghĩ ngay đến việc phải dâng lễ vật tạ ơn thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe đã cứu giúp họ tai qua nạn khỏi. Hài lòng vì nghĩa cử thành kính của hai vợ chồng, thần Zeus bèn sai thần Hermès, người truyền lệnh nhanh nhẹn của các thần, xuống gặp họ:

- Này hỡi Deucalion và Pyrrha! Zeus bậc phụ vương của các thần và những người trần thế, đã hiểu thấu tấm lòng thành kính của các con. Theo lời phán truyền của Zeus, các con sẽ là người mở đầu cho một dòng giống mới của loài người. Vậy các con có điều gì muốn kêu cầu, thỉnh nguyện thì cứ nói. Zeus người con của Cronos, sẽ cho các con được toại nguyện.

Nghe lời truyền phán của thần Hermès, Deucalion vô cùng sung sướng. Chàng cất tiếng cầu xin:

- Hỡi thần Hermès vĩ đại! Xin nhờ thần về truyền đạt lại cho đấng phụ vương chí tôn, chí kính của các vị thần bất tử và những người trần thế đoản mệnh rằng ta chỉ cầu xin thần Zeus và các chư vị thần linh hãy làm cho mặt đất có cuộc sống của loài người, đâu đâu cũng có con người sống đông đúc tươi vui, nhộn nhịp.

Hermès, vị thần đi nhanh như tên bắn, nghe Deucalion nói xong bèn trở lại đỉnh Olympe tâu lại cho Zeus biết, Zeus gật đầu ưng thuận. Từ đỉnh Olympe cao ngất, thần phán truyền cho họ những lời sau đây:

- Các người hãy lấy vải che mặt ra khỏi đền thờ và ném lại sau lưng mình xương của mẹ các người!

Thoạt nghe những lời phán truyền ấy, Pyrrha vô cùng kinh hãi. Nàng bảo chồng: “Không, không đâu, làm sao chúng ta có thể đang tâm làm được một việc như thế?” Nhưng Deucalion bình tâm khuyên can vợ. Chàng suy nghĩ hồi lâu về ẩn ý của lời phán truyền. “Ai là mẹ của chúng ta? Ai? Ai? Đất, đúng rồi! Đất, mẹ của muôn loài, người nuôi dưỡng mọi sinh linh vạn vật. Thế thì xương mẹ là gì? Là những hòn đá!” Chàng nói điều suy nghĩ của mình cho vợ biết. Và hai vợ chồng làm theo sự suy nghĩ đó. Đúng như thế! Thật kỳ diệu! Mỗi hòn đá Deucalion vứt về phía sau mình biến thành một người đàn ông, mỗi hòn đá Pyrrha vứt về phía sau mình biến thành một người đàn bà. Và loài người cứ thế hồi sinh trên mặt đất đông vui, nhộn nhịp. Từ đây một giống người Đá từ thần Mẹ-Đất sinh ra, sống bám lấy Mẹ-Đất và bằng mồ hôi, nước mắt của mình, họ ra sức làm việc để khôi phục lại cái thời Hoàng kim tràn đầy hạnh phúc yên ấm xưa kia.

Deucalion và Pyrrha sinh được một con trai đặt tên là Hellen. Hellen lấy tiên nữ Orséis sinh ra được ba người con trai là Doros (Có nguồn chuyện kể Doros là con của thần Apollo và tiên nữ Nymphe Phthie), Xouthos và Éolos. Xuthus sinh được hai người con trai là Ion và Achaeos. Đó là những vị thần thủy tổ của bốn nhóm bộ lạc Doriens, Éoliens, Ionieens và Achéens cấu thành dân tộc Hy Lạp. Và nước Hy Lạp Hellade là đất nước của vị thần Hellen, một đất nước mà nền văn hóa đã tỏa chiếu khắp châu Âu, ánh sáng nhân văn cao quý và rực rỡ của nó như một khởi đầu của mọi khởi đầu.

Môtíp nạn hồng thủy là một nét khá phổ biến trong thần thoại cổ tích của nhiều nước. Trong thần thoại Thiên Chúa giáo chúng ta thấy có chuyện Thượng đế trừng phạt loài người vì quá xấu xa, hư hỏng bằng một nạn hồng thủy. Riêng ông già Noé và con cái được Thượng đế sinh phúc cứu mạng vì ăn ở hiền lành.

Zeus trừng phạt Prométhée

Prométhée đã lấy ngọn lửa hồng thiêng liêng, báu vật riêng có của các vị thần đem trao cho loài người. Việc làm đó khiến thần Zeus, đấng phụ vương của các thần và người trần thế, căm tức đến điên đầu sôi máu. Zeus phải trừng phạt loài người để cho Prométhée biết rằng Zeus là một kẻ có quyền lực, rằng sự hy sinh tận tụy của Prométhée cho cuộc sống của loài người là vô ích. Tuy loài người trở thành bất tử nhờ ngọn lửa của Prométhée nhưng tội ác và tai họa cùng với biết bao điều xấu xa, điên đảo cũng trở thành người bạn đường bất tử của loài người. Vì lẽ đó loài người chẳng thể có được cuộc sống đạo đức, văn minh, hạnh phúc như Prométhée mong muốn. Zeus phải trừng phạt Prométhée để cho loài người biết cái giá phải trả cho hành động táo tợn, phạm thượng, dám cướp đoạt báu vật thiêng liêng độc quyền của thần thánh, ngọn lửa hồng không mệt mỏi, là đắt đến như vậy. Những kẻ nào nuôi giữ tấm lòng thương yêu loài người, hằng ham muốn thay đổi số phận loài người hãy lấy đó làm gương.

Zeus ra lệnh bắt Prométhée giải đến một đỉnh núi cao chót vót trong dãy núi Caucase, xiềng chặt Prométhée vào đó. Héphaïstos, vị thần Thợ Rèn danh tiếng, trước đây đã sáng tạo ra người thiếu nữ Pandore, nay đảm nhận việc đóng đanh xiềng Prométhée vào núi đá. Prométhée bị đày đọa, ban ngày dưới nắng bỏng cháy da, ban đêm dưới sương tuyết rét buốt thấu xương. Chưa hết, ngày ngày Zeus còn sai một con đại bàng có đôi cánh rộng và dài đến mổ bụng ăn buồng gan của Prométhée. Zeus tưởng rằng dùng những cực hình đó, Prométhée sẽ phải khuất phục quy hàng mình, Prométhée sẽ phải từ bỏ lòng thương yêu loài người và thái độ chống đối đầy kiêu hãnh và thách thức đối với Zeus và thế giới thần linh. Nhưng Prométhée vẫn là Prométhée, trước sau như một không hề run sợ đầu hàng Zeus. Và thật là kỳ diệu và lạ lùng biết bao, buồng gan của Prométhée cũng bất tử như Titan Prométhée! Ban ngày con ác điểu ăn đi bao nhiêu thì ban đêm buồng gan của Prométhée lại mọc lại bấy nhiêu, nguyên vẹn, tươi mới, không hề mang dấu vết của một sự tổn thương, xúc phạm nào.

Prométhée biết trước số phận của Zeus: Nếu Zeus lấy nữ thần Thétis, một nữ thần Biển, thì đứa con trai, kết quả của cuộc hôn nhân này, lớn lên sẽ lật đổ ngôi báu của cha nó giành lấy quyền cai quản thế giới thần linh và loài người như xưa kia cha nó đã từng làm đối với ông nó, Cronos. Quả thật là một sự hiểu biết vô cùng quý báu, có thể nói là vô giá đối với Zeus. Zeus mà biết được điều này thì hẳn rằng hắn sẽ càng hống hách, kiêu căng tàn bạo hơn nữa. Nhưng Zeus không biết. Đúng hơn Zeus chỉ biết có một nửa, nghĩa là Zeus chỉ biết con mình sẽ lật đổ mình, cướp ngôi của mình. Nhưng đứa con ấy do người vợ nào, nữ thần nào kết duyên với Zeus sinh ra thì Zeus không biết. Thế giới thần thánh của đỉnh Olympe có biết bao nhiêu vị nữ thần: Aphrodite, Athéna, Thétis, Déméter, Artémis, ba chị em Moires vân vân và vân vân, biết tránh ai và lấy ai? Đó chính là điều Zeus vô cùng quan tâm và hết sức lo lắng. Zeus tưởng rằng cứ xiềng Prométhée vào núi đá, đày đọa Prométhée, dùng con ác điểu tra tấn hành hạ Prométhée thì đến một ngày nào đó, Prométhée phải van xin Zeus tha tội, Prométhée phải khai báo cho Zeus biết tỏ tường điều bí ẩn mà Prométhée bấy lâu vẫn giấu kín. Nhưng Zeus đã tính lầm. Hàng bao thế kỷ trôi qua, Prométhée vẫn không hề nao núng, nhượng bộ Zeus. Cuối cùng chính Zeus phải khuất phục trước sức mạnh ý chí của Prométhée. Zeus phải hàng phục Prométhée.

Người anh hùng Héraclès dòng dõi của nàng Io lãnh sứ mạng giải phóng Prométhée. Sau bao nỗi gian truân thử thách với những chiến công cực kỳ phi thường, cực kỳ vĩ đại, chàng đã đến đỉnh núi cao chót vót Caucase. Bằng một mũi tên thần, Héraclès giết chết con ác điểu. Thần Zeus bất lực, đành phải cởi bỏ xiềng xích cho Prométhée. Và chỉ đến lúc đó Prométhée mới nói cho Zeus biết điều bí mật. Nhưng để khỏi mang tiếng là người đã cam chịu thất bại trước ý chí kiên định của Prométhée, Zeus sai thần Thợ Rèn Héphaïstos rèn một vòng sắt nhỏ và gắn lên trên đó một miếng đá con con để cho Prométhée đeo vào ngón tay như là vẫn xiềng Prométhée vào núi đá!

Ngày nay trong văn học thế giới Ngọn lửa Prométhée (Le feu de Prométhée; Le feu Prométhéen) tượng trưng cho tự do, văn minh, tiến bộ, tượng trưng cho cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất chống lại ách áp bức, bóc lột và thói tàn bạo đối với con người. Tư tưởng Prométhée (Esprit de Prométhée), Tinh thần Prométhée (Esprit Prométhéen), Tính cách Prométhée (Caractère de Prométhée) tượng trưng cho ý chí tự do, quật cường, nổi loạn, chống đối quyết liệt với thế lực đen tối, phi nghĩa, không thỏa hiệp nhượng bộ, đồng thời cũng tượng trưng cho thái độ kiên định trong mục đích cao cả và sự căm ghét tột độ thói phản bội, đầu hàng. Còn Titan ngày nay mang một nghĩa khác. Nó không còn ý nghĩa cũ chỉ thế hệ những vị thần già bảo thủ, lạc hậu, ngược lại, nó mang một ý nghĩa tốt đẹp chỉ những chiến sĩ lỗi lạc, kiên cường, bất khuất, dũng cảm đấu tranh cho những lý tưởng tự do, bình đẳng, hạnh phúc, nhân văn, hữu ái của nhân loại, của những nhà tư tưởng lớn, đơn độc nhưng vẫn dũng cảm đấu tranh, thách thức thế lực bạo chúa, phản bội nhân dân. Mở rộng nghĩa, Titan còn chỉ những thiên tài, những vĩ nhân của nhân loại trong các lãnh vực văn hóa, khoa học, nghệ thuật.

Thần thoại Prométhée lấy cắp ngọn lửa của thiên đình đem xuống cho loài người phản ánh chiến công vĩ đại của con người tìm ra lửa và biết sử dụng lửa như là cuộc cách mạng năng lượng đầu tiên cho lịch sử nhân loại. Chắc chắn rằng thần thoại này cùng với ý nghĩa cơ bản, chủ yếu ấy được hình thành trong một thời kỳ xa xưa thuộc giai đoạn thị tộc mẫu quyền, chứ không phải đợi đến thời kỳ Hésiode thế kỷ VIII TCN và Eschyle muộn hơn sau này mới có. Tuy nhiên trong dạng thái câu chuyện mà chúng ta lưu giữ được và kể lại ở đây thì dấu ấn của thời kỳ thị tộc phụ quyền in vào khá rõ, khá đậm. Trước hết là ở lớp huyền thoại về Pandore và những tai họa mà loài người phải chịu đựng. Rõ ràng ở lớp huyền thoại này có sự “coi thường phụ nữ”, “đánh giá rất thấp vai trò của phụ nữ”. Hơn thế nữa, lại coi phụ nữ như là ngọn nguồn của mọi thứ tai họa, mọi nỗi bất hạnh trong đời sống! Chỉ vì cái thói tò mò của Pandore mà loài người chúng ta phải chịu đựng biết bao nhiêu tai họa khốn khổ! Phải chăng đây là một bằng chứng về “sự thất bại lịch sử lớn của giới phụ nữ” (F. Engels)? Sau này trong huyền thoại Oreste trả thù cho cha, Oreste được nữ thần Athéna xử trắng án trong vụ kiện tội giết mẹ, chúng ta lại có một bằng chứng nữa về sự thất bại đó.

Nhân đây ta cũng nói thêm một chút về huyền thoại tội tổ tông của Thiên Chúa giáo. Dường như có một sự đồng dạng nào thì phải. Cũng tại thói tò mò của người đàn bà đầu tiên của thế gian, Ève, nên mới xảy ra chuyện ăn quả cấm. Và Thượng đế chí công minh, chí bác ái, chí nhân hậu là như thế mà sao khi trừng phạt tội lỗi, lại bắt người đàn bà chịu hình phạt nặng hơn? Phải mang nặng đẻ đau và phải chịu sự thống trị của người đàn ông. Còn người đàn ông phải đổ mồ hôi sôi nước mắt lấy đất, vật lộn với đất thì mới có miếng ăn. Thượng đế đã thiên vị đối với người đàn ông, thậm chí có thể nói: “Tay trái giáng đòn trừng phạt nhưng tay phải lại trao phần thưởng”, lại cho người đàn ông được quyền thống trị đối với đàn bà! Đúng là một cách xét xử không công bằng chút nào, bôi nhọ công lý. Nếu như Thượng đế có một tòa án phúc thẩm thì nhân loại sẽ phải đệ đơn xin cứu xét lại. Nhưng Thượng đế là khởi đầu và cũng là kết thúc cho nên từ gần hai nghìn năm nay người ta vẫn tin là Thượng đế chí công, chí minh, chí bác ái, chí nhân hậu. Kết luận: sự ngu dốt đẻ ra lòng tin mù quáng của tôn giáo.

Dấu ấn rõ rệt hơn nữa của thời kỳ thị tộc phụ quyền hoặc muộn hơn của thời kỳ hình thành nền văn minh của xã hội chiếm hữu nô lệ là: tất cả những thành quả của trí tuệ, trí thức của nhân loại, lao động của nhân loại đều được quy tụ về công lao của Prométhée và ngọn lửa. Chữ viết, y học, toán học, thuật luyện kim... những thành quả chỉ có thể có được khi đã có sự phân công lao động trí óc và lao động chân tay, khi đã có lao động của những người nô lệ tạo ra sản phẩm dư thừa trong một mức độ ít ỏi nào đó đủ để nuôi một lớp người chuyên làm những công việc quản lý nhà nước, thương nghiệp, nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật, “Không có chế độ nô lệ thì không có quốc gia Hy Lạp, không có nghệ thuật và khoa học Hy Lạp...”, nói một cách khác không có chế độ nô lệ thì không có huyền thoại như Eschyle đã diễn tả trong bi kịch Prométhée bị xiềng. Chúng ta ghi nhận ở đây một sự mở rộng, một sự phát triển của huyền thoại.

Nhưng điều có ý nghĩa lớn hơn nữa là huyền thoại về Prométhée đã xuất hiện như một hiện tượng huyền thoại, phủ nhận huyền thoại thần thánh, phủ nhận thần thánh. Những yếu tố thế lực, nhân văn khẳng định sức mạnh của con người và năng lực nhận thức và cải tạo thế giới của nó được khoác tấm áo ngụy trang “Thần Prométhée”. Vị thần này với lý tưởng cao cả là tất cả vì hạnh phúc của con người đã đương đầu với bạo chúa Zeus và đã chiến thắng vẻ vang. Sau này Zeus phải hòa giải, có nghĩa là chấp nhận thất bại, có nghĩa là những lực lượng xã hội bảo thủ, phản động ngăn cản bước tiến của văn minh, của sự hình thành nhà nước chiếm hữu nô lệ - polis phải chấp nhận thất bại. Chính vì lẽ đó mà K. Marx nói: “Các vị thần Hy Lạp đã bị đánh tử thương một cách bi thảm lần thứ nhất trong vở Prométhée bị xiềng của Eschyle (...)”.

Prométhée là thần thánh phá hoại lòng tin vào thần thánh, là sức mạnh của con người được thần thánh hóa để phủ định thần thánh. Tính biện chứng của sự phát triển tư tưởng của nhân loại trong giai đoạn quá độ từ xã hội công xã nguyên thủy sang xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp xưa kia phức tạp, quanh co, uốn khúc là như thế. Chúng ta cũng sẽ thấy hiện tượng này trong thần thoại Dionysos.

***

Chuyện về nguồn gốc của loài người và những nỗi bất hạnh của loài người là như thế. Nhưng lại có câu chuyện kể khác hẳn đi. Có chuyện nói con người đầu tiên của thế gian sinh ra từ Đất nhưng chẳng phải do ai nhào nặn lên. Con người từ dưới đất chui lên. Lại có chuyện kể, con người đầu tiên của thế gian là con của một dòng sông, đúng hơn, con của một vị thần Sông tên là Inachos. Thần Sông Inachos lấy tiên nữ Mélia - một nàng Nymphe - sinh ra được một người con trai đặt tên là Phoronée. Con người từ dòng sông mà ra, dòng sông sinh ra con người, người xưa đã nghĩ như thế và không phải là không có lý. Biết bao đời nay con người đã sống bên những dòng sông, đã từng thế hệ này đến thế hệ khác theo dòng sông xuôi chảy mà đi, đi mãi cho tới khi giáp mặt với biển mới thôi. Chính dòng sông đã sinh ra con người và nuôi sống con người. Nước sông mát rượi đã làm trẻ lại những cánh đồng, xóa đi những nếp nhăn trên vầng trán, khuôn mặt của người bạn thân thiết đó. Vì thế con người cứ theo những triền sông mà sinh cơ lập nghiệp. Làng mạc mọc lên ven sông mỗi ngày một nhiều thêm. Dòng sông chẳng còn hiu quạnh như xửa như xưa. Giờ đây soi bóng xuống mặt nước hiền hòa đã có những mái nhà tranh với bóng cây um tùm ấm áp, lượn lờ vệt khói bếp. Đâu đó vang lên tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, tiếng dế kêu. Vào mùa gặt, những đêm trăng, dòng sông xôn xao, náo nức hẳn lên. Kể sao cho xiết những khung cảnh êm đềm, ấm cúng của con người bên những dòng sông! Nếu không có dòng sông thì làm sao có được cái cảnh sầm uất, đông vui, ấm cúng của con người như thế. Chẳng phải dòng sông đã sinh ra và nuôi nấng con người đấy chứ sao? Chẳng phải con người đã từ dòng sông mà ra, sống dựa vào dòng sông như con cái sống dựa vào cha mẹ đó sao?

Những người Argos ở Hy Lạp xưa kia cho rằng tổ tiên họ ra đời từ một dòng sông. Phoronée, người con trai của thần Sông Inachos là vị vua đầu tiên trị vì ở vùng đồng bằng Argos. Chàng đã dạy cho dân biết cách làm ruộng, trồng trọt và hơn nữa còn dạy cho dân biết cách sử dụng lửa. Chàng lấy tiên nữ Cerdo làm vợ và sinh được bốn con trai. Chàng đã có công mở mang bờ cõi xuống khắp cả vùng đồng bằng Péloponnèse. Sau khi chàng qua đời, ba con trai là Pélasgos, Iasos, Agénor chia nhau cai quản vùng đồng bằng Péloponnèse, còn người con trai thứ tư tên là Gar đi ngược lên phía Bắc xây dựng lên đô thị Mégare, một đô thị ở eo đất cổ họng nối liền miền Bắc Hy Lạp với bán đảo Péloponnèse.

Trong tín ngưỡng của người Hy Lạp cổ xưa, mỗi con sông đều có một vị thần cai quản. Vị thần này là một con bò mộng có khuôn mặt người. Vì dòng sông có những cội nguồn thiêng liêng như thế nên người Hy Lạp xưa kia mỗi khi đi qua sông đều rửa tay trong dòng nước sông và thành kính cầu khấn thần Sông. Khi một cậu con trai đến tuổi trưởng thành, cậu ta thành kính cắt mớ tóc vốn được để dài dâng cho dòng sông quê hương thiêng liêng thân thiết coi đó như tặng vật đầu tiên của mình biểu hiện lòng biết ơn và sự gắn bó với cội nguồn, gốc rễ.

GIA HỆ CÁC VỊ THẦN HY LẠP

Thuở khai thiên lập địa

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

Các Titan kết hôn với các Titanide

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

Hai anh em Prométhée sáng tạo ra giống người

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

THẾ GIỚI OLYMPE VÀ MƯỜI HAI VỊ THẦN TỐI CAO

Thuở xưa khi Trời và Đất hình thành, những vị thần đầu tiên cai quản thế giới thần linh và Hy Lạp là mười hai vị nam, nữ Titan và Titanide. Titan Cronos sau khi cướp được ngôi báu của cha là Ouranos trở thành vị thần cầm đầu thế giới Titan. Người ta thường gọi thời đại các Titan cai quản bầu trời và mặt đất là thời đại các vị thần già, các vị thần cũ, hay còn gọi là thời đại Cronos hoặc thời đại Hoàng kim.

Zeus lật đổ Cronos mở đầu cho một thời đại mới, thời đại của những vị thần trẻ, những vị thần mới, thời đại mười hai vị thần của thế giới Olympe. Thật ra, thế giới Olympe không phải chỉ có mời hai vị thần mà có rất nhiều nam thần, nữ thần. Nhưng trên hết thế giới thần thánh đông đảo là mười hai vị nam thần, nữ thần tối cao, mà vị thần số một, đấng tối cao của tối cao, là thần Zeus giáng sấm sét, bậc phụ vương của thần thánh và loài người.

Ngọn núi Olympe cao chót vót, bốn mùa mây phủ là nơi cư trú vĩnh hằng của thế giới thần linh. Các thần ở trong một cung điện lộng lẫy làm bằng đồng đỏ rực và vàng chói lọi do bàn tay khéo léo của thần Thợ Rèn danh tiếng Héphaïstos (thần thoại La Mã: Vulcain), đứa con què của thần Zeus, xây dựng lên. Đường vào cung điện không phải dễ dàng vì cung điện Olympe chìm khuất sau những đám mây dày đặc dễ gì trông thấy mà lần đường tìm lối. Các vị thần, bất kể nam, nữ, ai ai từ dưới hạ giới lên hay trên thiên đình xuống, cũng phải qua nơi ở của ba tiên nữ, có khi bốn tiên nữ, có một cái tên chung là Heures-Thời gian, hoặc còn gọi là Bốn mùa, để các nàng mở cửa mây cho mà đi, nghĩa là các nàng cất lên những đám mây dày đặc bao quanh, che kín cung điện Olympe.

Cung điện Olympe tuy bốn mùa mây phủ song bên trong lại là nơi ở tuyệt diệu có một không hai. Chẳng có gió mưa ẩm ướt, sương tuyết lạnh lẽo. Một vòm trời sáng láng trong xanh như một vòm cây che cho cung điện. Ánh nắng mặt trời ở nơi đây vàng dịu, êm ả, chẳng thể làm rám da, cháy thịt, sạm đen khuôn mặt uy nghi, xinh đẹp của các vị thần. Các vị thần sống ở một nơi thanh khiết: mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu, không khí trong veo, ngày ngày hội họp bàn việc cai quản, điều hành thế gian hay mở tiệc vui chơi trong những cảnh vũ hội tưng bừng, đàn ca réo rắt.

Việc điều hành thế gian được phân chia ngay sau khi các vị thần Olympe chiến thắng thế hệ thần già. Zeus, Poséidon và Hadès, ba con trai của thần Cronos rút thăm chia nhau công việc cai quản vũ trụ và thế gian. Zeus cai quản bầu trời, Poséidon cai quản các biển khơi, còn Hadès cai quản thế giới người chết ở dưới lòng đất. Mặt đất và loài người thuộc quyền cai quản chung. Tuy nhiên, vì Zeus là vị thần tối cao cho nên Zeus cai quản cả thế giới thần linh và thế giới loài người. Còn cung điện Olympe là của chung thế giới thần thánh. Zeus là vị thần tối cao có uy quyền và sức mạnh rất lớn không một ai sánh bằng. Thần cai quản bầu trời nên có thể gọi gió, bảo mưa, dồn mây, gây bão, giáng sấm sét ầm vang, phóng chớp chói lòa. Zeus đã từng tự hào về sức mạnh vô địch của mình. Zeus có thể ném các thần xuống chốn Tartare mù mịt ở sâu tận thế giới của Hadès trị vì mà không có một vị thần nào có thể ngoi lên được. Zeus, để chứng tỏ sức mạnh hơn hẳn của mình, đã thách thức cả thế giới Olympe kéo co. Kéo co bằng một sợi dây vàng một đầu là Zeus ở đỉnh Olympe, còn một đầu là các nam thần, nữ thần ở dưới đất. Đương nhiên các vị thần không dám chấp nhận cuộc thách thức này, vì nếu đúng như lời Zeus nói, thì thật là vô cùng nguy hiểm: Zeus có thể kéo tuột các vị thần lên trời và kéo theo luôn cả đất lên, cả biển lên nữa. Zeus có thể để cho các vị thần cứ bám vào cái sợi dây vàng ấy nhưng còn đầu dây của Zeus, Zeus đem buộc vào một tảng đá ở đỉnh Olympe và như thế các vị thần sẽ bị treo lơ lửng giữa trời.

Sau khi ba anh em trai Zeus phân chia nhau cai quản thế gian thì một việc lớn nữa khiến Zeus phải lo toan là làm sao cho số thần của thế giới Olympe trước hết phải bằng số các Titan và Titanide trước đây, rồi sau đó sẽ phải tăng nhiều lên nữa, vì công việc cai quản thế gian và loài người ngày càng bộn bề nhiều chuyện. Anh em của Zeus chỉ có ba trai và ba gái. Như vậy là chỉ có sáu. Zeus và Héra, vợ Zeus, phải sinh con, đẻ cái để cho chúng mỗi người một việc chia nhau cai quản thế giới thần thánh và loài người. Tất nhiên, cuối cùng mọi công việc đều được thu xếp xong xuôi. Cung điện Olympe có mười hai vị thần nam, nữ, bằng với số Titan và Titanide trước kia. Mười hai vị thần Olympe là:

1 - Zeus (Jupiter) - vị thần tối cao cai quản thế giới thiên đình và những người trần thế, vị thần dồn mây mù giáng sấm sét có tiếng nói ầm vang.

2 - Hadès (Pluton) - vị thần cai quản thế giới âm phủ, có chiếc mũ tàng hình - Diêm vương.

3 - Poséidon (Neptune) - vị thần cai quản các biển khơi to nhỏ, vị thần Lay chuyển Mặt đất, có cây đinh ba gây bão tố - Thần Đại dương.

4 - Héra (Junon) - nữ thần, vợ Zeus, người bảo hộ cho Hôn nhân và Hạnh phúc gia đình, bảo hộ cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh.

5 - Déméter (Cérès) - nữ thần cai quản sự phì nhiêu của đất đai, trông nom việc trồng trọt, mùa màng, và đặc biệt bảo hộ cho mùa lúa mì, thường gọi là nữ thần Lúa mì.

6 - Hestia (Vesta) - nữ thần của bếp lửa, của ngọn lửa trong bếp lửa lò sưởi ở gia đình, người bảo hộ cho sự quần tụ ấm cúng của con người trong gia đình, cho cuộc sống văn minh.

7 - Athéna (Minerve) - nữ thần Trí tuệ và Chiến tranh, Công lý và Nghề Thủ công, Nghệ thuật, con của Zeus.

8 - Aphrodite (Vénus) - nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp.

9 - Apollon (Apollon) - con của Zeus và nữ thần Léto, thần Ánh sáng, Chân lý, Âm nhạc, Nghệ thuật, Người Xạ thủ có cây cung bạc.

10 - Artémis (Diane) - nữ thần Săn bắn, người Trinh nữ Xạ thủ, anh em sinh đôi với Apollon.

11 - Héphaïstos (Vulcain) - thần Thợ rèn Chân thọt, con trai của Zeus và Héra, thần Lửa và Nghề Thủ công.

12 - Arès (Mars) - thần Chiến tranh, con của Zeus và Héra.

Để giúp việc cho thế giới Olympe cai quản công việc của thế gian còn có hai vị thần, một nam thần và một nữ thần, lo việc truyền lệnh, thông tin liên lạc là Hermès (thần thoại La Mã: Mercure) và nữ thần Iris.

Trong cung điện Olympe không khí thật là uy nghiêm trang trọng. Thần Zeus ngồi trên ngai vàng vẻ mặt quắc thước nghiêm nghị. Dáng điệu của thần đường bệ, cử chỉ, phong thái khoáng đạt, ung dung khiến mới nhìn thấy Zeus, các vị thần đã thấy ngay được sức mạnh và quyền lực của đấng tối cao, một sức mạnh và quyền lực biểu hiện ra một cách tự nhiên, đàng hoàng, bình thản. Ngồi hầu bên ngai vàng của Zeus là nữ thần Hòa bình-Eiréné và nữ thần có cánh Thắng lợi-Niké. Khi nữ thần Héra xinh đẹp có đôi mắt bò cái và cánh tay trắng muốt bước vào cung điện thì các thần đều tiến đến đón nàng, chào hỏi nàng một cách thân tình, trân trọng. Rồi mọi người giãn ra hai bên mời nàng bước lên ngai vàng. Thần Zeus đứng dậy nghiêng đầu, bước xuống mỉm cười chào vợ, đưa tay ra đỡ lấy tay vợ dắt lên ngai vàng. Zeus và Héra ngồi bên nhau trên ngai vàng. Nữ thần Iris ngồi hầu bên Héra. Nàng sẵn sàng hoàn thành mọi mệnh lệnh của Héra một cách nhanh chóng khác thường. Với đôi cánh nhẹ nhàng và màu sắc rực rỡ, Iris có thể bay tới mọi chốn xa xăm cùng trời, cuối đất rồi trở về mà không để Héra than phiền về sự chậm trễ. Thần Hermès ngồi hầu bên Zeus. Thần không có cánh như nữ thần Iris nhưng truyền lệnh, thông tin nhanh chẳng kém Iris chút nào, bởi vì Zeus đã ban cho Hermès một đôi dép có cánh để thi hành phận sự. Với đôi dép này, Hermès chạy trên mây, lướt trên sóng, sà xuống núi, chui xuống biển, đâu đâu cũng đi tới được, kể cả việc xuống thế giới âm phủ. Thần còn chỉ đường dẫn lối cho khách bộ hành và các vị thần, còn cai quản nghề buôn bán, thông thương và, tệ hại nhất, là thần còn cai quản cả thói lừa đảo, gian dối, trộm cắp.

Các vị thần bước vào bàn tiệc. Tiếng cười nói, đàn ca tưng bừng, rộn rã. Các nữ thần Charites và các nàng Muses với vẻ đẹp duyên dáng và uyển chuyển múa theo tiếng nhạc, khi thì quần tụ lại thành một vòng tròn, khi thì tản ra thành từng đôi một, nhịp nhàng, đều đặn, hài hòa khiến các thần gật gù tấm tắc khen ngợi. Nữ thần Hébé (thần thoại La Mã: Juventas) con gái yêu của Zeus và Héra, được giao cho việc rót rượu dâng mời các thần. Đây là loại rượu thánh riêng của thế giới Olympe, ai uống vào sẽ trẻ mãi không già, sống hạnh phúc, vui tươi không bao giờ biết đến tuổi già và cái chết. Cùng dâng mời rượu thánh và thức ăn thần với Hébé là chàng trai xinh đẹp Ganymède, chàng xưa kia ở đất Tiểu Á, là con của vua Tros, vị vua đã xây dựng thành Troie, và tiên nữ Callirhoé, con gái của thần sông Scamandre. Thần Zeus đắm say, mê mệt vẻ đẹp của chàng đã hóa mình thành một con đại bàng sà xuống cắp lấy chàng tha về thế giới Olympe, cho chàng gia nhập thế giới thần thánh. Ganymède được thần Zeus ban cho sự bất tử. Nhưng không phải chỉ có Hébé và Ganymède chuyên dâng rượu thánh và thức ăn thần cho các vị thần. Thần Thợ Rèn Chân thọt-Héphaïstos nhiều khi cũng đỡ một chân, một tay cho hai bạn trẻ. Những khi Héphaïstos dâng rượu thì bàn tiệc lại vui rộn hẳn lên. Tay cầm một chiếc bình lớn đầy rượu thánh ngọt lịm, thần rót tuần tự mời các vị thần từ bên phải trở đi. Cứ thế hết tuần rượu này đến tuần rượu khác. Héphaïstos-Chân thọt khập khiễng, lăng xăng chạy đi chạy lại, cà nhót cà nhắc khiến các vị thần không nhịn được cười. Và họ cứ thế cười nói, yến tiệc, đàn hát, vui chơi cho đến khi mặt trời xế bóng.

Trong những buổi tiệc vui như vậy, mọi người đều bình đẳng, không ai là người không được tham dự, không ai là người không được thưởng thức rượu thánh và những thức ăn thần. Ai cũng được nghe tiếng đàn lia thánh thót làm say lòng người của thần Apollon và được nghe tiếng hát du dương véo von của các nàng Muses, con của đấng phụ vương Zeus.

Ngày nay Ganymède chuyển nghĩa, mang một ý bông đùa, ám dụ chỉ người hầu rượu, người phục vụ trong các bữa tiệc.

Từ cung điện Olympe trong các cuộc họp của các vị thần hay trong những buổi yến tiệc, thần Zeus và các vị thần điều khiển, sắp xếp mọi công việc của thế giới loài người và thế giới thần thánh. Vận mệnh của loài người, cuộc sống của họ sung sướng hay đau khổ tùy thuộc vào thần thánh, trước hết là thần Zeus. Zeus có hai cái chum lớn để ngay cổng vào cung điện; có người kể lại, Zeus chôn dưới đất một chum chứa những điều lành, một chum chứa những điều dữ. Zeus lấy những điều lành, điều dữ từ đó ra đem ban phát cho những người trần thế. Ai mà được Zeus trộn đều hai thứ rồi phân phát cho thì người đó trong cuộc sống gặp cả niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ. Ai không may chỉ nhận được tặng phẩm của Zeus lấy ra từ cái chum đựng điều dữ thì cuộc đời người đó khốn khổ vô cùng: đói khát, rách rưới, không nhà không cửa, không nơi nương tựa, phải đi lang thang, hành khất bị mọi người khinh rẻ, và sống không có niềm hy vọng. Vì lẽ đó những người trần thế phải kính trọng các vị thần, chăm nom đến việc thờ cúng và dâng lễ hiến tế.

Cùng điều hành luật lệ với thần Zeus còn có nữ thần Thémis uyên thâm. Chính nữ thần là người đã thiết lập ra Quy luật, Trật tự, Sự Ổn định và Luật pháp trong thế gian để cai quản và bảo đảm Công lý. Sự hiểu biết uyên thâm của Thémis khiến cho nàng có thể tiên báo, tiên đoán được nhiều việc của tương lai, số phận thần thánh và loài người. Tính công bằng, chính trực và thói quen nghiêm minh của Thémis đã khiến người Hy Lạp cổ xưa khâm phục và biết ơn, tạc tượng vị nữ thần một tay cầm cân, một tay cầm thanh kiếm, mắt bịt một băng vải để chứng tỏ sự vô tư, không thiên vị. Theo lệnh của Zeus, nữ thần Thémis triệu tập các cuộc họp của các vị thần ở thế giới Olympe. Cả đến việc những cuộc họp của nhân dân ở dưới hạ giới cũng là do Thémis khơi nguồn, gợi ý hoặc chính nàng đứng ra chủ trì. Để theo dõi việc thi hành pháp luật còn có nữ thần Diké (thần thoại La Mã: Justice) con của Zeus và Thémis. Diké là vị nữ thần của Chân lý, Công lý, Sự thật. Nữ thần chuyên theo dõi việc thi hành và giám sát luật pháp trong thế giới loài người để báo về cho Zeus biết những việc đổi trắng thay đen, hà hiếp, bức hại người lương thiện, bôi nhọ công lý, xuyên tạc, che giấu sự thật. Vì thế Diké ghét cay ghét đắng thói dối trá, không trung thực. Theo lệnh của Zeus, Diké phải chịu trách nhiệm trừng phạt những kẻ đảo điên, ỷ thế chuyên quyền bất chấp công lý. Nữ thần, với thanh gươm công lý của mình, phải đâm trúng trái tim những kẻ coi thường luật pháp của thần thánh. Người Hy Lạp xưa kia thường tạc tượng Diké với cây chùy cầm tay. Nhưng rồi vị nữ thần chính trực và đức hạnh này không thể sống nổi với người trần chúng ta được. Thời đại Hoàng kim qua đi, con người ngày càng hư hỏng, đồi bại, quay quắt, điên đảo, trắng trợn đến mức Diké bất lực. Nữ thần bèn cùng với người bạn gái thân thiết là Liêm sỉ (Pudeur) bay về trời. Từ đây nữ thần đổi tên là Astrée (thần thoại La Mã: Virgo) nghĩa là “ngôi sao” hoặc “tinh tú”, “tinh cầu”. Như vậy có nghĩa là công lý chân chính từ đó trở đi chỉ có thể tìm được ở bầu trời cao xa vời vợi, lấp lánh những vì sao.

Zeus tuy là vị thần tối cao, quyền uy và sức mạnh hơn hẳn các vị thần ở thế giới Olympe, ấy thế mà Zeus vẫn không phải là đấng tối cao toàn năng, toàn diện, toàn quyền, toàn mỹ. Trên Zeus còn có một sức mạnh và quyền lực quyết định hết thảy mà chẳng vị thần nào hay một số người trần thế nào đảo ngược được. Đó là Số mệnh, Số mệnh này do ba chị em nữ thần Moires cai quản. Nàng Clotho quay cuộn chỉ cho nữ thần Lachésis giám định và Atropos cầm kéo cắt. Số phận của thần thánh và người trần nằm trong cuộn chỉ, sự giám định cùng với nhát kéo khắc nghiệt đó. Nhưng cũng có lúc Số Mệnh không nằm trong cuộn chỉ của ba chị em nữ thần Moires mà nằm trong cái cân của thần Zeus. Thần Zeus cầm cân, cân miếng đồng số mệnh của ai, nếu đĩa cân bên nào nặng nghiêng về một bên thì chẳng thể nào cứu vãn được; số mệnh người đó hướng về đất, người đó phải chết. Như trên đã kể, ba chị em Moires là con của thần Đêm tối-Nyx, nhưng lại có truyền thuyết kể ba chị em Moires là con của nữ thần Thémis. Và các nữ thần Heures-Thời gian cũng là con của nữ thần Thémis.

Tuy Zeus có thể ban hạnh phúc cho những người trần thế chúng ta bằng những tặng vật lấy ra từ cái chum đựng điều lành, nhưng hạnh phúc trong cuộc đời những người trần đoản mệnh chúng ta lại còn từ ân huệ của nữ thần Tyché (thần thoại La Mã: Fortuna) nữa. Nàng là nữ thần của Vận may và những điều ngẫu nhiên của số phận. Người thì nói nàng là con của Okéanos và Téthys, người thì bảo nàng là con của Zeus. Nữ thần Tyché cầm trong tay cái sừng của sự sung túc. Nàng dốc những hoa thơm, trái chín, lúa đẫy hạt, cành sai quả và rau, đậu, ngô, mì, kê... đựng trong sừng xuống thế gian. May mắn cho ai nhận được những tặng phẩm ân huệ thiêng liêng đó thì cuộc đời họ làm ăn sẽ chẳng gặp trắc trở, khó chịu. Thời tiết đến với mùa màng của họ sẽ thuận hòa, trồng gì trúng nấy và... nói tóm lại là gặp nhiều may mắn trong cuộc đời, nếu như không phải gặp may suốt đời! Thời cổ đại đã hình dung nữ thần Tyché là một thiếu nữ đứng trên một quả cầu hoặc một cái bánh xe, một tay cầm cái bánh lái của một con thuyền còn tay kia ôm chiếc sừng của sự sung túc, mắt nàng che kín bằng một băng vải. Thật là ý nhị biết bao! Chả thế mà người Việt Nam chúng ta có câu Trời không có mắt. Đúng thế, nếu có mắt thì đã không có cái gọi là may rủi, ngẫu nhiên. Và trong cuộc sống, như chúng ta biết, bên cái gọi là tất yếu không thể không có cái gọi là ngẫu nhiên, cái ngoài sự tính toán của con người, cái ngoài cái “có mắt” của con người. Vì thế bên nữ thần Thémis tượng trưng cho Quy luật phải có chỗ cho Tyché. Trong những tranh vẽ nữ thần Tyché, có khi ta thấy ngoài những đặc điểm đã kể trên, còn miêu tả Tyché không ôm chiếc sừng của sự sung túc mà đang cầm nó dốc xuống cho những phúc lợi rơi xuống trần.

Quyền lực của Zeus lớn lao là thế song Zeus nhiều lúc phải chịu lép vế trước quyền lực của một nữ thần, không phải nữ thần Héra, vợ Zeus, tính nết vào loại “đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan”, mà là nữ thần Lầm lẫn-Até. Zeus đã bao phen lầm lẫn và cho đến một lần, bực tức quá vì sự tác oai tác quái của vị nữ thần này, Zeus quẳng ngay cô con gái đáng ghét ấy xuống trần và cấm cửa không cho trở về thiên đình. Até là con của Zeus và nữ thần Bất hòa-Éris.

Các vị thần ở thế giới Olympe đều khiếp sợ trước quyền lực và sức mạnh của Zeus nhất là khi Zeus nổi cơn thịnh nộ. Người con của Cronos chỉ chau mày vung tay một cái là mây đen ùn ùn kéo đến, sấm động, chớp giật và sét nổ xé rách bầu trời, lửa cháy bừng bừng, khói mù khét lẹt. Mỗi khi Zeus đi đâu trở về cung điện, các vị thần đều phải kính cẩn ra đón đấng phụ vương, không ai dám bỏ đi làm việc khác hay đứng yên tại chỗ đợi Zeus đi tới mới cung kính chào hỏi. Tính khí Zeus nóng như lửa. Mỗi khi Zeus nổi nóng chẳng ai dám can ngăn vì như thế chỉ làm Zeus thêm phần điên tiết. Các vị thần đã từng chứng kiến nhiều trận lôi đình của Zeus và đã có một tấm gương: thần Héphaïstos vì thiện ý muốn can ngăn cơn nóng giận của Zeus mà phải mang tật suốt đời.

Zeus ngồi trên ngai vàng, tay cầm cây vương trượng bằng vàng do bàn tay khéo léo của thần Thợ rèn-Héphaïstos tạo nên. Một con đại bàng, con chim yêu quý nhất của Zeus, đậu bên. Cạnh Zeus, hoặc ở dưới chân Zeus còn có một cái khiên bằng da dê dày không biết đến mấy lần, mấy lớp, bọc ngoài bằng một lượt vẩy các loài bò sát cứng rắn như đồng, như sắt. Viền theo vành khiên là những con rắn độc ngoằn ngoèo nom rất ghê sợ. Zeus chọn cây sồi làm người phát ngôn cho mình, truyền đạt những lời phán bảo, phán đoán về tương lai, về cách xử thế cho những người trần bấy yếu, đoản mệnh.

Những người trần thế hàng năm đến Dodone, xứ sở của những rừng sồi, lắng nghe tiếng lá xào xạc để đoán biết những lời sấm ngôn, truyền phán của Zeus. Nhưng không phải người trần thế nào cũng biết được nghệ thuật nghe tiếng lá cây. Chỉ có những nhà tiên đoán, những người chuyên làm nghề tư tế mới có thể tiếp xúc với thứ ngôn từ bí ẩn, thiêng liêng đó và giải thích cho mọi người biết. Lại có khi Zeus thể hiện ý chí của mình và những lời phán bảo qua lối bay của các giống chim. Và tất nhiên cũng chỉ có những nhà tiên tri và những viên tư tế mới có tài năng nhìn lối bay, đường bay của các giống chim mà đoán hiểu được những điều thần muốn nói.

Cảnh sinh hoạt của thế giới Olympe và của đấng phụ vương Zeus là như thế. Nhưng không phải chỉ có thế. Cung điện Olympe có biết bao nhiêu vị thần: mười hai vị thần tối cao và biết bao nhiêu vị thần cấp thấp chia nhau cai quản công việc của thế giới loài người. Vì thế giữa loài người với các vị thần xảy ra không ít những chuyện phiền toái. Lại còn giữa các vị thần với nhau nữa. Cũng nhiều chuyện lôi thôi, phức tạp, phiền toái không kém gì thế giới loài người chúng ta, có khi lại còn hơn... rất nhiều nữa là đằng khác. Vì thế, cung điện Olympe dưới quyền cai quản của Zeus xem ra thì rất thanh bình nhưng thật ra có những cuộc họp khá nảy lửa, sóng gió, thậm chí kéo dài tới chín ngày trời, ý kiến bất đồng rất sâu sắc. Thần Zeus nhiều khi phải xử các vụ kiện cáo, khiếu nại giữa các vị thần hết sức lôi thôi, đau đầu nhức óc. Các vị thần lại luôn luôn đi đi về về cho nên cung điện Olympe tuy bốn mùa mây phủ song xem ra bận rộn khác thường. Thế giới Olympe điều khiển thế gian quả không phải là một công việc dễ dàng.

Gia hệ Zeus

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

POSÉIDON VÀ CÁC THẦN BIỂN

Ở đáy biển sâu có một cung điện vô cùng đẹp đẽ và tráng lệ, đó là cung điện của Poséidon, vị thần trị vì, cai quản toàn bộ thế giới biển nước mênh mông bao quanh mặt đất. Poséidon là con của Cronos và Rhéa, là anh ruột của thần Zeus. Người xưa kể lại, Poséidon kết bạn với những con quỷ biển khá thân thiết tên là Telchines. Có người nói chính lũ quỷ biển này đã nuôi nấng Poséidon lúc nhỏ như những Curètes đã nuôi nấng Zeus (chẳng rõ trước hay sau khi Poséidon bị Cronos nuốt?). Telchines là con của thần biển Pontos và nữ thần Gaia, hình thù nom rất quái dị, nửa người nửa thuồng luồng, ba ba, nhưng lại có chân bơi đi bơi lại trên mặt nước như những mái chèo. Là giống quỷ dữ, chúng luôn luôn gây ra những tai họa khủng khiếp cho thế giới loài người như: biển động, sóng thần, mưa đá, bão lụt, núi lửa phun, đất sụt lở... Vì thế mặc dù chúng có tài rèn sắt nấu đồng, sáng chế ra các loại vũ khí, đồ dùng, đúc tượng các vị thần linh, bất tử, song các vị thần vẫn không thể nào xóa bỏ cho chúng cái tội làm cho đất đai cằn cỗi, mùa màng thất bát, nhất là cái tội làm cho nước sông Styx quanh năm lúc nào cũng bốc khói, tỏa hơi. Thế giới Olympe đã họp và quyết định trừng phạt lũ quỷ dữ thù địch với loài người và khinh thị thần thánh này. Thần Zeus biến chúng thành những ngọn núi đá. Có người lại kể, Apollon với những mũi tên thần đã kết liễu đời chúng.

Telchines có một người em gái tên là Halia, cô nàng “phải lòng” Poséidon. Hai người lấy nhau sinh ra được một người con gái đặt tên là Rhodé, vì lẽ đó hòn đảo quê hương của Telchines mang tên là Rhodes. Nhưng người vợ chính thức mà Poséidon yêu say đắm lại là nàng Amphitrite. Chuyện tình duyên của họ đối với người trần thế chúng ta quả là có... hơi lạ, hơi khác thường, song cũng không đến nỗi khó hiểu. Amphitrite là con gái của lão thần Biển-Nérée đầu bạc, vị thần được mệnh danh là “ông già của biển cả”, một vị thần mà trong trái tim lúc nào cũng chỉ có những ý nghĩ quang minh chính trực và nhân hậu. Lão thần Biển-Nérée tính nết hiền từ, thẳng thắn, rất đáng yêu như lúc biển khơi trời yên sóng lặng, trăng tỏ mây quang. Lão chẳng hề biết nói dối với một ai bao giờ, sẵn sàng dùng tài tiên tri của mình chỉ bảo cho mọi người biết những điều họ hỏi. Lão có tài biến mình thành mọi loài, mọi vật. Nérée lấy Doris, một Okéanide, làm vợ. Đôi vợ chồng này sinh được năm mươi người con gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, gọi bằng một cái tên chung là Néréides, tức là những tiên nữ của biển cả, con của lão vương Nérée. Chính trong số Néréides này, một cô làm thần Poséidon “ra ngẩn vào ngơ” mất mấy năm trời là nàng Amphitrite, một cô khác làm thần Zeus “đứng ngồi không yên” là nàng Thétis mà sau này trở thành vợ của lão vương Pélée và là mẹ của người anh hùng Achille.

Bữa kia những nàng Néréides rủ nhau đi tắm biển. Tắm xong các Néréides lên bờ vui chơi, ca hát. Các nàng không biết rằng có một vị thần đã bắt gặp và say sưa ngắm nhìn cảnh đẹp thần tiên ấy. Vị thần đó là Poséidon. Vâng, đúng thế, nhưng nếu như Poséidon chỉ say sưa, xúc động trước vẻ đẹp của các tiên nữ đang ca múa giữa cảnh trời mây lồng lộng, sóng nước bao la, gió vi vu và biển rì rào thì đã không nên chuyện. Poséidon say mê cảnh đẹp, song Poséidon lại say mê một tiên nữ đẹp trội hẳn lên, đẹp một cách kỳ lạ khác thường trong đám Néréides, đó là nàng Amphitrite. Và Poséidon đã tìm cách gặp nàng để giãi bày tâm sự. Nhưng Amphitrite từ chối và trốn biệt. Nàng đoán biết việc từ chối của nàng tất sẽ dẫn đến những chuyện không hay cho nên nàng trốn đi một nơi xa biệt tích biệt tăm, đến tận nơi kiệt cùng của biển, quê hương của thần Atlas. Nhớ người đẹp bồn chồn khắc khoải, Poséidon đi tìm khắp nơi này nơi khác, năm này năm khác nhưng vẫn không thấy tăm hơi. Một con cá heo thông cảm với nỗi lòng của vị thần đã mách bảo cho thần biết nơi Amphitrite trú ngụ: một cái hang ở mãi vùng biển cực Tây và Poséidon đã đến tận vương quốc của thần Atlas bắt Amphitrite về làm vợ. Có chuyện lại kể, chính con cá heo biết nơi trú ngụ của Amphitrite đã bắt nàng đem nộp cho Poséidon. Để trả ơn con cá heo, Poséidon đã cho giống cá heo khi chết biến thành một chòm sao trên trời.

Amphitrite sống với chồng ở trong cung điện vàng đẹp đẽ dưới biển sâu. Nàng sinh được một trai đặt tên là Triton. Triton, tiếc thay chẳng giống mẹ, chẳng xinh đẹp như mẹ chút nào, mà lại nửa người nửa rắn và có những hai cái đuôi rắn. Có người lại nói hình thù Triton rất đáng sợ: mặt người nhưng miệng lại rộng đến mang tai, răng nhọn và dài như răng lợn lòi, hổ, báo. Thay vào hai tai là hai cái mang cá lúc nào cũng thở phập phồng. Mình mẩy thì sần sùi như vỏ sò, vỏ ốc. Tay chân là của giống rùa, ba ba. Triton thường cầm trong tay một chiếc vỏ ốc cực lớn. Đó là chiếc tù và như chiếc kèn lệnh mà khi Triton cất tiếng thổi lên là có thể gây ra sóng to gió lớn hoặc có thể dẹp yên mọi sóng gió làm cho mặt biển trở lại cảnh thanh bình. Nhưng Triton chỉ được phép thổi tù và khi có lệnh của thần Poséidon. Những người đi biển mỗi khi nghe thấy tiếng tù và của Triton rúc lên u... u..., oang... oang... là phải mau mau tìm nơi trú ẩn. Họ coi Triton như một vị thần nhân đức đã báo trước cho họ biết tai họa và họ có thể cầu khẩn Triton để Triton truyền đạt nguyện vọng của họ tới thần Poséidon. Tiếng tù và của Triton thổi lên to, to lắm, không ai là người không nghe thấy. Đã có kẻ thổi kèn ngông cuồng tưởng rằng tiếng kèn của y thổi là to nhất trên đời, tức khí vì tiếng tù và của Triton, thách thức Triton thi đấu. Và y ra sức thổi, phồng mồm trợn mắt lên thổi, phình bụng, gân cổ lên thổi, thổi đến đỏ mặt tía tai, thổi đến sùi cả bọt mép ra mà không sao át được tiếng tù và của Triton. Kết cục là kẻ đó, cái tên Énée liều lĩnh to họng lớn phổi đó, kiệt sức, đứt hơi, chết thẳng cẳng. Trong cuộc giao tranh giữa các vị thần Olympe với những người Gigantos-Đại khổng lồ, chỉ nghe thấy tiếng tù và của Triton là các tên Gigantos hồn xiêu phách lạc, cắm đầu chạy.

Quần tụ chung quanh Poséidon, người anh vĩ đại của Zeus, là lão thần biển Nérée và các con gái - những nàng Néréides - là thần biển Protée, Glaucos, và là các Titan Okéanos.

Protée, theo một số người, là con của Poséidon và nữ thần Téthys, còn một số người khác lại bảo Protée là gia nhân của thần Poséidon. Đây là một vị thần già đầu bạc, quê hương ở đảo Pharos gần Ai Cập. Poséidon giao cho Protée chăn nuôi những con hải cẩu, tài sản quý giá của mình. Protée có biệt tài tiên tri, tiên đoán, chẳng những biết việc tương lai mà còn biết tỏ tường cả những việc quá khứ và hiện tại. Nhưng Protée không tốt bụng như lão vương Nérée đầu bạc. Muốn hỏi được Protée phải kiên trì và dũng cảm, phải bất ngờ đến chộp được Protée. Bị bắt, Protée sẽ biến thành các con vật, muôn hình muôn vẻ như mặt nước có thể biến hóa thành bất cứ con vật gì, hình vẻ gì. Dũng tướng Ménélas sau cuộc Chiến tranh Troie trở về quê hương đã lạc bước tới xứ sở của Protée. Nhờ con gái của Protée - nàng Idothée - chỉ bảo cách đối xử với cha mình, Ménélas hỏi được đường về quê hương và biết được số phận tương lai những chiến hữu của mình. Mặc cho Protée biến hóa lúc thì sư tử, hổ, báo... rồi thì rắn, rồng, Ménélas cứ bám chặt lấy lưng Protée cho đến lúc Protée đành chịu, phải giải đáp những câu hỏi của Ménélas. Ngày nay trong văn học một số nước châu Âu để chỉ cái gì khó nắm bắt, hay biến đổi, đa dạng muôn hình muôn vẻ người ta thường ví giống như Protée, loại Protée. Protée trở thành danh từ chung chỉ người tính khí thất thường, hay thay đổi ý kiến. Liên quan đến Protée-Nước-Tài tiên tri, trong tiếng Nga có thành ngữ Như đã nhìn vào nước ấy, nghĩa là đã biết trước mọi việc, tương đương với thành ngữ Đi guốc vào bụng trong tiếng Việt.

Còn Glaucos vốn xưa kia là người đánh cá nghèo ở đất Béotie, Hy Lạp. Một hôm chàng kéo được một mẻ lưới đầy cá, nhưng lạ thay, lũ cá mà chàng trút xuống trên bờ cỏ cứ quẫy mạnh, và lao hết xuống biển, không tài nào ngăn giữ được. Ngạc nhiên trước sự việc lạ lùng đó, Glaucos bứt thử mấy lá cỏ trên bờ đưa lên mũi ngửi và rồi... đưa vào miệng nhấm nhấm thử xem chúng có hương vị gì. Ngờ đâu, đây lại là thứ cỏ thần do Titan Cronos xưa kia gieo trồng. Vì thế chỉ phút chốc Glaucos cảm thấy trong người thay đổi khác thường. Chàng thấy biển khơi đẹp một cách lạ lùng. Chàng ngắm nhìn biển say sưa như ngắm nhìn những người thân yêu nhất. Chàng bỗng nảy ra ý định xuống tận đáy biển sâu để xem xem thế giới của thần Poséidon cai quản nó kỳ lạ như thế nào. Và trái tim chàng đã thôi thúc chàng lao đầu xuống biển. Thần Okéanos, nữ thần Téthys và các nàng Néréides đón được Glaucos. Họ đã dùng tài năng và quyền thế của mình tẩy trừ chất người trần tục đoản mệnh của Glaucos đi để cho chàng trở thành một vị thần bất tử. Và thế là Glaucos trở thành một ông già râu tóc lòa xòa như rêu như rong biển màu tím sẫm, đặc biệt Glaucos lại mọc ra một cái đuôi như đuôi cá. Glaucos có tài tiên đoán như Nérée và Protée. Chàng rất tốt bụng với những người đi biển, lắng nghe mọi lời cầu nguyện của họ một cách trân trọng và sẵn sàng giúp đỡ họ khi cần thiết.

Còn thần Okéanos, như chúng ta đã biết, thuộc về thế hệ thần già. Danh dự và vinh quang của Okéanos kể ra không thua kém gì thần Zeus nhưng quyền cai quản Đại dương và sóng nước thì đã chuyển vào tay Poséidon. Vì thế những công việc bề bộn của thế giới Olympe không hề làm bận tâm đến Okéanos. Các con trai và con gái của thần vẫn được trị vì mọi ngọn nguồn sông suối.

Đáng yêu, đáng quý nhất là những tiên nữ Néréides. Các nàng thường từ đáy biển sâu đội nước, nổi lên vui chơi trên mặt sóng dập dềnh. Khi thì các nàng nắm tay nhau thành một hàng dài lướt đi trên mặt nước, khi thì quây lại thành một vòng tròn ca múa theo nhịp sóng lâng lâng đang trườn lượn nối đuôi nhau lớp lớp chạy vào bờ. Gió lộng của biển khơi đưa tiếng ca của các Néréides đi khắp mọi nơi. Tiếng ca đập vào vách đá và vách đá bắt lấy lời ca, nhắc lại, vang vọng ngân nga khắp bờ biển có bãi cát trắng dài. Người ta nói, các Néréides bảo vệ cho những chuyến đi biển của con người được bình yên vô sự, đến nơi đến chốn, để cho mặt biển thuyền bè xuôi ngược đông vui.

Thần Poséidon không phải chỉ ở trong cung điện. Thần luôn luôn đi lại, xem xét thế giới của mình cai quản. Và thần cũng phải luôn luôn lên đỉnh Olympe để dự các cuộc họp. Một cỗ xe có bốn con ngựa thần đưa Poséidon đi. Poséidon đứng hoặc ngồi trên xe, tay cầm chiếc đinh ba (trident), vũ khí do thần Thợ rèn-Héphaïstos làm ra. Nước rẽ ra mở đường cho những con thần mã tung vó. Chiếc xe lướt đi trên mặt biển mênh mông và khi cần những con thần mã đưa chiếc xe vượt lên mặt biển, rẽ mây bay tới đỉnh Olympe cao ngất. Mọi người rất sợ cây đinh ba trong tay thần Poséidon. Chỉ cần thần quay đầu nó lại, phóng một nhát xuống mặt biển là sóng quẫy lên, rồi lớp lớp dâng cao ngút, sôi réo ầm ầm. Bão tố gào thét quật những con sóng cao ngất vào bờ làm rung chuyển cả mặt đất. Nhưng chỉ cần thần cầm ngang cây đinh ba hay quay ngược nó lại cho mũi nhọn chĩa lên trời là mặt biển lại yên tĩnh đáng yêu. Các tiên nữ Néréides lại tiếp tục vui chơi, ca múa và những đàn cá heo lại nhảy múa bơi lượn tung tăng vây quanh cỗ xe tuyệt diệu của vị thần làm Rung chuyển Mặt đất. Khi ấy gió lại đưa bàn tay trìu mến vuốt ve trên mặt biển mênh mông đang thở đều đặn phập phồng.

Poséidon tiếng Hy Lạp có nghĩa là: “Chồng của đất”. Theo các nhà nghiên cứu cái tên này có một nguồn gốc xa xưa trong huyền thoại tối cổ từ nguồn gốc tôtem (ngựa) cho đến việc chuyển Poséidon sang một vị thần Đất.

Gia hệ Poséidon và các thần Biển

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

HADÈS VÀ THẾ GIỚI ÂM PHỦ

Hadès, người anh của Zeus, theo sự rút thăm chia phần, được cai quản thế giới sâu thẳm trong lòng đất và những vong hồn. So với bầu trời mà Zeus cai quản, với Đại dương mà Poséidon trị vì, thì vương quốc của Hadès thật tối tăm lạnh lẽo. Nơi đây không một tia nắng lọt vào, không một ánh trăng soi tới, không có cuộc sống tưng bừng, náo nức, ấm cúng, nhộn nhịp của thế giới Olympe và thế giới loài người trên mặt đất phì nhiêu. Những người trần thế đoản mệnh khi kết thúc số mệnh của mình đều biến thành những hình bóng vật vờ đi vào vực thẳm sâu hun hút dẫn tới lòng đất. Những bóng hình ấy phải đi qua con sông Styx nước đục, bùn lầy, quanh năm lạnh buốt. Xưa kia, Styx là một tiên nữ Nymphe, con của thần Okéanos, sống trong một cái động đẹp đẽ ở vùng Arcadie, bên một suối nước trong veo. Khi những người Đại khổng lồ-Gigantos nổi dậy chống lại thế giới Olympe, Styx theo cha đứng về phe thần Zeus. Dẹp xong vụ bạo loạn, để khen thưởng công lao của Styx, thần Zeus ban cho Styx một đặc ân trở thành một con sông hết sức thiêng liêng đối với thế giới thần linh và những người trần, con sông ở dưới âm phủ. Từ đó trở đi những người trần thế khi từ giã mặt đất tràn đầy ánh sáng để bước vào vương quốc tối tăm của thần Hadès đều phải đi qua con sông Styx. Các vị thần khi đứng trước một sự việc hệ trọng cần phải thề nguyền, cam kết, đều phải viện dẫn sông Styx ra để làm người chứng giám. Nhưng làm sao con sông Styx dưới âm phủ lại có thể hiện diện ở thế giới Olympe để chứng giám cho lời thề nguyền của một vị thần nào đó? Nữ thần Iris sẽ lo toan chu tất việc này. Mỗi khi có việc thề nguyền, được biết trước, nữ thần Cầu vồng-Iris bằng đôi cánh nhanh nhẹn và nhiều màu sắc của mình, sẽ bay ngay xuống thế giới âm phủ múc về một cốc nước sông Styx, và trước cốc nước thiêng liêng này, vị thần đưa tay ra trước mặt, trịnh trọng nói lên lời cam kết, thề nguyền của mình. Được nhận sứ mạng thiêng liêng chứng giám lời thề, Styx có quyền trừng phạt kẻ không tôn trọng lời thề, không thực hiện đúng lời cam kết. Vị thần nào phạm tội xấu xa đó sẽ bị phạt một năm ròng không được uống rượu thánh và ăn các thức ăn thần, nghĩa là những thức ăn vốn dành riêng cho các vị thần để nuôi sống bản chất bất tử trong con người các vị. Không ăn một năm, tất nhiên vị thần nào đó bị trừng phạt, sẽ chết một năm, nghĩa là ngủ một giấc say như chết một năm. Nhưng không phải chỉ có thế, hình phạt như thế thì quá nhẹ. Kẻ phạm tội còn phải chịu tiếp một hình phạt nữa: bị cấm, bị “đình chỉ” không cho dự các cuộc họp của thế giới thần thánh suốt chín năm liền.

Thế giới âm phủ không phải chỉ có một con sông Styx. Các vong hồn còn phải đi qua những con sông khác nữa, như Achéron, Cocyte, Pyriphlégéthon, Léthé. Chúng ta không thấy người xưa kể lại rõ ràng về chặng đường mà các vong hồn đi xuống thế giới âm phủ sẽ phải qua con sông nào trước, con sông nào sau, và con sông nào là ở cuối của đoạn đường tối tăm u ám đó.

Achéron xưa kia vốn là một con sông ở trên trần. Khi các Titan nổi dậy chống lại Zeus, Achéron đã cung cấp nước cho các Titan. Vì tội tiếp tay cho những kẻ phản loạn nên Zeus trừng phạt Achéron đày xuống âm phủ.

Các vong hồn đi xuống thế giới của thần Hadès phải do vị thần Hermès dẫn đường. Khi phải làm công việc không vui gì đó thần Hermès mang tên là Psychopompe. Hermès Psychopompe dẫn đường cho các vong hồn đến bờ sông Styx hoặc Achéron là xong nhiệm vụ. Một lão già thân hình tiều tụy, đầu bạc, răng long, áo quần rách rưới, nhem nhuốc, vẻ mặt lạnh lùng u ám, lầm lì tên là Charon đứng chờ sẵn bên bờ sông với con đò để đưa tiếp những vong hồn vào vương quốc tối tăm của thần Hadès. Charon vốn là con của Chốn Tối tăm Vĩnh cửu-Érèbe và nữ thần Đêm tối-Nyx. Có thể nói trên đời này ít có con người nào lại khắc nghiệt, cứng rắn, lạnh lùng như lão già chở đò Charon. Mỗi vong hồn qua sông đều phải trả tiền đò cho lão. Không tiền thì không được qua sông, đó là luật lệ bất di bất dịch của lão. Những người trần thế gặp cảnh ngộ không may khi từ giã cõi đời không có thân nhân làm đầy đủ nghi lễ mai táng, trong đó có việc phải bỏ vào miệng người chết một đồng tiền, thì thật là bất hạnh. Vong hồn đó không qua được sông Styx hoặc Achéron, suốt đời cứ phải đứng bên này bờ sông than khóc cho số phận hẩm hiu, bạc bẽo của mình, lang thang không nơi trú ngụ hết năm này qua năm khác, chờ đợi sự phán quyết của các quan tòa dưới âm phủ về số phận của mình. Có người lại kể hơi khác đi một chút, những vong hồn bất hạnh đó chờ đợi ở bên bờ sông Cocyte chứ không phải sông Achéron. Đi vào vương quốc của thần Hadès, các vong hồn còn phải đến sông Léthé để uống một ngụm nước của con sông này cho quên đi tất cả mọi chuyện của cuộc sống ở dương gian trước kia, mọi nỗi sướng vui và mọi niềm đau khổ, mọi kỷ niệm đối với những người thân thích trong đời sống hàng ngày của mình. Không khí ở âm phủ lạnh lẽo đến ghê rợn. Bóng đen mờ mờ, ảo ảo của những vong hồn vật vờ như những làn khói xám. Tiếng rên rỉ khóc than của họ về số phận bất hạnh của mình cất lên đều đều, rả rích, buồn bã nhưng trầm trầm, nho nhỏ nghe như tiếng lá cây xào xạc hay tiếng các loại côn trùng kể lể rỉ rót trong đêm. Đã bước chân xuống con đò của lão Charon ác nghiệt để đi sang bờ bên kia của con sông Achéron thì không còn cách gì trở lại được nữa. Lão già lái đò tính khí khắt khe và chặt chẽ, không cho ai qua đò nếu không có tiền, lại càng không cho ai qua đò rồi xin trở lại. Gác cửa âm phủ có con chó ba đầu Cerbère vô cùng dữ tợn. Cổ nó có một búi rắn quấn quanh, đầu rắn lúc nào cũng ngóc lên tua tủa. Răng chó Cerbère dài và nhọn hoắt lại có nọc độc như nọc rắn. Nó để cho các vong hồn đi qua cửa vào âm cung một cách dễ dàng nhưng nếu từ âm cung mà trở ra thì đừng hòng qua khỏi ba đầu, sáu mắt của nó. Những người trần thế, các vị thần, xuống âm cung đều bị Cerbère chặn lại. Tất nhiên đối với các vị anh hùng và các đấng thần linh thì thế nào họ cũng tìm được cách qua cửa ải Cerbère, hoặc là dùng mưu, hoặc là dùng sức. Nàng Psyché xinh đẹp tuyệt trần phải cho Cerbère cái bánh, chàng Orphée gẩy đàn lia cho chó Cerbère nghe, người anh hùng Héraclès thì dùng sức mạnh của đôi tay tóm cổ Cerbère buộc dây lại dắt lên trần... Không rõ Psyché, Orphée làm thế nào để cho lão già Charon cho xuống đò. Nhưng với Héraclès thì khi nhìn thấy nắm đấm của chàng giơ ra trước mặt là lão già mời chàng xuống đò ngay, không hề hỏi han tí gì đến tiền đò cả. Do việc sơ hở này, để một người trần, một người trần còn sống vào tận âm phủ, trái hẳn với luật lệ của thế giới địa ngục vốn chỉ cho phép những vong hồn được vào, lão già Charon bị trừng phạt, bị “thi hành kỷ luật”, “đình chỉ công tác” chở đò một năm! Xem thế thì vương quốc của thần Hadès cũng có phép tắc lề luật nghiêm minh đấy chứ!

Thần Hadès trị vì ở thế giới âm ty, địa ngục, một vương quốc buồn thảm và không hề biết đến ánh sáng mặt trăng, mặt trời. Hadès ngồi trên ngai vàng uy nghiêm tay cầm cây vương trượng, biểu trưng của quyền lực trị vì thế giới của mình. Ngồi bên Hadès là Perséphone, một nữ thần có nhan sắc ít người sánh kịp mà Hadès đã bắt từ dương gian về làm vợ. Hadès đội trên đầu chiếc mũ tàng hình, tặng vật của những người khổng lồ Cyclopes xưa kia ban cho thần trong cuộc giao tranh với những Titan, Hadès đã từng cho một vài vị anh hùng mượn chiếc mũ quý báu đó để họ lập nên những chiến công lưu danh muôn thuở. Giúp việc cai quản thế giới vong hồn cho Hadès còn có nhiều vị thần và hai vị quan tòa nổi tiếng công minh, chính trực, đó là Minos và Rhadamanthe. Các nữ thần Érinyes tính tình khắc nghiệt, tóc là những mớ rắn độc ngoằn ngoèo, tay cầm roi, tay cầm đuốc chỉ chờ lệnh của Hadès là với đôi tay nhanh nhẹn bay lên dương gian truy lùng, hành hạ những kẻ phạm tội bằng sự giày vò, ăn năn, bứt rứt, hối hận của lương tâm. Những kẻ phạm tội dù có trốn đi bất cứ nơi đâu cũng không thoát khỏi sự truy lùng và đòn trừng phạt của những nữ thần Érinyes. Họ suốt ngày đêm không được yên nghỉ, suốt ngày đêm lo lắng, bồn chồn, dằn vặt, khắc khoải. Còn ở dưới âm phủ, các nữ thần Érinyes trừng phạt những vong hồn phạm tội sát nhân, bội bạc, bất nghĩa bất nhân bằng những ngọn roi đau buốt, các nữ thần Érinyes thực hiện công lý của thế giới âm phủ. Các nữ thần tra hỏi, bắt các vong hồn phải đau đớn, xót xa trước những lời sỉ nhục, mắng nhiếc của mình. Thần Chết-Thanatos tay cầm gươm, mặc áo khoác đen với đôi cánh đen rộng và dài, thường có mặt ngay sau khi một người trần thế nào đó vừa tắt thở. Thanatos dùng gươm cạo tóc, khoét đầu để hút linh hồn. Các nữ thần Kères luôn luôn có mặt ở bãi chiến trường nơi các anh hùng, dũng sĩ phơi thây ngổn ngang. Cảnh tượng đó đối với người trần chúng ta thật là khủng khiếp nhưng với các nữ thần Kères thì là những bữa đại tiệc. Từ dưới âm phủ, họ với đôi cánh đen nặng nề bay đến chiến địa bám vào những vết thương say sưa uống hút chút máu nóng còn lại trong các thi hài tử sĩ. Và linh hồn những người tử trận còn chút nào đều bị các nữ thần kéo, hút ra khỏi thể xác. Thần Giấc ngủ hoặc Giấc mơ-Hypnos cũng phục vụ dưới trướng Hadès. Tuy chẳng có quyền lực lớn lao song ngay đến thần Zeus cũng không thể đối địch lại với Hypnos. Chỉ với một vài cử động nhẹ nhàng, cầm bông hoa anh túc (le pavot: thuốc phiện) phất khẽ trên mặt người nào đó vài cái hoặc lấy chút thuốc bột anh túc từ trong một chiếc sừng ra rắc xuống, thế là bất kể ai từ thần thánh cho đến người trần đều thấy nặng trĩu trên mi mắt và mi mắt từ từ khép lại. Người ta bảo thần Hypnos đã khâu nối hai mi mắt con người lại. Người xưa hình dung thần Hypnos là một chàng trai xinh đẹp có cánh ở thái dương, tay cầm một chiếc sừng và một bông hoa anh túc. Có khi trên những quan tài bằng đá, người ta thể hiện thần Hypnos là một chàng trai đang ngủ, cánh tay tì trên một ngọn đèn bị đổ.

Vương quốc của thần Hadès tối tăm và quả là có nhiều vị thần rất đáng sợ. Chẳng ai là người ưa thích, quý mến cái thế giới không có ánh sáng và đầy rẫy những vị thần, những giống vật khủng khiếp như thế cả. Nhưng có lẽ ghê sợ hơn cả, khủng khiếp hơn cả là nữ thần Hécate và lũ ma quỷ tùy tùng của mụ. Nữ thần Hécate là con của Titan Persès và Titanide Astéria. Đó là một nữ thần có ba đầu, cai quản các quái vật, ma quỷ, các giấc mơ giấc mộng khủng khiếp của thế giới âm phủ. Nữ thần thường xuất hiện trên dương gian vào những đêm sao lu trăng lạnh, đi lang thang trong các bãi tha ma, những khu mộ địa hoặc đứng vơ vẩn ở các ngã ba, ngã tư đường. Theo sau mụ là những bóng ma vật vờ và những con chó. Chúng thường la hú, hoặc rít lên nghe rất ghê rợn. Đứng ở ngã ba đường, Hécate thường gieo rắc cho khách bộ hành sự khủng khiếp bằng những lời tiên đoán ma quái, nguyền rủa. Người trần sợ hãi Hécate thường dựng tượng vị nữ thần này ở ngã ba, ngã tư đường và giết chó để làm lễ hiến tế, cầu nguyện. Có nơi hình dung Hécate là một nữ thần tượng trưng cho ba nữ thần Perséphone, Séléné, Artémis. Có nơi dựng tượng Hécate như một nữ thần ba đầu, sáu tay, khi cầm đuốc, cầm gươm, cầm dao găm, cầm chìa khóa, có chó và rắn đi hộ tống. Người xưa coi Hécate là vị nữ thần thủy tổ của nghề phù thủy, ma thuật, bùa ngải, phù chú. Và sau dần, Hécate được xem như là một vị nữ thần bảo trợ cho tội ác hoặc xúi giục con người làm điều ác.

Lại có chuyện kể Hécate là con của thần Zeus và nữ thần Héra hoặc nữ thần Déméter. Có người còn nói Hécate là con của thần Hadès. Các nhà nghiên cứu cho chúng ta biết, nguyên quán đích thực của Hécate là từ phương Đông sau này mới chuyển đi dần vào gia đình thần thoại Hy Lạp. Lúc đầu Hécate là vị nữ thần đem lại cho con người những phúc lợi của nghề đánh cá, săn bắt muông thú, chăn nuôi. Nàng lại còn lo toan cho việc sinh nở của các bà mẹ để cho cuộc sống tăng thêm người, dạy dỗ trẻ thơ cho chúng trở thành những đứa bé ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Thuyền bè qua lại trên sông biển có được an toàn, thuận lợi hay không, trong các cuộc thi đấu, tranh đua, kiện cáo con người có giành được thắng lợi hay không, cả đến những cuộc xung đột trên chiến trường, thắng bại cũng đều tùy thuộc vào quyền lực của Hécate.

Ngày nay trong ngôn ngữ văn học, đôi khi Hécate lại mang một ý nghĩa rất đẹp, tượng trưng cho ánh trăng, mặt trăng.

Empousa là con gái của Hécate, có người nói là tùy tùng. Đây là một con ma có bộ chân bằng đồng hoặc chân lừa, sống bằng máu và thịt người. Nó có tài biến hóa ra mọi hình, mọi vẻ để dọa nạt phụ nữ và trẻ em, dọa nạt những người bộ hành. Thường thì nó hay bắt trẻ em để hút máu và ăn thịt. Có khi nó biến thành một thiếu nữ nhan sắc quyến rũ những người đàn ông rồi đêm hôm lừa lúc người đàn ông ngủ say, Empousa bóp cổ chết để hút máu.

Lamia cũng là một con quỷ cái uống máu, ăn thịt trẻ con. Người ta thường cho rằng Lamia với Empousa là một, tuy rằng tên thì hai. Có một chuyện kể rằng xưa kia Lamia là một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, con của nhà vua Bélos. Thần Zeus đem lòng yêu mến. Cuộc tình duyên của họ thắm thiết vô cùng. Họ sinh ra được khá nhiều con cái. Nữ thần Héra, vợ Zeus, không thể chịu đựng được cái cảnh trêu ngươi ấy đã giết hết, giết sạch mọi đứa con của họ. Lamia vì chuyện đó trở nên điên dại, biến mình thành con quỷ cái bắt cóc trẻ thơ, uống máu, ăn thịt để trả thù. Nữ thần Héra căm tức trừng phạt Lamia bằng cách tước đoạt vĩnh viễn giấc ngủ của Lamia. Thần Zeus, không thể bênh vực gì Lamia được nữa, đành phải để cho Lamia hành động như vậy. Âu cũng là một sự an ủi người thiếu nữ xinh đẹp đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ!

Thế giới âm phủ còn có khá nhiều ma quỷ như con Mormo, con Acco (còn gọi là con Mormolyke hay Alphito) và... mà chúng ta không thể kể hết được. Thần Hadès được người xưa tạc tượng là một ông già nghiêm nghị, một tay cầm cái sừng của sự sung túc, một tay cầm nông cụ. Pluton, một tên khác của thần Hadès có nghĩa là “Người phân phối của cải” (Le Dispensateur des richesses), vì thế những người làm nghề nông thường cầu khẩn thần Hadès. Trong một vài tác phẩm điêu khắc cổ đại, Hadès được thể hiện là ông già oai phong lẫm liệt ngồi trên ngai vàng, tay cầm cây vương trượng, chó ngao Cerbère nằm dưới chân.

Trong thần thoại học có khái niệm “thần thoại Chthonien” hoặc “thần thoại Chthoniennes” để chỉ thần thoại thời kỳ thị tộc mẫu quyền, nếu dịch sát nghĩa là “thần thoại đất” (do tiếng Hy Lạp chthon là đất). Con người nguyên thủy sống phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên, vào điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài, vì thế, một trong những điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài, trực tiếp nhất, gần gụi nhất, dễ thấy nhất là đất. Họ thường cho rằng tất cả đều từ đất mà ra, tất cả đều “sinh cơ lập nghiệp” trên đất, từ đất. Vì thế không phải ngẫu nhiên trước khi thần Zeus ra đời và được thờ cúng thì nữ thần Đất mẹ-Gaia đã là vị thần được thờ cúng phổ biến trên khắp đất nước Hy Lạp. Các nhà nghiên cứu dùng khái niệm thần thoại Chthonien để chỉ một trình độ phát triển của thần thoại còn thô thiển, sơ lược, gồ ghề, ít tính nghệ thuật, dấu vết của sự không hiểu biết và sợ hãi của con người trước tự nhiên còn đậm nét, khác với thần thoại anh hùng và thần thoại của thời kỳ thị tộc phụ quyền tinh tế hơn, nhiều tính nghệ thuật hơn, sức mạnh của con người bộc lộ ra rõ ràng và đã có tính duy lý. Thần thoại Chthonien trải qua nhiều trình độ, từ bái vật giáo đến vật linh giáo.

Người ta còn sử dụng thuật ngữ Những vị thần Chthonien (Les dieux chthoniens) để chỉ những vị thần có liên quan đến đất như: Gaia, Hadès, Déméter, Perséphone, Dionysos, Érinyes... hoặc là những vị thần thuộc thế giới âm phủ, hoặc là những vị thần gắn với mùa màng phì nhiêu, cây cỏ. Tuy nhiên thường thì người ta dùng thuật ngữ này để chỉ những vị thần ở dưới âm phủ để đối lập lại với những vị thần ở trên thiên đình (Les dieux célestes).

Gia hệ Hadès

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

NỮ THẦN HÉRA

Nữ thần Héra vĩ đại, vợ của vị thần tối cao Zeus, là vị nữ thần của hôn nhân và gia đình. Nàng bảo vệ cho hạnh phúc của những đôi lứa đã gắn bó với nhau bằng lễ kết hôn, trông nom và săn sóc đến việc sinh nở con cái của những đôi vợ chồng để có thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, đời đời bất diệt. Nàng lại là vị thần bảo vệ cho những bà mẹ vừa mới sinh nở và những trẻ sơ sinh mới cất tiếng khóc chào đời sao cho, nói như người Việt Nam chúng ta, được mẹ tròn, con vuông. Người Hy Lạp xưa kia thường cầu khẩn Héra phù hộ cho gia đình được đầm ấm, nhiều con, đông cháu.

Héra là con của Titan Cronos và Titanide Rhéa, là chị ruột của thần Zeus. Sau khi Zeus cho Cronos uống liều thuốc tiên để Cronos phải nhả các anh, các chị của mình ra thì Héra được mẹ đưa đi đến một nơi xa biệt tích biệt tăm, giao cho thần Okéanos và nữ thần Téthys nuôi hộ. Héra sống xa thế giới Olympe trong một thời gian khá dài, chẳng rõ là mấy chục, mấy trăm năm. Thần Zeus đã đến tìm nàng và hai người cưới nhau, thành vợ thành chồng từ đấy. Từ đó nữ thần Héra trở thành vị nữ thần có uy quyền to lớn như thần Zeus, vị nữ thần cai quản các vị thần, kể cả nam thần và loài người. Đám cưới của họ diễn ra rất trọng thể trên thiên đình bởi vì đây không phải là đám cưới của một vị thần như trăm ngàn vị thần khác mà là của vị thần tối cao, cầm đầu các vị thần. Trong những tặng phẩm của các vị thần “cấp dưới” anh em, bè bạn đem đến mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng mới, có tặng phẩm của nữ thần Đất mẹ-Gaia, là quý nhất. Đó là một vườn cây thơ mộng trong đó có những cây táo có quả vàng ở mãi tận miền cực tây của đất. Nữ thần Héra giao cho ba chị em nữ thần Hespérides trông coi, vì thế người ta thường gọi là vườn táo Hespérides. Các nữ thần Heures và Iris luôn luôn theo hầu bên Héra. Họ mặc cho nàng những bộ áo đẹp nhất do bàn tay khéo léo của nữ thần Athéna dệt để tặng vị nữ thần tối cao. Héra đẹp lộng lẫy, uy nghiêm, có đôi mắt bò cái và cánh tay trắng muốt, phong thái đường bệ, kiêu kỳ. Sắc đẹp của nàng đã khiến cho tên Gigantos-Đại khổng lồ tên Porphyrion mê cảm. Trong cuộc giao tranh với Zeus, chính tên này đã hô hào đám lâu la dưới trướng của hắn xếp chồng những quả núi lên để hắn leo vào ngọn Olympe bắt cóc Héra. May thay Porphyrion chưa kịp làm nhục Héra thì Zeus đã kịp thời trông thấy. Và như đã kể, thần Zeus và người anh hùng Héraclès kịp thời kết liễu tên loạn tặc, cứu thoát Héra. Chưa hết, một vị vua của những người Lapithes, tên là Ixion cũng lại bị dục vọng làm cho mất trí, định ve vãn Héra. Nhưng làm sao một người trần lại có thể lên trên thiên đình gặp được Héra, chiêm ngưỡng dung nhan của nữ thần mà đem lòng tơ tưởng, mưu tính một vụ quyến rũ, ái ân? Nguyên do là như thế này: Ixion là một con người bội bạc. Y cưới nàng Dia, con của nhà vua Déionée làm vợ. Trước khi cưới, y hứa với bố vợ sẽ đem đáp lễ bằng những tặng vật quý giá, hậu hĩ. Nhưng khi cưới được vợ rồi thì y vỗ tuột. Hơn thế nữa, cái tên bội ước này lại giết luôn cả bố vợ và vứt xác ông vào một cái hố. Tội ác của y thật tày trời, vừa là một kẻ bội ước vừa là tên sát nhân, can tội giết người khá thân thiết đối với y. Không một viên tư tế nào dám làm lễ cầu xin các vị thần tha tội cho y. Ixion chỉ còn cách trực tiếp cầu khấn thần Zeus. Tuy Zeus nổi tiếng là một vị thần nghiêm khắc song không phải trái tim thần chỉ biết có những chuyện trừng phạt, giáng tai họa mà không hề biết xúc động, tha thứ. Những giọt nước mắt hối hận của Ixion đã khiến thần Zeus động mối từ tâm. Và thật là một chuyện hiếm có, Zeus cho Ixion lên cung điện Olympe, cho y được uống rượu thánh và ăn những thức ăn thần để y trở thành bất tử. Ngờ đâu cái con người bội bạc này chứng nào vẫn tật ấy. Ixion ở thiên đình, được gặp Héra, trò chuyện với Héra và mưu tính một chuyện bỉ ổi. Biết rõ ý đồ bẩn thỉu của Ixion, Zeus lấy một đám mây tạo ra một người phụ nữ giống hệt vợ mình. Tên đám mây này là Néphélé. Ixion đã tư thông với đám mây Néphélé mà cứ tưởng rằng mình đã chinh phục được Héra, và kết quả là Néphélé đã sinh ra cho chàng Ixion những đứa con nửa người nửa ngựa mà người xưa gọi là Centaure. Thần Zeus giao cho Hermès trừng phạt tên khốn nạn đó. Hermès buộc căng Ixion vào một cái bánh xe nhưng không phải buộc bằng dây mà là buộc bằng những con rắn, rồi tống xuống địa ngục Tartare. Ở dưới đó, bánh xe cứ lăn đi, lăn mãi không khi nào dừng.

Nhưng còn Zeus thì lại không chung thủy với Héra. Thần đã làm cho Héra biết bao lần điên đầu sôi máu vì những cuộc tình duyên của thần với những thiếu nữ này, nữ thần khác. Cảnh gia đình của vị nữ thần bảo vệ cho hạnh phúc và sự ấm cúng gia đình lại chẳng lấy gì làm hạnh phúc và ấm cúng cho lắm. Không thể trả thù Zeus được, Héra chỉ còn cách trút tất cả “máu ghen” của mình xuống những đứa con, kết quả của những cuộc “ngoại tình” của Zeus, hoặc vào bản thân tình nhân của Zeus như Dionysos, Io... Đã có lần vì quá bực tức với Zeus, Héra mưu tính với Poséidon và Athéna bắt Zeus xiềng lại để cho Zeus khỏi lẻn xuống trần. Nhưng mưu đồ của họ bị nữ thần Thétis biết. Để bảo vệ cho Zeus, nữ thần cho gọi ngay quỷ thần Hécatonchires tên Briarée đến ngồi bên Zeus. Do đó mưu đồ của Héra không thực hiện được. Trả đũa lại, Zeus lấy một dây xích vàng trói Héra lại treo lơ lửng giữa trời. Thật là một cảnh tượng man rợ hết chỗ nói! Tóc Héra bị buộc vào một cái đinh móc câu, đinh này Zeus đóng vào đám mây. Còn đôi cánh tay trắng muốt của nàng bị trói chặt, hai chân bị xiềng vào hai cái đe, tình cảnh rất đỗi thương tâm. Các vị thần trông thấy muốn đến cởi trói cho Héra nhưng lại rất sợ thần Zeus, nên rút cuộc chẳng ai dám bén mảng đến gần chỗ Héra bị trói và cũng chẳng ai dám khuyên can thần Zeus lấy nửa lời. Của đáng tội thì Héra cũng chẳng phải là vị nữ thần hiền thảo gì. Tính nết Héra cũng đáo để dữ dội như chồng. Nàng lại hay mè nheo, rỉa rói chồng cho nên Zeus đã đôi ba lần uất quá, sốt tiết lên vì cái thói lắm điều, đay nghiến, chì chiết của vợ mà... cho nàng mấy cái bạt tai! Sau này mỗi khi Héra nổi chứng là Zeus lại nhắc lại cái vụ nàng bị trói, hoặc Héphaïstos nhắc lại cho mẹ biết cái lần bị bố giận vung tay lên. Nhờ đó Héra mới dịu giọng mà làm lành với Zeus.

Héra sinh với Zeus được bốn mặt con: hai trai, hai gái. Trai là các thần Arès và Héphaïstos, gái là các nữ thần Hébé và Ilithyie. Hébé, như trên đã kể, ở cung điện Olympe lo việc dâng rượu thánh và các thức ăn thần trong những bữa tiệc. Ilithyie là nữ thần của sự sinh nở, theo cách nói của chúng ta ngày nay là nữ thần Hộ sinh. Nàng thường được theo mẹ xuống trần giúp các bà mẹ “vượt cạn” cho được dễ dàng. Người xưa hình dung nữ thần Ilithyie là một thiếu nữ mặc một tấm áo choàng trùm kín đầu, nhưng hai cánh tay để trần, một tay cầm một bó đuốc giơ cao tượng trưng cho một cuộc sống vừa mới ra đời dưới ánh sáng, hoặc ngọn đuốc đang cháy tượng trưng cho sự bắt đầu của một cuộc sống mới.

Cũng như chồng, Héra có thể dồn mây mù, nổi giông tố, sấm sét. Nàng ngồi trên ngai vàng cạnh thần Zeus, tay cầm cây vương trượng, đầu đội vương miện, tấm khăn lụa mỏng trùm che lên mặt tượng trưng cho lễ kết hôn. Đôi khi Héra cầm trong tay một quả lựu, vật tượng trưng cho sự mắn đẻ, đông con. Một con công xòe đuôi múa dưới chân nàng. Có hẳn một cỗ xe do hai con thần mã kéo, làm toàn bằng đồng đỏ rực và vàng óng ánh dành riêng cho nàng để nàng đi du ngoạn đây đó và thường là đưa nàng xuống trần can thiệp vào những công việc của người trần thế và theo dõi hành tung của Zeus.

Héra và Io

Như ta đã biết, Héra thường phải chịu nhiều đau khổ, tức giận đến phát điên lên về cái tính “bướm ong” của Zeus, nói thẳng ra là cái thói đa tình hiếu sắc hay lăng nhăng, chẳng đúng với tư cách của một vị thần tối cao cai quản thế giới thần linh và loài người. Còn Héra vì là một vị nữ thần bảo vệ cho hôn nhân và hạnh phúc gia đình, cho nên nàng không thể nào chấp nhận được những cuộc tình duyên của Zeus, những cuộc tình duyên ngoài hôn nhân và làm tổn thương đến hạnh phúc gia đình. Héra đã từng trừng phạt những “người yêu” của Zeus, đã từng đánh ghen nhiều vụ mà tiếng để đến đời sau. Trong những vụ đánh ghen đó phải kể đến vụ đánh ghen với nàng Io.

Io là con gái của thần Sông Inachos, vua của đất Argos. Nàng có một sắc đẹp mà những người thiếu nữ cùng độ tuổi với nàng ít người có được. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, tiếng đất Argos có người con gái đẹp bay đến tai thần Zeus. Và thế là từ đó trở đi, đêm đêm những giấc ngủ của Io bị xáo trộn bởi những cơn mộng, không phải những cơn ác mộng mà là những cơn “tình ái mộng”. Io thường nằm mộng thấy một chàng trai đến nói với nàng những lời ái ân tình tứ. Chàng trai đó trách yêu nàng đã giam hãm tuổi xuân trong khuê phòng bưng bít mà nhẽ ra, với sắc đẹp của nàng, nàng có thể và phải tìm được một người chồng xứng đáng. Kỳ quái hơn nữa là chàng trai đó lại nói chính thần Zeus đã xúc động đến mê mẩn tâm thần vì sắc đẹp của nàng và muốn được gặp nàng để bày tỏ những tình cảm ngưỡng mộ và sùng ái, và... xin nàng hãy đi về cánh đồng cỏ bên bờ hồ Lerne để thần Zeus được chiêm ngưỡng dung nhan của nàng cho thỏa lòng bấy lâu khao khát. Những cơn mộng như thế đêm nào cũng đến, lặp đi, lặp lại, trong giấc ngủ của người thiếu nữ Io. Io thấy phải kể hết cho vua cha nghe để tính bề định liệu, nếu không thì những cơn mộng ấy cứ ám ảnh mãi suốt đêm này qua đêm khác. Và như vậy, chẳng phải là một niềm vui sướng gì cho cam, ngược lại là một tai họa khủng khiếp. Nhà vua Inachos bèn cho người đến các đền thờ Delphes và Dodone để cầu xin một lời chỉ dẫn. Lời chỉ dẫn thật ác nghiệt: nếu Io không thực hiện đúng như lời hò hẹn trong mộng thì thần Zeus sẽ giáng sét tiêu diệt sạch giống nòi Inachos. Có ai ngờ sinh con gái đẹp lại là một tai họa. Inachos chỉ còn cách đuổi Io đi, còn Io, để cứu giống nòi khỏi tai họa, tất phải chấp nhận lời hò hẹn của thần Zeus.

Về phía thần Zeus như vậy là ước sao được vậy. Chỉ còn việc làm sao đi thoát khỏi con mắt tinh quái của Héra là trọn vẹn. Zeus nghĩ ra một cách để che giấu cuộc tình duyên vụng trộm này. Thần cho một đám mây cực kỳ dày đặc, cực kỳ tối đen bao phủ lấy mặt đất khiến cho bầu trời u ám, tối mịt như đêm. Ở trên thiên đình, Héra dẫu có tinh tường đến mấy cũng không thể nhìn xuyên thấu qua những đám mây đen dày đặc. Zeus có thể hoàn toàn yên tâm để dốc bầu tâm sự với Io. Nhưng Héra chẳng phải người thường. Nàng thấy trời đất tối sầm, mây đen dày đặc kéo đến nhanh chóng khác thường là sinh nghi ngay. Nàng bèn đi tìm Zeus. Tìm khắp cung điện Olympe cũng như mọi nơi, mọi chốn ở bầu trời không đâu thấy Zeus, Héra hiểu ra ngay sự thật. Nàng vội vã xuống trần và không quên ra lệnh cho những đám mây đen dày đặc phải tan biến đi ngay tức khắc. Nhưng Zeus, mặc dù say đắm trong cuộc tình ái, vẫn không quên để ý đến ngoại cảnh. Và khi Héra xuống gặp Zeus, thì thấy Zeus đang đứng bên một con bò cái trắng muốt, đẹp đẽ vô ngần. Đó chính là Io mà Zeus đã kịp thời biến hình nàng để phi tang, chối biến với Héra. Làm bộ tự nhiên, Zeus nói với Héra là chưa từng bao giờ trông thấy một con bò cái đẹp đẽ đến như thế, dường như con bò này mới từ dưới đất hiện lên. Héra tươi tỉnh, tán thưởng lời khen của Zeus và nàng càng tỏ ra đặc biệt thích thú trước một con bò cái xinh đẹp, kỳ diệu như thế. Nàng vuốt ve, âu yếm con bò. Nàng ngỏ ý muốn xin Zeus con bò. Thật khó xử cho Zeus. Từ chối ư? Thế thì chẳng khác gì thú nhận tội lỗi. Một tặng vật tầm thường như thế mà không dám ban cho vợ thì... Zeus đành phải chiều vợ, cho vợ con bò cái trắng.

Héra buộc Zeus phải cho nàng con bò cái trắng. Câu chuyện tưởng đến đó là xong, nhưng chưa xong. Để ngăn cản không cho Zeus tìm gặp lại con bò xinh đẹp mà Héra biết thế nào Zeus cũng tìm đủ mọi cách để gặp lại, nàng giao cho một gia nhân tâm phúc, tin cẩn canh giữ. Có thể nói trên đời này khó mà tìm được một người nào canh giữ cẩn thận chắc chắn hơn. Đây không phải là một người thường mà là một người khổng lồ có một trăm mắt, tên hắn là Argus. Vì có một trăm mắt trên khắp người nên khi Argus ngủ thì không bao giờ ngủ hết, chỉ cần ngủ có năm mươi mắt thôi là đủ. Còn năm mươi mắt kia thức để canh giữ. Khó ai bén mảng được đến gần chỗ Argus. Chính nhờ sự tỉnh táo thường xuyên như thế nên Argus đã từng lập được một chiến công lừng lẫy. Dạo ấy không rõ Argus được các vị thần giao cho nhiệm vụ canh giữ báu vật gì hay có lẽ sau chiến công giết chết con bò tót, bò rừng hung dữ thường hay về tàn phá hoa màu ở vùng đồng bằng Argolide mà quái vật Échidna nửa đàn bà, nửa rắn muốn thử sức với Argus. Échidna lợi dụng lúc Argus ngủ, mò đến gần định giáng cho một đòn phủ đầu, nếu không kết liễu cuộc đời gã khổng lồ thì cũng cho hắn không gượng được mà đánh trả. Và đòn thứ hai là xong, cùng lắm chỉ đến đòn thứ ba. Nhưng Échidna có biết đâu Argus chỉ ngủ có một nửa số mắt. Vừa mon men đến gần Argus, Échidna chưa kịp hành động thì đã bị Argus cho một nhát kiếm đứt đôi người.

Giao cho Argus canh giữ con bò cái trắng muốt Io, nữ thần Héra tin chắc rằng Zeus không có cách gì mà đến gần Io được, Zeus lại càng không thể dùng bất cứ một vị thần nào để đánh tháo cho Io. Bởi vì hễ có một dấu hiệu gì khả nghi là Argus có thể báo ngay cho Héra biết.

Zeus giao cho thần Hermès nhiệm vụ giải thoát con bò cái trắng xinh đẹp. Với đôi dép thần có cánh Hermès nhanh chóng bay xuống ngọn núi mà Argus đang canh giữ con bò. Thần cải trang thành một chàng trai nông dân vừa đi vừa thổi sáo, những tiếng sáo du dương, véo von, réo rắt bay đến như rót vào tai gã khổng lồ. Thấy Argus có vẻ say mê, lắng nghe tiếng sáo, Hermès mới tiến lại gần. “Một anh chàng thổi sáo, thật chẳng có gì đáng ngại...”, Argus nghĩ thế và cất tiếng gọi:

- Này anh bạn! Làm sao mà anh lại cứ phải vừa đi vừa thổi thế kia? Lại đây, ngồi xuống tảng đá này dưới bóng râm mà thổi lại không hơn à?

Hermès đến ngồi bên Argus. Chàng nghiêng đầu say sưa thổi vào ống sáo những âm thanh trầm bổng man mác lòng người. Những ngón tay của chàng nhảy múa trên chiếc ống sáo như những người trần thế say sưa nhảy múa trong những ngày hội tế lễ thần linh. Gã khổng lồ Argus nghe như uống lấy từng âm thanh, mắt lim dim thả hồn phiêu diêu theo tiếng sáo bay đi trong gió rừng hiu hiu, xào xạc. Và rồi Argus ngủ lúc nào không biết, ngủ cả một trăm con mắt. Hermès kết liễu cuộc đời gã khổng lồ một cách dễ dàng và giải thoát cho Io, con bò cái trắng xinh đẹp, người bạn tình của Zeus. Có chuyện lại kể Hermès có chiếc đũa thần, nhờ nó khi ngồi bên Argus thổi sáo, chàng đã làm cho Argus ngủ say như chết chỉ bằng một động tác lướt nhẹ đũa trên người.

Cảm thương người đầy tớ trung thành tâm phúc, nữ thần Héra lấy những con mắt của Argus đính vào đuôi con công và cho con vật này theo hầu bên nàng để lưu giữ lại kỷ niệm về một người đầy tớ hiếm có trên thế gian này.

Ngày nay trong văn học thế giới, Argus trở thành một danh từ chung chỉ người sáng suốt, nhìn xa trông rộng, có tinh thần cảnh giác cao hoặc một người bảo vệ, canh gác rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Mở rộng nghĩa Argus còn chỉ người soi mói, kẻ làm nghề chỉ điểm, gián điệp hoặc một người quá ư cẩn thận, quá cảnh giác nghiêm ngặt. Mắt Argus/Argos là một thành ngữ trong văn học Pháp chỉ một cách nhìn thấu đáo bao quát được toàn bộ sự kiện.

Một chuyện khác kể, thật ra thì thần Zeus không biết đến Io. Nhờ có nàng Jynx, con của thần Pan và nữ thần Écho, môi giới nên mới sinh chuyện. Nàng Jynx mách cho Zeus biết ở đất Argos có người thiếu nữ xinh đẹp khác thường. Jynx mách cho thần Zeus uống một thứ nước bùa mê khiến sau khi uống xong Zeus thương nhớ Io đến bồn chồn, khắc khoải. Sau này Héra biết chuyện, trừng phạt Jynx biến nàng thành một con chim, có người nói biến nàng thành một bức tượng đá.

Io được giải thoát khỏi sự canh giữ của Argus. Nhưng số phận nàng chưa hết gian truân. Nữ thần Héra sai một con ruồi trâu bám riết trên thân thể nàng luôn luôn dùng vòi sắc nhọn châm đốt khiến cho Io đau đớn khôn xiết, lồng lộn điên cuồng chạy hết nơi này đến nơi khác. Nàng đã từ đất Argos đi ngược lên phía Bắc tới cao nguyên Dodone, rồi lại chạy theo ven biển phía tây Hy Lạp thuộc vùng biển Rhéa đi ngược mãi lên tới vùng hoang dại thuộc xứ Scythe và gặp Prométhée trong cảnh bị xiềng xích, bị đóng đanh vào núi đá rất đỗi thương tâm. Prométhée đã tiên đoán cho số phận tương lai của Io, chỉ đường cho nàng đi về đất Ai Cập, nơi nàng sẽ gặp lại thần Zeus và thoát khỏi lối sống của kiếp bò. Cuộc tình duyên của nàng với Zeus sẽ sinh ra người anh hùng Épaphos, vị vua đầu tiên của xứ Ai Cập. Con dòng cháu giống của người anh hùng này thay nhau trị vì trên mảnh đất của thần sông Nile vĩ đại, lập nên biết bao chiến công. Trong số những người anh hùng đó, người anh hùng vĩ đại nhất lập nên những chiến công chói lọi, rực rỡ nhất là dũng sĩ Héraclès, người sẽ lãnh sứ mạng giải phóng cho Prométhée.

Hành trình gian truân của Io từ châu Âu sang châu Á rồi xuống Ai Cập được người xưa ghi dấu lại bằng những địa danh: vùng biển ở phía Tây bán đảo Hy Lạp, dưới phía Nam, biển Adriatique mang tên là biển Ionie, ghi lại nơi Io đã lưu lạc tới. Tuy nhiên cũng có những nhà nghiên cứu cho rằng cái tên “Biển Ionie” không phải ghi lại quãng biển mà Io đã đi qua mà ghi lại vùng biển những bộ lạc người Ionieens đã chinh phục. Những bộ lạc này đã cư trú ở vùng biển này từ sớm. Eo biển Bosphore (Biển Adriatique ngày nay), cửa ngõ của Biển Đen, là nơi Io đã bơi qua từ châu Á sang châu Âu. Tiếng Hy Lạp “Bosphore” có nghĩa là “Chỗ bò đi qua” một địa danh gắn liền với cuộc hành trình ba chìm bảy nổi của người thiếu nữ nhan sắc Io.

THẦN APOLLON

Trong số những người con của thần Zeus được vinh dự đứng vào hàng ngũ mười hai vị thần tối cao, ta phải kể trước hết: Apollon. Apollon là con của thần Zeus và nữ thần Léto (thần thoại La Mã: Latone). Cuộc đời của vị thần này được bao phủ bằng những chiến công chói lọi mà chúng ta không sao kể xiết được. Hầu như khắp nơi ở thế giới Hy Lạp chỗ nào cũng có đền thờ thần Apollon. Thế nhưng vị thần danh tiếng ấy lại cất tiếng khóc chào đời trong một tình cảnh mà kể lại không ai là người không xót xa, thương cảm. Léto là con gái của Titan Koios và Titanide Phoébé. Thần Zeus chẳng rõ gặp Léto từ bao giờ nhưng đã đem lòng thầm yêu, trộm nhớ. Và với Zeus thì, như mọi người đã biết, thần chẳng chịu kéo dài cái cảnh thầm nhớ, trộm yêu. Thần đã tìm đến với Léto. Cuộc tình duyên của họ khá thắm thiết, thắm thiết cho đến ngày Léto có mang thì Zeus, vì sợ Héra, nên đành phải “cao chạy xa bay”.

Zeus thôi nhưng Héra không thôi. Biết chuyện, Héra vô cùng tức giận và nàng như sự “thường tình nhi nữ” và như những lần trước, lại trút tất cả sự căm uất của mình vào người thiếu nữ bị Zeus, sau khi thỏa mãn dục vọng, bỏ rơi. Héra, vị nữ thần bảo hộ cho sự sinh nở, bảo hộ cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh được vuông tròn, lần này trả thù Léto bằng một hành động vô cùng bất nhân, độc ác. Nàng ra lệnh cho khắp nơi trên mặt đất từ đảo hoang cho đến rừng già, từ làng quê cho đến xóm chợ... không đâu được chứa chấp Léto, không đâu được giúp đỡ Léto. Nàng Léto bất hạnh đi lang thang hết nơi này đến nơi khác cầu xin một nơi trú ngụ nhưng đáp lại chỉ là một ánh mắt ái ngại hoặc thương cảm chứ không phải là hành động săn sóc chân tình đối với một bà mẹ sắp đến ngày sinh nở. Léto đi hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác mà vẫn không sao cầu xin được một tấm lòng hiếu khách vốn là truyền thống thiêng liêng của đất nước Hy Lạp. Cuối cùng có một hòn đảo nhỏ, đúng hơn là một mẩu đất, số phận cũng lang thang bất hạnh như Léto, đón tiếp Léto với những tình cảm chân thành nhân hậu. Đó là hòn đảo Ortygie đất đai cằn cỗi chẳng sinh sôi được hoa thơm quả ngọt do đó cũng chẳng có một bóng người. Ortygie xưa kia vốn là tiên nữ Astéria, con của Titan Koios và Titanide Phoébé, nghĩa là em ruột của nàng Léto đang đi tìm nơi nương tựa. Chồng Astéria là Persès và con gái nàng là Hécate, một vị nữ thần rất khủng khiếp mà chúng ta đã nghe kể trong đoạn nói về vương quốc của thần Hadès. Sắc đẹp của Astéria đã không thoát khỏi con mắt hiếu sắc đa tình của Zeus. Để trốn tránh thần Zeus, Astéria phải biến mình thành con chim cun cút. Nhưng xem ra như thế cũng chưa yên. Astéria lại phải lao mình xuống biển biến thành một hòn đảo, một mảnh đất be bé, xinh xinh thì mới thật hoàn toàn tai qua nạn khỏi. Vì lẽ đó hòn đảo Ortygie có số phận thật là hẩm hiu. Trong khi các hòn đảo khác đều có nơi cư trú ổn định, an cư lạc nghiệp thì Ortygie vẫn cứ trôi nổi nay đây mai đó trên mặt biển bao la. Ortygie đã đón tiếp Léto bất chấp lệnh ngăn cấm của Héra. Và may thay, ngay sau đó thì Léto chuyển dạ, đau đớn, Léto chuyển dạ mà không một vị nữ thần nào đến với nàng cả. Héra không đến. Cả đến Ilithyie, vị nữ thần Hộ sinh cũng không đến. Léto đau hết cơn này đến cơn khác mà không một lời thăm hỏi, một bàn tay giúp đỡ. Nàng đau đớn quằn quại, vật vã, gào thét, rên la suốt chín ngày đêm. Đến ngày thứ mười, nữ thần Ilithyie không thể cầm lòng được đành chịu tội với Héra, bay xuống trần đỡ cho Léto, Léto sinh đôi, một trai một gái. Trai là Apollon, gái là Artémis. Thần Zeus hết sức cảm kích trước nghĩa cử của hòn đảo Ortygie. Để đền đáp lại tấm lòng nhân hậu của hòn đảo nghèo nàn, ngay từ lúc Léto đặt chân xuống đảo, thần Zeus đã cho bốn cây cọc khổng lồ từ dưới đáy biển dội nước lên đóng giữ chặt hòn đảo Ortygie lại, chấm dứt cuộc đời ba chìm bảy nổi của nó. Zeus còn làm cho đất đai trên đảo trở thành phì nhiêu để cho quanh năm bốn mùa đều có hoa thơm quả ngọt, cây cối xanh tươi. Từ đó trở đi một cuộc đời mới đến với Ortygie. Thần Zeus đặt cho nó một cái tên mới: Délos, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Ngời sáng” hoặc “Rực rỡ” hoặc “Huy hoàng”. Quả vậy, trong những thế kỷ sau này tuy là một hòn đảo nhỏ bé trên biển Égée nhưng Délos đã giữ một vị trí thật rực rỡ, thật huy hoàng trong quần đảo Cyclade ở phía Nam vùng biển này. Người xưa kể lại, khi Apollon ra đời, trên hòn đảo cằn cỗi, trơ trụi vốn chỉ là nơi nương thân cho loài hải âu cánh dài với những tiếng kêu chít chít buồn bã, bỗng nhiên trời sáng bừng hẳn lên. Những luồng ánh sáng chói lọi, rực rỡ từ bầu trời cao xa tít tắp xuyên qua những đám mây chiếu rọi xuống hòn đảo, làm cho cảnh vật như đổi sắc, thay da. Vì lẽ đó nên Apollon là vị thần ánh sáng và có tên gọi là Phébus. ánh sáng của Apollon chiếu rọi khắp thế gian. Nó không hề lẩn tránh hoặc khiếp sợ trước bóng tối, vì thế Apollon trở thành vị thần Chân lý. Và đã là chân lý thì phải trung thực, không dung thứ một sự dối trá nào. Các nhà thơ xưa kia đã ca ngợi thần Phébus bằng những vần thơ hết sức thành kính:

Hỡi thần Phébus từ ngai vàng Chân lý,

Từ cung điện của người ở trái tim dương thế,

Người nói với muôn dân

Như thần Zeus đã từng truyền lệnh.

Lời Người nói chẳng hề đơn sai thiên lệch,

Chẳng hề một bóng tối nào che phủ được cõi Chân lý đó của Người.

Thần Zeus vì danh tiếng cao cả của Người,

Đã ban cho Người một danh hiệu vĩnh hằng: Phébus.

Để muôn dân với một niềm tin vững chắc,

Tin tưởng vào lời nói của Người.

Apollon ra đời. Thần Zeus sai các thần đem xuống cho đứa con trai của mình một chiếc mũ vàng, một cây đàn lia (lyre) và một cỗ xe do những con thiên nga kéo. Nữ thần Thémis đem những rượu thánh và thức ăn xuống nuôi chú bé. Và chỉ mấy ngày sau chú bé vụt lớn lên thành một chàng trai cường tráng đẹp đẽ. Chàng trai đó lấy ngay ống tên đeo vào người, ống tên và cây cung do thần Zeus gửi xuống trong cỗ xe thiên nga, rồi một tay cầm cung một tay cầm cương, chàng đánh xe bay tới xứ sở diễm phúc của những người Hyperboréens, một xứ sở ở tận bên kia những xứ sở của gió Borée là những cơn gió bấc đưa mưa tuyết và băng giá tới. Vì ở vào một nơi xa tít tắp mù khơi như thế nên những người Hyperboréens chẳng hề biết đến đêm tối là gì. Ngày của họ dài vĩnh viễn, họ sống chẳng hề biết đến bệnh tật và tuổi già, chẳng hề biết đến túng thiếu, đói khổ và cướp đoạt, lừa đảo. Quanh năm bốn mùa khí trời ấm áp. Những người Hyperboréens lại quý người trọng khách, yêu chuộng đàn ca, cho nên khi Apollon tới là họ mời ngay vào dự tiệc và vũ hội. Apollon đã sống với những người Hyperboréens một năm ròng. Sau đó chàng trở về quê hương Hy Lạp để bắt đầu sự nghiệp của mình: sự nghiệp bảo vệ Chân lý, truyền bá Âm nhạc, Thơ ca.

Apollon diệt trừ con mãng xà Python và lập đền thờ Delphes

Sau một năm trời ở thăm xứ sở của những người Hyperboréens, thần Apollon trở về Hy Lạp để bắt đầu sự nghiệp vinh quang của mình. Chiến công đầu tiên của chàng là diệt trừ con mãng xà Python để trả thù cho người mẹ kính yêu của mình.

Xưa kia, khi nữ thần Héra biết chuyện tình duyên của Zeus với Léto thì một mặt nàng ra lệnh cho khắp nơi trên mặt đất không được tiếp đãi, chứa chấp Léto, một mặt nàng xin với nữ thần Đất mẹ-Gaia sinh ra một con quái vật thật khủng khiếp để nó truy đuổi Léto. Gaia đã sinh ra con mãng xà Python, một con trăn cực kỳ to lớn, đúng hơn phải nói đó là một con nửa rắn, nửa rồng, cực kỳ hung dữ. Python đã đuổi bám theo dấu chân Léto khiến cho Léto lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Nhưng rồi nhờ thần Poséidon giúp đỡ, Léto mới đặt chân lên được hòn đảo Ortygie. Người xưa kể lại, chính nhờ thần Poséidon nên mới ra đời hòn đảo Ortygie. Cảm thương số phận bạc bẽo của nàng Léto, thần đã giáng cây đinh ba xuống biển. Và thế là từ đáy biển nổi dềnh lên một hòn đảo nhỏ lênh đênh, trôi nổi.

Apollon cưỡi trên cỗ xe do đàn thiên nga trắng muốt kéo, bay từ xứ sở của những người Hyperboréens về Delphes. Nơi đây dưới chân núi Parnasse, trong một chiếc hang sâu tối đen không một tia nắng nào lọt tới, ẩm ướt, nhớp nháp, con mãng xà Python sống và ngày ngày ra phá hoại hoa màu, săn bắt súc vật của những người dân lành. Có người nói, nó được nữ thần Thémis giao cho canh giữ một lời sấm ngôn thiêng liêng hoặc là một mảnh đất thiêng liêng trên đó có ngôi đền thờ nữ thần Đất mẹ-Gaia vĩ đại. Từ ngôi đền này nữ thần Gaia truyền phán những lời sấm ngôn cho những người trần đoản mệnh để họ có thể đoán định được tương lai, biết cách hành động và cư xử cho đúng với ý muốn của các vị thần.

Apollon bay tới Delphes. Từ trên cỗ xe chàng đứng, ánh sáng tỏa ra ngời ngời, ánh sáng từ chiếc mũ vàng của chàng, ánh sáng từ cây cung bạc và những mũi tên vàng. Cỗ xe của chàng lượn một vòng trên bầu trời rồi hạ cánh xuống một ngọn núi, trước hang ổ của Python. Vừa bước tới cửa hang Apollon đã cảm thấy khó chịu vì khí lạnh từ lòng hang bốc ra. Chàng lần bước đi vào lòng hang sâu hun hút, tối đen mịt mùng. Đi chưa được bao xa, chàng bỗng nghe thấy tiếng chuyển động ầm ầm và từ đáy hang sâu thẳm bốc lên một mùi tanh kinh tởm hết chỗ nói, tưởng có thể làm đảo lộn cả ruột gan. Apollon biết ngay là Python đang bò ra khỏi hang để tìm kiếm thức ăn. Chàng lập tức thoát ra khỏi hang, tìm một chỗ thuận lợi để nấp mình, đón quái vật đi tới. Python ra khỏi hang và trườn tới thung lũng phía trước. Thân hình khổng lồ của nó với những vẩy cứng, băng qua những tảng đá lởm chởm làm đá vỡ ra hoặc bị xô đẩy lăn đi ầm ầm. Một làn gió cuốn theo cát bụi mù mịt, thổi ào ạt vào cây cối như trời đang nổi cơn giông. Python quăng mình vào chỗ nào là chỗ đó cây cối gãy răng rắc, nhà cửa đổ, đất bằng lún xuống thành hồ ao. Chim chóc, thú vật sợ hãi nháo nhác gọi nhau chạy trốn. Ngay đến các tiên nữ Nymphe, những tiên nữ của rừng xanh, đồng nội, núi non sông suối, con của thần Zeus, cũng phải bỏ chạy.

Nhưng có một người con của Zeus không bỏ chạy mà lại tiến đến đương đầu với Python. Đó là vị thần Apollon vĩ đại, uy nghiêm. Nhìn thấy Apollon, Python vươn chiếc cổ dài ngoẵng ra, mắt quắc lên xanh lè, mồm há hốc với những hàm răng sắc nhọn để phóng ra chiếc lưỡi dài đỏ như lửa, hòng vơ liếm ngay được đối thủ vào trong mồm. Nhưng không may cho con mãng xà kinh tởm này, Apollon đứng ngoài tầm phóng của chiếc lưỡi lửa của nó. Và khi nó vừa thu lưỡi về chưa kịp lấy đà phóng tiếp một đòn nữa thì dây cung bạc đã bật lên một tiếng khô gọn, một mũi tên vàng rít lên trong gió cắm phập vào đầu Python. Rồi tiếp những mũi tên thứ hai, thứ ba... liên tiếp cắm vào thân hình đầy vẩy cứng của con quái vật. Python đau đớn trườn mình, quay đầu bỏ chạy. Apollon đuổi theo cho đến tận ngôi đền thờ nữ thần Đất mẹ-Gaia để kết liễu được con quái vật, trừ khử được một tai họa cho dân lành, trả thù cho người mẹ kính yêu là nữ thần Léto.

Sau khi giết được Python, Apollon chôn xác quái vật xuống đất đen sâu thẳm và cho dựng lên một ngôi đền thờ lấy tên là đền thờ Delphes. Nơi đây, những nàng trinh nữ đẹp nhất được tuyển chọn là cô đồng Pythie để lãnh sứ mạng giao tiếp với thần Apollon, phán truyền những lời sấm ngôn thần thánh. Còn thần ánh sáng Apollon vì chiến công đó được mang danh hiệu Apollon Pythien. Apollon còn đặt lệ cứ bốn năm một lần tổ chức Hội Pithiques để kỷ niệm chiến công diệt trừ con mãng xà Python. Vị thần Apollon là người bảo trợ cho nghệ thuật và âm nhạc cho nên trong những ngày mở hội chỉ có những ca sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ đua tài. Từ năm 586 TCN các môn thể dục thể thao được đưa vào thi đấu. Khoảng năm 390 hoàng đế La Mã Théodose I ra lệnh đóng cửa đền thờ Delphes. Hội Pithiques mở lần cuối cùng vào năm 391. Cũng năm này vị hoàng đế nói trên ra lệnh bãi bỏ Hội Olympiques.

Delphes là một trung tâm tôn giáo của thế giới Hy Lạp. Delphes ở vùng Phocide thuộc miền trung Hy Lạp, phía Nam là vịnh Corinthe. Đền thờ ở chân núi Parnasse, ngày nay gọi là núi Liakoura. Trong thời cổ đại, Delphes đã từng là một trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo khá lớn. Đền Delphes được xây dựng vào thế kỷ IX TCN. Tục truyền rằng thần Apollon sau khi giết chết được con mãng xà Python đã chọn Delphes làm nơi xây đền. Thần giao cho Trophonius và Agamède, hai nhà kiến trúc đại tài, xây dựng nơi thiêng liêng này. Ảnh hưởng của trung tâm tôn giáo Delphes tỏa rộng khắp thế giới Hy Lạp. Người ta thường kéo về đây để cầu xin những lời sấm ngôn của thần thánh tiên báo cho tương lai hoặc chỉ dẫn cho hành động, sự nghiệp. Vào thế kỷ VI TCN, đền Delphes bị cháy, sau đó được xây dựng lại rất nguy nga, tráng lệ. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khảo cổ học tìm được trên địa điểm này nhiều di tích quý báu, cho phép dựng lại được gần như toàn cảnh khu vực. Ngoài những đền, điện, tượng, những bức phù điêu lớn, kho tàng, người ta còn tìm thấy một sân đua ngựa, một nhà hát và một phòng họp lớn.

Dưới chân vách núi đá lởm chởm ở phía Đông và con suối thiêng liêng Castalie mà người xưa tin rằng nước suối này có thể rửa sạch mọi tội lỗi, tẩy trừ được những vết nhơ trong hành vi, tư cách của con người. Truyền thuyết xưa kể lại, Apollon bữa kia theo đuổi một người thiếu nữ vô cùng xinh đẹp mà thần đã đem lòng yêu mến từ lâu, theo đuổi tới nơi đây, gần ngay khu thánh đường này. Bị đuổi cùng đường, người thiếu nữ nhảy ngay xuống con suối ở chân núi Parnasse. Từ đó con suối mang tên của người thiếu nữ: Castalie.

Giữa khu thánh đường có đặt một hòn đá hình bán nguyệt (thường là một thiên thạch) tên gọi là Omphalos, tiếng Hy Lạp nghĩa là “cái rốn”. Chuyện xưa kể rằng, một hôm thần Zeus muốn xác định nơi đâu là trung tâm của đất bèn phái hai con đại bàng, một con bay về phương Đông, một con bay về phương Tây, để xem chúng gặp nhau ở đâu. Hai con chim thần đó gặp nhau tại Delphes, nơi đặt hòn đá Omphalos. Sau này người ta dựng tượng hai con đại bàng bằng vàng đặt chầu vào hòn đá. Theo Hésiode (Thần hệ) thì hòn đá Omphalos là hòn đá mà xưa kia nữ thần Rhéa đã đánh tráo, thay cho đứa con mới sinh là thần Zeus, đem dâng cho thần Cronos. Cronos nuốt “đứa con” đó để tránh hậu họa bị lật đổ. Sau này Zeus cho Cronos uống một thứ lá cây thần diệu, Cronos phải nôn, nhả hết tất cả các anh chị em của Zeus ra, và nhả cả hòn đá ra. Hòn đá trở thành một vật hết sức thiêng liêng, được thờ cúng với những nghi lễ hết sức trọng thể.

Huyền thoại này và tập tục thờ cúng của nó cho ta một bằng chứng về một kiểu huyền thoại phức hợp. Nếu xét về tập tục thờ cúng hòn đá thì chúng ta thấy hiển nhiên đây là một hiện tượng bái vật giáo khá thô thiển. Nhưng hòn đá đó lại là Zeus hoặc tượng thần Zeus (một cách tượng trưng) thì nó lại là một hiện tượng vật linh giáo, đồng thời phản ánh cuộc đấu tranh giữa thế hệ với các vị thần trẻ do Zeus cầm đầu với thế hệ các vị thần già Titan do Cronos cầm đầu. Và cuộc đấu tranh này đã kết thúc bằng thắng lợi của các vị thần trẻ, các vị thần Olympe, phản ánh sự chuyển biến từ thần thoại Chthonien (hoặc Chthoniennes) sang thần thoại của chủ nghĩa anh hùng, sự chuyển biến từ chế độ mẫu quyền sang chế độ phụ quyền. Lại nữa, hòn đá Omphalos được đặt vào khu vực thánh đường Delphes, nơi thờ cúng vị thần Apollon, như vậy có nghĩa là nó đã thu hút vào quanh nó những biểu tượng tôn giáo-thần thoại Apollon của thời kỳ cổ điển cực thịnh của chế độ chiếm hữu nô lệ. Rõ ràng chỉ trong một biểu tượng của một huyền thoại có nhiều lớp của nhiều thời đại phức hợp lại với nhau. Vì thế vấn đề nghiên cứu thần thoại để tìm ra ý nghĩa xã hội-lịch sử của nó quả không phải là một công việc dễ dàng.

Trong khu vực đền thờ Apollon có một nơi hết sức thâm nghiêm, cấm ngặt không cho ai lai vãng tới ngoài các cô đồng Pythie. Đây là nơi truyền phán những lời sấm ngôn. Cô đồng Pythie thường tắm ở suối Castalie để thâu nhận những phẩm chất thần thánh, những phẩm chất này bồi dưỡng cho năng lực tiên đoán, truyền phán của cô, làm cho sự tiếp xúc của cô với thần Apollon được giao hòa, thông cảm và làm cho những lời truyền phán của cô ngày càng thiêng, càng ứng nghiệm. Trước thế kỷ VI TCN, ở Delphes chỉ có một cô đồng Pythie, từ thế kỷ VI trở đi tăng lên ba cô. Để siêu thoát khỏi hình hài trần tục, giao tiếp được với thần Apollon, cô đồng Pythie phải uống một ngụm nước suối Castalie, hái một chiếc lá nguyệt quế thiêng liêng rồi ngồi lên một chiếc ghế ba chân bằng vàng. Ghế này đặt trên một khe nứt trên mặt đất mà từ dưới đó hơi khí bốc lên mù mù. Người xưa cho rằng chỉ khi cô đồng ngồi vào chiếc ghế đó, hít thở vào trong người hơi khí “độc” đó thì cô đồng mới nhập đồng, có nghĩa là những lời truyền phán của cô mới đích thực thể hiện ý chí của thần thánh. Thường thì những lời truyền phán của thần thánh không rõ ràng, cụ thể, thường mơ hồ chứa đựng hai, ba nghĩa, muốn hiểu thế nào cũng được hoặc rất khó hiểu.

Chuyện xưa kể lại, có một lần vào năm 546 TCN, vị vua xứ Lydie tên là Crésus tới Delphes để xin thần ban cho một lời chỉ dẫn: “Có nên đánh Perse hay không?” Thần giải đáp: “Hỡi Crésus! Dòng sông Halys vẫn trôi, một vương triều vĩ đại sẽ sụp đổ!” Crésus đem quân đánh, Perse bị đại bại, nhà vua bị bắt sống, lúc đó cô đồng Pythie và những viên tư tế lại giải thích: “Thật đúng như lời thần truyền phán!”

Trong thời kỳ những thành bang Hy Lạp phát triển, trung tâm Delphes chịu ảnh hưởng và sự chi phối của giới quý tộc Sparte. Hội Pithiques vẫn mở bốn năm một lần ở Delphes thu hút đông đảo khách thập phương tới dự.

Người ta thường tin rằng xác con mãng xà Python chôn dưới hòn đá Omphalos vẫn còn bốc khí độc lên qua kẽ nứt của phiến đá mà trên đó đặt chiếc ghế ba chân bằng vàng cho cô đồng Pythie ngồi.

Con suối Castalie và cảnh đẹp quanh dòng suối xưa kia không chỉ là nơi cho khách hành hương đến tắm hay uống nước suối để giải oan, rửa tội, cầu phúc mà còn là nơi du ngoạn của các văn nhân, thi sĩ. Các bậc trí thức này cũng tắm nước suối, uống nước suối nhưng không phải để giải oan, rửa tội, cầu phúc mà là để lấy nguồn cảm hứng nghệ thuật thiêng liêng. Bởi vì thần Apollon, vị thần bảo trợ cho nghệ thuật và âm nhạc, thường cùng các nàng Muses tới du ngoạn và ca hát bên dòng suối Castalie, do đó các nàng Muses còn có tên gọi là Castalides và con suối Castalie lại mang thêm một ý nghĩa: ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật (Source castalienne).

Mối tình của Apollon với tiên nữ Daphné

Thần Apollon sau khi dùng những mũi tên vàng giết chết con mãng xà Python, đã gặp phải một chuyện bất hạnh, tuy là một chuyện nhỏ song cũng đem lại cho thần nhiều phút giây đau khổ, luyến tiếc, nhớ nhung. Chuyện xảy ra bắt đầu từ lúc Apollon bắn mũi tên cuối cùng, kết liễu đời con quái vật. Khi đó với niềm kiêu hãnh tràn ngập của người chiến thắng, Apollon chạy băng tới trèo lên lưng Python, đứng hiên ngang trên thân hình đầy vẩy cứng của nó, giơ cao cây cung bạc, hét lên những tiếng sung sướng: “Chiến thắng rồi! Python chết rồi! Chiến thắng rồi! Python chết rồi!”

Bỗng Apollon nhìn thấy một chú bé, một chàng thiếu niên lưng đeo một ống tên vàng, tay cầm cung, đang từ phía trước đi tới. Chú bé, thân hình thon thả, đẹp đẽ, lại có đôi cánh vàng ở sau lưng, ngước nhìn Apollon với vẻ mặt điềm tĩnh dường như không thán phục khiến cho Apollon cảm thấy bị xúc phạm. Apollon mỉm cười, hỏi chú bé với một giọng coi thường:

- Này chú bé kia! Mi mà biết bắn cung cơ à? Thế mà phải đợi đến ngày hôm nay con mãng xà Python mới chết thì ta chẳng hiểu mi cầm cung và đeo ống tên để làm gì? Thôi tốt hơn hết là đưa cho ta ống tên vàng ấy để ta lập những chiến công vinh quang hơn nữa. Ống tên trong tay mi thật vô dụng.

Chú bé vô cùng tức giận, đáp lại lời Apollon:

- Hỡi thần Apollon vĩ đại! Xin chớ coi thường những mũi tên của ta. Ta sẽ bắn trúng nhà ngươi cho mà xem! Dù nhà ngươi có tài giỏi đến đâu chăng nữa cũng không sao tránh khỏi mũi tên vàng của ta.

Nói xong, chú bé vỗ cánh bay vụt đi để mặc Apollon đứng lại với niềm kiêu hãnh của kẻ chiến thắng. Chú bé đó là ai mà lại coi thường Apollon như thế? Đó là thần Tình yêu-Éros mà Apollon không biết. Éros bay lên đỉnh núi Parnasse cao, chọn một nơi đứng để có thể bao quát được bốn phương. Chàng lấy từ sau lưng ra một mũi tên “mũi tên khơi dậy tình yêu” lắp vào cây cung và bắn đi. Chàng truyền cho mũi tên của mình, mũi tên vô hình đối với những người bị bắn, bay đến xuyên thấu vào trái tim Apollon. Và Apollon đã bị trúng tên mà vẫn không hay, không biết. Chưa hết, Éros lại lấy từ sau lưng ra một mũi tên khác, “mũi tên giết chết tình yêu” bắn đi. Lần này bắn về một hướng khác. Chàng truyền cho mũi tên của mình bay đến xuyên thấu vào trái tim tiên nữ Daphné, con gái của vị thần Sông-Pénée. Và nỗi bất hạnh bắt nguồn từ hai mũi tên vô hình đó của Éros.

Chuyện xảy ra sau khi Apollon giết được con mãng xà Python một thời gian không rõ bao lâu, chỉ biết một buổi sớm kia như thường lệ, Apollon với cây cung bạc vào rừng săn bắn. Đây là khu rừng thuộc đất Thessalie dưới quyền cai quản của vị thần Sông Pénée. Các tiên nữ Nymphe con của Pénée, thường vào rừng vui chơi, săn bắt thú vật. Apollon trông thấy Daphné khi nàng đang hái hoa. Quả là một tiên nữ xinh đẹp, một vẻ đẹp tự nhiên, hiền hòa như những bông hoa rừng nàng đang hái. Từ trái tim của vị thần ánh sáng có bộ tóc vàng dâng lên một niềm xúc động và khát khao được bày tỏ tình cảm với tiên nữ Nymphe Daphné. Apollon tiến đến gần nàng. Một tiếng động nhẹ do bước chân của Apollon giẫm trên thảm lá rừng khiến Daphné giật mình, quay lại. Vừa trông thấy Apollon là nàng vứt vội bó hoa xuống đất, cắm đầu chạy, chạy miết như bị ai đang đuổi. Mũi tên vô hình của chú bé Éros đã giết chết những xúc động và thèm khát ái ân trong trái tim Daphné. Apollon chạy theo nàng. Vừa chạy chàng vừa gọi:

- Hỡi tiên nữ xinh đẹp! Hãy dừng lại, dừng lại! Đừng sợ! Ta không phải là một tên chăn chiên thô bạo hay là kẻ thù của nàng đâu!

Càng gọi Daphné càng chạy. Apollon càng ra sức đuổi theo và ra sức kêu gọi:

- Đừng chạy! Đừng chạy nữa! Ta là Apollon, người con trai vinh quang của thần Zeus đây! Ta yêu nàng! Ta yêu nàng! Đứng lại! Đừng chạy nữa!

Nhưng Daphné vẫn cứ chạy, và Apollon lại ra sức đuổi theo. Apollon đuổi với sức mạnh của trái tim nồng nhiệt, còn Daphné chạy với nỗi sợ hãi của một trái tim đã tắt ngấm mất ngọn lửa khát khao nóng bỏng của hạnh phúc lứa đôi. Apollon đuổi ngày càng gần Daphné. Nàng có cảm giác như nghe thấy tiếng thở hổn hển của Apollon ở sau lưng mình và hơi thở ấy hình như đã phả vào gáy nàng và lướt qua má nàng. Nhưng đây rồi trước mặt nàng là con sông của vua cha. Nàng vội kêu lên:

- Cha ơi! Cha ơi! Cứu con với, cứu con với! Mau lên, mau lên! Không có con bị bắt bây giờ!

Nàng vừa nói dứt lời bỗng nhiên rùng mình một cái, đôi chân mềm mại bỗng cứng đờ ra, cả đôi tay vừa giơ ra chới với cầu xin cha cũng cứng ngắc. Toàn thân nàng biến thành một thân cây, chân như cắm sâu xuống đất và các ngón chân vươn dài ra thành những rễ lớn rễ nhỏ. Mái tóc đẹp đẽ của nàng biến thành những lá cây. Apollon chạy đến nơi thì nàng trinh nữ xinh đẹp Daphné đã biến thành một cây nguyệt quế xanh tươi, tự nhiên như đã mọc lên từ ngàn xưa và từ ngàn xưa vốn tự nhiên và xanh tươi như vậy. Apollon đứng sững sờ ngơ ngác trước sự biến hóa quá nhanh. Chàng đứng hồi lâu rồi đưa tay vuốt ve trên cành lá của nó, buồn rầu nói với nó những lời từ biệt chân thành:

- Hỡi người thiếu nữ xinh đẹp nhất trong đám tiên nữ Nymphe. Ta có ngờ đâu tình yêu chân thành và nồng thắm của ta lại gây ra nông nỗi oan trái này. Vì ta mà nàng đã mất đi cuộc sống của một tiên nữ vô vàn hạnh phúc. Thôi được, từ nay trở đi nàng sẽ là người bạn đường thân thiết của thần Apollon này. Từ nay trở đi chỉ những ai chiến thắng trong các cuộc tranh tài đua sức ở các ngày hội thì mới được đội vòng lá nguyệt quế lên đầu. Apollon và cây nguyệt quế là vinh quang của chiến thắng, chỉ giành cho chiến thắng. Ta chúc em mãi mãi xanh tươi.

Cây nguyệt quế run lên xào xạc. Chỉ có thần Apollon mới hiểu được tiếng nói của nó.

Nhưng một nguồn khác kể, sau khi Apollon giết chết con mãng xà Python, thần đã tự mình tẩy rửa sự ô uế với sự giúp đỡ của cây nguyệt quế. Vì lẽ đó thần đã lấy lá nguyệt quế làm vật trang điểm cho mình.

Lại có chuyện kể hơi khác đi một chút và hơi... kỳ khôi. Không phải Apollon bị trúng mũi tên của Éros, và Daphné cũng không bị Éros bắn một mũi tên. Các tiên nữ Nymphe vốn sống lánh xa cuộc đời của những người trần tục và các nàng như bẩm sinh vốn là những trinh nữ khước từ hạnh phúc của tình yêu và hôn nhân, Daphné là một trinh nữ đẹp hơn cả. Sắc đẹp của nàng đã làm cho một người trần thế tên là Leucippos mê cảm. Thần Apollon, rắc rối thay, lại cũng mê cảm Daphné. Nhưng cả hai không thể nào bén mảng tới gần các nàng Nymphe được. Vì chỉ thoáng thấy bóng một người đàn ông là các nàng đã bảo nhau chạy trốn. Leucippos nghĩ ra một kế. Chàng cải trang thành một tiên nữ, trà trộn vào bầy tiên nữ Nymphe. Nhờ khuôn mặt xinh đẹp và thân hình duyên dáng nên Leucippos lọt được vào vui chơi với bầy tiên nữ mà không bị nghi ngờ gì cả. Chàng tìm cách bắt chuyện với Daphné. Thần Apollon thấy vậy lòng sôi như lửa đốt. Thần nghĩ ra một cách để phá cái trò gian lận hèn nhát đó. Thần bèn gợi lên trong các nàng Nymphe ý muốn đi tắm, xuống suối tắm. Và như vậy là Leucippos chỉ có... chết. Quả vậy, khi các nàng Nymphe cởi áo lội xuống suối thì anh chàng Leucippos cứ đứng lúng túng mãi trên bờ. Các tiên nữ sinh nghi. Và tất nhiên việc phải xảy ra đã xảy ra. Leucippos bị đánh chết. Chỗ này có chuyện kể hơi khác: các vị thần đã tung ra một đám mây mù cướp Leucippos đi, cứu anh chàng si tình thoát chết. Bây giờ là lúc thần Apollon xuất hiện. Thần đã lợi dụng được tình thế rối ren nói trên tìm đến ngay trước mặt nàng Daphné. Trong phút bối rối, Daphné không biết tìm cách gì để thoát khỏi tai họa ngoài cách biến mình thành cây nguyệt quế. Từ đó trở đi cây nguyệt quế là vật thân thiết, yêu dấu của thần Apollon. Thần lấy một vòng lá nguyệt quế đội lên đầu để lưu giữ luôn bên mình kỷ niệm về một mối tình không toại nguyện.

Người Hy Lạp xưa kia coi cây nguyệt quế là tượng trưng cho ánh sáng, sự tẩy rửa, sự chữa lành bệnh tật. Cây nguyệt quế được dành riêng cho việc thờ cúng Apollon, được trồng ở khu vực đền thờ Apollon ở Delphes.

Ngày nay cây nguyệt quế, vòng lá, vòng hoa nguyệt quế trở thành một biểu tượng cho thắng lợi, chiến thắng. Ở các nước phương Tây ta thường thấy biểu tượng cành nguyệt quế ở tượng đài các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, tượng đài các chiến sĩ vô danh... Trong các cuộc thi đấu thể dục thể thao ở nhiều nước trên thế giới hiện nay vẫn còn giữ tục lệ đội lên đầu hoặc khoác vào cổ người chiến thắng một vòng lá, vòng hoa nguyệt quế.

Apollon trừng trị hai tên khổng lồ con trai của Aloéos

Chiến công trừng trị con mãng xà Python của Apollon thật là vĩ đại song cũng chưa thể vĩ đại bằng chiến công trừng trị hai tên khổng lồ Éphialtès và Otos, con trai của Aloéos (Aloéos là con của thần Poséidon và nữ thần Iphimédie. Có dị bản kể Poséidon sinh ra Éphialtès và Otos). Người ta thường gọi hai anh em khổng lồ này bằng một cái tên chung: Aloades, nghĩa là những đứa con của Aloéos. Ngay từ lúc còn nhỏ, mới chín tuổi, hai anh em khổng lồ nhà này đã có một sức mạnh phi thường. Lớn lên ỷ vào thân hình cao lớn, to khỏe, Éphialtès và Otos đã mưu tính một chuyện cực kỳ liều mạng và ngang ngược. Chúng bê ngọn núi Ossa chồng lên ngọn núi Olympe rồi bê ngọn Pélion chồng lên ngọn Ossa để leo lên thiên đình mưu bắt hai nữ thần Artémis và Héra để làm vợ. Chúng đã vào được thế giới các vị thần. Thần Chiến tranh-Arès xông ra cản liền bị chúng bắt xiềng lại và tống giam vào trong một cái vại bằng đồng. Arès bị giam trong vại mười ba tháng trời. Sau đó thần Hermès đã trổ hết tài năng giao tranh với hai tên khổng lồ mới đánh lui được chúng và giải thoát cho Arès. Thế giới Olympe của Zeus lâm vào một tình thế rất nguy. Nếu không trừ khử được hai tên khổng lồ ngang ngược này thì chắc chắn nữ thần Héra, vợ Zeus, và nữ thần Artémis, em của Apollon rơi vào tay chúng. Và rồi sau đó những gì sẽ xảy ra nữa thì đến Zeus cũng không tiên đoán nổi.

Apollon đứng ra đảm nhận việc trừng trị hai tên Aloades. Thần giương cây cung bạc của mình lên. Dây cung bật lên những tiếng giận dữ. Những mũi tên vàng rít lên trong gió. Hai tên khổng lồ táo tợn, ngạo mạn phải đền tội. Có người kể chiến công này không phải của Apollon mà là của Artémis. Artémis đã hóa thân làm một con hươu cái nhử hai tên khổng lồ. Và vụt một cái, nàng chạy vào khoảng cách giữa chúng. Thấy mồi ngon hai tên đều phóng lao. Nhưng cả hai ngọn lao đều không trúng con hươu bé nhỏ mà trúng vào bụng và ngực Éphialtès và Otos.

Khi xuống thế giới của thần Hadès, mỗi tên khổng lồ bị trói vào một cái cột, trói bằng những dây... rắn, các loài rắn, đứng đối diện với nhau, một con cú vọ thức suốt đêm, giương đôi mắt tròn xoe xanh lè nhìn chúng và kêu lên những tiếng ghê rợn suốt đêm thâu.

Apollon và các nàng Muses

Apollon còn là vị thần của nghệ thuật và âm nhạc, người khơi nguồn cảm hứng cho các nhà thơ. Ngay từ khi Apollon mới ra đời, thần Zeus đã trao cho đứa con của mình một cây đàn lia với ý muốn sau này nó sẽ là một ca sĩ danh tiếng, làm vui cho thế giới các vị thần Olympe. Nhưng có người lại kể, chính cây đàn lia là do thần Hermès sáng tạo ra và đổi cho Apollon. Dù sao thì Apollon vẫn là một vị thần duyên dáng nhất, tài hoa nhất trong số những người con của Zeus được sống ở thế giới Olympe. Apollon thường đàn ca với những tiên nữ Muses, những người con gái vô cùng đẹp đẽ, duyên dáng với tài hoa của Zeus, khi thì ở đỉnh núi Parnasse xanh rờn, khi thì bên dòng suối Hippocrène thiêng liêng với tiếng nước chảy róc rách và tiếng chim ca hót véo von như muốn hòa cùng với tiếng đàn lia du dương, êm ái của Apollon.

Những nàng Muses là con gái của thần Zeus và nữ thần Mnémosyne tức nữ thần Trí nhớ hoặc Ký ức. Chuyện xưa kể lại thần Zeus đã đắm say ân ái với nữ thần Mnémosyne suốt chín đêm liền. Sau đó nữ thần sinh ra chín quả trứng rồi mới nở ra thành chín người con gái mà thần Zeus gọi bằng một tên chung là Muses, ngày nay chúng ta thường gọi là Thi thần hoặc nữ thần Thơ ca. Những nàng Muses được Zeus trao cho nhiệm vụ cùng với Apollon chăm lo đời sống tinh thần của thế giới Olympe và thế giới loài người. Vì thế, dưới sự chỉ huy và điều khiển của Apollon, các nàng Muses thường ca múa trong những bữa tiệc của các vị thần. Khi ấy Apollon với khuôn mặt xinh đẹp, tươi như hoa nở tay cầm đàn lia hoặc đàn cithare dẫn đầu đội đồng ca bước ra. Các nàng Muses theo sau trong y phục lộng lẫy đầu đội vòng hoa nguyệt quế, vừa đi vừa múa theo điệu nhạc. Sau đó các nàng quây lại thành vòng tròn và ca múa hết điệu này sang điệu khác, khi thì uyển chuyển nhẹ nhàng, khi thì rộn rã, dồn dập. Thật là muôn hình muôn vẻ. Những lúc ấy không khí của cung điện Olympe trầm lắng, êm ả hẳn đi. Thần Zeus dường như trẻ thơ lại, mắt lim dim, nom hiền từ và đáng yêu chứ không có vẻ gì là một đấng phụ vương oai nghiêm và hách dịch, luôn dồn mây mù, giáng sấm sét. Còn thần Chiến tranh-Arès, đứa con hung hăng ngỗ ngược nhất của Zeus, thì quên bẵng đi tiếng binh khí loảng xoảng, bạo tàn, những cuộc giao tranh đẫm máu. Tiếng đàn ca dường như làm mềm trái tim đồng cứng rắn của vị thần Chiến tranh. Còn các vị thần khác cũng đều bị Apollon và các nàng Muses chinh phục. Họ quên đi những cuộc tranh cãi ồn ào, gay gắt vừa mới đây về biết bao công việc phiền toái của thế giới thần linh và thế giới loài người. Cả đến con đại bàng mỏ quắm hung dữ của Zeus, đã từng mổ bụng, ăn gan Prométhée, lúc này cũng hạ đôi cánh rộng và dài xuống, rụt cổ vào nhắm nghiền mắt lại như muốn thưởng thức những âm thanh huyền diệu. Còn con công của nữ thần Héra thì xòe đuôi múa, những con mắt đen của người khổng lồ Argus do nữ thần đính vào, lúc này long lanh, hớn hở như muốn bày tỏ niềm vui với nữ thần. Chẳng phải chỉ có con vật đó mới bị tiếng nhạc lôi cuốn vào điệu múa. Khi thần Apollon tài hoa chuyển sang một điệu nhạc tưng bừng, rộn rã hơn thì các vị thần đều lần lượt bị lôi cuốn vào vũ khúc. Nữ thần Artémis, em gái của Apollon, vui vẻ dẫn đầu, đưa tay ra mời các chư vị thần linh. Nữ thần Aphrodite bước vào cuộc vui với sắc đẹp rực rỡ, chói lọi lôi cuốn mọi người. Thần Hermès, Hadès, thần Poséidon, các thần khác và đấng phụ vương Zeus trên ngai vàng cười hể hả trước cảnh tượng vui tươi đầm ấm của thế giới thiên đình.

Thần Apollon gắn bó với các nàng Muses trong nghệ thuật ca múa như thế cho nên người ta còn gọi thần bằng một tên khác: Apollon Musagète, nghĩa là Apollon người chỉ huy các nàng Muses.

Các nàng Muses lúc đầu được Zeus giao nhiệm vụ như thế, nghĩa là chỉ có mỗi công việc ca múa. Nhưng sau dần công việc trên thiên đình và dưới trần thế ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn, cho nên thần Zeus phải phân công cho mỗi nàng Muses cai quản một lĩnh vực khoa học và nghệ thuật của loài người. Nàng Calliope: sử thi; nàng Euterpe: thơ trữ tình; nàng Érato: thơ tình dục; nàng Terpsichore: nghệ thuật ca múa; nàng Polhymnie: lúc đầu cai quản thơ tán mỹ (hymne) sau cai quản kịch câm (pantomime); nàng Melpomène: bi kịch; nàng Thalie: hài kịch; nàng Clio: sử học; nàng Uranie: thiên văn học. Vì lẽ đó cho nên những nhà thơ cổ đại coi nghệ thuật của mình là do các nàng Muses ban cho và trước khi biểu diễn trước công chúng thường có lời cầu khấn nữ thần Muses hoặc cảm tạ nữ thần Muses. Cũng vì lẽ đấng phụ vương Zeus chí sáng suốt, chí hiền minh tuy đã “phân công, phân nhiệm” rành rõ cho chín người con gái của mình nhưng cũng không ngờ đâu được rằng loài người chúng ta lại “đẻ” ra cái nghệ thuật điện ảnh, cho nên để tỏ lòng “tôn kính” đối với thần Zeus, chúng ta gọi nghệ thuật này là Nghệ thuật của nàng Muses thứ mười, do nàng Muses thứ mười cai quản, mặc dầu thần Zeus đã thôi đẻ từ lâu rồi.

Trong văn học các nước châu Âu, Muses trở thành danh từ chung chỉ “thi hứng”, “cảm hứng nghệ thuật”, “tài năng thơ ca, nghệ thuật”. Những người La Mã du nhập các Muses vào hệ thống thần thoại của mình và đổi tên là Camènes. Cũng có trường hợp người ta gọi các Muses là những tiên nữ Hélicon, những nữ hoàng của ngọn núi Hélicon, một ngọn núi ở miền Trung Hy Lạp nơi các Muses thường trú ngụ.

Về các nàng Muses, chúng ta có thể phân định ra có hai lớp huyền thoại phức hợp với nhau. Việc Zeus đẻ một lúc tới chín người con gái hẳn rằng thuộc về lớp huyền thoại thời kỳ thị tộc mẫu quyền. Nhưng việc những nàng Muses được Zeus phân công cho cai quản các lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật như anh hùng ca, bi kịch, sử học, văn hùng biện... chắc chắn không thể nào thuộc về thời kỳ thị tộc mẫu quyền. Rõ ràng những thành tựu văn hóa, khoa học, nghệ thuật chỉ có thể là sản phẩm của chế độ chiếm hữu nô lệ cổ đại và lớp huyền thoại này thuộc về thời kỳ chế độ chiếm hữu nô lệ được lắp ghép vào sau này, nếu dùng thuật ngữ như nhà bác học Xôviết A.F. Losev đã chỉ ra, thì đây là một hình thức phức hợp thêm thắt.

Apollon lột da tên Marsyas

Trong những hành động trừng phạt kẻ bạo ngược kiêu căng thì có lẽ hành động Apollon trừng phạt tên Silène Marsyas là khủng khiếp nhất, tàn bạo nhất. Marsyas là một Silène, nghĩa là có hai sừng dê và lạ hơn nữa, lại có đuôi như đuôi dê hoặc đuôi ngựa. Chân của Silène cũng là chân dê. Những Silène là những vị thần tùy tùng của thần Rượu nho-Dionysos, có khi được gọi bằng một tên khác là Satyre. Marsyas là một trong những Silène của Dionysos.

Chuyện xảy ra phải kể nguồn gốc từ nữ thần Athéna. Nàng là nữ thần Trí tuệ và Nghệ thuật, nghĩa là của sự sáng tạo. Chính nàng là người sáng tạo ra cây sáo có tiếng réo rắt, véo von nghe như tiếng chim sơn ca, bạch yến, hoàng yến. Nhưng sau khi sáng tạo xong cây sáo và thổi thử ít bài nàng liền vứt ngay nó đi và nguyền rủa: “Kẻ nào nhặt chiếc sáo này sẽ bị trừng phạt tàn nhẫn”. Tại sao mà Athéna lại có hành động khó hiểu đến như thế? Nguyên do là nữ thần nhận thấy khi mình thổi sáo thì khuôn mặt mất tự nhiên đi. Để có được những âm thanh kỳ diệu, nữ thần phải chúm môi, phồng má... nghĩa là nữ thần mất hẳn đi vẻ đẹp tuyệt diệu của nữ thần. Và như thế thì thật là tai họa. Nữ thần Athéna vứt cây sáo đi nguyên do là như thế. Nhưng Marsyas lại nhặt được cây sáo. Lão già này chẳng biết đến lời nguyền của Athéna. Lão đưa sáo lên miệng và mầy mò tập thổi. Lão chẳng quan tâm đến việc khuôn mặt mình mất tự nhiên đi, xấu đi khi thổi sáo vì lão vốn chẳng đẹp đẽ gì. Cuối cùng Marsyas thổi được sáo và thổi sáo rất hay, ngày càng hay, hay đến nỗi khi tiếng sáo Marsyas cất lên là chim chóc đang kiếm ăn dừng lại lắng nghe, hươu nai đang gặm cỏ trong rừng ngừng ăn, nghênh nghênh chiếc cổ cao lên, dỏng tai tìm nghe tiếng nhạc. Có con suối nghe tiếng sáo Marsyas lại ngỡ tiếng nói thủ thỉ của bạn mình. Còn rừng cây nghe tiếng sáo của Marsyas như uống lấy mọi âm thanh. Người ta bảo chúng muốn học thuộc những làn điệu Marsyas để khi gió nổi lên là cùng hòa tấu, để truyền dạy lại cho mọi người biết sử dụng một nhạc cụ đơn giản mà lại khá hay đến như thế. Danh tiếng của Marsyas lừng lẫy đến nỗi lão sinh ra kiêu căng. Lão tự hào về tài năng của lão song lại mất tỉnh táo đến nỗi cho rằng không một thứ đàn nào có thể hay bằng cây sáo, không một ai có thể biểu diễn một nhạc cụ nào hay bằng lão thổi cây sáo. Lão nảy ra ý định ngông cuồng thách thức vị thần bảo trợ cho Nghệ thuật và Âm nhạc là Apollon thi tài. Vị thần này chấp nhận ngay cuộc thi đấu. Các nàng Muses và nhà vua Midas trị vì trên đất Phrygie, được mời làm ban giám khảo.

Kẻ thất bại, thua cuộc trong cuộc thi này phải nộp mình cho người chiến thắng toàn quyền sử dụng. Cuộc đo tài diễn ra. Thần Apollon với cây đàn cithare biểu diễn trước. Khó mà có thể diễn tả được hết phong thái biểu diễn tài hoa chinh phục lòng người của Apollon. Khoác một tấm áo choàng may cực kỳ đẹp đẽ, Apollon cầm cây đàn bước ra đĩnh đạc mà vẫn không mất đi vẻ duyên dáng, tươi tắn. Những tiếng đàn của thần bật lên thánh thót như rót vào lòng mọi người. Ngón tay của thần mềm mại, uyển chuyển lướt đi trên những dây đàn tưởng chừng như những bước chân của các nàng Muses đang xoay, đang lướt đi trên thềm vàng, thềm bạc của cung điện Olympe. Còn lão Marsyas, con người thô thiển của rừng rú, quê mùa với cây sáo, dù có trổ hết tài năng cũng không thể nào điêu luyện bằng một vị thần đã từng chỉ huy, dạy bảo cho các nàng Muses xinh đẹp, đầy tài năng, con của đấng phụ vương Zeus. Ban giám khảo bỏ phiếu kín để quyết định người thắng cuộc. Các nàng Muses bỏ cho Apollon, còn vua Midas bỏ cho Marsyas. Như vậy là Apollon thắng. Vòng lá nguyệt quế trên vầng trán cao của vị thần dường như lại thắm hơn.

Marsyas quỳ xuống nộp mình trước mặt vị thần Apollon. Mặc dù đã giành được thắng lợi vẻ vang song Apollon vẫn không nguôi được nỗi tức giận với Marsyas đã ngạo mạn, kiêu căng dám thách thức một vị thần Olympe thi tài. Thần treo Marsyas lên một cây thông rồi lột da lão! Thật khủng khiếp! Tấm da của Marsyas treo trên cây ở gần vùng Célène đất Phrygie như để làm gương cho những kẻ dám to gan lớn mật thách thức cả với thần thánh, muốn hơn cả thần thánh. Tấm da Marsyas thật kỳ lạ. Người ta kể mỗi khi có tiếng sáo từ đất Phrygie nổi lên, bay đến thì tấm da Marsyas lại chuyển động xốn xang như rung động vì tiếng sáo. Nhưng hễ khi nghe thấy tiếng đàn cithare không biết từ đâu bay đến thì tấm da lại thẳng đưỡn ra, không mảy may chuyển động. Sau này hình như Apollon có hối hận vì hành động trừng phạt quá tàn nhẫn của mình. Vì thế có chuyện kể, Apollon đã biến Marsyas thành một con sông và trao chiếc sáo của Marsyas cho thần Rượu nho-Dionysos.

Apollon trả thù cho Asclépios

Chuyện bắt đầu từ cuộc tình duyên của Apollon với Coronis, một người thiếu nữ xinh đẹp con của nhà vua Phlégias.

Xưa kia ở xứ Béotie có một nhà vua tên là Phlégias sinh được một người con gái có sắc đẹp khác thường. Bữa kia, một buổi đẹp trời, nàng vào rừng chơi và, như thói quen, nàng đến tắm ở một hồ nước xanh ngắt êm ả có những cây miên liễu nghiêng mình soi bóng. Chính trong khung cảnh thơ mộng này, thần Apollon đã gặp nàng và đem lòng yêu mến. Cuộc tình duyên của họ hình như không được Phlégias biết, hay, như một số người kể, không được vua cha ưng thuận. Nhưng dù sao thì họ cũng đã yêu mến nhau rồi. Song Coronis đẹp người lại không đẹp nết. Nàng đã lừa dối Apollon. Trong lúc vắng Apollon nàng đã buông mình theo dục vọng xấu xa, hiến dâng tình yêu của mình cho một người khác, một người trần thế, một chàng trai tên là Ischys, con của nhà vua Élatos trị vì ở xứ Arcadie. Và như vậy, đối với vị thần Ánh sáng, vị thần của Chân lý, của sự Trung thực là một điều xúc phạm gớm ghê. Coronis mất tỉnh táo đến nỗi tin chắc rằng Apollon không thể nào biết được cuộc tình duyên ám muội của mình. Nhưng với vị thần của chân lý thì mọi việc sớm muốn cũng phải phơi bày ra trước ánh sáng. Một con quạ lông trắng như tuyết, vì loài chim này ngày xưa vốn như vậy, con vật yêu quý của Apollon, như con đại bàng của Zeus, con công của Héra, bay đến kể lại cho Apollon, mách cho Apollon biết câu chuyện đau đớn và xấu xa ấy. Apollon nổi giận, và như chúng ta đã từng biết, các vị thần khi đã nổi giận thì... chỉ có thể nói là không thể nào tưởng tượng được, nhất là một con người trung thực mà bị lừa dối như Apollon. Mất cả tỉnh táo, Apollon trút ngay nỗi căm tức, uất ức của mình vào con quạ. Chẳng rõ thần cầm cái gì ném vào con vật để đến nỗi toàn thân nó đen ngòm đi. Và cũng từ đó trở đi loài quạ mang bộ lông đen như cái tin nó đem đến để làm đen tối cả trái tim vị thần. Sau đó nỗi tức giận của Apollon giáng xuống người thiếu nữ không trung thực. Apollon bắn chết Coronis. Có người kể, không phải Apollon bắn mà cô em gái của thần, tức giận thay cho anh, đã trừng trị bằng những mũi tên vàng của mình.

Trị tội Coronis xong, hình như Apollon cũng cảm thấy có phần quá khắc nghiệt, tàn nhẫn. Thần cho làm lễ hỏa táng người con gái đó. Vào lúc lửa vừa bốc cháy thì Apollon nảy ra ý định cứu lấy đứa bé trong bụng Coronis: “Dù sao thì ta cũng phải cứu lấy đứa con ta vì đấy là giọt máu của ta...”, Apollon nghĩ thế và bằng tất cả tài năng siêu việt của một vị thần, Apollon đã lấy được đứa con sắp đến ngày ra đời từ thi hài Coronis. Cứu được đứa bé, Apollon đem trao cho vị thần Centaure Chiron, tức là vị thần nửa người nửa ngựa Chiron. Ở Hy Lạp xưa kia có khá nhiều Centaure nhưng danh tiếng lẫy lừng nhất là Centaure Chiron, một vị thần tuy về thân hình thì rất gớm ghiếc nhưng về trí tuệ thì lại uyên thâm và lòng thương người thì thật là hiếm có. Chiron chịu trách nhiệm dạy dỗ nuôi nấng chú bé Asclépios (thần thoại La Mã: Esculape). Centaure Chiron vốn là con của thần Cronos và tiên nữ Nymphe Philyra. Sở dĩ Chiron phải mang thân hình quái dị nửa người nửa ngựa là vì Cronos để tránh sự theo dõi của vợ mình là nàng Rhéa, đã biến mình thành ngựa mỗi khi đến tình tự ái ân với Philyra. Sinh ra Chiron, thấy mình có một đứa con quái đản như thế nên Philyra rất buồn rầu, chán nản. Chẳng nhẽ tự tử, nàng đành cầu khẩn các vị thần giải thoát cho nàng cảnh sống đau khổ của một người mẹ không còn niềm tin và há vọng. Các vị thần đã biến Philyra thành cây bồ đề (Tilleul).

Centaure Chiron khác hẳn những Centaure con của Ixion và Néphélé, vốn là loại hoang dã, tối tăm, ngu muội và thù địch với loài người. Được thần Apollon và Artémis truyền dạy cho nhiều điều hiểu biết quý báu, Chiron nổi danh trong trần thế là “vị Centaure thông tuệ nhất và hiền minh nhất”. Chiron ở trong một hang đá dưới chân núi Pélion xứ Thessalie, thường chữa bệnh cho mọi người và dạy học. Nhiều vị anh hùng xuất chúng của nước Hy Lạp đều là môn đệ của Chiron như: Achille, Ulysse, Diomède... Những người Argonautes (thủy thủ của con thuyền Argo) trước khi vượt biển sang phương Đông để đoạt Bộ lông Cừu vàng đã đến xin Chiron chỉ cho cách đi biển...

Có chuyện lại kể, Philyra để trốn tránh cuộc tình duyên với Cronos đã biến mình thành ngựa nhưng vẫn không thoát khỏi dục vọng của Cronos. Vì lẽ đó nàng mới đẻ ra Centaure Chiron. Nàng đã sống với đứa con nửa người nửa ngựa đó ở hang đá Pélion và cùng con dạy dỗ biết bao chàng trai ưu tú của đất nước Hy Lạp.

Asclépios, con trai của Apollon, được Centaure Chiron dạy cho nhiều điều, đặc biệt là những hiểu biết về phép chữa bệnh bằng lá cây, pha chế, nấu các lá cây thành những phương thuốc thần diệu để cứu chữa cho con người thoát khỏi các bệnh hiểm nghèo. Có lẽ trong số những học trò của Centaure Chiron thì Asclépios là người học trò xuất sắc nhất về pháp thuật này. Chàng chẳng những có thể chữa lành mọi bệnh tật hiểm nghèo cho con người mà còn đi xa hơn thế nữa: cải tử hoàn sinh cho con người. Nhiều người đã được Asclépios cứu sống mà chúng ta không thể kể hết tên ra được. Chỉ xin kể một vài vị anh hùng quen biết: Glaucos, con vua Minos ở đảo Crète; Tyndareus, người đã sinh ra nàng Hélène và Clytemnestre; Hippolyte, chàng trai cường tráng, con của người anh hùng kiệt xuất Thésée. Danh tiếng Asclépios lừng vang khắp nước Hy Lạp. Người người tìm đến Asclépios để chữa bệnh ngày một đông. Đối với chúng ta, mỗi người ốm đau, bệnh tật được chữa khỏi là một niềm vui, mỗi người chết đi được cứu sống lại là một nỗi mừng, nhưng đối với vị thần Hadès thì lại không phải như thế. Thần Hadès thấy khá lâu nay vương quốc của thần không có một ai từ trên dương thế xuống. Lão già chở đò Charon cắm sào đợi khách. Chó ngao Cerbère nằm dài, ngáp vặt. Cơ sự này không mấy nỗi mà vương quốc của Hadès vắng tanh vắng ngắt đến phải đóng cửa, giải thể. Mà đóng cửa rồi đã phải xong đâu! Hadès sẽ đi đâu, làm gì? Charon đi đâu, làm gì? Biết bao nhiêu là chuyện lôi thôi, rắc rối đẻ ra từ cái anh chàng Asclépios. Thần Hadès rất tức giận mà không biết làm gì ngoài cách tường trình với thần Zeus. Nghe Hadès tường trình cặn kẽ mọi việc, thần Zeus thấy nếu cứ để Asclépios tiếp tục mãi sự nghiệp trị bệnh cứu người, cải tử hoàn sinh thì trật tự của thế giới Olympe do mình tốn công xây dựng từ bao thế kỷ nay sẽ bị đảo lộn rối tung lên tất cả. Thần giáng sét đánh chết Asclépios.

Apollon vô cùng tức giận về hành động bạo ngược này song không thể trả thù vào thần Zeus được. Apollon trả thù vào những kẻ đã rèn ra sấm sét, trao cho thần Zeus. Nếu không có thứ vũ khí vô địch trong tay thần Zeus thì đứa con trai đầy tài năng và được những người trần thế vô cùng kính yêu của Apollon đâu đến nỗi! Apollon đã bắn chết ba tên khổng lồ Cyclopes là Argès, Stéropès và Brontès, những kẻ đã rèn ra sấm, chớp và sét. Thần Zeus biết chuyện bèn ra lệnh trừng phạt Apollon, đày Apollon xuống trần làm một gã chăn súc vật cho nhà vua Admète trị vì xứ Thessalie. Có người lại nói việc Apollon bị đầy xuống trần đi chăn bò, chăn cừu cho vua Admète không phải vì tội giết những người khổng lồ Cyclopes mà là vì tội đã giết con mãng xà Python. Có người cãi lại, bảo tại cả hai tội.

Asclépios tuy qua đời song may thay đã truyền dạy lại tài nghệ và pháp thuật chữa bệnh cho các con trai và con gái của mình và cho nhiều người khác nữa. Chỉ tiếc rằng phép cải tử hoàn sinh là chưa truyền lại được. Hai con trai của Asclépios là Machaon và Podalirios là những thầy thuốc trứ danh đã tham gia trong hàng ngũ những chiến sĩ Hy Lạp vượt biển sang đánh thành Troie. Con gái của Asclépios là nàng Hygie, nữ thần Sức khỏe, ngoài việc chữa bệnh cho người trần còn đem đến những lời chỉ dẫn khuyên bảo, an ủi cho người ốm đau. Trong thời cổ những thầy thuốc tổ chức thành một “giáo đoàn” mang tên là “Con cháu của Asclépios” (Les Asclépiades). Việc chữa bệnh được kết hợp với những hình thức ma thuật cầu khấn, cúng tế vị thủy tổ của ngành Y để xin những lời truyền phán, chỉ dẫn. “Con, cháu của Asclépios” giữ bí mật các bài thuốc, các phương pháp chữa bệnh và chỉ truyền lại cho những người thân thích.

Người xưa tạc tượng vị thần Asclépios với một vẻ uy nghiêm như thần Zeus, tay cầm một cây quyền trượng có một con rắn đang uốn mình bò quanh. Còn tượng nữ thần Hygie cũng được thể hiện với một phong thái uy nghi như cha, tay cầm một cái bát, hẳn là bát thuốc vừa pha, còn tay kia đưa ra một cử chỉ như xoa dịu, an ủi. Nhưng tại sao hai cha con vị thần Chữa bệnh và Sức khỏe này lại có con rắn đi kèm? Trước hết, con rắn thuộc phạm trù của thần thoại Chthonien, thần thoại về loài vật. Và nó là tiêu biểu nhất trong gia tài thần thoại về loài vật của người Hy Lạp. Thường các nam thần và nữ thần, nếu truy xét kỹ “lý lịch”, thì đều có một thời kỳ là rắn. Hẳn trong tình hình đó, con rắn chưa hề mang một ý nghĩa xấu xa, hay nói một cách khác, con người chưa cảm thấy kinh sợ, ghê tởm con rắn. Thần Zeus đã từng biến thành rắn để che mắt Héra, đến ái ân với nàng Perséphone trong thần thoại về Dionysos-Zagréos. Đền thờ nữ thần Athéna ở Athènes trong khu vực Acropole có thờ rắn thần. Đền thờ Delphes thờ thần Apollon nhưng cũng đồng thời thờ con rắn thần Python. Con rắn tượng trưng cho đất hoặc sự gần gụi với đất, sức mạnh của đất. Érichthonios, một người anh hùng cai quản Athènes, theo truyền thuyết là con của đất. Khi mới ra đời, nữ thần Athéna đã đặt chú bé đó vào trong một cái vại (hoặc một cái giành) lấy rắn đệm lót ở chung quanh. Lại có chuyện kể, thần Asclépios đi chữa bệnh cho những người trần thế thường hóa thân thành rắn hoặc mang theo rắn, dùng rắn để chữa. Do “tiểu sử” như thế mà con rắn mang một ý nghĩa tốt đẹp. Nó tượng trưng cho sự trường sinh bất tử, như đất vốn trường sinh bất tử, đồng thời lại tượng trưng cho cả sự tái sinh, sự đổi mới nữa. Vì một lẽ đơn giản con rắn không chết, con rắn chỉ lột xác thôi. Rắn già, rắn lột. Người già, người chui tuột vào săng mà! Từ đó con rắn lại tượng trưng cho sự khôn ngoan, thận trọng và, mở rộng nghĩa hơn nữa, con rắn tượng trưng cho sự lựa chọn, sự vĩnh hằng. Đó là ý nghĩa tốt đẹp về con rắn (biến dạng thành rồng). Nhưng con rắn còn tượng trưng cho những sức mạnh phá hoại của thiên nhiên mà người xưa chưa hiểu biết, những sức mạnh vốn thù địch với con người, kể cả những thế lực xã hội cũ, lạc hậu, vì thế con rắn tượng trưng cho cái xấu xa, tai họa trong cuộc sống và mở rộng ý nghĩa, tượng trưng cho sự độc ác, nham hiểm, lừa lọc, dối trá. Cả hai ý nghĩa tượng trưng này của thần thoại cổ đại đều được thần thoại Thiên Chúa giáo tiếp thu.

Trong Kinh Thánh Thiên Chúa giáo có chuyện kể: Trong cuộc hành trình của những người Israel rời khỏi nước Ai Cập đi tới miền đất hứa dưới sự dắt dẫn của Moise, người được Thượng đế tuyển chọn và giao phó cho sứ mạng thiêng liêng, những người Israel có lúc đã không chịu đựng được những nỗi gian khổ, khó khăn ở dọc đường. Họ đã kêu ca, trách móc, xúc phạm đến Thượng đế và Moise. Thượng đế nổi giận phái xuống một bầy rắn lửa trừng phạt tội phạm thượng. Rất nhiều con dân Israel bị rắn cắn chết. Những người Israel hối hận kêu van Moise cầu khẩn Thượng đế tha tội cho họ, giải trừ tai họa cho họ. Và Thượng đế, chấp nhận lời cầu xin của Moise, đã phán truyền cho Moise: làm một con rắn đồng đặt trên một cây sào để cho những người bị rắn lửa cắn đến nhìn vào con rắn đồng. Chính nhờ nhìn con rắn đồng này mà những người Israel bị rắn lửa cắn thoát chết. Còn trong Kinh Phúc Âm theo Mathieu, chúa Jésus đã “huấn thị” cho mười hai tông đồ trước khi họ lên đường đi “rao giảng” rằng: “Hãy thận trọng như loài rắn và hiền hòa như những con bồ câu...” Đó là những dẫn chứng về ý nghĩa tượng trưng tốt đẹp của con rắn. Còn về ý nghĩa xấu xa thì chính con rắn, cũng theo Kinh Thánh, là con vật xảo quyệt nhất trong số những con vật mà Thượng đế sáng tạo ra. Con rắn đã xui người đàn bà đầu tiên của thế gian ăn quả cấm, quả của chiếc cây của sự sống và người đàn bà này đã cho chồng ăn, vì thế họ, Adam và Ève, tổ tiên của loài người chúng ta, bị Thượng đế trừng phạt đẩy xuống hạ giới. Và loài người chúng ta vì lẽ đó mà phải chịu “tội tổ tông”. Trong Khải Thị của Jean, con rồng lớn nuốt con của người đàn bà, được đồng nhất với con rắn xưa kia, ma quỉ, Satan, đã từng lừa dối cả thế gian và bị tống cổ xuống đất.

Lại nói về nhà vua Phlégias khi biết tin con gái mình bị Apollon bắn chết, nổi giận đốt cháy sạch ngôi đền Delphes, ngôi đền thờ đấng phụ vương Zeus và thần Apollon. Hành động láo xược này đã bị các vị thần trừng trị đích đáng.

Apollon bị đày bao lâu? Người nói một năm, người nói tám năm, người nói chín năm. Chẳng rõ thực hư thế nào, nhưng nói tóm lại là có bị trừng phạt đuổi xuống hạ giới đi chăn súc vật cho nhà vua Admète.

Trong những ngày phải đi chăn súc vật ở rừng xanh núi đỏ, thần Apollon được nhà vua tiếp đãi với tấm lòng hiếu khách truyền thống của con dân đất nước Hy Lạp. Để đền đáp lại tấm lòng quý báu đó, thần Apollon giúp đỡ vua Admète nhiều công việc.

Người xưa kể lại, mỗi khi lùa súc vật vào rừng Apollon lại mang theo cây đàn cithare và gẩy lên những âm điệu thánh thót. Rừng xanh hoang vắng bỗng ấm cúng hẳn lên, dường như bớt hẳn đi cái vẻ lạnh lẽo, bí ẩn. Cả những loài thú dữ như hổ, báo, chó sói... chuyên rình mò bắt gia súc của những người đi chăn khi nghe tiếng đàn của Apollon cũng say mê. Chúng ngồi lắng nghe không nghĩ đến, không dám hoặc không nỡ bắt một con dê, con cừu, con bò, con ngựa nào trong đàn gia súc của Apollon. Vì thế trong những ngày Apollon làm gia nhân cho Admète, đàn gia súc không hề bị giảm mà chỉ có tăng lên nhanh chóng. Vì lẽ đó mà người Hy Lạp xưa kia còn coi Apollon là vị thần bảo hộ cho nghề chăn nuôi.

Hết hạn đi đày, Apollon trở về với thế giới Olympe. Tuy ở trên thế giới tuyệt diệu của các vị thần bất tử nhưng Apollon vẫn không quên những ngày sống dưới trần, đặc biệt những ngày sống ở thế giới của những người Hyperboréens. Hàng năm cứ khi thu hết, đông về là Apollon lại từ giã Olympe, ngồi trên cỗ xe do những con thiên nga kéo, bay về một phương trời xa tít tắp để nghỉ đông ở một vùng khí hậu ấm áp, một nơi chỉ biết có mùa Xuân và đúng là nơi mùa Xuân vĩnh viễn. Khi ấy ở đỉnh Olympe cũng như ở trên sườn núi Parnasse tuyết trắng như bộ lông của những con thiên nga đã trùm phủ lên dày đặc. Rừng cây trút hết bộ áo màu xanh hay màu vàng, trơ ra những cành khẳng khiu, gày guộc. Đông hết, Xuân về, Apollon lại trở về với thế giới Olympe của mình. Thần lại xuống trần, về ngôi đền thờ Delphes yêu quý để tiên đoán cho mọi người dân lành biết những việc của quá khứ, hiện tại và tương lai. Thần truyền đạt lại những lời nói thiêng liêng của thần Zeus và tiếp nhận những nghi lễ tưng bừng trọng thể của ngày hội Delphes: Hội Pithiques. Rồi sau đó thần lại về thăm nơi chôn rau cắt rốn ở hòn đảo Délos. Chính ở nơi đây, người dân Hy Lạp, để tưởng nhớ tới cuộc đời và công lao của vị thần ánh sáng, đã dựng đền thờ thần và hàng năm mở hội rất to, rất linh đình không kém Hội Delphes.

***

Các nhà nghiên cứu cho chúng ta biết, quê hương đích thực của Apollon là ở vùng Tiểu Á. Có những bằng chứng với đầy đủ sức thuyết phục khoa học xác nhận “nguyên quán” của vị thần này là ở Tiểu Á chứ không phải là ở Hy Lạp. Một là, trong cuộc Chiến tranh Troie, thần Apollon đứng về phe Troie bảo hộ cho quân Troie giáng bệnh dịch xuống quân Hy Lạp. Thần luôn luôn quan tâm theo dõi, phù hộ cho dũng tướng Hector, người cầm đầu quân Troie. Hai là, người ta tìm thấy và thống kê thấy ở Tiểu Á có rất nhiều đền thờ thần Apollon, phần lớn là những ngôi đền to và quan trọng. Ba là, cái tên “Apollon” theo một số nhà bác học, xét về mặt từ nguyên là thuộc ngôn ngữ Tiểu Á, nghĩa là “cái cửa”. Và Apollon là vị thần Cửa, đảm đương trách nhiệm ngăn cản đẩy những điều bất hạnh ra khỏi nhà và ra khỏi đô thị. Một trong những biệt danh của Apollon là “Thuraios” có nghĩa là “Cửa”. Tập tục thờ cúng Apollon từ Tiểu Á chuyển sang Hy Lạp vào thời kỳ nền văn hóa Mycènes, thiên niên kỷ II TCN. Những biệt danh của Apollon cho chúng ta thấy nguồn gốc tôtem giáo của vị thần này, thí dụ Apollon Lycien - Apollon Chó sói hoặc Apollon Sminté - Apollon Chuột... Như vậy lúc đầu, rõ ràng là vị thần Ánh sáng, vị thần Người Xạ thủ có cây cung bạc và những mũi tên vàng tồn tại trong hình dạng con vật. Sau này Apollon mới được cảm thụ như một vị thần dưới hình dạng người và bảo hộ cho cuộc sống của con người, bảo vệ mùa màng và đàn gia súc của con người khỏi bị thú dữ phá hoại. Vì lẽ đó có chuyện Apollon phải đi chăn gia súc cho vua Admète, chuyện Apollon đi chăn súc vật cho Laomédon, một vị vua của thành Troie... Và ngày càng mở rộng hơn nữa, Apollon là vị thần của nhiều chức năng khác: Y học, Ánh sáng, thậm chí đồng nhất với thần Mặt trời-Hélios, thần bảo vệ cho khách bộ hành, thần bảo vệ cho những người đi biển... Các nhà nghiên cứu cho rằng rất có thể từ khi Apollon trở thành vị thần của thế giới Olympe mới có thêm cái biệt danh Phébus, do đã chiến thắng một tập tục thờ cúng nữ thần Titanide Phoébé ở một địa phương nào đó. Do được đồng nhất với ánh sáng nên Apollon lại thêm chức năng của một vị thần nông nghiệp, vị thần bảo hộ cho mùa màng. Nhưng chức năng này của Apollon mờ nhạt hơn so với chức năng chiến trận: Người Xạ thủ. Sự thờ cúng Apollon, tôn giáo Apollon đối lập với tôn giáo Dionysos, mặc dù trong một dạng nào đó cũng là sự thờ cúng một vị thần nông nghiệp. Tôn giáo Apollon thường phát triển rộng rãi trong giới quý tộc, còn tôn giáo Dionysos ở giới bình dân. Tượng Apollon trong nghệ thuật thời kỳ Hy Lạp hóa là một chàng trai xinh đẹp ngồi đánh đàn lia. Tôn giáo Apollon ở các thuộc địa Hy Lạp trên đất Ý du nhập vào La Mã. Năm 31 TCN La Mã xây đền thờ Apollon rất lớn. Dưới triều đại của vị hoàng đế La Mã Auguste, tôn giáo Apollon được đề cao lên một địa vị chưa từng thấy. Auguste cho khôi phục các cuộc thi đấu võ nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, những tập tục, hội hè trong sạch, lành mạnh mà đã từ lâu bị cuộc sống xa hoa, trụy lạc, hưởng thụ của giới quý tộc La Mã vứt bỏ cũng như bị cuộc sống, lối sống “lính tráng”, “lê dương” của đế quốc La Mã phá hoại. Sự khôi phục này nằm trong đường lối chính trị, văn hóa của Auguste muốn lành mạnh hóa xã hội La Mã, tạo ra một cuộc sống ổn định ở các đô thị để củng cố quyền lực và uy tín của mình. Người ta thường dâng cúng thần Apollon cành nguyệt quế, cành cọ, và hiến tế những con vật: chó sói, thằn lằn, chuột, diều hâu.

Ở Athènes, trên bờ sông Ilissos có ngôi đền thờ Apollon Lycien, ngoài ra còn có một trường đấu được xây dựng từ thời Périclès cầm quyền. Nơi đó, khu vực đền thờ và trường đấu, tên gọi là Lycéen [Lycée, Lykée (tiếng Hy Lạp: Lukeion)], nhà triết học Aristote thường đến giảng trong những dãy hành lang của một ngôi nhà trong trường đấu này. Ông vừa đi vừa giảng trong hành lang và học trò cũng đi theo ông để nghe giảng. Người xưa gọi lối giảng của ông là: péripatéticienne. Từ đó người ta gọi trường phái triết học của ông là trường phái vừa đi vừa giảng (tiêu dao - secte péripatéticienne).

Năm 1807, một người Pháp tên là Pilâtre de Rozier thành lập một trường học ở Paris, dạy khoa học tự nhiên và văn học (không dạy thần học) đặt tên là Lycée. Từ đó Lycée mang nghĩa “trường trung học”, mà chúng ta thường quen gọi là “trường Lixê”.

NỮ THẦN ARTÉMIS

Artémis, vị nữ thần con của Zeus và Léto, ra đời trên hòn đảo Délos. Nàng là anh em sinh đôi cùng với thần Apollon, cho nên, cũng như anh mình, nàng được Zeus ban cho một cây cung bạc và một ống tên vàng. Chỉ mấy ngày sau khi ra đời, nhờ những thức ăn thần Artémis lớn lên như thổi và chẳng mấy chốc nàng đã đeo ống tên vào lưng cầm cung băng vào rừng săn bắn. Trong bộ áo săn gọn gàng và ngắn đến đầu gối nữ thần Artémis trẻ tươi phơi phới, tràn đầy sức sống, nhanh nhẹn, lanh lợi lạ thường. Thật khó mà tìm được một thiếu nữ nào trên thế gian này lại tươi tắn, linh hoạt như Artémis. Nàng chạy băng băng qua những khu rừng rậm, săn thú đuổi chim. Đôi mắt tinh nhanh của nàng không bao giờ để con mồi chạy thoát. Và khi nàng đã giương cung thì ít khi có chuyện phát tên tha chết cho con mồi. Lợn rừng bị đuổi cùng đường rúc vào bụi rậm hy vọng thoát chết cũng không thoát được. Hươu, nai chạy nhanh đến mấy cũng không tránh khỏi bị Artémis xua đàn chó đến bao vây. Mỗi khi Artémis vào rừng săn bắn lại có một đoàn tiên nữ đi theo. Những nàng Nymphe đó cùng săn đuổi muông thú với Artémis. Tiếng hò reo, cười nói cùng với tiếng chó sủa, tiếng tù và rúc vang động cả núi rừng. Cuộc đi săn kết thúc, Artémis và các nàng Nymphe trở về với thắng lợi rực rỡ. Và chẳng bao giờ vị nữ thần Săn Bắn này lại chịu trở về tay không.

Tuy nhiên chiến công lớn nhất của Artémis lại là việc trừng trị tên khổng lồ Tityos, kẻ đã can tội truy đuổi nữ thần Léto, mẹ của Apollon và Artémis, với mưu đồ ám muội. Tên khổng lồ này vốn là con của Zeus và Élara, con gái của nhà vua xứ Orchomène. Thần Zeus lần này để tránh con mắt soi mói của Héra đã đưa người con gái đó vào... tận trong lòng đất đen sâu thẳm để được hoàn toàn yên tâm trong cái chuyện “hoa, nguyệt, mận, đào”. Tityos vì thế ra đời trong lòng đất đen sâu thẳm. Ấy thế mà không hiểu làm sao mà Héra cũng biết. Lại một trận đùng đùng sấm sét, giận dữ giáng xuống đứa con của cuộc ngoại tình đó. Nhưng Héra chỉ vừa mới truy đuổi Tityos thì lại được tin Léto sắp sinh con với Zeus. Thế là Héra xúi bảy anh chàng khổng lồ Tityos truy đuổi Léto. Và Tityos thừa hành nhiệm vụ đó với tất cả sự mẫn cán của một anh chàng vừa được hưởng lượng gia ân, khoan hồng.

Apollon và Artémis đã trừng trị tên khổng lồ bạo ngược đó. Những mũi tên vàng của hai anh em đã rửa được mối oán hờn mà mẹ họ phải chịu đựng trước khi sinh họ. Có người kể, không phải hai anh em Apollon giết chết Tityos mà là thần Zeus giáng sét thiêu chết Tityos. Tityos chết, các vị thần ném xác hắn xuống địa ngục Tartare. Thân hình nó nằm sóng sượt che kín hết cả chín mẫu đất. Hai con đại bàng ngày ngày đến mổ bụng ăn bộ gan khổng lồ của nó, bộ gan là ngọn nguồn đẻ ra thói bạo lực, hung tàn cũng như đẻ ra mọi ý chí cứng rắn, bướng bỉnh.

Artémis trừng phạt Niobé

Artémis còn cùng với Apollon trừng phạt nàng Niobé về tội ngạo mạn, đã khinh thị xúc phạm đến nữ thần Léto. Có lẽ từ cổ chí kim chưa từng có một cuộc trừng phạt nào quá ư khắc nghiệt, tàn nhẫn như cuộc trừng phạt này, đây là một cuộc tàn sát khủng khiếp, khủng khiếp đến nỗi tới nay chưa mấy ai quên. Niobé là con gái của Tantale. Nàng lấy Amphion vua thành Thèbes bảy cổng. Hai vợ chồng nàng sinh được bảy trai, bảy gái. Niobé rất đỗi tự hào về hạnh phúc của mình: những đứa con, đứa nào cũng đẹp đẽ, khỏe mạnh, thông minh. Nhìn chúng, người ta có thể tưởng đó là những vị nam thần hoặc nữ thần tươi trẻ của thế giới Olympe. Niobé sung sướng, tự hào, mãn nguyện về hạnh phúc của mình nhưng lại không biết hạnh phúc đó chính là do các vị thần đã ban cho gia đình nàng. Sự giàu có, danh tiếng, con đàn cháu đống đông vui là đặc ân hiếm có. Nàng lẽ ra phải biết ơn và đền đáp lại bằng những lễ hiến tế hậu hĩ và thành kính. Nhưng Niobé hầu như quên hết cả nghĩa vụ thiêng liêng đó, nghĩa vụ mà đối với người Hy Lạp xưa kia là một đạo đức chí cao, chí tôn, chí kính, một đạo đức trước hết của mọi đạo đức.

Chuyện xảy ra như sau: Một hôm con gái vị tiên tri mù danh tiếng Tirésias là nàng Manto đi khắp mọi nhà trong thành Thèbes bảy cổng, truyền cho mọi người biết lễ hiến tế nữ thần Léto và hai người con của nữ thần là Apollon có bộ tóc quăn vàng rượi và nữ thần Artémis, người trinh nữ săn bắn, sắp cử hành. Mọi người hãy đem dâng cúng các vị thần những lễ vật hậu hĩnh. Dân thành Thèbes bảy cổng, nghe lời khuyên dạy đó, ai nấy đều náo nức sắm sanh lễ vật. Những thiếu nữ xinh đẹp đội vòng lá nguyệt quế lên đầu, ăn mặc đẹp đẽ, mang lễ vật ra đền thờ. Riêng có Niobé là không sắm sửa lễ vật, không đến đền thờ. Chẳng những thế Niobé lại còn dùng quyền lực của mình cấm không cho các thiếu nữ tới đền thờ, nghĩa là Niobé phá bỏ buổi lễ trọng thể ngày hôm đó.

- Tại sao các ngươi lại phải dâng lễ cho Léto? Niobé nói với các thiếu nữ xinh đẹp của thành Thèbes bảy cổng như vậy. Cầu xin Léto ban cho hạnh phúc được giàu có, đông con, nhiều cháu, an nhàn, vẻ vang ư? Thật là vô ích. Cuộc đời của bà ta vất vả cực nhục, chỉ có một hòn đảo bé xíu làm chỗ dung thân, còn ta, một đô thị rộng lớn, thành quách kiên cố, giàu có và đẹp đẽ xiết bao! Bà ta chỉ sinh được một gái, một trai, còn ta, bảy gái, bảy trai, đứa nào cũng to lớn, đẹp đẽ sánh tựa thần linh! Thôi hãy dành những lễ vật dâng cúng ấy cho ta vì chính ta là người xứng đáng được hưởng những lễ vật đó. Ta chẳng thua kém gì Léto về sắc đẹp cũng như về hạnh phúc. Các ngươi hãy dâng lễ vật cho ta, và cầu nguyện ta có thể ban cho các ngươi niềm hạnh phúc mà các ngươi mong muốn.

Buổi lễ không tiến hành. Những lời nói kiêu căng, láo xược của Niobé tất đến tai các vị thần, nhất là nữ thần Léto. Nàng truyền cho hai con, Apollon và Artémis, sứ mạng trả thù, trừng trị quân hỗn hào, phạm thượng.

- Các con phải rửa ngay mối nhục này cho mẹ. Ta không thể chịu đựng được cái thói ngạo mạn, kiêu căng vốn có từ giống Tantale nhà nó. Dù cuộc đời ta thế nào chăng nữa ta cũng là một vị thần thuộc dòng dõi Titan, và là vợ của thần Zeus, Apollon và Artémis là con của thần Zeus mà không một người trần thế nào dù tài giỏi đến đâu có thể coi như bằng vai phải lứa được.

Nghe mẹ nói xong, hai anh em Apollon đều vô cùng giận dữ. Apollon đáp lời mẹ:

- Xin mẹ hãy yên tâm! Con mãng xà Python ghê gớm đến đâu cũng chẳng làm nhụt được chí khí của con thì mụ Niobé kia ắt phải có hình phạt xứng đáng.

Artémis cũng bày tỏ tình cảm của mình:

- Xin mẹ hãy yên tâm! Những đứa con của thần Zeus sẽ không tha thứ cho bất kỳ một hành động khinh thị thánh thần nào.

Và thế là nhanh như những mũi tên, Apollon và Artémis từ ngọn núi Cynthe cao vút trên hòn đảo Délos thân yêu, bay tới thành Thèbes bảy cổng. Cỗ xe do những con thiên nga kéo hạ xuống một cánh đồng ngoài cổng thành. Apollon tiến vào cổng thành và trèo lên bờ tường thành cao. Nơi đây thần trông thấy những người con trai của Niobé đang cùng với các trai tráng luyện tập võ nghệ. Thần lắp tên vào cung và giương lên. Dây cung bật lên một tiếng lảnh lót, khô gọn. Mũi tên xuyên trúng ngực một người con trai của Niobé khoác áo choàng đỏ thắm đang phi ngựa. Chàng bật ngửa người ra, tay buông cương và hồn lìa khỏi xác. Cứ thế, vun vút, những mũi tên bay đi, khi trúng cổ, khi xuyên gáy, khi cắm phập vào lưng, lần lượt kết liễu cuộc đời bảy người con trai của Niobé. Những trai tráng đang luyện tập võ nghệ cùng với những người con trai của Niobé vô cùng kinh hoàng trước tai họa giáng xuống quá nhanh và quá khủng khiếp đến như vậy. Chỉ phút chốc bảy chàng trai cường tráng, những thanh niên ưu tú của thành Thèbes vinh quang đã bị chết một cách thảm thương mà không ai biết được địch thủ. Song mọi người đều hiểu ngay: những cái chết bất ngờ không rõ từ đâu giáng xuống đều do hai anh em Apollon và Artémis, những vị thần có tài bắn cung trăm phát trăm trúng. Mọi người cùng hiểu, đây là hình phạt mà nữ thần Léto giáng xuống Niobé.

Tin dữ bay về cung điện nơi Niobé đang ở. Người mẹ bất hạnh này gào thét, khóc than và trong cơn đau đớn vật vã, điên dại nàng đã nguyền rủa nữ thần Léto. Các con gái của Niobé xúm quanh mẹ để an ủi, khuyên can, săn sóc. Nhưng tai họa chưa hết. Bây giờ đến lượt nữ thần Artémis ra tay. Những mũi tên không biết từ đâu lại bay xuống. Tiếng rú lên vì đau đớn chen lẫn những tiếng thét kinh hoàng, tiếng gào khóc, tiếng rên la... tạo ra một bầu không khí khủng khiếp hết chỗ nói. Đến lúc này thì Niobé không còn gào thét khóc than được nữa. Nàng ngất đi rồi lại tỉnh dậy, tỉnh dậy rồi lại ngất đi không biết bao lần. Amphion, chồng nàng, trước nỗi đau khổ quá lớn như vậy không đủ sức chịu đựng nổi đã tự sát, chết bên những đứa con. Niobé đau khổ, sững sờ đứng giữa xác chết của các con và chồng. Nàng bây giờ tuy sống nhưng thật ra là cái xác không hồn, một cái xác còn biết cử động. Xác chết của chồng và con của Niobé bị bỏ mặc suốt chín ngày trời, đến ngày thứ mười, các vị thần mới nguôi giận, cho làm lễ mai táng. Còn nàng Niobé với số phận thảm thương đã hóa ra đá. Một cơn gió lốc đưa nàng về tận quê hương, lên đỉnh núi Sipyle, nơi ở vĩnh viễn của nàng. Ở đó, Niobé với nỗi đau khổ mà trên thế gian này ít ai phải nếm trải, biến thành đá với khuôn mặt khổ đau và nước mắt tuôn trào. Ở đó, nàng Niobé với khuôn mặt sững sờ, ngây dại đã biến thành đá nhưng chẳng bao giờ cạn được dòng nước mắt đau thương, những dòng nước mắt tuôn trào như những con suối bạc từ sườn núi cao đổ xuống.

Ngày nay trong văn học phương Tây, Niobé trở thành một biểu tượng cho “nỗi đau khổ của người mẹ mất con”. Trong quá trình chuyển nghĩa, Niobé dần trở thành “nỗi đau khổ lớn” hoặc “nỗi đau khổ”.

Có chuyện kể, trong cuộc tàn sát của Artémis, có một người con gái của Niobé thoát chết, không rõ do Artémis động lòng trắc ẩn tha thứ hay do trốn thoát được. Sự khủng khiếp và nỗi kinh hoàng lớn quá đã làm cho người con gái đó, mặc dù trải qua bao năm tháng sau này, da vẫn tái xanh tái xám. Vì thế người ta gọi nàng là “Chloris” nghĩa là “nhợt nhạt”, “tái xanh”. Nghe đâu Apollon cũng tha chết cho một người con trai của Niobé tên là Amyclos.

Artémis biến Actéon thành hươu

Artémis cũng bị một người trần kiêu căng, xúc phạm. Và theo thói thường của thế giới Olympe, các vị thần vốn là những người có quyền thế nên rất dễ nổi trận lôi đình với người trần thế, với giống người bấy yếu, đoản mệnh. Và khi đã nổi trận lôi đình thì tiếp theo đó là những đòn trừng phạt nghiệt ngã.

Hồi đó ở đất Thèbes có một chàng trai xinh đẹp và tài giỏi con của Aristée và Autonoé tên là Actéon. Chàng tuy xuất thân trong một gia đình con thần cháu thánh nhưng lại chỉ là một anh chàng chăn chiên bình thường. Do phải theo cha lùa súc vật vào rừng, phải bảo vệ đàn gia súc thoát khỏi móng sắc của thú dữ cho nên Actéon trở thành một người săn bắn muông thú rất giỏi. Actéon lại được thần Centaure Chiron dạy bảo cho nên tài săn của chàng vượt xa những lão tướng dày kinh nghiệm. Anh em bạn bè đều khâm phục tài năng của chàng từ việc thuộc thói quen, tính nết của từng loài thú cho đến tài phóng lao bắn tên chỉ sai một trúng mười. Được ngợi khen, Actéon đâm ra kiêu ngạo, coi thường mọi người, thậm chí coi thường cả nữ thần Săn bắn-Artémis, “Ta chẳng hiểu Artémis tài giỏi đến đâu nhưng cứ như tài săn của ta bây giờ thì Artémis dẫu có đến thi tài thì cũng phải nhường ta vòng nguyệt quế”. Actéon đã hợm mình mà nói năng phạm thượng như thế. Tất nhiên những lời nói như thế đều không cánh mà bay đến tai vị thần Săn bắn. Nữ thần Artémis chưa kịp trừng phạt con người láo xược đó thì lại xảy ra tiếp một chuyện không thể tha thứ được. Chuyện xảy ra trong một cuộc đi săn ở rừng Cithéron. Hôm đó Actéon và các bạn vào rừng săn thú, một cuộc đi săn bình thường của những người dân ở miền sơn cước. Sau một hồi lâu săn đuổi, mọi người đều mệt, nhất là khi đó mặt trời đã lên cao, không khí chẳng còn mát mẻ như buổi sớm. Trong khi mọi người tìm vào dưới bóng cây để nghỉ thì chàng Actéon một mình lững thững đi tách khỏi đám đông anh em, ý chừng muốn tìm một lạch nước, một dòng suối để rửa mặt. Actéon cứ lững thững đi và chàng đã vui chân, lạc bước tới một thung lũng nhỏ hẹp song cảnh vật thật vô cùng thơ mộng, đẹp đẽ. Chẳng hiểu bàn tay vị thần nào đã tạo dựng nên một khung cảnh tuyệt diệu như thế: một con suối từ núi cao theo lườn dốc bò xuống một vùng bằng phẳng, uốn lượn quanh co qua hai bờ cỏ xanh hoa thắm. Những lùm cây to do một giống dây leo trùm phủ lên những cây trắc bá thanh thanh, nở ra những loại hoa tim tím hồng hồng, nho nhỏ, xinh xinh là nơi mở hội cho những đội đồng ca ong và chim chóc tới thi tài, tranh giải. Đàn bướm chập chờn trên những đóa hoa như những nàng Muses đang biểu diễn những điệu múa uyển chuyển theo tiếng đàn cithare của thần Apollon có bộ tóc quăn vàng. Dòng suối từ núi cao trườn xuống qua một chiếc động nhỏ mà từ xa xa Actéon đã trông thấy những nhũ đá của nó rủ xuống như những búp tóc của các vị thần. Còn những vệt nắng dài từ trên cao lọt xuống thì nom như một dải khăn lụa vươn bay trong gió. Actéon lần theo dòng suối đi đến chiếc động nhỏ đó. Tai họa bắt đầu từ đây. Nữ thần Artémis và bầy tiên nữ tháp tùng vừa vào trong động. Đây là khu vực đặc biệt, cả cái thung lũng với hang động huyền ảo, với suối mát nước trong này chỉ dành riêng cho các vị thần tới nghỉ ngơi, tắm mát, đặc biệt là thuộc toàn quyền sử dụng của nữ thần Artémis. Nơi đây vị nữ thần Săn bắn, người trinh nữ với cây cung bạc tên vàng sau khi săn muông đuổi thú trở về nghỉ ngơi, tắm mát. Các tiên nữ, người thì đỡ cây cung và gỡ ống tên đeo ở sau lưng nàng ra, người thì búi lại tóc cho nàng, búi cao lên và gọn lại để khỏi ướt mất mớ tóc vàng rượi, mềm mại như ánh nắng chiều, người thì cởi dép, cởi áo cho nàng. Và nàng, như thế Trinh nữ Xạ thủ danh tiếng, con của thần Zeus uy nghiêm, từ trong động bước ra suối tắm. Đúng vào lúc ấy, lúc nữ thần Artémis vừa từ cửa động bước ra thì Actéon cũng vừa lần bước tới cửa động... Chà, biết kể lại sao cho đúng cái tình cảnh éo le đó. Chàng Actéon bàng hoàng, ngây ngất đến sững sờ ra trước vẻ đẹp “trong ngọc, trắng ngà”.

Nhưng một tiên nữ chợt trông thấy chàng và kịp thời hét lên một tiếng kinh dị, chỉ tay về phía Actéon. Các tiên nữ nhìn theo và không ai bảo ai, nhanh như một làn gió xúm lại đứng vây quanh lấy Artémis, vị nữ thần tuyệt đẹp nhưng khước từ mọi hạnh phúc ái ân trần tục. Các tiên nữ không muốn cho cái nhìn của kẻ thất phu làm ô uế thân thể thanh cao tinh khiết của nữ thần. Nhưng muộn mất rồi! Còn nữ thần Artémis thì mặt ửng đỏ lên e thẹn. Rồi từ e thẹn chuyển sang giận dữ, mặt nàng càng đỏ rực lên như khi đang hăng hái săn đuổi con mồi. Đứa thất phu to gan lớn mật đã dám vào nơi cấm địa vốn chỉ dành cho các vị thần. Tội xấc xược này không thể bỏ qua. Và thế là chỉ trong phút giây, chốc lát Artémis đã biến Actéon thành một con hươu, một con hươu to khỏe, đẹp đẽ. Actéon đi từ bàng hoàng này đến bàng hoàng khác: tự nhiên cổ chàng vươn dài ra và trên đỉnh đầu mọc lên một đôi gạc cao, dài, lắm nhánh, tai nhô lên, to hẳn và nhọn ra còn hai tay hai chân thì biến thành bốn chân hươu dài ngoẵng, quần áo mặc trên người biến thành lớp lông vàng rượi, đốm đen. Và thế là con hươu Actéon vùng lên bỏ chạy. Nhìn xuống suối nó biết mình bị trừng phạt vì tội đã xúc phạm đến nữ thần Artémis. Nó muốn kêu lên, hét lên, nhưng không được. Con hươu không biết nói, Actéon chỉ còn lại trí óc là của con người mà thôi. Nhưng trí óc ấy chẳng thể biến thành tiếng nói. Và con hươu Actéon chỉ còn biết chạy, chạy hết nơi này đến nơi khác, dường như muốn tìm về với những người thân thích. Nhưng lũ chó săn của Actéon mũi rất thính. Chúng biết có một con mồi ở đâu đây. Thế là chúng sủa ầm vang, gọi nhau rượt đuổi theo con hươu vàng đốm đen. Một đàn chó, năm mươi con, lao theo con hươu khốn khổ đang hoảng hốt chạy. Hươu ra sức chạy, chó ráo riết đuổi. Và cuối cùng, chó đã bổ vây quanh hươu. Con hươu đứng giữa bầy chó nhâu nhâu sủa vang, nước mắt trào ra. Nó muốn kêu lên với bầy chó hung hãn rằng: “Ta là Actéon... Actéon đây, người chủ quý mến của chúng mày đây...” Nhưng không được, đàn chó lao vào con hươu cắn xé. Con hươu Actéon ngã vật xuống đất. Trong đôi mắt nó vào phút giây cuối cùng ấy vẫn đọng giữ một nỗi kinh hoàng, oan ức và vẻ tha thiết cầu xin. Lũ chó và những bạn săn của Actéon vẫn thấy ánh mắt ấy ở những con mồi bị hại. Chẳng ai quan tâm đến ánh mắt ấy làm gì. Và con hươu đã nhắm mắt lìa đời vì tội đã xúc phạm đến nữ thần Artémis, tội một người trần thế đầu tiên và duy nhất đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần thánh, tuyệt diệu của vị nữ thần Trinh tiết.

***

Những nhà thần thoại học, tôn giáo học cho chúng ta biết, câu chuyện trên đây phản ánh một hình thức tôn giáo nguyên thủy: Sự kiêng kị giới tính.

Nhưng người Hy Lạp không chỉ thờ phụng nữ thần Artémis như vị thần săn bắn hoặc một người bảo hộ cho nghề săn bắn. Nếu kể từ nguồn gốc xa xưa thì Artémis là nữ thần bảo hộ cho muông thú trong rừng rồi sau mới chuyển thành vị nữ thần Săn bắn và tiếp chuyển thành nữ thần của Cỏ cây hoa lá. Từ đó, Artémis được coi là nữ thần của sự phì nhiêu, cây sai quả, lúa được mùa. Và đã như thế thì đồng thời là nữ thần bảo hộ cho sự sinh nở, cho hạnh phúc gia đình, trẻ sơ sinh. Rồi lại kiêm luôn cả chức năng nữ thần Mặt trăng, nữ thần Phù thủy, Ma quái-Hécate, tuy nhiên, dù Artémis có được sáp nhập thêm vào nhiều chức năng mới, và trong quá trình phát triển của lịch sử-xã hội Hy Lạp, Artémis có được mang thêm những biệt danh mới như Artémis Tauropolos, Artémis Orthia... thì biểu trưng phổ biến, tiêu biểu nhất về Artémis vẫn là một nữ thần Săn bắn và một nàng Trinh nữ Xạ thủ.

Ngày nay trong văn học các nước phương Tây, Artémis hoặc Diane là một biểu tượng chỉ người thiếu nữ xinh đẹp nhưng kiêu kỳ, người thiếu nữ xinh đẹp nhưng ở chốn “thâm nghiêm kín cổng cao tường”, tính nết kênh kiệu.

NỮ THẦN ATHÉNA

Trong số các vị thần của thế giới Olympe thì nữ thần Athéna ra đời thần kỳ hơn cả. Đối với các vị thần thì đương nhiên sự ra đời phải khác thường, phải thần kỳ rồi. Nhưng Athéna thần kỳ hơn, khác thường hơn. Nàng không phải do mẹ sinh ra mà do bố sinh ra, và sinh ra từ... đầu! Thần Zeus lấy nữ thần Métis, một Titanide con của Okéanos và nữ thần Téthys. Theo người xưa kể thì chính Métis mới là người vợ đầu tiên của Zeus chứ không phải Héra. Métis là người đã nói cho biết thứ lá cây thần diệu và bí hiểm để Zeus lấy về cho Cronos uống, nhờ thế nên Cronos mới nôn mửa ra hết những anh chị em của Zeus bị nuốt từ khi mới ra đời. Đứa con đầu lòng của họ là một bé gái. Ngày sắp sinh đứa con thứ hai thì một lời sấm ngôn của nữ thần Đất mẹ-Gaia truyền cho họ biết, đứa con này sẽ là con trai và lớn lên nó sẽ mạnh hơn bố nó. Nó sẽ truất ngôi bố và tranh giành lấy quyền cai quản thế giới Olympe và thế giới loài người. Zeus rất đỗi lo sợ về lời sấm truyền đó. Thần nghĩ cách đối phó lại. Và có lẽ cách tốt nhất theo thần nghĩ, là bắt chước Cronos: Nuốt! Zeus nghĩ thế và nuốt luôn người vợ đang bụng mang dạ chửa của mình. Ít ngày sau Zeus mắc chứng đau đầu rất dữ, đau từng cơn ong ong lục ục trong đầu. Trong một cơn đau muốn nổ tung bộ óc, Zeus gọi đứa con què Héphaïstos lại và ra lệnh: “Lấy búa bổ vào đầu ta ngay, làm ngay đi...” Héphaïstos còn do dự trước cái lệnh kỳ quái đó nhưng Zeus trừng mắt, quát: “Bổ đi! Làm ngay không chết bây giờ!” Thế là Héphaïstos phải tuân theo lời Zeus. Chàng nâng cây búa nặng ngàn cân lên dùng hết sức bình sinh giáng vào đầu Zeus. Chát một cái! Héphaïstos nhắm mắt lại, rùng mình. Sọ của Zeus nứt toác ra và từ kẽ nứt nhảy ra ngoài một người thiếu nữ nhung y, võ phục gọn gàng, tay kiếm tay cung, mắt sáng như gương, tiếng to như sấm. Vừa nhảy ra khỏi đầu Zeus, nàng liền hét lên một tiếng vang động cả đất trời như khi xung trận. Đó là Athéna, vị nữ thần Trí tuệ, Tri thức và Chiến trận. Athéna đội mũ đồng sáng loáng, mặc áo dài, đứng uy nghi oai phong lẫm liệt như một vị nam thần. Vì là nữ thần của Trí tuệ, Tri thức nên Athéna sáng tạo ra biết bao nhiêu điều để dạy con dân Hy Lạp. Nàng đã ban cho người trần thế cái cày và cái bừa để họ có thể làm ruộng, trồng lúa, trồng nho. Nàng trao cho những người phụ nữ cái xa quay sợi và khung cửi dệt. Nàng dạy cho họ nghề dệt khéo léo và công phu để họ có thể dệt nên những tấm vải dày, mỏng tùy theo ý thích, màu sắc rực rỡ như lòng họ mong muốn. Vì thế người xưa còn gọi nàng là “Athéna Ergana” nghĩa là “Athéna Thợ giỏi”, vị nữ thần bảo hộ cho nghề thủ công. Nàng còn là người đặt ra các thiết chế, luật pháp cho các đô thị để con người biết cách cai quản điều hành cuộc sống của mình được trật tự và công bằng. Vì là nữ thần Trí tuệ, Tri thức nên nàng phải được Zeus sinh ra từ... đầu, hay cũng vì sinh từ đầu Zeus mà nàng phải là vị nữ thần của Trí tuệ, Tri thức.

Do đó, một chức năng nữa mà Athéna phải đảm nhận là bảo đảm cho khoa học và kỹ thuật trong các đô thị sao cho được phát triển rực rỡ, phục vụ hữu hiệu cho con người. Từ tất cả những công việc ấy Athéna được gọi là vị nữ thần bảo hộ cho đô thị: Athéna Poliade.

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp có một số các vị thần ngoài tên chính còn nhiều biệt danh kèm theo như: Apollon Phébus, Artémis Tauropolos, Athéna Pallas... mà khoa thần thoại học gọi là “Các thần có biệt danh”. Sự xuất hiện những biệt danh đó gắn liền với một hoàn cảnh lịch sử cụ thể: các công xã thị tộc Hy Lạp dần dần thống nhất lại với nhau và từ đó nảy ra khuynh hướng tập trung những nghi lễ, tập tục thờ cúng. Đương nhiên quá trình này không phải diễn biến theo một con đường thẳng tắp. Một mặt nó dẫn đến kết quả như ta vẫn thường thấy trong việc nhân hình hóa nhân cách hóa những hiện tượng tự nhiên và xã hội vào trong một số vị thần gần như có quyền lực ngang nhau và có những chức năng tương tự như nhau, giống nhau. Hélios-Thần Mặt trời với Apollon-Thần Ánh sáng; Séléné-Nữ thần Mặt trăng với Artémis-Nữ thần Mặt trăng. Đã có nữ thần Héra và nữ thần Ilithyie trông coi và bảo hộ cho hạnh phúc gia đình, sự sinh nở, việc hộ sinh, lại thêm cho Artémis những chức năng tương tự như thế, v.v. Lại có khi hai chiều hướng phát triển nói trên hợp nhất lại và xuất hiện một vị thần thống nhất. Những vị thần tồn tại độc lập, không quan trọng, ít ý nghĩa đối với đời sống xã hội cụ thể dần dần lui bước khỏi “vũ đài” thần thoại và nhường tên nó lại cho vị khác, vị thần của công xã chiến thắng. Và ngọn cờ chiến thắng chính là biệt danh cắm vào với cái tên vốn có của vị thần được lịch sử xã hội “phù hộ”.

Athéna thường có một biệt danh quen thuộc là Pallas. Người xưa giải thích, sở dĩ nàng có biệt danh này là do nàng đã đánh bại được tên khổng lồ Pallas trong một cuộc giao tranh ác liệt. Để ghi nhớ chiến công hiển hách của mình, Athéna lột da địch thủ căng lên tấm khiên. Có chuyện lại kể, Pallas không phải là một tên khổng lồ đã bị đánh bại trong cuộc giao tranh giữa các thần và những tên Gigantos-Đại khổng lồ. Pallas là một thiếu nữ, con vị thần biển Triton. Athéna chẳng hiểu vì một chuyện gì đã vô tình gây ra cái chết của Pallas. Để bày tỏ tấm lòng thương tiếc và hối hận đối với cái chết của người con gái bất hạnh, Athéna lấy da của Pallas lợp lên chiếc khiên của mình và ghép tên nàng vào với tên mình.

Ngoài biệt danh Pallas, Athéna còn có những biệt danh như Promachos hoặc Tritogénia và đôi khi là Hygia. Athéna tham dự vào khá nhiều chuyện của thế giới thiên đình và thế giới loài người. Đối với người Hy Lạp cổ xưa, Athéna là vị nữ thần đã đem lại cho họ một cuộc sống văn minh hơn. Nàng là vị nữ thần của Trí tuệ, Tri thức. Nàng là ánh sáng của khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật chiếu rọi xuống đời sống tối tăm của con người. Nàng còn là vị nữ thần của chiến trận, chiến thắng. Athènes, một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của thế giới Hy Lạp ngày xưa và thủ đô của nước Hy Lạp ngày nay, là đô thị mang tên nữ thần Athéna và được nữ thần Athéna bảo hộ. Con vật gắn bó với nữ thần Athéna, một dấu vết về tiền sử tôtem của nữ thần, là con cú mèo. Vì thế nữ thần thường có những định ngữ kèm theo: Athéna có đôi mắt cú mèo, Athéna có đôi mắt xanh lục... Ngày nay trong văn học các nước phương Tây cái tên Athéna hoặc Minerve có một nghĩa bóng là “người đàn bà thông minh”, “người phụ nữ tri thức”, “thông tuệ”. Từ đó Con cú của nữ thần Athéna cũng tượng trưng cho sự hiểu biết, tri thức, sự thông minh, thông tuệ.

Lại nói về chuyện thần Zeus đẻ nữ thần Athéna. Đây là một sự tức khí của Zeus. Thần Zeus muốn chứng tỏ cho thế giới Olympe biết, và nhất là cho Héra biết rằng không phải chỉ có đàn bà mới đẻ được, mới sinh con cái được. Đàn ông cũng đẻ được chứ đừng tưởng chỉ riêng có đàn bà, đừng có lấy thế mà tỏ vẻ lên mặt, vênh váo! Tại sao lại có chuyện tức khí như vậy? Đó là, dễ hiểu thôi, xã hội đã chuyển biến sang thời kỳ thị tộc phụ quyền vì thế mới xuất hiện loại huyền thoại hạ uy thế của người phụ nữ!

Athéna thắng Poséidon, được cai quản miền đồng bằng Attique

Attique (tiếng Hy Lạp: Attike, Attili) là một vùng đồng bằng ở miền Trung Hy Lạp. Thuở xa xưa, nơi đây còn hoang vắng, làng thưa, dân ít, chưa vị thần nào chú ý đến mảnh đất nhỏ hẹp này. Lúc đó cai quản Attique là một vị vua tên là Cécrops. Nữ thần Đất mẹ của muôn loài Gaia vĩ đại, đã sinh ra Cécrops, một vị thần nửa người nửa rồng. Cécrops lấy Aglauros sinh được một trai và ba gái. Năm tháng trôi đi, vùng đồng bằng Attique cũng theo năm tháng mỗi ngày một thay đổi. Cảnh vật nom đầy đặn, ấm áp hơn, vui mắt hơn. Cécrops bèn chia vùng đồng bằng Attique thành mười hai tiểu khu, trong số đó tiểu khu Athènes là trú phú, sầm uất hơn cả (thật ra lúc này nó chưa có tên là Athènes). Thấy một vùng đất giàu có, đẹp đẽ chưa có vị thần nào cai quản, nữ thần Athéna liền đến bày tỏ nguyện vọng được cai quản vùng đồng bằng Attique và bảo trợ cho tiểu khu Athènes. Nhưng vừa lúc Athéna bày tỏ nguyện vọng xong thì thần Poséidon cũng từ dưới biển lên xin yết kiến nhà vua Cécrops để thỉnh cầu nhà vua cho được cai quản vùng Attique và... nghĩa là cũng giống như nguyện vọng của Athéna. Tình hình thật khó xử. Hai vị thần bèn giao ước với nhau, mỗi vị sẽ tùy theo tài năng của mình ban cho Athènes một tặng vật. Tặng vật nào được coi là quý giá hơn hết thì người chủ của nó sẽ giành được quyền cai quản và bảo trợ.

Nhà vua Cécrops làm trọng tài phán quyết việc hơn thua trong cuộc tranh giành này. Poséidon lên tiếng trước. Thần nói:

- Ta sẽ ban cho đô thành trên ngọn đồi cao đây của nhà vua một tặng vật hiếm có trên đời này. Ta chắc rằng khó mà nhà vua tìm được một vị thần nào có thể ban cho nhà vua một thứ gì quý báu hơn.

Poséidon nói, đoạn xoay cây đinh ba lại và giáng một nhát vào vách đá. Vách đá nứt ra. Một tia nước mặn từ kẽ nứt của đá vọt ra, xối chảy, chảy ngày càng mạnh và tuôn vào một cái giếng sâu thẳm. Cécrops vô cùng kinh ngạc trước sự mầu nhiệm của cây đinh ba thần thánh của vị thần cai quản mọi biển khơi. Đến lượt nữ thần Athéna. Nàng nói:

- Ta sẽ ban cho con dân của đất Attique một tặng vật vô cùng thân thiết với đời sống. Nó có thể đem lại cho mảnh đất này sự hòa bình và thịnh vượng đời đời.

Nói xong nữ thần Athéna cầm ngọn lao dài phóng mạnh xuống mặt đất. Khi nữ thần rút ngọn lao lên thì kỳ lạ thay, từ kẽ nứt của mặt đất mọc lên một chiếc cây. Chiếc cây cứ lớn lên vùn vụt, tỏa cành, đâm lá xum xuê. Rồi từ những cành lá xum xuê đó mọc ra những quả nho nhỏ thon thon. Đó là cây olive, một cây mà tuổi thọ có thể tới một ngàn năm. Còn quả olive chứa chất dầu rất quý.

Cécrops đến lượt mình lên tiếng phán quyết. Nhà vua coi tặng phẩm của nữ thần Athéna là quý báu hơn cả. Từ đó Athéna là vị nữ thần bảo hộ cho vùng đồng bằng Attique và tiểu khu Athènes. Có chuyện kể, không phải Cécrops đóng vai trò người phán định cuộc tranh giành miền Attique giữa hai vị thần Athéna và Poséidon mà là hội nghị các vị thần Olympe. Có chuyện kể chính những người dân Athènes đóng vai trò quyết định. Họ được chứng kiến tài năng thần kỳ của các vị thần trong cuộc đua tài và sau đó họ bỏ phiếu cho Athéna. Số phiếu của Athéna hơn Poséidon một, do đó Athéna thắng cuộc. Người ta còn kể tặng vật của Poséidon không phải là một mạch nước mặn chảy ra từ vách đá, mà là một con ngựa...

Thua cuộc, Poséidon tức giận nhà vua Cécrops và con dân của đất Attique vô cùng. Và đối với các vị thần một khi đã tức giận là phải có sự trừng phạt tiếp theo. Poséidon lại dùng cây đinh ba thần thánh của mình giáng xuống một vùng đất đồng bằng Attique khiến cho vùng này sụt thấp hẳn xuống và biến thành một vùng đầm lầy nước mặn rộng mênh mông, chẳng thể nào trồng trọt được.

Athéna thắng lợi trong cuộc tranh giành quyền bảo hộ cho đất Attique. Chính từ đây mới ra đời cái tên “Athènes” (tiếng Hy Lạp: Athênai, Athina) với ý nghĩa là đô thị được nữ thần Athéna bảo hộ hoặc đô thị của nữ thần Athéna. Còn cành olive trở thành một biểu tượng cho hòa bình và thịnh vượng, hoặc sự hiểu biết sáng suốt.

Nói về Cécrops, sinh được một trai là Érysichthon và ba gái là Aglauros, Hersé và Pandrosos. Để ghi nhớ công ơn của nữ thần Athéna, nhà vua cho xây đền thờ nữ thần mang tên là Cécropia và đặt ra các nghi lễ tập tục thờ cúng các vị thần thay cho những nghi lễ và tập tục cũ phải giết người để hiến tế thần linh. Cécrops còn đặt ra luật pháp và truyền dạy cho nhân dân chữ viết... làm cho đời sống của nhân dân vùng đồng bằng Attique ngày càng văn minh hơn, giàu có hơn. Cécrops làm vua được bao lâu và có truyền ngôi lại cho con cháu trải qua mấy đời như tục lệ thường thấy không, chúng ta không thấy chuyện xưa kể lại rành rõ. Nhưng truyền thuyết xưa cho ta biết người kế tục sự nghiệp của Cécrops cai quản vùng đồng bằng Attique và đô thị Athènes là nhà vua Érichthonios. Érichthonios là con của thần Thợ rèn-Héphaïstos và nữ thần Đất-Gaia, có người nói chàng là con của Héphaïstos và nữ thần Athéna nhưng lại được sinh ra từ đất. Một hôm nữ thần Athéna trao cho ba người con gái của nhà vua Cécrops một cái vại (có chuyện kể một cái giành) đậy kín và căn dặn phải giữ gìn cẩn thận và cấm ngặt không được mở ra xem. Nhưng thói tò mò mà vốn là cái “tiền oan nghiệp chướng” từ người đàn bà đầu tiên của thế gian, Pandore truyền lại, cho nên ba người con gái của Cécrops không sao mà áp chế nổi cái thói tò mò đang bật dậy trong trái tim họ. Họ đã mở cái vại ra xem. Ôi chao! Khủng khiếp quá! Khủng khiếp hết chỗ nói! Trong vại có một đứa bé nằm, nằm lọt thỏm giữa một lũ rắn đệm, dát ở xung quanh. Ba người con gái của Cécrops chỉ kịp thét lên một tiếng rồi ôm đầu chạy. Họ đã hóa điên vì sợ hãi. Có thể nữ thần Athéna làm cho họ mất trí vì họ đã không tuân theo lời căn dặn của thần. Và cả ba người con gái của Cécrops đâm đầu từ trên ngọn núi Acropole xuống, kết liễu cuộc đời. Đứa bé trong cái vại đó chính là Érichthonios. Nữ thần Athéna đưa chú bé vào trong đền và nuôi dạy chú thành một chàng trai tài giỏi, xứng đáng là con cháu của các vị thần. Érichthonios thừa kế sự nghiệp của Cécrops, cai quản vùng đồng bằng Attique và đô thị Athènes. Nhà vua đặt ra nghi lễ thờ cúng nữ thần Athéna và đặt ra Hội Panathénées, xây đền thờ nữ thần Athéna và Poséidon đặt tên là Erechthéion. Nhà vua cũng là người sáng tạo ra chiếc xe tứ mã. Do “dây mơ, rễ má” của chuyện những người con gái của Cécrops với Athéna nên nữ thần Athéna thường có những định ngữ kèm theo như Athéna Aglauros, Athéna Pandrosos.

Hội Panathénées lúc đầu chỉ mở ở tiểu khu Athènes, giới hạn trong những công xã ở địa phương này. Sau dần nó trở thành ngày hội của toàn thể nhân dân vùng đồng bằng Attique. Lúc đầu hội được mở mỗi năm một lần vào những ngày cuối của tháng tám (tháng Hécatombe), đến thời Pisistrate mở bốn năm một lần và mở vào trước Hội Olympiques một năm gọi là Hội lớn Panathénées. Cũng như các Hội Olympiques và Hội Pithiques, trong những ngày Hội Panathénées người Hy Lạp tổ chức thi đấu võ nghệ, thể dục, thể thao. Từ thời Pisistrate đưa thêm các môn thi đọc thơ (kể chuyện thơ) cho các nghệ nhân dân gian rhapsode đến thời Périclès đưa thêm vào môn thi ca hát và biểu diễn âm nhạc. Những người chiếm giải trong cuộc thi được tặng thưởng một vòng hoa olive và một chiếc bình đựng dầu olive, thứ dầu thiêng liêng là tặng vật của nữ thần Athéna ban cho con dân Hy Lạp. Tục lệ ấy ngày nay còn lưu giữ lại trong sinh hoạt thi đấu thể dục thể thao của chúng ta. Giải thưởng cho những cá nhân và tập thể thắng cuộc thường là một chiếc bình, lọ dáng thon thả, thanh thoát có hai quai như chiếc bình đựng dầu olive của người Hy Lạp xưa kia.

Athéna biến Arachné thành con nhện

Xưa kia ở xứ Lydie, thần Colophon có một người con gái tên là Arachné. Nàng nổi danh vì sắc đẹp thì ít nhưng về tài dệt vải, dệt lụa thì nhiều. Không một người phụ nữ xứ Lydie nào có thể sánh tài với nàng về nghệ thuật dệt. Nhìn những tấm lụa do bàn tay nàng dệt ra người ta tưởng chừng như Arachné đã lấy những tia nắng làm sợi cho nên nó mới óng ả, trau chuốt và mịn mỏng đến như thế. Còn khi những thiếu nữ Lydie mặc những tấm lụa do Arachné dệt, tham dự vũ hội thì thật là tuyệt đẹp. Người ta bảo đó là những nàng tiên, những Nymphe đang ca múa trong những buổi sớm mai dưới lớp sương mù mờ mờ ảo ảo. Đến cả những vị thần, nam thần và nữ thần cũng phải khâm phục tài dệt khéo léo của nàng và nhiều vị đã từng xuống tận nơi để xem Arachné dệt. Song thói đời kẻ có tài lại dễ mắc cái bệnh kiêu căng. Arachné mất tỉnh táo trước những lời khen ngợi, quá say mê, nhấm nháp tán thưởng những công trình lao động của mình đến nỗi coi rằng trên thế gian này ngoài Arachné ra thì không có người thứ hai nào dệt nổi được những tấm vải, tấm lụa đẹp đẽ đến như thế. Có người nhắc nàng đừng quên tài nghệ của nữ thần Athéna, vì một người trần không thể nào có tài sánh ngang với các bậc thần linh được. Nhưng Arachné chẳng thèm để ý đến lời khuyên nhủ chân thành ấy mà lại còn ăn nói sỗ sàng hơn:

- Thì ta thách cả nữ thần Pallas tới đây thi tài dệt với ta đấy! Athéna cũng không thắng nổi Arachné này đâu. Ta sẵn sàng thử tài một phen với nữ thần.

Những lời thách thức ngạo mạn ấy không cánh mà bay đến tai nữ thần. Một bữa kia, một bà già đầu tóc bạc phơ, lưng còng, chống gậy lần bước tới xứ Lydie tìm gặp Arachné và nói với nàng:

- Ta nghe nói con có ý định thách thức nữ thần Athéna đua tài dệt với con. Con hãy từ bỏ ý định đó đi vì dù sao đây cũng là lời khuyên bảo của một người nhiều tuổi hơn con. Năm tháng trôi đi mang theo của ta sức khỏe và cũng để lại cho ta nhiều kinh nghiệm bổ ích. Những người trần thế chẳng thể nào tài giỏi hơn các vị thần. Con hãy đua tài với các bạn con nhưng đừng có thách thức các vị thần. Con phải dâng ngay lễ vật cầu xin nữ thần Athéna tha thứ cho những lời nói phạm thượng của con.

Nghe cụ già nói xong, Arachné chẳng cần bình tâm suy nghĩ, nàng trả lời ngay bà cụ:

- Cụ già ơi! Đúng là tuổi tác đã làm cho cụ trở thành lẩm cẩm mất rồi. Thôi cụ hãy trở về nhà và đem những lời khuyên bảo ấy mà dạy cho con cháu của cụ. Còn ta, ta chẳng nghe cụ đâu. Ta vẫn muốn thi tài với nữ thần Athéna một phen cho tỏ tường cao thấp. Lời thách thức của ta chắc rằng đã đến tai nữ thần Athéna từ lâu, thế mà nàng vẫn không đến. Hay nàng không dám thi tài với ta?

Arachné vừa nói dứt lời thì bà cụ già thét lên một tiếng:

- Ta đây, nữ thần Athéna con của Zeus đấng phụ vương đây! Hỡi Arachné, ta sẵn sàng chấp nhận cuộc thi tài dệt với nàng!

Và phút chốc bà cụ già lưng còng, tay chống gậy yếu đuối, run rẩy đã hiện lại nguyên hình là nữ thần Athéna mắt sáng long lanh, đầu đội mũ trụ, tay cầm ngọn lao đồng uy nghi, lộng lẫy, ánh sáng tỏa ra ngời ngợi.

Các thiếu nữ Lydie đứng xung quanh đó thấy vậy vội đến trước nữ thần Athéna kính cẩn cúi chào. Chẳng mấy chốc từ khắp nơi kéo đến đông nghịt những người. Ai ai cũng muốn được chiêm ngưỡng vị nữ thần danh tiếng lẫy lừng con của Zeus. Riêng có Arachné vẫn giữ nguyên thói kiêu căng, chẳng từ bỏ ý định thi tài mà lại tỏ ra bất kính. Nàng không biết rằng nàng đang dấn thân vào cái chết. Còn nữ thần Athéna thì tỏ ra không kìm nổi sự giận dữ. Khuôn mặt xinh đẹp của nữ thần ửng đỏ lên như nàng Bình minh-Éos mỗi sáng chắp đôi cánh hồng từ dưới biển bay lên.

Cuộc thi bắt đầu. Nữ thần Athéna dệt tấm khăn choàng cảnh vật đô thị Athènes. Đây là ngọn đồi Acropole vươn cao lên trên những xóm làng. Theo từng bậc đá đi lên, những thiếu nữ Athènes đang nối gót nhau mang lễ vật đến dâng cúng các vị thần ở những đền thờ đẹp đẽ, uy nghi. Nữ thần Athéna dệt cảnh cuộc tranh giành quyền cai quản vùng đồng bằng Attique và đô thị Athènes, giữa nữ thần và thần Poséidon, vị thần cai quản mọi biển khơi suối nguồn, sông nước. Các vị thần Olympe dưới quyền điều khiển của thần Zeus tối cao ngồi xem cuộc tranh đua để giám định kết quả. Thần Poséidon, vị thần làm Rung chuyển Mặt đất, giáng cây đinh ba vào một tảng đá làm nước chảy vọt ra tung tóe. Đến cảnh nữ thần Athéna phóng lao xuống lòng đất, những đường dệt mới nổi bật lên đẹp đẽ làm sao! Cây olive từ lòng đất sâu, xanh thẳm mọc lên. Thần Zeus tươi cười đưa tay ra chỉ vào cây olive, quyết định Athéna thắng cuộc. Xung quanh tám khăn choàng nữ thần Athéna dệt những cành lá olive và cảnh những người trần thế bị các vị thần trừng phạt vì tội kiêu căng, khinh thị thánh thần.

Arachné quyết không chịu thua kém nữ thần Athéna. Nàng dệt lên tấm thảm của mình biết bao cảnh sinh hoạt của thế giới thần linh. Chỗ này là chiến công của các vị thần Olympe đối với những tên Đại khổng lồ, chỗ kia là cảnh yến tiệc tưng bừng của các vị thần trên đỉnh Olympe trong tiếng đàn ca của Apollon và các nàng Muses. Arachné còn dệt nên biết bao cảnh các vị thần đắm đuối trong dục vọng ái ân với người trần thế. Nàng cũng không quên dệt cả những cảnh ghen tuông và những thú vui trần tục, những cơn giận dữ gớm ghê và những sự trừng phạt bất công. Xung quanh chiếc thảm Arachné còn dệt những vòng dây leo quấn quít, uốn lượn rất khéo léo. Có thể nói tấm thảm của Arachné dệt thật là hoàn mỹ và dù là một vị thần hoặc một người trần thế có đôi mắt tinh tế nhất cũng khó mà quyết định được rằng tấm thảm của Arachné thua kém chiếc khăn của Athéna ở chỗ nào. Điều đó khiến nữ thần Athéna phật ý. Nhưng điều làm nữ thần bất bình hơn hết là trên tấm thảm dệt khéo léo đó, Arachné đã miêu tả thế giới thần linh với một thái độ bất kính. Arachné đã phơi bày tất cả những thói xấu của các vị thần, những dục vọng trần tục của các vị mà trong thâm tâm các vị không muốn ai hoặc cho phép ai nói đến. Những người trần thế đoản mệnh phải biết tôn kính, phục tùng các vị thần, phải giữ đúng bổn phận dâng cúng lễ vật đều đều và nhất nhất tuân theo những lời phán truyền của thế giới thần linh, và tốt hơn hết là ca ngợi. Như vậy là Arachné đã phạm tội bất kính đến hai lần đối với thần thánh: dám đua tài với thần thánh và bôi nhọ thần thánh. Nữ thần Athéna không thể chịu được một hành động vô đạo đến như vậy. Nàng xé tan ngay tấm thảm của Arachné và cầm con thoi vụt, đánh túi bụi vào mặt Arachné, Arachné ôm đầu chạy. Uất ức và đau đớn, nàng treo cổ tự tử. Nhưng Athéna đuổi theo và kịp thời gỡ Arachné ra khỏi dây treo cổ.

Nữ thần bằng một giọng đầy khiêu khích nói với nàng:

- Hỡi cô gái ương bướng, cô không chết được đâu! Cô sẽ phải sống mãi, sống đời đời để dệt tấm thảm của cô. Và con cháu cô đời đời kiếp kiếp cũng sẽ phải dệt mãi, dệt mãi như cô.

Nói rồi Arachné lấy một thứ nước cỏ thần nhỏ vào người Arachné. Thế là toàn thân nàng co rúm lại, mớ tóc dài óng chuốt, đẹp đẽ là thế bỗng nhiên rụng hết, nàng biến thành con nhện với những cái chân dài nghêu ngao, lông lá. Và thế là cũng từ đó trở đi con nhện Arachné cứ treo thân trên tấm thảm do mình dệt ra và cứ thế dệt mãi, dệt mãi, dệt hết ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác kiếp kiếp đời đời trên tấm thảm của mình.

THẦN HERMÈS

Trong số những vị thần Olympe thì Hermès là vị thần mà ngay khi mới ra đời tinh hoa đã phát tiết ra ngoài một cách khác thường. Có thể nói khôn ngoan, ranh mãnh, mưu mô, tinh quái là “tính trời vốn sẵn” của chú bé Hermès khi còn nằm trong nôi. Bố Hermès là thần Zeus, còn mẹ là nữ thần Maïa, một nữ thần chị cả của một gia đình có bảy chị em gái, gọi chung bằng một cái tên là: “Pléiades”. Về bên nội của Hermès thì không có gì đáng kể. Nhưng về bên ngoại thì cũng cần phải kể qua chút ít để mọi người được rõ thêm về tông tộc của vị thần này. Ông ngoại Hermès là thần Atlas, một Titan đã phải chịu hình phạt giơ vai ra đội, chống cả bầu trời. Bà ngoại Hermès là Pléioné sinh được bảy con gái, mẹ Hermès, nữ thần Maïa là chị cả. Theo một chuyện xưa kể lại thì, khi được tin Atlas, cha mình, bị Zeus trừng phạt, các Pléiades đã buồn rầu đến nỗi không thiết sống nữa. Cả bảy chị em tự tử và sau khi chết biến thành một chòm sao có bảy ngôi liền nhau. Ngày nay những đêm quang mây người ta vẫn có thể nhìn thấy trên bầu trời phương Bắc chòm sao Pléiades. Nhưng có một chuyện lại kể không phải những Pléiades tự tử. Họ được thần Zeus biến thành sao để thoát khỏi sự theo đuổi của một chàng chăn chiên xinh đẹp, hiếu sắc tên là Orion. Chuyện về chàng Orion này thật là lắm chuyện. Chỉ biết cuối cùng chàng bị chết và biến thành chòm sao Orion. Nhưng chết rồi mà chàng ta vẫn không chừa cái thói trăng hoa. Vì thế trên bầu trời, Orion lúc nào cũng theo đuổi Pléiades. Ngày nay trong văn học thế giới, Pléiades là một biểu trưng chỉ một nhóm người tài năng kiệt xuất, đạo cao đức trọng, danh tiếng lẫy lừng.

Nữ thần Pléiades Maïa sinh Hermès trong hang núi Cyllène ở đất Arcadie. Vừa mới ra đời chú bé Hermès đã trổ ngay cái tài... ăn cắp bẩm sinh của mình. Maïa hình như đoán biết được thiên bẩm của cậu con trai “quý tử” ấy cho nên đã lấy tã lót quấn bọc chặt chú bé lại. Nhưng sự lo xa, đề phòng của Maïa vô ích. Chú bé Hermès bức bối, khó chịu vì không được tự do nên đã cựa quậy, giãy giụa liên hồi để thoát ra khỏi cái cảnh “địa ngục” ấy. Và cuối cùng chú tự giải thoát được. Chú trèo ra khỏi nôi và bắt đầu đi du ngoạn. Chú đi khắp mọi nơi, mọi chỗ đến nỗi khó có một vị thần nào thông thuộc đường đi lối lại ở đất nước Hy Lạp như chú. Thôi thì từ đường núi đến đường biển, đường sông, khắp hang cùng ngõ hẻm nào trên đất nước Hy Lạp Hermès cũng biết, cũng từng đi qua. Sau khi đi chơi chán rồi Hermès đi đến Piérie, một thung lũng ở đất Macédoine. Tới đây Hermès gặp đàn bò của Apollon. Thật ra thì không phải đàn bò của Apollon mà là của nhà vua Admète. Apollon chỉ là người chăn bò cho nhà vua (Sao mà Apollon đưa bò đi chăn xa thế!). Nguyên do vì sao mà một vị thần lại phải đi chăn bò cho một người trần thế thì chúng ta hẳn đã biết khi nghe kể chuyện về cuộc đời của vị thần Apollon.

Hermès thấy đàn bò đang gặm cỏ ngon lành nhưng không thấy người chăn. Cậu ta liền nảy ra ý định... ăn cắp. Đúng vậy, ăn cắp! Hermès lừa lúc Apollon sơ ý đã lấy trộm mười hai con bò cái, một trăm con bê và một con bò mộng dắt đi (Có chuyện nói chỉ có 15 con bò cái). Nhưng lấy thì dễ còn đưa đi mới khó. Phải làm sao cho Apollon không biết, hoặc nếu có biết thì cũng không lần ra được dấu vết để mà truy tìm, đòi lại. Hermès bèn buộc vào mỗi đuôi con bò một cành cây rồi lùa chúng đi. Cành cây đó với túm lá lòa xòa như chiếc chổi, sẽ quét sạch mọi vết chân bò in trên mặt đường. Có người lại kể, Hermès còn tinh ma quỉ quái hơn, lấy guốc xỏ vào chân mỗi con bò rồi cầm đuôi bò kéo, bắt chúng đi giật lùi. Khá khen thay cho cái đầu óc thông minh của Hermès, chỉ tiếc cái là nó đã được sử dụng vào việc ăn cắp! Thần Apollon có tài thánh cũng không biết được bò của mình đi đâu. Hermès lùa đàn bò về đất Pylos thuộc vùng đồng bằng Péloponnèse. Công việc tưởng trót lọt. Ngờ đâu khi đi qua đất Béotie có một ông già tên gọi là Battos trông thấy. Lúc này trời đã về chiều. Sợ vỡ lở, vị thần Trộm cắp này bèn “hối lộ” cụ già:

- Này cụ ơi! Cụ làm ruộng vui vẻ thế kia mà không có lấy một con bò nó đỡ cho thì thật là khổ. Sao cụ không tậu lấy một con?

Ông già Battos dừng tay cuốc, trả lời chú bé:

- Chú bé chăn bò kia ơi! Chú giễu cợt ta đấy phải không? Chú tưởng tậu một con bò dễ lắm đấy hử? Hay chú thương lão già vất vả định bán rẻ cho lão một con đấy chăng? Chú có bán thì lão cũng chẳng có tiền mua đâu.

Hermès liền bày tỏ ý định:

- Con sẵn sàng biếu cụ một con bò thật béo thật đẹp, béo đẹp nhất trong đàn. Mà thôi, con cứ để tùy cụ chọn, cụ thích con nào cụ lấy con ấy, nếu cụ giúp con một việc, một việc rất nhỏ và dễ dàng thôi, chẳng phải dùng đến sức, cũng chẳng phải dùng đến tài, chẳng phải lo nghĩ tính toán gì hết.

Cụ già tròn mắt ngạc nhiên. Hermès ghé vào tai cụ nói vài lời. Cụ già vừa nghe vừa gật gật đầu tỏ vẻ ưng thuận.

- Cụ cứ ỉm đi chuyện cháu qua đây đi. Có ai hỏi gì cụ cứ bảo, tôi chẳng thấy gì sất, là yên chuyện. Cụ cứ bảo, tôi làm ruộng suốt từ mờ sáng đến tối mịt chẳng thấy có bò, bê nào qua đây cả. Người ta có gạn hỏi, cụ cứ trước, sau chỉ trả lời có thế... cụ cứ trả lời thế cho con nhờ.

Hermès dặn lại cụ già một lần nữa trước khi dắt bò đi. Hám lợi, cụ già Battos ưng thuận. Hermès dẫn bò đi. Đi được một quãng khá xa, vị thần quỉ quái tinh ma này thấy cần phải thử lại ông cụ già, xem cụ có thật tôn trọng lời hứa với mình không, có là người trung thực không. Hermès đưa đàn bò vào bên kia rừng giấu rồi thay hình đổi dạng, cải trang thành một khách bộ hành đứng tuổi. Và vị khách bộ hành này với dáng vẻ mệt mỏi và bỡ ngỡ đi tới chỗ cụ già Battos.

Anh ta cất tiếng hỏi:

- Cụ già kính mến ơi! Cụ làm ruộng gần bên đường dây, cụ làm ơn bảo giúp cháu: có một chú bé nào lùa đàn bò ấy đi qua đây không? Cụ ơi! Cụ chỉ cho cháu biết đàn bò đi nẻo nào thì cháu chẳng bao giờ quên ơn cụ đâu. Cháu sẽ biếu cụ một con bò đực và một con bò cái, một đôi bò thật đẹp không thể chê trách chỗ nào được. Ông già Battos phân vân một lát. Ông tính toán: mình mà được một đôi bò nữa thì bà lão nhà mình sung sướng hết chỗ nói. Gia đình mình đỡ vất vả biết bao. Tính toán như thế nên ông già sẵn sàng nuốt lời hứa, bội ước với thần Hermès:

- Có, ta có thấy, anh cứ đưa cho ta đôi bò ta sẽ chỉ cho.

Và Battos đã chỉ đường cho người khách bộ hành. Hermès tức giận ông già vô cùng. Thần quát lên:

- Lão già khốn kiếp này! Mi tưởng rằng mi có thể lừa đảo được cả Hermès con của đấng phụ vương Zeus chăng? Ta sẽ cho mi biết cái thói lá mặt lá trái phải trả giá như thế nào!

Nói đoạn Hermès biến cụ già Battos thành một tảng đá, một tảng đá bên đường nhưng câm tịt, câm như đá để làm gương cho người đời.

Hermès tiếp tục lùa đàn bò đi. Thần Apollon lúc này cũng chưa hay biết gì. Tới Pylos, Hermès giết hai con bò để tế các vị thần Olympe. Sau khi xóa hết mọi vết tích rồi giấu kỹ lũ bò ăn trộm được vào trong một cái hang sâu, chú bé Hermès lại trở về với cái hang của mình ở Arcadie. Vừa tới cửa hang, Hermès bắt gặp ngay một con rùa ở giữa lối đi. Chú liền nảy ra một ý nghĩ: làm một cái đàn. Thế là Hermès bắt con rùa, lột lấy mai rồi đem ruột của con bò căng lên trên cái mai đó (có chuyện kể gân bò). Cây đàn lia ra đời. Xong xuôi, Hermès bèn lặng lẽ chui luồn vào đống tã lót nằm, nằm im thin thít ở trong nôi ra vẻ như không có chuyện gì xảy ra.

Apollon đến lúc này mới biết bị mất bò. Thần đi tìm ngược xuôi, sớm tối khắp đồng trên bãi dưới mà chẳng thấy tăm hơi. Cuối cùng có một con chim tiên tri chỉ đường cho Apollon đến Pylos. Chỗ này có chuyện kể hơi khác. Ông già Battos hám lợi đã chỉ đường cho Apollon. Và sau này Hermès mới trừng phạt thói xấu đảo điên của cụ. Tới Pylos, Apollon cũng không sao tìm ra được đàn bò của mình. Vị thần có bộ tóc vàng quăn này có lần đã mò tới một cái hang và toan sục vào tìm. Nhưng nhìn xuống đất Apollon độc thấy dấu chân bò từ trong hang đi ra vì thế Apollon lại bỏ đi tìm nơi khác. Thì ra thần đã trúng mưu của Hermès. Lúc dồn bò vào hang, Hermès cầm đuôi chúng kéo, bắt chúng đi giật lùi.

Biết Hermès lấy trộm bò của mình nhưng không sao tìm được chỗ y giấu, Apollon đành phải đến gặp Maïa để nhờ Maïa can thiệp. Chẳng rõ Maïa có biết việc ông con của mình trổ tài “cầm nhầm” không, người thì kể rằng Maïa có biết nhưng tham của nên bênh con; người thì kể thực sự nàng không biết, nhưng vừa nghe Apollon trách mắng con mình ăn cắp là bà ta nổi tam bành lục tặc lên, sỉ mắng Apollon đã vu oan giá họa, đặt điều nói xấu con bà. Còn Hermès cứ nằm im thin thít trong nôi làm như không hề biết tí gì đến những chuyện lôi thôi rắc rối đó. Apollon nổi nóng, chạy đến bên cái nôi, dựng cổ Hermès dậy:

- Này ông mãnh! Ông đừng giả ngây giả điếc nữa đi! Muốn yên muốn lành thì trả ngay ta số bò nếu không thì đừng có trách! Ống tên của Apollon này vẫn còn đầy và dây cung chưa đứt đâu. Ta sẽ dẫn thẳng ông mãnh này tới thần Zeus để xin thần phân xử.

Hermès vẫn vờ vịt:

- Ông anh yêu quý, con của nữ thần Léto xinh đẹp ơi! Một mất mười ngờ, ông làm gì mà quên mất cả tình nghĩa, điều hay lễ phải như thế! Tôi suốt ngày chỉ nằm trong nôi lại còn bị bọc quấn bao nhiêu là tã lót, một bước không ra khỏi cái hang tối om này thì làm sao mà biết được đến chuyện bò, chuyện bê của anh. Tôi chỉ biết có mỗi một chuyện là bú no rồi ngủ cho kỹ thôi. Anh cứ chịu khó đi tìm rồi thế nào cũng thấy. Khắc tìm khắc thấy mà!

Apollon quát:

- Tao không đi tìm nữa. Mày vờ vĩnh như thế đủ rồi! Ngay thật thì cứ đi với tao lên gặp thần Zeus. Mọi việc đến tay thần Zeus phân xử là xong hết.

Nói rồi Apollon cầm tay chú bé Hermès kéo đi. Chẳng cần phải kể dài dòng chuyện thần Zeus phân xử, bởi vì ai cũng biết vị thần tối cao này là một đấng chí sáng suốt, chí công minh. Hermès theo lệnh Zeus phải trả lại bò cho Apollon. Từ Olympe trở về, Hermès dẫn Apollon đến Pylos rồi dẫn vào cái hang mà cậu ta đã giấu bò. Apollon lúc này mới thấy hết cái đầu óc gớm ghê của thằng em mình. Thì ra vị thần Ánh sáng này cũng có lúc đầu óc hơi thiếu ánh sáng nên mới bị lừa. Trong khi Apollon vào hang lùa bò ra thì Hermès kiếm một phiến đá to và bằng phẳng ngồi đợi. Cậu ta lấy cây đàn lia ra gảy. Cây đàn bật lên những tiếng du dương êm ái. Từ trong hang núi dắt bò ra, Apollon lắng nghe những âm thanh kỳ diệu của cây đàn lia, những âm thanh trầm bổng, man mác bay đi khắp núi rừng, đồng bãi, bờ biển. Thần từ ngạc nhiên về tài năng của đứa em tinh quái của mình đến ngây ngất, say mê, bồi hồi xúc động. Apollon cứ đứng tựa người vào một thân cây mà nghe Hermès gảy đàn đến nỗi quên cả chuyện bò, chuyện bê. Cuối cùng là thần Apollon xin đổi toàn bộ số bò vừa mới dắt ở trong hang ra lấy cây đàn lia. Còn Hermès được đàn bò thì rất khoái chí. Nhưng cậu ta mất cây đàn lia thì kể ra cũng buồn, nhất là khi ngồi trông đàn bò gặm cỏ. Có thể nào cái chú bé tinh quái ấy, không lúc nào chịu yên chân yên tay ấy, lại chịu ngồi không đuổi ruồi khi chăn bò? Và một nhạc cụ khác đã ra đời thay thế cho cây đàn lia, Hermès chế tạo ra một loại sáo kép. Không phải một ống sáo đơn như ống sáo của nữ thần Athéna vứt đi rồi Marsyas nhặt lấy hồi xưa đâu. Đây là một cây kép có tới bảy ống dài ngắn khác nhau ghép vào, khi thổi lên nghe như có cả bầy chim đang ríu rít bên tai nhưng lại cũng có thể thổi lên những âm thanh trầm trầm, chậm rãi, buồn man mác, xa xôi tưởng như hoàng hôn đang xuống trong bước đi lững thững của đàn bò no cỏ về chuồng.

Những người chăn chiên, chăn bò ở Hy Lạp xưa kia vô cùng biết ơn vị thần đã sáng chế ra chiếc sáo kỳ diệu đó. Cho đến nay cây sáo kép này vẫn được mọi người ưa thích. Nó đã từng chinh phục biết bao trái tim, làm xúc động biết bao con người trên mặt đất này.

Hermès không phải chỉ có ăn trộm bò của thần Apollon. Vị thần này ưa trêu chọc, nghịch ngợm đã có lần trổ tài cho thần Zeus biết. Hermès lấy ngay cây vương trượng của Zeus. Lấy đùa một tí thôi chứ không dám đùa “dai”. Còn Poséidon thì cũng đã từng một lần mất cây đinh ba gây bão tố. Và Apollon lại nếm tài của Hermès lần thứ hai. Lần này Hermès “chơi” ngay vào vũ khí của Apollon: ống tên và cây cung. Thần Chiến Tranh Arès thì bị mất thanh gươm... Vì thế cho nên Hermès là một vị thần Trộm cắp, Lừa đảo. Hermès còn được người xưa ban cho nhiều chức năng khác nữa. Đầu tiên là vị thần bảo hộ cho những người chăn chiên, chăn bò, bảo hộ cho nghề chăn nuôi rồi nối tiếp đó là vị thần đã có cái “sáng kiến” đầu tiên, đòi hỏi con người phải đốt lửa hiến tế trong nghi lễ thờ cúng, do đó chính Hermès là vị thần đã dạy cho loài người thắp ngọn lửa trên các bàn thờ. Hermès được các vị thần Olympe giao cho nhiệm vụ làm người truyền lệnh của thế giới thiên đình và đặc biệt của thần Zeus. Từ đó trở đi Hermès trở thành người bảo hộ cho các sứ thần. Là người truyền lệnh, người dẫn đường cho thế giới thần thánh và loài người, một công việc khá nặng nề vất vả, ấy thế mà vị thần này lại gánh thêm một công việc quan trọng và vô cùng cực nhọc nữa là dẫn đường cho các linh hồn người chết xuống thế giới âm phủ của thần Hadès. Ở Hy Lạp xưa kia khi trong nhà có người chết, người ta thường nói về người bất hạnh đó rằng: “Thần Hermès đã lấy đi linh hồn của nó”. Vì đảm đương chức năng này nên Hermès mang tên là Hermès Psychopompe. Hermès có trong tay một chiếc gậy thần có thể làm cho bất cứ thần thánh hay người trần ngủ say như chết (có người nói là chiếc đũa thần) và ngược lại cũng có thể đánh thức được bất cứ ai đang say sưa trong giấc nồng. Lãnh nhiệm vụ truyền lệnh cho thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe nên Hermès có, phải có một đôi dép có cánh. Mỗi khi nhận lệnh đi đâu Hermès xỏ chân vào đôi dép này là đi như bay trên mây, trên gió. Hermès thường đội một chiếc mũ có cánh, khoác một tấm áo choàng, tay cầm cây gậy thần có con rắn uốn quanh. Thần còn đảm đương sứ mạng bảo vệ cho những lữ khách đang rong ruổi dặm trường, chỉ cho họ biết mọi đường ngang lối tắt để tránh khỏi lầm lạc, giúp cho họ thoát khỏi nanh vuốt của bọn cướp đường, cướp biển. Thần lại còn bảo vệ cho những thương nhân và sự nghiệp trao đổi buôn bán của họ, vì thế Hermès là vị thần Thương nghiệp. Những chuẩn mực về cân, đo, đong, đếm không phải ai khác sáng tạo ra ngoài Hermès. Ở Hy Lạp xưa kia người ta dựng cột Herma ở các ngã ba, ngã tư đường. Đó là một cây cột cao, ở đầu cột là tượng đầu một người đàn ông với ý nghĩa tượng trưng cho thần Hermès, sau người ta tạc tượng thần Hermès có râu, rồi cuối cùng người ta lại tạc tượng Hermès là một thanh niên không có râu. Ở vùng đồng bằng Attique trên đường đi cứ chừng hai nghìn bước người Hy Lạp lại dựng một cột Herma. Lại có khi cột Herma được dựng lên như một đài tưởng niệm các liệt sĩ với những dòng chữ khắc, thể hiện sự thành kính và biết ơn của nhân dân. Đôi khi ở cột Herma tạc tượng hai vị thần, khi thì Hermès và Athéna, khi thì Apollon và Artémis, v.v. Hermès lại còn được người Hy Lạp ban cho chức năng người bảo vệ cho những lực sĩ thi đấu thể dục thể thao. Tượng Hermès được dựng ở các đấu trường. Các lực sĩ Hy Lạp cầu khấn thần trước khi bước vào cuộc thử thách. Rồi cả đến chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật hùng biện cũng do thần Hermès sáng tạo ra. Vì thế, đối với người Hy Lạp xưa kia Hermès là một vị phúc thần được ghi công tôn thờ như Prométhée, nghĩa là như những vị thần đã đem lại cuộc sống văn minh, văn hóa cho loài người. Trải qua nhiều biến thiên cho đến thế kỷ V TCN, trong trí tưởng tượng của người Hy Lạp, hình ảnh vị thần Hermès là một thanh niên cường tráng, bình dị. Trong thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ IV TCN), Hermès được đồng nhất với vị thần Thot của thần thoại tôn giáo chiêm tinh, ma thuật, một vị thần tiêu biểu cho sự sáng suốt và hiểu biết, một đấng hiền minh của thần thoại cổ Ai Cập. Hermès được gán thêm một biệt danh: Hermès Trismégiste, nghĩa là Hermès ba lần vĩ đại nhất.

Vì là vị thần của thương nghiệp nên tượng của Hermès ngày nay được các đội thương thuyền và các ngân hàng dùng làm biểu trưng. Trong văn học, Hermès hoặc Mercure gắn liền với nghĩa mới: “sứ giả”, “người báo tin, truyền tin, liên lạc”, “người truyền lệnh”, có khi mang một nghĩa xấu: “tên tay sai đắc lực”, “kẻ thừa hành mẫn cán cho các thế lực xấu xa” (ý nghĩa rút ra từ vở bi kịch Prométhée bị xiềng, trong đó Hermès được thể hiện như là một tên tay sai mù quáng, hống hách của thế lực bạo chúa).

THẦN ARÈS

Thần chiến tranh-Arès, con của Zeus và Héra, là một trong mười hai vị thần tối cao của thế giới Olympe, xem ra không được thế giới thần linh tôn trọng, quý mến. Còn đối với thế giới loài người thì Arès cũng chẳng được mấy ai tôn thờ, sùng kính. Vì một lẽ đơn giản: chẳng mấy ai thích chiến tranh. Là vị thần của chiến tranh và những trận giao chiến cho nên tính khí của Arès rất nóng nảy và hung bạo. Hơi bất bình một chút là mắt quắc lên, thét ầm ầm, rút gươm ngay ra khỏi vỏ. Nghe đâu có chuyện xích mích, xô xát, xung đột là Arès lao tới ngay. Do tính khí hung hăng, ngỗ ngược như thế nên thần Zeus chẳng yêu mến gì Arès, dù là con dứt ruột đẻ ra; Zeus, thậm chí lại rất ghét Arès, coi Arès là đứa ghê tởm nhất, hư hỏng nhất, là đồ phá hoại. Zeus đã từng nói với Arès nếu như Arès không phải là con của Zeus thì Zeus đã quẳng xuống địa ngục Tartare từ lâu rồi. Còn Arès, tuy bị mọi người chẳng ưa thích nhưng chứng nào vẫn tật ấy, không sao chừa được niềm vui thích được tắm mình trong những trận giao tranh đẫm máu, được nghe tiếng hò hét, rên la, kêu khóc hòa trộn với tiếng binh khí va vào nhau loảng xoảng, được ngắm cảnh con người điên cuồng lao vào nhau đâm, chém, máu chảy thành sông, thây chất thành núi.

Arès lúc nào cũng đầu đội mũ trụ, mình mặc áo giáp, kiếm đeo bên sườn, khiên che trước ngực. Lao vào cuộc hỗn chiến bạo tàn. Thần Arès hét lên những tiếng khoái trá. Theo sau Arès là hai con trai: Déimos (Terreur) và Phobos (Crainte) tức thần Khủng khiếp và Kinh hoàng, càng làm cho những cuộc giao tranh thêm muôn phần ác liệt và thảm thương. Lại thêm nữ thần Éris, vị nữ thần Bất hòa thường châm ngòi cho các cuộc chiến tranh, nữ thần Ényo (thần thoại La Mã: Bellone) mà niềm sướng vui là được thưởng ngoạn cảnh đầu rơi, máu chảy, được nghe tiếng rên la của chiến binh tử thương, hộ tống, càng làm cho Arès cuồng chiến hơn nữa. Arès tả xung hữu đột, lưỡi gươm vung lên loang loáng, hạ hết địch thủ này đến địch thủ khác, khiên giáp thấm đỏ máu người. Càng đánh càng hăng, Arès càng thêm phần tàn bạo, trái tim rắn như sắt, cứng như đồng, chẳng hề mủi lòng xót thương trước cảnh bao sinh linh phải từ giã cuộc đời ấm cúng bên vợ con, cha mẹ.

Tuy là thần Chiến tranh, tính khí hung hăng, tàn bạo song Arès không phải là vị thần võ nghệ cao cường, đánh đâu thắng đấy. Tính cuồng chiến và thói ngang ngược với tài thao lược và óc cơ mưu là hai chuyện khác nhau. Vì lẽ đó vị thần Chiến tranh đã từng một đôi lần được nếm cái mùi vị không dịu ngọt chút nào của chiến tranh.

Trong những trận giao tranh ở chân thành Troie, Arès giúp quân Troie đánh lại quân Hy Lạp. Biết bao dũng sĩ ưu tú của quân Hy Lạp phải gục ngã dưới ngọn lao, lưỡi kiếm bạo tàn của Arès. Nhưng quân Hy Lạp không vì thế mà nao núng. Dũng tướng Diomède xuất trận đương đầu với thần Arès. Gặp địch thủ, Arès hét lên và phóng luôn ngọn lao đồng. Ngọn lao bay đi, bay vèo đi, không trúng người Diomède vì nữ thần Athéna đã lái ngọn lao bay chệch đích và quay ngoắt xe ngựa của Diomède sang một bên để tránh đòn ác hiểm. Diomède thoát chết, phóng lao đánh trả. Ngọn lao đồng xé gió bay đi và nhờ sự điều khiển của nữ thần Athéna, lao xuyên ngay vào bụng, chỗ dưới thắt lưng của thần Arès. Arès rú lên một tiếng kinh hoàng. Tiếng rú tưởng như long trời chuyển đất có dễ đến hàng nghìn chiến binh hai bên hét cũng không dữ dội bằng. Một cơn gió lốc cuốn cát bụi mù mịt cao lên đến tận trời xanh. Arès bị thương, đau quá, phải trở về thế giới Olympe. Arès tâu với thần Zeus rằng nữ thần Athéna đã giúp một người trần, một người trần to gan đánh lại cả con của thần Zeus, khiến cho nó bị thương đau đớn đến thế này. Nhưng thần Zeus vốn không ưa Arès nên chẳng những không bênh vực mà lại còn mắng cho Arès một trận tối tăm cả mặt mũi.

Vợ của thần Arès là nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp Aphrodite cũng bị dũng tướng Diomède phóng lao vào cánh tay, làm bị thương, đến nỗi Aphrodite đang bế đứa con trên tay, rùng mình một cái buông rơi con xuống đất. May thay có thần Apollon đến cứu giúp nếu không thì chưa biết sự thể sẽ ra thế nào. Lúc này Arès bị thương. Thần phải cho vợ mượn ngựa để bay về trời cứu giúp.

Xem thế thì thần Arès không phải giỏi giang “côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài” gì!

NỮ THẦN APHRODITE

Nữ thần Aphrodite, nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp, chẳng được thần Zeus ban cho một đặc ân gì, chẳng có vũ khí gì đặc biệt nhưng lại là một vị nữ thần có sức mạnh khác thường. Cả thế giới Olympe cho đến thế giới loài người trần tục đoản mệnh đều phải khuất phục trước quyền lực của nàng, quỳ gối nộp mình dưới chân nàng. Một chuyện xưa kể, nàng là con của Zeus và tiên nữ Dioné. Nhưng xem ra chuyện này không được đông đảo mọi người chấp nhận. Người Hy Lạp xưa kia vẫn quen coi quê hương của Aphrodite ở đảo Chypre (Do đó Aphrodite còn có biệt danh là Cypris, Chypride) vì nàng sinh ra ở vùng biển của đảo Chypre. Thần Cronos trong khi thực hiện mưu đồ lật đổ vua cha Ouranos đã dùng lưỡi hái chém chết Ouranos. Máu của Ouranos từ trời cao nhỏ xuống vùng biển Chypre hòa tan vào những con sóng bạc đầu. Và từ một đám bọt sóng trong như ngọc trắng như ngà ấp ủ được tinh khí của trời biển giao hòa đã nảy sinh ra nữ thần Aphrodite. Aphrodite ra đời từ một đám bọt của một con sóng trên mặt biển. Nàng hiện ra trên mặt biển trong nhịp ru lâng lâng của sóng và tiếng ca dìu dặt của gió biển Nam. Biết diễn tả thế nào cho đúng, cho hết được vẻ đẹp của Aphrodite, vị nữ thần Sắc đẹp. Chỉ có thể nói đó là vẻ đẹp bao la, lồng lộng của bầu trời xanh, là ánh sáng trong trẻo, ngời ngợi tràn lên những áng mây trắng muốt đang lững thững êm trôi, là vẻ đẹp mênh mông căng đầy. Tóm lại, đó là vẻ đẹp bao la, bát ngát, vô tư bình thản của Trời và Biển, vẻ đẹp của Tự nhiên đang sinh thành, đang sống, đang dạt dào sức sống và luôn luôn khát khao được sống.

Aphrodite ra đời. Nàng từ đám bọt bể hiện lên hiện lên dần, tươi tắn, ngời ngợi như một đóa hoa xòe nở. Sóng và gió dịu hiền đưa nàng tới hòn đảo Chypre. Các nữ thần Heures-Thời gian đã chờ sẵn để đón nàng. Họ mặc cho nàng một tấm áo vàng rượi mịn như da trời, mỏng như mây trắng. Họ đội cho nàng một vòng hoa thơm ngát lên đầu và đưa nàng lên cung điện Olympe. Các vị thần đều rất vui mừng và sung sướng được đón nhận vào thế giới vĩnh hằng của mình một nữ thần có sắc đẹp tuyệt diệu và tươi trẻ như thế.

Người xưa kể lại, mỗi khi xuống trần, nữ thần Aphrodite, với dáng người thanh tao, với khuôn mặt diễm lệ và dáng đi khoan thai, duyên dáng đã làm cho trời đất tưng bừng, rạng rỡ hẳn lên như đổi sắc thay da. Mái tóc vàng óng ả búi cao để lộ chiếc cổ cao cao, đầy đặn, tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Mỗi bước đi của nàng tới đâu là làm cho mặt đất ở đó nở ra muôn hồng nghìn tía. Các nữ thần Duyên sắc-Charites và các nữ thần Heures-Thời gian luôn luôn đi theo bên nàng để chăm sóc đến trang phục và sắc đẹp của nàng. Chim chóc từng đàn bay lượn trên đầu nàng ríu ra ríu rít, nô đùa, vờn lướt trước mặt nàng, bên vai nàng. Bướm dập dờn tung tăng quanh quẩn theo những bước đi của nàng. Những loài thú dữ như hổ, báo, gấu, sói... lặng lẽ đến ngồi bên đường đi của nàng như muốn chiêm ngưỡng sắc đẹp diệu kỳ của một vị nữ thần đẹp có một không hai của thế giới thần thánh. Sau đó, chúng lặng lẽ bước đi nối gót theo nàng.

Cả thế giới thần thánh và loài người đều phải khuất phục trước quyền lực của Aphrodite vì thần thánh và loài người chẳng thể sống mà không có tình yêu, chẳng thể sống mà không rung động trước sắc đẹp, nhắm mắt trước cái đẹp, và hơn nữa lại chẳng thể yêu cái xấu, cái dị dạng, dị hình. Tuy thế cũng có một, hai vị thần bất tuân theo quyền lực của Aphrodite. Nữ thần Athéna chẳng yêu đương cũng chẳng chồng con. Các nữ thần Hestia, Artémis cũng vậy. Còn các nam thần? Có lẽ không vị nào dám hiên ngang đương đầu, đối chọi lại với quyền lực của Aphrodite. Quyền lực của Aphrodite biểu hiện ở chiếc thắt lưng của nàng. Đây là một chiếc thắt lưng huyền diệu. Hễ ai thắt nó trong người thì có phép làm cho người mình yêu trở thành người yêu của mình. Hễ ai thắt nó trong người thì có phép làm cho người mình yêu vốn kiêu kỳ hoặc lạnh nhạt, đã từng làm cho mình đêm năm canh, ngày sáu khắc thao thức, trằn trọc tơ tưởng, tưởng tơ thì bỗng chốc trở thành người yêu của mình, người yêu của mình đích thực, yêu mình say đắm, đam mê. Nữ thần Aphrodite đã cho chàng Paris mượn chiếc thắt lưng này, nhờ đó Paris đã chinh phục được nàng Hélène, vợ của Ménélas ở vương triều Sparte trên đất Hy Lạp. Vì lẽ đó mà người Hy Lạp phải kéo quân sang đánh thành Troie để giành lại nàng Hélène.

Aphrodite có nhiều cuộc tình duyên với thần thánh và, hơn nữa, cả với người trần. Chồng nàng là Héphaïstos, vị thần Thợ rèn Chân thọt. Nhưng nàng chẳng chung thủy với chồng mà lại đi lăng nhăng với thần Chiến tranh-Arès. Có lần đã bị Héphaïstos chăng lưới sắt chụp xuống bắt quả tang, gây ra một vụ phiền hà trong thế giới thần linh. Rồi Aphrodite lấy Arès. Đôi vợ chồng này sinh được năm con: một gái là thần Hài hòa Harmonie; và bốn trai là Éros, Antéros, Déimos và Phobos. Và còn mối tình với Dionysos, với Hermès, với một người trần thế Anchise. Như vậy, Aphrodite là vị nữ thần của tình yêu say đắm, tình yêu dục vọng thường làm cho con người ta mất tỉnh táo đến nỗi nhiều khi xảy ra điều tiếng. Vì thế người Hy Lạp xưa kia, những nhà triết học thế kỷ V-IV TCN, phân chia ra hai loại nữ thần Aphrodite. Một là Aphrodite Pandémos tượng trưng cho tình yêu của những cảm xúc cao thượng, tình yêu có tâm hồn, có lý tưởng. Người ta lại thêm cho Aphrodite một định ngữ: Anadyomène, Aphrodite Anadyomène nghĩa là Aphrodite từ biển sinh ra. Trước khi được gia nhập vào thế giới Olympe, Aphrodite là vị nữ thần của sự phì nhiêu. Những loại quả có nhiều hạt tượng trưng cho sự phát triển, sự phong phú như quả lựu, quả anh đào, quả táo thường được dâng cúng cho Aphrodite. Người ta cũng đã từng tôn thờ Aphrodite như là một nữ thần Biển, người bảo hộ cho sự giao lưu trên mặt biển được thuận buồm xuôi gió, vạn sự bình an. Tàn dư của tôtem giáo trong việc thờ cúng Aphrodite còn ở lễ hiến tế các con vật mắn đẻ như chim sẻ, thỏ, bồ câu. Quê hương của Aphrodite ở đảo Chypre vì thế đảo Chypre là một trong những trung tâm thờ cúng nữ thần Aphrodite với những nghi lễ trọng thể nhất. Trên bán đảo Hy Lạp cũng có nhiều nơi thờ cúng nữ thần Aphrodite như Delphes, Corinthe. Xưa kia những thiếu nữ Hy Lạp đi dự lễ cưới thường dâng cúng cho nữ thần Aphrodite những chiếc thắt lưng do chính bàn tay mình dệt ra dường như muốn được nữ thần ban cho quyền lực mầu nhiệm ở chiếc thắt lưng của nữ thần, để mình đạt được những ước mơ trong con đường tình duyên, hạnh phúc đôi lứa. Trong văn học thế giới điển tích-thành ngữ Chiếc thắt lưng của Aphrodite hoặc Vénus ám chỉ một vật, một chuyện, một sự việc nào đó có khả năng làm say mê con người, chinh phục tình cảm của con người. Trong tập tục tôn giáo, nghi lễ thờ cúng nữ thần Aphrodite xưa kia có tục lệ những thiếu nữ xinh đẹp nhất phải hiến thân cho những người đàn ông để chứng tỏ quyền uy của nữ thần Aphrodite, để những người thiếu nữ được hưởng quyền sử dụng trinh tiết của mình. Nghi lễ tôn giáo nhục cảm này diễn ra trong đền thờ nữ thần Aphrodite mang tính chất thiêng liêng, cao cả. Những người đàn ông được dự cuộc “hành lễ” này phải nộp một khoản tiền để bỏ vào quỹ của đền thờ. Engels coi đó là hình thức mãi dâm đầu tiên trong lịch sử. Không phải chỉ riêng ở Hy Lạp chúng ta mới thấy có tập tục này. Những người Babylone, những người Armenia cổ xưa cũng đều có những tập tục nghi lễ tôn giáo nhục cảm như vậy.

Đối với người Hy Lạp xưa kia, Aphrodite là vị nữ thần thể hiện vẻ đẹp nhục cảm của người phụ nữ, một vẻ đẹp hấp dẫn nhất trong mọi vẻ đẹp của thế gian. Khác hẳn với vẻ đẹp “liễu yếu đào tơ”, “yểu điệu thục nữ” mềm yếu, thướt tha, ẩn giấu, kín đáo của phương Đông, châu Á chúng ta, vẻ đẹp của Aphrodite là vẻ đẹp phô diễn, biểu hiện sự mềm mại uyển chuyển của đường nét, sự đầy đặn, nở nang, khỏe khoắn, cân đối của thân hình, Aphrodite là vị nữ thần của thiên hướng tình dục-thẩm mỹ của con người. Những bức tượng Aphrodite của thời cổ đại thường được các nghệ sĩ thể hiện khỏa thân hay nửa khỏa thân diễn tả vẻ đẹp lý tưởng về người phụ nữ, qua đó dẫn đến, gợi đến một ý niệm về sự trong sáng, thanh cao, hài hòa, hoàn thiện. Và thật lạ lùng, những bức tượng thần đó chẳng có gì là thần thánh, thoát tục, siêu nhiên cả. Vì lẽ đó cho nên ngày nay ở châu Âu người ta thường gọi những bức tranh, bức tượng phụ nữ khỏa thân là Vénus.

Aphrodite ban phúc cho Pygmalion

Ở đảo Chypre có một vị vua đồng thời lại là một nhà điêu khắc đại tài tên gọi là Pygmalion. Không rõ trong đời riêng có gặp chuyện gì bất hạnh mà Pygmalion, theo những người chung quanh nhận xét, lại nuôi giữ một mối ác cảm với phụ nữ nói chung, không phân biệt kẻ hay, người dở, vì thế mà quyết định sống độc thân suốt đời. Pygmalion quả thật chẳng hề bận tâm suy tính đến những chuyện mà người đời thường cho là đại sự: tình yêu, hôn nhân và gia đình. Đối với chàng hình như những chuyện đó, tình yêu đối với một người đàn bà, rồi cưới xin và cuộc sống gia đình chẳng thể đem lại hạnh phúc cho chàng mà có thể phá hoại mất tình yêu của chàng đối với nghệ thuật điêu khắc. Chàng thường nghĩ chỉ cần yêu nghệ thuật cũng đủ rồi. Tình yêu đó thật cao thượng đẹp đẽ, thật lớn lao và phong phú. Nó cũng đem lại sự say mê đắm đuối, nhớ nhung, khắc khoải, thao thức, sướng vui chẳng khác chi tình yêu đối với một người phụ nữ. Và, cũng theo chàng nghĩ, nó cũng đem lại cho chàng những phút dằn vặt, khổ đau, bực bội, quằn quại, day dứt trong lòng. Nhưng kỳ lạ sao, chàng lại tìm thấy ở đó một hạnh phúc lớn lao, một niềm tin trong sáng vào cuộc đời và con người, một khát vọng được sống say mê, sôi nổi hơn nữa, được suy nghĩ, được khổ đau vì nghệ thuật hơn nữa. Còn phụ nữ, chàng thở dài, đàn bà thì dù sao cũng cứ là đàn bà!

Nhưng chàng lại đang say mê tạc bức tượng một người đàn bà, đúng hơn, tạc bức tượng một thiếu nữ, một người thiếu nữ xinh đẹp bằng ngà voi trắng muốt. Chàng làm việc quên ăn, quên ngủ. Hết đêm lại đến ngày, hết ngày này lại sang ngày khác. Pygmalion cặm cụi với bức tượng của mình. Chàng vui sướng khi bức tượng từ một chiếc ngà voi khổng lồ cong vút dần thành hình, thành dáng như người thiếu nữ trong trí tưởng tượng của chàng. Chàng xót xa trước mỗi nhát gọt, nhát đục không chính xác như xót xa đã phạm tội bất kính với thần thánh. Nhưng rồi bàn tay khéo léo của chàng đã làm cho người thiếu nữ ngày càng đẹp hơn lên. Dường như chàng muốn tạo ra một người phụ nữ thật đẹp đẽ, thật hoàn thiện để nói với người đời rằng người phụ nữ đích thực phải đẹp như thế, phải hoàn thiện như thế, như bức tượng chàng sáng tạo ra đây này. Bức tượng được hoàn thành, Pygmalion hết sức hài lòng và sung sướng trước thành công của mình. Chàng say sưa ngắm nghía nó và, càng ngắm nghía, suy tưởng trước vẻ đẹp của tác phẩm, chàng lại càng yêu quý, say mê người thiếu nữ ngà voi do chàng sáng tạo ra. Có những lúc chàng tưởng chừng như đây là một con người thật, một người thiếu nữ bằng da bằng thịt có một sắc đẹp chiếm đoạt tâm hồn con người mà trong đời chàng có một đôi lần thoáng gặp song nhớ mãi. Nhiều lúc chàng tưởng như người thiếu nữ ấy đang muốn nói với mình nhiều điều lắm, nhiều lắm, nhưng nói những gì thì chàng cũng không rõ nữa. Và cứ thế ngày này qua ngày khác, Pygmalion bị sắc đẹp diệu kỳ, bí ẩn của bức tượng người thiếu nữ chinh phục. Chàng đeo vào bộ ngực trần của người thiếu nữ chuỗi ngọc, chàng mặc thêm cho người thiếu nữ tấm áo lụa mỏng, chàng đội lên đầu bức tượng vòng hoa nguyệt quế, vòng lá olive. Và chàng tưởng như nàng, người thiếu nữ bằng ngà voi đó hết sức cảm động trước tình yêu chân thành của chàng mà không nói được nên lời. Nhiều lúc Pygmalion đứng lặng hồi lâu trước bức tượng và từ trái tim chàng cất lên những tiếng thì thầm như gió thoảng:

- Em! Em! Có thể nào như thế được không? Em! Em! Em nhìn đi đâu? Kìa em, sao em không nói?

Nhưng nghệ thuật vẫn là nghệ thuật và cuộc đời vẫn là cuộc đời. Nghệ thuật dẫu sao cũng chẳng thay thế được cuộc đời và đẹp đẽ, sinh động như cuộc đời thực. Pygmalion đặt bàn tay nóng ấm của mình lên vai người thiếu nữ. Một cảm giác khô cứng, giá lạnh thực sự truyền vào người chàng, thức tỉnh ảo mộng của chàng. Chàng thất vọng gục đầu xuống chân bức tượng. Tất cả những gì diễn ra trong căn nhà của người nghệ sĩ điêu khắc giàu trí tưởng tượng ấy, không ai biết cả, duy chỉ có nữ thần Aphrodite biết. Vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp hết sức xúc động trước tình yêu mãnh liệt và sự rung động nồng cháy của tâm hồn người nghệ sĩ Pygmalion.

Ngày lễ nữ thần Aphrodite tới như thường lệ. Đảo Chypre tưng bừng trong cảnh những đôi trai gái nô nức kéo nhau đến đền thờ nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp để cầu nguyện cho tình yêu và hạnh phúc. Người ta đem đến đền thờ những con bò cái có bộ lông trắng muốt như tuyết, có bộ sừng vàng để làm lễ hiến tế. Hương thơm bay ngào ngạt, lan tỏa đi khắp mọi nơi trên đảo, Pygmalion cũng đem những lễ vật tới dâng lên bàn thờ nữ thần Aphrodite. Chàng thì thầm cầu nguyện:

- Hỡi nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp! Nàng Aphrodite tóc vàng! Cầu xin nữ thần với quyền lực vô biên của mình ban cho tôi một người vợ xinh đẹp, duyên dáng như người thiếu nữ mà tôi đã sáng tạo ra, như bức tượng bằng ngà voi trong căn phòng vắng vẻ của tôi!

Chàng chẳng thể cầu xin gì thêm nữa, nhiều nữa vì chàng e sẽ phạm tội bất kính đối với thánh thần. Nhưng nữ thần Aphrodite đã chấp nhận lời cầu xin của chàng. Ba lần ngọn lửa thiêng liêng trước bàn thờ dưới chân bức tượng nữ thần Aphrodite bùng cháy bốc lên cao, rực sáng thì cũng là ba lần Pygmalion nhìn thấy với biết bao hồi hộp.

Pygmalion trở về nhà. Chàng đẩy cửa. Kìa lạ lùng sao, người thiếu nữ của chàng nhìn chàng đăm đắm và đẹp đẽ hơn lên gấp bội phần, tươi tắn, sinh động hơn lên gấp bội phần! Chàng tiến đến bên nàng, đặt tay lên vai nàng. Một cảm giác nóng ấm, mềm mại, hấp dẫn truyền nhanh vào người chàng khiến chàng ngỡ ngàng, lùi lại một bước. Nhưng người thiếu nữ đã nhoẻn miệng cười. Nàng rời khỏi bệ và ngả người vào trong vòng tay của chàng. Ước nguyện của Pygmalion đã được thực hiện. Bức tượng đã được Aphrodite biến thành người thật. Pygmalion đặt tên cho vợ mình là Galatée. Đôi vợ chồng sống với nhau thật đầm ấm, hạnh phúc. Họ sinh được một con trai đặt tên là Paphos lớn lên kế nghiệp cha làm vua. Chàng cho xây dựng một đô thành trên đảo Chypre và lấy tên mình đặt tên cho đô thành. Chàng cũng cho xây một đền thờ khá nguy nga để hiến dâng cho nữ thần Aphrodite. Và vì lẽ đó nữ thần Aphrodite có một trong nhiều biệt danh là Paphos. Ngày nay trong văn học thế giới, Pygmalion chuyển nghĩa chỉ một con người quá say sưa, yêu mến, tán thưởng công trình tác phẩm, công việc của mình đến nỗi mất cả sự tỉnh táo khách quan.

Aphrodite giáng họa xuống Narcisse

Tình yêu là báu vật của nữ thần Aphrodite ban cho cả vũ trụ và thế gian, thần thánh và người trần. Tình yêu cũng là quyền lực của nữ thần Aphrodite điều khiển vũ trụ và thế gian làm cho vạn vật sinh thành, giao hòa, gắn bó. Chống lại quyền lực Aphrodite chẳng có mấy ai, ngay cả thần Zeus cũng không dám, hay nói đúng hơn, cũng không muốn chống lại quyền lực của vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp, một quyền lực không gây nên những đòn khủng khiếp như cây búa giáng sấm sét của thần Zeus hay cây đinh ba gây nên những trận cuồng phong lay chuyển mặt đất của thần Poséidon nhưng ai ai cũng phải khuất phục. Một vài vị thần chống lại thì... thôi cũng được, bởi vì đó là thần. Nhưng con người mà chống lại thì quả thật là một sự xúc phạm, một sự thách thức đối với nữ thần Aphrodite. Tất nhiên Aphrodite không tha cái trọng tội đó.

Narcisse là kẻ phạm tội khinh thị quyền lực của nữ thần Aphrodite. Chàng là con của thần Sông-Céphise và tiên nữ Nymphe Liriope. Trên thế gian này khó mà tìm được một người con trai nào lại đẹp trai như Narcisse. Chỉ có thể nói vắn tắt là Narcisse đẹp lắm, đẹp đến nỗi các thiếu nữ xinh đẹp nhất đều phải ghen tỵ, đẹp đến nỗi gây ra biết bao vụ tương tư cho các cô gái. Không thể nhớ được đã có bao thiếu nữ, người thì thầm lặng tế nhị, người thì bộc bạch lộ liễu, bày tỏ tình cảm với chàng. Nhưng tiếc thay, Narcisse đều khước từ tình cảm của họ với một thái độ kiêu kỳ và lạnh nhạt khiến họ cảm thấy bị xúc phạm vì không nhận được ở chàng một tấm lòng thông cảm, trân trọng ưu ái đối với mình, nhất là đối với phụ nữ. Trong những thiếu nữ thầm yêu trộm nhớ Narcisse có nàng Écho. Nàng có một số phận rất đáng thương đến nỗi khi nghe kể thì mười người nghe là đến chín người không cầm được nước mắt.

Écho là một tiên nữ Nymphe thường sống trong núi rừng với loài vật hoang dã. Nàng là thị nữ của Artémis, vị nữ thần Xạ thủ có cây cung bạc. Trong một lần giận cá chém thớt, Héra đã nguyền rằng Écho chỉ được quyền nói lại điều người khác nói và chỉ được phép nói lại những lời nói cuối cùng. Chuyện xảy ra như sau: Écho có tài kể chuyện và cũng có tài moi chuyện, cho nên nàng ngồi đâu cất lời lên là mọi người xúm đến, nghe nàng kể chuyện. Thôi thì đủ thứ chuyện ông này bà nọ, cậu ấy cô kia v.v và v.v. Chuyện gì Écho cũng biết và chuyện gì nàng kể ra cũng lý thú, hấp dẫn đến nỗi người nghe không dứt ra được mà về lo công lo việc. Dạo ấy thần Zeus đang có tình ý với một thiếu nữ nào đó. Nữ thần Héra để ý và theo dõi. Và nàng, cứ xem cung cách hai người nói chuyện với nhau, đầu mày cuối mắt “hai bên cùng liếc”, thì nhất định thể tất là “hai lòng cùng ưa”. Nàng chăng bẫy để bắt quả tang Zeus một phen. Phải chỉ tay day trán, hai năm rõ mười thì Zeus mới không chối cãi được. Héra vờ đi vắng. Lợi dụng cơ hội tốt đẹp, Zeus bèn đón người thiếu nữ về để được tự do thổ lộ tấm can tràng. Héra định bụng bất chợt sẽ quay về nhà để... để làm cho ra nhẽ một phen. Nhưng lúc nàng vừa cất bước thì gặp ngay Écho đang ngồi nói chuyện với chị em bạn. Nàng thử ghé vào ngồi nghe một lát. Nào ngờ nghe hết chuyện này sang chuyện nọ, chuyện nọ xọ chuyện kia, dây cà ra dây muống, nàng không nhớ đến việc của mình nữa. Đến lúc sực nhớ ra chạy vội về nhà thì hỡi ôi... “phòng không lạnh ngắt như tờ”! Mưu kế của nàng hỏng sạch. Nàng tức đến điên người. Nhẽ ra phải trách mình mới đúng, nhưng không, Héra đổ lỗi tất cho Écho. Giận cá chém thớt, đó là thói xấu của Héra, Héra nguyền rủa Écho. Nữ thần phán truyền cho Écho phải chịu một hình phạt:

- Từ nay trở đi ngươi sẽ mất đi tiếng nói. Ngươi sẽ câm. Ngươi sẽ không dùng được tiếng nói để kể ra những câu chuyện làm mất công mất việc của người khác.

Từ đó, Écho sống trong rừng núi làm bạn với cỏ cây, muông thú.

Bữa kia Narcisse trong một cuộc đi săn không may lạc bước vào rừng sâu. Trong khi quanh quẩn tìm đường thì Écho từ một lùm cây xa xa đã trông thấy chàng. Nàng say sưa ngắm nhìn chàng thanh niên tuấn tú, khôi ngô có một vẻ đẹp hiếm có. Nàng muốn nói với chàng những lời nói vuốt ve âu yếm, nhưng khổ thay nàng chẳng cất được lên lời. Cứ thế, nàng theo đuổi từng bước đi của Narcisse. Narcisse bỗng nhận thấy có dấu chân người trên đường. Chàng cất tiếng gọi thật to:

- Các bạn ơi, tôi đây! Lại đây! Tôi ở đây!

Écho nhắc lại:

- Tôi ở đây!

Narcisse ngạc nhiên, lại gọi:

- Tôi ở đây, lại đây!

Écho nhắc lại:

- Lại đây!

Narcisse ngơ ngác nhìn quanh, rồi lại gọi:

- Lại đây, nhanh lên! Mình đợi, lại đây!

Écho sung sướng reo lên:

- Mình đợi, lại đây!

Từ trong một lùm cây Écho bước ra, tràn ngập xúc động. Nàng đưa tay ra cho Narcisse đón lấy. Nhưng Narcisse quay ngoắt đi với một vẻ mặt khó chịu:

- Không phải rồi! Chàng nói. Ta sẽ chết trước khi ta hiến dâng trái tim cho tình yêu!

Écho run rẩy nhắc lại:

- Ta hiến dâng trái tim cho tình yêu.

Nhưng Narcisse đã bỏ đi không một lời chào từ biệt. Écho bàng hoàng, đau đớn, hổ thẹn và càng nghĩ nàng càng đau đớn, càng cảm thấy bị xúc phạm, bị đối xử một cách tàn nhẫn. Người xưa kể, từ đó trở đi Écho sống giấu mình ở trong hang, chẳng buồn ra ngoài đón ánh sáng mặt trời rực rỡ giữa đồng nội hay vui chơi với các bạn trong suối mát, gió hiền. Nàng càng héo hon ủ rũ đến nỗi thân thể hao mòn gầy yếu hẳn đi. Và chỉ còn tiếng nói run rẩy, xúc động, buồn bã là của nàng, người thiếu nữ Écho chân thành nhưng số phận thật đắng cay, oan trái.

Narcisse vẫn cứ tiếp tục sống với vẻ kiêu kỳ và lạnh nhạt đối với những tấm lòng chân thành, nhiệt tình và cởi mở. Điều đó khiến cho các thiếu nữ căm ghét chàng. Một thiếu nữ, đúng hơn là một tiên nữ, bị Narcisse cự tuyệt tình yêu một cách thô bạo khiến cho lòng tự trọng bị tổn thương rất sâu sắc. Nàng bèn cầu khấn Aphrodite, nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp và nữ thần Némésis, nữ thần Trả thù, trừng phạt Narcisse.

- Hỡi các nữ thần chí tôn kính! Xin các nữ thần hãy trừng phạt kẻ đã xúc phạm đến tình yêu chân thành của chúng con, đã làm chúng con bẽ bàng hổ thẹn, bằng một hình phạt xứng đáng! Xin các vị thần hãy làm con người kiêu kỳ và lạnh nhạt ấy suốt đời hắn chỉ yêu có hắn, hắn chỉ say mê, đắm đuối trong mối tình với bản thân hắn mà thôi.

Nữ thần Aphrodite chấp nhận lời cầu xin đó bởi vì Narcisse đã phạm thượng, khước từ báu vật mà Aphrodite ban cho loài người.

Vào một mùa xuân, Narcisse theo lệ thường vào rừng săn bắn muông thú. Sau một cuộc đuổi bắt con mồi chàng mệt nhoài khát khô cả cổ. Chàng tìm đến một con suối để giải khát. Đây rồi một con suối nước trong veo, mặt nước sáng láng như một tấm gương in hình cả mây trời, cây cối xuống lòng suối. Narcisse cúi đầu xuống mặt nước vụm hai lòng bàn tay lại để múc nước. Mặt nước hiện lên khuôn mặt tươi trẻ, xinh đẹp của chàng. Chàng ngạc nhiên, sung sướng: “Ta, ta đây ư? Trời ơi ta lại đẹp đến thế này ư?” Chàng vục nước đưa lên miệng uống. Mặt nước lay động, khuôn mặt chàng cùng với mảng trời xanh tan tác trong làn nước lung linh. Và rồi những hình ảnh ấy lại được mặt nước chắp nối lại nguyên hình như trước. Khuôn mặt xinh đẹp của chàng chập chờn hiện ra rồi dần dần lắng đọng lại. Chàng kêu lên: “Trời ơi, đẹp quá!” và thầm nghĩ: “Ta hiểu vì sao các cô ấy khổ đau, sầu não vì ta”. Narcisse cứ ngắm nghía khuôn mặt tuấn tú của mình nổi trên làn nước và suy tưởng. Càng ngắm nghía, chàng càng thấy mình đẹp, chàng càng yêu mình say mê, đắm đuối. Chàng đưa tay khuấy nước, mỉm cười vui đùa với mình. Một tình yêu mãnh liệt, sôi sục từ đâu bùng cháy lên trong trái tim chàng. Chàng muốn chế ngự nó, rời bước khỏi dòng suối, nhưng lạ thay có một sức mạnh vô hình nào giữ chân chàng lại, lưu giữ chàng lại. Chàng nhìn xuống khuôn mặt mình trên mặt nước với một niềm khát khao cháy bỏng. Chàng muốn trao cho khuôn mặt xinh đẹp đó một cái hôn nồng nàn. Nhưng chỉ vừa choàng vòng tay, cúi xuống là khuôn mặt đó tan tác, biến đi đâu mất. Chàng đứng lặng người, đau đớn, xót xa. Nhưng rồi khuôn mặt xinh đẹp lại hiện ra trên mặt nước. Narcisse lại mê mẩn trong mối tình câm với hình bóng của mình. Chàng nói thì thào với hình bóng của mình:

- Ta đã yêu ta với một tình yêu nồng cháy. Ôi, có lẽ tình yêu này sẽ đốt ta thành tro bụi mất thôi! Sao mà trái tim ta nung nấu một nỗi thèm khát ái ân như thế này!

Narcisse lại đưa tay ra ôm choàng lấy hình bóng của mình và muốn hôn tràn lên khuôn mặt xinh đẹp, thân yêu đó. Nhưng ba lần chàng chỉ vừa đưa vòng tay ra và cúi xuống là ba lần hình bóng chàng tan tác đi trên làn nước suối mát lạnh. Chàng thất vọng như xưa kia các cô gái thất vọng vì chàng. Cứ như thế lặp đi lặp lại mối tình đeo đuổi, đắm say nhưng không một chút hy vọng được đền đáp giữa Narcisse với hình bóng của mình chập chờn trên làn nước suối trong sáng như gương. Narcisse héo hon, ủ rũ vì mối tình tuyệt vọng. Nước mắt chàng lã chã tuôn rơi trên khuôn mặt và từng giọt, từng giọt nhỏ xuống mặt suối. Bóng hình chàng chập chờn, mờ ảo, lung linh khiến chàng càng nhớ nhung, sầu não. Narcisse như không thể chịu đựng được nỗi đau khổ tuyệt vọng giày vò chàng. Nàng Écho vẫn nuôi giữ mối tình với chàng, nhìn thấy hết cảnh tượng đó. Nàng đã từng đau khổ vì mối tình tuyệt vọng của mình vì thế khi thấy Narcisse tuyệt vọng, nàng lại đau khổ hơn nữa. Bỗng Narcisse kêu lên:

- Trời ơi, sao ta đau đớn quá thế này!

Écho đáp lại:

- Đau đớn quá thế này!

Narcisse đứng không vững nữa. Chàng lảo đảo nhìn theo bóng hình mình trên làn nước suối trong veo rồi ngã vật xuống bên bờ suối với tiếng nói yếu ớt, những tiếng nói cuối cùng của một nỗi đau khổ không thể chịu đựng được:

- Ta chết... Ta ch... ế... t đây! Xin vĩnh biệt.

Écho nghẹn ngào nhắc lại:

- Xin vĩnh biệt.

Narcisse chết, đầu ngả ra trên lớp cỏ xanh bên bờ suối, đôi tay giang ra chới với. Bóng đen trùm phủ lên mắt chàng. Từ trong rừng sâu các tiên nữ Nymphe đến ngồi bên xác chàng, khóc than thương tiếc cho chàng mất đi tuổi trẻ trong một mối tình tuyệt vọng, mơ hồ. Chẳng tiên nữ nào nuôi giữ mối oán hận với chàng nữa, một người con trai xinh đẹp lúc này chỉ là một cái xác không hồn. Nàng Écho lại càng khóc than đau xót hơn. Các tiên nữ Nymphe, sau khi khóc than đã chán bèn rủ nhau đi lấy hoa để về đắp cho chàng một nấm mồ. Nhưng khi họ từ rừng sâu đem hoa trở về thì thi hài chàng đã biến mất. Ở bờ suối, chỗ lớp cỏ xanh nơi đầu Narcisse ngả ra, mọc lên một bông hoa với vẻ đẹp lạnh lùng, kiêu kỳ. Hoa trắng muốt, hương thơm ngào ngạt, mọc lên từ cái chết của chàng trai xinh đẹp. Các tiên nữ Nymphe liền gọi là hoa thủy tiên.

Ngày nay trong văn học thế giới, Narcisse chuyển nghĩa chỉ: “người đẹp trai” hoặc “người đẹp trai kiêu kỳ”, mở rộng nghĩa chỉ “người có thói ngắm nghía mình rồi tự khen mình” hoặc “người kiêu căng”, “người tự phụ”. Còn Thói Narcisse (Narcissisme) là “thói tự khen mình”, “say mê với thành tích chiến công của mình đến tự kiêu tự phụ”, “ngắm nghía vuốt ve, phỉnh nịnh mình, đề cao mình”.

Lại có chuyện kể rằng nhà tiên tri Tirésias đã tiên báo số phận của Narcisse: tuổi thọ của chàng sẽ chấm dứt vào cái ngày chàng nhìn thấy khuôn mặt của mình. Một chuyện khác kể, không phải Narcisse chết vì mối tình tuyệt vọng với bản thân mình mà vì mối tình với người em gái giống chàng như hai giọt nước. Tuy thế thiếu nữ đó chẳng may mất sớm để lại cho Narcisse một nỗi buồn, luyến tiếc khuôn nguôi. Narcisse tưởng nhớ tới em, hằng ngày ra soi mình xuống suối. Càng soi mình, chàng càng thương nhớ người em gái bất hạnh. Cuối cùng chàng qua đời.

Huyền thoại Narcisse trên đây do Ovide viết lại trong tập Biến hóa, nghĩa là vào một thời kỳ muộn hơn sau này (thế kỷ I TCN). Như vậy hẳn rằng Ovide đã dựa vào những cội nguồn sớm hơn, sớm nhất phải từ sơ kỳ Hy Lạp hóa, để tái tạo câu chuyện một cách nghệ thuật, thơ mộng, cũng như sau này Apulée đã tái tạo chuyện Cupidon và Psyché. Ở đây bên cạnh hạt nhân cơ bản của câu chuyện là mối tình tuyệt vọng, các nhà nghiên cứu còn bóc ra cho chúng ta thấy lớp chuyện mang tính cụ thể-lịch sử của thời Hy Lạp hóa phản ánh chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Cá nhân đã tách biệt mình ra với đồng loại, với thiên nhiên để trầm tư mặc tưởng trong thế giới nội tâm của mình. Và ý nghĩa giáo dục-đạo đức của câu chuyện là chủ nghĩa cá nhân đó bị trừng phạt, bị phê phán. Ý nghĩa này chỉ có thể có được ở vào một thời kỳ xã hội phát triển tới mức chủ nghĩa cá nhân trở thành một tai họa khủng khiếp trong xã hội. Tuy nhiên chúng ta không thể không ghi nhận quá khứ lịch sử xa xưa của câu chuyện: sự chuyển biến của những biểu tượng bái vật giáo về bông hoa sang cái đẹp được nhân hình hóa (Bông hoa ⇔ Người đẹp; Người đẹp ⇔ Bông hoa).

Mối tình của Aphrodite với Adonis

Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp Aphrodite quyền lực to lớn đến như thế, có thể bắt mọi vị thần, kể cả thần Zeus cho đến những người trần thế phải khuất phục, phải đau khổ vì Tình yêu và Sắc đẹp, thế mà bản thân nữ thần lại không tránh khỏi tai họa đó, lại không chế ngự được quyền lực của mình để đến nỗi mình cũng bị đau khổ vì Tình yêu và Sắc đẹp! Adonis là chàng trai đã gây ra cho vị nữ thần danh tiếng này những giọt nước mắt đau thương. Chuyện về gia đình chàng cũng hơi lôi thôi. Cha Adonis là Cyniras (Kyniras) vua đảo Chypre. Ông sinh được một người con gái đẹp đẽ tuyệt vời, tên gọi là Myrrha. Tự hào về người con gái nhan sắc đó, ông đã có lần, thậm chí nhiều lần, cho rằng con gái ông là đẹp nhất thế gian. Đó là một điều ngu xuẩn của kẻ hợm mình song dẫu sao cũng còn tha thứ được. Nhưng tệ hại hơn nữa Cyniras như ếch ngồi đáy giếng đã dám tự xưng không biết ngượng mồm, cho con gái mình là đẹp hơn ai hết, hơn cả nữ thần Aphrodite. Đúng là “coi trời bằng vung”. Vì thế Cyniras bị trừng phạt. Nữ thần Aphrodite bằng những phép mầu nhiệm của mình, làm cho Cyniras mất trí, mất trí đến nỗi tưởng con gái mình là vợ mình. Và Adonis đã ra đời trong sự chăm sóc của người mẹ là nàng Myrrha. Nhưng Myrrha vừa sinh con xong là bị vua cha đuổi ra khỏi nhà. Nàng bế con đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Một hôm đi đến một ngọn đồi nàng kiệt sức chết, và biến thành một thứ cây có nhựa thơm mà ngày nay gọi là cây myrrhe. Nữ thần Aphrodite động lòng trắc ẩn, đón lấy Adonis đem về nuôi. Nhưng lại trao cho nữ thần Perséphone vợ của thần Hadès dưới âm phủ nuôi hộ. Ít lâu sau Aphrodite xuống âm phủ xin lại Adonis thì nữ thần Perséphone không trả, nhất quyết không trả. Không trả chỉ vì một lẽ rất vô lý mà không dám nói ra: Adonis đẹp quá, đẹp đến nỗi Perséphone yêu, quá yêu, không muốn cho chàng trai đó thoát khỏi tay mình. Hai vị nữ thần cãi cọ với nhau mất mặn mất nhạt, cuối cùng phải đưa lên thần Zeus phân xử. Zeus, quả xứng đáng là bậc phụ vương của các thần, quyết định: Adonis luân phiên ở với mỗi vị nữ thần nửa năm. Mùa xuân, mùa hè ở với Aphrodite; mùa thu, mùa đông ở với Perséphone.

Năm ấy, vào độ đầu xuân, Adonis sống với Aphrodite. Khó mà nói được vị nữ thần này yêu Adonis đến như thế nào. Tất nhiên nếu không yêu thì đã chẳng có chuyện tranh giành với Perséphone. Nàng yêu Adonis say đắm đến nỗi quên cả trở về cung điện Olympe, quên cả hòn đảo Cythère đầy hoa nở và biết bao nhiêu ngày hội lễ ở nơi này, nơi khác.

Aphrodite lúc nào cũng quấn quít bên Adonis. Nàng yêu chàng trai ấy quá đỗi, đến mức mà chỉ vắng chàng một lát là nàng đã nơm nớp lo sợ, tưởng tượng ra bao nhiêu điều rủi ro xảy ra đối với chàng. Mỗi khi Adonis đi săn là Aphrodite cũng đi theo, mặc dù đi săn không phải là thú vui của nàng. Nàng quên cả việc giữ gìn sắc đẹp, theo bước Adonis vào rừng, đày đọa mình dưới nắng trưa mưa sớm. Nàng căn dặn Adonis không được săn thú dữ mà chỉ được săn bắt những con vật bé nhỏ, hiền lành, không thể gây nguy hiểm cho mình như: Hươu, nai, chồn, cáo, thỏ, gà... nàng cầu khẩn các vị thần Olympe phù hộ cho Adonis thoát khỏi những chuyện không may có thể xảy ra trong khi chàng mải mê săn bắn.

Nhưng mọi sự tính toán, lo xa của nàng vẫn không giúp chàng thoát khỏi tai nạn. Và xót xa thay, tai họa ấy lại là điều mà Aphrodite đã lường tính trước, đã từng căn dặn Adonis tưởng như đến đứt đầu lưỡi. Đó là một ngày đẹp trời, Adonis đi vào rừng săn. Nhưng hôm ấy không rõ chuyện gì Aphrodite không cùng chàng vào rừng được. Tuy nhiên điều đó không hề làm Adonis kém phần say sưa, hăng hái trong thú vui săn bắn. Chàng đã bắn được khá nhiều chồn, thỏ, gà rừng... Bỗng đâu từ một bụi rậm không xa chàng lắm chạy xồ ra một con lợn rừng. Con lợn hộc lên lướt qua trước mặt chàng. Bầy chó sủa ầm lên và rượt theo. Adonis sung sướng, chắc mẩm chuyến này chàng sẽ hạ được con mồi béo bở, lập một chiến công, vì xưa nay chàng chưa bao giờ hạ được một con thú to lớn hung dữ như con lợn rừng. Đàn chó lao vút đi và chẳng mấy chốc đã bổ vây quanh con lợn. Adonis chạy tới, tay cầm lao nhọn. Vào lúc chàng vừa ngả người lấy đà thì con lợn lao mạnh ra, húc băng đi một con chó và phóng như bay vào người chàng. Đầu lợn rắn như đá với những chiếc răng nanh nhọn hoắt đâm bổ vào đùi chàng, sục vào bụng chàng, Adonis ngã vật ra, máu đỏ phun, chảy lênh láng trên mặt đất. Con lợn vượt đi, thoát khỏi tai họa. Còn Adonis nằm đấy, bóng đen phủ kín mặt chàng.

Aphrodite được tin Adonis chết, bủn rủn cả người. Nàng cố nén đau thương lần vào khu rừng trên đảo Chypre tìm xác chàng thanh niên xinh đẹp, yêu dấu của mình. Nàng trèo đèo, lội suối, len lỏi qua các bụi gai rừng sắc nhọn. Đá cứng làm đôi chân nàng xinh xắn, nõn nà là như thế, mà dập nát, ứa máu. Gai rừng cào xé rách áo, làm xây xát da thịt nàng. Cuối cùng Aphrodite tìm được xác Adonis. Nàng ngồi xuống bên chàng khóc than thảm thiết, đưa tay vuốt mớ tóc xõa bết dính mồ hôi và đất bụi trên vầng trán cao đẹp của chàng, mớ tóc vô vàn thân yêu và quen thuộc đối với nàng. Nàng bế xác chàng trên tay đưa về làm lễ an táng. Người xưa kể, máu của Adonis nhỏ xuống trên đường đã làm mọc lên những bông hoa anémone, một thứ hoa nở vào những ngày đầu xuân song sớm nở mà chóng tàn. Còn máu của Aphrodite do bị gai cào, đá cứa, nhỏ xuống những bông hoa (hồng) trắng biến thứ hoa này thành thứ hoa có màu hồng thắm, loại hoa của Tình yêu, Sắc đẹp và Tuổi trẻ. Thần Zeus thương người thanh niên trẻ đẹp, sớm phải lìa đời xuống vương quốc của thần Hadès, nên cứ như lệ thường lúc chàng còn sống cho chàng mỗi năm khi xuân về sống lại - phục sinh - để trở về với Aphrodite ở thế giới loài người. Có người lại kể Adonis chết vì thần Arès, “chồng” Aphrodite. Biết vợ mình đem lòng yêu say đắm Adonis, vị thần Chiến tranh-Arès nổi ghen, xúi một con lợn rừng lao bổ vào Adonis.

Có người lại nói, Zeus phân xử: Adonis sống với mỗi nữ thần một phần ba thời gian của một năm, còn lại thì tùy ý Adonis. Từ đó Adonis sống đúng một phần ba thời gian với Aphrodite, vì thế Perséphone ghen, xui Arès bày mưu giết chết Adonis. Người ta còn kể, không phải máu của Aphrodite đã nhuộm những bông hoa trắng thành bông hoa hồng, mà chính là máu của Adonis nhỏ xuống đất đã sinh ra thứ hoa đẹp đẽ, thanh cao đó.

Huyền thoại về Adonis gốc từ Syrie, phản ánh sự vận động của thiên nhiên: sinh - tử - tái sinh. Trong gia tài huyền thoại của nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà có nhiều chuyện về cái chết và sự tái sinh của các vị thần. Những huyền thoại ấy đã du nhập vào Hy Lạp và được nhào nặn lại trong bối cảnh lịch sử-xã hội cụ thể của nền văn minh Hy Lạp. Môtíp sinh - tử - tái sinh của huyền thoại Christ trong Kinh Phúc Âm đã là ngọn nguồn của nhiều tập tục, nghi lễ của Thiên Chúa giáo. Môtíp này cũng đã du nhập vào các hình thành trong gia tài truyện cổ tích của nhiều dân tộc. Truyện Tấm Cám của chúng ta rõ ràng cũng có môtíp tái sinh.

Ngày nay trong văn học thế giới, Adonis chuyển nghĩa, chỉ một người thanh niên rất đẹp trai, đẹp trai hiếm thấy hoặc những người đàn ông hào hoa phong nhã.

THẦN ÉROS

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp và La Mã, bên nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp Aphrodite còn có những thần Tình yêu: Éros, Amour, Cupidon. Lai lịch các vị thần này như thế nào, các vị làm gì, được thế giới Olympe trao cho sứ mạng gì để xuống trần góp một tay điều hành thế giới loài người trần tục, đoản mệnh chúng ta?

Về Éros như trên đã kể, là một vị thần Tình yêu ra đời từ chốn hư không, hỗn mang Chaos cùng với Trời-Ouranos và Đất-Gaia. Éros được người xưa coi là một trong những ngọn nguồn của sự sống và thế gian. Sau này một nguồn khác lại coi Éros là con trai của Arès với Aphrodite, hoặc của Zeus với Aphrodite, của Hermès với Aphrodite, của Hermès với Zéphyr, với Iris. Lại có chuyện kể Éros là con của Apollon với Aphrodite. Tục truyền rằng khi Éros ra đời, thần Zeus vì một sự tính toán lo xa định giết chết tươi đứa bé, Zeus nghĩ: “Bố nó đã là một thiện xạ bách phát bách trúng, cô ruột nó cũng lại là một xạ thủ danh tiếng lẫy lừng, bây giờ lại thêm nó nữa thì thế giới thiên đình và loài người có ngày rối tung rồi mù lên, đảo lộn tất cả!” Nhưng Aphrodite biết trước ý đồ của Zeus. Nàng đem con giấu vào rừng, giấu vào tận một khu rừng già sâu thẳm chưa từng có bóng người lai vãng. Những con sư tử cái đem sữa của mình nuôi chú bé Éros. Lớn lên chú bé được bố cho một cây cung bạc và một ống tên vàng. Với đôi cánh rực rỡ, chú bay khắp đó đây, dùng tên của mình bắn vào trái tim những chàng trai và những cô gái. Cứ thấy có chàng trai và cô gái nào là Éros giương cung lên, bắn. Những mũi tên vô hình của Éros xuyên vào trái tim các chàng trai và những cô gái. Vì thế họ yêu nhau. Họ phải yêu nhau vì họ đã bị những mũi tên vô hình của thần Tình yêu-Éros bắn phải. Chẳng ai lẩn tránh được những mũi tên đó vì nó vô hình, vì nó bay dọc ngang khắp trời đất, vì chẳng ai biết được thần Tình yêu-Éros bắn vào lúc nào. Vì những mũi tên vô hình nên nó cũng gây cho các chàng trai và những cô gái một nỗi đau đớn vô hình. Kể từ khi bị trúng tên là trong người bứt rứt, bồn chồn, trái tim lúc xót như muối, lúc mềm như dưa, lúc nóng sôi lên sùng sục, dâng dâng như nước triều lên. Có khi lại lạnh buốt, nhức nhối hoặc cạn trơ ra như lúc nước triều rút. Tai hại hơn nữa có khi “chết” mất một tý trong tim, thậm chí, hơn nữa, chết cả cuộc đời, vĩnh viễn giã từ cuộc sống. Đó là tai họa mà chú thiếu niên Éros tinh nghịch giáng xuống cho loài người. Nhưng cũng nhờ sự tinh nghịch của chú mà loài người là... loài người. Chú chẳng bắn một mũi tên nào cho con lợn, con bò, con chó, con gà... cả, do đó bọn chúng chỉ “làm tình” mà chẳng thể có tình yêu với những sướng vui và khổ đau mà chỉ riêng loài người mới có. Xét như thế thì loài người đoản mệnh chúng ta cũng không nên oán trách thần Tình yêu-Éros đã buộc “dây oan” vào loài người chúng ta. Và như vậy thì âu là cái tai họa mà Éros đã giáng xuống cho loài người cũng là một niềm hạnh phúc.

Như vậy, Éros đã được mở rộng nghĩa. Từ chỗ là Tình yêu như là một quy luật tác động của âm dương, trời đất, vạn vật, muôn loài làm nẩy sinh ra sự sống đến chỗ như là một quy luật gây ra những xúc động mạnh mẽ, phức tạp (có thể là mạnh mẽ nhất, phức tạp nhất) trong thế giới tâm hồn con người, thần thoại Hy Lạp đã cho chúng ta thấy sự phong phú và sâu sắc trong cái tư duy ấu trĩ, ngây thơ của nhân loại đang khao khát nhận thức thế giới. Thời cổ đại tạc tượng Éros là một chú thiếu niên có cánh vai đeo ống tên, tay cầm cung hoặc có khi tay cầm đuốc. Với bó đuốc thần đó, Éros làm bùng cháy lên trong trái tim con người những dục vọng say đắm của tình yêu. Và như vậy mặc dù lai lịch về đằng bố có hơi phức tạp nhưng về đằng mẹ thì chắc chắn Éros là con của nữ thần Tình yêu-Aphrodite.

Trong thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ IV TCN) xuất hiện nhiều vị thần tình yêu. Tiếp đến thần thoại La Mã ra đời trên cơ sở mô phỏng, chế biến tái tạo lại thần thoại Hy Lạp do đó cũng lại đẻ ra nhiều vị thần tình yêu. Ngoài Vénus còn có Amour, Cupidon. Thật ra những vị thần này không có gì khác Éros. Tuy nhiên trong nghệ thuật tạo hình chúng ta thấy có đôi nét khác. Thần Cupidon hoặc Amour thường được thể hiện là một chú bé (chứ không phải một chú thiếu niên hoặc một chàng thiếu niên) với thân hình bụ bẫm và vẻ mặt tinh nghịch, có cánh, khi cầm cung đeo ống tên, khi cầm đuốc, có khi không cầm gì cả. Ở một số tranh các nghệ sĩ vẽ nhiều thần Amour hoặc Cupidon cùng một lúc. Trong những tranh ấy với lối thể hiện như vậy, thần Tình yêu mang ý nghĩa tượng trưng cho mùa xuân và sức sống. Có trường hợp người ta thể hiện thần Amour là một thiếu niên có cánh, hai tay cầm hai vòng hoa, dường như để trao tặng cho những đôi trai gái nào đã vượt qua được những rụt rè, e thẹn, sợ hãi lúc đầu, kể cả những khó khăn, rắc rối, những trở ngại mà không ai lường hết được, để yêu nhau, coi đó như là một thắng lợi của mình: Tình yêu.

Cupidon và Psyché

Truyện thần thoại La Mã về Cupidon như sau:

Xưa có một vị vua sinh được ba người con gái xinh đẹp, nhưng người con gái út, nàng Psyché xinh đẹp hơn cả. Psyché đẹp đến nỗi đứng bên các chị, người ta có thể tưởng đó là một vị nữ thần đứng cạnh người trần. Tiếng tăm về sắc đẹp của nàng Psyché lan truyền đi khắp bốn phương khiến các chàng trai gần xa nô nức kéo đến chiêm ngưỡng nàng. Trăm người như một, ai đã có dịp thấy nàng đều cho rằng có lẽ nàng là một vị thần giáng thế. Và người ta tôn sùng nàng như một vị nữ thần, thậm chí đến nỗi cho rằng nàng còn đẹp hơn cả nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp-Vénus. Cứ thế ngày mỗi ngày người đến để “trộm liếc” dung nhan của Psyché càng đông, sự tôn sùng, ngợi ca sắc đẹp nàng càng tăng khiến cho việc thờ phụng nữ thần Vénus bị sao nhãng. Đền thờ Vénus tro lạnh, hương tàn, người đến cúng lễ thưa thớt. Những đô thị thờ phụng nữ thần Vénus xưa sầm uất đông vui là thế, thu hút khách thập phương, thiện nam tín nữ là thế mà nay buồn tẻ vắng ngắt. Sự thể đó làm nữ thần Vénus ăn không ngon, ngủ không yên. “Phải mau mau xóa bỏ cái cảnh này chứ cứ để mãi như thế này thì thật là một tai họa...” Nữ thần Vénus nghĩ thế và nàng cho gọi đứa con trai yêu quý đến. Chàng trai Cupidon hoặc Amour, tên tuy hai nhưng người chỉ là một, với cây cung và ống tên luôn ở bên người, đã đến ngay không hề chậm trễ. Nữ thần Vénus sau khi kể cho con biết sự thể đầu đuôi, bèn ra lệnh:

- Con hãy trổ tài của mình đi. Làm sao cho cái con bé ấy nó yêu say yêu đắm, yêu đến chết mê chết mệt một chàng trai xấu xí nhất trần đời, xấu đến nỗi ma chê quỷ trách, người khinh... hiểu chưa? Con hãy giúp mẹ, trổ tài của mình đi!

Cupidon vâng lệnh bay xuống trần. Chàng tìm đến nơi Psyché ở. Nghiệt ngã thay, chàng không sao tìm thấy một anh chàng nào xấu xí đến nỗi ma chê, quỷ trách, người khinh, xấu đến nỗi phải bắn cho nó một phát tên để nó được yêu một người đẹp như Psyché... theo đúng lời dặn. Cũng có thể Cupidon không nỡ bắt một người con gái đẹp như thế phải lấy một người chồng mà những người con gái chẳng xinh cũng chẳng đẹp còn chê. Nhưng có lẽ đúng hơn cả là chàng Cupidon trẻ đẹp này đã... ngay từ khi mới sơ kiến dung nhan nàng Psyché, đem lòng yêu nàng, yêu lắm ấy, yêu đến nỗi như chàng đã bị trúng một phát tên của mình. Tình cảnh nó lại éo le đến như thế cho nên Cupidon chỉ có cách về nhà nói dối mẹ là chưa tìm được một người nào xấu trai đến nỗi... xứng đáng được hưởng phát tên của mình.

Còn Psyché, nàng vẫn là niềm ước mơ bồn chồn cháy bỏng của bao nhiêu chàng trai. Biết bao trang công tử phong lưu mã thượng, tiền kho thóc đụn, gia nhân kể có hàng trăm, đến cầu hôn với nàng. Cũng không ít những tráng sĩ anh hùng, tài năng kiệt xuất, võ nghệ cao cường nhưng khinh tài trọng nghĩa đến xin đón nàng về làm vợ. Nhưng tất cả đều thất vọng. Nàng xem ra chẳng thiết nghĩ đến chuyện tình yêu và gia đình. Nàng chẳng đặt ra một điều kiện gì, nêu lên một đòi hỏi gì đối với bất cứ ai và cũng chẳng tỏ ra để ý đến một chàng trai nào. Trong khi đó hai người chị của nàng đã yên bề gia thất. Tuy họ chẳng đẹp bằng Psyché nhưng mỗi nàng cũng đã chọn cho mình được một vị hoàng tử xứng đáng. Chỉ còn mình Psyché xinh đẹp được tôn sùng, chiêm ngưỡng, ngợi ca trọng vọng song lại sống trong cảnh cô đơn. Nàng chẳng yêu ai cũng không ai yêu được nàng. Bởi vì Cupidon đã giữ những mũi tên của mình lại.

Tình hình đó làm cho cha mẹ Psyché, vua cha và hoàng hậu rất đỗi lo lắng. Chỉ còn cách đến đền thờ thần Apollon xin thần ban cho một lời chỉ dẫn. Lời chỉ dẫn thật khá ác nghiệt. Thần Cupidon đã đến gặp thần Apollon, kể hết nỗi lòng của mình và tha thiết xin thần Apollon giúp đỡ. Đó là một sự “móc ngoặc”, nguồn gốc của lời phán truyền sau đây: Psyché sẽ có một người chồng! Chồng nàng sẽ đón nàng đi vào một đêm khuya. Hãy mặc cho nàng đồ tang, đưa nàng lên đỉnh ngọn đồi cao và để nàng ở lại đó một mình. Một con mãng xà có cánh, còn mạnh hơn các vị thần sẽ đến đưa nàng về làm vợ. Nếu không làm đúng như vậy thì chưa biết những tai họa gì sẽ giáng xuống đầu thần dân xứ này.

Đức vua trở về thuật lại lời phán truyền của thần Apollon cho mọi người biết. Hoàng hậu nghe xong, thét lên một tiếng kinh hoàng rồi ngất đi. Cả kinh thành vang lên tiếng khóc than thảm thiết. Người ta sắm sửa lễ tiễn đưa Psyché. Còn nàng, trong nỗi đau thương của mọi người cũng không cẩm được nước mắt. Tuy nhiên nàng cố gắng trấn tĩnh để an ủi vua cha và hoàng hậu:

- Xin cha mẹ bớt đau buồn! Con có lấy phải một người chồng không xứng đáng cũng là để cứu đô thành ta thoát khỏi tai họa. Chắc rằng con sẽ có ngày về thăm lại cha mẹ và bà con họ hàng thân thích.

Nàng thầm oán trách cho số phận trớ trêu của mình. Sắc đẹp của nàng đã gây ra sự ghen tức của thần linh. Lễ tiễn đưa nàng, một cô dâu về nhà chồng mà cử hành như một lễ tang. Từ cô dâu cho đến những người đưa tiễn đều mặc tang phục.

Psyché ngồi chờ trên đỉnh đồi cao. Chút ánh sáng mờ nhạt cuối cùng của một ngày tắt hẳn. Bóng tối trùm phủ lên cảnh vật làm cho Psyché vô cùng sợ hãi. Nàng đưa hai tay ôm lấy mặt khóc nức lên. Đêm càng về khuya, nàng càng khiếp đảm. Chỉ một tiếng động nhỏ trong bóng đen huyền bí cũng làm nàng giật mình run lên, hãi hùng, lo âu. Một làn gió nhẹ thổi làm Psyché cảm thấy khoan khoái. Làn gió như một bàn tay dịu hiền mơn man, ve vuốt trên người nàng. Đó là hơi thở hiền hòa của thần gió Zéphyr, ngọn gió dịu dàng nhất trong các loại gió, lãnh sứ mạng đến đón nàng đi. Ngọn gió làm cho người nàng tỉnh táo trở lại. Nàng cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái trong người. Và phút chốc nàng cảm thấy trong người nhẹ tênh hẳn đi, bay lâng lâng trong gió. “Thế là con mãng xà, chồng ta, đến đón ta đi rồi ư?” Nàng tự hỏi và đưa mắt nhìn quanh xem có thấy người chồng do thần thánh áp đặt cho nàng không. Nhưng không thấy gì hết. Và nàng đang có cảm giác là mình từ trên cao hạ xuống. Psyché đã đặt chân xuống một cánh đồng cỏ êm mượt như nhung. Nàng mệt quá lăn ra thảm cỏ ngủ thiếp đi trong hương thơm ngào ngạt. Tỉnh dậy nàng thấy mình đang ở bên một con sông nước trong xanh, trước mặt là một tòa lâu đài uy nghi lộng lẫy. Những cột vàng, mái bạc, tường đồng và thềm đá hoa cương sáng lên ngời ngợi. Psyché đi đến trước mặt tòa lâu đài. Nàng không thấy bóng một ai. Trong khi nàng đang ngỡ ngàng không biết định liệu như thế nào thì từ đâu bay đến văng vẳng bên tai nàng, một giọng nói dịu dàng, ấm cúng: “Tòa nhà này là của nàng, xin nàng hãy vào trong nhà, đừng sợ hãi gì cả. Không một ai ở đây là người độc ác, mưu hại người khác cả đâu. Xin nàng hãy cứ yên tâm nghỉ ngơi và cứ tự nhiên như khi ở nhà, mọi việc ở đây đã có người lo liệu chu tất”. Psyché theo lời dặn vô chủ ấy, mạnh dạn đi vào lâu đài. Mọi thứ ở đây đều sang trọng, quý giá và đẹp đẽ hết mức. Nàng chưa bao giờ được tắm trong một phòng tắm lộng lẫy và thuận tiện như ở đây. Nàng cũng chưa từng bao giờ được dự một bữa tiệc với những món ăn ngon và mới lạ như ở đây. Trong khi nàng ăn, tiếng đàn ca từ đâu vẳng đến nghe như không cách bàn ăn của nàng bao xa, nhưng không tài nào nhìn thấy một ai cả. Cứ xem cung cách sống của chủ nhân tòa lâu đài và cách đối xử với nàng, Psyché đoán chắc là người chồng mà nàng chưa biết mặt hẳn không phải là một con quái vật. Biết đâu đó, chồng nàng chẳng phải là một con người xinh đẹp, tài năng và lịch thiệp như nàng hằng mơ ước. Nhưng nàng cũng không sao biết được mặt người chồng. Chàng chỉ đến với nàng khi màn đêm đã buông xuống và ra đi trước khi trời sáng. Điều đó khiến nàng vẫn cảm thấy không được hoàn toàn hạnh phúc. Một tối kia người chồng thân yêu vô hình, vô ảnh nói với nàng bằng một giọng nghiêm nghị:

- Hai người chị ruột của em lên ngọn đồi lúc em ra đi khóc thương nhớ em thảm thiết. Nhưng dẫu thế nào chăng nữa ta cũng không cho em được gặp mặt các chị. Nếu không, em sẽ gây cho ta một cực hình và em sẽ chẳng còn được sống ở trên đời này nữa.

Psyché hứa vâng lời người chồng song nàng không sao nén được nỗi nhớ thương hai chị. Cứ nghĩ đến hai chị đang mòn mắt trông chờ mình, khóc thương mình trên ngọn đồi hoang vắng là Psyché lại nhớ đến cha mẹ, nhớ đến cuộc sống đông vui, ấm cúng bên những người thân thích trước kia. Và nàng nước mắt tuôn trào khóc thương cho số phận của mình. Nàng cứ thế sụt sùi cho tới tối hôm sau khi người chồng vô hình vô ảnh của nàng về. Những lời an ủi và sự vuốt ve, âu yếm của chàng lại càng làm cho nàng tủi thân, chạnh lòng đau xót. Cuối cùng, người chồng phải nhượng bộ:

- Thôi được, ta cho phép em gặp lại hai chị. Hai chị sẽ đến đây thăm em. Nhưng ta nhắc lại để em biết, ngày em gặp lại hai chị là ngày em chuẩn bị cho cái chết của mình đấy!

Cupidon còn dặn đi dặn lại Psyché không được nghe theo lời xúi giục của ai mà định tâm tìm cách biết mặt chồng. “Ngày mà em biết mặt ta,” chàng nói, “cũng là ngày chúng ta xa cách nhau vĩnh viễn”. Psyché hứa sẽ tuân theo lời căn dặn của chàng, không dám đơn sai một gang một tấc. Trong khi Psyché mừng rỡ thì người chồng buồn rầu nghĩ đến một tương lai không hay sẽ xảy ra vì chuyện viếng thăm này. Đêm hôm đó ngọn gió Zéphyr đưa hai người chị tới thảm cỏ bên bờ sông. Và sáng hôm sau hai người chị vào trong tòa lâu đài thăm em gái. Nói sao được hết nỗi vui mừng cảm động của ba chị em khi gặp lại nhau. Psyché đã chờ hai chị với bao nhiêu hồi hộp và khi hai chị đến, nàng reo lên mừng rỡ, xiết ôm hai chị trong vòng tay, nước mắt trào ra vì sung sướng. Nàng dẫn hai chị đi thăm tòa lâu đài, khoe với hai chị những đồ đạc sang trọng, quý giá, thuận tiện. Nàng mời hai chị những bữa ăn thịnh soạn. Hai chị của Psyché được nghe tiếng đàn ca du dương trong khi ăn, được thưởng thức đủ mọi thứ của ngon vật lạ, nhưng cậu em rể, chồng của Psyché, thì suốt từ lúc hai người chị tới không thấy mặt đâu. Lúc đón cũng không có, bữa ăn cũng không. Điều này khiến hai người chị của Psyché thắc mắc. Psyché chỉ còn cách bịa ra chuyện chồng mình bận một cuộc đi săn với bạn bè trong một khu rừng cách đây khá xa từ mấy hôm nay. Tiệc tàn, ngày hết, Psyché gửi quà về biếu cha mẹ và tặng hai chị nhiều báu vật. Hai người chị ra về với niềm sung sướng đã gặp lại em, được biết em sống hạnh phúc. Họ cũng hoàn toàn vừa lòng với cách tiếp đãi, cư xử của cô em. Tuy nhiên trong trái tim của họ nảy ra một sự so sánh và thèm muốn cuộc sống của cô em. Đó là sự ghen tị xấu xa mà loài người đã mắc phải khiến cho các vị thần linh vô cùng giận dữ. So sánh với cuộc sống của họ vốn đã nổi tiếng là giàu sang, phú quý thì quả thật là một trời một vực. Trong trái tim họ bùng lên một âm mưu nham hiểm.

Tối hôm đó, chồng của Psyché lại căn dặn vợ một lần nữa, rằng ba chị em như thế đã gặp nhau rồi, đủ rồi, rằng từ nay trở đi không nên và cũng không cần thiết mời hai chị tới viếng thăm lần nữa, rằng nếu tới thăm lần nữa sẽ rất nguy hiểm. Psyché vâng vâng dạ dạ, hứa tuân theo lời dặn của chồng. Nhưng chỉ ít bữa sau nàng lại nằn nì xin chồng cho hai chị tới thăm mình. Chồng nàng lúc đầu tỏ ra dứt khoát không chấp nhận. Nhưng trước vẻ mặt giận dỗi, âu sầu, giọt ngắn giọt dài của nàng thì cuối cùng chàng đành phải tuân theo ý vợ. Thì ra cái sự khóc của đàn bà cũng là một sức mạnh... sức mạnh tai họa cho thế gian, tuy chuyện xưa không thấy kể Zeus và các thần linh bỏ một “hạt giống khóc” vào trong cái hộp Pandore. Ngọn gió Zéphyr lại đưa hai người chị tới thăm em. Trong câu chuyện hàn huyên lần này, hai người chị tỏ ra rất băn khoăn, thắc mắc về sự vắng mặt của cậu em rể, Psyché lần này cũng tỏ ra lúng túng. Nàng không biết biện hộ thế nào cho sự vắng mặt của chồng mình. Một người chị bèn ghé vào tai nàng nói:

- Có lẽ đúng như lời truyền phán của thần Apollon đấy! Cậu ấy là một con mãng xà, một giống yêu quái. Vì thế cậu ấy không dám ra mặt tiếp chúng tôi.

Người chị kia bèn chêm vào:

- Cô không biết gì hết! Sao mà cô cạn nghĩ làm vậy. Sớm muộn rồi cũng có ngày giống yêu quái ấy nó hiện nguyên hình nuốt cô vào bụng. Người sao lại có thể sống chung với mãng xà đời đời kiếp kiếp được.

Những lời nói đó làm bùng lên trong trái tim Psyché một nỗi hồ nghi, một sự lo âu khôn tả. Bao nhiêu hy vọng và tưởng tượng về người chồng vắng mặt của nàng, mà nàng do không được thấy, đã hình dung ra chàng là một người xinh đẹp, tài năng và lịch thiệp, nay bỗng sụp đổ. “Hình như những lời nói của hai chị là đúng.” Psyché nghĩ thế. “Nếu không, chồng mình tại sao lại chỉ gặp mình vào lúc đêm khuya và ra đi trước khi trời sáng. Còn ban ngày ban mặt ta chẳng bao giờ được gặp chàng. Đúng là chàng sợ gặp ta vào khi trời sáng sẽ lộ ra cái hình thù gớm ghiếc của chàng?” Psyché nghĩ thế và ngồi thừ ra một hồi lâu. Bỗng dưng nàng khóc nấc lên, vừa khóc vừa nói với hai chị:

- Các chị ơi! Có lẽ đúng như thế đấy. Anh ấy chẳng giáp mặt với em lúc ban ngày ban mặt bao giờ. Các chị bảo em phải tính sao bây giờ? Em đến chết mất thôi!

Đây chính là lúc hai người chị chờ đợi. Họ ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ lo tìm một lối thoát cho em, nhưng thực ra câu trả lời đã được chuẩn bị từ lâu.

- Cô cứ giấu kỹ ở trong phòng cô một cái đèn và một con dao thật sắc thật nhọn. Lừa cho lúc hắn ta ngủ say cô thắp đèn lên và cầm dao thọc cho hắn một nhát. Nhớ thọc vào chỗ hiểm ấy, tim hay cổ thì hắn mới chết ngay được. Chỉ có cách ấy thì cô mới cứu được mình khỏi bị nuốt. Xong việc các chị đến đón cô về ở với các chị. Chị em ta sống chết có nhau.

Và các chị của Psyché lại nhờ gió Zéphyr đưa về, còn Psyché ở lại với biết bao giằng xé, giông bão trong trái tim. “Giết chết chàng ư? Chàng đối xử với ta không có điều gì đáng chê trách, chàng là người chồng yêu mến thân thiết của ta, có lẽ nào ta lại... Không, không ta không thể giết chàng. Nhưng nếu chàng là một con quái vật thì sao? Không giết nó thì nó cũng giết mình. Nhưng ta đã trông thấy con quái vật này đâu? Lấy gì làm bằng cớ rằng chàng, một con người yêu mến ta rất mực, tôn trọng ta, đối xử với ta không hề mang dấu vết gì của thói thô bạo, hoang dã lại là một con quái vật?” Cứ thế những ý nghĩ như vậy vật lộn với nhau trong trái tim Psyché. Cuối cùng, khi chiều hết thì cuộc đấu tranh giữa chúng cũng tạm thời ngã ngũ. Psyché không dám làm cái việc tày đình giết chồng, nhưng nàng phải làm một việc: xem thử chàng đích thực là thế nào, là người hay là một con quái vật?

Đêm hôm ấy chờ cho lúc chồng ngủ say, Psyché cố sức bình tâm, lấy hết can đảm và nghị lực ra, châm lửa thắp đèn, nàng rón rén tay cầm đèn đi đến chỗ giường chồng nằm. Nàng nhìn vào con người đang nằm ngủ ngon lành trên giường. Nàng suýt kêu trời. Không, không phải là một con quái vật mà là một chàng trai tuấn tú, xinh đẹp khác thường, đẹp đến nỗi nàng, trong cả những giấc mơ cũng chưa từng bao giờ tưởng tượng nổi ra một chàng trai đẹp đẽ, cân đối, cường tráng đến như thế. Nàng quỳ xuống bên giường, ghé sát đèn vào, cúi xuống nhìn cho rõ khuôn mặt chồng hơn. Sung sướng, hồi hộp, nơm nớp lo âu khiến cho đôi tay nàng run rẩy. Và trong khi nàng vừa cúi đầu xuống thì những giọt dầu nóng bỏng từ chiếc đèn cũng nghiêng theo và rớt xuống vai người chồng. Chàng giật mình tỉnh dậy. Chàng nhìn thấy ngọn đèn sáng trong tay vợ mình. Psyché đã không giữ lời hứa, không trung thực, không tin chàng. Không một lời từ giã, chàng như một luồng gió, vụt ra đi.

Psyché vứt đèn chạy đuổi theo chàng. Nàng vừa chạy vừa gọi chàng, nức nở. Nàng không thấy chàng, nhưng nàng cứ chạy đuổi theo trong đêm đen, quên hết mọi nỗi hiểm nguy. Chàng nói lại cho nàng biết, mình là Cupidon và chàng rất đau buồn phải từ giã nàng vì “Tình yêu chẳng thể nào có được khi không có lòng tin và sự trung thực!” Chỉ nói với lại mấy lời ngắn ngủi như thế rồi Cupidon biến mất. Psyché bàng hoàng, suy nghĩ: “Chồng mình là vị thần Tình yêu! Trời! Sao lại dại dột đến thế, đến không tin chàng. Chàng bỏ ra đi rồi, chàng ra đi mãi mãi chăng? Dù thế nào đi nữa ta cũng phải tìm bằng được chàng. Vì tình yêu của ta đối với chàng, ta sẽ đi khắp cùng trời cuối đất để tìm chàng. Ta sẽ vượt qua mọi gian truân, thử thách để tìm bằng được chàng và nói với chàng, nếu như đời ta thiếu chàng thì ta đến chết trong cô đơn, giá lạnh”.

Từ đó bắt đầu cuộc hành trình của Psyché đi tìm Cupidon. Psyché đi đâu, tìm ở đâu? Nàng cũng không biết nữa. Nhưng nàng chỉ biết có một điều là nàng yêu chàng thắm thiết và nàng phải đi tìm bằng được chàng, nàng tin rằng nhất định nàng sẽ tìm được chàng. Không một khó khăn, trở ngại nào làm nàng từ bỏ tiếng nói chân chính đó của trái tim.

Còn chàng Cupidon bị vết bỏng ở vai vì thế chàng phải bay về ngay nhà để xin mẹ chữa giúp. Thế là “cháy nhà ra mặt chuột”, bấy giờ nữ thần Vénus mới biết con trai mình đã chẳng thi hành lệnh của mình mà lại còn yêu Psyché. Bực mình hết chỗ nói, nữ thần Vénus bỏ mặc cậu con trai đang đau đớn vì vết bỏng, khóa chặt cửa phòng nhốt Cupidon lại và ra đi tìm nàng Psyché. Vénus quyết tìm bằng được Psyché để trừng phạt nàng vì cái tội đã gây ra nỗi đau đớn cho con mình và nỗi tức giận cho mình, đường đường là một bậc thần linh.

Nàng Psyché đau khổ trong bước đường phiêu bạt hết nơi này đến nơi khác đi tìm chồng đã không quên cầu xin các vị thần tha thứ cho tội lỗi của mình, giúp đỡ mình đi tìm lại được Cupidon. Nhưng các vị thần, vị nào cũng lảng tránh vì sợ gây ra chuyện phiền phức với Vénus. “Chẳng được cái gì lại mang vạ vào thân... chi bằng cứ chuyện ai mặc người ấy”, đó là ý nghĩ của các vị thần cao cả của thế giới vĩnh hằng. Psyché không xin được một lời chỉ dẫn, phán truyền nào của thần thánh cả. Cuối cùng nàng thấy chỉ còn cách là cầu khấn nữ thần Vénus, xin nữ thần nguôi giận và xin nguyện làm tôi tớ cho nữ thần. Và Psyché quyết định không đi tìm Cupidon nữa mà là đi tìm Vénus. Lại những ngày đi mỏi gối chồn chân, dầm mưa giãi nắng. Lại những ngày đi vượt núi xuyên rừng, đói cơm, khát nước. Mặc những khó khăn đó chẳng thể làm cho Psyché nản lòng. Nàng tự nhủ với mình: “Ta yêu chàng chân thành và chung thủy. Tình yêu chân chính của ta cho ta sức mạnh. Nếu như chẳng may ta có chết đi trước khi gặp lại được chàng thì điều đó cũng giúp ta để chàng hiểu thấu tấm lòng trong sáng của ta”. Và Psyché đi với niềm tin sẽ gặp được Vénus, sẽ xin được nữ thần tha thứ cho mình. Cuối cùng và tất nhiên là như thế, họ đã gặp nhau. Vì một nữ thần không thể nào lại không tìm được một người con gái trần thế, vì người con gái trần thế quyết tìm bằng được nữ thần. Gặp Psyché, Vénus cười một cách khinh thường và thách thức. Nữ thần bảo nàng:

- Trời! Sao con dấn thân vào một công việc vô hy vọng đến như vậy? Con định đi tìm người chồng mà con đã chẳng tin yêu chàng, người chồng đã bị con làm bỏng nặng tưởng chết mất rồi ấy, nó chẳng buồn gặp lại nữa đâu. Dù sao thì con cũng phải biết mình biết người chứ. Con, ta nói thật, xấu đến nỗi, vô duyên đến nỗi chẳng đứa nào nó lấy đâu, chẳng đứa nào nó yêu đâu!

Psyché đáp lại lời nữ thần:

- Hỡi nữ thần Vénus có sắc đẹp không ai sánh nổi! Xin nữ thần hãy tha thứ cho kẻ hèn mọn này đã đem lòng kính yêu Cupidon. Bởi vì một người trần thế phàm tục không thể nào được kết duyên với một vị thần bất tử. Đó là luật lệ khắc nghiệt của các vị thần đã ban xuống cho thế giới loài người đoản mệnh, trừ khi các vị thần gia ân cho phép. Nhưng dù sao con cũng đã kính yêu chàng Cupidon muôn đời bất tử. Vì tình yêu đối với chàng con sẵn sàng chịu đựng mọi nỗi gian truân thử thách. Xin nữ thần hãy cho phép con được gặp chàng.

Nữ thần Vénus nhìn cô gái với vẻ lạnh lùng nhưng trong lòng xem ra thầm cảm phục:

- Được, ta sẽ xem nhà ngươi có thể chịu đựng được những gì để có thể chuộc được cái tội phạm thượng.

Nói rồi nữ thần Vénus lấy một nắm hạt gạo, hạt mì, hạt đỗ, hạt ngô... trộn lại với nhau và bảo Psyché phải nhặt tách riêng chúng ra không được để sót, để lẩn một hạt nào. Công việc phải làm xong trước khi mặt trời tắt nắng. Nói xong Vénus ra đi.

Psyché ngồi lại một mình với một đống hạt lẫn lộn. Nàng thở dài suy nghĩ, không biết từ đâu mà lại nảy ra trong óc vị nữ thần này cái trò thử thách ác nghiệt như thế này! Và làm sao lại có thể ẩn giấu những ý nghĩ độc địa, xấu xa trong một vị nữ thần đẹp đẽ, kiều diễm như thế. Nàng biết làm thế nào bây giờ? Cho dù nàng có đến mười mắt, mười tay thì cũng không thể hoàn thành cái công việc này trước khi mặt trời tắt nắng. Nhưng điều mà người trần thế không đồng cảm được với Psyché, các vị thần không xúc động trước số phận đáng thương của Psyché, thì loài vật lại cảm thông, cái giống bé nhỏ nhất trong thế gian lại thông cảm. Những con kiến bé bỏng, cần cù, lắng nghe được câu chuyện của Vénus với Psyché đã xúc động đến rơi nước mắt và bảo nhau đến giúp đỡ Psyché. “Anh chị em ơi! Hãy đến giúp người thiếu nữ xinh đẹp và đau khổ này! Mau lên để trước khi tắt nắng nàng hoàn thành được công việc nữ thần Vénus giao cho!” Các chú kiến bé bỏng bảo nhau như thế. Và hàng đàn hàng lũ, hết đợt này đến đợt khác kéo đến làm việc hăng say, cần cù. Chẳng mấy chốc loại hạt nào đã được tách riêng ra loại hạt ấy không hề sót, lẫn một chút nào. Vénus trở lại nhìn công việc Psyché đã hoàn thành lại càng thêm căm tức. Nữ thần bảo Psyché: “Chưa hết đâu!” Vénus cho Psyché một miếng vỏ bánh mì để ăn bữa chiều và ra lệnh cho nàng đêm nay phải ngủ dưới đất. Còn Vénus trở về căn phòng hương thơm ngào ngạt, ngủ trên đệm ấm, giường êm. Nằm trên giường Vénus nghĩ cách hành hạ Psyché. Nữ thần phải bắt Psyché chịu đựng nhiều thử thách, gian khổ nữa, sao cho cái sắc đẹp lộng lẫy, đáng ghét kia mau chóng tàn phai thì nàng mới hả giận. Nữ thần còn phải lo nhốt chặt Cupidon trong phòng sao cho nó không ra ngoài gặp lại Psyché. Và như thế thì dẫu cho Cupidon có gặp lại Psyché thì lúc đó Psyché đã không còn xinh đẹp như xưa nữa. Và nữ thần Vénus vẫn là vị nữ thần có sắc đẹp lộng lẫy nhất, tuyệt diệu nhất không biết đến vẻ tàn phai của tuổi già.

Sáng hôm sau nữ thần Vénus giao cho Psyché phải thực hiện một công việc cực kỳ nguy hiểm. Đó là việc đoạt lấy những sợi len vàng trong nơi ở của những con cừu có bộ lông vàng. Đàn cừu này ở trong những bụi cây vô cùng rậm ráp và gai góc mọc ngay sát bờ một con sông sâu. Psyché phải lăn lộn tới đó, sục vào nơi ở của nó để lấy những sợi len vàng về. Khác với những con cừu bình thường, lũ cừu có bộ lông vàng này rất hung dữ. Một người con gái chân yếu tay mềm như Psyché, không một thứ vũ khí phòng thân, theo Vénus nghĩ, chắc chắn nếu không chịu bó tay trở về thì cũng thí mạng vô ích. Nhưng cũng như lần trước, sự tính toán của Vénus lại không đúng, Psyché sau một cuộc đi dài, mệt mỏi gần như kiệt sức, đã lần tìm tới con sông có những bụi cây vô cùng rậm rạp và gai góc mọc ở ngay sát bờ. Đứng trên cao nhìn, Psyché muốn lao ngay xuống và chạy thẳng vào bụi cây rậm rạp kia để đoạt lấy những sợi len vàng, chấm dứt chuỗi ngày đau khổ. Nhưng khi nàng đang ngồi nghỉ cho lại sức thì bỗng từ đâu một tiếng nói thủ thỉ, nhỏ nhẹ văng vẳng đến tai nàng: “Nàng ơi! Xin chớ vội. Những con cừu này không hiền lành như chúng ta tưởng đâu. Nhiều người đã bỏ mạng vì nó. Nàng hãy chờ cho đến lúc chiều tà, chúng rời bụi cây ra bờ sông nghỉ và uống nước, khi ấy nàng cứ bình tĩnh vào tận nơi mà gỡ những sợi len vàng bám, mắc vào gai ra”. Psyché lắng nghe và biết đó là tiếng nói của một cây sậy bấy yếu. Nàng thầm cảm ơn chú cây bé bỏng đó, và theo lời dặn của chú, nàng đã lấy được những sợi len vàng mang về cho Vénus. Vénus nhận báu vật nhưng trong lòng lại nảy ra một ý đồ nham hiểm mới. Nữ thần bảo:

- Lại có ai giúp cô làm việc này chứ gì! Chứ mình cô thì làm gì nổi cái công việc phi thường đó. Thôi được, ta sẽ giao cho cô một công việc nữa để cô lại có dịp chứng tỏ rằng mình là người có trái tim kiên định. À, mà chính cô cũng đã từng nói mình là con người như thế cơ mà! Thế này nhé! Việc này hơi khó đấy. Cô có nhìn thấy dòng nước đen đang đổ từ trên ngọn núi cao kia xuống không? Đó là đầu nguồn của con sông Styx, một con sông vô cùng khủng khiếp. Cô hãy đến đầu nguồn đó múc về cho ta đầy một bình nước này.

Psyché lại cắn răng chịu đựng ra đi. Làm sao mà có thể vượt được những dốc núi dựng đứng, đá tai mèo trùng trùng điệp điệp như một lưỡi cưa khổng lồ thế kia để đến tận đầu nguồn múc một bình nước? Lại còn những tảng đá rêu trơn và thác nước đổ xuống mạnh như sấm sét? Có thoát chết khi đi, lấy được nước, thì khi về cũng đến vỡ bình, què quặt. Tuy vậy Psyché cứ vững tin ở mình và bất chấp mọi thử thách. Một con đại bàng động mối từ tâm bay đến nhận giúp đỡ Psyché. Nó cắp chiếc bình bay đi và chẳng mấy chốc đã trở về đặt chiếc bình đầy nước trước mặt Psyché.

Nhưng Vénus vẫn không tha người thiếu nữ xinh đẹp. Nữ thần lại giao cho nàng phải thực hiện một công việc nữa, một công việc khó khăn và nguy hiểm gấp bội phần so với các công việc trước. Nữ thần giao cho Psyché một cái hộp bảo nàng xuống vương quốc của thần Pluton (thần thoại Hy Lạp: Hadès) gặp nàng Proserpine (thần thoại Hy Lạp: Perséphone) cầu xin nàng ban cho một chút sắc đẹp của nàng bỏ vào trong đó, trong cái hộp. Nữ thần Vénus dặn Psyché phải van xin Proserpine tha thiết, phải nói sao cho Proserpine biết và thông cảm với tình cảm của Vénus hiện nay là đang rất cần mà không may là lại đang mắc bận vào việc săn sóc đứa con bị ốm, hơn nữa trong người cũng vì thế mà mệt mỏi nên không đi được. Vững tin vào nghị lực của mình và sự giúp đỡ của những “người” tốt bụng, Psyché lại ra đi, tìm đường xuống thế giới của thần Pluton. Nàng đi hỏi hết người này đến người khác nhưng chẳng ai biết đường mà chỉ cho nàng cả. Một chiếc tháp cổ của một lũy thành hoang phế thương người con gái dặm trường mòn mỏi bước chân đã gọi nàng đến và ân cần bảo cho đường xuống thế giới âm phủ.

- Trước tiên nàng phải đi vào một lỗ hổng cực kỳ to lớn và sâu thẳm để vào trong lòng đất. Nàng cứ thế đi, đi mãi cho đến khi gặp một con sông chắn ngang trước mặt, nàng sẽ phải qua nó để đi tiếp. Nhưng đừng sợ. Ở bờ sông có một con đò và một người lái đò là lão Charon lầm lì và nghiệt ngã. Nàng cứ bước xuống đò và đưa cho lão ta một đồng tiền là lão ta chở cho nàng sang bên kia sông. Từ đây có một con đường thẳng tắp dẫn đến cung điện của Proserpine. Gác cổng là con chó ngao Cerbère ba đầu dữ tợn, cổ chó là một lũ rắn độc lúc nào cũng ngóc đầu lên tua tủa, phun phì phì. Nàng cứ bình tâm đi đến gần nó và vứt cho nó một chiếc bánh ngọt. Thế là nó để cho nàng đi.

Psyché chân thành cảm ơn ngọn tháp già tốt bụng hiểu biết thông thạo lắm chuyện của thế gian. Bây giờ chỉ còn việc lo liệu những thứ cần thiết cho cuộc hành trình vào thế giới của những linh hồn là xong. Điều đó không có gì đáng gọi là khó khăn. Và nữ thần Proserpine cũng chẳng tỏ ra chút gì là khó tính. Ngược lại là đằng khác, nàng tỏ ra rất vui lòng khi được giúp đỡ Vénus, và còn nhờ chuyển lời thăm hỏi tới Vénus, chúc cậu con trai cưng của Vénus chóng bình phục.

Cầm chiếc hộp kín đựng sắc đẹp, không, không phải tất cả sắc đẹp của Proserpine, mà chỉ có một chút thôi, vô cùng sung sướng trở về với thế giới dương gian, nghĩ đến phút được Vénus cho gặp lại Cupidon. Nàng chắc rằng đây là thử thách cuối cùng mà nàng phải chịu đựng. Nghĩ miên man hết chuyện này sang chuyện khác, nghĩ đến cái hộp. “Sắc đẹp như thế nào mà nữ thần Proserpine lại có thể bỏ vào trong cái hộp này? Mà không phải tất cả hoặc nhiều nhặn gì cho cam, chỉ vừa đủ bỏ vào cái hộp nhỏ bé. Không rõ nó hình thù như thế nào?”. Psyché cầm hộp lắc lắc. Không thấy có tiếng động gì chứng tỏ trong hộp chứa đựng một thứ gì đó. “Nếu nó là bột hay là hạt thì thế nào cũng có tiếng động. Hay nó là sáp chăng? Sáp như sáp ong ấy thì có thể lắc mạnh cũng không thấy gì. Chi bằng ta cứ mở quách ra xem. Chắc chẳng việc gì”. Psyché nghĩ thế. Xem trong cái hộp đựng một chút sắc đẹp của nàng Proserpine ra sao và nếu được thì hẳn rằng mình phải lấy một chút của cái chút ấy để bồi đắp, sử dụng cho sắc đẹp của mình. Cupidon sẽ sung sướng biết bao khi gặp lại vợ mình với sắc đẹp rực rỡ hơn xưa, hấp dẫn hơn xưa. Psyché mở hộp. Thật lạ lùng! Thất vọng hoàn toàn! Một chiếc hộp không, chẳng được mảy may một thứ gì gọi là có. Tuy nhiên có một thứ mà Psyché không thấy. Đó là một luồng hơi lạnh, thứ âm khí nặng nề của thế giới những người chết, bốc lên. Và chỉ một lát sau Psyché thấy trong người ngây ngất, đứng không vững nữa. Nàng ngã gục xuống chìm vào trong một giấc ngủ triền miên vì đã hít thở phải thứ âm khí nặng nề đó. Đúng vào lúc tình cảnh nguy ngập này thì, may thay, thần Tình yêu-Cupidon xuất hiện. Vết thương của chàng đã lành. Và chàng khát khao muôn gặp lại Psyché. Nhưng cửa phòng đã khóa chặt. Chàng chỉ còn cách phá cửa sổ mà đi. Và thế là chàng trai ra đi. Chàng không thể bóp chết tình yêu của mình, cam chịu nhốt trong phòng để được là người con vâng lời mẹ. Vả lại, sự thật là khó ai giam giữ được Tình yêu, vì Tình yêu ngay từ khi ra đời đã có cánh. Cupidon đã dùng đôi cánh của mình bay đi tìm Psyché. Chàng tìm thấy nàng vào lúc nàng đang ngủ say mê mệt, chiếc hộp vứt ở bên, lập tức chàng thu hồi giấc ngủ đang đè nặng trên mi mắt của Psyché nhốt vào trong hộp, tiếp đó chàng dùng mũi tên nhọn của mình châm châm vào người Psyché để đánh thức nàng dậy. Kể sao cho xiết nỗi vui mừng của Psyché! Nàng ôm lấy đầu chàng áp vào ngực mình mỉm cười sung sướng mà nước mắt tuôn trào, rồi nàng lại đẩy đầu chàng ra đưa hai tay vuốt vuốt trên khuôn mặt của chàng, vuốt vầng trán cao đẹp và mái tóc mềm mại của chàng. Ba lần nàng làm như thế, ấp đầu chàng vào ngực mình thì cũng là ba lần những giọt nước mắt của nàng rơi lã chã xuống mái tóc của Cupidon. Cupidon trách vợ đã quá tò mò để đến nỗi xảy ra tai họa. Và chàng giục Psyché đem ngay chiếc hộp về để dâng cho nữ thần Vénus còn chàng phải ra đi ngay vì đang bận một công việc tối ư quan trọng và vô cùng khẩn cấp. Chàng nói với vợ:

- Chúng ta sẽ gặp lại nhau và chắc rằng lần này chúng ta sẽ ở bên nhau mãi mãi. Ta sẽ gắng làm sao cho từ nay trở đi chẳng ai có thể chia uyên rẽ thúy được nữa.

Cupidon đi đâu ư? Chàng bay lên thế giới thiên đình để nhờ thần Jupiter (thần thoại Hy Lạp: Zeus) can thiệp. Có đưa chuyện này đến tai thần Jupiter thì nữ thần Vénus mới thôi không bày ra hết thử thách này đến thử thách khác để hành hạ Psyché. Chỉ có cách ấy thì hai vợ chồng mới có thể đoàn tụ với nhau.

Cupidon gặp thần Jupiter tường trình hết đầu đuôi câu chuyện và xin thần rộng lượng bao dung cho phép Psyché được kết hôn với mình. Bậc phụ vương các thần và người trần thế sau khi nghe xong câu chuyện của Cupidon liền cười và bảo:

- Nhà ngươi đã gây cho ta biết bao chuyện lôi thôi, phiền hà, khổ sở hết chỗ nói vì những mũi tên vô hình của nhà ngươi. Ta cứ phải biến thành bò, thành ngỗng, thành thiên nga, thành những hạt mưa vàng... để điều để tiếng cho thế giới thần linh và loài người, chính là tại nhà ngươi. Nhưng thôi, dù sao thì nhà ngươi cũng đã phải chịu đau khổ mặc dù nhà ngươi không tự bắn phát tên nào vào trái tim mình. Như thế cũng là một sự trừng phạt rồi. Ta sẽ giúp cho nhà ngươi được toại nguyện.

Ngay sau đó thần Jupiter cho mời toàn thể các vị thần đến họp kể cả nữ thần Vénus. Đấng phụ vương của thế giới thần thánh và loài người lên tiếng trước:

- Ta được biết thần Cupidon đã đem lòng yêu mến và ăn ở với một người con gái trần thế là Psyché. Nữ thần Vénus vì thế bắt người con gái phải chịu đựng cảnh chia ly, đày đọa. Ta muốn chấm dứt sự bất công đó và tác thành cho họ. Ta cũng muốn các thần ban cho nàng Psyché được hưởng đặc ân trở thành bất tử để được sánh ngang với các chư vị thần linh. Vậy các chư thần ai có chủ kiến gì xin cứ tự nhiên bày tỏ.

Các vị thần đều đồng thanh tán thưởng thiện ý cao cả của đấng chí tôn chí kính Jupiter công minh. Thần Mercure (thần thoại Hy Lạp: Hermès) được lệnh xuống trần đưa nàng Psyché lên cung điện trên thiên đình. Đích thân thần Jupiter ban cho nàng rượu thánh và thức ăn thần để nàng trở thành bất tử. Một đám cưới vô cùng trọng thể kết thúc cho số phận gian truân của nàng Psyché. Nữ thần Vénus lúc này tỏ ra hài lòng, hoàn toàn hài lòng, vì đã có một vị nữ thần đẹp không kém gì mình nhiều lắm làm nàng dâu. Thật là một kết thúc trong ấm ngoài êm, vui vẻ cả. Người xưa kể, nghe đâu từ đó trở đi, nữ thần Vénus cũng bận việc chồng con, gia đình cũng như thần Cupidon lại càng bận rộn hơn với chuyện gia đình vợ con cho nên cả hai người ít có thời gian xuống trần để gây ra những vụ “đau tim”, “điên đầu” cho những người trần thế. Tuy nhiên họ vẫn có lúc xuống, và vì vậy còn khá nhiều người trần thế chúng ta phải chịu đựng nỗi vất vả, gian lao và đau khổ trong “tình trường”!

Psyché tiếng Hy Lạp có nghĩa là “con bướm”, “tâm hồn”. Thần thoại cổ xưa thể hiện “tâm hồn” bằng hình ảnh con chim, hoặc khói bay, hơi nước. Vào quãng thế kỷ V - IV TCN xuất hiện hình tượng mới về “tâm hồn”: con bướm hoặc người thiếu nữ xinh đẹp có đôi cánh bướm. Sau này vào quãng thế kỷ II một nhà văn La Mã tên là Apulée, chắc rằng dựa vào chuyện cũ, đã thể hiện “tâm hồn” thành một người thiếu nữ cuối cùng đã chiến thắng, bảo vệ được tình yêu. Truyện Cupidon và Psyché như đã kể trên đây nằm trong tập Biến hóa của ông. Tuy viết vào thời kỳ quá muộn sau này song tác giả không hề làm mất đi cái thần của câu chuyện thần thoại cổ muốn nhận thức một hiện tượng của thế giới bên trong của con người. Và hoàn toàn tự nhiên và bình thường, câu chuyện nói lên khát vọng của nhân loại muốn có cuộc sống hài hòa trong đời sống tình cảm. Thật là sâu sắc và ý nhị biết bao cuộc hành trình gian nan và vất vả của Tình yêu tìm đến với Tâm hồn rồi Tâm hồn lại phải đến lần mình đi tìm Tình yêu, tìm lại Tình yêu. Lòng tin trong sáng, sự trung thực, ý chí quyết tâm bảo vệ tình yêu chân chính đã hàn gắn lại được những gì rạn nứt, đã đưa Tâm hồn về với Tình yêu. Còn Tình yêu thì không thể là Tình yêu khi không có Tâm hồn, không gắn bó với Tâm hồn, vì thế Tình yêu phải tha thứ và tìm lại bằng được Tâm hồn và đấu tranh cho Tâm hồn được vĩnh viễn gắn bó với Tình yêu.

Truyện cổ ngày xưa là như thế. Còn ngày nay, hình như Cupidon và Psyché đã biến hóa vào cuộc đời mỗi con người trần tục chúng ta. Vì thế mà không mấy người trong chúng ta thoát khỏi cuộc hành trình gian khổ, vất vả của Cupidon và Psyché. Và cũng không nhiều người lắm đạt được niềm hạnh phúc hài hòa như Cupidon và Psyché. Vì thế nên mới có câu chuyện này, huyền thoại này. Và huyền thoại này vẫn còn có lý do để tiếp tục sống.

THẦN HÉPHAÏSTOS

Trong các vị thần tối cao của đỉnh Olympe, thần Thợ rèn-Héphaïstos có một số phận khá hẩm hiu: thần dáng người không đẹp, khuôn mặt chẳng xinh, lại mang tật ở chân, đi cà nhót cà nhắc. Thế giới thần thánh và thế giới loài người thường gọi là vị thần Chân thọt. Nữ thần Héra thường gọi là “thằng con què của mẹ”. Héphaïstos là con của Zeus và Héra. Nhưng có chuyện kể rằng, Héphaïstos chỉ là con của Héra thôi chứ không phải là con của Zeus. Vì sao lại có chuyện lạ đời như thế? Nguyên do là nữ thần Héra tức khí với chuyện thần Zeus không cần đàn bà mà vẫn sinh ra được con, sinh nữ thần Athéna từ trong đầu ra cho nên Héra phải “trổ tài” sinh Héphaïstos mà không cần đàn ông, không dính líu, đụng chạm gì đến thần Zeus. Xét kỹ chuyện này... có chỗ thần thoại quá! Bởi vì như ta đã biết, một người có công “đỡ” cho Athéna là Héphaïstos. Chính vị thần Thợ rèn Chân thọt này theo lệnh Zeus, giáng một nhát búa thật lực vào đầu Zeus khiến cho đầu Zeus nứt toác ra, nhờ đó nữ thần Athéna mới có đường mà nhảy ra. Vậy thì nếu Héphaïstos sinh sau Athéna do cái sự tức khí của Héra thì ai là người “đỡ” cho Athéna? Chúng ta ghi nhận một sự “khảo dị” như thế để đi đến kết luận rằng vấn đề trật tự thời gian trong thần thoại không hề đặt ra đối với trí tưởng tưởng nghệ thuật-không tự giác của nhân dân thời cổ. Chúng ta sẽ mất công vô ích nếu chúng ta đi tìm xem Dionysos sinh trước hay sau Héraclès. Néoptolème con của Achille sinh vào lúc nào mà đi tham gia cuộc Chiến tranh Troie một cách “bằng vai phải lứa” với các vị tướng thuộc thế hệ Achille. Vì lẽ đó trong khoa folklore học có khái niệm “thời gian thần thoại” để phân biệt đối lập lại với khái niệm “thời gian lịch sử”. Chúng ta có thể ghi nhận thêm một môtíp của truyện cổ: sự sinh nở thần kỳ không cần bắt nguồn từ tác động của người đàn ông. Trong gia tài truyện cổ của thế giới Hy Lạp và Trung Cận Đông không thiếu gì những môtíp như thế. Chắc chắn rằng kỳ tích phép màu “sự thụ thai thanh khiết” (Conception immaculée) theo đó Đức mẹ Đồng trinh sinh ra Chúa Hài đồng trong thần thoại Thiên Chúa giáo có họ hàng gần xa gì đó với những chuyện tương tự như chuyện Zeus sinh ra Athéna, Héra sinh ra Héphaïstos trong mối quan hệ “đơn phương” như thế.

Chuyện Héphaïstos đích thực do ai đẻ đã lôi thôi như vậy. Đến chuyện cái chân què của Héphaïstos cũng không kém phần rắc rối. Người xưa kể rằng, sau khi sinh nở xong, nữ thần Héra thấy đứa con mình hình thù xấu xí quá, lại thọt chân, bực mình cầm luôn thằng bé quẳng ngay xuống trần, Héphaïstos từ chín tầng mây rơi xuống... vương quốc của thần Poséidon. Các nữ thần Eurynomé và Thétis đón được đứa bé đưa về cung điện của vị thần già Okéanos tóc bạc. Họ đã chăm nom nuôi nấng, dậy dỗ chú bé thành người... đúng ra là thành thần. Tuy bẩm sinh xấu xí chân thọt nhưng được cái Héphaïstos lại sáng ý, khéo tay, học một biết mười, đặc biệt là khỏe mạnh cho nên đứa con què của Héra đã trở thành thợ rèn tài giỏi. Héphaïstos đã rèn nhiều đồ trang sức quý giá cho hai nữ thần nuôi nấng dậy dỗ mình. Chàng được hai nữ thần rất mến và cả thế giới Đại dương của vị thần già Okéanos đầu bạc trọng vọng. Tuy vậy trong lòng chàng vẫn không vui. Chàng nuôi dưỡng một mối thù ghét ấm ức với nữ thần Héra, người mẹ đã không thương yêu chàng mà lại hắt hủi chàng. Chàng nảy ra ý định trả thù mẹ. Héphaïstos bắt tay vào việc. Chàng rèn một chiếc ghế tựa bằng vàng tuyệt đẹp, chạm trổ tinh vi gửi lên thiên đình làm quà biếu mẹ. Nữ thần Héra nhận tặng phẩm trong lòng rất đỗi sung sướng, bởi vì ngoài thần Zeus ra thì không ai có được chiếc ghế quý giá và công phu đến thế. Vị nữ thần uy nghi và đường bệ, đấng mẫu hậu của cả thế giới thần thánh và loài người phải có cái ghế cho xứng hợp với danh giá chứ! Cho nó tôn thêm danh giá chứ! Héra tưởng tượng ra khi mình ngồi vào chiếc ghế tuyệt tác ấy, mọi vị thần sẽ thấy nàng oai nghiêm hơn biết chừng nào, đáng kính, đáng yêu hơn biết chừng nào! Nàng thích chiếc ghế đẹp đẽ ấy hơn cả mọi đồ trang sức cho nên nàng nhầm tưởng rằng chiếc ghế sẽ đem lại cho nàng nhiều giá trị hơn cái giá trị thực của nó là để ngồi. Than ôi! Nàng có ngờ đâu ngay cái giá trị để ngồi của nó cũng không có nữa. Héra vừa ngồi vào ghế thì bỗng đâu từ tay ghế, chân ghế chỗ dựa bung ra những sợi dây xích, dây xích cũng bằng vàng, quấn chặt trói chặt nàng vào ghế. Héra la hét ầm lên và giãy giụa trong chiếc ghế. Các nữ thần tùy tùng chạy xô đến gỡ cho nàng nhưng không sao gỡ được. Các nam thần thì thở dài, lắc đầu quầy quậy. Chẳng ai chặt được những sợi dây xích ấy cả, ngoài người làm ra nó, vị thần Thợ rèn Chân thọt Héphaïstos. Chỉ có cách duy nhất gỡ được đấng mẫu hậu ra là triệu Héphaïstos từ dưới cung điện của Okéanos lên.

Thần Hermès, người truyền lệnh không chậm trễ của thế giới Olympe, ngay tức khắc lên đường. Với đôi dép có cánh, thần bay vụt ra khỏi cung điện Olympe và đi, chạy nhanh hơn cả mây bay gió thổi trong bầu trời bao la. Thần đi xuống mặt đất rồi từ mặt đất phì nhiêu thần đi ra bờ biển. Và thần chạy nhanh trên mặt biển bao la, như muốn chạy thi với những con sóng tươi cười. Hermès chạy trên mặt biển rồi xuống tận dưới đáy sâu tìm vào chiếc hang nơi Héphaïstos ngày đêm cặm cụi làm việc với đôi bàn tay khéo léo, tinh xảo của mình. Hermès đến, trân trọng mời Héphaïstos lên thiên đình cởi bỏ xích xiềng cho Héra, mẹ chàng, vị nữ thần chúa tể của các thần và người trần thế. Hermès tha thiết, khẩn khoản, thuyết phục Héphaïstos nhưng chẳng thể nào lay chuyển được trái tim ương bướng của Héphaïstos vẫn nuôi giữ một mối oán hờn đối với người mẹ đã sinh ra mình. Thần Hermès bất lực đành phải nghĩ ra một kế mời vị thần Rượu nho-Dionysos tới. Dionysos vốn là vị thần tính khí vui vẻ, xởi lởi cho nên vừa tới cửa hang của Héphaïstos là đã cười nói bô bô:

- Chào ông anh khập khiễng của tôi! Ông anh ơi! Ông anh làm gì mà ngày đêm cặm cụi như thế. Nghỉ tay cái đã! Ta làm với nhau một chầu cho nó thấu hiểu cái sự đời.

Thế là Héphaïstos chạm cốc, mở đầu cho cuộc hội ngộ bằng vài tuần rượu nho. Chén chú chén anh, chuyện anh chuyện chú, thật thú vị. Dionysos khề khà vỗ vai Héphaïstos bảo:

- Tôi cứ nghĩ từ cái cục vàng, thỏi đồng chẳng khác chi cục đất, hòn đá vô tích sự, thế mà vào tay ông anh nó lại ra những cái khiên, cái mũ trụ, áo giáp hộ tâm, rồi cốc vại, bình đựng, tháp lớn, tháp nhỏ đẹp đẽ, tinh vi quả thật là tuyệt đỉnh của sự văn minh rồi! Ấy là ông anh còn thọt đấy! Chứ giá mà ông anh lại lành lặn cả như người ta thì chưa biết thế nào mà nói.

Héphaïstos cầm lấy bình rượu nho nâng lên rồi lại đặt xuống, gật gù, tiếp lời:

- Cảm ơn chú quá khen anh! Nhưng anh tưởng cứ như cái quả nho là cái quả nho trên cây, chín ăn chỉ ngọt thôi, thế mà chú mày làm thế nào nó thành một thứ nước uống vào vừa ngọt lại vừa tê tê, cay cay, chua chua, ngây ngất, choáng váng cả đầu óc, nóng bừng cả người lên thì... thì là một đại tuyệt đỉnh của văn minh nữa rồi. Cũng là quả nho mà ra cả, thế mà tiệc tùng, hội hè, vui buồn chẳng ai đem nho ra mà mời nhau thay cho cái thứ nước nho của chú mày cả. May mà chú mày chỉ làm có một thứ nước nho đặc biệt ấy. Chứ mà chú mày làm đủ các thứ nước từ các quả khác nữa thì khéo mà thần thánh và loài người chỉ uống với ngủ suốt ngày!

Đến đây thì mọi người hẳn đoán được kết quả của bữa rượu này là như thế nào. Héphaïstos líu cả lưỡi, không còn biết trời đất ở đâu nữa. Hermès và Dionysos vực chàng ta lên một con lừa và dẫn chàng về cung điện Olympe. Đi theo Héphaïstos và Dionysos là các nàng Ménades, các nàng Thyades tay cầm gậy thyrse vừa đi vừa nhảy múa, la hét cuồng loạn. Các thần Satyre thô lỗ cũng say mềm vừa đi vừa ề à ca hát, múa may quay cuồng, tay cầm đuốc tay gõ thanh la. Đám rước của bầu đoàn thê tử thần Dionysos với con lừa lẵng nhẵng chở trên lưng vị thần Héphaïstos say mềm cứ thế tiến vào cung điện Olympe. Đến đây thì Héphaïstos không thể nào từ chối việc phải làm được. Chàng ra tay, chỉ loáng một cái là nữ thần Héra thoát khỏi chiếc ghế xiềng xích. Nữ thần Héra từ đây không hắt hủi đứa con què nữa mà cho nó ở lại thế giới Olympe. Còn Héphaïstos cũng chẳng nuôi giữ mối oán hờn với người mẹ nữa.

Một chuyện khác kể rằng Héphaïstos chẳng hề bị Héra hắt hủi bao giờ. Chàng bẩm sinh ra là một vị thần đẹp đẽ. Chàng rất yêu mẹ và Héra cũng rất yêu con. Đối với những đứa con do mình đẻ ra, Héra chẳng khi nào hắt hủi. Nàng chỉ ghét cay ghét đắng những đứa con do thần Zeus lăng nhăng với người khác sinh ra. Như chúng ta đã biết, hai vợ chồng Zeus và Héra sống với nhau, tuy nói chung là tốt đẹp, song cũng hay xảy ra những phút bất hòa. Thần Zeus với thói quen của một vị thần... tối cao, trong những lúc ấy thường tỏ ra nóng nảy, không chịu thua kém vợ, hơn nữa lại có thói xấu nạt nộ và dùng vũ lực để trấn áp sự rỉa rói của Héra. Vào những lúc ấy, Héphaïstos rất khó chịu, rất bực với bố. Có một lần Héphaïstos không thể nín nhịn được, đã đứng về phía mẹ, bênh vực mẹ và chê trách bố. Thần Zeus đang cơn bực lại càng bực thêm liền sấn đến, túm lấy cổ Héphaïstos dần xuống rồi cầm hai chân xách ngược lên, quẳng đánh vèo một cái từ cung điện Olympe xuống trần, Héphaïstos rơi từ thế giới Olympe cao xa vời vợi xuống trần, nhưng không phải xuống biển khơi hay đất bằng mà rơi xuống một hòn đảo, người thì bảo rơi vào tận trong lòng núi Etna, người thì bảo rơi xuống đảo Lemnos. Vì là một vị thần bất tử, được nuôi dưỡng bằng các thức ăn thần và rượu thánh nên Héphaïstos không thể chết được, chàng chỉ bị què. Nguồn gốc của cái tật chân thọt ở chuyện bị Zeus quẳng xuống trần chứ không phải bẩm sinh đã thế. Bị rơi tụt hẳn vào trong lòng đất, Héphaïstos với tài năng của mình đã sáng chế ra một cái lò rèn khổng lồ và đêm, ngày thì thụt thổi lửa rèn các vũ khí, dụng cụ tinh xảo, đẹp đẽ. Cùng giúp việc rèn với Héphaïstos có các người khổng lồ Cyclopes. Những Cyclopes này, theo người xưa kể, chính là ba Cyclopes đã từng bị Cronos giam xuống âm ty, địa ngục, Zeus đã giải phóng chúng để có lực lượng chống lại Cronos và cử chúng đến giúp đỡ, phụ rèn cho Héphaïstos. Nhưng có chuyện lại kể những Cyclopes này là do Héphaïstos “tuyển mộ” được ở trong lòng các núi lửa. Chúng vốn là thợ rèn nhưng tay nghề không thạo không giỏi bằng Héphaïstos. Dưới sự điều khiển của vị thần Thợ rèn Chân thọt, các Cyclopes rèn vũ khí cho các vị thần và các dũng sĩ, anh hùng. Trong số các phụ rèn này có Pyracmon và Acamas nổi tiếng hơn cả. Vì lẽ đó cho nên ngày nay, Cyclopes chuyển nghĩa, ngoài nội dung “người khổng lồ” còn có nghĩa “thợ rèn” (không phổ biến lắm). Do những chiến công vĩ đại ấy thần Zeus lại phục hồi cho Héphaïstos trở về thế giới Olympe và được liệt vào hàng ngũ mười hai vị thần tối cao.

Héphaïstos là vị thần hữu ích nhất cho thế giới Olympe. Đây cũng là người thợ rèn duy nhất lo việc xây dựng, kiến thiết, trang trí cho đời sống các vị thần được thêm phần văn minh và đẹp đẽ. Héphaïstos cho làm một cái lò rèn khổng lồ với bao điều kỳ diệu ở ngay trên thiên đình. Với chiếc bễ thần thánh, vị Thợ rèn Chân thọt này chẳng phải dùng đôi tay nhọc nhằn thổi hơi cho nó. Chàng chỉ đến bên chiếc bễ ra lệnh và thổi nhẹ một cái. Thế là chiếc bễ chẳng cần người điều khiển cứ lên lên, xuống xuống, thì thụt thổi hơi làm cho lò rèn của chàng lúc nào cũng cháy đỏ, Héphaïstos với chiếc búa, chiếc kìm suốt ngày cặm cụi đập đập, gõ gõ trên chiếc đe khổng lồ. Chàng rèn và xây dựng cho các vị thần Olympe một cung điện bằng vàng, xây cho mình một cung điện bằng vàng, bằng bạc và bằng đồng. Người xưa kể chàng lấy một nữ thần Duyên sắc-Charites làm vợ tên là Aglaé, nhưng, như trên chúng ta được biết, chính nữ thần Aphrodite mới là vợ của chàng. Chàng đã khổ sở biết bao vì người vợ quá đẹp này. Cô ta chẳng chung thủy với chàng, và chàng cứ tự giày vò mình bằng những ý nghĩ tự ti, thất vọng vì nỗi mình, số phận dành cho một khuôn mặt chẳng xinh đẹp lại còn mang thêm cái tật thọt chân. Sự ghen tuông đã thổi lửa vào trái tim chàng. Chàng rắp tâm bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ để kiện với các vị thần. Chàng, bằng đôi tay khéo léo của mình, rèn một tấm dưới sắt tinh vi giăng trên mái nhà. Thần Chiến tranh-Arès quen thói trăng hoa lần mò đến tư thông với Aphrodite thì, ụp một cái! Tấm lưới sắt được giấu kín từ trên mái nhà chụp xuống. Héphaïstos kêu gào các vị thần đến chứng kiến cảnh xấu xa, ô nhục này và phân xử cho mình. Arès sẽ phải nộp tiền chuộc tội, thần Poséidon phải đứng ra bảo lãnh, nếu Arès không nộp phạt thì mình sẽ nộp thay. Chỉ đến khi ấy Héphaïstos mới chịu kéo lưới lên, tha cho anh và ả.

Tuy thân hình xấu xí nhưng Héphaïstos được các vị thần hết sức mến yêu và quý trọng, vì chàng đã làm ra biết bao đồ trang sức quý giá, bao dụng cụ cần thiết cho đời sống các thần, vì chàng rất tận tâm phục vụ các thần. Thường sau khi làm việc xong, tắm rửa rạch sẽ, Héphaïstos với đôi chân khập khểnh bước vào dự tiệc với các đấng thần linh. Chân đã thọt nhưng chàng lại chẳng chịu ngồi yên một chỗ. Chàng cứ lăng xăng chạy đi chạy lại hết chỗ này đến chỗ khác và cùng với Hébé và Ganymède rót rượu và dâng thức ăn cho các vị thần. Những lúc ấy, các vị thần rượu say ngà ngà, nhìn chàng cả nhót cà nhắc, đi đi lại lại thì phá lên cười. Chẳng ai nhịn được cười kể cả thần Zeus. Các vị thần đều cười sảng khoái, hể hả và cười mãi, cười vang cho đến tận chiều khi tiệc tan, cạn chuyện mới thôi. Anh hùng ca của Homère đã miêu tả cảnh tượng vui vầy, hể hả, thoải mái của các vị thần khi thấy Héphaïstos chạy lăng xăng hết bàn tiệc này đến bàn tiệc khác. Vì thế có điển tích Tiếng cười kiểu Homère (Le rire homérique) để chỉ một tiếng cười không sao nhịn được, sảng khoái, hả hê, cười phá lên, ầm vang lôi cuốn. Từ đó định ngữ “Homérique” (kiểu Homère) chuyển nghĩa chỉ sự phong phú. Những bữa tiệc Homérique chỉ những bữa tiệc linh đình, thịnh soạn.

Héphaïstos là vị thần lửa, nhưng lửa ở trong lòng đất. Với trí tưởng tượng thần thoại, người xưa đã giải thích hiện tượng lửa ở trong lòng đất phụt lên không phải là những ngọn núi lửa như ngày nay chúng ta hiểu biết và giải thích bằng những lý lẽ này khác. Đấy là những lò rèn của thần Thợ rèn-Héphaïstos đó. Từ thần lửa ở dưới đất đến thần Thợ rèn là một sự suy luận gần nhất, một mối liên hệ tất yếu trực tiếp nhất dường như không thể nào tránh được. Lửa ở dưới đất, Núi lửa ⇔ Lò rèn, Thần lửa ở dưới đất ⇔ Thần Thợ rèn, đó là cái tư duy logic của tưởng tượng thần thoại. Nhưng còn cái chân thọt của thần Thợ rèn? Cũng hơi lạ vì sao một vị thần có tài năng như thế mà người xưa lại bắt phải chịu một thân hình xấu xí? Điều này gắn với sự phân công lao động trong công xã. Thường thì những người có sức khỏe mới đảm đang được công việc cày bừa trồng trọt nặng nhọc. Còn những người tàn tật, sức khỏe kém thì làm lao động thủ công, thứ lao động cần đến sự khéo léo, tinh tế nhiều hơn là cần đến sức lực. Héphaïstos chính là vị thần của nghề thủ công trong công xã thị tộc. Và không rõ đây có phải là một sự suy diễn quá mức không. Trong ánh lửa bập bùng, lung linh chờn vờn của những đống lửa của cái lò rèn, những người cổ xưa đã tưởng tượng ra như vị thần lửa của họ với bước chân cà nhót, cà nhắc đang đến với họ, đang đem ngọn lửa của nghề thủ công rọi sáng vào cuộc đời tăm tối của họ. Đây không phải là ngọn lửa phá hoại gây ra những tai họa trong đời sống. Cũng không phải ngọn lửa mà Prométhée đã đoạt được của Zeus đem xuống cho loài người - ngọn lửa như nguồn năng lượng đầu tiên mà loài người phát hiện được, sử dụng được, là nguồn gốc của văn hóa, văn minh, kỹ thuật. Đấy là ngọn lửa của nghề thủ công, ngọn lửa của công nghiệp luyện kim và công nghiệp cơ khí của xã hội công xã thị tộc. Chính vì lẽ đó mà Héphaïstos tuy thân hình xấu xí nhưng lại là một vị phúc thần của nhân dân Hy Lạp. Người xưa thể hiện tượng Héphaïstos như một ông già đầu đội mũ hình tháp, râu ria bờm xờm, thân hình to khỏe, dáng thô, tay cầm búa hoặc cầm kìm. Héphaïstos đã sáng tạo ra nhiều thứ, trong đó có tác phẩm kỳ công nhất, tuyệt diệu nhất là cái khiên của Achille. Chàng cũng đã từng đem ngọn lửa của mình giúp Achille chiến thắng thần Sông-Scamandre trong cuộc Chiến tranh Troie.

NỮ THẦN DÉMÉTER VÀ CON GÁI, PERSÉPHONE

Trong thế giới thần thánh, nữ thần Déméter tuy không có sức mạnh và quyền thế lớn lao như Zeus, Héra, Poséidon, Hadès nhưng lại được người xưa hết sức trọng vọng, sùng kính. Có lẽ sau vị thần Thợ rèn-Héphaïstos thì Déméter là vị thần không gây cho người trần thế một tai họa nào mà chỉ ban cho họ biết bao nhiêu phúc lợi. Cũng phải nhắc đến nữ thần Hestia cho khỏi bất công. Nàng cũng không hề gieo một tai họa nào xuống cho những người trần thế song nàng cũng không đem lại cho họ những phúc lợi lớn lao. Nàng là vị thần của bếp lửa gia đình.

Déméter là con của Titan Cronos và Titan Rhéa. Nàng là một nữ thần Đất. Nàng ban cho đất đai sự phì nhiêu để mùa màng được tươi tốt, cây cối được sai quả. Vì thế Déméter thường được gọi là nữ thần Lúa mì. Hạt lúa mì từ khi gieo xuống đất, có nảy mầm được hay không, bông lúa có chắc, có mẩy không... đó là công việc do người làm ruộng cũng như nữ thần Déméter lo toan, săn sóc. Nữ thần Déméter có một người con gái duy nhất tên là Perséphone, người con gái đẹp nhất trong số các thiếu nữ con cái của các vị thần. Đó là con của Déméter với Zeus. Chuyện người con gái của Déméter là nàng Perséphone bị thần Hadès bắt cóc đưa xuống dưới âm phủ làm vợ đã gây nên bao đau khổ cho Déméter và bao rối loạn cho đời sống thiên đình và người trần thế. May thay cuối cùng nhờ đấng chí tôn, chí kính, chí công minh Zeus phân xử, cho nên mọi việc mới trở lại hài hòa, êm thấm. Chuyện xảy ra như sau:

Vào một buổi đẹp trời, nữ thần Perséphone cùng với các chị em, những tiên nữ Nymphe dạo chơi trên đồng nội. Vui chân, các nàng kéo nhau đến thung lũng Nida đầy hoa thơm cỏ lạ ở vùng Mégare. Thật ít có nơi nào lại có một khung cảnh thần tiên như nơi này: đủ các loại hoa, muôn sắc hoa đua nhau mọc, đua nhau khoe vẻ đẹp và hương thơm của mình. Từng đàn bướm trôi bồng bềnh từ cụm hoa này sang cụm hoa khác. Ong mật lớp lớp đi đi, về về trong tiếng ca yêu đời và cần mẫn. Các tiên nữ đua nhau đuổi bướm hái hoa. Nàng Perséphone, người con gái yêu dấu của nữ thần Déméter vĩ đại, say sưa vui chơi cùng chị em. Nàng có biết đâu số phận của nàng đã được Zeus định đoạt. Thần Hadès, vị thần của thế giới âm phủ, phàn nàn với Zeus về cái thế giới mình phải đảm đương, cai quản. Toàn là những bóng hình vật vờ, những linh hồn đã thoát khỏi thể xác, buồn rầu, khóc than! Biết lấy ai làm vợ? Những thiếu nữ sống trong cung điện Olympe và những vị thần sống ở trong các ngôi đền thờ của người trần thế chẳng ai muốn lấy một người chồng - dù có là một vị thần quyền thế, được cai quản cả một thế giới - quanh năm suốt đời sống ở dưới âm ty, địa ngục. Zeus quả thật trước những lời khiếu nại của người anh ruột cũng khó nghĩ. Không lo cho Hadès một người vợ để hắn yên tâm cai quản cái thế giới mà mình đã phân chia thì cũng phiền. Hắn mà bỏ đi, trở về Olympe hay lên trần sống với loài người thì đảo lộn hết mọi trật tự. Cuối cùng thần Zeus thỏa thuận với Hadès cho Hadès bắt Perséphone về làm vợ. Và sự việc đã diễn ra chỉ trong nháy mắt, bởi vì từ khi được thần Zeus ưng chuẩn, Hadès ngày đêm theo dõi từng bước đi của Perséphone. Được biết Perséphone cùng bạn bè đang say sưa vui chơi trong thung lũng đầy hoa thơm cỏ lạ, thần Hadès tức tốc đến ngay gặp nữ thần Đất-Gaia vĩ đại, xin nữ thần cho mọc lên ở chỗ Perséphone đang vui chơi một bông hoa cực kỳ đẹp đẽ và thơm ngát. Nữ thần Đất-Gaia làm theo lời thỉnh cầu của Hadès. Perséphone đang vui chơi bỗng ngửi thấy hương thơm ngào ngạt từ một cây hoa nom rất lạ, xưa nay nàng chưa từng trông thấy. Nàng đi đến gần và đưa tay ra vin cành hoa xuống ngắt. Bỗng nàng thấy người hẫng đi một cái như khi sa chân xuống một vũng lội. Thần Hadès đã làm cho đất nứt ra ở dưới chân nàng. Và nàng rơi xuống lòng đất đen trong vòng tay của Hadès. Perséphone chỉ kịp thét lên một tiếng kinh hoàng. Mặt đất nứt lại khép kín vào, lành lặn như cũ. Thần Hadès bế Perséphone lên cỗ xe ngựa của mình, cỗ xe có những con ngựa đen bóng nhưng từ bánh xe cho đến càng xe đều bằng vàng sáng chói hay bằng đồng đỏ rực. Và chỉ trong nháy mắt cỗ xe đã đưa nàng Perséphone về cung điện của thần Hadès. Thế là thần Hadès được một người vợ và nữ thần Déméter mất cô con gái yêu dấu, xinh đẹp.

Tiếng thét kinh hoàng của Perséphone dội vang đến tận trời cao. Ở cung điện Olympe nữ thần Déméter nghe thấy tiếng thét ấy. Cả núi cao, rừng sâu, biển rộng nhắc lại tiếng thét ấy như muốn bảo cho Déméter biết chuyện chẳng lành đã xảy ra với nàng. Nghe tiếng thét của con, Déméter rụng rời cả chân tay. Nàng vội vã rời ngay cung điện Olympe xuống trần tìm con. Như một con đại bàng, giống chim bay nhanh nhất trong các loài chim, Déméter từ trời cao lướt xuống, đi tìm con khắp mặt biển rộng, khắp mặt đất đai, khắp các ngọn núi cao, khắp các cánh rừng sâu. Nàng gọi con đến khản hơi, mất tiếng: “Per... sé... phone...!” “Per... sé... phone...!” Nhưng đáp lại tiếng gọi của nàng chỉ là những tiếng “Per... sé... phone...!” vang vọng, buồn thảm. Déméter đi tìm con suốt chín ngày, chín đêm. Chín ngày không ăn, chín đêm không ngủ và cũng không tắm gội chải đầu, chải tóc khiến cho thân hình nàng tiều tụy, hao mòn. Chín ngày không ăn, chín đêm không ngủ, Déméter cứ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác gọi con, kêu gào than khóc vật vã. Nàng hỏi rừng cây, rừng cây lắc đầu trả lời không biết. Nàng hỏi núi cao, núi cao cũng ngơ ngác không biết nói gì. Nàng hỏi biển khơi thì biển khơi trả lời nàng bằng những tiếng thở dài thương cảm. Còn đất đen thì im lặng nhìn nàng, thấm khô những dòng nước mắt xót xa, đau khổ của nàng đang lã chã tuôn rơi. Cả đến những tiên nữ Nymphe cùng dạo chơi với Perséphone buổi sáng đẹp trời hôm ấy cũng không biết gì hơn ngoài việc nghe thấy tiếng thét kinh hoàng của Perséphone. Chín ngày chín đêm như thế... Déméter với tấm lòng của một người mẹ chẳng quản ngại vất vả gian lao đã đi tìm đứa con gái yêu dấu, độc nhất của mình. Sang ngày thứ mười, khi cỗ xe của thần Mặt trời-Hélios đã bỏ lại sau lưng biển khơi không sinh nở, thì thần Hélios động mối từ tâm bèn gọi Déméter lại và kể cho nàng biết đầu đuôi câu chuyện vừa qua, bởi vì không có chuyện gì xảy ra ở trên mặt đất này mà không lọt vào con mắt của vị thần Mặt trời, chẳng ai giấu giếm được điều gì với vị thần có cỗ xe vàng chói lọi này. (Chính Hélios đã mách cho vị thần Thợ rèn Chân thọt biết, cô vợ Aphrodite của anh ta hay đi ngang về tắt với thần Arès).

Biết chuyện, nữ thần Déméter vô cùng căm tức thần Zeus. Nàng không trở về thế giới Olympe để đảm đương công việc của mình nữa. Nàng, từ nay trở đi sẽ sống mai danh ẩn tích dưới trần, trong thế giới của những người trần đoản mệnh. Nàng thay hình đổi dạng thành một bà già mặc áo đen và cứ thế đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Và cho đến một ngày kia nàng đặt chân tới Éleusis. Sau một chặng đường dài, mệt mỏi, Déméter tới ngồi xuống một phiến đá bên đường, nghỉ cho lại sức, bên cạnh một giếng nước. Chẳng một người trần nào lại có thể nhận ra bà cụ già mặc áo dài đen này là nữ thần Déméter kính yêu của họ. Người ta chỉ có thể nói, đây là một bà lão hành khất hay một bà cụ già trông trẻ hoặc làm quản gia cho một nhà nào. Trong lúc Déméter ngồi nghỉ thì từ đâu bốn cô thiếu nữ đi tới giếng nước. Bốn cô nom xinh xắn và chẳng hơn nhau bao tuổi. Nhìn thấy một cụ già mệt mỏi ngồi nghỉ, các cô liền chạy tới hỏi thăm.

- Cụ ơi! Cụ đi đâu mà có một mình thế này? Cụ không sợ thú dữ và những kẻ ác tâm hay sao? Hay cụ đi đâu với các anh các chị ấy nhưng vì một lẽ gì đó bị lạc đường? Hay cụ không còn con cái để giúp đỡ cụ trong lúc tuổi già này? Ôi! Thần Zeus và các vị thần bất tử đã đem lại cho loài người biết bao điều tốt đẹp sao chẳng ban cho tuổi già sức khỏe và sự ấm no để an ủi loài người đoản mệnh khốn khổ chúng ta.

Déméter cất bàn tay run rẩy lên, nắm lấy tay một thiếu nữ, trả lời:

- Cảm ơn các con đã thương tuổi già! Các con đã hỏi thì già này kể cho các con rõ cảnh ngộ của già thật không may. Gia đình và các con cháu của già đều bị lũ cướp biển bắt. Chúng đem bán mỗi người một nơi. May thay đến lần chúng đem già đi bán thì già trốn thoát được. Và bây giờ già lạc bước tới đây. Xin các con hãy vì thần Zeus và các vị thần bất tử giúp đỡ già trong cơn hoạn nạn. Ở đô thị này, ở xứ sở này, già chẳng quen biết một ai, chẳng có ai là người thân thích. Cầu xin các vị thần Cực lạc ban cho những thiếu nữ tốt bụng như các con một người chồng xứng đáng, tài đức vẹn toàn!

Các thiếu nữ nghe Déméter kể xong, ai nấy đều mủi lòng thương cảm. Họ nói với cụ già:

- Cụ ơi, xin cụ cứ yên tâm! Khách lạ và những người sa cơ lỡ bước là do thần Zeus đưa lại cho loài người chúng ta để thử thách trái tim của những người trần đoản mệnh. Xứ sở này và đô thị này xưa nay vẫn đón tiếp những người xa lạ với tấm lòng nhân hậu và quý khách. Chúng con xin mời cụ về nhà chúng con. Nhưng xin cụ hãy chờ cho một lát để chúng con về nhà xin phép cha mẹ.

Những thiếu nữ nói xong, chạy vội lại giếng múc đầy nước vào bình rồi đội về nhà. Một lát sau họ trở lại đón cụ già. Métanira, mẹ của các thiếu nữ, là vợ của nhà vua Céléos trị vì ở mảnh đất Éleusis, đã đón tiếp Déméter với tất cả tấm lòng quý người, trọng khách, kính già yêu trẻ vốn là truyền thống thiêng liêng bất di bất dịch của con dân Hy Lạp. Déméter theo chân các thiếu nữ vào nhà, Métanira và cậu con trai luôn bám bên mẹ đã đứng đón sẵn ở cửa. Theo bước chân Déméter một luồng ánh sáng ùa vào nhà làm cho căn nhà bỗng bừng sáng lên như một buổi rạng đông đưa ánh nắng rọi vào. Métanira cảm thấy kính phục và chen lẫn chút ít sợ hãi. Nàng tự bảo: “Các con ta đã đón về nhà một bà già không phải người bình thường. Có thể cụ là một vị thần cao cả ở chốn Olympe xuống để thử thách trái tim của những người trần thế”. Métanira kính cẩn mời Déméter ngồi vào chỗ sang trọng nhất, nhưng nữ thần khước từ. Nữ thần cũng không dùng mật ong pha rượu vang do các nữ tỳ dâng mà chỉ uống nước lúa mạch pha với vài giọt bạc hà. Đó là thứ nước giải khát của những thợ gặt vào ngày mùa. Cơn khát đã nguôi, nữ thần Déméter đưa tay ra đón lấy đứa bé trong lòng Métanira. Nữ thần ôm đứa bé vào lòng và tỏ ý muốn xin được làm người nhũ mẫu, chăm nom, nuôi nấng đứa bé. Nữ thần nuôi đứa bé, chú Démophon, rất khéo tay. Chú bé lớn lên như thổi khiến cho đôi vợ chồng Céléos, Métanira rất vui lòng. Họ có biết đâu trong khi ấp ủ đứa bé, nữ thần Déméter đã truyền cho nó hơi thở bất tử thiêng liêng của mình. Ban ngày Déméter nuôi đứa bé bằng những thức ăn thần, những thức ăn có chất bất tử nuôi các vị thần cho được bất tử. Còn ban đêm, Déméter chờ cho mọi người trong nhà ngủ say, nàng lấy tã lót quấn chặt đứa bé lại và đưa nó vào nung trong một lò lửa rực hồng để làm cho nó siêu thoát hết chất người trần tục, đoản mệnh. Métanira để ý thấy đêm nào Déméter cũng hí húi làm gì, bèn rình xem. Trông thấy Déméter đặt con mình vào trong lò lửa, nàng sợ quá, thét lên. Déméter giật mình, kéo đứa bé ra khỏi lò lửa, giận dỗi, quăng nó xuống đất:

- Người thật là đồ ngốc! Hỏng việc của ta rồi. Ta muốn ban cho đứa bé này sự bất tử để nó có thể sánh ngang với các bậc thần thánh. Chỉ có tôi luyện như thế thì nó mới trở thành người gươm đâm chẳng thủng, dao chém không sờn. Ta là nữ thần Déméter vĩ đại, người ban cho đất đai sự phì nhiêu, cho mùa lúa được đẫy hạt. Chính ta đem lại niềm vui sướng, lòng hy vọng vào tương lai cho những người trần thế và các vị thần.

Thế là Déméter không che giấu tung tích của mình dưới hình dạng một bà già nữa. Nàng trở lại một nữ thần uy nghiêm với mái tóe vàng rượi như những bông lúa chín. Một luồng ánh sáng rực rỡ từ thân thể nữ thần tỏa ra ngời ngợi. Còn từ mái tóc của nữ thần tỏa ra hương thơm ngào ngạt.

Céléos, Métanira và con cái cùng với gia nhân thấy vậy đều không ai bảo ai, kính cẩn quỳ xuống trước mặt nữ thần, lòng đầy kinh dị. Nữ thần phán truyền cho mọi người biết, nếu con dân xứ này muốn được hưởng ân huệ của nữ thần, đất đai phì nhiêu, mùa màng tươi tốt, thì phải xây ngay một ngôi đền lớn để thờ phụng nữ thần.

Ngày hôm sau Céléos triệu tập thần dân, truyền đạt lại nguyện vọng của nữ thần Déméter vĩ đại. Mọi người đều hào hứng bắt tay ngay vào việc và chẳng bao lâu đã làm xong một ngôi đền đẹp đẽ, uy nghiêm. Nữ thần Déméter từ đó trấn tại ngôi đền và chế định ra các tập tục, hội lễ cho người dân Éleusis. Tuy nhiên nàng cũng không sao nguôi được nỗi nhớ thương người con gái yêu dấu, độc nhất của mình, nàng Perséphone xinh đẹp bị thần Hadès bắt xuống âm phủ làm vợ. Cũng từ khi Déméter trấn tại ngôi đền, hòn đá nữ thần ngồi khi giả dạng làm một bà già tới Éleusis được gọi tên là “hòn đá đau thương” và giếng nước cạnh đó được gọi tên là “giếng con gái”.

Lại nói về việc nữ thần Déméter rời bỏ đỉnh Olympe, sống mai danh ẩn tích ở vùng Éleusis. Thần Zeus khi tính toán, thu xếp cho Hadès lấy Perséphone hẳn đã không lường trước đến cái hậu quả ghê gớm xảy ra đối với thế giới thần linh và thế giới loài người. Từ khi nữ thần Déméter mất con, bỏ công việc đi tìm con và không trở về Olympe nữa, đất đai trở nên cằn cỗi, mùa màng thất bát. Cỏ xanh trên đồng không mọc, hạt gieo xuống không nảy mầm, mưa không thuận, gió không hòa, đất rắn chắc lại đến nỗi một đôi bò kéo không đi nổi một đường cày. Nạn đói từng bước từng bước đến, nay giết hết gia đình này, mai giết hết làng xóm khác, không có cách gì ngăn chặn được. Nước lụt thì còn dời nhà lên đồi cao, cháy nhà thì còn đem nước đến dập, tưới vào lửa cho tắt, nhưng còn đói thì không biết tìm cách gì cứu chữa. Chỉ có cách trông chờ vào vụ sau được mùa. Nhưng lấy gì ăn để trông chờ. Và biết bao người đã chết trước khi vụ sau đến. Tình cảnh thật cảm thương hết chỗ nói. Người đói, nên chẳng ai nghĩ đến việc cúng lễ, hiến tế các vị thần. Các thần vì thế cũng lâm vào cảnh túng thiếu các lễ vật, đói các lễ vật! Tiếng than khóc, oán trách các vị thần bay thấu tận trời xanh, thần Zeus, đấng phụ vương của loài người không thể nhắm mắt trước tình cảnh loài người có nguy cơ diệt vong. Thần ra lệnh triệu tập các chư vị thần linh đến họp để tìm nguyên nhân của tai họa và tìm cách giải trừ tai họa. Sau khi nghe các thần tường trình, thần Zeus thấy cần phái ngay nữ thần Iris xuống tìm gặp Déméter, thuyết phục Déméter trở lại thế giới Olympe đảm đương công việc. Nhưng Iris đành chịu thất bại ra về. Nhiều vị thần khác nữa, nhận lệnh Zeus xuống Éleusis thuyết phục Déméter nhưng chẳng sao lay chuyển được nàng. Déméter một mực trả lời, chừng nào mà Perséphone còn bị Hadès giam giữ dưới âm ty, địa ngục thì chừng ấy nàng còn để cho đất đai khô cằn, hạt không nảy mầm lúa không đâm bông, cây không sinh trái, hoa không kết quả. Chừng nào mà Perséphone chưa trở về với nàng, thì đồng cỏ biến thành sỏi đá, mọi mầm non nụ xanh của cây cối đều thui chột, rồi đến chút lá xanh cũng thành héo úa, chút mạch nước ngầm trong lòng đất cũng kiệt khô. Mặt đất phì nhiêu sẽ thôi không sinh nở và u sầu như một người mẹ mất con. Thần Zeus chỉ còn cách - và lúc này chỉ còn cách ấy là thượng sách - cử viên truyền lệnh tin cẩn và không chậm trễ xuống vương quốc của Hadès, ban bố quyết định của hội nghị các thần, buộc Hadès phải trả Perséphone về cho Déméter.

Vị thần truyền lệnh tin yêu của Zeus, với đôi dép có cánh đi nhanh hơn ý nghĩ, vượt qua thế giới âm u của Hadès vào cung điện. Chàng thấy Perséphone ngồi cạnh Hadès mặt buồn rười rượi. Chàng kính cẩn cúi chào vị thần cai quản thế giới của những vong hồn và tuyên đọc lệnh của hội nghị thiên đình do đích thân thần Zeus điều hành, ban bố. Vừa nghe xong Perséphone mặt rạng rỡ hẳn lên. Nàng đứng ngay dậy và chuẩn bị lên đường. Thần Hadès tuy trong bụng không vui nhưng biết không thể nào cưỡng lại lệnh của thần Zeus được, cho nên cũng phải đứng dậy lo chuyện tiễn Perséphone. Tuy nhiên Hadès không thể chịu mất hẳn Perséphone. Đoán biết ý định của Zeus là muốn trả hẳn Perséphone lại Déméter nên Hadès rắp tâm phá. Thần trân trọng dâng mời Perséphone ăn một quả lựu trước khi từ biệt, Perséphone vô tình nhận quả lựu và bửa ra ăn mấy hạt. Hermès trông thấy nhưng không kịp can ngăn. Thần Zeus đã dặn Hermès, Perséphone chỉ có thể trở về sống vĩnh viễn bên Déméter với điều kiện là trong quãng ngày ở dưới thế giới âm cung nàng không ăn một chút gì. Nhưng bây giờ nàng ăn rồi, biết làm thế nào? Dù sao thì cũng phải đưa nàng về thế giới dương gian với mẹ nàng.

Cỗ xe vàng do những con ngựa đen bóng của thần Hadès đã sẵn sàng. Hadès bùi ngùi từ biệt Perséphone. Thần cầu xin nàng tha thứ cho chuyện cũ và thông cảm với nỗi lòng của thần. Thần mong rằng nàng hãy xóa bỏ cái ý nghĩ khinh rẻ, kinh tởm đối với một vị vua đầy quyền thế cai quản thế giới âm cung. Hermès giật cương, vung roi. Cỗ xe vàng lao vút đi. Từ dưới lòng đất tối tăm bay lên thế giới loài người tràn đầy ánh sáng, thần Hermès đánh xe chạy thẳng về ngôi đền của Déméter ở Éleusis. Cỗ xe dừng lại, Perséphone mừng rỡ cảm động đến nỗi quên cả cảm ơn thần Hermès, bước vội xuống xe. Nữ thần Déméter đứng ngóng con từ trên một sườn núi cao lao xuống, chạy đến trước con giang rộng vòng tay. Perséphone sà vào lòng mẹ, sung sướng kêu lên: “Mẹ! Mẹ!” Hai mẹ con đều trào nước mắt vì sung sướng mừng vui. Suốt ngày hôm đó hai mẹ con kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện. Khi Perséphone kể cho mẹ biết, mình đã được thần Hadès mời ăn những hạt lựu thì Déméter khóc và kêu lên:

- Thôi hỏng rồi! Con ơi! Như thế con chẳng được ở luôn bên mẹ đâu. Thế nào thần Zeus cũng cho người xuống đòi mẹ phải trả con về với Hadès. Bởi vì hạt lựu là sự tượng trưng cho một cuộc sống hôn nhân chính thức, không dễ gì chia rẽ.

Quả như vậy, chỉ một lát sau, thần Zeus phái một người truyền lệnh mới, đặc biệt. Đó là nữ thần Rhéa, người mẹ kính yêu của Zeus và các vị thần linh, xuống trước ngôi đền của Déméter nói với Déméter những lời dịu ngọt sau đây:

Hỡi con gái ta, lại đây, thần Zeus công minh khẩn cầu con đó,

Khẩn cầu con trở về cung điện Olympe,

Trở về sống với các thần;

Con sẽ được suy tôn, trọng vọng.

Con đã gặp lại Perséphone, đứa con của ước mong, hy vọng,

Perséphone sẽ an ủi đời con.

Mỗi năm khi xuân đến, đông tàn,

Perséphone sẽ an ủi cho con giảm bớt nỗi lo âu, vất vả,

Bởi vì vương quốc của bóng đen, vật vờ u ám,

Chẳng được phép giữ nàng trọn vẹn cả năm.

Hadès chỉ được một phần ba thời gian,

Còn lại Perséphone sẽ sống với con và những vị thần cực lạc.

Con hãy đem lại hòa bình và hạnh phúc,

Con hãy đem lại ấm no và cuộc sống cho những người trần.

Déméter không thể từ chối dù nàng biết đây chỉ là những lời an ủi, khích lệ nàng để nàng chấp nhận việc mỗi năm Perséphone phải xa nàng bốn tháng để xuống sống dưới thế giới của những người chết. Nhưng thôi dù sao Perséphone vẫn là của nàng, không thể mất vĩnh viễn vào tay thần Hadès. Hơn nữa dù sao loài người vẫn đang ngày đêm mong đợi nàng, nàng đối với họ là vị nữ thần nhân hậu và phúc đức. Cảnh hoang tàn, đồng hoang ruộng hóa, làng xóm tiêu điều đã khiến nàng xúc động bùi ngùi, thương cảm và quả thật nàng cũng không ngờ đến cái hậu quả gớm ghê như thế. Déméter trở lại thế giới Olympe và bắt tay vào công việc quen thuộc của mình: những cánh đồng xanh tươi trở lại, vườn cây lại sai quả, hoa lại nở tưng bừng khắp rừng núi đồng quê, đất đai trở lại màu mỡ. Cuộc sống từ khi đó như đổi sắc thay da, vạn vật, muôn loài từ thiên nhiên cho đến loài người giống vật, như bừng tỉnh lại khi nữ thần Déméter gặp lại người con gái yêu dấu Perséphone, khi nữ thần Perséphone trở lại dương gian với người mẹ thân thiết Déméter.

Nhưng, vì Perséphone đã trót ăn phải những hạt lựu, nghĩa là nàng đã xác nhận mình là vợ của Hadès bằng một cuộc hôn nhân không thể đoạn tuyệt được, nàng không thể không trở lại thăm chồng, sống với chồng, như sự thu xếp của thần Zeus: một phần ba thời gian của một năm. Mỗi lần Perséphone từ giã người mẹ thân yêu ra đi, nữ thần Déméter lại chìm vào trong nỗi thương nhớ, nàng lại mặc đồ đen và từ bỏ công việc của mình ở đỉnh Olympe. Và thiên nhiên, cây cỏ vạn vật, muôn loài lại âu sầu, ủ rũ, thương xót cho người ra đi. Cây cối khóc than trong gió, trút những giọt nước mắt úa vàng xuống mặt đất phủ đầy tuyết trắng mênh mông. Sông chẳng còn tươi cười nữa mà buồn bã đến lạnh lùng, lầm lì suốt cả thời gian vắng bóng Perséphone.

Bốn tháng trôi qua đi và Perséphone lại trở về với mẹ. Vạn vật, muôn loài lại vui vẻ, tưng bừng như đổi sắc, thay da... Còn loài người, tất nhiên phải bằng lòng với cách phân xử đó của thần Zeus. Chỉ tiếc rằng Perséphone dạo ấy đã trót ăn phải hạt lựu. Nếu như không có chuyện đó hẳn loài người sẽ sung sướng biết bao! Nhưng ngay cả cái chuyện Perséphone ăn phải hạt lựu cũng lại và do thần Zeus sắp đặt.

Có người lại kể, Perséphone bị Hadès bắt vào lúc nàng đưa tay ra hái bông hoa thủy tiên, đúng là như vậy, hoa thủy tiên chứ không phải một thứ hoa nào khác. Họ lại còn kể, thần Zeus phân xử, Perséphone ở với Hadès sáu tháng, còn ở với Déméter sáu tháng.

Thần thoại Déméter và Perséphone, chuyện về tình mẹ con tha thiết, gắn bó, phản ánh một cách giải thích của người Hy Lạp cổ xưa về thời tiết và mùa màng. Mùa xuân ấm áp, gắn bó thân thiết với mùa màng như con với mẹ. Đất mẹ-Déméter, đất đai đã được cày cấy, đất đai đã được bàn tay con người trồng trọt, có nghĩa là đất đai của mùa màng mà lúa mì là chủ yếu khác với Đất mẹ-Gaia vĩ đại là đất nói chung, đất nguyên sơ, như một nhân tố khởi thủy của sự sống. Chính cái đất đã được con người biến thành mùa màng ấy gắn bó với thời tiết ấm áp của mùa xuân như mẹ với con. Và khi con xa mẹ, lòng mẹ thương nhớ con da diết, khắc khoải như thế nào thì mùa màng, con người, trông chờ, mong đợi thời tiết ấm áp của mùa xuân cũng da diết, khắc khoải như thế! Gắn bó với cách giải thích Hadès bắt Perséphone về thế giới âm cung sáu tháng là mùa thu và mùa đông, người xưa còn suy tưởng: hạt lúa mì bị chôn vùi dưới đất suốt mùa thu và mùa đông chẳng khác chi Perséphone bị giam giữ dưới âm phủ. Sáu tháng sau, xuân hè tới, Perséphone trở lại với dương gian trong ánh nắng, chói lọi, chan hòa chẳng khác chi hạt lúa mì từ lòng đất vươn lên, từ cõi chết được phục sinh, tái sinh trong niềm chờ đón hân hoan của vạn vật. Đất, mùa màng là Mẹ. Thời tiết thuận lợi, mùa xuân là Con. Trí tưởng tượng của huyền thoại thật là kỳ diệu!

Không riêng gì người Hy Lạp cổ mới có cách giải thích nhân bản hóa, nhân tính hóa hiện tượng tự nhiên như vậy. Trong gia tài thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới, theo các nhà thần thoại học, folklore học, cũng có cách giải thích những hiện tượng của thiên nhiên với sự suy tưởng như câu chuyện này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tiền thân của huyền thoại Déméter, Perséphone, Dionysos là thần thoại Osiris ở Ai Cập. Câu chuyện vắt tắt như sau: Hai vợ chồng Osiris và Isis cai quản thế giới thần thánh và loài người ở Ai Cập. Osiris đã dạy cho loài người nghề nông. Em ruột Osiris là Seth giết Osiris chặt làm mười bốn khúc vứt đi khắp bốn phương. Isis cùng với con trai là Horus sau bao nhiêu năm lang thang, phiêu bạt cuối cùng thu lượm được đầy đủ xác chồng. Nhờ đó Osiris được phục sinh, để cai quản vương quốc của những người chết. Còn Horus cuối cùng giết chết Seth để trả thù cho cha.

Trong thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ thứ IV TCN) và thời kỳ đế chế La Mã (thế kỷ thứ III TCN), tôn giáo-thần thoại Osiris phát triển khá rộng rãi trong thế giới Hy Lạp. Dựa vào cốt truyện này người ta tổ chức những nghi lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère, tiếng Hy Lạp nghĩa là bí ẩn) về đoạn Isis và con trai là Horus đi tìm xác Osiris, về đoạn Osiris phục sinh. Trong thời kỳ đế quốc La Mã suy tàn, vào hai thế kỷ đầu của kỷ nguyên chúng ta, tôn giáo-thần thoại Osiris phổ biến khắp vùng ven biển Nam Địa Trung Hải. Ý nghĩa tượng trưng của tôn giáo-thần thoại Osiris, cái chết và sự tái sinh, phản ánh sự biến chuyển của thời gian, thời tiết, đông tàn, xuân đến, năm cũ đi, năm mới tới, những sức sống mới của tự nhiên lại hồi sinh sau khi chết, dần dần mất đi nhường chỗ cho hình ảnh người vợ của Osiris nổi lên hàng đầu. Từ đó, nữ thần Isis được con người ban cho nhiều quyền lực, tài năng, như đã sáng tạo ra chữ viết, là người lập pháp, là người tách đất ra khỏi trời, vạch đường cho các ngôi sao, v.v. Và ở đây cũng đã diễn ra một quá trình hỗn đồng (synérétisme, còn dịch là hỗn nguyên, nguyên hợp) tôn giáo-thần thoại, một quá trình phức hợp: một vị thần mới chiến thắng vị thần cũ và đảm nhiệm thêm ngày càng nhiều những chức năng của các vị thần khác.

Chúng ta kể “lạc đề” một chút sang thần thoại Ai Cập để làm gì? Đó là để giới thiệu một quy luật chuyển hóa từ tôn giáo-thần thoại về tự nhiên sang tôn giáo-thần thoại về đời sống xã hội, hơn nữa để giới thiệu một trong những ngọn nguồn quan trọng của Thiên Chúa giáo: nỗi đau khổ, cái chết, và sự phục sinh. Dấu ấn của việc thờ cúng nữ thần Isis còn in lại khá đậm nét trong thần thoại Thiên Chúa giáo. Hình ảnh Đức mẹ Đồng trinh ôm Chúa Hài đồng Jésus trên tay chỉ là sự sao chép lại hình ảnh nữ thần Isis và đứa con trai là Horus. Rồi hình ảnh Đức mẹ Maria ẵm Chúa Jésus cưỡi lừa đi lánh nạn để tránh khỏi sự truy lùng của Hérode chẳng khác chi nữ thần Isis phải bế con chạy trốn để thoát khởi sự truy lùng của Seth. Cái chết của Osiris cũng mất dần đi ý nghĩa tượng trưng ban đầu. Trong bối cảnh xã hội của những thế kỷ đầu công nguyên, nó dần dần mang ý nghĩa sự hy sinh để chuộc tội. Còn sự phục sinh của thần Osiris trở thành một sự bảo đảm cho hạnh phúc vĩnh hằng trong tương lai.

Tôn giáo-thần thoại Osiris và Isis không phải là một hiện tượng đơn nhất của thế giới tôn giáo-thần thoại vùng Đông Nam Địa Trung Hải. Sự khảo sát của các nhà nghiên cứu cho chúng ta biết có nhiều hiện tượng tương tự: Adonis và Astarté ở Syrie, nữ thần Cybèle và Attis ở Tiểu Á. Tammuz ở Babylone và v.v.

Déméter truyền nghề cho Triptolème

Lại nói chuyện Déméter tôi chú bé Démophon trong lò lửa. Có chuyện kể rằng, khi Déméter vừa cầm chú bé Démophon đưa vào lò lửa thì Métanira trông thấy, sợ quá, thét to lên một tiếng. Tiếng thét làm Déméter giật mình, buông rơi đứa bé xuống lửa khiến cho nó qua đời. Nhưng lại có người bác chuyện này, cho rằng chẳng đáng tin, và họ kể rằng chẳng có đứa bé nào bị chết hay bị tôi hỏng cả. Nữ thần Déméter chỉ tôi luyện cho một đứa con của Métanira là Triptolème, anh ruột của Démophon. Thôi thì chuyện xưa mỗi người kể mỗi khác, ta chẳng biết tin vào ai. Nhưng có điều có thể tin chắc được là nữ thần Déméter, để đền đáp lại tấm lòng hiếu khách và nhân hậu của vợ chồng nhà này, đã ban cho một đứa con của họ tên là Triptolème được siêu thoát hết chất người trần tục đoản mệnh để đứng vào hàng ngũ các vị thần bất tử. Nàng lại còn truyền dạy nghề nông cho Triptolème, dạy chàng từ cách cày đất, gieo hạt, chăm bón cho đến việc gặt hái, đập, xay, giã, sàng, sẩy. Nàng lại còn ban cho chàng trai, con của nhà vua Céléos ấy, những hạt lúa giống. Chưa hết, để cho việc gieo hạt được nhanh chóng, nàng lại còn ban cho Triptolème một cỗ xe thần do những con rồng có cánh kéo để chàng bay trên những cánh đồng rộng mênh mông, gieo hạt. Với cỗ xe này Triptolème có thể đi khắp nơi trên trái đất để gieo hạt, để truyền dạy nghề nông đặng làm cho loài người ấm no, sung sướng. Chàng đã cày đất đến ba lần trước khi gieo hạt, vì thế mới có tên gọi là Triptolème.

Sự nghiệp truyền dạy nghề nông của Triptolème không phải chỉ gặp thuận lợi. Theo lệnh của Déméter, Triptolème đến xứ Scythe để truyền nghề. Nhà vua Lyncos bề ngoài đón tiếp Triptolème rất niềm nở nhưng trong bụng chứa đầy mưu đồ xấu xa. Lyncos muốn giành lấy vinh quang là thủy tổ của nghề nông nên rắp tâm ám hại Triptolème trong khi chàng đang ngủ. Nhưng nữ thần Déméter luôn luôn ở bên cạnh người đồ đệ yêu dấu của mình. Mọi ý nghĩ đen tối và hành động ám muội của tên vua xấu xa này đều không lọt qua mắt nữ thần. Khi Lyncos, đêm hôm đó lừa lúc Triptolème ngủ say, lẻn vào phòng vung kiếm lên định kết liễu đời Triptolème thì nữ thần Déméter lập tức bằng những quyền lực và pháp thuật của mình biến ngay Lyncos thành con mèo rừng. Thanh kiếm rơi ngay xuống đất. Và con mèo chỉ kịp kêu lên một tiếng sợ hãi rồi cong đuôi chạy biến vào rừng.

Triptolème tiếp tục sự nghiệp của mình từ xứ sở này sang xứ sở khác. Danh tiếng và vinh quang của chàng vang dội đến tận trời xanh. Trở về Éleusis, chàng được vua cha truyền ngôi cho. Không quên công ơn của vị nữ thần vĩ đại, chàng đặt ra những nghi lễ và tập tục thờ cúng nữ thần, những hình thức diễn xuất-tôn giáo thầm kín mà người xưa gọi là: Mystère d’Éleusis.

Nghi lễ Mystère d’Éleusis hàng năm được tổ chức, được mở rất trọng thể. Người xưa chia nghi lễ làm hai loại: Mystère nhỏ và Mystère lớn. Mystère nhỏ mở vào tháng ba ở Agra gần Athènes, trên bờ sông Ilissos, đóng vai trò mở đầu, chuẩn bị cho Mystère lớn. Mystère lớn tổ chức ở Éleusis, một địa điểm ở Đông Bắc thành Athènes trên vùng đồng bằng Thria. Hội lễ mở vào cuối tháng chín, kéo dài tới 10 ngày. Người ta cử hành nhiều đám rước từ Athènes tới Éleusis rước các đồ vật thiêng liêng, làm lễ tẩy trần cho mọi người để chuẩn bị cho ngày long trọng nhất (ngày 21 tháng 9). Nhiều bàn thờ để cầu cúng được dựng lên trong những hang động thiêng liêng, một lễ trình diễn lại huyền thoại Déméter và Perséphone nhằm mục đích khắc sâu vào tâm trí những tín đồ công ơn của vị nữ thần Lúa mì, khẳng định tính chất cao siêu và vĩnh hằng của thế giới thần thánh. Viên tư tế mà tiếng Hy Lạp xưa gọi là Hiérophante đứng ra làm lễ và trình bày cho mọi người xem những đồ vật thờ cúng thiêng liêng. Đêm hôm sau những người hành lễ nhưng chỉ là tín đồ cũ, dự tiệc, được uống một thứ rượu thiêng, và sau khi xem lễ trình diễn đám cưới thiêng liêng của Zeus và Déméter mới được dự lễ ngắm (epopteia) bông lúa mì. Hôm sau lễ kết thúc bằng tập tục rảy rượu thiêng từ Đông sang Tây. Những nghi lễ cử hành trong thời gian hành lễ đòi hỏi các tín đồ phải giữ bí mật tuyệt đối. Mọi hành động làm tiết lộ tính chất thiêng liêng của những nghi lễ diễn xuất tôn giáo thầm kín này - Mystère này - bị trừng phạt như đã phạm trọng tội phản bội. Sau này Mystère d’Éleusis không chỉ thờ cúng Déméter, Perséphone, Triptolème mà còn thờ cúng cả Dionysos.

Tục thờ cúng hai vị nữ thần của nghề nông, Déméter và Perséphone đã từng có từ thời kỳ xa xưa - thời kỳ tiền Hy Lạp. Lúc đầu nó chỉ mang một ý nghĩa đơn giản: thể hiện khát vọng của con người, ước mơ của con người đối với mùa màng, mùa lúa mì. Dần dà với sự phát triển của lịch sử xã hội, tục thờ cúng đó mang những ý nghĩa phức tạp hơn, sâu rộng hơn. Người Hy Lạp của thời kỳ cổ điển đã suy ngẫm với một cảm hứng khái quát phảng phất ít nhiều hương vị của triết lý tự nhiên-nhân bản về quá trình hình thành của cây lúa.

Hạt lúa mì gieo xuống đất, được đất đen ấp ủ, nuôi dưỡng. Đất đen đã đem cuộc sống của mình ra để chăm nom, “bú mớm” cho cuộc sống của hạt lúa mì. Con người cũng vậy, con người sống trên mặt đất, được đất đen đem cuộc sống của mình ra nuôi dưỡng, hơn nữa lại nuôi con người bằng cuộc sống của hạt lúa mì. Con người cứ thế sống, sinh sôi, nảy nở, con đàn cháu đống cho đến khi con người từ giã cõi đời, con người trở về với đất, sống trong lòng đất, biến thành đất. Từ đây con người đem cuộc sống của mình nuôi dưỡng lại cỏ cây. Cây lúa mì, kẻ đã nuôi dưỡng loài người chúng ta, đến lần được loài người chúng ta nuôi dưỡng lại. Và cứ như vậy sinh sinh, hóa hóa tuần hoàn. Cái chết đối với con người là sự tiếp tục một cuộc sống khác, một cuộc sống vẫn có ích cho đồng loại, một cuộc sống trả ơn trả nghĩa lại, đền bù lại công lao của cây lúa mì cũng như các thứ cây cỏ hoa lá khác. Như vậy cái chết chẳng có gì đáng sợ, đáng coi là chuyện khủng khiếp, thảm họa. Tạo hóa là sáng tạo và biến hóa, biến hóa và sáng tạo mọi thứ cho cuộc sống vĩnh hằng, bất diệt. Nhìn hạt lúa mì gieo xuống lòng đất hứa hẹn một mùa gặt mới, con người cảm nhận thấy sự vĩnh hằng của đời sống, cuộc sống trong đó có cuộc sống của mình.

Nhưng từ khát vọng này, khát vọng về sự vĩnh hằng, bất tử của con người - của giống loài nói chung như là sự kế tiếp của các thế hệ - đã chuyển biến thành khát vọng về sự vĩnh hằng, bất tử của con người-cá nhân. Chế độ chiếm hữu nô lệ ở Athènes trong thế kỷ V TCN đã phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực kinh tế. Tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp phát triển. Trong quan hệ của một nền kinh tế tư hữu, sự phát triển đó đã phân hóa cư dân thành những người giàu và người nghèo, làm lỏng lẻo hoặc tan rã những mối liên hệ chặt chẽ của truyền thống và gia đình thị tộc phụ quyền. Cá nhân con người tách ra khỏi những quan hệ cộng đồng nguyên thủy vốn xưa kia là chất keo gắn bó con người lại với nhau. Trên cơ sở của sự biến đổi này trong xã hội đã nảy sinh ra sự biến đổi về khát vọng, từ tập thể sang cá nhân như đã nói trên.

Mystère d’Éleusis từ đây bắt đầu truyền giảng, hứa hẹn với các tín đồ về một cuộc sống hạnh phúc, vĩnh hằng đang chờ đợi cá nhân dưới âm phủ. Cũng từ đây tập tục thờ cúng các vị nữ thần nông nghiệp bắt đầu đi chệch hướng. Và sự chệch hướng càng xa hơn nữa: các nghi lễ phức tạp và nhiều điều cấm đoán ra đời. Xưa kia trong ngày hành lễ Mystère d’Éleusis, phụ nữ nô lệ và những người nước ngoài ngụ cư đều được quyền tham dự. Hơn nữa ngày lễ hướng tới những người nghèo khổ nhất trong xã hội: phụ nữ nô lệ, ban cho họ những niềm an ủi coi đó như một sự đền bù cho số phận thiệt thòi của họ, giống như nữ thần Déméter đã ban phúc lợi cho tất cả mọi người. Nhưng giờ đây khi xã hội đã có ý thức về sự phân biệt địa vị, đẳng cấp thì truyền thống dân chủ, bình đẳng của thời xưa phải “địa vị hóa”, “đẳng cấp hóa” theo xã hội để phản ánh cái thực tại xã hội và củng cố ý thức xã hội.

Những cuộc khai quật khảo cổ học ở Éleusis thế kỷ XIX phát hiện cho ta thấy nhiều di tích của trung tâm tôn giáo này, đặc biệt có một căn phòng lớn tên gọi là Télestérion xây dựng trong một ngọn núi đá có chiều dài là 54,15 mét, chiều rộng là 51,80 mét. Bốn chung quanh là tám bậc ngồi có thể chứa được 3.000 người. Tại đây có Bức phù điêu lớn Éleusis, một kiệt tác mà các nhà nghiên cứu phỏng đoán được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Phidias, ra đời trước những bức tường ở điện Parthénon. Khu vực đền thờ này bị hoàng đế La Mã Théodose I (347-395) ra lệnh đóng cửa, cấm chỉ mọi tập tục nghi lễ truyền thống. Năm 396, toàn bộ khu vực đền, điện Éleusis bị những tộc người dã man xâm nhập, phá hủy.

Déméter trừng phạt Érysichthon

Érysichthon là vua xứ Thessalie, một vị vua kiêu căng và coi thường thần thánh. Hiếm thấy một vị vua nào lại có thái độ bất kính đối với thần thánh như Érysichthon. Y chẳng bao giờ dâng lễ vật tới các thần linh, cũng chẳng bao giờ đến các đền thờ để xin thần thánh ban cho một lời tiên đoán về số phận tương lai. Tệ hại hơn nữa, hỗn xược hơn nữa, y lại còn xúc phạm đến nữ thần Déméter. Năm đó Érysichthon làm nhà. Y sai gia nhân vào rừng đốn gỗ, những cây gỗ rất to, rất đẹp, rất quý ở trong một khu rừng thiêng dưới quyền cai quản của nữ thần Déméter. Nhiều người đã can ngăn y nhưng y quyết không nghe. “Cứ chặt đi, nếu có tội gì tao chịu.” Y quát bảo gia nhân như thế. Một người đầy tớ cầm rìu tiến đến trước một cây sồi. Nhìn thấy cây sồi cao lớn và đẹp đẽ, người đầy tớ không dám vung rìu chặt. Anh ta tâu với Érysichthon:

- Hỡi Érysichthon, vị vua đầy quyền thế của xứ Thessalie! Xin ngài hãy nghĩ lại. Đây là cây sồi to lớn và đẹp đẽ. Tuổi nó dễ có đến trăm năm. Mắt ta chưa từng bao giờ trông thấy một cây sồi cao to như thế. Hẳn rằng nơi đây là nhà ở của một vị nữ thần Dryades nào đó, người con gái tin yêu dưới quyền bảo hộ của vị nữ thần Déméter vĩ đại, vị nữ thần chỉ đem lại những phúc lợi to lớn cho người trần thế khốn khổ chúng ta. Rừng cây không thiếu gì gỗ. Xin ngài hãy chọn một cây gỗ khác để tránh tội xúc phạm đến nơi ở thiêng liêng của một vị nữ thần!

Nhưng nhà vua kiêu ngạo này đâu có chịu nghe lời khuyên bảo chân tình của một người đầy tớ. Hắn với thói quen xấu xa của kẻ có quyền thế, vung roi đánh người đầy tớ và giằng lấy cây rìu trong tay anh ta:

- Nhà ở của một vị nữ thần Dryades nào đó ta cũng chặt. Đứa nào sợ phạm tội hãy buông rìu tránh xa!

Và Érysichthon vung rìu chém cây sồi làm nó run lên. Tiếng rên rỉ, kêu than vang lên sau mỗi nhát rìu. Máu ở thân cây trào ra. Một người đầy tớ xót xa trước cảnh tượng ấy chạy lại cầm lấy tay nhà vua, ngăn chặn hành động bất kính. Anh ta chưa kịp nói thì nhà vua đã gạt phắt tay anh ta ra và tiện tay giáng muôn một nhát rìu vỡ sọ chết tươi. Érysichthon tiếp tục chặt cây sồi. Vết thương ở gốc cây ngày càng mở rộng và sâu hoắm. Cuối cùng cây sồi lảo đảo rồi ngã sầm xuống mặt đất đen. Vị nữ thần sống trong cây sồi trăm tuổi cũng chết theo ngôi nhà thân thiết của mình.

Các nữ thần Dryades của khu rừng thiêng đau xót trước cái chết của người bạn mình, mặc tang phục màu đen kéo nhau đến nữ thần Déméter vĩ đại xin nữ thần ra tay trừng phạt kẻ bạo ngược đã sát hại một người bạn thân thiết của mình. Chấp nhận lời cầu xin của các nàng Dryades, nữ thần quyết định bắt tên vua bạo ngược đó phải chịu một hình phạt xứng đáng. Hơn nữa Déméter cũng không thể chịu đựng nổi một hành động coi thường quyền uy của nàng quá đáng đến như thế. Déméter nghĩ cách trừng phạt. Nàng thấy chỉ có thể tìm đến nữ thần Đói thì mới xong việc này. Déméter phái ngay một nàng Dryades, giao cho cô ta chiếc xe rồng để đi mời nữ thần Đói về. Cỗ xe thần diệu đó chỉ bay một lát là qua Scythe đến những dãy núi Caucase. Nàng Dryades tìm thấy nữ thần Đói đang ngồi trên một mỏm núi khô cằn. Thần là một con người có hình thù rất kinh dị. Mắt sâu hoắm, da vàng bủng, nhăn nheo, tóc rối bù, người gầy guộc, khẳng hiu chỉ có da bọc lấy xương. Được đưa xe đến mời, nữ thần Đói đến gặp Déméter ngay. Sau khi nghe kể rõ chuyện, nữ thần Đói ra tay ngay tức khắc.

Nữ thần Đói bay đến căn nhà của Érysichthon. Bằng tài năng và pháp thuật của mình, nữ thần gây ra cho Érysichthon một cơn đói. Érysichthon thấy đói bụng bèn sai gia nhân dọn bữa cho ăn. Nhưng kỳ quái sao, y càng ăn càng thấy đói. Y quát bảo gia nhân dọn tiếp bữa nữa cho y ăn. Ăn hết y vẫn không thấy no mà lại càng thấy đói hơn. Y đã định bụng thôi không ăn nữa nhưng cơn đói giày vò y khốn khổ không ăn không thể chịu được. Nhưng cứ ăn vừa ngơi miệng là lại muốn ăn nữa, cứ thế ăn suốt ngày. Có bao nhiêu tiền của y chén hết, bán cả vàng bạc, quần áo, đồ đạc trong nhà để ăn. Thế mà vẫn không no. Lúc nào y cũng bị một cơn đói giày vò, đói cồn cào, đói xé ruột xé gan, đói như người bộ hành lạc đường phải nhịn đói, như người chiến sĩ cố thủ trong thành bị giặc vây hãm lâu ngày hết lương, như người ốm vừa mới khỏi ăn trả bữa... Cuối cùng Érysichthon chẳng còn gì ngoài người con gái tên là Mnestra và cái bụng đói cào đói cấu, đói ngấu đói nghiến của y. Chẳng nhẽ ăn con gái? Y đem bán con đi để có tiền ăn. May nhờ thần Poséidon thương xót nên Mnestra trốn thoát khỏi tay nhà vua. Thần đã ban cho người con gái đó phép biến dạng đổi hình cho nên Mnestra có thể biến thành con chim, con chuột, con ngựa, con bò để trở về nhà. Nhưng trở về nhà lần nào thì lần ấy Mnestra lại bị bố bán đi để lấy tiền ăn. Mnestra không trở về nhà nữa. Chỉ còn lại Érysichthon luôn luôn bị cơn đói hành hạ. Không chịu đựng được, Érysichthon ăn luôn bản thân mình, ngoạm, cắn, xé hết đùi đến tay rồi chết.

***

Về nữ thần Déméter, ngoài cuộc hôn nhân với thần Zeus sinh ra Perséphone - còn có tên là Coré - nữ thần cũng còn có một đôi cuộc nữa. Trước hết là cuộc hôn nhân với thần Poséidon. Vị thần Biển này để ý đến nữ thần Déméter từ lâu song nàng cứ lảng tránh. Không biết dùng cách gì, Poséidon biến mình thành một con ngựa để đến với Déméter, nhưng Déméter lại kịp thời biến thành một con ngựa cái lẩn trốn vào một bầy ngựa đang ăn cỏ, song cũng không thoát. Và họ sinh ra được một đứa con, một con tuấn mã chạy nhanh như gió, tên là Areion. Trong huyền thoại này chúng ta thấy dấu vết của tôtem giáo. Có thể ghi nhận nguyện vọng của người xưa muốn có một sự “kết hôn” giữa đất Déméter với nước Poséidon như là một điều kiện cần thiết của mùa màng. Cuộc hôn nhân thứ hai là với thần Iasion. Iasion là con của thần Zeus và nàng Électre, một tiên nữ trong số bảy tiên nữ chị em Pléiades, có người kể thực ra đây không phải là một cuộc hôn nhân mà là một vụ cưỡng hiếp. Iasion đã cưỡng hiếp Déméter trên một thửa ruộng đã được cày ba lần. Zeus biết chuyện, nổi cơn ghen, giáng sét giết chết Iasion. Ít lâu sau, Déméter sang đảo Crète sinh một đứa con trai. Đó là thần Ploutos vị thần của sự Giàu có, Sung túc.

Déméter và Poséidon còn có một biệt danh chung là Thesmophora, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “những người lập pháp”. Do đó ở nhiều địa phương trên đất Hy Lạp như Athènes, Arcadie, đảo Délos... có ngày hội Thesmophorie, ngày hội thờ cúng nữ thần của sự Phì nhiêu, No ấm, Sung túc, những người bảo vệ cho đất đai, mùa màng, đặt ra luật lệ hôn nhân và pháp luật, trật tự cho xã hội. Trong những lễ hiến tế hai vị nữ thần này, người xưa thường dâng những lễ vật như bò, lợn, hoa quả, các tầng ong mật, bông lúa mì, hoa anh túc.

Déméter, Perséphone và Triptolème là ba vị thần của nghề nông, phản ánh thời kỳ con người đã định cư và tìm được một nguồn thức ăn mới, vững chắc hơn, phong phú hơn nguồn thức ăn kiếm được từ săn bắn, hái đượm. Tượng nữ thần Déméter được người xưa thể hiện là một người phụ nữ dáng người hơi đậm, vẻ mặt nghiêm trang, tóc như những giẻ lúa mì buông xõa xuống hai vai, hai tay cầm giơ ngang vai những bông lúa mì chen vào với hoa anh túc, hai con rắn quấn quanh cổ tay. Hoa anh túc (thuốc phiện) tượng trưng cho giấc ngủ của đất đai và của người chết. Lúa mì, báu vật của Déméter mà nàng đã ban cho loài người và gìn giữ cho loài người. Hai con rắn tượng trưng cho Đất và sự vĩnh hằng. Còn Triptolème, theo một bức vẽ trên bình gốm Hy Lạp là một chàng trai ngồi trên một cỗ xe có hai con rồng có cánh, một tay cầm cây vương trượng, còn một tay cầm bông lúa mì.

THẦN DIONYSOS

Thần Rượu nho-Dionysos (thần thoại La Mã: Bacchus) là con của thần Zeus và một người phụ nữ trần tục tên là Sémélé. Là vị thần đã dạy cho con dân đất Hy Lạp nghề trồng nho và nghề ép rượu nho, một nghề đem lại cho con người bao nguồn lợi và niềm vui, nên Dionysos được nhân dân Hy Lạp vô cùng biết ơn và sùng kính. Nếu chúng ta coi nữ thần Athéna, người đã ban cho con dân Hy Lạp cây olive và dạy họ ép dầu olive, thần Thợ rèn-Héphaïstos, người đã truyền dạy nghề thủ công, và nữ thần Déméter, người đã truyền dạy nghề nông, là những vị “thượng đẳng phúc thần” thì đương nhiên chúng ta phải xếp Dionysos vào danh sách cao quý đó. Thế nhưng, than ôi! Cuộc đời của vị “thượng đẳng phúc thần” này lại hẩm hiu, gian truân, long đong, vất vả hết chỗ nói.

Héphaïstos chỉ bị thọt chân, Déméter chỉ đau khổ một thời gian rồi lại được gặp Perséphone, còn Dionysos thì khổ cực từ tấm bé, khổ từ trong bụng mẹ khổ đi. Chuyện về cuộc đời của Dionysos cho đến nay kể năm, kể tháng không biết tính được là bao lâu. Ấy thế mà dường như đối với người dân Hy Lạp, chuyện về cuộc đời của vị thần ấy như vừa mới xảy ra đâu đó năm ngoái, năm kia. Chưa ai quên được, chưa ai là người khi vui nâng cốc rượu nho chúc tụng sức khỏe cùng bạn bè, khi vui bước chân vào nhà hát xem diễn kịch lại quên mất công lao to lớn của vị thần Dionysos.

Thần Zeus có một mối tình “vụng trộm” với một người phụ nữ trần tục tên là Sémélé. Để tránh sự theo dõi của nữ thần Héra, vợ mình, Zeus thường biến hình, biến dạng, thành một chàng trai, một người trần thế, xuống ái ân, tình tự với Sémélé. Nhưng đó chỉ và sự che giấu tung tích đối với Héra. Còn đối với Sémélé thì Zeus chẳng những không hề giấu kín tung tích mà con khoe khoang về địa vị “Zeus” của mình khá nhiều. Có một lần trong lúc đắm nguyệt, say hoa, Zeus đã hứa với Sémélé sẽ vì nàng, vì tình yêu của nàng mà săn sàng làm bất cứ điều gì mà nàng mong muốn, sẵn sàng chiều theo ý muốn của nàng để đền đáp lại mối tình say đắm của nàng. Zeus khoe khoang, tự hào với người yêu về địa vị và quyền lực của mình thì người yêu của Zeus cũng khoe khoang với bạn bè về địa vị và quyền lực, thậm chí rất lấy làm hãnh diện về Zeus, Zeus hứa với Sémélé như thế và viện dẫn đến dòng nước thiêng liêng cùng con sông âm phủ Styx để làm chứng cho lời hứa của mình. Tai họa bắt đầu từ chỗ đó.

Nữ thần Héra với con mắt soi mói lần này không nổi cơn thịnh nộ như những lần trước. Nàng biết hết mọi hành động ám muội của chồng. Nàng lại còn biết chồng mình đã chỉ non thề biển những gì với Sémélé. Vì thế Héra nghĩ ra một cách trừng trị Sémélé rất thâm độc. Nàng xúi giục bạn bè của Sémélé gièm pha người yêu của Sémélé, rằng đó chẳng phải là một vị thần đầy quyền thế như Sémélé vẫn thường khoe, mà thực ra chỉ là một anh chăn chiên tầm thường. Héra lại còn biến dạng, biến hình thành người nhũ mẫu của Sémélé để xúi giục Sémélé phải đòi Zeus biểu lộ quyền lực của mình, chứng minh được rằng mình đích thị là thần Zeus.

Nghe theo những lời xúi giục ấy, Sémélé, một bữa kia khi gặp Zeus, năn nỉ đòi Zeus, hãy hiện ra với tất cả phong thái uy nghi, vô địch của mình. Zeus lắc đầu quầy quậy, một mực chối từ, bảo cho Sémélé biết đó là một ước muốn điên rồ và vô cùng nguy hiểm. Zeus khuyên Sémélé hãy từ bỏ ngay đòi hỏi đó và nhắc lại cho nàng biết, trừ đòi hỏi muốn Zeus biểu lộ uy quyền ra, còn thì bất cứ đòi hỏi gì Zeus cũng sẽ làm nàng thỏa mãn. Song nước mắt của phụ nữ vốn có một sức mạnh. Hơn nữa lại còn thề nguyền cam kết có sự chứng giám của nước sông Styx. Có thể nào bậc phụ vương của các thần và người trần thế lại vi phạm lời thề nguyền thiêng liêng? Và cuối cùng Zeus hiện ra với tất cả vẻ uy nghi đường bệ, oai phong lẫm liệt thật xứng đáng là vị thần tối cao của thế giới thần thánh và loài người. Zeus lạnh lùng và nghiêm nghị vung tay một cái lên cao rồi giáng xuống. Một tiếng nổ xé tai. Bầu trời chói lòa ánh sáng, mặt đất run lên giần giật như một con thú bị tử thương đang giãy chết. Sémélé không kịp kêu lên một tiếng. Nàng ngã vật xuống đất lìa đời vì không chịu đựng nổi tiếng sét kinh thiên động địa với ánh sáng chói lòa của chồng mình. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời của Sémélé được thấy rõ quyền uy và sức mạnh của Zeus, được tin chắc, tin như đinh đóng cột rằng người yêu của mình là vị thần tối cao. Sấm sét của Zeus làm rung chuyển cả cung điện của vua Cadmos, người đã xây dựng lên thành Thèbes bảy cổng. Lửa bốc cháy tràn lan làm sụp đổ nhiều lâu đài, dinh thự. Sémélé chết vào lúc đang có mang Dionysos. Thần Zeus nhanh tay lấy được đứa con trong bụng mẹ ra trước khi lửa thiêu cháy thi thể Sémélé. Nhưng đứa bé chưa đủ ngày đủ tháng, Zeus phải mổ đùi mình ra đưa đứa bé vào rồi khâu lại, nuôi nó trong đùi ba tháng nữa rồi mới cho nó ra đời. Hơn nữa làm như vậy lại che được con mắt tinh quái của Héra. Và đến ngày Dionysos ra đời, lại một sự sinh nở thần kỳ nữa! Lần trước Zeus đẻ Athéna ra từ đầu, lần này Zeus đẻ Dionysos ra từ đùi. Đẻ xong, Zeus giao cho thần Hermès đem đến thung lũng Nida gửi các tiên nữ Nymphe nuôi hộ. Chẳng phải chỉ ở thần thoại Hy Lạp mới có cái chuyện sinh nở huyền hoặc và kỳ diệu như thế này, một “ca” rất lôi thôi, phiền toái cho công việc hộ sinh! Thần thoại Ấn Độ cho chúng ta biết, thần Mẹ Đất đã sinh ra thần Indra từ... sườn. Còn thần thoại Phật giáo thì kể rằng hoàng hậu Maya sinh ra Đức Phật... cũng từ sườn!

Thật ra thì trước khi Dionysos đến tay các tiên nữ Nymphe ở thung lũng Nida, thần Hermès đã trao Dionysos cho nhà vua Athamas trị vì ở đô thành Orchomène xứ Béotie nuôi nấng hộ. Athamas là con rể của vua Cadmos, vợ Athamas là Ino, chị ruột của Sémélé. Có chuyện kể, khi Zeus thể hiện quyền lực của mình, giáng sấm sét, Sémélé ngã lăn ra chết và đó cũng là lúc nàng đẻ rơi ra Dionysos. Khi ấy, khói mù mịt, lửa cháy ngùn ngụt xung quanh. Trong tình cảnh nguy hiểm như thế thì may gặp một phép lạ xuất hiện, từ dưới lòng đất bỗng mọc lên một giống cây leo. Chỉ trong nháy mắt cây này đã mọc thành một bụi, vươn rộng tỏa dài um tùm trùm phủ lấy đứa bé mà Sémélé vừa đẻ rơi, ngăn không cho ngọn lửa xâm phạm đến. Nhờ nó Zeus mới kịp thời đến bế lấy con và đưa vào trong đùi nuôi tiếp cho đủ chín tháng mười ngày.

Athamas và Ino nuôi con của Zeus. Việc này không thoát khỏi con mắt của Héra. Vị nữ thần ghen nổi tiếng nổi tăm này lại giáng tai họa trừng phạt. Héra làm cho Athamas mất trí hóa điên. Trong một cơn điên ghê gớm, Athamas giết chết tươi đứa con trai yêu dấu của mình là Léarchos. Nhà vua lại còn lao vào toan giết vợ và giết mất đứa con trai nữa. Ino dắt con, chú bé Mélicerte, chạy trốn. Nhưng Athamas gào thét, lao đuổi theo hai mẹ con, Ino chạy được một lúc thì cùng đường vì phía trước là vách núi cắt thẳng xuống biển. Athamas thì chẳng còn mấy bước nữa là tóm bắt được hai mẹ con. Trong lúc cùng quẫn, Ino bế con nhảy xuống biển. Các tiên nữ Néréides đón được hai mẹ con. Ino được biến thành một nữ thần Biển mang tên là Leucothée, còn Mélicerte được biến thành một nam thần Biển mang tên là Palémon.

Đối với cha mẹ nuôi Dionysos là như thế, còn đối với Dionysos tất nhiên nữ thần Héra phải tìm mọi cách để thanh trừ. Thần Zeus phải biến đứa con yêu quý của mình thành một con dê rồi giao cho Hermès đưa đi giấu ở chỗ này, chỗ khác. Sau cùng Zeus giao chú bé Dionysos cho các tiên nữ Nymphe ở thung lũng Nida nuôi dưỡng giúp. Đây là những tiên nữ đẹp nhất trong thế giới các tiên nữ Nymphe.

Người xưa kể sắc đẹp của các tiên nữ Nymphe ở thung lũng Nida là báu vật của thế giới thần thánh. Vì thế chưa từng một người trần thế nào có diễm phúc được chiêm ngưỡng sắc đẹp đó. Tên các Nymphe này là những nàng Hyades. Vì công lao nuôi dưỡng chú bé Dionysos, con của thần Zeus vĩ đại, nên sau này các nàng tiên được thần Zeus biến thành một chòm sao trên trời. Nhưng có nhiều người bác bỏ chuyện này, họ kể rằng các nàng Hyades có bảy chị em. Em trai ruột của các nàng là Hyas không may trong một cuộc đi săn ở xứ Libye bị sư tử vồ chết. Thương nhớ người em ruột, các nàng Hyades khóc mãi khôn nguôi, khóc hết ngày này qua ngày khác và cầu khấn thần Zeus. Để an ủi nỗi đau thương của các nàng và cũng để chấm dứt những dòng nước mắt triền miên, thần Zeus đã biến bảy chị em thành một chòm sao ở trên trời nằm trong dải Taureau. Nhưng các Hyades vẫn không nguôi thương nhớ người em ruột bất hạnh của mình. Các nàng vẫn khóc. Người Hy Lạp xưa kể rằng mỗi khi thấy các Hyades xuất hiện ở chân trời vào lúc mặt trời mọc hay mặt trời lặn là sắp có mưa. Hyades tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hay mưa” (pluvieuses).

Thấm thoắt chẳng rõ bao nhiêu năm, Dionysos trưởng thành, không rõ có bị nữ thần Héra trả thù không, chàng nổi cơn điên, đi lang thang khắp cùng trời cuối đất. Đi tới đâu chàng cũng truyền dạy cho nhân dân nghề trồng nho và nghề ép rượu. Từ Ai Cập qua Syrie, Phrygie, có người nói chàng còn viễn du sang cả Ấn Độ nữa rồi mới trở về Hy Lạp, đâu đâu thần Rượu nho-Dionysos và đoàn tùy tùng cũng được tôn trọng kính yêu. Song không phải cuộc đời của vị thần này không gặp những bước gian truân, trắc trở. Tặng vật của thần ban cho loài người, rượu nho, có lúc bị người đời hiểu lầm đó là thứ nước bùa mê, ma quái. Uống vào làm đầu óc choáng váng, mê mê tỉnh tỉnh, còn trong người thì máu chảy giần giật, bốc nóng bừng bừng. Vì thế đã xảy ra không ít những sự hiểu lầm đáng tiếc.

Dionysos bị vua Licurgue bạc đãi

Thần Dionysos lãnh sứ mạng truyền dạy cho mọi người biết nghề trồng nho và nghề ép rượu. Cùng với một đoàn các vị thần tùy tùng đông đảo, Dionysos đi tới đâu là gieo rắc sự vui tươi, hoan lạc, cuồng nhiệt ở nơi đó. Các nữ thần Bacchantes quấn trên người một tấm da sư tử, ngực để trần, tay cầm gậy thyrse, một cây gậy dài như một ngọn lao có một dây nho quấn trên thân hoặc một dây trường xuân (lierre). Cùng đi với những nữ thần Bacchantes là những nữ thần Ménades. Có người bảo Bacchantes với Ménades chỉ là một và thực ra không phải là những nữ thần mà và những viên nữ tư tế, những cô đồng. Tiếp đến những Thyades, những thiếu nữ hiến mình cho những nghi lễ thờ cúng và các tập tục hành lễ diễn xuất thầm kín (mystère) của việc phụng thờ Dionysos. Sở dĩ gọi những thiếu nữ này là Thyades là do sự tích sau đây. Thya, con gái Deucalion được thần Apollon đem lòng yêu mến. Nàng sinh được một con trai tên gọi là Delphes. Chính tên người anh hùng này được dùng để đặt tên cho ngôi đền thờ nổi tiếng của đất Hy Lạp, ngôi đền hàng năm thu hút con dân Hy Lạp từ khắp mọi miền mọi nẻo đến để xin những lời sấm truyền, tiên đoán của thần Apollon. Cha của Thya vốn là viên tư tế thờ phụng thần Dionysos, vì thế Thya nối nghiệp cha cũng hiến mình cho việc thờ phụng vị thần này. Nàng là người đàn bà đầu tiên hiến mình cho việc thờ phụng Dionysos. Nàng cũng là người đặt ra những nghi thức cúng tế, trong đó có tập tục mỗi năm một lần phụ nữ Athènes phải lên đỉnh núi Parnasse ở miền Trung Hy Lạp để hành lễ, ca ngợi công đức của Dionysos. Từ đó trở đi những thiếu nữ hiến mình cho việc thờ phụng vị thần này mang tên là Thyades.

Nhưng nói đến những tùy tùng của Dionysos ta không thể quên thần Pan, những thần Satyre và ông già Silène. Satyre và những vị thần nửa người nửa dê (mặt người, đầu có sừng, tay người, chân dê và có đuôi dê, râu tóc bờm xờm), tính nết thô lỗ, ham mê tửu sắc, thường đeo trước ngực một cái dương vật bằng gỗ. Vì lẽ đó ngày nay Satyre chuyển nghĩa chỉ những người hiếu sắc, dâm đãng, thô tục, phóng túng. Còn Silène là một ông già thân hình thô kệch, rậm râu, sâu mắt, trán hói, mũi tẹt, bụng to. Chính Silène đã có một thời gian được Zeus giao phó cho việc nuôi dưỡng và dạy dỗ Dionysos, vì Silène là người nổi tiếng về tài tiên đoán và học rộng biết nhiều. Nhưng ông già Silène chẳng ưa chuyện trí thức mà chỉ ham mê chuyện “nhậu nhẹt” khoái lạc. Miệng lúc nào cũng sặc hơi rượu, đi đứng lảo đảo, chân nam đá chân chiêu. Áo quần chẳng mặc chỉ quấn một miếng vải ngang hông thay cho chiếc quần đùi, trên đầu quấn một vòng dây nho, quả nho, lá nho rủ xuống trán lòa xòa. Chẳng mấy ai hỏi xin ông già này được một lời tiên đoán, bởi vì, không phải tại ông cụ khó tính, mà do ông cụ lúc nào cũng say mèm, ăn nói huyên thuyên. Chỉ có cách lừa lúc ông cụ đang ngủ, đến vật nài, khẩn khoản cầu xin thì, có lẽ vì tiếc giấc ngủ, ông cụ mới chịu nói để rồi được ngủ tiếp. Trong thời kỳ Hy Lạp hóa, người ta cho rằng ông già Silène là cha đẻ ra các thần Satyre và các thần Silène khác nữa.

Tất cả những “nữ thần”, quỷ thần hay tùy tùng này của Dionysos đi hộ tống bên cỗ xe của Dionysos do những con báo kéo, vì thế thường thì các thần tùy tùng cũng quấn da báo trên người thay cho áo quần. Trong các vị thần của thế giới Olympe chẳng có vị thần nào đi tới đâu mà lại ầm ĩ, huyên náo như Dionysos. Trống gióng, cờ mở, thanh la não bạt khua vang, đàn sáo, ca hát, hò hét nhảy múa cứ loạn cả lên. Đúng là một đám rước nhưng chẳng có quy củ, trật tự gì cả. Tự do, phóng túng, cuồng nhiệt, là “đức tin” của những tín đồ Dionysos. Các Satyre nhảy múa giậm giật quanh cỗ xe, ông già Silène ngồi ngất ngưởng trên lưng lừa, kè kè bên hông một bình rượu nho, tay cầm một chiếc cốc vại cứ khua múa huyên thuyên trước mặt. Các Satyre cũng cầm cốc, có “vị” cẩn thận dắt lừa cho ông già Silène và có “vị” đi kèm bên để đỡ cho cụ khỏi ngã.

Với đoàn tùy tùng này, thần Rượu nho-Dionysos đi khắp mọi nơi. Và sau khi đặt chân lên không biết bao nhiêu xứ sở xa lạ ở phương Đông, thần trở về đất Thrace, Hy Lạp. Nhà vua Licurgue chẳng những không ra lệnh cho nhân dân phải đớn tiếp thần Dionysos trọng thể mà lại còn bạc đãi người con của thần Zeus vĩ đại. Licurgue cho rằng nếu để cho Dionysos đến cư ngụ ở xứ sở này thì dân chúng sẽ hư hỏng. Nhìn đám rước của Dionysos tiến vào xứ sở của mình, Licurgue lo lắng có ngày dân chúng của mình sẽ cuồng loạn, lố lăng, điên điên dại dại như những vị thần đó. Hơn nữa, Dionysos theo Licurgue nghĩ, là một vị thần nguy hiểm, nghe đâu ông ta có một thứ nước bùa mê, cho ai uống là người đó choáng váng, ngây ngất, đi không vững, nói không rành, tâm thần mê mẩn, người đang tỉnh táo khôn ngoan phút chốc bỗng hóa điên hóa dại. Nghĩ thế, Licurgue bèn ra lệnh tập hợp binh sĩ lại rồi bất ngờ tấn công vào đám rước của Dionysos. Các Satyre và ông già Silène bỏ chạy toán loạn mỗi người mỗi phương. Bình rượu, cốc vại, đàn sáo, thanh la, não bạt bị đập vỡ tung tóe. Dionysos cũng phải cắm đầu chạy thục mạng mới tránh khỏi bị bắt sống. Nhưng Licurgue không tha, ra lệnh cho quân sĩ truy đuổi bằng được, Dionysos cùng đường phải nhảy xuống biển. Nữ thần Thétis đón được, mời Dionysos về nghỉ trong một chiếc động xinh đẹp dưới đáy biển sâu. Nghỉ ngơi một ít ngày Dionysos phải trở lại đất Thrace để trừng trị tên vua vô đạo. Được các vị thần Olympe giúp đỡ, Dionysos giải thoát cho các nữ thần Bacchantes, dùng pháp thuật làm cho tên vua Licurgue mất trí, trở thành một kẻ điên rồ tệ hại. Nhìn đứa con trai của mình, tên vua này tưởng là cây nho, liền vung rìu lên giáng một nhát. Dionysos còn làm cho đất đai xứ Thrace trở nên khô cằn, kiệt quệ. Thần Zeus trên thiên đình thấy con mình bị bạc đãi cũng nổi giận, trừng phạt Licurgue, rút ngắn cuộc đời hắn lại. Còn nhân dân xứ Thrace thấy đất đai bị khô cằn, kiệt quệ đã kéo nhau đến đền thờ cầu xin thánh thần cho biết nguyên nhân, của tai họa và chỉ cho cách giải trừ. Một lời sấm truyền cho biết, chỉ có cách trừng trị kẻ đã xúc phạm đến thần Rượu nho-Dionysos thì mới chấm dứt được tai họa. Thế là Licurgue bị nhân dân bắt, xử theo hình phạt tứ mã phanh thây. Đất đai xứ Thrace trở lại phì nhiêu tươi tốt như xưa, nhân dân đón tiếp trọng thể thần Dionysos, tiếp nhận báu vật của thần ban cho với lòng biết ơn vô hạn. Và dần dần, người người, nhà nhà đều biết trồng nho ép rượu, ủ rượu. Đền thờ Dionysos và các nghi lễ tập tục cúng tế vị thượng đẳng phúc thần này được thiết lập.

Ngày nay những từ Dionysos, Bacchantes hoặc Bacchus trở thành một danh từ chung chỉ cảnh say sưa, chè chén nhậu nhẹt “tơi bời” vui như điên, say như điên, Những đồ đệ của Dionysos hoặc Bacchus, Những người tôn sùng Dionysos hoặc Bacchus chỉ những người nghiện rượu, hay chè chén say sưa tối ngày. Bacchantes (Bacchanteste) chỉ người đàn bà sống buông thả, rượu chè, sinh hoạt phóng túng.

Dionysos trừng phạt những kẻ chống đối

Sự nghiệp của Dionysos quả thật là muôn phần gian truân. Lãnh sứ mạng truyền dạy nghề trồng nho và nghề ép rượu cho mọi người để cho cuộc sống của họ thêm phần văn minh, hạnh phúc nhưng đi tới đâu Dionysos cũng bị chống đối và không được thừa nhận là một vị thần nhân đức.

Đoàn xa giá của Dionysos trên đường trở về Hy Lạp qua đất Thrace rồi tới xứ Béotie. Trước khi vào đô thành Orchomène các vị thần tùy tùng của Dionysos đã đến yết kiến nhà vua Minyas xin nhà vua cho đoàn xa giá được vào thành. Các vị còn thân chinh đi mời các thiếu nữ, phụ nữ tham dự vào các lễ hội để chào mừng vị thần Rượu nho. Mọi người đều vui mừng hớn hở và ai nấy đều ra sức trang điểm cho thật đẹp và cho thật đúng với nghi lễ dự hội. Các thiếu nữ quấn trên đầu một vòng lá trường xuân hoặc lá nho. Họ cũng không quên làm những cây gậy thyrse và khoác trên người một tấm da dê, da báo cho giống với các vị thần tùy tùng của Dionysos. Riêng những thiếu nữ, con của vua Minyas mà người xưa thường gọi chung bằng cái tên Minyades tỏ ra thờ ơ trước sự kiện lớn lao và tưng bừng của nhân dân đô thành. Họ bảo nhau không tham dự hội lễ vì theo họ, Dionysos không phải là một vị thần. Họ cứ ngồi ở nhà thản nhiên kéo sợi, dệt vải. Suốt từ sáng sớm cho đến chiều họ không hề tỏ ra quan tâm hay xúc động trước niềm vui lớn, tưng bừng, rộn rã của nhân dân. Hành vi khinh thị thánh thần của họ đã bị trừng phạt. Vừa đúng lúc mặt trời tắt nắng thì bỗng nhiên trong cung điện nhà vua vang lên tiếng đàn sáo thanh la, trống, chiêng, nhộn nhạo, ầm ỹ. Những buộc sợi, guồng sợi tự nhiên biết cử động và vươn dài ra thành những dây nho leo trùm, bao phủ lên khung cửi. Dây nho vươn dài ra đến đâu thì những chùm nho chín mọng, trông thật là ngon mắt cũng buông rủ xuống đến đó. Khắp cung điện sực nức một mùi thơm ngào ngạt. Khi bóng tối của đêm đen vừa đến thay cho ánh hoàng hôn mờ xám thì tự nhiên trong cung điện xuất hiện những ánh đuốc bập bùng. Từ đâu nhảy ra các loại dã thú: sư tử gầm rống lên chạy sộc vào các phòng trong lâu đài, báo thì nhảy phắt lên ngồi chầu hẫu trên bậu cửa, bàn ghế. Gấu đi nghênh ngang dòm ngó hết chỗ này, chỗ khác. Mỗi lúc một đông, mèo rừng, sói, cáo tràn cả vào cung điện. Chúng kêu gào, gầm rống, rú rít làm cho cung điện chìm đắm trong một thứ âm thanh hỗn độn và ghê rợn. Những Minyades chạy hết phòng này đến phòng khác tìm nơi ẩn náu nhưng phòng nào cũng có thú dữ. Và họ cứ thế nháo nhác chạy xô vào phòng này rồi lại đảo ra phòng khác, sợ hãi, hoảng hốt mệt nhọc cuối cùng đến kiệt sức. Thân hình họ co rúm lại và mọc lên một lớp lông đen sì. Đôi tay biến thành đôi cánh rộng dài và mỏng. Còn chân thì teo lại và biến thành đôi chân có móng. Thần Dionysos đã biến những thiếu nữ Minyades thành những con dơi, những con vật rất sợ ánh sáng mặt trời và chỉ quen sống ở nơi tối tăm ẩm ướt trong hang trong hốc. Thật đáng đời cho những kẻ chống đối lại một vị thần nhân đức!

***

Nhưng kẻ chống đối Dionysos quyết liệt hơn cả là người anh gọi mẹ Dionysos bằng dì ruột. Tên hắn ta là Penthée vua thành Thèbes, nối nghiệp người ông ngoại là lão vương Cadmos. Dionysos từ Ấn Độ trở về, qua đất Thrace vào thành Orchomène rồi về quê mẹ là thành Thèbes. Với niềm vui bất tận của một vị thần đã sáng tạo ra rượu nho, một sản phẩm thần thánh làm cho con người tràn ngập trong sự kích động, hoan lạc, đoàn xa giá của Dionysos tiến vào thành Thèbes. Các nữ thần Bacchantes, Ménades, các Satyre vừa đi vừa ca hát, vừa nhảy múa:

Évohé, hỡi các nàng Bacchantes lại đây!

Lại đây! Lại đây! Lại đây!

Ca hát lên mừng dâng cho Dionysos,

Ca hát lên trong tiếng não bạt thanh la;

Tiếng thanh la vang âm, rộn rã.

Ca ngợi đi, Người đã đem lại niềm vui,

Đàn sáo trống kèn đang gọi các nàng đấy.

Đi, đi, đi! Mau lên, ra rừng ra núi!

Chạy đi thôi, hỡi các nàng Bacchantes có đôi chân thoăn thoắt, nhẹ nhàng!

Nhà vua Penthée nhìn đám rước đang đi vào đô thành của mình với một vẻ khó chịu. Tuy biết rằng mình với người ngồi trên cỗ xe kia, đang điều khiển đám rước kia, là họ hàng thân thiết nhưng Penthée cảm thấy rõ ràng, dứt khoát là không thể nào chấp nhận được một thứ sinh hoạt thô lỗ, nhố nhăng, kỳ cục như thế kia du nhập vào trong đô thành của mình. Penthée ra lệnh cho quân lính phải bắt ngay và tống giam hết thảy đám rước vào ngục tối, kể cả người cầm đầu. “Trông hắn đúng là một thầy phù thủy, mặt đỏ bự, tay thì không lúc nào yên, cứ múa loạn cả lên. Hắn mà vào thành này thì thần dân của ta chẳng mấy nỗi mà trở thành mất trí, điên loạn hết”. Penthée nghĩ thế.

Penthée vừa ra lệnh xong cho quân lính với ý nghĩ như thế thì bỗng nghe thấy có tiếng người gọi giật lại: “Bệ hạ! Bệ hạ! Xin bệ hạ hãy bình tâm nghe thần giãi bày đôi lời hơn thiệt”. Penthée quay lại thì thấy người nói là nhà tiên tri mù Tirésias. Đó là một lão tiên tri nổi danh khắp đất nước Hy Lạp về tài đoán biết được ý định các vị thần. Cuộc đời của Tirésias và nguyên do bị mù của lão thật dài và lắm chuyện rắc rối mà chúng ta chưa thể kể ra ở đây được. Nhìn thấy Tirésias quấn một vòng lá trường xuân trên mái đầu bạc, khoác trên người một tấm áo da nai, tay cầm cây gậy, Penthée nhếch mép cười khinh thị, dường như đã đoán biết được Tirésias sẽ nói với mình những gì. Tirésias nói: “Xin bệ hạ hãy nghĩ lại. Người mà bệ hạ định bắt chính là một vị thần con của Zeus và Sémélé. Chính vị thần mới này cùng với vị nữ thần Déméter là hai vị thần đem lại cho đời sống chúng ta bao nhiêu phúc lợi mà chúng ta phải luôn luôn bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn”. Penthée nghe xong vẫy tay ra hiệu cho ông già lui bước. Hắn không thèm nghe lời khuyên bảo của ông. Hắn đã tỏ vẻ kiêu căng, khinh thị thánh thần.

Quân lính áp giải Dionysos đến trước mặt Penthée. Một tên trong bọn chúng quỳ xuống, tâu:

- Muôn tâu bệ hạ! Chưa bao giờ chúng thần lại gặp phải một cảnh tượng kỳ lạ như hôm nay. Tên này đây - Hắn chỉ vào Dionysos - chẳng hề chống cự mà cũng chẳng hề mưu toan chạy trốn khi chúng thần vây bắt. Hắn lại còn giúp chúng thần, chỉ bảo cho chúng thần vây bắt tất cả những người đi hộ tống hắn. Nhưng kỳ quái làm sao chứ, bọn đàn ông và đàn bà mà chúng thần bắt trói tống giam vào ngục chỉ phút chốc là biến đâu mất. Chẳng rõ ai đã cởi bỏ xiềng xích cho chúng. Chẳng rõ ai đã mở cửa nhà ngục cho chúng. Nghe nói chúng đã chạy trốn vào rừng sâu rồi.

Penthée nghe xong, đùng đùng nổi giận, quát hỏi Dionysos:

- Ai giải thoát cho lũ người bị giam? Nói mau!

Dionysos bình tĩnh trả lời:

- Thưa ngài, một vị thần.

- Nói láo! Được, thế còn mày đang ở trong tay ta, ai sẽ giải thoát cho mày?

- Xin ngài tin chắc ở lời ta nói: không một ai có thể giam giữ được ta, sẽ có một vị thần giải thoát cho ta.

- Một vị thần? Mày dọa tao chắc?

- Không, ta không hề dọa ngài. Vị thần đó đang ở đây, đang chứng kiến những nỗi đau khổ của ta.

- Tại sao ta không trông thấy?

- Thưa ngài, vị thần đó, ta ở đâu thì vị ấy ở đó. Ngài không thể thấy được vì tâm tư ngài không trong sáng.

Đến đây thì cuộc đối chất kết thúc. Penthée hạ lệnh cho quân lính tống giam Dionysos vào ngục tối. Nhưng chỉ một lát sau Dionysos đã thoát ra khỏi ngục và tìm đến gặp Penthée, thuyết phục Penthée từ bỏ ý định ngông cuồng, tuyên chiến với thần thánh bằng những hành động xúc phạm mù quáng. Thần khuyên Penthée nên tiếp tục những nghi thức và những tập tục thờ cúng vị thần mới và có muôn vàn sức mạnh. Mặc dù Dionysos dùng hết lời hết lẽ thuyết phục Penthée nhưng hắn vẫn không nghe. Ngược lại, hắn còn đe dọa và lăng nhục Dionysos. Chưa hết, Penthée ra lệnh cho quân sĩ vào rừng, lên núi truy tìm những vị thần hộ tống của Dionysos, những Bacchantes, Ménades, v.v. Nhưng khá nhiều phụ nữ thành Thèbes đã gia nhập vào hàng ngũ những tín đồ của Dionysos, trong đó có mẹ của Penthée. Tới đây là lúc thần Dionysos không thể nín nhịn được nữa. Thần bày tỏ quyền lực và sức mạnh của mình cho tên vua vô đạo biết. Thần làm cho tất cả những người thiếu nữ, phụ nữ thờ phụng Dionysos nổi một cơn điên. Họ hoàn toàn mất trí đến nỗi nhìn Penthée họ tưởng đó là một con sư tử hung dữ ở trên núi lạc bước xuống tìm mồi. Thế là mọi người lao vào trừ khử con thú đó. Và bà mẹ Penthée là người lao vào trước tiên. Người ta dùng gậy gộc, lao nhọn, giáo sắc băm vằm Penthée. Penthée trong những phút cuối cùng của đời mình mới nhận ra tội lỗi. Nhưng Dionysos ác nghiệt hơn làm cho những người phụ nữ bị điên hồi tỉnh lại. Và bà mẹ của Penthée đã nhận ra hành động kinh khủng của mình. Các nữ thần Bacchantes cũng hồi tâm, sáng trí nhớ lại. Họ vừa đi vừa nhảy múa vừa hát:

Các vị thần đến với những người trần thế bằng nhiều con đường kỳ lạ,

Những người trần thật khó nhận ra.

Các vị thần làm biết bao điều kỳ diệu,

Những điều dường như chẳng thể hy vọng, chẳng thể tin;

Nhưng ai có công chờ đợi ắt tìm được một lối thoát khác hiển nhiên.

Vì thần thánh chỉ cho chúng ta con đường mà chúng ta chưa biết,

Chính vì thế mà ta thấy những điều đã xảy ra để răn để biết.

Dionysos còn trừng phạt ba người con gái của vua Proétos xứ Tirynthe, thường gọi chung là Proétides. Những người thiếu nữ này đã khước từ sự thờ cúng Dionysos trong khi đó nhân dân Tirynthe đều hân hoan chờ đón. Họ đã bị Dionysos làm cho hóa điên, tưởng mình là loại bò cứ thế chạy lang thang trên khắp cánh đồng, kêu rống lên suốt đêm ngày. Có người kể họ bị Héra trừng phạt chứ không phải Dionysos, vì tội đã dám tự cho mình đẹp hơn Héra... vợ Zeus.

Dionysos thoát khỏi tay bọn cướp biển

Trên chặng đường trở về quê hương, có một lần Dionysos bị rơi vào tay bọn cướp biển. Người ta kể lại rằng lần ấy Dionysos xuống một con thuyền để từ đất Tiểu Á đi về đảo Naxos. Nhưng thủy thủ trên thuyền toàn là lũ cướp biển đã bắt Dionysos. Chúng mưu toan đem vị thần Rượu nho bán ở chợ nô lệ. Nhưng có người kể trường hợp Dionysos bị bắt có hơi khác: Chuyện kể rằng, một hôm có một chiếc thuyền của bọn cướp biển Tyrrhe rẽ sóng đi ở gần bờ biển đất Hy Lạp. Bọn cướp biển trông thấy, đứng trên một mỏm đất xa xa, một chàng trai khỏe mạnh và xinh đẹp. Mái tóc của chàng xõa tung trong gió biển để lộ ra một vừng trán cao cao, đẹp đẽ, khôi ngô. Tấm áo khoác màu đỏ thẫm bám vào vai chàng, tung tà áo ra phía sau nô giỡn với gió biển. Nhìn thấy chàng, tên tướng cướp bụng bảo dạ: “Hẳn anh chàng này là con một vị vua. Ta sẽ vớ được một món của chuộc thật lớn đây, món này hẳn là béo bở”. Và hắn nháy mắt ra hiệu cho bộ hạ lái thuyền áp vào bờ. Bọn cướp chẳng gặp khó khăn gì trong việc bắt một con người tay không như vậy. Dionysos bị vứt xuống thuyền. Một tên cướp lấy xích sắt xiềng tay chân Dionysos lại. Nhưng lạ thay, vòng xích vừa quấn khóa vào tay vào chân Dionysos xong thì lại tuột ra. Dionysos vẫn không hề bị cùm bị trói. Tên cướp lại đến xiềng một lần nữa. Nhưng hắn vừa buông tay thì đâu lại vào đấy. Gã lái thuyền thấy sự lạ như vậy bèn kêu lên sợ hãi:

- Anh em ơi! Thôi, thôi, nguy to rồi! Không xiềng xích nào trói buộc, cùm khóa được con người này đâu! Không khéo chúng ta đang giam giữ một vị thần rồi. Hãy mau thả con người này ra không thì tai họa giáng xuống đầu chúng ta lúc nào không biết. Có thể đây là một vị thần Olympe, Zeus đấng tối cao, hay Apollon, người con của Zeus có cây cung bạc và những mũi tên vàng, hay lại là vị thần Poséidon lay chuyển mặt biển bằng cây đinh ba khủng khiếp? Nhưng các bạn ơi, dù sao con người này cũng không phải là người thường. Xin các bạn hãy trả lại tự do cho anh ta.

Tên tướng cướp, thuyền trưởng, nghe nói, nổi giận quát:

- Thằng kia chỉ nói nhảm. Im ngay! Chừng nào mà tên này còn ngồi trong chiếc thuyền của chúng ta thì mày chỉ biết có một việc là cầm lái cho vững. Chúng tao sẽ đưa tên này đến Ai Cập, hay đến đảo Chypre bán cho bọn lái buôn nô lệ và sẽ chia cho mày một phần tiền xứng đáng. Chẳng có thần thánh nào làm gì được hết!

Và con thuyền theo lệnh của tên tướng cướp, giương buồm ra khơi. Thuyền chạy chưa được bao lâu thì bỗng nhiên xảy ra một hiện tượng kỳ lạ. Từ đâu không rõ những dòng rượu nho thơm ngát tuôn chảy ra tràn ngập trong thuyền: Lũ cướp hết thảy đều kinh ngạc. Khắp thuyền đều sực nức mùi rượu. Chúng chưa kịp hoàn hồn thì lại thấy một sự kỳ lạ nữa. Cũng không rõ từ đâu mọc lên những dây nho xanh tốt với những chùm quả chín mọng. Dây nho leo từ dưới cột buồm lên quấn quanh cột, trùm lên tấm buồm, rủ những chùm nho lủng lẳng trên đầu lũ cướp. Rồi thì cả đến những mái chèo, cọc chèo, tay lái, đâu đâu cũng có dây nho leo dày đặc quấn chặt lấy, vươn ngọn, xòe lá ra xanh tốt như dàn nho trồng ở cánh đồng. Những tên cướp biển kêu thét lên, giục người lái thuyền quay mũi thuyền vào bờ. Quá muộn rồi! Chàng thanh niên mà chúng bắt, vụt đứng lên biến mình thành một con sư tử. Con sư tử - Dionysos - gầm lên một tiếng rồi nhảy phắt tới sàn thuyền, chỗ tay lái vả một cái vào mặt tên tướng cướp. Tên này ngã lăn xuống biển chết. Lại xuất hiện ở giữa thuyền một con gấu cao lễnh khênh đi nghênh ngang. Lũ cướp biển nhìn thấy con vật nhe nanh, giơ móng giơ vuốt ra, sợ quá, chạy dúm lại với nhau. Và trong phút quẫn bách chúng chỉ còn cách nhảy xuống biển, hy vọng bơi thoát được vào bờ. Nhưng Dionysos đã biến ngay lũ chúng thành đàn cá heo. Sau đó vị thần Rượu nho hiện lại nguyên hình chàng thanh niên tuấn tú, quay lái nói với người lái thuyền:

- Ngươi hãy bình tâm! Đừng sợ hãi! Ta sẽ ban thưởng cho nhà ngươi xứng đáng vì lòng tôn kính thánh thần. Ta là thần Rượu nho-Dionysos, con của đấng phụ vương Zeus và nàng Sémélé, người con gái xinh đẹp của nhà vua danh tiếng Cadmos. Người sẽ được chứng kiến những chiến công hiển hách của ta trên đất Hy Lạp thần thánh này.

Dionysos trọng thưởng Icarios

Dionysos đến vùng đồng bằng Attique. Nhiều người biết tiếng vị thần nhân đức đã không quản ngại khó khăn, vất vả đến tận nơi để nghênh tiếp thần. Trong số những người đến để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thành kính đối với Dionysos có bác nông dân Icarios. Sự chân thành và sùng kính của bác đã làm cho thần Dionysos xúc động. Thần trao tặng bác một chùm nho, truyền dạy cho bác nghề trồng nho và nghề ép rượu.

Vườn nho của Icarios, tặng phẩm quý giá mà thần Dionysos đã trao cho bác, tuy vậy, vẫn thường bị xúc phạm, phá hoại. Nhưng may thay không phải ai thù ghét bác mà rắp tâm phá hoại. Đó chỉ là loài dê rừng, loài dê rừng thèm khát lá non trái chín. Bác nông dân Icarios quyết không để cho tài sản thiêng liêng của mình bị tiếp tục phá hoại. Bác rình mò, đặt bẫy để giết bằng được lũ dê rừng tham ăn, tai quái. Và một hôm bác đã bắt giết được một con dê. Bác gọi mọi người đến chứng kiến chiến công của bác. Và mọi người đều đồng thanh nhất trí với bác nhân dịp này mở lễ hiến tế thần Rượu nho-Dionysos để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với vị phúc thần, cũng như biểu lộ lòng mong ước được vị thần bảo hộ cho mùa nho khỏi bị tai họa làm thiệt hại. Từ đô trở đi trong những ngày tế thần, người ta thường giết một con dê. Căn cứ vào huyền thoại này, người ta giải thích ngọn nguồn của từ “bi kịch”. Tiếng Hy Lạp, bi kịch là “tragodia” cấu tạo do hai từ “tragos”: con dê và “ode”: bài ca. Vậy những bài ca trong lễ hiến tế thần Rượu nho-Dionysos, trong đó có bài ca về con dê, là nguồn gốc của bi kịch. Tất nhiên đây chỉ là một cách giải thích, thật ra quanh chuyện “bài ca về con dê”, “bài ca dê” còn có nhiều cách giải thích khác nhau với nhiều bằng chứng khá thú vị về mối liên quan hữu cơ giữa rượu nho - con dê - thần Dionysos - đội đồng ca hóa trang dê - bi kịch.

Nhưng số phận bác Icarios thật chẳng may chút nào. Bác gặp phải một sự hiểu lầm tai hại. Một hôm, khi đó sản phẩm Rượu nho của thần Dionysos chưa được mấy ai biết đến, bác mời những người chăn chiên, mục đồng thưởng thức thứ nước tuyệt diệu của bác. Mọi người đều tấm tắc khen thứ nước uống lạ và ngon chưa từng thấy và bày tỏ lòng cảm ơn bác. Thế nhưng một lúc sau họ thấy trong người choáng váng đầu óc nặng chình chịch, cảnh vật trông một hóa hai, có khi lại quay cuồng, lộn ngược. Có người hoa chân múa tay, ăn nói huyên thuyên, cái đầu không bảo được cái lưỡi, không sai khiến được cái tay, không điều khiển được cái chân. Họ nghĩ rằng Icarios mưu toan đầu độc họ, giết họ để cướp đàn súc vật. Thế là họ túm lấy bác đánh cho đến chết rồi đem xác vào chôn trong núi dưới một gốc cây. Con gái của Icarios là Érigoné thấy cha không về nhà liền bổ đi tìm. Nàng đi tìm hết nơi này đến nơi khác nhưng không thấy. Sau nhờ có con chó Méra dẫn đường Érigoné tìm thấy mộ cha. Đau xót quá đối với cái chết thê thảm của người cha thân yêu, Érigoné treo cổ tự sát. Thần Dionysos vô cùng tức giận về hành động hung bạo của người dân Attique, liền giáng xuống vùng đồng bằng này một tai họa khủng khiếp để trừng phạt: bệnh dịch hạch. Thần lại còn làm cho những thiếu nữ Athènes bỗng dưng nổi một cơn điên, kéo nhau đi treo cổ lên cây, tự sát, gây ra biết bao nỗi đau thương cho gia đình.

Để thưởng công cho Icarios và Érigoné, thần Dionysos ban truyền cho nhân dân Attique phải thờ phụng họ như những người anh hùng. Thần còn biến Icarios thành ngôi sao Mục đồng (Bunvier), Érigoné thành ngôi sao Trinh nữ (Vierge) và con chó Méra thành ngôi sao Con Chó lớn (Thiên Lang tinh, Le Grand Chien).

Thần Dionysos và tên vua Midas tham vàng

Trong một cuộc hành trình qua xứ Phrygie ở phương Đông, đoàn xa giá của Dionysos bỗng nhiên thấy thiếu mất ông lão Silène. Thì ra ông lão say rượu, đi đứng ngả nghiêng, lảo đảo đã tụt lại phía sau mà không ai biết. Mọi người dừng lại, bảo nhau đi tìm.

Lại nói về ông lão Silène say rượu. Hũ rượu buộc kè kè bên hông, chân đi lảo đảo, tay cầm cái cốc vại cứ vừa đi vừa khoa khoa, múa múa trước mặt. Lão chẳng biết lão đã bị rớt lại phía sau, lạc khỏi đoàn xa giá. Lão cứ thế đi đứng chập choạng trên đường, rồi ngã xuống ruộng ngủ thiếp đi. Những người làm ruộng thấy một lão già say rượu ngủ say mê mệt, biết là Silène, người thầy của Dionysos, bèn đem hoa đến phủ kín lên người lão. Sau đó, họ đánh thức lão dậy, đội lên đầu lão một vòng hoa hồng rồi dẫn lão về trình vua Midas. Vua xứ Phrygie là Midas coi đây là một vinh dự lớn cho xứ sở của mình: được đón tiếp người thầy đã từng khai tâm, mở trí cho Dionysos. Lập tức nhà vua thét vang, ra lệnh cho gia nhân mau mau dọn tiệc khoản đãi người thầy của Dionysos vĩ đại. Tiệc mở suốt chín ngày ròng rã. Mọi người dự tiệc đều lấy làm vinh dự vì đã được nâng cốc chúc mừng thầy của vị thần Rượu nho. Đến ngày thứ mười, Midas đích thân đưa dẫn ông lão Silène đến tận đoàn xa giá của Dionysos. Cảm kích trước tấm lòng nhiệt thành của nhà vua, Dionysos nói:

- Hỡi vua Midas! Người trị vì trên xứ Phrygie giàu có! Để đền đáp lại tấm lòng hiếu khách và quý trọng đối với ta, ta sẽ cho phép nhà ngươi được ước muốn một điều. Ngươi hãy suy nghĩ đi. Ngươi ước điều gì ta sẽ cho người được thỏa mãn.

Vua Midas như mở cờ trong bụng. Chẳng suy nghĩ gì, nhà vua tâu lại với thần Dionysos như sau:

- Hỡi thần Dionysos tối linh thiêng, tối vĩ đại! Kẻ hèn mọn này chẳng có ước muốn gì cao xa chỉ xin đấng chí tôn, chí kính ban cho... ban cho kẻ này, hễ động đến vật gì thì vật đó hóa thành vàng. Vâng... thành vàng ngay tức khắc.

Dionysos gật đầu ưng thuận. Và đoàn xa giá tưng bừng nhộn nhạo của vị thần Rượu nho lại lên đường với hơi rượu thơm phức bao quanh.

Còn vua Midas, thật khó mà nói được hết nỗi vui sướng. Nhà vua trên đường trở về cung điện thử xem lời thần ứng nghiệm ra sao. Midas đưa tay bẻ một cành sồi xanh tươi. Lập tức cành sồi biến thành một cành vàng. Nhà vua sướng quá. Ông lại đưa tay ngắt một bông lúa. Lập tức bông lúa biến thành bông lúa vàng. Ông lại đến một cây táo hái một quả. Lập tức trong tay ông có một quả táo vàng chẳng khác gì quả táo vàng ở chiếc cây thần do ba chị em nàng Hespérides canh giữ. Lời thần đã ứng nghiệm rành rõ chẳng hề đơn sai chút nào. Midas sung sướng ngây ngất, như người vừa được chất men của thứ rượu nho thần thánh kích thích. Ông sờ vào thứ nọ, ông đụng vào thứ kia và khi thấy thứ đó biến thành vàng là ông cười vang lên ha hả, khoái trá, cười như một người điên.

Tiệc đã dọn sẵn trong cung đình. Một người hầu dội nước cho Midas rửa tay. Những giọt nước qua tay ông biến thành những giọt vàng khiến ông lại càng sướng vui, hí hửng. Nhưng than ôi! Chỉ đến lúc ngồi vào bàn ăn, Midas mới thấy ân huệ của thần Dionysos ban cho mình tai hại như thế nào! Và mình đã ngu ngốc đến như thế nào! Midas cầm đến thứ gì là thứ ấy biến thành vàng. Nhà vua cầm lấy cốc rượu đưa lên miệng, lập tức cốc rượu biến thành vàng. Không một giọt rượu nào thấm được vào môi nhà vua. Nhà vua đưa một miếng thịt rán thơm phức lên miệng nhưng đụng vào lưỡi chỉ là một cảm giác khô cứng, không mùi, không vị. Nhà vua vừa cầm lấy miếng bánh, miếng bánh lập tức biến thành vàng. Midas như muốn phát điên. Mới lúc trước đây ông ta tưởng điên lên vì sung sướng thì giờ đây ông ta điên lên vì đói, vì khát, vì sự ngu ngốc của mình. Đói lả cả người, ông ta không biết làm gì ngoài cách quỳ xuống khấn thần Dionysos giải trừ cho tai họa:

- Hỡi thần Dionysos vĩ đại! Xin Người hãy rủ lòng thương kẻ hèn mọn ngu ngốc này! Xin Người hãy thu hồi lại phép lạ mà Người đã ban cho con, nếu không, con đến chết trong đói, khát. Xin Người hãy thu hồi lại phép lạ nếu không, con sẽ biến vợ con con và những người thân thích thành vàng cả! Xin Người hãy xá tội cho con!

Nghe lời cầu khẩn của Midas, thần Dionysos tức thời hiện ra và truyền phán cho tên vua ngu ngốc đó như sau:

- Nghe đây, hỡi tên vua khốn khổ vì lòng tham của, hám vàng. Hãy đến ngay sông Pactole tắm mình nhiều lần trong dòng nước của nó. Hãy tắm rửa kỳ cọ cho sạch cái thói ngu ngốc và tham lam của nhà ngươi đi. Phép lạ sẽ biến mất. Mọi việc sẽ trở lại bình thường như cũ.

Midas làm theo lời phán truyền của Dionysos. Nhưng cũng từ đó trở đi con sông Pactole trở thành con sông có vàng.

Dionysos trở thành một vị thần Olympe

Trải qua bao gian truân vất vả, Dionysos với những chiến công và những phúc lợi ban cho loài người, được các vị thần của thế giới Olympe khâm phục và thừa nhận. Nữ thần Héra cũng không nuôi giữ mối thâm thù với đứa con riêng của chồng mình nữa. Hội nghị các vị thần phê chuẩn việc công nhận danh hiệu “vị thần của thế giới Olympe” cho Dionysos. Trước khi lên thiên đình để bắt đầu một cuộc đời mới, Dionysos xuống âm phủ đón mẹ. Con được lên hàng ngũ các vị thần danh tiếng biết bao, lẽ nào để mẹ cam chịu cuộc đời của một người trần tục, đoản mệnh, là một vong hồn sống dưới quyền cai quản của thần Hadès? Sémélé vốn là người thiếu nữ trần tục. Vì thế cho nên nàng chỉ mới chứng kiến người bạn tình của mình giáng sấm sét là đã ngã lăn ra chết. Nay Dionysos được đứng vào hàng ngũ các vị thần bất tử của thế giới Olympe, ắt hẳn không thể bằng lòng với cái gốc tích là con của một người trần đoản mệnh. Dionysos không bằng lòng như thế mà các vị thần Olympe cũng không bằng lòng như thế. Vì thế Sémélé được lên thiên đình và được đổi tên là Thyoné. Còn chuyện này nữa ta cũng cần phải kể là, Dionysos trên đường trở về Hy Lạp qua đảo Naxos đã đón nàng công chúa Ariane, con của vua Minos ở đảo Crète, đưa đi và cưới nàng làm vợ. Vì sao nàng Ariane công chúa ở đảo Crète lại đến đảo Naxos để Dionysos đón được? Đó là một chuyện liên quan đến con quái vật Minotaure và người anh hùng Hy Lạp Thésée mà đến đoạn sau chúng ta sẽ rõ.

Thần thoại Dionysos có một nguồn gốc xa xôi từ phương Đông. Những tài liệu khảo cổ học cho chúng ta biết sự thờ cúng Dionysos ở Hy Lạp đã có từ thiên niên kỷ II TCN. Lúc đầu Dionysos là vị thần của sự phì nhiêu đất đai trồng trọt gắn với nhiều đặc điểm của sự thờ cúng tôtem với những nghi lễ đổi lốt, thay hình. Do nguồn gốc này mà chúng ta thấy trong đám rước, đoàn xa giá Dionysos, những người hành lễ thường khoác một tấm da thú (trong huyền thoại Dionysos, vị thần này đã từng hóa mình thành dê, bò, sư tử, hổ, báo...). Từ những nghi lễ diễn xuất này dần dần hình thành nghệ thuật sân khấu Hy Lạp: bi kịch và hài kịch. Trong những thế kỷ sau này khi nghề trồng nho và sản phẩm rượu nho phát triển đem lại một nguồn lợi lớn cho nhân dân, Dionysos trở thành vị thần Rượu nho, bảo vệ cho nghề trồng nho, ép rượu. Tính chất phóng túng, “bốc”, “tếu”, của những tập tục, nghi lễ thờ cúng Dionysos càng soi sáng và chứng minh cho sự chuyển biến đó. Điều đặc biệt là trong những ngày tiến hành những nghi lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère), con người được thoát khỏi những sự ràng buộc, cấm đoán thường ngày, được phá bỏ mọi phép tắc trong sinh hoạt hàng ngày. Người Hy Lạp xưa kia gọi kiểu nghi lễ tôn giáo-thần thoại như thế là nghi lễ Orgies (Orgiasme). Đó là kiểu nghi lễ tôn giáo thầm kín tiến hành vào ban đêm ở trong rừng, trong núi. Những người hành lễ hình thành một đám rước đuối, nhảy múa điên cuồng trong điệu nhạc giậm giật, kích động. Nghi lễ Orgies không áp dụng đối với tất cả sự thờ cúng các vị thần mà chỉ áp dụng đối với một số các vị thần, trong đó có Déméter, Perséphone, Dionysos. Ngày nay từ ngữ “orgies” ngoài ý nghĩa lịch sử là một tôn giáo còn mang thêm một ý nghĩa nữa chỉ sự phóng đãng, trụy lạc điên loạn (orgie). Do nguồn gốc đó, thần Dionysos có một biệt danh là Lydie, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “giải thoát”, “buông thả”, “nở tung”, “bung ra”. Là vị thần của sự phì nhiêu, của cây nho, có nghĩa là của cây cối, của loài thực vật, Dionysos đồng thời trở thành vị thần của sự sinh tử, tái sinh của thiên nhiên. Trong cuộc đấu tranh với tầng lớp quý tộc thị tộc để xây dựng nhà nước Cộng hòa Dân chủ Chủ nô, nhà cầm quyền Pisistrate ở Athènes đã sử dụng việc thờ cúng như một vũ khí. Việc thờ cúng Dionysos dần trở thành phổ biến khắp đất nước Hy Lạp và nổi bật lên như là một tôn giáo chính thức của nhà nước Athènes (thế kỷ VI TCN). Éleusis trước đó là một trung tâm thờ cúng nữ thần Déméter, nay thêm vào Dionysos. Nơi đây nổi tiếng về những nghi lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère) thờ cúng nữ thần Déméter, Perséphone, và tiếp đến là Dionysos. Lúc đầu những nghi lễ này mở rộng cho nhân dân tham gia nhưng từ thế kỷ V TCN chỉ giới quý tộc mới được tham gia, từ đó dần hình thành một giáo đoàn Dionysos còn có một tên nữa là Dionysos-Zagréos. Biệt danh này gắn liền với việc đưa tôn giáo Dionysos vào phạm trù của học thuyết tôn giáo-thần thoại Orphisme. Chuyện về Zagréos như sau:

Thần Zeus biến mình thành một con rắn để che mắt Héra, đến ái ân với Perséphone. Cuộc tình duyên của hai người đem lại cho họ một đứa con trai, tên gọi là Zagréos nhưng thực ra là Dionysos mà Zeus sẽ trao cho nó nhiệm vụ cai quản thế gian. Để tránh sự truy lùng của Héra, thần Zeus giao cho các thần Curètes nuôi Zagréos. Nhưng không thoát, Héra biết chuyện bèn gọi các Titan đến giao cho nhiệm vụ phải thanh trừ Zagréos. Biết mình đang lâm vào một tình cảnh hiểm nghèo, Zagréos biến mình thành đủ thứ, khi thì ông già, bà lão, con gái, trẻ thơ; khi thì hổ, báo, sư tử, dê, cừu, chồn, cáo... và cuối cùng biến mình thành một con bò mộng. Các Titan biết, lập tức xông đến vặn sừng con bò và dùng những hàm răng sắc nhọn xé xác ngay con vật rồi chia nhau mỗi thần một mảnh, ăn sống nuốt tươi Zagréos. Thần Zeus nổi trận lôi đình, dồn mây mù, giáng sấm sét, thiêu chết ngay lũ Titan khốn kiếp. Từ tro tàn của thi hài những Titan nảy sinh ra loài người. Còn Zagréos, chút thi hài vương vãi được thần Apollon thu lượm và chôn cất tại Delphes. May mắn làm sao, nữ thần Athéna tìm thấy trái tim của Zagréos còn nóng, còn đập, đem về trao cho Zeus. Lúc này thần Zeus đang đắm say trong cuộc tình duyên với Sémélé. Được quả tim của Zagréos, thần Zeus bèn trao cho Sémélé và bảo Sémélé nuốt luôn vào bụng (Có chuyện kể Zeus nuốt). Từ đó Sémélé thai nghén trong lòng một đứa bé: Dionysos, nhưng thực ra là Zagréos. Sau này khi Zeus sinh Dionysos (từ đùi ra) chính là sinh lại Zagréos, chính là Zagréos được phục sinh hay cũng có nghĩa là Dionysos đã được sinh ra hai lần: lần đầu là Zagréos, lần sau là Dionysos. Lần đầu là con của Zeus và Perséphone, lần sau là con của Zeus và Sémélé. Zagréos với Dionysos tuy hai là một, tuy một mà lại là hai.

Tôn giáo-thần thoại Orphisme dựa vào huyền thoại này và một số biểu tượng tôn giáo của các xã hội phương Đông: Ai Cập, Ấn Độ, Iran, giải thích cuộc sống như sau: con người có hai bản chất. Bản chất cao cả: thần thánh, Zagréos; và bản chất thấp hèn: Titan. Vì thế mỗi người sống trong cuộc đời này phải luôn luôn quan tâm, lo lắng đến việc tẩy rửa khỏi bản thân mình cái bản chất thấp hèn mà ai ai cũng có do tổ tiên lưu truyền lại để chuẩn bị cho một cuộc sống đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn ở thế giới bên kia. Linh hồn của con người là bất tử. Nó trú ngụ trong một thể xác không bất tử. Thể xác này in dấu, mang trên mình nó biết bao tội lỗi xấu xa từ các thế hệ trước truyền lại. Khi thể xác chết, linh hồn nhập hóa vào một hình hài, thể xác khác, có thể là hình hài con người, có thể là hình hài con vật, cứ thế tiếp diễn, duyên khởi trùng trùng, sinh sinh hóa hóa. Trải qua những thể nghiệm như thế trước mỗi lần nhập hóa vào một hình hài, linh hồn đã từng phải sống dưới âm phủ địa ngục để ăn năn sám hối, nhờ đó nó dần dần trở nên cao cả hơn. Chỉ có những ông đồng, bà cốt (myste), nghĩa là những người đã hiến trọn mình cho nghi lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère) Orphisme mới biết được những pháp thuật chuyển linh hồn từ một hình hài này nhập hóa vào một hình hài khác, từ cuộc sống của một con vật sang cuộc sống hoàn thiện, toàn mỹ, trọn phúc, sạch tội, vĩnh hằng. Những tín đồ của tôn giáo Orphisme phải kiêng giết súc vật và ăn thịt. Trong khi chịu lễ họ được rửa tội bằng sữa để nhờ đó họ có thể thấy được con đường lên cõi phúc đời đời (một vì sao trên bầu trời cao xa).

Tôn giáo Orphisme ra đời và phát triển vào quãng thế kỷ thứ VIII TCN, du nhập vào vùng đồng bằng Attique, Athènes dưới thời Pisistrate, sau đó lan truyền khắp nước Hy Lạp (từ thế kỷ VI-III TCN) Trong thời kỳ thống trị của đế quốc La Mã, tôn giáo này vẫn được truyền giảng rộng rãi và có khá đông tín đồ trong mọi tầng lớp nhân dân Hy Lạp, La Mã. Qua việc miêu tả sơ lược về tôn giáo Orphisme, chúng ta có thể nhận thấy ngay, nhận thấy một cách dễ dàng rằng Thiên Chúa giáo cũng có những nội dung tương tự, gần gũi như tôn giáo Orphisme. Thật vậy, tôn giáo Orphisme cũng như một số tôn giáo khác ở vùng Trung Cận Đông khu vực Đông đế quốc La Mã, đã là một gia tài vật liệu phong phú, là những tiền đề, những dữ kiện quan trọng để Thiên Chúa giáo có cơ sở xây dựng nên hệ thống của mình. Với tư cách một hệ tư tưởng, Thiên Chúa giáo buộc phải tiếp thu di sản tư tưởng của quá khứ. Nhưng với tư cách một hệ tư tưởng tôn giáo mới, Thiên Chúa giáo không thể không sáng tạo ra những tư tưởng mới, những biểu tượng thần thoại-tôn giáo mới để đáp ứng một nhu cầu tâm lý, tư tưởng của khối quần chúng đông đảo bị đọa đày, đàn áp đến cùng cực, đang trông chờ một sự giải phóng, một sự thiết lập lại công lý xã hội. Song cái khối quần chúng bị áp bức trong đế quốc La Mã trải qua nhiều cuộc khởi nghĩa bị thất bại, đã mất lòng tin vào sức mạnh và năng lực của mình, một sức mạnh và năng lực rời rạc, lẻ tẻ, tự phát, thiếu một lực lượng xã hội đóng vai trò tiên phong tổ chức lại, do đó, lại trông chờ, tin tưởng vào một sức mạnh và năng lực siêu nhiên, có nghĩa là thần thánh, Chúa Cứu Thế, sự chuộc tội, tu thiện của con người. Để trở thành một hệ tư tưởng tôn giáo mới, Thiên Chúa giáo trước hết phải xóa bỏ bản chất đa thần giáo và chật hẹp của thị tộc, bộ lạc của những tôn giáo-thần thoại cổ đại; nếu không, Thiên Chúa giáo không thể trở thành một tôn giáo có tính chất thế giới.

Tôn giáo Orphisme đã xây dựng nên những biểu tượng tôn giáo của mình và giáo lý của mình bằng cách sử dụng gia tài tôn giáo-thần thoại Olympe. Thiên Chúa giáo cũng không thoát khỏi quy luật này. Tôn giáo Orphisme ra đời như là một sự đối lập lại với tôn giáo Olympe. Sự đối lập giữa các vị thần ở đây (đề cao Dionysos lên như là vị thần được Zeus trao cho sứ mạng cai quản thế gian) chẳng qua chỉ là sự đối lập giữa những con người trong cõi trần. Đó là sự đối lập giữa tầng lớp quý tộc công thương nghiệp, những người bình dân (démos) của thành bang (polis) với tầng lớp quý tộc, thị tộc; sự đối lập của nhà nước Cộng hòa Chiếm hữu nô lệ của cơ chế polis với những tàn dư của chế độ công xã thị tộc và cuối cùng, nói chung, là sự đối lập giữa giàu và nghèo trong một xã hội có ách áp bức, bóc lột giai cấp.

Nhưng còn một sự đối lập nữa quyết liệt hơn, táo bạo hơn, giàu ý nghĩa hơn ở ngay trong thần thoại Dionysos, thần thoại Dionysos của sự hoan lạc, cuồng nhiệt, phóng túng, chứ không phải ở thần thoại Dionysos-Zagréos của tôn giáo Orphisme. Đó là thần thoại tự đối lập với mình: thần thoại phủ nhận thần thoại. Nhân tố tạo nên sự tự phủ nhận này là nghi lễ Orgies: bản chất của nghi lễ Orgies là sự buông thả trong hoan lạc, phóng túng, cuồng loạn. Khi hành lễ con người sống trong niềm tin-ảo tưởng tôn giáo thoát khỏi sự cấm đoán, ràng buộc hàng ngày, say sưa, ngây ngất, “bốc giời” tưởng chừng như bản chất say sưa, hoan lạc, phóng túng của thần Dionysos đã hòa nhập vào con người mình, tưởng chừng như bản chất thần thánh đã đồng hóa trong con người mình. Và như vậy là cái khoảng cách tách biệt giữa con người với thần thánh trong đời sống hàng ngày bị xóa bỏ. Thần thánh ⇔ con người, con người ⇔ thần thánh. Thần thánh tồn tại ở trong nội tâm con người, trong nội tâm con người có hàm chứa thần thánh. Tính chất thế tục, nhân tính, quần chúng từ đó xuất hiện. Và hiển nhiên về khách quan nó là sự phủ nhận thần thánh, thế tục hóa thần thánh. Vì lẽ đó mới có cơ sở để từ những nghi lễ thờ cúng thần Rượu nho-Dionysos nảy sinh ra bi kịch, từ đám rước thần Rượu nho-Dionysos nảy sinh ra hài kịch. Với bi kịch, thần thoại từ chỗ là đối tượng của sự thờ cúng thiêng liêng chuyển hóa thành vật liệu của nghệ thuật. Với hài kịch, thần thoại từ chỗ là sự thờ cúng thiêng liêng trở thành đối tượng của sự phê phán, “nhai lại” thần thoại bị hạ bệ. Tiếng cười trong hài kịch của Aristophane vì lẽ đó mang khuynh hướng vô thần. Và đặc biệt ở bi kịch của Euripide, thần thánh đã bị phàm tục hóa, bị đặt thành vấn đề “tồn tại hay không tồn tại?”

Một ý nghĩa nữa của tính chất phóng túng, hoan lạc, “bốc giời” của nghi lễ Orgies là nó đối lập lại với sự phóng túng, hoan lạc, “bốc giời” của các vị thần Olympe, có nghĩa là sự đối lập của những người bình dân đối với tầng lớp quý tộc có đặc quyền đặc lợi.

Hội Dionysos

Việc thờ cúng thần Rượu nho-Dionysos phát triển mạnh ở Hy Lạp, đặc biệt ở Athènes trong thế kỷ VI TCN, do đó, những hình thức hội hè, rước lễ cũng phát triển theo và trở thành một tập tục, một nghi lễ thờ cúng rất trọng thể. Nhưng những hình thức hội hè, rước lễ này còn gắn liền với cội nguồn lao động và nhân dân của thời kỳ công xã thị tộc cho nên nó khác rất xa với những hình thức rước lễ của Thiên Chúa giáo mà, như chúng ta đã biết, chỉ có tác dụng tiêu cực nhiều hơn đối với ý thức và cảm xúc của con người. Hội Dionysos (Dionysies), vì thế, không thuần túy chỉ là một sinh hoạt tôn giáo mà còn là một sinh hoạt văn hóa xã hội có những yếu tố tích cực đối với đời sống tinh thần của con người thời cổ đại. Ở vùng đồng bằng Attique, thành bang Athènes, xưa kia có năm kỳ hội Dionysos trong một năm:

1 - Hội Oschophories mở vào tháng Pyanepsion - tháng mười dương lịch, ở Phaler trong vùng đồng bằng Attique, thờ chung cả hai vị thần Dionysos và Athéna. Đây là một hội nhỏ, mở đầu bằng một cuộc chạy thi của những thiếu sinh quân mang cành nho (tiếng Hy Lạp oschot nghĩa là cành nho), tiếp sau là đám rước, ca hát và kết thúc bằng lễ hiến tế.

2 - Hội tháng Poséidéon mở vào quãng tháng chạp, tháng giêng dương lịch khi mùa nho đã thu hoạch xong. Đây là một hội nhỏ mở ở nông thôn kéo dài chừng hai, ba ngày. Vào hội, các gia đình sắm sửa lễ vật, rồi những người thân thích họ hàng kéo nhau đến tụ họp ở một gia đình nào đó làm lễ. Sau đó họ tổ chức thành một đám rước tưng bừng, trọng thể, dẫn đầu là một thiếu nữ mang theo những đồ lễ, những vò rượu nho để làm lễ rảy rượu thiêng bằng những cành nho và dắt theo những con dê hiến tế. Họ rước một tượng dương vật, tiếng Hy Lạp gọi là “phallos” tượng trưng cho sức sống sôi động, cường tráng, bất diệt của tạo hóa, của tự nhiên, vừa đi vừa hát những bài ca dương vật và những bài ca tán tụng sự nghiệp, công ơn của Dionysos... Sau lễ hiến tế là “liên hoan” (rượu nho, thịt dê) và vui chơi. Người ta tổ chức thi đánh đu, thi nhảy lò cò (chân bọc trong một tấm da dê bôi mỡ), v.v. Phần thưởng cho những người thắng cuộc là một bình làm bằng da dê đựng đầy rượu nho. Người xưa kể, chính bác nông dân Icarios đã nghĩ ra những trò vui chơi đó.

3 - Hội tháng Gamélion mở vào quãng tháng giêng, tháng hai ở Léné, một địa điểm trong đô thị Athènes, nơi có đền thờ Dionysos. Đây cũng là một hội nhỏ có tính chất địa phương, và mặc dù ở trong đô thị Athènes người ta vẫn coi nó là ngày hội của nông thôn. Ngoài lễ hiến tế, rước, tiệc “liên hoan”, hội Léné còn tổ chức thi diễn hài kịch và bi kịch, thi các đội đồng ca biểu diễn các bài ca Dithyrambe (thường gọi là đội đồng ca Dithyrambe). Đây là một loại bài ca chuyên dùng trong lễ tế thần Dionysos. Mỗi đội đồng ca gồm 50 người, nhảy múa, ca hát theo tiếng nhạc quanh bàn thờ Dionysos. Đội đồng ca còn chia ra làm hai loại: đội đồng ca thanh, thiếu niên dưới mười tám tuổi và đội đồng ca người lớn từ mười tám tuổi trở lên. Những cuộc thi biểu diễn các đội đồng ca được tổ chức từ thế kỷ VI TCN. Đây là cuộc thi giữa các bộ lạc, lấy đơn vị là bộ lạc. Mỗi bộ lạc bầu hoặc cắt cử một người lãnh đạo đội đồng ca để điều hành công việc. Các nhà nghiên cứu cho chúng ta biết, bi kịch ra đời từ những buổi biểu diễn của các đội đồng ca Dithyrambe này. Những lời xướng, họa, đối đáp của người lãnh đạo đội đồng ca với đội đồng ca làm nảy sinh đối thoại. Những điệu múa, nhịp nhảy, bước đi theo tiết tấu của âm nhạc là tiền đề của diễn xuất kịch. Và từ tích truyện Dionysos mà người ta “dịch sang trò”, trò diễn rất thô sơ còn chưa cắt khỏi cái cuống nhau nối liền với bản chất tự sự, nghĩa là kể, miêu tả tích truyện chứ không phải diễn trò. Từ thế kỷ V - IV TCN, những bài ca Dithyrambe bắt đầu thay đổi về nội dung. Nó không phải chỉ là những bài ca thuật lại cuộc đời và chiến công của Dionysos, ca ngợi công đức của Dionysos, mà đã mở rộng ra đến các vị thần và những anh hùng trong gia tài thần thoại. Và cũng từ đó bi kịch chuyển từ việc diễn tích truyện trong cuộc đời Dionysos sang diễn tích truyện của các vị thần và những anh hùng trong thần thoại Hy Lạp. Ngày nay Dithyrambe chuyển nghĩa mang một ý xấu chỉ những lời tán dương, tâng bốc quá đáng, nịnh nọt (Có tài liệu nói, trong Hội Léné không tổ chức thi biểu diễn đội đồng ca Dithyrambe). Hội Léné kéo dài khoảng ba bốn ngày.

4 - Hội tháng Anthestérion (Anthestéries, Hội Hoa) mở vào đầu mùa xuân cuối tháng hai ở thành bang Athènes và những thành bang ở bờ biển Tiểu Á kéo dài ba ngày. Ngày đầu là “Ngày mở vò rượu”, mỗi gia đình mở vò rượu đã ủ, làm lễ rồi tất cả mọi người kể cả trẻ em đều nếm rượu mới đồng thời đem rượu mới làm lễ rảy rượu thiêng xuống đất và lên bàn thờ các vị thần. Mọi người đều uống say sưa trong không khí hân hoan. Nô lệ được chủ cho nghỉ, các trẻ em được tặng quà. Và các gia đình đến các thầy giáo thăm hỏi, trao tặng phẩm và trả tiền học cho các con. Ngày thứ hai gọi là “ngày cốc vại’, mọi người mang rượu của mình đến nơi mở hội, mời nhau và uống trong chiếc cốc vại của mình mang theo, rồi dự lễ rước tượng thần Dionysos từ một chiếc thuyền lên một cỗ xe. Tượng được rước vào trong đô thị để làm một nghi lễ ma thuật, thần bí: cưới vợ cho thần Dionysos. Ngày cuối cùng gọi là “Ngày liễn”, mỗi gia đình bày ra một liễn đậu ninh nhừ cúng linh hồn những người chết. Khi cúng nói: “Hồn ơi! Đi, đi thôi... hết Hội Anthestéries rồi”. Cũng trong ngày Tết Hội này, cửa đền thờ những vị thần Olympe đóng lại, cửa các gia đình cũng đóng lại và tất cả đều được trát nhựa thông, còn mọi người đều đi tìm lá mận gai về để nhai. Họ tin rằng có làm như thế thì mới tránh được những mối nguy hiểm do những người ngoại lai đưa tới (!) “Ngày liễn” chủ yếu dành cho việc cúng tế thần Hermès Psychopompe (Hermès Người đưa dẫn linh hồn). Trong “Ngày liễn”, suốt đêm nhân dân tổ chức những đám rước vui nhộn, chơi đùa náo nhiệt, tự do, phóng túng.

5 - Hội tháng Élaphébolion mở vào quãng tháng ba, tháng tư còn gọi là Hội lớn Dionysos (Grandes Dionysies) hay Hội trên tỉnh (Dionysies de la ville; Dionysies urbaines). Hội mở ở đô thị Athènes. Hội mở quãng sáu, bảy ngày, rất to, thu hút đông đảo người ở tứ xứ về dự. Trong thời gian mở hội, chính quyền ân xá cho các phạm nhân, không bắt bớ, giam giữ người, không đi thu thuế để cho mọi người có thể dự hội. Dưới thời Périclès cầm quyền, nhà nước Athènes còn cấp tiền cho công dân của đô thị đi xem diễn bi kịch (lúc đầu một buổi, sau cả ba buổi). Sự hào phóng đó của nhà nước Athènes gắn liền với địa vị kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nó: trung tâm của thế giới Hy Lạp từ sau cuộc chiến Hy Lạp-Perse (500 - 441 TCN). Những sân khấu ngoài trời để diễn bi kịch làm bằng đá có chỗ ngồi bậc thang như ở sân vận động ngày nay dựa vào sườn núi với quy mô to lớn, có tới hàng chục nghìn chỗ ngồi được xây dựng bắt đầu từ thời kỳ này. Chương trình ngày hội như sau: Ngày đầu là lễ rước tượng thần Dionysos từ đền Léné ra đền thờ Dionysos ở gần khu vườn Académos. Ngày thứ hai và ngày thứ ba là cuộc thi biểu diễn của các hội đồng ca Dithyrambe. Ba ngày sau là thi biểu diễn bi kịch. Hội lớn Dionysos mở sau hội lớn Panathénées sáu ngày. Hai hội này là hai hội to nhất, quan trọng nhất của đời sống văn hóa-xã hội của nhà nước Athènes. Nó thu hút đông đảo khách phương xa từ những thành bang trên bán đảo Hy Lạp cho đến những thành bang trên mặt biển Égée, rồi ở vùng ven biển Tiểu Á và cả những thành bang ở đảo Sicile, ở miền Nam nước Ý (xưa gọi là Đại Hy Lạp) về dự.

Hội Dionysos thể hiện những quan niệm tôn giáo của người Hy Lạp cổ xưa. Những nghi lễ diễn xuất tôn giáo thầm kín, những đám rước, những đội đồng ca Dithyrambe tế thần và những tập tục khác thể hiện nỗi buồn, cái bi đối với cuộc đời gian truân, khổ ải và cái chết của Dionysos như là cái chết của thiên nhiên, thể hiện niềm vui, cái hài đối với sự tái sinh của Dionysos như là sự tái sinh của thiên nhiên. Những cảm xúc buồn rầu, thương cảm đã là yếu tố đầu tiên của quá trình hình thành bi kịch. Còn những cảm xúc vui tươi, phấn khởi, hào hứng “say”, “bốc”, “tếu”, phóng túng là những yếu tố đầu tiên của quá trình hình thành hài kịch. Hài kịch tiếng Hy Lạp là “kōmōidía” (tiếng Pháp: comédie; tiếng Latinh: comoedia) cấu tạo do hai từ: kōmōs: đám rước vui vẻ (có cách giải thích: kṓmē: làng) và ōidḗ: bài ca. Những bài ca trong những đám rước vui vẻ của Hội Dionysos trước hết là những bài ca dương vật mang tính chất vui nhộn, “bốc”, “tếu”. Sau khi tế thần, ăn cỗ, uống rượu mọi người về làng với tâm trạng hào hứng và tự do phóng túng của ngày hội đã tiếp tục vui đùa, ca hát chọc ghẹo, chế giễu, nhạo báng người này người khác. Từ sự vui đùa giải trí dần dần chen vào sự vui đùa phê phán, giễu cợt, châm biếm, nhạo báng mang ý nghĩa xã hội. Mượn hơi men và lợi dụng quyền tự do của ngày hội, những người dự hội đã sáng tác ra những câu chuyện bông đùa, hài hước để đả kích những kẻ xấu xa, độc ác, ngu xuẩn, đểu cáng trong đời sống hàng ngày. Hài kịch bắt đầu từ những nhân tố đả kích cá nhân như vậy. Trải qua một quá trình phát triển khá lâu dài dần dần đám rước Dionysos có một cảnh diễn hài hước với một cốt truyện đơn sơ, sau mới tách ra khỏi Hội đồng ca như đã bị tách ra khỏi đội đồng ca Dithyrambe.

Tục lệ thờ cúng dương vật như là một biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển không phải chỉ riêng có ở Hy Lạp mà còn có ở nhiều dân tộc khác. Trong tôn giáo thần thoại Ấn Độ có tục thờ cúng linga (dương vật) và yoni (âm vật). Một biệt danh của thần Shiva là thần Giấc ngủ và vị thần Shiva Giấc ngủ này được thờ bằng một chiếc tượng dương vật, đặt trong lòng tượng âm vật (Linga - arcana - Tantra). Những tượng linga và yoni trong Nhà Bảo tàng Nghệ thuật Chàm ở Đà Nẵng là một bằng chứng phong phú về nghệ thuật tôn giáo thần thoại Ấn Độ Chàm.

THẦN PAN

Pan là một vị thần trong đoàn tùy tùng của thần Rượu nho-Dionysos. Cha của Pan là vị thần Hermès, người truyền lệnh không hề chậm trễ của các vị thần Olympe. Mẹ của Pan là tiên nữ Dryope. Khi sinh ra Pan, thấy hình thù của con quái gở: đầu có sừng như sừng dê, chân cong và dài, có lông, có móng, râu ria xồm xoàm, lại thêm cái đuôi nữa, nên Dryope sợ hãi quá, vứt con bỏ chạy. Nhưng Hermès, ngược lại, rất vui mừng vì có một đứa con trai. Thần bế ngay lấy con và đưa lên đỉnh Olympe để nhờ các vị thần nuôi nấng dậy dỗ. Thấy Pan tướng mạo dị kỳ, thân hình kỳ khôi như thế, các vị thần đều bật cười, không một vị thần nào là nhịn được cười, tất cả, tất tất cả các vị thần đều cười, cười ngặt nghẽo, cười như nắc nẻ, vì thế cậu con trai của Hermès mới được các vị thần đặt cho cái tên “Pan” nghĩa là “tất cả”. Sống một thời gian trên thế giới Olympe rồi sau đó Pan xuống trần sống ở núi rừng, đồng cỏ. Thần bảo vệ cho đàn gia súc của những người mục đồng, tính mạng cho những người đi săn, làm cho tổ ong của những người nuôi ong đông con, nhiều đàn lắm mật. Tuy thân hình có vẻ khó coi và dữ tợn nhưng Pan tính tình vui vẻ, cởi mở. Thần sống tha thẩn trong các khu rừng, bình thường xem ra trầm lắng song khi vui thì “bốc” đến nổ trời, vì thế mới được Dionysos tuyển mộ vào đoàn tùy tùng của mình và kết bạn với những Satyre, Bacchantes, Silène. Pan khi vui “bốc”, “say” như thế nào thì khi giận dữ, cáu kỉnh cũng “nảy lửa” đến mức như vậy, nhất là khi những ham muốn tình dục của phần con vật, con dê trong Pan nổi lên thì Pan gây cho các tiên nữ Nymphe một sự kinh hoàng, hãi hùng khôn tả, và đó là do Pan đã bị thần Tình yêu-Éros có đôi cánh vàng bắn những mũi tên xuyên thấu trái tim.

Thần Pan vĩ đại chết rồi! Là một điển tích bắt nguồn từ một câu chuyện của Plutarque. Theo truyện thì dưới triều hoàng đế La Mã Tibère (42 TCN - 37), một hôm một con thuyền La Mã đang đi từ Péloponnèse sang đất Ý bỗng có tiếng người nói với người lái thuyền, cầu xin người lái thuyền kêu lên: “Thần Pan vĩ đại chết rồi!” Người lái thuyền băn khoăn do dự hồi lâu nhưng rồi cuối cùng làm theo lời thỉnh cầu đó. Khi người lái thuyền vừa nói dứt câu: “Thần Pan vĩ đại chết rồi!” thì tức thời khắp nơi bỗng vang lên tiếng khóc than thảm thiết. Con thuyền về đến đất Ý. Sự kiện lạ lùng kể trên được tường trình ngay với hoàng đế Tibère. Hoàng đế ra lệnh, công bố ngay cho toàn dân được biết. Và từ đó nảy ra nhiều cách giải thích khác nhau. Khoa thần học Thiên Chúa giáo coi câu chuyện trên đây của Plutarque như là lời tiên báo sự kết thúc của đa thần giáo cổ đại, ngẫu tượng giáo cổ đại để thay thế bằng Thiên Chúa giáo. Sau này câu nói trên còn mang một ý nghĩa rộng hơn. Nó chỉ cái chết của một nhân vật kiệt xuất, sự chấm hết một giai đoạn, một thời đại, một thời kỳ lịch sử.

Những mối tình tuyệt vọng

Sống trong thế giới non xanh nước biếc cho nên bạn bè thân thiết của Pan là những tiên nữ Nymphe. Pan thầm nhớ trộm yêu một nàng Nymphe xinh đẹp tên là Syrinx. Syrinx là một tiên nữ tùy tùng của nữ thần Artémis vĩ đại, cho nên nàng cũng nhiễm phải cái thói ham mê săn bắn và kiêu kỳ của Artémis. Nàng khước từ mọi lời tỏ tình của các vị thần. Nàng lẩn tránh khi gặp một vị nam thần. Với cây cung bằng sừng hươu nàng len lỏi trong rừng suốt ngày theo sát gót chân nữ thần Artémis, tìm thú vui trong việc săn muông đuổi thú. Nhiều khi thoáng thấy bóng nàng người ta tưởng nhầm là nữ thần Artémis. Nhưng những người hiểu biết, nhiều kinh nghiệm nói rằng nếu không nhìn thấy ánh vàng ngời ngợi từ cây cung tỏa chiếu ra thì đó đích thực là Syrinx, vì cây cung của Artémis bằng vàng.

Một hôm Pan đang tha thẩn đi chơi trong rừng bỗng thoáng thấy bóng Syrinx, Pan liền bám theo. Nhưng Syrinx cũng kịp thời nhận thấy có người đang bám theo mình, và người đó là thần Pan. Biết mình đang bị thần Pan bám riết, Syrinx vô cùng sợ hãi, cắm đầu chạy. Pan cũng lập tức phóng người chạy theo quyết đuổi cho bằng được Syrinx chạy, lòng tràn ngập nỗi lo sợ, hãi hùng: “Trời ơi! Nếu ta sa vào tay cái vị thần nửa người nửa dê kia thì khủng khiếp biết chừng nào!” Syrinx nghĩ thế và vừa chạy nàng vừa tưởng tượng ra cái cảnh mình bị Pan đuổi bắt được, bị Pan xiết ôm vào trong vòng tay cứng rắn như xiềng xích, bị Pan áp cái bộ mặt gớm ghiếc râu ria xồm xoàm, phả cái hơi thở hôi hôi của loài dê vào khuôn mặt mình. Nhưng thôi rồi, hỏng rồi! Một con sông chắn ngang trước mặt. Chạy đâu cho thoát bây giờ? Nàng vội quỳ xương giơ tay lên trời cầu khấn thần Sông cứu giúp. Chấp nhận lời cầu cứu của người trinh nữ, thần Sông hóa phép biến nàng thành một cây sậy ở ven bờ. Sự việc kể thì dài dòng như thế nhưng thực ra chỉ diễn biến trong chốc lát. Khi thần Pan lao vào Syrinx tưởng chừng như ôm được Syrinx vào lòng thì cũng là lúc Syrinx vừa kịp biến thành một cây sậy, một bụi sậy mềm mại, bấy yếu. Và nó tưởng chừng như vẫn chưa thoát khỏi nỗi khủng khiếp bất ngờ vừa ập đến cho nên nó vẫn cứ run lên trong vòng tay của Pan. Còn thần Pan, mặt buồn thiu, thất vọng. Thần lấy dao cắt mấy ống sậy ghép lại làm một cây sáo kép. Từ đó trở đi Pan gọi cây sáo của mình là Syrinx, và cũng từ đó trở đi trong các khu rừng, những người mục đồng thường nghe thấy vang lên những tiếng sáo trầm bổng khi thì nỉ non thánh thót như kể lể, giãi bầy, khi thì rộn rã tưng bừng như đang nhảy múa say mê. Người ta bảo, thần Pan đang thổi sáo cho các nàng Nymphe ca múa. Do bản chất của thần Pan và tính chất chuyện này cho nên ngày nay trong tiếng Pháp có từ panique có nghĩa: hoảng hốt, kinh hoàng, khủng khiếp.

Thần Pan còn có lần, cũng như đối với Syrinx, trong khi đi tha thẩn chơi trong rừng chợt bắt gặp nàng Nymphe Écho. Thần liền bám theo. Còn Écho thì cắm đầu chạy. Pan đuổi mãi, hết khu rừng này sang khu rừng khác mà không sao bắt được. Từ đó, Pan nuôi giữ một mối thù ghét Écho. Bằng pháp thuật của mình, Pan làm cho những người mục đồng hóa điên. Họ lao vào cuộc săn đuổi Écho và vây bắt được nàng. Trong lúc mất trí họ tưởng nàng là một con thú, họ giết chết nàng và phanh thây nàng ra hàng trăm mảnh vứt khắp nơi, khắp chỗ trên núi cao, trong rừng già. Từ đó trở đi, bất cứ chỗ nào trên mặt đất cũng có Écho. Và dù nàng Nymphe bất hạnh đó đã qua đời, nhưng chúng ta mỗi khi vào rừng vào núi, chúng ta vẫn nghe thấy tiếng nàng. Nàng theo lời nguyền xưa của nữ thần Héra chỉ được phép nhắc lại những lời nói cuối cùng của người khác.

Pan thi tài với Apollon

Các tiên nữ Nymphe và những người mục đồng rất say mê tiếng sáo Syrinx của Pan. Hôm nào, vì lẽ gì đó, tiếng sáo của Pan không cất lên là hôm ấy các Nymphe và những người mục đồng thấy bồn chồn trong dạ. Rừng núi như trống trải, lạnh lẽo hẳn đi. Tiếng sáo của Pan như linh hồn của rừng núi, như miếng bánh ăn và bình nước uống của những người mục đồng. Vì lẽ đó Pan rất tự hào về tài thổi sáo của mình. Và Pan nảy ra ý định mời Apollon tới để đua tài. Thần Apollon chấp nhận lời mời trân trọng đó. Cuộc thi tài diễn ra ở sườn núi Tmolos. Thần núi Tmolos được mời làm giám khảo cùng với nhà vua Midas, người nổi tiếng giàu có ở xứ Phrygie.

Pan biểu diễn trước. Tiếng sáo của Pan cất lên nghe dịu dàng êm ái như đưa hồn con người ta vào cõi mộng. Chỉ nghe tiếng sáo ấy người ta đã tưởng như thấy được cảnh những chàng mục đồng nằm dài trên bãi cỏ lơ đãng nhìn bầu trời xanh bên đàn súc vật đang gặm cỏ ngon lành, Pan biểu diễn xong, thần Apollon liền kế tiếp. Tiếng đàn cithare vang lên với biết bao âm điệu phong phú lạ thường. Đây là một khúc nhạc nghe như tiếng bước chân rầm rập của đoàn quân chiến thắng trở về. Rồi một khúc tiếp sau nghe nỉ non như lời người vợ giãi bày tâm sự với chồng sau bao năm xa cách... Cả thiên nhiên đắm chìm trong tiếng nhạc huyền diệu, kỳ tài của vị thần Apollon, người khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật thần thánh cho các ca sĩ, thi nhân. Các nàng Nymphe say mê tiếng sáo của Pan đến là thế mà cũng phải lặng người đi trước tiếng đàn thần thánh của Apollon. Apollon biểu diễn xong, thần đưa tay lên ngực cúi chào thần núi Tmolos, vua Midas và những người đã lắng nghe tiếng nhạc của mình. Thần núi Tmolos bước ra đội lên đầu thần Apollon vòng lá nguyệt quế. Apollon đã thắng cuộc một cách xứng đáng. Các tiên nữ Nymphe cũng như những ai được chứng kiến cuộc thi tài này đều hoàn toàn tán thành quyết định sáng suốt của thần Núi. Nhưng đến lần vua Midas, vua lại không đội lên đầu thần Apollon vòng hoa nguyệt quế hay vòng lá trường xuân. Midas trao tặng vòng hoa chiến thắng cho thần Pan. Từ thần núi Tmolos cho đến các tiên nữ Nymphe đều sửng sốt ngạc nhiên trước phán quyết của Midas, một sự phán quyết lạ lùng và tỏ ra chẳng hiểu gì cả. Còn thần Apollon thì vô cùng tự ái và tức giận. Thần liền cầm lấy hai tai của Midas mà véo, mà xoắn rồi kéo dài ra. Và tai của Midas dài ra, cứ thế dài ra theo đà kéo của Apollon và trở thành một đôi tai lừa! Từ đó trở đi vua Midas có đôi tai như đôi tai lừa.

Thần Pan bị thua cuộc mặt buồn thiu buồn thỉu, lững thững ra về sống với thế giới non xanh nước biếc, đồng cỏ rừng già của mình. Tuy nhiên không vì thế mà tiếng sáo của Pan kém hay đi. Nó vẫn làm xôn xao, náo nức trái tim các Nymphe và các chàng mục đồng.

***

Lại nói về vua Midas có đôi tai lừa. Thật là một chuyện vô cùng nhục nhã, xấu xa. Nhà vua chỉ còn cách cho may một chiếc mũ và cứ thế đội lù lù trên đầu ngày cũng như đêm, suốt quanh năm ngày tháng. Nhà vua tưởng rằng như vậy sẽ chẳng ai biết được cái sự thật tệ hại đó cả. Thế nhưng trên đời này những chuyện xấu xa thật khó mà che đậy được. Điều mà nhà vua tưởng bưng bít che đậy được lại vỡ lở ra. Người biết được chuyện này đầu tiên là bác thợ cạo thường cắt tóc, cạo râu cho nhà vua. Nhà vua dặn bác không được để lộ chuyện và dọa sẽ trừng phạt nặng bắt chịu mọi cực hình nếu điều nghiêm cấm không được tuân thủ. Bác thợ cạo đành ngậm tăm. Nhưng khổ nỗi cái sự thật nhà vua có đôi tai lừa cứ đè nặng trong trái tim bác, cứ canh cánh trong lòng, ấm ức bức bối trong dạ khiến bác cảm thấy không nói được sự thật đó ra thì không thể chịu được, không thể sống được. Và một bữa kia bác quyết định phải nói sự thật. Nhưng nói thế nào để không ai nghe thấy kẻo nguy hiểm đến tính mạng. Bác thợ cạo bèn đào một cái lỗ sâu xuống đất rồi ghé sát mồm vào hét lên cho hả nỗi ấm ức trong lòng: “Vua Midas có đôi tai lừa! Vua Midas có đôi tai lừa!” Xong việc bác thợ cạo lấp kín chiếc lỗ rồi về, nhẹ hẳn cả lòng cả dạ. Nhưng điều mà bác thợ cạo tưởng rằng nói xuống tận lòng đất thì vẫn giữ được bí mật cho nhà vua té ra cũng hỏng bét nốt, giống như chiếc mũ không che đậy nổi đôi tai lừa dài ngoằng của Midas. Gần chỗ bác nói có một bụi cây sậy. Tiếng nói của bác vào lòng đất bị rễ cây sậy nghe được, truyền lên. Thế là mỗi khi có một cơn gió thổi, những cây sậy lại lao xao kháo chuyện lại với nhau: “Vua Midas có đôi tai lừa! Vua Midas có đôi tai lừa!” Người đi đường, đi chợ đi búa nghe thấy lại về bàn tán, kháo chuyện lại với nhau. Và thế là chẳng mấy chốc khắp bàn dân thiên hạ đâu đâu cũng thấy người ta lưu truyền bình luận câu chuyện: “Vua Midas có đôi tai lừa! Vua Midas có đôi tai lừa! Chỉ được cái giàu nhưng dốt ơi là dốt; chỉ được cái làm vua nhưng ngu ơi là ngu, ngu như lừa!”

Ngày nay trong văn học thế giới có điển tích Tai vua Midas hoặc Tai lừa để chỉ sự ngu dốt, tương đương với Tai trâu trong văn học của chúng ta. Còn thành ngữ Bác thợ cạo của Midas chỉ một con người không kín chuyện hoặc mở rộng nghĩa chỉ cái nguyên nhân làm lộ một chuyện cần giữ kín, lại có thành ngữ Sự phán xét của Midas chỉ sự phán xét ngu xuẩn, chủ quan. Gắn với chuyện Midas hám vàng, người ta còn dùng Số phận Midas để chỉ những sự biến đổi thất thường, nay lên voi, mai xuống chó, nay triệu phú, mai trắng tay.

MỐI TÌNH CỦA SÉLÉNÉ VỚI ENDYMION

Nàng Séléné, nữ thần Mặt trăng, là con gái của Titan Hypérion. Titan Hypérion lấy Titanide Théia làm vợ, sinh được hai gái một trai. Trai là anh cả, tên gọi Hélios, tức thần Mặt trời. Gái là Séléné, nữ thần Mặt trăng, và Éos, nữ thần Bình minh hoặc Rạng đông. Cả ba anh em, mỗi người đều có một cỗ xe do những con thần mã kéo. Mỗi khi đêm đến, nàng Éos phải lên cỗ xe có ánh sáng ửng hồng của mình do một đôi thần mã vàng kéo, phóng ngay đến chân trời để báo cho thế gian biết Mặt trời đã lên đường. Còn thần Mặt trời theo lệ thường, ngày nào cũng như ngày nào, lên một cỗ xe vàng do bốn con thần mã mình đỏ như lửa kéo. Chúng mũi phun lửa, chạy cực kỳ nhanh, hàng ngày chạy vắt ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây. Chạy như thế suốt một ngày ròng rã, khi chiều hết là cỗ xe hạ xuống dừng tại Đại dương. Và đêm hôm ấy thần Hélios lên một con thuyền độc mộc trở về biển Đông để ngày hôm sau từ phương Đông, chờ khi ánh sáng ửng hồng của nàng Éos báo tin cho thế gian xong xuôi, thần Hélios lại bắt đầu cuộc hành trình cho một ngày mới.

Trong ba anh em, về đường tình duyên, thì nàng Séléné gặp phải một chuyện rất đáng buồn. Nàng yêu chàng Endymion rất nồng thắm, tha thiết nhưng lại là một mối tình thầm lặng và tuyệt vọng. Endymion là một chàng trai cường tráng xinh đẹp. Người thì bảo chàng là vua xứ Élis, người thì bảo chàng là một cung thủ chuyên vào rừng săn bắn. Nhưng theo số đông, thì Endymion là một chàng chăn chiên. Chàng chăn chiên này có một vẻ đẹp hiếm có, đẹp đến nỗi nữ thần Mặt trăng-Séléné đem lòng yêu dấu và ước mơ được cùng chàng kết bạn trăm năm. Nhưng Endymion chẳng biết điều đó. Anh chỉ biết rằng mình trẻ đẹp và chỉ ước mơ có mỗi một điều là được trẻ đẹp mãi mãi. Anh cầu khấn thần Zeus. Chấp nhận lời cầu xin của anh, thần Zeus giáng xuống đôi mắt anh một giấc ngủ, một giấc ngủ triền miên hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Chỉ có thế Endymion mới giữ mãi được vẻ xinh xắn, trẻ trung. Nàng Séléné được tin đó rất đỗi buồn rầu. Nàng cưỡi xe song mã, cỗ xe có đôi ngựa trắng muốt như tuyết đi xuống trần. Nàng tới ngay động Latmos huyền diệu, nơi chàng Endymion đang chìm đắm trong giấc ngủ vĩnh hằng. Séléné đến ôm lấy chàng, phủ lên người chàng những chiếc hôn âu yếm. Nàng đưa tay vuốt ve trên thân chàng, nằm xuống bên chàng nghe tiếng tim chàng đập và say sưa uống hơi thở nồng ấm của chàng. Nhưng chàng Endymion nào có hay có biết rằng chàng đang được hưởng mối tình trong sáng hiền dịu của Séléné. Chàng vẫn cứ ngủ say như người chưa từng được ngủ bao giờ và không ai có tài gì đánh thức chàng dậy ngoài thần Zeus. Chính vì mối tình thầm lặng, tuyệt vọng này mà Séléné bao giờ cũng có một vẻ mặt đượm buồn. Năm tháng cứ thế trôi đi, Endymion vẫn ngủ triền miên và nàng Séléné vẫn giữ mãi nỗi buồn của mối tình thầm lặng và tuyệt vọng. Những đêm trăng, trăng lên đầu núi rồi trải ra ánh sáng trong xanh bằng bạc, đượm buồn của mình xuống những sườn núi, và thung lũng, người xưa bảo đó là nàng Séléné đang đến với Endymion, đang vuốt ve trên thân hình yêu dấu của chàng, và âm thầm đau khổ vì mối tình trong sáng thiết tha nhưng tuyệt vọng.

Lại có người kể, không phải thần Zeus làm cho Endymion ngủ mà chính nàng Séléné, bằng pháp thuật của mình làm cho chàng ngủ để không bao giờ bị mất chàng, để nàng có thể được tự do tới thăm chàng. Một nguồn khác kể Séléné đã ru Endymion trong một giấc ngủ triền miên là ba mươi năm. Sau này hai người ăn ở với nhau sinh được... năm mươi con! Theo các nhà nghiên cứu, con số đó tương ứng với con số năm mươi tuần của lịch Hy Lạp cổ. Lại có một cách kể khác: thần Zeus xúc động trước vẻ đẹp tươi tắn trẻ trung của chàng chăn chiên Endymion nên đã bắt chàng lên thế giới Olympe, như xưa kia đã bắt Ganymède, để làm người phục vụ cho các thần. Ở trên thế giới tuyệt diệu đó Endymion đã phạm một tội rất lớn. Chàng xem ra có tình ý với nữ thần Héra. Chẳng rõ câu chuyện cụ thể ra sao nhưng thần Zeus thoáng thấy như vậy và nổi trận lôi đinh, giáng luôn một đòn trừng phạt: nhấn chìm Endymion vào một giấc ngủ triền miên vĩnh viễn.

Tục thờ cúng thần Mặt trời và thần Mặt trăng có từ thời đại dã man. Sau này khi nước Hy Lạp bước vào chế độ chiếm hữu nô lệ, nữ thần Mặt trăng-Séléné được đồng nhất với nữ thần Artémis rồi đồng nhất cả vôi nữ thần Hécate và nữ thần Perséphone.

Trong văn học châu Âu ngày nay, Endymion trở thành một biểu tượng chỉ người thanh niên xinh đẹp, người đẹp trai. Còn trong đời sống thì hình như những mối tình thầm lặng và tuyệt vọng đều đẹp, đều êm ái, nhẹ nhàng, bàng bạc như ánh trăng đều bị “nhiễm” phải cái nỗi buồn man mác của nữ thần Mặt trăng-Séléné.

CUỘC PHIÊU LƯU CỦA PHAÉTON

Lâu đài của thần Mặt trời-Hélios lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng. Những chiếc cột vàng, cột bạc, những đồ đạc quý giá bằng ngà voi và các thứ kim cương, ngọc thạch, đồng đỏ, đồng đen lúc nào cũng óng ánh, sáng rực lên như khoe tài khoe sắc. Khắp cung điện, trong ngoài, đâu đâu cũng chói lọi ánh sáng, rực rỡ ánh sáng, ngời ngời ánh sáng. Ở lâu đài này chỉ có buổi trưa, chẳng hề một ai biết đến cái gọi là chiều tà và hoàng hôn mờ xám. Còn đêm đen thì lại càng xa lạ hơn nữa. Chưa có một người trần thế nào đặt chân tới nơi uy nghi lộng lẫy này và thật ra cũng chẳng ai biết đường mà lần mò đến.

Thế mà một hôm có một chàng trai, một cậu thiếu niên dám tới lâu đài này. Cậu ta đi vội vã, song đôi lúc cũng phải dừng bước để ngắm nghía vẻ mỹ lệ và hùng vĩ của tòa lâu đài. Cứ xem dáng đi vội vã ấy người ta có thể đoán chắc được rằng cậu có một việc gì khẩn thiết lắm cần phải tới tòa lâu đài này để tường trình. Cậu ta đã đi qua cổng lớn và cửa ngoài. Bây giờ cậu tiến thẳng vào gian phòng uy nghi lộng lẫy nhất, nơi thần Hélios đang ngự trên ngai vàng. Cậu đến trước mặt vị thần chói lọi ánh sáng và hừng hực hơi nóng. Vị thần nhìn cậu với đôi mắt âu yếm pha đôi chút ngạc nhiên đoạn cất tiếng hỏi:

- Thế nào, Phaéton, con trai yêu quý! Con lên đây có việc gì thế? Chuyện lành hay chuyện dữ nào đã xảy ra khiến con phải lặn lộn lên đây mà không báo cho cha biết trước?

Cậu thiếu niên đáp lại:

- Cha thân yêu của con! Cha ơi, con lên đây tìm gặp cha vì một việc vô cùng hệ trọng. Con muốn biết cha có phải là cha đích thực của con không? Ở trường học các bạn con chế nhạo con rằng con nhận xằng là con của thần Hélios, rằng thần Hélios, không đời nào lại để một đứa con sống dưới trần. Con đã hỏi mẹ, mẹ bảo, đích thực con, Phaéton, là con của thần Mặt trời-Hélios vĩ đại. Mẹ bảo, tốt nhất là con lên hỏi cha. Vậy cha hãy trả lời ngay cho con biết để con về nói cho tụi bạn con nó tin.

Thần Hélios mỉm cười, đưa tay nâng chiếc vương miện đang tỏa sáng ra khỏi đầu để Phaéton khỏi chói mắt, Hélios vẫy con lại gần và nói:

- Con thân yêu của cha! Con đúng là, đích thực là con trai của ta. Đó là một điều chắc chắn. Để cho con tin hẳn vào lời ta nói, ta sẽ ban cho con một đặc ân: con muốn điều gì ta sẽ chiều lòng con ngay, làm cho con được hoàn toàn thỏa mãn. Và đặc ân này ta chỉ ban cho những người thân thiết nhất. Ta xin lấy nước của con sông Styx thiêng liêng dưới âm phủ ra để chứng giám cho lời cam kết của ta đối với con. Thế nào? Con tin vào lời ta nói chứ?

Phaéton giờ đây thì không còn nghi ngờ gì nữa. Lời nói của cha vừa rồi làm cho cậu tin hẳn, tin chắc chắn mình đích thực là con của thần Mặt trời. Bây giờ cậu chỉ còn mỗi việc là nghĩ xem mình nên xin cha ban cho mình cái gì, chà, kể ra thì thật là khó nghĩ vì cậu có biết bao nhiêu là ước muốn. Nhưng nghĩ một lúc thì chẳng có gì và khó. Cậu đã chẳng từng theo dõi quan sát công việc của cha mình, vị thần Mặt trời-Hélios hàng ngày đánh cỗ xe và những con thần mã chạy trên bầu trời bao la với một niềm kiêu hãnh và khâm phục đó sao! Những lúc ấy cậu thường tự bảo: “Kìa kìa, cha mình đang điều khiển cỗ xe ấy đấy” và nghĩ lan man đến biết bao nhiêu điều kỳ diệu trong công việc của cha mình. “Làm sao cha ta lại có thể ngồi được trên cỗ xe có những con thần mã hung hăng, lúc nào cũng phóng như bay thế kia? Không biết cha ngồi trên xe có chóng mặt không? Chắc ngồi trên cỗ xe đó đem ánh sáng chiếu rọi cho thế gian thích thú lắm... Chả thế mà cha chẳng bao giờ từ bỏ công việc của mình cả”. Và cậu đã từng ước mơ có ngày được ngồi trên cỗ xe thần diệu ấy. Bây giờ lời hứa của cha làm cậu vụt nhớ lại ước mơ đã từng ấp ủ trong trái tim mình. Không ngần ngại gì, cậu nói một cách hồn nhiên với cha:

- Cha ơi! Cho con thay cha điều khiển cỗ xe một ngày, một ngày thôi nhé! Những lúc nhìn cha đang cưỡi xe ở trên trời, con chỉ ước có mỗi một điều ấy. Thế nào cha có bằng lòng không nào? Nhưng cha đã hứa với con rồi cơ mà... Con chỉ xin cha có mỗi điều ấy thôi. Con sẽ một mình thay cha một ngày đánh cỗ xe đi chiếu sáng cho khắp thế gian...

Thần Hélios lặng người đi. Thần có ngờ đâu tới cái ước muốn này của cậu con trai của mình. Thật tai hại! Thần giận mình đã trót hứa và viện dẫn con sông Styx ra chứng giám cho lời hứa của mình. Bây giờ chỉ còn cách thuyết phục Phaéton thay đổi ý muốn đó. Thần nói:

- Phaéton, con thân yêu của cha! Đây là điều duy nhất cha không thể làm theo ý muốn của con được. Cha rất muốn con thay đổi điều thỉnh cầu con vừa nói. Cha sẽ nói cho con biết nguyên do vì sao. Việc điều khiển cỗ xe do những con thần mã kéo là một việc vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Không một vị thần nào có thể làm được việc này thay cha, ngay cả đến thần Zeus, đấng phụ vương cai quản thế giới Olympe và những người trần thế đoản mệnh. Còn con, tuy là con của ta nhưng con lại là người trần thế đoản mệnh vì mẹ con, nàng Clymène, con của Titanide Téthys, không được các vị thần Olympe ban cho đặc ân bất tử. Một người trần thế không thể nào đảm đương được công việc của thần linh. Hơn nữa con có biết đâu tới những khó khăn trong chặng đường mà cỗ xe phải đi qua. Từ dưới biển lên, cỗ xe phải leo lên một con dốc gần như thẳng đứng mà những con thần mã mới sáng ngày ra còn sung sức như thế cũng phải trầy trật lắm mới kéo được cỗ xe lên an toàn; chạy tới lưng chừng giời thì lúc đó con không thể tưởng tượng được đã lên cao đến như thế nào. Nhìn xuống dưới, hai bên là hai vực thẳm sâu hun hút. Đến cha nhiều khi cũng không dám nhìn xuống vì sợ chóng mặt, hoa mắt. Nhưng đến lúc cỗ xe xuống dốc thì lại càng khó khăn hết chỗ nói. Đường đi như lao thẳng xuống biển nếu không vững tay cương thì cỗ xe lộn ngược và rơi xuống đáy Đại dương. Điều khiển được những con thần mã lúc này thật cực kỳ vất vả, cực kỳ căng thẳng. Bây giờ là lúc chúng đã mệt nên chúng rất dễ cáu kỉnh và bướng bỉnh. Liệu như con cầm cương điều khiển thì chúng có còn là những con thần mã nữa không, hay chúng biến thành những con nghịch mã, những con ngựa bất kham như lũ ngựa rừng hoang dại vừa bị bắt?

Chắc con tưởng tượng ra trên đường cha đi làm việc hàng ngày có biết bao điều kỳ lạ và tuyệt diệu: nào những cung điện, lâu đài với đủ các kiểu, các hình dáng, cái nào cũng nguy nga, tráng lệ, nào con đường cha đi hai bên toàn là cây vàng trái ngọc hoặc những cánh đồng hoa muôn màu muôn sắc như kim cương... Không, không phải đâu con ạ! Đó là một con đường mà hai bên toàn những loài thú hung hăng và nguy hiểm đến tính mạng. Con Bò tót mắt đỏ hằn những tia máu. Con Sư tử nanh nhọn móng sắc. Con Bò cạp nọc độc giết người. Con Tôm hùm có đôi càng như hai cái kìm sắt. Khi cỗ xe chỉ cần buông lỏng tay cương đi chệch khỏi con đường nhỏ dài và hẹp là chúng không bỏ lỡ cơ hội kiếm ăn. Thôi cha chỉ cần kể cho con nghe sơ qua như thế. Con nên nghe lời cha thay đổi ý định đó đi. Thế gian chúng ta đang sống còn biết bao điều hay, điều lạ nữa, còn biết bao nơi hoa thơm cỏ lạ... Con muốn gì, muốn đến nơi nào cha cũng sẽ đưa con tới nơi đó. Cha không muốn cho con đánh cỗ xe thần là vì cha lo ngại cho tính mạng của con, con chưa đủ tài năng để đảm đương một công việc vượt quá sức con, vượt quá sự hiểu biết và kinh nghiệm của con.

Nhưng lúc này thì chẳng một lời khuyên nhủ nào làm Phaéton từ bỏ được ý muốn, ước mơ của mình cả: nhất là ý muốn ấy, ước mơ ấy đang như một trái cây chín trong tầm tay chỉ cần đưa tay ra hái là được. Phaéton đã tưởng như mình đang đứng trên cỗ xe thần, đang ghì cương cho cỗ xe lao đi băng qua muôn trùng nguy hiểm. Và cậu đang khát khao được thử thách trong nguy hiểm. Vì thế những lời khuyên nhủ của thần Hélios không thể nào làm Phaéton thay đổi được ý định. Cậu nói với cha:

- Con sẵn sàng chấp nhận mọi nỗi hiểm nguy. Cha dù sao cũng đã hứa với con rồi cơ mà. Và lời hứa của cha, một vị thần bất tử, là bất di bất dịch. Con mà cưỡi trên cỗ xe thần một ngày, chỉ một ngày thôi, là tụi bạn con không còn đứa nào dám bảo con là nhận xằng nữa... Cha phải cho con lên xe đi!

Thần Hélios không thể nào khước từ được nguyện vọng của cậu con trai. Thần dẫn con ra xe. Đây là lúc sắp đến giờ lên đường. Những cánh cửa Đông đã nhuộm đỏ và nàng Bình minh đã ra đi với đôi má ửng hồng. Các vì sao từ giã bầu trời và ngôi sao Mai thì nhợt nhạt hẳn đi. Các nữ thần Heures-Thời gian chỉ chờ lệnh là mở tất cả mọi cửa. Những con thần mã đã thắng vào cỗ xe vàng chói lọi. Phaéton lòng tràn ngập sung sướng và kiêu hãnh bước lên cỗ xe. Thần Hélios lòng đầy lo âu và hối tiếc. Thần bôi lên khuôn mặt non trẻ của con một thứ mỡ thần để cho da mặt con khỏi bị bốc cháy. Tiếp đó thần đội lên đầu con chiếc vương miện của mình. Thần nói với con.

- Phaéton con thân yêu! Đường đi cực kỳ nguy hiểm. Con phải luôn luôn nhớ lời cha dặn: ghì cương cho chắc. Việc này khó lắm đấy. Con phải luôn luôn đánh xe theo vết đường cha đã từng đi, đừng phóng xe lên cao quá làm cháy bầu trời. Nhưng cũng đừng đi tụt xuống thấp làm cháy mặt đất. Phải giữ tay cương cho thẳng kẻo xe đi chệch sang phải hay sang trái. Con phải nhớ kỹ rằng hướng đi của xe bao giờ cũng phải ở giữa Con rắn và Bàn thờ. Cha còn biết bao điều muốn dặn dò con thật kỹ nhưng đã đến lúc đêm đen rời bước khỏi bầu trời, con phải lên đường rồi. Thôi cha đành phó mặc con cho Số mệnh. Tuy nhiên cho đến lúc này đây, cha vẫn tha thiết mong con thay đổi nguyện vọng của mình. Hãy để công việc chiếu sáng thế gian cho cha. Con có biết không, dấn thân làm công việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm này là con đã tự kết liễu đời mình đấy. Con hãy nói với cha, con từ bỏ nguyện vọng này đi... nói đi... nào!

Nhưng Phaéton nhìn cha mỉm cười âu yếm và lắc đầu. Cậu đứng thẳng người lên, căng dây cương và giật mạnh một cái. Những con ngựa hí vang lên và tung vó phi như bay. Lửa từ lỗ mũi chúng phun ra một vệt dài. Chúng kéo cỗ xe nhẹ nhàng, xuyên qua sương mù bắt đầu lên dốc để leo lên bầu trời. Phaéton sung sướng, ngất ngây. Cậu nhìn xuống thấy những con thần mã đang nện vó lên những đám mây trắng bồng bềnh từ dưới Đại dương đùn lên. Cậu nhìn lên vòm trời cao xanh ngăn ngắt và cậu giật cương cho cỗ xe bay lên. Cậu tưởng mình như là một đấng thần linh có trách nhiệm nặng nề cai quản cả bầu trời và mặt đất, giờ đây đang phải đi thị sát nhiều nơi. Song niềm hào hứng của Phaéton chỉ được giây lát. Cỗ xe bắt đầu tròng trành, nghiêng ngả. Lũ ngựa thì phi ngày càng nhanh. Tay Phaéton vẫn cầm cương mà không điều khiển được chúng. Với đôi tay yếu ớt của mình, Phaéton không làm sao ghì được dây cương, kìm bớt sức phóng của những con thần mã. Và những con thần mã khi thấy lỏng dây cương thì chúng làm chủ. Chúng chạy theo ý thích của chúng, khi lên cao, khi xuống thấp, khi chệch sang trái, khi xiên sang phải. Và cái điều phải xảy ra đã xảy ra: lũ ngựa chạy thế nào mà xuýt nữa xô vào con Bọ cạp, Phaéton hoảng hồn khi trông thấy con vật khủng khiếp đó. Lũ ngựa vội quay ngoắt sang một bên. Cỗ xe như lao thẳng vào con Tôm hùm có đôi càng khổng lồ. Phaéton kinh hãi, thét lên một tiếng. Và trong lúc sợ hãi rụng rời như thế cậu đã buông rơi dây cương. Lũ ngựa bây giờ thì mặc sức tung vó. Chúng chạy không theo một kỷ luật, trật tự nào cả. Chúng tránh con Tôm hùm bằng cách lao vọt thẳng lên trời rồi lại đâm bổ xuống đất, gần như sà xuống các ngọn núi. Thế là mặt đất bốc lửa cháy đùng đùng. Những ngọn núi cao bốc cháy trước tiên. Ngọn núi Ida, ngọn núi Hélicon, nơi những nàng Muses, con gái của thần Zeus ngự trị, bốc lửa, rồi đỉnh Parnasse, đỉnh Olympe bốn mùa mây phủ, cũng ngùn ngụt cháy theo. Lửa cháy sà xuống các thung lũng tràn vào các khu rừng rồi lan ra các cánh đồng. Chẳng một ngọn núi nào không bị lửa thiêu đốt cả. Từ núi Cithéron xanh ngắt đến dãy Caucase cao ngất rồi đến Pélion, Ossa, Tmolos điệp điệp trùng trùng, tất cả đều bốc cháy dữ dội. Khói bốc lên trời mù mịt làm cho Phaéton cay xè cả mắt và chẳng còn biết cỗ xe đang chạy trên con đường nào. Nước ở các con sông sôi lên sùng sục tưởng chừng như có ai chất củi đất từ dưới đáy sông. Và cứ thế chẳng mấy chốc các con sông bốc hơi hết sạch cả nước và trơ ra cái bụng đầy bùn lầy cát sỏi của mình. Biết bao đô thị bị thiêu trụi không còn một dấu vết gì ngoài những đống tro, biết bao bộ lạc đang sống yên vui với những cánh đồng lúa mì hoặc với những đàn súc vật, nay chết cháy hết. Các tiên nữ Nymphe vốn sống trong rừng sâu hoặc bên bờ suối, khóc than thảm thiết, cuống cuồng chạy trốn vào hang sâu. Mặt đất bị cháy đến nỗi nứt nẻ toang hoác cả ra để cho những tia mặt trời, những tia lửa của cỗ xe của thần Hélios, rọi thẳng đến vương quốc âm u của thần Hadès. Thế giới âm phủ quen sống trong tối tăm nay vì thế sinh ra hỗn loạn, rối bời. Biển khơi mênh mông những nước thế mà cũng bắt đầu cạn. Các vị nam thần, nữ thần Biển khốn khổ vì oi bức, chạy nháo nhào nơi này nơi khác để tránh cơn nóng chưa từng thấy giáng xuống thế giới của mình. Tình hình rối loạn và khủng khiếp đến nỗi nữ thần Mặt trăng-Séléné, người em gái của thần Hélios, không hiểu nổi tại sao ông anh Mặt trời của mình lại đánh cỗ xe chạy lung tung như thế.

Còn nữ thần Gaia, Đất mẹ của muôn loài, thì không thể nào chịu đựng nổi. Nữ thần đứng hẳn lên, giơ tay chỉ lên trời thét gọi thần Zeus, quát bảo:

- Hỡi thần Zeus vĩ đại, đấng phụ vương của thế giới thần thánh và loài người đoản mệnh! Làm sao mà lại xảy ra ra cơ sự này? Liệu có phải đây là ngày tận thế của ta không? Các vị thần cai quản thế gian ra làm sao mà để cho nó trở lại cảnh hỗn mang như thế này? Poséidon lẽ nào phải chịu một cái chết thảm khốc, chịu tiêu tan hết cả thế giới Đại dương của mình? Còn thần Hadès? Thần Atlas nữa? Làm sao Atlas có thể chịu đựng được cái nóng khủng khiếp để giơ vai ra gánh đỡ bầu trời? Hãy mau mau cứu thế giới thần thánh khỏi tai họa này nếu không thì cung điện Olympe chẳng mấy nữa mà sụp đổ! Hãy mau mau cứu lấy tất cả những gì chưa bị ngọn lửa thiêu đốt!

Từ trên bầu trời cao xa tít tắp, các vị thần nghe thấy tiếng thét của nữ thần Gaia. Các vị nhìn xuống thấy mặt đất đen đang bốc khói ngùn ngụt. Các vị thấy ngay trọng trách là phải mau mau cứu thế gian và loài người. Thần Zeus từ khi nghe thấy tiếng cầu cứu của nữ thần Gaia, đã thấy ngay mình phải ra tay tức khắc. Và không cần phải triệu tập một cuộc họp các chư vị thần linh để bàn bạc phán quyết, thần Zeus vung tay giáng một búa. Làn chớp mạnh như một cơn bão thổi tắt ngay những ngọn lửa hung hãn... Còn đòn sét giáng ngay vào cỗ xe của Phaéton, cỗ xe vỡ tan tành. Những con ngựa điên cuồng bật ra khỏi cỗ xe lộn nhào từ chín tầng cao rơi xuống biển. Còn Phaéton thân hình bốc cháy ngùn ngụt, rơi... rơi như một vì sao sa xuống trần. Con sông Éridan, một con sông thần thánh và bí ẩn đến nỗi chưa từng một người trần thế nào nhìn thấy, mở rộng lòng đón nhận Phaéton. Nó dập tắt lửa đang cháy trên người cậu, làm cho thi hài cậu tươi mát, đẹp đẽ lại như khi chưa bị cháy. Những tiên nữ Nymphe thương xót người con trai bất hạnh, vớt xác Phaéton lên và đắp cho cậu thiếu niên đó một nấm mồ. Còn thần Mặt trời lòng đau như cắt, chẳng thiết gặp một ai, vào trong lâu đài đóng chặt cửa lại, nằm suốt một ngày để mặc cho những đám cháy dùng chút lửa của mình chiếu sáng mặt đất.

Được tin con chết, tiên nữ Clymène đau đớn rụng rời. Nàng đi tìm xác con trên mặt đất bao la. Trải qua bao ngày dò hỏi hết nơi này đến nơi khác, cuối cùng Clymène đến bên dòng sông Éridan. Nhưng Phaéton đã được đất đen phủ kín và người mẹ thân yêu của cậu chỉ thấy được nấm mồ của con. Những chị gái của Phaéton, các nàng Héliades đau đớn xót thương cho số phận của em mình đã ngồi bên nấm mồ khóc mãi không nguôi. Người xưa kể, các nàng đã khóc suốt bốn tháng trời. Các vị thần cảm động trước tấm lòng yêu thương em của các nàng Héliades đã biến các nàng thành những cây bạch dương, những cây bạch dương lúc nào cũng gục đầu xuống dòng sông Éridan như vẫn đang than khóc cho số phận người em trai yêu quý. Còn nước mắt của những nàng Héliades và cả nhựa của những cây bạch dương được các vị thần biến thành những viên ngọc hổ phách.

CHUYỆN NHỮNG NÀNG DANAÏDES

Égyptos và Danaos là hai anh em trai sinh đôi, con của Bélos và Anchinoé. Nếu lần theo gia phả thì hai anh em nhà này là cháu năm đời của tổ phụ Zeus và tổ mẫu Io, người thiếu nữ đã từng phải sống dưới lốt con bò cái trắng nhiều năm sau tới đất Ai Cập mới được Zeus trả lại hình người. Zeus và Io đã sinh ra bên bờ sông Nile người con trai danh tiếng Épaphos, vị vua đầu tiên của đất nước Ai Cập (nhưng đó là theo gia phả của người Hy Lạp còn đối với người Ai Cập thì tổ tiên họ là một con bò thần tên là Apis).

Égyptos trị vì trên đất Ai Cập, còn Danaos trị vì trên đất Libye, một xứ sở kề bên. Égyptos sinh được năm mươi người con trai còn Danaos sinh được năm mươi người con gái, và đó là những người con gái tuyệt đẹp. Nhưng rồi thế nào giữa hai anh em Égyptos xảy ra chuyện bất hòa. Danaos biết rõ Égyptos đang rắp tâm chiếm đoạt vương quốc của mình, hơn nữa lại còn muốn cưỡng bức mình phải gả năm mươi người con gái cho năm mươi người con trai của hắn. Đối với ý định cầu hôn, Danaos và những người con gái, những nàng Danaïdes, dứt khoát khước từ. Còn với ý đồ muốn thoán đoạt, sáp nhập vương quốc Libye vào dưới quyền cai quản của Égyptos thì Danaos thật khó mà đối phó. Những người con trai của Égyptos bị khước từ cuộc hôn nhân đã chiêu tập binh mã kéo đại quân sang vương quốc Libye của Danaos để trừng phạt, Danaos và những người con gái chỉ còn cách chạy trốn. Được nữ thần Athéna giúp đỡ, ban cho một lời chỉ dẫn, Danaos cho đóng một con thuyền có năm mươi mái chèo để vượt biển.

Con thuyền của Danaos ra đi. Chẳng rõ trải qua bao ngày lênh đênh trên biển khơi không biết đâu là bờ và bến, con thuyền dừng lại ở hòn đảo Rhodes. Danaos và các con gái lên đảo xây dựng một đền thờ nữ thần Athéna, vị thần đã bảo vệ che chở cho cuộc sống của họ. Họ cũng không quên dâng cúng nữ thần những lễ hiến tế trọng thể. Song họ cũng không có ý định sinh cơ lập nghiệp ở hòn đảo này. Họ vẫn lo lắng có một ngày nào gần đây thôi, những người con trai của Égyptos sẽ đuổi kịp và sẽ gây cho họ những tai họa khôn lường. Vì thế họ lại quyết định rời hòn đảo sau khi đã dừng chân lại ít ngày để đi tìm một nơi trú ngụ an toàn hơn, yên tâm hơn. Nơi đó, theo họ là đất Argolide ở Hy Lạp vốn là quê hương của Io.

Danaos và những nàng Danaïdes lại ra đi. Thần Zeus theo dõi cuộc hành trình của họ và bảo vệ con thuyền có năm mươi mái chèo của họ tránh khỏi những cơn phong ba bão táp. Trải qua bao ngày lênh đênh trên biển khơi bao ba vô tận, cuối cùng con thuyền của họ đã đến được bờ biển của đất Argolide trù phú. Danaos và những người con gái xinh đẹp hy vọng sẽ được mảnh đất thiêng liêng này đón nhận với tâm lòng quý người trọng khách, khi nương nhờ, trú ngụ và bảo vệ cha con mình thoát khỏi cuộc hôn nhân cưỡng bức của những người con trai Égyptos.

Những nàng Danaïdes đặt chân lên mảnh đất Argolide. Để cho mọi người hiểu rằng mình là những người đi cầu xin sự che chở, các nàng cầm trên tay một cành olive và những lễ vật. Nhưng đi một hồi lâu trên bờ biển, các nàng chẳng gặp một ai. Chờ mãi cũng chẳng gặp một ai. Bỗng đâu các nàng Danaïdes nhìn thấy từ phía xa một đám mây bụi khổng lồ đang chuyển động giống như một cơn gió lốc mà ta thường thấy cuốn xoáy một đám bụi chạy trên mặt đường. Đám bụi đó ngày càng chuyển đến gần các nàng Danaïdes. Và các nàng đã nhìn ra sự thật. Đó là một đạo quân đông đảo gồm cả kỵ binh và bộ binh đang tiến bước, khiên giáp sáng ngời. Tiếng vó ngựa và chiến xa, tiếng chân các chiến binh nện xuống mặt đường ầm ầm rền vang như sấm. Đây là đạo hùng binh của nhà vua Pélasge, con của Palaichton, người cai quản mảnh đất Argolide trù phú, nơi mọc lên đô thành Argos hùng cường. Đươc tin cấp báo có một con thuyền lạ xâm nhập lãnh thổ, nhà vua liền thống lĩnh ba quân kéo ngay ra bờ biển để phòng ngừa mọi sự bất trắc. Nhưng đến nơi chỉ thấy có một vị vua già và một bầy con gái, năm mươi thiếu nữ xinh đẹp. Thật chẳng có gì đáng để xứ sở này phải lo ngại. Hơn nữa những thiếu nữ đó lại cầm cành olive, dấu hiệu của sự hòa hiếu, chân thành và sự cầu xin che chở.

Các nàng Danaïdes đồng thanh cất lời cầu xin nhà vua che chở cho cha con mình thoát khỏi cuộc hôn nhân cưỡng bức của những người con trai của Égyptos mà sớm muộn họ sẽ truy đuổi mình tới đây. Những lời cầu xin thống thiết và nước mắt của những nàng Danaïdes làm nhà vua Pélasge vô cùng xúc động. Các nàng viện dẫn đến thần Zeus người bảo vệ và che chở có uy quyền hùng mạnh nhất của những kẻ yếu kém, để cầu xin nhà vua đừng giao nộp các nàng cho những người con trai của Égyptos, đừng xua đuổi cha con Danaos. Các nàng viện dẫn đến truyền thống thiêng liêng của tổ tiên: mảnh đất Argos này vốn là quê hương của nàng Io xưa kia, người khai sinh ra dòng dõi Danaos ngày nay.

Vua Pélasge rất đỗi băn khoăn. Khước từ những lời cầu xin của những Danaïdes thật chẳng đành lòng. Nhưng chấp nhận lời cầu xin của họ thì có thể đưa đất nước này vào một thảm họa. Những người con trai của Égyptos với binh hùng, tướng mạnh sẽ tới đây dùng vũ lực để giành lấy bằng được những nàng Danaïdes xinh đẹp. Trao những nàng Danaïdes cho họ ư? Một sự vi phạm trắng trợn không thể nào dung thứ được đối với đạo luật thiêng liêng của thần Zeus và các vị thần cao quý và thế giới Olympe. Thần Zeus có thể vì trọng tội này mà nổi giận giáng tai họa trừng phạt xuống đầu con dân Argos. Pélasge thật khó nghĩ và không biết trả lời các nàng Danaïdes sao đây. Cuối cùng nhà vua khuyên Danaïdes và các con gái hãy vào thành Argos thiết lập một bàn thờ thần linh và bày trên bàn thờ lọ hoa cắm những cành olive cùng với lễ vật biểu hiện nguyện vọng xin được che chở. Còn vua Pélasge sẽ đích thân triệu tập thần dân đến hội nghị. Ông sẽ trình bày tình cảnh khó xử của ông và xin để thần dân quyết định. Ông sẽ tuân theo quyết định của thần dân để xử lý công việc này. Ông mời các nàng Danaïdes đến hội nghị và khuyên các nàng cố sức thuyết phục những con dân của đất Argos chấp nhận lời cầu xin của các nàng. Hội nghị sau khi nghe nhiều vị bộ lão cũng như nhiều dũng sĩ danh tiếng phân giải điều hơn lẽ thiệt, đã quyết định chấp nhận lời cầu xin của Danaos và những nàng Danaïdes. Đúng lúc đó, khi hội nghị vừa quyết định xong thì một sứ giả Égyptos tới. Hắn đòi nhà vua Pélasge phải trao những nàng Danaïdes cho hắn. Hắn đe dọa chiến tranh. Hắn ăn nói kiêu căng, ngạo mạn, láo xược, hơn nữa hắn còn ra lệnh cho lũ gia nô xông vào toan bắt đi một nàng Danaïdes. Vua Pélasge nổi giận ra lệnh trục xuất ngay tên sứ thần lão xược đó. Tất nhiên trước khi quay gót ra đi, tên sứ thần vô đạo không quên phun ra những lời đe dọa chiến tranh.

Thế rồi chiến tranh đã xảy ra. Vua Pélasge thống lĩnh quân binh sau nhiều trận giao tranh với quân địch, bị núng thế phải bỏ thành Argos chạy lên phía Bắc với hy vọng dùng mảnh đất rộng lớn này để nghỉ chân chờ thời phản công lại quân địch. Nhân dân Argos bầu Danaos làm vua thay Pélasge. Để tránh cho thần dân Argos phải dấn sâu vào một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài, nhà vua chấp thuận gả năm mươi nàng Danaïdes cho năm mươi người con trai của Égyptos.

Đám cưới được cử hành vô cùng lộng lẫy và sang trọng. Có lẽ trong sử sách chưa từng có một đám cưới nào to và linh đình như đám cưới này. Tiệc tan, từng đôi vợ chồng trở về phòng. Thành Argos sau những giờ phút náo động tưng bừng trong hoan lạc trở lại yên tĩnh. Nhưng rồi nếu những ai để ý lắng nghe thì thấy ở trong phòng của từng đôi vợ chồng mới cưới nổi lên những tiếng rên rỉ đau đớn quằn quại. Các nàng Danaïdes đã giết chồng? Đúng, họ đã tuân theo lời vua cha giết chồng ngay đêm tân hôn. Vua Danaos khi tiệc tan đã lén giao cho mỗi người con gái một con dao nhọn, dặn các con phải kết thúc số phận những tên chồng đã từng làm cha con nhà vua phải long đong phiêu bạt. Nhưng chỉ có bốn mươi chín nàng Danaïdes giết chồng. Còn một nàng tên là Hypermnestre không giết chồng, không giết chàng Lyncée của nàng. Có thể vì nàng cảm thấy việc làm đó là quá ư tàn nhẫn và khủng khiếp, nàng không đủ can đảm để làm một việc như thế, mặc dù biết rằng trái lệnh vua cha là một trọng tội. Nhưng đúng hơn vì nàng đã yêu mến người chồng mới cưới của nàng, yêu mến thật sự. Và khi người ta đã yêu thật sự thì từ thần Zeus trở đi cũng phải khuất phục trước uy lực của nữ thần Aphrodite.

Được biết Hypermnestre không tuân theo lệnh của mình, Danaos vô cùng tức giận. Nhà vua tống giam đôi vợ chồng này vào ngục tối và quyết định sẽ đưa ra xét xử trước tòa án của nhân dân Argos. Trước phiên tòa, nhà vua đòi phải xử tử hình để làm gương cho những người khác. Nhưng ngay khi ấy, vừa lúc Danaos nói dứt lời thì nữ thần Aphrodite xuất hiện. Nữ thần, trước tòa án lên tiếng bênh vực cho Hypermnestre. Bằng những lý lẽ của vị thần thấu hiểu trái tim yêu đương của con người, Aphrodite đã cãi cho người con gái bất tuân lệnh cha được trắng án. Và người con gái đó trở thành người vợ chính thức hợp pháp của chàng Lyncée xinh đẹp. Các vị thần trên thiên đình cũng tán thành cuộc hôn nhân này và ban cho đôi vợ chồng Lyncée-Hypermnestre những ân huệ lớn lao: con cháu, dòng dõi của họ sau này sẽ là những anh hùng vĩ đại, lập nên những chiến công hiển hách. Chính người anh hùng Héraclès với những chiến công bất tử, có một không hai của đất nước Hy Lạp thần thánh là con dòng cháu giống của Lyncée.

Đối với tội ác giết chồng của những nàng Danaïdes nhẽ ra phải bị trừng phạt nặng nề nhưng thần Zeus không muốn bắt những người con gái xinh đẹp này phải chết. Thần ra lệnh cho nữ thần Athéna và thần Hermès tẩy trừ tội ác ô uế của họ. Nhưng đó mới chỉ là một việc. Còn một việc quan trọng hơn mà nhà vua Danaos rất đỗi lo lắng. Đó là việc phải lo gả chồng cho bốn mươi chín người con gái đã can tội giết chồng. Quả thật đây là một chuyện không đơn giản, không dễ dàng. Thử hỏi có ai lại dám táo gan ngỏ lời xin kết duyên với một người con gái đã từng giết chồng? Nhưng rồi Danaos cũng nghĩ ra một kế. Ông cho tổ chức một ngày hội lớn để tưởng nhớ công ơn của các vị thần Olympe đối với nhân dân Argos. Và ở Hy Lạp xưa kia đã mở hội là tất nhiên phải có những cuộc thi đấu võ nghệ, thể dục thể thao. Mà đã thi đấu là phải có giải thưởng. Nhưng giải thưởng ở hội của Danaos mở không giống với những giải thưởng ở những hội khác. Hội Panathénées là một bình dầu olive, Hội Dionysos là một con dê, một bình Rượu nho. Còn hội do Danaos mở là một người con gái xinh đẹp. Tin Danaos mở hội với những cuộc thi đấu truyền đi khắp nơi. Mọi người, nhất là những chàng trai, hào hứng đi dự hội, để đọ sức đua tài. Bằng cách ấy Danaos gả chồng cho bốn mươi chín cô con gái êm thấm, xong xuôi.

Tuy nhiên các vị thần Olympe vẫn không thể nào quên được tội ác của những nàng Danaïdes. Sau này khi chết đi, xuống dưới vương quốc của thần Hadès, các nàng phải chịu một hình phạt xứng đáng với tội lỗi của mình. Các nàng phải đội một chiếc vò đi kín đầy nước để đổ vào một chiếc thùng lớn, đổ cho đầy. Nhưng ác nghiệt thay, chiếc thùng lớn đó lại thủng đến hàng trăm lỗ ở dưới đáy! Các vị thần đã nghĩ ra cách để trừng phạt những nàng Danaïdes. Vì thế những nàng Danaïdes đổ chẳng bao giờ đầy được cái thùng. Nhưng các nàng cứ phải làm mãi, làm mãi với hy vọng sẽ đổ đầy nước vào cái thùng. Đương nhiên chẳng bao giờ những nàng Danaïdes hoàn thành công việc đó cả. Ngày nay trong văn học thế giới, thành ngữ Chiếc thùng của những nàng Danaïdes (Le tonneau des Danaïdes hoặc Remplir le tonneau des Danaïdes) chỉ một công việc làm không biết bao giờ kết thúc, vô ích, vô nghĩa, mơ hồ, mục đích chẳng rõ mà lợi ích cũng không. Đổ đầy nước vào chiếc thùng của những nàng Danaïdes là một công việc làm dã tràng xe cát, ném đá mất tăm. Mở rộng nghĩa nó còn chỉ sự vô hạn độ, tương đương như câu Lòng tham không đáy của chúng ta.

Cũng chuyện này nhưng có những người kể hơi khác đi một chút. Nhà vua trị vì ở đô thành Argos không phải là Pélasge mà là Gélanore. Danaos cùng với năm mươi người con gái đến xin Gélanore cho nương nhờ nhưng Gélanore không ưng thuận. Gélanore cho tổ chức một cuộc tranh luận trước đông đảo nhân dân Argos để nhân dân lắng nghe ý kiến của mỗi bên, lý lẽ của mỗi bên và cuối cùng biểu quyết. Cuộc tranh luận diễn ra suốt một ngày trời mà không phân thắng bại, phải hoãn đến ngày hôm sau. Và hôm sau khi bình minh vừa ửng đỏ chân trời giữa lúc Gélanore và Danaos sắp bước vào cuộc tranh luận thì bỗng nhiên có một con chó sói từ khu rừng bên lao ra nhảy xổ vào đàn súc vật đang đi ngang qua đó. Con sói khỏe mạnh hung dữ nhanh nhẹn như một mũi lao phóng lên lưng con bò mộng và cắn chết tươi con bò. Vô cùng kinh hãi trước chuyện đột ngột này những người Argos cho đó là một điềm báo của các vị thần. Có lẽ Danaos đã được các vị thần trao cho sứ mạng trị vì đất Argos. Con sói kia cũng như Danaos, cũng từ đâu đến. Những người Argos nghĩ thế và họ quyết định phế truất Gélanore và trao ngôi báu cho Danaos, Danaos lên ngôi. Việc đầu tiên là nhà vua cho dựng một ngôi đền để tạ ơn thần Apollon, đền thờ Apollon Lycien tiếng Hy Lạp nghĩa là Apollon Chó sói, bởi vì con sói gắn với nguồn gốc tôtem từ xưa của Apollon cũng như gắn với chiến công diệt chó sói, bảo vệ đàn súc vật của Apollon.

Danaos lên ngôi giữa lúc các sông ngòi trên đất Argolide cạn khô không còn một giọt nước. Nghe đâu tai họa này là do thần Sông-Inachos và thần Poséidon có chuyện bất hòa. Tình cảnh lúc này thật vô cùng khổ sở. Đất khô cằn, cỏ cây héo hon, ủ rũ. Người ta đi múc, đi chắt từng bát nước, từng hạt nước trên những vũng bùn. Không thể kéo dài tình cảnh khổ cực này được. Danaos bèn sai các con gái đi khắp nơi tìm nước về cho nhân dân. Bữa kia, một người con gái của Danaos, nàng Amymoné đi tìm nước đến giữa chừng mệt quá, nằm ngủ thiếp đi bên vệ đường. Khi nàng đang ngủ ngon lành thì bỗng nhiên cảm thấy như có ai bế bổng mình lên. Nàng giật mình tỉnh dậy. Trời ơi! Thật khủng khiếp! Một con quỷ nửa người nửa dê, lông lá xù xì đang ôm chặt lấy thân nàng. Amymone đem hết sức ra vùng vẫy, giẫy giụa nhưng không sao thoát khỏi đôi cánh tay rắn chắc của quỷ thần Satyre đang ghì chặt lấy người nàng. Chết mất, có lẽ nàng đành phải bó tay phó mặc tấm thân trong trắng của mình cho tên Satyre gớm ghiếc này. Trong phút hiểm nghèo ấy, Amymone chợt nhớ tới thần Poséidon. Nàng cầu khấn thần hãy mau mau đến giải thoát cho mình. Vụt một cái, thần Poséidon hiện ra. Thần vung cây đinh ba giáng một đòn cực mạnh nhằm thẳng vào đầu tên Satyre. Nhanh như cắt, Satyre ngồi thụp xuống tránh đòn đồng thời cũng buông ngay Amymone ra để chạy thoát lấy thân. Thế là Amymone thoát khỏi bàn tay cường bạo của quỷ thần Satyre. Để trả ơn vị thần ân nhân của mình, nàng đã chia chăn sẻ gối với Poséidon. Đôi vợ chồng này sinh ra được một trai tên gọi là Nauplios, sau này nổi danh là một thủy thủ lành nghề, am hiểu mặt biển như lòng bàn tay.

Amymone thoát khỏi tay quỷ thần Satyre. Thật là vô cùng may mắn. Nhưng còn may mắn hơn nữa, gấp bội phần hơn nữa là đã có nước. Đòn đinh ba của thần Poséidon phóng trượt quỷ thần Satyre, lao vào vách đá, và từ vách đá vọt ra ba dòng nước, ba dòng nước ngọt mát lạnh. Từ đây nước lại cuồn cuộn chảy về tưới mát cho khắp cánh đồng xứ Argos. Chỗ này có người kể khác đi một chút, theo họ, vì Poséidon thương yêu Amymone nên đã chỉ cho nàng biết một nguồn nước ở Lerne.

Huyền thoại Những nàng Danaïdes phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai hình thái hôn nhân tập đoàn và hôn nhân một vợ một chồng. Cuộc đấu tranh đó kết thúc bằng thắng lợi của hình thái hôn nhân một vợ một chồng phản ánh sự thắng lợi của chế độ phụ quyền đối với chế độ mẫu quyền. Égyptos và Danaos cùng chung một cội nguồn, một thị tộc mẫu hệ, nếu có thể nói như thế được, mà tổ mẫu là Io. Nhưng giờ đây uy lực của chế độ mẫu quyền không còn ở thời kỳ “vàng son” của nó nữa. Chính vì thế mà Danaos và các Danaïdes chống lại. Thế nhưng, một câu hỏi đương nhiên đặt ra, nàng Hypermnestre chống lại lệnh của vua cha, không giết chồng thì sao lại có thể gọi là sự thắng lợi của quan hệ hôn nhân một vợ, một chồng? Đúng là Hypermnestre chống lại lệnh của vua cha, nhưng nàng chống lại lệnh của vua cha không phải là để trở về hình thái hôn nhân cũ. Cuộc hôn nhân của nàng, gia đình nàng là biểu hiện của một quan hệ mới: hôn nhân một chồng, gia đình một vợ, một chồng của chế độ phụ quyền.

Lại một câu hỏi nữa đặt ra: Việc những nàng Danaïdes bị trừng phạt dưới vương quốc của thần Hadès có ý nghĩa gì? Rõ ràng sự trừng phạt này khiến cho ta nghi ngờ nhận xét trên. Những kết quả nghiên cứu của khoa thần thoại học chỉ cho chúng ta rõ, sự kiện đó chỉ là một lớp huyền thoại ra đời muộn hơn, khá lâu sau này, lắp ghép vào (do tính phức hợp của huyền thoại) phản ánh quan điểm của tôn giáo Orphisme. Đây không phải là sự phủ nhận bước chuyển biến tiến bộ của một quan hệ hôn nhân mới, gia đình mới, nhằm bảo vệ chế độ mẫu quyền, mà là sự phủ nhận một hành động tàn ác. Học thuyết tôn giáo Orphisme truyền giảng sự sám hối của linh hồn con người được sạch mọi tội lỗi, vươn tới chỗ cao cả vĩnh hằng. Những tín đồ của tôn giáo này kiêng giết súc vật và ăn thịt vì thế hẳn rằng họ không thể nào chấp nhận việc giải quyết những vấn đề xã hội bằng con đường “chém giết”, “bạo lực” như hành động của những nàng Danaïdes. (Tôn giáo nào mà chẳng phủ nhận bạo lực!) Vấn đề chế độ mẫu quyền không hoàn toàn đặt ra với một học thuyết tôn giáo ra đời vào quãng thế kỷ VIII TCN, thời kỳ mà đất nước Hy Lạp đã hình thành những nhà nước chiếm hữu nô lệ với cơ chế polis.

NGƯỜI ANH HÙNG PERSÉE

Lyncée lấy Hypermnestre sinh được một người con trai tên là Abas. Lyncée được bố vợ, vua Danaos, truyền lại cho ngôi báu, kế tục sự nghiệp trị vì trên đất Argos.

Có người kể, không phải Danaos truyền ngôi mà Lyncée giết bố vợ, cướp ngôi. Sự việc này ứng với lời sấm truyền trước khi Danaos đến đất Argos. Có một lời tiên đoán của thần thánh như sau: Cuộc hôn nhân giữa năm mươi người con trai của Égyptos với năm mươi người con gái của Danaos sẽ dẫn đến một hậu quả thảm thương, một trong số năm mươi chàng rể sẽ giết bố vợ đoạt lấy ngai vàng. Chính vì lời tiên đoán này mà Danaos phải rời bỏ xứ sở đưa các con gái chạy trốn sang đất Argos, phải sai các con gái giết ngay chồng trong đêm tân hôn. Nhưng số mệnh bao giờ cũng là số mệnh, không ai có thể lẩn tránh được, trốn thoát được. Danaos cuối cùng bị Lyncée giết và cướp ngôi.

Abas trị vì ở đất Argos, nối nghiệp vua cha Lyncée, theo truyền thuyết là vị vua thứ mười hai ở đất Argos. Chàng sinh đôi được hai con trai Acrisios và Proétos. Vừa lọt lòng mẹ, lớn lên là hai anh em nhà này đã mắc phải cái thói tật buông hiềm khích, xung đột. Kế đến khi vua cha nhắm mắt hai anh em lại tranh giành ngôi báu và chẳng ai chịu ai. Mỗi người thống lĩnh một phần quân sĩ chém giết lẫn nhau. Cảnh cốt nhục tương tàn kéo dài mãi. Sau khi Acrisios chiến thắng, Proétos phải bỏ chạy sang đất Lycie ở châu Á, xin nhà vua Iobatès cho trú ngụ. Proétos tuy thất bại nhưng vẫn nuôi mộng phục thù. Được nhà vua gả con gái là nàng Sthénébée cho làm vợ và giúp đỡ, Proétos liền kéo đại binh về đất Argos đánh nhau với Acrisios chiếm được đô thành Tirynthe. Cuộc giao tranh có thể còn kéo dài chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, nếu như nhà vua Iobatès không đứng ra hòa giải. Theo cách dàn xếp của Iobatès thì hai anh em sẽ chia đôi sơn hà, mỗi người cai trị một phương, Proétos cai trị trên đất Tirynthe, còn Acrisios, trên đất Acrisios. Ranh giới của hai vương quốc là một cái thung lũng. Mệt mỏi vì đã đánh nhau quá nhiều, hai anh em bằng lòng với cách hòa giải ấy. Từ đó đất Argos chia thành hai vương triều.

Acrisios hiếm hoi, chỉ sinh được một người con gái tên là Danaé. Sở dĩ đặt tên như thế là để ghi nhớ lại tổ tiên mình là Danaïdes. Nàng Danaé lớn lên đến đâu đẹp ra đến đấy, đẹp đến nỗi khó có thể tìm được một người thiếu nữ nào của đất Argos sánh bằng. Tuy nhiên điều đó chẳng thể làm nguôi được ước muốn thiết tha của Acrisios là có một đứa con trai để nối dõi tông đường. Acrisios quyết định đến đền thờ Delphes để xin thần thánh ban cho một lời chỉ dẫn, xem mình có thể hy vọng sinh một đứa con trai để kế nghiệp được không. Lời phán truyền của thần thánh lại càng làm cho Acrisios buồn thêm, hơn thế nữa lại làm cho nhà vua lo lắng bội phần, lo lắng đến nỗi mất ăn mất ngủ. “Nhà vua sẽ chẳng sinh hạ được một đứa con nào nữa, con trai cũng không mà con gái cũng không. Nhưng con gái của nhà vua, nàng Danaé xinh đẹp sẽ đẻ ra một đứa con trai mà sau này lớn lên nó sẽ giết nhà vua”, lời phán truyền của thần thánh là như thế. Nó cứ ám ảnh đầu óc nhà vua suốt đêm ngày. Làm thế nào để ngăn ngừa tai họa đó? Giết Danaé ư? Có thể nào một người bố có đứa con gái độc nhất lại đang tâm nhúng tay vào một tội ác tày trời như thế. Nhưng không giết Danaé đi thì phải dùng cách gì để ngăn ngừa tai họa? Cuối cùng sau bao đêm ngày suy nghĩ lao lung Acrisios nghĩ ra một kế xây một căn buồng ở dưới đất, bốn bề là bốn bức tường đồng dầy. Nắng, gió, mưa và không khí chỉ có thể lọt vào căn buồng đó qua ô cửa của lớp mái mở ở bên trên, Acrisios nhốt Danaé vào trong đó. Nàng chẳng hề tiếp xúc được với ai và cũng chẳng ai biết đến nàng mà xin cầu hôn. Như vậy chắc chắn rằng không thể nào xảy ra cái tai họa như lời sấm truyền. Nhà vua có thể hoàn toàn yên tâm.

Danaé bị giam giữ dưới căn buồng không biết bao ngày bao tháng. Nàng chẳng có việc gì làm và cũng chẳng biết làm gì ngoài việc hàng ngày ngước mắt nhìn những đám mây bạc, mây vàng lơ lửng trôi qua ô cửa trên mái căn buồng. Không một trang anh hùng, không một vị hoàng tử nào biết người con gái xinh đẹp nổi tiếng này ở đó. Thế nhưng có một người biết. Đó là thần Zeus, vị thần phụ vương của thế giới thần thánh và thế giới loài người. Chẳng phải kể lể dài dòng ai ai cũng biết khi Zeus đã tỏ tường cảnh ngộ của Danaé thì ắt hẳn thần cũng phải tìm cách để... “tỏ tường đường đi lối về”. Lần này thì Zeus không cải trang thành anh chăn chiên như xưa kia mỗi lần đến gặp Sémélé. Lần này, Zeus biến mình thành những hạt mưa vàng. Một trận mưa vàng và những giọt mưa đó lọt qua mái của căn buồng rơi vào lòng Danaé. Ít lâu sau Danaé thụ thai. Sự thụ thai thần kỳ này khiến cho Danaé không thể nào nghĩ được rằng bố của đứa bé nàng mang trong lòng, lại là một người trần thế. Chỉ có thể là một vị thần. Và vị thần đó chỉ có thể là Zeus.

Thế rồi Danaé sinh ra một cậu con trai. Nàng đặt tên con là Persée. Chẳng rõ Danaé nuôi con trong nhà hầm được bao ngày thì vua Acrisios biết. Bữa kia nghe tiếng trẻ khóc dưới căn nhà hầm, Acrisios vội chạy xuống xem thực hư thế nào. Đến nơi, nhà vua thấy con gái mình đang bế một đứa bé trong lòng mặt liền biến sắc. Nhìn con gái với đôi mắt giận dữ, ông hất hàm hỏi: “Con mi đấy ư?” Nàng Danaé kính cẩn đáp lại lời cha nhưng xem ra vua cha không giữ được bình tĩnh để lắng nghe lời nàng kể rõ đầu đuôi câu chuyện. Vua cha cắt lời nàng hỏi: “Ai là cha nó?” Danaé đáp lại, giọng nói cất cao xem ra có vẻ tự hào: “Thần Zeus, đấng phụ vương của các thần và những người trần thế”. Nhưng Acrisios không tin, hay thực ra ông ta không hề quan tâm là Danaé đã sinh ra một đứa con trai; và đứa con trai này, theo như lời sấm truyền, sẽ giết chết Acrisios. Bây giờ chỉ có cách thanh trừ ngay cái mối hậu họa này. Nhưng cũng như lần trước Acrisios không thể đang tâm giết chết con gái thì lần này Acrisios lại không thể nhẫn tâm mà giết chết hai mẹ con. Song phải nghĩ cách giải trừ mối lo. Nhà vua sai người đóng một chiếc hòm gỗ thật to đủ để nhốt hai mẹ con Danaé vào trong đó. Một con thuyền chở chiếc hòm và thả nó xuống mặt biển. Như vậy sóng gió của Đại dương sẽ nuốt gọn chúng đi và nhà vua khỏi trực tiếp nhúng tay vào tội ác. Một lần nữa sự lo toan của nhà vua lại trở nên vô ích. Sóng gió của Đại dương đưa chiếc hòm trôi đi. Hai mẹ con cứ ở trong chiếc hòm kín mít, bồng bềnh trôi nổi trên những ngọn sóng. Danaé ôm chặt con vào lòng, luôn miệng cầu khấn thần linh cứu mẹ con nàng thoát cơn nguy hiểm. Nàng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cầu khấn. Một con sóng dâng chiếc hòm lên cao rồi đổ xuống. Hai mẹ con nghiêng ngửa lăn lộn trong chiếc hòm. Con sóng đổ xuống rồi rút đi quăng chiếc hòm lên một bãi cát. Chiếc hòm nằm im bất động. Và thế là hai mẹ con Danaé thoát chết.

Số mệnh đã định trước, không muốn để hai mẹ con Danaé chết. Hơn nữa có thể nào thần Zeus lại để cho người thiếu nữ nhan sắc đã đón nhận, tiếp nhận ân huệ của thần lại bị chết. Đúng thế, và một buổi sáng kia như thường lệ, lão ngư ông Dictys già nua và nghèo khó ra khơi đánh cá. Đứng trước mũi thuyền lão đưa tay ngang mặt che ánh mặt trời cho khỏi chói mắt và sắp quăng mẻ lưới đầu tiên. Nhưng kìa xa xa có một vật gì đen đen đang dập dờn trên mặt nước. Xác chết của một con cá voi hay một con đại bàng? Hay là một hòm châu báu của một gã thương nhân xấu số nào đã gửi thân và cơ nghiệp cho biển cả sau một trận phong ba? Một con sóng lớn xô đến và thế rồi như ta đã biết, cái vật đen đen trôi nổi trên mặt biển mà lão Dictys theo dõi, bị quăng vào bãi cát. Lão Dictys vội chèo thuyền vào bờ, tìm đến xem nó là vật gì cho thỏa trí tò mò: thật lạ lùng! Một chiếc hòm kín mít khá to, nhưng xem ra không phải là một hòm châu báu. Nếu thế thì nó đã chìm nghỉm dưới đáy biển sâu chứ chẳng thể trôi nổi bồng bềnh trên mặt sóng. Lão thử phá chiếc hòm ra xem sao. Thật không sao nói hết được nỗi kinh hoàng của lão. Một thiếu phụ và một em bé! Đặt tay lên thi thể hai người lão thấy còn ấm nóng. Lão mừng quá, vội chạy đi tìm chút nước ngọt về cho hai mẹ con uống, và khi hai mẹ con đã tỉnh lại liền đưa về nhà. Từ đấy hai mẹ con Danaé sống với hai vợ chồng ông lão đánh cá: bà lão Dictys nuôi nấng, chăm sóc hai mẹ con Danaé như nuôi nấng chăm sóc con cháu trong nhà, nhất là đối với chú bé Persée. Cuộc đời của đôi vợ chồng ông già đánh cá nghèo hèn vì thế cũng bớt phần hiu quạnh. Năm này qua năm khác chú bé Persée đã trưởng thành. Mẹ chú chẳng có ước mong gì cao xa ngoài ước mong được thấy chú khỏe mạnh, ngày ngày ra khơi cùng với lão ông Dictys và trở về với một khoang thuyền đầy cá. Còn Persée, trong lòng vẫn ghi nhớ công ơn của ông lão. Chàng Persée (lúc này Persée đã là một trang thanh niên tuấn tú) chỉ biết ra sức làm việc để giảm bớt nỗi khó khăn, nhọc nhằn cho ông lão.

Persée giết ác quỷ Méduse

Cuộc sống của họ tưởng cứ thế trôi đi trong sự bình dị, nghèo hèn nhưng ấm cúng cho đến suốt đời. Nhưng rủi thay, một bữa kia chẳng rõ ma đưa lối quỷ dẫn đường như thế nào mà lại xảy ra một biến cố làm chia ly cái gia đình ấm cúng, trong sạch, giản dị đó. Vua của hòn đảo họ ở, hòn đảo Sériphe, tên là Polydectès vốn là em của ông già Dictys. Nhưng hắn là một đứa em tham tàn và bạo ngược, hắn đã cướp hết gia sản của anh và chẳng thèm chú ý gì đến cuộc sống của người anh nghèo khổ đó. Được biết sống chung với người anh hắn có hai mẹ con một gia đình bất hạnh nào trôi dạt đến, người mẹ nhan sắc chưa hề tàn phai, hắn liền tức tốc đến ngay. Và khi đã thấy nhan sắc của nàng Danaé, hắn liền nảy ra một mưu đồ đen tối: “Ta phải tìm cách trừ khử thằng con của cô ta đi thì mới có thể bắt ép cô ta làm vợ được”. Hắn mời hai mẹ con Danaé vào sống trong cung điện và tiếp đãi rất nồng hậu. Hai mẹ con chẳng mảy may nghi ngờ gì về cách cư xử đầy tấm lòng quý người trọng khách của hắn.

Một hôm Polydectès cho mời Persée tới dự một bữa tiệc vô cùng trọng thể gồm đủ mặt văn võ bá quan. Giữa tiệc, Polydectès đứng lên hỏi các quần thần, một câu hỏi xem ra rất bình thường nhưng thật ra chứa đầy thâm ý:

- Này hỡi văn võ bá quan? Ta sắp có chuyện vui mừng. Các người hãy chọn dâng ta một lễ vật gì cho xứng đáng, phải nhớ là một lễ vật gì cho xứng đáng với ta, một vị vua đầy quyền thế đang cai quản hòn đảo Sériphe thần thánh.

Các quần thần nhìn nhau một lát rồi một vị đứng lên trả lời:

- Muôn tâu thánh thượng! Lễ vật xứng đáng theo kẻ hạ thần không thể gì hơn là chọn dâng thánh thượng một con chiến mã cực tốt.

Polydectès nghe xong, trầm ngâm suy nghĩ rồi nói:

- Đúng, một con chiến mã hoặc một đôi chiến mã là một tặng phẩm quý giá. Nhưng ta muốn có một tặng phẩm có lợi cho cuộc sống của dân lành.

Trong đám quân thần nổi lên tiếng xì xào:

- Ác quỷ Gorgone.

Nhà vua nghe tiếng xì xào ấy, gật gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Nhưng trong đám quần thần không một ai dám đứng lên xin dâng vua tặng phẩm ấy. Chính trong lúc ấy Persée đứng lên dõng dạc nói:

- Một con chiến mã cực tốt chỉ là một lễ vật tầm thường. Nếu nhà vua cho phép, kẻ hạ thần này xin đem dâng đầu của ác quỷ Gorgone để đền đáp tấm lòng thương yêu dân lành của nhà vua và để khỏi ô danh Persée này.

Polydectès vui mừng khôn xiết. Y đưa tay lên ngực nghiêng đầu biểu lộ sự tán thưởng cảm ơn. Y nói:

- Persée! Con hãy chứng tỏ con đích thị và xứng đáng là con của thần Zeus. Ta sẽ luôn luôn cầu khấn đấng phụ vương Zeus và các vị thần Olympe phù hộ cho con. Ta tin chắc rằng thần Zeus lúc nào cũng luôn luôn ở bên con, giúp đỡ con vượt qua mọi khó khăn, hiểm nghèo để con lập được những chiến công lẫy lừng, bất diệt.

Đến đây ta phải kể qua về ác quỷ Gorgone để mọi người cùng biết và từ đó mới có thể thấy hết được nỗi nguy hiểm mà Persée sắp phải đương đầu. Gorgone là tên gọi chung cho ba chị em một con ác quỷ mà ai nghe đến tên chúng, chỉ nghe đến tên chúng thôi, cũng đủ rùng mình sởn gáy. Trong số ba chị em lũ quỷ này thì Méduse là con quỷ hung dữ nhất nhưng cũng là con quỷ trẻ nhất và có thể đánh chết được, còn hai con kia thì bất tử. Chúng là con gái của Phorcys, cháu của Pontos và Céto, chắt của Okéanos. Không thể tưởng tượng được hết vẻ quái dị khủng khiếp khi ta nhìn thấy hình thù của lũ quỷ này. Đầu của chúng có một đàn rắn độc quấn quanh như một vành khăn. Những con rắn này lúc nào cũng ngóc đầu lên tua tủa, nhe nanh há miệng, rãi rớt ròng ròng, sẵn sàng cắn mổ vào bất cứ ai đụng đến chủ nó. Miệng ác quỷ thè lè ra hai cái răng nanh nhọn hoắt như răng lợn lòi, như sừng tê giác. Tay chúng bằng đồng, móng sắc hơn dao. Kẻ nào vô phúc sa vào cánh tay ấy thì chỉ nói đến việc gỡ ra cho thoát cũng khó chứ đừng nói gì đến việc vung gươm khoa dao chém lại chúng. Chúng có đôi cánh bằng vàng để có thể bay lượn trên không, tiến thoái, lên xuống nhẹ nhàng khi giao chiến. Song đó cũng chưa phải là điều đáng sợ nhất. Cái làm cho mọi người kinh hãi hơn hết là đôi mắt nảy lửa của chúng. Đôi mắt đỏ ngầu lúc nào cũng ngùn ngụt bốc lửa, hễ nhìn vào ai là lập tức người đó biến thành đá. Vì thế đã từ bao lâu lũ ác quỷ hoành hành mà chẳng ai dám bén mảng đến gần. Và cũng chưa hề có người nào nghĩ, dám nghĩ đến việc diệt trừ chúng để cứu dân lành thoát khỏi một tai họa khủng khiếp.

Persée ra đi nhưng không dám nói cho mẹ biết. Chàng lên một con thuyền sang đất Hy Lạp vì theo chàng chỉ có đến nơi đây thì chàng mới có thể tìm hỏi được đường đi tới hang ổ của lũ ác quỷ Gorgone. Persée trước hết đến đền thờ Delphes để cầu xin một lời chỉ dẫn. Nhưng chàng chỉ được viên nữ tư tế nói cho biết chàng phải đi tới xứ sở của giống người không sống bằng lúa mì mà chỉ sống bằng hạt dẻ. Chàng lại tới Dodone, xứ sở của những cây sồi để nghe chúng truyền đạt lại những lời phán bảo của Zeus. Song cũng chẳng có gì rõ hơn, Persée chỉ còn cách tới xứ sở của những người Selle chỉ biết ăn hạt dẻ. Chàng ra đi ruột gan bời bời những câu hỏi: “Đi đâu? Đi nẻo nào? Đường nào? Làm cách nào để diệt trừ được ác quỷ?” Chàng tin ở sức mạnh và trí tuệ của mình nhưng chàng cũng tin vào sự giúp đỡ của các vị thần Olympe, vì những cây sồi ở Dodone đã cho chàng biết các vị thần luôn che chở và bảo vệ chàng thoát khỏi tai họa. Vì quả thật như vậy, các vị thần Olympe không thể nào để cho người con trai của Zeus bị ác quỷ phanh thây, hút máu, những dòng máu người nóng hổi mà chúng rất thèm khát. Thần Hermès, người truyền lệnh nhanh hơn ý nghĩ và nữ thần Athéna, người nữ chiến binh, con của Zeus, đã kịp thời xuống trần giúp Persée vượt mọi khó khăn. Trước hết Hermès chỉ cho Persée biết chàng phải đi qua những nơi nào để tới được chỗ ở của các quỷ Gorgone. Chàng phải đi qua bao xứ sở xa lạ, vượt qua bao núi non trùng điệp, biển rộng sông dài song không phải đã tới ngay được nơi chàng muốn đến. Muốn tới được sào huyệt của lũ quỷ Gorgone, chàng phải bắt được ba con quỷ Greée, vốn là chị ruột của lũ Gorgone, khai báo cho biết tỏ tường đường vào hang ổ của lũ em chúng bởi vì lũ quỷ Greée được Gorgone trao cho nhiệm vụ trấn giữ đường vào. Đây là ba con quỷ già ở tận một vùng đất xa xôi mà chưa mấy ai biết đến. Nơi đây tối tăm mù mịt chẳng có ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Quanh năm bầu trời lúc nào cũng mờ mờ xam xám như buổi hoàng hôn của mùa đông rét mướt. Người ta gọi là xứ sở của Bóng tối. Có điều kỳ lạ là ba chị em lũ quỷ già Greée chỉ có chung một con mắt và một chiếc răng vì thế chúng phải thay nhau dùng mỗi con một lát. Thân chúng như hệt con thiên nga, tóc thì bạc trắng và nói chung chẳng có gì đáng sợ. Biết được đường đi cũng chưa phải là xong, Persée còn phải bắt lũ quỷ già này khai báo cho biết chàng cần phải có những vũ khí gì, như thế nào, tìm ở đâu, để có thể bước vào cuộc quyết đấu với lũ Gorgone.

Persée đi với những điều chỉ dẫn như vậy. Trải qua nhiều ngày nhiều tháng mải miết đi, chàng đã tới được xứ sở Bóng Tối của lũ quỷ Greée. Chàng quan sát sự canh gác của chúng và suy tính cách hành động. Nấp trong bóng tối, lừa lúc chúng đổi gác tháo mắt ra trao cho nhau, chàng lao tới như một ngọn gió lốc giật phăng chiếc mắt đang còn ở trên tay một con Greée. Cả lũ kêu rống lên sợ hãi. Mù mất rồi, ôi thôi chẳng còn trông thấy gì nữa. Lợi dụng luôn tình thế đó, Persée đoạt luôn cả chiếc răng duy nhất của chúng, lũ quỷ chỉ còn biết kêu khóc van xin Persée trả lại cho chúng hai báu vật đó. Thế là Persée có thể đòi chúng khai báo những điều mình cần biết. Bây giờ lại bắt đầu một cuộc hành trình mới nữa đối với Persée. Chàng phải đi tới nơi ở của những nàng Nymphe phương Bắc để xin các nàng ban cho những thứ vũ khí lợi hại, cần thiết cho cuộc thử thách một mất một còn với lũ quỷ Gorgone: một chiếc mũ tàng hình của thần Hadès để Gorgone có mắt cũng như mù, một đôi dép có cánh để có thể bay lượn trên không như Gorgone, và cuối cùng một chiếc đẫy thần để có thể cho đầu ác quỷ Méduse vào đó đem về. Lại những ngày đi đêm nghỉ, lại vượt qua biết bao chặng đường dài mệt đến kiệt sức đứt hơi. Nhưng cuối cùng Persée đã xin được các nàng Nymphe phương Bắc những vũ khí vô cùng lợi hại đó.

Trước khi bước vào cuộc thử thách đẫm máu này, thần Hermès ban cho chàng thanh gươm dài và cong. Đó là một thanh gươm hiếm có. Chắc chắn rằng không một người trần thế nào lại có thể rèn được một thanh gươm rắn và sắc đến như thế. Chỉ có dùng thanh gươm này thì mới chém được vào làn vẩy cứng trên thân lũ ác quỷ. Nhưng như chúng ta đã biết, đôi mắt nảy lửa của Gorgone nhìn vào ai thì lập tức người đó biến thành đá. Vậy làm thế nào Persée có thể giết được ác quỷ nếu không nhìn vào nó, mặt đối mặt đương đầu với nó? Nữ thần Athéna sẽ giúp chàng vượt qua khó khăn này.

Như vậy công việc đã xong xuôi. Bây giờ chỉ còn việc đi thẳng tới sào huyệt của lũ quỷ Gorgone. Nhờ đôi dép có cánh, Persée có thể bay vút lên không và đi trên mây trên gió như chim bay. Chàng từ trên trời cao nhìn xuống để nhận đường. Những đô thị to đẹp là như thế mà lúc này đây trông chỉ thấy loang loáng ánh sáng lấp lánh của những hàng cột cao bằng đá cẩm thạch. Những vệt xanh to kéo dài và những dải rừng. Sông thì như một tấm lụa trắng trải ra, uốn lượn xen giữa những mầu nâu của đất. Persée, theo lời chỉ dẫn của lũ quỷ Greée, đi về phía biển. Chẳng mấy chốc biển đã hiện ra ở dưới chân chàng, xanh ngắt mênh mông với những vệt trắng nho nhỏ, chuyển động, Persée để ý tìm trên mặt biển bao la một dải đất đen. Chàng bay thấp dần xuống để khỏi bị những đám mây che mặt. Kia rồi, một dải đất đen hiện ra, nổi bồng lên trên mặt biển. Đó là hòn đảo của lũ quỷ Gorgone. Persée xà xuống như một con chim đại bàng rồi chàng lượn vòng đi vòng lại trên hòn đảo để tìm lũ quái vật. Chàng thấy chúng nằm dài trên một tảng đá to, rộng và phẳng. Chúng đang ngủ, cánh tay đồng và những vẩy đồng trên thân chúng sáng nhấp nhánh dưới ánh mặt trời. Đây là thời cơ thuận lợi nhất để Persée có thể lập được chiến công một cách dễ dàng và nhanh chóng. Persée bay vút lên cao. Chàng sợ sà xuống thấp quá lũ quỷ thấy động, tỉnh giấc ngủ thì vô cùng nguy hiểm, mặc dù chàng đã đội chiếc mũ tàng hình của thần Hadès. Nữ thần Athéna lúc này đã hiện ra. Để tránh cho Persée khỏi phải nhìn vào lũ quái vật, nữ thần giơ chiếc khiên đồng sáng loáng của mình ra. Không thể nào diễn tả được chiếc khiên đó sáng và đẹp đến như thế nào, chỉ biết nói vắn tắt, nó sáng như gương. Persée bay trên trời cao, nhìn vào tấm khiên đồng của nữ thần Athéna mà chuẩn định được đối thủ của mình ở dưới đất để giáng một đòn sét đánh. Chàng quyết định sẽ chém đầu ác quỷ Méduse vì hai con kia vốn bất tử. Nhưng Méduse là con nào mới được chứ? Thần Hermès, người chỉ đường không thể chê trách được, đoán biết được nỗi băn khoăn của chàng, vì đối với các vị thần điều đó không có gì là khó, thần bèn cất tiếng nói chỉ bảo cho chàng:

- Hỡi Persée, con của Zeus uy nghiêm! Chàng hãy dũng cảm lên lao thẳng xuống chặt ngay đầu ác quỷ Méduse là con quỷ đang nằm gần biển nhất ấy. Chàng phải chém cho chính xác kẻo nó mà tỉnh dậy thì vô cùng nguy hiểm.

Persée nhìn vào tấm khiên của nữ thần Athéna. Chàng bay một vòng hai vòng rồi ba vòng... Bất thần chàng đâm bổ xuống. Thanh gươm vung lên. Vèo một cái! Đầu ác quỷ Méduse văng ra lăn lông lốc trên mặt đất. Persée bay vọt lên cao. Nhìn vào tấm khiên sáng như gương của nữ thần Athéna, chàng biết được đầu ác quỷ ở chỗ nào. Vì thế chàng chỉ còn việc sà xuống nhặt nó cho vào chiếc đẫy thần mà tránh được phải nhìn đối mặt vào nó. Lại nói về lúc Méduse bị chặt đầu. Chiếc đầu văng ra khỏi thân. Máu từ cổ ác quỷ phun ra ồng ộc. Và kỳ lạ sao, từ cổ nó bay vụt ra một con ngựa có cánh, trên lưng ngựa là một gã khổng lồ tay cầm một thanh bảo kiếm vàng. Đó là gã khổng lồ Chrysaor và con thần mã có cánh Pégase. Cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời không hề bận tâm đến chuyện của Persée và Méduse.

Nhát gươm của Persée giết chết Méduse đã làm hai con quỷ đang ngủ giật mình tỉnh dậy. Bừng mắt ra thì chúng đã thấy xác Méduse nằm đấy, đang giãy đành đạch, máu chảy lênh láng. Chúng gầm lên tức tối và đưa mắt nhìn kẻ thù. Chúng bay lên trời tìm trong các đám mây. Chúng sà xuống đất tìm trong các đường hẻm thung lũng. Nhưng chúng chẳng thấy gì. Nhờ chiếc mũ tàng hình của thần Hadès, Persée đã ra đi ngay trước mặt chúng mà chúng không tài nào nhìn thấy.

Thế là Persée con của thần Zeus vĩ đại, đã lập được một chiến công to lớn mở đầu cho sự nghiệp anh hùng của mình, thực hiện đúng lời cam kết với Polydectès.

Persée trừng phạt Atlas

Đôi dép có cánh giúp Persée vượt qua được những chặng đường dài đầy khó khăn gian khổ một cách dễ dàng và nhanh chóng. Chẳng mấy chốc chàng đã đi được một đoạn đường khá xa, bỏ lại sau lưng hòn đảo của lũ ác quỷ Gorgone. Persée đi như gió thổi mây bay trên bầu trời cao lồng lộng. Chàng vô cùng tự hào và sung sướng về chiến công của mình. Nhưng đường về hòn đảo Sériphe, quê hương của lão ông Dictys kính yêu nơi mẹ chàng đang ngày đêm mong ngóng, thương nhớ chàng, trông đợi ngày về của chàng, còn rất xa. Chàng phải tạm dừng chân ở quê hương của vị thần Atlas. Atlas là con của Titan Japet và là anh em ruột với vị thần Prométhée. Đất nước của vị thần Atlas thật là vô cùng giàu có và tươi đẹp. Người xưa kể dù ai có mười lưỡi, mười mồm và một bộ phổi bằng đồng cũng không thể nào nói hết được sự giàu có, đẹp đẽ của nó. Đồng cỏ thẳng tắp xanh rờn, cò bay mỏi cánh. Bò béo mập, cừu lông dày, dê đàn, ngựa giống ngàn ngạt... nếu đếm thì phải mất hàng tháng, hàng năm mới xuể. Quý nhất là vườn táo vàng mà Atlas lo lắng ngày đêm canh giữ. Không phải chỉ có những quả táo vàng mà cây táo cũng là vàng, cành táo cũng là vàng, lá táo cũng là vàng, một màu vàng rực rỡ, chói lọi. Nữ thần Thémis uyên thâm tiên báo cho Atlas biết rằng sẽ có một ngày nào đó một người con của thần Zeus vĩ đại đến nơi này và đoạt mất những quả táo vàng quý báu đó. Được lời tiên báo, Atlas lo lắng đề phòng. Thần bèn cho xây ngay quanh vườn táo những bức tường cao và dày, sai gia nhân ngày đêm canh phòng cẩn mật. Xem ra như thế cũng chưa đủ yên tâm, Atlas lại còn phái một con rồng hung dữ miệng luôn phun ra lửa, trấn giữ ngay nơi cửa ra vào. Đến thế rồi mà Atlas cũng chưa hết lo lắng. Thần suy tính tốt nhất là không giao thiệp với ai, tiếp đãi, mời mọc ai. Chỉ có thế thì mới có thể ngăn ngừa được người con của thần Zeus đến.

Persée từ trời cao hạ xuống đất nước Atlas. Chàng cúi chào trân trọng vị thần chủ nhân của một xứ sở giàu có và đẹp đẽ:

- Kính chào vị thần Atlas con của Titan Japet danh tiếng! Xin ngài hãy vì truyền thống quý người trọng khách của thần Zeus mà cho ta nghỉ tạm lại nơi đây ít ngày. Ta đã mệt mỏi sau một chặng đường dài và một cuộc giao tranh. Nhưng ta đã lập được một chiến công to lớn, chặt được đầu ác quỷ Méduse, diệt trừ được một tai họa cho dân lành. Xin ngài hãy cho người con của thần Zeus vĩ đại, chàng Persée này được nghỉ tại nơi đây. Xin ngài hãy coi đó là một phần thưởng ban tặng cho chiến công của chàng.

Atlas vừa nghe Persée xưng danh là con của Zeus thì tức khắc nhớ ngay đến lời tiên báo của Thémis. Có lẽ cái ngày đó, cái ngày mà lời tiên báo nói đến là hôm nay đây. Nghĩ thế vị thần này liền xẵng giọng trả lời Persée:

- Thôi thôi, xin mời anh ra khỏi đây ngay. Ta không dễ gì để anh đem cái chiến công bịa đặt, dối trá nào đó ra mà lừa ta đâu. Cả đến cái việc anh tự xưng là con của Zeus đối với ta cũng không có nghĩa lý gì. Có đường có nẻo thì bước đi cho khuất mắt!

Nghe những lời nói đó máu trong người Persée tưởng chừng như sôi lên. Chàng không hiểu vì sao vị thần này lại có thói khinh người như thế. Tệ hại hơn nữa, Atlas lại xúc phạm đến chàng, coi chiến công to lớn của chàng chỉ là một điều bịa đặt lừa dối. Đó là một điều xúc phạm không thể tha thứ được. Chàng trừng mắt nhìn Atlas quát:

- Hỡi tên thần khốn kiếp này! Mi đã xúc phạm đến ta. Mi đã xúc phạm đến truyền thống quý người trọng khách mà thần Zeus đã ban dạy cho mi. Được, ta sẽ cho mi biết thế nào là lẽ phải và công lý.

Nói xong, Persée lôi chiếc đầu ác quỷ Méduse ở trong đẫy ra cho nhìn thẳng vào Atlas. Thế là vị thần khổng lồ Atlas biến thành những tảng đá lớn nhỏ, còn đầu là đỉnh núi. Ngọn núi Atlas cao ngất đó phải đứng đội bầu trời, chống đỡ cho vòm trời khỏi đổ ụp xuống mặt đất.

Còn Persée, chàng lại với đôi dép có cánh tung mình bay lên không trung, thần tốc thần hành hướng về hòn đảo nơi mẹ chàng đang mong đợi.

Persée cứu công chúa Andromède

Persée lại ra đi. Nhờ đôi dép có cánh chàng bay lượn như chim bằng ngang dọc trên trời xanh. Chàng bay qua đất Éthiopie. Chợt nhìn xuống đất, chàng thấy một quang cảnh rất lạ: một thiếu nữ bị xiềng chặt vào một tảng đá bên bờ bể. Cách đó một quãng khá xa, một đám người vây quanh một người đàn ông và một người đàn bà mặc tang phục. Tất cả đều nhìn hướng ra ngoài biển như đang chờ đợi một điều gì xảy ra. Người thiếu nữ bị xiềng lúc này lả người ra, đầu tóc rũ rượi. Hình như nàng đã khóc quá nhiều đến nỗi không còn hơi sức mà đứng vững được nữa. Bỗng Persée thấy trên mặt biển dội lên một cột sóng lớn, rất lớn, cao ngất như một quả núi. Khi cột sóng đổ xuống tan đi, trên mặt biển hiện ra một cái lưng đen thủi, xù xì, gai góc rồi tiến đến một cái cổ dài nghêu ngao như cổ rắn và một cái đầu dữ tợn với đôi mắt hau háu, đỏ lừ. Khi quái vật từ xa nhìn thấy người con gái bị xích vào vách đá, nó liền bơi thẳng đến phía nàng, đầu lắc lư nom rất ghê rợn. Thế là cả đám đông vang lên tiếng khóc than kêu gào vô cùng thảm thiết. Persée liền hiểu ngay ra sự việc. Chàng thấy mình cần phải ra tay ngay. Chàng rút thanh gươm dài và cong của thần Hermès ra khỏi vỏ và lao xuống. Như một con chim ưng sà xuống bắt mồi. Persée sà xuống đứng trên lưng quái vật, vung gươm. Nhát chém sấm sét của Persée tiện đứt băng cái đầu của quái vật, nó chìm luôn xuống biển, tiếp đó toàn thân to lớn, nặng nề của nó cũng từ từ chìm theo. Có người kể, Persée không kết liễu đời con quái vật bằng thanh gươm dài và cong của thần Hermès trao cho, mà bằng đầu của ác quỷ Méduse. Chàng sà xuống trước mặt con quái vật giơ ngay đầu ác quỷ Méduse. Thế là quái vật biến ngay thành đá, một hòn núi đá ở sát ngay bờ biển.

Giết xong quái vật, Persée bay ngay đến chỗ người thiếu nữ bị xiềng. Lúc này người con gái đã ngất đi vì quá sợ hãi. Chàng chặt xiềng giải thoát cho người thiếu nữ. Chàng ôm người con gái vào lòng, lay gọi nàng. Cảnh tượng diễn ra thật bất ngờ và nhanh chóng quá đỗi khiến mọi người ở bờ biển hôm đó được chứng kiến, đều bàng hoàng như vừa qua một giấc mơ. Biển khơi tung sóng như mừng rỡ với họ và gió, sóng hòa tiếng với nhau như cùng ca ngợi chiến công tuyệt diệu của người dũng sĩ đã cứu được một người thoát khỏi tay của thần chết. Một người thiếu nữ xinh đẹp thoát khỏi tay của loài thủy quái bạo tàn. Trong niềm vui vô hạn của mọi người, Persée được mẹ thiếu nữ kể đầu đuôi câu chuyện:

Người con gái vừa được cứu sống là nàng Andromède, con của vua Céphée và hoàng hậu Cassiopé trị vì trên đất Éthiopie. Chính hoàng hậu là người đã gây nên tai họa cho cô con gái yêu dấu của mình. Hoàng hậu vốn là người rất yêu con. Điều đó chẳng có gì đáng lạ. Có người mẹ nào lại không yêu con và đôi khi chỉ nhìn thấy ở con mình những nét hơn người. Điều này cũng dễ hiểu vì có ai lại đi nhìn cái khía cạnh xấu xa, hèn kém, để mà yêu bao giờ. Cassiopé cũng thế, một bữa kia bà nhìn ngắm cô con gái yêu dấu của mình trong lòng lấy làm kiêu hãnh. Bà cho rằng Andromède của bà, Andromède biết bao yêu dấu, biết bao trìu mến của bà còn xinh đẹp gấp trăm nghìn các nàng Néréides là những tiên nữ dưới thủy cung có sắc đẹp tuyệt trần. Lời nói của Cassiopé đến tai các nàng Néréides. Các nàng nổi giận nổi ghen vì những lời nói kiêu căng đó. Họ liền kéo nhau đến thần Poséidon xin thần trừng phạt Cassiopé cho hả. Chiều lòng các nàng Néréides, Poséidon phái ngay một con quái vật lên tàn phá đất đai của nhà vua Céphée. Con quỷ biển này thường bất chợt hiện lên trên mặt biển rồi xông vào đất liền giày xéo phá hoại hoa màu, mùa màng, nhà cửa, không những thế nó còn ăn thịt và bắt đi rất nhiều người sống ở vùng ven biển. Đau lòng vì tai họa làm hại sinh linh trăm họ, Céphée không biết làm gì hơn là sắm lễ vật đến đền thờ Ammon để xin một lời chỉ dẫn. Lời thần truyền phán thật ác nghiệt: Phải hiến dâng nàng Andromède cho quái vật mới thoát khỏi tai họa. Céphée thương con cố ý giấu không cho ai biết lời phán truyền ác nghiệt đó. Nhưng mọi người dân đều dò la để biết và họ đòi nhà vua phải quên tình riêng để cứu sống mọi người.

Câu chuyện và thế. Nhưng giờ đây Andromède đã thoát khỏi tai họa. Và cả đất nước Éthiopie cũng thoát khỏi tai họa. Còn nỗi vui mừng nào lớn hơn nữa. Để tỏ lòng biết ơn vị ân nhân của gia đình mình và cũng là ân nhân của trăm họ, Céphée, mặc dù Persée chưa ngỏ ý song cũng đã thầm đoán được lòng chàng, muốn trao gửi hẳn số phận Andromède cho chàng. Đến đây hẳn không cần phải kể thêm nữa vì chẳng ai là người không biết câu chuyện này kết thúc như thế nào.

Phinée mưu cướp Andromède

Đám cưới của Persée được tổ chức vô cùng trọng thể trong cung điện của nhà vua Céphée. Đây chẳng phải chỉ là ngày vui riêng của gia đình nhà vua mà còn là ngày vui chung của mọi người dân sống trên đất nước này. Khắp nơi đều treo đèn kết hoa, mở tiệc ăn mừng.

Giữa lúc bữa tiệc đang diễn ra tưng bừng vui vẻ thì có tiếng ầm ầm ngoài cửa, tiếng binh khí va chạm nhau xoang xoảng, tiếng kêu thét, tiếng hò la. rồi một người lính vẻ hốt hoảng, đẩy cửa phòng tiệc ùa vào, hét lớn:

- Phinée kéo binh đến đòi Andromède!

Cả phòng tiệc nhốn nháo, Persée đứng dậy sẵn sàng chờ đợi mọi thử thách. Vừa lúc đó thì Phinée và một đám bộ hạ đạp cửa phòng tiệc tràn vào. Tay khiên tay lao, vẻ mặt hầm hầm, Phinée đảo mắt nhìn mọi người rồi quát.

- Hỡi tên Persée láo xược! Đồ tứ cố vô thân, cha vơ chú váo ở đâu mà dám đến đây ngang nhiên cướp vợ của ta! Ta tuy chưa chính thức cưới Andromède, nhưng ta muốn cưới nàng lúc nào cũng được, vì nàng là cháu ta, tùy quyền định đoạt của ta. Khôn hồn thì mi hãy cút khỏi nơi đây, kẻo không thì đám cưới này biến thành đám tang đó!

Nhà vua Céphée đưa tay ra can ngăn Phinée. Ông dùng những lời lẽ dịu dàng thuyết phục hắn:

- Hỡi Phinée, xin ngài đừng nóng nảy! Người này đây, Persée, con của đấng phụ vương Zeus chí tôn chí kính đã được ta chọn làm con rể. Chàng đã lập được một chiến công lừng lẫy, giết loài thủy quái, cứu sống con gái ta và giải trừ cho thần dân đất nước này khỏi một tai họa nặng nề. Chàng xứng đáng là một bậc anh hùng và xứng đáng là chồng của Andromède, người con gái xinh đẹp của ta và hoàng hậu Cassiopé. Nếu ngài thật lòng yêu mến Andromède và kính trọng ta, thì sao ngài lại không chịu chia sẻ với Andromède nỗi đau buồn khi Andromède phải hy sinh thân mình làm vật hiến tế cho con quỷ biển để cứu vớt muôn dân? Sao ngài lại không đem hết tài năng siêu việt ra để diệt trừ con quái vật cứu lấy Andromède, người vợ chưa cưới của ngài? Sao ngài không trút hết nỗi căm tức và giận dữ vào con quái vật, kẻ đã cướp vợ của ngài mà lại bây giờ đến đây trút căm tức và giận dữ vào Persée, người anh hùng được toàn dân mến phục? Hỡi Phinée, xin ngài hãy tôn trọng công lý, hãy vì thần Zeus và các vị thần Olympe mà trả lại cho chúng ta niềm vui, bữa tiệc này!

Phinée chẳng nói chẳng rằng, tiến lên một bước gạt mạnh nhà vua sang một bên và bất thình lình phóng luôn mũi lao cầm trong tay về phía Persée. Ngọn lao bay vút đi và cắm phập ngay xuống cạnh Persée. Persée lập tức rút gươm và lao tới, Phinée chạy vòng sang bên kia chiếc bàn thờ thần. Persée nhổ ngọn lao của Phinée phóng theo nhưng ngọn lao không trúng Phinée mà lại đâm thẳng vào đầu một bộ hạ của hắn. Anh ta chúi xuống một cái như bị người đẩy mạnh ở đằng sau và chết sấp mặt xuống đất. Từ đỉnh Olympe nữ thần Athéna biết hết mọi chuyện. Nàng bay vút xuống cung điện của vua Céphée xông vào giữa cuộc giao chiến. Không một ai nhìn thấy nàng cả vì con mắt của người trần thế không thể biết hết được công việc của các bậc thần linh. Nữ thần khơi lên trong trái tim người anh hùng Persée, con của Zeus lòng dũng cảm. Và nữ thần luôn luôn ở bên cạnh người con của Zeus để bảo vệ cho chàng bằng tấm khiên đồng sáng như ánh mặt trời mặt trăng. Persée với cây gươm dài và cong lần lượt hạ hết dũng sĩ này đến dũng sĩ khác, bộ hạ của Phinée. Chỉ một mình chàng, chàng giao đấu với tất cả bọn chúng, hết nhóm này đến nhóm khác, khôn khéo nhanh nhẹn như một con chim ưng. Nhiều dũng sĩ và anh hùng của xứ sở Éthiopie và tùy tướng của vua Céphée, được mời đến dự tiệc hôm ấy, cũng tham gia chiến đấu và họ cũng lần lượt ngã xuống bên xác chết đẫm máu của quân thù. Cuối cùng chỉ còn lại Persée với một số ít dũng sĩ bị hàng chục tay gươm dồn về một góc phòng. Tình thế thật nguy cấp. Nhưng Persée người anh hùng con của Zeus không hề nao núng. Chàng nghĩ đến thứ vũ khí vô địch của mình. Chàng nhảy xa ra khỏi vòng vây của kẻ thù và hét lên:

- Những ai là bạn chiến đấu của ta, các anh hùng, dũng sĩ, tùy tướng của Céphée, hãy quay ngay lưng lại. Hãy quay ngay lưng lại để không nhìn thấy mặt ta!

Các bạn chiến đấu của Persée lập tức làm theo lời chàng. Còn chàng, ngay lúc ấy, thò tay vào chiếc đẫy thần lấy đầu ác quỷ Méduse ra chĩa vào mặt các địch thủ. Chỉ trong giây lát căn phòng to rộng vừa mới đây ầm ầm tiếng người, chan chát tiếng binh khí mà nay bỗng im bặt hẳn đi. Tất cả những tay kiếm của Phinée đều biến thành những bức tượng đá, mỗi người mỗi vẻ nom cứng nhắc sững sờ. Phinée thấy vậy nhắm mắt lại và quay đi một bên. Trái tim hắn giờ đây chỉ còn nỗi sợ hãi. Hắn van lạy Persée, nhưng chậm mất rồi. Persée chĩa đầu ác quỷ về phía trước mặt hắn và thét lớn:

- Trông đây, đồ hèn nhát! Mi sẽ được ở lại vĩnh viễn trong căn phòng của bữa tiệc cưới này để cho nàng Andromède, người vợ xinh đẹp của ta giữ lại được một kỷ niệm về một gã cầu hôn tầm thường và bạo ngược.

Nghe tiếng thét của Persée, Phinée đang quỳ và nhắm mắt bỗng giật mình và mở bừng mắt ra. Thế là hắn biến thành đá, một bức tượng đang khúm núm với một vẻ nô lệ và hèn nhát. Phinée trở thành một biểu tượng của thói hèn nhát, khúm núm, nô lệ.

Persée trở về quê hương

Sau khi chiến thắng oanh liệt tên Phinée cùng với đám thuộc hạ của hắn, Persée ở lại vương quốc của Céphée ít ngày. Mặc dù nhà vua và hoàng hậu có ý định trao quyền thừa kế ngai vàng và cai quản đất nước cho chàng nhưng chàng một mực từ chối. Chàng xin vua cha và hoàng hậu cho phép chàng đưa vợ về cho mẹ và lão ông Dictys.

Ở đảo Sériphe, lợi dụng lúc Persée vắng nhà, tên vua Polydectès ra sức dụ dỗ Danaé lấy hắn. Mặc cho hắn tuôn ra những lời đường mật, những lời hứa hẹn một tấc đến trời, Danaé vẫn không biểu lộ một chút thiện cảm nào với hắn. Sau nhiều ngày dụ dỗ, thuyết phục không được, hắn xoay ra dùng thủ đoạn cưỡng bức, mưu dùng đám tay sai bất lương bắt cóc Danaé về chung sống với hắn. May thay được một gia nhân tâm phúc báo cho biết, Danaé trốn ra khỏi cung điện và vào trú ngụ trong một ngôi đền thờ. Ở Hy Lạp xưa kia có tục lệ nếu ai đã vào phủ phục dưới chân bàn thờ thần của một ngôi đền, cầu xin các vị thần che chở, bảo hộ thì không một kẻ nào, dù kẻ đó có quyền cao chức trọng đến mấy đi nữa, cũng không được xâm phạm đến tính mạng của người cầu xin. Đây là một tục lệ thiêng liêng có từ bao đời trước, được nhân dân tôn thờ, gìn giữ và bảo vệ cho nên Polydectès không dám coi thường, không dám vi phạm. Nhưng hắn cho lũ thuộc hạ đầu trâu mặt ngựa bao vây ở ngoài ngôi đền, rình mò cơ hội Danaé sơ hở là bắt cóc đem về.

Persée về đến Sériphe trong tình hình như thế. Chàng vào cung điện tìm mẹ song không thấy. Được một người kể cho rõ tình hình chàng chạy ngay đến cung vua. Lúc này Polydectès đang chè chén với lũ quần thần. Bọn chúng không tên nào nghĩ rằng lại có ngày, Persée trở về, vì chúng không thể tin được rằng cái anh chàng tuổi trẻ dũng khí có thừa nhưng tay không một thứ vũ khí gì thần diệu lại có thể chiến thắng được lũ ác quỷ có bao phép lạ. Thấy Persée trở về, cả bàn tiệc từ nhà vua cho đến lũ quần thần đều sửng sốt. Persée kính cẩn cúi chào nhà vua rồi nói:

- Muôn tâu bệ hạ! Kẻ hạ thần này đã thực hiện được lòng mong muốn của bệ hạ: diệt trừ được ác quỷ Gorgone, xóa bỏ được một tai họa cho đời sống dân lành.

Nói xong chàng cho tay vào chiếc túi thần lôi chiếc đầu của con quỷ Méduse ra, giơ ra trước mặt mọi người cho họ xem. Và mọi người đã trông thấy rõ đầu con quỷ Méduse. Đó là lần đầu tiên trong đời họ trông thấy đầu một con quỷ ghê sợ đến như thế nhưng cũng lại là lần cuối cùng. Loáng một cái thôi không một tiếng động mạnh nào làm chói tai ai. Gió vẫn thổi, mây vẫn bay, trời vẫn nắng, chim chóc vẫn ca hót song tên vua Polydectès và lũ quần thần thì đã biến thành vật vô tri vô giác, câm tịt, câm như một hòn đá rồi.

Persée đến ngôi đền thờ đón mẹ về. Lũ thuộc hạ của Polydectès bao vây quanh ngôi đền thờ thấy Persée đến thì không còn hồn vua nào cả. Đứa thì bỏ chạy, đứa thì bị Persée kết liễu bằng một nhát gươm, đứa thì phủ phục giập đầu lạy xin tha tội. Persée đón mẹ về cung điện. Chàng không quên đón lão ông và lão bà Dictys tới cùng hưởng niềm vui của ngày hàn huyên đoàn tụ của mẹ con chàng. Mọi việc trở lại ổn định và yên lành. Cuộc sống của những người lương thiện qua cơn sóng gió lại sum họp với nhau rất đầm ấm. Lão ông Dictys lên làm vua thay Polydectès. Danaé bấy giờ đã có tuổi. Bà rất vừa lòng về nàng dâu của bà: vừa nết na hiếu thảo lại vừa xinh đẹp. Bà thầm cảm ơn Số mệnh và thần thánh đã ban cho con trai bà niềm hạnh phúc hiếm có như vậy.

Persée sau khi công thành danh toại, gia thất yên bề bèn ngỏ ý với mẹ trở về thăm quê hương Argos. Chim tìm tổ người tìm tông, điều đó chẳng có gì lạ, mặc dù cảnh ngộ của họ xưa kia lúc rời quê hương có chuyện chẳng vui trong lòng. Nhưng cũng chính vì thế mà họ lại càng khao khát trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn xưa kia. Danaé đã nuôi ý định ấy từ lâu trong lòng. Nay thấy con bày tỏ nguyện vọng trúng ý mình bà vô cùng mừng rỡ. Thế là ba mẹ con lên đường trở về Argos.

Trước khi lên đường về thăm đất Argos, Persée trao trả lại cho các vị thần những vũ khí kỳ diệu, những vũ khí đã giúp chàng lập được những chiến công ích nước lợi dân. Chàng trả thanh gươm dài và cong cho vị thần Hermès, đôi dép có cánh và chiếc đẫy thần cho các tiên nữ Nymphe phương Bắc, chiếc mũ tàng hình cho vị thần Hadès. Còn đầu ác quỷ Méduse chàng hiến dâng cho nữ thần Athéna. Nữ thần Athéna đã lấy đầu ác quỷ đem gắn lên tấm áo giáp của mình. Có người nói, nữ thần gắn vào chiếc khiên đồng sáng như ánh mặt trời mặt trăng chứ không phải gắn vào áo giáp hộ tâm.

Tin Persée về Argos làm ông chàng, nhà vua Acrisios, vô cùng lo ngại. Lời sấm truyền như còn văng vẳng bên tai. “Biết đâu chuyến này Persée về là để giết mình”. nhà vua già nghĩ thế. Ông lặng lẽ rời bỏ vương triều của mình trốn sang trú ngụ ở xứ Larissa, một địa phương ở đất Thessalie rất xa Argos. Persée về không gặp được ông, Danaé không gặp được bố, triều đình không người cầm đầu cai quản, Persée bèn lên làm vua, thay ông kế vị.

Bữa kia nhà vua xứ Larissa tên là Teutamidès mở hội để tưởng nhớ tới người cha già quá cố năm xưa. Hội lễ khá to và thu hút đông đảo thanh niên trai tráng các vùng xung quanh tới dự. Vì người Hy Lạp xưa kia vốn ưa chuộng thể dục thể thao võ nghệ cho nên mỗi dịp mở hội là mỗi dịp để thanh niên trai tráng thi đấu đua tài đua sức nhằm giành lấy những phần thưởng vinh quang. Biết tin ấy, Persée chuẩn bị lên đường. Làm sao mà chàng có thể bỏ qua được một dịp thi đấu để chứng tỏ tài năng và sức mạnh của một người anh hùng, con của đấng phụ vương Zeus.

Cuộc thi đấu diễn ra sôi nổi từ sáng sớm, Persée thi ném đĩa. Tiếng loa xướng danh các đấu thủ vang lên. Đến lượt chàng, Persée chạy ra giữa thao trường, cầm đĩa, cong người, vặn mình lấy đà. Dưới ánh mặt trời thân hình cân đối gân guốc của chàng nổi lên loang loáng như một pho tượng bằng đồng bóng nhẫy. Vút một cái! Chàng ném đĩa đi. Chiếc đĩa vừa bay ra khỏi tay chàng, liệng trên không, đã làm mọi người xem trầm trồ đoán chắc phần thắng về tay chàng. Nhưng kìa, sao không thấy loa truyền kết quả, mà lại thấy đám người xem tản ra rồi xúm xít lại một chỗ. Ôi, thật trên đời này ai học được chữ ngờ! Chiếc đĩa của Persée ném bay đi quá xa và rơi vào đầu một người xem làm ông ta chết ngay, chết ngay tại chỗ không nói được câu nào. Đó chính là ông của Persée, nhà vua Acrisios.

Đau xót về chuyện không may đó mà chính mình là tội phạm, Persée chỉ còn cách tổ chức lễ tang rất trọng thể để bày tỏ tấm lòng thành kính và hối hận đối với người ông xấu số. Chàng không dám trở về đất Argos nhìn lại mảnh đất quê hương thân yêu va tiếp tục sự nghiệp của ông mình nữa. Nhưng chàng trao đổi vương quốc của mình lấy vương quốc của Mégapenthès, một người chú của chàng. Mégapenthès là con của Proétos trị vì ở xứ Tirynthe. Và thế là từ đó Mégapenthès trị vì ở xứ Argos, còn Persée ở Tirynthe. Con cháu của hai người này nối đời kế nghiệp, dựng xây đất nước mỗi ngày một tươi đẹp hùng cường, trong số những con cháu của Persée thì người nổi danh hơn cả, vinh quang chiến công lẫy lừng khắp năm châu bốn biển là chàng Héraclès mà người La Mã gọi là Hercules. Chàng là con của thần Zeus vĩ đại và người thiếu nữ trần tục Alcmène xinh đẹp.

Gia hệ người anh hùng Persée

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

NGƯỜI ANH HÙNG HÉRACLÈS

Vua Électryon vốn là con của Persée và Andromède, trị vì đô thành danh tiếng Mycènes, vợ của nhà vua là nàng Anaxo xinh đẹp đã sinh ra cho nhà vua được chín trai và một gái. Cuộc sống đang yên lành, hạnh phúc thì bỗng đâu sinh chuyện rắc rối. Những người con trai của vua Ptérélas, thường gọi là những bộ lạc Télébos hoặc Taphiniens, bữa kia đến đòi lại ngôi báu. Theo họ thì đô thành Mycènes này và vùng lãnh thổ rộng lớn này xưa kia vốn là của Mestor, vị tổ phụ của họ. Électryon bác bỏ những yêu sách vô lý đó. Từ đó những người Télébos đem lòng thù oán. Họ lập mưu phá hoại vương quốc Mycènes. Trong một cuộc mai phục, những người Télébos đã giết chết tám người con trai của Électryon. Nhà vua chỉ còn lại một trai tên là Licymnios và một gái là Alcmène. Không phải chỉ có thế. Họ còn cướp hết những đàn gia súc nhiều sữa đông con của nhà vua. Căm giận tột độ quân ăn cướp, nhà vua treo giải: ai lấy được gia súc cho vua thì sẽ được gả công chúa cho làm vợ.

Thuở ấy, ở đô thành Tirynthe có chàng trai Amphitryon, con của vua Alcée nổi danh là một chàng trai tuấn tú, võ nghệ cao cường. Nghe tin nhà vua xứ Mycènes treo giải như thế, chàng bèn lên đường ngay để chấp nhận cuộc thử thách. Vả lại chàng cũng đã đem lòng thương yêu Alcmène từ lâu mà chưa có dịp bày tỏ. Thì đây, cơ hội này là một dịp để chàng tỏ rõ mặt anh tài. Về việc đoạt lại đàn gia súc, Amphitryon thực hiện một cách quá dễ dàng, không phải đổ một giọt mồ hôi. Chàng dò hỏi biết được những người con của Ptérélas đem gửi đàn gia súc cướp được ở nhà vua xứ Élis, chàng chỉ việc đến đó xin về sau khi dâng nhà vua một số lễ vật hậu hĩ để làm của chuộc. Được tin Amphitryon đang lùa đàn gia súc về, vua Électryon vô cùng sung sướng. Nhà vua thân chinh ra đón Amphitryon và xem đàn gia súc đang đồn lại trên bãi. Không may một con bò trái tính trái nết bỗng vùng ra khỏi đàn bỏ chạy. Amphitryon vội đuổi theo. Sẵn trên tay đang cầm một chiếc gậy, chàng vung lên ném mạnh vào đầu nó. Chiếc gậy bay trúng vào sừng con bò rồi văng ra. Và thật rủi ro, chiếc gậy văng ngay vào đầu nhà vua. Nhà vua giơ hai tay ôm đầu loạng choạng rồi ngã vật xuống, tắt thở. Thật là oan trái xiết bao! Phạm trọng tội như thế thì chỉ còn cách trốn biệt sang một xứ sở khác. Amphitryon ngỏ ý muốn nàng Alcmène cùng đi với mình. Alcmène đòi chàng phải hứa trả thù cho các anh nàng, nàng mới ưng thuận. Tất nhiên Amphitryon vẫn nhớ đinh ninh rằng chàng vẫn chưa hoàn thành sứ mạng. Chàng quyết tâm trả được món nợ máu của gia đình Alcmène để Alcmène vui lòng, và cũng là để thỏa mãn vong linh vua Amphitryon xấu số, và hơn nữa, để xứng danh là một dũng sĩ.

Hai vợ chàng Amphitryon đến thành Thèbes xin nhà vua Créon cho nương náu. Vua Créon sẵn sàng chấp nhận song với một điều kiện: Amphitryon phải diệt trừ được một con cáo đã thành tinh do thần Dionysos phái xuống phá hoại vùng Teumesse. Với sức mạnh và tài ba của mình, Amphitryon đã hoàn tất sứ mạng đó mà không phải hao tài tốn sức gì nhiều. Créon giúp đỡ Amphitryon mở cuộc viễn chinh sang đảo Taphos, nơi dung thân của nhà vua Ptérélas. Cuộc vây đánh kéo khá dài vì đô thành của vị vua này vô cùng kiên cố, hơn nữa nhà vua vốn là con của thần Poséidon nên được thần ban cho một bảo bối: đó là một sợi tóc vàng trên đầu như một tấm bùa hộ mệnh. Nhờ có sợi tóc này mà trong cuộc giao tranh với Amphitryon có lúc Ptérélas đã bị trúng gươm, trúng tên mà lại bình phục ngay tức khắc. Nếu như không có con gái của nhà vua tên là Comaitho giúp đỡ thì chắc chắn Amphitryon không thể nào giành được thắng lợi. Công chúa Comaitho đã vì tình riêng quên hiếu nghĩa. Nàng thầm yêu trộm nhớ chàng Amphitryon tài giỏi. Nàng phản lại cha, cắt sợi tóc vàng, hy vọng nhờ món quà quý báu đó thu phục được trái tim của Amphitryon. Nhưng không, Amphitryon không hề tỏ ra biết ơn người con gái. Chàng cho đó là tội lỗi xấu xa nhất, ghê tởm nhất. Và chàng bắt người con gái đó phải đền tội.

Thần thoại Thiên Chúa giáo cũng có một câu chuyện với môtíp “cắt tóc” tương tự như câu chuyện này. Đó là chuyện Samson và Delila. Samson là con của Thượng đế đầu thai xuống trần để lãnh sứ mạng giải phóng cho những người Israel. Vì là con của Thượng đế nên Samson có sức mạnh vô cùng khủng khiếp. Chàng, tay không xé xác sư tử, với chiếc hàm của một con lừa - báu vật của Thượng đế ban cho - Samson đã giết chết hàng nghìn quân Philistin, thoát khỏi những cuộc vây bắt, khỏi những âm mưu ám muội của chúng. Chiến công của chàng đã khiến cho quân thù vô cùng khiếp sợ do đó chàng được bầu làm thủ lĩnh của những người Israel. Samson lấy Delila làm vợ. Quân Philistin mua chuộc Delila để nàng dò hỏi chồng xem cội nguồn sức mạnh của chồng là ở đâu và đâu là nơi hiểm yếu. Samson ngay thật nói cho vợ biết: sức mạnh bất tử của chàng bắt nguồn từ bảy giẻ tóc trên đầu. Nếu những giẻ tóc đó bị cắt đi thì chàng sẽ mất đi sức mạnh siêu phàm và không còn bất tử nữa. Chàng sẽ như bất cứ một người bình thường nào khác. Biết được điều bí mật, quân Philistin bao vây nhà Samson. Còn Samson trong lúc gối đầu vào lòng vợ ngủ đã bị vợ đem dao cạo đi những giẻ tóc “bảo bối” đó. Quân Philistin bắt sống được Samson đưa ra hành hình: khoét mắt và giết.

Trong khi Amphitryon mở cuộc viễn chinh trừng phạt sang đảo Taphos thì ở nhà thần Zeus để ý đến Alcmène. Và khi thần Zeus đã để ý thì... thôi khỏi phải bàn. Lần này thần không biến mình thành hạt mưa, anh chăn chiên, con bò, con thiên nga... mà lại biến mình thành Amphitryon, nghĩa là biến mình thành một người giống hệt như chồng của Alcmène. Và như thế làm sao mà Alcmène không mừng rỡ, không sung sướng tiếp đón người chồng từ nơi chinh chiến trở về, người chồng đã trả được mối thù cho gia đình nàng? Người xưa kể, cái đêm Zeus ái ân với Alcmène dài bằng ba ngày vì thần Zeus ra lệnh cho thần Mặt trời-Hélios không được mọc như thường lệ. Có người còn nói, đây là cuộc tình duyên cuối cùng của Zeus với người trần thế. Thôi thì người ta nói thế thì chúng ta cũng biết thế chứ còn chuyện “đạo đức”, “tư cách” của thần Zeus và thế giới thần thánh thì ai biết đâu mà kiểm tra được. Kế đến khi (chỉ ít ngày sau) Amphitryon trở về, thì... chàng rất đỗi ngạc nhiên về cách đón tiếp của vợ. Chẳng có chút gì là vồn vã, hoan hỷ đối với người chồng đi xa vừa về cả. Lạ lùng hơn nữa khi chàng thuật lại cho Alcmène nghe chuyện chiến chinh của mình thì chưa nói nàng đã biết, nàng kể lại vanh vách từ chuyện sợi tóc vàng cho đến Comaitho. Amphitryon kết tội Alcmène không chung thủy. Chàng cho lập một dàn lửa xử tội nàng phải hỏa thiêu. Nhưng thần Zeus giáng xuống một trận mưa rào dập tắt ngay. Amphitryon vô cùng kinh dị bèn cho mời nhà tiên tri mù Tirésias đến để giải đoán. Sau khi được lời giải đáp làm cho yên lòng, Amphitryon làm lễ cưới Alcmène. Và chỉ ít ngày sau đó, Amphitryon có “tin mừng”. Trên đỉnh Olympe thần Zeus cũng vui mừng ra mặt. Thần chờ đợi ngày cái “tin mừng” đó thành sự thật. Nhưng Héra thì rất khó chịu trước vẻ mừng rỡ của thần Zeus. Nàng định tâm phá, dù thế nào cũng phải phá phải làm cho Zeus mất cái bộ mặt hí ha hí hửng đáng ghét kia đi. Trong một cuộc họp các vị thần trên thiên đình, Héra bắt đầu thực thi mưu đồ của mình. Nàng nói:

- Hỡi thần Zeus giáng sấm sét và các chư vị thần linh! Chúng ta sắp chứng kiến một sự việc trọng đại. Một người con thuộc dòng dõi Persée sắp ra đời, sớm muộn chỉ trong đêm nay. Ta những muốn trước việc vui mừng này, các vị thần hãy là người bảo hộ không hề chê trách được cho dòng dõi của người anh hùng Persée. Xin thần Zeus, bậc phụ vương của các thần và những người trần thế, hãy ban cho đứa bé dòng dõi của Persée một ân huệ xứng đáng với vinh quang chói lọi mà người anh hùng diệt trừ ác quỷ Méduse, con của thần Zeus, truyền lại!

Nghe vợ nói, thần Zeus hể hả vui mừng. Thần giơ tay ra hiệu cho các chư vị thần linh chú ý lắng nghe lời thần truyền phán. Thần nói:

- Hỡi nàng Héra có đôi mắt bò cái và cánh tay trắng muốt. Từ trước tới nay ta chưa từng bao giờ được nghe những lời khôn ngoan và chí tình chí nghĩa của nàng như vậy. Nàng đã nói những lời trúng với điều ta nghĩ trong trái tim ta. Đúng, ta sẽ ban cho đứa bé dòng dõi Persée sau này lớn lên sẽ là một vị vua đầy quyền thế thu phục lại trong tay thiên hạ của khắp đất nước Hy Lạp thần thánh này.

Héra nói:

- Hỡi thần Zeus người dồn mây mù và giáng sấm sét! Ta chẳng thể nào tin được vào lời thần nói. Biết bao việc thần đã hứa với ta mà thần chẳng hề làm. Vậy nếu thật tâm thần yêu quý đứa con của dòng dõi Persée muốn ban cho nó ân huệ để xứng đáng với ông cha nó thì xin thần hãy làm đúng như lời mình đã phán truyền.

Và thế là thần Zeus phải viện dẫn nước của con sông âm phủ Styx ra để thề nguyền trước mặt các chư vị thần linh trong cuộc họp hôm đó rằng đứa con dòng dõi của Persée ra đời sẽ được quyền cai quản thiên hạ. Cẩn thận hơn nữa thần còn nhấn mạnh, đứa bé nào thuộc dòng dõi Persée sinh ra trước nhất trong đêm nay thì sẽ trở thành một vị vua đầy quyền lực. Tại sao Zeus lại phải nhấn mạnh đến việc đứa bé nào sinh ra trước nhất? Đó là vì trước khi nàng Alcmène làm lễ thành hôn với chồng thì thần Zeus đã giả làm chồng của Alcmène ân ái với nàng. Theo lời phán truyền của một nhà tiên tri, Alcmène sẽ sinh ra hai đứa con trai, một là con của Zeus và một là con của Amphitryon. Zeus, tin rằng đứa con của mình với Alcmène sẽ ra đời trước nhất. Nhưng lần này cũng như mấy lần trước, Zeus lại “thấp cơ thua trí đàn bà”. Nữ thần Héra biết chuyện lăng nhăng của Zeus với Alcmène nhưng cứ vờ tỏ ra như không biết. Và ngay sau cuộc họp, nữ thần lập tức rời đỉnh Olympe xuống trần. Nữ thần đi đâu? Nữ thần bay xuống ngay đô thành Mycènes đất Argos nơi có vợ chồng Sthénélos và Nicippe cư ngụ. Héra xuống đó để làm gì? Để làm cho nàng Nicippé sinh ra một đứa con trai trước Alcmène, vì chồng Nicippé, chàng Sthénélos vốn là con trai của Persée. Lúc này Nicippé mới có mang bảy tháng. Nhưng không sao. Với tất cả tài năng của một vị nữ thần bảo hộ cho việc sinh nở và các bà mẹ và trẻ em, Héra đã đỡ cho Nicippé được mẹ tròn con vuông. Và thế là một đứa bé tên là Eurysthée, cháu nội của Persée, cất tiếng khóc chào đời. Sau đó mới đến nàng Alcmène sinh đôi, hai đứa con trai, Héraclès và Iphiclès.

Làm xong công việc dưới trần, nữ thần Héra bay ngay về đỉnh Olympe. Lúc này thần Zeus đang chờ tin vui bay đến. Nhưng thần Hermès đi công cán về trịnh trọng báo cho đấng phụ vương Zeus và các chư vị thần linh biết: trong đêm vừa qua có hai bà mẹ đã sinh ra ba đứa con trai dòng dõi của Persée. Đứa sinh ra trước tiên là Eurysthée, con của Sthénélos và Nicippé. Thần Zeus mặt mũi đang rạng rỡ bỗng biến sắc ỉu xìu. Nữ thần Héra lòng đầy hồ hởi lên tiếng:

- Hỡi Zeus và các chư vị thần linh! Đêm vừa qua Eurysthée con trai của Sthénélos và Nicippé ra đời trước tiên. Như vậy, thể theo ý muốn của thần Zeus, dòng dõi Persée phải có người kế nghiệp, và người kế nghiệp đó như Zeus đã lựa chọn là Eurysthée!

Đến đây thì Zeus mới biết rằng mình bị sa vào bẫy của Héra. Thần vô cùng căm tức nhưng không làm sao thay đổi được lời hứa thiêng liêng. Thần giận mình đã lầm lẫn đến mức tai hại như thế. Tại sao thần lại không biết rằng Persée có nhiều con, đâu phải chỉ có mỗi Alcmène là cháu gái? Nhưng làm thế nào được. Nếu Zeus nói rõ rành rành ra rằng đứa bé con của Alcmène sẽ là một vị vua đầy quyền uy thì chẳng khác chi thú nhận tội lỗi trước Héra. Zeus buộc phải nói, đứa bé thuộc dòng dõi của Persée. Và có thế mới nên chuyện chứ? Thế mới biết Héra quả là người đàn bà trí lực, mưu thâm, đâu có phải là con người “sâu sắc như cơi trầu đầy”!

Zeus tức vô cùng. Thần trút sự giận dữ, căm uất của mình vào nữ thần Lầm lẫn-Até. Chỉ tại cái con quái này mà bao dự tính của thần thánh cũng như người trần đảo lộn lung tung. Tính một đằng lại làm ra một nẻo! Zeus uất quá túm ngay lấy tóc của nữ thần Lầm lẫn-Até quẳng xuống trần và ra lệnh cho các chư vị thần linh từ nay cấm cửa cái con mụ ấy không cho nó trở lại thế giới Olympe.

Thật ra lúc đầu Héraclès được cha mẹ đặt tên cho là Alcide. Thần Zeus tuy bị Héra làm hỏng ý đồ nâng đỡ đứa con trai của mình song không vì thế mà nản chí. Thần vẫn luôn luôn theo dõi để giúp đỡ con mình. Bữa kia nhân lúc Héra ngủ say, thần Zeus bèn ra lệnh cho thần Hermès xuống trần bế ngay chú bé Alcide lên thiên đình. Và Hermès đem Alcide đặt nhẹ nhàng vào lòng Héra để bú trộm. Vì có bú được sữa của Héra nghĩa là sữa của một vị nữ thần bất tử thì sau này chú bé Alcide mới bất tử. Nhưng bất chợt Héra tỉnh dậy và nàng đẩy phắt đứa bé ra khỏi lòng. Muộn quá mất rồi, Alcide bú đã gần no. Alcide rời miệng khỏi vú Héra. Một dòng sữa từ vú Héra chảy theo và tràn ra bầu trời mà đến nay những đêm quang mây ta vẫn nhìn thấy dòng sữa đó lưu lại một giải trắng, một vệt trắng như một con sông mà ngày nay chúng ta vẫn quen gọi là sông Ngân hà (La Voie lactée). Có lẽ từ sau chuyện này mà chú bé Alcide được đổi tên là Héraclès, tiếng Hy Lạp nghĩa là “Vinh quang của Héra” còn tên cũ chỉ có nghĩa là “Người hùng cường tráng”.

Nữ thần Héra tìm cách giết chú bé Héraclès.

Theo thường lệ sau khi con ngủ thì Alcmène đặt Héraclès và Iphiclès nằm chung trong một cái nôi. Nửa đêm hôm đó nữ thần Héra phái hai con rắn xuống để quấn chết chú bé. Hai con rắn lọt vào buồng và trườn lên chiếc nôi, bò lách vào người hai chú bé: Iphiclès khóc thét lên. Thấy động, Alcmène tỉnh dậy. Trông thấy hai con rắn đang bò lổm ngổm trong nôi của hai đứa con mình nàng sợ hãi thét lên, hô hoán ầm ĩ. Mọi người tay đèn tay đuốc chạy đến thì thấy một cảnh tượng kỳ lạ: chú bé Héraclès ngồi trên nôi, hai tay bóp cổ hai con rắn. Còn hai con rắn thì quằn quại giãy chết. Lúc này Héraclès mới mười tháng tuổi.

Thấy con trai mười tháng mà tính cũng có, tướng cũng có, Amphitryon cho mời nhà tiên tri Tirésias tới để đoán số mệnh. Nhà tiên tri cho biết, sau này Héraclès sẽ lập được những chiến công vô cùng rực rỡ, sẽ được các vị thần Olympe cho gia nhập thế giới thiên đình. Amphitryon và Alcmène rất vui mừng, liền cho tìm thầy, mời các anh hùng dũng sĩ về dạy con học. Héraclès học nghệ thuật điều khiển xe ngựa ở người bố dượng Amphitryon, học quyền thuật ở người anh hùng Autolycos, học nghệ thuật bắn cung ở Eurytos, học âm nhạc ở Eumolpos và Linos, học các thứ khoa học ở thần nửa người nửa ngựa Centaure Chiron. Cậu bé Héraclès học nhiều các môn như thế nhưng xem ra không phải môn học nào cũng khá cả. Cậu đặc biệt thích thú và ham mê những môn võ nghệ như quyền thuật, cưỡi ngựa, bắn cung, còn âm nhạc và những môn khoa học thì cậu rất chểnh mảng, đúng hơn phải nói là rất lười. Có một hôm thầy giáo dạy âm nhạc Linos quở trách cậu vì đã không thuộc bài. Nghe đâu hình như thầy giận quá có đánh Héraclès. Thế là Héraclès nổi nóng vớ lấy chiếc gậy đánh trả lại thầy. Ai ngờ đòn đánh mạnh quá làm thầy Linos ngã lăn ra chết. Thật là một trọng tội: một tội tày đình! Amphitryon sợ quá. Ông thấy không thể nuôi cậu con trai của thần Zeus này được. Cứ xem như khẩu khí ứng đối của Héraclès trước tòa thì đủ rõ. Vì giết thầy nên Héraclès bị đưa ra truy tố trước tòa án. Héraclès liền viện ngay một câu nói của Rhadamanthe một nhà thông thái nổi tiếng người Crète đã viết ra một bộ luật mà khắp thế giới Hy Lạp đều biết: “... Ai bị đánh bất kỳ trong trường hợp nào đều có quyền đánh lại”. Có người kể không phải Héraclès cầm ghế đánh lại thầy Linos mà là tiện tay đang cầm cây đàn cithare đập vào đầu thầy. Héraclès tuy được tòa tha bổng, song điều đó không hề làm giảm nỗi lo âu của Amphitryon. Để tránh những hậu họa sau này, Amphitryon đưa Héraclès về sống ở thôn dã với hy vọng rằng cuộc sống ở chốn quê mùa đồng nội bên đàn cừu, đàn ngựa với tiếng nhạc bay bổng, dịu dàng sẽ làm cho tâm tính Héraclès bớt sôi động đi được phần nào chăng, hơn nữa cũng có thể hợp với tính phóng khoáng của Héraclès.

Héraclès về sống ở vùng Cithéron ngày ngày đi chăn gia súc. Chàng không quên luyện tập võ nghệ côn quyền. Đặc biệt là chàng ưa luyện tập để sử dụng một cây chùy có sức nặng đến nỗi khắp vùng đó, kể cả những tay anh hùng hảo hán chưa từng ai dám sử dụng. Cứ thế Héraclès lớn lên và có một sức khỏe khác thường. Mười tám tuổi chàng đã cao hơn bốn trượng. Thân hình chàng nở nang, rắn rỏi và cân đối, đều đặn một cách tuyệt diệu khiến ai trông thấy cũng phải ngợi khen.

Hồi đó ở trên rừng vùng Cithéron đất Thèbes có một con sư tử to lớn và hung dữ. Con vật này thường lần về bắt dê, cừu của Amphitryon và của nhà vua Thespios ở xứ Thespies thuộc vùng Béotie bên cạnh. Không thể tính ra số gia súc đã bị thiệt hại là bao nhiêu, chỉ biết từ ngày con sư tử đó lần về kiếm ăn ở vùng này thì đàn gia súc của hai nhà vua vãn đi trông thấy. Những người đi săn chẳng ai dám nghĩ đến việc trị nó cả, vì lẽ nó to lớn quá mức. Héraclès xin đi mặc dù lúc này mới có mười tám tuổi. Suốt bốn mươi chín ngày săn tìm con ác thú đến ngày thứ năm mươi chàng mới hạ được, và mang xác nó về. Vua Thespios vô cùng mừng rỡ. Để bày tỏ tấm lòng ưu ái đối với người anh hùng trẻ tuổi, nhà vua đã gả con gái cho Héraclès. Nhưng không phải chỉ gả cho chàng một người con gái mà gả cho chàng tất cả năm mươi cô con gái. Héraclès phải làm năm mươi lễ cưới trong suốt năm mươi ngày. Từ những cuộc hôn nhân này ra đời con đàn cháu đống nhiều không kể xiết.

Sau chiến công này, Héraclès còn làm một việc vô cùng có ích cho nhân dân thành Thèbes. Chàng xóa bỏ cho nhân dân Thèbes khỏi một khoản cống nạp nặng nề. Nguồn gốc của khoản cống nạp này như sau: Trong một ngày hội tế thần Poséidon, một cỗ xe của người Thèbes không may đè chết Clyménos, vua của những người Myniens thuộc đô thành Orchomène. Con trai của nhà vua tên là Erginos nổi giận kéo quân sang đánh thành Thèbes để trả thù. Thành Thèbes yếu thế phải cầu hòa với điều kiện mỗi năm cống nạp một trăm con bò. Và phải cống nạp như thế trong hai mươi năm liền.

Héraclès một hôm bắt gặp trên đường đoàn quan quân của đô thành Orchomène sang Thèbes đòi cống vật. Biết chuyện, Héraclès nổi giận, xông vào đánh đám quan quân một trận thừa sống thiếu chết. Chàng cắt tay, xẻo mũi chúng rồi xâu vào một cái dây đeo vào cổ chúng và ra lệnh cho chúng phải cuốn xéo ngay khỏi xứ sở này. Erginos căm tức, kéo đại quân sang trị tội thành Thèbes. Nhưng lần này dưới sự thống lãnh của Héraclès, quan quân thành Thèbes đã chiến thắng oanh liệt. Erginos bị Héraclès giết chết tại trận. Tuy nhiên, Héraclès cũng bị một tổn thất to lớn. Amphitryon, bố dượng của chàng trong cuộc chiến đấu đã bị tử thương. Còn đô thành Orchomène do bị thất trận, từ nay phải chịu một khoản cống nặng gấp đôi cái khoản mà họ đã từng bắt Thèbes gánh chịu hàng năm. Người sung sướng nhất là vua Créon, cai quản thành Thèbes. Để đền ơn người anh hùng xuất chúng, nhà vua gả công chúa Mégare cho chàng.

Cuộc sống của đôi vợ chồng Héraclès và Mégare trôi đi trong tình yêu và hạnh phúc. Mégare là người đàn bà hiền hậu và xinh xắn. Nàng ăn ở với Héraclès hòa thuận và sinh được tám người con. Song bỗng một ngày kia từ đâu đưa đến một tai họa vô cùng khủng khiếp cho gia đình này. Héraclès tự nhiên phát điên, một cơn điên quái gở mà từ xưa đến nay chàng chưa bao giờ mắc phải. Chàng ôm đầu gầm rú, trợn mắt trừng trừng, bọt mép sùi ra nom như một con thú, chạy khắp đó đây. Chàng vớ lấy dao đâm chết cả vợ lẫn con. Cả đến mấy đứa cháu, con của Iphiclès, em chàng, cũng không thoát chết. Khi tỉnh lại, Héraclès vô cùng sợ hãi trước tội lỗi của mình. Hỏi ra thì được lời sấm phán truyền cho biết: đó là Héra trả thù. Nàng vẫn thù ghét đứa con riêng của thần Zeus, tuy Zeus đã cam kết với nàng để cho Héraclès làm đầy tớ cho Eurysthée mười hai năm. Có người kể, Mégare không bị Héraclès giết chết. Nữ thần Athéna được Zeus trao cho đặc trách bảo hộ cho Héraclès, đã kịp thời làm Héraclès ngủ thiếp đi, do đó Mégare mới thoát chết. Người ta còn bảo, nữ thần Héra gieo tai họa đó là nhằm trừng phạt Héraclès đã không thực hiện đúng lời Zeus cam kết: đến làm đầy tớ cho Eurysthée.

Đối với Héraclès thì từ đây thôi thế là chấm hết hạnh phúc gia đình. Chàng là một tội phạm, đã làm cho gia đình tan nát. Làm thế nào để giải trừ, tẩy rửa được tội lỗi này? Héraclès chỉ còn biết đến đền thờ Delphes để xin thần Apollon ban cho những lời chỉ dẫn. Thần Apollon truyền cho chàng phải trở về quê hương Tirynthe nộp mình làm nô lệ cho Eurysthée mười hai năm. Cô đồng Pythie ở đền thờ Delphes được thần Apollon cho tiếp xúc, đã truyền đạt lại những điều thần dậy như sau:

- Hỡi Héraclès, người con quang vinh của Zeus! Ngươi hãy trở về nơi quê cha đất tổ ở Tirynthe cam chịu hầu hạ cho Eurysthée trong mười hai năm. Trong mười hai năm ấy ngươi sẽ phải trải qua mười hai thử thách lớn. Nếu ngươi vượt qua được những thử thách đó, lập được những chiến công thì danh tiếng nhà ngươi sẽ vang động đến trời xanh. Các vị thần Olympe sẽ coi nhà ngươi như một vị thượng đẳng phúc thần, ban cho nhà ngươi đặc ân, thoát khỏi số phận ngắn ngủi của người trần đoản mệnh. Nhà ngươi sẽ là một vị thần bất tử xứng đáng với vinh quang bà con của đấng phụ vương Zeus.

Héraclès nghe xong bèn lễ tạ vị thần ánh sáng có cây cung bạc rồi ra đi. Chàng tâm niệm trong lòng những lời phán bảo của thần. Từ đây, Héraclès phải dấn thân vào một cuộc đời vô cùng gian truân và biết bao thử thách.

Mười hai kỳ công của Héraclès

Tuân theo lời thần truyền dạy, Héraclès đến thành Mycènes nộp mình cho Eurysthée, cam chịu làm nô lệ cho hắn trong mười hai năm. Eurysthée là một tên vua hèn nhát và ốm yếu nhưng lại cai quản ba đô thành giàu có của đất Argolide là Tirynthe, Mycènes và Midée. Trông hắn chẳng có gì là một chàng trai đang tuổi trưởng thành, tràn đầy sinh khí. Gặp hắn ta cứ tưởng như là gặp một người vừa mới ốm dậy, nếu không nói quá lời thì ta tưởng như gặp một ông lão tám mươi. Nghe đồn Héraclès tính nóng như lửa, sức khỏe hơn người, có thể bạt núi ngăn sông, bắt thú dữ như trở bàn tay, dẹp giặc cướp, chẳng phải hao xương tổn máu, Eurysthée đã thấy ngài ngại. Nghĩ một hồi lâu nhà vua truyền cho Héraclès không được cư ngụ ở đô thành Mycènes. Mọi việc vua cần sai bảo sẽ có người truyền lệnh đến Tirynthe phán bảo cho Héraclès biết.

Từ đây bắt đầu cuộc đời cực nhục của Héraclès. Trở về Tirynthe chưa được ít ngày, Héraclès đã nhận được lệnh phải lên đường ngay. Công việc đầu tiên mà Eurysthée thử thách chàng, giao cho chàng phải làm là: giết con sư tử ở Némée.

1 - Giết con sư tử ở Némée

Thuở ấy ở Némée có một con sư tử to lớn hung dữ gấp mười lần con sư tử ở Cithéron. Bố nó chính là tên Đại khổng lồ Typhon, đã có lần quật ngã Zeus. Mẹ nó là Échidna, một con quỷ cái nửa người nửa rắn. Các anh em sư tử cũng đều là những loại ghê gớm cả. Nữ thần Héra đã nuôi con sư tử này và đem thả vào vùng Némée. Ác thú sống trong một cái hang có hai lối: một lối ra, một lối vào. Ngày ngày nó xuống đồng cỏ bắt gia súc, phá hoại mùa màng của nhân dân. Sư tử Némée còn khác sư tử Cithéron ở chỗ không cung tên, gươm dao nào đâm thủng, bắn thủng da nó được. Héraclès làm thế nào để trị được con quái vật này? Các vị thần luôn luôn theo dõi giúp đỡ người anh hùng. Thần Apollon cho chàng một cây cung và một ống tên. Thần Hermès cho chàng một thanh gươm dài và cong. Thần Héphaïstos rèn cho chàng một bộ áo giáp vàng. Còn nữ thần Athéna ban cho chàng một bộ quần áo do tự tay nàng dệt lấy vải may thành áo, thành quần rất đẹp. Đây là cây chùy gỗ tự tay chàng làm lấy trước khi đi diệt trừ ác thú ở Cithéron. Hồi ấy chàng tìm thấy một cây gỗ to và quý ở trong một khu rừng già. Cây gỗ rắn như sắt, chắc như đồng khiến chàng nghĩ tới có thể sử dụng nó làm một thứ vũ khí. Chàng bèn đốn cây chặt hết cành lá, chỉ lấy đoạn gốc để đẽo thành chùy. Chính với cây chùy này mà chàng hạ thủ được con sư tử Cithéron.

Nhưng lần giao đấu này với sư tử Némée không dễ dàng như lần trước. Héraclès phải tìm đến tận hang ổ của con vật. Chàng rình mò, xem xét thói quen, tính nết của nó rồi nghĩ kế diệt trừ. Sư tử Némée ở trong một cái hang có hai cửa, vì thế không dễ đón đánh được nó. Héraclès thấy tốt nhất là phải vít kín, phải lấp kín đi một cửa, buộc nó phải về theo một con đường nhất định. Và chàng mai phục ngay trước cửa hang. Chờ cho con vật ra khỏi hang, chàng giương cung bắn. Những mũi tên của chàng lao vút đi trúng liên tiếp vào thân con ác thú nhưng bật nảy ra và quằn đi như bắn vào vách đá. Không còn cách gì khác là phải lao vào con ác thú giao chiến với nó bằng gươm, bằng chùy. Nhưng đến gần nó thì thật là nguy hiểm. Héraclès thận trọng trong từng đòn đánh con vật, vì chỉ sơ hở một chút thì người anh hùng sẽ biến thành bữa ăn ngon miệng cho sư tử. Lừa cho ác thú vồ hụt, chàng vung gươm bổ một nhát trời giáng xuống đầu nó. Nhưng ghê gớm làm sao, thanh gươm bật nẩy như khi ta chém dao xuống đá. Da con vật chẳng hề xây xát. Héraclès dùng chùy. Chàng hy vọng nện liên tiếp vào đầu nó thì nó sẽ không thể còn sức mà giao đấu với chàng. Nhưng chàng không thể nào nện liên tiếp vào đầu con vật. Chàng còn phải tránh những đòn ác hiểm của nó như quật đuôi, vả trái, tát phải, nhẩy bổ, lao húc... Bây giờ thì chỉ còn cách vật nhau với nó. Héraclès lợi dụng một đòn tấn công hụt của ác thú, nhảy phắt lên lưng, cỡi trên mình nó, hai chân quặp lấy thân còn hai tay vươn ra bóp cổ, ấn đầu nó xuống đất. Con sư tử không còn cách gì đối phó lại được. Hai chân sau của nó ra sức đạp mạnh xuống đất để hất người ngồi trên lưng nó xuống, nhưng vô ích. Còn hai chân trước của nó chỉ biết cào cào trên mặt đất. Trong khi đó thì đôi bàn tay của Héraclès, như đôi kìm sắt thít chặt lấy cổ họng nó, khiến nó ngạt thở phải há hốc mồm ra và hộc hộc lên từng cơn. Chẳng bao lâu thì con thú yếu dần, cuối cùng chỉ còn là một cái xác. Thế là Héraclès vượt qua được một thử thách, lập được một chiến công kỳ diệu. Chàng muốn lột lấy bộ da sư tử làm áo giáp, dùng đầu sư tử làm mũ đội. Nhưng chẳng dao nào rạch được trên da con vật. Héraclès lấy luôn móng sắc con vật thay dao. Và chàng mặc bộ áo của chiến công ấy, đội chiếc mũ của vinh quang ấy, trở về Mycènes báo công với nhà vua Eurysthée. Với bộ áo bằng da sư tử Némée, từ nay trở đi Héraclès trở thành vô địch, không vũ khí nào có thể làm chàng đứt thịt rách da.

Đứng trên bờ thành cao nhìn xuống, Eurysthée thấy Héraclès trở về với y phục như thế thì sợ hãi quá chừng. Hắn ra lệnh cho Héraclès không được vào trong kinh thành, nhất là không được bén mảng đến gần cung điện. Cẩn thận hơn nữa, hắn còn ra lệnh từ nay trở đi những loại chiến lợi phẩm như thế phải để ngoài cửa ô, nghiêm cấm không được mang vào trong thành. Eurysthée lại còn giao luôn cho Héraclès một nhiệm vụ mới nữa, một nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm hơn: giết, thanh trừ con mãng xà Hydre ở Lerne.

Để ghi nhớ chiến công của người anh hùng Héraclès, nhân dân Hy Lạp sau này cứ hai năm một lần tổ chức Hội Némée ở thung lũng Némée thuộc đất Argolide. Hội mở vào giữa mùa hè thường kéo dài độ ba đến bốn ngày để tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với thần Zeus. Sau cái nghi lễ tôn giáo là đến các trò thi đấu thể dục thể thao. Trong thời gian mở hội, các thành bang Hy Lạp tạm thời hòa hoãn các cuộc xung đột, các mối hiềm khích để vui chơi.

2 - Giết con mãng xà Hydre ở Lerne

Sau chiến công đầu tiên của Héraclès, Eurysthée lại ra lệnh cho chàng phải lên đường dấn thân vào một thử thách còn nặng nề và nguy hiểm gấp bội phần thử thách đầu tiên: đến vùng Lerne giết con mãng xà Hydre. Đây cũng lại là một quái vật con của Typhon và Échidna, một con rắn khổng lồ đã thành tinh có tới một trăm cái đầu, sống ở vùng Lerne trên bán đảo Péloponnèse. Mãng xà Hydre này chuyên sống ở vùng đầm lầy giữa các ngọn núi đá. Nó chọn một cái hang sâu làm nơi cư ngụ. Thật không kể xiết những tai họa khủng khiếp mà Hydre đã gieo xuống đời sống nhân dân quanh vùng. Trước hết hãy nói về hơi thở của con quái vật này. Đó là hơi thở của một trăm cái đầu to lớn với những cái miệng rộng như cái nong, cái nia, vì thế ta chỉ có thể nói đó là những luồng gió mạnh. Nếu Hydre phồng mang trợn mắt mà phun, mà thổi thì cây cối bị đổ, gẫy, nhà cửa bị bốc bay. Nguy hiểm hơn nữa là trong hơi thở của Hydre có khí độc, ai không may hít phải là chết ngay tức khắc. Vì lẽ đó cho nên ngay cả khi Hydre ngủ cũng không ai dám bén mảng đến gần. Nhân dân quanh vùng Lerne bị Hydre bắt không biết bao nhiêu là bò, ngựa, dê cừu. Cả đến người nữa, không gia đình nào là không có người thiệt mạng. Người ta phải dời chỗ ở nhiều lần tránh xa vùng Hydre để kiếm ăn. Nhưng tránh đâu cho thoát, Hydre bò rất nhanh, quăng mình đi vun vút như ta quăng ném một hòn đá.

Héraclès cùng với Iolaos con của Iphiclès đến vùng Lerne bằng một cỗ xe ngựa. Hai người cho dừng lại ở ngoài vùng đầm lầy rồi len lỏi qua các bờ bãi lau sậy um tùm tìm nơi ở của con quái vật. Việc tìm kiếm quái vật tuy vất vả song không đến nỗi kéo dài vì hơi thở tanh tưởi của Hydre là một dấu hiệu chắc chắn nhất báo cho biết sào huyệt của nó đã không còn xa. Sau khi xem xét cẩn thận nơi ở của quái vật, Héraclès thấy muốn diệt được nó trước hết phải điệu nó ra khỏi vùng đầm lầy. Chàng cùng với Iolaos dùng kế khiêu khích Hydre. Iolaos đốt nóng những mũi tên cho Héraclès bắn vào quái vật, bắn liên tiếp hết mũi tên này đến mũi tên khác. Hydre thấy động liền ngóc đầu dậy đi tìm địch thủ. Trúng kế của người anh hùng, quái vật bò ra khỏi vùng đầm lấy, quấn mình đuổi theo hai người. Cuộc chiến đấu giữa Héraclès với Hydre thật gay go vô cùng. Hydre vươn thân ra quấn lấy Héraclès định thắt, xiết cho Héraclès chết. Nhưng Héraclès nhanh chóng chuồi ra khỏi vòng cuốn của nó, vung chùy lên giáng vào đầu nó. Mỗi đòn chùy giáng vào một cái đầu của Hydre tưởng là một đòn kết liễu và chỉ cần một trăm đòn thì một trăm cái đầu của Hydre vụn tan như cám. Song không phải như thế, Hydre không phải là một con mãng xà thường: cứ mỗi cái đầu bị đập bẹp, vỡ tan, thì tức khắc một cái đầu khác lại mọc ra thay thế. Cũng cần phải nói tới sự giúp đỡ của các vị thần nên Héraclès mới không bị trúng độc. Không thể đánh nhau với Hydre theo cách ấy được nữa. Héraclès gọi người cháu trai là Iolaos đến giúp sức. Chàng ra lệnh cho Iolaos đốt lên một ngọn đuốc, lửa cháy bừng bừng. Cứ mỗi cái đầu của Hydre bị chàng đập bẹp thì Iolaos phải lập tức gí ngay đuốc lửa vào đốt luôn để cho không một cái đầu nào mọc tiếp, kịp thời được nữa. Cứ thế lần lượt, Héraclès hạ gần hết trăm đầu con mãng xà. Nữ thần Héra thấy con quái vật của mình bị yếu thế, sắp đi theo số phận con sư tử Némée bèn sai một con tôm hùm rất lớn từ dưới vùng đầm lầy lên cứu viện cho Hydre: Con tôm hùm bò lên vừa lúc Héraclès không đề phòng đã cắp vào ngón chân chàng định giật mạnh cho chàng ngã. Bị đau, Héraclès giật mình quay lại, tiện tay giáng xuống một chùy. Con vật vỡ tan ra từng mảnh. Các đầu của Hydre lần lượt bị đánh bẹp. Chỉ còn lại một cái đầu lớn nhất ở chính giữa thân là không sao trị được vì lẽ nó vốn bất tử. Héraclès dùng gươm. Bị chém lìa khỏi thân mà mắt nó vẫn mở trừng trừng, miệng phun ra hơi độc phì phì. Héraclès bèn đào một cái hố sâu rồi hất nó xuống đấy, đoạn chàng vác một tảng đá lớn đè chặn lên trên. Chỉ có làm như vậy thì nó mới không thể sống lại được nữa. Trước khi ra về, Héraclès đem nhúng những mũi tên của mình vào máu của con mãng xà. Từ đó trở đi những mũi tên của Héraclès lại ác hiểm thêm một bậc nữa. Kẻ nào bị trúng tên thì không phương thuốc nào cứu khỏi cái chết. Thế là người anh hùng Héraclès đã hoàn thành một chiến công vĩ đại nữa.

Ngày nay, trong văn học thế giới cái tên Hydre có một nghĩa bóng, chỉ một tai họa, một tệ nạn nào cứ tái diễn đi tái diễn lại trong đời sống xã hội, xóa bỏ, thanh trừ rồi lại nảy sinh lắp đi lắp lại giống như đầu của con mãng xà Hydre bị đánh bẹp lại mọc ra chiếc khác.

3 - Bắt sống con lợn rừng Érymanthe

Ở vùng Arcadie trên ngọn núi Érymanthe có một con lợn rừng to lớn và cực kỳ hung dữ. Nó thường xuống vùng đồng ruộng ở dưới chân núi phá hoại hoa mầu gây thiệt hại cho đời sống của dân lành. Cả đến đô thành Psophis dưới chân núi, người ở đông như thế mà nó vẫn không sợ. Gặp người là nó lao thẳng tới húc. Vì thế chưa có một tay thợ săn nào đám đương đầu với nó, nhất là khi chưa có một thứ vũ khí gì có thể đâm thủng được lớp da dày cứng của nó. Eurysthée giao cho Héraclès phải bắt sống con lợn rừng này về. Y nghĩ rằng giao cho Héraclès giết chết ác thú thì chẳng có gì khó khăn cả, phải giao cho Héraclès bắt sống thì may ra mới buộc được Héraclès đầu hàng trước khó khăn.

Héraclès ra đi. Trên đường đến vùng nùi Érymanthe, chàng vào thăm Centaure Pholos, một người bạn thông thái của chàng. Centaure Pholos tiếp đãi người con của thần Zeus rất chân tình và long trọng. Một thứ rượu quý ủ lâu năm mà rất ít khi Pholos đem ra tiếp đãi bạn bè, ngay cả những người bạn cùng dòng giống nửa người nửa ngựa của mình, được lấy ra mời Héraclès. Vò rượu mở ra, mùi thơm ngào ngạt bay đi đến nỗi cá dưới nước ngửi thấy cũng thèm, chim trên trời ngửi thấy cũng muốn uống. Mùi thơm bay đi làm cho các bạn của Centaure Pholos ngửi thấy và nổi giận. Bọn chúng cho rằng Pholos đã coi thường anh em, lấy của quý, đặc sản của dòng giống Centaure ra thết đãi người không cùng huyết thống. Thế là chúng kéo đến gây sự xông vào đánh đôi bạn đang chụm đầu vào nhau say sưa chén vui chén nhớ hàn huyên tâm sự. Héraclès nhanh như cắt, đối phó lại ngay, chàng rút luôn những thanh củi đang cháy bừng bừng trong bếp ném vào bọn Centaure. Biết không thể kiếm chác được gì trong cuộc gây rối này, lũ Centaure bảo nhau chạy trốn. Nhưng Héraclès không tha quân côn đồ càn quấy, chàng truy đuổi chúng đến tận Malée. Cùng đường, bọn chúng phải chạy trốn vào trong hang của vị thần Centaure Chiron, một vị thần nửa người nửa ngựa đã truyền dạy cho các anh hùng, dũng sĩ biết bao điều hiểu biết uyên thâm. Héraclès đuổi theo và giương cung bắn, giết chết một số trong bọn chúng. Nhưng đau đớn làm sao một mũi tên của chàng không trúng lũ côn đồ mà lại trúng đầu gối người thầy Centaure Chiron tài cao học rộng của chàng! Làm thế nào cứu chữa được bây giờ? Héraclès chỉ còn cách cúi đầu xin thầy tha thứ cho sự lầm lẫn đó. Còn Chiron biết mình không thể qua khỏi được, đã tự nguyện từ bỏ thế giới huy hoàng của ánh sáng mặt trời xuống sống dưới vương quốc tối tăm của thần Hadès.

Héraclès buồn rầu ra đi. Chàng suy tính cách bắt sống con vật. Chắc chắn chàng đuổi nó thì không sức nào đuổi kịp. Phải đợi cho đến mùa lạnh tuyết rơi. Và đúng thế, khi tuyết đã phủ dày trên núi và các cánh đồng, Héraclès tìm vào hang ổ con vật. Bằng tiếng thét như sấm, chàng làm cho con vật kinh hãi rời khỏi ổ, chạy ra ngoài. Và chàng cứ thế vừa đuổi theo vừa hò hét. Tuyết dày, mỗi bước đi là mỗi bước lún, vì thế chẳng mấy chốc con vật cuồng chân, kiệt sức nằm lăn ra. Héraclès chỉ việc đến tóm cổ, trói chặt, vác lên vai mang về. Chàng đến trình diện Eurysthée với con lợn trên vai. Ôi chao, tên vua này vừa trông thấy đã rụng rời cả người. Hắn cuống cuồng bỏ chạy, chui vào trong một cái vại bằng đồng mà hắn đã dành sẵn làm nơi ẩn náu những khi nguy hiểm. Hắn cứ ngồi lì trong đó cho đến khi có tin báo Héraclès đã ra đi rồi, lúc đó hắn mới hoàn hồn và chui ra khỏi vại.

4 - Bắt sống con hươu cái Cérynie

Eurysthée lại giao cho Héraclès một nhiệm vụ mới nữa, bắt sống con hươu cái ở vùng Cérynie. Con hươu này vốn của tiên nữ Taygète đem biếu nữ thần Artémis. Con hươu to bằng con bò mộng, gạc nó bằng vàng. Bốn chị em nữ thần đã đem thắng vào một cỗ xe quý. Còn nó, nữ thần Artémis phái xuống vùng rừng núi này để trừng phạt những người trần thế vì đã phạm tội bất kính đối với mình, vị nữ thần Trinh tiết, con của Zeus. Con hươu đã tàn phá mùa màng, vườn cây của nhân dân trong nhiều năm nhưng không ai dám trừng trị nó cả. Người ta sợ nữ thần Artémis nổi giận và giáng xuống những tai họa còn nặng nề gấp bội phần tai họa mà con hươu gieo xuống đời sống của họ.

Sau một hành trình khá dài, Héraclès tới khu rừng con hươu thường ở. Công việc săn đuổi của chàng thật vất vả gấp bội so với những cuộc săn đuổi trước vì lẽ con hươu này rất tinh nhanh. Chỉ thoáng thấy bóng người là nó chạy vụt đi, nhẹ nhàng như một chiếc lá rơi, nhanh hơn cả một con chim ưng vỗ cánh. Héraclès mất suốt một năm ròng đuổi theo con vật từ đất Hy Lạp đến tận miền cực Bắc, quê hương của những người Hyperboréens, nơi ngọn nguồn của sông Istros, mà vẫn chẳng sao bám được đến gần. Sau cùng, con vật kiệt sức đi nhiều nhưng lúc này thì Héraclès cũng quá ư mệt mỏi không còn đủ sức để rượt đuổi theo nó, chàng phải bắn một mũi tên vào chân con vật để nó không chạy được nữa. Nhờ đó chàng mới tiếp tục tiến lên bắt sống nó. Thấy con hươu của mình bị xúc phạm, nữ thần Artémis hiện ra quở trách Héraclès, đe dọa sẽ trừng phạt. Héraclès cúi đầu nhận tội và kính cẩn bày tỏ cho nữ thần biết sự tình: chàng chỉ là người thi hành mệnh lệnh của nhà vua Eurysthée. Hành động bất kính phạm thượng này vốn không phải do chàng tự ý gây nên. Nghe Héraclès giãi bày tỏ tường sự việc, nữ thần Artémis tha tội cho chàng, cho phép chàng mang con hươu về nộp cho Eurysthée, vì nữ thần vốn tôn kính thần Zeus và có tấm lòng ưu ái đối với những người con của đấng phụ vương.

5 - Tiễu trừ đàn ác điểu ở hồ Stymphale

Héraclès nhận lệnh của Eurysthée lên đường tiễu trừ lũ ác điểu ở hồ Stymphale ở vùng Arcadie. Lũ ác điểu này làm tổ ở vùng quanh hồ nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Sở dĩ chúng nhiều như thế là do xưa kia chúng bị một đàn sói đuổi chạy dồn vào đây, và càng bị dồn đống vào một chỗ chúng lại càng sinh sôi nảy nở nhiều gấp bội. Đây là những con chim to lớn như đại bàng, mỏ và móng bằng đồng, sắc như dao. Chúng chẳng những ăn thịt bất cứ con vật nào, giống vật nào mà lại còn ăn thịt cả người. Vì lẽ đó không một người dân nào dám bén mảng đến đánh cá ở vùng hồ rộng mênh mông này. Đáng sợ nhất là bộ lông của chúng, bộ lông bằng đồng dài như những mũi tên. Chúng có thể phóng những chiếc lông sắc nhọn ấy từ trên trời cao xuống các con mồi ở dưới đất. Gia súc của nhân dân chăn thả trên các đồng cỏ thường bị chúng ập đến giết chết rồi sà xuống ăn thịt hoặc tha về sào huyệt của chúng.

Héraclès cầu xin nữ thần Athéna giúp đỡ. Nữ thần bèn đến ngay xưởng rèn của vị thần Chân thọt-Héphaïstos, nhờ rèn cho Héraclès hai chiếc chiêng bằng đồng và bày cách cho Héraclès tiêu diệt chúng. Héraclès đem hai chiếc chiêng đồng tới vùng hồ Stymphale. Chàng khua chiêng ầm vang, náo động khiến cho lũ chim hoảng hốt bay ra khỏi tổ. Nhưng lũ ác điểu này đâu có phải là những con vật bình thường. Bay lên cao nhìn xuống thấy đối thủ của mình chỉ là một anh chàng đơn độc, chúng liền quây lại thành một vòng tròn lượn trên đầu Héraclès rồi phóng liên tiếp những mũi tên đồng, là lông chúng, xuống. Chàng Héraclès bình tĩnh ngồi xuống thu mình nấp vào trong hai chiếc chiêng lớn. Không một đòn nào của lũ ác điểu làm xây xát được da thịt chàng. Cứ thế chàng chờ cho lũ chim phóng hết những chiếc lông quý báu đó đi, đến khi ấy chàng mới bắt đầu đánh trả. Chàng giương cung bắn những mũi tên tẩm độc ác hiểm vào bầy chim. Chúng chết, rơi xuống lả tả như lá rụng. Những con sống sót, vô cùng hoảng sợ cắm đầu bay thẳng một mạch về phía mặt trời lặn, đến trú ngụ ở biển Pont-Euxin. Từ đó trở đi người ta không thấy lũ ác điểu bay trở về tổ cũ. Nhân dân lại đến đánh cá ở chiếc hồ rộng mênh mông và yêu quý của họ.

6 - Dọn sạch chuồng bò Augias

Theo lệnh Eurysthée, Héraclès lại tiếp tục dấn thân vào thử thách. Lần này Eurysthée giao cho chàng một nhiệm vụ không có gì là nguy hiểm nhưng chẳng kém phần nặng nề. Hắn vẫn cứ tưởng rằng Héraclès thể nào cũng có lúc phải bó tay trước những công việc hắn giao. Đó là việc quét dọn sạch sẽ chuồng bò của Augias. Augias là vị vua xứ Élis ở đất Péloponnèse, con của thần Mặt trời-Hélios. Ông được thừa hưởng của vua cha một gia tài khá phong phú, nhất là đàn gia súc thì nhiều và quý không biết ngần nào, thôi thì đủ giống, đủ loại, con nào cũng mập mạp, mượt mà trông thật thích mắt. Không biết bây giờ trên đất Hy Lạp còn có ai là người nuôi nhiều súc vật đến thế không, chứ như số gia súc Augias có thì vào bậc nhất rồi. Có người nói Augias có tới ba nghìn bò, ngựa, dê, cừu. Trong đàn súc vật hằng hà sa số đó đặc biệt có ba trăm con bò đực lông trắng như tuyết, hai trăm con bò có bộ chân đỏ thẫm như những tấm thảm mầu huyết dụ ở thành Sidon, mười hai con bò đực trắng muốt như những con thiên nga chuyên dành riêng để làm lễ hiến tế dâng thần Hélios. Riêng có một con là khác biệt hơn cả. Nó đẹp và dịu hiền kỳ lạ, toàn thân lúc nào cũng tỏa ra những tia sáng ngời ngợi như ngôi sao. Chuồng bò của Augias nuôi những con vật quý giá như thế, đúng là nhất không còn bàn cãi gì được. Nhưng nếu kể về bẩn thì chuồng bò Augias cũng dứt khoát xếp hàng đầu. Augias lười nhác chẳng trông nom gì đến công việc chăn nuôi để đến nỗi phân của súc vật chồng chất, ứ đọng lại tầng tầng lớp lớp trong chuồng, tràn cả ra cánh đồng màu mỡ. Có người bảo, đã ba chục năm trời chuồng bò không được quét dọn. Đất đai vì thế, quá thừa ứ phân bón đến nỗi chẳng sinh sôi cho con người những cánh đồng lúa mì đẫy hạt chắc bông... Quét dọn sạch chuồng gia súc của Augias là một công việc chẳng ai dám nghĩ đến cả vì nó bẩn quá, phân tràn ra ngập ngụa khắp nơi, sức lực người thường không một ai có thể làm nổi. Nhưng Héraclès dám đảm nhận cái công việc nặng nề ghê gớm đó. Chàng giao hẹn với Augias nếu như chỉ trong một ngày chàng quét dọn sạch bong các ngăn chuồng thì nhà vua phải trả công cho chàng một phần mười số gia súc. Augias ưng thuận. Hắn nghĩ rằng Héraclès dầu có tài giỏi khỏe mạnh đến mấy cũng không thể nào trong một ngày làm xong được. Nhưng Héraclès đâu có phải người thường: chàng nắn lại hai dòng sông Alphée và Pénée lái cho nước chảy về chuồng bò, sau đó chàng dời hai bức tường ở hai đầu chuồng bò để cho nước của hai con sông ào ạt chảy qua, xối chảy thẳng vào. Công việc làm chưa đến một ngày. Nước ở hai dòng sông chảy về cuốn sạch băng tất cả những đống phân lưu cữu từ hàng bao năm. Chuồng gia súc trong chốc lát sáng sủa, tinh tươm khiến ai trông thấy cũng vui mừng và cảm phục tài năng của người dũng sĩ. Giờ đến lúc Augias trả công cho Héraclès. Thật là lòng người quay quắt khôn lường! Augias nói Héraclès không đáng được trả công vì phải nhờ Iolaos giúp sức, và thực ra công việc này do Eurysthée giao cho Héraclès làm, Héraclès làm là làm cho Eurysthée... Hành động ăn quỵt này của Augias bị chính ngay con trai của hắn tên là Phylée tố cáo. Phylée thấy việc làm không đúng đắn của cha đã đứng ra làm chứng với hết thảy mọi người rằng chính cha mình đã hứa trả công cho Héraclès một phần mười số gia súc. Augias bị con vạch trần sự thật, nổi giận, đuổi thẳng con đi. Hắn cũng đuổi luôn cả Héraclès ra khỏi đất nước của mình. Thế là người anh hùng của chúng ta phải cắn răng uất hận, chịu nhục trở về Tirynthe.

Quét sạch hoặc Dọn sạch chuồng bò của Augias (Nettoyer les écuries d'Augias) ngày nay là một điển tích trong văn học thế giới, chỉ một tình trạng trì trệ, hỗn độn, cần phải, hoặc đã được thanh toán xóa bỏ để đem lại sự trong sạch, trật tự, ổn định, tiến bộ.

Khi hết hạn làm khổ sai cho Eurysthée, Héraclès trở lại trả thù tên vua lừa đảo ấy. Héraclès kéo một đạo quân hùng mạnh tiến vào đất Élis. Chàng kết liễu đời tên Augias bằng một mũi tên tẩm độc, máu của con mãng xà Hydre ở vùng đầm lầy Lerne xưa kia. Sau khi chiến thắng, Héraclès thu thập tất cả tài sản của Augias đem về đô thành Pise rồi làm lễ hiến tế các vị thần bất tử của thế giới Olympe muôn vàn tôn kính. Héraclès còn trừng phạt tất cả những bạn đồng minh của Augias. Vua xứ Pylos đất Messénie tên là Nélée bị đền tội cùng với mười một người con trai. Có một người con của Nélée tên là Périclyménos xưa kia được thần Apollon ban cho phép biến hóa thành muôn loài tưởng có thể thoát khỏi cuộc trừng phạt, nhưng vẫn không thoát. Y biến thành con ong, bay đến đậu trên lưng một con ngựa trong cỗ xe Héraclès, bằng cách ấy hy vọng có thể đánh trả lại cuộc tấn công của Héraclès, trả thù cho cha và các anh em. Và Héraclès đã kết liễu gọn đứa con trai đầy tài năng này của Nélée. Riêng một người con trai của Nélée là Nestor thoát chết vì vắng nhà. Sau này Nestor nổi danh là một dũng tướng với những chiến công lừng lẫy. Trong cuộc chiến thành Troie, ông già Nestor là người đã đem lại cho quân Hy Lạp những lời khuyên bảo khôn ngoan, được toàn quân từ tướng lĩnh cho đến binh sĩ mến yêu kính trọng.

Héraclès, sau khi trả được mối thù với Augias bèn làm lễ hiến tế để cảm tạ các vị thần Olympe. Chàng lại còn định ra ngày hội lễ để nhân dân đời sau ghi nhớ mãi công đức của thần Zeus và các vị thần, cũng như ghi nhớ chiến công của chàng, một người anh hùng, dòng dõi của người anh hùng kiệt xuất Persée và cũng là dòng dõi của đấng chí tôn chí kính, toàn năng toàn quyền Zeus, bậc phụ vương của các vị thần bất tử và những người trần đoản mệnh. Hội mang tên là Olympiques, cứ bốn năm một lần mở tại đô thành Olympiques thuộc đất Élis trên bán đảo Péloponnèse. Quanh khu đất dùng làm trường đấu cho cuộc thi, Héraclès cho trồng cây olive để tưởng nhớ đến công lao của nữ thần Athéna, người đã theo lệnh Zeus, chuyên tâm theo dõi và bảo hộ cho Héraclès.

7 - Bắt sống con bò mộng ở đảo Crète

Từ đây trên đất Hy Lạp không còn gì để Eurysthée hành hạ Héraclès nữa. Bao ác thú, bao quái vật, Héraclès đã dẹp trừ xong. Eurysthée phải tìm ra những thử thách khác cho Héraclès. Và lần này vị vua hèn nhát ấy nghĩ tới đảo Crète. Hắn ra lệnh cho Héraclès phải sang đảo Crète bắt sống được con bò mộng hung dữ đang gây nhiều tai họa cho đời sống dân lành đem về Mycènes. Đây là một con bò thần, toàn thân trắng muốt như tuyết in, từ dưới biển hiện lên. Vua Minos, con của nàng Europe đón được con bò này. Nhẽ ra nhà vua phải thực hiện đúng lời cam kết với thần Poséidon, hiến dâng con bò cho thần như đã hứa: “Sẽ hiến dâng thần Poséidon những vật gì hiện lên trên mặt biển...” Nhưng Minos tham tâm, tiếc con bò đẹp liền đánh tráo và chọn một con bò khác cũng đẹp không kém hiến dâng thần. Biết chuyện đổi trắng thay đen này, thần Poséidon nổi giận, làm cho con bò lông trắng như tuyết in ấy hóa điên, mũi phun ra lửa, chạy lung tung làm đàn bò của Minos sợ hãi chạy tan tác. Con bò chạy khắp đảo, giày xéo lên hoa màu, húc đổ nhà cửa, gây thiệt hại cho dân lành không biết bao nhiêu mà kể. Héraclès đến đảo Crète. Chàng đuổi bắt con vật chẳng phải khó khăn gì. Đôi tay của chàng nắm chặt lấy đôi sừng bò, ghìm lại. Thế là nó phải chịu thuần phục. Trị được con bò, Héraclès bèn ngồi lên lưng nó bắt nó vượt biển đưa chàng về Péloponnèse. Và chàng cứ thế cưỡi bò về Mycènes trình diện trước nhà vua. Cũng như những lần trước, Eurysthée lại sợ để con bò thần này trong đàn bò của mình thì có ngày sinh chuyện. Tốt hơn hết là đem hiến dâng nữ thần Héra. Nhưng nữ thần Héra có ý không muốn nhận một tặng phẩm do đứa con riêng của chồng mình (mà nàng vẫn căm ghét) đoạt được bằng chiến công hiển hách của nó. Vì thế, nàng đã thả con bò ra. Con bò được tự do liền chạy một mạch từ đất Argolide qua Corinthe tới sống ở miền đồng bằng Attique. Chính ở nơi đây, sau này, người anh hùng Thésée đã lập một chiến công nối tiếp chiến công của Héraclès, trừ khử con bò ngay trên cánh đồng Marathon để loại trừ một tai họa cho dân lành.

8 - Đoạt bầy ngựa cái của Diomède

Hết ở đảo Crète bắt bò, Héraclès lại sang xứ Thrace bắt đàn ngựa của Diomède. Vua Diomède vốn là con của thần Chiến tranh-Arès, có một đàn ngựa cái rất đẹp, những con ngựa to lớn, đẫy đà khác thường. Thế nhưng chúng không phải là những con ngựa mà bất cứ ai cũng có thể thắng yên, ngồi lên trên chúng mà phi nước đại được. Chúng hung dữ kinh khủng. Sở dĩ tính nết chúng bất kham như thế là vì chủ chúng đã nuôi chúng bằng thịt người. Nếu bạn là một người khách từ phương xa đến dừng chân nghỉ lại ở đô thành của Diomède thì chắc chắn bạn sẽ gửi xác lại trong bụng ngựa. Diomède hễ thấy khách lạ đến kinh thành là vờ đón tiếp hậu hĩ rồi sau đó mời khách ra xem chuồng ngựa quý và đẩy luôn khách vào chuồng làm mồi cho ngựa. Những con ngựa, vốn phải dùng xích sắt mới cột giữ được chứ không phải là vừa, sẽ kết liễu số phận vị khách khá nhanh. Mưu mô thâm độc của Diomède đã giết hại không biết bao người.

Bằng sức lực và mưu mẹo, Héraclès và các bạn chiến đấu của mình đã bắt sống được đàn ngựa của Diomède. Nhưng trong lúc sắp sửa xuống thuyền thì Diomède đem quân truy đuổi kịp. Héraclès giao cho một người bạn tên là Abdéros, con trai của thần Hermès, coi giữ đàn ngựa, còn mình với một số anh em đứng ra chống cự với quân địch. Trận đánh diễn ra khá ác liệt. Héraclès như một con mãnh hổ xông vào đám tướng sĩ của Diomède. Và chẳng mấy chốc chàng đã mở đường lao tới Diomède nện cho hắn một chùy, kết liễu cuộc đời tên vua tàn bạo. Thắng giặc quay về thì đau đớn biết bao, người chiến hữu thân mến Abdéros đã bị đàn ngựa xé xác ăn thịt! Thương nhớ người bạn bỏ mình ở nơi đất khách quê người. Héraclès và các bạn xây dựng một đô thành nguy nga trên bờ biển đặt tên là Abdère để ghi nhớ công ơn của một người bạn trung thành và tận tụy.

Eurysthée được đàn ngựa nhưng y chẳng biết dùng làm gì. Và y lại sợ để đàn ngựa này lại nuôi thì có ngày tai họa. Y thả đàn ngựa. Lũ ngựa chạy vào vùng núi Olympe và chết dần chết mòn vì bị thú dữ ăn thịt.

***

Có một chuyện xảy ra trong hành trình của Héraclès tới xứ Thrace của Diomède mà ta không thể bỏ qua được. Chuyện xảy ra như sau:

Trên đường đi Thrace, Héraclès dừng chân lại xứ Thessalie thăm người bạn là Admète hiện đang cai quản đô thành Phères. Admète là một người anh hùng nổi tiếng, đã từng tham dự vào cuộc săn con lợn rừng khủng khiếp ở vùng rừng Calydon. Chàng cũng đã có mặt trong cuộc viễn chinh của những người Argonautes. Thần Apollon đặc biệt yêu mến chàng và là người che chở, bảo hộ cho chàng. Thuở ấy Admète được các vị thần cho sống trên thế giới Olympe với biết bao ân huệ. Nhưng chàng đã phạm phải một tội tày đình khiến các thần không thể nào tha thứ được: chàng đã giết những người khổng lồ Cyclopes trong một cuộc xung đột mất trí. Các vị thần trục xuất chàng khỏi thế giới Olympe và bắt chàng đi chăn gia súc. Trong những ngày bị trừng phạt ấy, Admète đem lòng yêu công chúa Alceste con của vua Pélias, đúng hơn phải nói là người con gái xinh đẹp nhất của vua Pélias. Nhưng điều kiện để thành hôn với người đẹp không dễ, xưa nay vốn như thế. Vua Pélias chỉ thừa nhận là rể nếu vị cầu hôn nào thắng được vào cỗ xe của nhà vua hai con vật thuộc loài ác thú. Cũng không có nhiều chàng trai dám thí mạng mình với cái điều kiện ấy để đoạt được người đẹp. Nhưng Admète dám lao vào. Nhờ thần Apollon giúp đỡ, chàng đã thuần phục được một con sư tử và một con lợn rừng, thắng chúng vào cỗ xe của nhà vua Pélias. Alceste trở thành vợ chàng. Hai người sống ở đất Thessalie. Các vị thần đã cho Admète cai quản xứ này. Nhưng Admète lại phạm vào một tội nữa. Trong ngày thành hôn chàng đã quá vui mà quên mất lễ hiến tạ ơn nữ thần Artémis. Nữ thần nổi giận liền trừng phạt: Admète vừa bước vào phòng ngủ thì thấy trên giường không phải là người vợ xinh đẹp của mình mà là một búi rắn độc. Chàng sợ hãi rụng rời. Nhưng thần Apollon, người bảo hộ chàng đã “nói lại” với cô em gái xóa bỏ quyết định, thay vào đó rút ngắn cuộc đời của Admète lại. Song các vị thần có chú thích thêm: Admète khi tới hạn kỳ của số phận nếu được một ai trong gia đình tình nguyện chết thay cho thì cũng được. Thần Apollon cố gắng cứu vớt cho Admète. Thần tìm mọi cách để cám dỗ các nàng Moires, thần chuốc rượu các nàng cho say để các nàng không cắt, đúng hơn, để nàng Atropos không cắt sợi chỉ của cuộc đời Admète. Sự cố gắng của thần Apollon cũng không kéo dài cuộc đời của Admète được bao lâu. Số mệnh dù sao vẫn cứ là Số mệnh. Nàng Atropos lạnh lùng cầm chiếc kéo cắt sợi chỉ của cuộc đời Admète. Thần Chết-Thanatos từ dưới âm phủ vội lên trần để thực hiện mệnh lệnh của Số mệnh.

Tại gia đình Admète một không khí tang tóc bao trùm. Chỉ một thời gian ngắn nữa, Admète sẽ từ bỏ cuộc sống hạnh phúc này để xuống thế giới tối tăm của thần Hadès. Liệu trong gia đình chàng có ai dám chết thay chàng không? Admète cầu xin bố, mẹ, một trong hai người chàng chịu ơn nuôi dưỡng, thương chàng cảnh vợ dại con thơ mà hy sinh cho chàng. Nhưng cả hai người, mặc dù tuổi tác đã gần kề miệng lỗ nhưng vẫn còn tham sống, sợ chết. Trước tình cảnh ấy, nàng Alceste đứng ra xin chịu chết thay cho chồng. Nàng quyết định hy sinh cuộc đời trẻ đẹp của nàng để cho người chồng được sống, không một chút ân hận, đắn đo. Nàng tắm rửa sạch sẽ, mặc tang phục rồi đi đến bếp lửa ở giữa nhà quỳ xuống cầu nguyện nữ thần Hestia, xin nữ thần hãy phù hộ cho các con nàng được sống hạnh phúc. Nàng không quên dâng lễ vật lên bàn thờ các vị thần Olympe. Sau đó nàng vào trong phòng nằm vật xuống giường chờ thần Chết đến. Các con nàng sà vào lòng nàng khóc than thảm thiết. Nàng ôm hôn chúng, nước mắt giàn giụa. Còn Admète, chàng chỉ biết khóc than cho số phận trớ trêu đã đặt chàng vào một cảnh ngộ bi thương thê thảm quá đỗi. Các nữ tì trong gia đình cũng không sao cầm được nước mắt. Bỗng Alceste kêu lên:

- Chao ôi, ta cảm thấy cái chết đang đến gần! Hình như trước mắt ta hiện ra lão già Charon chở đò lạnh lùng và nghiệt ngã. Ôi, sao ta thấy trong người khang khác thế nào ấy! Chân tay ta rã rời như không còn sinh khí nữa. Thần Chết-Thanatos chắc đã sắp đến bắt ta về thế giới âm phủ.

Chính trong lúc ấy, thần Chết-Thanatos đang nhẹ bước đến lâu đài của vua Admète. Thần rẽ đến cắt một nhúm tóc trên đầu Alceste và hút linh hồn của nàng đi. Vị thần ánh sáng có cây cung bạc và những mũi tên vàng khẩn khoản nài xin Thanatos hãy khoan khoan, đừng bắt linh hồn của Alceste đi nhưng chẳng được. Những vị thần của thế giới âm phủ dưới quyền trị vì của Hadès đều lạnh lùng và tàn nhẫn, chẳng mảy may xúc động trước tình người.

Alceste nói những lời cuối cùng:

- Vĩnh biệt, xin vĩnh biệt chàng và các con thân yêu! Hỡi anh Admète yêu dấu, vô vàn thân thiết của em! Em chẳng ân hận gì khi phải từ bỏ cõi đời này vì cuộc sống của anh. Em chỉ cầu xin anh có mỗi một điều: Xin anh đừng để cho các con của chúng ta, những đứa con yêu quý của em phải sống tủi nhục cay cực trong cảnh dì ghẻ con chồng. Xin vĩnh biệt anh và các con. Chúc anh và các con hạnh phúc.

Admète khóc nấc lên, ôm lấy vợ. Nhưng nàng Alceste cao quý và xinh đẹp của chàng thân thể đã lạnh ngắt, tay chân cứng đờ, mắt nhắm nghiền như một người ngủ say. Mặc cho chồng lay gọi, các con lay gọi, nàng Alceste cũng không hay biết.

Tin vị hoàng hậu chết thay cho chồng làm xúc động những người dân của kinh thành Phères từ già đến trẻ. Mọi người đều cảm phục và xót thương cho vị hoàng hậu nhân đức của mình. Toàn kinh thành để tang nàng Alceste tám tháng. Người ta chuẩn bị lễ tang, đưa thi hài người đàn bà cao quý đó vào nhà mồ vô cùng tráng lệ.

Đúng trong cảnh tang gia bối rối ấy thì Héraclès đến thăm Admète. Trong tục lệ từ xưa truyền lại, Admète mặc dù đang có tang, vẫn mở tiệc trọng thể chiêu đãi vị khách quý, con của thần Zeus, bậc phụ vương của các thần và những người trần thế. Không muốn để vị khách quý buồn rầu, Admète cố gắng giấu nỗi đau thương đang vò xé lòng mình... Héraclès dù sao cũng nhận thấy một không khí u buồn bao trùm lên vẻ mặt mọi người. Chàng gặng hỏi, nhưng Admète nói tránh ra rằng có một người bà con trong họ vừa mới qua đời. Vị vua này còn cẩn thận đến mức sai gia nhân khóa chặt các cửa phòng lại để cho tiếng khóc than không vẳng được ra ngoài, làm ảnh hưởng đến bữa tiệc chào mừng vị khách quý. Còn Héraclès, chàng vẫn vô tình, tưởng người bạn mình nói thật. Chàng cứ ung dung chè chén, uống hết bình rượu này đến bình rượu khác, say sưa thưởng thức những món ăn ngon lành mà bạn mình thết đãi. Song sự thật có một sức mạnh hiển nhiên khó mà che đậy, giấu giếm được. Những gia nhân của Admète phục vụ cho Héraclès cố ghìm lòng nhưng nước mắt từ đâu cứ tuôn trào ra trên gò má. Héraclès sinh nghi, bèn gọi một nữ tỳ lại hỏi cho rõ đầu đuôi câu chuyện. Chàng vừa cất lời hỏi thì người nữ tỳ đó bưng mặt khóc nức lên: “Thưa ngài, Đức vua Admète của con giấu ngài đấy ạ. Hoàng hậu Admète vừa qua đời”, và người nữ tỳ kể rõ ngọn ngành cho Héraclès biết. Nghe xong câu chuyện, Héraclès giận mình sao quá vô tâm vô tính đến nỗi cứ vui hưởng chè chén trong khi cả kinh thành Phères đang sống trong nỗi đau thương. Chàng giận mình một thì chàng lại cảm động trước tấm lòng hiếu khách của bạn mười. Thật là một con người chí tình chí nghĩa. Một ý nghĩ bỗng lóe lên trong trái tim chàng: “Ta phải tìm cách gì cứu lại Alceste để đền ơn bạn mới được”. Chàng hỏi nơi đặt linh cữu của Alceste và quyết định sẽ đến đón thần Chết-Thanatos ở nơi đó để cướp lại Alceste.

Đám tang của Alceste được cử hành rất trọng thể. Sau khi tiễn đưa thi hài của Alceste vào nhà mồ, mọi người lần lượt ra về trong tiếng khóc than thảm thiết. Héraclès kiên tâm chờ đợi. Không bao lâu thần Chết-Thanatos với đôi cánh đen nhẹ nhàng hạ xuống khu mộ địa. Một luồng khí lạnh lan tỏa ra khiến Héraclès cảm thấy rờn rợn cả người. Thanatos lại tiếp tục công việc của mình, một công việc vô cùng ghê tởm. Y đưa đôi tay có những móng dài nhọn hoắt ra sờ soạng trên đầu của Alceste, sau đó y cúi bộ mặt xương xẩu gớm ghiếc xuống chậu đựng máu các con vật bị giết để làm lễ hiến tế, thè lè chiếc lưỡi dài ra hút lấy hút để như một người nhịn khát đã lâu vớ được một bình nước là cúi đầu uống ừng ực. Chính lúc ấy Héraclès ra tay. Chàng nhảy một bước tới bên Thanatos đưa đôi tay to lớn ra bóp cổ Thanatos. Nhưng Thanatos đâu phải tay vừa. Y dùng đôi tay có những móng tay dài nhọn hoắt gỡ khỏi thế bóp cổ cực kỳ nguy hiểm của Héraclès. Cuộc vật lộn vì thế trở nên gay go và ác liệt. Thanatos với đôi cánh to rộng luôn luôn xòe ra cụp vào để tránh những đòn của Héraclès. Bằng cách ấy y còn tạo ra những luồng gió lạnh làm cho Héraclès không thể giao đấu với y một cách thuận lợi được. Chưa hết, y còn phun âm khí nặng nề vào mặt Héraclès, dùng đôi tay có những móng nhọn dài và sắc cào cấu trên ngực Héraclès để cho khí lạnh thấm vào. Héraclès giao đấu với Thanatos thật vất vả. Nhưng rồi cuối cùng lợi dụng một sơ hở của y, Héraclès túm được đôi cánh của Thanatos bẻ quặt về phía sau rồi lấy dây trói chặt lại. Đoạn chàng vung thanh gươm dài và cong của thần Hermès lên toan kết liễu đời gã thần Chết kinh tởm này. Thần Chết nằm còng queo dưới đất thấy Héraclès vung gươm vội vã lạy van rối rít, xin chàng tha cho mạng sống. Héraclès ra điều kiện: phải trả lại linh hồn cho Alceste. Tất nhiên Thanatos chấp nhận. Thế là người anh hùng Héraclès dẫn nàng Alceste về cung điện để trao lại cho người bạn thân thiết của mình là Admète.

Nói về Admète, sau khi tiễn đưa vợ về nơi yên nghỉ đời đời, nhà vua trở về cung điện với nỗi đau xé ruột xé lòng. Chàng khóc than vật vã, cơm không thiết ăn, nước chẳng buồn uống. Nguôi nguôi được một lát nhưng hễ cứ nhìn thấy các con là nước mắt chàng lại trào tuôn. Đúng trong tình cảnh ấy thì Héraclès trở về cung điện, tay dắt một người đàn bà, khăn trùm kín mặt. Chàng xin với Admète cho phép người thiếu phụ này được ở lại cung điện cho đến khi chàng ở Thrace trở về, khi đó chàng sẽ đón nàng đi. Admète từ chối. Nhà vua nói, xin Héraclès trao gửi người đàn bà này đến ở một nơi khác vì lẽ hoàng hậu vừa mới qua đời mà nhà vua đã tiếp đón ngay một thiếu phụ đến ở trong cung điện thì thật là một điều không phải đạo. Nhưng Héraclès không nghe cứ thuyết phục Admète, khẩn cầu nhà vua cho người thiếu phụ trùm khăn kín mặt đó nương náu một thời gian. Kỳ quái hơn nữa, là Héraclès lại bắt nhà vua phải đích thân cầm tay người thiếu phụ đó dắt vào trong phòng và không được để tôi tớ, người ăn người ở trong nhà đụng đến người nàng. Mặc dù đã hết sức từ chối, nói rõ điều hơn lẽ thiệt cho Héraclès nghe, nhưng vị khách quý của nhà vua rất ương ngạnh không hề chịu nhượng bộ. Cuối cùng quá nể bạn, Admète đành phải dắt tay người đàn bà vào trong phòng.

Đến lúc này, Héraclès mới nói rõ sự thật với bạn:

- Admète hỡi! Anh đã cầm tay người đàn bà này vậy từ nay anh phải săn sóc, chăm nom nàng nhé! Anh hãy mở khăn trùm trên đầu người thiếu phụ này để nhìn rõ xem nàng là ai. Chắc rằng anh sẽ hoàn toàn hài lòng vì đã có một người bạn chân thành và tận tụy, con của đấng phụ vương Zeus, như Héraclès này đây! Thôi, anh bạn thân mến của ta ơi, anh có thể chấm dứt được những nỗi đau thương và những dòng nước mắt rồi đấy!

Admète làm theo lời bạn. Chàng vội vã nâng tấm khăn trùm kín trên đầu người thiếu phụ ra. Trời ơi! Lạ lùng làm sao và kỳ diệu làm sao! Alceste của chàng đang đứng ngay trước mặt chàng, im lặng, không nói. Chàng kêu lên:

- Có lẽ nào Alceste của ta lại từ cõi chết trở về? Có thật là nàng đấy chăng? Nhưng sao nàng không nói: Hỡi các đấng thần linh, xin các vị hãy chỉ giùm cho kẻ trần tục này biết, đây là Alceste hay chỉ là cái bóng của nàng.

Héraclès vội vã trả lời:

- Hỡi Admète, bạn thân mến của ta! Nhà vua danh tiếng của đô thành Phères, người đã thắng được một con sư tử và một con lợn rừng vào cỗ xe của vua Pélias! Xin chàng chớ có hồ nghi. Đây chính là nàng Alceste mà ta đã cướp lại được từ tay thần Chết-Thanatos đưa về sau mặt trận giao tranh ác liệt. Nàng sẽ chẳng nói ngay được đâu vì linh hồn của nàng chưa kịp trở về với hình hài. Hiện nay linh hồn đó đang còn ở thế giới tối tăm của thần Hadès. Phải chờ đợi ba ngày nữa để linh hồn hoàn tất cuộc hành trình dài dằng dặc, từ cõi âm phủ trở về dương gian. Trong ba ngày chờ đợi ấy, hỡi Admète, vị vua cao quý của đô thành Phères, xin chàng chớ quên việc dâng cúng lễ vật cho các vị thần của thế giới âm phủ. Sau ba ngày ấy, nàng Alceste yêu dấu của chàng sẽ lại tươi cười nói năng duyên dáng hồn hậu như xưa. Thôi đã đến lúc ta phải ra đi. Cầu xin các vị thần cao cả ở chốn Olympe ban cho chàng và gia đình chàng sướng vui nhiều và đau khổ thì ít, vì con người ta chẳng ai là tránh khỏi nỗi đau khổ cả. Cầu xin đấng phụ vương Zeus ban cho đất Thessalie giàu có và đô thành Phères được no ấm đời đời. Chúc chàng giữ mãi được truyền thống quý người trọng khách mà Zeus, đấng phụ vương, cha đẻ của ta đã truyền dạy cho loài người, và chính Zeus cũng hết sức tôn trọng những điều mình truyền phán răn dạy.

Admète rất đỗi cảm động và biết ơn người bạn vĩ đại của mình. Nhà vua muốn lưu giữ người anh hùng ở lại đô thành của mình vài ngày nữa để cùng vui với nhà vua về sự tái sinh của Alceste, nhưng không được. Công việc của Eurysthée giao cho Héraclès đang thúc giục chàng là đoạt bằng được đàn ngựa của Diomède.

9 - Đoạt chiếc thắt lưng của Hippolyte - vị nữ hoàng cai quản những người Amazones

Eurysthée bây giờ thật lúng túng. Tám cuộc thử sức thử tài rồi mà cuộc nào Héraclès cũng hoàn thành thắng lợi, chẳng cuộc nào chịu bó tay. Gã bóp óc suy nghĩ hồi lâu mà chưa tìm ra một công việc gì giao cho Héraclès. Đang lúc nghĩ chưa ra đó thì Admete con gái gã, một cô đồng thờ phụng nữ thần Héra, đến xin cha giao cho Héraclès sang xứ sở của nữ hoàng Hippolyte người cai quản các nữ chiến binh Amazones, đoạt chiếc thắt lưng của nữ hoàng đem về cho mình. Những nữ chiến binh Amazones là con gái của thần Chiến tranh-Arès. Vị thần này đã trao cho Hippolyte, nữ hoàng của những Amazones, một chiếc thắt lưng, một chiếc đai hết sức đẹp đẽ và quý giá. Đây không phải là một chiếc đai do bàn tay người trần tục đoản mệnh làm ra mà do bàn tay của thần Thợ rèn-Héphaïstos sáng tạo. Thần Chiến tranh-Arès đã nhờ vị thần Thợ rèn Chân thọt làm ra chiếc đai này để biểu hiện quyền lực tượng trưng của nữ hoàng.

Héraclès lên đường vượt biển cùng với một số bạn bè, trong đó có người anh hùng Thésée của đất Attique. Chàng đã từng nghe nhiều về tài chinh chiến của những người Amazones nên không dám coi thường, phải có một đội ngũ đông đảo trong đó có những vị tướng tài thì mới hy vọng hoàn tất công việc. Hành trình sang đất nước của nữ hoàng Hippolyte phải vượt qua biển Égée để đi vào biển Pont-Euxin rồi mới đổ bộ lên được Tiểu Á để tiến vào kinh thành của họ ở gần Caucase, kinh thành nổi tiếng, bên bờ sông Thermodon tên gọi Thémiscyre.

Héraclès cho thuyền ghé lại đảo Paros, nơi những người con trai của nhà vua Minos được giao quyền cai quản, không may xảy ra một chuyện va chạm nhỏ với người dân trên đảo. Thế là dân Paros xúm lại đánh chết hai người bạn đường của Héraclès. Tức giận vô cùng về hành động ngang ngược, Héraclès trả đũa, ra lệnh cho anh em vây đánh. Dân Paros bị giết, bị bắt khá nhiều. Những người con trai của Minos lúc bấy giờ mới cử người ra hầu tòa. Héraclès ra điều kiện, đòi họ phải đền hai người để cho chàng khỏi thiếu hụt quân số thì chàng mới ra lệnh giải vây. Bên Paros ưng thuận, trao cho chàng hai người cháu của nhà vua Minos là: Alcée và Sthénélos.

Thuyền của Héraclès rời đảo Paros đi đến xứ Mysie. Mọi người lên bờ tới thăm nhà vua Lycos trị vì những người Mariandynes. Nhà vua tiếp đãi những người khách từ phương xa tới với tấm lòng chân thành và nồng hậu. Giữa buổi tiệc vui thì có tin cấp báo: những người Bébryces kéo sang xâm lấn bờ cõi. Quân giặc đã đột nhập và vượt qua biên thùy. Héraclès không thể làm ngơ trước tình hình ấy. Chàng ra lệnh cho mọi người lên đường cứu khốn phò nguy. Đội quân dưới quyền chỉ huy của Héraclès chẳng mấy chốc đã phá tan giặc Bébryces. Thừa thắng, Héraclès truy đuổi quân giặc đến tận kinh thành, thu phục toàn bộ vương quốc của người Bébryces trao cho nhà vua Lycos cai quản. Cảm động trước cử chỉ hào hiệp của Héraclès, nhà vua cho xây dựng một đô thành mang tên là Héraclès để ghi nhớ công ơn của người anh hùng. Từ giã vua Lycos ra đi, lần này đoàn quân của Héraclès đi thẳng một mạch tới vương quốc của nữ hoàng Hippolyte.

Đã từng nghe nói nhiều về chiến công của người anh hùng Héraclès, con của thần Zeus, với tấm lòng khâm phục, cho nên khi nghe tin có đoàn thuyền của Héraclès tới xứ sở của mình, lập tức nữ hoàng Hippolyte tổ chức một cuộc nghênh tiếp rất trọng thể ở ngay ngoài bãi biển. Héraclès dẫn đầu đoàn tướng lĩnh của mình lên bờ. Nhìn phong thái uy nghi của chàng, nữ hoàng Hippolyte và những chiến binh Amazones ai nấy đều cảm phục và cho rằng hẳn đây là một vị thần giáng thế chứ không phải là một người thường. Hai bên trao đổi những tặng phẩm bày tỏ sự hòa hiếu và tôn trọng. Nữ hoàng Hippolyte cất tiếng hỏi:

- Hỡi Héraclès, người con trai của đấng phụ vương Zeus mà những chiến công vĩ đại của chàng đã vang lừng bốn cõi! Các vị đã đến đất nước của chúng tôi, đất nước của những người nữ chiến binh Amazones dưới quyền trị vì của nữ hoàng Hippolyte mà danh tiếng đã bay đến tận trời xanh! Xin các vị cho biết, các vị đến đây với tấm lòng quý người mến cảnh hay các người đến đây với vũ khí đồng thèm khát máu người? Các vị sẽ đem lại cho đất nước này những bữa tiệc tưng bừng hay các vị đem lại sự chém giết và chết chóc tai ương?

Héraclès đáp lại:

- Hỡi nữ hoàng kính mến, người chỉ huy các đạo quân Amazones có một không hai trên mặt đất này, đạo quân của những người phụ nữ khước từ mọi hạnh phúc gia đình và chỉ tìm thấy nguồn vui trong sự nghiệp chinh chiến! Ta và các bạn hữu ta vượt qua bao biển xa muôn dặm với những lớp sóng hung dữ màu đỏ tím rượu vang đến đây vì một việc không phải do trái tim ta bảo ta. Eurysthée, nhà vua của đô thành Mycènes đầy vàng bạc, người được nữ thần Héra vĩ đại, vợ của thần Zeus, sùng ái và bảo hộ, sai ta đến đây để xin nàng chiếc đai xinh đẹp và quý giá mà thần Chiến tranh-Arès đã ban tặng cho nữ hoàng. Eurysthée sở dĩ sai ta là vì con gái của nhà vua là nàng Admete muốn có chiếc đai đó. Xin nữ hoàng hãy vì thần Zeus và các vị thần của đỉnh Olympe cao ngất bốn mùa mây phủ, ban cho ta tặng vật đó bởi vì ta không thể trở về đất Hy Lạp một khi chưa có trên tay chiếc đai quý giá, bởi vì Héraclès này chưa từng chịu bó tay thất bại trước một sứ mạng nào của Eurysthée trao cho để thử thách người con của thần Zeus vĩ đại!

Nghe Héraclès nói, nữ hoàng Hippolyte trong trái tim bỗng thấy yêu mến người anh hùng. Nàng muốn trao cho Héraclès chiếc đai quý giá của nàng. Nhưng nữ thần Héra vĩ đại đã đoán biết được mọi ý nghĩ trong trái tim nàng. Nữ thần bèn biến mình thành một nữ chiến binh Amazones đi khắp các hàng quân xúi giục: “Này chẳng phải người dũng sĩ ấy đến đây là để xin chiếc đai quý giá ấy đâu. Hắn muốn bắt vị nữ hoàng kính yêu và tài giỏi của chúng ta về làm nô lệ đấy. Chúng ta phải bảo vệ nữ hoàng đừng mắc lừa bọn chúng”.

Nghe những lời xúi giục như thế, những nữ chiến binh Amazones bèn cầm vũ khí. Một nữ tướng Amazones tên là Aella đứng lên kêu gọi mọi người hãy đánh đuổi ngay lũ người xa lạ thâm độc này ra khỏi đất nước. Thế là cuộc xung đột nổ ra, vì nữ thần Héra muốn cho người con trai riêng của chồng mình phải chết để Eurysthée vĩnh viễn được làm vua, cai quản đất Argolide. Nữ tướng Aella hung hăng, xông vào trước nhất. Đánh nhau với Héraclès chưa được bao lâu nàng đã đuối sức bỏ chạy, Héraclès đuổi theo, vung gươm kết liễu cuộc đời vị nữ tướng này. Nữ tướng Prothoé ghê gớm hơn, một mình, chỉ một mình nàng, nàng đã hạ bảy dũng sĩ trong số những bạn chiến đấu của Héraclès. Nhưng nàng cũng không thoát khỏi sự trả thù trừng phạt của người anh hùng. Một mũi tên của Héraclès bay đến xuyên qua ngực nàng, khiến cho nàng ngã nhào từ trên lưng con chiến mã yêu quý xuống. Lập tức bảy nữ tướng khác xông vào đánh trả thù. Những Amazones này là tùy tướng của nữ thần Artémis. Tài phóng lao của họ chẳng ai sánh kịp. Họ dùng khiên che chắn những mũi tên ác hiểm của Héraclès rất có hiệu quả, tiếp đó họ phóng liên tiếp những mũi lao đồng nhọn hoắt về phía Héraclès. Nhưng không một mũi lao nào trúng người chàng cả. Chúng, hoặc cắm phập ngay trước mặt chàng hoặc lướt ngang qua trước mặt chàng; khi thì chệch sang trái, khi thì chệch sang phải. Có mũi lao ác hiểm hơn lao thẳng vào người chàng thì may thay chàng kịp thời nhảy ra xa tránh được. Biết không thể dùng tên để chiến thắng những Amazones này, Héraclès nhảy bổ tới dùng chùy. Và lần lượt bảy nữ tướng Amazones phải về vương quốc của thần Hadès. Người anh hùng vĩ đại, con của Zeus, tiếp tục tấn công. Nữ tướng kiệt xuất Mélanippe em của nữ hoàng Hippolyte bị chàng bắt sống cùng với một tùy tướng là nàng Antiope. Núng thế, những người Amazones phải cầu hòa. Họ bằng lòng trao cho Héraclès chiếc thắt lưng quý giá của nữ hoàng Hippolyte với điều kiện Héraclès trao lại cho họ nữ tướng Mélanippe. Cuộc dàn xếp kết thúc nhanh chóng. Những người chiến thắng xuống thuyền lên đường trở về quê hương Hy Lạp. Để khen thưởng cho những chiến công oanh liệt của tùy tướng Thésée, người anh hùng của đất Attique mà sau này chiến công lừng lẫy khắp đất nước Hy Lạp, Héraclès trao nữ tướng Amazones Antiope cho chàng.

Trên đường từ xứ sở của những người Amazones trở về quê hương Hy Lạp, Héraclès cùng với các chiến hữu ghé vào thành Troie. Thuyền cập bến, mọi người đổ lên bờ. Một cảnh tượng rất đỗi thương tâm đang diễn ra trước mắt họ. Một người con gái xinh đẹp bị xích vào một mỏm đá sát bờ biển. Đó là nàng Hésione, con gái vua Laomédon, người đang trị vì trên vùng đồng bằng Troade phì nhiêu với đô thành Troie nức tiếng giàu có. Hỏi ra thì Héraclès được những người Troie kể cho biết nguyên do như sau:

Xưa kia khi Laomédon được vua cha là Ilos truyền cho ngôi báu trị vì thành Troie đã phạm một tội lớn khiến các vị nữ thần không thể tha thứ được. Thuở ấy thành Troie chưa được xây dựng hùng vĩ và đẹp đẽ như ngày nay. Laomédon việc đầu tiên khi lên ngôi là cho xây dựng ngay một đô thành hùng vĩ kiên cố đủ sức trấn giữ với mọi cuộc tiến công cướp bóc của các nước láng giềng thường nhòm ngó, thèm khát kho vàng của thành Troie. Công cuộc xây dựng thành không phải dễ dàng. Nhà vua phải cầu xin các vị thần giúp đỡ. Thần Đại dương-Poséidon và thần Ánh sáng-Apollon nhận lời với điều kiện: Laomédon phải trả công cho hai thần tất cả số súc vật do đàn súc vật của nhà vua sinh đẻ ra trong năm ấy, Laomédon ưng thuận. Hai vị thần bắt tay vào công việc. Họ xây cho nhà vua những bức tường thành cao ngất và kiên cố. Họ xây cho nhà vua cả một bến cảng đàng hoàng để cho thuyền bè qua lại có thể neo đậu an toàn và thuận lợi. Họ lại còn làm hơn thế nữa: xây cả một con đê rộng và dài để che chở cho bến cảng khỏi những cơn sóng hung dữ. Các vị thần đã làm việc tận tụy đêm ngày vì thế chẳng bao lâu Laomédon đã có một thành trì to đẹp và vững chắc. Nhưng đến khi hai vị thần xin vua trả công như đã cam kết thì nhà vua lại vỗ tuột. Các vị thần cãi lại, chẳng cam chịu để Laomédon cướp không công sức thì nhà vua lại hầm hầm tức giận, dọa rằng nếu cứ lằng nhằng, mè nheo mãi cái chuyện đòi công xá nữa thì sẽ bị xẻo tai, cắt mũi. Ức quá, hai vị thần đành ra về và sẽ tính chuyện sòng phẳng với Laomédon sau này. Và ngày ấy chẳng phải lâu la gì, tuy chúng ta chẳng rõ sau khi các vị thần ra về được mấy tuần trăng hay mấy mùa lúa. Đòn trừng phạt đầu tiên là thần Apollon gieo bệnh dịch xuống đời sống nhân dành thành Troie. Người chết không biết bao nhiêu mà kể, chẳng thuốc men gì chữa chạy nổi cả. Đòn thứ hai là của thần Poséidon. Thần sai một loài thủy quái ở tận đáy sâu của biển đội nước bơi lên xông vào vùng đồng bằng Troade phá sạch nhà cửa ruộng vườn. Thần lại còn dùng cây đinh ba ghê gớm khều những con sóng của Đại dương lên để cho nước cứ ngun ngút bốc cao như một ngọn núi rồi đổ ầm ầm xuống xứ sở của Laomédon. Chẳng còn cách gì cứu được, Laomédon phải đích thân đến đền thờ cầu khấn các vị thần ban cho cách giải trừ tai họa. Lời sấm phán truyền rằng chỉ có cách đem hiến dâng công chúa Hésione cho thần Poséidon thì mới làm nguôi được cơn giận của vị thần Lay chuyển Mặt đất. Vì sự thể, sự tình như vậy nên mới có cảnh tượng xiềng Hésione vào một mỏm đá sát bờ biển. Và chỉ chốc lát nữa con quái vật ghê tởm kia từ dưới biển chui lên sẽ lao vào ngoạm lấy Hésione và đưa nàng xuống dưới thủy cung.

Nghe thuật lại đầu đuôi câu chuyện, Héraclès thấy không thể bỏ qua việc này. Chàng phải ra tay diệt trừ loài thủy quái để cứu sống người thiếu nữ xinh đẹp, con của Laomédon. Chàng bày tỏ ý nguyện của mình với nhà vua song kèm theo một điều kiện: nếu chàng hoàn thành được sứ mạng vẻ vang đó thì nhà vua phải đền bù công lao của chàng bằng... không phải bằng nàng Hésione như xưa kia vua Céphée đền bù Andromède cho Persée, mà bằng đôi thần mã trắng phau như tuyết, phóng nhanh như gió, nhẹ nhàng đến nỗi chẳng ai nghe thấy tiếng vó của chúng. Đây là đôi thần mã bất tử, nghe được cả tiếng người, vốn là báu vật riêng của thần Zeus. Thần Zeus đã trao lại cho nhà vua Tros, ông của Laomédon, để đền bù việc thần bắt của nhà vua người con trai xinh đẹp tên là Ganymède. Thuở ấy, thần Zeus không hiểu vì sao đem lòng mê cảm người con trai của nhà vua Tros đến nỗi quên ăn quên ngủ. Chẳng kìm hãm được dục vọng, thần bèn biến mình thành một con đại bàng to lớn từ trời cao bay sà xuống cắp ngay chàng Ganymède xinh đẹp đưa về cung điện Olympe. Ganymède được trở thành bất tử, sống bên cạnh các vị thần để dâng rượu thánh và thức ăn thần trong những bữa tiệc linh đình của thế giới Olympe. Còn Tros thì được đôi thần mã bất tử, báu vật của thần Zeus dồn mây mù, giáng sấm sét. Trải qua thời Tros đến Ilos và bây giờ đến Laomédon, đôi thần mã vẫn là một báu vật mà nhiều vị anh hùng khát khao thèm muốn.

Với điều kiện mà Héraclès nêu ra, Laomédon thấy chấp nhận được. Tưởng đòi chia vàng bạc châu báu hay giang sơn, đất nước gì, chứ đôi thần mã, đôi ngựa thì... được thôi. Thế là Héraclès bắt tay vào việc. Chàng ra lệnh cho quân Troie đắp ngay cho chàng một bức lũy trên bờ biển. Chàng sẽ nấp sau bức lũy này chờ quái vật từ dưới biển hiện lên. Chẳng phải chờ đợi lâu la gì, con vật như một hòn núi đá từ dưới đáy biển sâu nhô dần lên và há hốc cái miệng đen ngòm lao vào Hésione. Héraclès hét lên một tiếng rồi chàng vung thanh gươm dài và cong của thần Hermès lao thẳng tới quái vật. Chàng chém mạnh vào đầu nó một nhát như sét đánh, sau đó vung gươm chém liên tiếp vào cổ nó. Bị đánh bất ngờ những đòn ác hiểm, quái vật không kịp đối phó và chỉ đến nhát thứ ba hay thứ tư gì đó thì nó đã đuối sức. Héraclès cứu được Hésione.

Song tồi tệ hết chỗ nói là, đến khi Héraclès đòi Laomédon trao cho mình đôi thần mã thì Laomédon lại ngựa quen đường cũ, vỗ tuột. Nhà vua lại tiếc đôi thần mã nên giở trò lá mặt lá trái với người anh hùng. Nhưng lúc này đây người anh hùng của chúng ta không thể trừng phạt tên vua xấu xa đó ngay được vì số bạn chiến đấu còn quá ít mà quân Troie lại đông và thiện chiến. Hơn nữa, Héraclès còn phải trở về Mycènes để dâng chiếc thắt lưng của Hippolyte cho Eurysthée.

10 - Đoạt đàn bò của Géryon

Eurysthée lại trao cho Héraclès một nhiệm vụ mới nữa, khó khăn hơn, nguy hiểm hơn: đoạt bằng được đàn bò của Géryon đem về cho hắn. Không phải Eurysthée thiếu thốn gì giống vật quá quen thuộc này. Trong đàn súc vật của y số bò cũng chẳng phải là ít. Nhưng lòng tham của y không đáy, hơn nữa y được sinh ra để hành hạ thù ghét Héraclès, cho nên y cứ phải nghĩ hết việc này đến việc khác để bắt Héraclès làm.

Hành trình đi đến xứ sở của Géryon thật là xa, xa lắc xa lơ. Đó là một hòn đảo tên gọi là Érythie ở mãi tận cùng kiệt miền cực Tây, nơi vị thần Mặt trời-Hélios Hypérion sau một ngày làm việc cực nhọc trở về nghỉ. Hòn đảo được người Hy Lạp xưa gọi là “Xứ sở đỏ”, vốn chìm đắm trong những lớp sương mù dày đặc mà xưa nay chưa mấy người biết đến. Người nói đến đảo Érythie thì nhiều nhưng người đi thì chẳng thấy có ai. Héraclès ra đi. Chàng sang đất châu Phi, băng qua sa mạc Libye vắng ngắt không một bóng cây, bóng người rồi phải đi qua nhiều xứ sở của những người Dã man cuối cùng mới tới được nơi cùng kiệt của đất. Đến đây là chàng đã đặt chân tới được bờ Đại dương mênh mông sóng vỗ. Nhưng đi nữa thì chẳng còn đường. Núi bít kín lấy biển. Làm cách nào để đi tiếp bây giờ? Héraclès bèn dùng sức lực ghê gớm của mình xẻ tách quả núi khổng lồ bịt kín lấy biển kia ra. Thế là biển bên trong và bên ngoài, bên phía Đông và phía Tây thông suốt. Trong khi làm việc xẻ núi, chàng khuân đá xếp sang hai bên. Những tảng đá xếp chồng chất lên nhau cao như hai cái cột khổng lồ ở hai bên nhường quãng đường giữa cho biển cả giao lưu chính là eo biển Gibraltar nối liền Đại Tây Dương với Địa Trung Hải ngày nay. Cột đá Gibraltar thuộc đất Espagne (Tây Ban Nha) - Cột đá Ceuta thuộc nước Ma Rốc. Ngày xưa người Hy Lạp gọi đó là “Cột đá của Héraclès”.

Biển đã thông suốt nhưng vượt biển bằng cách nào để tới được hòn đảo Érythie? Héraclès ngồi bên bờ biển đăm chiêu nhìn sóng vỗ dạt dào, trái tim nổi lên bời bời câu hỏi. Chẳng nhẽ ta chịu bó tay trước cuộc thử thách này chăng? Làm sao có một con thuyền để vượt biển? Héraclès cứ ngồi nhìn biển mênh mông vô tư cuộn sóng như thách thức chàng, từ lúc bình minh ửng đỏ ở phía sau lưng cho đến lúc hoàng hôn vàng rượi đang nhợt nhạt dần trước mặt. Và trong trái tim chàng bỗng lóe lên một ý nghĩ: mượn con thuyền của thần Mặt trời-Hélios. Chàng bày tỏ nguyện vọng với thần Mặt Trời lúc đó đang ngồi trên cỗ xe tứ mã đi về miền cực Tây để nghỉ ngơi. Thần nghỉ ở vương quốc của vị thần già đầu bạc Okéanos cùng với cỗ xe của mình để rồi trở về miền cực Đông. Từ nơi nghỉ ở miền Tây, thần dùng con thuyền chở cỗ xe tứ mã về cung điện ở phương Đông để sáng hôm sau bắt tay vào công việc như thường lệ, công việc mà thần Zeus đã giao cho. Chính con thuyền mà Héraclès định mượn là con thuyền đó. Nếu không có con thuyền đó thì làm sao ban mai khi chúng ta vừa bừng mắt dậy đã thấy vị thần Hélios hiện ra tươi cười như chào đón chúng ta? Cũng xin nói thêm, đây không phải là một con thuyền có buồm, có chèo giống như những con thuyền của những người trần thế. Con thuyền của thần Mặt trời có người bảo là thuyền độc mộc, nhưng không phải. Nó là một cái cốc rất lớn, do các vị thần gom sức làm ra không rõ từ bao giờ, chỉ biết đã từ lâu lắm lắm, lâu trước khi loài người sáng chế ra được những con thuyền như hiện nay. Thần Mặt trời thật tâm không muốn cho Héraclès mượn. Nhưng vì kính nể người con trai danh tiếng của thần Zeus vĩ đại mà thần phải tươi cười vui vẻ nhận lời. Thế là Héraclès có thể yên tâm tiếp tục cuộc hành trình.

Vừa đặt chân lên hòn đảo Érythie chàng đã phải đối phó ngay với con chó Onthros, một quái vật có hai đầu, thính tai, thính mũi, tinh mắt ít con vật nào sánh kịp. Cha mẹ nó chẳng phải ai xa lạ, chính là tên khổng lồ ghê gớm Typhon và mụ Échidna nửa người nửa rắn. Anh em ruột thịt của nó là con mãng xà Hydre ở vùng Lerne, là chó Cerbère ba đầu ở dưới âm phủ, Onthros là cha đẻ ra quái vật Sphinx và mọi người đều biết những tai họa nó gieo xuống chân thành Thèbes khủng khiếp đến mức nào. Onthros đánh hơi thấy người lạ bèn sủa vang và lao ngay vào Héraclès. Tên khổng lồ Géryon giao cho nó canh giữ đàn bò. Héraclès dùng chùy kết liễu đời con quái vật. Gã mục đồng Eurytion cùng chung số phận với Onthros. Thế là Héraclès đoạt được đàn bò lùa xuống thuyền. Không may, vừa mới ra đến bờ biển thì tên khổng lồ Géryon nghe thấy tiếng bò rống từ hang núi chạy ra xem sự thể ra sao. Nhìn thấy xác Onthros và Eurytion nằm đấy, hắn gầm lên đuổi theo Héraclès. Géryon là một gã khổng lồ hiếm thấy trên mặt đất này. Hắn có ba thân, ba đầu, sáu tay và lại có cả một đôi cánh. Cha hắn là Chrysaor còn có tên gọi là “Người có thanh kiếm vàng”. Mẹ hắn là ác quỷ Méduse mà khi Persée chém đứt đầu ác quỷ Méduse thì Géryon từ trong cổ mẹ cưỡi con thần mã Pégase bay vụt ra, bay thẳng lên trời.

Géryon phóng lao liên tiếp vào Héraclès, cứ mỗi lần là ba ngọn lao dài nhọn hoắt. Nhưng nữ thần Athéna luôn luôn có mặt bên người con trai của thần Zeus để bảo hộ cho chàng. Không một ngọn lao nào làm xây xát da thịt của người anh hùng. Héraclès dùng những mũi tên tẩm thuốc độc bắn vào Géryon khiến cho hắn mù mắt và đau đớn như điên đại. Sau đó chàng nhảy tới dùng chùy nện tan xác hắn.

Hành trình đưa đàn bò trở về Mycènes thật vô cùng vất vả mà chúng ta không thể kể hết được. Thuyền về đến hai cây cột chàng dựng lên lúc ra đi thì chàng lùa bò lên bộ dắt về đất Hy Lạp. Có lần chàng đi qua đất Ligurie (miền Provence nước Pháp ngày nay) thì bị một toán cướp đông nghịt kéo đến bao vây. Héraclès phải chống đỡ vất vả lắm mới bảo vệ được đàn bò. Chàng dùng cung bắn chúng chết như rạ. Nhưng chúng đông như kiến cỏ, tên này chết tên khác lại lăn vào đến nỗi Héraclès bắn đã gần hết tên, mỏi nhừ cả tay mà chúng vẫn cứ bâu bâu tới. Không biết dùng cách gì đối phó, Héraclès liền khấn thần Zeus. Tức thì một trận mưa đá ào ào đổ xuống đầu lũ cướp, những hòn đá to như cái bình, cái vại của người Hy Lạp giáng xuống làm lũ cướp què chân gẫy tay, vỡ đầu, tan xương nát thịt, phút chốc tan rã hết. Dấu vết của trận mưa đá đó ngày nay còn lại trên cánh đồng Crau bao quanh vùng Marseille nước Pháp. Chính những tảng đá lớn nhỏ ngổn ngang trên cánh đồng đó là xưa kia do trận mưa của thần Zeus giáng xuống để giải nguy cho đứa con của mình. Khi đánh đàn bò về tới miền Nam nước Ý gần đô thành Regium thì một con bò sổng ra khỏi đàn, phá ngang bơi qua eo biển Messine sang đảo Sicile. Héraclès tìm quanh tìm quẩn mãi không thấy con bò. Sau chàng phải nhờ thần Thợ rèn-Héphaïstos trông hộ đàn bò để chàng bơi qua biển sang đảo Sicile tìm. Cuối cùng chàng thấy con bò nằm trong đàn bò của nhà vua Éryx. Nhà vua đón được con bò nhưng thâm tâm không muốn trả lại. Mặc cho Héraclès khẩn khoản xin, nhà vua nhất quyết không chịu trả. Éryx lại nảy ra một ý định ngông cuồng, thách Héraclès đấu võ và đem con bò ra làm phần thưởng. Giao đấu chưa được bao lâu, Héraclès đã quật cho Éryx chết thẳng cẳng. Héraclès lại dắt bò về nhập vào đàn và tiếp tục cuộc hành trình về đất Hy Lạp. Nữ thần Héra vẫn theo đuổi người con riêng của chồng mình với lòng căm ghét. Khi đàn bò về đến bờ biển Ionie thì nữ thần hóa phép làm cho cả đàn bỗng nổi cơn điên mỗi con chạy mỗi ngả, tan tác, lung tung khiến cho Héraclès rất vất vả mà không sao kìm giữ chúng lại được. Chàng lại phải tốn rất nhiều công sức đi tìm bắt thu thập chúng về. Kết quả chỉ bắt được già nửa số bò còn thì đành chịu để mất. Những con bò xổng ra khỏi đàn sống lưu lạc trong rừng và trở thành loài bò hung dữ ghê gớm. Cuối cùng, Héraclès lùa được đàn bò về tới Mycènes đem nộp cho nhà vua Eurysthée. Tên vua này chẳng biết dùng đàn bò làm gì. Hắn lại đem dâng cúng cho nữ thần Héra.

11 - Bắt sống chó ngao Cerbère

Lần này thì Eurysthée giao cho Héraclès một việc thật oái oăm hết chỗ nói: xuống dưới vương quốc của thần Hadès bắt sống chó ngao Cerbère ba đầu đem về. Công việc này vượt quá tài năng của Héraclès. Chàng phải cầu khấn Zeus giúp đỡ. Thần Zeus phái ngay thần Hermès, người dẫn đường không thể chê trách được tới giúp Héraclès. Còn nữ thần Athéna lúc này cũng ở bên chàng để bảo hộ cho chàng, người con trai danh tiếng của thần Zeus vĩ đại. Héraclès đi qua vùng đồng bằng Laconie rồi chui xuống một cái vực thẳm sâu hun hút ở mũi Ténare để xuống âm phủ. Lão già Charon lạnh lùng và nghiệt ngã đòi tiền đò. Nhưng Héraclès chỉ giơ nắm đấm ra là mọi việc đều ổn. Vừa bước vào vương quốc tối tăm của thần Hadès, Héraclès đã chứng kiến một cảnh cực hình. Người anh hùng Thésée và tùy tòng của mình là Pirithoos bị xiềng chặt vào một tảng đá tên gọi là Chiếc ghế lãng quên (La chaise de l'Oubli). Hỏi ra thì Héraclès được kể cho biết như sau:

Pirithoos vua xứ Thessalie, cai quản những người Lapithes, nghe danh tiếng người anh hùng Thésée với bao chiến công lừng lẫy, đem lòng ghen tị. Nhà vua muốn thử sức với Thésée bằng cách cướp đoạt đàn gia súc của Thésée để khiêu khích một cuộc giao đấu. Pirithoos muốn biết những lời đồn đại về người anh hùng này hư thực đến thế nào. Tất nhiên Thésée sẵn sàng chấp nhận. Nhưng khi bước vào cuộc thi thì Pirithoos không đủ gan để dấn thân vào thử thách. Nhà vua hạ vũ khí xin hàng phục Thésée và nguyện làm người tùy tòng phục vụ Thésée. Có chuyện kể, không phải Pirithoos xin hàng phục mà đã dũng cảm giao đấu với Thésée song bị thua và xin được kết bạn với Thésée. Bữa kia không rõ ma đưa lối quỷ đưa đường thế nào, Thésée và Pirithoos rủ nhau xuống âm phủ mưu đồ một việc lớn: cướp nàng Perséphone của thần Hadès. Hành động bạo ngược của họ bị các vị thần trừng phạt. Họ bị xích chặt vào núi đá hết năm này đến năm khác.

Nghe xong câu chuyện, Héraclès liền vung gươm chặt xiềng giải thoát cho Thésée. Nhưng khi chàng quay sang Pirithoos thì mặt đất bỗng ầm ầm chuyển động và rung giật lên từng cơn. Héraclès biết rằng đó là các vị thần biểu thị sự phản đối. Chàng không dám giải thoát tiếp cho Pirithoos.

Héraclès đi sâu vào thế giới những vong hồn. Bóng đen vật vờ của những vong hồn trông thấy chàng, sợ hãi, bỏ chạy. Nhưng có một bóng đen đứng lại, chờ cho chàng đi tới gần. Đó là linh hồn Méléagre con trai của vua Oenée và hoàng hậu Althée cầm quyền ở vương quốc Calydon. Méléagre chết đi với bao nỗi oán hận trong lòng. Thuở ấy, khi chàng ra đời, mẹ chàng đã mời nữ thần Moires, những nữ thần cai quản số mệnh, còn có tên gọi là Parques tới thăm. Các nữ thần đã phán truyền cho Althée biết về tương lai đứa con của mình. Nàng Clotho bảo, Méléagre sau này lớn lên sẽ là một dũng sĩ nổi danh về chí khí anh hùng và lòng can đảm. Nàng Lachésis nói, Méléagre sẽ có một sức mạnh khác thường ít người bì kịp. Còn nàng Atropos thì nói, Méléagre sẽ sống lâu bằng đoạn củi cháy trong bếp lửa kia. Chừng nào mà đoạn củi đó cháy hết thì cuộc đời của Méléagre cũng hết. Nghe xong lời phán truyền này Althée sợ hãi vội giập tắt ngay đoạn củi và giấu cẩn thận vào trong một cái tráp. Méléagre lớn lên khỏe mạnh như sói, gấu, dũng cảm như hùm beo. Chàng đã cùng với nhiều vị anh hùng đi săn con lợn rừng hung dữ thường về phá hoại vùng đồng bằng Calydon. Con lợn rừng này do nữ thần Artémis thả về để trừng phạt vua Oenée về tội đã quên lễ hiến tế thường lệ vào đầu vụ thu hoạch. Con lợn rừng bị giết. Một cuộc họp giữa những người tham dự cuộc săn để bình công chia phần. Nữ dũng sĩ Atalante người được Méléagre đem lòng yêu dấu và người đã đánh trúng con vật đòn đầu tiên, bắn cho nó bị thương. Tiếp đó một dũng sĩ khác đánh trúng mắt con vật, và Méléagre đánh những đòn cuối cùng, giết chết ác thú. Méléagre cho rằng Atalante xứng đáng được nhận phần thưởng danh dự: cái đầu và bộ da con thú. Nhưng ba người cậu của Méléagre là Alcée, Céphée và Pléxippe chống lại. Họ đe doạ sẽ tước đoạt phần thưởng của Atalante. Họ cho rằng trao giải thưởng cao nhất của cuộc săn cho một người đàn bà là không xứng đáng, là nhục nhã. Tệ hại hơn nữa, những ông cậu này lại nói những lời lẽ thô bỉ xúc phạm đến Atalante và Méléagre. Không kìm hãm được nỗi tức giận, Méléagre xô xát với những ông cậu và chàng đã giết chết hai người là Céphée và Pléxippe. Được tin những người em ruột của mình bị con trai mình giết, Althée vô cùng căm uất. Bà lấy đoạn củi cháy xưa kia mà bà đã cất giấu trong tráp, đem vứt vào bếp. Vì thế trong cuộc chiến tranh giữa những người Curètes và Élis, Méléagre bị tử trận. Méléagre chết khiến cho Althée hồi tỉnh lại. Bà vô cùng đau đớn, vô cùng hối hận vì hành động mất trí của mình, và bà đã tự sát. (Một nguồn chuyện khác kể, Althée cầu khấn các vị thần dưới âm phủ trừng trị Méléagre, do đó Méléagre bị tử trận).

Méléagre chết đi với bao nỗi oán hận trong lòng. Các em gái của chàng thường gọi là những Méléagrides khóc than thảm thiết cho cảnh gia đình tan nát. Nữ thần Artémis bèn biến những cô gái của Méléagre thành những con gà và lấy những hạt nước mắt của các cô gieo lên trên bộ lông. Và thế là các cô biến thành những con gà sao. Riêng có nàng Dejánire không chịu số phận đó. Nàng sống lẻ loi với bao nỗi lo âu. Cuộc đời nàng sẽ ra sao khi không còn một ai để làm chỗ nương tựa. Đó là điều mà Méléagre khi từ giã cõi đời vẫn canh cánh bên lòng chẳng sao nguôi được nỗi lo âu.

Vong hồn Méléagre gặp người anh hùng Héraclès, liền cất tiếng cầu xin:

- Hỡi Héraclès, người anh hùng danh tiếng lẫy lừng, con của thần Zeus vĩ đại! Chàng đã nghe ta giãi bày hết mọi nỗi u uất trong lòng. Ta chỉ cầu xin chàng có một điều: xin chàng hãy rủ lòng thương lấy người em gái bất hạnh ấy của ta. Số phận rủi ro đã cướp đời ta đi quá sớm để lại em gái ta sống trơ trọi một mình. Vắng ta, nó sống ra sao đây giữa cuộc đời đầy sóng gió này? Xin dũng sĩ hãy vì ta mà giúp đỡ cuộc sống của em gái ta. Nếu như chàng không chê nó là người kém nhan sắc thì xin chàng hãy là người che chở cho nó suốt đời, gắn bó cuộc đời nó với cuộc đời chàng để cho ta được yên tâm ngậm cười nơi chín suối.

Héraclès lắng nghe những lời nói của Méléagre mà nước mắt từ đâu cứ tuôn trào ra trên đôi gò má. Chàng an ủi vong hồn Méléagre vừa hứa sẽ làm theo ý muốn của Méléagre.

Theo sự dẫn đường của Hermès, Héraclès tiếp tục đi. Bóng đen của ác quỷ Méduse xông lại gần chàng, Héraclès đưa tay vào chuôi gươm nhưng Hermès ngăn chàng lại và cho biết, đó chỉ là cái bóng vật vờ không thể làm hại ai. Héraclès còn được chứng kiến biết bao nhiêu cảnh khủng khiếp ở thế giới của những âm hồn lạnh lẽo, tối tăm u ám này. Cuối cùng, chàng tới cung điện của thần Hadès và được vị thần này cho phép vào tiếp kiến. Ngồi trên ngai vàng, vị thần cai quản vương quốc của những người chết Hadès và vợ, nàng Perséphone kiều diễm, con của nữ thần Déméter vĩ đại, nhìn người anh hùng, con của Zeus đấng phụ vương, với tấm lòng cảm phục. Chàng trông thực uy nghi, đường bệ. Đứng trước ngai vàng tay tì lên cán chùy to lớn, trên mình khoác tấm áo da sư tử, vai đeo cây cung và ống tên, ngang sườn một thanh gươm, trông Héraclès oai phong lẫm liệt như một vị thần. Hadès cất tiếng hỏi:

- Hỡi Héraclès, con của Zeus chí tôn chí kính. Vì sao người lại từ bỏ thế giới rực rỡ ánh sáng vàng của thần Mặt trời-Hélios để xuống vương quốc tối tăm này? Phải chăng thần Zeus muốn ban cho ta một người anh hùng? Hay người xuống đây để tước đoạt của ta nàng Perséphone xinh đẹp?

Héraclès kính cẩn trả lời:

- Hỡi Hadès, vị thần cai quản vương quốc tối tăm của những vong hồn! Xin người đừng giận! Ta xuống đây không phải do trái tim ta xúi giục mà là theo lệnh của một người khác. Nhà vua Eurysthée trị vì ở thành Mycènes trên đất Argolide, người được nữ thần Héra sùng ái, sai ta phải làm một công việc cực kỳ oái oăm để thử thách tài năng và chí khí người con của thần Zeus là bắt con chó ngao Cerbère ba đầu về. Hỡi Hadès, vị vua đầy quyền thế của thế giới vong hồn! Xin người cho phép ta làm việc đó vì Héraclès này không thể nào trở về thế giới đầy ánh sáng mặt trời khi chưa chinh phục được con chó Cerbère dữ tợn.

Hadès nghe xong mỉm cười. Thần cho phép Héraclès bắt chó Cerbère nhưng với một điều kiện: không được dùng vũ khí.

Héraclès lại lên đường đi tìm chó Cerbère. Tìm mãi chàng mới bắt gặp được nó. Chàng dùng đôi tay rắn như sắt, cứng như đồng tóm chặt lấy cổ nó, ấn xuống đất và bóp mạnh. Con chó sủa ầm vang. Cả vương quốc tối tăm của thần Hadès kinh hoàng vì tiếng sủa từ ba cái mõm của nó. Cerbère vùng vẫy nhưng không sao gỡ ra khỏi đôi tay của Héraclès. Nó dùng cái đuôi lợi hại đánh trả, vì đuôi nó là một con rắn khá to. Nó quấn đuôi vào chân Héraclès rồi dùng những chiếc răng nhọn hoắt cắn. Nhưng vô ích. Nó ngày càng bị ngạt thở và giãy giụa như sắp chết. Lúc đó Héraclès lấy dây đánh đai quanh cổ nó rồi dắt đi. Chàng dắt nó từ thế giới tối tăm dưới lòng đất lên dương gian tràn đầy ánh sáng mặt trời rực rỡ. Lần đầu tiên nhìn thấy ánh sáng chói lòa, con chó vô cùng sợ hãi, mắt cứ nhắm nghiền. Nó lồng lộn như nổi cơn điên. Rãi rớt từ ba cái mõm kinh tởm của nó chảy ròng ròng xuống mặt đất đen làm mọc lên những loài cây cỏ độc mà nếu người ta ăn phải là bỏ mạng.

Về đến Mycènes, tưởng Eurysthée dùng con chó vào việc gì, ngờ đâu vừa trông thấy con chó ba đầu cổ rắn, Eurysthée sợ quá suýt ngất đi. Hắn ra lệnh ngay cho Héraclès dắt Cerbère trả lại cho thần Hadès. Thế là người anh hùng của chúng ta phải lặn lội xuống âm phủ một lần nữa.

12 - Đoạt những quả táo vàng của chị em Hespérides

Thử thách cuối cùng mà Eurysthée giao cho Héraclès là phải đoạt được những quả táo vàng của những tiên nữ Hespérides đem về. Chuyện xưa kể rằng, cây táo vàng có quả vàng này vốn là của nữ thần Đất-Gaia vĩ đại, mẹ của muôn loài. Gaia đã đem cây táo vàng này tặng cho nữ thần Héra làm quà mừng ngày nữ thần Héra kết hôn với đấng phụ vương Zeus. Héra vô cùng sung sướng trước tặng vật quý. Nàng đem cây táo về trồng ở một khu vườn của mình, một khu vườn rất thâm nghiêm cách không xa nơi thần Atlas giơ vai chống đội bầu trời. Để ngăn ngừa những người lạ, nhất là những người con gái của Atlas hay lui tới chơi ở khu vườn này, thấy chùm táo đẹp hái đi mất, nữ thần Héra giao khu vườn cho một con rồng tên là Ladon canh giữ, một con rồng có tới một trăm cái đầu. Có người kể không phải là Ladon có một trăm đầu mà chỉ có một thôi, nhưng đặc biệt là nó không lúc nào ngủ cả. Mắt lúc nào cũng mở trừng trừng. Cẩn thận hơn, Héra còn giao cho ba chị em tiên nữ Nymphe có một cái tên gọi chung là Hespérides hoặc những tiên nữ Chiều hôm, trông coi.

Nhưng vườn táo này ở đâu? Ở biển Đông hay biển Mặt trời lặn? Ở trong vùng sa mạc cát nóng hay dưới chân những ngọn núi tuyết phủ quanh năm. Người kể thì nhiều nhưng người đi thì xem ra chưa thấy có một ai. Héraclès lặn lội từ châu Âu sang châu Á để hỏi đường. Chẳng một ai biết cả. Chàng phải đi ngược lên đến tận miền cực bắc nơi có con sông Éridan quanh năm nước réo sóng gào. Tại đây chàng được các nàng Nymphe nói cho biết: phải tìm được lão thần Biển-Nérée mới có thể hỏi được đường. Trên đường đi xảy ra không ít chuyện lôi thôi phiền toái. Một hôm Héraclès đang đi thì gặp một gã cực kỳ to lớn khỏe mạnh. Chàng cất tiếng chào và hỏi đường, thì quái thay, gã chẳng chào lai Héraclès mà lại giở giọng xấc xược bắt khai báo lai lịch và thách chàng giao đấu. Bực mình, Héraclès giáng cho hắn một chùy, hắn không đỡ nổi, về chầu thần Hadès tức thời. Nhưng chưa hết, thần Chiến tranh-Arès, cha đẻ ra gã hiếu chiến đó xông tới trả thù cho con, đứa con mang tên là Cycnos, Arès nhằm cổ Héraclès phóng một ngọn lao. Nữ thần Athéna lái cho ngọn lao đó phóng trả. Ngọn lao bay vút đi cắm vào đùi thần Chiến tranh-Arès. Vị thần này giật bắn mình lên, gào rống vang động cả trời xanh rồi ba chân bốn cẳng chạy thẳng một mạch về đỉnh Olympe không còn tơ tưởng gì đến chuyện rửa hờn cho thằng con ngỗ ngược của mình nữa.

Héraclès đi tìm thần Biển-Nérée, tìm mãi, tìm mãi mới thấy ông già đầu bạc này đang ngồi trầm ngâm ở bờ biển. Héraclès liền xông tới túm chặt lấy ông già. Nhưng đâu có phải bắt được Nérée là xong việc. Ông già của biển cả này biến hóa thần hình vạn trạng. Nhưng dù có biến hóa thành các con vật gì gì đi nữa, Héraclès cũng không nản chí.

Chàng cứ bám chặt lấy ông già cho đến phút cuối cùng ông già không còn biến hóa thành một giống vật gì nữa, đành phải chấp nhận chỉ đường cho Héraclès. Và chỉ đến lúc ấy đôi bàn tay sắt của Héraclès mới nhả ông già Nérée con của vị thần Lay chuyển Mặt đất-Poséidon vĩ đại ra.

Héraclès tiếp tục cuộc hành trình. Chàng phải băng qua vùng sa mạc nóng như thiêu như đất của xứ Libye. Lại một vụ xung đột nữa xảy ra. Antée vị thần khổng lồ có sức mạnh ghê gớm là con của thần Poséidon có cây đinh ba gây bão tố và của nữ thần Đất-Gaia vĩ đại, mẹ của muôn loài, đã chặn đường đi của chàng. Antée có sức mạnh bạt núi ngăn sông, dời non lấp biển. Sở dĩ có sức mạnh như thế là vì Antée không ăn bánh mì như những người trần thế. Nhưng Antée cũng không uống rượu thánh và ăn những thức ăn thần như các bậc thần linh. Antée sống bằng thịt sư tử. Antée có thói ỷ sức mạnh chặn đường khách bộ hành thách giao đấu. Gặp ai qua lại trên vùng sa mạc Libye y đều chặn lại và thách đấu, đúng hơn là giết chết.

Y giết người để thực hiện một lời hứa với cha mình: dựng cho thần Poséidon một ngôi đền làm toàn bằng sọ người. Chưa từng một người nào gặp Antée mà thoát chết. Sọ của những người bị giết chất đống lại chờ ngày xây đền.

Cuộc giao đấu giữa Héraclès với Antée diễn ra vô cùng quyết liệt. Ba lần Héraclès quật Antée ngã xuống đất, bóp cổ, nện chùy tưởng Antée chết hẳn thế mà chỉ thoáng một cái Antée lại bật dậy tiếp tục giao đấu với Héraclès. Thì ra Antée có một điều bí mật như một lá bùa hộ mệnh. Đó là nhờ thần Đất mẹ-Gaia. Sở dĩ không ai chiến thắng được Antée là vì y gắn bó với thần Đất mẹ. Chính vị nữ thần này đã luôn luôn tiếp sức cho đứa con trai của mình, gắn bó với con trai của mình không rời một bước, làm cho nó hồi sinh khi bị tử thương. Tìm ra được điểm mạnh đó của Antée, Héraclès quyết loại trừ nó. Lừa một miếng sơ hở, Héraclès gồng bổng Antée lên cho chân lìa khỏi mặt đất rồi chàng xoay ngược đầu Antée xuống cho gối lên đùi chàng, và cứ thế chàng bóp cổ. Lần này thì Antée chết thật, chết không cách gì cứu vãn được. Nữ thần Đất mẹ-Gaia không tiếp sức được cho đứa con trai ghê gớm của mình đành chịu để nó thiệt phận trong đôi tay rắn như sắt của Héraclès.

Ngày nay trong văn học thế giới, Antée trở thành một biểu tượng chỉ sự gắn bó với cội nguồn thân thiết, với quê hương, với tổ quốc, với những giá trị thiêng liêng tạo ra sức sống của một con người, của một lực lượng xã hội.

Héraclès đặt chân đến một xứ sở mới: đất nước Ai Cập. Sau một chặng đường dài mệt mỏi, Héraclès tìm một bụi cây chui vào ngủ. Và chàng đã ngủ thiếp đi một giấc đài ngay trên bờ sông Nile. Vua Ai Cập tên là Busiris trong lúc dạo chơi đã trông thấy Héraclès, một người lạ mặt xem ra vừa mới đặt chân tới đất nước này. Thật là một dịp may hiếm có. Nhà vua ra lệnh cho quân lính bắt trói ngay Héraclès lại. Tại sao lại có chuyện đối xử kỳ quặc như thế đối với người khách lạ? Nguyên do như sau: Vua Busiris vốn là con của thần Biển-Poséidon và nữ thần Lysianassa. Có người nói, nhà vua không phải là con của Poséidon mà là con của Égyptos. Còn nữ thần Lysianassa là con của thần Épaphos. Hai vợ chồng nhà vua đang sống với nhau rất êm ấm hạnh phúc, lại cai quản một đất nước rộng lớn và giàu có được các nước láng giềng xung quanh rất vì nể, bỗng đâu sinh chuyện. Duyên do là bữa kia nhà vua nảy ra một ý định táo bạo gớm ghê, bắt ba chị em tiên nữ Hespérides về làm vợ. Sở dĩ các nàng có một cái tên chung như vậy là vì mẹ nàng là Hespéris. Busiris cho một đoàn quân gồm toàn những tên cướp biển sừng sỏ đến vây bắt ba chị em Hespérides. Nhưng hành động phạm thượng của nhà vua đã bị các thần trừng phạt. Lũ cướp biển không thể đặt chân tới được khu vườn cấm thiêng liêng. Tai họa xảy ra liên tiếp trên dọc đường đi đến nỗi đoàn quân tan rã. Chưa hết, thần Zeus còn giáng một tai họa nặng nề gấp bội: nạn hạn hán xảy ra và xảy ra liên tiếp, kéo dài suốt chín năm liền. Con dân đất nước Ai Cập rên xiết trong cảnh đói khổ. Vua Busiris chỉ còn biết mỗi cách là cho mời một nhà tiên tri danh tiếng đến để xem xét và phán truyền. Phrasios từ đảo Chypre được mời đến. Theo Phrasios, muốn làm thần Zeus nguôi giận, giải trừ mọi tai họa thì từ nay trở đi mỗi năm nhà vua phải bắt một người nước ngoài làm lễ hiến tế. Tuân theo lời phán truyền nghiêm ngặt của Phrasios, nhà vua Busiris ra lệnh cho quân lính bắt ngay nhà tiên tri và làm lễ hiến tế thần Zeus mở đầu cho các lễ hiến tế sau này. Và bây giờ đến lượt Héraclès.

Héraclès bị giải đến trước bàn thờ. Chàng cựa mình, giật đứt tung những dây rợ trói chàng rồi xông tới giáng cho Busiris một trái đấm. Busiris ngã lăn ra chết. Con trai của nhà vua tên là Amphidamas chạy tới trả thù cho cha cũng bị Héraclès kết liễu gọn số phận.

Có người kể chuyện này hơi khác. Héraclès đến khu vườn của chị em Hespérides thì gặp lúc bọn cướp của Busiris bao vây. Tình cảnh hết sức nguy ngập. Héraclès không thể chần chừ. Chàng xông vào bọn cướp và đánh tan chúng. Các tiên nữ Hespérides cảm kích trước hành động hào hiệp của chàng, sau khi nghe chàng bày tỏ nguyện vọng, đã tự tay hái những quả táo vàng trao cho chàng.

Thoát khỏi lễ hiến tế của nhà vua Busiris, Héraclès lại tiếp tục cuộc hành trình. Nhiều nỗi gian nguy, nhiều cuộc xung đột mà Héraclès đã phải đương đầu. Cuối cùng chàng tới được vùng núi Caucase. Tại đây, chàng lập được một chiến công hiển hách lưu danh hậu thế. Chúng ta chắc chưa ai quên chuyện Prométhée bị Zeus trừng phạt. Trên đỉnh cao chót vót của một ngọn núi trong dãy Caucase, thần Zeus đã cho lũ tay sai đao phủ đóng đanh xiềng Prométhée vào núi đá, thần Zeus còn ngày ngày sai một con ác điểu, một con đại bàng mỏ quắm móng nhọn tới mổ bụng ăn gan Prométhée. Nhưng buồng gan của Prométhée là bất tử. Nó bất tử như Titan Prométhée. Vì thế ban ngày buồng gan bị con ác điểu ăn đi thì ban đêm nó lại mọc lại nguyên vẹn, tươi mới như chưa hề bị thương tổn. Prométhée đã dũng cảm chịu đựng cực hình như thế hàng bao thế kỷ. Hàng bao thế kỷ trôi qua nhưng Prométhée vẫn không hề khuất phục Zeus.

Héraclès đến. Chàng nhìn thấy vị thần ân nhân của loài người bị xiềng trên đỉnh núi cao chót vót và những cánh chim đang chấp chới, lượn lờ. Có lẽ giờ đây con đại bàng do Zeus phái đến đang moi khoét tấm gan của vị thần ân nhân của loài người. Héraclès leo lên đỉnh núi. Kia rồi cảnh tượng thương xót và tàn nhẫn ấy đang diễn ra như chọc vào mắt chàng. Không phải đắn đo suy nghĩ gì, Héraclès giương cung và buông dây. Tách một cái, con đại bàng ngã quay xuống đất. Chàng chạy lại chặt tung xiềng xích giải phóng cho Prométhée. Thế là hết, chấm hết vĩnh viễn từ đây cuộc đời khổ nhục bị xiềng xích vào ngọn núi đá cô quạnh này. Prométhée vươn vai sảng khoái đón chào cuộc sống mới tự do. Đền ơn người anh hùng đã giải phóng cho mình, Prométhée nói cho Héraclès biết, chàng không thể tự tay hái lấy những quả táo vàng được. Việc này phải nhờ tay thần Atlas mới xong.

Héraclès tới xứ sở của chị em Hespérides. Chàng gặp vị thần Atlas đang khom lưng giơ vai chống đội bầu trời, đầu cúi gục, nhọc nhằn, mệt mỏi. Đó là hình phạt của Zeus đối với Atlas vì vị thần này xưa kia can tội đứng về phía những Titan, những vị thần già chống lại thần Zeus. Héraclès cất tiếng nói:

- Hỡi thần Atlas, một Titan con của Ouranos bao la và của Gaia vĩ đại, đang phải chịu khổ hình! Ta là Héraclès con của đấng phụ vương Zeus đến đây để làm một việc không phải do trái tim ta muốn. Nhà vua Eurysthée, người được nữ thần Héra sùng ái, sai ta đi lấy những quả táo vàng ở khu vườn cấm do ba tiên nữ Hespérides trông coi. Xin Titan Atlas hãy giúp ta việc này vì ta chẳng thể trở về Mycènes khi trong tay không có những quả táo đó.

Thần Atlas đáp lại:

- Hỡi Héraclès, người con trai danh tiếng của thần Zeus, vị thần đã đầy đọa ta vào cảnh khổ nhục như thế này! Ta sẵn sàng giúp đỡ nhà ngươi. Nhưng ai sẽ thay thế ta chống đỡ bầu trời? Nhà ngươi liệu có thể thay ta làm việc đó khi ta đi lấy về cho nhà ngươi ba quả táo vàng do ba chị em nàng Hespérides trông coi không? Nếu được, ngươi hãy ghé vai vào đây thay ta đảm đương công việc trong chốc lát.

Héraclès nhận lời, ghé vai vào giơ lưng ra chống đỡ bầu trời. Một sức nặng gớm ghê, chưa từng thấy, đè lên vai và lưng người con trai của thần Zeus vĩ đại. Gân cốt trong người chàng như căng ra. Khỏe mạnh như chàng mà khi ghé vai vào chống đỡ cũng còn loạng choạng. Mồ hôi đổ ra như tắm. Nhưng nữ thần Athéna lúc nào cũng ở bên người con trai yêu quý của thần Zeus để truyền thêm sức lực cho chàng. Nhờ thế Héraclès đứng vững cho đến khi Atlas trở về. Atlas đi đến bên chàng và bảo:

- Hỡi Héraclès! Ta đã lấy được ba quả táo vàng đem về cho nhà ngươi đây! Thật là những quả táo quý vô ngần. Mà thôi, tiện đây ngươi hãy để ta mang luôn những quả táo này về Mycènes cho Eurysthée. Ngươi chịu khó chờ ta một lát vì ta đi rất nhanh. Đối với các vị thần bao giờ vượt núi băng rừng qua sông cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn những người trần bấy yếu.

Héraclès đoán ngay được ý đồ đen tối của thần Atlas. Chàng tươi cười bảo Atlas:

- Hỡi vị thần Atlas! Thật là quý hóa! Ta không biết dùng những lời lẽ gì để tỏ lòng biết ơn vô hạn của ta đối với sự giúp đỡ tận tình của Người. Nhưng trước khi Người đi tới đô thành Mycènes đầy vàng bạc, xin Người hãy ghé vai đỡ cho ta một lát để ta kiếm tấm áo, tấm da lót vào vai cho đỡ đau, đỡ rát.

Atlas liền làm theo lời Héraclès. Héraclès chuồi nhanh ra khỏi gánh nặng bầu trời. Chàng nhặt ba quả táo vàng cho vào đẫy rồi đeo ống tên và cây cung lên vai, thanh gươm vào bên sườn, đoạn cầm lấy cây chùy gỗ. Và chàng từ biệt Atlas:

- Hỡi Atlas! Xin kính chào Người. Héraclès này chẳng thể nào mắc lừa Người đâu. Xin Người đừng giận! Có lẽ nào ta lại giơ vai ra chống đỡ bầu trời để chịu đựng cái cực hình mà thần Zeus dành riêng cho Người.

Héraclès trở về Mycènes. Chàng dâng những quả táo vàng mà chàng phải lặn ngòi ngoi nước, vượt núi băng rừng trải qua bao gian nguy vất vả mới đem được về cho Eurysthée. Nhưng Eurysthée chẳng biết dùng những quả táo đó vào công việc gì. Y nghĩ đi nghĩ lại rồi cuối cùng cho phắt ngay Héraclès. Héraclès đem dâng cho nữ thần Athéna để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với vị thần đã bảo hộ mình. Còn nữ thần Athéna, nàng lại đem trả ba quả táo vàng về khu vườn thiêng liêng do ba tiên nữ Hespérides trông coi vì báu vật của thần thánh không thể vương vãi vào tay người trần phàm tục.

Thế là chấm hết mười hai năm Héraclès phải làm đầy tớ cho Eurysthée. Nhưng mười hai năm cực nhục gian truân vất vả đó cũng là mười hai năm của chiến công vinh quang chói lọi khiến cho danh tiếng của Héraclès, người anh hùng vĩ đại, con của Zeus, khắc sâu vào trí nhớ của thế hệ này sang thế hệ khác.

Có một chuyện cần nói thêm cho rõ nếu không ắt hẳn người nghe thắc mắc. Ấy là truyện Persée, Atlas đã bị Persée dùng đầu ác quỷ Méduse biến thành đá mà sao ở chuyện này Atlas vẫn là một vị thần khỏe mạnh, tinh khôn đi lấy những quả táo vàng về cho Héraclès và toan lừa Héraclès chống đỡ bầu trời thay cho mình? Thật khó mà giải đáp cái “vô lý” đó được. Nhưng xét ra thì truyện thần thoại vốn dĩ đã có nhiều cái “vô lý”, lại mỗi người, mỗi nơi, mỗi thời kể mỗi khác cho nên cái “vô lý” đó trở thành cái “có lý” của truyện thần thoại. Và chúng ta khi thưởng thức thần thoại buộc phải chấp nhận cái “vô lý” đó.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Khỏe như Hercules hoặc Héraclès (Robuste, fort, colossal comme Hercule, C’est un Hercule, force herculéenne). Cái tên riêng Hercules trở thành danh từ chung hoặc tính từ chỉ những người có thân hình cường tráng, khỏe mạnh, đẹp đẽ nở nang đồng nghĩa với lực sĩ, dũng sĩ. Còn Công việc của Hercules (Travaux d’Hercule), Kỳ công của Hercules hoặc Héraclès (Exploits d’Hercule) chuyển nghĩa chỉ một công việc gì đó đòi hỏi phải có sự cố gắng, nỗ lực phi thường thì mới có thể hoàn thành được. Từ đó mở rộng nghĩa ra chỉ những công việc gì hết sức khó khăn; gian khổ. Cây chùy của Hercules hoặc Héraclès (La massue d’Hercule) tượng trưng cho một vật gì gắn bó thân thiết với, một vật không thể tách rời được với; đồng thời nó cũng có một ý nghĩa tượng trưng chỉ một vũ khí ưu việt, một biện pháp tối ưu, hữu hiệu (trong quan hệ so sánh đối lập). Cột của Hercules (Arriver aux colonnes d’Hercule) chuyển nghĩa chỉ giới hạn cuối cùng, mức độ cuối cùng.

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp có rất nhiều chuyện anh hùng, dũng sĩ nhưng không có một câu chuyện nào kể về một người anh hùng kiệt xuất như Héraclès, kiệt xuất ở chỗ: lập được nhiều chiến công, những chiến công đó lại to lớn và phi thường, hơn nữa lại có ý nghĩa sâu sắc. Héraclès, trước hết cũng như những người anh hùng khác, đã diệt trừ quái vật, ác thú đem lại cuộc sống yên lành cho nhân dân. Nếu có khác những vị anh hùng khác thì chỉ là ở chỗ, Héraclès đã diệt trừ nhiều quái vật, nhiều ác thú hơn. Nhưng Héraclès còn lập được những chiến công mà chưa từng có một người anh hùng nào lập được.

1 - Héraclès đã nắn lại dòng sông Alphée và Pénée để cho nước xối xả chảy vào dọn sạch băng chuồng bò của Augias. Héraclès đã dời non xẻ núi tạo ra eo biển Gibrantar, khai thông Địa Trung Hải với Đại Tây Dương. Nhưng chưa hết, táo bạo hơn cả là chiến công đoạt những quả táo vàng của cái tiên nữ Hespérides. Nhìn qua thì ta thấy dường như chiến công này chẳng có gì khác thường. Người anh hùng không phải đem sức mạnh ra để giao đấu với một gã khổng lồ hay một con quái vật nào. Héraclès chỉ ghé vai gánh đỡ, chống đội bầu trời hộ vị thần khổng lồ Titan Atlas một lát để thần đi lấy những quả táo vàng về cho chàng. Chỉ có thế thôi song quả thật là táo bạo và phi thường. Con người đã chinh phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên bắt thiên nhiên phục vụ cho mục đích của mình. Nhưng cái thiên nhiên núi, sông, biển chỉ là cái thiên nhiên gần gụi với con người. Còn một cái thiên nhiên nữa, xa hơn với con người, là vũ trụ. Và cái thiên nhiên này là độc quyền của thần thánh: chỉ có thần khổng lồ Titan Atlas mới có đủ sức chống, đội bầu trời. Thế nhưng Héraclès, con người, dám cả gan, táo tợn đến mức dám thay hẳn thần thánh để chống đội bầu trời. Hành động đó của Héraclès rõ ràng là sự chấp nhận cuộc đọ sức với thiên nhiên-vũ trụ, chấp nhận sự thách thức của thiên nhiên-vũ trụ. Nhưng con người chỉ đủ sức chống, đội bầu trời được trong chốc lát thôi. Đúng, chỉ chốc lát thôi, nhưng dù sao con người đã dám làm và cũng đã làm được. Đúng, chỉ có chốc lát thôi song quả là một chiến công phi thường. Một chiến công tiên báo cho ngành khoa học vũ trụ của thế kỷ XX.

2 - Héraclès đã sang tận miền biển cực Tây là nơi chưa ai đặt chân tới, đã xuống âm phủ bắt chó ngao Cerbère. Héraclès đã đi rất nhiều nơi từ Đông sang Tây, có thể chưa từng có một vị anh hùng nào đi nhiều và đi xa như Héraclès. Tất cả những điều đó phản ánh khát vọng của con người muốn khám phá, chinh phục thế giới xung quanh, muốn vượt ra ngoài phạm vi sinh sống chật hẹp của chế độ công xã thị tộc.

3 - Héraclès đã giải phóng cho thần Prométhée, vị thần ân nhân của loài người, vì hạnh phúc của loài người mà bị xiềng xích, đày đọa tra tấn nhục hình. Như vậy là con người đã giải phóng cho thần thánh. Nhưng thần thánh đây chỉ là thần Prométhée. Con người phải giải phóng cho Prométhée chính là con người giải phóng cho con người. Sứ mạng giải phóng con người là chính của bản thân con người.

Héraclès cưới Dejánire thực hiện lời hứa với vong hồn Méléagre

Hết hạn làm nô lệ cho Eurysthée, Héraclès trở về thành Thèbes, cuộc đời chàng những tưởng sẽ chấm hết nỗi gian truân, cay đắng từ đây. Nhưng vẫn chưa hết. Nữ thần Héra luôn luôn theo đuổi, bám riết chàng để bắt chàng phải chịu đựng những tai họa mới.

Ghi nhớ lời hứa với vong hồn Méléagre trong chuyến đi xuống âm phủ, việc đầu tiên của Héraclès là đến vương quốc Calydon ở xứ Élis để tìm gặp nàng Dejánire. Vào lúc này nhà vua Oenée, cha của Dejánire đang gặp một khó khăn rất lớn, chưa biết định liệu ra sao. Nhiều chàng trai đến cầu hôn với Dejánire, trong số đó có thần Sông-Achéloos. Dejánire lần lượt khước từ lễ vật của các chàng trai cầu hôn. Và các chàng trai đó đã ra về tuy không vui trong bụng song cũng không đến nỗi oán hận, căm thù. Riêng có thần Sông Achéloos là theo đuổi dai dẳng. Nhưng Dejánire chẳng thể nào ưng thuận vì vị thần này có lắm phép quá, khi thì hóa ra con rồng, con rắn, khi thì hóa ra con bò, con ngựa. Ai lại đi lấy một người chồng lạ lùng và đáng sợ như vậy. Đang trong tình cảnh đó thì Héraclès đến. Chàng thuật lại chuyện gặp vong hồn của Méléagre dưới âm phủ. Chàng cũng bày tỏ luôn ước nguyện của mình và mong muốn nhà vua và Dejánire cho phép mình được thực hiện trọn vẹn lời hứa với vong hồn Méléagre.

Vua cha và Dejánire đều rất ưng thuận. Nhưng thần Sông-Achéloos không chịu. Cuối cùng vua Oenée đành phải mở cuộc tỉ thí. Nàng Dejánire sẽ thuộc về người chiến thắng trong cuộc đọ sức đua tài này. Vào cuộc, thần Sông tỏ vẻ coi thường Héraclès:

- Nào lại đây, chàng trai tự xưng là con của Zeus và Alcmène: ta sẽ cho nhà ngươi biết rõ cái lai lịch này là bịa đặt, man trá!

Héraclès đáp lại:

- Hỡi thần Sông Achéloos! Ta vốn không quen đọ sức bằng lưỡi. Nào, hãy thử sức nhau một tí xem ra sao. Ít ra thì nhà ngươi cũng nên biết một điều: thắng được Héraclès này không dễ như đối với các địch thủ khác đâu!

Cuộc giao đấu diễn ra quyết liệt. Cả hai người to khỏe đứng sừng sững như hai ngọn núi. Họ xông vào nhau, dùng những đôi tay rắn chắc ôm thắt lưng nhau và ráng sức quật ngã nhau bằng những miếng võ mà họ đã từng quen thuộc, đã từng sử dụng để chiến thắng. Cát bụi tung lên mù mịt. Ba lần Héraclès lừa được Achéloos vào một thế hiểm tưởng quật ngã được đối thủ nhưng cả ba lần Achéloos đều gượng được hoặc đỡ được. Đến lần thứ tư thì Achéloos bị Héraclès quật ngã. Chàng đè lên Achéloos với một sức nặng ghê người khiến cho Achéloos cứ gắng chống chân lên là lại bị giập cho khụy xuống. Cứ để kéo dài mãi cái thế bất lợi này thì Achéloos không thể nào tránh khỏi thất bại. Gỡ ra để phản công thì chắc chắn là không được rồi. Achéloos đành giở món võ sở trường của mình, món võ mà xưa nay chưa từng bị ai đánh bại: biến thành các con vật. Thoạt tiên Achéloos biến thành rắn. Thần định lợi dụng thân hình bé nhỏ và trơn nhầy của giống vật này để chuồi ra khỏi thế bí trong tay Héraclès. Nhưng Héraclès nắm ngay lấy cổ rắn hét lớn:

- Hỡi Achéloos! Ta đã từng làm quen với giống rắn từ lúc còn nằm trong nôi! Ngươi nên nhớ rằng hồi đó ta đã bóp chết hai con rắn; hai con rắn chứ không phải một con như nhà ngươi hiện nay đâu.

Achéloos hoảng hốt, giãy giụa trong tay Héraclès. Thần lập tức biến mình thành một con bò mộng hung dữ. Héraclès nắm ngay lấy sừng bò, hét lớn:

- Hỡi Achéloos! Ta đã từng làm quen với sư tử chứ không phải với bò rừng. Ngươi nên nhớ rằng ta từng thuần phục được con bò rừng hung dữ mũi phun ra lửa ở đảo Crète.

Nắm được sừng bò, Héraclès tiện tay vặn mạnh một cái rồi ấn xuống. Sừng con bò gãy luôn. Thế là Achéloos chịu thua. Dejánire trở thành vợ Héraclès.

Hai vợ chồng sống với nhau ở cung điện của vua cha. Cuộc sống tưởng cứ thế trôi đi yên ấm. Ngờ đâu bữa kia lại xảy ra một tai bay vạ gió. Trong một bữa tiệc, cậu con trai của người anh hùng Architélos, em vua Oenée, tên là Eumonos, vô ý hắt nước nóng rửa chân vào người Héraclès. Héraclès bực tức tiện tay tát chú bé một cái. Không may đòn đánh từ tay người dũng sĩ tuy nhẹ nhưng lại là quá mạnh đối với chú bé đến nỗi chú bé ngã lăn xuống đất và chết luôn. Thế là Héraclès lại phạm tội giết người. Dù là cố ý hay vô tình cũng là phạm tội. Héraclès phải tự trục xuất ra khỏi xứ Calydon. Hai vợ chồng đưa nhau về Tirynthe. Đường về phải qua một con sông rộng, nước chảy rất xiết, tên gọi là Évenos. May thay ở đây có một con Centaure tên là Nessus làm nghề chở khách kiếm ăn. Nessos không có đò, chở khách bằng cách cõng người trên lưng rồi bơi qua sông. Héraclès ném các vũ khí của mình sang bên kia bờ rồi bơi sang trước. Còn vợ chàng, nàng Dédaleia sẽ nhờ Nessos đưa sang. Héraclès vừa bơi sang đến bên kia bờ thì bỗng nghe thấy tiếng vợ mình kêu thất thanh. Nàng gào thét gọi chồng đến cứu. Thì ra con Centaure Nessos thấy Dejánire xinh đẹp liền nảy ra ý định bắt cóc. Nó không cõng nàng sang sông mà lại cõng nàng chạy đi một hướng khác. Héraclès liền giương cung. Mũi tên tẩm máu con mãng xà Hydre bay vút đi cắm phập vào thân tên Centaure Nessos cường bạo. Máu từ thân gã nửa người nửa ngựa này trào tuôn ra. Phút chốc chất độc kinh khủng lan tỏa, thấm khắp người hắn làm hắn hoa mắt, chóng mặt, rã rời. Biết mình sắp chết, hắn cất tiếng nói với Dejánire:

- Nàng ơi, xin nàng đừng cho tôi có mưu đồ ám muội với nàng. Thật ra tôi muốn cởi bỏ cho nàng khỏi người chồng ấy, người chồng không xứng đáng với nàng, vì tôi biết rằng Héraclès rồi ra sẽ phản bội lại tình yêu chung thủy đẹp đẽ của nàng. Nhưng số phận đã không cho phép tôi làm điều mình muốn. Vậy trước khi từ giã cõi đời, tôi xin truyền lại cho nàng điều bí ẩn này, chắc nó sẽ giúp ích được nàng nhiều. Nàng hãy lấy một chút máu của tôi đây, cất đi. Sau này nếu như người chồng của nàng có phút nào quên lời thề ước chung thủy thì nàng chỉ việc lấy một chiếc áo thấm vào máu tôi và đưa cho chàng mặc... Tình yêu của chàng sẽ lại đằm thắm với nàng, son sắt với nàng, đẹp đẽ như ngày hai người mới yêu nhau, lấy nhau.

Nói xong Nessos thở hắt ra và chết. Dejánire làm theo lời hắn. Nàng có ngờ đâu đến mưu đồ nham hiểm của hắn mà sau này khi nàng biết rõ thì đã quá muộn.

Héraclès làm nô lệ cho nữ hoàng Omphale

Xưa tại đô thành Oechalie trên đảo Eubée có một nhà vua nổi tiếng vì tài bắn cung trăm phát trăm trúng. Khắp đất nước Hy Lạp từ miền núi hẻo lánh cho đến miền biển đông vui cứ nhắc đến cái tên Eurytos là mọi người đều biết. Chẳng những thế người ta còn kể cho chúng ta nghe nào cuộc đi săn ấy nhà vua nói sẽ bắn được bao nhiêu con mồi thì khi kết thúc, y như rằng, đếm đủ từng ấy, nào trong một cuộc tỉ thí, vui chơi với bạn bè, nhà vua đã đoạt được bao nhiêu vò rượu vì đã hơn tất cả các tay thiện xạ, bắn ba lần trúng cả ba con chim đang bay... Chính Eurytos là người đã được Amphitryon bố dượng của Héraclès mời về dạy cho cậu con trai của thần Zeus vĩ đại này tài nghệ bắn cung. Một tài năng như thế chỉ có thể do thần thánh ban cho, còn người trần chắc chắn rằng không thể nào luyện tập đến mức siêu việt như vậy. Chính vị thần Apollon, Người Xạ thủ danh tiếng trong thế giới thần thánh, đã truyền dạy cho Eurytos tài bắn trăm phát trăm trúng ấy. Eurytos có nhiều con, nhưng được nhà vua yêu quý nhất là chàng trai Iphitos nổi danh vì đức tính trung thực, ngay thẳng, và cô gái Iole nổi danh vì đẹp đẽ, nết na. Nhưng Iphitos nổi danh thì chẳng cô gái nào đến để xin cầu hôn. Còn Iole nổi danh vì tài sắc, đức hạnh thì lại là nơi hội tụ của biết bao chàng trai rấp ranh... làm rể. Nhà vua chỉ còn cách kén rể bằng một cuộc thi bắn. Kẻ nào chiến thắng được nhà vua trong cuộc tỉ thí thì được là kẻ bị... trúng mũi tên vô hình của vị thần Tình yêu-Éros.

Héraclès tới đô thành Oechalie sau khi hết hạn làm đầy tớ cho Eurysthée. Nhiều trang anh hùng tham dự cuộc thi đấu song đều bị loại. Đến lần Héraclès, chàng thắng vị vua thiện xạ một cách oanh liệt. Song Eurytos không gả Iole cho Héraclès. Nhà vua nói rằng một kẻ đã phải mang thân đi làm nô lệ cho Eurysthée trong mười hai năm thì không thể xứng đáng là người chồng của Iole. Như vậy Eurytos chẳng những đã nuốt lời hứa, một hành động đối với người Hy Lạp xưa là đáng tội chết, mà lại còn xúc phạm đến danh dự của Héraclès. Đang trong bữa tiệc, Eurytos cùng với các con đứng lên phỉ báng Héraclès, ra lệnh đuổi chàng ra khỏi cung điện và tệ hại hơn nữa, bắt chàng phải rời ngay khỏi đô thành Oechalie. Héraclès dằn lòng ra đi vì chàng không thể trả thù được trong lúc này, hơn nữa chàng đã đem lòng yêu mến nàng Iole xinh đẹp. Chàng trở về Tirynthe với nỗi nhớ nhung, buồn bã cùng với nỗi oán hận, uất ức.

Bẵng đi một thời gian, chẳng rõ bao lâu, một hôm Iphitos đến đô thành Tirynthe. Héraclès tiếp đãi chàng nồng hậu như truyền thống quý người trọng khách của con dân đất Hy Lạp. Iphitos thuật chuyện cho Héraclès biết sứ mạng của mình trong cuộc hành trình này. Chuyện như sau: Vua cha Eurytos vừa bị mất một vụ trộm rất to, cả đàn gia súc bị mất mà không rõ ai lấy. Một mất mười ngờ, Eurytos nghi Héraclès là thủ phạm vì Héraclès trả thù nhà vua đã không gả Iole. Nhưng Iphitos quyết không tin lời cha. Chàng tin rằng một người anh hùng vĩ đại và cao thượng như Héraclès không bao giờ trả thù bằng cách ấy. Chàng quyết tâm đi tìm đàn bò, phanh phui ra sự thật để thanh minh cho người anh hùng con của thần Zeus, và Tirynthe là một chặng đường trong cuộc hành trình của chàng.

Thật ra thủ phạm vụ trộm này là Autolycos con trai của thần Hermès và nàng Chioné. Cha cai quản nghề trộm cắp thì con cũng là một người thừa kế xứng đáng nghiệp cha. Autolycos lại có biệt tài biến hóa mình thành con vật này, con vật khác, cho nên y đã múa tay hành nghề thì người trần phàm tục của chúng ta chỉ có chịu mất chứ đừng hòng gì tìm lại được.

Nghe Iphitos thuật chuyện, Héraclès càng thêm cảm phục người con trai trung thực và ngay thẳng này. Hai người chuyện trò với nhau xem ra rất tâm đầu ý hợp. Một hôm, Héraclès cùng Iphitos lên bờ thành cao dạo chơi. Đây là một lũy thành xây trên một ngọn núi cao rất hiểm trở để ngăn chặn giặc. Đang đi chơi bình thường bỗng Héraclès nổi cơn điên. Đầu óc chàng quay cuồng, những chuyện uất ức cũ bỗng đâu hiện ra rõ mồn một trong trái tim: chuyện bị khước từ hôn nhân với Iole, chuyện bị sỉ nhục, bị đuổi khỏi bữa tiệc, v.v. Thế là Héraclès túm lấy Iphitos nâng bổng lên rồi ném từ mặt thành cao xuống đất. Iphitos chết thê thảm. Thật ra thì Héraclès không có tội mà Héra mới là người có tội. Nữ thần vẫn căm ghét đứa con riêng của chồng mình và nàng đã làm cho nó hóa điên.

Tuy nhiên, Héraclès vẫn là kẻ phạm tội giết người. Và đã phạm tội là phải chịu một hình phạt. Riêng đối với thần Zeus, thần cũng chưa đến nỗi mất hết cả ý thức về danh dự và sự liêm sỉ để bênh vực trắng trợn cho hành động sát nhân của con mình. Thần không thể dung thứ một hành động nhơ nhuốc như vậy. Thần không bao che cho đứa con mình, đứa con đã giết một vị khách đến thăm với tất cả lòng kính trọng, hơn nữa, vị khách ấy lại đang vì danh dự của chủ nhân mà dấn thân vào một hành trình đầy gian lao nguy hiểm. Zeus quyết định trừng phạt: giáng một căn bệnh khủng khiếp xuống Héraclès. Và thế là từ đó trở đi, Héraclès bị bệnh tật giày vò dai dẳng làm cho gầy yếu xanh xao, kiệt sức hẳn đi. Chữa chạy mãi không khỏi. Héraclès cố gắng chống gậy lần đi từng bước đến đền thờ Delphes để cầu xin thần Apollon một lời chỉ dẫn. Nhưng cô đồng Pythie ở đền Delphes không truyền đạt lời cầu khẩn của chàng lên vị thần Ánh sáng và Chân lý, hơn nữa lại còn đuổi chàng ra khỏi đền thờ vì cho rằng một kẻ giết người như chàng đặt chân vào đền thờ là làm ô uế chốn thiêng liêng. Tức giận, Héraclès ra về, nhưng chàng phải trả thù cái thói khinh người. Chàng lấy luôn cái ghế ba chân và mang đi. Thần Apollon bất bình, bèn hiện ra bắt Héraclès phải trả lại. Héraclès cãi, không chịu trả. Đã tức giận lại càng thêm tức giận, Apollon xông vào đánh Héraclès. Cuộc xung đột nổ ra ác liệt. Nhưng Héraclès chỉ là một người trần đoản mệnh, dù sức khỏe có hơn người cũng không thể nào đánh thắng được một vị thần bất tử. Vả lại, chàng vẫn còn là người đang đau yếu đâu còn sức lực mà đương đầu với một vị thần thiện xạ. Thần Zeus không muốn để cho đứa con yêu quý của mình chết nên đã ra tay can thiệp. Từ đỉnh Olympe cao ngất, thần vẫy tay đồn gọi mây mù và giáng xuống một đòn. Luồng sét của thần Zeus giáng xuống, đánh vào khoảng đất trống giữa hai địch thủ, biểu lộ sự không hài lòng của thần như can ngăn hai người, đòi hai người phải chấm dứt xung đột. Hai người con của Zeus bèn hòa giải với nhau. Lúc này một cô đồng Pythie mới lên tiếng phán truyền cho Héraclès biết quyết định của thần linh: Héraclès phải bán mình làm nô lệ cho nữ hoàng Omphale trong ba năm. Tiền bán được đem bồi thường cho nhà vua Eurytos coi như để chuộc lại lỗi lầm đã giết Iphitos. Thế là Héraclès sau mười hai năm làm nô lệ cho nhà vua Eurysthée vừa mới được tự do, bây giờ lại phải làm nô lệ ba năm nữa, và lần này làm nô lệ cho một người đàn bà: một nữ hoàng! Còn Eurytos, nhà vua bội ước và kiêu căng, quyết không nhận số tiền bồi thường. Ông ta quyết nuôi giữ mối thù với Héraclès.

Omphale là một nữ hoàng góa bụa ở đất Libye. Cuộc sống cô đơn đã là một điều đáng buồn đối với nàng nhưng điều đau buồn hơn là đất nước luôn luôn bị giặc cướp quấy nhiễu, phá phách. Việc giao lưu trao đổi ngừng trệ vì các đường đi lối lại chẳng chỗ nào yên lành. Omphale mong mỏi ngày đêm có người đến giúp đỡ.

Mua được người anh hùng Héraclès làm nô lệ, nữ hoàng Omphale có một báu vật trong tay. Song nàng chẳng biết tài năng của chàng và chẳng biết sử dụng chàng. Vua Eurysthée thì hành hạ chàng bằng những việc cực kỳ khó khăn, oái oăm, còn nữ hoàng Omphale thì hành hạ chàng bằng những công việc cực kỳ tầm thường, cực kỳ “phụ nữ”. Nàng bắt chàng phải ăn mặc như người nữ tỳ, phải hàng ngày ngồi quay xa, dệt vải, xe sợi, guồng len... hoặc khá hơn nữa thì bắt chàng đi đội nước, giặt giũ và nấu ăn. Còn Omphale thì mặc y phục của chàng, khoác tấm da sư tử lên người, bỏ vương miện trên đầu thay bằng mũ đầu sư tử, đeo cung giắt gươm, và hăng hái hơn nữa là bắt chước Héraclès nâng cây chùy lên cho trọn bộ. Nhưng cây chùy của Héraclès đâu phải là lông cánh chim hồng!

Tuy nhiên Héraclès cũng làm được vài việc hữu ích hơn những việc kể trên. Trước hết ta phải kể đến việc chàng trừng trị bọn cướp Cercopes. Đây là một loại người lùn, đúng hơn phải gọi chúng là một giống quỷ lùn chuyên sống bằng nghề cướp đường. Bọn này cướp giật rất nhanh và biến đi cũng rất nhanh. Do người chúng lùn, bé cho nên rất dễ ẩn nấp, chui luồn, vì thế bắt chúng không phải dễ. Hôm đó Héraclès đi chơi. Đi một hồi lâu chàng thấy mệt bèn tìm một cây có bóng mát nằm nghỉ. Nơi đó cách đô thành Éphèse không xa. Nằm lâu, chàng ngủ thiếp đi. Lợi dụng lúc đó, lũ cướp bèn tính chuyện làm ăn. Chúng bảo nhau lấy toàn bộ vũ khí của chàng vì ngoài vũ khí ra chàng chẳng có vàng bạc, châu báu gì. May thay giữa chừng chàng tỉnh giấc. Chàng kịp thời tóm bắt được cả lũ. Chàng bèn trói hai tay hai chân chúng rồi lấy một cái đòn xuyên qua giữa hai chân gánh về. Lũ quỷ lùn Cercopes đầu dốc xuống đất, chân chổng lên trời, kêu khóc van xin chàng tha tội. Héraclès nghe thương tình lũ người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm ấy, liền sỉ mắng chúng một hồi rồi cởi trói tha cho chúng.

Sau đó Héraclès đem quân đi trừng trị những người Libye ở xứ Iton. Những người này đã từng kéo quân sang đánh phá vương quốc Libye của nữ hoàng Omphale và bắt triều cống hàng năm. Héraclès đánh cho chúng đại bại, phải hàng phục. Chàng ra lệnh xóa bỏ lệ triều cống và san bằng toàn bộ đô thành của chúng. Chàng lại còn giết một con mãng xà ác hại giống như con Hydre ở hồ Lerne năm xưa, tuy không kinh khủng ghê gớm bằng. Nữ hoàng Omphale hết sức cảm phục người anh hùng Héraclès đã giúp cho những công việc ích nước lợi dân như vậy. Còn việc Héraclès trừng trị tên Silée ta cũng phải nhắc đến. Silée là một gã nông dân trồng nho. Hắn có một cánh đồng nho khá rộng. Khách bộ hành nào đi qua khu vườn nho của hắn, vì vườn của hắn chạy dài theo hai bên đường, là hắn xông ra chặn đường, bắt về làm nô lệ. Những người này hàng ngày phải làm việc cật lực trên cánh đồng nho của hắn. Khi kiệt sức không còn làm việc được nữa, hắn giết đi cho đỡ phải nuôi. Héraclès đi qua vùng này. Tất nhiên là một tên Silée, chứ mười tên Silée cũng không bắt nổi chàng.

Cũng trong thời gian làm nô lệ cho Omphale, Héraclès còn tham gia vào cuộc săn con lợn rừng Calydon, một cuộc săn thu hút khá nhiều anh hùng, dũng sĩ. Chàng còn tham gia vào cuộc viễn chinh sang phương Đông của những người Argonautes do Jason khởi xướng.

Có chuyện kể: Omphale muốn làm nhục người anh hùng nên mới bày ra cái trò bắt chàng phải ăn mặc y phục của phụ nữ và làm những công việc lặt vặt không tên trong nhà. Nhưng có người lại kể do chiến công của Héraclès đã giúp ích cho nữ hoàng Omphale nên nữ hoàng đem lòng cảm phục và đã giải phóng cho chàng và bắt chàng phải... làm chồng. Vì quá yêu Héraclès nên nữ hoàng thỉnh thoảng bắt chàng phải trải qua những thử thách như vậy cho... vui! Và cũng là để thử xem người anh hùng của mười hai kỳ công có đáng mặt anh hùng không trước những “thử thách” của nàng.

Héraclès đánh phá thành Troie

Hết hạn làm nô lệ cho Omphale, Héraclès trở về quê hương. Việc đầu tiên chàng quyết định phải làm là trừng phạt nhà vua Laomédon trị vì ở thành Troie về tội đã bội ước quỵt công của chàng trong việc giải thoát cho Hésione khỏi phải hiến mình cho loài thủy quái. Héraclès liền chiêu tập các vị anh hùng trên đất nước Hy Lạp họp thành một đạo quân lớn, tích lương đóng thuyền, làm lễ hiến tế các vị thần chờ ngày thuận gió hạ thủy xuất quân.

Đoàn chiến thuyền viễn chinh theo người xưa kể có mười tám chiếc, kể ra cũng chưa phải là to lớn gì. Cuộc vây đánh diễn ra không lâu. Laomédon biết đạo quân của Héraclès có để lại một đội quân nhỏ để canh giữ chiến thuyền neo đậu ở bờ biển, liền tung một đội quân từ trong thành ra tập kích. Quân Hy Lạp chống đỡ anh dũng song bị thiệt hại nặng nề. May thay khi quân Troie chưa kịp tiến vào khu chiến thuyền neo đậu ở bờ biển thì Héraclès được tin vội quay về ứng cứu. Quân Troie núng thế phải bỏ chạy vào trong thành. Quân Hy Lạp bắt đầu cuộc vây hãm thành Troie và tìm cách phá thành.

Các anh hùng dũng sĩ xông lên, vượt lên, trèo lên tường thành cao đánh nhau với quân Troie trên mặt thành. Họ thắng thế tràn vào trong thành, mở cổng thành cho đại quân ùa vào. Thế là thành Troie bị thất thủ. Laomédon và các con trai bị trúng những mũi tên tấm độc của Héraclès lần lượt ngã xuống. Chỉ còn lại một người con trai út của nhà vua là thoát chết song bị bắt làm tù binh. Nàng Hésione xinh đẹp cũng bị bắt. Để thưởng công cho người dũng sĩ Télamon đã anh dũng lúc nào cũng xông pha trước nhất, dẫn đầu mọi người trong các trận đánh, Héraclès gả Hésione cho chàng. Héraclès lại còn ban cho Hésione một đặc ân: cho phép Hésione chuộc một tù binh để phóng thích. Hésione bèn chọn ngay Podarcès người em út của mình. Nàng chẳng biết lấy của cải ở đâu ra làm lễ vật xin chuộc, liền tháo tấm khăn trùm đầu tha thướt trao cho Héraclès. Từ đó trở đi, Podarcès được tự do. Chàng đổi tên là: “Priam” theo tiếng Hy Lạp nghĩa là: “chuộc lại”. Héraclès trao lại thành Troie cho chàng trai “chuộc lại” này.

Đoàn thuyền chất đầy những chiến lợi phẩm dưới quyền chỉ huy của Héraclès trở về Hy Lạp. Nữ thần Héra vẫn nấu nung căm tức liền giáng xuống mặt biển những ngọn gió sóng thần hung dữ, bạo ngược, gây ra bão táp hiểm nguy. Để cho thần Zeus không biết chuyện này, Héra sai thần Giấc ngủ-Hypnos dùng pháp thuật đặc hữu của mình làm cho Zeus ngủ say mê mệt. Bão táp cứ thế hoành hành trên mặt biển. Đoàn thuyền của Héraclès trôi nổi trên mặt sóng dữ dội của Đại dương. Cuối cùng trôi dạt vào đảo Cos.

Những người dân trên đảo Cos thấy có thuyền lạ đến đảo của mình bèn gọi nhau ra lấy đá ném, mưu làm cho thuyền đắm để “lũ cướp biển” không đổ bộ được lên bờ. Nhưng đêm hôm đó đoàn thuyền Héraclès đổ bộ được lên đảo. Tức giận vì hành động bạc đãi của những người dân trên đảo này, chàng đã cùng với các chiến hữu của mình phá trụi sạch đảo, bắt và giết một số dân. Vua Eurypylos con của thần Poséidon bị Héraclès giết trong một cuộc tấn công trả thù.

Sau một giấc ngủ dài và mệt, tỉnh dậy thần Zeus biết mình bị vợ đánh lừa. Tức chuyện đó một thì khi biết tin đoàn thuyền Héraclès trên đường về gặp giông tố, tai họa, tính mạng như trứng đặt dưới đá, Zeus lại càng tức mười, tức trăm. Thần thét vang làm cho cả cung điện Olympe run bần bật. Thần sai các chư thần đem Héra cùm lại. Đây là một chiếc cùm bằng vàng do thần Thợ rèn Chân thọt làm ra, chẳng ai có tài gì phá được. Sau đó Zeus, thật là vô cùng dã man, đem Héra trói lại rồi treo lơ lửng ở giữa trời, xiềng bàn chân của vợ, hai bàn chân xinh đẹp là như thế, vào hai cái đe. Các chư thần sợ xanh mắt, chẳng ai dám đứng ra khuyên giải Zeus đôi ba lời. Thần Zeus còn ra lệnh nếu vị thần nào can thiệp vào chuyện này, cởi trói cho Héra, thì sẽ bị ném tuột xuống trần. Chưa hết, Zeus lại còn sục sạo đi tìm thần Giấc ngủ-Hypnos để trừng trị y về cái tội đã đồng lõa với mụ vợ thù dai. Nhưng không tài nào tìm thấy. Hypnos vốn biết tính tình của Zeus song cũng không thể nào từ chối công việc của Héra giao. Nhưng y làm xong việc là cao chạy xa bay ngay đến chỗ nữ thần Đêm tối-Nyx nhờ nữ thần che chở, vì lẽ đó Zeus không thể nào tìm ra được thần Hypnos, người gieo giấc ngủ xuống đôi mắt của thế giới thiên đình và những người trần thế.

Héraclès được gia nhập vào hàng ngũ các vị thần của thế giới Olympe

Khi Héraclès bị bán làm nô lệ cho nữ hoàng Omphale thì vợ chàng, nàng Dejánire và các con buộc phải rời bỏ Tirynthe đi kiếm một nơi khác để trú ngụ. Dejánire đến đô thành Trachine thuộc đất Thessalie. Cầm quyền ở đây là nhà vua Céyx, nếu kể về huyết thống thì phải gọi Amphitryon, bố dượng của Héraclès bằng chú, bác hay cậu gì đó. Vua Céyx đón tiếp vợ con của Héraclès với lòng chân thành và sự thông cảm. Nhà vua vui lòng cho mẹ con Dejánire nương náu tại đô thành của mình.

Dejánire sống ở Trachine với nỗi chờ đợi. Ngày đêm nàng mong ngóng người chồng thân yêu được trả lại tự do. Nàng tính từng ngày, từng tháng. Hai năm rồi ba năm. Ba năm chẵn đã trôi qua mà lạ sao vẫn chưa thấy chàng về. Kể năm ra thì đúng như thế rồi mà người cũng chẳng thấy về, tin tức cũng chẳng thấy đến. Hay là có một sự rủi ro gì xảy ra chăng? Dejánire lo nghĩ ngày đêm. Thời gian lại trôi đi. Và bây giờ là ba năm có lẻ rồi mà vẫn chưa thấy tin tức của Héraclès. Nàng gọi đứa con trai lớn đến và bày tỏ nỗi lo lắng:

- Hỡi Hyllos, con thân yêu của mẹ! Đã hơn ba năm rồi, không phải chỉ hơn một ngày, hai ngày hay dăm bữa nửa tháng gì, mà là ba năm ba tháng rồi mà cha con vẫn chưa về. Ở nhà mẹ con ta ngày đêm trông ngóng cha con. Mà sao lạ lùng quá làm vậy, đến một chút tin tức cũng không có! Hay có một điều gì chẳng lành đã xảy ra đối với cha con? Hyllos con, có lẽ con phải lên đường tìm cha con để cho mẹ được yên lòng.

Tuân theo lời mẹ, Hyllos lên đường đi tìm cha. Hyllos đi đâu bây giờ? Chàng được biết, Héraclès khi hết thời hạn làm nô lệ cho nữ hoàng Omphale sẽ cầm đầu một đạo quân tiến vào đô thành Oechalie để hỏi tội tên vua Eurytos, rửa sạch mối nhục xưa kia. Bây giờ muốn biết tin cha chỉ có thể đến nơi đó. Cũng như mẹ, chàng hết sức lo lắng cho số phận của Héraclès, vì xưa nay chưa bao giờ Héraclès lại biệt vô âm tín như bây giờ. Nhưng lo lắng hơn nữa là một lời tiên tri phán truyền về số phận Héraclès xem ra có thể ứng nghiệm. Chính Dejánire ngày đêm lo lắng đến hao mòn thể xác cũng là vì lời tiên tri này. Hồi đó, khi từ giã vợ con, bán mình làm nô lệ cho Omphale, Héraclès có truyền lại cho vợ con biết về lời tiên tri này. Héraclès đã thân hành đi đến rừng sồi Dodone để cầu xin thần Zeus. Lời Zeus phán bảo: sau ba năm ba tháng ở đất khách quê người, nếu trở về quê nhà được với vợ con thì sẽ có một cuộc sống vô vàn hạnh phúc, bằng không thì không tránh khỏi cái chết. Bây giờ ba năm ba tháng rồi, Héraclès chưa về. Có sự gì đã xảy ra với người anh hùng vĩ đại, cha của chàng? Chàng ra đi với nỗi lòng như thế và tự nhủ chỉ có mau chóng tới đô thành Oechalie thì mới có thể biết rõ sự thật.

Trong khi Hyllos theo đuổi cuộc hành trình thì Héraclès lại phái một người tùy tướng tên là Lichas từ đảo Eubée trở về Trachine. Thật không còn gì sung sướng bằng khi Dejánire biết tin chồng mình đã rửa được nhục, chiến thắng oanh liệt tên vua khinh người, san bằng đô thành của y và chỉ sớm muộn mai đây, chàng, người anh hùng vĩ đại, con của Zeus, sẽ trở về với nàng. Lichas đem theo nhiều chiến lợi phẩm và tù binh. Vị tùy tướng này cho biết, Héraclès đang sửa soạn cho buổi lễ hiến tế tạ ơn các vị thần mừng chiến thắng. Xong việc đó chàng sẽ rời đảo Eubée trở về Trachine.

Chợt Dejánire trông thấy trong đám tù binh một thiếu nữ xinh đẹp đang sụt sùi khóc. Nàng hỏi Lichas về lai lịch cô ta, vì nàng nghĩ một người thiếu nữ xinh đẹp như thế ắt phải là con của nhà vua Eurytos. Sự nghi ngờ của nàng thật đúng. Người nữ tù binh đó chính là nàng Iole, con gái vua Eurytos. Nhưng Lichas trả lời rằng mình không được rõ, có thể chỉ là con một gia đình quý tộc nào đó ở Oechalie. Câu chuyện tưởng đến đó là xong. Ai ngờ, một thị nữ vốn biết đầu đuôi câu chuyện từ khi Héraclès đến đô thành Oechalie bắn cung với vua Eurytos, bị Eurytos bội ước ra sao, làm nhục ra sao, bèn kể lại đầu đuôi, ngọn ngành cho Dejánire biết. “Cô ta chính là Iole đấy bà ạ.” Người thị nữ nói. “Con nghĩ rằng Héraclès, người đưa nàng về đây hẳn không phải để đem đi bán như những nô lệ khác. Con nói, bà tha lỗi, rất có thể người sẽ kết duyên với nàng. Đàn ông năm thiếp bảy thê mà lại”.

Nghe người nữ tỳ thuật chuyện, Dejánire rất buồn. Nàng trách Lichas đã giấu nàng chuyện đó. Đến lúc này Lichas phải nói rõ sự thật cho Dejánire biết quả thật Héraclès có đem lòng yêu mến Iole và có ý định cưới nàng làm vợ.

Thế là mọi việc đã rõ ràng. Người chồng mà Dejánire bấy lâu yêu quý, mong chờ, đã có mới nới cũ, tham đó bỏ đăng. Hèn nào mà từ bao lâu nay chàng chẳng có tin tức gì về nhà. Thì ra là ở chuyện này cả đấy. Càng nghĩ càng buồn, Dejánire chợt nhớ tới lời dặn của con Centaure Nessos xưa kia. Chỉ có làm theo lời dặn dò của nó thì nàng mới có thể giữ lại được tình yêu của chàng, khôi phục lại tình yêu của chàng đằm thắm chung thủy như xưa. Dejánire bèn lấy chiếc bình đựng máu của con Centaure nửa người nửa ngựa ra, đoạn nàng lấy máu ở trong đó đem bôi vào, thấm vào một tấm áo. Nàng gọi Lichas đến và bảo:

- Lichas hỡi! Ngươi hãy đến ngay Eubée dâng cho Héraclès, chồng ta, chiếc hộp này. Ngươi hãy nói với chàng, đây là tấm áo vô cùng quý giá, đích thân ta đã dệt vải và may nên ta gửi cho chàng tấm áo này để chàng mặc khi cử hành lễ hiến tế tạ ơn thần Zeus. Ngươi hãy nói rằng ngoài chàng ra thì không ai được phép mặc chiếc áo này, tấm áo thanh khiết và trong sáng như tấm lòng ta mà đến một tia nắng của thần Mặt trời-Hélios cũng chưa hề xúc phạm đến nó. Lichas hỡi! Ngươi hãy lên đường, đi ngay, đi mau đi, để cho chàng có áo mặc trong lễ hiến tế.

Lichas ra đi. Còn Dejánire bồn chồn với biết bao ý nghĩ. Cái gì sẽ xảy ra. Tình yêu của chồng nàng có thể chỉ ít ngày nữa sẽ lại thủy chung, son sắt với nàng. Còn Iole, số phận của cô ta sẽ được định đoạt như thế nào?

Dejánire đi về phòng riêng. Một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mặt nàng. Miếng vải mà nàng dùng để thấm máu con quái vật Centaure để bôi lên chiếc áo gửi tặng chồng, miếng vải ấy nàng vứt xuống nền nhà, bây giờ chỉ còn là một nắm tro. Dejánire bủn rủn cả người, Héraclès, Héraclès, chàng sẽ ra sao? Nàng linh cảm thấy có điều gì chẳng lành. Nàng sực nhớ lại lời tiên tri. Hay lời tiên tri ứng nghiệm?

Bỗng đâu Hyllos đẩy cửa ùa vào nhà. Người con trai của Dejánire mắt đẫm nước, gào lên:

- Mẹ ơi! Mẹ chết đi! Thà rằng mẹ chết đi để con không gặp lại mẹ mà nói ra cái sự thật khủng khiếp này. Con biết nói với mẹ thế nào bây giờ? Mẹ đã giết người chồng thân yêu của mẹ. Mẹ đã giết người cha kính mến của con.

Dejánire lạnh toát cả người:

- Sao, sao? Con nói gì vậy? Ai nói với con như vậy? Con không mất trí đấy chứ?

Hyllos đáp lại:

- Con đã chứng kiến cha con mặc chiếc áo quý giá mà mẹ sai người mang đến. Và con cũng đã chứng kiến cha con đau đớn, điên dại, quằn quại như thế nào.

Và Hyllos kể lại cho mẹ nghe những điều mình trông thấy. Chuyện xảy ra như sau:

Sau khi lập xong bàn thờ trên núi cao gần đô thành Oechalie, Héraclès chuẩn bị bước vào hành lễ. Bỗng đâu Lichas chạy tới quỳ xuống dâng cho người anh hùng con của Zeus tấm áo và thuật lại điều mong ước của Dejánire. Héraclès bèn mặc tấm áo vào người và trịnh trọng tuyên bố trước ba quân lễ hiến tế bắt đầu. Chàng giơ hai tay lên trời cao để cầu khẩn các vị thần. Lửa thui các con vật để làm lễ hiến tế bốc cháy bừng bừng và tỏa mùi thơm ngào ngạt. Bất ngờ Héraclès thét lên đau đớn. Chàng đưa tay cởi tấm áo ra nhưng không được. Tấm áo đã dính chặt vào người chàng. Máu của con Centaure Nessos bị trúng tên tẩm thuốc độc từ máu của con mãng xà Hydre đã thấm vào khắp cơ thể chàng, thiêu đốt từ trong tâm can chàng làm chàng điên dại, đau đớn. Chàng đưa tay dứt áo ra nhưng tấm áo đã dính chặt vào da thịt chàng cho nên chàng dứt luôn cả từng mảng thịt của mình. Mọi người chạy đến nhưng không thể nào cứu chữa được. Trong nỗi đau đớn cắn rứt, Héraclès lao tới chỗ Lichas đứng, túm lấy người tùy tướng này và quẳng luôn xuống biển Eubée. Số phận bất hạnh của Lichas được các thần linh biết đến. Các thần biến Lichas thành những hòn núi đá, những hòn đảo nhỏ ở biển Eubée mà sau này người ta gọi là những hòn đảo Lichades.

Héraclès ngã vật xuống đất và giãy giụa trong cơn đau giằng xé. Chàng gọi đứa con trai của mình lai và bảo:

- Con ơi! Ta chết mất thôi. Con hãy đưa ta lên một ngọn núi cao hẻo lánh để không một người trần tục nào nhìn thấy cái chết của ta. Con có thương ta thì đừng để ta chết ở nơi này...

Mọi người vực Héraclès lên cáng, đưa chàng xuống thuyền trở về Trachine. Chính Hyllos đã cùng đi trên thuyền ấy với người cha bất hạnh của mình để về kể lại cho Dejánire biết rõ mọi điều. Nghe con mình kể lại chuyện đau thương và khủng khiếp ấy, Dejánire không nói được một lời nào. Người nàng như không còn sinh khí. Sắc mặt nhợt nhạt và dại hẳn đi. Nàng lặng lẽ đi vào trong cung và tìm được một thanh gươm. Thấy vậy người nhũ mẫu thét lên, gọi Hyllos. Nhưng khi Hyllos chạy đến thì không kịp nữa rồi. Mẹ chàng đã dùng gươm đâm vào ngực tự sát. Hyllos gục đầu trên thi hài người mẹ còn ấm nóng nức nở khóc than. Máu từ trái tim nàng Dejánire chảy lênh láng trên nền nhà.

Trong những phút hấp hối, những phút cuối cùng của đời mình, người anh hùng vĩ đại con của Zeus bày tỏ nguyện vọng được hỏa táng trên đỉnh núi Oeta. Chàng cũng nói cho Hyllos biết, như vậy là lời tiên tri của Zeus đã ứng nghiệm, vì Zeus đã có lần phán bảo, chàng “không chết vì tay của một người sống mà lại chết vì mưu mô của kẻ đã chết”. Hyllos thanh minh cho mẹ, xin cha hãy rộng lòng tha thứ cho người mẹ đáng thương của mình. Héraclès còn bày tỏ ước nguyện Hyllos sẽ kết duyên với Iole.

Giàn lửa đã được thiết lập xong trên đỉnh Oeta. Người ta khiêng Héraclès lên và đặt vào trong đó. Lúc này Héraclès nói đã yếu đi nhiều. Chàng mong muốn được chết nhanh trong ngọn lửa thiêu còn hơn kéo dài mãi nỗi đau đớn nứt da xé thịt âm ỷ trong người. Nhưng không một ai dám châm lửa. Người ta cảm thấy không đành lòng làm một việc như vậy. Cuối cùng, người anh hùng Philoctète tuân theo lời Héraclès châm lửa. Người chiến hữu và đồ đệ của Héraclès tiến đến bên giàn củi đưa cây đuốc ra. Tay chàng run lên, khuôn mặt chàng hằn lên nỗi đau xót. Những giọt nước mắt nối nhau lăn trên gò má.

Lửa bùng cháy. Philoctète khóc nấc lên. Chàng kính cẩn cúi đầu vĩnh biệt người anh hùng của những kỳ công thay đổi trời đất. Di vật của Héraclès trao lại cho chàng, người đã châm ngọn lửa tiễn đưa Héraclès về thế giới vĩnh hằng, là cây cung và ống tên bách chiến bách thắng.

Bỗng nhiên trời đất tối sầm lại. Một tiếng sét nổ rung chuyển cả bầu trời và mặt đất, sáng rực lên một góc trời. Thần Zeus đã ra hiệu cho các vị thần Olympe đón tiếp đứa con của mình. Nữ thần Chiến thắng-Niké theo lệnh của Zeus đánh cỗ xe vàng xuống đón Héraclès. Có chuyện kể nữ thần Athéna và thần Hermès.

Héraclès được gia nhập vào thế giới Olympe và trở thành một vị thần bất tử. Nữ thần Héra từ đây cũng không nuôi giữ mối thù với người anh hùng con riêng của chồng mình nữa. Bầu trời cao xa vời vợi, trong sáng thanh khiết, cuộc sống bất tử là phần thưởng cao quý nhất cho người anh hùng mà nếu lần theo gia phả thì bắt nguồn từ nàng Io.

Con cháu của Héraclès (Héraclides)

Sau khi Héraclès chết, mẹ chàng cùng với các con của chàng từ thành Thèbes rời về Tirynthe sống với người con trai lớn tên là Hyllos. Nhưng họ sống ở nơi đây không được bao lâu. Eurysthée, vị vua hèn nhát và thù vặt vốn chẳng ưa gì Héraclès đã từng hành hạ Héraclès bằng đủ mọi cách mà chẳng thể bôi nhọ được chàng thì nay trút tất cả nỗi căm tức của mình vào những đứa con của Héraclès. Một nghiêm lệnh được ban bố: Những con cháu của Héraclès không được cư ngụ trên đất Tirynthe. Một nghiêm lệnh khác tiếp theo: Cấm mọi đô thành, xứ sở, miền núi cũng như miền xuôi không được chứa chấp lũ người này. Thế là những người con của Héraclès phải đi lang thang phiêu bạt hết chỗ này đến chỗ khác. Thương xót tình cảnh những người cùng máu mủ, Iolaos, người bạn đường của Héraclès đã từng tham gia chiến đấu với Héraclès trong sự nghiệp vĩ đại, đã bất chấp lệnh của tên vua hèn nhát và thù vặt, cứ đón nhận những người con của Héraclès. Kể ra theo huyết thống thì Iolaos là anh em con chú con bác ruột với những người con của Héraclès (ông là con của Iphiclès mà Iphiclès và Héraclès là hai anh em sinh đôi). Những việc làm nhân nghĩa của Iolaos đã không che giấu được Eurysthée. Biết chuyện, tên vua hèn nhát và thù vặt này lập tức đem quân vây bắt. Bây giờ thì chẳng có ai địch được hắn cả. Quyền thế trong tay hắn, một kẻ bất tài vô đạo, làm cho hắn trở thành một kẻ hãnh tiến dương dương tự đắc, sử dụng quyền lực để hãm hại những người lương thiện, những người con của Héraclès. Hắn tìm thấy niềm vui sảng khoái trong sự thù hằn nhỏ nhen đê tiện. Iolaos và những Héracleidae phải chạy sang lánh nạn ở đô thành Athènes lúc này do Démophon người con trai danh tiếng của người anh hùng Thésée và nàng Phèdre xinh đẹp cai quản. Eurysthée sai sứ thần sang Athènes đòi Démophon phải nộp những Héracleidae, nếu không, hắn sẽ kéo quân sang trị tội. Mặc cho những lời đe dọa láo xược và hung hăng, Démophon vẫn không hề run sợ. Nhà vua kiên quyết bảo vệ truyền thống quý người trọng khách thiêng liêng do thần Zeus đã ban truyền dạy dỗ, nhất là đối với những người đang gặp nạn cầu xin sự che chở, bảo hộ. Chẳng bao lâu, Eurysthée kéo đại quân tràn vào vùng đồng bằng Attique. Tình cảnh quả là rất đáng lo ngại vì quân thù đông gấp bội.

Nhân dân Athènes bèn sắm sanh lễ vật đến đền thờ các vị thần Olympe để cầu xin một lời chỉ dẫn. Lời thần phán bảo: Athènes sẽ chiến thắng vinh quang nếu hiến dâng cho các vị thần một người con gái. Macaria, người con gái lớn của Héraclès và Dejánire tình nguyện hy sinh làm lễ vật hiến tế để Athènes giành được chiến thắng. Trong cuộc chiến đấu nổ ra ác liệt, những người Athènes tuy ít nhưng chiến đấu với tinh thần quyết bảo vệ bằng được xứ sở thân yêu của mình cho nên quân địch, mặc dù đông mà vẫn không đè bẹp được đối phương. Đang lúc cuộc đọ sức diễn ra gay go, bất phân thắng bại thì Hyllos đem một đạo quân đến tiếp viện cho quân Athènes. Tình thế liền xoay chuyển. Quân của Eurysthée bị tiêu hao nặng và cuối cùng phải tháo chạy. Ngay tên vua cầm đầu cuộc hành quân này cũng không có gan trụ lại để củng cố đội ngũ của mình. Vừa thấy núng thế là hắn nhảy phắt lên xe chạy trốn. Hyllos kịp thời phát hiện. Chàng nhảy lên ngay cỗ xe của cha mình truyền lại, tế ngựa rượt theo. Thấy vậy, Iolaos cũng vội nhảy lên xe. Ông khẩn khoản xin người con trai của Héraclès nhường cho mình cái vinh dự đuổi bắt Eurysthée. Người chiến hữu của Héraclès muốn được tự tay trực tiếp trả thù cho Héraclès. Iolaos quất ngựa cho chúng phi nước đại. Ông quyết đuổi bằng được tên vua khốn kiếp hèn nhát và thù vặt. Khoảng cách giữa hai cỗ xe rút ngắn dần. Giờ quyết định sắp đến, Iolaos cầu khấn các vị thần Olympe ban cho mình sức mạnh, sự cường tráng, nhanh nhẹn, óc thông minh và đôi mắt tinh tường. Ông chỉ xin các vị thần ban cho mình những báu vật đó một ngày thôi, chỉ một ngày thôi đủ sức cho ông chiến thắng trong cuộc giao tranh. Báu vật đó xưa kia các vị thần đã ban cho ông nhưng những nữ thần Heures-Thời gian đã tước đoạt mất. Giờ đây ông chỉ còn lại sự chậm chạp và yếu đuối. Chấp nhận lời thỉnh cầu của Iolaos, các vị thần liền giáng xuống hai ngôi sao. Hai ngôi sao bay vút từ bầu trời cao xuống rồi nở ra một đám mây đen trùm kín lên cỗ xe. Tan mây, Iolaos hiện ra như một dũng tướng thời trai trẻ, mắt sáng quắc, tay gân guốc, oai phong lẫm liệt, đường bệ, tinh nhanh. Ông quất ngựa đuổi theo Eurysthée và đã đuổi kịp. Chĩa ngọn lao vào sau lưng tên vua khốn nạn đó, Iolaos bắt hắn phải hàng phục. Và hắn đã cam chịu hàng phục. Iolaos giải hắn về Athènes. Trông thấy tên vua Eurysthée, kẻ đã từng hành hạ con mình, cháu mình, Alcmène sôi máu lên, bà chạy ngay đến chỗ hắn bị trói, móc con mắt của hắn ra vứt đi cho hả lòng căm giận mặc dù đã có nhiều người can ngăn. Có chuyện kể, Eurysthée không bị bắt sống mà bị chặt đầu đem về. Và Alcmène cũng đã đối xử như đã kể với cái đầu của tên vua hèn nhát và thù vặt ấy. Kể ra thì hành động này chẳng lấy gì làm cao thượng. Tuy nhiên, những Héracleidae vẫn làm lễ mai táng cho Eurysthée với đầy đủ nghi lễ. Y được chôn trên mảnh đất gần đền thờ nữ thần Athéna.

Thế là Eurysthée và con gái của hắn đã bị trừng phạt. Giờ đây những Héracleidae phải tìm cách trở về vùng đồng bằng Péloponnèse để sinh cơ lập nghiệp, chấm dứt cái cảnh ăn nhờ ở đợ. Hyllos sau một thời gian chuẩn bị bèn thống lĩnh anh em họ hàng xuất tiến về phía nam. Cuộc chiến đấu diễn ra dằng dai. Cuối cùng Hyllos phải ra lệnh thu quân về vì một bệnh dịch lan tràn làm chết khá nhiều binh sĩ. Đoán rằng có một điều gì đó không ổn, những Héracleidae bèn đem lễ vật hiến tế tới dâng các vị thần để xin lời chỉ dẫn. Lời thần phán truyền như sau: Nếu biết đợi cho qua ba mùa gặt, những Héracleidae sẽ thành công. Hyllos làm theo lời thần dạy. Chờ cho vụ gặt thứ ba xong nghĩa là ba năm sau chàng lại chiêu tập binh mã mở cuộc hành quân. Những Héracleidae tràn vào vương quốc Arcadie. Cuộc chiến đấu kết thúc bằng cái chết của Hyllos và sự rút quân của những Héracleidae. Theo truyền thuyết, cuộc tiến quân lần thứ hai này xảy ra trước cuộc Chiến tranh Troie hơn mười năm.

Sau cái chết của Hyllos, những Héracleidae tạm ngừng các cuộc hành binh lại. Người thì nói, thời kỳ này kéo dài tới một trăm năm, người thì bảo, chỉ quãng năm mươi năm thôi. Cháu của Hyllos là Aristomakhos tiếp tục sự nghiệp của ông cha. Lần này những Héracleidae mưu vượt qua eo đất Corinthe để tiến xuống Péloponnèse, nhưng lại thất bại. Aristomakhos bị giết chết. Người xưa kể, nguyên nhân thất bại là do những Héracleidae hiểu sai lời phán truyền của thần. Thần dạy phải tiến xuống phương nam qua eo biển thì họ lại tiến qua eo đất. Tiếp sau Aristomakhos là ba người con trai: Téménos, Cresphontès, Aristodème. Họ đoán định lại lời thần truyền dạy: “Eo biển” phải hiểu là quãng biển giữa miền đất Hy Lạp và bán đảo Péloponnèse. Những Héracleidae thuộc thế hệ này lại cũng cho rằng đây là thời cơ để họ giành được thắng lợi. Mùa gặt thứ ba là gì? Là thế hệ thứ ba. Và chính họ là thế hệ thứ ba, đích thực là như thế. Cuộc xâm nhập cứ thế tiến hành. Lại những trận giao tranh đẫm máu. Aristodème bị tử trận. Có người nói, chàng bị sét đánh chết. Hai con trai của chàng là Proclès và Eurythénès tiếp tục thay cha đảm đương sự nghiệp chinh phạt đến cùng. Téménos và Cresphontès lại đến đền thờ xin thần thánh chỉ bảo. Thật lạ lùng! Thần dạy: muốn giành được thắng lợi phải có một vị tướng có ba mắt. Nghĩ mãi không hiểu lời thần truyền phán thế nào, những Héracleidae phải triệu tập hội nghị các tướng lĩnh để đoán định, giải đáp lời thần. Cuối cùng họ đã nghĩ ra. Những Héracleidae ra lệnh xuất quân. Lần này vị tổng chỉ huy là một dũng sĩ chột mắt. Chàng tên gọi là Oxylos, vua xứ Élis. Một mắt của chàng với hai con mắt của con ngựa chàng cưỡi thì đúng hẳn là ba rồi! Dưới sự chỉ huy của chàng, những Héracleidae tràn được vào vùng đồng bằng Péloponnèse. Con trai của Oreste là Tisaménos bị giết chết. Những Héracleidae chia nhau cai quản các khu vực: Téménos được chia đất Argos, Proclès và Eurythénès được vùng Laconie, còn Cresphontès được vùng Messénie.

Các nhà nghiên cứu cho biết, truyền thuyết về cuộc Nam tiến của những Héracleidae phản ánh những đợt di cư của những tộc người Doriens trong lịch sử hình thành dân tộc Hy Lạp và đất nước Hy Lạp thời kỳ mà những tộc người này tiến xuống chiếm lĩnh bán đảo Péloponnèse. Thắng lợi của những tộc người này trong lịch sử được phản ánh trong hình thái truyền thuyết với những biến thái, khúc xạ mà chúng ta chỉ có thể lĩnh hội nó trong ý nghĩa tượng trưng đại thể của câu chuyện. Bởi vì truyền thuyết không phải là lịch sử như là một khoa học. Nếu chúng ta đặt câu hỏi, giữa nhận xét Héraclès khôi phục các trò thi đấu xưa kia của người Crète để phục vụ cho những người chủ mới của bán đảo Hy Lạp là những người Doriens mới di cư đến với nhận xét cuộc Nam tiến của những Héracleidae phản ánh những đợt di cư của những tộc người Doriens có mối quan hệ như thế nào? Trật tự thời gian ra sao? Vì sao đời cha, Héraclès, đã nói có những người Doriens di cư đến mà đến đời con, đời cháu sau này lại cũng nói những người Doriens di cư đến? thì truyền thuyết không thể giải đáp được.

Sự thắng lợi của những tộc người Doriens trong quá trình chinh phục bán đảo Hy Lạp đã để lại một dấu ấn trong đời sống xã hội. Hầu hết những gia đình vương giả thuộc hệ quý tộc cũ trong xã hội Hy Lạp đều quy chiếu nguồn gốc của gia đình về những Héracleidae. Họ dựng lên những bản gia hệ, gia phả mà truy nguyên ngược mãi lên thì ta thấy cội nguồn là thuộc dòng dõi Héracleidae. Tất cả đều là con, cháu, chắt, chút chít của Héraclès. “Bệnh” này lây cả sang đến giới quý tộc La Mã. Hẳn rằng cái “mốt” lý lịch, dòng dõi Héracleidae này không phải chỉ thuần túy là con đẻ của cái thói xấu “thấy người sang bắt quàng làm họ” mà nó còn có một mục đích thực dụng xã hội-chính trị rõ rệt trong cuộc sống của một xã hội đã hình thành những giá trị mới và những cách đánh giá mới.

Gia hệ người anh hùng Héraclès

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

HỘI OLYMPIQUES

Hội Olympiques là một trong những hội lớn nhất của nhân dân Hy Lạp thời cổ. Hội mở ở đô thành Olympie trên bờ sông Alphée vùng Élis, tây bắc bán đảo Péloponnèse. Theo truyền thuyết, trước khi có tục mở hội này thì nơi đây hàng năm thường mở hội lễ tang để giỗ, để tưởng niệm công ơn của người anh hùng Pélops. Người sáng lập, chế định ra Hội Olympiques là Héraclès. Chàng đã sử dụng những nghi lễ, tập tục trong hội lễ tang, giỗ Pélops để cúng tế thần Zeus. Thật ra thì Hội Olympiques có nguồn gốc từ thời kỳ tiền Hy Lạp. Hàng năm vào mùa thu nhân dân mở một hội mùa để dâng cúng cho vị nữ thần của Đất và thần Trời-Cronos. Sau này mới ra đời truyền thuyết Pélops hàng năm mở hội để tưởng niệm công ơn Héra, vị nữ thần của Hôn nhân và Gia đình, và Héraclès, chuyển hội lễ tang, giỗ Pélops sang hội thờ cúng thần Zeus. Về người sáng chế ra những trò thi đấu trong Hội Olympiques có ba truyền thuyết quy cho ba người khác nhau: Héraclès người đảo Crète và anh em của chàng là những người Dactyles; Héraclès, vị anh hùng của mười hai kỳ công, người thành Thèbes; và; Pélops, người xứ Phrygie đã mở mang sự nghiệp ở phía Bắc bán đảo Péloponnèse và con cháu ông ta sau này đã chinh phục cả thành Mycènes của những người Achéens. Các nhà Hy Lạp học tổng hợp cả ba truyền thuyết đó lại và đưa ra nhận xét: Truyền thuyết Héraclès người đảo Crète, phản ánh có một thời nền văn hóa Crète đã giữ vai trò thống trị trong khu vực đông nam Địa Trung Hải, những người Crète là những người ưa chuộng thể dục thể thao; Héraclès người thành Thèbes và những con cháu của mình gắn với thời kỳ sau cuộc di dân của những người Doriens từ phía tây bắc tràn xuống bán đảo Hy Lạp; Héraclès đã khôi phục những trò thi đấu của người Crète xưa kia để phục vụ cho những người chủ mới của bán đảo Hy Lạp là Doriens; Pélops cho ta thấy một dạng thái của những hội lễ tang thời kỳ nền văn hóa Mycènes là hội thi đấu thể dục thể thao; tập tục thi xe ngựa gắn với truyền thuyết Pélops chiến thắng Oenomaos trong cuộc đua xe ngựa, đoạt được phần thưởng là con gái của nhà vua và ngôi báu.

Một truyền thuyết lịch sử khác kể rõ thêm: Xưa kia vùng đất Élis thuộc quyền trị vì của nhà vua Iphitos. Lúc đó, vương quốc của Iphitos đang gặp nhiều tai họa: nạn đói và bệnh dịch hoành hành, nhân tâm ly tán, loạn lạc và cướp bóc nổi lên như ong vỡ tổ. Theo một lời truyền phán của thần mà nhà vua cầu xin được ở đền thờ Delphes là nếu muốn giải trừ được tai họa thì phải mau mau khôi phục lại Hội Olympiques mà xưa kia Héraclès đã chế định. Thuở ấy giữa vương quốc Élis của Iphitos và vương quốc Sparte của Licurgue đang có mối hiềm khích, xung đột. Cuộc sống của người dân Sparte cũng không hạnh phúc gì hơn cuộc sống của những người dân Élis. Vua Iphitos thương nghị với vua Licurgue tạm thời hòa hoãn mối xung đột cùng nhau khôi phục lại Hội Olympiques như lời thần truyền phán. Sparte ưng thuận. Thế là Hội Olympiques được khôi phục lại do sự cố gắng và đóng góp công sức của cả hai bên, trong những ngày hội, hai bên sẽ tranh tài đua sức trong các cuộc thi đấu thể dục thể thao, võ nghệ để “khẳng định sự vĩ đại của con người bằng sức lực và sự khôn khéo chứ không phải bằng vũ khí và đổ máu”. Từ đó trở đi, Hội Olympiques trở thành một biểu tượng của hòa bình và hữu nghị, của vẻ đẹp về sức lực và sự khôn khéo của con người. Năm 776 TCN, sau vài kỳ không mở hội được, Hội Olympiques được mở lại khá to và trọng thể. Kể từ đó cho đến năm 304, Hội Olympiques được tổ chức đều đặn theo định kỳ bốn năm một lần không bị gián đoạn một kỳ hội nào, cũng từ đó người Hy Lạp lấy năm đáng ghi nhớ này - năm 776 TCN - làm chuẩn để tính lịch theo chu kỳ mở hội. Cách tính lịch này được áp dụng từ thế kỷ IV TCN. Ngoài cách gọi Hội Olympiques thứ nhất, thứ hai... (Olympiques I, Olympiques II...) còn có cách gọi năm, thí dụ năm 760 TCN là năm thứ nhất của kỳ Hội Olympiques V, năm 756 TCN là năm thứ nhất của kỳ Hội Olympiques VI, năm 755 TCN là năm thứ hai của kỳ Hội Olympiques VI...

Hội Olympiques mở vào ngày thứ mười của tuần trăng đầu trước ngày hạ chí, theo dương lịch là vào ngày 22 tháng sáu, kéo dài từ năm cho đến bảy ngày. Lúc đầu vì các môn thi ít, Hội chỉ tiến hành có ba ngày, từ thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ thứ IV TCN) bốn ngày, và sau đó tăng lên năm đến bảy ngày. Những lực sĩ tham dự thi đấu phải đăng ký trước và tới Élis trước ngày khai mạc chừng hai tháng để tập luyện dưới sự hướng dẫn và huấn luyện của các Hellanodice.

Hellanodice là những huấn luyện viên, trọng tài và thành viên cấu thành ban giám khảo, tuyển chọn trong hàng ngũ những công dân của thành bang Élis. Kỳ hội lần thứ I (năm 580 TCN) chỉ có hai Hellanodice, sau tăng dần lên đến 10 rồi 12. Mỗi kỳ hội, chính quyền lại tuyển chọn lại những Hellanodice. Các Hellanodice là những người chịu trách nhiệm khá nặng nề trong công việc tổ chức và điều hành Hội Olympiques. Họ phải tập trung ở Élis tám tháng trước ngày khai mạc. Những công dân phạm pháp dù có tài năng cũng không được quyền thi đấu vì theo quan niệm của người Hy Lạp cổ xưa, có làm như vậy mới bảo đảm được tính chất thiêng liêng, cao cả của ngày hội. Lúc đầu hội chỉ mở cho công dân của hai thành bang Sparte và Élis. Từ kỳ hội lần thứ XXX (660 TCN) mở rộng cho tất cả công dân các thành bang trên đất Hy Lạp tham dự. Tới kỳ Hội lần thứ XL (620 TCN) mở rộng cho công dân các thuộc địa Hy Lạp tham dự. Chắc chắn rằng danh từ “Hellanodikês” (Hellanodice) chỉ ra đời khi Hội Olympiques trở thành hội của toàn thể con dân đất nước Hellade (Hy Lạp). Để chuẩn bị mở hội, các thành bang Hy Lạp cử một loại quan chức đặc biệt gọi là Théorie đại diện cho thành bang của mình, họp lại, bàn với nhau về chuẩn bị tổ chức và nghĩa vụ đóng góp. Đây là một loại sứ thần đặc biệt của thành bang chuyên đảm nhận những nhiệm vụ thiêng liêng và quan trọng có tính chất tôn giáo như: đến các đền thờ cầu nguyện và xin thánh thần ban cho lời chỉ dẫn, chủ tọa các lễ hiến tế thần linh, chủ trì các lễ rước trong các hội lễ, đích thân thay mặt cho thành bang dâng lễ vật lên bàn thờ các vị thần. Thí dụ ở Athènes, Théorie hàng năm thay mặt cho thành bang sang đảo Délos để chủ trì lễ hiến tế thần Apollon. Trong ngày khởi hành và ngày trở về của Théorie, thành bang Athènes đình chỉ việc tuyên án tử hình các phạm nhân. Cuộc họp của các Théorie định ngày tổ chức hội, định thời gian đình chiến (thường là một tháng) sau đó loan báo cho các thành bang không có đại diện đến dự họp được biết. Tiếp theo là các thành bang cử các đoàn lực sĩ tham gia thi đấu tới luyện tập ở trường đấu (sân vận động) Élis, một địa điểm gần Olympiques. Đối với người dân Hy Lạp mỗi kỳ mở hội là một dịp để hiểu biết đất nước và con người, một dịp để thi thố tài năng, nhưng cũng đồng thời là một dịp để các thành bang thể hiện lòng tự hào về sự cai trị, quản lý, giáo dục công dân và đất nước của mình. Người ta nô nức kéo nhau đi dự hội. Những ngày gần khai mạc không khí thật là tưng bừng, nhộn nhịp. Từ các ngả đường, người ở khắp nơi đổ về. Đền thờ các vị thần không lúc nào vắng người. Các lực sĩ cầu nguyện thần thánh ban cho mình thắng lợi. Những người thân thích của các lực sĩ cầu nguyện, công dân của các thành bang cầu nguyện. Phụ nữ không được quyền dự hội dù là phụ nữ quý tộc, vợ con của những nhà cầm quyền. Người phụ nữ duy nhất được quyền dự hội là viên nữ tư tế của nữ thần Déméter Chaminé. Nhưng nô lệ và những người Dã man, tức là những người nước ngoài (Hy Lạp xưa kia gọi những người nước ngoài bằng danh từ này) lại được quyền dự hội song không được quyền thi đấu (Có tài liệu nói, nô lệ không được quyền dự hội). Nếu vi phạm vào những điều nghiêm cấm, kẻ phạm tội sẽ bị xử tử bằng hình phạt đẩy xuống vực thẳm. Đêm trước ngày khai mạc không khí lại càng náo nhiệt hơn. Người ta đeo mặt nạ, rước đuốc, ca hát cổ động cho ngày hội và cho thành bang của mình. Các nhà thơ đọc những bài thơ vừa sáng tác ca ngợi đất nước Hy Lạp, thành bang của mình, ca ngợi vẻ đẹp của người lực sĩ, vinh quang của người chiến thắng, đọc thơ đệm theo đàn lia hoặc đàn cithare. Tiếng súc vật kêu bị giết để làm lễ hiến tế, tiếng đàn sáo, ca hát, vui đùa, cầu nguyện hòa lẫn vào nhau tạo thành một bầu không khí tưng bừng, sôi động kéo dài gần như suốt đêm. Bên bờ sông Alphée là những căn lều của những người dự hội, những đoàn vận động viên, “làng Olympiques”, đèn đuốc sáng rực.

Ngày khai mạc, mọi người đi đến sân vận động với y phục đẹp đẽ nhất. Họ đội một vòng hoa trên đầu và ai ai cũng mang theo hoa để cổ động. Trước cửa sân vận động, ban tổ chức niêm yết một bản danh sách:

1 - Tên những người bị chính quyền cấm không cho tham dự vào ban giám khảo. Những người này là những công dân đã phạm pháp, hoặc nổi tiếng là những người bịp bợm, dối trá, bè cánh; tóm lại là không đủ tư cách được tuyển chọn vào ban giám khảo. Tất nhiên đây là những công dân của thành bang Élis.

2 - Tên những Hellanodice đã huấn luyện cho các đoàn vận động viên trong những tháng vừa qua.

3 - Tên các Théorie của các thành bang sẽ chủ tọa lễ khai mạc, gồm có lễ hiến tế các vị thần, lễ thề nguyền sẽ điều hành các cuộc thi đấu với tinh thần vô tư, trung thực và thượng võ.

Ngày khai mạc chỉ tiến hành những nghi lễ chứ không thi đấu. Sau khi mọi người đã vào sân vận động, lễ khai mạc bắt đầu. Tiếp đó là lễ giới thiệu các thành viên trong ban giám khảo. Những thành viên này được tuyển chọn trong số Hellanodice, có khi là toàn bộ số Hellanodice. Ngay từ đêm trước, những Hellanodice trong ban giám khảo đã phải làm lễ thề nguyền trước bàn thờ thần Zeus là sẽ điều khiển, giám định các cuộc thi đấu với tinh thần vô tư, trung thực và thượng võ. Trong y phục đỏ thẫm, đầu đội một vòng hoa, những Hellanodice đứng lên với một niềm tự hào cao cả rồi xếp hàng đi diễu hành quanh sân vận động chào khán giả. Tiếp đến lễ thề nguyền và cuộc diễu hành của các đoàn vận động viên.

Sân vận động được xây dựng ở phía đông thành Olympie, tiếng Hy Lạp gọi là “stadion”. Điều làm cho chúng ta ngạc nhiên và khâm phục là sân vận động của Hy Lạp cổ đại đã có một quy mô khá rộng lớn, và hơn nữa lại là một công trình kiến trúc đẹp đẽ. Nó có thể chứa được tới 50.000 người, chỗ ngồi xây bằng đá hoa cương. Riêng vũ đài cho các lực sĩ thi đấu cũng có một diện tích khá rộng: 213m x 29m. Cần phải nói thêm: trong đô thành Olympie còn có một khu vực dành riêng làm nơi tập luyện cho các lực sĩ. Ở đây ngoài sân bãi còn có những căn phòng để luyện tập những môn không cần phải có một không gian rộng, có phòng nghỉ, phòng tắm, phòng vệ sinh... Và ngay cạnh khu vực tập luyện này là khu nhà ở cho các vận động viên từ bốn phương tới tập huấn trước khi bước vào thi đấu trong ngày hội. Lúc đầu các môn thi chưa phong phú, mới chỉ có môn thi chạy với cự ly là chiều dài của stadion (sân vận động), theo người Hy Lạp, bằng 600 lần chiều dài của bàn chân người anh hùng Héraclès, tính ra đơn vị ngày nay là 197,27 mét. Từ Hội lần thứ XIV môn chạy stadion (cự ly ngắn) 197,27 mét được tăng gấp đôi trở thành môn chạy cự ly dài. Hội lần thứ XV thêm môn chạy đường dài, lúc đầu cự ly bằng 8 lần chiều dài của stadion, đến các lần Hội sau tăng lên 10, rồi 12 và cuối cùng là 24 lần. Hội lần thứ XVIII đưa vào thi đấu năm môn phối hợp: chạy, nhảy, vật (palê), ném đĩa, phóng lao. Hội lần thứ XXIII đưa vào môn đấu quyền (pugilat). Hội lần thứ XXV đưa vào môn thi xe tứ mã (quasiege) và môn Pancrate (Pankration), một môn võ kết hợp giữa vật với quyền. Hội lần thứ XXVII tổ chức một giải riêng cho các thiếu niên. Hội lần thứ LXV đưa vào môn chạy vũ trang (hoplitodromie). Từ thế kỷ V TCN thêm tiết mục các nhà thơ biểu diễn các tác phẩm của mình. Môn thi xe tứ mã và thi ngựa tiến hành vào ngày cuối cùng, thường chỉ những công dân giàu có mới có điều kiện tham dự, tuy nhiên, hội chấp nhận cả trường hợp người dự thi thuê ngựa và xe, thuê cả vận động viên điều khiển xe. Đương nhiên các môn thi đấu trong Hội Olympiques ngày xưa không phải chỉ có thế. Còn có những môn như “cử tạ” mà ngày xưa là cử một tảng đá lớn, nhảy dài, nâng “tạ” nhảy ba bước, v.v.

Ngày cuối cùng là lễ bế mạc. Một đám rước dẫn đầu là mười hai vị Hellanodice, tiếp sau là những lực sĩ đoạt giải mà người Hy Lạp xưa gọi là Olympionique, các viên tư tế, các quan chức trong bộ máy chính quyền, đi đến bàn thờ các vị thần làm lễ hiến tế tạ ơn. Các Olympionique được cử ra dâng lễ. Sau đó đám rước tiến về dinh thự nơi ở và làm việc của các quan chức cao cấp trong bộ máy chính quyền. Tại đây chính quyền mở tiệc chiêu đãi trọng thể mừng Hội Olympiques kết thúc thắng lợi.

Những Olympionique, trong ngày kết thúc, được các Hellanodice đội lên đầu một vòng hoa lá olive cắt ra từ những cây Olive thiêng liêng trong khu vực đền thờ các vị thần. Đặc biệt có những cành olive được cắt bằng những con dao vàng để tặng riêng cho những Olympionique thiếu niên và gửi về tặng gia đình của các “chú” Olympionique đó. Ngoài vòng hoa olive, những Olympionique còn được trao tặng một cành cọ. Những vận động viên nào đoạt được ba giải nhất trong ba môn thi đấu ở một kỳ hội thì được chính quyền tạc tượng đặt ở khu vực Olympie. Tên tuổi của lực sĩ đó, quê hương, tên cha, được long trọng đọc nhiều lần cho các khán giả biết, được khắc vào dưới chân tượng, hoặc bia đá, bia đồng để làm tài liệu lưu trữ và kỷ niệm.

Trong bữa tiệc, chen vào giữa những tuần rượu nho thơm ngon nổi tiếng đưa từ đảo Lesbos tới và trong làn khói thuốc thơm ngạt ngào, sản phẩm danh tiếng của xứ Thessalie, là tiếng ca hát của đội đồng ca, tiếng ngâm thơ trầm bổng của các thi sĩ, tiếng đọc văn hùng hồn của những nhà hùng biện. Người ta chúc tụng nhau, trao đổi kinh nghiệm và hứa hẹn gặp nhau trong kỳ hội tới.

Những thành bang có lực sĩ đoạt được danh hiệu Olympionique tổ chức một lễ rước đoàn lực sĩ của mình về rất trọng thể, đi đầu là những Olympionique. Đám rước khi về tới thành bang liền đi thẳng tới ngôi đền thờ vị thần bảo hộ, và đích thân những Olympionique được vinh dự dâng vòng hoa chiến thắng lên bàn thờ. Sau đó là “liên hoan” chào mừng những người chiến thắng. Có những thành bang trao giải thưởng bằng tiền cho những lực sĩ đoạt giải. Những Olympionique được chính quyền ban cho những sự ưu đãi đặc biệt: được miễn trừ các nghĩa vụ đóng góp, được dành cho những vị trí danh dự trong các nghi lễ hội hè của thành bang, ở một số thành bang những Olympionique thiếu niên cũng được hưởng quyền ưu đãi ưu tiên như người lớn.

Trong thời gian mở Hội Olympiques, hội chợ toàn nước Hy Lạp cũng đồng thời được mở. Thương nhân của các thành bang đang có mối thù địch, nạn nhân của chính sách “cấm vận”, nhân dịp hội chợ này có thể ký kết những hợp đồng mua bán mà họ có thể thanh toán với nhau trong kỳ Hội Olympiques sau.

Những cuộc khai quật khảo cổ học ở Olympie vào những năm 1890-1897 và 1936-1941 cho chúng ta một hình ảnh tương đối cụ thể về khu vực tổ chức Hội Olympiques. Người ta tìm thấy quãng 130 bức tượng, 13.000 đồ đồng, 10 bia đồng và, đặc biệt quan trọng hơn nữa, người ta đã tìm thấy ngôi đền thờ thần Zeus, một công trình kiến trúc nổi tiếng do Libon (quãng sau 468 TCN) xây dựng. Người ta cũng tìm thấy dấu vết, di vật của đền thờ người anh hùng Pélops xây dựng vào khoảng cuối thiên niên kỷ II TCN. Trong số những bức tượng tìm được có bức tượng Hermès và chú bé Dionysos của Praxitèle (quãng 390-330 TCN), bức Zeus Olympien của Phidias (quãng 490-431 TCN).

Quanh khu vực tổ chức hội là một cánh rừng thưa nhỏ, được trồng để làm hàng rào. Nơi đây dựng đền thờ các vị thần. Lớn nhất là đền thờ thần Zeus. Ngoài ra còn có những hành lang với những hàng cột bằng đá cẩm thạch, tượng các lực sĩ do các thành bang góp công góp của để trang trí cho khu vực thiêng liêng này. Toàn bộ khu vực Olympie được các thành bang nhất trí quyết định là nơi bất khả xâm phạm, là tài sản thiêng liêng của toàn đất nước Hy Lạp mà các thành bang có nghĩa vụ phải bảo vệ và làm cho nó ngày càng đẹp đẽ hơn lên. Từ lần mở hội đầu tiên năm 776 TCN (thế kỷ VIII), ảnh hưởng của Hội Olympiques dần tỏa rộng và dần thu hút các thành bang trên đất Hy Lạp tham dự. Cho đến thế kỷ VII TCN thì Olympiques đã là nơi tụ hội của cả thế giới Hy Lạp. Olympie lúc đầu chỉ là một khu đất thánh nhỏ hẹp sau dần trở thành một trung tâm văn hóa và tôn giáo, chính trị và xã hội của thế giới Hy Lạp. Bức tượng thần Zeus bằng vàng của nhà điêu khắc đại tài Phidias sau cuộc chiến tranh Hy Lạp-Perse lần thứ hai (480-449 TCN) được thành bang Athènes hiến cho trung tâm văn hóa-tôn giáo Olympie. Những người Syracuse hiến một kho vàng (380 TCN). Thành bang Sparte dâng một chiếc khiên vàng cho thần Zeus (458 TCN), v.v.

Đương nhiên những sự cam kết của các thành bang đối với khu vực đất thánh này khó mà có giá trị vững chắc. Lịch sử biến đổi, những lời cam kết cũng biến đổi theo. Năm 364 TCN, những người Arcadie đem quân đánh chiếm Olympie. Sau đó là thời kỳ Macédoine thống trị toàn đất nước Hy Lạp (từ 337 TCN), và tiếp theo là Đế quốc La Mã (từ 200 TCN). Trong những thời kỳ đen tối đó, Hội Olympiques vẫn được tổ chức, nhưng ý nghĩa xã hội-chính trị của nó không còn như trước. Dưới sự thống trị của Đế quốc La Mã, một loại công chúng mới với thị hiếu mới ra đời. Hội Olympiques không còn sức thu hút và hấp dẫn như xưa. Những cuộc đấu võ đẫm máu giữa hai võ sĩ (gladiateur), giữa hai nhóm võ sĩ, giữa người và ác thú trở thành niềm vui lớn của thế giới quý tộc La Mã và đám binh sĩ tứ chiếng của các đơn vị lê dương. Theo lệnh của hoàng đế Néron, Hội Olympiques phải tổ chức thêm môn thi đấu... thơ! Vị hoàng đế tàn bạo này đã từng đích thân tham dự hội và ra lệnh xây đền thờ Altis. Từ triều đại của Hadrien [hoặc Adrien (76-132), cầm quyền từ 117-138], Olympiques bắt đầu suy tàn. Năm 394, hoàng đế La Mã Théodose I [(346 hoặc 374-395), cầm quyền từ 379-395] ra lệnh bãi bỏ Hội Olympiques, coi nó là một tàn dư của đa thần giáo cổ đại cần phải tiêu diệt để giành chiến thắng cho Thiên Chúa giáo lúc đó mới ra đời. Tiếp đến năm 426, hoàng đế Théodose II [(401-450), cầm quyền từ 408-450] ra lệnh đốt toàn bộ khu vực Olympie. Sau đó, những trận động đất xảy ra vào năm 521-522 phá hủy nốt những công trình văn hóa nghệ thuật ở khu vực này.

Về tục chạy tiếp sức truyền ngọn lửa thiêng về đốt ở sân vận động để khai mạc ngày hội, chúng ta không rõ có từ kỳ hội năm nào, nhưng nguồn gốc của tục lệ đó là ở Hội Panathénées ở vùng đồng bằng Attique, nơi có thành bang Athènes. Ở Attique, sau nữ thần Athéna, vị thần bảo hộ cho vùng này, được thờ cúng phổ biến, là hai vị thần Prométhée và Héphaïstos. Nhân dân coi hai vị thần này như là những vị thần đã khai hóa cho họ, ban cho họ ngọn lửa hồng, dạy họ biết bao nghề: rèn, đúc, mộc, gốm, v.v. Vì thế, trong ngày Hội Panathénées, bên cạnh những môn thi đấu như đua ngựa, đua xe ngựa, đua thuyền, phần rất quan trọng của Hội, còn có một cuộc thi chạy truyền đuốc tiếp sức vào ban đêm mà tiếng Hy Lạp gọi là lampadédromie, với ý nghĩa tượng trưng việc truyền ngọn lửa của Prométhée và Héphaïstos. Chỉ những thiếu sinh quân (éphèbe) mới được tham dự cuộc thi này. Xuất phát từ khu rừng nhỏ thiêng liêng Académie, nơi yên nghỉ của người anh hùng Académos, các thiếu sinh quân châm ngọn lửa hồng vào đuốc và truyền nhau, tiếp sức chạy về Athènes.

Năm 1894, theo sáng kiến của một nhà hoạt động xã hội người Pháp, Pierre de Coubertin (1863-1937) các nước cử đại diện đến họp ở Pariss để bàn về việc khôi phục lại Hội Olympiques. Cuộc họp quyết định thành lập ủy ban Olympiques thế giới và tổ chức Hội Olympiques lần thứ I ở Hy Lạp. Năm 1913, các nước đã nhất trí lấy biểu trưng của Hội Olympiques là hình vẽ năm vòng tròn gắn vào nhau, ba trên, hai dưới với các màu sắc: xanh da trời (châu Âu), vàng (châu Á), đen (châu Phi), xanh lá mạ (châu Úc), đỏ (châu Mỹ), khẩu hiệu của Hội Olympiques là: Nhanh hơn nữa, Cao hơn nữa, Mạnh hơn nữa (tiếng Latinh: Citius, Altius, Fortius). Cuộc họp cũng đã xác định bài ca chính thức của Hội.

Năm 1898, sau 1502 năm bị gián đoạn, Hội Olympiques lần thứ I của thời hiện đại khai mạc tại Athènes, thủ đô của đất nước đã khai sinh ra nó. Từ đó trở đi cứ bốn năm một lần, Hội Olympiques luân phiên được mở ở từng nước trên thế giới với tinh thần hòa bình và hữu nghị. Để nhấn mạnh đến tinh thần này và mối liên hệ, thừa kế một truyền thống văn hiến của người Hy Lạp cổ của nhân loại, nhân loại tổ chức lễ châm đuốc, lấy ngọn lửa hồng từ đất nước Hy Lạp truyền nhau chạy tiếp sức về nơi sẽ diễn ra các cuộc thi đấu để làm lễ khai mạc. Với sự phát triển của nền văn minh hiện đại, nội dung thi đấu của Hội Olympiques ngày càng phong phú với nhiều môn thể dục thể thao mà xưa kia người Hy Lạp chưa hề biết đến. Ngày nay, danh từ Olympique hoặc Olympiade được thế giới sử dụng như một danh từ chung chỉ những hội lớn thi đấu thể dục thể thao trong một nước hoặc nhiều nước trong một khu vực. Người ta còn sử dụng cả danh từ Spartakiade. Mở rộng nghĩa hơn nữa, Olympique, Olympiade còn chỉ một cuộc thi đấu quốc tế. Thí dụ: Jeux Olympiques Echequéens: Thi đấu Quốc tế Cờ vua; International Mathématic Olympiques (I.M.O): Thi đấu Toán Quốc tế.

TRUYỆN VUA SISYPHE PHẢI CHỊU CỰC HÌNH

Xưa có nhà vua Sisyphe, con của thần Gió-Éole và nữ thần Énarété, nổi danh là một con người mưu mẹo và xảo quyệt. Sisyphe đã dựng nên đô thành Éphyre mà sau này gọi là Corinthe, đã tạo lập nên cho mình một cơ đồ mà khó có một nhà vua nào có được. Người ta thường đồn đại về các kho vàng bạc châu báu của nhà vua ở nơi này, nơi khác nhiều đến mức tính không xuể. Người ta cũng thường bàn luận đến cái tài làm giàu của Sisyphe với một thái độ chê cười và khinh bỉ, coi đó là sự táng tận lương tâm, sự thông minh một cách độc ác, bất nhân bất nghĩa. Thật đúng như một câu tục ngữ của chúng ta: Có độc mới đủ, có phủ như chó mới giàu. Sisyphe xấu xa như thế, nhiều tham vọng bẩn thỉu như thế nhưng lại luôn luôn tỏ ra là một người đạo cao, đức trọng, coi thường tiền bạc. Ông ta hay truyền giảng về đạo đức, bàn luận về lẽ sống, đạo lý làm người. Tất nhiên không tránh khỏi có một số người bị mắc lừa, lầm tưởng. Nhưng còn với số đông người thì ông ta chỉ là một kẻ đạo đức giả. Nhưng cuộc đời còn có công lý. Lẽ nào những kẻ như Sisyphe lại cứ sống nhơn nhởn ra mà không bị trừng phạt? Đúng là như vậy. Cuộc đời còn có công lý. Và chính thần Zeus là người phải điều hành công lý cho xứng đáng là bậc phụ vương của các thần và những người trần thế. Zeus không thể chịu đựng được cái tên vua vô lại giàu đến nứt đố đổ vách ra mà lại đóng vai một kẻ truyền giảng đạo lý. Và vị thần tối uy, tối linh, toàn năng toàn quyền này bữa kia nổi trận lôi đình. Thần thét vang gọi thần Chết-Thanatos đến và ra lệnh phải tóm cổ Sisyphe lôi tuột xuống âm phủ cho sạch sẽ thế gian.

Thần Chết-Thanatos lên trần với sứ mạng bắt Sisyphe về vương quốc của thần Hadès. Không rõ bằng cách nào Sisyphe biết được vụ công cán này của Thanatos. Và Sisyphe lập mưu bắt sống Thanatos. Truyện xưa không kể lại rõ Sisyphe dùng mưu gì, chỉ biết Thanatos chưa kịp thi hành phận sự thì đã bị Sisyphe trói gô cổ lại. Và thế là Thanatos bị Sisyphe bắt làm tù binh, chân cùm, tay xích, cổ gông, đêm cũng như ngày bị giám sát nghiêm ngặt.

Việc thần Chết-Thanatos bị bắt khiến cho trật tự trong thế giới của thần Zeus cai quản bị đảo lộn. Không có ai là người nên dương gian bắt đi các linh hồn xuống âm phủ. Vì lẽ đó trong một thời gian khá dài những người trần đoản mệnh chúng ta chẳng có ai bị chết cả. Không có người chết thì thế giới của thần Hadès trở nên vô ích, chẳng có việc gì để làm cả, từ lão chở đò Charon cho đến chó ngao Cerbère, rồi các quan tòa... Nhưng tai hại hơn nữa là không có người chết thì không có cúng lễ, hiến tế. Lễ tang cũng chẳng có mà lễ gọi hồn cũng không, do đó các vị thần bất tử từ thần Zeus trên thiên đình cho đến thần Hadès dưới âm phủ không được hưởng chút bổng lộc, lễ vật nào cả. Thậm chí có vị thần bị đói vì trong khi đi công cán dưới trần không tìm được nơi nào cúng lễ để hưởng chiêu đãi. Tình hình này quả là không thể chấp nhận được. Rối loạn hết cả. Thần Zeus sau khi nghe các chư thần tường trình, liền ra lệnh:

- Hỡi Arès, đứa con trai hung hăng, ngỗ ngược của ta! Mau xuống trần giải thoát ngay cho Thanatos đang bị tên vua Sisyphe cầm tù! Ta nhắc lại phải giải thoát ngay cho Thanatos, không được chậm trễ.

Arès hét lên một tiếng kinh động trời đất rồi bay vụt xuống trần. Chỗ này không cần kể dài dòng mọi người cũng đoán biết được tình hình diễn biến thế nào. Bởi vì khi Zeus đã đích thân ra lệnh, phái thần Chiến tranh-Arès đi thì dù Sisyphe có binh hùng tướng mạnh đến đâu cũng phải khuất phục. Arès giải thoát cho Thanatos, và Thanatos không quên thực thi cái sứ mạng mà thần Zeus đã giao cho là tước đoạt luôn linh hồn của Sisyphe đem về vương quốc của thần Hadès. Mọi việc tưởng như thế là xong, ấy thế mà vẫn chưa xong.

Ở dưới âm phủ, thần Hadès và nữ thần Perséphone sau nhiều ngày bị đói vì không có lễ vật hiến tế từ các đám tang, nay hết sức trông chờ vào lễ vật của đám tang Sisyphe để được “xả cảng” một bữa. Nhưng chờ mãi đến mòn cả mắt, đói thắt cả ruột mà vẫn không thấy gì. Thì ra Sisyphe đã dặn vợ đừng đem thi hài mình đi chôn, đừng làm lễ tang, cúng bái, hiến tế gì hết. Thấy các vị thần trông chờ lễ hiến tế khá nhiệt thành, lúc này Sisyphe mới tiến đến trước ngai vàng của thần Hadès giập đầu lạy tạ:

- Muôn tâu thần vương Hadès chí tôn chí kính, người cai quản thế giới của những bóng hình vật vờ, u ám có sức mạnh và uy quyền sánh ngang thần Zeus, đấng phụ vương! Xin Người hãy tha tội cho linh hồn kẻ hèn mọn này đã không biết dạy bảo vợ con những lễ nghi đối với các bậc thần linh khi chồng nó chết. Xin Người hãy tha tội cho con bởi vì con biết đâu con chết sớm quá thế này! Xin Người hãy cho phép con trở lại dương thế ít ngày để con dạy bảo vợ con làm lễ hiến tế các bậc thần linh như Zeus đã ban dạy cho loài người. Xong việc con xin lại xuống vương quốc này và sống trọn đời làm tôi tớ cho thần vương.

Hadès và Perséphone nghe những lời nói của Sisyphe thấy vừa bùi tai vừa có lý. Hai vợ chồng cho phép Sisyphe trở lại dương gian. Linh hồn Sisyphe trở về nhập vào hình hài và tiếp tục cuộc sống của một con người bình thường, khỏe mạnh, tinh ranh, và tất nhiên là con người này không hề nghĩ đến những lời mình đã hứa với Hadès và Perséphone. Ở dưới âm phủ hai vợ chồng Hadès, Perséphone chờ mãi, chờ mãi, mà không thấy lễ hiến tế, cũng chẳng thấy Sisyphe. Đến lúc này họ mới biết rằng họ bị Sisyphe đánh lừa. Thần Hadès vô cùng tức giận ra lệnh đòi ngay Thanatos đến và ra lệnh phải bắt ngay linh hồn Sisyphe về chầu. Thanatos không hề chậm trễ, bay lên trần ngay. Đến cung điện của Sisyphe thì gã thấy vị vua này đang mở tiệc ăn mừng. Đứng ngoài cửa, Thanatos nghe rõ tiếng Sisyphe nói với một vẻ kiêu căng đến quá ư là khó chịu:

- Nào xin mời các quý khách! Xin các ngài hãy uống mừng cho Sisyphe này đã lập được một chiến công hiển hách chưa từng có. Thử hỏi các anh hùng dũng sĩ đã có ai là người chết rồi, xuống vương quốc của thần Hadès rồi mà lại trở về được chưa? Nếu không có các vị thần giúp đỡ thì chưa từng một người trần thế nào mà lại xuống được thế giới âm phủ rồi lại trở về. Còn ta, ta đã bị thần Chết-Thanatos bắt đi, thế nhưng ta lại trở về được với dương thế! Chỉ có độc nhất Sisyphe này lập được một kỳ tích như vậy... Nào, uống đi các vị, cạn chén đi các vị, uống mừng cho Sisyphe này!

Nghe những lời nói đó, Thanatos tức điên cả ruột liền đạp cửa xông vào bàn tiệc bắt ngay linh hồn của Sisyphe. Thế là chấm hết cuộc đời của tên vua xảo quyệt, lừa dối cả thánh thần. Chẳng ai thương tiếc Sisyphe cả, từ thần linh cho đến những người trần đều nghĩ: “Thật đáng đời cái tên vua đảo điên, lừa lọc!” Trước tòa án công lý của thế giới âm phủ do thần Hadès chủ tọa, Sisyphe bị kết án khổ sai cực hình. Ông ta ngày ngày phải vần, lăn một tảng đá cực lớn, từ dưới đất lên một ngọn núi cao dốc đứng. Không thể nào nói hết nỗi cực nhọc khốn khổ của công việc đó đến như thế nào. Mệt tưởng đứt hơi, khát đến cháy cổ, mồ hôi đổ ra như tắm, nhưng nào có hoàn thành được công việc, Sisyphe cứ vần, cứ lăn tảng đá đến gần tới đỉnh núi thì nó lại bật ra khỏi tay lao xuống dốc. Thế là bao nhiêu mồ hôi, công sức mất hết. Sisyphe lại phải bắt tay làm lại từ đầu, xuống chân núi lăn, vần tảng đá lên. Ngày này qua ngày khác, Sisyphe cứ phải làm cái công việc khổ sai cực hình như thế, một công việc vô nghĩa và không có kết quả, để thấm thía với tội lỗi mà ông ta đã phạm phải trong những ngày sống trên dương thế.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Tảng đá của Sisyphe (Le rocher de Sisyphe), Công việc của Sisyphe (Le travail de Sisyphe), Nỗi vất vả của Sisyphe (Le labeur de Sisyphe) để chỉ một công việc nặng nhọc vất vả tái diễn trong đời sống hoặc chỉ một công việc nặng nhọc, vất vả mà không biết đến bao giờ chấm dứt, không biết kết quả ra sao, một công việc lặp đi lặp lại đến chán ngấy, bị coi như một cực hình.

Quanh chuyện tội trạng của Sisyphe, người xưa còn kể thêm nhiều tội khác nhau: nào là Sisyphe là một tên vua tham tàn và đạo đức giả đã kéo quân đến tàn phá vùng đồng bằng Attique, cuối cùng bị người anh hùng Thésée trừng phạt; nào là Sisyphe can tội tiết lộ ý đồ của các vị thần hoặc mách bảo cho thần Sông-Asopos biết chính thần Zeus là người đã bắt cóc Égine con gái của thần; nào là Sisyphe can tội truyền bá cho những người trần thế biết những điều bí ẩn của thế giới thần thánh...

CHIẾN CÔNG VÀ CÁI CHẾT CỦA DŨNG SĨ BELLÉROPHON

Khi còn sống, Sisyphe lấy một nàng Pléiades tên là Mérope làm vợ. Họ sinh được một con trai đặt tên là Glaucos. Sau khi Sisyphe chết, Glaucos lên làm vua tiếp tục trị vì trên đô thành Éphyre. Glaucos là một vị vua nổi danh vì tài cưỡi ngựa. Bất cứ con ngựa nào dù hung dữ bất kham đến đâu hễ vào tay ông là sớm muộn cũng phải khuất phục. Đàn ngựa của ông rất quý, nhất là những con ngựa được tuyển chọn để thắng vào cỗ xe của ông thì lại càng quý hơn nữa. Chúng phi như bay, vượt qua các chướng ngại một cách khôn khéo, đoán biết được ý định của chủ, thông minh đến nỗi người ta tưởng chừng chúng nghe được cả tiếng người. Chúng đã đem lại cho ông khá nhiều vinh quang trong những cuộc thi đấu ở các ngày hội Glaucos. Tuy vậy, ông vẫn không hề bằng lòng, thỏa mãn với bầy ngựa của mình. Ông muốn chúng phải bỏ xa, vượt xa những con ngựa danh tiếng nhất mà ông đã từng được biết, và ông nghĩ ra một cách để cho bầy ngựa của mình có thể vươn lên hơn hẳn cả đối thủ: ông không cho bầy ngựa của ông giao phối. Việc làm của ông khiến nữ thần Aphrodite bất bình. Vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp này tỏ vẻ không hài lòng trước một hành động vi phạm vào luật lệ của tạo hóa như vậy, hơn nữa như vậy tỏ ra độc ác và tàn nhẫn. Aphrodite bèn tâu với Zeus và xin Zeus trừng phạt, nhưng Zeus giao toàn quyền cho Aphrodite. Được Zeus cho phép, nữ thần Aphrodite tìm cách cho những con ngựa của Glaucos uống nước ở một con suối thần, vì thế những con ngựa trở nên rất khỏe, rất hung dữ đến mức chúng có thể ăn được thịt người, thèm khát ăn thịt người.

Thế rồi trong một ngày hội tưởng niệm vị vua Pélias, Glaucos được mời tham dự. Ông tham gia trò đua xe ngựa. Nhưng rủi ro thay, cỗ xe của ông phóng quá nhanh bị lật đổ! Những con ngựa của ông đã xéo chết ông và ăn thịt ông. Có chuyện lại kể, chính Glaucos đã nuôi ngựa của mình bằng thịt người. Việc làm này khiến các vị thần tức giận và quyết định trừng phạt ông. Tham gia thi đấu, xe của ông bị đổ và chính những con ngựa đã từng nhiễm cái thói quen ăn thịt người do chủ nó nuôi nấng lúc này hăng máu lên ăn thịt luôn chủ nó.

Glaucos có một con trai tên là Bellérophon. Thật ra cái tên này sau này mới có. Lúc đầu chàng trai này tên là Hipponoos. Hồi ấy ở thành Corinthe nổi lên một tên tiếm vương độc ác tên là Belléros. Hắn cướp ngôi vua, thực hành nhiều chính sách bạo ngược khiến cho nhân dân oán thán. Hipponoos đã tìm cách trừ khử tên bạo chúa này. Vì lẽ đó cũng từ đó, người ta không gọi chàng thanh niên dũng cảm ấy bằng cái tên Hipponoos nữa mà gọi là Bellérophon theo tiếng Hy Lạp nghĩa là: “Người giết Belléros”. Nhưng theo luật lệ người xưa, sát nhân là một trọng tội, kẻ sát nhân phải đưa ra xét xử và phải chịu những hình phạt rất nặng. Bellérophon vì thế phải từ bỏ đô thành Corinthe trốn sang Tirynthe, xin nhà vua đô thành này tên là Proétos cho trú ngụ. Vua Proétos đã làm lễ rửa tội và tẩy uế cho chàng, cho chàng sống trong cung điện cùng với gia đình nhà vua. Cuộc sống tưởng cứ thế trôi đi bình yên và êm đẹp ngờ đâu lại xảy ra một chuyện thật xấu xa hết chỗ nói. Hoàng hậu Sthénébée vợ của vua Proétos vốn là một phụ nữ đa tình. Nàng đem lòng thầm yêu chàng trai cường tráng và xinh đẹp Bellérophon mà Bellérophon không biết. Bữa kia nhân lúc vắng chồng, Sthénébée lân la trò chuyện với Bellérophon và biểu lộ dục vọng của mình khá là thô thiển. Bellérophon, trước thái độ đó của Sthénébée, rất khó chịu. Nhưng chàng chỉ biết khéo léo khước từ. Bị cự tuyệt, Sthénébée nghỉ cách trả thù Bellérophon. Nàng chờ lúc chồng về, đến gặp chồng và đặt điều vu cáo cho Bellérophon đã có những hành động lả lơi, sàm sỡ với nàng, xúc phạm thô bạo đến danh tiết của nàng. Nàng đòi chồng phải giết Bellérophon để rửa nhục cho mình. Nghe vợ nói, nhà vua không mảy may một chút nghi ngờ. Ông vô cùng tức giận muốn giết ngay Bellérophon cho hả lòng hả dạ. Nhưng giết một người đâu có phải chuyện thường. Các nữ thần Eiréné sẽ truy đuổi và đòi trừng phạt. Thần Zeus làm sao có thể tha thứ được việc ám hại một người khách ngay tại nhà mình. Nghĩ mãi không tìm cách gì để hạ sát Bellérophon cho ổn, cuối cùng Proétos thấy tốt nhất là nhờ bàn tay ông cụ bố vợ mình, lão vương Iobatès trị vì trên đất Lycie. Nhà vua bèn viết một bức mật thư gửi cho cụ, trong thư nói Bellérophon đã can tội xúc phạm đến mình, xin cụ ra tay trừng trị giúp. Bức thư được viết bằng một ký hiệu bí mật trên một tấm “giấy” bằng đất nung mà chỉ riêng hai người hiểu được và giao cho Bellérophon mang đi.

Bellérophon lên đường sang xứ Lycie. Sau một chặng đường dài mệt mỏi, chàng tới được mảnh đất nổi tiếng là giàu và đẹp này. Lão vương Iobatès mở tiệc thết đãi người khách quý, và theo như phong tục người Hy Lạp cổ xưa, Iobatès chỉ hỏi tên họ của khách sau khi khách đã ăn uống no say. Bellérophon dâng lão vương bức thư của Proétos. Đọc xong thư, Iobatès thấy ớn lạnh cả người. Con rể của lão đã nhờ lão làm một việc thật khó, khó hết chỗ nói. Dù sao thì lão cũng lưu giữ chàng trai ở lại cung điện ít ngày để liệu bề đối xử. Sống gần chàng thanh niên khỏe mạnh, trong sáng và hồn nhiên, lão vương Iobatès đâm ra thấy mến Bellérophon. Lão không thể tin được, ngờ được, con người hồn nhiên và trong sáng như thế lại có thể phạm vào cái tội xấu xa, ô uế như con rể của lão viết thư cho lão biết. Có phần nào, đúng ra, Iobatès cảm thấy hơi khó tin. Đó là một lẽ khiến lão không thể đang tâm giết một con người mà mình cảm thấy chẳng có gì đáng ghét, đáng thù hằn. Còn một lẽ thứ hai nữa là, giết người là một trọng tội. Thần Zeus và các thần Olympe cũng như các vị thần ở dưới vương quốc của Hadès chẳng thể nào tha thứ cho kẻ phạm tội tày đình đó. Nếu Bellérophon phạm tội đối với Proétos thì sao Proétos không đích thân tự tay trừng trị Bellérophon mà lại phải nhờ đến tay mình? Iobatès nghĩ thế. Đúng là hắn sợ phạm tội giết người. Nếu hắn đã sợ thì tại sao mình lại không sợ? Tại sao mình phải nhúng tay vào một tội ác đẫm máu để hứng chịu lấy mọi hình phạt? Nghĩ thế nên cuối cùng Iobatès quyết định tha cho Bellérophon. Nhưng không phải là tha bổng, tha hoàn toàn. Lão vương nghĩ ra một cách trừng trị: bắt Bellérophon phải thanh trừ con quái vật Chimère. Đây là một quái vật rất dữ tợn, khủng khiếp, đầu sư tử, đuôi rồng, thân dê. Có người lại nói Chimère có ba đầu: sư tử là một, rồng là hai, dê là ba, mọc chung trên một thân. Lai lịch của Chimère như sau: bố là Typhon, một ác quỷ khổng lồ có trăm đầu, cao như núi; mẹ là Échidna, một con quỷ cái có dễ to lớn không thua kém gì chồng, nửa người nửa rắn. Đối với lão vương Iobatès thì đây là một sự trừng phạt tránh được cho lão khỏi phạm tội ác. Còn đối với chàng thanh niên Bellérophon thì đây là một sự thách thức chí trai. Người xưa có chỗ còn kể, sở dĩ Bellérophon dám lên đường đi tiêu trừ quái vật Chimère là vì chàng vốn là con của thần Poséidon, bởi chỉ có con thần cháu thánh thì mới có được sức mạnh hơn người để chấp nhận cuộc thách thức. Mẹ của Bellérophon, nàng Eurynomé, tuy là một người trần tục nhưng đã được nữ thần Athéna dạy dỗ, đã từng là học trò yêu của nữ thần, cho nên về trí thông minh và sự khôn ngoan, hiểu biết nàng có thể sánh ngang các vị thần. Chính nàng đã truyền dạy lại những “báu vật” thần thánh ban cho ấy cho người con trai yêu quý của mình nên chàng mới có một trái tim dũng cảm mưu trí.

Nhưng để chiến thắng được quái vật Chimère chạy nhanh như gió, phun ra lửa, Bellérophon phải có một vũ khí gì ưu việt. Chàng được biết người anh hùng Persée trong cuộc đọ sức với ác quỷ Méduse đã chiến thắng rất oanh liệt nhờ đôi dép có cánh. Chàng thấy có lẽ chàng cũng phải tìm được đôi dép thần như thế để có thể bay trên trời cao sà xuống giao đấu với quái vật. Nhưng tìm đâu ra đôi dép kỳ diệu ấy? Bỗng Bellérophon nhớ đến con thần mã Pégase từ cổ ác quỷ Méduse khi bị chém bay vụt ra, bay vụt lên trời. Phải tìm bằng được con thần mã đó, Bellérophon nghĩ thế, và chàng bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho cuộc hành trình đi chinh phục Pégase. Muốn chinh phục Pégase, Bellérophon, theo như người ta nói, phải lần mò tới đỉnh núi Hélicon, ngọn núi của các nàng Muses. Nơi đây có con suối Hippocrène, bắt nguồn từ một thác nước, chảy uốn khúc giữa hai bên bờ cỏ xanh rờn. Pégase thường từ trời cao hạ cánh xuống đỉnh núi và đến uống nước ở dòng suối đó. Lại có người nói, Pégase còn xuống uống nước ở suối Pirène trên núi Acrocorinthe. Nhưng làm thế nào để bắt được con ngựa thần ấy, một con ngựa mà khi thoáng thấy bóng người là nó đã vỗ cánh bay thẳng lên trời? Bellérophon sau nhiều lần rình bắt không được đành phải tìm đến nhà tiên tri Polyidos để xin một lời chỉ dẫn. Polyidos khuyên Bellérophon nên đến đền thờ nữ thần Athéna, cầu khấn nữ thần và ngủ lại đền thờ để chờ linh nghiệm. Tuân theo lời chỉ dẫn, đêm hôm đó ngủ lại đền thờ, Bellérophon đã nằm mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Các vị thần Olympe uy nghiêm ngự trị trên đỉnh núi cao bốn mùa mây phủ, truyền cho Bellérophon sức mạnh chinh phục con thần mã Pégase. Nữ thần Athéna tiến đến bên chàng và bảo:

- Bellérophon hỡi! Con ngủ mãi như thế này sao? Hãy mau tỉnh dậy và thắng bộ cương này vào con thần mã Pégase chứ! Con ngựa thần thánh ấy đang chờ con đấy!

Bellérophon giật mình tỉnh dậy. Chàng chẳng thấy một vị thần nào bên chàng. Nhưng ở trên mặt đất bên chỗ chàng nằm rực sáng lên một bộ dây cương bằng vàng, một bộ dây cương mà chàng chưa hề trông thấy trên đời này bao giờ. Ánh sáng của nó cứ tỏa ra ngời ngợi như những tia nắng vàng của thần Mặt trời-Hélios Hypérion. Chàng quỳ xuống nâng bộ dây cương lên rồi kính cẩn cúi đầu lạy tạ các vị thần Olympe, lòng chứa chan hy vọng, Bellérophon chạy như bay đi tìm Pégase: cũng phải mất một thời gian vất vả rình mò, Bellérophon mới đón được Pégase. Hôm đó như thói quen, Pégase từ trời cao hạ cánh xuống đồng cỏ bên bờ suối Pirène. Sau khi gặm những búi cỏ xanh non, Pégase đi ra suối uống nước. Bellérophon từ chỗ nấp của mình chạy tới chỗ Pégase. Nghe tiếng động, Pégase cất đầu lên khỏi dòng suối định vỗ cánh bay. Nhưng trông thấy Bellérophon chạy tới với bộ cương vàng tỏa sáng ngời ngợi, Pégase ngoan ngoãn để Bellérophon thắng cương. Thế là chàng Bellérophon đã có một “vũ khí” ưu việt hơn ác quỷ Chimère. Với bộ áo giáp đồng và chiếc khiên đồng ngời sáng, với cây cung và ống tên đầy ắp, gươm đeo bên sườn, Bellérophon nhảy lên lưng con thần mã trắng muốt như tuyết giật cương. Con ngựa hí lên một tiếng mừng rỡ, vỗ cánh tung vó, rẽ mây đưa Bellérophon hay vút lên trời cao.

Bellérophon bay ngay đến ngọn núi hang ổ của Chimère. Chàng cho thần mã Pégase hạ cánh xuống đất rồi tìm vào hang Chimère nhử nó ra ngoài. Trúng kế, Chimère từ trong hang lao vút ra như tên bắn tìm địch thủ. Ba dòng lửa từ ba miệng của ác quỷ phun ra quệt vào nơi đâu là nơi đó bốc cháy ngùn ngụt. Bellérophon nhanh như cắt nhảy phóc lên lưng con thần mã giật cương. Chàng bay vọt lên trời cao như chim đại bàng. Chàng điều khiển con thần mã thu hẹp vòng lượn lại và hạ thấp xuống, rồi bất chợt chàng giật cương cho Pégase nhằm thẳng ác quỷ Chimère đâm bổ xuống, cùng lúc đó, chàng giương cung bắn liên tiếp những mũi tên ác hiểm, có một không hai, xuống ác quỷ Chimère. Đến đây ta phải dừng lại để kể qua về những mũi tên đặc biệt của Bellérophon. Đây không phải là những mũi tên đồng của các trang anh hùng dũng sĩ danh tiếng, cũng không phải là những mũi tên tẩm độc như những mũi tên của Héraclès, lại càng không phải là những mũi tên vàng của vị thần Xạ thủ có cây cung bạc Apollon hay những mũi tên vô hình của vị thần Tình yêu-Éros, mà là những mũi tên chì, Bellérophon theo lời chỉ dẫn của các vị thần đã làm riêng để trừng trị ác quỷ. Chimère phun ra những dòng lửa đốt cháy hết mọi vật xung quanh. Những mũi tên chì bắn vào thân hình giãy nóng hừng hực của nó, lại được bầu không khí xung quanh nó bị đốt cháy cũng nóng như thế, làm chảy chì ra, vết thương do những mũi chì bắn vào là không cách gì cứu chữa nổi.

Bellérophon bắn liên tiếp những mũi tên này đến những mũi tên khác. Chimère biết địch thủ của mình từ trên trời cao đánh xuống, liền ngóc đầu lên để phun lửa thì đã quá muộn. Con thần mã Pégase đã bay vọt lên cao và lượn về phía sau lưng Chimère. Đau đớn điên cuồng, Chimère phóng lửa bừa bãi đốt núi đá thành vôi, đất rừng cây thành than tro. Núi sạt lở, cây cháy đổ ầm ầm, lửa bốc ngùn ngụt, khói bụi mù mịt khiến Chimère càng không sao trông thấy, tìm thấy địch thủ. Nó chết trong sự điên cuồng của nó và bị chính những ngọn lửa của nó đốt cháy thành tro.

Bellérophon hoàn thành sứ mạng của Iobatès. Chàng trở về cung điện với chiến công hiển hách, vinh quang lẫy lừng.

Nhưng Iobatès lại trao cho Bellérophon một sứ mạng nguy hiểm khác nữa: chinh phục những bộ lạc Solymes và những bạn đồng minh của họ là những nữ chiến binh Amazones. Cần phải nói qua về những nữ chiến binh Amazones thì chúng ta mới thấy hết được những khó khăn và nguy hiểm mà Bellérophon sẽ phải đương đầu. Những bộ lạc Amazones là những bộ lạc thuần đàn bà, tuyệt không có lấy một người đàn ông nào. Tổ tiên họ xưa kia là một dòng giống kỳ lạ: những người phụ nữ ham mê chiến trận và rất tài giỏi trong sự nghiệp chinh phạt, giao tranh. Cứ thế hết đời này đến đời khác những nữ chiến sĩ Amazones sống dưới quyền cai quản của một nữ hoàng. Họ xây dựng đô thành trên bờ sông Thermodon đặt tên là Thémiscyre. Có người kể, họ sống trên bờ sông Méolide ở biển Asope. Nhưng sống không có đàn ông thì làm sao những người Amazones bảo tồn, duy trì và phát triển được nòi giống? Thế nhưng những nữ chiến sĩ Amazones vẫn tồn tại và phát triển. Họ làm theo cách sau: mỗi năm đón mời những người đàn ông ở bộ lạc láng giềng sang chơi một lần, và đó cũng và lễ kết hôn của họ. Sau đó họ đuổi những người “chồng” này trở về bộ lạc của chồng. Sau cuộc kết hôn ấy, những bà mẹ nào đẻ con ra, nếu là con gái thì giữ lại ở bộ lạc Amazones, còn nếu là con trai thì đuổi về sống với bộ lạc “bố” của chúng. Người xưa còn kể, những nữ chiến sĩ Amazones để thuận tiện cho việc bắn cung, vì họ vốn là những cung thủ có truyền thống bách phát bách trúng, đã đốt hoặc cắt đi một bên vú phải của mình. Có người lại nói, con trai đẻ ra và họ đem giết ngay. Những người Amazones tung hoành khắp vùng bờ biển Tiểu Á đánh bại hầu hết những bộ lạc lân cận nhờ vào ưu thế cưỡi ngựa bắn cung của họ. Bellérophon dẹp xong khối liên minh của hai bộ lạc Solymes và Amazones bảo vệ được đất nước Lycie của Iobatès khiến cho quân thù khiếp sợ không dám bén mảng đến cướp phá. Với con thần mã Pégase thì tài cưỡi ngựa bắn cung của những người Amazones phải nhường chỗ cho người anh hùng Bellérophon.

Iobatès vẫn chưa thôi thử thách. Lần này nhà vua cử những trang anh hùng danh tiếng của mình thống lĩnh một đội quân đi phục kích Bellérophon khi biết tin chàng đã chiến thắng và đang trên đường trở về. Bellérophon mặc dù bị đánh bất ngờ vẫn không hề nao núng. Chàng lần lượt hạ các đối thủ. Chỉ đến lúc này lão vương Iobatès mới thật sự thừa nhận chiến công vĩ đại của Bellérophon. Lão vương cho mở tiệc mừng trọng thể, hơn nữa lại còn gả con gái cho chàng và chia cho chàng một nửa giang sơn để chàng cai quản. Nhân dân Lycie coi chàng là vị anh hùng vĩ đại của đất nước và trao tặng chàng những tặng phẩm hậu hĩ.

Mọi việc xong xuôi, Bellérophon lần đường về thăm lại vương quốc Tirynthe của nhà vua Proétos. Được tin Bellérophon trở về, Sthénébée xấu hổ vì hành động xấu xa của mình, tự tử.

Cuộc đời của người anh hùng những tưởng sẽ còn lập được nhiều chiến công vinh quang hiển hách hơn nữa cho đất nước Lycie, ngờ đâu, Bellérophon chẳng rõ vì sao bữa kia lại nảy ra ý định ngông cuồng muốn sánh ngang các vị thần. Chàng không muốn sống ở thế giới trần tục của những người đoản mệnh mà muốn sống trên thế giới Olympe của các vị thần bất tử. Chàng nghĩ rằng chiến công của mình có thể cho phép mình sánh ngang các bậc thần thánh. Thế là Bellérophon cưỡi con thần mã Pégase bay thẳng lên trời cao, bay lên cao, cao mãi vượt hết tầng mây thấp đến tầng mây cao để tới thế giới Olympe. Nhưng thế giới thần thánh do Zeus trị vì đâu có phải chuyện chơi, ai muốn lên thì cứ tự ý lên, chẳng có luật lệ, phép tắc gì cả. Thần Zeus trông thấy Bellérophon cưỡi con Pégase đang rẽ mây lướt gió bay lên, thần chau mày nổi giận. Thần phất tay mạnh một cái. Thế là con thần mã bỗng trở nên hung hăng trái tính trái nết. Nó lồng lên, đường đi nước chạy không còn ra làm sao cả. Bellérophon không tài nào điều khiển được nó, và trong một tiếng hí ghê rợn, con ngựa chồm lên hất mạnh Bellérophon ra khỏi lưng mình. Thế là người anh hùng ấy rơi từ trên trời cao xuống tận đất đen, linh hồn từ bỏ hình hài đi xuống thế giới của thần Hadès. Còn con thần mã Pégase lại trở về thế giới Olympe để phục vụ cho thần Zeus và các vị thần khác trong những cuộc công cán xuống trần hoặc đi du ngoạn đó đây.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Cưỡi lên Pégase (Monter sur Pégase), hoặc Thắng yên cương vào Pégase (Enfourcher Pégase) để chỉ cảm hứng sáng tác thơ ca, nghệ thuật hoặc chỉ một người nào đó đã trở thành nhà thơ, đồng thời nó cũng chỉ tài năng sáng tác của một người nào đó đã “phát tiết ra ngoài”, vì lẽ Pégase thường xuống ngọn Hélicon, ngọn núi của các nàng Muses và uống nước ở con suối Hippocrène, con suối mà theo người xưa kể, các nhà thơ thường đến du ngoạn, uống nước để có nguồn cảm hứng. Người xưa còn kể, Pégase thường mời các nhà thơ đi du ngoạn khắp bầu trời rồi trở về núi Hélicon để có được nguồn cảm hứng bay bổng dạt dào. Lại có thành ngữ Con Pégase bất kham (La Pégase est retif) để chỉ một nhà thơ tồi.

Quanh cái chết của Sthénébée còn có một cách kể khác, rằng Bellérophon đã cho Sthénébée cưỡi lên con thần mã Pégase cùng với mình bay lên cao rồi ném Sthénébée từ trên đó xuống biển. Về cái chết của Bellérophon cũng có một cách kể khác, rằng Bellérophon rơi xuống đất đen nhưng không chết, mà chỉ bị thọt và mù. Chàng sống với nỗi bất hạnh tàn tật và cô đơn, đi lang thang khắp thế gian với nỗi hối hận về hành động phạm thượng của mình.

Cũng cần nói thêm một chút về huyền thoại những nữ chiến binh Amazones. Nhìn qua chúng ta thấy ngay dấu ấn của huyền thoại thuộc về chế độ mẫu hệ. Tuy nhiên có một điều khiến chúng ta phải băn khoăn đặt câu hỏi: trong chế độ mẫu quyền, chiến tranh bộ lạc đã ra đời chưa, và nếu đã ra đời thì tồn tại phổ biến đến mức như thế nào để có thể có những sản phẩm như bộ lạc Amazones? Có thể nói, chiến tranh bộ lạc không phải là hiện tượng xã hội phổ biến và thường xuyên trong chế độ thị tộc mẫu quyền. Nói một cách nghiêm ngặt thì chiến tranh bộ lạc là một hiện tượng của chế độ thị tộc phụ quyền. Do đó chúng ta có thể phỏng đoán rằng huyền thoại Amazones là một huyền thoại của chế độ phụ quyền song đã được anh hùng hóa. Mặc dù những nữ chiến binh Amazones có được miêu tả khá hào hùng là những kỵ sĩ suốt ngày trên lưng ngựa, thiện chiến, có tài bắn cung... song trong các cuộc xung đột với “đấng mày râu”, các Amazones chưa lần nào chiến thắng, áp đặt được quyền uy của giới phụ nữ đối với các trang nam nhi, anh hùng: dũng sĩ Héraclès đã chiến thắng Amazones đoạt được chiếc thắt lưng của nữ hoàng Hippolyte, rồi Bellérophon, và sau này Thésée, Achille cũng đều là những người chiến thắng. Huyền thoại Amazones chỉ là một tia hồi quang của chế độ mẫu quyền được lắp ghép vào những huyền thoại về các chiến công của những anh hùng, dũng sĩ. Nó phải được anh hùng hóa để thích hợp với loại huyền thoại anh hùng của chế độ phụ quyền và để làm vẻ vang, rực rỡ cho chiến công của các anh hùng, dũng sĩ.

Ngày nay, Amazones trở thành một danh từ chung chỉ: nữ kỵ sĩ; một loại váy dài của phụ nữ mặc khi cưỡi ngựa; và người phụ nữ có tính cách như nam giới, thiếu vẻ hiền dịu, vị tha của nữ tính, hung bạo, hay gây gổ.

CHUYỆN VỀ GIA HỆ NGƯỜI ANH HÙNG TANTALE

Tantale khinh thị thánh thần

Thần Zeus trong một cuộc tình duyên với nàng Nymphe Plouto sinh ra được một người con trai xinh đẹp tên là Tantale. Tantale xây dựng cơ nghiệp ở xứ Sipyle thuộc đất Phrygie hoặc Lydie. Đô thành của nhà vua xây dựng dưới chân núi Sipyle thật vô cùng đẹp đẽ và thuận lợi. Các vị thần lại ban cho người con trai của Zeus biết bao ân huệ: những cánh đồng phì nhiêu, nho trĩu quả, lúa đầy bông, chắc hạt, những đàn súc vật béo mập gặm cỏ ràn rạt, thỏa thuê trên những cánh đồng cỏ lúc nào cũng xanh tươi mơn mởn. Lại còn những mỏ vàng đầy ắp mà chẳng phải trên thế gian này nơi nào cũng có. Ai đã đi qua đất nước của Tantale thì trăm người, nghìn người như một đều tấm tắc khen cảnh đẹp, của nhiều, đều thèm muốn số phận nuông chiều người con của Zeus. Nhưng đó chưa phải là tất cả những phúc lợi mà thần Zeus ban cho người con trai yêu quý của mình, Tantale còn được hưởng biết bao sự ưu tiên, ưu đãi nữa mà chưa từng có một người trần thế nào dám mơ tưởng đến chứ đừng nói gì đến việc hưởng thụ. Trước hết thần Zeus cho người con trai của mình được sánh ngang với các vị thần của thế giới Olympe, được tự do ra vào cung điện Olympe, một nơi vô cùng thiêng liêng và nghiêm cẩn vốn chỉ dành riêng cho các vị thần. Tantale được ngồi cùng bàn dự tiệc với các vị thần, được thưởng thức những món thức ăn thần và uống các thứ rượu thánh là những thứ chỉ riêng thế giới Olympe mới có, vốn chỉ dành riêng cho các vị thần bất tử. Nhưng như thế chưa phải là tột cùng của sự ưu đãi. Tantale còn được Zeus cho tham dự các cuộc họp của các vị thần, những cuộc họp mà như chúng ta đã biết, thật là vô cùng quan trọng và tối mật vì nó bàn định đến kế sách lớn lao của việc điều hành thế gian. Nhưng trò đời sự nuông chiều, ưu đãi thậm chí có thể nói là nuông chiều và ưu đãi một cách mù quáng và ngu xuẩn thường là mẹ đẻ ra thói xấu hãnh tiến, kiêu căng vô ơn bạc nghĩa... nhất là đối với Tantale, một người chưa từng trải qua những thử thách như những người con khác của Zeus: Dionysos, Persée, v.v.

Tantale lúc nào cũng tự cho mình như là một vị thần, vênh vang kiêu hãnh về những đặc ân mà mình được hưởng. Y chẳng còn biết sự mực thước và khiêm tốn là gì. Lợi dụng sự tin yêu của đấng phụ vương, y đã đem cả những thức ăn thần và rượu thánh xuống trần phân phát cho những người trần thế đoản mệnh sống trong vương triều của y với ý đồ táo tợn là làm cho quần thần của y cũng được bất tử như các vị thần. Hành động liều lĩnh đó của y không qua được mắt của thần Zeus. Tuy nhiên, Zeus vì yêu con nên cũng chưa nỡ khiển trách. Lại một hành động nữa cực kỳ bậy bạ, cực kỳ láo xược của Tantale là đã đem những chuyện cơ mật của các cuộc Hội nghị Thần thánh nói vung ra cho mọi người trần thế đều biết. Cả đến những quyết định của Zeus, chủ kiến của Zeus đối với việc này việc khác, người này người khác, Tantale biết được cũng đem đi nói cho người trần thế biết. Nhưng thần Zeus vẫn bỏ qua. Song le mọi việc trên đời này đều có cái giới hạn của nó. Có một lần Tantale đã làm Zeus phật ý. Hôm đó trong một bữa tiệc linh đình ở cung điện Olympe giữa những tuần rượu thánh hương thơm ngào ngạt và không khí tưng bừng của cảnh ca vũ thần tiên, thần Zeus nhìn đứa con trai, âu yếm nói với nó những lời lẽ vàng ngọc như sau:

- Tantale hỡi! Ta yêu quý con và những mong con sẽ được hạnh phúc đời đời. Ta chẳng muốn con phải sống số phận khốn khổ của những người trần đoản mệnh, phải dãi nắng dầm mưa đào bới lòng đất đen lên mới có được hạt lúa mì vàng óng của nữ thần Déméter. Ta ban cho con nhiều ân huệ nhưng nếu con thấy chưa đủ, con còn muốn gì nữa thì con cứ nói với ta. Ta sẽ làm cho con được toại nguyện.

Tantale nhìn cha một cách lạnh lùng, đáp lại:

- Thôi thôi cha ơi! Con chẳng cần gì nữa! Ân huệ của cha con cũng không cần mà ân huệ của các vị thần khác thì con lại càng không cần thiết. Số mệnh là lực lượng cao hơn hết, quy định điều khiển mọi việc của thế gian, xếp đặt vị trí con người. Số mệnh đã ban cho con một số phận tốt đẹp hơn các vị thần bất tử. Vậy xin cha hãy đem ân huệ mà ban cho những kẻ khác.

Thần Zeus sa sầm mặt lại. Thần không ngờ đứa con mà thần vô cùng yêu quý lại có thể ăn nói một cách cạn tàu ráo máng, ngạo mạn, kiêu kỳ như vậy. “Chiều quá hóa hư rồi”, Thần Zeus nghĩ thế nhưng vẫn nén được cơn giận.

Nhưng đến việc sau đây thì Zeus không thể nào chịu đựng được nữa. Việc thứ nhất là chuyện con chó vàng.

Xưa kia khi Zeus ra đời, mẹ Zeus để che giấu Cronos (nếu Cronos biết sẽ nuốt luôn đứa bé) đã gửi Zeus, đứa con trai út của mình, sang đảo Crète. Thời thơ ấu Zeus sống với các nàng Nymphe và hai người bạn: con dê Amalthée và con chó vàng. Lớn lên, Zeus trở về Hy Lạp để giải thoát cho các anh, các chị. Trước khi ra đi, Zeus giao cho con chó vàng canh giữ ngôi đền thờ của mình. Năm tháng qua đi, cuộc sống cứ như mây trôi nước chảy, bỗng đâu một hôm thần Zeus nhớ lại người bạn nhỏ trung thành trong thời thơ ấu của mình. Zeus về đảo Crète tìm thì... hỡi ôi, con chó vàng đã không cánh mà bay? Truy hỏi ra thì Zeus được biết nhà vua Pandaréos trị vì ở đô thành Éphèse bên đất Tiểu Á (có chuyện kể trị vì ở Milet) đã rắp tâm bắt trộm con chó đó gửi Tantale giữ hộ vì e rằng nếu đem ngay con chó về nhà thì sẽ bị lộ. Pandaréos tưởng rằng gửi Tantale thì không ai biết mà cũng chẳng ai ngờ. Những người trần ngu ngốc cứ tưởng rằng có thể che giấu được thế gian và nhất là thần Zeus mọi chuyện. Họ đã lầm lẫn biết chừng nào. Zeus biết chuyện không nén nổi tức giận. Thần liền cho triệu ngay thần Hermès đến và ra lệnh cho Hermès phải xuống ngay Sipyle đến gặp tận mặt Tantale đòi lại con chó vàng, phải đòi bằng được con chó vàng. Vị thần truyền lệnh kính yêu, con của Zeus tuân lệnh, lên đường ngay không hề chậm trễ. Chỉ một lát sau, Hermès đã đứng trước mặt Tantale trịnh trọng tuyên đọc lệnh của Zeus:

- Hỡi Tantale, người con trai yêu quý của thần Zeus! Ta truyền cho nhà ngươi biết, ngươi phải trao trả ngay con chó vàng cho thần Zeus, nếu không thì ngươi đừng có trách đấng phụ vương là hay nổi nóng. Tên vua Pandaréos dại dột đã lấy trộm con vật quý giá ấy của người. Hắn lại còn ngu ngốc đến nỗi cứ tưởng đem gửi con chó vàng đó cho nhà ngươi thì mọi việc rồi sẽ qua đi, đầu xuôi đuôi lọt, chu tất. Ngươi há lại chẳng biết rằng đối với các vị thần Olympe thì không thể che giấu được một điều gì sao?

Tantale nghe nói, chẳng hề mảy may xúc động. Y với bộ mặt giả dối và trơ tráo, đáp lại thần Hermès bằng những lời lẽ láo xược chưa từng thấy:

- Hỡi thần Hermès! Xin ngài đừng có đem thần Zeus ra mà dọa ta! Trong nhà ta, xin mời ngài cứ vào xem, chẳng hề có một con chó vàng, chó bạc nào cả. Có lẽ các vị thần Olympe nhầm lẫn đấy, bởi vì các vị thần cũng có khi bị nữ thần Lầm lẫn làm cho mất trí. Ta xin thề với thế giới Olympe thiêng liêng và đầy quyền thế, lời nói của Tantale, vua của đất nước Sipyle mỹ lệ và giàu có này là hoàn toàn đúng sự thật.

Hermès ra về. Nhưng các vị thần Olympe ngay sau đó đã vạch trần giọng lưỡi xảo quyệt và bộ mặt giả dối của Tantale.

Việc thứ hai là việc giết thịt con trai làm cỗ mời các vị thần ăn.

Tantale, một hôm có ý định mở tiệc mời các vị thần Olympe xuống dự. Y truyền cho gia nhân lo liệu, sắm sửa để làm một bữa tiệc thật trọng thể. Bỗng đâu từ trái tim y nảy ra một ý đồ đen tối: y muốn thử xem các vị thần có đích thực là biết hết mọi việc trên đời này không, có thật là tiên đoán được mọi việc không. Y cho bắt ngay đứa con trai của mình tên là Pélops đem ra chọc tiết, mổ thịt làm cỗ, làm các món ăn thật ngon để dâng các vị thần.

Ngồi vào bàn tiệc, các vị thần không hề đụng thìa, đụng đũa vào một món ăn nào. Các thần đã đoán biết được ý đồ xấu xa của Tantale. Duy chỉ có nữ thần Déméter khi đó đang rầu rĩ về chuyện cô con gái Perséphone bị thần Hadès bắt xuống âm phủ đã sơ ý ăn vào một bát thức ăn nấu bằng thịt của Pélops. Khi các món ăn đã lần lượt đem hết lên bàn tiệc, một vị thần Olympe bèn đứng lên trút tất cả các món ăn đó vào một cái nồi thật lớn rồi đặt lên bếp lửa. Như đã dặn bảo nhau trước từ nhà, sau việc làm đó đều là công việc của thần Hermès. Hermès đứng lên bằng những pháp thuật của mình, đến bên chiếc nồi làm cho Pélops sống lại. Vì các thần không ai ăn mất tí xương, tí thịt nào của Pélops nên Pélops vẫn là con người lành lặn. Tất nhiên, Pélops cũng bị mất một miếng thịt be bé ở vai vì Déméter. Thần Hermès vá vào chỗ khuyết ấy bằng một miếng ngà voi. Chính vì thế mà từ đó trở đi, Pélops và con cháu của Pélops thường gọi là Pélopides đều có một miếng khoang hoặc đốm trắng ở vai.

Sau hai việc tối ư hỗn hào, quá thể láo xược ấy thì thần Zeus không thể nào chịu đựng được nữa. Thần cho triệu ngay Tantale lên thiên đình, quát mắng một trận rồi túm cổ quẳng luôn xuống thế giới âm phủ. Tội lỗi đến như thế nếu mà không trừng trị thì thần Zeus còn mặt mũi nào mà nhìn các vị thần cấp dưới và sao răn bảo được những người trần thế. Thần Zeus còn bắt Tantale phải chịu một hình phạt nặng nề, chịu đời đời cho xứng đáng với tội trạng của y. Tantale suốt đời phải đứng giữa một dòng lạch cạn, nước chỉ đến trên thắt lưng hay dưới ngực gì đó. Y cứ phải đứng như thế hết ngày này qua ngày khác mà không được ăn uống gì. Khát quá, khát khô cả họng khát nóng cả cổ, y cúi đầu xuống đưa hai tay ra toan vục nước lên miệng uống thì lạ sao, nước lập tức rút hết! Rút nhanh đến nỗi Tantale trông xuống chỉ thấy có mặt bùn nhão ở dưới chân mình! Tantale thở dài, đứng sững sờ như một bức tượng đá thì nước lại dâng lên như cũ. Nhưng hễ Tantale cúi xuống định vục nước uống thì nước lại rút đi, rút hết. Tantale cứ phải chịu khát suốt đời. Khát đã vậy lại còn đói nữa. Trên đầu Tantale là một cành cây trĩu quả. Đủ thứ quả: nho, táo, lê chín thơm ngào ngạt. Đói quá, Tantale đưa tay lên toan với một chùm quả chín lủng lẳng ngang tầm mắt, tầm tay, thì lạ sao, chùm quả chín đỏ lập tức nhích ra xa, dướn lên cao khiến cho Tantale không thể nào với tới được. Y lại đứng thất vọng sững sờ. Chùm quả chín lại lủng lẳng ngang tầm mắt, tầm tay. Nhưng hễ Tantale đưa tay ra toan vịn cành với quả thì chùm quả lại đung đưa ra khỏi tầm tay. Chưa hết, cao hơn những chùm quả một chút là một tảng đá chênh vênh từ một trái núi nhô ra, nom rất sợ, sợ đến lạnh cả người vì nó lúc nào cũng như có thể rơi thẳng xuống đầu Tantale, tưởng như chỉ cần một cơn gió mạnh có thể hất tảng đá đổ ụp xuống.

Thành ngữ Nỗi khổ Tantale hoặc Cực hình Tantale (Le supplice de Tantale) chỉ nỗi đau khổ của con người theo đuổi kiên trì một mục đích mà không thành công, một nỗi đau khổ day dứt vì không sao đạt được hoặc khi tưởng chừng như gần đạt được thì lại hỏng, lại thất bại.

***

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp, chúng ta thường thấy có những nhân vật phạm tội kiêu căng, bất kính đối với thần thánh hoặc nổi loạn chống đối lại thế giới thần thánh. Mở đầu là vị thần Prométhée, vị thần mà lý tưởng và chiến công đã phản ánh sự nghiệp chiến đấu hào hùng của con người. Quá trình phát triển của thần thoại từ thời kỳ chế độ thị tộc mẫu quyền đến thị tộc phụ quyền và bước chuyển biến có ý nghĩa cách mạng từ thời cổ đại anh hùng với nền dân chủ-quân sự (công xã thị tộc đang tan rã) sang thời đại văn minh với quyền tư hữu tài sản (chế độ chiếm hữu nô lệ) là quá trình con người ngày càng “sinh sự”, ngày càng “bướng bỉnh” với thần thánh, ngày càng phạm nhiều tội ngạo mạn, bất kính đối với thần thánh. Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Nào nàng Niobé đã khinh thị nữ thần Léto, tự cho mình đẹp hơn Léto, và nào là gã Silène (hoặc còn gọi là Satyre) Marsyas dám thách thức với thần Apollon đua tài, vào “công cua” (concours) âm nhạc với mình. Ngang hơn nữa là chàng Leucippos dám tranh giành người đẹp tiên nữ Daphné với thần Apollon. Rồi nàng Arachné thách nữ thần Athéna thi tài dệt với mình. To gan lớn mật hơn nữa là anh chàng Ixion mưu toan “bắt bồ” với nữ thần Héra! Đến chuyện Sisyphe và Tantale kể trên thì thật là “đại loạn”. Con người dường như chẳng coi thần thánh là cái gì nữa cả. Xưa kia thần Asclépios chỉ vì có tài chữa bệnh, biết phép cải tử hoàn sinh cho người trần thế đoản mệnh mà đã bị Zeus giáng sét giết chết tươi. Nhưng giờ đây thì việc Sisyphe lập mưu bắt sống thần Chết-Thanatos đã thật sự gây rối loạn đến cơ chế của chế độ chính trị Olympe, và lại còn lừa được vị vua của thế giới âm phủ! Tất cả những hiện tượng đó chỉ có thể là sản phẩm của một thời kỳ mà con người đã phần nào bớt sợ hãi thần thánh. Khoa thần thoại học gọi những hiện tượng đó bằng một từ ngữ: chủ nghĩa anh hùng-thần thoại. Tất nhiên những hành động bất kính, kiêu căng nổi loạn của con người đều cuối cùng bị thần thánh trừng phạt và để cho sự trừng phạt hợp lý đương nhiên thế giới thần thánh phải biểu hiện ra như là đại diện cho công lý đạo đức, còn kẻ bị trừng phạt ắt phải là một tên hư hỏng, vô đạo. Con người cuối cùng phải chấp nhận thất bại trước thần thánh, nhưng làm thế nào được. Lịch sử chưa cho phép con người chiến thắng thần thánh!

Pélops sinh cơ lập nghiệp ở đất Hy Lạp

Sau khi Tantale bị thần Zeus trừng phạt, Pélops lên nối ngôi cha trị vì ở đô thành Sipyle. Nhưng số phận chẳng nuông chiều đất nước Sipyle như xưa nữa. Vị vua thành Troie với binh hùng tướng mạnh đã từng thu phục nhiều thành trì đất đai của các vương quốc ở ven biển Tiểu Á, kéo quân sang vây đánh thành Sipyle. Pélops chỉ còn biết cách thu thập của cải và gia nhân, được chút nào hay chút ấy, xuống thuyền chạy sang đất Hy Lạp, Pélops đặt chân lên một bán đảo ở phía Nam nước này và định cư tại đây. Chàng mở mang đất đai, khai phá rừng núi, bờ bãi, sinh cơ lập nghiệp, xây dựng một cơ đồ khá giả. Từ đó bán đảo này mang tên chàng. Ngày nay chúng ta gọi là bán đảo Péloponnèse.

Một hôm trong một cuộc du ngoạn, Pélops bắt gặp một người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Chàng định bụng sẽ dò hỏi tông tích nàng để rồi sắm sửa lễ vật đi cầu hôn. Người con gái đó tên là Hippodamie con của vua Oenomaos ở đô thành Pise phía tây bán đảo gần sông Alphée. Nhưng chuyện cầu hôn với nàng đâu có dễ. Xưa nay người đẹp vốn khó... không phải khó lấy chồng mà khó chọn chồng vì có quá nhiều người hỏi. Nhưng khó hơn nữa là Oenomaos không cho con gái mình lấy chồng. Tại sao lại có chuyện ác nghiệt như vậy? Số là nhà vua được một vị tiên tri phán truyền cho biết, ông sẽ bị một chàng rể giết chết và cướp ngôi. Để chống lại lời phán truyền khủng khiếp ấy của số mệnh, ông chỉ còn cách khước từ hết mọi chàng trai đến cầu hôn. Song le cách đối phó ấy của ông lại đẻ ra một nỗi lo rất lớn. Nhiều trang anh hùng hào kiệt, nhiều bậc công tử phong lưu mã thượng đem lễ vật đến bị ông khước từ đã ra về với nỗi bất bình, ấm ức nhiều khi quá lộ liễu. Biết đâu chẳng có ngày họ kéo binh đến đô thành của ông. Lúc đó lễ vật ông chẳng được mà kẻ chiến thắng ông nghiễm nhiên là chàng rể! Chưa bao giờ ông thấy sự có mặt một người con gái đẹp lại gây ra cho ông lắm nỗi lo âu như thế này. Hết ngày này sang ngày khác, đêm này đến đêm khác ông nằm vắt tay lên trán thao thức suy nghĩ kế sách đối phó. Cuối cùng, ông nghĩ ra được một kế mà ông cho là tuyệt diệu nhất. Ông cho công bố để khắp nơi xa gần được biết: ông sẵn sàng chấp nhận lễ vật cầu hôn của bất cứ chàng trai nào với điều kiện chàng trai đó phải thắng được ông trong cuộc đua xe ngựa. Phần thưởng cho người chiến thắng trong cuộc tỉ thí này là nàng Hippodamie. Nhưng nếu kẻ cầu hôn không thắng được thì sao? Kẻ đó sẽ chết. Đó là con đường duy nhất, sự lựa chọn duy nhất của những kẻ cầu hôn. Oenomaos nghĩ ra kế này vì ông nổi danh khắp vùng là một người điều khiển xe ngựa cực kỳ tài giỏi và hơn nữa ông có những con ngựa chạy nhanh như gió Bấc-Borée. Chưa bao giờ trong những cuộc đua xe mà ông phải chịu nhận phần thưởng thứ nhì. Oenomaos tin rằng với kế sách này thì chắc chắn chẳng mấy người muốn xin cầu hôn hoặc giả nếu có kẻ táo bạo thì ắt rằng sự táo bạo của anh ta chỉ đem lại cho anh ta cái chết chứ không phải cho anh ta nàng Hippodamie.

Mặc dù điều kiện của lễ cầu hôn có quá ngặt nghèo và nguy hiểm nhưng vẫn có nhiều chàng trai đến xin dâng lễ và chấp nhận cuộc tỉ thí! Ôi! Thật thương thay cho khá nhiều chàng trai vì quá say mê sắc đẹp của nàng Hippodamie mà không biết lượng sức mình! Họ đã bỏ mạng trong cuộc đua xe ngựa với Oenomaos. Nhà vua sau mỗi lần chiến thắng, chặt đầu kẻ cầu hôn chiến bại đem treo ở đường ra vào, ở các cửa ra vào cung điện. Ông muốn răn đe những kẻ đến sau. Thế nhưng Pélops một bữa kia vẫn cứ đến đô thành Pise, gặp Oenomaos để xin tỉ thí, Oenomaos nhận Pélops với con mắt khinh thường. Nhà vua nói với Pélops.

- Thế nào? Chàng muốn lấy con gái ta phải không? Được thôi! Nhưng chàng đã suy nghĩ kỹ chưa? Chàng đã trông thấy đầu những chàng trai cầu hôn treo lủng lẳng ở cửa ra vào cung điện chưa? Thôi ta khuyên chàng hãy từ bỏ ý đồ bồng bột, đầy ảo tưởng là có thể thắng ta được trong cuộc đua. Hãy giữ lấy mạng mình là hơn cả!

Pélops đanh thép trả lời:

- Hỡi nhà vua Oenomaos kiêu căng và tàn bạo! Cái chết chẳng làm ta run sợ. Ta quyết là ta làm. Ta tin rằng các vị thần Olympe sẽ phù trợ ta trong cuộc thi đấu này. Ta tin rằng nàng Hippodamie xinh đẹp sẽ về tay ta.

Oenomaos cả cười, bảo Pélops:

- Thôi được, ta đã từng nghe những lời nói như vậy ở nhiều chàng trai cũng như ta đã từng kết liễu đời họ. Chàng hãy nghe đây, thể lệ cuộc thi như sau: chặng đường phải vượt bắt đầu từ đô thành Pise chạy suốt qua bán đảo Péloponnèse, qua đất Isthme và kết thúc ở bàn thờ vị thần cai quản mọi biển khơi Poséidon, cách đô thành Corinthe không xa. Nếu chàng về nhất, đương nhiên chàng là người thắng cuộc, vinh quang và Hippodamie, người con gái vô vàn xinh đẹp và yêu quý của ta sẽ thuộc về chàng. Ngược lại, nếu xe ta từ sau vượt lên đuổi kịp chàng trước khi chàng tới đích thì ta sẽ phóng cho chàng một ngọn lao vào sau lưng và chàng cũng đi theo số phận của bao trang anh hùng, dũng sĩ khác từ bỏ mặt đất đầy ánh sáng xuống sống dưới vương quốc tối tăm khắc nghiệt của thần Hadès. Cũng như đối với các chàng trai trước kia, ta dành cho chàng quyền ưu tiên được khởi hành trước. Như thường lệ, ta phải dâng lễ vật để cầu khấn thần Zeus, vị thần có uy quyền lớn nhất, phù hộ cho ta, rồi sau đó ta mới lên xe đuổi theo chàng. Vậy chàng hãy ra sức vượt ta cho thật xa khi những con ngựa chạy nhanh như gió Bấc-Borée của ta chưa tung vó.

Pélops ra đi, lòng ngổn ngang trăm mối. Làm thế nào thắng được tên vua hung ác này. Cứ đằng thẳng đua sức thi tài với hắn thì chắc chắn là lãnh đủ cái chết. Phải dùng mưu. Pélops nghĩ thế và bí mật tìm gặp Myrtilos, con trai của vị thần Hermès, người đánh xe ngựa cho Oenomaos để mua chuộc anh ta. Chàng hứa, nếu Myrtilos giúp chàng giành được thắng lợi trong cuộc đua này thì chàng sẽ chia cho Myrtilos một nửa vương quốc và tặng thưởng nhiều báu vật. Có chuyện kể, Pélops hứa sẽ cho Myrtilos quyền hưởng đêm đầu tiên với Hippodamie. Do dự, đắn đo hồi lâu sau rồi Myrtilos ưng thuận. Myrtilos sẽ dùng một chiếc trục xe bằng sáp ong thay cho trục sắt. Chỉ có bằng cách ấy xe của Oenomaos mới bị hỏng ở giữa đường và Pélops mới có thể thắng được. Có chuyện lại kể, Myrtilos không lắp đinh chốt vào trục xe.

Sáng hôm sau khi nàng Éos-Bình minh trùm khăn vàng vừa xòe những ngón tay hồng ra ở chân trời thì cũng là lúc Pélops bước vào cuộc thi đấu. Chàng cầu nguyện vị thần Lay chuyển Mặt đất-Poséidon rồi bước lên xe. Nhà vua Oenomaos cũng mang lễ vật đến đền thờ thần Zeus. Trước khi bước vào đền thờ hành lễ, nhà vua ra lệnh cho Pélops khởi hành.

Cuộc đua bắt đầu. Pélops đánh xe, quất ngựa cho chúng phi nước đại. Cỗ xe lao đi như tên bắn chẳng mấy chốc mất hút sau một đám bụi mù. Khát vọng giành được vinh quang và người đẹp thúc giục chàng, tiếp sức cho chàng. Chàng vừa nắm dây cương điều khiển lũ ngựa vừa thỉnh thoảng ngoái nhìn lại phía sau. Chưa thấy Oenomaos đâu, chàng sung sướng quất roi cho lũ ngựa chạy nhanh hơn nữa. Nhưng niềm vui của chàng quá sớm. Chẳng bao lâu chàng đã thấy bóng dáng chiếc xe của Oenomaos hiện lên trên một đám bụi. Chiếc xe cứ lớn dần lên, lớn dần lên đến nỗi chàng đã trông thấy rõ nhà vua đang đứng trên xe. Những con ngựa của Oenomaos thật danh bất hư truyền: chúng cứ như những cơn gió lốc ào ào thổi tới. Pélops thấy vậy càng ra sức quất roi hò hét cho lũ ngựa dốc sức chạy nhanh. Nhưng dù chúng có cố sức đến mấy đi nữa thì cũng không thể thay đổi được một sự thật, cỗ xe của Oenomaos đang ngày càng rút ngắn khoảng cách, và kia rồi, thật vô cùng nguy hiểm, Oenomaos đã một tay cầm cương một tay giương ngọn lao lên lăm lăm chỉ chờ đến một khoảng cách thuận lợi, đúng tầm hướng là phóng. Pélops cố gắng trấn tĩnh. Chàng lẩm nhẩm cầu khấn thần Poséidon phù trợ, và vị thần có cây đinh ba gây bão tố đã nghe hết những lời cầu khẩn của chàng. Cỗ xe của Oenomaos vẫn băng lên. Bỗng nhiên, Pélops nghe đánh rầm một cái. Chàng quay lại. Kia rồi, Myrtilos đã thực thi đúng như sự cam kết của hắn đối với chàng. Hai bánh của cỗ xe rời khỏi trục văng ra ngoài. Chiếc xe đổ vật ngang sang một bên rồi lộn ngược vỡ tan. Lũ ngựa kéo lê chiếc xe vỡ đi một đoạn rồi dừng lại, Pélops cũng đã dừng xe lại. Bên vệ đường chàng thấy xác Oenomaos nằm đấy, mặt úp xuống đất đầy cát bụi, sọ bị vỡ ra, máu đen chảy dài xuống áo. Thần Hadès đã bắt linh hồn của tên vua tàn bạo này về thế giới tối tăm, u ám của mình.

Pélops chiến thắng. Chàng trở về đô thành Pise cưới Hippodamie làm vợ và cai quản vương quốc của Oenomaos. Myrtilos đến đòi Pélops thực hiện lời hứa, nhưng Pélops trở mặt. Y không muốn mất một tí gì cho người đã giúp y giành chiến thắng. Lòng tham của y thật không đáy. Tệ bạc hơn nữa, y còn giết chết Myrtilos. Giống như cha y khi xưa, Tantale, một con người xảo quyệt, y đã tìm cách rủ Myrtilos đi chơi rồi lừa lúc Myrtilos sơ ý, đẩy Myrtilos ngã từ trên một ngọn núi xuống biển. Những ngọn sóng điên cuồng và hung dữ từ ngoài khơi xô vào đã cuốn Myrtilos đi. Nhưng trước khi chết, Myrtilos còn đủ sức nguyền rủa dòng giống của Pélops sẽ vì tội ác của cha chúng mà phải mang trọng tội đời đời. Vì lời nguyền rủa này mà con của Pélops là Atrée và Thyeste sau này phải chịu những thảm họa vô cùng khủng khiếp.

Tội ác và sự thù hằn giữa hai anh em Atrée và Thyeste

Atrée và Thyeste là hai anh em sinh đôi, con của người anh hùng vĩ đại Pélops. Nhẽ ra họ được sống một cuộc đời bình yên hạnh phúc, song vì cha họ xưa kia đã can tội bội ước và ám hại một người đã giúp đỡ mình lập được chiến công là người đánh xe ngựa cho vua Oenomaos tên là Myrtilos, cho nên cuộc đời của họ sống triền miên trong những tội ác và sự thù hằn. Thuở ấy Myrtilos đã giúp Pélops thắng trong cuộc đua xe ngựa với vua Oenomaos, nhờ đó, Pélops mới cưới được nàng Hippodamie, con gái nức tiếng xinh đẹp của nhà vua. Nhưng Pélops nuốt lời hứa, không trọng thưởng Myrtilos mà lại còn giết chết Myrtilos. Trước phút lâm chung, Myrtilos nguyền rủa Pélops rằng con cháu của Pélops sẽ vì tội ác đê tiện và xảo quyệt này mà phải chịu trọng tội đời đời, phải sống chìm đắm suốt đời trong tội ác đẫm máu gớm ghê và sự thù hằn dai dẳng.

Tội ác đầu tiên của dòng họ này là việc giết Chrysippe. Trong một cuộc tình duyên với tiên nữ Nymphe Axioche, Pélops sinh ra được một người con trai tên là Chrysippe. Do được Pélops yêu quý nên Chrysippe trở thành cái gai trước mắt hai anh em Atrée và Thyeste. Được mẹ là Hippodamie xúi giục, anh em Atrée và Thyeste đã hãm hại Chrysippe, nhằm thanh trừ một kẻ thù, một đối thủ trong cuộc thừa kế ngai vàng sau này. Nhưng hành động tàn bạo và ám muội của hai anh em bị Pélops phát giác. Sợ bị trừng phạt, hai anh em chạy trốn sang đô thành Mycènes cầu xin vua Sthénélos, con trai của Persée, che chở. Cuộc sống của hai anh em sinh đôi này ở trên đất Mycènes kéo dài không rõ được bao lâu thì bữa kia xảy ra một biến cố khá quan trọng, một biến cố mở đầu cho những mối thù và những cuộc trả thù vô cùng kinh khủng sau này. Đó là việc nhà vua Sthénélos băng hà, ngai vàng của đất Mycènes không người thừa kế. Không phải Sthénélos không có con trai, con trai của vị vua này chính là Eurysthée, kẻ đã hành hạ Héraclès suốt mười hai năm trời, nhưng lúc Sthénélos băng hà thì Eurysthée không còn sống. Trong cuộc giao tranh với những Héracleidae, Eurysthée đã bị Iolaos bắt sống và đưa về trừng trị. Xét theo huyết thống thì hai anh em Atrée và Thyeste là người gần gũi hơn cả, vì nàng Nicippé, vợ của vua Sthénélos, chính là em ruột của họ. Nhưng ngai vàng chỉ có một mà họ lại là hai. Nhân dân Mycènes không biết phân xử thế nào. Các vị bô lão phải đến cầu xin thần thánh ban cho một lời chỉ dẫn. Lời thần truyền phán: “Hãy truyền ngôi cho người nào trong tay có Bộ lông Cừu vàng”. Biết được lời thần ban bố như vậy, Atrée vô cùng sung sướng. Bộ lông Cừu vàng là báu vật của chàng, chàng hiện nắm giữ nó trong tay. Lai lịch của nó như sau:

Thuở xưa khi còn trẻ Atrée chỉ làm một gã chăn chiên, trong đàn súc vật dê cừu đông đúc của mình, thế nào một hôm Atrée bắt gặp một chú cừu con xinh đẹp. Quý hơn nữa, chú cừu ấy lại có bộ lông vàng. Từ xưa đến nay chưa bao giờ Atrée gặp một con cừu đẹp như thế. Bộ lông của nó vàng rượi, óng ả, đẹp đẽ vô ngần, nhất là những khi mặt trời chếch bóng, ánh nắng nhạt của buổi chiều hôm ngả dài trên lưng đàn súc vật đang lững thững về chuồng, thì bộ lông vàng của chú cừu đó óng ánh hẳn lên, rực rỡ hẳn lên. Năm đó, Atrée phải làm lễ hiến tế cho nữ thần Artémis; nhẽ ra chàng phải dâng cho nữ thần bộ lông vàng của chú cừu đó, vì hiến tế cho các vị thần phải thành kính dâng lên những vật gì quý báu nhất, nhưng Atrée không dâng cho nữ thần Artémis chú cừu có bộ lông vàng đó. Chàng thay thế bằng một lễ vật khác, rồi giết con cừu giữ lại bộ lông vàng cho mình. Chàng bỏ Bộ lông Cừu vàng vào trong một chiếc hòm kín có khóa cẩn thận và giấu kỹ điều bí mật này, không cho ai biết ngoài người vợ thân thiết của chàng là nàng Érope xinh đẹp. Đó, lai lịch Bộ lông Cừu vàng là như thế.

Hôm sau trước hội nghị nhân dân, các bô lão công bố lời phán truyền của thần thánh. Những người đem trình Bộ lông Cừu vàng trước hội nghị nhân dân lại không phải và Atrée mà là Thyeste. Vì sao lại có chuyện lạ lùng như vậy? Nguyên do là biết được lời phán truyền của thần thánh, Érope, vốn tư thông với Thyeste, đã lấy cắp Bộ lông Cừu vàng trao cho Thyeste, và Thyeste lên làm vua ở Mycènes.

Thất bại, Atrée cầu khấn thần Zeus, xin thần ban cho một điềm chứng minh chàng là người thắng cuộc, chính chàng và người được thừa kế ngôi báu ở Mycènes. Thần Zeus chấp nhận lời cầu xin. Thần đảo lại đường đi của thần Mặt trời-Hélios khiến cho mặt trời bỗng dưng mọc ở hướng tây và lặn ở hướng đông. Chao, sao mà kỳ lạ quá thế này, một sự việc lạ lùng chưa từng thấy! Chắc chắn có sự gì đây. Nhân dân Mycènes mời các bô lão và các nhà tiên tri đến để tường giải sự việc lạ lùng mà theo họ hẳn là một điềm báo lành ít, dữ nhiều. Cuối cùng những người dân Mycènes biết rằng mình đã lầm lẫn, lầm lẫn như thần Mặt trời-Hélios đã lầm lẫn đường đi. Họ phế truất Thyeste và đưa Atrée lên ngôi. Chỗ này có chuyện kể, sau khi Thyeste lên ngôi, thần Zeus sai thần Hermès xuống báo mộng cho Atrée biết, hãy thách thức, đánh cuộc với Thyeste trước hội nghị nhân dân: nếu mặt trời mọc ở hướng Tây và lặn ở hướng Đông thì Thyeste sẽ phải nhường lại ngôi báu cho Atrée. Chấp nhận lời thách thức ngược đời, Thyeste đinh ninh, chỉ có người mất trí mới tin được Atrée thắng cuộc. Nhưng sáng hôm sau thật kỳ lạ, mặt trời mọc ở hướng Tây. Trước hội nghị nhân dân, Thyeste đành chịu thua cuộc và phải rời khỏi Mycènes. Căm giận người vợ phản bội, Atrée ra lệnh ném Érope, con của Catrée, cháu của Minos, xuống biển.

Thyeste bị trục xuất khỏi Mycènes lòng tràn đầy uất hận. Y bắt cóc một đứa con trai nhỏ của Atrée đem theo. Ở nơi đất khách quê người, y nuôi nấng, dạy dỗ đứa trẻ với một ý đồ nham hiểm: dùng nó để trả thù Atrée. Y đã xóa bỏ mọi dấu vết về tông tích đứa bé, làm cho nó đinh ninh rằng y là cha đẻ của nó. Y dựng lên một hình ảnh đáng ghét, đáng ghê tởm về Atrée. Năm tháng trôi đi, đứa bé lớn lên và trở thành một chàng trai tuấn tú. Thyeste giao cho nó, tên gọi là Plisthène, nhiệm vụ trở về Mycènes để giết Atrée. Nhưng Plisthène không thực hiện được nghĩa vụ mà Thyeste giao cho. Mưu đồ đen tối của Plisthène bị phát giác, và trong một cuộc xung đột chàng ta bị ngã gục đước mũi gươm của Atrée. Hạ xong địch thủ, xem xét kỹ lại dấu vết cũ trên người, Atrée mới biết rằng đây chính là đứa con của mình mất tích từ năm xưa. Đau đớn, cay đắng mà không biết than thở với ai, Atrée lập mưu trả thù lại Thyeste. Giả vờ hòa giải với người em, tạo ra một bầu không khí thuận lợi để thực hiện mưu kế trả thù.

Một hôm, Atrée cho người đến nói với Thyeste rằng mình đã nguôi mối giận xưa kia và bây giờ muốn hai anh em hòa giải và chung sống với nhau. Nhận lời mời của Atrée, Thyeste đưa cả gia quyến về Mycènes. Có ai ngờ đâu lòng người nham hiểm khôn lường. Atrée đã làm một việc tàn ác, độc địa chưa từng thấy, tàn ác đến nỗi xưa kia khi nghe kể đến đoạn này, nhiều người phải rùng mình nhắm mắt kinh hãi. Atrée lừa lúc Thyeste vắng nhà, bắt ngay ba đứa cháu ruột của mình, con của Thyeste, làm thịt. Sau đó gã mời Thyeste sang dự tiệc. Thyeste không hề biết. Y cứ ngồi vào bàn tiệc điềm nhiên thưởng thức những món ăn ngon lành làm bằng thịt con mình. Cảnh tượng kinh khủng đó khiến cho Zeus vô cùng phẫn nộ. Thần liền dồn mây, giáng sấm sét biểu thị sự tức giận của mình. Thần Mặt trời-Hélios, người chẳng để lọt qua đôi mắt một sự việc gì, cũng không đủ can đảm để nhìn cảnh bố ngồi chè chén thịt con một cách ung dung thú vị như thế. Thần phải bỏ dở cuộc hành trình, quay ngay cỗ xe vàng chói lọi của mình trở về phương đông.

Chè chén một lúc, Thyeste linh cảm thấy có sự chẳng lành, bỗng cất tiếng hỏi Atrée:

- Hỡi Atrée thân mến! Ta vô cùng cảm ơn bác đã mời ta một bữa tiệc thịnh soạn mà trong đời ta chưa từng được biết đến. Nhưng ta xin bác đã rộng lòng lại rộng lòng thêm chút nữa. Bác cho các cháu của bác được cùng dự bữa tiệc ngon lành này thì quý hóa quá.

Atrée vui vẻ trả lời:

- Hỡi Thyeste người em sinh đôi của ta! Điều đó chẳng có gì đáng làm ta quản ngại. Ta sẽ cho gọi các cháu đến ngay. Atrée vẫy tay ra hiệu cho gia nhân thực thi đúng như sự sắp xếp của mình. Lập tức tên hầu bưng vào một mâm lớn đậy kín. Atrée đích thân mở ra cho Thyeste xem. Đó là ba cái đầu của ba đứa con của Thyeste. Thyeste hoảng hồn, rú lên, gào thét, nguyền rủa. Y biết y đã bị trả thù, đã trúng mưu của Atrée. Y van xin Atrée ban cho mình thi hài ba đứa con của mình để làm lễ an táng. Atrée cười ha hả đáp:

- Ngươi chẳng phải lo chuyện đó nữa. Chính ngươi đã an táng chúng vào trong bụng của ngươi rồi.

Thyeste rụng rời, kinh hãi. Y gào rống lên như điên. Y vật vã bứt đầu bứt tóc. Y xô đổ bàn tiệc và cắm đầu chạy. Vừa chạy y vừa nguyền rủa Atrée và con cháu của gã sẽ phải chịu thảm họa đời đời. Chạy một hồi lâu, Thyeste định thần lại. Y bây giờ chỉ có một con đường là sang xứ Épire xin nhà vua Thesprotos cho trú ngụ. Ở đây, tại đô thành Sicyon, Thyeste tính mưu kế trả thù. Thyeste sang trú ngụ tại Sicyon ngày đêm nung nấu mối thù không đội trời chung với Atrée. Muốn gì thì gì, dù đất có lở, trời có sập đi chăng nữa thì Thyeste cũng phải trả được thù, rửa được nhục mới thôi. Y cầu khấn thần thánh. Lời sấm truyền của số mệnh thật là ác nghiệt: người lãnh sứ mạng trả thù cho Thyeste không thể là ai khác ngoài đứa con trai do dòng máu của Thyeste hòa hợp với người con gái của chính Thyeste sinh ra.

Làm theo điều chỉ dẫn của số mệnh, một đêm tối trời, lừa Pélopia, con gái mình, đến đền thờ dâng lễ, Thyeste bí mật lên đền và dùng sức mạnh cưỡng bức, thực hiện đúng như lời sấm truyền. Pélopia chống cự song không nổi. Tuy nhiên, trong lúc kẻ bạo ngược vô ý, nàng đã rút được thanh gươm của hắn. Ít lâu sau, Pélopia có mang và sinh ra một đứa bé. Sợ tai tiếng nàng đem bỏ đứa bé vào rừng, đứa bé mà nàng không biết mặt cha nó là ai. Sau đó nàng bỏ nhà ra đi, trở về đất Mycènes. Tới đây Pélopia lại kết duyên với Atrée. Nàng không quên thuật lại cho chồng biết những biến cố đã xảy ra với đời mình, đưa mình trở lại đất Mycènes này. Nghe thuật chuyện xong lập tức Atrée cho người đi tìm đứa bé. Sau nhiều ngày tìm tòi vất vả trong rừng sâu, hỏi dò hết nơi này nơi khác, cuối cùng người ta đón được chú bé từ tay một người chăn chiên đưa về dâng cho Atrée. Atrée nuôi nấng chú bé như con đẻ của mình và chính chú bé, Égisthe cũng không bao giờ biết đến câu chuyện rắc rối, phức tạp về lai lịch và nguồn gốc của mình. Nhiều năm trôi đi, song Atrée vẫn nuôi giữ mối hằn thù với người em ruột sinh đôi của mình là Thyeste. Atrée nhất quyết phải truy tìm ra tông tích của Thyeste để trừ khử tránh mọi hậu họa sau này. Tình cờ bữa kia do một chuyện ngẫu nhiên, hai người con trai của Atrée là Agamemnon và Ménélas phát hiện ra nơi ở của Thyeste. Họ lập tức xin với vua cha cho quân đi vây bắt, và kết quả họ đã giải được kẻ thù của cha mình về. Atrée vui mừng khôn xiết, ra lệnh tống giam Thyeste vào ngục tối chờ ngày hành hình. Có chuyện lại kể, Atrée giao cho Égisthe nhiệm vụ truy tìm Thyeste và Égisthe đã bắt được Thyeste ở Delphes giải về cho cha. Lệnh hành quyết giao cho Égisthe thi hành. Chợt Thyeste nhìn thấy thanh gươm Égisthe cầm tay. Y xin phép được hỏi, ai đã ban cho Égisthe thanh gươm ấy, một thanh gươm vô cùng quý giá mà trên đời này không dễ mấy người có được.

- Ngươi hỏi làm gì? Chính mẹ ta đã trao cho ta thanh gươm quý báu này đấy! - Égisthe hống hách trả lời. - Hay ngươi muốn chọn một thanh gươm khác tồi hơn để chết thì ta cũng sẵn sàng.

Thyeste van xin Égisthe hãy gia ân cho mình được phép gặp mẹ chàng một chút trước khi nhắm mắt lìa đời. Một đòi hỏi không có gì quá đáng của một tên tử tù. Égisthe nghĩ thế, và gật đầu ưng thuận, sai quân hầu đi mời ngay Pélopia đến. Gặp Pélopia, Thyeste liền kể cho hai mẹ con biết rõ sự thật, một sự thật rất khắc nghiệt do bàn tay độc địa của số mệnh tạo nên. Nghe xong câu chuyện, Pélopia hét lên một tiếng hãi hùng. Nàng giật phắt thanh gươm trên tay Égisthe đâm vào ngực tự sát. Còn Égisthe như một con thú bị trúng tên, rút ngay thanh gươm đẫm máu ở ngực mẹ mình ra và lao đầu chạy đi tìm Atrée, và cũng bằng lưỡi gươm oan nghiệt đó, chàng đã kết liễu đời Atrée khi Atrée đang làm lễ trên bờ sông, đang vui mừng tưởng như đã giết được Thyeste. Từ đấy hai cha con Thyeste và Égisthe trị vì trên đô thành Mycènes ở đất Argolide.

Gia đình tan nát, hai anh em Agamemnon và Ménélas mà những người Hy Lạp xưa kia thường gọi là Atrides nghĩa là những người con của Atrée, phải chạy sang xin nhà vua Tyndare trị vì ở đô thành Sparte cho nương náu. Nhà vua giàu lòng thương người đã cho hai anh em Atrides trú ngụ. Chẳng những thế nhà vua lại còn gả hai con gái của mình cho anh em Atrides. Clytemnestre lấy Agamemnon. Hélène lấy Ménélas. Sau một thời gian nương nhờ ở Sparte, Agamemnon được Tyndare giúp đỡ đã đem quân về Mycènes trừng trị Thyeste, khôi phục được quyền thế. Égisthe, con trai của Thyeste trốn thoát. Từ đó Agamemnon lên làm vua ở Mycènes, một đô thành nổi tiếng về những kho vàng và cung điện to lớn, đẹp đẽ. Còn Ménélas ở lại Sparte, kế đến khi Tyndare qua đời không có con trai thừa kế ngôi báu (anh em Dioscures đều tử trận), Ménélas bèn lên ngôi kế nghiệp trở thành vị vua của đô thành Sparte, một đô thành nổi tiếng trong giới cổ đại về tinh thần thượng võ và lối sống nghiêm ngặt khắc khổ.

Gia hệ người anh hùng Tantale

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

CHUYỆN HAI CHỊ EM PROCNÉ VÀ PHILOMÈLE BIẾN THÀNH CHIM

Pandion nhà vua trị vì ở đô thành Athènes dòng dõi của Érichthonios, đang lâm vào một tình cảnh nguy khốn.

Vừa mới được truyền ngôi chưa được bao lâu, Pandion đã phải chống chọi lại với lũ giặc cỏ ở các nước láng giềng. Giặc thì ở bốn phía đánh vào mà quân trong nước thì chẳng đủ nhiều để ngăn chặn giặc. May thay vua xứ Thrace tên gọi là Térée đem quân đến ứng cứu. Nhờ đó, Pandion quét sạch lũ giặc khỏi vùng đồng bằng Attique thân yêu. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với Térée, Pandion gả nàng Procné, người con gái xinh đẹp và yêu quý của mình cho người dũng tướng hào hiệp đó. Hai vợ chồng cảm tạ vua cha rồi lên đường trở về Thrace. Họ sống với nhau hạnh phúc, hòa thuận. Một năm sau họ báo tin mừng cho vua cha biết họ đã sinh được một cậu con trai, mặt mũi khôi ngô xinh đẹp.

Năm năm sau, một hôm Procné bảo chồng:

- Chàng ơi! Em xa cha mẹ và các em đã lâu rồi mà chưa về thăm lại được. Em muốn chàng cho phép em được trở về thăm lại quê nhà. Nếu như chàng e ngại đường sá xa xôi, núi sông cách trở không muốn để em với con đi thì chàng về thăm vua cha thay em vậy. Nhưng khi về nhất thiết chàng phải đón được cô Philomèle về đây chơi với em. Ai lại chị em ruột thịt mà lâu ngày quá chẳng được gặp mặt nhau để nói đôi ba câu chuyện. Chẳng rõ dạo này cô ấy đã có đám nào chưa? - Procné ngừng một lát thở dài. - Cứ thế này không khéo chỉ độ dăm năm nữa chị em gặp nhau là chẳng nhận được ra nhau nữa đâu. Người ruột thịt máu mủ mà hóa thành người dưng nước lã. Térée, chàng hỡi! Thế nào chàng cũng xin phép vua cha cho cô ấy về đây chơi với em ít ngày nhé! Chàng phải hứa với em làm bằng được việc đó đi!

Térée hứa sẽ thực hiện bằng được điều mong muốn của vợ. Chàng sai gia nhân sắm sửa hành lý, thuyền bè để ra đi ngay. Thuận buồm xuôi gió, không bao lâu Térée đã tới Athènes. Vua cha vô cùng mừng rỡ. Được tin anh rể về thăm, Philomèle vội đến chào. Térée ngạc nhiên trước vẻ đẹp kỳ lạ của cô em vợ. Chàng tự nói với mình: trời ơi, sao cô ấy lại lớn nhanh và đẹp đến như thế nhỉ. Đẹp kỳ lạ như thế nhỉ. Mà sao dạo ấy mình không gặp và không biết? Đúng là một ngôi sao, một ngôi sao cứ ngời ngợi tỏa sáng; một nữ thần, kể cũng không ngoa. Những ngày thăm viếng đã hết hạn kỳ của nó. Térée thực hiện lời dặn của vợ, xin phép vua cha cho Philomèle cùng được trở về Thrace với mình để thăm người chị ruột bấy lâu hằng mong nhớ cô em, thiết tha mong có dịp hai chị em gặp nhau để tâm tình trò chuyện. Vua cha ưng thuận song không quên nhắc đi nhắc lại chuyện Térée phải trông nom cô em gái cho chu đáo cẩn thận:

- Ta rất vui mừng và sung sướng khi nghĩ đến hai chị em nó được gặp lại nhau cho thỏa lòng thương nhớ. Nhưng ta cũng sẽ rất buồn nếu con để em nó đi lâu quá. Pandion nói với Térée như vậy. Bởi vì con biết đấy, ở nhà quanh quẩn chỉ có nó với ta. Nó là niềm vui, nỗi an ủi và người đỡ đần ta trong lúc tuổi già. Con nhớ trông nom em, bảo vệ em trong quãng đường dài đầy gian nguy bất trắc.

Pandion cũng không quên dặn dò cô con gái út những điều tương tự. Nhà vua tiễn con với một linh cảm bất an trong lòng.

Con thuyền đưa Térée trở về quê hương Thrace thuận buồm xuôi gió. Chẳng bao lâu đất Thrace đã hiện ra với dải bờ biển có những bãi cát trắng dài. Xa xa là triền núi xanh trùng điệp. Thuyền cập bến. Nhưng Térée không đưa cô em vợ về cung điện, mà lại đưa cô vào một khu rừng. Từ khi tiếp xúc với Philomèle, trái tim Térée bùng cháy lên một dục vọng đen tối. Hắn say mê sắc đẹp của Philomèle đến mất tỉnh táo. Trái tim hắn chỉ nghĩ đến việc cưỡng bức chiếm đoạt thể xác người thiếu nữ tuyệt diệu này. Khi còn ở trên thuyền thì lúc nào hắn cũng quanh quẩn ở bên cô, tán tỉnh, thăm dò, còn bây giờ thì hắn dùng vũ lực. Hắn đưa Philomèle vào trong rừng sâu chưa có mấy ai đặt chân tới. Tìm được một căn lều của một người đi rừng nào đó dựng tạm, hắn giam Philomèle vào đó và cưỡng bức Philomèle phải hiến thân. Mặc cho Philomèle van xin, cầu khấn các vị thần che chở, hắn vẫn chẳng hề xúc động. Cùng đường, Philomèle nguyền rủa hắn.

- Hỡi tên Térée khốn kiếp! Mi là một kẻ lòng lang dạ thú, ăn cháo đái bát. Mi không còn một chút lương tâm trong ngươi. Cha ta đối đãi với mi nồng hậu và tin cẩn mà mi nỡ lòng nào. Chị ta có ngờ đâu đến nông nỗi này: mi trở thành một kẻ dối trá phản trắc. Được, mi cưỡng bức ta, cướp đoạt cuộc đời ta thì sẽ đến ngày mi phải đền tội. Hỡi thần thánh thiêng liêng, xin các thần chứng giám cho con, một kẻ bạo ngược đã hành động trái với truyền thống quý người, trọng khách như thế này? Xin các vị hãy trừng phạt tên vua Térée là kẻ đã làm ô uế một sợi dây thiêng liêng huyết thống. Hỡi rừng thiêng nước độc, các người hãy nghe những lời than khóc của ta và truyền lại cho những ai chưa biết! Các người hãy kể lại cho mọi người rõ hành động đê tiện bỉ ổi này của Térée.

Térée rất căm tức, căm tức đến điên người trước thái độ phản kháng quyết liệt, chống chọi đến cùng của Philomèle. Sau khi thỏa mãn dục vọng điên cuồng của mình, hắn trói Philomèle lại rồi cắt lưỡi để cho nàng không thể kể với ai, nói cho ai biết hành động xấu xa của hắn. Thế rồi hắn bỏ mặc Philomèle trong rừng để trở về cung điện.

Nàng Procné ngày đêm trông ngóng chồng và cô em gái, nay thấy chồng về thì vô cùng mừng rỡ. Nhưng khi không thấy Philomèle về cùng thì nàng vô cùng ngạc nhiên, vặn hỏi. Térée, lạnh lùng và một lần nữa lừa dối, trả lời:

- Cô ta chẳng may gặp phải một căn bệnh hiểm nghèo đã qua đời trước khi ta đặt chân tới Attique!

Procné tối sầm cả mặt mày, ngất đi trước cái tin sét đánh đó. Tỉnh dậy nàng lại than khóc, xót thương cho số phận bất hạnh của em. Càng nghĩ lại những kỷ niệm xưa trong thời thơ ấu, hai chị em gần gụi, chung sống trong gia đình, nàng lại càng xót xa đau đớn.

Còn Philomèle, số phận nàng ra sao trong khu rừng già sâu thẳm, vắng vẻ? Nàng vẫn sống. Nàng may sao được gia đình một người tiều phu nghèo, giàu lòng nhân ái đón được, nuôi nấng, chăm sóc. Qua gia đình này, nàng biết được kinh thành này không xa lắm, và Procné, người chị ruột thân yêu của nàng vẫn sống chứ không phải qua đời như Térée bịa ra nói với nàng khi thuyền cập bến. Philomèle tìm cách báo tin cho chị biết. Nàng suy nghĩ lao lung. Nhắn tin thì không được rồi. Còn lần tìm đường vào cung điện thì là một việc vô cùng mạo hiểm. Mà dẫu có vào được thì làm sao mà hai chị em gặp nhau được, làm sao mà nói chuyện với nhau được. Chỉ có cách dùng một tín hiệu gì, ám hiệu gì đưa đến cho Procné để Procné có thể hiểu hết được tình cảm của mình và tìm cách cứu. Nhưng tín hiệu gì, ám hiệu gì, như thế nào mới được chứ? Thật khó quá. Sau nhiều đêm ngày suy nghĩ lao lung, cuối cùng Philomèle nghĩ ra được một cách mà nàng cho rằng không thể còn cách gì hay hơn, tốt hơn: nàng sẽ thêu lên một tấm khăn những điều nàng muốn nói với chị. Chị nàng, qua những hình ảnh nàng thêu, sẽ đoán biết được sự thật. Nghĩ thế rồi Philomèle bắt tay vào việc. Chiếc khăn thêu xong, Philomèle tìm cách gửi vào cung điện, gửi đến tận tay Procné.

Nhận được tấm khăn, xem những hình ảnh thêu trên tấm khăn, nhận ra những đường kim mũi chỉ quen thuộc, Procné phải cắn chặt răng lại cho những hàng nước mắt khỏi trào ra. Nàng bồn chồn, day dứt, đi lang thang trong cung điện như một người mất hồn. Nàng suy nghĩ cách trả thù tên chồng khốn kiếp đã can tội xúc phạm đến cha nàng, em nàng. Thời gian đó đúng vào dịp những người phụ nữ Thrace tổ chức lễ rước mừng thần Dionysos. Nàng bèn tham gia vào đoàn người hành lễ: rước đuốc vào rừng khuya. Nhờ đó, nàng tìm thấy Philomèle. Nàng bí mật đưa cô em về giấu kín trong cung điện, ở đây hai chị em suy tính đòn trừng phạt để trả thù. Procné khuyên Philomèle không nên đau buồn, than khóc. Nàng bảo:

- Philomèle em hỡi! Những giọt nước mắt của hai chị em ta phỏng có ích gì. Chúng ta phải lấy ân trả ân, lấy oán trả oán. Chị sẵn sàng vì danh dự của gia đình ta, của cha chúng ta và của em mà nhúng tay vào máu.

Procné vừa nói xong thì đứa con trai lớn của nàng đi vào. Tên nó là Itys. Trông thấy con, Procné bảo:

- Em kìa, trông thằng Itys nó giống bố nó như đúc. Rồi ra nó cũng đến đểu cáng, lá mặt lá trái như bố nó thôi!

Một mưu toan vô vùng man rợ lóe lên trong trái tim nàng. Nàng cố xua đuổi đi nhưng những ý nghĩ căm thù và uất ức giữ nó lại. Nàng gọi con, dắt nó vào buồng ngủ rồi bất chợt rút thanh gươm sắc nhọn treo trên tường ra thọc mạnh vào ngực đứa bé. Máu ộc ra, đứa bé chỉ kịp kêu lên mấy tiếng “Mẹ! Mẹ!” rồi không còn hơi sức nữa. Hai chị em Procné đem chặt đứa bé thành từng phần. Họ làm một bữa ăn thịnh soạn để dâng mời Térée. Những miếng thịt nạc ngon lành họ lọc ra xiên vào que nướng chả. Những miếng khác thì hầm nấu cháo...

Chiều hôm đó như thường lệ, Térée ăn uống ngon lành bên người vợ hiền phục vụ cho chàng. Đang ăn, Térée sực nhớ tới đứa con trai, bèn hỏi:

- Này, thằng Itys đi đâu mà không thấy nó về ăn?

Procné lạnh lùng trả lời:

- Nó ở ngay trước mặt đấy chứ còn đi đâu nữa!

Térée tưởng vợ nói đùa. Hắn không hiểu ý câu nói đó. Hắn đòi vợ phải cho nguời đi tìm ngay đứa con về. Khi đó Philomèle từ sau rèm bước ra. Nàng mở bọc đấy cái đầu máu me của Itys quăng vào mặt Térée. Térée giật bắn người lên. Hắn không còn hồn vía nào nữa. Hắn đứng lặng người đi giương đôi mắt lên nhìn vợ, nhìn cô em vợ mà hắn đã cắt lưỡi, nhìn xuống bàn ăn và cái đầu của đứa con trai yêu quý. Thế rồi bỗng hắn hét lên một tiếng man rợ lao vào phòng lấy thanh gươm ra quyết trừng trị hai chị em để trả mối thù cho đứa con trai. Nhưng hai chị em đã kịp thời chạy trốn. Hắn đuổi theo. Hai chị em cầu xin các vị thần bảo hộ. Thần Zeus bèn biến Procné thành con chim họa mi. Tiếng hót của chim nức nở, xót xa như lời than khóc hối hận, nức nở, xót xa của người mẹ đã phạm tội giết con. Philomèle thì biến thành con chim én. Tiếng kêu tắc sát, lùng bùng của nó như tiếng nói của nàng Philomèle bị cắt lưỡi, không nói được lên tiếng lên lời. Cổ chim én có một vệt đỏ. Đó là vết máu của Itys giây vào tấm áo. Còn Térée thì biến thành con chim đầu rìu. Mào của chim giống hệt như chiếc mũ có ngù của những tướng lĩnh người Thrace. Có chuyện kể: Philomèle biến thành chim họa mi, Procné chim én hoặc chim sẻ, Térée đại bàng.

MỐI TÌNH CỦA ZEUS VỚI NÀNG EUROPE

Agénor là vua của đô thành Sidon hùng cường và giàu có. Thần Poséidon, vị thần có cây đinh ba vàng khều sóng biển và bão tố, trong một cuộc tình duyên với tiên nữ Okéanide Libye đã sinh ra Agénor. Lớn lên, lập nghiệp ở xứ sở Phénicie, Agénor lấy Téléphassa làm vợ. Họ sinh được bốn trai và một gái, trai là Phinée, Cadmos, Phénix và Cilix, gái là Europe. Khó mà nói được niềm vui sướng của nhà vua Agénor trước việc mình có một người con gái. Đã có bốn con trai rồi, kể ra so với các nhà vua khác và các vị thần thì chẳng phải là nhiều, nhưng điều làm nhà vua khao khát, mong muốn là có được một người con gái. Số mệnh đã chiều vị vua nhân đức ấy, thật là ước sao được vậy!

Europe lớn lên trong sự chăm sóc hết mực và chiều chuộng khôn tả của gia đình. Nàng đẹp như ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng. Nàng đẹp đến nỗi chín đô thành, mười hòn đảo đều biết sắc đẹp của nàng. Điều đó càng làm cho vua Agénor sung sướng mừng vui.

Một đêm kia, trong giấc ngủ êm đềm, người con gái xinh đẹp ấy nằm mơ thấy một giấc mơ khá lạ lùng và kỳ dị. Có hai mảnh đất khổng lồ ngăn cách nhau bởi một quãng biển rộng, một mảnh đất tên là Asie (châu Á), còn mảnh kia tên là gì thì chưa ai biết. Hai mảnh đất này hóa thân thành hai người đàn bà và họ tranh giành nhau để cướp Europe, cướp bằng được Europe về phần mình. Cuộc tranh giành diễn ra khá dữ dội. Cuối cùng, người đàn bà mang tên Asie đành phải thua cuộc nhường Europe cho người đàn bà chẳng rõ tên họ, lai lịch kia. Từ đó Europe sống với người đàn bà xa lạ đó, được bà ta nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến lúc trưởng thành.

Europe tỉnh dậy, kinh sợ, đem chuyện thuật lại với vua cha. Chẳng ai giải đáp được ý nghĩa của câu chuyện lạ lùng ấy ra sao cả. Song mọi người đều linh cảm thấy rằng “cứ trong mộng triệu mà suy” thì số phận Europe ắt có điều chẳng lành. Tốt hơn hết trước khi xảy ra những điều không lường được của số mệnh là hãy sắm sanh lễ vật đến cầu khấn các vị thần giải trừ cho tai qua nạn khỏi, và như vậy nỗi lo âu cũng nhẹ gánh được nhiều phần.

Riêng đối với Europe thì nàng quên ngay. Tuổi trẻ của nàng chẳng để vương buồn, chẳng để ám ảnh bởi cái chuyện không đâu. Nàng cứ vui chơi, tươi tỉnh. Nàng lại cùng các nữ tì và bè bạn lên núi hái hoa, xuống biển tắm mát, vui đùa, nghỉ ngơi trên bãi cát trắng dài. Bữa kia trong một cuộc đi chơi cùng với chị em bạn bè, Europe rủ họ xuống tắm biển. Tắm xong mọi người lại lên bờ vui chơi. Đứng trong đám thiếu nữ của thành Sidon, Europe nổi bật lên như một ngôi sao giữa bầu trời đêm đen tối. Nàng ăn mặc đã đẹp hơn người, sắc đẹp của nàng cũng lại hơn người cho nên bạn bè có người nói, tưởng chừng nàng như là nữ thần Aphrodite giáng thế, còn họ chỉ là những nữ thần Duyên sắc-Charites tháp tùng. Tiếng cười nói trong trẻo ríu rít, tiếng hát véo von, du dương làm náo động suốt một dải bờ biển có bãi cát trắng dài, vi vu rì rào sóng gió, và sóng, gió đưa tiếng cười nói trong trẻo, ríu rít ấy, tiếng hát véo von, du dương ấy đến tai thần Zeus. Thần Zeus từ lâu đã nghe tiếng đồn về sắc đẹp của nàng Europe, thì đây là một dịp thuận tiện để cho thần được tận mặt trông thấy, tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan của nàng. Nhưng làm thế nào để cho nàng khỏi sợ và để cho nữ thần Héra không biết? Thần Zeus suy tính và thấy tốt hơn hết là biến mình thành một con bò, một cơn bò mộng thần kỳ, có bộ lông vàng óng, có đôi sừng uốn cong như vành trăng lưỡi liềm, và đặc biệt ở vầng trán đáng yêu của con bò mộng hiền từ này lại ngời ngợi tỏa ra một quầng sáng bạc, óng ánh. Con bò mộng xuất hiện từ đâu, ở chỗ nào, không rõ. Chỉ biết nó từ phía trên bãi cát đi xuống chỗ các thiếu nữ đang vui chơi. Các thiếu nữ bỗng nhiên thấy có con bò kỳ lạ và rất đỗi hiền từ đi tới thì reo ầm lên và chạy lại xúm quanh con bò, vuốt ve nó, vỗ về nó. Con bò đi tới chỗ nàng Europe lấy đầu giụi giụi vào tay nàng, rồi đưa lưỡi ra liếm liếm tay nàng, đầu nghiêng nghiêng như tỏ vẻ nũng nịu, âu yếm. Hơi thở của nó chẳng mang mùi hăng hắc nồng nồng của cỏ cây mà lại tỏa hương thơm ngào ngạt khiến cho mọi người đều trầm trồ khen lạ. Thấy con vật hiền từ và dễ thương, Europe đưa tay vuốt ve trên mình nó, ôm lấy đầu nó và khẽ đặt một cái hôn lên vầng trán của nó. Thế là con bò phủ phục xuống trước mặt Europe như muốn mời nàng cưỡi lên lưng nó. Europe bèn ngồi lên lưng con bò và con bò đưa nàng đi trên bãi cát dài trắng xóa giữa tiếng reo cười, hò hét của các thiếu nữ thành Sidon. Nhưng bất chợt con bò chạy lồng lên và lao ra phía biển. Europe thất kinh nắm chặt lấy sừng con bò cho khỏi ngã. Các thiếu nữ thành Sidon rú lên kinh hãi, kêu gào mọi người đến cứu Europe. Nhưng kìa, con bò đã rẽ nước lối xuống biển. Europe giơ tay vẫy gọi chị em, gào thét, nhưng chẳng ích gì.

Con bò rẽ nước lối xuống biển. Rồi nó bơi trên biển nhẹ nhàng thoải mái như những đàn cá heo vẫn thường bơi lượn quanh những con thuyền của những người trần thế đoản mệnh. Từ dưới thủy cung lên, những tiên nữ Néréides xinh đẹp đi hộ tống hai bên. Nước biển xanh ngắt rẽ ra mở đường cho con bò kỳ diệu bơi, và lạ thay, mình nó vẫn khô ráo, bộ lông vàng óng của nó chẳng vì nước biển mà ướt át, bẩn thỉu. Cả nàng Europe ngồi trên lưng con bò cũng mảy may không bị một giọt nước nào bắn tới. Thì ra thần Pôdêidông với các vị thần Biển khác đi hộ tống đã dùng cỗ xe của mình đi trước mở đường. Với cây đinh ba gọi gió bảo mưa, dẹp sóng gây bão, thần Poséidon đã đi trước chế ngự sóng, bắt chúng rẽ ra hai bên tạo ra mặt biển hiền hòa để cho thần Zeus, đấng phụ vương của thế giới thần thánh và loài người, khỏi vất vả trong cuộc hành trình đi tìm người đẹp. Europe ngồi trên lưng con bò mộng đi giữa biển rộng trời cao, gió thổi lồng lộng. Nàng một tay nắm chắc lấy chiếc sừng vàng cong cong của con bò, còn một tay kéo vạt áo dài lên cho đỡ ướt. Nhưng thần Zeus đã không cho phép những con sóng hỗn xược được đụng chạm tới người nàng. Mái tóc dài và óng ánh vàng của nàng tung bay trong gió biển. Những giẻ tóc chờn vờn bên má, bên mắt khiến nhiều lúc nàng phải đưa tay lên gạt gạt chúng ra. Con bò bơi đi, bơi đi mãi trên biển khơi mênh mông, dạt dào sóng cuộn. Chẳng có gì ngoài vòm trời xanh trên đầu với những cánh chim bay bổng, lượn lờ. Nhưng kia rồi, xa xa là một giải đất và càng đến gần càng thấy nổi lên một đô thành. Đó là đảo Crète. Thần Zeus đưa nàng Europe kiều diễm đến đảo Crète, và trên bờ biển của hòn đảo này, con bò mộng có bộ sừng vàng cong như lưỡi liềm kia hiện lại nguyên hình là một vị thần uy nghiêm và đẹp đẽ. Giữa cảnh mây trời sông nước, thần Zeus tiến đến bên người thiếu nữ, tỏ tình. Yên bình và tĩnh mịch. Biển như một lồng ngực hồi hộp trào dâng lên những đợt sóng nối tiếp nhau chạy vào bờ. Gió ngợi ca cuộc tình duyên đẹp đẽ của vị thần cai quản thế gian với một người thiếu nữ xinh đẹp nhất trần thế từ phương đông tới. Trên bầu trời, mây dan díu vào nhau bồng bềnh trôi.

Từ cuộc tình duyên này, nàng Europe sinh ra ba người con trai: Minos, Rhadamanthe và Sarpédon. Thần Zeus, để tỏ lòng biết ơn đối với người vợ xinh đẹp, đã trao tặng nàng ba tặng phẩm: một là dũng sĩ Talos, một dũng sĩ có thể ngăn ngừa mọi cuộc đổ bộ của bất kỳ lũ cướp biển nào vào đảo Crète; hai là, một con chó săn cực kỳ tinh nhanh chưa từng để một con mồi nào chạy thoát; ba là, một ngọn lao dài dùng để đi săn không thể nào bị cùn, bị mẻ. Còn những người dân ở hòn đảo này, để ghi nhớ người thiếu nữ xinh đẹp từ một phương trời xa lắc đặt chân đến xứ sở của họ, họ đã gọi tất cả phần đất đai ở phía tây mà họ chưa thông hiểu, chưa khám phá được bằng cái tên của người thiếu nữ xinh đẹp, vợ của Zeus: “Europe” mà tiếng Việt chúng ta hiện nay gọi là “châu Âu”.

Lại nói về vua Agénor khi được tin con gái bị mất tích, bèn sai các con trai đi tìm. Ông ra một điều kiện khác nghiệt: nếu không tìm thấy cô em gái thì đừng quay trở về nhà. Vì lẽ đó, bốn anh em trai con của Agénor lưu lạc và sinh cơ lập nghiệp trên những mảnh đất khác nhau, xa xôi muôn dặm.

TRUYỆN HAI VỢ CHỒNG CADMOS BIẾN THÀNH RẮN

Theo lệnh vua cha, anh em Cadmos mỗi người đi mỗi nơi tìm cô em gái Europe. Chàng Phénix đi tìm khắp xứ Libye nhưng không sao lần thấy một dấu vết nào của Europe. Không tìm thấy em, chàng chẳng dám trở về gặp lại vua cha ở đô thành Sidon thân thiết. Chàng trở lại vùng biển Cận Đông, Địa Trung Hải xây dựng nên một xứ sở giàu có nổi tiếng khắp thế giới Hy Lạp và thế giới Cận Đông thời bấy giờ. Để đời đời ghi nhớ công ơn của chàng, nhân dân xứ sở đó đã lấy tên chàng đặt cho mảnh đất quê hương của mình, đó là xứ sở Phénicie mà sau này gồm bốn đô thành giàu có ở ven biển là Ougarit, Byblos, Sidon, Tyr (ngày nay thuộc hai nước Liban và Syrie). Chàng Cilix sang đất Ai Cập. Cũng như Phénix, chàng đi khắp nơi khắp chốn để tìm dấu vết của cô em gái thân yêu mà chẳng hề thấy tăm hơi, cuối cùng chàng trở về vùng biển Tiểu Á, cư ngụ tại xứ sở của những người Hipachéens. Năm tháng trôi đi, cơ đồ của chàng mỗi ngày một vững chãi. Chàng xây dựng lên được một đô thị mang tên chàng gọi là Cilicie, ngày nay thuộc nước Turquie (Thổ). Chàng Phinée cũng lặn ngòi ngoi nước, vất vả khôn cùng mà không sao tìm thấy được em gái. Cuối cùng chàng phiêu bạt sang đất nước Thessalie (Hy Lạp) và làm vua ở đô thành Salmydessos.

Còn Cadmos, chàng chẳng quản gian lao, vất vả cố sức đi tìm em. Chàng đi rất nhiều nơi, đến đâu chàng cũng chú ý tìm hỏi dấu vết của cô em gái Europe nhưng chẳng thu được một tin tức gì. Về thì không được rồi, Cadmos chỉ còn một con đường: tìm nơi đất lành cò đậu để sinh cơ lập nghiệp, nhưng trên đất Hy Lạp mà chàng đang sống đây, rộng mênh mông, chàng biết nơi nào là nơi khả dĩ mà dung thân được. Chỉ còn cách đến đền thờ Delphes để cầu xin vị thần bắn tên xa muôn dặm Apollon ban cho một lời chỉ dẫn, và vị thần Ánh sáng đã phán truyền những lời vàng ngọc sau đây:

- Cadmos con! Hãy nhớ kỹ trong lòng và làm theo đúng lời ta dặn. Con cứ đi, đi mãi cho tới một cánh đồng hiu quạnh. Ở đó con sẽ gặp một con bò cái chưa hề biết ách nặng trên vai. Con hãy đi theo nó, theo nó cho tới khi nó nằm xuống một bãi cỏ, và đó chính là nơi con sẽ xây thành dựng nước, và con sẽ gọi đất nước của con là xứ Béotie.

Cadmos lễ tạ vị thần Ánh sáng có cây cung bạc rồi ra đi, chàng đi, đi đã chồn chân mỏi gối mà chưa thấy gì. Chàng vẫn cố gắng tiếp tục đi, cuối cùng y như lời thần Apollon dạy, chàng bắt gặp một con bò, một con bò cái trắng như tuyết, không người chăn dắt đang gặm cỏ trên cánh đồng. Đi theo chàng là những gia nhân người thành Sidon rất mực trung thành. Con bò thấy người lạ thôi không gặm cỏ nữa, bỏ đi, Cadmos và gia nhân đi theo nó. Qua vùng đồng bằng của sông Céphise thì con bò dừng lại. Nó ngửa mặt lên trời rống to mấy tiếng, rồi đưa mắt nhìn những gia nhân và binh lính của Cadmos, sau đó ngả mình nằm nghỉ trên thảm cỏ xanh. Lời thần Apollon đã ứng nghiệm. Cadmos quỳ xuống cầu khấn, cảm tạ vị thần có cây cung bạc rồi cúi hôn mảnh đất quê hương mới của mình. Chàng cũng không quên cầu khấn các vị nam thần và nữ thần của Núi, Rừng, Sông, Suối phù hộ cho kẻ mới lập nghiệp nơi đất khách quê người. Sau đó chàng xếp đá thành bàn thờ để làm lễ hiến tế thần Zeus, vị thần tối cao, bảo hộ cho người trần thế. Lễ hiến tế đầu tiên trên mảnh đất này thật cực kì khó khăn. Không tìm đâu ra nước để giết bò, Cadmos phải đốc thúc gia nhân đi tìm nguồn nước.

Chuyện đi tìm nguồn nước thật ly kỳ và khủng khiếp. Đám gia nhân người Sidon của Cadmos đi vào một khu rừng nhỏ, song là khu rừng già chưa từng có dấu chân của một người tiều phu nào đặt tới. Rừng vắng lặng không nghe thấy tiếng rìu chặt cây, đốn gỗ. Giữa rừng có một cái hang sâu, xung quanh ngổn ngang những tảng đá lớn nhỏ. Nước từ trong hang chảy ra luồn lách qua những khe đá, một nguồn nước trong trẻo và mát lạnh, rồi dồn đổ vào một con suối nhỏ. Khi đám gia nhân của Cadmos tìm thấy nguồn nước, sung sướng reo lên, gọi nhau đem bình đến thì bỗng nhiên từ trong hang sâu băng ra một con mãng xà khổng lồ. Đó là con rắn của thần Chiến tranh-Arès, mình nó bọc bằng một lớp vẩy cứng như một bộ áo giáp đồng, mắt lồi ra và vằn lên nọc độc gớm ghê. Chỉ cần nó phun những nọc độc ấy ra là cũng đủ nhiễm độc ngạt thở mà chết chứ đừng nói gì đến chuyện bị nó cắn. Con mãng xà tuổi hẳn đã hàng thế kỷ cho nên đầu có một cái mào vàng sần sùi nom rất ghê sợ. Con rắn rít lên và lao mình tới chỗ bọn người. Bọn người hốt hoảng vứt vội bình, vại bỏ chạy, kẻ thì sợ quá ríu cả chân lại ngã vật xuống đất, không ai kịp nghĩ đến việc chống trả. Con rắn lao đến há hốc cái miệng đen ngòm ra, lưỡi ba chạc thia lia, thia lia quét vào đám người hoảng loạn. Thế là lần lượt người thì bị nó lao bổ vào ngã chết, người thì bị nó nuốt sống ăn tươi. Hơi thở độc hại của nó phun ra hôi thối, nồng nặc làm cho những ai nhanh chân nấp vào gốc cây hay náu mình sau một tảng đá cũng không thoát chết, và cả đám gia nhân đó đã không một ai mang được nước về.

Ở bàn thờ thần Zeus mà Cadmos vừa dựng lên, mọi người chờ nước đến mỏi cả mắt. Mặt trời đã bắt đầu chếch về tây mà không thấy ai trở về. Linh tính báo cho Cadmos biết hẳn có sự chẳng lành. Cadmos bèn mặc áo giáp đeo gươm vào bên sườn, cầm lao và khiên lần theo vết chân của anh em đi vào rừng tìm họ. Cadmos đã tìm được đến dòng suối trong. Một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp bày ra trước mắt Cadmos. Thi hài của đám gia nhân nằm ngổn ngang. Một con mãng xã trườn lên những thi hài ấy, mồm há hốc cố nuốt một cái xác người, và chỉ cần vài ba cái ngáp ngáp, lắc lắc ở cái cổ là con rắn đã nuốt trôi một người. Vừa đau xót, vừa giận dữ, Cadmos hét lớn:

- Hỡi các gia nhân, bạn hữu trung thành của ta! Ta có ngờ đâu đến nông nỗi này. Ta thề với bầu trời cao lồng lộng, nơi ngự trị của các vị thần Olympe bất tử, với nước của con sông Styx quanh năm bốc khói, nếu ta không trả được mối thù này cho các bạn thì ta sẽ chẳng nhìn thấy ánh sáng mặt trời rực rỡ nữa. Đất đen sẽ phủ nặng lên trên mình ta và ta sẽ làm tôi tớ nhục nhã cho vị thần Hadès khắc nghiệt.

Nói xong, Cadmos cúi xuống lấy hết sức mình sinh nâng một tảng đá lớn, tảng đá này có dễ phải đến ba bốn người khiêng mới nổi, ném vào con rắn. Tảng đá bay đi đánh vèo một cái, trúng thân con rắn đang cuộn khúc. Phải nói nếu là một ngôi nhà gỗ hay một ngọn tháp thì đổ sập tan tành. Nhưng con rắn vẫn trơ ra như một quả núi. Lớp vảy dày và cứng trên mình nó che chở cho nó chắc chắn như một tấm khiên đồng. Thấy vậy, Cadmos bèn cầm lao nhọn chạy đến đâm thẳng vào thân nó. Lần này tấm vẩy cứng của con mãng xà không chống đỡ nổi. Ngọn lao thọc sâu vào thân con rắn ngập lút đến tận cán. Bị đau, con rắn oằn người quay cổ lại ngoạm vào cán lao để nhổ nó ra khỏi thân. Nhưng ngọn lao nhọn hoắt đâm sâu cho nên con mãng xà chỉ cắn giập và gẫy cán lao chứ không sao nhổ nó ra được. Giận dữ điên cuồng con mãng xà phồng mang trợn mắt, lia lưỡi tìm địch thủ. Nó quật mình làm cây cối gãy đổ, đá núi sạt lở. Hơi thở hồng hộc của nó phả ra mùi hôi thối, tởm lợm. Nó đã trông thấy Cadmos. Nó bèn ngóc đầu vươn lên cao rồi đâm bổ xuống Cadmos. Còn người anh hùng Cadmos trong phút giây hiểm nghèo ấy được thần Apollon phù trợ đã không hề nao núng. Chàng bình tĩnh rút ngay thanh gươm ra đương đầu với quái vật. Chàng chém mạnh vào miệng con rắn. Con rắn ngoạm lấy lưỡi gươm định cắn cho gẫy. Nhưng vô ích, Cadmos giật mạnh thanh gươm ra khỏi miệng nó và vung lên. Con mãng xà không thể đối phó kịp nữa. Nhát kế tiếp của Cadmos mạnh như sấm sét tiện phăng cái đầu của mãng xà, hất nó đi một nơi, còn thân nằm lại vắt ngang trên một cây cổ thụ. Như một người đàn ông vung búa lên bổ củi, nhát búa giáng xuống làm khúc gỗ vỡ ra, những mảnh củi nhỏ văng ra xa còn mảnh củi to thì đổ vật xuống, thì đây nhát chém bổ của Cadmos vào đầu con mãng xà cũng giống như thế.

Cadmos bàng hoàng trước chiến công của mình. Thân con mãng xà nằm vắt trên cây sồi, cây sồi lớn như vậy mà như bị một cơn bão làm nghiêng lệch về một bên. Càng định thần nhìn kỹ lại con mãng xà, chàng càng thấy nó to lớn khủng khiếp. Bỗng Cadmos nghe thấy một tiếng nói, không rõ từ đâu vẳng đến:

- Này hỡi người con trai dũng cảm của nhà vua Agénor! Chàng còn đứng ngây ra để làm gì đó? Rồi chẳng bao lâu nữa chàng cũng biến thành rắn thôi. Nhưng chàng hãy nghe đây, lời phán truyền hữu ích cho chàng trong sự nghiệp xây thành dựng nước: chàng hãy nhổ ngay những chiếc răng của con mãng xà rồi gieo chúng xuống một mảnh đất đã cày bừa tươm tất. Cứ như thế mà làm, chàng sẽ xây dựng được một đô thành mà danh tiếng của nó vang đến tận trời xanh.

Cadmos đưa mắt nhìn khắp nơi để tìm ra người vừa nói những lời quý báu đó, và chàng đã tìm thấy. Đó là vị thần Athéna, con của Zeus, khiên giáp sáng ngời. Chàng quỳ xuống cảm tạ nữ thần. Sau đó chàng trở về làm đúng như lời thần dạy. Thật kỳ lạ vô cùng! Răng của con mãng xà vừa gieo xuống đất được một lát thì dưới mặt đất nhô lên những mũi lao nhọn hoắt rồi đến những chiến binh khiên giáp sáng ngời. Thế là từ những chiếc răng con mãng xà đã đẻ ra một đạo quân hùng mạnh. Nhìn thấy đạo quân đông đảo, vũ khí lăm lăm trong tay, Cadmos phát hoảng. Chàng sợ rằng họ sẽ lao vào chàng, chàng rút vội thanh gươm đeo bên sườn ra chờ một cuộc huyết chiến không cân sức. Nhưng chiến binh trong đoàn quân thét lớn:

- Người ngoài cuộc hãy đứng yên, không được can thiệp vào cuộc huynh đệ tương tàn này!

Cadmos tra gươm vào vỏ. Còn đạo quân từ dưới đất mọc lên thì chia thành hai phe lao vào nhau giao chiến. Cuộc chém giết thật rùng rợn. Một cảnh gió thảm mưa sầu, ma hờn quỷ khóc! Đất đen giải khát bằng máu người. Quân hai bên hạ sát nhau thây chết ngập đồng. Chết đến nỗi cuối cùng chỉ còn có năm người. Lúc này nữ thần Athéna xuất hiện ra lệnh cho chúng phải hòa giải. Năm tên còn lại tuân theo lời nữ thần, kết nghĩa anh em. Chính năm tên này sẽ giúp Cadmos xây lên một đô thành mang tên Cadmée mà sau này còn có một cái tên khác là thành Thèbes bảy cổng.

Dựng xây xong đô thành Cadmée hùng vĩ, Cadmos bèn ban pháp luật để việc trị vì được thuận lợi. Các vị thần Olympe họp bàn và quyết định gả nàng Harmonie, tức nữ thần Hài hòa, con của thần Chiến tranh-Arès với nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp-Aphrodite, cho Cadmos. Lễ thành hôn của đôi trai tài gái sắc này được cử hành rất linh đình, trọng thể. Các vị thần Olympe đều được người anh hùng Cadmos mời tới dự. Thành Cadmée từ ngày xây dựng xong chưa từng có một ngày nào tưng bừng nhộn nhịp như ngày ấy. Các vị thần tặng đôi vợ chồng mới không biết bao nhiêu là quà mừng quý giá.

Năm này qua năm khác, nhân dân ở thành Cadmée càng đông thêm, vui thêm. Đô thành cũng ngày càng trở nên giàu có. Của cải ngày càng nhiều, quân sĩ ngày càng đông, càng mạnh. Người ta bảo đó là một đạo quân vô địch vì có những người cầm đầu được sinh ra từ răng một con mãng xà, con của thần Chiến tranh-Arès. Ai qua đô thành này cũng đều thèm muốn hạnh phúc của nhà vua Cadmos. Nhưng số mệnh đâu có ban cho con người mọi sự đều viên mãn. Con cái của Cadmos, một số người bị chết rất thảm thương. Nàng Sémélé, mẹ của vị thần Rượu nho-Dionysos, bị chết vì tiếng sét kinh động đất trời của chồng là đấng phụ vương Zeus. Nàng Ino chết vì sự thù ghét của nữ thần Héra do can tội nuôi Dionysos: nữ thần Héra trừng phạt làm cho chồng nàng hóa điên, đuổi vợ giết con, nàng bế được một đứa chạy nhưng cũng không thoát, cùng đường nàng nhảy xuống biển. Chàng Actéon, cháu ngoại của nhà vua thì bị nữ thần Artémis biến thành hươu và bị một bầy chó săn của mình cắn xé. Một người con gái khác của Cadmos tên là Agavé bị thần Dionysos làm cho điên đoạn. Bà ta mất trí đến nỗi tưởng con trai mình, nhà vua Penthée là một con sư tử hung dữ. Bà đã cùng với các nàng Bacchantes xông vào băm vằm Penthée.

Đau khổ vì tình cảnh thảm thương ấy, lá vàng còn ở trên cây mà lá xanh đã rụng, hai vợ chồng già nhà vua từ bỏ đô thành của mình ra đi. Họ ra đi, đi đâu, ai nào có biết. Họ cứ đi, đi mãi, lang thang nơi đất khách quê người, tưởng chừng như tìm được nỗi an ủi trong sự xê dịch để biết đó biết đây. Nhưng rồi tuổi già kiệt sức, họ phải dừng chân lại ở xứ Illyrie xa xôi. Một buổi kia trong ánh chiều hoàng hôn chạng vạng, buồn bã của một vùng núi hiu quạnh, Cadmos ngồi nhớ lại quá khứ xa xôi của mình. Ông nghĩ đến chiến công của mình đã giết chết con mãng xà, ông nghĩ đến lời nữ thần Athéna, và ông bỗng thốt lên:

- Con rắn mà ta giết liệu có phải là con của một vị thần Olympe thiêng liêng không, có đích thật như thế không? Nếu, vì việc đó mà các vị thần trừng phạt ta phải sống, phải chịu một số phận cay đắng như thế này thì âu là xin các vị thần hãy biến ta thành rắn!

Cadmos vừa nói xong thì lạ thay, thân hình ông bỗng dài ra, dài mãi ra, áo quần biến thành lớp vẩy, hai chân chập lại biến thành chiếc đuôi. Ông sợ hãi quá chừng. Ông giơ hai tay ra chới với gọi vợ. Nhưng ông chỉ kêu to lên được mấy tiếng thì lưỡi ông đã tách thành lưỡi rắn. Harmonie, vợ ông, kinh hoàng chạy đến ôm lấy chồng kêu gào. Con rắn Cadmos quấn lấy người vợ Harmonie thân yêu. Còn Harmonie, bà cầu xin các vị thần, hãy cho bà luôn luôn được ở bên chồng. Nghe những lời cầu xin tha thiết ấy, các vị thần liền ưng chuẩn. Thế là hai vợ chồng Cadmos biến thành rắn.

CHUYỆN ANH EM SINH ĐÔI ZÉTHOS VÀ AMPHION

Vua thành Cadmée là Nyctée sinh được một người con gái đặt tên là Antiope. Nàng lớn lên đến đâu đẹp ra đến đấy. Nhiều vương tôn, công tử ngấp nghé cầu hôn. Nhưng họ chưa kịp sắm sửa lễ vật, định tháng chọn ngày thì nàng Antiope đã rơi vào tay một vị thần: thần Satyre nửa người nửa dê. Ngang trái thay cái cảnh hạt gạo tám xoan đem chan nước cà! Nhưng không, vị thần Satyre này là một vị thần đặc biệt. Cái hình dạng nửa người nửa dê thô lỗ, man rợ chỉ là cái lốt vỏ bề ngoài. Đây chính là thần Zeus, đấng phụ vương tối cao của thế giới thần thánh và loài người, và như vậy thì mọi người có thể tạm yên tâm vì Zeus thì... dù sao rất xứng đáng. Thần Zeus đã từng biến mình thành con bò mộng, thành hạt mưa vàng, thì cũng có thể biến mình thành con dê hoặc nửa người nửa dê chứ sao! Chẳng có gì đáng bận tâm về chuyện đó, miễn sao che được con mắt soi mói của Héra.

Cuộc tình duyên ái ân của đôi trai gái này thật là nồng mặn, nồng mặn đến nỗi Antiope không dám trở về sống với vua cha ở thành Cadmée nữa. Nàng vốn biết tính khí khắt khe của vua cha, vì thế nàng chỉ còn cách đi trú ngụ nơi khác. Nhà vua xứ Sicyon tên là Épopée đã đón tiếp nàng với tấm lòng hiếu khách và sau đó cưới nàng làm vợ. Nhưng sau đó Lycos, em của Nyctée, kéo quân sang vây đánh thành Sicyon giết chết Épopée, bắt Antiope về làm nô lệ cho vợ hắn tên là Dircé. Trên đường đi, Antiope đã sinh con. Nàng sinh đôi, hai đứa giống nhau như đúc. Nàng đặt tên hai anh em là Zéthos và Amphion. Trong tình cảnh quẫn bách, cùng cực như vậy, Antiope chỉ còn cách đặt hai đứa trẻ vào một cái lẵng rồi bỏ chúng giữa rừng và cầu khấn thần Zeus che chở cho chúng. Nàng tin rằng thần Zeus không thể nào lại để cho hai đứa con, hai giọt máu của thần bị chết. Quả thật như vậy, thần Zeus đã xui khiến một người chăn chiên lùa súc vật đi chăn để đón được hai đứa bé. Từ đó trở đi hai anh em sống với gia đình người chăn chiên và đương nhiên là hai anh em coi người chăn chiên là bố đích thực của mình. Lớn lên Zéthos là một chàng trai khỏe mạnh, tháo vát. Chàng gánh vác đỡ đần được cho gia đình nhiều công việc nặng nhọc. Chàng ham mệ luyện tập võ nghệ, phóng lao, bắn cung, quyền thuật... Chàng săn bắn suốt ngày trong rừng sâu với một niềm say mê kì lạ. Còn Amphion thì tính nết lầm lỳ trầm lặng hơn. Chàng ưa suy tư, mơ mộng, thường ngồi một mình thổi sáo trong ánh nắng chiều thoi thóp nhạt màu. Thần Apollon đem lòng yêu mến người con trai yêu âm nhạc này. Thần ban cho chàng một chiếc đàn cithare có bộ dây vàng. Từ khi có cây đàn huyền diệu này, Amphion gắn bó với nó suốt ngày. Tiếng đàn của chàng có một sức khơi động đặc biệt, chẳng những làm rung động lòng người mà còn thức tỉnh cả thế giới cỏ cây, non nước.

Trong khi các chàng trai, con của Antiope, sống yên bình trong túp lều tranh của người chăn chiên thì bà mẹ, nàng Antiope, bị Dircé hành hạ khổ cực trăm chiều. Ngày ngày phải làm việc quần quật, tối đến bị vứt vào trong ngục tối, cùm xích chân tay. Nàng cầu khẩn thần Zeus và các vị thần Olympe giải thoát cho nàng khỏi sống cảnh đọa đầy như dưới địa ngục của thần Hadès. Thần Zeus đã không quên nàng, và bằng uy quyền của đấng tối cao toàn năng, Zeus đã đưa nàng ra khỏi ngục tối. Nàng chạy đến trú ngụ, và một sự tình cờ do bàn tay Zeus xếp đặt, ở nhà người chăn chiên đã nuôi nấng hai đứa con nàng. Cuộc sống tưởng đã tạm yên ai ngờ trong một ngày Hội Dionysos, Dircé lại lần tìm được nơi Antiope trú ngụ. Mụ ta cùng với những người phụ nữ ở đô thành vào trong núi dự lễ, tay cầm gậy thyrse, cổ choàng một vòng dây leo như dây nho, đi lang thang thế nào mà lại vào đúng ngay túp nhà Antiope đang ở. Với thói quen hống hách của một vị hoàng hậu đầy quyền thế, mụ ta ra lệnh cho Amphion phải bắt Antiope trói vào sừng một con bò rừng hung dữ để quật chết người nữ nô lệ bỏ trốn của mụ. Amphion không hề hay biết Antiope là mẹ mình, chàng dùng tất cả sức lực bắt giữ con bò rừng hung ác rồi làm theo lệnh của Dircé. Chàng Zéthos tỏ ra tháo vát và mưu trí hơn nhiều. Chàng trói quặt cánh tay của Antiope lại và ghì dây trói vào sừng bò. Chỉ cần có lệnh là hai anh em thả con bò ra đánh cho nó chạy lồng lên. May thay, lúc ấy người chăn chiên từ ngoài đồng cỏ trở về nhà. Thấy cảnh tượng đau lòng như vậy, người chăn chiên hét lớn:

- Hỡi Zéthos và Amphion! Dừng ngay lại! Không được làm gì khi chưa có lệnh của ta! Các ngươi thật là đồ bất hạnh. Các ngươi có biết người đàn bà mà các ngươi hành hạ đây là ai không? Chính là mẹ các ngươi đó! Bà đã sinh ra các ngươi từ cuộc tình duyên với thần Zeus. Ta chỉ là người được thần Zeus giao cho sứ mạng nuôi nấng các ngươi khi bà lâm vào cảnh bất hạnh không thể đem theo các ngươi được.

Nghe người chăn chiên nói, Zéthos và Amphion bàng hoàng. Hai anh em hiểu ra sự thật. Họ lập tức lao vào bắt trói mụ Dircé và cởi trói cho người mẹ kính yêu của họ. Còn mụ Dircé, kẻ đã nghĩ ra cái trò trừng phạt tàn bạo này sẽ là người hưởng nó đầu tiên. Con bò hung dữ được thả ra. Nó chạy lồng lên và Dircé phải đền tội ác của mụ một cách xứng đáng.

Hai anh em tiếp tục trở về thành Cadmée. Họ vào trong cung bắt tên vua Lycos ra hành hình, rồi lên ngôi trị vì ở đô thành danh tiếng có bảy cổng này. Họ bàn nhau xây dựng lại thành Cadmée cho vững chãi hơn, kiên cố hơn. Chàng Zéthos khỏe mạnh ít ai bì kịp, đem sức ra chuyển những tảng đá về, xếp chồng lên nhau thành một bức tường cao ngất, vững vàng. Còn chàng Amphion với cây đàn cithare của mình ngồi gảy lên những âm thanh huyền diệu. Tiếng đàn của Amphion đã làm cho những tảng đá thức tỉnh và chúng dường như hiểu ý định của người gảy đàn. Chúng bảo nhau lăn đến chỗ xây bức tường thành, ngoan ngoãn cõng nhau lên đâu vào đấy, vừa khít, chẳng mấy chốc đã thành một bức tường cao ngất vững chãi. Xây xong bức tường thành, danh tiếng hai anh em Zéthos và Amphion vang dội đến trời xanh. Chàng Zéthos lấy một người thiếu nữ anh hùng tên là Thébée làm vợ. Chính từ tên người thiếu nữ này mà ra đời cái tên thành “Thèbes”. Còn Amphion lấy nàng Niobé con gái của Tantale làm vợ, người đã can tội xúc phạm đến nữ thần Léto để đến nỗi bị hai người con của nữ thần là Apollon và Atémix trừng phạt rất nặng nề, thê thảm.

Về Antiope, người xưa kể thêm, do việc bà để hai đứa con trừng phạt Dircé nên thần Dionysos nổi giận (vì Dircé là tín đồ tôn giáo Dionysos). Thần làm cho nàng phát điên, đi lang thang khắp nơi trên đất Hy Lạp. Cuối cùng Antiope gặp Phocos, cháu gọi Sisyphe bằng ông, chữa cho khỏi bệnh và hai người kết hôn với nhau.

DÉDALE VÀ ICARE THOÁT KHỎI CUNG ĐIỆN LABYRINTHE

Cuộc tình duyên giữa thần Zeus và nàng Europe đã sinh hạ ba người con trai: Minos, Rhadamanthe và Sarpédon. Zeus giao ba người con này cho vị vua Astérion cai quản hòn đảo Crète, nuôi nấng, chăm nom giúp. Được ít lâu, Astérion băng hà. Tình cảnh lúc này thật khó xử. Thần dân trên đảo Crète chẳng biết cử ai lên kế nghiệp vị vua yêu dấu của họ. Giữa lúc ấy, Minos đứng ra quả quyết rằng mình là người được các vị thần ủy thác cho việc kế thừa sự nghiệp của Astérion, trông coi trăm họ. Để làm cho mọi người tin mình, Minos tự xưng với mọi người là mình vốn được các vị thần sùng ái, muốn cầu xin gì thần thánh cũng ban cho, và Minos cầu xin thần Poséidon ban cho mình một con bò mộng, một con bò từ dưới biển đội nước hiện lên giống như con bò Zeus xưa kia đã hiện lên rồi cõng Europe bơi qua biển. Minos hứa sẽ lễ tạ thần Poséidon, một con bò thật đẹp, thật xứng đáng để cho thần khỏi thua thiệt. Thần Poséidon ưng chuẩn, làm thỏa mãn nguyện vọng của Minos, và từ đó Minos lên ngôi trị vì ở đảo Crète.

Ít lâu sau từ dưới biển hiện lên một con bò mộng trắng như tuyết. Minos đón được con bò này đem về nuôi. Nhẽ ra phải đem nó ra làm lễ tạ ơn thần Poséidon thì Minos lại lờ đi vì tiếc con bò đẹp và chọn một con bò khác thay thế. Biết việc làm dối trá, thần Poséidon nổi giận làm cho con bò xinh đẹp ấy phát điên. Tính nết nó đang hiền lành bỗng dưng trở nên hung dữ. Nó thoát ra khỏi đàn, giày xéo phá phách lung tung. Nhờ có Héraclès từ đất Hy Lạp sang bắt sống nó, thuần phục nó chứ nếu không thì chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt được những tai họa ghê người. Lên làm vua, Minos cưới Pasiphaé con gái thần Mặt trời-Hélios làm vợ. Thần Poséidon vẫn chưa nguôi giận về chuyện dối trá của Minos. Thần khơi lên trong Pasiphaé những dục vọng ái ân sôi động, những ham muốn chăn gối không thể chế ngự được. Vì lẽ đó, Pasiphaé sống buông thả với không biết bao nhiêu người đàn ông. Nhưng càng sống buông thả thì những dục vọng ma quái trong người nàng càng sôi sục và nàng không bao giờ chế ngự được hoặc thỏa mãn được nó. Đấy là hình phạt mà thần Poséidon giáng xuống để trừng trị tội không trung thực của Minos. Nhưng chưa hết, khủng khiếp hơn nữa, Pasiphaé lại đem lòng say đắm một con bò mộng. Cuộc tình duyên giữa đôi bò-người này đẻ ra một đứa con nửa bò nửa người, tên gọi là Minotaure khiến cho vua Minos vô cùng đau buồn và bực tức. Thật là một chuyện xấu xa ô nhục để tiếng đời đời. Giết Minotaure đi thì không đành mà để lại như là một đống dơ trước mặt. Phải mau chóng tìm cách gì che giấu cái đứa con “tội nợ” này đi mới được. Được một quần thần tin cẩn hiến kế, Minos quyết định xây một cung điện thật lắt léo phức tạp để nhốt Minotaure. Cung điện này phải xây sao cho đường vào thì có mà đường ra thì không. Kẻ nào tò mò lần tìm đường vào thì chỉ có chết mục xương ở trong đó. Nhưng tìm đâu ra một người có thể thực thi được ý đồ này của Minos? Song nhà vua đã quyết như thế thì quần thần phải tìm bằng được, và người ta đã tìm ra chàng Dédale. Chính Dédale mới vạch ra cho Minos cái lối thoát: xây dựng một cung điện như đã kể trên. Người ta lại còn kể về Pasiphaé như sau: bị những dục vọng điên cuồng thôi thúc, nàng đã thúc Dédale làm cho mình một con bò mộng bằng gỗ rồi nằm vào trong bụng nó. Kết quả là nàng đẻ ra Minotaure. Chuyện này xem ra không được phổ biến.

Bực mình với Pasiphaé, nhà vua không thèm chung chăn gối với nàng nữa. Nhà vua lao vào những cuộc tình duyên say đắm mà người xưa không bao giờ nhớ được tên những thiếu nữ có cái diễm phúc được “tựa mạn thuyền rồng”. Pasiphaé nổi ghen. Nàng yểm một lá bùa xuống dưới tấm nệm trên giường của Minos. Vì thế cứ người thiếu nữ nào vào chia chăn sẻ gối với Minos là bị chết. Những con bọ cạp và rắn độc từ dưới đệm bò lên cắn, truyền nọc độc vào người bạn tình của Minos.

Nói về Dédale. Dédale là ai mà tài giỏi như thế? Xin kể qua lai lịch của chàng. Đáng tiếc là ta không rõ chàng là con ai, con một người trần thế đoản mệnh hay một vị thần bất tử? Chúng ta chỉ được biết chàng là người ở bên đất Hy Lạp, vốn sinh cơ lập nghiệp ở đô thị Athènes, dòng dõi Érechthée, một vì vua ở Athènes đã có công lớn trong cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lăng của nhà vua Thrace. Ông đã hiến dâng người con gái của mình cho thần thánh. Nhờ đó liên minh của Eumolpos với những người Éleusis bị Athènes đập tan. Nhưng vì duyên cớ gì mà chàng Dédale lại lưu lạc tới đất Crète? Dédale tới đất Crète không phải vì đeo đuổi một cuộc tình duyên, cũng không phải vì sự nghiệp anh hùng hoặc vì muốn lập một chiến công ích nước lợi dân nào hết. Chàng tới đất Crète, đúng hơn là chàng phải trốn sang đảo Crète vì chàng phạm tội giết người.

Dédale vốn là một người thợ tài giỏi bậc nhất ở đô thành Athènes. Thật khó mà tìm thấy một con người thứ hai giống như Dédale, nghĩa là tài năng, giàu óc sáng tạo như Dédale. Từ bàn tay của chàng mà những người Athènes có những bức tượng vô cùng đẹp đẽ để thờ cúng, để làm đẹp cho khu vực Acropole thiêng liêng. Lâu đài, đền miếu, điện thờ... rồi đến cái bình hình dáng thon thon có hai quai, chiếc rìu, lưỡi búa đều từ đầu óc Dédale nghĩ ra hoặc từ bàn tay Dédale làm ra. Những hình vẽ trên vại gốm, những cảnh trạm khắc trên đồng... đều do hoa tay của người thợ Dédale tỏa hương ra cả. Danh tiếng của Dédale vang lừng khắp thế giới Hy Lạp.

Dédale hàng ngày cặm cụi làm việc. Giúp chàng có một người cháu gọi bằng cậu, tên là Talos. Talos vừa làm nhưng cũng là vừa học. Cậu nào cháu ấy, Talos học một biết mười vì thế ông cậu Dédale rất hài lòng. Nhưng rồi một ngày kia, ông cậu thân yêu của đứa cháu rất thông minh đó không hài lòng, hoàn toàn không hài lòng. Vì Talos làm hỏng một việc gì chăng? Không, Dédale không hài lòng chỉ vì Talos tỏ ra tài giỏi hơn chàng. Talos đã dựa theo một cái xương cá sáng chế ra một cái cưa, một dụng cụ vô cùng hữu ích và thuận lợi cho công việc người thợ. Không có cái cưa, ta thử tưởng tượng xem, cứ chặt, chém, đẽo, gọt bằng dao thì làm sao cho nhanh, cho mỏng, cho thẳng được. Dédale đem lòng thù ghét đứa cháu yêu quý đầy tài năng sáng tạo, đầy hứa hẹn biết bao nhiêu sáng chế phát minh. Dédale tính toán lo sợ rằng rồi ra danh tiếng và tài năng của Talos sẽ làm lu mờ cái tên Dédale. Vì thế Dédale lập mưu giết cháu. Chuyện xảy ra trong một cuộc dạo chơi. Dédale bữa kia vờ rủ cháu đi lên bờ thành cao dạo mát, ngắm phong cảnh để rồi bất ngờ đẩy cháu từ bờ thành cao ngã xuống chân thành. Thật không gì khủng khiếp và đê tiện bằng! Giết cháu xong, Dédale lần xuống chân thành chôn xác phi tang. Nhưng những người Athènes bắt gặp Dédale đang đào huyệt. Thế là họ truy ra sự thật. Dédale phải ra tòa để bị xét xử, và tòa án thành Athènes thật là nghiêm minh, đã kết án tử hình. Để tránh khỏi xử tử, Dédale phải tự trục xuất ra khỏi đô thành Athènes. Chàng trốn sang đảo Crète, và đúng vào lúc xảy ra chuyện Pasiphaé sinh ra đứa con nửa bò nửa người thì Dédale đang là một kiều dân Athènes cư trú trên đảo Crète. Ở đảo Crète tiếng tăm của chàng cũng lừng vang. Vì thế, chàng được nhà vua Minos triệu đến để hiến kế. Dédale khuyên nhà vua cho xây một cung điện, một cung điện có lối đi vào hiểm hóc, ngoắt ngoéo, xoáy trôn ốc, vặn vẹo để nhốt Minotaure. Có như thế mới hòng che mắt được mọi người. Minos ra lệnh cho khởi công ngay. Dưới sự chỉ huy của Dédale, mọi việc tiến hành đâu ra đấy, răm rắp nhanh chóng. Labyrinthe là tên gọi của tòa nhà ngục tráng lệ và rối tinh rối mù đó. Chẳng biết có bao nhiêu phòng, bao nhiêu buồng, còn hành lang thì chằng chịt, lên lên xuống xuống... Công việc hoàn thành. Người ta đem nhốt Minotaure vào trong đó, và quả thật đúng như ý đồ của vị “tổng công trình sư” Dédale, Minotaure không lần tìm được lối ra, đành chịu sống... chết gí trong cung điện “bát trận đồ” ấy.

Để nuôi Minotaure phải cho nó ăn thịt sống: thịt các súc vật hoặc thịt người. Vua Minos mỗi lần gây chinh chiến, áp đặt được quyền lực lên lãnh địa của một vị vua nào thì lập tức bắt họ, phải hàng năm đúng hẹn đúng kỳ đem nộp một số người cho Minotaure ăn thịt. Xứ sở Athènes đã phải chịu cái thảm họa đó đến ngày vị anh hùng Thésée, nhờ sự giúp đỡ của Ariane, con gái vua Minos, trừng trị được con quái vật Minotaure.

Ở Crète, khi biết chuyện Minotaure bị giết, Minos vô cùng uất ức. Bút nào tả xiết được cơn thịnh nộ của các bậc đế vương vốn đã từng quen sai khiến và bắt người khác phải phục tùng! Làm sao Thésée lại dám ngạo mạn như thế. Minos tức giận đến lồng lộn, điên cuồng. Song chẳng phải vì Minos yêu mến Minotaure mà căm giận Thésée đến như thế. Không, đó chỉ là thói thường của những vị vua xưa nay chẳng ưa thích kẻ nào làm trái ý mình. Minos bắt nhốt Thésée vào Labyrinthe là để cho Minotaure ăn thịt, là để giết hắn. Nhưng làm sao hắn có thể làm đảo lộn tình hình. Cái tên này quả là ghê gớm, quả là to gan lớn mật.

Minos càng nghĩ càng căm đứa con gái đã thông đồng bày mưu cho Thésée thoát nạn, một mưu mẹo khá khôn khéo mà Minos không thể ngờ tới được. Minos càng tức giận lũ quân canh đã canh phòng sơ khoáng để cho Thésée phá hỏng những chiếc thuyền. Sau bao thời gian vắt óc suy nghĩ cố tìm ra một tội phạm để trừng trị trả thù cho hả dạ, cuối cùng Minos nghĩ tới Dédale. Hẳn là tên này đã bày mưu, đặt kế cho cái vụ phản nghịch hỗn xược này. Kể ra nhìn qua xem như Dédale vô tội. Nhưng càng suy nghĩ kỹ thì Minos càng thấy đích thực cái tên Hy Lạp này chỉ là thủ phạm. Chính hắn là người xây nên cái cung điện Labyrinthe và chỉ có hắn là người duy nhất biết cái hiểm hóc của nó. Hắn lại là người đồng bang với Thésée, cùng chung xứ sở quê hương với Thésée nên hắn mới bày mưu cho Thésée trốn thoát khỏi cung điện Labyrinthe. Bằng những lý lẽ như vậy, Minos quyết định trị tội Dédale. Nhà vua đập bàn thét vang, sai quân lính đi bắt ngay Dédale đem nhốt vào cung điện Labyrinthe thế chân cho Minotaure bữa trước. Không phải chỉ có một mình Dédale bị bắt mà cả con Dédale, chú thiếu niên Icare, cũng bị áp giải theo cha.

Thật ra thì sự việc diễn ra hơi khác một chút. Ariane khi thấy Thésée trong đoàn người cống vật, nàng đã vội tìm đến Dédale để xin Dédale bày mưu cứu thoát. Chính Dédale là người đã nghĩ ra cái kế “cuộn dây Ariane”.

Bị nhốt vào cung điện ngục tối Labyrinthe song Dédale không hề bối rối. Trong chỗ ở của Minotaure còn ngổn ngang, bừa bãi xác chết của vô số gà, vịt, chim, ngỗng do Minotaure ăn còn thừa bỏ lại. Từng quãng trong cung điện lại có những tổ ong lớn, và chỉ có thế thôi là đủ cho chàng Dédale khôn khéo, thông minh tìm được cách thoát thân. Chàng lượm lặt các lông cánh trên xác những con vật còn lại, lấy sáp ong chắp gắn vào, chỉ trong vài ngày hai cha con Dédale và Icare đã làm được mỗi người một đôi cánh, và thế là một buổi sáng kia, hai cha con dỡ mái cung điện lấy lối ra, để bay thoát ra ngoài. Chỉ bằng cách ấy thì mới thoát khỏi sự canh phòng cẩn mật của lũ lính gác. Dédale và Icare bay về Hy Lạp. Hành trình chẳng phải ngắn song có điều chắc chắn là thuận lợi hơn đi thuyền, nhanh hơn đi thuyền. Dédale tính toán lo xa đủ đường. Chàng dặn dò cậu con trai yêu quý lúc nào cũng phải bay sau mình, bay theo đường bay của mình, không được bay thấp quá, không được bay cao quá, nhất là càng bay lên cao thì càng nguy hiểm. Nhưng Icare đâu có nhớ lời cha dặn. Được tung mình vào không trung bát ngát, bay lượn vẫy vùng trên khoảng trời mênh mông, Icare vô cùng thích thú. Ôi chao, sướng đến mê người! Nhà cửa ở dưới đất nom bé hẳn lại, người thì cứ như là những con kiến nhỏ tí. Rừng cây xanh biếc, ruộng lớn vàng rượi, đồi trọc đỏ tươi, nước sông thì trăng trắng một vệt dài luồn lách ngoằn ngoèo trên từng mảnh, từng mảnh của cái tấm thảm nhiều màu sắc rực rỡ đó. Thật tuyệt đẹp! Bay ra đến biển thì không vui mắt bằng. Tất cả chỉ là một màu xanh, một màu xanh bát ngát, mênh mông, xanh ngăn ngắt, vô cùng vô tận, xanh đến rợn cả người! Những hòn đảo nổi lên như một cái chấm đen nom y như một cái nốt ruồi ấy! Và biển xanh thở phập phồng, lung linh những vệt trắng nho nhỏ của những cuộn sóng. Càng bay, Icare càng thích thú, càng ham muốn bay cao lên nữa. Chú bé tự hỏi: “Ở cái khoảng không gian xanh thẫm như biển kia, cao tít trên đầu kia có gì nhỉ?”. Đây mới chỉ thấy có những đám mây, những đám mây như những con thuyền trôi bồng bềnh, dập dờn. Có lúc Icare lại tưởng chúng như những búi bông được nhả ra từ một cái cán nào đó... Chú bé say sưa với những luồng suy tưởng của mình. Chú nghĩ đến những vì sao như những hòn ngọc trong màn đêm đen mịn như nhung, chú nghĩ đến mặt trời rực lửa... Icare triền miên trong suy tưởng và có lúc đã nghĩ rằng mình chẳng khác chi một vị thần vẫn từ thế giới Olympe bay xuống trần, đi đi về về vì biết bao công việc rắc rối của những người trần thế, và cứ thế cậu bay vút lên cao, lên cao mãi. Quên bẵng mất lời cha dặn, cậu bé muốn tung hoành ngang dọc trong bầu trời để thỏa mãn trí tò mò, ham hiểu biết của mình. Nhưng một tai họa khủng khiếp giáng ngay xuống đầu Icare: càng bay lên cao, càng gần mặt trời, càng nóng. Sức nóng của mặt trời làm sáp ong chảy tan ra nước và đôi cánh của cậu phút chốc rơi rụng lả tả tựa lá vàng rụng trước gió đông. Icare mất thăng bằng ngã lộn nhào từ trên cao xuống biển, cậu rơi xuống như một hòn đá! Một hòn đá rơi từ chín tầng mây xuống chìm nghỉm trong tấm thảm màu xanh. Vì không phải là con của thần thánh như Héphaïstos cho nên Icare chết. Nhưng người xưa muốn cho cậu sống mãi nên đã đặt tên quãng biển ở đảo Samos, trước mặt đô thị Milet là “biển Icare” và cả một hòn đảo trên vùng biển ấy là “đảo Icare”.

Dédale đau xót về cái chết của đứa con trai khôn xiết. Nhưng làm thế nào được, không lẽ chàng lại hạ cánh xuống giữa biển khơi để vớt xác con. Chàng phải tiếp tục bay. Nhưng chàng không trở về Hy Lạp nữa. Chàng hạ cánh xuống vùng Cumes một nơi gần Naple thuộc nước Ý và xây dựng một đền thờ thần Apollon. Trên cánh cửa của ngôi đền, Dédale khắc họa lại lịch sử của đời mình và cuộc hành trình vừa qua. Chàng cũng không quên khắc họa cuộc đời đứa con thân yêu đã bỏ mình giữa đường. Sau đó Dédale rời Cumes đi xuống đảo Sicile. Chàng dừng chân lại ở đô thành Camicos của vua Cocaios.

Được tin Dédale trú ngụ tại cung điện của nhà vua Cocaios, Minos bèn thân chinh thống lĩnh một đội chiến thuyền kéo sang đảo Sicile. Nhà vua kéo đại binh đến đô thành Camicos, mưu dùng áp lực của binh hùng tướng mạnh buộc Cocaios phải dâng nộp Dédale cho mình. Biết tin, Dédale sợ hãi quá chừng. Chàng cầu xin Cocaios che giấu, bảo vệ tính mạng cho mình. Ở Hy Lạp xưa kia, khước từ lời cầu xin bảo hộ che chở cho tính mạng một con người đang lâm vào tình cảnh bị đe dọa là một điều vi phạm vào truyền thống đạo đức thiêng liêng do thần Zeus vĩ đại ban bố. Vì lẽ đó, Cocaios sẵn sàng bênh vực Dédale. Nhà vua đưa Dédale vào phòng riêng những con gái của mình, nơi mà nhà vua cho là kín đáo hơn cả, Dédale được ở một chỗ kín đáo, lấy làm vững dạ và tin rằng Minos khó có thể tìm thấy mình.

Minos được tiếp kiến nhà vua Cocaios. Y hỏi ngay Cocaios về tung tích của Dédale. Cocaios đáp lại:

- Thưa quý khách, nhà vua Minos nổi danh vì những lâu đài tráng lệ trên hòn đảo Crète quanh năm sóng vỗ! Không có ai! Tuyệt không có ai, mảy may không có ai... chúng tôi không hề thấy ở đây có một người nào mang tên như thế và có hình dáng cùng tài năng như thế...

- Ồ, thôi, thôi! Điều đó chẳng có gì làm ngài phải bận tâm. - Minos vừa xua xua tay vừa đáp lại. - Thế nào cuối cùng tôi cũng tìm được tên đó... À, nhưng thưa ngài, trong khi chờ đợi, xin phiền một chút. Tôi có một việc khó khăn muốn nhờ ngài giúp hộ một tay. Chắc ngài vui lòng nhận giúp chứ? Đây chỉ có thế này thôi, tôi muốn luôn sợi chỉ qua cái vỏ con ốc này... Thế mà chẳng biết làm cách sao, thật ngu ngốc! Xin ngài chỉ dẫn giùm.

Cocaios vốn khờ dại và lại ưa phỉnh nịnh, khoe khoang nên không hiểu mưu thâm của Minos. Cocaios vội trả lời:

- Ồ, thưa ngài, có khó gì gì! Chỉ một lát thôi là tôi có thể làm xong cái việc dễ như trò trẻ đó...

Nhưng Cocaios đâu có biết làm. Nhà vua đến nhờ Dédale chỉ dẫn, Dédale bèn bắt một con kiến to, đính một sợi dây chỉ vào nó và thế là trong chốc lát con vật đã lượn qua các đường xoáy trôn ốc. Cocaios bèn ra gặp Minos, kiêu hãnh chìa con ốc ra cho hắn biết cái tài khôn khéo của mình.

- A! - Minos đập bàn reo lên, quắc mắt nhìn thẳng vào mặt Cocaios - Ngài còn dám một mực nói với tôi rằng Dédale không có ở đây nữa không? Không có người thứ hai đâu! Trên thế gian này chỉ có mỗi một người làm được cái việc này thôi. Người đó chính là hắn, là Dédale đấy!

Nghe xong, Cocaios lạnh toát cả người, toàn thân run lên cầm cập, Cocaios vội thú nhận đã giấu Dédale, chỉ xin Minos cứ bình tĩnh nghỉ ngơi trong cung điện ít ngày để ông có kịp khoản đãi một nhà vua danh tiếng.

Nói về Dédale, khi làm công việc mà Cocaios nhờ, trong lòng đã nghi nghi hoặc hoặc, bụng bảo dạ: Có lẽ Minos đã lần tìm được tới đây. Chàng bèn bàn với những cô con gái của Cocaios cho sửa chữa ngay những ống dẫn nước đến nhà tắm. Theo phong tục của người Hy Lạp xưa kia thì khi có khách quý đến chơi, người ta thường sai gia nhân đem nước nóng đến rửa chân cho khách và mời khách đi tắm, sau đó mời khách vào dự tiệc. Minos vào buồng tắm và từ các ống dẫn nước xối xuống, tuôn chảy ra không phải là nước nóng mà là dầu sôi sùng sục, Minos bị luộc chín. Đến đây kết thúc số phận tên vua Minos tàn ác. Có người kể, không phải Dédale bàn định với những cô con gái của Cocaios mà chính đích thân nhà vua đã mật báo cho các con gái mình biết mưu đồ của mình để các cô thi hành. Đền đáp lại công ơn của Cocaios, chàng Dédale tài giỏi đã xây dựng cho nhà vua nhiều lâu đài, đền, điện đẹp đẽ, tráng lệ, nguy nga. Nhưng chàng, theo một truyền thuyết, không ở lại đất Sicile. Chàng trở về Athènes, Hy Lạp đề truyền dạy tài năng và nghề nghiệp của mình cho con cháu. Những người thợ thủ công lành nghề, những nghệ sĩ tài năng ở Athènes sau này đều thuộc dòng dõi, huyết thống của Dédale. Họ mang một cái tên chung là Dédalides. Một truyền thuyết khác lại nói Dédale sống ở Sicile cho đến cuối đời. Người ta còn kể, chính người anh hùng Héraclès đã vớt được xác Icare và làm lễ an táng cho cậu.

Còn Minos, sau khi chết, xuống âm phủ được thần Hadès giao cho công việc xét xử các linh hồn. Bên Minos còn có hai người giúp việc là Rhadamanthe, em ruột của Minos, và Éaque, một đấng minh quân xưa kia trị vì ở đảo Égine.

Huyền thoại về Minos cho ta hai hình ảnh về vị vua này: một tên bạo chúa và một đấng minh quân. Về đấng minh quân, hoàn toàn có cơ sở để chúng ta nhận định rằng hình ảnh này thuộc về một nguồn huyền thoại cổ hơn. Người ta kể, thần Zeus và Minos thường gặp nhau trong một chiếc hang đá để trao đổi ý kiến về việc điều hành pháp luật trong đời sống. Minos còn đàm luận rộng rãi với cái vị thần, chịu khó lắng nghe mọi ý kiến để từ đó rút ra những lời răn dạy quý báu cho công việc cai trị. Nguồn thần thoại Minos tên bạo chúa, rõ ràng phản ánh thời kỳ giữa Crète và Athènes hoặc Hy Lạp đã có những cuộc đụng độ. Hẳn rằng những xung đột chỉ có thể xảy ra khi Crète đã có một nhà nước khá mạnh, khá phát triển đối với trình độ văn minh ở vùng biển Égée. Ta thấy ở đây lưu dấu lại, đọng giữ lại nhiều dư âm về một thời oai liệt của Crète. Nhà khảo cổ học người Anh Arthur Evans đã sử dụng cái tên Minos để chỉ nền văn minh mà ông phát hiện được ở đảo Crète.

Tuy nhiên trong huyền thoại về Minos, một nhà lập pháp, một đấng quân minh, ta cũng thấy có một lớp ở vào một thời kỳ muộn hơn ghép vào. Đó là Minos trở thành người xét xử các linh hồn, nghĩa là một quan niệm tôn giáo về sự thưởng phạt ở thế giới bên kia vốn chỉ đến thế kỷ V TCN mới xuất hiện trên đất Hy Lạp.

Huyền thoại về Minotaure gắn liền với những tín ngưỡng tôtem và gợi cho ta nhớ đến những tục giết người để hiến tế thần linh. Có nét gì gần gụi giữa Minotaure với vị thần Moloch của người Ammonites (Phénicie), chứng tỏ có một sự vận động, di chuyển của môtíp “con bò” từ phương Đông sang phương Tây.

Như vậy, huyền thoại về chiến công của người anh hùng Thésée, về tài năng sáng tạo của Dédale là sản phẩm của một thời kỳ muộn hơn - thời kỳ chế độ phụ quyền - được kết hợp, nhào nặn với một lớp huyền thoại cổ xưa hơn để hình thành một huyền thoại, truyền thuyết về người anh hùng Thésée với những chiến công vĩ đại mở đầu cho việc xây dựng, mở mang vùng đồng bằng Attique, tạo lập nên những thiết chế xã hội mới là tiền đề, là cơ sở cho sự hình thành nhà nước Athènes.

***

Về nguồn gốc của từ Labyrinthe (tiếng Hy Lạp: Laburinthos), theo các nhà nghiên cứu, có hai cách giải thích. Một là, Labyrinthe gốc từ labras là cái rìu hai lưỡi, vật tượng trưng cho quyền lực thiêng liêng của các vị vua trên đảo Crète. Những cuộc khai quật khảo cổ học đầu thế kỷ XX và tiếp đó đã phát hiện ra trước hết ở Cnossos và một số trung tâm khác trên đảo Crète những dí tích của một nền văn minh cung điện huy hoàng. Trên những mảnh tường cung điện còn sót lại, người ta thấy vẽ hoặc chạm nổi hình một chiếc rìu hai lưỡi, từ đó các nhà nghiên cứu giả định: Labyrinthe là tên chiếc ngai vàng của vị vua Ai Cập Pharaon Amménéme III. Nhà vua này ra lệnh cho triều đình xây dựng cho mình một cung điện và lấy tên chiếc ngai vàng của mình - Labyrinthe - đặt tên cho cái cung điện đó, một công trình xây dựng hết sức công phu, phức tạp, tốn kém.

Theo những tài liệu của các tác giả cổ đại thì có tất cả bốn cái Labyrinthe:

1 - Labyrinthe ở đảo Crète, theo truyền thuyết do Dédale xây dựng và nhà vua Minos nhốt đứa con nửa người nửa bò Minotaure của mình. Cung điện mà nhà khảo cổ học người Anh Arthur Evans phát hiện được ở Cnossos là một công trình kiến trúc khá tinh vi và phức tạp. Trong cung điện có tới 800 phòng, phòng nào cũng được trang hoàng khá lộng lẫy. Người ta đã biết đưa nghệ thuật hội họa và điêu khắc vào để làm đẹp cuộc sống. Trong lâu đài có xưởng thợ, nhà ngục, mười tám kho ủ rượu, một hệ thống ống dẫn nước đến các phòng tắm. Đáng chú ý hơn nữa là đã có một sân khấu với 500 chỗ ngồi. Các nhà nghiên cứu gần như nhất trí cho rằng cung điện Labyrinthe trong truyền thuyết về Minos-Minotaure-Dédale là cung điện này.

2 - Labyrinthe ở Ai Cập, thuộc vùng Fayoum, theo nhà sử học Hy Lạp cổ đại Hérodote (484-425 TCN) miêu tả có khoảng 3000 phòng, do Pharaon Amménéme III xây dựng vào quãng thế kỷ XIX TCN.

3 - Labyrinthe ở đảo Samos, xây dựng dưới triều vua Polycrate vào quãng thế kỷ VI TCN.

4 - Labyrinthe ở Ý, xây dựng dưới triều vua Porsenna người Étrusques, ở vùng Chiusi. Đây là một kiểu nhà mồ. Cần nói thêm, có những kiến giải cho rằng nguồn gốc xa xưa của Labyrinthe là một nhà mồ lớn ở dưới đất và nằm trong một hang đá hoặc đào khoét một ngọn núi thành hang rồi xây nhà mồ ở dưới đất. Kiểu nhà mồ này là của những nhân vật vương giả, xây cất công phu và phức tạp, ra đời đầu tiên ở Ai Cập. Sau này Labyrinthe không còn chức năng là nhà mồ nữa. Người ta xây dựng những cung điện, những Labyrinthe, nhưng vẫn giữ lại cái phong cách cũ: một cung điện có nhiều phòng, nhiều hành lang, đường đi ở trong cung điện phức tạp.

Ngày nay, Labyrinthe trở thành danh từ chung chỉ những công trình kiến trúc phức tạp, cầu kỳ, rắc rối mà chúng ta thường quen gọi là mê cung. Mở rộng nghĩa, nó chỉ là một tình trạng rắc rối, phức tạp hoặc một tình thế bế tắc không lối thoát. Chúng ta còn dùng từ Bát trận đồ để diễn tả ý nghĩa tương ứng với Labyrinthe.

Vì Dédale là người xây dựng nên cung điện Labyrinthe nên Dédale cũng trở thành danh từ chung với ý nghĩa: 1) Đồng nghĩa với Labyrinthe. 2) Người thợ giỏi, người khéo tay.

NGƯỜI ANH HÙNG THÉSÉE

Thésée là một trong những vị anh hùng lớn nhất, vĩ đại nhất của người Hy Lạp ở vùng đồng bằng Attique. Những người Athènes coi Thésée như một nhân vật lịch sử. Thésée đã tham dự vào nhiều cuộc chinh phạt, lập được nhiều chiến công hiển hách, trải qua nhiều thử thách lớn lao, vì lẽ đó mà xưa kia ở Athènes lưu truyền một câu tục ngữ: Chẳng có gì mà lại không có Thésée (Rien sans Thésée).

Lão vương Égée là con trai của Pandion, cháu của Cécrops - vị vua đầu tiên của đô thành Athènes đã phân xử vụ tranh giành quyền bảo hộ Athènes giữa nữ thần Athéna và thần Poséidon - nối nghiệp vua cha cai trị đô thành Athènes. Cuộc đời của ông thật là vẻ vang. Cha ông lúc còn cầm quyền đã bị những tên nghịch tặc đoạt mất ngôi báu, phải đưa ông, lúc đó còn nhỏ, chạy trốn sang cư ngụ ở nơi đất khách quê người. Trưởng thành nhờ anh em giúp đỡ, ông đem quân về trả được mối thù xưa, khôi phục lại quyền thế. Ông đã cầm quyền trên đất Athènes khá lâu mà ngai vàng vẫn vững, đức độ vẫn bền, lòng dân vẫn suy tôn tín nhiệm. Cuộc đời cứ thế tưởng chẳng có điều chi phải buồn phiền ân hận. Ấy thế mà lão vương Égée ngày đêm vẫn vương vấn trong lòng một nỗi buồn, một nỗi ân hận lớn. Đó là ông vẫn hiếm hoi, chưa sinh được một mụn con nào để ký thác niềm hy vọng kế thừa sự nghiệp. Ông đã trải qua hai đời vợ mà vẫn không có lấy được một mụn con. Không nhẽ chịu kéo dài mãi cái cảnh sống cô quạnh buồn phiền, Égée đem lễ vật đến đền thờ thần Apollon ở Delphes để cầu xin một lời chỉ dẫn. Cô đồng Pythie, người được thay mặt vị thần ánh sáng tiếp xúc với người trần tục, phán truyền lời thần, nhưng lời phán truyền mập mờ, bí ẩn đến nỗi lão vương Égée không sao hiểu được ý nghĩa. Nhà vua bèn quyết định sang đô thành Trézène để nhờ Pitthée, vị vua ở đây, nổi tiếng là một người học vấn uyên thâm, có tài tiên đoán, tường giải hộ. Nghe Égée tường thuật, Pitthée đoán biết được rằng Égée sẽ sinh hạ được một đứa con trai và chính đứa con này, sau này sẽ là người anh hùng kiệt xuất của đất Attique, đô thành Athènes. Biết thế, Pitthée nảy ra ý định phải giành cho đô thành Trézène của mình cái vinh quang là quê hương của người anh hùng. Nhà vua bèn gả con gái của mình cho Égée. Cuộc hôn nhân ngẫu hứng không hẹn mà nên này giữa Égée và Éthra đã sinh ra Thésée. Song người xưa cho biết, Thésée thật ra không phải là con của Égée mà là con của thần Poséidon. Thần Poséidon đã bằng những phép lạ của mình, ái ân với Éthra. Mà có lẽ phải như thế mới đúng. Vì một người anh hùng kiệt xuất như Thésée không thể là con của người trần tục, phải có ít nhiều huyết thống của thần thánh, thì mới được thần thánh thương yêu, chăm nom, giúp đỡ, ban cho nhiều đặc ân, đặc quyền, đặc lợi, gặp khi nguy nan, gian khổ thần mới xót giọt máu của mình mà chạy đông chạy tây nhờ vị thần này thần khác giúp đỡ. Persée, Héraclès, Dionysos... rõ ràng đều từ giọt máu thiêng liêng của thần mà nên anh hùng.

Nhưng Égée không ở lại đô thành Trézène. Nhà vua phải về Athènes để lo công việc triều chính. Sau khi nghe Pitthée tường giải lời sấm truyền và kết bạn cùng Éthra, với hy vọng nàng sẽ sinh cho mình một đứa con trai, một đứa con ứng nghiệm với lời phán truyền của thần thánh, Égée dặn lại nàng Éthra:

- Nếu nàng sinh một đứa con trai, nàng hãy nuôi nó lớn khôn. Ta chỉ cầu xin nàng có một điều đó. Đến khi nó trưởng thành nàng hãy dẫn nó ra tảng đá lớn dưới chân núi Trézène, bảo nó nhấc tảng đá đó lên. Ở dưới đó ta để một thanh gươm và một đôi dép. Đó là kỷ vật của ta, là những dấu hiệu thiêng liêng để cha con ta nhận ra nhau. Con ta sẽ mang theo những kỷ vật đó bên người, tìm đến đô thành Athènes để nhận ra người sinh ra nó.

Thésée ra đời và lớn lên trên quê ngoại. Tuổi thơ ấu của chú bé Thésée chỉ biết có mẹ và ông ngoại. Ông ngoại chú vốn là bậc hiền minh trí giả cho nên rất quan tâm đến dạy dỗ đứa cháu mà ông tin rằng như lời sấm truyền, sau này sẽ trở thành một vị anh hùng danh tiếng lẫy lừng. Rất nhiều thầy được mời đến để truyền dạy cho Thésée đủ mọi môn võ nghệ cũng như nhiều môn khác. Trong số những người thầy nổi tiếng, tài cao học rộng ta phải kể đến Centaure Chiron. Ngay từ khi còn nhỏ, Thésée đã bộc lộ ra khí phách của một con người khác thường. Có một lần Héraclès, trong một cuộc hành trình vì sự nghiệp của mình, dừng chân nghỉ lại ở cung điện của Pitthée. Bước vào nhà, Héraclès cởi tấm áo khoác bằng da con sư tử Némée ra và bỏ chiếc mũ đầu sư tử xuống nền nhà. Trông thấy bộ áo và chiếc mũ sư tử, đám gia nhân của Pitthée hoảng hồn, bỏ chạy sạch cả. Chẳng một tên nào dám đến gần. Thế nhưng chú thiếu niên Thésée chẳng hề tỏ ra sợ hãi. Chú đứng lại và rút luôn thanh gươm đeo bên mình ra như sẵn sàng chấp nhận cuộc giao tranh. Khá khen thay tuổi nhỏ mà chí lớn. Ông ngoại của chú càng tin rằng chú có thiên tướng, ắt hẳn mai sau lớn lên sẽ lập được nghiệp lớn.

Khi Thésée tuổi tròn mười bảy thì chàng đã sức vóc hơn người. Kể về hình đáng thì chàng đẹp hơn hẳn những bạn cùng lứa tuổi. Thân hình cao lớn, cường tráng nhưng cân đối. Khuôn mặt xinh xắn, cương nghị. Còn kể về sức lực thì ở cái tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” của chàng, chưa từng có một đối thủ nào hạ được chàng trong các cuộc thi đấu võ nghệ.

Thésée đã trưởng thành. Tuân theo lời chồng dặn, một bữa kia Éthra sắm sửa hành lý cho con lên đường đi tìm cha. Chàng thanh niên Thésée lúc này đã đủ sức nâng bổng tảng đá to ở chân núi Trézène đặt sang một bên để lấy đôi dép xỏ vào chân và lấy thanh gươm đeo vào bên sườn. Chàng lên đường đi Athènes. Ông ngoại chàng và người mẹ kính yêu của chàng muốn chàng đi Athènes bằng đường thủy, như vậy vừa nhanh vừa tránh được rất nhiều gian khổ và nguy hiểm. Mặc dù hai người ra sức thuyết phục chàng, bày tỏ lời hơn lẽ thiệt nhưng chàng vẫn không tuân theo. Chàng cho rằng là trang nam nhi mà lại chọn con đường dễ dãi, không dám đương đầu với những thử thách nguy hiểm là không xứng đáng, nhất là đối với chàng, dấn thân vào cuộc hành trình này là mở đầu cho sự nghiệp, là phải chấp nhận những thử thách để giành lấy chiến công.

Thésée trên đường tới Athènes.

Hành trình của Thésée thật là gian khổ. Từ đô thành Trézène đi ngược lên phía bắc đâu có phải chỉ dăm ngày đường là tới được Athènes. Chặng đường đầu chàng phải hoàn thành là tới được đô thành Épidaure trong vùng đồng bằng Argolide. Đi ròng rã không biết bao ngày, bữa kia Thésée đặt chân đến địa phận Épidaure. Bỗng đâu một tên khổng lồ chân thọt chạy ra cản đường chàng. Tay hắn cầm một chiếc côn sắt nặng dễ đến ngàn cân. Chiếc côn này vừa là vũ khí của hắn vừa là chiếc nạng để hắn đi lại cho đỡ khó khăn. Hắn xưng danh là Périphétès con của vị thần Thợ rèn Chân thọt-Héphaïstos và nàng Anticlée. Hắn đòi Thésée phải nộp mạng vì đây là lãnh địa của hắn, xưa nay không một ai xâm phạm vào mà lại đi thoát được. Chiếc côn sắt của hắn chưa chịu đói máu người bữa nào. Nghe những lời nói ngang ngược, Thésée tức khí tuốt ngay gươm. Cuộc giao tranh diễn ra quả là đáng sợ. Tên khổng lồ tuy to lớn nhưng chân lại thọt cho nên xoay chuyển không dễ dàng. Gặp phải một đối thủ võ nghệ cao cường và lại thông minh như Thésée nên chỉ sau vài đòn hắn đã thấy chờn chờn. Chàng trai thông minh con của thần Poséidon vĩ đại nhanh chóng tìm ra được nhược điểm của đối thủ, và chàng đã kết thúc số phận gã khổng lồ một cách nhanh chóng, tước luôn cây côn sắt của hắn.

Muốn đi tới Athènes, Thésée phải đi qua đô thành Istros nằm trên eo đất Corinthe. Đây là một giải đất rất hẹp hai bên là biển nối liền miền bắc Hy Lạp với miền nam, đô thị Corinthe nằm trấn ngay đầu eo đất. Thésée vừa đặt chân tới Istros thì gặp ngay chuyện chẳng lành. Chàng đang đi trong một rừng thông, đưa mắt ngó nhìn đây đó để ý tìm ngôi đền thờ thần Poséidon thì bỗng đâu một tên cướp nhảy xổ ra chặn đường toan trấn lột. Tên hắn là Sinis, một đạo tặc khét tiếng gian ác. Khách bộ hành nào đi qua vùng này đều bị hắn sau khi cướp, lột sạch giết chết rất là thê thảm. Cậy có sức khỏe hơn người, hắn bắt nạn nhân trói căng ra giữa hai ngọn thông, treo lơ lửng kẻ xấu số như thế. Đùng một cái, hắn vít hai ngọn thông xuống khiến cho hai cây thông cong đi giống như khi ta níu một cành táo hay một cành ổi xuống để hái quả, khi hái đã chán ta buông tay ra thì cành cây bật mạnh làm quả rơi rụng. Cũng thế, Sinis níu vít hai ngọn thông xuống rồi buông tay ra khiến cho hai ngọn thông bật mạnh giằng xé tan xương nát thịt người bị treo.

Nhưng với Thésée, có lẽ nào chàng lại chịu để cho tên cướp đường khát máu này hoành hành như vậy. Chàng quát lớn “Hỡi Sinis! Tên đạo tặc không biết kinh sợ thần linh và luật pháp của Zeus ban truyền! Mày đã đến ngày phải đền tội! Người con trai của thần Poséidon vĩ đại, Thésée này, không trừng trị được mày quyết không ló mặt đến Athènes!” Chàng nhảy xổ vào tên cướp dùng đôi tay gân guốc, rắn rỏi của mình giao đấu với hắn, quyết bắt sống hắn. Với những miếng võ siêu việt, Thésée phút chốc đã quật ngã và khóa chặt tên cướp dưới đất rồi lấy dây trói hắn lại. Bây giờ thì cho hắn hưởng cái hình phạt mà hắn đã bày ra để giết hại lương dân. Nhờ chiến công này của Thésée mà con đường qua lại giữa eo đất được thông suốt, nếu không, muốn tránh Sinis, người ta chỉ còn cách vượt biển để đi ngược hoặc về xuôi. Để ghi nhớ chiến công của mình và để hiến dâng cho người cha vĩ đại của mình là vị thần Poséidon-Lay chuyển Mặt đất, Thésée bèn chế định ra Hội Isthmiques, hội mở hai năm một lần vào mùa hè ở Istros, trong khu rừng thông gần Corinthe nơi có đền thờ thần Poséidon Isthmiques. Hội Isthmiques không to và trọng thể, chặt chẽ bằng Hội Panathénées, Hội Olympiques hay Hội Dionysos, Hội Pithiques.

Người xưa còn kể, sau khi thanh trừ được tên cướp Sinis, Thésée lấy con gái hắn là Périgouné sinh được một người con trai đặt tên là Mélanippos.

Tiếp tục cuộc hành trình đến Athènes, Thésée đi tới đâu hễ gặp khó khăn ngang trái là chàng san bằng. Chàng giết chết tên cướp Sciron hoành hành ở vùng Mégaride. Có người nói tên này là con trai của Pélops, có người bảo y chính là con yêu của thần Poséidon. Sciron xưng hùng xưng bá ở một quãng đường cực kỳ hiểm trở, cheo leo. Đó là một quãng đường dài chạy qua hết sườn núi này đến sườn núi khác, còn một bên là núi cao, dốc hiểm, rừng cây rậm rạp. Sciron có thói quen ngang ngược chặn được khách bộ hành bóc lột của cải rồi bắt bưng nước rửa chân cho y. Khi nạn nhân rửa chân cho y xong, kéo lùi chậu nước toan đứng dậy thì y co cẳng đạp mạnh và người đó cho lộn nhào xuống biển. Những mỏm đá nhô ra thụt vào nhọn sắc ở vách đá xé tan xác nạn nhân. Một con rùa khổng lồ dưới biển chỉ chờ cho người ngã xuống là đến hưởng một bữa ăn ngon lành. Biết thói cường hào của phường lục lâm, Thésée vờ tuân theo mọi điều Sciron sai bảo. Khi Thésée rửa chân cho y xong, vừa kéo lùi cái chậu ra toan đứng dậy thì y co cẳng đạp, Thésée đã đề phòng trước. Chàng khẽ né người tránh đồng thời đưa tay ra tóm lấy chân y giật mạnh một cái. Thế là Sciron phải đền tội ác của hắn. Con rùa khổng lồ được hưởng bữa thịt người cuối cùng và chắc chắn nó không thể ngờ được là nó đã ăn thịt cái người mà xưa nay nó từng chịu ơn.

Đi chưa tới Éleusis thì chàng lại phải giao đấu với Cercyon một tên khổng lồ hung bạo. Cũng giống như tên khổng lồ Antée, tên này thường đón đường, chặn lối, thách thức khách bộ hành buộc phải giao đấu với hắn. Chẳng ai thắng được hắn cả cho nên hắn càng cậy thế làm càn. Thésée không hề run sợ. Chàng chấp nhận cuộc giao đấu và đã dùng đôi cánh tay cứng rắn như cây sồi của mình bóp chết Cercyon, tên khổng lồ bá quyền ở đất Éleusis. Sau đó Thésée giải thoát cho con gái hắn là Alopé. Vì sao Alopé lại bị cha giam giữ? Nguyên do là thần Poséidon, chẳng hiểu bằng những phép lạ gì thần đã làm cho nàng Alopé yêu mình say đắm. Mối tình vụng trộm này để lại cho Alopé một người con. Sợ bị cha trừng phạt, Alopé đem đứa bé sơ sinh bỏ vào rừng. Một con ngựa cái dùng sữa của mình nuôi đứa bé và sau đó những người chăn chiên đón được. Tin đồn bay đến tai Cercyon. Nhà vua truy tìm ra sự thật, nổi giận, bắt con gái giam xuống hầm sâu, toan chôn sống. Thésée giải thoát cho Alopé và trao lại quyền cai quản đất Éleusis cho Hippothoos, con trai của Poséidon và Alopé. Có nguồn khác kể, không phải Thésée giải thoát cho Alopé mà thần Poséidon đã biến nàng thành một con suối. Lại có người nói Hippothoos là con trai của Cercyon.

Chiến công cuối cùng của Thésée trên đường tới Athènes là thanh trừ tên cướp đường Procuste. Cuộc đụng độ xảy ra ở gần thung lũng Céphise thuộc vùng đồng bằng Attique, khi Thésée rời khỏi lãnh địa Éleusis. Đây cũng là một tên đạo tặc có thân hình to lớn chẳng khác gì một gã khổng lồ. Hắn chẳng phải chỉ có một tên là Procuste, mà còn hai tên khác nữa là Damatès và Polypémon, nhưng người ta quen gọi hắn bằng cái tên Procuste có nghĩa là “kẻ kéo căng người ra” (celui qui étire). Gọi hắn như thế là vì hắn có một cách hành hạ những khách bộ hành hắn bắt được rất độc ác. Hắn bắt nạn nhân nằm trên một cái giường, chiếc giường chuyên dùng để hành tội con người như giá treo cổ, dàn lửa hay một bục gỗ để đao phủ chém đầu tội nhân. Nạn nhân nằm trên giường nếu người ngắn không vừa khít giường thì Procuste buộc dây vào hai chân và đầu kéo căng ra cho vừa. Còn nếu người dài hơn giường thì Procuste lại chặt chân hoặc chặt đầu đi cho vừa. Thật là kinh khủng. Thésée quyết trừng trị tên quỷ sống này. Chàng dùng võ thuật để bắt sống hắn. Procuste người tuy to nhưng chỉ là to xác, hắn không thể nào địch nổi những miếng võ điêu luyện hiểm hóc của Thésée. Cuối cùng hắn bị quật ngã và không còn sức để gượng dậy đánh trả. Thésée trói hắn lại và đưa hắn nằm lên chiếc giường tội ác của hắn. Hẳn rằng chẳng cần phải nói, chúng ta cũng biết được chiếc giường là quá ngắn đối với thân hình Procuste, và Thésée phải dùng gươm để “sửa lại” cho Procuste vừa với giường.

Ngày nay trong văn học thế giới có thành ngữ Chiếc giường của Procuste (Le lit de Procuste) để chỉ một chuẩn mẫu, một tiêu chuẩn hoặc nguyên lý, nguyên tắc cứng nhắc không thực tế, không khoa học, chủ quan, khiên cưỡng, máy móc nhưng lại coi nó như khuôn vàng thước ngọc để áp đặt đối với mọi hiện tượng, buộc mọi hiện tượng phải nhất nhất đánh giá, đo lường theo khuôn vàng thước ngọc đó, quy chiếu về khuôn vàng thước ngọc đó. Nếu như có gì sai biệt thì cố gò ép, bóp nặn, cưa cắt, uốn éo cho đúng “duýt” với khuôn mẫu, tương tự như câu Đẽo chân cho vừa giày.

Bây giờ Thésée chỉ còn mỗi việc là đi thẳng tới Athènes, nhưng chàng không muốn tới đô thành vinh quang này khi trái tim chàng chưa thật thanh thản vì dù sao chàng cũng là kẻ phạm tội giết người mặc dù giết những kẻ tàn bạo. Chàng cầu xin những người Phytalides làm lễ rửa tội cho chàng. Những người Phytalides đã làm một lễ hiến tế với những nghi thức đặc biệt trước bàn thờ thần Zeus- Méléchie, tẩy sạch bàn tay nhuộm máu của Thésée, và Thésée lên đường với niềm tự hào về những chiến công đầu tiên của mình.

Thésée ở Athènes

Thésée đi vào đô thành Athènes. Lòng chàng vô cùng hồi hộp khi nghĩ đến lúc gặp người cha yêu quý mà chàng chưa từng biết mặt. Khi đi ngang qua ngôi đền thờ thần Apollon đang xây dựng, những người thợ xây trông thấy chàng, trong bộ áo dài, và nhất là họ thấy khuôn mặt xinh xắn của chàng, họ tưởng nhầm chàng là một thiếu nữ. Lập tức nổi lên những tiếng cười trêu chọc và những lời diễu cợt, chế nhạo:

- Ơi này, anh em ơi! Hãy dừng tay lại một tí mà ngắm cô kia cái đã! Người đẹp ở đâu mà lại đem áo dài đến đây quét đường cho chúng ta thế kia! Thôi này cô em xinh đẹp ơi! Hãy kéo cái áo cao cao lên có phải hay không nào! Có làm được không hay để chúng anh giúp hộ một tay?

Nghe những lời bông đùa chế nhạo, Thésée rất bực. Chàng liền chạy ngay đến chỗ một chiếc xe bò, đang chất đầy đồ đạc. Chàng tháo ách cho con bò, tiếp đó chàng dùng sức cử bổng chiếc xe lên rồi đung đưa trên tay lấy đà và đột nhiên quăng mạnh một cái. Chiếc xe bay vèo qua đầu những người thợ xây khiến họ hoảng hồn khiếp vía. Lúc này họ mới nhận ra là họ đã nhầm lẫn. Cái cô thiếu nữ đáng yêu mà họ vừa trêu chọc thực ra là một trang thanh niên tuấn tú. Họ tưởng rằng họ sẽ phải nếm đòn trừng phạt, nhưng không, Thésée không hề thù vặt.

Tới cung điện lão vương Égée, Thésée không xưng danh và lai lịch để xin vào yết kiến vua cha. Chàng giả vờ là người nước ngoài vì nhỡ độ đường xin vào gặp lão vương Égée để cầu xin sự giúp đỡ, che chở. Lão vương cho phép Thésée vào. Theo phong tục truyền thống người Hy Lạp, không ai hỏi lai lịch, tên tuổi người khách, trước khi rửa chân cho người đó và mời người đó vào dự tiệc.

Nói về cuộc sống của lão vương Égée sau khi từ giã đô thành Trézène. Nhà vua trở về Athènes và ít lâu sau kết duyên với một người phụ nữ nổi tiếng là giỏi pháp thuật, tên là Médée. Quê hương Médée ở xứ Colchide, Tiểu Á, đã có một đời chồng người Hy Lạp tên là Jason. Nàng đã theo chồng về sinh cơ lập nghiệp ở Corinthe, nhưng chồng nàng phụ bạc, ruồng bỏ nàng để lấy Glaucé, công chúa con vua Créon. Ghen giận, căm tức chồng, Médée dùng pháp thuật giết chết công chúa và nhà vua, sau đó giết luôn hai đứa con trai của mình để trả thù chồng. Để tránh bị trừng phạt vì tội giết một lúc bốn mạng người, trong đó có nhà vua, Médée xin sang trú ngụ ở Athènes và kết duyên với lão vương Égée.

Thấy có khách lạ đến cầu xin lão vương Égée giúp đỡ, Médée đem lòng nghi ngờ. Nàng đoán có thể là đứa con trai của Égée từ Trézène đến và nếu đúng thật như vậy, thì đứa con trai của nàng, Médos sẽ không được thừa kế ngai vàng. Médée nghĩ cách ám hại người anh hùng Thésée. Nàng dựng chuyện bôi nhọ Thésée, nỉ non thuyết phục Égée rằng đây không phải là người khách bộ hành nhỡ độ đường, mà là một tên do thám. Tên này sẽ dò xét tình hình rồi về tường trình với vua của nước đó để cất quân, dấy binh sang đánh chiếm đô thành Athènes. Vua Égée từ khi lấy Médée làm vợ xem ra chẳng còn minh mẫn để phân rõ thực hư. Trước kia nhà vua đã bị mê hoặc bởi những lời hứa ngon hứa ngọt của Médée như sẽ dùng pháp thuật làm cho nhà vua trẻ lại và v.v. vì thế từ đó trở đi Médée nói cái gì nhà vua cũng nghe theo, thì bây giờ nhà vua cũng không thể cưỡng lại Médée điều gì. Thấy Égée có vẻ đã xiêu lòng tin theo điều mình bịa đặt, Médée bèn tiến thêm một bước nữa. Nàng nói cho nhà vua ý đồ ám hại tên do thám đó: đầu độc trong bữa tiệc.

Vào bữa tiệc, theo mưu kế của Médée, một cốc rượu độc cực mạnh được đặt trước mặt Thésée bên những món ăn thịnh soạn. May thay, không rõ bị vướng víu thế nào Thésée bèn cởi bỏ thanh gươm đeo bên sườn ra treo lên tường. Cũng có thể vì phong tục không cho phép khách dự tiệc mang vũ khí bên người. Lão vương Égée trông thấy thanh gươm, nhận ra ngay đó là thanh gươm mà mình đã cất giấu dưới tảng đá ở chân núi Trézène. Nhà vua cúi xuống nhìn chân người khách lạ. Thôi đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa, đôi dép trong chân người khách trai trẻ này chính là đôi dép của nhà vua. Lão vương Égée vội cầm ngay lấy cốc rượu độc hắt đi và cất tiếng:

- Hỡi người khách lạ trai trẻ! Xin người đừng giận! Trước khi bước vào buổi tiệc chào mừng ngày hôm nay, ta xin người hãy nói cho ta rõ vì sao người sắm được thanh gươm quý báu đến thế kia. Thần Héphaïstos đã rèn cho người để lập những chiến công vang dội trời xanh hay do người đã giết chết một tên tướng cướp hoặc đánh bại một dũng sĩ nào mà đoạt được? Xin người hãy kể cho ta nghe rõ đầu đuôi câu chuyện rồi ta xin rót đầy một cốc rượu khác thật ngon để bù cốc rượu mà ta vừa đổ đi vì nhiễm bẩn.

Chẳng cần thuật lại lời Thésée, chúng ta cũng biết thế là hai cha con nhận ra nhau. Còn Médée lúc này lộ mặt điêu ác, gian tà. Lão vương Égée tha cho tội chết, song ra lệnh tống cổ hai mẹ con ra khỏi Athènes. Nhà vua còn long trọng loan truyền cho muôn dân biết, người con trai vinh quang của nhà vua đã từ Trézène tới để kế nghiệp, đúng như lời sấm truyền thiêng liêng ở Delphes ban bố năm nào. Những chiến công của Thésée trong cuộc hành trình từ Trézène tới Athènes cũng được kể lại cho chúng dân được biết. Mọi người đều hoan hỉ và tự hào vì đã có một bậc anh hùng xứng đáng với đô thành Athènes vinh quang nắm quyền dắt dìu trăm họ.

Nhưng tin người con trai của Égée từ Trézène tới Athènes khiến nhà vua Pallas, anh em ruột với Égée, không vui. Không vui vì lẽ Pallas vốn nuôi mộng rằng sau khi Égée qua đời, do không có con trai kế nghiệp, đô thành Athènes tất sẽ về tay các con mình. Bây giờ Thésée đã là người chính thức, hợp pháp thay thế lão vương Égée, vậy muốn thực hiện được giấc mộng ấy, chỉ có mỗi cách là giết chết Thésée. Pallas bèn cử năm mươi người con trai của mình thường gọi là Pallantides sang đánh chiếm Athènes. Biết rõ Thésée không phải là người thường, Pallas dùng mưu phục binh. Một bộ phận Pallantides tiến công, chọc thủng tường thành, còn một bộ phận mai phục, lợi dụng lúc trong thành rối loạn, đột nhập vào thẳng cung điện bắt sống lão vương Égée hoặc Thésée, nhưng một sứ thần của Pallantides tên là Léos biết được điều cơ mật này. Léos bèn đến ngay nơi ở của Thésée, tiết lộ cho người anh hùng biết. Thésée bèn lập tức tiến công. Chàng ra lệnh cho toàn thể binh sĩ bằng bất cứ giá nào cũng phải tiêu diệt bằng được lũ quân mai phục. Cuộc chiến đấu vì thế đã xảy ra khá ác liệt. Những Pallantides không còn một kế sách nào hơn là phải chiến đấu đến cùng, và mặc dù rất dũng cảm, thậm chí đến liều lĩnh, nhưng cũng không sao thoát khỏi bị tiêu diệt. Bọn quân lãnh nhiệm vụ chọc thủng tường thành thấy lũ mai phục bị đánh phủ đầu nên rất hoang mang. Cuối cùng chúng bảo nhau rút chạy lo bảo toàn lấy tình mạng là hơn hết.

Ngai vàng như thế là hết họa sau lưng đe dọa. Thésée quyết định thử sức trong một trận giao tranh nữa. Chàng lên đường đi Marathon. Như chúng ta đã biết, người anh hùng Héraclès tuân theo lệnh của Eurysthée đã lặn lội sang tận đảo Crète bắt sống và thuần phục một con bò rừng hung dữ. Chàng dâng con bò cho Eurysthée, nhưng Eurysthée lại đem thả con bò ra, và từ đó con bò sống ở vùng Marathon trên đồng bằng Attique phá hoại hoa màu, đồng ruộng. Thésée với đôi tay trần, cũng như Héraclès xưa kia, nắm chặt lấy sừng con vật ghìm giữ nó lại. Cứ thế người và vật tranh chấp nhau, con bò thì muốn húc băng người đang cản trở mình, còn Thésée thì muốn bắt con vật phải chịu sự thống trị của con người. Cuối cùng người thắng, Thésée dắt con bò về Athènes làm lễ hiến tế cho thần Apollon.

Sau chiến công này, Thésée lên đường sang Crète trừng trị con quái vật Minotaure.

Thésée trừng trị con quái vật Minotaure

Câu chuyện xảy ra thật ly kỳ và biết bao đau xót, thương tâm. Người ta bảo đầu mối mọi việc xảy ra bắt nguồn từ cái chết của Androgée.

Androgée là con trai của vua Minos, vốn là một thanh niên tuấn tú, tài ba. Bữa kia nhân vị vua Égée ở đô thành Athènes mở hội tổ chức các cuộc thi đấu võ nghệ và các trò vui, Androgée biết tin liền sang tham dự. Trong những cuộc thi đấu, chàng thanh niên của đất Crète đã giành được thắng lợi rực rỡ. Chàng đoạt hầu hết các giải. Thôi thì tất cả, giải chạy, giải vật, giải phóng lao, ném đĩa... đều rơi vào tay người con trai vua Minos này cả. Ghen tức vì một người ngoại lai tài giỏi, vua Égée bắt chàng phải đi trừng trị một con bò mộng hung dữ đang tàn phá vùng đồng bằng Marathon. Con vật này rất kinh khủng. Nghe đâu mũi nó phun ra lửa. Nó đã tàn phá mùa màng ở vùng này trong hàng bao nhiêu năm khiến cho nhân dân vô cùng khốn khổ. Androgée đọ sức với con vật. Nhưng tiếc thay chàng không chiến thắng được nó. Chàng bị nó húc chết. Có người kể chuyện này hơi khác đi một chút. Androgée sau khi đoạt hết các phần thưởng ở Athènes bèn sang Thèbes tham dự hội nhưng dọc đường chàng bị những người Athènes, vì ghen tị, ám hại.

Được tin con trai chết, Minos liền chiêu tập chiến thuyền, hội nghị tướng lĩnh rồi định ngày hạ thủy, tiến sang đất Athènes, hỏi tội nhà vua Égée, rửa hờn cho vong linh đứa con yêu quý. Cuộc chiến tranh giữa Crète với Athènes diễn ra dằng dai không biết mấy năm trường. Người Athènes lâm vào một tình thế rất nguy kịch. Thần Zeus chấp nhận lời cầu xin của Minos, đã gây ra một vụ dịch bệnh khủng khiếp để trừng phạt Athènes về tội đã vi phạm vào truyền thống quý người trọng khách. Trước tình cảnh đó, các tướng lĩnh Athènes chỉ còn cách sắm sanh lễ vật hiến tế các thần để xin lời chỉ dẫn. Sau khi giết biết bao súc vật để làm lễ hiến tế, và giết cả những nàng trinh nữ nữa, người Athènes mới nhận được lời phán truyền: “Muốn giải trừ tai họa chỉ có cách chấp nhận những đòi hỏi của Minos!” Thật khắc nghiệt! Nhưng làm thế nào được. Thế là Athènes bại trận buộc phải đem triều cống trong chín năm liền, mỗi năm bảy chàng trai và bảy cô gái cho Minos để Minos nuôi đứa con Minotaure.

Nhân dân Athènes phải cắn răng chịu đựng cái khoản cống nạp nhục nhã đó. Một năm, hai năm... cho đến năm thứ ba thì không sao chịu được nữa. Khắp trong dân gian đó đây đều nổi lên những tiếng kêu than và những lời xì xào, bàn luận đầy bất bình đối với vua Égée. Tình hình đó đã khiến cho Thésée, người anh hùng con trai của Égée băn khoăn suy nghĩ. Cuối cùng chàng quyết định xin với vua cha cho phép mình đi trừng trị Minotaure, bằng cách chàng sẽ đi vào cung điện Labyrinthe với đoàn người cống vật để quyết một phen sống mãi với con quái vật đó. Lão vương Égée than khóc, khuyên con đừng dại dột mạo hiểm mà thiệt mạng. Nhưng mặc cho lời khuyên can của người cha già có thống thiết đến đâu chăng nữa thì cũng không làm nhụt chí khí anh hùng của người con trai dòng dõi thần Poséidon. Chàng nói với người cha thân yêu:

- Xin cha cứ yên tâm. Con phải ra đi vì danh dự. Con nhất quyết sẽ chiến thắng con quái vật tai họa đó. Cha sẽ vô cùng sung sướng và tự hào khi thấy con mai đây trở về với đô thành thân yêu của chúng ta.

Và Thésée ra đi. Tiễn con ra bờ biển, lão vương Égée chỉ còn biết dặn lại:

- Thésée con hỡi! Cha đã không giữ được con. Vả lại cha cũng không nên ngăn cản con trong một sự nghiệp anh hùng vì hạnh phúc của nhân dân đô thành chúng ta. Nhưng nếu con không trở về thì điều đó đối với cha thật vô cùng đau xót và nặng nề không biết đến mức nào. Vì ngoài con ra cha không còn ai cả. Vậy giờ phút chia tay gần như vĩnh biệt này, con thuyền của con hãy kéo tấm buồm đen lên. Nhưng mai kia khi chiến thắng trở về, con hãy giương lên tấm buồm trắng để cho cha ngày ngày mong đợi con ở bờ biển sớm biết được tin mừng. Cha sẽ lo loan báo cho nhân dân biết, Thésée người anh hùng của Athènes vinh quang đã thanh trừ cho đô thành ta một tai họa, xóa bỏ được khoản cống nạp nhục nhã và nặng nề, và đô thành vinh quang của chúng ta sẽ làm lễ đón rước con với những nghi lễ long trọng vốn chỉ dành riêng cho các bậc thần linh.

Thuyền từ từ rời bến. Égée đứng ở bờ biển nhìn với mãi theo cho đến khi nó chỉ còn là chiếc chấm đen trên mặt biển và khuất bóng vào chân mây mặt nước xa vời.

Tới đảo Crète. Những người cống nạp phải đến trình diện trước vua Minos. Nhà vua thấy chàng trai khỏe đẹp và có một phong thái khác thường, bèn lẩm bẩm trong miệng: “Chà, sao mà những người Athènes lại đem cống nạp một chàng trai đẹp đẽ, cường tráng như thế này! Hay là họ hết người rồi chăng? Ta xem ra hắn có lẽ không phải là người bình thường”. Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp-Aphrodite, vị nữ thần mà Thésée trước khi lên đường đã làm lễ cầu xin sự che chở, bảo hộ, lúc này đã ở bên chàng. Nữ thần thấy công chúa Ariane đang đứng bên cha xem đoàn người cống vật. Nữ thần bèn khơi lên trong trái tim nàng một dục vọng yêu đương, và khi Ariane nhìn thấy Thésée thì trong lòng vô cùng xúc động. Nàng thương cho số phận chàng. Nàng không muốn một chàng trai tuấn tú, đáng yêu như thế kia phải chết oan uổng.

Sau khi xem xét đoàn người cống vật, Minos chọn trong số bảy thiếu nữ phải làm vật hy sinh ra một người đẹp nhất, và không kìm hãm được dục vọng ái ân đang thiêu đốt trái tim, nhà vua đã hành động như một con vật bờm xơm, lơi lả hết sức bỉ ổi trước mặt mọi người. Thésée phẫn nộ, tiến lên, đứng chặn ngang trước mặt Minos, bảo vệ cho người thiếu nữ. Minos tức điên người, trợn mắt quát:

- Đồ súc sinh to gan lớn mật! Mi không biết Minos này là người như thế nào à? Ta nói cho mi biết, Minos, đứa con vinh quang của thần Zeus sẽ không tha thứ cho một hành động phạm thượng như thế đâu!

Thésée cũng kiêu hãnh đáp lại:

- Hỡi Minos, nhà vua dâm bạo và tàn ác! Mi đừng có coi thường ta. Nếu mi vênh vang vì được là con của thần Zeus vĩ đại thì ta đây, ta cũng tự hào được là con của vị thần Poséidon-Lay chuyển Mặt đất, người có cây đinh ba vàng có thể gọi gió bảo mưa, sai khiến các loài thủy quái như mi sai khiến gia nhân. Ta sẽ không tha thứ cho một kẻ nào làm nhục một người thiếu nữ Athènes trước mặt những người Athènes.

Minos thử thách:

- Chà, thì ra mi là con của thần Poséidon đáng kính đấy ư? Thật không, ta cứ coi như mi đích thực là con của vị thần đã giáng tai họa xuống thần dân của hòn đảo Crète quanh năm sóng vỗ này. Vậy mi hãy chứng tỏ cho mọi người biết mi là kẻ không hề nhận xằng dòng dõi, man khai lai lịch để lòe bịp người khác.

Vừa nói Minos vừa tháo chiếc nhẫn vàng đeo trên tay và ném xuống biển, rồi hất hàm bảo Thésée:

- Ta chỉ thừa nhận mi là dòng dõi của thần Poséidon chừng nào mi lấy được chiếc nhẫn đó lên!

Thésée không chút sợ hãi, không một giây chần chừ. Chàng cầu khấn người cha kính yêu của mình là vị thần Poséidon vĩ đại rồi lao mình xuống biển. Biển khơi tung sóng lên nuốt chửng người anh hùng. Mọi người ai nấy đều kinh hãi. Chẳng ai tin rằng Thésée có thể lấy được chiếc nhẫn vàng từ dưới đáy biển lên được cả. Nàng công chúa Ariane xinh đẹp vô ngần nhìn biển khơi mênh mông mà xót xa, thất vọng. Người con trai đẹp đẽ, uy nghiêm tựa thần linh kia làm sao có thể trở về được nữa. Nếu như nàng được một vị thần giúp đỡ, ban cho nàng phép lạ, nàng sẽ giúp chàng lấy chiếc nhẫn từ dưới đáy biển lên để trả lại cho vua cha. Nhưng tiếc thay, nàng không có cách gì giúp chàng!

Thésée vừa bị sóng biển mặn chát trùm kín lên và nhấn chìm xuống thì thần Triton, vị thần có chiếc tù và báo gió chướng, biển động, thân hình kỳ quái nửa người nửa rắn, liền đón luôn lấy chàng và đưa chàng về cung điện của thần Poséidon. Hai cha con gặp nhau thật là sướng vui khôn tả. Thần Poséidon bèn vẫy tay ra hiệu. Lập tức một con cá mồm ngậm chiếc nhẫn bơi vào dâng lên cho thần. Thésée đeo nhẫn vào tay rồi cúi chào người cha vĩ đại kính yêu. Thần Triton cắp ngang người chàng bơi lên mặt biển, trả chàng về đúng quãng biển mà chàng lao xuống lấy chiếc nhẫn đeo vào tay. Còn nàng Ariane mắt ngời lên những tia mừng rỡ. Nàng nhìn chàng lòng đầy khâm phục và mỉm một nụ cười.

Đã đến lúc đoàn người cống vật phải đi vào cung điện Labyrinthe. Đằng kia cánh cửa lớn của tòa lâu đài mở rộng ra như một cái miệng khổng lồ há hốc đen ngòm. Chỉ giây lát nữa nó sẽ nuốt gọn lũ người xấu số vào trong bụng. Lợi dụng lúc vắng người, Ariane liền đến gặp Thésée để nói cho chàng biết tất cả những nỗi nguy hiểm đang chờ đợi chàng, dù chàng có giết được quái vật Minotaure thì cũng không thể nào lần tìm được đường ra. Để giúp Thésée, nàng tháo cho chàng một cuộn dây dặn chàng cứ thả dần dần nó ra theo bước đi của mình. Chỉ có cách ấy mới có thể hy vọng thoát chết. Nàng lại cẩn thận hơn trao cho Thésée một con dao nhọn để chàng có thể chiến thắng Minotaure nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn. Ariane chỉ mong muốn có một điều nếu Thésée chiến thắng trở về Hy Lạp, thì cho nàng cùng về theo.

Đoàn người cống vật đã đi vào cung điện Labyrinthe. Ariane đứng chờ ở ngoài cung điện lòng đầy hồi hộp. Nàng cầm lấy đầu sợi dây mà Thésée thả ra, theo dõi những biến động của nó với tất cả tấm lòng thương yêu tha thiết, niềm hy vọng cũng như nỗi băn khoăn, lo lắng cho số phận của chàng. Bỗng từ trong cung điện vẳng ra tiếng gầm rống của Minotaure. Sợi dây nằm trên lòng bàn tay nàng rung lên giần giật. Trái tim nàng đập dồn dồn. Sợi dây đã báo cho Ariane biết cuộc vật lộn khốc liệt giữa Minotaure với Thésée.

Cuộc giao tranh giữa Thésée và Minotaure diễn ra khá lâu. Minotaure thấy người lạ rống lên và chĩa đôi sừng nhọn lao thẳng vào. Thésée tránh hết đòn này đến đòn khác của nó khiến cho nó bực tức, lồng lộn. Cho đến một lúc nào đó thì chàng không tránh được nữa. Chàng nắm ngay lấy sừng, ghìm đầu nó lại và nhanh chóng rút con dao nhọn ở bên sườn ra đâm liên tiếp vào gáy nó. Bị thương, Minotaure không còn hung hăng như lúc đầu, và bây giờ mới là lúc Thésée tiến công bằng những đòn quyết định. Minotaure nhận thêm nhiều vết thương nữa, cuối cùng nó không còn đủ sức đứng được bằng đôi chân. Nó ngã vật xuống đất, thở hồng hộc kết thúc số phận của mình. Có chuyện kể, Thésée ngoài đôi tay, không có một vũ khí gì kèm theo vì quân canh khám xét rất ngặt.

Thésée lần theo sợi dây để thoát ra khỏi cung điện Labyrinthe. Sợi dây trên tay Ariane rung lên, và kia Thésée từ trong cung điện bước ra. Ariane sung sướng đến trào nước mắt. Nàng ngã vào vòng tay chàng, ngây ngất vì xúc động.

Nhờ vào cuộn dây của Ariane, Thésée đã hoàn thành được sứ mạng thiêng liêng cao quý của mình. Lập tức chàng cùng với anh em, bạn hữu tổ chức ngay một cuộc vượt biển. Phải vượt ngay không một phút giây chậm trễ. Nếu không thì khó bảo toàn được tính mạng. Giữ trọn lời hứa với Ariane, chàng đưa nàng cùng trở về Hy Lạp với mình. Chàng còn mưu trí ra lệnh cho anh em phá hủy những con thuyền của người Crète đậu trên bờ biển để khi họ biết chuyện cũng đành chịu bó tay.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Cuộn dây Ariane hoặc Sợi dây, sợi chỉ Ariane (Le fil d’Ariane) để chỉ một biện pháp (đường lối, phương châm, phương pháp, kế hoạch...) giúp ta thoát khỏi tình trạng bế tắc, khó khăn, lúng túng tương ứng như Sao Bắc đẩu, Kim chỉ nam, Ngọn đuốc soi đường, Bức cẩm nang mà chúng ta thường dùng.

Nói về cuộc hành trình trở về Hy Lạp của Thésée. Thật sung sướng biết bao đối với những người vừa thoát khỏi một cái chết tưởng như cầm chắc trong tay! Và có lẽ người sung sướng hơn cả phải là đôi lứa Thésée-Ariane. Một buổi chiều kia thuyền của những người Hy Lạp neo lại hòn đảo Naxos. Mọi người lên bờ nấu ăn và nghỉ ngơi. Sau một ngày mệt nhọc, đêm hôm ấy họ ngủ thiếp đi, một giấc ngủ say rất ngon lành. Nhưng sáng hôm sau khi nàng Bình minh vừa ló khuôn mặt có đôi má ửng hồng trên mặt biển mặn chát làm Ariane thức dậy thì... hỡi ôi, quanh nàng chỉ còn lại bãi cát trắng dài với gió vi vu và sóng biến rì rào! Cánh buồm đen của thuyền Thésée đã biến mất tăm từ lúc nào mà nàng không biết. Tại sao lại xảy ra cái chuyện lạ lùng như thế? Nguyên do là như sau. Đêm hôm đó, Thésée gặp một giấc mộng, thần Dionysos hiện ra trên cỗ xe uy nghiêm, rực rỡ ánh hào quang. Thần nhìn Thésée với đôi mắt nghiêm nghị và hạ lệnh cho chàng phải lập tức lên đường vượt biển ngay, không được trì hoãn. Thần cấm không được đưa Ariane đi theo. Thésée buộc phải tuân theo lệnh thần, lòng đau như cắt, nước mắt ngấn ra, vội vã truyền lệnh cho thủy thủ. Thật là đau xót cực lòng hết chỗ nói. Nhưng làm thế nào được. Những người trần thế đoản mệnh bấy yếu, không thể nào cưỡng lại ý định của các vị thần. Thésée đành lòng bước chân đi. Chàng cũng không được phép đánh thức Ariane dậy để nói cho nàng rõ sự thể của việc chia ly này. Có người lại giải thích sự việc này hơi khác. Họ cho rằng Thésée vốn đã yêu một người thiếu nữ nào đó trước lúc gặp Ariane nên mới bỏ rơi Ariane. Việc chàng hứa hẹn với Ariane chẳng qua chỉ nhằm mục đích thực hiện mưu đồ của chàng.

Hôm sau tỉnh dậy, Ariane bàng hoàng ngơ ngác. Thésée và những con thuyền đã không cánh mà bay. Ariane vô cùng đau đớn và giận dữ. Nàng khóc than ai oán, kêu gào thảm thiết trên bãi biển vắng hoang. Nàng căm giận nguyền rủa Thésée, cho rằng gã đã phản bội lời thề ước. Nhưng đáp lại nàng chỉ là biển vô tư cuộn sóng và những cánh chim trời thờ ơ bay lượn trên không. Khóc than vật vã mãi, cuối cùng nàng mệt quá thiếp đi, và đó cũng là lúc ánh hoàng hôn vàng rượi nhạt dần, bóng đen của đêm tối huyền bí trùm xuống. Đêm hôm đó một kỳ tích đã xảy đến với đời nàng.

Khi những vì sao vừa xuất hiện trên bầu trời tỏa sáng ngời ngợi thì bỗng có một vệt sáng bay vút từ phía tây sang phía đông. Vệt sáng đó ngày càng tỏa ra to lớn, to lớn mãi lên, cuối cùng bùng nở ra những tia sáng chói lọi muôn màu sắc. Thần Dionysos hiện ra oai nghiêm lộng lẫy. Các thần tùy tòng Satyre, Silène và Bacchantes vây quanh lấy Ariane chào đón nàng như chào đón một vị hoàng hậu. Thần Dionysos từ trên cỗ xe do các con báo kéo bước xuống đưa tay ra thân mời Ariane lên ngồi bên thần để trở về đỉnh Olympe làm lễ kết hôn. Dionysos đặt lên đầu nàng một chiếc vương miện bằng vàng dát những hạt kim cương ngọc thạch vô cùng quý giá do bàn tay khéo léo của vị thần Thợ rèn Chân thọt-Héphaïstos làm ra. Thế là nàng Ariane được yên lòng vì những vinh quang mới bên vị thần Dionysos vĩ đại. Cỗ xe thần do những con báo kéo đưa họ bay vút lên đỉnh Olympe, nơi ở thiêng liêng, vĩnh cửu, cao quý của các vị thần.

Còn Thésée, trên đường về lòng nặng trĩu nỗi đau buồn thương nhớ. Như người mất hồn, chàng chẳng còn nhớ gì đến lời lão vương Égée căn dặn lúc ra đi. Con thuyền của chàng vẫn cánh buồm đen như buổi tiễn đưa đầy nước mắt hôm nào. Ở Athènes, ngày ngày người cha già yêu dấu đứng ngóng đợi con ở bến Pirée. Đây kia cánh buồm ai thấp thoáng xa xa. Lão vương Égée khom khom tay đưa lên che trên mi mắt để nhìn cho rõ. Cánh buồm đen hay cánh buồm trắng? Ánh nắng và hơi nước biển bốc lên mờ mờ khiến cho lão vương Égée chẳng trông rõ chút nào. Nhưng dần dần con thuyền ngày càng hiện rõ ra trên nền trời xanh thẫm. Égée khóc nấc lên: “Ôi, cánh buồm đen rồi! Thế là con ta, đứa con yêu quý của ta đã bỏ mình”. Mặc cho bao lời khuyên giải, an ủi, can ngăn của mọi người xung quanh, Égée vẫn không bình tâm đợi con thuyền cập bến xem hư thực thế nào. Người cha già khốn khổ đó chắc chắn đứa con mình đã chết, nếu không, sao con thuyền lại mang cánh buồm đen u ám, tang tóc thế kia. Tuổi già chỉ còn hy vọng trông cậy vào con, và khi đứa con đó chết, nguồn hy vọng đó coi như tắt mất. Làm sao mà sống nổi khi hy vọng tiêu tan, nhất là đối với những người gần cái chết hơn là sự sống như lão vương Égée, và thế là lão vương Égée lao mình từ trên ngọn núi cao xuống biển tự vẫn.

Cập bến, được tin sét đánh, Thésée lòng vô cùng hối hận. Nỗi đau buồn nọ chưa qua đi thì nỗi đau buồn kia đã ập tới. Chàng đứng trên ngọn núi cao hồi lâu nhìn biển khơi cuộn sóng tưởng như lòng mình tan tác ra thành những giọt nước mắt thương đau. Để tưởng nhớ mãi mãi tới lời người cha già kính yêu của mình, chàng đặt tên cho vùng biển đó là “biển Égée”, vùng biển nằm giữa đất Tiểu Á và Hy Lạp mà phía nam của nó là đảo Crète, và xa hơn chút nữa, giáp mạn bờ biển Tiểu Á về phía đông, là đảo Chypre.

Tin vui cùng đến với tin buồn. Athènes chấm dứt được cái họa phải cống nạp nhục nhã nhưng đồng thời cũng mất một vị vua anh minh. Tuy nhiên niềm vui vẫn lớn hơn, nhân dân vô cùng vui mừng, phấn khởi trước chiến công thanh trừ quái vật Minotaure của người anh hùng Thésée. Mọi người đón rước chàng long trọng như một vị thần, một vị cứu tinh của đô thành Athènes thiêng liêng, đô thành được nữ thần Athéna có đôi mắt cú mèo bảo hộ. Đó là một trong những chiến công của Thésée, chiến công mà người anh hùng đã phải đổi bằng những mất mát, đau thương của mình để đem lại cuộc sống yên lành cho nhân dân.

Môtíp “cánh buồm trắng, cánh buồm đen” sau này được lặp lại trong một chuyện kỵ sĩ hay nhất thời Trung cổ ở châu Âu: Tristan và Iseut.

Thésée chống lại cuộc tiến công của những nữ chiến sĩ Amazones

Như trên đã kể, trong cuộc hành trình của Héraclès sang vương quốc của những nữ chiến sĩ Amazones để đoạt chiếc thắt lưng của nữ hoàng Hyppolyte, Thésée đã tham dự và có công lớn. Chàng được Héraclès thưởng cho nàng Antiope, một nữ binh Amazones, tùy tướng của nữ hoàng Hyppolyte. Antiope trở thành vợ của Thésée. Hai người sống với nhau ở đô thành Athènes, cai trị thần dân của mình bằng đức độ nhân nghĩa và chí khí anh hùng. Nhưng bữa kia bỗng đâu đất bằng nổi sóng, những nữ chiến sĩ Amazones cho rằng vị nữ tướng kiệt xuất của họ là Antiope vẫn đang bị Thésée cầm tù. Họ kéo một đội chiến thuyền lớn sang, đổ bộ lên đất Athènes với hy vọng giải thoát cho Antiope thoát khỏi cuộc đời nô lệ. Những nữ chiến sĩ Amazones tràn lên vùng đồng bằng Attique. Dân cư kéo nhau chạy vào trong thành hy vọng những bức tường thành kiên cố sẽ cứu thoát họ, nhưng rồi các Amazones đột nhập được vào thành. Dân chúng lại một phen điêu đứng, kéo nhau chạy lăn khu vực thành cao tức Acropole. Các Amazones hạ trại vây quanh Acropole. Cuộc chiến đấu ở vào một tình thế hiểm nghèo và quyết định đối với những người Athènes.

Thésée xuất trận. Vợ chàng, hoàng hậu Antiope, không muốn rời chồng trong phút gian nguy này, hơn nữa, nàng vốn là một nữ tướng danh tiếng. Nàng quyết chiến đấu bên người chồng yêu quý của mình, nhưng rủi ro thay, khi nàng vừa xuất trận thì từ đâu một mũi tên bay tới cắm vào ngực nàng, hất nàng ngã lộn nhào từ trên lưng ngựa xuống đất, dưới chân người chồng. Thésée vô cùng đau đớn trước cái chết của người vợ chung thủy. Còn những nữ chiến sĩ Amazones lại không ngờ xảy ra cảnh tượng này. Họ vô cùng thương tiếc và xót xa trước cái chết của một người cùng máu mủ với họ. Cuộc chiến đấu đến đây là kết thúc. Những người Amazones xuống thuyền trở về tổ quốc xa xôi của mình. Những người Athènes làm lễ tang trọng thể cho vị nữ hoàng của họ, còn người anh hùng Thésée, trong một thời gian khá dài chìm đắm trong nỗi đau xót, nhớ thương tưởng như khó bề nguôi giảm.

Thésée và Pirithoos

Như trên đã kể, Pirithoos cai quản những người Lapithes ở vùng Thessalie. Chàng mưu toan thử sức với Thésée, nhưng rồi quy thuận, xin kết nghĩa anh em, thề trước thần thánh, trời đất, sống chết có nhau.

Bữa kia, Pirithoos mời Thésée đến xứ sở của mình để dự tiệc cưới. Pirithoos cưới Hippodamie, con gái của lão vương Adraste, nổi danh là một thiếu nữ nhan sắc. Đã có nhiều chàng trai ngỏ ý cầu hôn với nàng nhưng nàng chỉ cảm phục và ưng thuận người anh hùng Pirithoos. Tiệc cưới rất linh đình. Ngoài các vương tôn, công tử khắp nơi theo lời mời đến dự tiệc còn có cả những vị khách Centaure. Vì sao bữa tiệc cưới thanh lịch và trọng thể, toàn những vị khách cao quý như thế, Pirithoos lại cho mời những vị khách nửa người nửa ngựa hình thù gớm ghiếc, tính nết thô bạo đến dự? Đó là vì Pirithoos vốn là anh em cùng bố khác mẹ với giống Centaure. Cha của chàng là Ixion, người đã bị thần Zeus trừng phạt vì tội phạm thượng, mưu toan tằng tịu với Héra. Thần Zeus đã biến một đám mây thành một người đàn bà giống như Héra. Ixion mất trí ái ân với đám mây đó nên mới sinh ra lũ Centaure nửa người nửa ngựa, hoang đã, man rợ. Vì có quan hệ máu mủ như thế nên những Centaure thường hay gây hấn, đòi Pirithoos phải trao lại vương quyền cho chúng, nhưng chàng không nghe và đã tìm mọi cách để thuyết phục những người anh em Centaure hoang dã của mình, và trong bữa tiệc cưới này, Pirithoos mời chúng đến dự cũng là một cách để tạo mối hòa khí đặng lựa lời khuyên giải chúng. Tân khách đến dự rất đông, đông lắm, đến nỗi các phòng trong cung điện đều dùng để tiếp khách mà vẫn không đủ chỗ. Một số vị khách phải nằm nghỉ ngay trên nền nhà. Còn tiệc thì ngoài những bàn trong cung điện, gia chủ còn phải bày thêm nhiều bàn nữa ở trong một cái hang đá to. Chẳng cần phải nói nhiều lời chúng ta cũng biết, bữa tiệc cưới này ồn ào phong phú như thế nào. Rượu từ các vò, các thùng tuôn chảy như suối. Thịt các giống vật, thú rừng nướng quay trên những bếp than hồng thơm ngào ngạt, bóng nhẫy. Tiếng đàn ca hòa với nhịp chân nhảy múa, tưng bừng rộn rã. Cô dâu và chú rể bước ra trong tiếng tung hô, chúc tụng tràn ngập niềm hứng khởi. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi và ngây ngất trước sắc đẹp lộng lẫy của cô dâu.

Cảnh tiệc đang vui bỗng đâu một con Centaure gạt mạnh mọi người xông đến chỗ cô dâu. Nó nhảy phắt lên bàn tiệc vươn đôi tay dài gớm ghiếc ra ôm chặt lấy cô dâu rồi cắm đầu chạy. Tiếng la hét hãi hùng, tiếng quát tháo hoảng loạn nổi lên như chim vỡ tổ. Cùng lúc đó, bọn Centaure cũng tràn vào đám khách, gạt băng nam giới ra một bên và cướp phụ nữ. Bữa tiệc biến thành xung đột. Các anh hùng Lapithes tay không giao đấu với lũ Centaure. Thésée cùng Pirithoos vừa đánh vừa kêu gọi mọi người đừng để một tên Centaure nào chạy thoát. Mọi người quay lại dùng đủ mọi thứ để giao đấu. Từ vò rượu đến cốc vại, bàn ghế... Vì theo phong tục thuở ấy, phàm đã đi dự tiệc thì bất kể ai cũng phải để vũ khí ở bên ngoài. Vì thế các anh hùng dũng sĩ phải chiến đấu vất vả mới dồn được lũ Centaure ra một góc để đánh bật chúng ra ngoài. Ở bên ngoài một số tráng sĩ có vũ khí đánh rất mạnh, và khi mọi người đã thoát ra khỏi phòng tiệc thì, thật sung sướng họ nhanh chóng cầm lấy vũ khí và tiếp tục tấn công. Những mũi tên sắc nhọn tẩm độc, những ngọn lao bay đi vun vút, cắm liên tiếp vào người lũ Centaure. Chúng đau đớn kêu la khủng khiếp. Xác chúng chết đổ xuống đó đây nếu đem dồn chất lại thì có thể cao như ngọn đồi. Cuối cùng lũ Centaure phải tháo chạy lên ngọn núi Pélion cao ngất mới thoát khỏi bị truy đuổi. Những người Lapithes đã từ thế yếu chuyển thành mạnh đánh thắng một trận oanh liệt, giành lại được nàng Hippodamie cho Pirithoos. Trong số những chiến sĩ kiệt xuất về phía khách, ta phải kể trước hết là Thésée, còn về phía chủ thì không ai vượt được tài năng của hai người anh hùng Pirithoos và Pélée.

Cuộc giao tranh của những người Lapithes đối với lũ Centaure nửa người nửa ngựa chính là sự thắng lợi của văn minh đối với hoang dã, man rợ. Nó phản ánh bước chuyển biến quá độ của xã hội Hy Lạp từ dã man tiến dần đến văn minh, từ tình trạng hoang dại của chế độ thị tộc mẫu quyền tiến tới cuộc sống có văn hóa, và hiện tượng đó đã phản ánh vào trong loại huyền thoại anh hùng, một sản phẩm của chế độ phụ quyền.

Thật không may, nàng Hippodamie, người vợ trẻ đẹp của Pirithoos, có cuộc đời thật ngắn ngủi. Nàng sống với người chồng anh hùng của mình chẳng được bao lâu đã lâm bệnh qua đời, để lại một nỗi thương tiếc khôn nguôi cho Pirithoos. Nhưng rồi thời gian trôi đi, Pirithoos phải nghĩ đến việc lấy vợ. Chàng xuống Athènes gặp Thésée để bàn tính chuyện đại sự. Hồi đó ở vùng Laconie, một vùng ở mạn cực nam của bán đảo Péloponnèse có một người thiều nữ tên là Hélène cực kỳ xinh đẹp. Nàng là con của thần Zeus và công chúa Léda. Thần Zeus cảm xúc trước sắc đẹp của Léda đã biến mình thành một con thiên nga (có người bảo là con ngỗng) đến ái ân với nàng. Khi ấy Léda đã có chồng. Chồng nàng là Tyndare vốn là cháu ngoại của Persée. Nhẽ ra Tyndare được thừa kế ngai vàng của vua cha trị vì đô thành Sparte nhưng tên Hippocoon lợi dụng lúc nhà vua già yếu dùng vũ lực chiếm ngôi đuổi hai anh em Tyndare và Icarios ra khỏi đất Sparte. Tyndare đến xứ Élis xin nhà vua Thestios cho cư ngụ. Thương cảm số phận bất hạnh của chàng trai, nhà vua gả con gái mình, công chúa Léda cho Tyndare.

Cuộc tình duyên giữa Zeus và Léda sinh ra một người con... Không phải! Vì Zeus dưới dạng con thiên nga nên Léda phải sinh ra một quả trứng, và từ quả trứng này đã nở ra một gái và một trai: gái tên gọi là Hélène, trai tên gọi là Pollux.

Vào lúc Pirithoos bàn chuyện đại sự với Thésée thì Tyndare đã khôi phục được quyền thế ở Sparte. Người anh hùng Héraclès đã giúp Tyndare trong sự nghiệp này, kết quả của việc bàn chuyện đại sự giữa hai chàng trai của đất Thessalie và đất Attique là: cướp Hélène. Lợi dụng dịp lễ nữ thần Artémis, hai chàng trai đột nhập vào đoàn các thiếu nữ đang nhảy múa, bắt cóc Hélène. Họ đưa nàng về giấu ở đô thành Athènes. Nhưng công bắt thì chung cả hai người, vậy thì nàng thuộc về ai? Thésée và Pirithoos đã thỏa thuận với nhau trước, sẽ rút thăm để cho công bằng. Thésée trúng, Hélène thuộc về chàng, nhưng vì tình anh em kết nghĩa, Thésée phải giúp Pirithoos tìm vợ, và chàng Pirithoos này nảy ra ý định xuống âm phủ bắt cóc Perséphone. Thật là kỳ quặc và coi trời bằng vung! Nhưng Thésée không thể từ chối được. Chàng đã cam kết và thề hứa bằng mối tình bạn thiêng liêng và chân thành. Lẽ nào chàng được Hélène rồi mà đến lúc bạn chàng muốn có Perséphone, chàng lại không giúp đỡ? Thế là đôi bạn mở cuộc hành trình xuống vương quốc của thần Hadès. Chẳng hiểu họ dùng cách nào mà vượt qua được những con sông Achéron, Styx và được lão lái đò lạnh lùng và nghiêm khắc Charon chở cho qua, vào được cung điện của thần Hadès, họ đến đứng trước mặt hai vị thần và bằng lời lẽ ngạo mạn, họ đòi Hadès trao cho họ nàng Perséphone xinh đẹp. Thần Hadès tức giận đến bầm gan tím ruột nhưng thần kềm hãm được cơn thịnh nộ. Thần tỏ vẻ vui mừng vì được tiếp hai vị anh hùng của mình. Thần ân cần mời hai vị khách quý ngồi xuống hai chiếc ghế đá ở lối đi vào vương quốc nghỉ ngơi rồi dự tiệc khoản đãi, nhưng khi hai vị anh hùng vừa ngồi xuống chiếc ghế đó thì không sao đứng dậy được nữa. Xiềng xích từ đâu bung ra trói chặt hai người lại. Đó là hai chiếc ghế Lãng quên: một vũ khí vô cùng lợi hại của Hadès. Sau này nhờ người anh hùng Héraclès giải thoát, Thésée mới trở lại được thế giới của ánh sáng mặt trời, còn Pirithoos, các thần bắt phải chịu đời đời sống dưới vương quốc của Hadès tối tăm, mù mịt.

Cái chết của Thésée

Trong khi Thésée bị ngồi trong Chiếc ghế Lãng quên thì hai người anh ruột của nàng Hélène là Pollux và Castor đi tìm em khắp mọi nơi mọi chỗ. Đến đây ta phải dừng lại một chút để kể qua về lai lịch Castor, Hélène và Pollux (Pollux là tên theo thần thoại La Mã mà ngày nay đã quen dùng, còn tên Hy Lạp là Polydeuces) con của Zeus và Léda, nhưng Léda không phải chỉ sinh con với Zeus. Nàng còn sinh với người chồng trần thế của mình, Tyndare hai người con nữa: một trai tên là Castor và một gái tên Clytemnestre. Vì là con của Zeus nên Pollux bất tử còn Castor thì không. Một nguồn thần thoại khác theo các nhà nghiên cứu cho biết thuộc về một thời kỳ cổ hơn kể lại, cả hai anh em này đều là con của Zeus và đều bất tử, thường gọi chung bằng một cái tên là Dioscures.

Castor và Pollux đi hỏi khắp nơi hết người này đến người khác, cuối cùng họ được người anh hùng Académos chỉ cho biết nơi Thésée giam giữ Hélène. Anh em Dioscures liền kéo quân lên vây đánh thành Athènes, Athènes không chống cự nổi. Quân Sparte tràn vào giải thoát cho Hélène và bắt Éthra, mẹ của Thésée, làm tù binh. Họ trao quyền cai quản thành Athènes và vùng đồng bằng Attique cho Ménesthée, con trai của Pétéos, là người đã bị trục xuất khỏi Athènes.

Từ thế giới âm phủ trở về, Thésée không ngờ được vương triều và gia đình mình đã tan nát đến thế. Chàng buồn rầu đi sang đảo Eubée với hy vọng xin lại nhà vua Lycomède cơ nghiệp của mình ở đây, nhưng vua Lycomède (vốn quê ở đảo Skyros) không muốn trả lại cơ nghiệp cho chàng. Trong một cuộc dạo chơi, Lycomède đã dụ Thésée lên núi rồi bất ngờ đẩy chàng xuống vực. Thế là kết thúc số phận người anh hùng vĩ đại nhất của đất Attique thiêng liêng. Mãi khá lâu sau này, con trai của Thésée là Démophon mới khôi phục lại được quyền thế ở Athènes, khi đó, theo người xưa nói, Ménesthée đã chết lâu rồi. Cuộc Chiến tranh Troie xảy ra, những người con trai của Thésée tham dự trong quân Hy Lạp. Khi thành Troie bị hạ, họ tìm được bà nội của họ là Éthra bị Paris bắt ở Sparte đưa về Troie làm nô lệ.

Chiến công của Thésée không phải chỉ có thế. Chàng còn tham dự vào nhiều cuộc đua tài thử sức cùng với các danh tướng Hy Lạp, trong đó có cuộc săn con lợn rừng Calydon, cuộc viễn chinh sang phương Đông của những người Argonautes để đoạt Bộ lông Cừu vàng, việc hiến kế cho nhà vua Adraste để lấy thi hài những anh hùng tử trận ở Thèbes... Chàng còn tiếp đón người anh hùng Oedipe với tấm lòng nhân hậu, khoan dung khi Oedipe tự trục xuất mình khỏi thành Thèbes. Có chuyện kể, Thésée không bị Lycomède ám hại mà chàng lâm bệnh qua đời ở đảo Eubée. Đối với người Hy Lạp xưa kia, Thésée được coi là người anh hùng đã sáng lập ra nhà nước Athènes. Hài cốt của chàng, theo lời phán truyền của thần thánh cầu xin được ở Delphes, phải bằng mọi cách đưa về Athènes. Nhân dân Athènes đã xây dựng cho người anh hùng vĩ đại của mình một ngôi mộ và một đền thờ to lớn (thế kỷ V TCN). Người ta còn đặt ra ngày Hội Thésée. Theo các nhà nghiên cứu, cái tên “Thésée” lúc đầu chỉ có thể là một trong những biệt danh có tính chất địa phương của thần Poséidon, vị thần bảo hộ cho những người Ionie, sau đó mới trở thành tên của một vị anh hùng với diện mạo riêng và có sự nghiệp độc lập. Dấu vết của mối liên hệ với Poséidon còn lưu giữ lại trong sự trùng hợp của hai ngày lễ thờ cúng Thésée và Poséidon: ngày thứ tám mỗi tháng.

Trong thời cổ đại, Thésée được coi là một nhân vật lịch sử. Nhà văn Plutarque (quãng 46-125) trong tác phẩm Tiểu sử song song viết tiểu sử Thésée ở chương đầu. Ông cho chúng ta biết Thésée là người chế định ra hội Panathénées, đặt ra luật pháp, các đơn vị, các tổ chức hành chính, các quy chế hành chính cho vùng đồng bằng Attique. Hơn thế nữa, Thésée còn là người đặt ra tiền tệ, các sinh hoạt văn hóa-tôn giáo...

Lại nói về người anh hùng Académos đã có công chỉ cho anh em Dioscures biết nơi giam giữ Hélène. Académos chết đi được chôn sau bức tường thành Athènes. Quanh phần mộ của chàng là một khu rừng nhỏ thiêng liêng mà người Hy Lạp xưa kia để tưởng nhớ Académos đã đặt tên là Académie. Trong thế kỷ IV TCN, nhà triết học Platon thường đến giảng giải cho các môn đệ của mình ở khu rừng này, từ đó trường học ông mở và dạy mang tên là Académie. Sau này danh từ Académie chuyển nghĩa và như ngày nay chúng ta đều biết, đó là tổ chức cao nhất, là đầu não, là bộ tham mưu, là nơi tập trung những trí tuệ kiệt xuất nhất của một quốc gia: Viện Hàn lâm Khoa học.

Nói về tích Hélène sinh ra từ một quả trứng. Vì tích này cho nên trong tiếng Latinh có thành ngữ Abovo nghĩa là “từ quả trứng” với một ý nghĩa rộng hơn, chỉ một cội nguồn sâu xa của sự việc, nguyên nhân đầu tiên, nguyên thủy của sự việc. Thành ngữ Latinh này cũng như nhiều thành ngữ Latinh khác đã trở thành tài sản chung của nền văn hóa nhân loại và ngày nay người ta vẫn sử dụng nguyên văn tiếng Latinh như thế trong khi diễn đạt ý kiến của mình.

NGƯỜI ANH HÙNG MÉLÉAGRE

Như đã kể trên, vua Oenée trị vì ở đô thành Calydon, vì nhãng quên không dâng lễ hiến tế cho nữ thần Artémis vào đầu vụ thu hoạch, cho nên đã làm nữ thần phật ý. Một đòn trừng phạt liền giáng xuống để chứng tỏ uy quyền của nữ thần. Artémis sai một con lợn rừng về tàn phá vùng Calydon. Vườn nho, vườn táo, đồng lúa... tất cả đều bị con lợn rừng hung dữ phá phách, xéo nát. Người nào ló mặt ra toan chống chọi thì lập tức con lợn lao tới ngay, và phần thắng thuộc về con ác thú của nữ thần Artémis. Người anh hùng Méléagre, con trai của vua Oenée kêu gọi các anh hùng Hy Lạp đến giúp mình một tay trừng trị con vật nguy hiểm. Lập tức các vị anh hùng từ bốn phương kéo đến. Thésée từ Athènes sang, Admète từ thành Phères tới, rồi Pélée ở xứ Phthie, Jason từ Iolcos, Pirithoos từ Thessalie, Télamon từ đảo Salamine... Đặc biệt có một nữ anh hùng tên là Atalante có tài chạy nhanh như một con hươu chân dài sung sức. Sở dĩ nàng có được tài năng như vậy là vì nàng từ nhỏ sống trong rừng với những người thợ săn. Cha nàng không muốn có con gái cho nên khi sinh ra nàng ông bực tức và thất vọng, đã sai người đem nàng bỏ vào rừng. Một con gấu cái đón được nàng, cho nàng bú rồi nàng lớn lên gia nhập vào hàng ngũ những người thợ săn và trở thành xạ thủ danh tiếng tưởng chừng có thể sánh ngang nữ thần săn bắn Artémis.

Cuộc săn đuổi con lợn rừng diễn ra suốt trên một dải rừng ở vùng Calydon. Nhờ tài chạy nhanh, Atalante đuổi bám được con thú. Nàng giương cung. Một mũi tên lao đi cắm phập vào con lợn làm nó bị thương. Méléagre nhờ đó chạy dấn lên phóng mũi lao nhọn vào con vật kết liễu số phận tàn ác của nó. Tiếp đó, những người khác mới xông đến bồi tiếp những đòn cuối cùng. Bàn việc chia phần, một việc tưởng chừng đơn giản, ai ngờ lại quá phức tạp, lôi thôi. Phần vì có những vị anh hùng mà tính nết cứ đến cái chuyện chia phần như thế này thì chẳng anh hùng tí nào, phần vì nữ thần Artémis, tức giận vì con lợn rừng của mình bị giết, đã khơi lên trong trái tim những người dự cuộc họp bình công chia phần hôm ấy tính ghen tị, thói kèn cựa nhỏ nhen. Theo lẽ công bằng, như Méléagre phân giải, phần thưởng cao nhất, danh dự của cuộc săn phải trao cho Atalante, nhưng tiếc thay chẳng ai còn tỉnh táo và trong sáng để thừa nhận công lao của người nữ anh hùng ấy. Tệ hơn nữa là những ông cậu của Méléagre lại xúc phạm đến Atalante, vu cáo cho Méléagre thiên vị, bênh vực người mình yêu. Méléagre điên tiết giết phăng luôn mấy ông cậu đó. Từ bé xé ra to. Những người Élis ở Calydon không chịu nổi bèn tuyên chiến với những người Curètes ở thành Pleuron bên cạnh. Méléagre cầm đầu những đạo quân Calydon của chàng đánh thắng liên tiếp. Đang khi chiến đấu thì chàng được tin mẹ chàng, Althée, vì thương tiếc hai người em ruột của mình bị chàng giết, đã nổi giận cầu nguyện các nữ thần Érinyes chuyên việc báo thù, cầu nguyện thần Hadès và nữ thần Perséphone cai quản chốn âm ty địa ngục, trừng phạt chàng. Méléagre nổi giận, chàng không thể ngờ được mẹ chàng lại đối xử với chàng như thế. Chàng từ bỏ luôn cuộc chiến đấu lui về phòng riêng của mình than thở với người vợ trẻ đẹp tên là Cléopâtre.

Méléagre từ bỏ cuộc chiến đấu. Cục diện chiến trường thay đổi ngay: những người Calydon từ thắng chuyển thành bại, và thất bại này kéo theo thất bại khác, thất bại sau nặng nề hơn thất bại trước. Cuối cùng, quân Curètes thừa thắng xông lên vây hãm thành Calydon. Tình thế hết sức nguy ngập, đô thành đứng trước họa tiêu vong. Trong hoàn cảnh quẫn bách như thế, vua cha Oenée không biết làm gì hơn là đành phải thân chinh đến gặp Méléagre để khuyên giải Méléagre nguôi giận và trở lại chiến trường, nhưng Méléagre một mực cự tuyệt. Các bô lão thành Calydon cũng kéo đến khẩn thiết xin Méléagre xuất trận. Họ hứa sẽ trao cho chàng phần thưởng to lớn nhất, hậu hĩ nhất một khi quân Curètes bị đánh tan, nhưng người anh hùng Méléagre vẫn không thuận theo ý muốn của các vị bô lão. Cả đến mẹ và em chàng đến gặp chàng, đem hết tình, lý ra thuyết phục chàng, chàng vẫn không nghe. Quân Curètes đã chọc thủng được một mảng tường thành tràn vào đất phá một khu vực và nếu không ngăn cản được thì sớm muộn cả kinh thành sẽ bị thiêu đốt ra tro.

Trong nỗi kinh hoàng gớm ghê đang sầm sập đổ xuống, người vợ trẻ đẹp của Méléagre, nàng Cléopâtre, quỳ xuống trước mặt chồng, nói với chồng những lời tha thiết sau đây:

- Chàng ơi, xin chàng hãy bớt giận làm lành! Lẽ nào chàng đành lòng ở đây để nhìn đô thành ta bị đốt cháy thành tro bụi, để nhìn những người dân thành Calydon vốn yêu mến chàng như những người thân thích trong gia đình bị bắt giải đi làm nô lệ? Chàng có lúc nào nghĩ tới chính trong số những người dân Calydon bất hạnh ấy, có cha mẹ chàng và những đứa em thân yêu của chàng không? Chàng có bao giờ nghĩ tới trong số những người khổ nhục ấy có người vợ thân yêu còn son trẻ và xinh đẹp của chàng không? Làm sao mà cha mẹ và các em của chàng cũng như vợ chàng có thể thoát khỏi cái số phận nhục nhã đó nếu như họ không chết dưới mũi lao của quân thù? Nỗi giận hờn dai dẳng làm cho con người ta mất cả tỉnh táo khôn ngoan. Linh hồn những chiến sĩ bị chết vì quân Curètes sẽ muôn đời nuôi giữ mối thù oán hận đối với chàng. Họ khi đứng trước thần Hadès và nữ thần Perséphone sẽ nói: “Chỉ tại chàng Méléagre nuôi giữ mối giận hờn dai dẳng với mẹ, từ bỏ cuộc giao tranh cho nên chúng tôi mới sớm phải lìa đời với bao niềm luyến tiếc...” Họ sẽ nói như thế, nhưng còn chàng, khi ấy chàng ở đâu? Liệu chàng có thoát khỏi số phận nhục nhã bị quân thù bắt giải đi hay trong cơn binh lửa chàng cũng đã gục ngã vì một mũi tên hay một ngọn lao ác hiểm nào?

Nghe vợ nói những lời tâm tình đau xót, Méléagre tỉnh ngộ. Chàng mặc áo giáp vào người, cầm lấy khiên và ngọn lao dài nhọn hoắt xông ra chiến trường. Quân Calydon thấy vị tướng tài của mình trở lại chiến trường lòng đầy hồ hởi. Họ xông vào đánh quân thù với khí thế dũng mãnh như hùm sói. Thành Calydon được giải vây, nhưng ứng nghiệm thay lời cầu xin của Althée, một mũi tên vàng của thần Apollon từ đâu bay tới kết liễu cuộc đời của chàng. Linh hồn của Méléagre rời bỏ cuộc sống ra đi nhưng còn nuôi giữ mãi nỗi ân hận, lo lắng cho tương lai của nàng Dejánire, người em gái xinh đẹp và thương yêu của mình. Còn Althée, sau khi được tin con trai tử trận, hối hận vì hành động nóng giận của mình đã treo cổ tự sát.

Có một nguồn chuyện kể: Dejánire không phải là em cùng bố với Méléagre. Bố Dejánire là thần Rượu nho-Dionysos. Vị thần này mê cảm trước sắc đẹp của Althée đã gạ gẫm vua Oenée cho “mượn” bà vợ ít ngày. Tặng vật hậu tạ là cây nho. Trước một tặng vật vô cùng quý báu như thế, vua Oenée lúc đầu có phần lưỡng lự song sau khi cân nhắc, nhà vua liền ưng thuận. Từ đó trở đi trên mảnh đất Calydon mọc lên những ruộng nho bạt ngàn xanh tốt, và Dejánire là kết quả của mối tình ngắn ngủi giữa Dionysos và Althée.

Nhận xét về huyền thoại này, F. Engels viết: “... Chỉ qua thần thoại của thời anh hùng mà người Hy Lạp biết được bản chất hết sức chặt chẽ của mối liên hệ trong nhiều bộ tộc đã gắn bó người cậu với người cháu trai và phát sinh từ thời đại mẫu quyền. Theo Diodore (IV, 34), Méléagre giết chết những người con trai của Thestios tức là những người anh em của mẹ hắn Althée, bà này coi hành vi đó là một tội ác không thể chuộc được, đến nỗi bà nguyền rủa kẻ sát nhân tức đứa con trai của bà và cầu cho hắn chết đi. Theo chỗ người ta kể lại thì các vị thần đã thể theo nguyện vọng của bà ta mà chấm dứt cuộc đời của Méléagre”.

Như vậy vì xót xa mối tình ruột thịt anh em của mình mà Althée, một người mẹ đã không còn tình mẫu tử nữa. Việc bà ta cầu xin các vị thần giết chết đứa con trai do mình dứt ruột đẻ ra để trả thù cho anh em ruột thịt của mình chứng tỏ bà ta coi trọng dòng họ của mình hơn. Đứa con trong quan niệm của bà ta hẳn là không thân thiết bằng anh em ruột thịt. Nó thuộc về dòng họ khác, dòng họ của người cha, và hành động của Althée trong chuyện này là một bằng chứng về sức sống của chế độ mẫu quyền, về mối liên hệ chặt chẽ của chế độ mẫu quyền.

Tuy nhiên có một câu hỏi đương nhiên đặt ra đối với vấn đề này: Vì sao đứa con ở trong chuyện này lại bị coi là thuộc về dòng họ của người cha? Nếu trong quan hệ mẫu quyền theo ý nghĩa chính xác nhất, chặt chẽ nhất, thì đứa con không thể nào thuộc về dòng họ của người cha được. Trong quan hệ mẫu quyền phổ biến, đứa con bao giờ cũng thuộc về người mẹ, dòng họ người mẹ, thuộc về thị tộc mẫu hệ và chắc chắn Althée sẽ không thể nào nảy ra cái ý định muốn trừng phạt con để trả thù cho anh em ruột thịt của mình. Nhưng trong thực tế của câu chuyện này thì rõ ràng đứa con, chàng Méléagre, người anh hùng của thành Calydon, là sản phẩm của một quan hệ phụ quyền. Vậy thì chúng ta phải đi đến một kết luận để giải quyết cái mâu thuẫn mà xét qua bề ngoài ta thấy tưởng chừng như hết sức vô lý và khó hiểu đó: đây là một huyền thoại phức hợp, bên cạnh những quan hệ mẫu quyền ta thấy có cả những đặc điểm của chế độ phụ quyền.

CUỘC GIAO TRANH GIỮA ANH EM DIOSCURES VỚI ANH EM APHARÉTIDES

Anh em Dioscures, như trên đã kể, chỉ có Pollux là con của thần Zeus nên mới được các vị thần Olympe ban cho sự bất tử, còn Castor vẫn phải chịu số kiếp của người trần đoản mệnh. Tuy vậy hai anh em vẫn sống gắn bó khăng khít với nhau và chẳng ai là người suy tị hay lên mặt kiêu căng. Họ là những chàng trai nổi tiếng của đất Hy Lạp, xứng đáng là những bậc anh hùng. Castor nổi danh vì tài điều khiển xe ngựa, còn Pollux tài quyền thuật. Hai anh em Dioscures đã từng tham dự cuộc săn con lợn rừng Calydon, cuộc viễn chinh của những người Argonautes sang xứ Colchide để đoạt Bộ lông Cừu vàng. Sự nghiệp anh hùng của họ tưởng có thể lớn lao và lâu dài hơn nữa, nhưng tiếc thay, trong cuộc giao tranh với anh em Apharétides họ đã bị lìa đời. Chuyện xảy ra như sau:

Apharée vua xứ Messine có hai người con trai: Lyncée và Idas. Kể về huyết thống thì anh em Dioscures và anh em Apharée là anh em con cô, con cậu. Thế mà giữa họ đã xảy ra mối bất hòa và dẫn đến cuộc giao tranh đẫm máu, đầu mối là việc phân chia số bò cướp đoạt được. Thuở ấy có một đàn bò không rõ từ đâu lạc về đất Arcadie. Anh em Dioscures và Apharétides bàn nhau cướp số bò này, và họ tìm cách lùa được đàn bò ra khỏi vùng Arcadie. Idas chịu trách nhiệm chia phần. Nuôi sẵn tính tham, Idas bàn với Lyncée chiếm đoạt cả đàn súc vật. Anh ta mổ một con bò làm thịt và chia ra làm bốn phần bằng nhau, rồi nêu lên một cách chia: ăn thi! Đúng, ăn thi để xem ai đoạt giải thì chia bò! Ai ăn hết phần thịt của mình trước tiên thì được chia một nửa số bò, ai ăn hết thứ nhì cũng được chia một nửa số bò, và thế là hết, gọn gàng chẳng phải bình công hoặc rút thăm lôi thôi, phiền phức. Anh em Dioscures bị trúng mưu, Idas bằng kế hiểm của mình đã làm cho họ không sao ăn nhanh được. Còn mình thì loáng một cái đã chén hết sạch sành sanh khẩu phần. Chén xong khẩu phần của mình, Idas bèn sang “chi viện” cho Lyncée. Thế là cuối cùng hai anh em Apharétides ăn hết nhất nhì. Họ được cả đàn gia súc.

Vô cùng tức giận vì thói gian tham của anh em Apharétides, anh em Dioscures mưu tính chuyện trả thù. Lợi dụng sơ hở của anh em Apharétides, anh em Dioscures đột nhập vào lãnh địa Messine đoạt lại đàn bò, hơn nữa, lại còn bắt đi tất cả đàn gia súc của anh em Apharétides đã mất công chăn nuôi gây dựng từ trước đến nay. Vẫn chưa hết, anh em Dioscures còn bắt đi cả hai người con gái của vua Leucippos là nàng Phoébé và nàng Hilaera - những người vợ chưa cưới của anh em Apharétides. Anh em Dioscures biết thế nào anh em Apharétides cũng truy đuổi. Một cuộc giao tranh thế tất phải xảy ra và muốn thắng địch thủ chỉ có cách dùng kế mai phục giáng một đòn bất ngờ. Anh em Dioscures bèn trốn nấp vào một gốc cây lớn để chờ cho anh em Apharétides đi qua. Bởi vì giao tranh với Idas, mặt đối mặt, không phải chuyện dễ dàng. Gã này đã từng cả gan giao đấu với thần Apollon để bảo vệ người yêu của mình là nàng Marpessa con gái vua Événos, vị vua ở xứ Élis, Marpessa còn là cháu gái của thần Chiến tranh-Arès. Ta hãy tạm dừng ở đây một chút để nghe về chuyện Marpessa:

Thuở ấy có biết bao chàng trai say mê sắc đẹp của Marpessa, và như chúng ta đã biết, trong tình thế có nhiều chàng trai đến cầu hôn như thế thì nhà vua chỉ có cách dùng tỉ thí để đấu loại rồi lựa chọn, nhưng cuộc tuyển chọn này lại khá khắc nghiệt. Chàng trai cầu hôn phải đua xe ngựa với người đẹp. Nếu thắng thì không nói làm gì rồi, đương nhiên Marpessa là của anh ta. Còn nếu bại, chao ôi, quả là căng thẳng quá! Cái giá phải trả cho chiến bại là đầu mình! Tóm lại là vừa không được người đẹp mà lại vừa mất đầu. Ấy thế mà khá nhiều chàng trai sẵn sàng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, quyết lao vào cuộc tỉ thí, và họ đã bị mất đầu vì trái tim quá nóng bỏng vì khát vọng muốn chiếm đoạt được người đẹp. Đây chẳng phải là một chuyện “ngoại lệ” gì. Từ thuở khai thiên lập địa đến nay biết hao chuyện lôi thôi, phiền toái, lâm ly, thống thiết đã xảy ra giữa thế giới thần thánh và thế giới loài người kể từ đấng phụ vương Zeus chí tôn chí kính trở đi, cũng chỉ vì... người đẹp.

Idas quyết định chấp nhận cuộc thử thách ngàn cân treo sợi tóc. Gã cầu thần Poséidon, người cha đẻ của mình xin thần ban cho gã một cỗ xe ngựa có phép thần hành. Những con ngựa trong cỗ xe này chạy nhanh như gió và không hề biết đến mỏi mệt, và nhờ đó gã đã giành được thắng lợi, đoạt được Marpessa. Nhưng trớ trêu thay, thần Apollon cũng đem lòng yêu mến Marpessa từ lâu, vì thế thần mưu cướp tay trên Marpessa của Idas. Idas giận sôi máu, rút gươm lao vào quyết giành giữ người đẹp. Cuộc giao đấu diễn ra quyết liệt. Idas bất chấp thần thánh, quyết bảo vệ phần thưởng vinh quang của mình. Còn Apollon thì cũng bừng bừng lửa giận vì tên tiểu tốt vô danh dám cứng đầu cứng cổ với thần thánh. Thần Zeus biết chuyện, bèn giáng ngay một đòn sét đánh đầy khói mù xuống tách hai địch thủ ra khỏi cuộc tử chiến và phân xử vụ tranh chấp này bằng cách: giao toàn quyền quyết định cho Marpessa. Marpessa quyết định ai thì người đó được hưởng vinh quang sống với người đẹp. Còn kẻ bị thua thì không được giở trò “càn quấy”.

Marpessa quyết định ai? Apollon hay Idas? Chắc hẳn nhiều người đoán Marpessa quyết định Apollon. Không! Marpessa không quyết định Apollon mà quyết định Idas. Chẳng phải nàng tuân thủ điều kiện đã ban bố của cha về cuộc tỉ thí mà vì nàng suy nghĩ hết mọi đường mọi nẻo và thấy rằng quyết định Idas là chồng mình là hơn hết, là đúng đắn. Làm vợ một vị thần có nhiều quyền thế giàu sang phú quý dễ có mấy ai bì được, lại được nhiều người trọng vọng nể vì, được hưởng lộc của những lễ hiến tế hậu hĩ, nhưng theo Marpessa nghĩ, nhìn qua thì tưởng là hơn nhưng xét kỹ ra thì có nhiều điều không ổn. Nàng chỉ là một người thiếu nữ trần tục, đoản mệnh mà thần thì lại bất tử, muôn đời trẻ mãi. Thời gian sẽ làm cho nàng già đi, sắc đẹp tàn phai, khi ấy với Apollon chắc rằng sắc tàn ắt tình cạn. Với tính tình “vi vu” của các vị thần, kể cả thần Zeus trở đi, chắc rằng Apollon sẽ bỏ nàng mà đi tìm một thiếu nữ khác. Chuyện đó chẳng phải là hiếm hoi gì trong thế giới thần thánh, nhất là thần Zeus, vị thần phụ vương của các thần và những người trần thế. Ấy là chưa kể đến còn nhiều chuyện phiền toái khác chẳng hạn như muốn đi thăm chồng đâu phải dễ dàng. Thần Apollon thì ở trên đỉnh Olympe cao ngất bốn mùa mây phủ. Ra vào nơi chốn của các vị thần đâu có phải dễ dàng như người trần ta đi thăm nhau. Vậy, thôi thì “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, người trần đoản mệnh lấy người trần đoản mệnh, hà tất chi phải tới chốn cao xa cho phiền hà, rắc rối. Nghĩ thế nên Marpessa chọn Idas. Vì chuyện lựa chọn này mà Marpessa được người đời sau ca tụng, coi nàng là biểu tượng của lý trí, lẽ phải, sự thận trọng, sáng suốt, khôn ngoan.

Đó là chuyện Marpessa là như thế. Qua chuyện này ta thấy Idas chẳng phải tầm thường đâu. Thắng được gã không phải là dễ dàng. Nhưng sự tính toán mai phục của anh em Dioscures trở nên vô dụng, bởi vì họ chỉ đối phó được với Idas bằng cách ấy thôi, còn đối với Lyncée mưu kế ấy chỉ là trò trẻ. Lyncée về tài năng võ nghệ chẳng giỏi giang gì nhưng bẩm sinh được thần thánh ban cho một đôi mắt tinh tường hết sức. Gã có thể nhìn vào trong đêm tối như bưng mà vẫn tỏ tường như ta nhìn vào lúc ban ngày ban mặt. Còn hơn thế nữa gã có thể nhìn thấu qua mặt đất, xuyên vào trong núi đá vì thế chẳng có gì thoát khỏi con mắt sắc sảo của gã. Từ trên đỉnh núi Taygète xa xa, Lyncée đã nhìn thấy anh em Dioscures chui vào núp trong một hốc cây, và Lyncée lập tức gọi Idas tới. Hai anh em lên ngựa xuất trận. Bọn họ phóng ngựa qua nơi hốc cây anh em Dioscures nấp. Một mũi lao của Idas phóng vào thân cây. Mũi lao xuyên qua lớp vỏ cây cứng rắn, xuyên qua cả những thớ gỗ dày và săn như những bắp thịt của một đôi cánh tay gân guốc rồi thọc mạnh vào đâm thủng ngực Castor. Máu từ ngực người anh hùng trào tuôn ra giống như nhựa cây trào ra từ vết thương do ngọn lao xuyên thủng. Pollux thấy vậy vội chạy bổ ra ngoài giao đấu với anh em Lyncée, Idas. Đánh nhau được một lúc thì hai anh em Apharétides núng thế bỏ chạy. Pollux lập tức đuổi đến cùng. Chàng đuổi theo địch thủ đến ngôi mộ người thân sinh ra chúng thì lập được chiến công. Bằng một nhát gươm hiểm độc Pollux kết thúc gọn cuộc đời danh tướng Lyncée, kẻ có đôi mắt tinh tường nhìn thấu suốt đất dày, đá rắn. Còn lại một mình Idas, Pollux quyết không tha mạng tên này. Chàng lao ngay tới hắn. Không phải là một kẻ nhát gan, Idas chấp nhận cuộc giao tranh với hy vọng trả thù được cho người em ruột của mình, nhưng thần Zeus xót thương người con của mình, không muốn để nó phải mệt mỏi trong cuộc đọ sức nên đã can thiệp để kết thúc cuộc giao đấu. Thần liền giáng một đòn sét đánh đầy khói mù sương thiêu chết Idas và thiêu luôn cả thi hài Lyncée ra tro.

Pollux trở về nơi hốc cây Castor bị trúng lao. Vết thương quá nặng, máu chảy mất nhiều khiến cho khi Pollux về trông thấy thì em chỉ còn là một cái xác lạnh ngắt, cứng đờ. Chàng khóc than thảm thiết oán trách thần Chết đã chia lìa tình anh em máu mủ ruột thịt của mình. Khóc than hồi lâu, Pollux cầu xin người cha vĩ đại của mình là thần Zeus cho mình được chết theo em, người em ruột đã gắn bó với Pollux như bóng với hình trong tất cả mọi sự nghiệp. Thần Zeus nghe thấy lời cầu xin tha thiết của đứa con trai yêu quý bèn hiện lên. Thần cho phép con mình được lựa chọn hai đặc ân: trở về thế giới Olympe sống cuộc đời bất tử, vĩnh hằng của các vị thần, hoặc chỉ sống được nửa cuộc đời bất tử, một ngày sống dưới vương quốc tối tăm của thần Hadès, còn một ngày sống trên thế giới Olympe sáng láng, trong lành. Pollux chẳng muốn xa rời người em xấu số. Chàng chọn đặc ân thứ hai mà thần Zeus, người cha vĩ đại đã ban cho mình. Chàng chia sẻ với em nửa cuộc đời bất tử của mình. Thế là từ đó trở đi người ta thấy hai anh em Dioscures sống bên nhau, một ngày dưới âm phủ đi lang thang trên những cánh đồng hoang mờ ảo hay đi trên bờ sông Styx mù mịt khói xám, còn ngày hôm sau lại sống huy hoàng, tươi trẻ trong cung điện của các vị thần Olympe bên những bàn tiệc đầy ắp những thức ăn thần và rượu thánh vang rộn tiếng đàn ca.

Tục thờ cúng anh em Dioscures phát triển khá rộng trong nhiều địa phương trên đất Hy Lạp. Huyền thoại về anh em Dioscures theo các nhà nghiên cứu, phản ánh tượng trưng cho sự thay đổi của cuộc sống và cái chết, ánh sáng và bóng tối. Ra đời ở Sparte, cho nên huyền thoại này cũng đồng thời phản ánh tượng trưng cho sự tranh chấp, thù địch lâu đời giữa vùng Laconie và vùng Attique. Những người Sparte coi Dioscures như một vị thần bảo hộ cho nhà nước của họ, bảo hộ cho nghệ thuật thể dục thể thao. Castor là vị thần của nghệ thuật điều khiển ngựa. Pollux vị thần của võ nghệ quyền thuật. Những chức năng mới ngày càng phát triển thêm: Dioscures bảo vệ cho các chiến binh, cho những cuộc hành trình trên biển, là những người khơi nguồn cảm hứng cho các nhà thơ trong những ngày lễ hội. Trong cuộc Chiến tranh Péloponnèse, anh em Dioscures đã biến hóa thành hai ngọn lửa bay quanh bánh lái con thuyền do tướng Lysandre chỉ huy để biểu lộ sự quan tâm của mình, sự che chở cho quân Sparte. Tục thờ cúng Dioscures phát triển sang tới những bộ lạc trên bán đảo Ý. Năm 484 TCN ở đô thành Rome xây dựng một ngôi đền thờ anh em Dioscures.

Ngày nay Dioscures chuyển nghĩa trở thành một biểu tượng cho tình anh em gắn bó keo sơn, tình bạn chân thành và chung thủy. Còn Lyncée trở thành đồng nghĩa với “người có đôi mắt tinh tường” hoặc “người canh gác sắc sảo”.

NỖI BUỒN CỦA CHÀNG CYPARISSOS

Trong một thung lũng thơ mộng ở trên đảo Chéos, một hòn đảo nằm ở phía nam quần đảo Cyclades trên biển Égée, có một con hươu rất xinh đẹp. Đó là tặng vật không rõ của ai hiến dâng cho một tiên nữ Nymphe. Sừng con vật óng ánh vàng, cổ đeo một chuỗi ngọc xanh biếc, tai đeo những hạt kim cương muôn sắc muôn màu. Những người trần thế đoản mệnh sống ở thung lũng này biết rõ đây là một báu vật của nàng Nymphe cho nên không ai dám xúc phạm đến con vật đó. Vì thế con vật sống quanh quẩn với người mà không hề sợ hãi. Nó thường đi tha thẩn la cà hết nhà này đến nhà khác, sà vào lòng các thiếu nữ và nằm ngoan ngoãn để cho các thiếu nữ vuốt ve bộ lông mượt mà trên lưng nó. Với các chàng trai thì con vật lại làm nũng một cách khác, nó vươn chiếc cổ dài của nó ra, dụi dụi đầu, áp má bên này áp má bên kia của mình vào người các chàng, liếm vào tay các chàng. Chẳng ai là người nỡ hắt hủi con vật hiền lành và đáng yêu đó. Ai ai cũng yêu mến và thích ôm ấp vui chơi với con vật, một con vật đem lại sự dịu dàng trong sáng cho đời sống. Trong số những người yêu quý con hươu có chàng Cyparissos. Chàng là con trai của vua Chéos và là người bạn thân thiết của vị thần Thiện xạ có cây cung bạc Apollon. Thật khó mà nói được chàng trai này yêu quý con hươu đến mức nào. Chỉ biết chàng kết bạn với nó thân thiết hơn cả mọi người, chăm sóc nó hơn tất cả mọi người và đi chơi với nó, gắn bó với nó hơn tất cả mọi người. Chàng lấy những bông hoa rừng đẹp đẽ kết vào đôi sừng nhiều nhánh của nó. Chàng thường cùng với nó đi dạo chơi bên những dòng suối róc rách. Chàng trở thành một người bạn tâm tình của con hươu xinh đẹp. Đến nỗi chỉ nghe thấy tiếng chàng nói, chỉ ngửi thấy hơi chàng là con vật đã xán lại bên chàng.

Vào một buổi trưa hè nóng nực, con hươu yêu quý tạm xa người bạn vào rừng, chui vào nằm trong một bụi cây để tránh cái nắng như thiêu như đốt. Còn Cyparissos, hôm đó đi săn từ sáng sớm, và chẳng may chàng đi tới chỗ con hươu nằm. Vì lá cây che lấp cho nên chàng không biết con vật yêu quý của mình đang tránh né nắng hè ở trong bụi cây. Chàng chỉ thấy loang thoáng trong bụi cây có một con vật, và chàng vui mừng chắc mẩm đã gặp được con mồi ngon. Lập tức một ngọn lao phóng vào bụi cây. Ngọn lao rung lên cùng với tiếng kêu đau đớn, run rẩy của con vật. Cyparissos chạy tới... ôi thôi, con hươu thân thiết yêu quý của chàng nằm đó, máu trào ra lênh láng trên mặt đất. Con hươu giương đôi mắt buồn bã, yếu ớt lên nhìn chàng như oán trách. Cyparissos vô cùng đau xót và hối hận trước hành động lầm lỡ không thể ngờ tới được đó. Nỗi đau xót và hối hận của chàng sâu sắc đến nỗi chàng không thiết sống nữa. Chàng cầu xin Apollon cho chàng được chết theo người bạn thân thiết. Thần Apollon hiện ra an ủi chàng, khuyên chàng nên quên đi nỗi buồn, nhưng Cyparissos không sao quên được cái chết oan nghiệt mà chàng đã gây ra cho con hươu, người bạn thân thiết của chàng. Chàng khẩn khoản xin vị thần Xạ thủ có cây cung bạc hãy ban cho chàng một nỗi tiếc thương, đau xót, ai oán vĩnh viễn trong cõi chết để chàng đền đáp lại được lỗi lầm của mình. Thần Apollon cuối cùng chấp nhận lời cầu xin của chàng. Thần biến chàng thành một thứ cây mà lá nó quanh năm xanh tốt ngọn cây cao vút như hình tháp nhọn chọc thẳng lên trời. Thần buồn rầu nhìn cây Cyparissos nói:

- Hỡi chàng trai xinh đẹp vô cùng yêu quý và thân thiết của ta! Suốt đời ta không nguôi được nỗi nhớ thương, đau xót của ta đối với ngươi. Còn ngươi, ngươi cũng sẽ suốt đời buồn bã, xót xa cho người khác, bất cứ một con người nào vì số mệnh bất hạnh phải từ giã cuộc sống tươi vui, tràn ngập ánh nắng rực rỡ này. Ngươi sẽ nuôi giữ mãi nỗi phiền muộn ưu tư.

Từ đó trở đi, những người dân Hy Lạp mỗi khi trong nhà có người qua đời đều lấy một cành cây cyparissos treo trước cửa nhà. Người ta còn đem cành cây này trang hoàng cho giàn lửa hỏa táng và trồng cây này ở bên các nấm mồ, nghĩa địa. Đó chính là cây trắc bá (le cyprès) mà quanh năm ngày tháng, suất bốn mùa xuân hạ thu đông, lúc nào cũng xanh tươi như nỗi buồn của chàng Cyparissos lúc nào cũng nguyên vẹn chẳng hề bị thời gian làm phai nhạt. Vì lẽ đó cây trắc bá tượng trưng cho nỗi nhớ tiếc không nguôi, chuyện tang ma.

Nhưng ngày nay, cây trắc bá không còn giữ nguyên ý nghĩa tượng trưng cho nỗi nhớ tiếc khôn nguôi và chuyện tang ma như cũ nữa. Vì cây trắc bá lúc nào cũng xanh tươi cho nên nó tượng trưng cho sự vĩnh cửu, tượng trưng cho vẻ đẹp bền vững. Mở rộng nghĩa, vì cây trắc bá không cho quả cho nên nó tượng trưng cho sự nghèo túng nhưng vì suốt bốn mùa lúc nào nó cũng xanh tươi cho nên nó cũng tượng trưng cho một con người tự do, không bị phụ thuộc, một con người có bản lĩnh. Do những biến đổi như thế cho nên chúng ta thấy người ta trồng cây trắc bá ở công viên, ở các dinh thự, cung văn hóa... Cây trắc bá trở thành một loại cây cảnh dùng để trang trí vì một lẽ đơn giản: nó có hình dáng thanh thoát, đẹp đẽ, và màu xanh thẫm của nó cũng rất đẹp.

CÁI CHẾT CỦA CHÀNG HYACINTHOS

Hyacinthos là con trai của Amyclos, vua thành Sparte. Chàng xinh đẹp khỏe mạnh chẳng kém gì các vị thần của thế giới Olympe. Thần Apollon kết bạn với chàng. Thần thường rủ chàng vào rừng săn bắn muông thú hoặc cùng chàng luyện tập các môn thể dục thể thao mà người Hy Lạp xưa kia vốn ưa chuộng. Người ta thường thấy đôi bạn này khi thì chạy trên bờ sông Eurotas, khi thì phóng lao, ném đĩa, đấu quyền, đấu vật, bắn cung... Tóm lại là những môn thể dục thể thao mà những chàng trai ở đô thành Sparte rất thành thạo. Nhưng không phải chỉ có thần Apollon yêu mến người con trai này. Thần Gió-Zéphyr, ngọn gió tây, thường đem lại hơi mát và những cơn mưa ẩm ướt, cũng đem lòng yêu mến Hyacinthos. Vì thế thần Zéphyr đem lòng ghen tị với thần Apollon.

Bữa kia, Apollon rủ Hyacinthos thi ném đĩa, Apollon ném trước. Với thân hình cường tráng, cân đối, đẹp đẽ, thần cầm lấy cây đĩa vặn mình lấy đà, và... vút một cái, chiếc đĩa bay lên trời. Thần định bụng sẽ truyền dạy cho người bạn trai xinh đẹp của mình hết tài nghệ ném đĩa để trong các ngày hội Hyacinthos có thể đoạt được phần thưởng vinh quang. Nhưng có ngờ đâu! Chiếc đĩa bay vút lên trời nhưng lại không bay theo một đường thẳng mà bay lạng, bay chệch hẳn sang một phía khác. Thần Gió-Zéphyr bằng tài năng của mình đã làm cho chiếc đĩa bay chệch hẳn đi và rơi xuống trúng đầu Hyacinthos. Chàng trai không kịp kêu lên một tiếng, cũng không kịp giơ tay ôm lấy đầu, chiếc đĩa giáng xuống đầu chàng mạnh như một lưỡi búa của thần Zeus, khiến chàng vỡ toang đầu và nằm vật ra chết luôn không nói được một lời. Apollon kinh hoàng, chạy ngay tới chỗ người bạn của mình. Thần vực đầu người bạn đặt lên lòng mình ra sức bịt vết thương cho máu khỏi tuôn chảy, nhưng vô ích. Đôi mắt Hyacinthos dại hẳn đi và chỉ còn là màu trắng bệch. Đầu chàng trai xinh đẹp lả ra, ngoẹo oặt sang một bên chẳng khác gì một cánh hoa trên đồng nội bị héo lả dưới ánh nắng thiêu đốt của một buổi trưa hè. Apollon đau đớn kêu lên:

- Hỡi Hyacinthos, người bạn thân thiết của ta! Thế là ta đã gây nên cái chết oan uổng cho chàng. Ta biết làm gì để chuộc lại lỗi lầm này. Xin chàng hãy tha thứ cho ta!

Nhưng linh hồn Hyacinthos đã bay về vương quốc của thần Hadès chẳng hề biết đến những giọt nước mắt đau xót của Apollon đang lã chã tuôn rơi xuống khuôn mặt xinh đẹp của mình. Thần Apollon nâng chiếc đầu đẫm máu của người bạn thân thiết của mình đặt xuống đất. Quỳ bên thi hài Hyacinthos, thần vuốt mớ tóc quăn đẫm máu cho khỏi xòa xuống, che phủ mất vầng trán đẹp đẽ của bạn, và thần cất tiếng nói những lời thiêng liêng sau đây:

- Hỡi Hyacinthos! Chàng trai thân thiết và xinh đẹp của ta! Người sẽ sống mãi trong trái tim ta. Trái tim của ta sẽ ghi nhớ mãi mãi hình ảnh của người.

Kỳ lạ thay, những lời nói thiêng liêng đó vừa dứt thì từ vùng máu đỏ của Hyacinthos mọc lên một bông hoa đỏ thắm, hương thơm ngào ngạt. Đó là hoa hyacinthos (tiếng Pháp: hyacinthe) mà ngày nay chúng ta dịch là hoa dạ lan hương. Người Hy Lạp xưa kia cho rằng nhìn trên cánh hoa dạ lan hương ta có thể thấy được chữ “ai” theo tiếng Hy Lạp là “đau khổ” hoặc “than ôi!” Có chuyện kể, không phải Zéphyr ghen tị gây ra cái chết của Hyacinthos mà là do thần Apollon ném đĩa bay chệch, rơi vào đầu người bạn của mình. Cũng có chuyện kể, không phải từ vũng máu mọc lên bông hoa mà từ thi hài Hyacinthos.

Truyền thuyết này theo các nhà nghiên cứu thuộc về một thời kỳ tối cổ, trước khi có những vị thần của thế giới Olympe. Đó là thời kỳ của những vị thần tiền Hy Lạp, thần của các loài cây cỏ. Sau này các vị thần đó được gắn liền với việc thờ cúng Apollon và tiếp theo, vào một thời kỳ muộn hơn, vị thần cây cỏ biến thành một chàng trai xinh đẹp để rồi được thần thánh yêu mến, để rồi chết đi biến thành cây thành hoa. Truyền thuyết về Hyacinthos rất có thể chỉ là một biến dạng của huyền thoại về cái chết và sự tái sinh của thần thánh tượng trưng cho sự hồi sinh, tươi tắn trở lại của thiên nhiên sau giấc ngủ dài mùa đông. Môtíp người biến thành cây cỏ không phải là một môtíp xa lạ trong gia tài thần thoại Hy Lạp. Chúng ta đã thấy trong các chuyện về nàng Daphné, chàng Adonis, Narcisse... Lại cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng những chuyện có môtíp người chết biến thành cây cỏ vốn có một nguồn gốc tối cổ gắn liền với tục giết người để hiến tế cho thần thánh, và trong lễ hiến tế này người ta tưới máu của người bị hy sinh xuống đất với hy vọng làm cho đất đai được phì nhiêu mùa màng được bội thu.

Tục thờ cúng Hyacinthos xưa kia mỗi năm hành lễ một lần, kéo dài khoảng ba ngày. Trung tâm của tín ngưỡng này, hội lễ này là đô thành Amyclai, thờ thần Apollon và Hyacinthos.

TRUYỆN VỢ CHỒNG CÉPHALE VÀ PROCRIS

Xưa có hai vợ chồng Céphale và Procris sống với nhau rất hạnh phúc, nhưng rồi một hôm người chồng bỗng nảy ra ý định thử xem người vợ của mình có chung thủy hay không, và đó là đầu mối của cái kết thúc rất đỗi đau xót và thương tâm, rất đỗi bi thảm của cuộc đời họ.

Céphale vốn là con trai của Déion và Diomède, nhưng có người nói, thật ra thì chàng là con của vị thần Truyền lệnh và Thông tin Liên lạc-Hermès và nàng Hersé, con gái của nhà vua Cécrops, vị vua đầu tiên của đô thành Athènes, người đã chủ tọa cuộc tranh giành quyền cai quản Athènes giữa nữ thần Athéna và thần Poséidon. Vợ chàng là nàng Procris, con gái của nhà vua Érechthée, vị vua cầm quyền cũng ở đô thành Athènes.

Hàng ngày Céphale vào rừng săn bắn. Ngay từ thuở nhỏ, chàng đã nổi tiếng là người săn giỏi, hơn nữa lại là người đẹp trai nhất trong đám thợ săn. Chàng đi từ mờ sáng cho đến chiều tà mới về. Vợ chàng ở nhà lo việc chăn nuôi và bếp nước. Dáng người khỏe mạnh, cân đối, khuôn mặt xinh đẹp của Céphale đã lọt vào mắt một vị nữ thần. Vị nữ thần này ngày nào cũng gặp chàng trên đường chàng vào rừng săn thú, vì thế lâu dần vị thần đó đâm ra yêu say mê chàng, để thuyết phục chàng... làm chồng mình. Vị nữ thần đó chẳng phải là ai xa lạ, đó là nàng Rạng đông-Éos trùm chiếc khăn vàng có những ngón tay hồng xinh đẹp.

Céphale bị bắt và đưa đi đến một nơi xa lạ, có lẽ nơi đó là chỗ tận cùng của đất. Nữ thần Rạng đông-Éos ngày ngày săn sóc chàng, âu yếm thuyết phục chàng từ bỏ mối tình với người vợ trần tục để kết duyên với nàng, một nữ thần xinh đẹp và muôn đời trẻ mãi, nhưng Céphale một mực xin nữ thần tha cho mình về sống với người vợ hiền của mình. Chàng cảm tạ tấm lòng ưu ái của nữ thần:

- Hỡi nữ thần Éos có tấm khăn vàng chói lọi và những ngón tay hồng xinh đẹp! Xin nàng đừng giận! Ta đã gắn bó với Procris, vợ ta, bằng một lời thề hứa trung thành và một trái tim thủy chung duy nhất. Ta không thể đang tâm bỏ nàng khi nàng vẫn yêu ta tha thiết và vẫn trước sau như một chung thủy với ta. Nữ thần hỡi! Ta đời đời ghi nhớ và biết ơn trái tim thương yêu vô vàn quý báu của nàng. Đó là một đặc ân hiếm có người trần thế nào được hưởng, nhưng ta lại càng ghi nhớ và biết ơn nàng hơn nữa nếu nàng thả cho ta được về sống với nàng Procris dịu hiền và ngoan ngoãn của ta.

Nữ thần Éos bất lực trước ý chí sắt đá của Céphale. Nàng đành phải thả chàng, nhưng nàng bảo:

- Ta vô cùng cảm phục trái tim trong sáng và thủy chung của chàng, nhưng đấy rồi chàng xem, người vợ mà chàng tin yêu và dâng hiến tất cả trái tim của mình cho nàng, chắc gì đã chung thủy với chàng. Chàng hãy thử xem và sẽ thấy sự thật. Chắc rằng khi biết rõ tâm địa của nàng, lúc đó chàng sẽ hối hận là đã không nghe theo lời khuyên của ta. Nhưng thôi, dù sao chàng đã muốn về với nàng thì ta không thể giữ chàng được. Ta chúc chàng sẽ giữ được bình tĩnh khi biết rõ sự thật.

Nữ thần thả cho Céphale ra về. Nàng biến chàng thành một thương nhân giàu có với hình dạng khác hẳn. Chàng trở về Athènes để thử thách lòng chung thủy của vợ. Chỗ này có chuyện kể hơi khác. Céphale không bị nữ thần Éos bắt cóc mà chính bản thân chàng từ bỏ gia đình ra đi, ra đi suốt tám năm trời, để rồi một hôm nào đó trở về với hình dạng khác hẳn, thử thách vợ mình.

Céphale trở về Athènes. Chàng hồi hộp bước vào nhà. Vợ chàng vẫn ngồi bên cửa sổ như xưa, nhưng khác xưa, với một khuôn mặt u buồn. Chàng chào hỏi nàng như một người xa lạ, bắt chuyện với nàng rồi từ sơ đến thân, rồi chàng đem những tặng vật quý giá ra biếu nàng và... cuối cùng, nàng Procris trong một phút yếu đuối đã ngã người vào lòng chàng. Đến lúc này Céphale mới nói rõ sự thật. Chàng trở lại nguyên hình, nổi giận mắng nhiếc Procris đã không giữ trọn tấm lòng chung thủy và dễ bị mua chuộc, v.v.

Procris vô cùng xấu hổ, nàng không biết nói gì với chồng. Nàng tự nghĩ: tốt hơn hết là ta phải ra đi cho qua những giây phút nặng nề khó bề chịu đựng được như thế này, và Procris trốn đi, trốn vào sống trong rừng, một khu rừng già sâu thẳm. Tại đây nàng gặp nữ thần Artémis, người Trinh nữ Xạ thủ có cây cung bạc, danh tiếng lẫy lừng, con của nữ thần Léto. Người xưa kể, Procris đã trốn sang đảo Crète để cho quên hết mọi chuyện xảy ra. Nữ thần Artémis ban cho nàng đặc ân được theo hầu nữ thần trong cuộc đời săn bắn. Nữ thần lại ban cho nàng hai báu vật: một ngọn lao thần kỳ và một con chó siêu việt. Ngọn lao này hễ phóng là trúng đích, tự mình nó, nó có thể điều chỉnh cho trúng đích. Không một con mồi nào có thể thoát khỏi ngọn lao này trừ khi nó có tài thăng thiên hay độn thổ. Chưa hết, ngọn lao sau khi làm tròn sứ mạng của mình rồi thì tự nó lại bay trở về tay người phóng. Thật là tuyệt diệu! Cả kho vũ khí của người anh hùng Héraclès tưởng cũng không thể sánh được với ngọn lao này. Còn con chó thì thính tai, thính mắt hơn chim ưng, cú vọ, chạy nhanh như ngựa và mũi thì nhạy cảm đến mức mũi voi, hổ, báo, chó sói cũng phải thua. Ngọn lao ấy và con chó ấy may mà chỉ có một chứ có hai thì có dễ rừng xanh đến hết muông thú. Nữ thần Artémis ban cho Procris những báu vật như thế, và nữ thần, sau khi biết hết câu chuyện tình duyên của người thiếu nữ phục vụ mình, bèn bằng tài cao phép lạ lại còn làm cho nàng trở thành đẹp đẽ hơn xưa, kiều diễm hơn xưa, hấp dẫn hơn xưa. Nàng bảo:

- Con hãy trở về với Céphale và thử thách lòng chung thủy của chàng!

Procris trở về Athènes. Nàng hồi hộp xiết bao khi bước vào ngôi nhà thân yêu của mình. Cảnh cũ người xưa trông thấy mà nửa buồn, nửa ngậm ngùi, nửa hồ hởi. Nàng chào hỏi Céphale như một người xa lạ mới gặp chàng lần đầu. Céphale tiếp đãi nàng rất trân trọng. Nhìn thấy chàng lo việc bếp nước, nàng cảm thấy thương chàng vô hạn. Câu chuyện giữa hai người lúc đầu còn mang vẻ khách khí nhưng sau dần chuyển sang cởi mở tâm tình. Céphale nói cho người thiếu nữ biết mối tình chung thủy của mình với Procris, rằng mặc dù Procris có lỗi nhưng chàng cũng có lỗi là đã không đối xử tế nhị với nàng, đã xúc phạm nàng để đến nỗi nàng phải ra đi, rằng chàng vẫn nhớ thương và vẫn rất yêu Procris. Còn người thiếu nữ kể cho chàng nghe câu chuyện về cuộc đời éo le và mối tình ngang trái, bất hạnh của nàng, một câu chuyện bịa đặt nhưng lại khiến cho Céphale khi nghe xúc động không cầm được nước mắt, và người thiếu nữ ấy còn đi xa hơn nữa. Nàng bày tỏ tình yêu đối với chàng, trao tặng chàng ngọn lao thần kỳ và con chó siêu việt để chàng săn bắn cho đỡ vất vả. Khi Céphale xúc động đưa hai tay ra nắm lấy đôi vai của người thiếu nữ và xoay mạnh người nàng lại để được nhìn thẳng vào khuôn mặt xinh đẹp của nàng, đôi mắt trong veo của nàng thì đó là lúc Procris bằng phép thần của Artémis trở lại nguyên hình như cũ. Céphale sửng sốt, lùi lại một bước. Bây giờ là lúc Procris trả lại chàng những lời mắng nhiếc mình khi xưa. Céphale cúi đầu nghe những lời mắng nhiếc với một nỗi hổ thẹn lớn trong lòng.

Nhưng có lẽ nào chàng lại bỏ nhà ra đi như Procris xưa kia? Procris xưa kia ra đi là phải. Còn chàng bây giờ ra đi lại là không phải, và đi đâu mới được chứ? Mà vì sao chàng lại phải ra đi một khi chàng vẫn yêu thương Procris, một khi chàng đã biết chính chàng cũng có lỗi với Procris, đã cư xử thô bạo với Procris? Còn Procris, nàng trở về không phải để chàng ra đi, chàng Céphale yêu dấu của nàng, và nếu chàng có nhất quyết ra đi thì nàng cũng bằng mọi cách để giữ chàng lại. Vì những lẽ đó, hai người hòa giải với nhau trong niềm vui đoàn tụ của những giọt nước mắt hàn huyên. Chẳng ai còn giận ai nữa. Họ cười xòa với nhau, sống với nhau rất hòa thuận, yên ấm, hạnh phúc. Cái chuyện “không chung thủy” của họ mỗi khi họ nhắc lại chỉ và một dịp mua vui, tạo ra những tiếng cười khúc khích, những câu mắng yêu, bộ mặt giận vờ để làm cho không khí gia đình thêm thú vị, ấm cúng, tình yêu thêm mặn nồng. Chỗ này có chuyện kể, không phải Procris từ đảo Crète trở về để thử thách chồng. Vợ chồng họ sum họp với nhau là do Céphale nhớ vợ quá, phải lặn lội sang đảo Crète tìm vợ về.

Nếu như cuộc sống của họ cứ thế trôi đi thì đã chẳng nên chuyện. Céphale ngày ngày vào rừng đi săn. Chàng không bao giờ chịu trở về tay không. Ngọn lao thần kỳ với con chó siêu việt đem lại cho chàng những thắng lợi khác thường. Bữa kia, sau một cuộc săn đuổi mệt nhọc, Céphale tìm một nơi râm mát để nghỉ. Chàng vừa đi lửng thững vừa nghêu ngao hát:

- Hỡi nàng Gió mát dịu dàng! Ta chờ đợi nàng, chờ nàng đã lâu mà sao chưa thấy nàng đến. Hỡi cô em xinh đẹp thân yêu! Hãy đến đây với ta! Lồng ngực ta đang mở rộng để đón làn hơi dịu dàng của nàng. Nàng hãy đến mau với ta, đến mau để xua tan nỗi mệt nhọc, nặng nề, oi bức trong ta. Nàng là niềm hạnh phúc của ta. Nàng ban cho ta sức sống và niềm khoái cảm. Vắng nàng ta nhớ khôn nguôi. Ta nhớ bước đi thanh thoát, nhẹ nhàng của nàng. Ta nhớ em từng hơi thở đều đặn, nhịp nhàng của nàng. Hỡi nàng Gió thân yêu!

Một người tiều phu Athènes đi rừng nghe thấy Céphale hát như vậy. Anh ta nghĩ rằng Céphale đang than thở nỗi lòng trong khi chờ đợi một nàng Nymphe nào đó tên là Gió mát, bởi vì thuở ấy ở Hy Lạp, những tiên nữ Nymphe thường vẫn chung sống và giao thiệp với những người trần tục. Người tiều phu này bèn đem cái chuyện tai nghe nhưng mắt không thấy về kể với Procris, và tất nhiên anh ta kể lại theo sự suy luận nhầm lẫn của anh ta. Nghe xong câu chuyện Procris rất giận, rất buồn. Rất có thể lắm chứ, chồng nàng đã không yêu nàng nữa. Céphale có thể đã yêu một nàng Nymphe nào đó trong rừng tên là Gió mát, và nếu quả đúng như vậy, thì chàng đã không giữ trọn lời thề hứa, chàng đã không chung thủy với nàng. Nghĩ tới đây, trái tim Procris bùng lên một nỗi giận hờn ghê gớm. Nàng nghĩ bụng, phải vạch trần sự dối trá này của Céphale.

Và một buổi sáng kia, khi Céphale cất bước ra đi thì Procris cũng lén bước theo chàng. Nàng bám sát mỗi bước đi của chàng trên con đường mòn vào rừng sâu thăm thẳm mặc cho gai nhọn đá sắc, mặc cho nỗi mệt nhọc tưởng đến đứt hơi. Còn Céphale chàng vẫn không hề hay biết chút gì. Chàng cứ tiếp tục săn muông thú và sau một hồi săn đuổi, mệt nhọc, Céphale đi tìm một nơi râm mát để nghỉ. Chàng vừa đi vừa nghêu ngao hát:

- Hỡi nàng Gió mát dịu dàng! Ta chờ nàng, chờ nàng đã lâu mà sao không thấy nàng đến? Hãy đến mau với ta, đến đây với ta, hỡi nàng Gió mát...

Nghe thấy chồng hát những lời như thế, Procris vội chui vào nấp trong một bụi cây. Nàng đoán chắc thế nào nàng Nymphe Gió mát sẽ đến, và đó là lúc nàng được dịp vạch mặt chỉ trán kẻ phản bội.

Céphale dựng lao, ngả mình trên một thảm cỏ dưới một bóng cây. Chàng vẫn nghêu ngao hát:

- Nàng là niềm hạnh phúc của ta. Nàng ban cho ta niềm vui, sức sống và nỗi khoái cảm dịu dàng. Vắng nàng ta nhớ khôn nguôi, trong người rạo rực, bứt rứt... Hỡi nàng Gió mát! Ta nhớ bước đi thanh thoát nhẹ nhàng của nàng, ta nhớ từng hơi thở nhịp nhàng, đều đặn của nàng...

Bỗng Céphale ngồi bật dậy. Chàng thấy trong bụi cây phía trước có tiếng sột soạt. Chàng lắng nghe và theo dõi. Chàng thấy bụi cây rung lên đều đều như có một con vật nào nằm trong đó đang thở. Chắc chắn không phải là một con thỏ hay một con chồn. Céphale với lấy ngọn lao phóng mạnh về phía bụi cây. Một tiếng rú lên kinh hoàng, đau đớn. Céphale bàng hoàng chạy vội lại. Một cảnh tượng vô cùng đau xót thảm thương bày ra trước mặt chàng: Procris, người vợ xinh đẹp và vô vàn yêu dấu của chàng nằm đấy, tay đưa lên ôm ngực đang trào máu. Nàng đau đớn quằn quại, Céphale ra sức băng bó, bịt vết thương lại cho máu khỏi tuôn chảy, nhưng vô ích. Máu vẫn trào tuôn ra như suối, lênh láng trên mặt đất vì vết thương quá sâu và quá rộng. Lúc này người vợ yêu dấu của chàng đã nhợt nhạt hẳn đi. Nàng nhìn chồng với đôi mắt oán trách, gắng sức nói với chàng những lời lẽ cuối cùng:

- Hỡi Céphale yêu quý của em! Em chết đây... Vĩnh biệt anh! Chàng Céphale xinh đẹp và săn giỏi của em! Chàng đã bỏ em để ân ái với người đàn bà khác. Chàng đã giấu em để đi chia sẻ tình yêu với một thiếu nữ xinh đẹp nào ở chốn này. Em... em xin lấy mối tình thiêng liêng của đôi ta làm điều chứng giám. Em cầu xin các vị thần Olympe cao cả và các vị thần ở vương quốc của thần Hadès là nơi em sắp gia nhập hãy dùng quyền lực của mình ngăn cấm, ngăn không cho cái người đàn bà anh chờ đợi được đặt chân vào căn phòng thiêng liêng của đôi ta! Céphale, em chết đây, em yêu anh nhưng anh... anh đã lừa dối em.

Thế là Céphale hiểu rõ sự thật. Vợ chàng đã hiểu lầm. Chàng vội cắt nghĩa, thanh minh:

- Procrisi! Procris em! Em gắng nghe anh! Em hiểu lầm rồi! Chẳng có ai cả đâu! Anh hát đấy chứ! Anh hát thế chứ có chuyện gì đâu!

Nhưng Procris mắt đã dại hẳn đi. Trên môi nàng đọng lại một nụ cười héo hắt, nụ cười mà Céphale nhớ mãi suốt đời. Linh hồn của nàng sắp ra đi vĩnh viễn. Nàng gắng đưa cánh tay yếu ớt lên bá lấy cổ chàng. Céphale đỡ lấy cánh tay thân yêu ấy. Chàng cúi xuống hôn vợ, khóc nấc lên. Nước mắt đau khổ, xót xa, oán hận của chàng chảy tràn trề xuống khuôn mặt xinh đẹp, thân yêu, yêu dấu của Procris. Linh hồn nàng Procris đón nhận chiếc hôn ấy rồi bay đi.

Tòa án Aréopage ở Athènes kết tội trục xuất Céphale. Chàng phải rời bỏ quê hương, xứ sở ra đi, nỗi đau khổ xót xa cứ bám lấy chàng. Sang trú ngụ ở thành Thèbes, chàng đã giúp vua Amphitryon trừng trị được một con cáo tai hại mà không một người thợ săn nào giết được, kể cả những tay săn lão luyện với các thứ bẫy. Thần Poséidon sai con cáo này đến thành Thèbes, để trừng phạt họ vì một tội gì đó. Hàng tháng dân thành Thèbes phải dâng cho nó một đứa bé để nó ăn thịt. Céphale thả con chó siêu việt của mình ra. Con chó đuổi con cáo miết. Con cáo cũng chạy miết. Cuộc đuổi bắt chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt nếu thần Zeus không biến cả hai con vật thành đá. Céphale còn giúp Amphitryon dẹp giặc Téléboens. Chàng được nhà vua thưởng công cho cai trị một hòn đảo mà ngày nay gọi là hòn đảo Céphalonie. Có chuyện kể, Céphale bị nỗi hối hận cắn rứt, giày vò. Suốt đời chàng cứ băn khoăn đau xót về hành động của mình và nhất là những giây phút cuối cùng của vợ.

Nàng, liệu nàng có nghe được lời chàng thanh minh trước khi ra đi vĩnh viễn không? Khi thì chàng tin rằng nàng nghe được, nếu không nghe được thì sao nàng lại đưa tay lên bá lấy cổ chàng? Khi thì chàng không tin, chắc chắn rằng nàng không nghe thấy gì hết, vì lúc đó nàng đã hôn mê rồi. Nếu thế thì chàng vô cùng ân hận. Nỗi đau khổ, xót xa cứ bám lấy chàng, giày vò chàng khiến một ngày kia chàng lao mình xuống biển tự tử để giải thoát khỏi sự cắn rứt dai dẳng.

CHUYỆN NGƯỜI DANH CA ORPHÉE

Vua xứ Thrace là thần Sông-Oeagre lấy tiên nữ Muses Calliope, vị nữ thần cai quản nghệ thuật sử thi, làm vợ. Hai vợ chồng sinh được một cậu con trai đặt tên là Orphée. Nhờ sự dạy bảo của mẹ cho nên Orphée, từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu nghệ thuật. Chú bé rất yêu thích và say mê luyện tập đàn ca. Thần Apollon thấy vậy đem lòng yêu mến và định bụng sẽ giúp đỡ chú bé Orphée trở thành một nghệ sĩ danh tiếng. Lớn lên, Orphée càng tỏ ra có tài năng đặc biệt. Giọng hát của chàng cao vút, trong trẻo và ấm áp lạ thường. Thần Apollon ban cho Orphée một cây đàn lia bảy dây và nhiều tài năng khác nữa, đặc biệt thần ban cho chàng nguồn cảm hứng nghệ thuật tưởng như không bao giờ vơi cạn và trái tim nhạy cảm, dễ xúc động hơn người. Thần lại còn ban cho chàng tài năng ứng tác, cứ cất tiếng là thành lời ca, cứ đưa tay vào đàn là thành những âm thanh hòa hợp du dương, êm ái. Nhưng Orphée không chỉ bằng lòng với cây đàn lia bảy dây. Chàng nghĩ bụng, ông của ta, thần Zeus vĩ đại, đã sinh ra chín nàng Muses và giao cho các nàng cai quản các nghệ thuật, vậy thì lẽ nào cây đàn này lại chỉ có bảy dây, và Orphée tìm cách lắp vào hai dây nữa cho thành chín như một kỷ niệm đối với dòng dõi của mình.

Thật khó mà nói được tiếng đàn và giọng hát của Orphée hay như thế nào, hay đến mức nào. Chỉ biết rằng mỗi khi Orphée vào rừng vừa đi vừa gảy đàn vừa hát thì cây cối trong rừng bảo nhau thôi đừng thì thào trò chuyện nữa. Tất cả đều im phăng phắc để lắng nghe tiếng đàn trong trẻo, thánh thót và tiếng hát sâu lắng, ấm áp tình người của Orphée. Không phải chỉ có cây cối mới say mê tiếng hát của Orphée. Núi đá khô khan và lạnh lùng đến thế mà khi nghe tiếng đàn, tiếng hát của Orphée cũng thấy bồi hồi, nôn nao trong lòng trong dạ. Những tảng đá ngơ ngẩn sững sờ khi tiếng đàn, tiếng hát của Orphée cứ nhỏ dần theo bước đi của chàng. Còn sông, suối khi nghe tiếng đàn, tiếng hát của Orphée thì bảo nhau tạm dừng bản hòa tấu của mình lại để lắng nghe tiếng đàn tuyệt diệu này mà học lấy cách chơi đàn. Có lần vì quá say mê tiếng đàn, tiếng hát của Orphée mà những tảng núi đá đã rủ nhau đi theo chàng. Orphée vào rừng không một vũ khí mang theo, ấy thế mà không một con thú nào xâm phạm đến tính mạng chàng. Từ xa nghe thấy tiếng đàn, tiếng ca của chàng vọng đến, thế là chúng gọi nhau đến quây quần bên chàng, ngồi im thin thít, ngoan ngoãn lắng nghe. Lúc ấy trông chúng chẳng có vẻ gì là hung dữ, là những ác thú chuyên bắt các súc vật, vồ người để ăn thịt. Còn những con vật hiền lành như thỏ, sóc, chim, gà, khỉ, vượn, hươu, nai... thì khi nghe tiếng đàn của Orphée là náo nức, sướng vui như mở cờ trong bụng. Chúng tíu tít gọi nhau, rủ nhau đi nghe Orphée đàn hát. Chúng nhảy múa tưng bừng theo lời ca, tiếng nhạc.

Mối tình chung thủy với nàng Eurydice

Tiếng đàn của Orphée đã trở thành một vũ khí kỳ diệu trong cuộc viễn chinh của những người Argonautes sang xứ Colchide ở phương Đông để đoạt Bộ lông Cừu vàng. Sau khi tham dự cuộc viễn chinh đó, Orphée lại trở về quê hương Thrace. Chàng cưới nàng Nymphe Eurydice làm vợ. Cuộc sống của hai người thật là hòa thuận, hạnh phúc. Eurydice không có mong muốn gì hơn là được sống với người chồng như thế. Hình như tiếng đàn, tiếng ca đã làm cho Orphée lúc nào cũng tươi trẻ, tính tình hiền dịu, tế nhị và cởi mở. Nàng cảm thấy sâu sắc rằng ở trong con người chàng không có thói thô bạo, cục cằn. Còn Orphée thì thương yêu vợ rất mực. Ngoài đàn ca và Eurydice ra thì Orphée không còn một tình yêu nào khác cao hơn thu hút hết tâm trí mình đến như thế. Nhưng tiếc thay cuộc sống êm đềm hạnh phúc của họ thật quá ngắn ngủi!

Một hôm trời đẹp và ấm áp, tiên nữ Nymphe Eurydice cùng với các bạn gái của mình vào rừng hái hoa, vui chơi. Không may trong lúc hái hoa, Eurydice giẫm phải một con rắn độc đang nằm ngủ say dưới lớp vỏ dày. Bị đau, con vật ngóc đầu lên mổ vào chân nàng. Eurydice thét lên, các bạn nàng vội chạy đến, nhưng không ai biết tìm phương thuốc gì cứu chữa cho Eurydice, và chỉ trong chốc lát sắc mặt Eurydice tái nhợt hẳn đi, mắt nàng không còn vẻ tinh nhanh, long lanh như hai giọt nước nữa, và dần dần nàng thở yếu hẳn đi và cuối cùng tắt thở. Các bạn của Nymphe Eurydice khóc than thảm thiết trước cái chết quá đột ngột của nàng. Tiếng kêu khóc của nàng vang lên khắp rừng sâu núi thẳm. Nàng Nymphe Écho nhắc lại những tiếng khóc, tiếng than đó, và cứ thế những tiếng khóc tiếng than bay về đến tai Orphée, chàng vội chạy vào rừng sâu, tìm đến thung lũng nơi vợ chàng đi chơi cùng với các bạn. Đau đớn xiết bao khi chàng đến: người vợ vô vàn thân thiết yêu quý của chàng chỉ còn là một cái xác lạnh ngắt. Orphée quỳ xuống bên xác vợ, đưa tay lên trán vợ vuốt ngược những giẻ tóc xõa xuống vầng trán cao cao, xinh đẹp, thân thiết. Những giọt nước mắt thương đau, xót xa của chàng từ khóe mắt tuôn rơi lã chã xuống khuôn mặt xinh đẹp dịu hiền của vợ. Chàng ngồi bên xác vợ khóc mãi không nguôi. Nỗi đau thương của chàng biến thành lời ca bi ai, xót xa như dao khía vào ruột, như muối xát vào lòng. Rừng núi nghe thấy những lời ca đó cũng không cầm lòng nổi. Cây rừng run lên trong nỗi xúc động lớn lao, buông rơi những giọt nước mắt, còn núi thì khuôn mặt trở nên lầm lì, trầm mặc dường như cố nén nỗi xót thương để khỏi bật lên tiếng nức nở, nhưng những dòng nước mắt bạc thì lại lặng lẽ lăn trên đôi gò má khắc khổ.

Sau khi đắp cho vợ một nấm mồ, Orphée trở về nhà. Chàng sắm sửa hành lý để xuống âm phủ. Chàng quyết xuống âm phủ để gặp thần Hadès và Perséphone, để xin hai thần trả lại cuộc sống cho vợ chàng, nàng Eurydice xinh đẹp, dịu hiền và chung thủy.

Orphée ra đi. Chàng hỏi đường xuống âm phủ. Mặc dù biết đường đi vô cùng hiểm trở, khó khăn nhưng Orphée không hề do dự. Chẳng có gì mạnh hơn trái tim thương yêu người vợ tha thiết, trái tim yêu quý cuộc sống của chàng. Sau bao ngày leo núi, xuyên rừng nhọc nhằn đói khát, chàng bước vào địa phận của thế giới âm phủ. Chàng đi, đi mãi trong lòng hang tối đen mờ mịt và tới được sông Styx quanh năm bốc khói cùng với tiếng rên ra, than vãn như tiếng côn trùng nỉ non trong đêm khuya. Orphée đứng chờ bên bờ sông, bỗng chàng nghe thấy tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ. Thì ra con đò của lão Charon đã tới. Orphée toan bước xuống đò nhưng lão Charon cản lại. Chàng chẳng phải là một linh hồn đã từ giã thế giới đầy ánh sáng mặt trời nên lão không thể cho qua sông. Orphée van nài cầu xin lão giúp đỡ nhưng lão một mực chối từ. Không biết nói gì hơn, Orphée thất vọng, ngồi thẫn thờ bên bờ sông và rồi chàng đem cây đàn vàng của mình ra gảy. Cây đàn bật lên những âm thanh thánh thót như rơi vào lòng lão già chở đò Charon lầm lì và khắc nghiệt. Chàng cất tiếng ca theo. Tiếng đàn ca êm ái trôi theo làn nước sông Styx mênh mông, u buồn tưởng chừng như có một bàn tay âu yếm nào đang vuốt ve mái tóc tơ của một em bé mồ côi. Tiếng đàn ca vang bên bờ sông Styx kể lại nỗi đau thương, quyến luyến của những người trần thế với thân nhân trong gia đình khi đến hạn kỳ của số mệnh phải từ giã cõi đời tràn ngập niềm vui. Orphée ngồi bên bờ sông gảy đàn và ca hát. Chàng nhìn con sông và nhớ lại những kỷ niệm thân thiết với người vợ yêu dấu của mình: đã biết bao lần chàng và nàng ngồi bên nhau trên bờ suối, nàng ngả đầu vào vai chàng, nghe chàng đàn ca trong tiếng nước róc rách trôi... Thế mà giờ đây, chàng ngồi đây, một mình bên bờ sông Styx lượn lờ khói xám, cất lên lời ca ai oán, lòng buồn buồn nhớ lại những kỷ niệm êm ấm ngày xưa mà nước mắt trào rơi. Tiếng đàn ca xúc động lòng người của chàng đã lay động được trái tim rắn lạnh của lão già chở đò Charon. Lão đã mủi lòng thương cảm cho số phận bất hạnh của chàng, và lão già đã gọi chàng xuống đò.

Orphée đi vào cung điện của thần Hadès. Chàng vừa đi vừa ca hát. Chàng kể lại mối tình trong sáng và đẹp đẽ của chàng với Eurydice. Chàng kể lại những ngày hạnh phúc của vợ chồng chàng: một cuộc sống trong sạch, giản dị trong tình yêu thương đùm bọc lấy nhau, tin yêu nhau, tôn trọng nhau. Chàng kể lại niềm hạnh phúc đơn sơ, đạm bạc nhưng thanh thản của hai người, và cả hai người đều rất yêu quý cuộc sống đó, hạnh phúc đó, tưởng chừng như dẫu ai có đem nghìn vàng để mua để đổi, hai người cũng khước từ, và những ngày hạnh phúc đó trôi đi rất nhanh. Số phận nghiệt ngã và éo le đã cướp mất đi người vợ hiền ngoan chung thủy của chàng. Orphée vừa đi vừa gảy đàn và hát. Chàng kể lại nỗi đau thương luyến tiếc của mình đối với người vợ sớm phải lìa đời khi mái tóc còn xanh, tuổi còn trẻ, chẳng được biết đến niềm hạnh phúc làm mẹ. Tiếng hát của chàng nghẹn ngào, nức nở. Cả vương quốc của thần Hadès nghe thấy tiếng đàn lời ca ấy của Orphée, và chính Hadès và Perséphone là những người ở trong cung điện nghe thấy trước tiên. Nghe thấy tiếng đàn, lời ca của chàng, thần Hadès trở nên trầm ngâm, ưu tư và buông ra một tiếng thở dài nhè nhẹ. Nàng Perséphone gục đầu vào vai chồng để thấm đi những giọt nước mắt long lanh. Orphée vẫn hát về cuộc đời mình và nỗi đau khổ của mình. Nghe tiếng hát của chàng, người anh hùng Tantale cảm thấy như dịu đi cơn khát đang hành hạ mình. Còn Sisyphe, tạm ngừng tay không vần tảng đá vượt dốc lên đỉnh núi cao, chàng ngồi thừ ra chống tay lên cằm lắng nghe tiếng hát của Orphée, trái tim nao nao biết bao tâm tư, ý nghĩ. Cả đến những nàng Danaïdes cũng chẳng buồn kín nước, đội nước lên đổ vào chiếc thùng rò. Các nàng thương xót cho chàng trai tài giỏi có tình yêu son sắt, thủy chung sớm phải lâm vào cảnh góa bụa, cô đơn. Tàn ác như nữ thần Héra mà cũng phải mềm lòng trước lời ca xúc động của Orphée, người ta thấy mắt nữ thần rưng rưng những giọt lệ hiếm hoi, và những nữ thần Érinyes xưa nay nổi tiếng là lòng dạ sắt đá thế mà nghe Orphée than vãn trong tiếng đàn não nuột, mắt cũng rơm rớm những hạt lệ long lanh. Orphée cứ vừa đi vừa hát kể lại chuyện tình yêu đẹp đẽ của mình, về người vợ xinh đẹp và dịu hiền của mình, về nỗi khổ đau của mình khi số phận ác nghiệt cướp đi mất hạnh phúc trong tình yêu thương chăm sóc của người vợ... Chó ngao Cerbère nghe tiếng hát của chàng nằm dài ra mắt nhìn thờ thẫn. Cả đám rắn quấn quanh cổ Cerbère xưa nay lúc nào cũng ngóc đầu lên tua tủa thế mà nghe tiếng đàn ca của Orphée cũng thu đầu về nằm im thin thít... Orphée đi qua và vào tới cung điện của thần Hadès. Chàng thôi không ca hát và gảy đàn nữa. Chàng tiến đến trước mặt vị thần vương cai quản những vong hồn, kính cẩn đưa tay lên ngực, cúi đầu chào. Một không khí yên lặng bao trùm trong cung điện. Hadès nhìn Orphée. Còn Orphée cứ đứng lặng hồi lâu không hề cất tiếng. Thấy vậy, Hadès bèn hỏi:

- Hỡi danh ca Orphée! Chẳng hay ngươi có điều gì phiền muộn mà phải lặn lội xuống vương quốc của những bóng đen vật vờ ở dưới này? Liệu ngươi có muốn xin ta chó ngao Cerbère như Héraclès đã từng xin không? Hay ngươi lại bắt chước tên Pirithoos ngỗ ngược đến đòi ta phải nhường nàng Perséphone cho mình? Hỡi Orphée danh ca nổi tiếng của những người trần thế sống trên mặt đất tràn đầy ánh sáng! Ngươi muốn cầu xin ta điều gì ngươi cứ nói. Ta hứa với ngươi rằng ta sẽ giúp ngươi đạt được ý nguyện nếu như điều cầu xin đó không quá đáng, không xúc phạm đến ta.

Orphée, ca sĩ danh tiếng trả lời:

- Hỡi thần Hadès muôn vàn quyền thế của thế giới vong hồn! Xin Người tha tội cho sự đường đột của ta. Ta từ thế giới của người trần thế đang sống yên vui, hạnh phúc như Héraclès. Ta cũng chẳng khi nào nảy ra ý định ngông cuồng như chàng Pirithoos để đến nỗi bị trừng phạt: ngồi suốt đời trong Chiếc ghế Lãng quên. Ta đến đây để cầu xin Người có mỗi một điều, một điều rất đơn giản: xin Người trả lại cho ta người vợ vô vàn thân thiết và yêu quý của ta là nàng Eurydice. Ta chẳng có ý định xin Người trả nàng về với ta vĩnh viễn; Không, không bao giờ ta có ý nghĩ ấy. Bởi vì những người trần thế được các vị thần ban cho cuộc sống không thể nào trở thành bất tử trừ khi đấng phụ vương Zeus và các vị thần Olympe cho phép. Ta chỉ xin Người trả lại cho ta nàng Eurydice, bởi vì Người đã bắt nàng về thế giới tối tăm này quá sớm. Cuộc sống của những người trần thế vốn đã ngắn ngủi mà Người lại chẳng thương họ. Người lại bắt Eurydice của ta đi khi nàng còn son trẻ, khi nàng đang sống trong hạnh phúc chứa chan của tình yêu và niềm hy vọng, khát khao được làm mẹ. Người đã bắt Eurydice của ta để cho ta phải chịu đựng nỗi nhớ thương, đau xót, khó bề nguôi giảm. Hỡi thần vương Hadès! Người đã thương nhớ nàng Perséphone như thế nào khi nàng hết hạn kỳ ở với Người để trở về dương thế với mẹ nàng là nữ thần Lúa mì-Déméter vĩ đại thì ta cũng thương nhớ nàng Eurydice của ta như thế. Nhưng nàng Perséphone còn trở lại với Người, song nàng Eurydice của ta thì vĩnh viễn không trở lại. Cuộc sống trần thế trong tình yêu thương đối với ta là niềm hạnh phúc lớn lao. Chẳng vàng bạc châu báu nào có thể sánh nổi. Xin Người hãy trả lại cho ta nàng Eurydice rồi mai đây khi nàng tuổi tác già nua, đến hạn kỳ của số phận, lúc đó Người bắt nàng Eurydice của ta phải về thế giới của Người, ta cũng cam lòng.

Nghe Orphée nói, vị thần cai quản thế giới âm phủ không trả lời ngay. Thần trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu rồi mới cất tiếng đáp lại:

- Hỡi Orphée, ca sĩ danh tiếng của những người trần thế! Ta chấp thuận điều cầu xin của ngươi. Ta bằng lòng trả nàng Eurydice về dương thế song đòi ngươi phải tuân theo điều quy định của ta: ngươi phải đi theo sự dẫn đường của vị thần Hermès và nàng Eurydice phải đi sau ngươi. Trong suốt cuộc hành trình dưới thế giới tối tăm này trước khi đặt chân lên thế giới tràn đầy ánh sáng mặt trời rực rỡ, ngươi không được phép quay lại nhìn người vợ thân yêu của mình. Nếu ngươi vi phạm vào điều ta ngăn cấm, nàng Eurydice của ngươi sẽ lập tức biến mất. Nàng sẽ trở lại sống vĩnh viễn dưới vương quốc của ta. Khi ấy dù ngươi có cầu xin ta thống thiết đến bao nhiêu chăng nữa, ta cũng sẽ không trả lại nàng cho nhà ngươi. Vì đó là luật lệ, phép tắc của thế giới vong hồn, dù ta là thần vương cũng không thể nào quá ư lạm dụng.

Thế là Orphée đạt được nguyện vọng. Chàng kính cẩn cúi đầu cảm tạ Hadès và Perséphone. Thần Hermès đến dẫn chàng đi, và kia Eurydice đang tới. Vừa trông thấy vợ, Orphée toan chạy lại ôm nàng, nhưng Hermès bảo chàng, đó chỉ là hình bóng mà thôi và thần giục chàng bắt đầu cuộc hành trình kẻo đường đi khá dài mà lại nhiều khó khăn, hiểm trở.

Ba người lên đường, Hermès đi trước, theo sau là Orphée và sau cùng là Eurydice. Họ đi một chốc đã tới bờ sông Styx. Lão lái đò Charon chở cho họ qua sông chẳng hề đòi hỏi, hạch sách điều gì vì đã có thần Hermès dẫn đường. Đi một hồi lâu nữa thì họ tới con đường lên trần thế. Từ đây đường đi thật vất vả, khó khăn. Dốc gần như dựng đứng, đá núi ngổn ngang nhọn sắc. Ánh sáng chỉ lờ mờ, Orphée phải căng mắt ra để nhìn cho rõ bóng Hermès đi trước và rảo bước theo cho kịp, nếu không chàng sẽ lạc đường. Những cạnh đá sắc đâm vào gan bàn chân chàng đau buốt khiến chàng nghĩ tới Eurydice, người vợ vô vàn thân thiết của mình. Liệu nàng có theo kịp không? Bàn chân bé nhỏ, xinh xắn của nàng có lẽ đến nát ra và đẫm máu? Nhưng kia phía trước đã thấy sáng hơn. Sắp tới rồi, Orphée nghĩ thế và chàng băn khoăn tự hỏi: không biết Eurydice có theo kịp mình không? Quãng đường vừa qua khó khăn như thế rất có thể nàng không theo kịp, rất có thể nàng bị bỏ khá xa, không khéo đến lạc đường mất thôi. Nếu nàng theo sát bước của ta thì lạ thay, sao ta không nghe thấy tiếng động nào của bước chân nàng? Hay nàng đau chân quá đã ngồi lại một nơi nào đó? Nghĩ tới cảnh người vợ bé bỏng thân yêu của mình ngồi bóp bàn chân, rên xiết, nhăn nhó vì đau đớn, Orphée thấy trái tim mình se lại, và những ý nghĩ ấy cứ bám riết lấy trái tim chàng khiến chàng chậm bước đi lại như muốn đợi người vợ thân yêu của mình. Chàng vừa đi vừa để ý lắng nghe xem có thấy tiếng bước chân Eurydice đi theo mình không, nhưng không thấy. Có lẽ nào Eurydice dù bước đi có nhẹ nhàng đến mấy đi chăng nữa mà lại không có một tiếng động nhỏ nào sao? Hay nàng đã lạc lối? Hay nàng đã tụt lại phía sau rồi? Nếu thế thì khổ đau biết bao? Nếu thế thì nàng sẽ đi lang thang dưới âm phủ và biết đến bao giờ ta mới gặp lại nàng? Đã gần đến nơi tiếp giáp giữa âm và dương, ánh sáng mặt trời đã làm mờ nhạt đi bóng tối nặng nề, âm u của thế giới vong hồn. Vẫn chẳng thấy có dấu hiệu gì, tiếng động gì, hình bóng gì chứng tỏ Eurydice đang đi theo sau Orphée. Orphée cứ triền miên trong nỗi băn khoăn đó, nhất là khi chàng nghĩ đến cảnh người vợ bé bỏng thân yêu của mình ngồi bóp gan bàn chân, rên xiết, nhăn nhó vì đau đớn thì chàng không sao cầm lòng được nổi, và đột nhiên chàng quay lại phía sau. Chàng trông thấy ngay bóng dáng người vợ thân yêu của mình. Chàng kêu lên: Eurydice! Em! Em! Nhưng lập tức ngay lúc ấy hình bóng thân yêu người vợ của chàng dừng lại không đi nữa và cứ thế lùi dần, lùi dần ngày càng bé đi, nhỏ đi, bé nhỏ mãi đi rồi mất hút. Tất cả những diễn biến đó xảy ra rất nhanh, nhanh như một cơn gió thoảng hay như một ánh chớp khiến Orphée chỉ kịp gọi với một tiếng: “Eu... ry... dice!” rồi đứng sững sờ, bàng hoàng ngơ ngác, lòng tan nát như sóng biển khơi quật vào núi đá mỗi chiều.

Thế là Orphée đã gây ra cái chết cho Eurydice. Nỗi đau đớn xót xa, thương tiếc lần này lại gấp bội. Chàng như người mất hồn. Chàng đứng sững sờ một hồi lâu tưởng như đã hóa thành đá. Cuối cùng chàng nặng nề cất bước. Chàng đi đâu? Chàng trở về dương gian hay chàng xuống âm phủ? Ngập ngừng, đắn đo, suy tính hồi lâu, Orphée quay lại bờ sông Styx. Chàng định đến cung điện của thần Hadès khẩn khoản vật nài, van xin thần một lần nữa cho phép Eurydice trở lại với chàng. Nhưng lão già Charon nghiệt ngã chẳng ghé đò vào bến cho chàng xuống. Lão đã được lệnh của thần Hadès không cho chàng qua sông. Mặc cho Orphée thống thiết cầu xin, lão Charon vẫn lạnh lùng, lầm lì như người câm, người điếc. Bảy ngày, bảy đêm Orphée ngồi bên bờ sông than khóc, van xin. Bảy ngày, bảy đêm không ăn, không ngủ, người chàng tưởng chừng như tan thành những giọt nước mắt thương đau. Biết rằng mình đã vi phạm vào điều ngăn cấm của Hadès, một điều ngăn cấm nghiêm ngặt không gì có thể chuộc đổi được nữa, Orphée đành trở lại quê nhà. Từ đó trở đi, chàng sống ở Thrace với cây đàn vàng và với những bài ca về mối tình của chàng với Eurydice, một mối tình đẹp đẽ, trong sáng, thủy chung với biết bao niềm luyến tiếc, đau xót. Thôi thế từ đây chim chóc và muông thú trong những cánh rừng ở Thrace chẳng còn bao giờ được thấy nàng Eurydice ngồi kề vai bên Orphée để nghe chàng ca hát trong tiếng suối róc rách trôi nữa rồi. Từ đây chỉ có mỗi một mình chàng ngồi đàn ca trong những buổi chiều vàng nắng nhạt nhìn con suối lững lờ trôi, lòng buồn buồn man mác, nhớ lại những kỷ niệm xưa mà nước mắt mờ rơi.

Cái chết của Orphée

Eurydice chết thấm thoắt đã được bốn năm rồi. Bốn năm đã trôi qua nhưng Orphée vẫn không sao quên được hình ảnh người vợ yêu dấu của mình. Nỗi thương nhớ người vợ sớm phải lìa đời cứ bám chặt lấy trái tim chàng như những cái vòi của con bạch tuộc không có gì có thể kéo dứt ra được. Chàng sống âm thầm, lặng lẽ với cây đàn vàng của mình. Chàng chẳng tham dự những cuộc hội hè vui chơi với các bạn. Bạn trai chẳng làm cho chàng vui, bạn gái cũng chẳng làm cho chàng quên đi được Eurydice. Nhiều cô gái xinh đẹp tỏ lòng thương mến chàng, muốn lấp nỗi trống trải của đời chàng nhưng chàng không biểu lộ chút tình cảm gì đáp ứng lại cho nên chàng bị mang tiếng là người căm ghét đàn bà.

Lại một năm nữa trôi qua. Mùa xuân đến với sức sống hồi sinh đem lại cho vạn vật muôn loài một niềm vui tưng bừng khí sắc. Orphée đón chào cuộc sống đổi sắc thay da với những tiếng đàn lời hát của mình. Chàng với cây đàn vàng đi khắp đó đây ca hát về sự kỳ diệu của trời đất, cỏ cây, hoa lá, về cuộc sống vĩnh hằng của chúng, về vẻ đẹp của chúng, về tình yêu chung thủy của chúng đối với loài người. Nghe tiếng đàn, tiếng hát của chàng, núi rừng xốn xang, náo nức. Cây cối xòe những chiếc lá xanh non ra múa theo tiếng nhạc, lời ca. Thú vật, chim chóc trong rừng lại rủ nhau đến ngồi bên bờ suối lắng nghe. Còn con suối thì lại thì thầm nhẩm theo lời ca của Orphée để học thuộc lòng bài ca về cuộc sống đang sinh thành. Chàng đang say sưa ca hát thì bỗng nghe thấy từ xa vẳng lại tiếng cười đùa, hò hét huyên náo, cuồng nhiệt. Đó là những thiếu nữ, phụ nữ tham dự lễ rước hội vui thờ thần Dionysos ra về. Người ta thường gọi họ là những Bacchantes hoặc Ménades. Họ vừa đi vừa vui đùa một cách buông thả phóng túng và ngày càng đến gần Orphée đang ngồi gảy đàn và ca hát. Một người phụ nữ trông thấy chàng, kêu lên:

- Chúng mày ơi, cái tên căm ghét đàn bà kia rồi!

Và cả bọn cùng reo lên:

- Đúng rồi, cái tên căm ghét chị em chúng mình đấy!

- Orphée đấy! Dần cho hắn một trận đi!

- Cho hắn biết tay chị em chúng mình đi!

- Cho hắn về thế giới của thần Hadès với nàng Eurydice của hắn đi!

Cứ thế những lời tục tĩu buông ra để giễu cợt, nhạo báng Orphée. Orphée vô cùng đau đớn khi thấy họ đem tâm tư, tình cảm của mình ra làm một trò đùa tàn ác. Chưa bao giờ trong đời, chàng bị xúc phạm thô bạo như bây giờ. Đau đớn hơn nữa họ lại xúc phạm đến cả Eurydice của chàng, nhưng chàng vẫn cứ ca hát, chàng vẫn cứ ca hát về những điều đẹp đẽ cao thượng trên thế gian này. Chàng vẫn cứ ca hát với niềm tin trên thế gian này điều xấu xa, tàn bạo, thô thiển sẽ ngày càng ít đi và những điều đẹp đẽ, cao thượng, nhân ái sẽ ngày càng nhiều hơn.

Trêu chọc khiêu khích Orphée vô hiệu, thế là đám phụ nữ xông vào chàng. Một cây gậy thyrse phóng vào Orphée, nhưng một cây trường xuân đã tung những dây của mình ra kịp thời quấn chặt lấy cây gậy cản nó lại không cho nó xâm phạm đến người Orphée. Một hòn đá bay về phía người chàng, nhưng hòn đá say mê tiếng hát của người danh ca đã không nỡ làm việc độc ác. Nó rơi ngay xuống trước mặt chàng. Tiếng hò hét của lũ đàn bà mất trí, độc ác, tàn bạo càng điên cuồng thì Orphée càng bình tĩnh. Chàng vẫn cứ ca hát. Chàng những muốn dùng lời ca tiếng hát để ca hát cảm hóa họ, nhưng lũ người điên cuồng đó đã xúm đến vây quanh lấy chàng như một lũ chó sói vây quanh lấy một con hươu hay một con nai lạc đàn. Orphée van xin họ đừng giết mình nhưng họ chẳng thèm đếm xỉa. Thế là những cây gậy thyrse quật tới tấp vào người Orphée. Orphée ngã vật xuống đất giãy giụa hồi lâu rồi tắt thở.

Nhưng lũ người bạo ngược đó vẫn chưa thôi. Họ còn hành hạ thi thể của Orphée. Họ chặt đầu chàng quăng xuống dòng sông Hébros, phanh thây chàng vứt đó đây, họ vứt cả cây đàn vàng của chàng xuống dòng nước chảy xiết của con sông xanh xanh. Nhưng kỳ lạ sao, cây đàn bị vứt xuống lòng sông vẫn vang lên những âm thanh réo rắt, trầm bổng của mình, những âm thanh đã từng làm xúc động lòng người. Dòng sông đã thay ngón tay của người nghệ sĩ gảy tiếp những khúc nhạc tuyệt diệu của chàng. Nó khóc than thương tiếc cho cái chết đau đớn, oan uổng của người danh ca. Những bụi lau, bụi sậy bên bờ sông buồn bã nghiêng đầu tưởng niệm và cùng hòa theo tiếng than khóc đau thương của dòng sông. Tất cả rừng cây, núi non, sông suối, chim muông đều thương nhớ Orphée. Thôi thế từ đây Orphée và tiếng đàn, tiếng hát của chàng sẽ chẳng còn vang lên trong rừng núi mỗi buổi sớm mai hay lúc chiều tà nữa rồi! Thôi thế từ đây núi non, cỏ cây, sông suối, chim muông chẳng còn niềm vui được nghe tiếng đàn, tiếng hát, bởi vì Orphée, người danh ca có một không hai của tình yêu và cuộc sống, của thiên nhiên và sự bất tử đã chết rồi! Tất cả đều thương nhớ Orphée và khóc than cho cái chết của chàng. Con hổ đưa tay lên gạt nước mắt. Lũ sói gục đầu vào nhau khóc nức nở. Con voi to lớn mắt buồn rười rượi để lăn từng giọt nước mắt nặng nề, chậm rãi xót xa. Chó sói ngửa mặt lên trời nấc lên từng cơn đau đớn... Nước mắt của chúng, biết bao con vật, tuôn chảy xuống dòng sông, con suối làm dòng sông, con suối tràn đầy. Còn các tiên nữ Nymphe, những tiên nữ của rừng cây, dòng suối rũ tóc và mặc đồ đen để tang chàng. Dòng sông Hébros đưa cây đàn vàng và chiếc đầu của Orphée đi ra biển cả. Hòn đảo Lesbos đón lấy chiếc đầu của Orphée và cây đàn. Từ đó, tiếng đàn ca lại vang lên trên hòn đảo này. Thần Apollon xin với thần Zeus cho phép cây đàn vàng được bay lên trời cao sống giữa các chòm sao. Còn những nàng Muses đi thu thập thi hài của người danh ca vĩ đại và làm lễ an táng cho chàng dưới chân núi Olympe.

Linh hồn Orphée về dưới âm phủ. Chàng gặp lại người vợ yêu dấu thân thiết của mình. Họ chẳng bao giờ xa lìa nhau nữa, và từ nay trở đi, Orphée có thể nhìn thẳng vào khuôn mặt dịu hiền và xinh đẹp của vợ mình mà không một lần nào phải hối hận. Hơn nữa, họ cũng chẳng bao giờ phải chịu cái cảnh kẻ đi trước, người theo sau! Và Orphée cũng chẳng bao giờ phải lo âu về nỗi không biết Eurydice có đi theo kịp mình không.

Có truyền thuyết kể, Orphée bị chết không phải vì tội đã “căm ghét” phụ nữ, khước từ những tình cảm của họ, mà là vì đã khước từ lời mời tham dự nghi lễ Orgies của những người Bacchantes, Ménades, một nghi lễ tôn giáo cuồng loạn, phóng túng, buông thả trong Hội Dionysos. Một nguồn khác kể Orphée bị Dionysos trừng phạt vì tội đã tận tụy thờ thần Apollon, do đó gây nên sự coi thường việc thờ cúng Dionysos. Nhìn chung, Orphée bị những Bacchantes, Ménades hay Dionysos giết đều cho ta thấy có sự “cạnh tranh” giữa sự thờ cúng hai vị thần Apollon và Dionysos.

Huyền thoại Orphée là một trong những huyền thoại được lưu truyền phổ biến nhất trong thế giới cổ đại. Ngày nay chúng ta còn lưu giữ được khá nhiều bức vẽ trên tường (fresque) những bình vại có vẽ tích chuyện Orphée. Ở những hầm mộ ta thấy vẽ Orphée ngồi gảy đàn, xung quanh là các thú vật ngồi ngoan ngoãn, hiền lành chăm chú lắng nghe. Thiên Chúa giáo sơ kỳ trong những thế kỷ đầu, coi Orphée là người sáng tạo ra thế giới, là người báo trước sự xuất hiện nhà tiên tri của Kinh Cựu Ước, Ésaie.

Ngày nay, trong văn học thế giới, Orphée là biểu trưng cho người nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng, xuất sắc, đồng nghĩa với người nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng. Người ta lấy tên Orphée để đặt cho một cuộc thi ca nhạc nào đó và đặt giải thưởng mang tên Orphée.

***

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp có khá nhiều chuyện về âm nhạc. Chắc chắn rằng những huyền thoại về sức mạnh của âm nhạc, tài năng âm nhạc của thần thánh hoặc con người chỉ có thể ra đời vào một thời kỳ muộn hơn ít nhất cũng từ chế độ thị tộc phụ quyền. Thật ra thì chỉ vào thời kỳ chế độ thị tộc phụ quyền mới xuất hiện khá phong phú loại thần thoại anh hùng. Nhân vật anh hùng là những dũng sĩ đã giết quái vật, trừng trị bạo chúa, phò nguy cứu khốn. Nhưng nhân vật anh hùng còn là người thợ giỏi, người nghệ sĩ, phản ánh trình độ phân công trong xã hội và trình độ văn minh đã phát triển. Có ba câu chuyện về âm nhạc khiến chúng ta không thể không chú ý:

1 - Truyện Marsyas thách thức thần Apollon thi tài âm nhạc, kết quả Apollon thắng, lột da Marsyas để trừng trị về tội phạm thượng.

2 - Truyện thần Pan mời Apollon thi tài âm nhạc, kết quả Apollon thắng, kéo tai vị giám khảo “đức vua” Midas dài ra thành đôi tai lừa.

3 - Truyện Orphée, người ca sĩ danh tiếng.

Ở hai truyện đầu, trong hai cuộc thi tài âm nhạc, vua Midas đều được mời làm một thành viên trong ban giám khảo, và cả hai truyện đó, Midas đều đã không “bỏ phiếu” cho Apollon, và ở hai cuộc thi đó, Apollon đều giành giải nhất song đều nổi giận và giáng đòn trừng phạt. Lần thứ nhất, Apollon trừng phạt kẻ thua cuộc theo một cam kết trước giữa hai đối thủ: kẻ thua phải nộp mình cho người chiến thắng. Thần không hề tức giận vì giám khảo Midas mà chỉ tức giận tên Marsyas đã thách thức thần đua tài. Lần thứ hai, Apollon lại không trừng phạt thần Pan, kẻ đã thách thức mình đua tài mà trừng phạt vị giám khảo Midas. Đòn trừng phạt cũng khác. Lần đầu thật tàn ác, khủng khiếp. Lần sau thật nhẹ nhàng và chẳng có gì đau đớn... Nhưng xét kỹ ra thì “đau” vô cùng. Ta có thể phỏng đoán rằng truyện đầu ra đời vào một thời kỳ sớm hơn, vào lúc các vị thần còn tràn đầy “thói tự ái” kiêu căng, chưa quen với việc hạ mình đua tài với một đối thủ không đứng trong hàng ngũ các vị thần. Còn truyện sau hẳn rằng phải ra đời vào một thời kỳ muộn hơn. Chắc chắn rằng xã hội phải đã phát triển đến một trình độ như thế nào đó, những cuộc đua tài trong các hội hè phải phát triển phong phú đến mức độ như thế nào đó thì mới xuất hiện “vấn đề giám khảo”, mới xuất hiện nỗi bực tức, giận dữ đối với một vị giám khảo ngu dốt. Mặc dù Apollon vẫn thắng trong cuộc thi, mặc dù quyết định của vị giám khảo Midas chẳng mảy may có một chút ảnh hưởng gì đến ngôi thứ, vị trí của Apollon trong cuộc thi, nhưng Apollon vẫn cứ tức giận, vẫn cứ nổi cơn thịnh nộ. Đã giành được giải nhất rồi thì vui mừng, phấn khởi và yên tâm ra về chứ còn bực tức mà làm gì? Mà thử hỏi bực tức vì cái nỗi gì cơ chứ? Phải chăng đây là thói quen hống hách của các vị thần? Không đâu! Đó là một sự phẫn nộ chính đáng, một sự bực tức rất đáng quý mà loài người chúng ta phải biết ơn Apollon và chúng ta có thể và cần phải biết bực tức và có nỗi bực tức như Apollon. Giành được giải nhất rồi mà Apollon vẫn bực tức. Bực tức vì nỗi không hiểu vì sao có một vị vua ngu dốt đến như thế mà lại làm giám khảo! Hoặc ngược lại, không hiểu vì sao mà lại có một vị giám khảo ngu dốt đến thế? Phải trừng trị cái sự ngu dốt của vị giám khảo này. Nhưng cách trừng trị lần này không dã man như lần trước; lần này Apollon trừng trị một cách văn minh hơn: kéo tai vị giám khảo ngu dốt - nhà vua Midas - thành đôi tai lừa. Sự ngu dốt đã bị kết án. Sự ngu dốt đã bị thích chàm vào mặt, đóng một cái dấu chích vào trán. Hiển nhiên ý thức xã hội phải phát triển đến một trình độ như thế nào đó mới có thể nảy sinh ra một câu chuyện lý thú đến như thế, sâu sắc đến như thế, và ý thức của con người cũng phải đã trưởng thành đến một trình độ như thế nào đó mới có thể có cái tâm lý như vua Midas: xấu hổ về đôi tai lừa của mình, muốn che giấu đôi tai lừa tức sự ngu dốt của mình. Nhưng người xưa không nhân nhượng với sự ngu dốt, vì thế sự che giấu của Midas hoàn toàn thất bại, hoàn toàn vô ích. Cấm gì thì cấm, che giấu gì thì che giấu, chứ cấm sao được miệng thế gian, che giấu sao được miệng thế gian. Bác thợ cạo phải nói ra bằng được cái sự thật: vua Midas có đôi tai lừa, thì mới khỏi ấm ức, bứt rứt trong lòng. Còn nhân dân thì bao giờ cũng là sức mạnh của sự thật. Nhân dân vẫn kháo chuyện “Vua Midas có đôi tai lừa! Vua Midas có đôi tai lừa! Vua Midas chỉ được mỗi cái làm vua chứ còn dốt ơi là dốt, chỉ được mỗi cái giàu chứ còn ngu ơi là ngu, ngu như lừa”. Một câu chuyện huyền thoại, vô lý nhưng mà dễ sợ thật, đáng giật mình thật. Vì lẽ đó chúng ta càng hiểu được vì sao K. Marx gọi sự ngu dốt là một “sức mạnh ma quỷ”, và ông đã chỉ ra cho chúng ta thấy một sự thật đơn giản: “Đối với lỗ tai không thích âm nhạc thì âm nhạc hay nhất cũng không có nghĩa gì cả”, “Nếu anh muốn hưởng thụ nghệ thuật thì anh phải là con người được huấn luyện về nghệ thuật”.

Truyện vua Midas có đôi tai lừa như vậy có thể cho phép chúng ta xác định một cách có căn cứ rằng truyện là sản phẩm của thời kỳ cổ điển của chế độ chiếm hữu nô lệ. Chỉ có trong bối cảnh của sự phát triển văn hóa, khoa học nghệ thuật của thời kỳ cổ điển mới có thể xuất hiện một sự trưởng thành về ý thức xã hội như vậy như trong câu chuyện. Biết căm giận sự ngu dốt, biết chế nhạo sự ngu dốt hẳn rằng không thể là ý thức xã hội của một chế độ xã hội chưa biết đến văn hóa, khoa học, nghệ thuật, tóm lại, chưa thoát khỏi tình trạng dã man. Đến truyện thứ ba, truyện Orphée, thì lại có một sắc thái khác. Giờ đây tài năng âm nhạc chuyển vào một con người, một người trần thế đoản mệnh chứ không phải một vị thần bất tử. Âm nhạc ở đây được kể cụ thể hơn, gắn với tình yêu trong sáng, đẹp đẽ, thủy chung. Tình yêu được âm nhạc làm cho thêm ý nghĩa, thêm sức mạnh, thêm nghị lực. Vì tình yêu và bằng tài năng âm nhạc, Orphée, người ca sĩ danh tiếng của những người trần thế đã thức tỉnh được lòng nhân ái của thế giới âm phủ và vị vua của thế giới ấy để xin lại cuộc sống cho người vợ hiền thảo của mình. Tiếc thay, chàng Orphée tài năng và đáng yêu của chúng ta lại vi phạm vào điều ngăn cấm của thần Hadès! Nhưng làm thế nào được! Âm nhạc và tình yêu cuộc sống là một chuyện, còn quy luật của cuộc sống lại là một chuyện khác. Nhưng chỉ như thế thôi cũng đủ cho chúng ta thấy sức mạnh của tình yêu cuộc sống và âm nhạc như thế nào rồi. Orphée là người nghệ sĩ chân chính của âm nhạc chân chính: âm nhạc từ trái tim thiết tha yêu cuộc sống (như là sự đối lập với cái chết), từ trái tim thiết tha muốn làm cho cuộc sống thi vị, cao thượng, đẹp đẽ hơn lên. Rất có thể có một dạng chuyện khác mà chi tiết Orphée bị những Bacchantes giết chết phản ánh sự cạnh tranh giữa hai tín ngưỡng Apollon và Dionysos. Nhưng trong “cơ chế” của câu chuyện này, hành động của những Bacchantes, Ménades giết chết người ca sĩ danh tiếng mang một ý nghĩa phê phán sâu sắc, một ý nghĩa ngụ ngôn sâu sắc: sự thô bạo, sự tầm thường, sự phàm tục, tóm lại là những tình cảm thấp hèn đã giết chết âm nhạc. Chẳng ai coi những hành động của những Bacchantes, Ménades xúc phạm thô bỉ đến Orphée và giết chết Orphée một cách dã man, tàn bạo như một chiến thắng vẻ vang của tôn giáo Dionysos. Thật vậy, âm nhạc, và suy rộng ra, nghệ thuật, vốn không thể dung hòa được với thói thô bạo, tầm thường, phàm tục. Một câu chuyện chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc như thế hoàn toàn có thể cho phép chúng ta xác định nó là sản phẩm của thời kỳ cổ điển, hơn nữa là một thành tựu xuất sắc của thời kỳ cổ điển, và đúng là chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp đã trải thảm đỏ để mời thần thoại bước vào thời kỳ cổ điển của mình. Thần thoại đã được văn minh hóa để trở thành một công cụ, một vũ khí phục vụ cho nền văn minh của chế độ chiếm hữu nô lệ. Qua chuyện vua Midas có đôi tai lừa và truyện Orphée, chúng ta thấy được trình độ nhận thức thẩm mỹ của con người cổ đại đã phát triển. Truyện Midas chỉ ra sự ngu dốt có khả năng, đúng là mới chỉ có khả năng, làm hại nghệ thuật, giết chết nhân tài. Còn truyện Orphée thì đã chỉ rõ ra, sự thô bạo, thói tầm thường, phàm tục, những tình cảm thấp hèn đã giết chết tươi âm nhạc, nghệ thuật. Truyện Midas với âm điệu hài hước, châm biếm sâu cay. Truyện Orphée với âm điệu thơ mộng, lãng mạn, cảm động, xót xa.

Những truyện nói trên, hơn bất cứ chuyện nào khác, ra đời với dụng ý ngụ ngôn như là những bài học, những kinh nghiệm của người cổ đại Hy Lạp trong quá trình xây dựng nền văn hóa, văn minh. Chính một phần nhờ vào những bài học và kinh nghiệm này (phần lớn nhờ vào cơ chế tổ chức cộng hòa dân chủ của Nhà nước chiếm hữu nô lệ - polis) mà những người Hy Lạp đã sáng tạo ra được một nền nghệ thuật làm chúng ta hết sức ngạc nhiên và khâm phục, một nền nghệ thuật mà như lời F. Engels nói khi đánh giá nền văn minh cổ đại Hy Lạp: “Những hình thức huy hoàng của nó đã làm tiêu tan những bóng ma của thời Trung cổ”. Thời Trung cổ đã chẳng tiếp thu được những di sản văn hóa, những bài học và những kinh nghiệm của nền văn minh cổ đại. Giáo Hội Thiên Chúa giáo và chính quyền phong kiến thực hiện một nền chuyên chính tàn khốc nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử để duy trì và bảo vệ vị trí độc tôn của hệ tư tưởng Thiên Chúa giáo. Thần học là thống soái. Chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh viện, chủ nghĩa ngu dân tôn giáo, chủ nghĩa sùng bái, nịnh bợ giáo hoàng và giới tăng lữ ngu dốt, đạo đức giả đã thẳng tay đàn áp mọi xu hướng tự do tư tưởng, bóp chết óc suy xét, tinh thần phê phán, sáng tạo. Số phận của nền văn minh xã hội bị giao phó vào tay những vị vua như vua Midas có đôi tai lừa, cho nên xã hội Trung cổ là một xã hội bảo thủ, ngưng đọng, trì trệ. F. Engels đã gọi một nghìn năm thống trị của chế độ phong kiến và hệ tư tưởng Thiên Chúa giáo ở Tây Âu là “giấc ngủ mùa đông lâu đài”. Trong xã hội đó chỉ tồn tại chủ yếu có nền văn minh chính thống của giáo hội truyền dạy cho con người chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa định mệnh tôn giáo, thói nhẫn nhục, khuất phục. Nghệ thuật Trung cổ, trong một mức độ lớn, chỉ là sự minh họa cho tư tưởng Thiên Chúa giáo. Thần thoại Thiên Chúa giáo nằm trong lĩnh vực thiêng liêng của sự thờ cúng... Đó là bài học lịch sử của nhân loại và cũng là bài học về giá trị của nền văn minh cổ đại: Chính vì lẽ đó mà chúng ta có thể hiểu được sâu sắc hơn câu nói đầy ý nghĩa sau đây của Gogol: “Hãy mang theo tất cả những cảm xúc của tâm hồn nhân loại. Đừng bỏ nó ở dọc đường rồi sau đó lại nhặt lên”.

TRUYỀN THUYẾT VỀ NHỮNG NGƯỜI ARGONAUTES

Jason trở về Iolcos

Ở kinh thành Iolcos thuộc xứ Thessalie có hai anh em nhà kia tên là Pélias và Aeson, cả hai đều thuộc dòng dõi vương giả. Thật ra lai lịch của hai anh em nhà này có phần khá lôi thôi rắc rối, để hiểu tường tận câu chuyện ta đành phải kể cho rõ ngọn ngành. Pélias là con trai của thần Poséidon và Tyro, một người phụ nữ xinh đẹp, còn Aeson là con của Créthée, người anh hùng đã xây dựng nên đô thành Iolcos và Tyro. Như vậy Pélias và Aeson là hai anh em cùng mẹ khác cha, vào lúc Tyro đã có con có cái với Créthée thì xảy ra chuyện tình duyên giữa nàng với thần Poséidon. Thật ra thì thần Poséidon vì quá say mê sắc đẹp của nàng, đã biến mình thành thần Sông-Énipée để chinh phục nàng. Cuộc tình duyên vụng trộm của họ đã cho ra đời hai đứa con trai sinh đôi là Pélias và Nélée. Chuyện vỡ lở, bà mẹ chồng của Tyro tên là Sidéro vô cùng tức giận. Bà không thể nào dung thứ được một nàng dâu hư hỏng đến như thế. Bà ra lệnh giam Tyro xuống ngục tối và vứt hai đứa con của nàng vào trong rừng, nhưng may sao, hai anh em Pélias được những người chăn cừu đón được và nuôi nấng. Năm tháng trôi đi, hai anh em Pélias trưởng thành và nổi danh về tài tinh thông võ nghệ. Khi biết được nguồn gốc thần thánh của mình và tình cảnh mẹ mình đang bị đày đọa, hai anh em Pélias liền chiêu tập chiến hữu kéo về đô thành Iolcos, trừng trị mụ Sidéro ác nghiệt, giải thoát cho mẹ khỏi cảnh ngục tù và đuổi Aeson, người anh cùng mẹ khác cha của mình khỏi ngai vàng.

Nói về Aeson, Aeson lấy Alcimédé làm vợ, sinh được một trai tên gọi là Jason. Khi xảy ra sự biến thoán đoạt ngai vàng, Aeson nhanh trí gửi ngay đứa con còn măng sữa của mình đến vùng núi Pélion thần thánh, giao cho thần Centaure Chiron, một vị thần nửa người nửa ngựa, nuôi nấng, dạy dỗ. Khác với nòi giống của mình, Centaure Chiron hiền minh, thông kim bác cổ, trí tuệ uyên thâm. Thần chẳng những giỏi võ mà còn giỏi cả văn. Thần hiểu biết mọi tính năng cây cỏ trong rừng. Thần biết cách dùng chúng pha chế thành thuốc để chữa lành mọi bệnh tật hiểm nghèo mà những bậc danh y người trần thế không tài nào chữa được. Dưới trướng của thần có rất nhiều đồ đệ trẻ tuổi ngày đêm theo học để rèn luyện các đức tính quý báu như lòng dũng cảm, tính kiên nhẫn, nết ôn hòa, khiêm tốn. Họ còn học các môn võ nghệ, cưỡi ngựa, bắn cung... và học cả âm nhạc nữa.

Jason theo học thần Chiron chẳng mấy chốc đã gần hai chục năm trường. Tuổi hai mươi, chí khí đang hăng, chàng chịu ngồi yên sao được khi biết hành động đê hèn của người chú bội bạc. Chàng muốn bay ngay về Iolcos, giết chết tươi Pélias để rửa nhục cho cha, nhưng thần Centaure Chiron đã khuyên can chàng. Thần bảo:

- Jason con hỡi! Con hãy nghe ta vì ta là người am hiểu hơn con. Việc rửa nhục cho cha con, điều đó thuộc quyền các bậc thần linh. Con hãy còn quá trẻ, trẻ lắm nên chưa thể nào đảm đương được một công việc to lớn như vậy. Vì như con biết đấy, tuổi trẻ thì sôi nổi, hăng say nhưng thường không điềm tĩnh, chín chắn, thiếu đức kiên trì, nhẫn nại. Jason con! Hãy nghe ta! Con hãy tạm gác chuyện rửa thù lại một bên và yên lòng bắt tay vào học cho bằng được tính kiên nhẫn.

Nghe Chiron nói, Jason bừng tỉnh lại. Phải, việc trả thù cho cha đâu có phải chuyện dễ dàng như chàng đã nghĩ. Kẻ thù của chàng đâu có phải thân cô thế cô, đơn thương độc mã. Dưới tay hắn có binh hùng tướng mạnh. Chỉ cần một chút vội vàng nóng nảy là chẳng những việc lớn không thành mà mạng sống của chàng cũng mất. Nghĩ thế, Jason dẹp nỗi uất hận đang bùng cháy trong lòng, cúi đầu lạy tạ thầy dạy rồi lui về dốc lòng học tập, ngày đêm lo nghĩ cách báo thù.

Thời gian thấm thoát trôi đi chẳng rõ bao năm bao tháng, chỉ biết Jason đã học tập thành công. Chàng từ giã thầy Chiron lên đường trở về quê hương Iolcos. Đúng lúc chàng đặt chân tới đô thành thì nhân dân đang kéo nhau tới quảng trường để dự một lễ hiến tế long trọng do Pélias chủ trì. Chàng bèn đi thẳng tới quảng trường. Nhìn thấy Jason mọi người đều kinh ngạc, kinh ngạc trước y phục sặc sỡ của chàng và vẻ đẹp của chàng. Jason không ăn mặc như những người bình thường. Chàng khoác một tấm da báo rực rỡ. Thân hình chàng cao lớn, cân đối, khỏe mạnh, tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng khiến mọi người hôm đó nhìn thấy chàng đều trầm trồ khen ngợi và cho rằng đó là một vị thần giáng thế. Tuy nhiên điều làm mọi người kinh ngạc hơn cả là chàng chỉ có một chân đi dép còn một chân đi đất. Thật ra chẳng có gì đáng kinh ngạc cả. Trong khi đi từ núi cao xuống phải lội qua nhiều con suối, và trong một lần lội suối một chiếc dép đã tuột khỏi chân chàng, trôi đi mất.

Nhưng điều rất lạ khi Pélias nhìn thấy Jason thì mặt bỗng tái nhợt đi vì lo sợ. Trong lòng Pélias bồn chồn một nỗi lo âu, một nỗi lo âu cứ cắn rứt, gặm nhấm trong trái tim. Nguyên do là có một nhà tiên tri đã truyền cho Pélias biết một lời sấm ngôn khá độc địa: “Pélias sẽ chết vì một người đi một chiếc dép từ trên núi xuống đô thành Iolcos”, và bây giờ người đó đang đứng trước mặt hắn. Đối phó với con người ấy thế nào? Bằng cách gì bây giờ? Dù sao thì Pélias thấy cần phải trấn tĩnh lại để hỏi han cho rõ lai lịch cái con người đi dép có một chân kia. Pélias ra lệnh cho quân lính mời con người đó lên để tra vấn. Y cất tiếng nói, giọng đầy ngạo mạn:

- Hỡi chàng trai kia! Ngươi ở đâu mà lạc bước đến xứ sở này? Ngươi hãy mau trả lời cho ta được rõ tung tích. Ngươi cần biết rằng xưa nay ta không bao giờ tha thứ cho một kẻ dối trá. Ngươi phải nói cho thật.

Jason bình tĩnh đáp lại:

- Hỡi Pélias, tên tiếm vương của đô thành Iolcos! Ta là Jason, con trai của Aeson, đã buộc phải ra đi khỏi Iolcos từ khi còn măng sữa. Hơn hai mươi năm trời đã trôi qua. Hai mươi năm trời ta sống dưới chân núi Pélion xanh rờn, miệt mài tu luyện, học tập trong hang động của thần Centaure Chiron. Ta nói cho ngươi biết, thần Centaure Chiron chỉ dạy ta nói sự thật, chỉ dạy ta lòng tự hào về truyền thống của tổ tiên và ý thức trọng danh dự. Cũng vì sự thật, vì lòng tự hào, vì danh dự mà ta về đây để đòi lại quyền trị vì ở đô thành Iolcos. Đó là tất cả sự thật mà ta cần nói cho ngươi biết. Hẳn ngươi vừa lòng chứ?

Sau đó Jason quay ra nói với dân chúng đang tụ tập trên quảng trường:

- Hỡi nhân dân đô thành Iolcos thân yêu! Ta vô cùng sung sướng vì sau hai mươi năm trời xa cách nay ta được trở về với mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ta, với những người cùng quê hương, cùng máu mủ với ta. Ta không phải là người xa lạ. Cha ta là Aeson người đã từng trị vì ở đô thành này. Còn ta là Jason, người con trai vinh quang của Aeson. Xin các người hãy dẫn ta về ngôi nhà của cha mẹ ta.

Jason trở về nhà trong niềm xúc động lớn. Cha chàng, Aeson tóc đã bạc trắng, dù mắt đã lòa nhưng ông vẫn nhận ra ngay được đứa con yêu quý của mình. Ông ôm lấy con, nước mắt tuôn trào vì sung sướng. Ông không thể tưởng tượng được rằng cái thằng bé măng sữa ngày nào mà bây giờ đã lớn khôn, đĩnh đạc, cường tráng đến như thế.

Tin Jason trở về đòi lại ngôi báu lan đi khắp nơi. Anh em bạn bè, họ hàng thân thích kéo nhau đến thăm hỏi chúc mừng. Suốt năm ngày năm đêm, Jason mở tiệc thết đãi mọi người và bày tỏ ý định của mình cho mọi người biết để cầu xin sự giúp đỡ. Mọi người đều tỏ ra sẵn sàng.

Sau ít ngày nghỉ ngơi, chiêu hiền đãi sĩ, Jason cùng với một số anh em tâm phúc kéo đến cung điện của Pélias. Chàng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân cho nên Pélias không dám giở trò phản phúc. Trước mặt tên tiếm vương, Jason bày tỏ ý định của mình: Pélias phải trao lại quyền hành cho Jason, Jason sẽ cho Pélias mang theo mọi tài sản và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tính mạng cũng như tài sản của Pélias. Pélias không dám khước từ những lời đề đạt hợp tình hợp lý đó. Y nghĩ ra một cách để trì hoãn việc chuyển giao quyền hành và cũng là một kế hiểm để hãm hại Jason.

- Hỡi Jason! - Pélias nói. - Ta sẵn sàng chấp thuận những lời đề đạt của ngươi. Đối với tuổi già nua của ta, việc chuyển giao quyền hành lại cho một người trai trẻ, đầy tài năng và sung sức như ngươi là một việc làm đúng với điều thần Zeus truyền dạy. Nhưng có điều ta cảm thấy băn khoăn. Đô thành Iolcos này không lẽ để một chàng trai vô danh tiểu tốt lên trị vì? Thần dân sẽ hỏi: “Chàng ta đã lập được những chiến công gì để xứng đáng là người anh hùng dắt dẫn chúng ta?” Theo ta, có lẽ trước khi lên ngôi báu lãnh sứ mạng điều khiển cuộc sống của muôn dân, lo toan hạnh phúc của trăm họ, ngươi hãy nên sang xứ Colchide đoạt bằng được Bộ lông Cừu vàng đem về. Linh hồn của Phrixos đã báo mộng cho ta biết cần phải đoạt lấy Bộ lông Cừu vàng đó vì nó là một báu vật bảo đảm cho ngôi báu được vững bền. Nhưng than ôi! Thời gian đã cướp đi của ta tuổi trẻ và sức mạnh. Ta chẳng thể nào dám dấn thân vào một thử thách lớn lao đến như thế. Chịu tiếng hèn vậy. Giờ đây có lẽ là cơ hội tốt nhất để nhà ngươi bộc lộ tài năng, lập nên một chiến công vĩ đại. Ngươi hãy sang xứ Colchide đoạt lấy Bộ lông Cừu vàng đem về. Ngày mừng chiến công vĩ đại của ngươi cũng là ngày làm lễ đăng quang cho ngươi, Jason người anh hùng kiệt xuất, lên kế thừa ngôi báu ở đô thành Iolcos.

Nghe Pélias nói như chọc vào ruột, Jason bực mình quát:

- Được! Jason này sẽ chứng tỏ cho mọi người biết tài năng và chí khí của hắn không thua kém một ai. Ta sẽ đoạt Bộ lông Cừu vàng đem về xứ sở này để chứng minh với thần dân rằng ta xứng đáng là người anh hùng cầm đầu đô thành Iolcos danh tiếng. Nhà ngươi hãy lo sắm sửa lễ mừng công. Tới ngày đó mà nhà ngươi không chịu trao trả lại ngôi báu cho ta thì nhà ngươi đừng có trách.

Thế là Jason ra về lo chuẩn bị cho cuộc hành trình sang xứ Colchide để đoạt Bộ lông Cừu vàng. Còn Pélias thì chắc mẩm trong bụng rằng Jason dấn thân vào công việc này thì chỉ có đi mà không có về.

Bộ lông Cừu vàng, nguồn gốc, lai lịch ra làm sao mà lại lôi thôi rắc rối đến như thế? Phrixos là ai? Vì sao Bộ lông Cừu vàng lại ở xứ Colchide, v.v. Đó là tất cả những điều mà trước khi nghe kể về hành trình của Jason ai nấy đều muốn biết.

Sự tích Bộ lông Cừu vàng

Xưa ở xứ Béotie trên bán đảo Hy Lạp có một nhà vua nhân hậu tên là Athamas. Ông sinh được hai con, một trai và một gái. Trai tên là Phrixos, gái tên gọi là Hellé. Không rõ trong gia đình xảy ra chuyện gì xung khắc mà đến nỗi hai vợ chồng Athamas và Néphélé phải bỏ nhau, mỗi người sống một nơi riêng biệt. Tuổi tuy không còn trẻ song cũng chưa cao, hơn nữa lại có hai con nhỏ nên Athamas phải tính đến chuyện tìm một người vợ kế để trông nom gia đình. Ông cưới nàng Ino con gái vua Cadmos làm vợ. Ino về sống với Athamas và hai đứa con chồng. Bề ngoài thì nàng xem ra như âu yếm hai đứa bé, nhưng thật ra trong thâm tâm Ino ghét cay ghét đắng chúng, ngày đêm chỉ lo nghĩ mưu kế sao cho giết chết được chúng đi thì mới sung sướng, yên tâm. Để thực hiện mưu giết con chồng, Ino khuyên những người phụ nữ ở đô thành mình trị vì, đô thành Orchomène danh tiếng, đem rang lúa mì đi rồi hãy gieo hạt. Nhân dân Orchomène cả tin hoặc vì sợ uy quyền của nữ hoàng nên đã làm theo. Tất nhiên, năm ấy lúa có gieo mà không thấy có mọc. Cánh đồng trơ trụi hoang vắng như một bãi tha ma, Athamas rất lo. Tình cảnh này thì đói to thật sự mất rồi. Nhà vua lập tức cử ngay một đoàn sứ giả đi đến đền thờ Delphes để cẩu khấn, xin thần Apollon ban cho một lời chỉ dẫn về nguyên do của tai họa và cách giải trừ. Đoàn sứ giả từ Delphes về, nhưng Ino vô cùng nham hiểm đã đón trước, đem vàng bạc châu báu ra mua chuộc tất cả đoàn. Bọn họ sẽ tâu với vua một lời sấm ngôn bịa đặt do Ino nghĩ ra. Còn nhà vua thì hoàn toàn tin tưởng vào đám quần thần của mình vốn là những người trung thực, đạo cao đức trọng. Thật không ai ngờ được lời tâu bịa đặt của bọn sứ giả bán lương tâm, bán chân lý lấy tiền tài ấy, hèn hạ và hiểm ác đến như thế nào. Lũ quần thần khom lưng sát đất rồi một tên cất tiếng:

- Muôn tâu bệ hạ! Lời sấm truyền cho biết các vị thần nổi giận với đất nước ta. Để làm nguôi lòng các vị thần, xin bệ hạ tha tội cho (đến đây hắn vờ run giọng và ngừng hẳn lại) chúng con mới dám nói tiếp. - Athamas gật đầu. - Muôn tâu bệ hạ, để làm nguôi cơn thịnh nộ của các vị thần, bệ hạ phải giết hoàng tử và công chúa để làm lễ tạ!

Athamas lắc đầu, trút đi một tiếng thở dài. Giết con ư? Nhưng làm thế nào được, lời phán quyết của thần thánh là như thế, làm sao dám cưỡng lại. Cả tin, Athamas ra lệnh sắm sửa bàn thờ, chuẩn bị nghi lễ để làm hiến tế tạ tội. Hai đứa bé bị dẫn ra trước bàn thờ. Khốn khổ cho hai đứa bé vô tội. Chúng khóc than thảm thiết. Chúng kêu gào: “Cha ơi! Cha ơi! Cha đừng giết chúng con!” Nhưng lưỡi gươm sắc đã kề bên cổ chúng và chỉ chờ lệnh của vua Athamas là thọc mạnh vào cổ chúng để lấy máu làm lễ hiến tế. Ino lúc này làm ra bộ sụt sùi thương cảm song thật ra trong bụng hớn hở như mở cờ. Nhưng bỗng dưng những người dự lễ xôn xao cả lên, ai nấy đều ngước nhìn lên bầu trời. Một con cừu có cánh với bộ lông vàng óng ánh đang từ trời cao bay xuống. Con cừu hạ cánh xuống trước bàn thờ, trước mặt đám người đang chờ bệnh hành lễ. Nó chạy đến chỗ hai đứa bé bị trói, dây trói bỗng đứt tung. Hai đứa bé như có linh tính báo trước, chạy ra cưỡi lên lưng con cừu vàng, và con cừu vàng cõng hai đứa bé, vỗ cánh bay vút lên trời cao. Đó là con cừu của nàng Néphélé, mẹ của hai đứa bé, phái đến để cứu chúng. Xưa kia thần Hermès đã ban cho Néphélé tặng vật quý giá này (Có người lại kể thần Zeus chứ không phải thần Hermès). Đó là một con cừu mà trên thế gian này dù ai có đến trăm mắt nghìn tay cũng không thể tìm được một con thứ hai như thế. Nó biết nói và nghe được tiếng người. Nó có lý trí và óc thông minh, hơn nữa lại chạy nhanh như thần mã và bay lên trời cao như thần điểu.

Thế là trên lưng cừu, hai anh em Phrixos và Hellé rời khỏi đất Béotie bay sang phương Đông, châu Á, ngồi trên lưng cừu đội mây, rẽ gió bay đi. Gió ào ào bên tai đến long óc choáng đầu, đồng ruộng thì cứ vun vút lùi lại phía sau, núi non thì cứ loang loáng trước mặt. Thật đáng sợ. Con cừu đã bay hết vùng đất liền và bắt đầu vượt biển.

Biển Égée đây! Chao ôi, nó mới rộng làm sao! Mênh mông ngút ngàn những nước là nước. Bay mãi, bay mãi mà vẫn chưa thấy vào đến đất liền. Nhưng rồi cũng phải đến. Con cừu đã bay đến gần vùng đất châu Á. Hellé chóng mặt vô cùng. Mắt cô bé hoa lên như khi cô chơi trò quay chong chóng với anh. Cô ngây ngất, lảo đảo và bỗng nhiên quên mất đưa hai tay lên ôm lấy đầu. Nhưng vừa buông tay khỏi lưng người anh thì cô ngã lộn nhào xuống biển. Quãng biển ấy như một lưỡi dao tách đôi đất liền ra, bên là châu Âu, bên là châu Á. Ngày nay chúng ta gọi là eo biển Dardanelles nhưng xưa kia để tưởng nhớ tới cái chết của Hellé, người cổ đại đã đặt tên là Hellespont có nghĩa là biển Hellé.

Còn Phrixos, thì được con cừu đưa tới đất Colchide bình an vô sự. Tại nơi đây nhà vua Aiétès đã đón tiếp niềm nở Phrixos. Chú bé mồ côi cứ thế sống và lớn lên theo với thời gian ở cái đô thành ven biển Pont-Euxin. Đến tuổi trưởng thành, Phrixos được nhà vua gả con gái cho làm vợ. Đó là một thiếu nữ xinh đẹp tên là Chalciopé mà nhiều chàng trai đã từng ước mơ và hy vọng. Để tỏ lòng biết ơn thần thánh, Phrixos giết con cừu hiến tế thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe. Chàng cũng không quên tấm lòng nhân hậu của nhà vua Aiétès. Bộ lông Cừu vàng chính là món quà quý mà chàng đem dâng bố vợ, nhưng vua Aiétès không để Bộ lông Cừu vàng trong cung điện. Nhà vua coi nó là một báu vật linh thiêng phải thờ kính nên đã đem nó treo vào một chiếc cây cổ thụ trong một khu rừng già thiêng liêng dưới quyền cai quản của vị thần Chiến tranh-Arès. Để bảo vệ Bộ lông Cừu vàng, thần Arès giao cho một con rồng hung dữ, không hề biết đến giấc ngủ như người trần, có đôi mắt to mở thao láo suốt ngày đêm và chiếc mũi phun ra lửa làm người lính gác. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, chuyện vua Aiétès có trong tay Bộ lông Cừu vàng vốn là báu vật của người Hy Lạp đã khêu gợi lòng thèm thuồng của Pélias cũng như biết bao người khác. Họ cho rằng nếu đoạt được Bộ lông Cừu vàng đó về thì họ có một báu vật trong tay đảm bảo cho xứ sở họ thoát khỏi mọi tai họa, đời sống được ấm no, yên lành.

Jason chiêu tập các chiến hữu chuẩn bị cho cuộc hành trình

Jason chấp nhận lời thách thức của Pélias. Chàng quyết tâm vượt biển sang xứ Colchide để đoạt Bộ lông Cừu vàng. Công việc đầu tiên của chàng là phải chiêu tập các chiến hữu và đóng một con thuyền. Chàng không được các vị thần ban cho những phương tiện thần kỳ như đôi dép có cánh, mũ tàng hình, con cừu biết bay hoặc thần mã Pégase, nhưng chàng có đông đảo anh em bè bạn, và những người đó đều nhất trí tán thưởng sự nghiệp của chàng: phải giành lại Bộ lông Cừu vàng vì chính nó là báu vật của người Hy Lạp. Jason kêu gọi sự giúp đỡ của anh em. Đáp lại lời kêu gọi của chàng, năm mươi anh hùng danh tiếng từ khắp đất nước Hy Lạp kéo về tụ hội ở Iolcos để chuẩn bị cho cuộc hành trình. Héraclès, người anh hùng với những chiến công cực kỳ vĩ đại, con của đấng phụ vương Zeus, là người đầu tiên đến dưới trướng Jason. Hai anh em Dioscures, con của Zeus, cũng không hề chần chừ. Hai anh em Idas và Lyncée đâu có chịu mang tiếng là những người chậm trễ. Còn Calaïs và Zétès tuy được biết tin sau nhưng lại tới Iolcos khá sớm vì họ vốn là những người anh hùng có cánh, con của thần Gió-Borée và nàng Orythie. Rồi người anh hùng Méléagre ở đô thành Calydon hùng cường; chàng Alcée nhanh như sóc, mạnh như hùm, con của vị anh hùng Persée danh tiếng lẫy lừng; Admète vị vua của thành Phères giàu có; Télamon người dũng sĩ chỉ biết tiến không hề biết lui và những người khác, kẻ trước người sau tới tụ hội ở Iolcos với khí thế hồ hởi, sẵn sàng. Trong số những người tham dự cuộc viễn chinh này có một người tuy không phải là anh hùng, dũng sĩ tài ba như những người khác, song nếu ta không nhận đến tên thì thật là một lỗi lầm không thể tha thứ được. Đó là nhà danh ca vĩ đại Orphée mà sau này có công rất lớn trong cuộc hành trình.

Các vị anh hùng bắt tay vào đóng một con thuyền lớn để vượt biển. Nữ thần Athéna đã kịp thời xuống giúp đỡ họ, chỉ bảo mọi người cặn kẽ cách thức đóng con thuyền, đóng từng phần rồi đem chắp ghép lại. Nữ thần lại còn đi tìm cho đoàn anh hùng, dũng sĩ một khúc gỗ thần diệu để đo mũi thuyền. Đó là khúc gỗ lấy ra từ cây sồi thiêng liêng mọc trong rừng sồi của thần Zeus ở Dodone. Chính qua cây sồi thiêng liêng này mà thần Zeus truyền phán những lời sấm ngôn, tiên đoán, chỉ dẫn cho những người trần thế. Vì lẽ đó cho nên mũi con thuyền nói được tiếng người. Có người kể lại rằng cây sồi to lớn nhất ở rừng Dodone được hạ xuống để làm cột buồm của con thuyền. Người ta đặt tên con thuyền là Argo, tiếng Hy Lạp có nghĩa là Nhanh chóng và những người đi con thuyền này là Argonautes: những thủy thủ của con thuyền Nhanh chóng.

Nữ thần Héra cũng không quên phù trợ cho những người Argonautes. Héra căm ghét Pélias vì tên này đã quên không dâng lễ hiến tế cho mình. Ngược lại nữ thần rất yêu mến Jason. Có một lần để thử thách Jason, nữ thần đã biến mình thành một bà cụ già ngồi bên bờ suối khóc than rầu rĩ. Khi ấy, Jason từ đâu đó đi tới. Gặp bà cụ, chàng hỏi han ân cần và sẵn sàng giúp đỡ cụ mọi việc. Bà cụ nhờ chàng đưa cụ vượt qua con suối chảy xiết. Jason cõng cụ lội qua dòng suối hung dữ sang bờ bên kia. Chính trong khi lội qua dòng suối này mà chiếc dép ở chân trái của chàng đã tuột ra và trôi đi mất. Vì nghĩa cử đó mà Héra yêu mến Jason.

Vị thần Xạ thủ có cây cung bạc và những mũi tên vàng Apollon cũng hăng hái giúp đỡ những người Argonautes. Thần đã bằng tài nhìn xa trông rộng của mình tiên đoán cho mọi người biết: khó khăn gian khổ thật nhiều nhưng thành công vinh quang thật lớn. Bộ lông Cừu vàng chắc chắn sẽ về tay người Hy Lạp bởi lẽ nó vốn của người Hy Lạp. Những người dã man chẳng thể được các thần thánh giao phó cho sứ mạng giữ trong tay báu vật đó.

Các anh hùng đã tụ tập đầy đủ ở Iolcos. Mọi người đồng thanh nhất trí cử Héraclès làm thủ lĩnh, nhưng Héraclès một mực chối từ. Chàng tiến cử Jason, người anh hùng của đô thành Iolcos, đảm đương trách nhiệm nặng nề đó. Còn Tiphis được cử làm thuyền trưởng vì chàng vốn là người am hiểu mặt biển như am hiểu lòng bàn tay. Thuyền trưởng Tiphis vừa nhận chức lập tức giao ngay cho Lyncée trọng trách phải luôn luôn đứng trước mũi thuyền. Hẳn chúng ta không ai là người không biết đến biệt tài của Lyncée. Đôi mắt khác thường của chàng có thể nhìn xuyên qua đất dày đá rắn. Biển khơi tuy chẳng rắn như đá, chẳng dày đặc như đất song lại kín mít chẳng ai có thể biết được dưới màu nước xanh tím ngắt hoặc màu nước đỏ tía như rượu vang kia có những gì. Một loài thủy quái hay một tảng đá ngầm? Muốn con thuyền Argo vượt biển khơi được an toàn nhanh chóng phải có đôi mắt tinh tường khác biệt của Lyncée hướng dẫn, thông báo.

Công việc chuẩn bị đã xong xuôi. Con thuyền Argo đã làm lễ hạ thủy. Lương thực, nước ngọt chất đầy ắp cả một khoang thuyền. Việc làm cuối cùng là dâng lễ hiến tế tạ ơn các vị thần.

Một buổi sáng kia, khi nữ thần Rạng đông-Éos vừa xòe những ngón tay hồng trên mặt biển thì thuyền trưởng Tiphis ra lệnh cho con thuyền nhổ neo, những mái chèo vung lên mạnh mẽ. Con thuyền rẽ sóng ra khơi. Anh em thủy thủ kéo lên một tấm buồm mới trắng tinh. Cánh buồm no gió đưa con thuyền lướt đi trên sóng cả nhẹ nhàng, êm ái như đôi chân của các nàng Muses trong vũ hội. Chẳng mấy chốc mà vị thần Mặt trời-Hélios Hypérion đã hiện ra trên cỗ xe vàng rực rỡ chói chang do những con thần mã mình đỏ như lửa kéo ánh sáng rực rỡ của thần Hélios làm cho cánh buồm trắng của con thuyền tươi sáng hẳn lên. Còn sóng biển thì lấp lánh như được mặc một tấm áo dát bạc.

Ngồi trên thuyền với cây đàn lia vàng của mình, Orphée vừa gảy đàn vừa hát. Các dũng sĩ, anh hùng lắng nghe tiếng hát của Orphée với niềm đắm say, xúc động dạt dào. Từ đáy biển sâu, những con cá heo nghe thấy tiếng đàn, tiếng hát của Orphée liền rủ nhau bơi lên, bám theo con thuyền để thưởng thức những âm thanh tuyệt diệu mà trong đời chúng chưa bao giờ biết đến. Như đàn cừu mỗi buổi chiều tà nghe tiếng sáo réo rắt của người mục đồng mà lững thững về chuồng, thì đây cũng vậy, những con cá heo nghe tiếng đàn của Orphée bơi lượn tung tăng, bám theo con thuyền của Orphée đang lâng lâng rẽ sóng.

Những ngày ở đảo Lemnos

Chặng đường đầu tiên mà con thuyền dừng lại là đảo Lemnos, một hòn đảo cách bờ biển thành Troie không xa lắm. Chẳng rõ từ ngày dời bến cảng Pagasa xứ Thessalie ra đi đến nay đã bao lâu nhưng có dịp dừng chèo, nghỉ tay thì đối với những người thủy thủ Argonautes là một dịp tốt. Mọi người sẽ được nghỉ ngơi để có sức khỏe cho cuộc hành trình còn dài với biết bao khó khăn gian khổ. Khoang thuyền chứa nước ngọt và thức ăn sẽ được bổ sung cho đầy ắp. Vì chẳng ai tính trước được những chuyện bất trắc của thời tiết, sóng nước.

Được tin con thuyền của những người Argonautes cập bến, tất cả những người dân trên đô thành Hephesteia một đô thành mà cư dân chỉ toàn là phụ nữ cả, kéo nhau đến quảng trường họp. Nữ hoàng Hypsipyle tiến ra trước thần dân, lên tiếng trưng cầu ý kiến của toàn dân:

- Hỡi thần dân muôn vàn yêu kính! Đây là một điều mà trái tim trong lồng ngực ta không biết định liệu thế nào. Chúng ta có nên cho những người thủy thủ của con thuyền Argo đặt chân lên đô thành của chúng ta không? Nếu như chúng ta đón tiếp họ như là những vị khách quý thì liệu rằng khi họ biết được tội ác của chúng ta, họ có nhân danh những người đàn ông mà trả thù chúng ta không? Rất có thể đô thành này sẽ tan hoang và chúng ta sẽ bị bắt làm nô lệ hoặc tệ hại hơn nữa phải về sống dưới giang sơn của thần Hadès từ bỏ cuộc sống dịu ngọt như mật ong vàng... Nhưng liệu không cho những người Argonautes đặt chân lên đô thành của chúng ta thì có được không? Thần Zeus thiêng liêng ở đỉnh Olympe cao nhất sẽ nổi cơn thịnh nộ vì chúng ta đã vi phạm truyền thống quý người trọng khách mà thần đã từng ban bố và răn dạy loài người. Còn những người Argonautes? Họ liệu có cam chịu ra đi, cam chịu trước sự xúc phạm của chúng ta không? Ai dám quyết đoán rằng, cam kết rằng, họ sẽ không dùng võ lực để đặt chân lên mảnh đất này? Hỡi thần dân muôn vàn thân thiết! Đó là tất cả những điều trái tim ta nghĩ và ta nói ra đây để các người định liệu.

Polyxo bà nhũ mẫu già nua của nữ hoàng Hypsipyle lên tiếng.

- Hỡi nữ hoàng muôn vàn kính yêu! Hỡi các con, những người phụ nữ đã xúc phạm đến nữ thần Aphrodite, gây nên cơn thịnh nộ tai hại! Đây là điều mà trái tim trong lồng ngực bảo ta. Ta hiện nay đã ở ngưỡng cửa của Số mệnh. Chẳng ai biết được rằng đến ngày nào thì cuộc sống của ta sẽ bị ba chị em nàng Moires cắt đứt sợi chỉ của nó. Tuy vậy, hiện nay ta vẫn khỏe mạnh, song sống chẳng có niềm vui. Tuổi già gầy yếu, khát vọng chẳng còn, nhiều khi ta lại cầu mong cho thần Chết-Thanatos mau đến bắt linh hồn ta về thế giới của thần Hadès. Vì thế những điều già nói, các con hãy lắng nghe và suy xét. Bởi vì già nói là vì cuộc sống của các con. Các con hỡi! Chúng ta lẽ nào sống mãi như thế này? Một cuộc sống mà không có người đàn ông bên cạnh thật chẳng khác nào như mặt đất mênh mông không có ánh sáng mặt trời. Nó chông chênh như con thuyền trên sóng cả. Ai sẽ bảo vệ các con khi những nước láng giềng dòm ngó đô thành giàu đẹp của các con? Ai sẽ cáng đáng những công việc săn thú, xây thành đắp lũy đánh cá trên biển khơi sóng dữ gió to hoặc cày xới mảnh đất đen rắn chắc? Còn các con, số phận sẽ ra sao khi tuổi trẻ qua đi như ánh nắng đẹp đẽ, phơi phới ban mai để còn lại buổi hoàng hôn u ám của tuổi già lấy cái gậy làm người bạn tâm tình? Không, các con đã làm một việc tàn bạo, song việc đó do vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp gây nên. Không phải lỗi ở các con. Chúng ta đã làm lễ hiến tế xin các vị thần Olympe tha tội. Nhưng các con không thể vi phạm truyền thống đạo lý mà Zeus, đấng phụ vương của các thần và những người trần đoản mệnh, răn dạy. Hãy giết súc vật, bày bàn thờ, mở tiệc trọng thể và cử những người thiếu nữ xinh nhất ra mời những người anh hùng vào đây dự tiệc. Sau khi họ đã ăn uống no say rồi, chúng ta mới hỏi họ từ đâu tới, họ đến hòn đảo quanh năm bốn bề sóng nước của chúng ta làm gì? Họ có cần chúng ta giúp đỡ lương thực và nước ngọt để tiếp tục cuộc hành trình vượt biển khơi không sinh nở hay không? Cầu xin các vị thần Olympe ban cho chúng ta những người khách của lòng nhân từ, hào hiệp chứ không phải là những đồ đệ của thần Chiến tranh-Arès.

Nghe Polyxo, bà nhũ mẫu già nua nhưng khôn ngoan sáng suốt rất mực của nữ hoàng nói như vậy, tất cả mọi người trên quảng trường đều reo hò, tán thưởng.

Đến đây ta phải dừng lại để kể qua câu chuyện rắc rối về cái hòn đảo mà thần dân chỉ toàn là phụ nữ. Nguồn gốc của nó như sau:

Hypsipyle là con gái của nhà vua Thoas. Vua Thoas vốn là cháu của thần Rượu nho-Dionysos. Ông trị vì trăm họ công minh chính trực, chẳng bao giờ lơ là với đời sống của nhân dân, sao nhãng việc thờ cúng thần thánh. Bữa kia không rõ vì sao, ông ban lệnh: kể từ nay trở đi đô thành Hephesteia và thần dân trên đảo Lemnos sẽ từ bỏ việc thờ cúng nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp-Aphrodite. Thay thế, mọi người, mọi nhà sẽ thờ cúng vị thần Rượu nho-Dionysos. Năm đó bàn thờ nữ thần Aphrodite lạnh ngắt, khói hương chẳng có mà súc vật hiến tế cũng không. Nữ thần vô cùng căm tức những người Lemnos, và như mọi người đều biết, khi các vị thần nổi giận thì thế nào cũng giáng đòn trừng phạt. Nữ thần Aphrodite quyền lục không lớn lao. Tai họa nữ thần giáng xuống đầu những người dân Lemnos chẳng gây nên lụt lội, đói kém. Nữ thần cũng chẳng ăn thịt, và cũng chẳng làm cho một ai nổi điên, mất trí để gây ra những vụ ngộ sát kinh khủng. Thế nhưng tai họa đó lại vô cùng ác hiểm. Nữ thần làm cho tất cả những người phụ nữ ở đảo Lemnos có một cái mùi rất khó chịu, khó chịu lắm lắm. Người ta đã dùng tất cả mọi hương liệu hòng làm át đi cái mùi khó chịu đó, nhưng vô ích! Sự thể nó khó chịu đến mức là chính ngay những người chồng thân yêu, thân thiết của các bà vợ, những chàng trai nồng nhiệt của các cô gái cũng không muốn, không dám đến gần. Thế là buộc lòng những ông chồng, những chàng trai phải bỏ hòn đảo Lemnos ra đi. Họ phải ra đi, sang một xứ sở khác để tìm kiếm những người vợ, những người bạn tình mới. Thôi thì xấu đẹp sao cũng được, miễn là đừng có cái mùi kinh tởm đến chết khiếp đi được như ở những người phụ nữ Lemnos! Họ ra đi song cũng thường thường về thăm lại quê hương, gia đình song có điều khi về họ chẳng hề dám chia sẻ niềm hạnh phúc chăn gối với vợ, thậm chí không muốn đến gần để hỏi han về tình hình sinh sống, bàn bạc câu chuyện làm ăn với vợ. Tình cảnh những người phụ nữ Lemnos vì thế mà có chồng thật cũng như không. Căm giận những người chồng vì tội không chung thủy, những người phụ nữ Lemnos bàn mưu tính kế trả thù, trừng phạt, và một bữa kia, nhân một chuyến các ông chồng về thăm quê, cùng một lúc ở tất cả mọi nơi, mọi chỗ trên đảo, những người phụ nữ Lemnos nhất tề nổi dậy giết sạch sành sanh tất cả những ông chồng, những chàng trai, tóm lại và giết chết sạch đàn ông. Duy nhất chỉ có ông vua Thoas được con gái là Hypsipyle đem giấu đi một nơi mới thoát chết (Sau này câu chuyện vỡ lở, Hypsipyle bị trừng phạt, bị trục xuất khỏi quê hương một thời gian). Đó là đầu đuôi câu chuyện về cái hòn đảo mà thần dân toàn là những phụ nữ, rặt là những đàn bà là như vậy, và đó cũng là cái duyên cớ vì sao mà họ phải họp ở quảng trường để bàn luận về việc có nên tiếp đón những người Argonautes hay không.

Nghe theo lời khuyên của bà nhũ mẫu, Hypsipyle truyền cho mọi người sắm sửa bàn thờ làm lễ hiến tế tạ tội với nữ thần Aphrodite và các vị thần của thế giới Olympe. Đích thân nữ hoàng Hypsipyle dâng lễ và quỳ trước bàn thờ nữ thần Aphrodite cầu xin nữ thần tha tội, giải trừ tai họa cho những người phụ nữ Lemnos. Ba lần Hypsipyle phủ phục trước bàn thờ nữ thần Aphrodite là ba lần ngọn lửa thiêng trước bàn thờ, dưới chân bức tượng nữ thần, bùng cháy rực sáng hẳn lên. Hypsipyle đã nhìn thấy ngọn lửa ấy với biết bao hồi hộp trong lòng. Nữ thần đã chấp nhận lời cầu xin của những người phụ nữ Lemnos.

Tiếp lễ hiến tế tạ tội là lễ tiếp đón những người Argonautes. Đô thành Hephesteia từ bao lâu nay mới có một ngày lễ tưng bừng và trọng thể như thế này. Jason mặc trên người bộ áo màu đỏ tía do đích thân nữ thần Athéna dệt vải và may cho chàng. Chàng và các chiến hữu bước vào cung điện của Hypsipyle trên tấm thảm đỏ rực rỡ. Nữ hoàng đợi đón chàng từ cổng cung điện. Tai họa mà từ bao lâu nay những người phụ nữ Lemnos phải chịu đựng nay đã được giải trừ. Cả hòn đảo như hồi sinh lại. Đã bao năm những người phụ nữ ở đây sống rầu rĩ, héo hon, ủ dột như một cây khô không được tưới thì nay họ được sống những ngày tràn trề hạnh phúc với những người anh hùng, dũng sĩ danh tiếng từ đất Hy Lạp thần thánh tới. Những lễ hiến tế cảm tạ thần linh, những đêm vũ hội, những bữa tiệc của suối rượu và trận cười... đêm này qua đêm khác, ngày này qua ngày khác. Niềm vui của những người phụ nữ Lemnos vang dội đến tận trời xanh khiến các vị thần Olympe cũng mỉm cười gật gù hoan hỉ.

Nhưng có những người không vui. Đó là Héraclès và một số anh em ở lại ngoài bờ biển coi giữ con thuyền. Họ chờ đợi các chiến hữu của mình đã khá lâu mà không được trả lời dứt khoát kỳ hạn lên đường. Ai nấy đều vô cùng sốt ruột. Không ai nghĩ rằng Jason và bạn hữu đã gặp nạn, nhưng mọi người đều nghĩ tới nhiệm vụ của cuộc hành trình, sứ mạng thiêng liêng của nó mà chỉ vì lẽ đó họ mới hưởng ứng lời chiêu tập của Jason, dấn thân vào nguy hiểm. Không thể dằn lòng chờ đợi mãi được, Héraclès cử người vào kinh thành gọi anh em ra. Chàng giận dữ trách mắng anh em đã mải vui đến nỗi quên hết tất cả sự nghiệp. Các chiến hữu nghe lời quở trách của người anh hùng vĩ đại Héraclès, con của Zeus, đều cúi đầu nhận lỗi. Họ đều cảm thấy hổ thẹn với lương tâm và danh dự của một chiến sĩ của đất nước Hy Lạp thần thánh. Họ quyết định phải từ giã hòn đảo hấp dẫn và mến yêu này ngay để tiếp tục cuộc hành trình. Phút chia tay với những người phụ nữ Lemnos thật nặng nề và khó khăn. Những người phụ nữ Lemnos muốn các chàng trai Hy Lạp sống vĩnh viễn với họ ở hòn đảo đẹp đẽ bốn bề sóng nước này, nhưng làm sao có thể như thế được. Người phụ nữ thèm khát sự yên ấm nhưng những người anh hùng thì thèm khát sự nghiệp và chiến công. Bộ lông Cừu vàng chưa đoạt được thì cái cảnh Đại dương gió lộng với những buổi bình minh ửng đỏ chân trời, với những đêm trắng bồng bềnh trên sóng nước vẫn hấp đẫn những chàng trai Argonautes hơn những vòng tay mềm mại và những cái hôn đằm thắm, thiết tha của những người phụ nữ. Buổi tiễn đưa thật đầy nước mắt. Con thuyền Argo từ từ rời hòn đảo mang theo mối tình của những người phụ nữ Lemnos, mối tình chân thành và thơ mộng, nồng cháy và thiết tha tưởng chừng như trong đời người diễm phúc ấy có thể sánh ngang với cuộc sống muôn vàn hạnh phúc của các bậc thần linh. Chưa lần nào trong cuộc đời những người anh hùng Hy Lạp lại thấy mái chèo con thuyền nặng như lần rời đảo Lemnos ngày ấy.

Chuyện không may xảy ra ở bán đảo Cyzique

Con thuyền Argo đi vào biển Propontide sau khi đã vượt qua eo biển Hellespont. Cho đến giờ phút này hành trình của những người Argonautes vẫn chưa gặp phải một khó khăn gì đáng kể. Họ bỏ neo con thuyền ở bán đảo Cyzique. Những người dân ở đây tên gọi là Dolions vốn là con cháu của thần Poséidon, sống dưới quyền cai quản của vua Cyzicos. Cuộc sống của họ so với nhiều nơi thì chưa được sung sướng bằng, tuy nhiên họ không đến nỗi nghèo túng. Họ đã đón tiếp những chàng Argonautes với một tấm tình nồng hậu. Nghỉ lại ở bán đảo Cyzique được ít ngày, con thuyền Argo lại tiếp tục cuộc hành trình. Thuyền vừa rời bến chưa được mấy tay chèo thì xuất hiện ở bờ vịnh trước mặt một lũ người khổng lồ. Chúng kéo nhau ra đứng lố nhố, kín đen ở ngoài bờ biển. Điều đáng sợ là những tên khổng lồ này chẳng những cao lớn như núi, lông lá mọc đầy người rậm rạp như rừng, nom dữ tợn khác thường mà lại còn có sáu cánh tay dài nghêu. Thấy có chiếc thuyền lạ, lũ khổng lồ chỉ chỉ trỏ trỏ rồi hò nhau bê những tảng đá ném tới tấp về phía con thuyền. Những chiến sĩ Argonautes bắt tay vào cuộc chiến đấu. Jason ra lệnh cho anh em ráng hết sức chèo để con thuyền thoát ra khỏi tầm ném của lũ khổng lồ. Các anh hùng đứng chụm lại giơ cao những chiếc khiên lên đầu để che đỡ những trận mưa đá. Héraclès sử dụng cây cung và ống tên ác hiểm của mình. Các anh hùng, dũng sĩ khác người thì dùng lao, người thì dùng cung tên đối địch lại. Giao tranh được một lúc thì lũ khổng lồ hò nhau chạy, chui vào hang ẩn nấp. Chúng bị trúng tên độc chết khá nhiều nên không dám hung hăng nữa. Con thuyền Argo được bình yên vô sự. Công lao ấy trước hết phải kể đến những mũi tên danh tiếng của người anh hùng Héraclès. Thì ra bọn khổng lồ này ở khu vực Núi Gấu. Chúng chuyên sống bằng thịt người và thịt các súc vật. Sở dĩ những người Delions sống ngay cạnh chúng mà vẫn được an toàn là nhờ có thần Poséidon bảo hộ, che chở.

Suốt ngày hôm đó con thuyền Argo đi trên biển cả bình yên. Nhưng khi chiều hết thì bỗng đâu từ chân trời đùn đùn lên những đám mây đen dày đặc. Chẳng còn ai nhìn thấy chút ánh vàng lóng lánh từ cỗ xe ngựa của thần Mặt trời-Hélios đang đi về lâu đài của mình ở dưới Đại dương. Đêm tối bao trùm. Mặt biển đen thẫm. Gió đổi chiều khiến cho các thủy thủ phải mau mau hạ buồm xuống, và phút chốc một cơn bão lớn ập đến. Con thuyền Argo vật lộn với sóng dữ, tròng trành nghiêng ngả. Chẳng ai còn biết phương hướng ra sao nữa. Mọi người lo chống đỡ với những con sóng cao ngất cứ nối tiếp nhau bổ xuống con thuyền. Lênh đênh trên mặt biển không biết bao lâu sau đó con thuyền trôi đạt vào một hòn đảo hay một mảnh đất liền nào đó mà đến chàng Lyncée có đôi mắt tinh tường cũng không nhận định ra được. Được cập bến có nghĩa là thoát chết. Mọi người sung sướng đổ lên bờ, nhưng bỗng đâu chiêng trống nổi lên dồn dập và chỉ một lát sau từng đoàn chiến binh lao tới vây đánh những người Argonautes. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt suốt trong đêm đen cho tới khi tảng sáng. Trong ánh sáng mờ nhạt, xam xám của ban mai, những người Argonautes mới nhận ra được điều lầm lẫn. Thì ra sóng gió của Đại dương đã đưa con thuyền Argo trôi trở về bán đảo Cyzique. Lyncée là người đầu tiên hét lên.

- Hỡi anh em! Hãy ngừng chiến, ngừng lại ngay! Đây là mảnh đất Cyzique mà chúng ta vừa rời nó ra đi. Thật tai hại! Chúng ta đã đánh nhau với những người bạn quý vừa giúp đỡ chúng ta!

Quả thật như lời Lyncée nói. Vì tối trời cho nên khi những người Argonautes đổ bộ lên bán đảo thì những người Dolions tưởng rằng đây là một lũ cướp bể, lợi dụng tình hình gió bão, làm ăn. Đau xót biết bao, khi hai bên nhận ra bao sự lầm lẫn ấy thì đã đổ biết bao nhiêu máu, thiệt biết bao nhân mạng. Nhưng còn đau xót hơn nữa khi trong số những người tử trận có nhà vua Cyzicos. Được tin có lũ cướp xâm phạm lãnh thổ, nhà vua liền đích thân thống lĩnh quân binh xuất trận. Jason đã giao đấu với nhà vua mà không biết. Bằng một mũi lao sắc nhọn phóng đi, Jason đã kết liễu cuộc đời nhà vua.

Nhận ra nhau, mọi người ôm lấy nhau khóc than thống thiết. Jason đích thân đứng ra lo việc mai táng cho nhà vua. Chẳng còn biết làm gì hơn ngoài việc tổ chức việc tiễn đưa linh hồn người xấu số về nơi yên nghỉ cho trọng thể. Trong suốt ba ngày những người Argonautes mặc tang phục khóc than bên linh cữu người đã chết. Sau đó họ tổ chức hội lễ và những cuộc thi đấu như phong tục nghìn xưa truyền lại. Cyzicos chết để lại một nỗi đau thương vô hạn cho người vợ trẻ đẹp là nàng Cleité. Không đủ nghị lực để dẹp nỗi đau đớn trong lòng, nàng đã treo cổ tự vẫn. Các tiên nữ Nymphe xót thương người thiếu nữ xinh đẹp có tình yêu son sắt thủy chung sớm phải lìa đời đã đem hoa đến viếng nàng. Các Nymphe khóc than cho số phận bất hạnh của nàng ngày đêm không nguôi không dứt. Những dòng nước mắt của các Nymphe trào ra hợp thành một con suối và con suối đó được người xưa gọi là suối Cleité.

Những gì đã xảy ra khi con thuyền Argo dừng lại ở đất Mysie

Từ bán đảo Cyzique, con thuyền Argo nhắm hướng đông đi tới. Nhưng trước khi khởi hành, một trận bão nổi lên đã làm cản trở cuộc hành trình. Những người Argonautes bèn họp nhau lại để tìm hiểu nguyên nhân của tai họa. Có thể họ đã sơ suất không làm một lễ hiến tế các vị thần ở phương Đông khi họ đã đặt chân tới phạm vi cai quản của các thần. Để bày tỏ lòng tôn kính thần linh, những người Argonautes quyết định dựng trên ngọn núi Dindyme, ngọn núi cao nhất trên bán đảo Cyzique, bức tượng của nữ thần Cybèle, vị tổ mẫu vĩ đại đã sinh ra các vị thần của những người phương Đông, để cầu xin cho cuộc hành trình của mình được bình an vô sự.

Cũng như khi đặt chân đến đảo Lemnos, đến bán đảo Cyzique, những người Argonautes đến Mysie trong một bầu không khí hòa mục. Họ được tiếp đãi long trọng. Nhưng một chuyện khá phiền toái đã xảy ra. Chuyện xảy ra vào một hôm như thường lệ, những người Argonautes chuẩn bị nấu ăn, Hylas một chàng trai xinh đẹp, bạn thân của Héraclès, được anh em cử đi tìm nước ngọt. Hylas vào rừng và tìm được một lạch nước. Chàng lần theo lạch nước để tìm con suối, ngọn nguồn của nó. Một cảnh tượng kỳ diệu hiện ra trước mắt chàng. Bên bờ suối các tiên nữ Nymphe đang vui chơi, ca múa. Hylas ngây người ra trước cảnh đẹp có một không hai đó. Chàng đắm mình trong cảnh thần tiên đến nỗi quên bẵng đi việc lấy nước đem về. Các tiên nữ Nymphe thấy chàng đẹp trai đang đắm đuối nhìn mình cũng nao nao xúc động. Các nàng cũng đáp lại chàng những cái nhìn tình tứ, đắm say. Đúng là cái cảnh “Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”.

Bỗng Hylas sực nhớ tới công việc của mình, chàng lần ra bờ suối kín nước vào vò thì... hấp một cái, các tiên nữ Nymphe kéo tuột chàng xuống dòng suối và biến luôn cả con suối của mình đi mất. Hylas chỉ kịp kêu lên một tiếng.

Cùng vào rừng với Hylas có Héraclès, nhưng mỗi người đi một ngả, làm mỗi việc. Héraclès, vào rừng tìm gỗ đẽo cái mái chèo, vì vừa qua do chàng chèo quá mạnh nên mái chèo bị gãy. Đang ở trong rừng sâu, nghe tiếng kêu thất thanh của Hylas, Héraclès liền chạy bổ đến nơi đó để tìm Hylas. Tìm mãi chẳng thấy tăm hơi, lại gặp anh chàng người Lapithes tên là Polyphème được anh em ở nhà cử đi tìm Hylas. Hai người chia nhau đi sục sạo khắp nơi, gọi Hylas đến khản cả hơi, đứt cả tiếng mà chẳng thấy một lời đáp lại, chẳng thấy một dấu chân mờ. Họ đi lang thang trong rừng thẳm suốt đêm hôm đó.

Rạng đông, trời sáng anh em ở nhà vẫn không thấy một ai về. Thuyền trưởng Tiphis gặp lúc thuận gió đẹp trời liền phát lệnh nhổ neo. Jason biết vắng mất ba người nhưng làm sao mà chờ họ mãi được, và biết chờ đến bao giờ. Cử Polyphème đi thì mất tích luôn cả Polyphème! Chẳng thấy, không thể trì hoãn cuộc hành trình. Chàng chuẩn y lệnh xuất phát. Thấy vậy, dũng tướng Télamon chạy đến trước mũi con thuyền giang đôi tay rộng và dài ra, quát lớn:

- Hỡi Jason chủ tướng! Hỡi Tiphis thuyền trưởng! Các người có đầu óc không mà lại dám phát lệnh cho khởi hành vào lúc này, khi mọi người còn đang chưa biết rõ số phận của ba chiến hữu thân thiết ra sao. Thần Zeus đã ban cho các người quyền làm chủ tướng và quyền chỉ huy điều khiển con thuyền nhưng còn tình nghĩa anh em, cái tạo ra sức mạnh gắn bó mọi người lại với nhau thì thần Zeus lại không ban cho các người. Vì thế các người mới nhẫn tâm bỏ anh em đồng đội lại. Xưa nay những người trần thế đoản mệnh con của Zeus, đấng phụ vương, ai ai cũng thương xót, cưu mang đồng đội. Hay trái tim của các người đã biến thành sắt rồi chăng? Ta nói cho các người biết, ta sẽ không đi với các người nữa. Đồ bội bạc! Đồ phản phúc! Đồ bất nghĩa bất nhân! Jason! Có phải ngươi bỏ rơi Héraclès để cho một mình ngươi nổi danh là người anh hùng kiệt xuất trong cuộc hành trình đi đoạt Bộ lông Cừu vàng không? Bởi vì có Héraclès tham dự sự nghiệp này thì ta dám chắc không một ai có thể vượt nổi chàng về chiến công cũng như sức mạnh. Hãy ra lệnh cho Tiphis dừng ngay thuyền lại và cử người đi tìm bằng được Héraclès và những người kia về.

Télamon vừa nói dứt lời thì bỗng nhiên trước mũi con thuyền dâng lên một cột nước, và khi cột nước tan ra thì từ dưới biển lừng lững nhô lên một ông già râu tóc xanh sẫm, lòa xòa như rong, rêu biển. Đó là vị thần Biển-Glaucos, người có tài tiên tri, tiên đoán mọi việc. Xưa kia thần vốn là một người đánh cá nghèo ở xứ Béotie, vì nhấm phải thứ cỏ thần nên chàng đánh cá nghèo này bùng cháy lên khát vọng muốn sống dưới biển khơi trong thế giới kỳ lạ của thần Poséidon có cây đinh ba vàng gây bão tố. Chàng lao mình xuống biển và được các vị thần Biển cho gia nhập vào thế giới các thần Biển. Các thần đã tẩy rửa chất đoản mệnh trong con người trần tục của chàng, biết chàng thành một ông già bất tử. Thần Glaucos nổi lên trên mặt biển, giơ tay ra hiệu cho con thuyền Argo dừng lại. Thần nói:

- Hỡi Jason, người thống lĩnh và chỉ huy các chiến sĩ Argonautes! Hỡi dũng tướng Télamon sức khỏe hơn người! Hỡi Tiphis người thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm! Ta từ dưới biển sâu dội nước lên đây để truyền phán cho các người biết ý định của đấng phụ vương Zeus trong sự việc vừa qua. Các ngươi hãy dẹp mối bất hòa và tuân theo ý định của thần linh. Trước hết ta truyền đạt cho các người biết về số phận của Héraclès, người anh hùng vĩ đại con của Zeus. Theo Số mệnh, Héraclès sẽ phải trở về Hy Lạp đến nộp mình cam chịu làm nô lệ cho nhà vua Eurysthée trong mười hai năm. Chính trong thời gian mười hai năm này chàng sẽ lập nên những kỳ công thay đổi trời đất, lưu danh hậu thế, hiển hách muôn đời. Còn Polyphème, con của Élatos và Hippé, theo quyết định của thần linh chàng sẽ lãnh sứ mạng sang một vương quốc trên xứ sở Mysie để xây dựng nên một đô thành danh tiếng, đô thành đó sẽ được đặt tên là Cius. Polyphème sẽ trị vì tại đó cho đến khi hết hạn kỳ của số phận mình; đó là đô thành của những người Chalybes vinh quang. Còn chàng Hylas xinh đẹp, chàng vĩnh viễn không bao giờ gặp lại được các chiến hữu thân thiết của mình nữa. Các tiên nữ Nymphe cảm xúc trước vẻ đẹp của chàng đã bắt cóc chàng. Chàng sẽ sống một cuộc đời dài lâu trong thế giới tình yêu thơ mộng với những tiên nữ Nymphe.

Nói xong Glaucos lặn xuống biển sâu. Con thuyền Argo lại rẽ sóng tiếp tục cuộc hành trình và tình bằng hữu giữa những người anh hùng lại được khôi phục bền chặt. Truyền thuyết về việc Hylas mất tích và chuyện Héraclès cùng với Polyphème đi tìm rất có thể là sự giải thích một tập tục tôn giáo của cư dân quanh vùng ven biển Propontide. Hằng năm có tục những viên tư tế đi cùng khắp cánh đồng, chạy khắp các cánh đồng; vừa chạy vừa thét gọi: “Ơi Hylas! Ơi Hylas!”

Cuộc xung đột với người Bébryces ở xứ Bithynie

Đi ven theo vùng bờ biển phía đông của biển Propontide, con thuyền Argo đến xứ sở Bithynie của người Bébryces. Tại đây những người Argonautes chẳng được hưởng một niềm vui của truyền thống quý người trọng khách, họ chẳng được đón tiếp niềm nở. Amicos vị vua cầm quyền ở đây vốn là một con người kiêu căng. Ông ta nổi tiếng về tài tinh thông võ nghệ, trong giao đấu chưa hề biết đến thất bại. Hơn nữa theo một phong tục cổ truyền của đất nước ông ta, mỗi khi có khách đến thăm, có người nước ngoài dừng chân nghỉ lại thì việc đầu tiên là phải “mời” bằng được khách giao đấu, đúng hơn là buộc khách phải giao đấu. Vì thế mà biết bao vị khách đã phải gửi xác lại mảnh đất này. Những người Argonautes không còn cách nào khác là phải chấp nhận cuộc tỷ thí. Người anh hùng Pollux, con của thần Zeus, thay mặt cho anh em thủy thủ của đất nước Hy Lạp bước vào cuộc đọ sức. Quả thật Amicos là một tay võ nghệ cao cường, nếu không thì chẳng thể nào chịu đựng nổi với Pollux lấy mươi hiệp. Càng đánh Pollux càng dẻo dai, tỉnh táo. Chàng biết Amicos rất hiếu thắng, rất nóng lòng hạ đối thủ vì thế chàng vờ như núng thế, lẩn tránh đòn của Amicos, đỡ nhiều hơn là đánh trả. Amicos tức như điên như cuồng cứ lao vào chàng hòng giáng cho chàng vài đòn quyết định. Nhưng vô ích, thoắt một cái chàng lại luồn ra phía sau, Amicos quay ngoắt lại, chàng lại luồn ra phía trước. Sau một loạt đòn tiến công không kết quả, Amicos chùn lại phòng thủ. Bây giờ mới là lúc Pollux trổ tài. Chàng vờ lộ sơ hở để lừa cho Amicos chộp lấy thời cơ tiến công chàng. Đúng như thế, chỉ thấy vai Amicos chuyển động là Pollux thụp xuống luồn ngay vào sát người Amicos rồi bật lên giáng liên tiếp hai trái đấm mạnh như búa bổ vào đầu Amicos. Nhà vua hiếu chiến hiếu thắng đổ vật xuống như một cây sồi bị đẵn gốc, không sao gượng dậy nổi. Y nằm thẳng cẳng trên mặt đất thở dốc lên một hồi rồi chết luôn chẳng thể dối dăng lấy nửa lời. Những người Argonautes hò reo, công kênh người anh hùng Pollux lên vai. Việc đó như chọc tức khiêu khích những người Bébryces vốn xưa nay chỉ biết có nhà vua của mình chiến thắng. Một tên vua kiêu ngạo tất cũng nuôi dưỡng đầu óc kiêu ngạo trong thần dân. Thật vậy, những người Bébryces không coi thắng, bại là lẽ thường tình trong cuộc sống. Họ cảm thấy như bị xúc phạm ghê gớm, và thế là họ kích động nhau, hò hét phải lấy máu rửa nhục. Cuộc xung đột bùng lên dữ dội như một ngọn lửa tàn phá một khu rừng, nhưng những người Bébryces làm sao có thể chiến thắng được những người anh hùng, dũng sĩ Hy Lạp đã từng dày dạn trong chiến tranh! Họ lao vào cuộc chiến mà không có chuẩn bị, vì thế họ bị những người Argonautes đánh cho tan tác, cắm đầu chạy thục mạng khắp tám hướng bốn phương. Những người Argonautes truy đuổi đến cùng.

Hôm sau, con thuyền Argo rời xứ Bithynie ra đi với biết bao lương thực, chiến lợi phẩm. Danh ca Orphée với cây đàn vàng tuyệt diệu của mình ngồi trước mũi thuyền cất tiếng hát ngợi ca chiến công của những người Argonautes và Pollux, con của Zeus phụ vương, là người anh hùng đã đánh bại Amicos kiêu căng, lập nên một chiến công hiển hách nhất.

Trôi dạt vào đất Thrace, những người Argonautes cứu cụ già Phinée thoát khỏi tai họa của lũ Harpies

Hôm sau con thuyền Argo ra đi lại gặp bão. Vì thế nhẽ ra đi vào eo biển Bosphore thì con thuyền lại trôi giạt vào đất Thrace. Những người Argonautes lên bờ để nghỉ ngơi và tìm sự giúp đỡ. Họ bước vào một ngôi nhà gần bờ biển. Chủ nhân trong nhà bước ra đón họ là một cụ già mù, chống gậy. Bước đi của cụ run rẩy, gầy yếu đến nỗi chỉ vừa bước được dăm bước là cụ đã khuỵu xuống. Hỏi ra thì biết tên cụ là Phinée vốn là một nhà tiên tri danh tiếng, con của Agénor thần thánh. Có người lại bảo cụ là con của Phénix nhưng có người cãi lại, bảo cụ chính là con của thần Poséidon. Làm vua ở vương quốc Salmydessos thuộc xứ Thessalie, cụ đã trải qua hai đời vợ. Đời vợ trước là nàng Cléopâtre, con gái của thần Gió-Borée và như vậy đối với hai anh em Calaïs và Zétès trong đoàn thủy thủ Argonautes là cụ có quan hệ họ hàng. Đời vợ sau của cụ là nàng Idéa con của Dardanos, và Dardanos, như mọi người đã biết, là một trong những vị vua tổ tiên của người Troie. Được thần Apollon ban cho tài tiên đoán, Phinée đã tiên báo cho những người trần thế đoản mệnh biết được nhiều việc khá cơ mật của thế giới thiên đình, nhất là những nhận định, nghị quyết của thế giới Olympe đối với số phận những người trần thế. Vì lẽ đó các vị thần nổi giận trừng phạt Phinée. Lấy đi ánh sáng trong đôi mắt của cụ. Chưa hết, các vị thần còn hành hạ cụ bằng cách cho những con ác điểu Harpies nửa người là phụ nữ (đúng hơn chỉ có khuôn mặt là phụ nữ nhưng lại có mỏ), nửa người là chim với cánh rộng, chân dài, mỏ nhọn, móng sắc ngày ngày xuống quấy phá bữa ăn của cụ. Cứ đến bữa ăn, dù ăn sớm hay ăn muộn thế nào mặc ý, lũ Harpies này chẳng hiểu vì sao mà biết được, thoắt một cái từ đâu bay đến cướp đi các thức ăn của cụ. Những gì không mang đi được thì chúng giày xéo, phóng uế làm cho cụ chỉ còn cách sờ lần lượm lặt lấy chút ít hột cơm, miếng bánh rơi vãi để cầm hơi. Cần nói thêm, người lũ Harpies luôn bốc lên một uế khí nặng nề không ai chịu nổi. Vì lẽ đó người cụ hốc hác, gầy yếu đến nỗi nói không ra hơi, đi không thành bước. Cụ nói cho những người Argonautes biết, theo một lời truyền phán của thánh thần, chỉ có những Boréades, tức những người con của thần Gió-Borée, mới có thể trừng trị được lũ Harpies này.

Nghe Phinée nói xong, lập tức Jason cho triệu tập Calaïs và Zétès đến. Đến bữa ăn của Phinée, theo thói quen thường lệ, lũ Harpies từ đâu lại bay đến quấy rối phá phách. Vụt một cái, Calaïs và Zétès, hai người con trai của thần Gió-Borée, tung mình bay lên đánh đuổi lũ ác điểu. Ba con Harpies, phải, lũ Harpies có ba chị em là Aello, Ocypète và Céléno, sợ hãi cuống cuồng chạy trốn. Anh em Boréades quyết không tha. Họ truy đuổi chúng đến cùng. Đuổi đến đảo Plots thì vừa tầm gươm để có thể kết liễu đời lũ ác điểu, anh em Boréades liền rút gươm khỏi vỏ vung lên. Họ từ trên cao, cao hơn lũ Harpies, sà xuống... Ngay từ lúc anh em Boréades truy đuổi lũ Harpies, các vị thần đã trông thấy, và thần Zeus phái ngay nữ thần Cầu vồng-Iris xuống can thiệp. Nữ thần Iris bay đến tách anh em Boréades ra khỏi lũ Harpies và dõng dạc truyền đạt lệnh của thần Zeus: ba chị em Harpies từ nay trở đi không được quấy phá cuộc sống của lão vương Phinée nhà tiên đoán tài giỏi. Anh em Boréades hãy trở về với đoàn thủy thủ Argonautes coi như đã hoàn tất công việc.

Từ đó trở đi, những hòn đảo Plots mang tên là những hòn đảo Strophades, tiếng Hy Lạp nghĩa là “Trở về” để ghi nhớ anh em Boréades đuổi lũ Harpies đến đấy là quay trở về Thrace.

Trên đây là nguồn truyền thuyết phổ biến nhất về chuyện cụ già Phinée và lũ ác điểu Harpies, nhưng theo một nguồn khác thì câu chuyện như sau:

Phinée lấy Cléopâtre, con gái của thần Gió-Borée làm vợ, sinh được hai người con. Kể đến khi lấy đời vợ sau thì Phinée phạm tội ngược đãi hai người con của đời vợ trước. Người thì nói Phinée đuổi hai đứa trẻ ra khỏi nhà mặc cho chúng sống cảnh màn trời chiếu đất. Người thì bảo Phinée đã đang tâm chọc mù mắt hai đứa trẻ. Thần Zeus, mặc dù ở chốn cao xa nhưng cũng biết tỏ tường mọi việc, bởi vị thần Hélios ngày nào cũng cưỡi trên cỗ xe ngựa đi suốt từ Đông sang Tây cho nên chẳng có việc gì xảy ra trên mặt đất mà lại không lọt vào con mắt của thần, và thần đã tường trình mọi việc cho đấng phụ vương Zeus biết. Tức giận vì hành động tàn ác của Phinée, Zeus quyết định trừng phạt và cho Phinée chọn một trong hai hình phạt sau đây: chịu chết hay chịu mù. Còn thần Hélios thì tố thêm: vĩnh viễn không cho tên vô đạo ấy nhìn thấy ánh sáng mặt trời, phái lũ Harpies ngày ngày đến quấy phá bữa ăn của Phinée để cho Phinée sống lắt lẻo trong đói khổ và nhục nhã.

Lại có một nguồn khác nữa kể như sau:

Những Boréades, hai anh em Calaïs và Zétès, vì căm giận Phinée đã phụ bạc chị mình là Cléopâtre và ngược đãi hai đứa cháu nên đã chọc mù mắt ông anh rể đi. Nguồn truyền thuyết này đã được F. Engels sử dụng để chứng minh cho những tàn dư của thị tộc mẫu quyền, tức là thị tộc nguyên thủy. Ông viết: “Chỉ qua thần thoại của thời anh hùng mà người Hy Lạp biết được bản chất hết sức chặt chẽ của cái mối liên hệ trong nhiều bộ tộc đã gắn bó người cậu với người cháu trai và phát sinh từ thời đại chế độ mẫu quyền. (...) Cũng theo Diodore (IV, 44) thì người Argonautes đã đổ bộ vào vùng Thrace dưới sự lãnh đạo của Hercules và đã phát hiện ra rằng Phinée, nghe theo lời xúi giục của người vợ mới đã ngược đãi khả ố hai người con trai của người vợ trước mà anh ta đã rẫy bỏ, là những Boréades con của Cléopâtre. Nhưng trong số những người Argonautes lại có những Boréades khác, anh em của Cléopâtre, tức là anh em của người mẹ những nạn nhân. Tức thì những người này liền bênh vực ngay cháu của họ, giải thoát chúng và giết chết những kẻ canh giữ chúng”.

Ngày nay, trong văn học thế giới Harpies chuyển thành một danh từ chung với ý nghĩa mới, chỉ những người đàn bà đanh đá, đáo để, ác nghiệt, “thành nanh đỏ mỏ”, ác phụ.

Qua Symplégades

Đáp lại công ơn của những người Argonautes, Phinée tiên báo cho họ biết một điều vô cùng quý báu:

- Hỡi những vị khách quý, những thủy thủ anh hùng của đất nước Hy Lạp thần thánh! Ta vô cùng biết ơn các người đã cứu ta thoát khỏi cái tai họa mà ta cầm chắc là chỉ có đến khi ta nhắm mắt xuôi tay thì mới qua khỏi. Sớm mai các người sẽ lên đường tiếp tục cuộc hành trình vĩ đại sang phương Đông. Ta đã quá nghèo đến mức không còn gì để trao tặng các ân nhân của ta để tỏ lòng tri ân và hiếu khách, tuy nhiên sự hiểu biết của ta chắc chắn còn quý giá gấp bội những tặng vật bằng đồng đỏ rực hay bằng vàng sáng chói. Ta chắc nó sẽ giúp ích các người không nhỏ trong cuộc hành trình.

Hỡi những người Argonautes! Rồi đây trên đường đi các người sẽ gặp hai hòn núi đá xanh lơ. Đó là hai quả núi khá to vừa ngầm vừa nổi lại luôn luôn chuyển động. Người ta quen gọi những là hai hòn Cyanées bởi vì màu xanh của chúng nhẹ phơn phớt như nền trời thu trong vắt không gợn một áng mây. Lại còn có tên gọi chúng là hai hòn Symplégades bởi vì chúng thường rình đón có con thuyền nào đi lách vào giữa thì lập tức chúng đổ xô tới, nghiền bẹp. Sau đó chúng lại chuyển động về chỗ cũ, trả lại yên tĩnh cho mặt biển dường như không có chuyện gì xảy ra.

Hỡi những thủy thủ anh hùng của con thuyền Argo! Ta không biết Số mệnh có cho phép con thuyền của các người đi thoát qua cái cửa tử này không. Nhưng ta biết cách để tìm hiểu ý định của Số mệnh, và đây các người hãy ghi nhớ lấy. Các người hãy đem theo một con chim bồ câu và khi con thuyền tới sát hai hòn Symplégades thì các người lập tức thả ngay con chim ra. Chim sẽ bay thẳng vào quãng biển giữa chúng. Nếu như con chim bay lọt qua vô sự thì con thuyền của các người cũng lọt qua vô sự như chim. Nhưng nếu nó bị nghiền bẹp thì các người hãy từ bỏ ý định của mình. Các người phải tìm một con đường khác hoặc làm lễ hiến tế thần linh cầu xin những lời chỉ dẫn...

Cụ già Phinée nói thế và những người thủy thủ của con thuyền Argo ghi nhớ kỹ lời cụ nói trong lòng. Họ cúi đầu bày tỏ lòng cảm tạ của mình đồng thời cũng là lời chào từ biệt cụ.

Con thuyền Argo lại ra đi.Chẳng bao lâu đã tới Symplégades. Từ xa nhìn thấy hai quả núi lớn chuyển động lại gần nhau rồi va vào nhau, sau đó lại giãn ra rồi lại chuyển động va vào nhau... Thật kinh hồn. Nước biển khi dồn lại, dâng lên cao ngút rồi đổ sập xuống mạnh tưởng chừng như thần Zeus nổi cơn thịnh nộ giáng sấm sét. Còn khi hai quả núi giãn ra thì nước bị hút xuống xoay xoáy như có bàn tay một người phụ nữ nào đang xay bột quay chiếc cối. Con thuyền đã đến ngay trước quãng biển nhỏ hẹp trước Symplégades. Jason ra lệnh cho con thuyền đừng lại. Theo lời chỉ dẫn của Phinée, chàng dừng trước mũi thuyền cầu khấn thần linh rồi thả con chim bồ câu. Con chim vỗ cánh bay đi và phút chốc đã bay vào khoảng không gian giữa hai quả núi. Ôi hồi hộp quá! Con chim có bay thoát hay không? Các vị anh hùng Hy Lạp đều căng mắt ra dõi nhìn theo cánh chim bay, bồn chồn, lo lắng. Hai hòn núi đã chuyển động và mỗi lúc chuyển động một mạnh hơn. Con chim vẫn bay. Hai hòn núi đã tới gần nhau rồi, gần nhau lắm rồi... chỉ còn... và rầm một cái! Chúng xô vào nhau. Mọi người nhắm mắt lại sợ hãi. Nhưng kìa, cánh chim đang vẫy ở nơi kia. Thật là hú vía! Nó thoát nạn. Chiếc lông đuôi dài và đẹp của nó bị Symplégades nghiến rụng. Chậm một tí nữa là chết như chơi.

Khi hai hòn núi đã giãn ra và chuyển động lui về chỗ cũ thì con thuyền Argo liền vươn chèo rẽ sóng phóng đi. Những thủy thủ Argonautes chèo như cúi rạp người xuống. Con thuyền Argo đi lọt vào giữa hai hòn Symplégades, hai hòn núi đá vừa lui về chỗ cũ nay lại chuyển động tiến đến gần nhau. Mọi người đều biết rằng số phận của mình tùy thuộc vào đôi cánh tay đang chèo của mình. Hai hòn núi đá cứ lừng lững, lừng lững tiến tới gần con thuyền. Con thuyền bị sóng từ hai phía dồn vào nâng bổng lên, tròng trành, nghiêng ngả, nhưng những người thủy thủ anh hùng không hề nao núng. Họ vẫn bình tĩnh nhìn thẳng phía trước ráng sức chèo. Hai hòn núi càng áp sát đến gần thì con thuyền càng gặp nhiều khó khăn. Mọi người suy nghĩ về số phận con chim bồ câu để tìm hiểu quyết định của Số mệnh. Con chim bị rụng mất chút lông đuôi nhưng vẫn bay được vì nhờ đôi cánh. Nhưng còn con thuyền của họ nếu bị vỡ, bị hỏng đuôi thuyền thì làm sao có thể đi tiếp được? Thuyền sẽ chìm và họ sẽ gửi thân nơi đáy biển.

Hai hòn núi đá đang ép con thuyền. Con thuyền dốc sức lao đi. Anh em thủy thủ hò nhau dốc hết sức lực vào tay chèo, bởi vì lúc này chỉ ngừng một tay chèo, chỉ một tay chèo thôi thì con thuyền khó bề thoát nạn. Sự cố gắng của những người thủy thủ anh hùng đã không vô ích. Con thuyền vươn được mũi ra ngoài, rồi cả thân nữa, và cuối cùng: chiến thắng! Tuy nhiên Số mệnh đã tiên báo qua số phận của con chim bồ câu. Con thuyền vươn ra khỏi vòng nguy hiểm thì cũng là lúc hai hòn núi đá va vào nhau, và cũng như con chim bồ câu, đuôi con thuyền bị Symplégades quệt phải cho nên bị hư hại nhẹ! Nghe đâu cái bánh lái bị gãy. Có người kể vào lúc hai hòn núi đá sắp nghiến bẹp con thuyền thì nữ thần Athéna xuất hiện. Nữ thần đứng giữa hai hòn núi đá, một tay đưa ra chặn đứng một hòn núi đang chuyển động lại, còn một tay đẩy mạnh vào đuôi con thuyền một cái. Thế là con thuyền Argo bay vút đi như một mũi tên, và chính nhờ có sự can thiệp này mà con thuyền chỉ bị hư hại nhẹ.

Kể từ ngày con thuyền Argo qua được hai hòn Symplégades, mọi thuyền bè qua vùng đó không phải lo âu, sợ hãi nữa. Số mệnh đã ước định rằng nếu có một con thuyền nào qua được Symplégades thì từ đó Symplégades sẽ thôi không chuyển động nữa. Chân chúng bị chôn chặt xuống đáy biển sâu. Symplégades tiếng Hy Lạp nghĩa là: “Va chạm, xô vào nhau”. Người xưa cho rằng Symplégades nằm trên quãng biển đi vào Pont-Euxin.

Đến đảo Arétiade

Con thuyền Argo đi vào biển Pont-Euxin và dừng lại ở xứ sở của những người Mariandynes. Vua Lycos đón tiếp những người Argonautes đầy tình thân ái: Nhà vua lưu giữ những vị khách Hy Lạp ở lại ít ngày để đi thăm phong cảnh đất nước mình. Trong một cuộc đi săn, không may Idmon, một nhà tiên tri tài giỏi của những người Argonautes bị lợn rừng húc chết, và rủi ro hơn nữa, người thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm và đầy tài năng lâm trọng bệnh qua đời. Những người Argonautes khóc thương không nguôi cho linh hồn Tiphis phải từ giã anh em khi công chưa thành, danh chưa toại.

Con thuyền Argo lại ra đi. Nhờ thuận buồm xuôi gió nên nó đi thẳng không phải ghé lại xứ sở của những nữ chiến sĩ Amazones, nếu không thì chắc rằng khó tránh khỏi một cuộc xung đột đẫm máu. Con thuyền Argo còn đi qua nhiều xứ sở xa lạ, biết được nhiều giống người, kể từ những người văn minh biết ăn bánh mì, có những ngôi nhà xinh xắn và những con thuyền thon nhẹ, ngày ngày thờ cúng thần linh, đến những người man rợ sống trong hang động, ăn thịt thú rừng cũng như ăn thịt người, chẳng có quảng trường để hội họp và chẳng biết đến những lễ hiến tế thần linh, và tới một hôm, con thuyền Argo đưa những người anh hùng Hy Lạp tới một hòn đảo. Đang khi con thuyền ghé vào bờ thì bỗng đâu có một con chim rất lớn từ trong đảo bay vụt lên và lượn một vòng trên con thuyền. Anh em thủy thủ thấy con chim to và lạ, ai nấy đều ngước mắt lên trời cao để xem con chim. Bất ngờ con vật phóng xuống một chiếc lông. Chiếc lông phóng xuống con thuyền trúng ngay vào vai người anh hùng Oïlée làm máu chảy ra đầm đìa. Mọi người vô cùng kinh ngạc khi rút chiếc lông ở vai người thủy thủ Oïlée ra. Đó là một chiếc lông bằng đồng cứng rắn, sắc nhọn như một mũi tên. Lại một con chim nữa từ trong đảo bay lên, nhưng người anh hùng Clytios kịp thời giương cung lên kết liễu đời nó. Nhìn con chim trúng tên rơi xuống biển có bộ lông bằng đồng đỏ rực, mọi người đều biết rằng đảo này là nơi cư trú của giống chim ở hồ Stymphale xưa kia, giống chim mà Héraclès đã có dịp đương đầu với chúng, chiến thắng chúng vẻ vang. Như vậy hòn đảo mà con thuyền sắp ghé vào là đảo Arétiade. Người anh hùng Amphion nổi danh vì trí nhanh, lực mạnh bèn lớn tiếng kêu gọi anh em mau lấy áo giáp mặc vào người và đem khiên đồng ra để che chắn. Sự lo xa đó quả là không thừa. Khi những người Argonautes lên bờ và tiến vào trong đảo thì lần này không phải một, hai con chim mà là cả một đàn chim khổng lồ bay vụt lên, lượn quây tròn trên đầu những người Argonautes và phóng xuống một trận mưa những chiếc lông sắc nhọn như những mũi tên đồng. Không một ai bị thương cả. Trong khi tránh đỡ đòn ác hiểm của lũ chim có lợi thế từ trên trời cao, nhiều anh em thủy thủ còn giương cung đánh trả, hạ được không ít loài ác điểu này. Cuối cùng lũ chim bỏ chạy, kéo nhau bay về một phía nào đó xa tít tắp tận cuối chân trời. Những người Argonautes hạ trại dựng lều, thu xếp chỗ ăn chỗ nghỉ. Đang khi làm việc thì có bốn người không rõ từ đâu tìm đến. Đó là bốn chàng trai thân hình gầy guộc tiều tụy, quần áo tả tơi. Hỏi ra thì được biết đây là bốn người con trai của Phrixos. Họ từ Colchide ra đi, tìm đường trở về Hy Lạp, về thành Orchomène yêu dấu của họ nhưng chẳng may gặp bão. Thuyền đắm, họ sống sót trôi giạt vào hòn đảo này. Những người Argonautes nghe xong câu chuyện của họ đầy thương cảm và vui mừng. Thương cảm cảnh ngộ không may của họ và vui mừng vì đã gặp được người đồng hương, hơn nữa lại là những người đã từng sống ở đô thành Colchide. Riêng Jason thì vui mừng khôn xiết. Như vậy là chàng đã gặp được những người Hy Lạp đã từng sống trong triều đình của vua Aiétès. Một trong số bốn chàng trai con của Phrixos, tên gọi là Argos, và người anh cả. Sau khi biết mục đích của cuộc hành trình của những người Argonautes, chàng đã hứa sẵn sàng giúp đỡ họ hoàn thành sự nghiệp. Chàng tỏ ra nhiệt thành và hăng hái. Chàng kể qua cho những người Argonautes biết về nhà vua Aiétès. Điều mà chàng nhắc nhở mọi người phải hết sức chú ý, là ông ngoại của chàng, tiếng thế song tính tình không phải là con người cởi mở, dễ dãi, nhân hậu. Hơn nữa những người Argonautes không thể cả tin trước những lời nói và cử chỉ của nhà vua, một nhà vua ở phương Đông.

Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông-Éos với đôi má ửng hồng vừa hiện ra ở chân trời thì cũng là lúc con thuyền Argo lên đường đi tiếp chặng cuối của cuộc hành trình. Con thuyền rẽ sóng bơi trên biển cả gần hết một ngày. Xa xa những ngọn núi của dãy Caucase hùng vĩ đội mây trắng sừng sững trấn giữ ở một góc trời. Con thuyền Argo vẫn giữ vững nhịp chèo. Chẳng còn mấy nữa là đến xứ sở Colchide. Mặt trời đang chìm dần xuống biển. Trong bóng tối mờ mờ xanh xám của một ngày đã hết, những người Argonautes bỗng nghe thấy tiếng cánh chim vỗ mạnh trên không, và một ngọn cuồng phong nổi lên thổi ào ào trên đầu mọi người khiến không ai bảo ai mà đều cùng nghĩ tới con đại bàng của thần Zeus. Phải rồi, đây kia là dãy núi Caucase. Trên một ngọn núi nào trong dãy này đây, vị thần Prométhée ân nhân của loài người đang bị xiềng xích, chịu cảnh khổ hình, ngày phơi thân dưới nắng cháy xém da, đêm hứng chịu những trận bão tuyết rét cắt da cắt thịt. Cánh chim quẫy mạnh trên không kia hẳn là con đại bàng khủng khiếp mà thần Zeus ngày ngày sai nó xuống mổ bụng ăn gan người anh hùng, và đúng như thế. Vẳng trong gió biển, những người Argonautes nghe thấy tiếng than não ruột của Prométhée, những lời công kích vạch trần tội ác và thói bạo ngược, hèn hạ của thần Zeus. Nhưng họ chỉ nghe được thoang thoáng, tiếng được, tiếng chăng bởi vì bên tai là gió biển thổi ù ù và tiếng mái chèo quẫy mạnh trên mặt biển.

Chẳng mấy chốc mà con thuyền Argo đã tới mỏm Phasis. Nó đi ngược lên một đoạn rồi ghé vào cửa một con sông mà hai bên bờ là một bãi dài lau sậy um tùm. Sau khi neo buộc con thuyền của mình chắc chắn, những người Argonautes lên bờ tìm một nơi cao ráo sạch sẽ, dựng lều để nghỉ. Họ không quên cầu khấn các vị thần giúp đỡ họ: những vị thần Hy Lạp mà xưa nay họ vẫn tôn thờ cũng như những vị thần phương Đông ở xứ Colchide mà họ vừa đặt chân tới. Cầu khấn xong thì giấc ngủ đè nặng lên mi mắt họ và không gì cưỡng lại được, họ nhắm mắt ngủ một giấc ngon lành. Hành trình của họ đã hoàn tất được một phần. Họ đã tới được xứ Colchide. Song trước mắt họ còn bao nỗi gian nguy mà những ngày sóng gió trên biển khơi chẳng thể nào so sánh được.

Jason đến gặp vua Aiétès

Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông trùm tấm khăn hồng tha thướt vừa nhẹ bước lướt đi trên mặt biển thì những người Argonautes tỉnh dậy, bàn bạc công việc. Tiếng rằng đêm qua họ được ngủ một giấc ngon lành nhưng thực ra nhiều người trong số anh em thủy thủ ngủ được rất ít. Những người ấy thao thức suy nghĩ tính kế hành động. Họ băn khoăn không biết họ còn gặp phải những nỗi nguy hiểm gì nữa? Một cuộc giao tranh đẫm máu? Một cuộc tỉ thí võ nghệ? Làm cách nào, thuyết phục, cầu xin như thế nào để vua Aiétès có thể trao cho họ Bộ lông Cừu vàng?

Chính trong lúc những người Argonautes nằm vắt tay lên trán suy tính băn khoăn, lo lắng thì ở thế giới thiên đình trên đỉnh Olympe, các vị thần, thật là chí sáng suốt, chí linh thiêng, cũng họp bàn về chuyện đó. Nữ thần Athéna và nữ thần Héra bàn bạc với nhau hồi lâu tìm cách giúp đỡ Jason hoàn thành sứ mạng mà vẫn chưa tìm ra cách gì khả dĩ hữu hiệu. Sau cùng họ nghĩ ra một cách thật là tuyệt diệu: phải nhờ nữ thần Aphrodite. Chỉ có cách nhờ tay “người chị em” này thì mới xong việc lớn, và lập tức hai nữ thần đến gặp ngay Aphrodite trình bày kế sách của mình. Vua Aiétès có một người con gái rất đẹp và rất giỏi pháp thuật, tên là Médée. Chỉ cần làm cho Médée yêu say đắm, yêu tha thiết Jason thì Médée sẽ vì tình yêu của mình mà giúp đỡ Jason hoàn thành sứ mạng. Chỉ cần nữ thần Aphrodite sai cậu con trai Éros của mình bắn một phát tên vào trái tim Médée là có thể nói chắc được rằng mười phần thì xong đến bảy, tám. Nữ thần Aphrodite nhận lời giúp đỡ hai bà chị ngay: tưởng việc gì khó khăn chứ việc đó thì cậu con trai tinh nghịch của Aphrodite thường làm. Để khích lệ cậu con trai, nữ thần Aphrodite hứa, nếu Éros làm ngay việc mình giao, làm tốt thì sẽ được thưởng một quả bóng vàng rực rỡ chen lẫn màu xanh ngọc bích. Đó là thứ đồ chơi mà cậu con trai Éros của Aphrodite mơ ước từ lâu. Nghe mẹ nói xong, Éros lấy ngay ống tên đeo vào sau lưng, cầm cung rời đỉnh Olympe cao ngất bay ngay xuống xứ sở Colchide của nhà vua Aiétès.

Còn những người Argonautes, việc đầu tiên là phải đến xin yết kiến nhà vua Aiétès để bày tỏ nguyện vọng của mình. Trên đường đi vào kinh thành, những người Hy Lạp không gặp phải trở ngại, khó khăn nào cả. Nữ thần Héra luôn luôn theo sát bước đi của họ. Nàng đã bao trùm lên đoàn anh hùng, dũng sĩ Hy Lạp một lớp sương mù dày đặc khiến cho họ đi vào đến tận kinh thành mà không một ai trông thấy. Chỉ khi đoàn anh hùng đến trước cổng lớn của cung điện thì nữ thần Héra mới xua tan đám sương mù. Những người lính canh bất ngờ gặp một đoàn người xa lạ nhưng cử chỉ, phong thái lại rất chính đại quang minh, nhã nhặn lịch thiệp, cho nên đã sẵn lòng tâu trình nguyện vọng của họ với nhà vua.

Jason dẫn đầu đoàn anh hùng Argonautes tiến vào cung điện. Chàng cầm trong tay một chiếc gậy nhưng còn để lại chút cành lá xanh tươi để biểu thị tấm lòng hòa hiếu của những người Argonautes. Từng bước, từng bước đi vào cung điện của vua Aiétès, đoàn thủy thủ Argonautes được tận mắt ngắm nhìn một công trình tuyệt mỹ và vô cùng vĩ đại do bàn tay khéo léo của vị thần Chân thọt-Héphaïstos tạo nên. Nguyên do là xưa kia trong Cuộc giao tranh giữa thần Zeus với những người Đại khổng lồ (Gigantomachie), thần Thợ rèn đứng về phe Zeus, lúc đó đang bị những người Đại khổng lồ bao vây. Trước tình hình nguy cấp đó, thần Mặt trời-Hélios, cha của vua Aiétès đã kịp thời đánh cỗ xe có bốn con thần mã trắng như tuyết xuống cánh đồng Phlegra cứu Héphaïstos. Để tri ân Hélios, thần Thợ rèn đã xây dựng nên tòa lâu đài mỹ lệ này. Qua lần tường cao vút đến tận trời xanh bao bọc bên ngoài tiếp đến một cổng lớn, mở đường đi tới một cái sân rộng bát ngát. Xung quanh sân là những tòa nhà to đẹp, tòa nhà to nhất, lộng lẫy nhất là nhà ở của vua Aiétès và hoàng hậu. Apsyrtos, con trai của nhà vua, ở riêng một ngôi nhà. Chalciopé (vợ góa của Phrixos) và Médée, một thiếu nữ xinh đẹp, là hai chị em ruột, được vua cha cho ở chung một ngôi nhà. Riêng ngôi nhà của vua Aiétès được xây dựng cực kỳ tráng lệ, tường đồng, cột vàng, cột bạc, nền nhà lát đá hoa cương, đá cẩm thạch, nó rực rỡ sáng ngời như ánh mặt trời, mặt trăng cho nên những người dân ở xứ này gọi nó là tòa nhà Phaéton, có nghĩa là “Chói lọi”.

Được tin có khách quý đến thăm, nhà vua cho mở tiệc lớn để chào mừng. Nàng Chalciopé vô cùng sung sướng khi gặp lại những người con trai của mình đi trong đoàn thủy thủ Argonautes. Còn nàng Médée, con gái út của nhà vua, nghe tin có những vị khách Hy Lạp tới thăm, vì hiếu kỳ cũng tới phòng khách để xem mặt những vị khách quý. Nàng để ý tới một chàng trai cao lớn, đẹp đẽ thay mặt cho anh em, tiến lên kính cẩn cúi chào vua cha và giới thiệu từng vị anh hùng Argonautes. Chính trong lúc ấy thần Tình yêu-Éros, chú thiếu niên tinh nghịch đã từ trên trời cao bay xuống nơi này. Chú nhìn thấy Médée đang ngắm nhìn say sưa cảnh tượng long trọng của buổi tiếp tân và đang đăm đăm nhìn chàng Jason với một niềm cảm phục, chú liền lắp tên vào cung và nhằm ngực Médée nơi trái tim nồng nhiệt đang đập nhịp nhàng nã ngay một phát. Mũi tên vô hình bay đi xuyên qua trái tim Médée, và thế là từ đó trong trái tim của nàng dấy lên một tình yêu đối với Jason. Phát thứ hai, Éros bắn vào ngực Jason, và Jason tất nhiên không thể tránh khỏi, không thể trốn thoát tình yêu, và chàng đã nhìn Médée với đôi mắt chứa chan tình cảm.

Câu chuyện trong bữa tiệc thật vui vẻ. Argos kể lại cho ông ngoại nghe chuyện bốn anh em không may bị bão đắm thuyền như thế nào, đã gặp những người Argonautes ở đâu và được họ giúp đỡ ra sao. Còn Jason, chàng thành thật trình bày với nhà vua sứ mạng cuộc hành trình của mình:

- Hỡi nhà vua Aiétès con của thần Mặt trời-Hélios Hypérion vô cùng uy nghi rực rỡ. Chúng tôi từ đất nước Hy Lạp xa xôi thần thánh vượt biển khơi không sinh nở bằng một con thuyền mang tên là Argo tới đây, con thuyền mà chúng tôi đã được nữ thần Athéna truyền dạy cho cách đóng từng bộ phận rồi lắp ghép vào. Nữ thần còn lấy gỗ ở một cây sồi mọc trong rừng sồi linh thiêng của thần Zeus ở Dodone để cho chúng tôi đóng mũi con thuyền. Nhờ có con thuyền, chúng tôi vượt biển khơi bao la rất nhanh vì lẽ nó, con thuyền Argo có một không hai trên thế gian này, nói được và nghe hiểu được tiếng người. Chúng tôi đã điều khiển nó bằng những tay chèo mạnh mẽ và tay lái vững vàng, nhưng chúng tôi lại còn điều khiển cả ý chí của nó nữa. Vì thế nó tuân theo sự điều khiển của người thuyền trưởng như một người đầy tớ thông minh tuân theo lời sai bảo của một ông chủ. Trải qua bao nỗi gian nguy ở dọc đường và những nỗi đau vì mất mát những người anh hùng, bạn chiến đấu của chúng tôi, hôm nay chúng tôi mới đặt chân lên được đất nước mến khách của ngài. Hỡi Aiétès đầy quyền lực và muôn vàn kính trọng. Chúng tôi tới xứ sở của ngài với trái tim chân thành và hòa hiếu, khiêm nhường và hy vọng. Chúng tôi chẳng hề có ý muốn gây ra những cuộc xung đột đẫm máu, điều mà chỉ có vị thần Chiến tranh-Arès là ham thích. Sứ mạng của tổ tiên chúng tôi giao cho là phải tới xứ sở của ngài, đến tận cung điện của ngài, cầu xin ngài ban cho Bộ lông Cừu vàng, một báu vật gia truyền của dòng dõi chúng tôi. Hơn nữa, Pélias, con của thần Poséidon và người phụ nữ xinh đẹp Tyro, đã cướp đoạt ngôi báu của cha tôi. Tôi phải lưu lạc ở nơi đất khách quê người từ khi còn nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, tôi trở về Iolcos để đòi lại ngôi báu thì Pélias bắt tôi phải trải qua một thử thách. Vì chấp nhận thử thách đó mà hôm nay chúng tôi đến đây để cầu xin ngài trao cho chúng tôi Bộ lông Cừu vàng. Hỡi vua Aiétès của đất nước Colchide nổi danh vì những điều kỳ lạ và của cải đầy kho! Chúng tôi sẵn sàng thực hiện những công việc mà ngài giao phó dù cho công việc đó có phải hao xương tốn máu. Chỉ xin ngài sau khi chúng tôi hoàn thành những công việc ngài giao, ban thưởng cho chúng tôi Bộ lông Cừu vàng.

Aiétès nghe Jason nói xong liền đứng dậy, đáp lại:

- Hỡi Jason người anh hùng cầm đầu các thủy thủ Argonautes! Có thật các người tới đây chỉ để xin lại ta Bộ lông Cừu vàng không? Có thật các người không hề cỏ ý định nhòm ngó mình đất Colchide của chúng ta không? Ta hồ nghi điều đó. Chẳng có gì đảm bảo rằng các người đến đây với trái tim hòa hiếu và chân thành. Tuy nhiên ta cũng sẵn sàng chấp thuận điều cầu xin của các người. Hãy nghe đây: những công việc mà các người phải hoàn thành để có thể giành được Bộ lông Cừu vàng. Một là, các người phải thắng được ách lên vai hai con bò mộng hung dữ. Đây là những con bò có bộ chân đồng và phun ra lửa vốn là tặng vật của thần Thợ rèn-Héphaïstos ban cho ta. Những con bò này xưa nay chưa từng chịu để cho một người nào bén mảng đến gần chứ đừng nói gì thắng được ách lên vai. Hai là, sau khi thắng được ách cho đôi bò, các người phải dùng nó để cày cho xong một cánh đồng. Ba là, sau khi cày xong các người phải gieo xuống cánh đồng đó những chiếc răng của một con rồng. Đó là ba công việc mà các người phải hoàn thành, và chỉ có hoàn thành đầy đủ ba công việc đó, thiếu một ta chẳng ưng, thì các người mới đoạt được Bộ lông Cừu vàng.

Nghe nhà vua Aiétès nói xong, Jason bèn lên tiếng đáp lại:

- Hỡi nhà vua Aiétès quang minh, chính đại! Chúng tôi xin vui lòng chấp nhận những thử thách mà ngài đã giao. Tuy nhiên dù sao chúng tôi cũng xin trân trọng nhắc lại với ngài rằng anh em thủy thủ Hy Lạp, những chiến sĩ của con thuyền Argonautes, tới xứ sở của ngài chỉ có một mục đích: xin ngài ban cho Bộ lông Cừu vàng. Chúng tôi chỉ cầu xin ngài, sau khi chúng tôi thực hiện xong những công việc mà ngài giao thì ngài đừng trì hoãn việc ban thưởng cho chúng tôi Bộ lông Cừu vàng quý báu đó. Bởi vì như ngài đã biết, không gì thiêng liêng bằng lời hứa. Zeus đấng phụ vương đã từng trừng phạt những kẻ coi thường lời răn dạy của Zeus, phản bội lại những lời cam kết, thề nguyền. Hơn nữa, những người thủy thủ Argonautes chúng tôi dấn thân vào cuộc hành trình này, chịu đựng biết bao nỗi gian nguy ở dọc đường, mất mát bao nhiêu anh em chiến sĩ ưu tú, tới đây không phải để rồi lại ra về tay không.

Tiệc tan, Jason và những chiến hữu trở về con thuyền của mình. Ai nấy đều lo lắng, băn khoăn trước những công việc nặng nề, khó khăn quá sức tưởng tượng mà vua Aiétès đã trao cho họ.

Médée giúp đỡ Jason

Jason và các chiến hữu từ cung điện trở về con thuyền của mình. Chàng kể lại cho anh em canh giữ con thuyền biết tình hình buổi yết kiến vừa rồi. Mọi người đều cảm thấy những công việc mà vua Aiétès đòi họ phải thực hiện quả là không dễ dàng. Làm cách gì để thực hiện được những công việc đó? Phải bắt đầu từ đâu? Những người Argonautes ngồi quây quần bên nhau và đắm chìm trong suy nghĩ. Bỗng Argos, con trai của Phrixos và Chalciopé, cháu ngoại của vua Aiétès, cất tiếng nói:

- Hỡi các bạn! Ta vừa mạo muội nghĩ ra một kế này xin đánh bạo trình bày để các bạn cứu xét. Vua Aiétès có một người con gái út tên là Médée. Nàng là em ruột của mẹ ta. Nàng vừa có nhan sắc tuyệt vời lại tinh thông pháp thuật bởi vì nàng hiến thân cho việc thờ phụng nữ thần Hécate, một nữ thần khủng khiếp của thế giới âm phủ, thường xúi giục con người phạm tội ác. Chúng ta có thể nhờ nàng giúp đỡ chăng? Ta có thể nhờ mẹ ta nói với nàng. Nếu Médée nhận lời giúp đỡ thì ta nghĩ mười phần xong đến bảy, tám.

Argos vừa nói xong thì bỗng đâu có một con chim bồ câu trắng bay hối hả ngang qua thuyền. Mọi người đưa mắt nhìn lên trời thì thấy con bồ câu đang bị một con chim ưng rượt đuổi, con bồ câu sà xuống thấp bay lượn quanh anh em thủy thủ và đột nhiên lao thẳng vào người Jason, chúi vào nấp trong vạt áo khoác của chàng. Còn con chim ưng bỗng dưng không bị ai bắn mà lộn nhào rơi, rơi ngay xuống thuyền. Người anh hùng Mopsos nổi danh vì tài tiên đoán bèn kêu lên:

- Hỡi anh em! Đây là một điềm báo tốt lành của thần linh mà ta do kinh nghiệm và thời gian dạy cho biết. Đúng như bạn Argos vừa đề đạt chúng ta, hãy cầu xin Médée giúp đỡ! Sự việc chẳng đã quá rõ rồi sao? Con chim bồ câu, con chim của nữ thần Aphrodite đã tìm được nơi trú ngụ an toàn trong vạt áo khoác của Jason. Như thế chẳng phải là nữ thần Aphrodite muốn nhắc nhở Jason hãy hướng tới nữ thần, vị nữ thần đầy quyền lực của Tình yêu và Sắc đẹp. Chính lão ông Phinée nhà tiên tri mù đã khuyên chúng ta cầu xin sự giúp đỡ của nữ thần. Vậy chúng ta hãy mau mau sắm sửa lễ vật tới đền thờ nữ thần Aphrodite để rồi xin nàng giúp đỡ chúng ta. Còn Argos hỡi! Chúng ta thấy không còn cách nào tốt hơn là cách nhờ anh về nói với mẹ anh thuyết phục nàng Médée giúp đỡ chúng ta.

Nghe Mopsos nói như vậy thì mọi người đều tán thưởng. Họ bắt tay vào việc sắm sửa lễ vật để đến cầu nguyện ở đền thờ nữ thần Aphrodite. Còn Argos thì lãnh ý của anh em trở về cung điện tìm gặp mẹ.

Trong khi những người Argonautes lo toan bàn định công việc của mình thì nhà vua Aiétès triệu tập thần dân đến quảng trường để nghe những chỉ lệnh tối khẩn. Nhà vua vẫn nuôi giữ trong trái tim ý nghĩ xấu xa về những người Argonautes. Ông truyền cho mọi người phải đề phòng họ, theo dõi họ chặt chẽ gắt gao, đặc biệt phải chú ý đến con thuyền và không cho nó được rời bến. Trong thâm tâm Aiétès mưu tính một kế sách thâm hiểm. Jason chắc chắn sẽ không thực hiện được những công việc mà ông đã giao. Y sẽ bỏ mạng khi đụng đầu với những con bò mộng hung dữ, phun ra lửa. Sau khi y chết, nhà vua sẽ ra lệnh tấn công đốt cháy con thuyền, bao vây và bắt giết sạch những người Argonautes. Cuối cùng sẽ đưa bốn người con trai của Phrixos ra hành hình, những đứa cháu ngoại mà Aiétès cho là đã phản bội.

Nói về Médée, từ khi gặp người anh hùng Jason trong trái tim nàng dấy lên lòng mến phục và yêu thương. Nàng mến phục người anh hùng đã vì sự nghiệp của tổ tiên chẳng quản gian lao nguy hiểm dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mà ít người dám nghĩ đến. Nàng thương người dũng sĩ đẹp đẽ, cao lớn to khỏe sánh tựa thần linh phải đương đầu với những thử thách mà nàng biết chắc rằng nếu không được nàng giúp đỡ thì chàng chỉ là mồi ngon cho thần Chết. Nàng cảm phục những lời lẽ khiêm nhường mà rắn rỏi của chàng khi nói chuyện với vua cha. Ý nghĩ về chàng trai Jason sẽ bị chết vì những thử thách thâm độc của vua cha khiến nàng không sao chợp mắt được. Nàng trằn trọc trên giường hồi lâu, và khi ngủ thiếp đi lại bị những cơn mê hoảng đè nặng. Nàng sợ hãi thét lên trong giấc ngủ khiến chị nàng giật mình tỉnh dậy, chạy vội tới săn sóc nàng. Médée thuật lại cho chị nghe cơn ác mộng vừa qua: các con của chị bị giết chết thê thảm, Jason bị đôi bò phun lửa thiêu chết, những người Argonautes bị vua cha vây bắt... Chị nàng bèn an ủi, khuyên giải Médée, nhưng chính Chalciopé cũng cảm thấy lo lắng cho số phận những người con trai yêu quý của mình. Jason mà chết tất nhiên cha nàng chẳng để cho các con nàng yên. Chỉ có cách giúp Jason hoàn thành sứ mạng thì mới có thể hy vọng cứu được con. Chalciopé nói cho Médée biết ý nghĩ của mình, còn Médée, nàng thấy cần phải giúp Jason vượt qua những thử thách nguy hiểm để cứu sống những đứa con của chị mình, hơn nữa nàng thấy không đành tâm để một người anh hùng rất đáng kính yêu như Jason bị chết oan uổng vì một âm mưu nham hiểm mà chính nàng là người biết rõ và có thể cứu sống được chàng. Vả lại nàng chẳng có điều gì căm ghét Jason cũng như những người Argonautes. Hai chị em bàn bạc, than thở hồi lâu rồi cuối cùng Médée quyết định:

- Chị ơi! Có lẽ em chỉ còn cách giúp Jason thôi. Nhưng như thế là phản lại cha, cha mà biết được thì chẳng còn được nhìn thấy chị nữa đâu. Vì thế chị phải giữ kín cho em việc này. Chuyện mà lộ ra thì chẳng phải mình em đâu mà cả chị và các cháu nữa sẽ phải chịu những hình phạt khủng khiếp. Chị hãy nhắn chàng Jason, sáng sớm mai đến đền thờ nữ thần Hécate, chàng sẽ gặp người chỉ cho cách vượt qua những khó khăn để hoàn thành những thử thách mà vua Aiétès đã giao cho.

Nghe Médée nói xong, ngay trong đêm đen, lập tức Chalciopé ra đi. Chỉ còn lại Médée ngồi một mình với biết bao ý nghĩ giằng xé trái tim. Bên tình, bên hiếu, bên cha, bên cháu, kể ra cũng khó xử. Bị dằn vặt vì những ý nghĩ đó, có lúc Médée đã mở lọ thuốc độc ra toan uống một liều để chấm dứt nỗi giằng xé trong lòng, nhưng nữ thần Héra, người thương yêu Jason rất mực, không thể để cho nàng chết. Nữ thần đã khơi lên trong trái tim nàng ngọn lửa mến yêu, khát khao cuộc sống. Còn mũi tên vô hình của Éros, cậu con trai của nữ thần Aphrodite, đã khơi lên trong trái tim nàng ngọn lửa tình yêu, khiến nàng luôn luôn tưởng nhớ đến Jason mà gạt bỏ mọi đắn đo, do dự để quyết tâm giúp đỡ chàng.

Sáng hôm sau khi bình minh vừa ửng đỏ chân trời thì cũng là lúc Argos chạy đến báo tin cho những người Argonautes biết, Médée đã thuận lòng giúp đỡ. Ngay tức khắc Jason, dưới sự dẫn đường của Argos cùng với nhà tiên tri Mopsos, lên đường đi tới đền thờ nữ thần Hécate. Còn nữ thần Héra, người vợ có cánh tay trắng muốt của thần Zeus, đấng phụ vương, không hề sao nhãng việc giúp đỡ Jason. Nữ thần đã làm cho Jason uy nghiêm đẹp đẽ hẳn lên khiến cho anh em thủy thủ Argonautes trông thấy ai nấy đều trầm trồ khen ngợi và ngắm nhìn chàng say đắm như ngắm nhìn một tiên nữ con của Zeus.

Khi Jason tới đền thờ nữ thần Hécate thì Médée đã đứng chờ chàng ở trong đền. Hai người gặp nhau song rất khó nói. Jason nhìn Médée và chờ đợi, còn Médée không dám nhìn thẳng vào chàng, nàng ngượng ngùng cúi nhìn xuống đất và chẳng cất được lên lời. Jason thấy vậy bèn cất tiếng, phá tan sự im lặng.

- Hỡi Médée, người con gái xinh đẹp tuyệt trần, con của vua Aiétès trị vì đất nước Colchide hùng cường! Vì sao nàng hẹn ta đến đây mà nàng lại không lên tiếng trước? Hay nàng sợ hãi điều gì chăng? Ta xin trân trọng nhắc lại với nàng rằng chúng ta, những người thủy thủ Argonautes, từ đất Hy Lạp thần thánh xa xôi vượt biển khơi mênh mông sóng dữ đến đây không phải để gieo rắc tai họa và chết chóc cho các giống người, con của đấng phụ vương Zeus. Không, ta đến đây với những ý nghĩ tốt đẹp trong trái tim. Hiện nay ta đang đứng trước những thử thách khó khăn mà ta biết ngoài nàng ra thì không ai là người có thể giúp đỡ ta vượt qua được. Vì thế, hôm nay ta đến để cầu xin sự giúp đỡ của nàng. Hỡi Médée! Người con gái xinh đẹp và tài năng, con của Aiétès. Xin nàng hãy vì các vị thần thiêng liêng ngự trị ở trên bầu trời cao cả, nói cho ta biết rõ những sự thật về những cuộc thử thách mà ta sắp phải trải qua. Xin nàng hãy giúp đỡ ta, chỉ bảo cho ta cách vượt qua những thử thách đó. Cầu thần Zeus và các vị thần Cực lạc ban cho nàng một người chồng xứng đáng, của cải thật tràn trề mà danh thơm cũng vang dội. Nàng chẳng đã từng biết đến sự giúp đỡ của nàng Ariane, con gái của vua Minos, đối với người anh hùng Thésée đó sao. Vinh quang của Thésée chính là vinh quang của Ariane. Ta tin chắc rằng nếu nàng giúp đỡ ta hoàn thành được sự nghiệp vẻ vang này thì chẳng những ta đời đời biết ơn nàng mà tên tuổi của nàng cũng được những người Hy Lạp đời đời ghi nhớ. Nữ thần Hécate, vị thần ngự trị ở ngôi đền này sẽ chứng giám cho những lời nói chân thật của ta cũng như của nàng. Những kẻ dối trá, xúc phạm đến chốn thiêng liêng nơi ngự trị của công lý hẳn sẽ không tránh khỏi đòn trừng phạt. Thần Zeus, người bảo hộ cho những kẻ sa cơ lỡ bước và những kẻ đi cầu xin sự giúp đỡ, đã đưa ta đến gặp nàng hẳn rằng không phải để ta thất vọng.

Médée mạnh dạn nhìn thẳng vào Jason với trái tim cảm phục và trìu mến. Nàng cất tiếng nói những lời lẽ dịu dàng như sau:

- Hỡi Jason, người anh hùng cầm đầu những người Argonautes! Xin chàng hãy nghe em nói. Trái tim em chẳng phải là một trái tim bằng sắt và cũng chẳng phải một trái tim nghi ngờ. Em tin lời chàng nói và sẵn sàng giúp đỡ chàng, Tối nay chàng hãy ra sông tắm, sau đó chàng không được mặc một bộ quần áo gì khác ngoài một bộ quần áo màu đen. Chàng hãy đào một cái hố sâu bên bờ sông và đem theo đến đó một con cừu đen tẩm mật ong để làm lễ hiến tế nữ thần Hécate. Sau khi làm xong những công việc đó chàng hãy đi ngay về con thuyền Argo của mình, nhưng chàng phải nhớ kỹ là đi ngay, đi thẳng một mạch không được ngoái nhìn lại đằng sau. Chàng đi và sẽ nghe thấy tiếng người kêu la và tiếng chó sủa dữ tợn, nhưng chàng đừng sợ. Chàng cứ đi thẳng một mạch cho tới đích. Đêm đen sẽ qua đi và bình minh thức dậy ở chân trời. Khi đó chàng hãy lấy lọ dầu thiêng này xoa vào khiên giáp và vũ khí đồng ngời sáng của chàng. Chàng cũng đừng quên xoa chất dầu thiêng đó lên khắp thân thể của chàng. Đây là một loại dầu thần diệu sẽ làm cho chàng trở thành mình đồng da sắt, chàng nhờ đó sẽ có sức mạnh vô địch. Nó được chế ra từ nhựa của một thứ rễ cây, rễ cây này mọc ra từ máu của người anh hùng Prométhée. Vì thế chẳng có gì thiêu đốt, đè bẹp, nghiền tan, vùi dập được nó. Chàng có thể yên tâm khi phải đối mặt với những con bò hung dữ phun ra lửa. Sau khi cày xong cánh đồng và gieo xuống đó những “hạt” răng của con rồng thì không phải là cỏ cây hoa lá sẽ mọc lên. Chàng hãy nhớ kỹ lấy: khi rừng chiến binh mọc lên trùng trùng điệp điệp thì chàng hãy bình tĩnh ném vào giữa hàng ngũ chúng một hòn đá. Lập tức chúng sẽ đánh nhau, và chỉ khi nào chúng giết nhau đã vãn thì chàng mới tham chiến. Đó là tất cả những điều cần thiết em nói với chàng. Cầu xin thần Zeus, vị thần phụ vương cai quản thế giới thần thánh và người trần; cầu xin nữ thần Athéna, người con gái đầy tài năng và kiêu hãnh của Zeus, giúp chàng chiến thắng vẻ vang trong cuộc thử thách này! Rồi đây, sau khi đoạt được Bộ lông Cừu vàng, chàng sẽ lên đường trở về quê hương Hy Lạp với niềm vui của người chiến thắng. Còn em ở lại đây không rõ số phận sẽ ra sao sau khi đã phản bội vua cha để giúp đỡ chàng. Dù sao em cũng xin chàng ban cho một ân huệ là mỗi khi chàng làm lễ hiến tế các vị thần Cực lạc ở chốn thiêng liêng xin chàng đừng quên cầu nguyện cho em.

Jason chăm chú nghe những lời Médée nói. Chàng không biết nói gì hơn và bày tỏ lòng cảm ơn, nghìn lần cảm ơn đối với sự giúp đỡ của nàng. Cuối cùng, chàng kêu bên:

- Chao ôi! Tình cảm thật éo le. Ước gì vua cha em từ bỏ những ý nghĩ và hành động thù địch đối với những người Hy Lạp! Ước gì người cho phép nàng được theo ta, gắn bó cuộc đời với ta trên quê hương Hy Lạp thần thánh!

Médée đáp lại, nói cho chàng biết tính tình cứng rắn, khắc nghiệt của Aiétès. Nàng chỉ xin chàng duy nhất có một điều khi trở về Hy Lạp chàng đừng quên nàng. Việc ra đi theo chàng là không thể thực hiện được vì gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nữ thần Héra lúc nào cũng theo sát bên Jason để giúp đỡ chàng. Nữ thần nghe thấy hết câu chuyện giữa hai người. Nữ thần bèn bằng tài năng siêu việt của mình không để cho những ý nghĩ mà Médée đã nói ra nằm đọng lại trong trái tim nàng. Nữ thần xua tan nó đi và khơi lên trong trái tim nàng tình yêu say đắm đối với Jason, khát vọng muốn gắn bó cuộc đời với chàng, muốn theo chàng đi đến tận cùng trời cuối đất. Còn Jason, nữ thần làm cho trái tim chàng thêm mạnh dạn quả cảm, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để đưa Médée đi cùng với mình. Hai người chia tay ước hẹn sẽ gặp lại nhau để bàn chuyện vượt biển.

Jason đương đầu với những thử thách

Thực hiện đúng như lời Médée dặn, Jason tắm mình trong dòng nước sông chảy xiết, sau đó chàng mặc bộ áo đen, đào một cái hố sâu, giết con cừu đen tẩm mật ong vàng làm lễ hiến tế dâng nữ thần Hécate. Đoạn chàng ra đi nhằm thẳng đường về phía con thuyền Argo. Nữ thần Hécate đến hưởng lễ vật hiến tế với những tiếng la, tiếng thét tiếng hú nghe rợn cả người. Mặt đất rung chuyển, ánh đuốc trên tay nữ thần tỏa sáng rực một vùng. Khói bốc lên ngùn ngụt. Cùng đi với nữ thần là lũ chó ngao hộ tống sống ở dưới địa ngục. Chúng sủa, hú như chó sói và gầm rồng như hùm beo. Lại còn những con rồng phun lửa uốn lượn quanh nữ thần. Các tiên nữ Nymphe ở núi rừng sông suối thấy Hécate xuất hiện sợ hãi rụng rời, kêu gọi nhau chạy trốn. Jason vừa đi vừa sợ đến rùng mình sởn gáy, lạnh toát cả người. Nhớ lời Médée dặn chàng không dám ngoái nhìn lại phía sau.

Sáng hôm sau như đã ước định trước, những thủy thủ Argonautes phái Télamon và Méléagre đến gặp vua Aiétès để nhận răng rồng về trao cho Jason. Đây là răng của một con rồng mà xưa kia Cadmos trong cuộc hành trình đi tìm người em gái Europe đã giết (người thì gọi là con rồng, người thì gọi là con mãng xà). Trao răng rồng cho những người Hy Lạp xong, Aiétès bèn lên xe đi đến cánh đồng Arès để xem Jason thực hiện những công việc mình giao phó ra sao. Cùng ngồi trên xe với vua cha là chàng Apsyrtos, người con trai yêu quý thường đi hộ tống cho Aiétès trong các cuộc tuần du. Chàng đích thân đánh xe cho vua cha tới cánh đồng sẽ diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa Jason và đôi bò mộng hung dữ. Còn những người Argonautes, tất nhiên họ không thể nào bỏ mặc chủ tướng của họ trong cuộc đọ sức này. Ai nấy đều nhung y võ phục khiên giáp sáng ngời đi tới cánh đồng Arès để cổ vũ cho chủ tướng. Nhân dân đô thành Colchide cũng kéo tới xem rất đông.

Jason xuất hiện trên cánh đồng. Từ khi bôi chất “dầu Prométhée” vào người, chàng cảm thấy tràn đầy sinh lực. Bắp thịt, gân cốt của chàng như căng ra và rắn đanh lại. Trong người phấn chấn, náo nức, tự tin một cách kỳ lạ. Đứng giữa cánh đồng trong bộ áo giáp đồng và vũ khí đồng ngời sáng, chàng chói lọi như một ngôi sao trong đêm đen. Chàng đi tìm trên mặt đất khô nẻ chiếc cày sắt và chiếc ách bằng đồng. Sau đó chàng tiến vào ngọn núi đá nơi cư trú của hai con bò hung dữ. Biết có người tiến vào sào huyệt của mình, hai con bò hung dữ từ trong hang đá sâu thẳm lao thẳng ra ngoài. Vừa ra khỏi hang nhìn thấy người là chúng phun lửa. Lửa từ mũi, từ miệng chúng phóng ra thành một vệt dài như đuôi lửa của một ngôi sao đang chạy trốn trong bầu trời đêm. Jason đã sẵn sàng. Chiếc khiên úp trước ngực che kín cả mặt và thân. Đôi bò cứ thế lao thẳng vào người chàng. Mọi người rùng mình nhắm mắt lại tưởng chừng như Jason sẽ bị văng đi đến tận đâu đâu; nhưng không, chàng vẫn đứng hiên ngang, vững chãi như một ngọn núi sừng sững trước phong ba bão táp. Lũ bò hung dữ lại chạy vòng ra xa để lấy đà lao thẳng vào chàng một lần nữa. Lần này Jason bỏ khiên ra và chuẩn bị thắng ách vào vai chúng. Khi lũ bò lao tới, Jason lập tức nắm ngay lấy sừng chúng, mỗi tay một con, ghìm chúng lại. Mọi người đều vô cùng kinh ngạc trước sức mạnh cực kỳ phi thường của chàng. Lũ bò tức giận điên cuồng, đầu chúi xuống, hai chân sau ra sức đạp xuống đất, hất tung cả đất đá lên khiến bụi cát bốc lên mù mịt. Còn Jason cũng lao mình về phía trước, hai chân chàng choãi ra khiến cho người chàng nghiêng chếch đi thư một cây cột buồm bị gió xô, gió đẩy. Lửa từ mũi từ miệng lũ bò phun vào người chàng nhưng vô hiệu. Chính trong lúc ấy hai người anh hùng Castor và Pollux lao tới thắng ách lên vai hai con bò. Thế là xong một việc. Tiếng reo hò vang động khắp trên cánh đồng. “Một con người có sức khỏe bạt núi ngăn sông, lại mình đồng da sắt nữa”. “Lửa cũng phải thua!” “Chà chà, xưa nay chưa từng thấy một con người nào khỏe ghê gớm đến như thế!” Những người Colchide chứng kiến chiến công của Jason trầm trồ thán phục.

Việc thứ hai Jason thực hiện không đến nỗi khó khăn, vất vả như việc trước. Khi đôi bò đã bị đặt ách lên vai thì chúng phải đi theo sự điều khiển của chàng. Jason lấy ngọn lao thay roi thúc vào thân lũ bò, bắt chúng phải kéo cày, bắt chúng phải đi cho ra đường ra lối. Cứ thế chàng cày hết đường cày này đến đường cày khác, cuối cùng cả cánh đồng Arès rộng mênh mông đã được chàng cày xong. Tiếp đó, chàng gieo răng rồng xuống mặt đất đen vừa được lật xới. Gieo xong chàng tháo ách cho lũ bò, thả chúng ra. Đôi bò sung sướng lồng lên chạy một mạch về chiếc hang sâu thẳm của chúng. Trong khi chờ những hạt giống răng rồng mọc lên, Jason ra bờ sông Phasis lấy mũ trụ đồng múc nước rửa mặt và uống vài ngụm cho đỡ khát, nhưng người anh hùng của con thuyền Argo chẳng nghỉ ngơi được bao lâu. Từ mặt đất đen đã được cày xới, phút chốc nhô lên những ngọn lao, ngọn giáo rồi đến mũ trụ đồng, rồi tiếp đến cứ thế trồi lên cả một rừng chiến binh. Một rừng chiến binh khiên giáp sáng ngời oai phong lẫm liệt sát khí đằng đằng. Thật khủng khiếp! Jason bình tĩnh. Chàng không quên lời dặn của Médée. Chàng bê một tảng đá có dễ đến ba, bốn người dũng sĩ Argonautes cũng không khiêng nổi, giơ cao lên đầu ưỡn người về phía sau lấy đà. Vèo một cái chàng ném tảng đá đó vào giữa đạo quân đông đảo vừa mọc lên từ dưới đất đen đã được cày xới. Lập tức đội quân đó chia thành hai phe xông vào nhau chém giết. Cảnh tượng vô cùng khốc liệt. Thây người ngã xuống nằm dài trên mặt đất như những bông lúa ngày mùa bị lưỡi liềm của những người đi gặt cắt lìa khỏi thân, đặt nằm ngã dài trên những ruộng đất khô nẻ. Jason chờ cho lũ người sinh ra từ răng rồng đó chém giết nhau đã vãn, khi đó chàng mới xông vào cuộc chiến và giết hết những tên còn lại. Vua Aiétès vô cùng sửng sốt trước chiến công của chàng, nhưng nhà vua không tỏ lòng khâm phục mà lại bừng bừng nổi giận ra lệnh cho người con trai của mình đánh xe về hoàng cung ngay. Nhà vua vẫn nuôi giữ những ý nghĩ thù địch với người Hy Lạp và giờ đây mưu toan hạ sát Jason. Còn Jason, trong tiếng reo hò của những người Argonautes sung sướng đến tột độ vì chiến thắng, cúi đầu kính cẩn đáp lễ, sau đó trở về con thuyền Argo.

Médée giúp Jason đoạt Bộ lông Cừu vàng

Trở về cung điện, vua Aiétès lập tức cho triệu tập các bô lão và các tướng lĩnh đến nghị hội để bàn cách đối phó với những người Argonautes. Nhà vua vẫn nuôi giữ mối ác cảm với những người Argonautes. Trong thâm tâm nhà vua không muốn trao Bộ lông Cừu vàng cho Jason mặc dù chàng đã hoàn thành những công việc mà nhà vua giao phó. Cuộc họp kéo dài suốt đêm khuya. Mọi người đều đồng thanh nhất trí phải bằng mọi cách phá hủy con thuyền Argo và giết sạch những người Argonautes. Vua Aiétès còn nêu lên một điều khá nghiêm trọng: ai đã tư thông, kẻ nào đã giúp Jason biết đường vượt qua những thử thách? Những thử thách mà chắc rằng nếu không có người tiết lộ những điều bí mật của nó và cách chiến thắng nó thì Jason không thể nào vượt qua được. “Không có ai khác ngoài Médée!” Vua Aiétès sau khi nêu lên câu hỏi rồi lại tự mình giải đáp như vậy. Cuộc họp tan. Các bô lão và các tướng lĩnh ra về.

Médée, từ khi biết cha mình nổi giận, nàng đã đề phòng. Nàng để ý theo dõi cuộc họp. Chỉ riêng sự việc cuộc họp kéo dài quá như thế đã là một điều bất thường. Nàng linh cảm thấy có một tai họa đang rình đón nàng và những người Argonautes. Vì lẽ đó nàng không thể yên tâm ngủ được. Nàng quyết định đi đến chỗ những người Argonautes thông báo cho họ biết tình hình.

Médée rón rén ra khỏi phòng ngủ, thoát ra ngoài cung điện rồi đi thẳng ra bờ sông Phasis, nơi ngọn lửa ở khu lều trại của những người Argonautes còn cháy sáng. Nàng xin gặp Jason và đứa cháu trai của mình tên là Phrontide, con út của Phrixos. Sau khi thuật lại cho hai người biết tình hình, nàng muốn Jason đi ngay với nàng để lấy Bộ lông Cừu vàng về. Nếu chậm trễ e sẽ gặp nhiều khó khăn nguy hiểm. Jason vội mặc áo giáp, đeo gươm, cầm khiên, mang lao đi theo Médée. Hai người đi đến khu rừng thiêng của thần Chiến tranh-Arès, nơi Bộ lông Cừu vàng được treo trên cây và giao cho một con rồng không hề biết đến giấc ngủ, miệng phun ra lửa, dữ tợn và kinh khủng hết chỗ nói, canh giữ. Từ xa, hai người đã trông thấy ánh vàng rực rỡ chói lọi của Bộ lông Cừu vàng. Đến gần hơn, họ thấy con rồng đang quấn quanh thân cây. Thoáng ngửi thấy hơi người, nó giương đôi mắt to thao láo nhìn soi mói đó đây và mặc dù chưa thấy địch thủ nó cũng há miệng nhe nanh, phóng ra những ngọn lửa dài để sục sạo, phòng ngừa. Médée ra hiệu cho Jason dừng lại. Nàng cầu khấn vị thần Giấc ngủ-Hypnos rồi rảy xuống mặt đất đen một thứ nước phép rất kỳ lạ. Nàng lẩm nhẩm niệm thần chú rồi hát lên một bài ca ma quái. Một làn khói bốc lên mù mịt. Khói tan thì kỳ lạ thay, Jason thấy con rồng mất hẳn vẻ tinh nhanh, hung hăng. Mắt nó đờ ra, miệng ngậm lại. Nó đã bị giấc ngủ chinh phục, và chỉ một lát sau nó cuộn mình dưới đất ở chân gốc cây, ngủ mê mệt. Không cần phải chờ Médée giục, Jason vội trèo lên cái cây to lớn linh thiêng, tháo Bộ lông Cừu vàng ra đem xuống, và không một chút chậm trễ, chàng cùng với Médée trở về con thuyền Argo.

Nhiệm vụ đã hoàn thành, Jason ra lệnh cho anh em thủy thủ nhổ neo ngay, tuy có nhiều người muốn được chiêm ngưỡng dù chỉ là một chút báu vật đó. Con thuyền xuôi theo dòng sông Phasis ra biển. Chẳng mấy chốc những người Argonautes đã bỏ lại sau lưng mình xứ sở Colchide.

Sáng hôm sau Aiétès mới được tin Bộ lông Cừu vàng đã bị mất. Còn con thuyền Argo đã không cánh mà bay. Nhà vua nổi giận quát tháo ầm ĩ. Cơn giận càng điên cuồng hơn nữa khi nhà vua được tin Médée đã bỏ nhà đi đâu mất. Chắc chắn như đinh đóng cột, cô con gái của nhà vua đã ra đi theo những người Argonautes. Một mệnh lệnh khẩn cấp, tối khẩn cấp được ban ra. Apsyrtos thống lĩnh một đạo quân lấy thuyền truy đuổi những người Argonautes. Để cho mệnh lệnh được mọi người nghiêm chỉnh và dốc sức thi hành, vua Aiétès nhấn mạnh: Nếu những người Colchide không đuổi bắt được bọn người Hy Lạp đó, trở về tay không, sẽ bị ghép vào tội tử hình.

Cuộc đuổi bắt vì thế diễn ra rất quyết liệt. Những người Argonautes dốc sức chèo hy vọng đưa con thuyền của mình thoát khỏi vòng nguy hiểm, vì nguy cơ bị truy đuổi chưa hết. Còn những người Colchide thì dốc sức chèo để cướp lại những đoạn đường đã bị những người Argonautes vượt xa. Họ biết rõ rằng vua Aiétès là một con người sắt đá và tàn bạo. Cái chết đang treo lơ lửng trên đầu họ. Chỉ có một con đường thoát là dốc sức chèo đuổi bắt bằng được Jason.

Hành trình trở về của những người Argonautes

Con thuyền Argo thuận buồm xuôi gió chạy băng băng trên biển Pont-Euxin. Sau ba ngày ba đêm, đất Scythe với bờ biển có bãi cát trắng dài đã hiện ra trước mắt những người Argonautes. Mọi người đều vui mừng. Lần này trở về, những người Argonautes không đi theo con đường cũ nghĩa là không vượt biển Égée để trở về Hy Lạp mà lại cho con thuyền đi ngược dòng sông Istros (ngày nay là sông Danube) để rồi đến một nhánh sông khác của nó rồi đi xuôi xuống biển Adriatique, vùng biển phía tây nước Hy Lạp. Xưa kia những người Hy Lạp cứ tưởng rằng sông Danube nối liền biển Adriatique với Hắc Hải. Họ cũng còn nhầm tưởng rằng dòng sông Po, xưa gọi là Éridan ở nước Ý ngày nay cùng hòa nhập với dòng sông Rhône ở Pháp, làm thành một đường đi, cửa bên này là vịnh Sư Tử, cửa bên kia là biển Adriatique.

Khi con thuyền vào đến cửa sông Istros, đi được một đoạn thì mọi người nhìn lên bờ bỗng thấy từ đâu kéo đến, không biết từ bao giờ một đạo quân đông ngàn ngạt, tinh kỳ phấp phới, vũ khí rợp trời. Nguy hiểm hơn nữa, ngay trước mặt họ trên một dải đất giữa dòng sông như một cù lao nhỏ cũng có một đội phục binh. Mọi người biết rằng mình đã bị đạo quân của Aiétès bao vây. Tình thế thật muôn phần nguy hiểm. Đương đầu với cả một đạo quân binh hùng tướng mạnh, đông như kiến thế kia thì không thể được rồi. Nhưng làm cách nào để tránh khỏi xảy ra một cuộc đụng độ? Một ý nghĩ nhanh như một ánh chớp lóe bên trong trái tim Jason. Jason cho dừng thuyền lại và cử người đến gặp Apsyrtos để điều đình. Những người Argonautes nêu ra quyết định của mình: trao trả Médée cho những người Colchide, địa điểm đón nhận Médée là ngôi đền trên một cù lao nhỏ giữa sông. Tại đây đích thân thủ lĩnh Jason sẽ trao trả cho thủ lĩnh Apsyrtos người con gái của vua Aiétès, đồng thời xin gửi tặng nhà vua nhiều báu vật để bày tỏ lòng hòa hiếu. Còn Bộ lông Cừu vàng hai thủ lĩnh sẽ thương nghị và phân giải sau. Thật ra thì Bộ lông Cừu vàng đã là chiến công của những người Argonautes. Jason thay mặt anh em hoàn thành những công việc của vua Aiétès giao, và như vậy nếu Aiétès giữ đúng lời hứa thì phải làm lễ thật long trọng để chuyển giao Bộ lông Cừu vàng cho những người Argonautes mới phải. Vì thế, việc Bộ lông Cừu vàng thuộc quyền sở hữu của những người Argonautes là hợp lý, hợp pháp.

Apsyrtos theo đúng lời giao ước, đích thân cùng với hai tên quân hầu đi đến ngôi đền thờ. Nhưng khi chàng vừa bước chân vào ngôi đền thì Jason đã phục sẵn từ một chỗ nào đó, rất kín đáo, nhảy xổ ra chém cho một nhát chết tươi. Mưu kế này Jason đã bàn định với Médée. Chính vì thế hai người đã phạm một tội ác tày trời, vô cùng kinh khủng: giết một người không có vũ khí trong tay bằng cách lừa dối. Cả hai tên quân hầu cũng không thoát khỏi lưỡi gươm của Jason. Giết xong Apsyrtos, Jason đem chặt xác ra làm nhiều mảnh và ném xuống sông. Sau đó chàng và Médée xuống thuyền ra lệnh cho anh em thủy thủ nhổ neo, dốc sức chạy ngược lên thượng nguồn sông Istros. Những người Colchide lập tức truy đuổi theo, nhưng trên sóng nước bập bềnh, họ bỗng trông thấy xác người chết. Nhìn ra thì là mảnh xác thủ lĩnh Apsyrtos của họ. Họ đành phải dừng thuyền lại thu lượm những mảnh thi hài người con trai của vua Aiétès để làm lễ an táng. Bởi vì để cho một người chết không được chôn cất là phạm trọng tội đối với thần linh. Apsyrtos chết, quân Colchide mất tướng như rắn không đầu, chẳng biết tiến, thoái ra sao, quyết định thế nào, chính vì lẽ đó mà những người Colchide đành bỏ dở cuộc hành trình truy đuổi.

Con thuyền Argo đi được một chặng đường dài, họ đã ra đến biển Adriatique và sắp tới vùng bờ biển xứ Illyrie. Bỗng nhiên trời nổi gió, mây đen ùn ùn kéo đến và phút chốc một cơn bão dữ dội chưa từng thấy nổi lên. Những con sóng cao như núi cứ nối tiếp nhau đổ xuống. Con thuyền khi thì chao bên trái nghiêng bên phải, khi thì quay tít như chong chóng. Cột buồm, mái chèo bị bẻ gãy. Anh em thủy thủ ra sức chống đỡ nhưng ai nấy đều nghĩ phen này chắc hẳn gửi thân nơi đáy biển. Trong lúc thập tử nhất sinh ấy bỗng một tiếng nói dõng dạc từ mũi thuyền vẳng lên, sang sảng, uy nghiêm. Đó là tiếng nói từ mảnh gỗ sồi ở mũi con thuyền, tiếng nói thiêng liêng truyền đạt ý định của Zeus:

- Hỡi những người thủy thủ Argonautes! Thần Zeus và các vị thần của đỉnh Olympe vô cùng tức giận đối với các người. Các người đã phạm một tội ác tày đình đáng phải trừng phạt nặng. Con thuyền của các người không thể nào về đến quê hương Hy Lạp khi tội ác chưa được tẩy sạch. Chỉ có cách làm nguôi cơn thịnh nộ của các bậc thần linh là các người phải quay thuyền lại, đi tới xứ sở của tiên nữ-phù thủy Circé để xin tiên nữ rửa tội cho thì mới có thể hy vọng trở về đến quê hương Hy Lạp thần thánh một cách yên bình!

Những người Argonautes làm theo lời phán truyền của thần linh. Họ lái con thuyền của mình cho quay ngược về phía bắc, hướng về xứ sở của mụ phù thủy Circé, và ứng nghiệm thay lời truyền phán của thần linh. Khi con thuyền quay mũi về hướng bắc thì bão tan dần, gió ngừng thổi, mặt biển trở lại yên bình.

Con thuyền Argo đi len cách qua nhiều hòn đảo, vượt qua nhiều đoạn đường nguy hiểm, cuối cùng neo đậu lại ở hòn đảo của tiên nữ-phù thủy Circé, em gái của vua Aiétès. Đây là một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời, pháp thuật bùa chú tài giỏi, một tiên nữ-phù thủy có một không hai của thế giới Đông, Tây vùng biển Địa Trung Hải lúc bấy giờ. Khác với giới phù thủy thường xấu xí, dị dạng dị hình, Circé là một thiếu nữ có nhan sắc hơn người. Circé có tài pha chế các thứ nước phép từ các loại cây cỏ trong rừng. Với thứ nước này, Circé cho ai uống thì có thể biến người đó thành giống vật, con gì tùy ý Circé khi niệm chú. Trong một lần thử nghiệm nước phép của mình, Circé dùng chồng để thử. Rủi thay, do có những trục trặc nghĩa là nước phép chưa thật hoàn thiện, chính xác nên người chồng thân yêu của Circé bị chết. Những người Sarmates kết tội Circé đã ám hại vị vua hiền minh của họ. Họ trục xuất Circé khỏi xứ sở. Vì là con gái của thần Mặt trời-Hélios nên Circé được cha đưa cỗ xe ngựa thần xuống đón, đưa đến trú ngụ ở xứ Étrurie. Tại đây, trong một tòa lâu đài, Circé tiếp tục thử nghiệm, hoàn thiện các loại bùa mê thuốc ngủ của mình, và khi đã thành công, nàng dời đến ở hòn đảo Aiaia, hòn đảo mà những người Argonautes giờ đây đặt chân tới.

Những người Argonautes tường thuật lại hành trình của mình cùng với những biến cố đã xảy ra. Nghe xong, Circé cho thiết lập bàn thờ để làm lễ rửa tội. Nàng giết súc vật để làm lễ hiến tế thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe. Nàng cầu khấn đấng phụ vương Zeus, vị thần tối cao có nhiều quyền lực nhất trong các vị thần, hơn nữa là vị thần có quyền năng rửa sạch tội sát nhân. Circé lấy máu của con vật hiến tế đem bôi vào tay Jason và Médée, rồi đọc những bài cầu nguyện, những lời phù chú trước bàn thờ những nữ thần Érinyes, những nữ thần chịu trách nhiệm truy đuổi đến cùng những kẻ phạm tội. Nàng cầu xin các nữ thần hãy mở lượng khoan hồng, tha tội cho hai phạm nhân, và thực hiện nhiều nghi thức khác nữa.

Việc rửa tội xong xuôi, những người Argonautes lễ tạ thần linh, trao tặng Circé nhiều báu vật rồi lên đường. Hành trình của họ chưa phải đã hết gian nguy. Con thuyền của họ đi vào vùng biển của hai con quái vật Charypde và Scylla. Một con là Charypde chuyên hút nước biển vào bụng rồi lại nhả ra. Thuyền bè đi qua mà đúng lúc nó đang hút nước vào bụng thì chẳng vị thần nào cứu thoát. Còn một con là Scylla, chuyên rình bắt những thủy thủ để ăn thịt. Từ trên ngọn núi cao Scylla thò tay xuống giữa lòng thuyền chộp bắt thủy thủ nhanh như chớp. Chẳng cách gì kéo, giữ lại được những người thủy thủ đã nằm trong tay Scylla. Nhờ nữ thần Héra giúp đỡ, chỉ dẫn con thuyền Argonautes vượt qua được Charypde và Scylla. Phải nhằm đúng lúc Charypde đang nhả nước từ trong bụng ra mà vượt qua, trong khi đó, anh em thủy thủ phải ra sức chèo, không một ai được ra đứng ở mũi thuyền hoặc đuôi thuyền, phải che kín không để cho Scylla nhìn thấy người.

Lại qua một vùng biển hiểm nghèo nữa, nhưng ở đấy chẳng có quái vật nào làm con người kinh hồn táng đởm cả. Ngược lại là đằng khác, con người cảm thấy như đi vào trong mộng, như được bay lên cõi tiên, nhưng dù sao cũng dẫn đến cái chết. Đó là vùng biển của những tiên nữ Sirène, nửa người là thiếu nữ, nửa thân phía dưới là chim hoặc là cá, có cánh bay được lên trời, lại có vây, có đuôi để bơi được ở dưới nước. Sirène sống ở một đồng cỏ trên đảo hoang mà quanh đảo ngổn ngang xương trắng của những thi hài bị thối rữa, đó là những thủy thủ xấu số đã nghe phải tiếng hát mê hồn của Sirène, bỏ thuyền bỏ lái lao đầu xuống biển cả bơi theo các Sirène về đảo, những tưởng tìm được cuộc sống hạnh phúc đầy thơ mộng thần tiên bên mối tình thắm nồng vĩnh viễn của các nàng Sirène như lời ca đầy quyến rũ của các nàng. Tiếng hát véo von, du dương của các tiên nữ Sirène có một sức mạnh không thể nào tưởng tượng được. Ai nghe thấy tiếng hát này là trong người náo nức, bồn chồn, hồn mê theo tiếng hát, đâm đầu xuống biển bơi theo các Sirène. Những con thuyền qua vùng biển này thì mười đi họa chăng may lắm là một thoát.

Con thuyền Argo đi vào vùng biển này. Những tiên nữ Sirène liền bảo nhau bơi đến, múa lượn tung tăng quanh con thuyền. Các nàng cất tiếng hát đầy gợi cảm, rủ những chàng trai đi theo các nàng đến hòn đảo của tình yêu và hạnh phúc. Biết được nỗi nguy hiểm phải đương đầu, danh ca Orphée với cây đàn vàng của mình ra ngồi trước mũi thuyền vừa gảy đàn vừa hát. Tiếng hát vừa cất lên cùng với tiếng đàn thánh thót thì tức khắc anh em thủy thủ bị thu hút vào đó, say mê dường như chẳng còn ai muốn lắng nghe tiếng hát của Sirène nữa. Orphée ca hát kể lại cuộc hành trình gian khổ của những người Argonautes, nhắc lại những hy sinh gian khổ và những chiến công hào hùng của họ, tiếng hát kể lại phong cảnh đẹp đẽ của biết bao xứ sở xa lạ với lòng hiếu khách và kính trọng thần linh, gợi nhớ đến quê hương Hy Lạp thần thánh nơi cha mẹ và vợ con họ đang mong mỏi ngày về của họ, một ngày về với chiến công trong danh dự bất diệt của người anh hùng. Biết bao biến cố, xúc động, biết bao nhiêu chuyện vui buồn tình nghĩa trong cuộc đời của con người đều được tiếng đàn và tiếng hát của Orphée kể lại, ca ngợi. Biển khơi hồi hộp lắng nghe, ngay cả những đám mây trắng đang bồng bềnh trôi trên bầu trời xanh ngắt cũng hạ cánh bay xuống gần con thuyền Argo để lắng nghe. Chẳng ai chú ý đến tiếng hát của các Sirène nữa, các Sirène đành chịu bất lực trước tiếng đàn và tiếng hát của người ca sĩ danh tiếng Orphée. Tiếng hát của các nàng chẳng đọng lại được trong trái tim của những người Argonautes. Nó tan ra theo lớp lớp sóng biển rì rào. Từ đó trở đi, những con thuyền đi qua vùng biển này, lạ thay, đều không thấy những Sirène bập bềnh trên sóng biển, ca hát quyến rũ những chàng trai thủy thủ nữa.

Con thuyền Argo đi vào vịnh Planctae, một cái vịnh hẹp mà dải bờ là một rặng núi đá cao lởm chởm, nhô ra thụt vào như hàm răng của một con quái vật. Sóng biển từng đợt xô vào vịnh, đập vào vách đá dội ra tạo thành những cột nước dựng đứng và những vùng nước xoáy. Người ta kể cứ mỗi ngày ở đây có một con chim bồ câu bị chết vì không bay vượt qua được những cột nước dựng đứng cao ngất trời, những con chim này thường mang thức ăn thần và rượu thánh cho thần Zeus, nhưng nữ thần Héra đã cầu xin với nữ thần Amphitrite, vợ của thần Biển-Poséidon, hãy làm cho biển yên sóng lặng để cho con thuyền Argo đi qua được trót lọt, nhờ thế con thuyền Argo thoát khỏi một thảm họa.

Sau một chặng đường dài, con thuyền ghé vào bến cảng của xứ Phéacie. Nhà vua của xứ này nổi tiếng không phải vì có binh hùng tướng mạnh mà vì lòng nhân hậu và quý người trọng khách. Ông tên là Alcinoos. Được tin có những người khách từ đất nước Hy Lạp xa xôi ghé thăm, ông truyền cho mở tiệc để chiêu đãi. Mến người mến cảnh, những người Argonautes định bụng sẽ dừng chân nghỉ được một hai ngày thì những người Colchide không rõ ai mách bảo, biết tin liền cử ngay một đội chiến thuyền đến đòi nhà vua Alcinoos phải trao cho họ Médée. Tình thế thật căng thẳng, cuộc xung đột đẫm máu đang chờ nổ ra. Trước tình thế nguy nan ấy, vua Alcinoos bèn nghĩ ra một cách phân xử thật công bằng và hợp với đạo lý, tránh cho mình khỏi mang tiếng là người đã đem giao nộp những người khách quý vào tay lũ bạo tàn. Nhà vua tuyên bố trước những người Argonautes và Colchide:

- Hỡi những người Argonautes và Colchide, con của Zeus đấng phụ vương chí tôn chí kính! Đất nước Phéacie của chúng ta xưa nay vẫn nổi danh là xứ sở của tính hòa hiếu và lẽ công bằng, vì thế chúng ta không thể nào chấp nhận yêu sách của những người Colchide đòi chúng ta phải nộp nàng Médée. Làm như thế chúng ta sẽ phạm phải một trọng tội mà Zeus và các vị thần Olympe xưa nay vẫn ngăn cấm. Không, không bao giờ những người Phéacie lại đối đãi với những người khách đến thăm xứ sở của mình như một kẻ lừa dối, phản bội. Còn những người Argonautes, những người con dân của đất nước Hy Lạp thần thánh và anh hùng, ta không muốn xứ sở này bị ô danh vì chứa chấp những tên cướp biển, những kẻ chỉ quen đi gieo chết chóc và tai họa xuống cho giống người. Vì thế ta quyết định: ngày mai nàng Médée sẽ ra công bố trước hai bên xem nàng muốn trở về xứ Colchide hay nàng muốn đi theo những người Hy Lạp. Nếu nàng quyết định trở về Colchide thì những người Argonautes đã can tội ăn cướp, đã bắt cóc một người thiếu nữ xinh đẹp con của vua Aiétès danh tiếng lẫy lừng. Còn nếu nàng tự nhận là vợ của Jason thì nàng có trách nhiệm phải theo chồng về quê hương Hy Lạp. Đó là tất cả những điều mà trái tim ta suy nghĩ và nhắc bảo ta như vậy. Vì thế ta cầu xin hai bên hãy vì tình hòa hiếu và sự tôn trọng đất nước Phéacie này, một đất nước không hề chế tạo cung tên và những ngọn lao đồng, mà chỉ sáng tạo ra những con thuyền chạy nhanh như gió, có tư tưởng và không cần người cầm lái, mà tránh để xảy ra một cuộc đổ máu. Điều đó, ngoài thần Chiến tranh-Arès là ham thích, còn Zeus đấng phụ vương và những người trần đoản mệnh chúng ta vốn ghét cay ghét đắng.

Đêm hôm đó nữ hoàng Arété, vợ của vua Alcinoos cho người tới báo cho Jason biết quyết định của vua Alcinoos: Jason và Médée phải làm lễ thành hôn ngay trong đêm đó để sáng mai trước những người Colchide, Médée là người vợ hợp pháp, chính thức của Jason. Sáng hôm sau, trước những người Colchide và Argonautes, dưới quyền chủ tọa của Alcinoos, Médée dõng dạc tuyên bố mình đã là vợ của Jason và có nghĩa vụ phải theo chồng trở về Hy Lạp. Jason với những bằng chứng xác thực của lễ thành hôn, chứng minh cho mọi người thấy rõ. Căn cứ vào những bằng chứng đó, vua Alcinoos long trọng tuyên bố trước hai bên cũng như trước thần dân của mình, các bô lão người Phéacie: Médée là vợ của Jason, một người vợ hợp pháp và người vợ này có nghĩa vụ phải theo chồng. Những người Colchide trước sự thật như vậy không thể đưa ra yêu sách gì được nữa. Họ đành phải quay thuyền trở về quê hương.

Hành trình trở về của con thuyền Argo lại tiếp tục. Sau nhiều ngày lênh đênh trên mặt biển, cuối cùng con thuyền đã đưa họ về tới vùng biển quê hương. Sung sướng biết bao khi những người Argonautes từ xa nhìn thấy mảnh đất quê hương, những mũi đất của vùng đồng bằng Péloponnèse tỏa ra trên biển Égée giống như cây đinh ba của thần Poséidon. Nhưng niềm vui của những người Argonautes phút chốc tiêu tan. Một cơn lốc biển nổi lên đưa con thuyền của họ trôi đi, trôi đi mãi. Mọi người ra sức chống đỡ, gắng giữ con thuyền khỏi bị lật nhào. Gió lốc xoay vật con thuyền, đưa con thuyền trôi đi mãi tận đâu đâu chẳng ai biết nữa. Cuối cùng, con thuyền trôi giạt vào một vùng biển vắng tanh vắng ngắt, nằm chết dí trong một con vịnh nhỏ hẹp đầy rong biển, rong biển nhiều đến nỗi cả mái chèo lẫn bánh lái đều bị quấn chặt. Mọi người đều chán nản vô cùng. Gần về đến quê hương rồi ai ngờ tai bay vạ gió ở đâu lại giáng xuống số phận của họ. Thuyền trưởng Lyncée ngồi ôm đầu trước mũi thuyền thở dài chán ngán. Còn những anh em khác thì bỏ thuyền lên bờ đi lang thang trên bãi cát hoang dại. Mọi người cảm thấy như đang tiến dần đến cái chết. Trong tình thế bế tắc, vô kế khả thi ấy thì may thay những tiên nữ Nymphe biết chuyện, kịp thời tới giúp đỡ. Các nàng nói cho Jason biết, con thuyền Argo đã bị trôi giạt vào vùng biển xứ Libye. Muốn tiếp tục được cuộc hành trình trở về quê hương, những người Argonautes phải vác con thuyền băng qua vùng sa mạc Libye. Nhưng chỉ được vác con thuyền khi nào nữ thần Amphitrite tháo con ngựa khỏi cỗ xe của mình. Nhưng làm thế nào để biết được khi nào, lúc nào nữ thần tháo ngựa ra khỏi cỗ xe? Chà, thật là một chuyện oái oăm rắc rối. Mọi người ngồi quây bên nhau ôm đầu, thở dài, suy nghĩ. Bỗng nhiên từ dưới biển chạy lên một con ngựa trắng muốt. Con ngựa lên bờ và băng băng phi nước đại vào vùng sa mạc rồi mất hút. Những người Argonautes hiểu ngay rằng thời cơ đã đến với họ. Lập tức họ kéo con thuyền lên bờ rồi ghé vai vác con thuyền đi vào vùng sa mạc. Họ cứ thế đi suốt mười hai ngày, mười hai đêm, chịu đói, chịu khát dưới ánh nắng thiêu đốt. Cuối cùng, họ tới xứ sở của những người Hespérides. Những người này chỉ cho họ biết một nguồn nước ngọt chảy ra từ ngọn núi Héraclès, và thế là mọi người được một phen uống đến no nê thỏa thích. Tất nhiên những người thủy thủ Hy Lạp không ai quên kín nước cho đầy các bình để dự trữ. Con thuyền Argo sau khi qua vùng sa mạc được hạ thủy xuống một vùng nước rộng mênh mông. Tuy nhiên những người Argonautes không sao tìm được đường ra biển. Thì ra không phải họ đã hạ thủy được con thuyền của họ xuống biến mà là hạ thủy xuống cái hố của thần Triton, thường gọi là Tritonis. Theo lời khuyên của Orphée, những người Argonautes làm một lễ hiến tế thần Biển-Triton, nhưng không biết giết súc vật để hiến tế mà đốt một chiếc ghế ba chân, để cầu xin một lời chỉ dẫn. Thế là phút chốc không rõ từ đâu xuất hiện một chàng trai vô cùng xinh đẹp. Chàng trai này trao cho Euphémos, một người anh hùng trong đoàn thủy thủ Argonautes, vốn là con của thần Biển-Poséidon, một nắm đất để bày tỏ lòng hiếu khách. Với tài tiên đoán điêu luyện, Euphémos biết ngay đó là vị thần Triton hóa thân để giao tiếp với các anh hùng Hy Lạp. Euphémos liền mạnh dạn thuật lại cuộc hành trình của những người Argonautes cho chàng trai xinh đẹp biết để rồi cuối cùng hỏi chàng đường ra biển. Chàng trai vui lòng chỉ bảo cho những người Argonautes rất cặn kẽ, tỉ mỉ, mọi người đều hết sức biết ơn chàng trai. Không ai quên bày tỏ tình cảm của mình trước khi từ biệt chàng. Một lễ hiến tế tạ ơn thần Triton, giết một con cừu để dâng lễ, đã được tổ chức trọng thể trước giờ lên đường. Con thuyền Argo lại ra đi. Khi những người Argonautes vừa chèo được độ mươi nhịp thì một kỳ tích đã đến với con thuyền của họ. Thần Triton hiện ra nâng bổng con thuyền của họ lên, đưa con thuyền của họ vượt qua những ngọn núi đá trắng, vượt qua những xoáy nước và hạ nó xuống biển. Từ hồ Triton con thuyền bay ra biển và hướng về đảo Crète. Những người Argonautes định ghé thuyền lại hòn đảo này để lấy thêm lương thực và nước ngọt. Nhưng một người khổng lồ tên là Talos đã cản trở công việc của họ. Tên khổng lồ này do thần Zeus sáng tạo ra bằng đồng, một người khổng lồ bằng đồng nhưng có sức mạnh ghê gớm không kém những tên khổng lồ Hécatonchires. Thần Zeus trao tên khổng lồ Talos cho nhà vua Minos ở đảo Crète để sử dụng hắn làm một tên bính canh. Hắn ngày đêm lo canh phòng đảo Crète khỏi bị lũ cướp biển xâm phạm, và bảo vệ cho cung điện, lâu đài của vua Minos được an toàn. Tuy có sức mạnh vô địch như thế nhưng tên Talos cũng có một điểm yếu đó là cái mắt cá chân, quãng trên đó một chút. Khi thấy con thuyền Argo đang ghé vào bờ, Talos vội chạy ra bờ biển. Hắn quát tháo ra lệnh đuổi con thuyền đi và đe dọa sẽ ném một tảng đá, đúng hơn một trái núi, đè bẹp con thuyền. Thấy tình cảnh nguy ngập như vậy, Jason ra lệnh cho anh em thủy thủ dừng thuyền, nhưng Talos không chần chừ, hắn bê luôn một tảng đá to khủng khiếp nhằm con thuyền định giáng xuống. Médée từ khi thấy Talos ra oai, quát tháo đã nhanh trí đối phó. Nàng cầu khấn những con chó ngao của thần Hadès tới giúp. Lũ chó xuất hiện vừa lúc Talos bê tảng đá lên. Chúng xông vào cắn xé làm quẩn chân Talos, và khi Talos vừa ráng sức nâng bổng tảng đá lên trên đầu định giáng xuống thì bị lũ chó làm trượt chân, ngã lăn xuống đất. Chiếc đinh chốt trên chỗ mắt cá chân của hắn bật ra, và thế là máu từ trong người hắn trào tuôn ra qua chỗ chốt bật ấy. Máu chảy ra ồng ộc như khi ta chọc tiết một con cừu hay một con bò để làm lễ hiến tế. Chẳng ai đóng chốt bịt lại mạch máu cho hắn cả, và chỉ một lát sau Talos mất hết máu nằm chết cứng. Nhờ đó những người Argonautes có thể yên tâm lên bờ lấy nước và lương thực dự trữ cho chặng đường trở về không còn bao xa nữa.

Trên đường từ đảo Crète trở về Hy Lạp, Euphémos không may đánh rơi mất nắm đất của thần Triton trao tặng, rơi xuống biển. Từ nắm đất này mọc lên một hòn đảo mà những người Argonautes đặt tên cho nó là Callisto, nhưng sau này những con cháu của Euphémos đến sinh cơ lập nghiệp ở đảo và đổi tên là Théra.

Vẫn chưa hết những khó khăn. Con thuyền trên đường trở về Iolcos lại gặp một trận bão nữa. Cơn bão nổi lên trong đêm khiến cho các thủy thủ vô cùng kinh hãi. Quãng biển từ đây về đến bến cảng là vùng có nhiều đảo lớn, đảo nhỏ và đá ngầm. Mặc dù thuyền trưởng Lyncée có đôi mắt nhìn thấu đêm đen nhưng mọi người vẫn rất lo sợ. Bản thân Lyncée cũng vô cùng lo lắng vì chàng còn phải lo chỉ huy anh em chống đỡ với các cơn gió hung dữ. Đang trong lúc khó khăn ấy thì bỗng đâu trên bầu trời đen kịt xuất hiện một mũi tên sáng rực bay ngang qua con thuyền đi về hướng bắc, rồi tiếp một mũi nữa, và một mũi nữa cách nhau không xa lắm. Mọi người biết ngay con thuyền của mình đã được thần Apollon phù trợ. Thần đã bắn những mũi tên vàng của mình để soi đường cho con thuyền. Những người Argonautes nhờ đó thoát khỏi vùng biển nguy hiểm. Họ ghé con thuyền vào đảo Anafi và chờ cho đến khi bão tan.

Sáng hôm sau biển yên, sóng lặng, trời đẹp, người vui, thuyền Argo lướt đi băng băng trên sóng, hoàn thành nốt chặng đường cuối cùng của mình, và chẳng bao lâu đô thành Iolcos đã hiện ra trước mắt họ ngày một gần hơn, ngày một rõ hơn. Họ đã hoàn thành sứ mạng nặng nề và trở về với mảnh đất thân yêu, thiêng liêng của thần Hellen. Nhân dân khắp đô thành Iolcos mở hội chào mừng những người anh hùng. Mọi người đều đem những lễ vật quý giá nhất để dâng cúng thần linh, làm lễ tạ ơn các vị thần của đỉnh Olympe mà đứng đầu là đấng phụ vương Zeus đã phù hộ độ trì cho con thuyền Argo tai qua nạn khỏi, vượt qua được những thử thách, lập được chiến công hào hùng vĩ đại vang động đến trời xanh: Mọi người cũng không quên công ơn của người anh hùng Jason dìu dắt anh em, đương đầu với những thử thách để đoạt được Bộ lông Cừu vàng.

Ngày nay, trong văn học thế giới Argonautes chuyển nghĩa thành một danh từ chỉ những người thủy thủ dũng cảm hoặc những người dấn thân vào một sự nghiệp phiêu lưu, nguy hiểm hoặc cụ thể hơn nữa chỉ những người đi tìm vàng hay những người đang theo đuổi sự nghiệp làm giàu. Mở rộng hơn nữa, Argonautes chỉ những người dũng cảm tìm tòi, dám đương đầu với những thử thách. Còn Bộ lông Cừu vàng (La Toison d’Or) chỉ một sự nghiệp lớn, nhiều khó khăn đòi hỏi nhiều hy sinh, cố gắng mới có thể đạt được.

Jason và Médée giết Pélias

Bộ lông Cừu vàng đã về Iolcos, Cả kinh thành làm lễ rước trọng thể báu vật đó. Không ai là người không trông thấy ánh sáng ngời ngợi từ Bộ lông Cừu vàng tỏa ra. Ai nấy đều vô cùng hoan hỉ khi thấy từ nay những người Hy Lạp đời này kế tiếp đời khác lưu giữ báu vật.

Jason về nhà. Một biến cố khủng khiếp đã xảy ra trong khi chàng đi vắng. Pélias đã bức hại người cha già thân yêu của chàng. Y buộc ông cụ phải uống máu một con bò mộng, theo người xưa đó là một liều thuốc độc ghê gớm. Aeson vật ra chết ngay sau khi rời tay khỏi chén. Alcimédé, vợ của cụ, xót xa, đau đớn trước cái chết của chồng đã thắt cổ tự vẫn. Còn Pélias, y không ngờ Jason lại có thể hoàn thành được những thử thách nặng nề nguy hiểm đến như thế để trở về. Ngai vàng mà y đang ngự đã đến lúc phải trao lại cho Jason. Có chuyện kể, Pélias không giết chết Aeson, mà Médée bằng pháp thuật của mình đã làm cho Aeson trẻ lại khiến cho Pélias thèm muốn, và đó là mưu kế của Médée bày ra để trả thù Pélias đã không trao quyền lại cho Jason. Câu chuyện xảy ra như sau:

Một đêm khuya, Médée bỏ ra đi. Nàng mặc toàn đồ đen, đi tất, tóc buông xõa. Khi đó mọi vật đều chìm đắm trong giấc ngủ và bóng đêm. Médée dưới ánh sao mờ, lần bước tới một ngã ba đường. Đến đây nàng dừng lại, giơ tay cao lên trời hú to lên ba tiếng. Rồi nàng quỳ xuống đọc những câu thần chú ma quái. Nàng gọi, nàng hú hồn các thứ âm binh. Nàng cầu xin nữ thần Hécate giúp đỡ nàng. Nghe lời nàng cầu nguyện, nữ thần Hécate hiện ra trên cỗ xe do những con rồng có cánh kéo. Nữ thần gọi Médée lên xe. Thế là Médée bắt đầu cuộc hành trình đi tìm các thứ lá, cỏ, rễ cây thần kỳ về để pha chế các loại thuốc linh diệu. Suốt chín ngày đêm Médée đi qua các cánh rừng, ngọn núi, đi dọc theo nhiều con sông và lần mò ra tận bờ biển tìm vào các hang hốc sâu thẳm tối tăm. Nàng trở về nhà với biết bao nhiêu thứ lá cây, rễ cây, cỏ, hoa... Nàng sai gia nhân thiết lập hai bàn thờ và cho đào trước mỗi hàn thờ một cái hố, một dành cho nữ thần Hécate, một dành cho nữ thần Tuổi thanh xuân. Sau đó nàng giết những con cừu đen tẩm mật ong vàng với sữa để làm lễ hiến tế các nữ thần Tuổi thanh xuân, bóng đêm và nữ thần ma thuật Hécate. Nàng cầu khấn các vị thần ở thế giới âm phủ Hadès và Perséphone, xin đừng tước đoạt cuộc sống của Aeson. Sau đó nàng mời lão vương Aeson tới dùng pháp thuật làm cho cụ ngủ đi một giấc dài, mê mệt trên một lớp cỏ tiên. Trong khi đó, trên một chiếc chảo đồng, Médée nấu thuốc. Khi thuốc sôi, bọt nổi lên, Médée bèn lấy một cành cây khô để quấy và cũng là để thử. Kỳ lạ thay, cành cây được nhúng vào chảo thuốc bỗng xanh tươi trở lại. Thấy thuốc đã chín, Médée bèn cầm lấy thanh gươm tiến đến chỗ Aeson ngủ, cứa mạnh lưỡi gươm vào cổ cụ già. Máu trong người cụ tuôn ra. Đó là thứ máu đã già cỗi làm cho con người suy yếu. Tiếp đó nàng rót vào người cụ chất thuốc nhiệm màu đã nấu ở trong chảo. Khi rót đã đầy, nàng khâu vết cứa ở cổ Aeson lại. Một lát sau cụ già tỉnh dậy. Lạ thay, tóc bạc không còn, những nếp da nhăn nheo biến mất. Khuôn mặt cụ hồng hào tươi tỉnh. Cụ đi nhanh nhẹn như một chàng trai, mất hẳn đi cái dáng hình lưng còng, lụ khụ, chậm rãi.

Việc cụ già Aeson trẻ lại khiến những người con gái của vua Pélias ngạc nhiên và dò hỏi. Các cô gặp Médée để tìm hiểu sự thật. Để làm cho các cô tin hẳn, Médée bắt một con cừu già ném vào chảo thuốc. Có người lại kể, Médée chặt con cừu ra làm bốn, năm khúc rồi mới ném vào chảo thuốc. Chỉ một lát sau từ trong chảo nhảy ra một con cừu non khỏe mạnh, chạy tung tăng. Những người con gái của Pélias hết sức khâm phục tài năng của Médée và khẩn khoản nhờ nàng làm giúp cho cha mình trẻ lại.

Sự việc diễn ra tương tự như đối với Aeson. Pélias được những người con gái dẫn đến nhà Médée. Họ đặt người cha già nằm trên lớp cỏ tiên. Chảo thuốc đang sôi nhưng có điều không phải được nấu bằng những thứ lá hôm trước. Médée giục những người con gái Pélias cầm gươm cứa vào cổ cha để cho thứ máu già nua chảy hết ra. Chẳng cô nào dám làm. Mãi sau mới có một cô mạnh bạo tiến đến chỗ người cha đang ngủ đưa thanh gươm vào cổ ông cứa mạnh một cái. Máu chảy ra ồng ộc. Bất ngờ Pélias tỉnh dậy. Y đưa đôi cánh tay yếu ớt ra, mắt đờ đẫn kêu lên:

- Ôi các con gái thân yêu của ta! Ta chết đây. Ta đã làm gì đến nỗi để các con giết ta!

Những người con gái của Pélias rú lên, bưng mặt khóc. Médée liền chạy tới giật lấy thanh gươm, đâm tiếp cho Pélias mấy nhát. Sau đó nàng chặt xác y ra bỏ vào chảo thuốc đang sôi. Nhưng chẳng có cái gì hết từ chảo thuốc đó trả lại.

Như vậy Jason và Médée đã trả được mối thù bầm gan tím ruột đối với tên vua độc ác. Những người con gái Pélias kinh hoàng vì sự việc vừa xảy ra mà họ là những người gánh chịu trách nhiệm một phần, đã hối hận, khóc than ngày đêm đến nỗi mất trí hóa điên. Còn Jason và Médée sau chuyện đó lập tức rời Iolcos. Một cỗ xe do những con rồng có cánh kéo, từ trời cao hạ xuống đón hai người, đưa sang trú ngụ ở đất Corinthe. Adraste con trai của vua Pélias không cho Jason kế vị vì lẽ Jason đã tòng phạm với Médée trong âm mưu ám hại Pélias. Tang lễ Pélias được tổ chức rất trọng thể. Ngoài những nghi lễ thờ cúng, hiến tế thần linh, người ta còn tổ chức những cuộc thi đấu thể dục thể thao để tưởng niệm linh hồn người quá cố. Đích thân thần Hermès đứng ra chủ tọa và chấm giải. Các vị anh hùng danh tiếng trên đất Hy Lạp đều kéo đến tỉ thí. Hai anh em Dioscures cùng với chàng Euphémos dự cuộc đua xe ngựa, Admète và Mopsos dự đấu quyền, Atalante và Pélée đấu vật. Chàng Iphiclos giành được giải nhất trong cuộc chạy thi.

Cái chết của Jason

Jason và Médée sang trú ngụ ở đất Corinthe dưới quyền trị vì của vua Créon. Cuộc sống của họ trôi đi trong hạnh phúc bình thường, giản dị. Médée sinh được hai con trai. Cuộc đời của họ tưởng cứ thế kéo dài cho đến khi mãn chiều xế bóng. Nhưng có ai ngờ được lòng người thay đổi khôn lường. Sông sâu còn có kẻ dò chứ lòng người thì...

Vua Créon có một người con gái xinh đẹp tên là Glaucé. Sắc đẹp và địa vị của nàng, nhất là địa vị của nàng, đã khiến cho Jason tơ tưởng, và rồi, Jason đem lòng yêu mến Glaucé, bày tỏ tình cảm tha thiết của mình đối với nàng cũng như quyết tâm gắn bó cuộc đời của mình đối với nàng. Vua Créon biết chuyện nhưng chẳng can ngăn. Ông bằng lòng gả con gái cho Jason. Thế là Jason phụ bạc Médée, quên hết mối tình đẹp đẽ thiêng liêng đã gắn bó mình với Médée trong sự nghiệp đi chinh phục Bộ lông Cừu vàng.

Biết chuyện, Médée vô cùng đau khổ. Nàng cảm thấy bị xúc phạm trắng trợn, bị phản bội. Nàng đã hy sinh hết thảy vì Jason và sự nghiệp của chàng: phản lại vua cha, giết người anh ruột, rời bỏ quê hương đến đất nước Hy Lạp. Nàng chẳng mong muốn gì hơn ngoài việc được sống trong tình yêu chung thủy và hạnh phúc đầm ấm thuận hòa. Thế mà giờ đây điều đó không còn. Médée buồn rầu, đau khổ, giận dữ. Có những lúc nàng như điên như dại, khi thì khóc nấc lên, gào thét, vật vã, khi thì nguyền rủa bản thân mình, nguyền rủa hai đứa con, đe dọa sẽ phá hết, giết hết. Từ nỗi đau khổ, uất ức, ghen giận đó một ý định trả thù bỗng lóe lên trong trái tim nàng và ngày càng hun đốt nó, Médée cầu khấn nữ thần Thémis, người cai quản công lý, cầu khấn thần Zeus tối uy tối linh và nữ thần Hécate, người mà nàng thờ phụng chứng giám cho nàng. Nàng quyết biến cuộc hôn nhân đã làm nàng đau khổ thành một đám tang, biến ba kẻ thù của nàng: người cha, đứa con gái và chàng con rể thành ba cái xác chết.

Những cơn giận dữ điên dại và những lời nguyền rủa của nàng đã bay đến tai Jason và vua Créon. Jason bèn vội tới gặp Médée để an ủi khuyên giải nàng, nhưng lời khuyên giải, an ủi của một kẻ ham tiền tài, địa vị, chà đạp lên tình nghĩa thì phỏng có ích gì! Trước những lời kết tội, sỉ mắng của Médée, Jason lại càng tỏ ra hèn kém và xấu xa. Y kể với Médée là đã có công đưa nàng từ một đất nước Dã man về nước Hy Lạp văn minh và thần thánh. Vì lẽ đó nàng nên biết ơn y và không nên tức giận phản đối cuộc hôn nhân của y với Glaucé. Y nói sở dĩ y phải bỏ nàng để kết hôn với công chúa không phải vì y muốn có nhiều con hoặc đam mê sắc đẹp của Glaucé. Y kết hôn với công chúa chỉ vì tương lai của các con. Nhờ cuộc kết hôn này mà đời chúng sẽ có địa vị, có danh tiếng và giàu có.

Nhưng vua Créon thì không đối xử với Médée như Jason. Nhà vua biết Médée là người thờ phụng nữ thần Hécate, rất giỏi pháp thuật và đã từng dùng pháp thuật giết chết Pélias. Vì thế nhà vua ra lệnh: đuổi thẳng Médée và hai đứa con của nàng đi khỏi xứ Corinthe, đi ngay không được chậm trễ. Có như thế mới bảo đảm cho lễ thành hôn của Glaucé được yên lành. Tình cảnh Médée đến lúc này lại càng thêm khổ nhục, bế tắc. Nàng van xin vua Créon cho nàng trú ngụ ở Corinthe nhưng không được. Cuối cùng, nàng chỉ được Créon chấp thuận cho nán lại một ngày để thu xếp. Thực ra Médée xin nán lại một ngày là để thu xếp việc trả thù. Ý định trả thù trong trái tim nàng đã rõ rệt, rắn chắc không gì có thể lay chuyển nổi: Nàng quyết không để cho những kẻ làm nhục nàng, chà đạp lên số phận của nàng được đắc chí, hớn hở, vui mừng vì những việc làm bất nhân bất nghĩa của chúng.

Vào lúc đó, Égée, một vị vua trị vì ở đô thành Athènes, đang ở trên đất Corinthe. Égée đến Corinthe để cầu khấn thần Apollon, xin thần ban cho một lời chỉ dẫn để chấm dứt cảnh hiếm hoi. Nhà vua đi cầu tự. Được tin, Médée bèn xin Égée cho trú ngụ. Nhà vua nghe Médée thuật lại tình cảnh bất hạnh của nàng trong lòng vô cùng xúc động, đã chấp nhận lời cầu xin của Médée. Tuy nhiên nhà vua ngỏ ý là Médée sẽ tự đi đến Athènes, còn tại đây ở ngay trên đất Corinthe này, nhà vua không thể đón tiếp Médée được. Làm như vậy sẽ gây ra mối bất bình đối với Créon. Dù sao Médée cũng đã được nhà vua đô thành Athènes thề hứa sẽ bảo vệ nàng, không bao giờ, dù có gặp sức ép của vua Créon, trao nộp nàng cho Créon. Còn Médée, nàng hứa sẽ dùng pháp thuật của mình chữa cho Égée thoát cảnh hiếm hoi, và chính vì lời hứa này mà vua Égée đã sẵn sàng giúp đỡ người đàn bà bất hạnh đó.

Mọi việc đã thu xếp xong xuôi. Bây giờ đến lúc Médée thực hiện ý đồ trả thù của mình. Trước hết, Médée cho mời Jason đến để xin cho hai đứa con trai được ở lại Corinthe. Nàng tỏ vẻ hối hận vì vừa rồi trong lúc giận dữ đã quá lời, xúc phạm đến Jason. Nàng xin lỗi Jason và nghĩ lại, nàng nhận thấy việc Jason kết hôn với công chúa Glaucé là khôn ngoan, sáng suốt. Nàng sẽ sai hai đứa con đem những lễ vật quý báu đến để dâng tặng công chúa Glaucé, nhờ Jason xin với công chúa cho hai con trai nàng được ở lại Corinthe. Jason ưng thuận. Médée bèn trao cho hai đứa con đem một tấm khăn choàng (có chuyện kể là một chiếc áo) và một chiếc vương miện bằng vàng đến cung điện dâng công chúa. Nhận được tặng phẩm quý báu, công chúa bèn choàng tấm khăn lên người và đội chiếc vương miện bằng vàng rực rỡ lên đầu. Đòn trả thù nghiệt ngã, khủng khiếp thế là được thực hiện. Công chúa vừa khoác tấm khăn lên người và đội vương miện lên đầu chưa kịp ngắm nghía dung nhan của mình trong gương thì bỗng rùng mình, khó chịu. Mặt nàng biến sắc, người loạng choạng, lảo đảo và run bắn lên. Nàng phải lui lại gieo mình xuống ghế để khỏi ngã xuống đất. Thế rồi mắt nàng đảo ngược lên, bọt mép sùi ra, máu trong người tuôn chảy.

Gia nhân thấy vậy hốt hoảng chạy đi trình báo vua cha. Chưa hết, chiếc vương miện trên đầu công chúa bỗng nhiên bốc cháy. Lửa bùng lên ngùn ngụt thiêu đốt tóc nàng và lan xuống khắp người nàng. Nàng vùng đứng dậy chạy như điên như dại quanh phòng gào thét. Nàng cố dứt tấm khăn choàng ra nhưng không được. Nó đã bám chặt vào da thịt nàng cắn xé. Nàng cố tháo chiếc vương miện ra khỏi đầu cũng không được. Glaucé ngã vật xuống đất người bốc cháy đùng đùng như một ngọn đuốc. Vua Créon được tin, chạy vội về. Ông ôm chầm lấy con gái khóc than. Nhưng đến khi vua đứng dậy thì không được. Chiếc khăn choàng ma quái đã níu chặt vua lại và lóc da rứt thịt nhà vua ra, và hai cha con đã chết bên nhau.

Còn Médée, khi hai đứa con dâng lễ vật cho công chúa xong trở về, nàng liền bắt chúng vào phòng, lấy gươm đâm vào cổ chúng, giết chúng như nàng nói, cho hết cái nòi giống Jason phản bội. Vả lại, nàng nghĩ, nếu không giết chúng thì nhân dân Corinthe cũng sẽ giết chúng vì mẹ chúng phạm tội giết nhà vua và công chúa. Jason được tin chạy vội tới với hy vọng có thể cứu được những đứa con thoát khỏi sự trừng phạt của nhân dân Corinthe, nhưng đã quá muộn: Một cỗ xe do những con rồng có cánh kéo từ trời cao hạ xuống đón Médée đưa nàng sang đô thành Athènes. Nàng đem theo cả thi hài hai đứa con và mặc cho Jason van xin, nàng không cho Jason được quyền chôn cất chúng. Nàng kết tội, chính Jason là kẻ gây ra cái chết của hai đứa con.

Jason vô cùng đau đớn trước những thảm họa liên tiếp giáng xuống đời mình. Y như điên như dại. Y bỏ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Đòn trả thù của Médée thật hiểm độc: Jason không chết nhưng phải sống cô đơn không người thân thích và sống với nỗi hối hận vò xé, cắn rứt trong trái tim. Suốt đời Jason cứ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Biến cố khủng khiếp vừa qua như một vết dao khắc sâu vào trái tim y, khiến y cố quên đi mà không sao quên được. Bữa kia đi lang thang trên bãi biển, bất ngờ y gặp lại con thuyền Argo nằm úp mình trên bãi cát. Nơi đây thuộc địa phận của đô thành Istros. Con thuyền Argo sau khi hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình, được các vị anh hùng làm lễ hiến dâng cho vị thần Poséidon. Nhìn thấy con thuyền, bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm xưa, Jason càng chán nản, mỏi mệt. Chẳng ai có thể nghĩ được, hiểu được vì sao từ người anh hùng danh tiếng như thế mà đổi thay đến nỗi trở thành một kẻ tham tiền tài, địa vị, phản bội, phụ bạc lại người vợ đã hy sinh tận tụy cho sự nghiệp của mình, và để rồi giờ đây là một kẻ sống lang thang, bị khinh bỉ, ghê tởm! Than ôi, thật là “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng!”

Trời đang nắng gắt. Jason bèn chui vào nằm dưới gầm con thuyền để nghỉ. Y ngủ thiếp đi, và chính trong giấc ngủ này, một giấc ngủ say và mệt của một kẻ sống không còn niềm vui và hy vọng, không còn niềm tự hào về quá khứ vinh quang và danh dự cao cả, không còn cả nỗi lo âu vì đại nghĩa, vì số phận của lương dân, vì truyền thống đẹp đẽ, của tổ tiên, chính trong giấc ngủ này y đã chết. Con thuyền Argo trải qua năm tháng dãi dầu cũng đến lúc suy sụp. Một tấm ván của con thuyền bung ra và rơi xuống trúng đầu Jason kéo theo một vài thanh giầm sập xuống. Jason đã chết như thế, một cái chết không ai biết đến, không có lễ tang, không một giọt nước mắt xót thương của những người thân thích. Con thuyền Argo mục nát đã chôn vùi y, kết thúc cuộc sống của một kẻ đã chết về chí khí và đạo đức của người anh hùng từ lâu. Buồn thay những thăng trầm của cuộc đời nhưng tất cả đều do Số mệnh và các vị thần Olympe vạch đường chỉ lối.

Bảng gia hệ của Pélias và Jason

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

TRUYỀN THUYẾT VỀ CUỘC CHIẾN TRANH TROIE

Thành Troie

Ở đất Argolide, vào lúc mà cuộc tình duyên của thần Sông-Inachos với tiên nữ Mélia sinh ra Phoronée, người đàn ông đầu tiên của mặt đất mênh mông, thì ở đảo Samothrace, một người con trai của thần Zeus tên là Dardanos cũng được giáng hạ xuống trần. Qua bao năm tháng, đến năm ấy thật rủi ro, một trận đại hồng thủy xảy ra làm ngập băng hòn đảo. Các sinh vật đều chết hết trừ Dardanos may mắn nhờ có một chiếc mảng mà sống sót được. Lênh đênh trên biển nước không biết bao ngày, Dardanos cứ hướng chiếc mảng của mình về phía đông mà đi tới. Cho đến một ngày kia chàng nhìn thấy đất liền. Ôi, thật vô cùng sung sướng. Đó là bờ biển xứ Phrygie. Tới đây chàng được vua Teucer, con trai của thần Sông-Scamandre và tiên nữ Nymphe Ida, đón tiếp. Xưa kia lúc con người mới xuất hiện trên thế gian, đất đai hãy còn hoang vắng lắm, chẳng có mấy người sinh sống. Vì lẽ đó Teucer vô cùng sung sướng khi có một người bạn đến chung sống với mình. Lập tức nhà vua đem chia cho Dardanos một phần tài sản trong gia tài vô cùng to lớn của mình. Hơn thế nữa, hồi đó các chàng trai ở rể cũng rất hiếm mà Dardanos lại là con dòng cháu giống nên Teucer gả luôn con gái của mình cho người khách đáng thương đáng quý ấy. Teucer chết, Dardanos nối ngôi. Từ đây bắt đầu dòng họ của những người Dardanos trị vì trên vương quốc Troie. Đó là một dòng giống thiêng liêng nhưng lại chịu một số phận bất hạnh vô cùng.

Hồi đó ở vùng đồng bằng Troade trên đất Phrygie, có một ngọn đồi tên là Ngọn đồi Lầm lẫn mà sự tích của nó bắt nguồn từ Até, vị nữ thần Lầm lẫn đã nhiều lần làm cho Zeus tính một đằng nhưng lại làm ra một nẻo. Chính nàng là người làm cho Zeus hy vọng vào lời phán truyền: “Đứa bé nào sinh ra trước nhất sẽ được làm vua ở đất Mycènes” (hẳn là Héraclès) mà rồi thành thất vọng. Điều này khiến Zeus tức giận vô cùng, tức giận đến nỗi Zeus túm lấy tóc nữ thần Até (có người bảo nắm lấy cánh tay) quẳng ngay xuống trần.

Até từ chín tầng mây rơi xuống, rơi đúng ngay vào một ngọn đồi, vì thế ngọn đồi đó mang tên là Ngọn đồi Lầm lẫn mà Số mệnh đã định trước rằng một ngày kia thành Troie sẽ dựng lên trên ngọn đồi đó. Vì thế tất cả lịch sử của người Troie đều bị nữ thần Lầm lẫn chi phối, và những ý nghĩ khôn ngoan nhất của họ, những dự tính, lo xa của họ nhiều khi lại phản lại họ. Ngay từ nguồn gốc của thành Troie đã có bàn tay của Số mệnh chi phối, Zeus dẫn con người đến những tai ương, thảm họa dường như không sao cưỡng lại được. Hãy bắt đầu từ việc xây thành của Dardanos. Dardanos lên ngôi trị vì trên vùng đồng bằng Troade. Nhà vua cho xây thành trên sườn núi Ida, một ngọn núi cao bao quát khắp vùng đồng bằng. Thuở ấy đô thành của Dardanos mang tên là Dardania. Qua hai hoặc ba đời sau một người cháu của Dardanos lên nối ngôi tên gọi là Tros, và tiếp đó con trai của Tros lên ngôi, tên gọi là Ilos. Ilos lên làm vua, việc đầu tiên là muốn mở mang bờ cõi cho xứng đáng với cơ nghiệp của cha ông truyền lại. Nhà vua quyết định sẽ phải tìm đất để xây một đô thành ở gần bờ biển. Năm đó, một vị vua láng giềng trên đất Phrygie mở hội, mời Ilos tham dự. Vốn là người tài ba lỗi lạc, Ilos đoạt hầu hết các giải trong các cuộc thi đấu. Cảm phục tài năng của Ilos, vị vua láng giềng đã cầu xin thần thánh ban cho một lời sấm ngôn chỉ dẫn cho việc chọn đất xây thành của Ilos. Lời sấm truyền cho biết: Hãy xây trên mảnh đất nào mà con bò đốm trắng đốm đen nằm nghỉ - con bò mà Ilos được giải thưởng trong những cuộc thi đấu. Danh tiếng của đô thành xây trên mảnh đất đó sẽ vang dội đến tận trời xanh.

Tuân theo lời sấm truyền, Ilos trở về, sáng dậy ra đồng để ý theo dõi con bò có đốm trắng đốm đen. Chàng đi theo nó cho tới lúc nó nằm nghỉ, và chỗ đó chính là Ngọn đồi Lầm lẫn. Ilos bèn truyền lệnh cắm đất xây thành. Xây xong, Ilos đặt tên cho nó là Ilion để đời sau ghi nhớ tới người đã có công xây dựng nên nó - vua Ilos. Sau này người ta gọi đô thành Ilion bằng một cái tên nữa: thành Troie.

Thời gian trôi đi bình thản, không có một biến cố gì xảy ra đáng phải lo ngại. Tuy nhiên, Ilos vẫn băn khoăn một điều, không rõ mình xây thành như thế đã đúng với lời sấm truyền chưa. Ilos bèn cầu khẩn thần Zeus, xin thần ban cho một dấu hiệu gì ứng nghiệm. Thần Zeus ưng chuẩn, và một buổi sáng kia, Ilos khi tỉnh dậy thấy ngay trước sân một bức tượng, một bức tượng bằng gỗ thật đẹp, tuy không cao to lắm. Bức tượng này tên gọi là Palladion, hai chân dính vào nhau, tay phải cầm một ngọn lao, tay trái cầm một búp sợi và một ống suốt. Người ta bảo nó là tượng nữ thần Athéna. Lại có một lời sấm truyền cho người Troie biết rõ hơn về kỳ tích này: Đây là báu vật thần Zeus ban cho người Troie. Thành Troie sẽ bền vững đời đời, bất khả xâm phạm chừng nào mà bức tượng đó ở trong tay người Troie, không rơi vào tay người khác. Tức khắc người Troie cho xây một ngôi đền lộng lẫy ở trong thành để thờ bức tượng Palladion.

Do tích chuyện này nên ngày nay trong văn học thế giới Palladion chuyển thành danh từ chung với nghĩa: sự bảo vệ hoặc người bảo vệ.

Ilos có hai người con, một trai tên gọi Laomédon, một gái tên gọi Thémisté. Sự nghiệp xây thành của Ilos mới xong được phần chính trên ngọn đồi, còn ở dưới chân đồi thì chưa làm được chút gì. Laomédon lên nối ngôi cha tiếp tục công cuộc xây thành. Nhà vua mời thần Apollon và thần Poséidon tới xây giúp. Nhưng khi các vị thần này hoàn thành công việc thì Laomédon lại quỵt công bội ước, không trao tất cả số súc vật do đàn súc vật của mình sinh đẻ ra trong năm ấy như đã hứa. Chẳng những thế, Laomédon lại còn đe dọa sẽ xẻo tai cắt mũi hai vị thần, nếu các vị cứ lằng nhằng đòi công xá mãi. Phải nói công trình xây dựng những bức tường thành dưới chân đồi rất lớn. Nó chẳng những bao quanh che chở cho khu thành trên ngọn đồi cao mà còn kéo dài xuống tận vùng bờ biển, nơi hai vị thần đã xây dựng cho Laomédon một bến cảng thuận lợi. Chuyện xưa kể, cùng xây thành với hai vị thần còn có người anh hùng Éaque là cha của người anh hùng Pélée và là ông của người anh hùng Achille sau này. Sau khi Apollon, Poséidon và Éaque xây xong những bức tường thành thì xảy ra một kỳ tích: có ba con rắn cực to bỗng đâu từ dưới biển hiện lên bò vào thành. Hai con bò vào quãng tường thành do Apollon và Poséidon xây. Chúng chỉ vừa mới trườn lên tường thì rơi ngay xuống dưới đất chết tươi. Còn một con thì bò vào chỗ tường thành do Éaque xây. Con này băng được qua tường vào trong thành. Kỳ tích này như tiên báo cho người Troie biết trước rằng chính con cháu của người anh hùng Éaque sẽ đánh chiếm được thành Troie và quãng tường thành do người trần thế xây là nơi hiểm yếu. Laomédon còn bội ước với cả người anh hùng Héraclès là người đã có công cứu Hésione, con gái mình, thoát khỏi sự trừng phạt của thần Poséidon. Sau này Héraclès chiêu tập các anh hùng Hy Lạp sang vây đánh thành Troie trị tội tên vua lá mặt lá trái đó. Chàng thể theo nguyện vọng của Hésione tha chết cho Priam, con của Laomédon, Priam nối nghiệp Laomédon trị vì ở thành Troie, lấy Hécube con gái vua Dymas, một vị vua trị vì ở xứ Phrygie, làm vợ (Có chuyện kể con gái vua Cissée ở xứ Thrace). Priam sinh được năm mươi người con trai và năm mươi người con gái. Trong số những người con trai của Priam, Hector là người anh hùng kiệt xuất nhất. Còn chàng Paris em ruột của Hector, nổi danh là một con người tài hoa, xinh đẹp. Thành Troie trải qua bao đời vua, từ lúc khởi công xây dựng cho đến khi hoàn thành, đến đời Priam luôn luôn nổi tiếng khắp bốn phương là một đô thành hùng vĩ và giàu có vào bậc nhất trong vùng biển Égée.

Nguồn gốc của cuộc Chiến tranh thành Troie

Thuở ấy có một hôm nữ thần Đất-Gaia vĩ đại, mẹ của muôn loài, lên đỉnh Olympe van xin với thần Zeus hãy làm cách gì cho cái gánh nặng loài người trên vai nữ thần giảm bớt đi, vì lẽ nó quá nhiều, quá nặng khiến nữ thần không thể chịu đựng nổi. Thần Zeus suy nghĩ hồi lâu không biết làm cách gì để vừa lòng nữ thần Mẹ Đất-Gaia. Loài người từ thuở khai sinh ra đến nay tuy chưa được bao lâu nhưng đã sinh sôi nảy nở khá là nhanh. Mặt đất rộng mênh mông là thế mà nay thấy đâu đâu cũng có người, đi đâu cũng gặp người, rặt những người là người. Chỉ có cách gây ra một cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh giữa người Hy Lạp với người Troie thì mới có thể giảm bớt được cái gánh nặng loài người mà nữ thần Gaia phải kêu ca, khiếu nại. Nghĩ thế, thần Zeus bèn nói cho nữ thần Mẹ Đất-Gaia biết để yên lòng. Tiếp đó, Zeus cho nữ thần Éris-Bất hòa người em gái sinh đôi với thần Chiến tranh-Arès, đến và giao cho nhiệm vụ phải gây ra một cuộc xung đột giữa người Hy Lạp và người Troie.

Cũng vào quãng thời gian đó, trên thiên đình xảy ra một cuộc tranh chấp giữa thần Zeus và thần Poséidon. Số là hai vị thần đều muốn lấy nữ thần Biển-Thétis, con gái của vị thần Biển già, đầu bạc Nérée, làm vợ. Cuộc tranh chấp tuy chưa ngã ngũ song các vị thần Olympe đều biết trước Zeus sẽ giành phần thắng. Xảy ra chuyện Prométhée lấy cắp lửa trên thiên đình đem xuống cho những người trần thế đoản mệnh, Zeus trừng phạt Prométhée, và lời tiên đoán của Prométhée: Zeus sẽ bị truất ngôi vì một đứa con do một cuộc hôn nhân sinh ra. Nhưng cuộc hôn nhân ấy là cuộc hôn nhân nào? Zeus lấy ai? thì Prométhée quyết không nói. Cuối cùng Zeus phải nhượng bộ Prométhée, cởi bỏ xiềng xích cho Prométhée để biết được điều bí mật: Thétis. Phải! Đúng! Nếu Zeus lấy nữ thần Biển-Thétis thì sẽ sinh ra một đứa con, đứa con này sẽ có sức mạnh và quyền uy hơn bố nó, và nó sớm muộn sẽ truất ngôi của bố nó. Để trừ khử hậu họa, theo lời khuyên của Prométhée, các vị thần Olympe nên gả nữ thần Biển-Thétis cho người anh hùng Pélée, và cuộc hôn nhân này sẽ sinh ra một người anh hùng danh tiếng vang dội trời xanh, một người anh hùng vĩ đại mà chiến công có thể sánh ngang với thần thánh.

Có chuyện lại kể, không phải thần Prométhée tiên đoán mà chính là nữ thần Công lý-Thémis phải can thiệp vào cuộc tranh chấp. Nữ thần Thémis đã tiên đoán cho hai vị thần Zeus và Poséidon biết, đứa con trai của cuộc hôn nhân này, cuộc hôn nhân nếu xảy ra với bất cứ ai, Zeus hay Poséidon đi nữa, thì sau này đứa con đó lớn lên sẽ mạnh hơn bố, sẽ lật đổ uy quyền của bố nó.

Nhưng việc gả một nữ thần cho một người trần thế đoản mệnh đâu có phải dễ dàng. Các vị thần phải họp bàn cái đã, và Hội nghị Thần thánh quyết định: Pélée muốn cưới được Thétis thì phải chiến thắng được nàng trong một cuộc giao đấu tay đôi.

Tới đây hẳn chúng ta ai cũng muốn biết về Pélée. Chàng là người ở đâu? Lai lịch, dòng dõi như thế nào mà lại được kết hơn với một vị nữ thần? Kể ra nếu truy xét tận ngọn nguồn thì Pélée mang trong mình dòng máu của thần vương Zeus tối uy tối linh. Thần Zeus kết duyên với tiên nữ Nymphe Égine con gái của thần Sông-Asopos sinh ra một người con trai tên là Éaque (đúng hơn phải nói là bắt cóc nàng đưa đến đảo Oenone). Éaque trị vì ở hòn đảo Égine. Ông sinh được ba con trai: Pélée, Télamon và Phocos. Trong một cuộc thi đấu, hai anh em Pélée và Télamon ghen tức với Phocos, người em cùng bố khác mẹ với mình, đã lập mưu ám hại: ném chiếc đĩa vào đầu Phocos. Éaque nổi giận đuổi thẳng hai đứa con vô đạo. Pélée sang trú ngụ ở xứ Phtiotide được nhà vua xứ này tên là Eurytion làm lễ rửa tội. Hơn nữa, nhà vua lại gả con gái là nàng Antigone cho làm vợ. Trong cuộc săn con lợn rừng Calydon, Pélée vô tình đã gây ra cái chết thảm thương cho ông bố vợ. Chàng lại phải ra đi sang xứ Iolcos xin nương nhờ dưới trướng nhà vua Acaste con của Pélias. Nữ hoàng Astydamie vợ vua Acaste đem lòng yêu mến chàng, đã nhiều lần tỏ tình nhưng bị chàng khước từ. Tức giận, Astydamie trả thù. Bà ta viết một bức thư gửi cho Antigone bịa chuyện Pélée đã phụ bạc nàng kết duyên với một người khác. Bị xúc phạm, Antigone treo cổ tự tử. Chưa hết, Astydamie còn tâu với chồng rằng Pélée có tình ý với mình, mưu toan ve vãn, quyến rũ mình. Vua Acaste nổi giận đẩy Pélée lên ngọn núi Pélion. Trước khi Pélée bị áp giải đi, nhà vua trong một cuộc đi săn, lợi dụng lúc Pélée ngủ, lấy trộm thanh kiếm thần của Pélée giấu đi với hy vọng rằng mất vũ khí này thì Pélée khi bị đày lên ngọn núi Pélion sẽ bị bầy Centaure xé xác. Nhưng thần Centaure thông thái và hiền minh Chiron biết được chỗ giấu thanh kiếm đã giúp Pélée tìm lại. Vì thế khi bầy Centaure man rợ và hung dữ lao vào chàng đã bị chàng đánh cho thất điên bát đảo, bỏ chạy tán loạn. Sau đó chàng trở về Iolcos trừng phạt Acaste và Astydamie, rồi lên làm vua.

Lại nói tiếp về chuyện quyết định của Hội nghị Thần thánh. Thần Hermès, Người Truyền lệnh không hề chậm trễ của thế giới Olympe lãnh trách nhiệm xuống ngay đô thành Iolcos trên đất Thessalie thông báo cho Pélée biết. Pélée bèn lên đường ngay. Chàng tới vùng bờ biển nơi nữ thần Thétis thường từ dưới biển sâu đội nước ngoi lên ngồi nghỉ, ngắm cảnh trời nước mênh mông. Phải mất công rình nấp nhiều ngày Pélée mới bắt gặp được nàng. Hôm đó Thétis vừa từ dưới biển sâu đội nước hiện lên bơi vào chiếc hang quen thuộc của mình thì Pélée xông tới. Chàng xông tới, dùng đôi tay khỏe mạnh của mình ôm chặt lấy nữ thần. Thétis vùng vẫy nhưng không sao thoát được. Nàng bèn dùng đến pháp thuật. Vốn là con của vị thần Biển già đầu bạc Nérée cho nên Thétis được cha truyền dạy cho phép biến hóa thành muôn hình muôn dạng: hết cá lại thành rắn, thành chim, thành sư tử hổ, báo... Nhưng Pélée không hề sợ hãi cứ ghì xiết nàng trong vòng tay. Cuối cùng nàng chịu thua, phải hiện lại nguyên hình là một vị nữ thần Biển đẹp đẽ tuyệt vời, và như vậy chỉ còn... việc làm lễ cưới và vui vẻ cả!

Đám cưới của đôi Pélée-Thétis được tổ chức rất trọng thể trong chiếc hang của thần Centaure Chiron ở xứ Thessalie. Có người lại bảo, được tổ chức ở trên thiên đình. Thôi thì... ở đâu cũng được miễn là các vị thần đã thừa nhận chiến công của Pélée và bằng lòng gả Thétis cho chàng. Thật khó mà nói hết được bữa tiệc cưới này linh đình, trọng thể đến như thế nào. Các nam thần, nữ thần đều đến dự và có quà mừng cho cô dâu chú rể. Thần Apollon cùng với các nàng Muses không lúc nào để bàn tiệc ngơi trong đàn, ca. Nữ thần Athéna với sắc đẹp thông tuệ, nữ thần Artémis với vẻ đẹp tươi trẻ kiêu kỳ, nữ thần Héra với vẻ đẹp đường bệ, cao sang... Tất cả đều hớn hở, tưng bừng tham dự vào những bài ca, điệu múa. Nhưng phải nói dù các nữ thần có trang điểm khéo léo đến đâu cũng thua sắc đẹp của nữ thần Aphrodite. Thần Hermès thì đương nhiên không thể vắng mặt trong cuộc vui này. Cả đến thần Chiến tranh-Arès cũng quên đi niềm vui thú của giao tranh để tới đây mừng cô dâu, chú rể. Quà mừng thì vô kể. Chúng ta chẳng làm sao kể hết được. Trong số đó, dù sao ta cũng phải nhắc đến hai quà mừng rất đặc biệt. Thần Đại dương-Poséidon tặng một con thần mã. Thần Centaure Chiron tặng một ngọn lao mà cán nó làm bằng gỗ của một giống cây rừng rắn chắc như đồng, như sắt, một giống cây mà người trần thế chưa hề biết đến.

Quả táo của mối bất hòa

Có một điều đáng tiếc là cả hai họ nhà trai và nhà gái đã quên không mời nữ thần Éris-Bất hòa tới dự. Nhưng vị nữ thần Bất hòa cũng cứ đến nơi vui vẻ này, đến với nỗi tự ái, giận hờn... để tìm cách phá cuộc vui,... để gây ra sự bất hòa. Éris đến mang theo trong người một quả táo vàng hái ở khu vườn của ba chị em Hespérides. Trên quả táo Éris khắc một dòng chữ: Tặng người đẹp nhất (A la plus belle), và trong khi mọi người đang mải vui, Éris lăn quả táo vào bàn tiệc rồi ra về, ra về ngay. Thế là cả bàn tiệc sôi động hẳn lên. Vị thần nào cũng muốn nhận quả táo đó. Các nữ thần tranh nhau đã đành. Nhưng cả các nam thần cũng tranh nhau mới thật là... quá đáng! Tranh cãi, giằng co mãi, nhiều vị thấy phiền hà quá, hơn nữa cũng thấy mình không xứng đáng nên đành bỏ cuộc. Duy chỉ còn lại ba vị nữ thần là không ai chịu nhường ai: Một là, nữ thần Héra, vợ của thần vương Zeus, vị nữ thần Hôn nhân và Hạnh phúc Gia đình; hai là, Athéna, nữ thần Trí tuệ và Chiến tranh; ba là, Aphrodite nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp. Họ bảo nhau phải mời thần Zeus phân xử mới xong. Nhưng thần Zeus xua tay, lắc đầu quầy quậy một mực chối từ, vì cuộc tranh giành này có Héra vợ của Zeus. Xử cho Héra được thì chắc chắn là đeo tiếng thiên vị không công bằng. Còn xử cho một trong hai vị nữ thần kia được quả táo vàng thì Zeus tránh sao khỏi những cơn đay nghiến, chì chiết, đá thúng đụng nia của Héra. Zeus bèn gọi Hermès đến giao cho Hermès nhiệm vụ dẫn ba vị nữ thần sang phương Đông, đến một khu rừng sâu thuộc ngọn núi Ida, tìm chàng Paris, một chàng trai xinh đẹp nhất châu Á để nhờ chàng phân xử hộ. Bữa tiệc cưới kết thúc bằng cái cảnh không vui như thế.

Bây giờ nói đến chuyện chàng Paris. Vua Priam ngay từ ngày đầu lên ngôi trị vì thiên hạ, mặc dù thành Troie vô cùng thịnh vượng, nhưng nhà vua vẫn không phải là người có được cuộc sống thư thái, yên tĩnh trong lòng. Chuyện xảy ra vào lúc trước khi Hoàng hậu Hécube sinh đứa con thứ hai. Một đêm, khi Hécube sắp đến ngày sinh thì rằm mơ thấy một chuyện vô cùng kinh dị. Bà sinh ra một ngọn đuốc cháy ngùn ngụt, và ngọn đuốc này thiêu hủy thành Troie. Một cơn ác mộng như thế tất nhiên cần phải tìm ngay các nhà tiên đoán tới để tường giải. Một nhà tiên tri cho Priam biết, rồi đây trong một ngày tới sẽ có một đứa trẻ ra đời, Đứa trẻ này sẽ gây những tai họa ghê gớm cho thành Troie. Nhưng bữa kia ở thành Troie có, không phải một, mà là hai đứa bé cất tiếng khóc chào đời. Một là Paris, con trai Hécube; và hai là Munippos, con trai của Cilla, em gái Priam. Lúc này không do dự chút nào, Priam ra lệnh giết ngay đứa cháu. Còn với đứa con mình, không lẽ lại đang tâm giết nó, nhà vua ra lệnh đem bỏ vào rừng. Như vậy đói lạnh và muông thú sẽ kết liễu cuộc đời đứa bé, tránh cho nhà vua mang tiếng can tội giết con. Và, thành Troie, như vậy sẽ thoát khỏi tai họa. Nhưng các vị thần không muốn thế. Một con gấu cái đã tới ấp ủ cho đứa bé và cho nó bú. Cứ thế trong năm ngày liền, đến ngày thứ sáu, một người chăn chiên tên là Agélaos đón được đem về nuôi. Có chuyện kể con gấu đã nuôi Paris suốt một năm ròng, và chính cái tên Paris là do Agélaos đặt cho chú bé gấu nuôi đó.

Paris lớn lên giữa những người chăn chiên. Chàng chẳng mấy chốc đã trở thành một chàng thanh niên tuấn tú, cường tráng. Ngày ngày chăn dê, chăn cừu, chăn bò, chàng chẳng để mất một con. Những người chăn cừu yêu quý chàng, đặt cho chàng một cái tên nữa: Alexandros, mà theo tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “Người che chở”, “Người bảo vệ” hoặc “Người xuất sắc” bởi vì chàng có sức khỏe hơn người và chàng đã từng bảo vệ đàn gia súc chống lại thú dữ và kẻ cướp thắng lợi.

Bữa kia bỗng có một đoàn gia nhân của Priam vào núi, chọn trong đàn bò của Paris lấy đi năm mươi con bò to đẹp nhất, những con bò mà Paris rất yêu quý. Nguyên là vua Priam tưởng nhớ tới đứa con thân yêu của mình xưa kia bị đem bỏ vào rừng đã thiệt phận nên giờ đây nhà vua cho làm lễ tưởng niệm và hiến tế thần linh. Sau khi hành lễ là các cuộc thi đấu quyền thuật, võ nghệ. Cần phải có phần thưởng cho những người đoạt giải và do đó phải vào núi bắt bò của Paris. Paris không thể cưỡng lại nhà vua mà không nộp số gia súc. Nhưng chàng đi theo luôn những gia nhân của nhà vua để về kinh thành dự lễ và định bụng sẽ tham dự vào các cuộc thi đấu để đoạt bằng được các phần thưởng, lấy lại những con bò đem về. Quả nhiên chàng giật được hầu hết các phần thưởng trong cuộc tỉ thí, đánh bại hết các địch thủ và anh em ruột của mình, kể cả Hector người anh cả danh tiếng. Một người con trai của Priam tên là Déiphobe tự ái vì phải thua một tên chăn bò, liền rút gươm xông vào Paris định kết liễu đời gã tiểu tốt vô danh. Nhưng Paris kịp thời chạy đến phủ phục dưới chân bàn thờ của Zeus, xin Người bảo hộ, che chở. Ở thế giới Hy Lạp xưa kia khi con người ta bị đe dọa đến tính mạng, trong phút nguy cấp ấy nếu chạy tới quỳ trước bàn thờ một vị thần hoặc quỳ trước tượng một vị thần thì có nghĩa là cầu xin sự che chở bảo hộ. Kẻ nào mưu toan sát hại người trong trường hợp ấy phải tôn trọng thần linh mà từ bỏ ý đồ hung bạo. Em gái Paris, nàng Cassandre, một người có tài tiên đoán, nhận ra ngay được chàng trai chăn bò tầm thường đó là Paris, kêu ầm lên. Vua Priam và Hoàng hậu Hécube chạy vội đến hỏi han cho rõ sự thể. Nghe Paris thuật lại cuộc đời mình xong, Vua và Hoàng hậu liền đón chàng về cung, và chàng Paris dường như không còn gây cho nhà vua cũng như thành Troie một mối lo nào nữa. Nhưng nàng Cassandre, một nữ tiên tri nổi danh vì tài dự đoán đúng nhiều sự việc, lên tiếng ngay. Nàng nhắc lại cho vua cha biết cơn ác mộng xưa kia và nhấn mạnh một lần nữa: Paris sẽ là người gây nên sự diệt vong của thành Troie, nhưng những lời tiên đoán, dự báo của Cassandre chẳng được ai chú ý. Nàng tha thiết nhắc lại cũng chẳng ai nghe, bởi vì thần Apollon đã làm cho nó trở nên vô hiệu để trả thù Cassandre.

Đến đây ta phải dừng lại một chút để kể qua về câu chuyện lôi thôi giữa Cassandre và Apollon. Thần Apollon, một hôm gặp người thiếu nữ Cassandre bèn đem lòng yêu dấu. Thần tìm cách lân la đến bắt chuyện với Cassandre để tỏ tình. Để chinh phục được người con gái xinh đẹp của Priam, thần hứa: “Nếu nàng tin yêu ta, chẳng khước từ mối tình của ta, ta sẽ trao cho nàng một kỷ niệm vô giá. Ta sẽ ban cho nàng tài tiên đoán trăm việc đúng cả trăm. Nàng sẽ là người nhìn thấu tương lai và phán truyền cho mọi người biết cách đối nhân xử thế”. Cassandre ưng thuận, và thần Apollon giữ đúng lời hứa đã ban cho nàng tài tiên đoán với những pháp thuật cao cường. Nhưng đến khi thần Apollon đòi Cassandre thực hiện đúng cái giao kèo đã thỏa thuận thì Cassandre kiên quyết khước từ. Tức giận đến điên người vì sự lừa dối của Cassandre, thần Apollon nguyền rủa: “Này hỡi quân lừa dối thánh thần, quân phạm thượng, mi hãy nghe đây. Từ nay trở đi những lời tiên đoán, dự báo của ngươi có đúng cũng chẳng có ai nghe, có hay cũng chẳng ai tin, chẳng ai quan tâm đến những lời ngươi nói để tìm cách phòng ngừa, đối phó. Những lời tiên đoán của Cassandre sẽ hoàn toàn vô hiệu. Mọi người sẽ coi những lời tiên đoán của ngươi như một chuyện viển vông, vô tích sự, chẳng đáng bận tâm”.

Ngày nay, trong văn học thế giới thành ngữ điển tích Lời tiên đoán của Cassandre (La prophétie, la prédiction de Cassandre) chỉ những dự kiến, những tính toán, lo xa, tiên liệu sáng suốt thông minh, đứng đắn nhưng không được thừa nhận và áp dụng trong thực tế. Cassandre trở thành một danh từ chung chỉ một người nào có những ý kiến sáng suốt dự tính, dự báo được những hậu quả tai hại trong tương lai nhưng bản thân không có cách gì để thực thi ý định của mình hoặc không thuyết phục được những người chung quanh tin vào ý kiến của mình để áp dụng những biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa tai họa.

Trở về chuyện Paris. Thế là từ đó Paris từ bỏ cuộc đời sơn dã về sống với vua cha và anh em trong thành Troie vàng bạc đầy kho. Nhưng vốn đã quen với cảnh gió ngàn đồng nội nên Paris thường hay trở lại thăm chốn cũ nơi xưa. Một hôm chàng đang đứng trên sườn núi Ida ngắm cảnh non xanh nước biếc thì bỗng đâu thần Hermès hiện ra. Paris sợ hãi toan bỏ chạy thì thần Hermès kịp thời giữ lại. Cùng lúc đó từ xa đi đến ba người đàn bà. Đó là ba vị nữ thần theo Hermès đi tìm người phân xử vụ tranh chấp quả táo vàng Tặng người đẹp nhất. Hermès với tư cách của Người Truyền lệnh đã tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Thần nhấn mạnh:

- Hỡi Paris chàng trai xinh đẹp nhất châu Á! Đấng phụ vương Zeus chí tôn chí kinh, tối uy tối linh đã dành cho chàng cái vinh dự có một không hai này. Vậy chàng hãy phán quyết xem trong ba vị nữ thần đây ai là người xứng đáng nhất được nhận quả táo vàng.

Nói xong Hermès trao quả táo vàng cho Paris. Thật là khó nói và bối rối cho chàng Paris biết bao nhiêu! Vì trước hết ba vị nữ thần đều đẹp, đều tuyệt đẹp cả. Sau nữa là vì ai lại có thể thiếu tế nhị đến mức đi khen sắc đẹp của người phụ nữ này ngay trước mặt người phụ nữ khác. Một việc làm vô ý, vô tứ như thế, thô vụng như thế là không thể chấp nhận được. Paris đưa quả táo vàng lại cho Hermès và toan đánh bài chuồn! Nhưng Hermès bằng tài nghệ của vị thần chuyên nghề truyền đạt thông tin đã ra sức thuyết phục Paris. Cuối cùng Paris vui vẻ nhận lời đứng ra làm người giám định cuộc thi sắc đẹp, tuyển chọn hoa khôi cho thế giới thần thánh. Lần lượt mỗi vị thần đến bày tỏ nguyện vọng trước Paris. Héra, vị nữ thần, vợ của Zeus, bậc phụ mẫu của thế giới thiên đình và loài người trần tục, đến trước mặt Paris nói:

- Hỡi chàng Paris! Hẳn chàng cũng biết ta là nữ thần Héra, vợ của đấng phụ vương Zeus cai quản cả thế giới thần thánh và thế giới loài người. Nếu chàng xử cho ta được quả táo vàng, ta sẽ cho chàng làm vua toàn cõi châu Á.

Làm vua toàn cõi châu Á! Chà, thật là một điều mà Paris đến trong mơ cũng không bao giờ tưởng tượng ra được một hạnh phúc quá lớn lao như vậy. Chàng đáp lễ lại nữ thần Héra và nghe tiếp nguyện vọng của nữ thần Athéna.

- Hỡi chàng Paris, con của vua Priam kẻ luyện thuần chiến mã! Ta sẽ không quên ơn chàng, nếu chàng xử cho ta đoạt được quả táo vàng này. Ta sẽ ban cho chàng trí tuệ thông minh để trong giao tranh chàng chỉ biết có thắng chứ không hề biết đến bại. Vinh quang của một dũng tướng bách chiến bách thắng là phần thưởng ta sẽ đền đáp chàng. Xin chàng hãy suy nghĩ.

Đến lượt nữ thần Aphrodite. Nàng nói:

- Hỡi Paris, chàng trai cường tráng và xinh đẹp của phương Đông! Ta nghe nói chàng là người đẹp trai nhất châu Á mà đến hôm nay ta mới được tận mắt chứng kiến khuôn mặt và hình dáng của chàng. Thật là một con người đẹp tựa thần linh. Ta chẳng có quyền lực gì và sức mạnh lớn lao gì để có thể so sánh với hai bà chị của ta, để có thể ban cho chàng một đặc ân to lớn hơn, vượt trội hơn những đặc ân mà Héra và Athéna vừa hứa với chàng. Tuy nhiên nếu chàng xử cho ta được quả táo vàng Tặng người đẹp nhất thì ta cũng sẽ không quên ơn chàng. Ta sẽ giúp cho chàng lấy được nàng Hélène là người phụ nữ đẹp nhất châu Âu. Chàng sẽ có một người vợ xinh đẹp tuyệt trần.

Paris quyết định ai? Vị nữ thần nào được nhận quả táo vàng? Chàng chẳng phải mất thời giờ suy nghĩ lâu la. Chàng tiến đến trước mặt nữ thần Aphrodite nghiêng mình kính cẩn trao quả táo vàng Tặng người đẹp nhất cho nữ thần. Cuộc phân xử thế là xong.

Xét cho cùng sự phân xử của Paris là công bằng và thỏa đáng. Bởi một lẽ đơn giản: có lẽ nào vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp lại không phải là vị nữ thần đẹp nhất. Thần Zeus trao cho loài người trần tục đoản mệnh chúng ta cái vinh dự được phân xử vụ tranh chấp cái đẹp giữa các vị nữ thần thì loài người chúng ta cũng được dịp chứng tỏ rằng mình không nên phụ lòng tin của Zeus, và chẳng phải bất cứ người nào cũng xét xử được việc này đâu. Không phải là một người đẹp thì làm sao có thể đủ tư cách để giám định về cái đẹp cho ba vị nữ thần! “Đem đàn mà gảy tai trâu” thì cực hết chỗ nói! Khen cho con mắt tinh đời của Zeus và cũng phải khen cả cho con mắt tinh đời của Paris.

Việc phân xử thế là xong, nhưng lại nảy sinh ra một chuyện khác chẳng xong. Do không được quả táo vàng, hai vị nữ thần Héra và Athéna đem lòng thù ghét chàng Paris, hơn nữa thù ghét cả dòng giống Troie. Chưa hết, hai vị nữ thần còn thù ghét cả nữ thần Aphrodite. Họ rắp tâm định bụng sẽ tìm cách trừng trị người Troie. Thế là quả táo vàng Tặng người đẹp nhất trở thành Quả táo của mối bất hòa. Ngày nay trong văn học thế giới, thành ngữ Quả táo của mối bất hòa (La pomme de discorde) ám chỉ nguyên nhân của một sự bất đồng ý kiến, của những cuộc tranh cãi, xung đột, mâu thuẫn.

Nàng Hélène bị Paris quyến rũ

Nói về nàng Hélène, vào lúc mà Aphrodite hứa sẽ giúp cho Paris lấy được nàng Hélène làm vợ thì khi ấy Hélène đã là gái có chồng. Chồng nàng là Ménélas, vị vua của đô thành Sparte. Hélène về lai lịch vốn là con của thần Zeus và tiên nữ Léda. Cuộc tình duyên này như đã có dịp kể, là của thần thánh nên cũng có chuyện khác thường. Zeus để tránh sự theo dõi của Héra đã biến mình thành một con thiên nga hay con ngỗng gì đó, xuống ái ân với Léda. Léda sinh ra một quả trứng, và từ quả trứng này nở ra người anh hùng Pollux và nàng Hélène. Tất nhiên không ai coi Zeus là người chồng chính thức của Léda, và Zeus cũng không hề để tâm đến chuyện đó.

Người chồng chính thức của Léda, người chồng trần thế của nàng, là người anh hùng Tyndare. Đôi vợ chồng này sinh được một con trai tên gọi là Castor và một gái tên gọi là Clytemnestre. Như vậy kể cả con của Zeus thì nhà này có hai trai, hai gái. Ngay từ hồi còn là một thiếu nữ chưa chồng. Hélène đã nổi tiếng vì sắc đẹp tuyệt vời của mình. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, nhiều chàng trai nghe tên có người đẹp nức tiếng mà lại chưa gắn bó với ai, liền kéo nhau tới đô thành Sparte để xem mặt. Trăm người như một, nghìn người như một, đều phải thừa nhận rằng trên thế gian này người đẹp nơi nào cũng có, tuy không nhiều, nhưng chưa thấy nơi nào có người thiếu nữ nào đẹp bằng Hélène. Hélène đẹp đến nỗi mà có những chàng trai sau khi chứng kiến dung nhan của nàng về nhà sinh buồn bực vì nỗi không hiểu sao mình lại xấu đến thế. Sắc đẹp của Hélène đã gây ra cho nàng một tai họa. Người anh hùng Thésée ở Athènes đã bày mưu cùng với người bạn là Pirithoos ở đất Thessalie lặn lội xuống tận Sparte để bắt cóc nàng. May mắn làm sao, hai anh em Castor và Pollux đi tìm Hélène về được. Từ sau vụ tai biến đó, Tyndare giữ riết nàng ở cung điện. Nhưng đó chỉ là cách đối phó nhất thời. Điều chính yếu là phải mau mau chọn mặt gửi vàng, kén cho Hélène một người chồng. Tyndare bèn đánh tiếng. Thế là các anh hùng, dũng sĩ trên đất Hy Lạp kéo nhau về tụ hội ở Sparte. Không phải một, hai, ba, hay một chục, hai chục người mà là chín chục người, chín chục chàng trai muốn rắp ranh bắn sẻ. Chọn ai bây giờ?

Chọn ai trong những người này? Thật khó! Ai cũng tài ba lỗi lạc, ai cũng xứng đáng cả. Tyndare đến đau đầu vỡ óc, rối ruột rối gan về chuyện gả chồng cho con gái. Nếu như Tyndare quyết định một ai đó hay dùng cách rút thăm thì chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng quyết liệt. Chưa biết đâu chuyện vui mừng mà lại hóa ra chuyện đau buồn đổ máu, gây ra kéo theo bao cừu hận đao binh. Trong lúc Tyndare đang rối trí như vậy thì may sao có một chàng trai đứng ra hiến cho ông một diệu kế. Đó là chàng Ulysse (còn có tên Odyssée) quê ở hòn đảo Ithaque nghèo nàn nhưng lại nổi danh là một con người khôn ngoan cơ trí. Ulysse khuyên Tyndare công bố cho các vị cầu hôn biết quyền lựa chọn hoàn toàn thuộc Hélène. Các vị cầu hôn phải đứng ra thề trước thần thánh sẽ tuân theo sự lựa chọn của Hélène. Nếu rủi ro xảy ra chuyện gì làm tan vỡ hạnh phúc mà Hélène đã lựa chọn hôm nay đây trước mặt mọi người, thì mọi người sẽ phải có trách nhiệm bảo vệ bằng được hạnh phúc đó, sự lựa chọn đó, bởi vì sự lựa chọn của Hélène hôm nay đây là thiêng liêng, là bất di bất dịch. Tyndare làm theo lời Ulysse. Các vị cầu hôn chấp nhận điều kiện. Họ lần lượt đứng ra long trọng tuyên thệ trước bàn thờ thần linh. Tiếp đến Hélène đứng ra chọn người bạn trăm năm. Thật hồi hộp! Chín mươi chín con tim của chín mươi chín chàng trai đập thình thịch như trống trận đổ dồn. Ai là người được cái diễm phúc chung sống với người đẹp? Hélène chọn... Ménélas. Phải, chính Ménélas, em ruột của Agamemnon, là chàng trai xứng đáng trong số những vị cầu hôn, bởi vì chàng trai vốn là dòng dõi của Pélops, Tantale và đấng phụ vương Zeus.

Ménélas cưới Hélène và sống luôn ở Sparte. Sau khi Tyndare qua đời, chàng thay người bố vợ trị vì đô thành Sparte. Cuộc sống của vợ chồng chàng thật yên ấm hạnh phúc. Chàng có ngờ đâu tới cái chuyện sắc đẹp của vợ chàng, nàng Hélène, lại có ngày gây ra cho chàng và con dân toàn đất nước Hy Lạp biết bao tai họa. Hai người sinh được một gái đầu lòng, đặt tên là Hermione, giống mẹ như đúc, giống cả từ câu nói đến tiếng cười, dáng đi dáng đứng.

Còn nữ thần Aphrodite, sau khi nhận được quả táo vàng, nữ thần bèn nghĩ đến việc hậu tạ lại chàng Paris. Nữ thần tới thành Troie bảo chàng đóng một con thuyền xinh đẹp để vượt biển khơi mù xám, sang đô thành Sparte, nơi nàng Hélène diễm lệ đang sống với chồng. Tuân theo lời nữ thần, Paris sắm sửa cho cuộc hành trình. Nàng Cassandre tiên báo cho vua cha biết những tai họa khôn lường do chuyến đi này của Paris, nhưng lúc này chẳng lời tiên đoán nào cản nổi chàng. Đến ngày nhổ neo, Cassandre ra tận bờ biển, cố sức bằng những lời tiên đoán của mình ngăn cản cuộc hành trình của Paris. Nàng gào thét. Nàng nói lên những dự cảm đen tối về tương lai của thành Ilion thần thánh: quân địch tràn vào thành, xác chết ngập đường, nhân dân trong đô thành bị bắt làm nô lệ giải đi, đâu đâu cũng tràn ngập máu lửa... Nhưng chẳng ai thèm để lọt tai những lời tiên báo sáng suốt ấy.

Cùng vượt biển sang Hy Lạp với Paris có Énée, một người em họ của Paris. Thuyền cập bến Évros. Hai chàng trai của thành Troie cùng với tùy tòng lên bờ đi vào đô thành Sparte. Được các vị khách quý từ tận phương Đông tới thăm, Ménélas rất vui mừng. Chàng mở tiệc trọng thể chiêu đãi những vị khách mà theo quan niệm của người Hy Lạp cổ xưa là do thần Zeus đưa đến. Được một hai hôm gì đó thì Ménélas nhận được tin sét đánh ngang tai: ông nội chàng ở đảo Crète qua đời, chàng phải về ngay để lo việc tang ma cho người ông yêu quý. Trước khi cáo biệt những vị khách, chàng không quên dặn lại vợ ở nhà phải tiếp đãi khách cho chu đáo, ân cần. Tai hại thay lòng tin cẩn của chàng! Thế là chàng đã giao người vợ có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành vào tay chàng công tử xứ Phrygie.

Được nữ thần Aphrodite giúp đỡ, Paris đã bằng tất cả tài năng và sự hấp dẫn của mình, tán tỉnh quyến rũ được Hélène. Người xưa kể rằng nữ thần Aphrodite đã cho Paris mượn chiếc thắt lưng của mình, chiếc thắt lưng kỳ diệu mà hễ ai mang nó trong người thì có thể cảm hóa chinh phục được trái tim người mình yêu một cách không đến nỗi khó khăn, vất vả gì nhiều lắm. Nghe theo lời dụ dỗ của Paris, Hélène thu thập tất cả đồ tế nhuyễn của tư trang xuống thuyền theo Paris sang thành Troie. Nàng đã yêu Paris đắm say đến nỗi có thể vứt bỏ hết cả, quên hết cả để đi theo chàng. Ngay đến đứa con gái yêu dấu Hermione lúc đó mới mười tuổi gào khóc đòi đi theo mẹ cũng bị mẹ bỏ lại.

Con thuyền của Paris giương buồm thẳng tiến về thành Troie. Khi ra khỏi vùng biển Hy Lạp thì bỗng nhiên con thuyền dừng lại. Thì ra vị thần Biển già đầu bạc Nérée từ đáy sâu dội nước hiện lên chặn đứng con thuyền lại. Thần tiên báo cho Paris biết, chàng sẽ bị chết trong cuộc giao tranh với người Hy Lạp, và thành Troie sẽ bị sụp đổ, bị triệt hạ trong một cuộc xung đột kéo dài với người Hy Lạp. Paris và Hélène vô cùng lo lắng. Nhưng nữ thần Aphrodite đã làm cho hai người yên tâm. Nữ thần còn bảo hộ cho con thuyền vượt biển được an toàn. Ba ngày sau, Paris và Hélène đặt chân lên đô thành Troie hùng vĩ, vàng bạc đầy kho.

Hành động xấu xa, vi phạm truyền thống đạo đức quý người trọng khách của Paris đã làm cho các vị thần nổi giận. Các vị thần liền họp và ra quyết định, phái ngay nữ thần Cầu vồng-Iris bay ngay xuống đảo Crète báo tin cho Ménélas biết. Lập tức Ménélas trở về Sparte ngay. Bước chân vào nhà vắng ngắt, chàng chẳng những mất Hélène xinh đẹp, yêu quý mà còn mất tất cả châu báu, vàng bạc. Uất hận vô cùng, chàng đến gặp người anh ruột là Agamemnon trị vì ở đô thành Mycènes giàu có để bàn cách trả thù. Agamemnon khuyên em, nên kêu gọi các vị anh hùng Hy Lạp giúp sức, những vị anh hùng đã từng cam kết trong lễ cầu hôn Hélène bằng một lời thề nguyền trịnh trọng rằng họ sẽ bảo vệ hạnh phúc cho cuộc hôn nhân do Hélène quyết định. Sau đó Agamemnon và Ménélas đến bày tỏ ý định với ông già Nestor, một người nổi tiếng về sự mực thước và khôn ngoan. Ông đã từng khuyên bảo, giúp đỡ các vị vua bằng những ý kiến sâu sắc, hợp tình hợp lý vì thế danh tiếng ông vang lừng khắp bốn cõi và vị vua Hy Lạp nào cũng sẵn sàng nghe theo lời khuyên nhủ của ông. Nghe chuyện của Ménélas xong, lão ông Nestor quyết định sẽ đem theo đạo quân của mình sang đánh thành Troie cùng với Ménélas. Ông còn cho cả những đứa con trai yêu quý tham dự vào cuộc viễn chinh này. Quý hóa hơn nữa, ông còn đích thân đứng ra đi kêu gọi các anh hùng Hy Lạp để họ cùng hội binh tham chiến. Nghe theo lời kêu gọi của Ménélas và Nestor, các tướng lĩnh Hy Lạp liền sắm sửa chiến thuyền, chiêu mộ binh sĩ để chuẩn bị cho cuộc viễn chinh. Agamemnon cũng phái sứ giả đi các vương triều, thành quốc để loan báo cái hành động hỗn xược, xúc phạm đến người Hy Lạp của Paris cho các vị vua biết. Nơi này truyền báo cho nơi khác cứ thế chẳng bao lâu toàn đất nước Hy Lạp đã biết rõ câu chuyện Paris lừa đảo, cướp đoạt mất Hélène và nhiều vàng bạc châu báu của Ménélas. Toàn đất nước Hy Lạp rậm rịch chuẩn bị cuộc viễn chinh.

Quân Hy Lạp tập trung ở cảng Aulis. Đổ bộ lên đất Mysie

Lần lượt các anh hùng, dũng sĩ cầm đầu những đạo quân của mình cùng với chiến thuyền, kẻ nhiều người ít đến hội tụ, tập trung ở cảng Aulis chờ ngày xuất phát. Chúng ta không thể kể hết ra đây được các danh tướng với những đạo quân của họ. Cái cảnh binh sĩ ngàn ngạt như rừng, thuyền bè san sát tựa lá tre rụng trên mặt nước, người xưa nói, dù ai có mười lưỡi, mười mồm và một bộ phổi bằng đồng cũng không thể kể hết được. Những người Hy Lạp đề cử Agamemnon, vị vua của đô thành Mycènes vàng bạc đầy kho và vùng đồng bằng Argolide màu mỡ, làm Tổng Chỉ huy, nắm quyền quyết định tối cao đạo quân liên minh này. Quanh Agamemnon, trong Hội đồng Tướng lĩnh còn có hai chàng Ajax: một là con của Télamon còn có tên gọi là Ajax Lớn, quê ở đảo Salamine; một là con của Oïlée còn có tên gọi là Ajax Bé, quê ở Locride; ta còn phải kể đến dũng tướng Diomède, sức mạnh sánh tựa thần linh; Antiloque, con trai của lão vương Nestor...

Tuy nhiên cuộc hội quân đạt được kết quả như thế, như lúc này đây không có nghĩa là việc đi chiêu tập các vị anh hùng, mời họ tham dự cuộc viễn chinh trừng phạt người Troie không gặp khó khăn gì, nhất hô là vạn ứng ngay tức khắc. Bởi vì trong số những vị anh hùng đã từng thuở nào đắm say sắc đẹp của Hélène nhiều người đã có vợ có con. Cái thời buổi họ ra ngẩn vào ngơ vì sắc đẹp của một người thiếu nữ sinh ra từ một quả trứng thần đã lui vào dĩ vãng. Nhưng vì có lời thề nguyền năm trước nên họ phải ra đi. Có điều chính cái người hiến kế ràng buộc các vị cầu hôn bằng lời thề ước thiêng liêng ấy, chàng Ulysse lại muốn xóa bỏ lời thề. Sau khi Hélène cưới Ménélas, Ulysse trở về Ithaque lấy một người vợ là cháu họ của Hélène, tên gọi là Pénélope, vào lúc mà khắp đất nước Hy Lạp sôi lên vì những sứ giả đi truyền báo lời kêu gọi mở cuộc viễn chinh sang thành Troie thì Ulysse vừa sinh được một cậu con trai, đặt tên là Télémaque. Ulysse chẳng muốn bỏ vợ dại con thơ ở nhà để dấn thân vào một cuộc viễn chinh đòi lại vợ cho một người khác. Biết trước thế nào cũng có người đến triệu tập mình, Ulysse giả vờ điên. Khi điểm mặt các tướng lĩnh hội tụ ở cảng Aulis, vị Tổng Chỉ huy thấy thiếu mặt Ulysse. Ông bèn phái lão vương Nestor và chàng Palamède tới ngay hòn đảo Ithaque để đòi Ulysse phải lên đường đi làm nghĩa vụ. Người nhà bảo Ulysse bấy lâu nay mắc chứng điên dại, ngớ ngẩn, cả ngày cứ ra cày cày bừa bừa ở ngoài đồng. Palamède vội ra ngoài đồng để xem cho rõ hư thực. Và đúng thế, Palamède thấy Ulysse đang cày ruộng, cày ruộng một cách kỳ quái: Ulysse thắng một con bò và một con ngựa vào chung một cái ách, cột hai con lại bên nhau và cứ thế cày. Cày rất vất vả hết được một đường một luống thì dừng lại gieo hạt. Đúng là điên. Palamède đến tận nơi xem anh chàng điên này gieo hạt gì... gieo hạt muối. Kỳ quái thật. Quả thật là điên. Song Palamède vẫn bán tin bán nghi. Chàng chạy vào nhà bế ngay chú bé Télémaque, con của Ulysse ra, vừa bế đứa bé vừa xem Ulysse cày. Nhằm lúc Ulysse bắt đầu cày một luống mới, Palamède đặt ngay đứa bé trước đường cày. Ulysse cứ cày như tỏ ra không biết gì. Nhưng khi hai con vật đến gần thằng bé thì chàng Ulysse giả vờ điên phải tỉnh lại. Ulysse dừng lại nói với Palamède: “Nhà ngươi thắng ta rồi... Ngươi đã buộc ta phải giữ lời thề hứa nhưng người nên nhớ rằng sẽ có ngày nhà ngươi phải hối hận vì việc phát giác này”. Không còn tìm được có gì để thoái thác, Ulysse phải đem đoàn chiến thuyền của mình đến hội quân ở cảng Aulis.

Vẫn chưa đủ. Điểm danh thấy vẫn còn thiếu một danh tướng nữa. Đó là chàng Achille, con của người anh hùng Pélée và nữ thần Biển-Thétis. Nhà tiên tri đầu bạc, lão ông Calchas phán truyền cho Agamemnon biết rằng: Cuộc viễn chinh sang thành Troie chỉ có thể giành được thắng lợi khi có người anh hùng xuất chúng Achille tham dự. Nhưng Achille lúc này ở đâu? Không ai biết cả? Lại phải cầu xin một lời chỉ dẫn của nhà tiên tri. Lão ông Calchas cho biết, hiện Achille đang ở đảo Skyros. Không chậm trễ, Agamemnon phái ngay Ulysse lên đường đi tìm người anh hùng...

Đúng như lời nhà tiên tri đầu bạc nói, nếu không có Achille tham dự cuộc chiến tranh thì thành Troie khó bề bị hạ. Chàng hơn người ở chỗ mình đồng da sắt, tên bắn chẳng thủng, lao phóng chẳng xuyên, toàn thân chỉ có mỗi một chỗ gót chân là nơi hiểm yếu, và chỉ có ai đánh trúng nơi hiểm yếu đó, gót chân của Achille, thì mới hạ nổi chàng. Mẹ chàng, nữ thần Biển Thétis suốt đời chỉ chăm lo cho con được trở thành bất tử để sánh vai với các thần. Nhưng một vị nữ thần kết duyên với một người trần thế thì không sao sinh ra được những đứa con bất tử. Cái chất “trần tục đoản mệnh” không dễ gì tẩy sạch được. Sáu lần sinh con, Thétis đều đem tôi vào trong lửa. Nhưng sáu đứa con đó chết ngay khi mẹ chúng vừa đưa chúng vào thử thách với báu vật của Prométhée. Đến đứa thứ bảy, Achille, nữ thần không tôi vào lửa nữa, mà đem tôi vào nước sông âm phủ Styx. Lần này thì bà mẹ thành công. Nhưng tiếc thay khi tôi con vào nước sông âm phủ Styx, bà đã quên không tôi chỗ gót chân của thằng bé, là nơi tay bà cầm. Vì thế Achille còn có thể bị chết, nghĩa là không bất tử vì chỗ đó. Ngày nay trong văn học thế giới Gót chân Achille (Le talon d’Achille) chỉ nơi hiểm yếu, nhược điểm của một con người hay của một tổ chức, một lực lượng nào đó. Đánh trúng, nhằm trúng Gót chân Achille có nghĩa là đánh trúng huyệt, nhằm trúng huyệt.

Tôi bằng nước sông âm phủ Attique rồi, nữ thần Thétis vẫn chưa yên tâm. Bà lại đem Achille tôi vào lửa. Nhưng lần này thì Pélée đã để ý theo dõi công việc của vợ mình. Đêm hôm đó thừa lúc mọi người yên giấc bà bèn đem con tôi vào bếp lửa. Vừa lúc Thétis lùa đứa bé vào ngọn lửa hồng thì Pélée nấp ở đâu đó phía sau, rút gươm nhảy bổ tới và giằng lấy đứa con. Achille thoát chết nhưng xương mắt cá chân bị cháy. Pélée bèn giao con cho vị thần Centaure Chiron nhờ chữa chạy nuôi dưỡng giáo dục. Thần Centaure Chiron lấy mắt cá chân của người khổng lồ Damisos xưa kia vốn có biệt tài chạy nhanh, thay cho cái mắt cá chân bị cháy của Achille. Vì thế sau này Achille chạy nhanh không ai sánh kịp. Chiron còn cho Achille ăn óc gấu và tim gan sư tử để cho chàng có sức mạnh và lòng dũng cảm. Thần dạy chàng đủ mọi thứ từ võ nghệ cho đến âm nhạc... Đến khi Achille trưởng thành thì chàng đã là một người dũng sĩ toàn diện.

Nữ thần Thétis, sau chuyện bị Pélée giằng lấy con giận dữ về ở lỳ trong cung điện của vua cha dưới biển. Được tiên báo về số mệnh Achille, nữ thần rất lo lắng: Achille nếu tham dự cuộc Chiến tranh Troie sẽ lập được những chiến công vĩ đại, vinh quang, danh tiếng vang dội trời xanh, nhưng cuộc đời sẽ rất ngắn ngủi. Còn nếu không tham dự cuộc Chiến tranh Troie thì sẽ có một cuộc đời dài lâu nhưng buồn tẻ chẳng có ý nghĩa, vinh quang gì hết. Vì lẽ đó cho nên khi được tin những người Hy Lạp tổ chức cuộc viễn chinh sang thành Troie, nữ thần Thétis bèn đem Achille đi giấu ở đảo Skyros. Tại đây, Achille cải trang thành con gái sống chung với những người con gái của vua Lycomède. Ấy vậy mà “cô con gái” đó lại lấy vợ, lấy nàng Déidamie con gái của nhà vua và sinh được một cậu con trai tên là Néoptolème (thần thoại La Mã: Pyrrhus).

Ulysse đến đảo Skyros cùng với Diomède. Hai người giả làm thương nhân đến bán hàng. Được phép vào cung điện, hai người bày ra không biết bao nhiêu là các thứ hàng. Nào vải vóc, lụa là, nào các đồ trang sức quý giá, lược, gương, trâm, vòng vàng, nhẫn ngọc... Các cô con gái của vua Lycomède thấy có hàng đẹp liền xúm đến xem, chọn mua thứ này thứ khác. Nhưng trong đám con gái đó, có một cô không chọn những thứ hàng mà những người con gái vốn ưa thích. Cô ta thích thú trước một bộ áo giáp, cái khiên và ngọn lao, và cô ta hỏi mua thứ đó. Thế là người bán hàng Ulysse chẳng cần phải xét hỏi lôi thôi, trân trọng mời ngay “cô con gái” thích mua đồ binh khí ấy về Hy Lạp ngay để chuẩn bị lên đường.

Achille trở về xứ Thessalie đưa đạo quân Myrmidon của mình đến hội tụ ở cảng Aulis. Tới đây ta phải dừng lại một chút để kể qua lai lịch của đạo quân này. Xưa kia khi nhà vua Éaque trị vì trên đảo Égine, có một năm gặp phải một tai họa rất lớn, rất khủng khiếp. Nguyên do là nữ thần Héra ghen tức với Zeus, với cuộc tình duyên vụng trộm của Zeus với Égine, ghen tức với đứa con riêng của Zeus là Éaque. Nữ thần giáng xuống một bệnh dịch ác nghiệt. Bệnh dịch lan lây rất nhanh và giết hại không biết bao nhiêu con người. Chỉ trong một thời gian ngắn mà dân cư trên đảo chết vãn hẳn đi, chẳng còn được mấy hột người. Đau xót vì cảnh hoang dại, Éaque bèn cầu khấn người cha thiêng liêng của mình, xin Người phù hộ cho cảnh đông vui sầm uất trở lại với hòn đảo. Sau khi ở đền thờ ra về, đêm hôm đó Éaque nằm mơ thấy những đàn kiến biến thành người. Sáng sớm hôm sau, một kỳ tích đã xảy ra ứng với giấc mơ của Éaque đêm hôm trước. Con trai của Éaque là Télamon đánh thức cha dậy, chỉ cho cha xem một đạo quân đông đảo, trang phục đẹp đẽ đang tiến vào cung điện. Thần Zeus đã biến tất cả những con kiến ở trên đảo thành người: một đạo quân, đàn ông, đàn bà, trẻ con đông đúc như xưa và có thể còn hơn xưa. Vì lẽ đó, tên những người “Myrmidon” xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ “Murmekès”, có nghĩa là kiến. Pélée, con trai của Éaque, khi sang sinh cơ lập nghiệp ở xứ Thessalie đã đưa những đạo quân Myrmidon cùng đi với mình, và bây giờ đến người con của Pélée, chàng Achille danh tiếng lẫy lừng cầm đầu những chiến sĩ Myrmidon đi tham dự cuộc viễn chinh sang thành Troie.

Các đoàn quân Hy Lạp đã tập trung đầy đủ ở cảng Aulis. Người xưa kể là chưa từng bao giờ lại thấy có cảnh tượng hùng vĩ đến như thế. Quân đi dậy đất, trùng trùng điệp điệp như cây rừng. Có nguồn chuyện nói quân Hy Lạp có đến 100.000 người và 1.186 chiến thuyền. Chúng ta ngày nay nghe vậy cũng biết vậy chứ chẳng có gì làm bằng chứng để biết chính xác, hư thực thế nào.

Công việc cuối cùng là làm lễ hiến tế các thần linh rồi xuất phát. Các vị tướng Hy Lạp lần lượt đến quỳ trước bàn thờ, dâng lễ vật, cầu xin thần thánh ban cho cuộc hành trình của đoàn quân được thuận buồm xuôi gió. Đang khi làm lễ thì bỗng đâu xuất hiện một con rắn mình đỏ như máu từ dưới gầm bàn thờ trườn bò ra ngoài. Mọi người cả kinh theo dõi con vật đoán chừng đây là điềm báo của thánh thần. Con rắn đỏ bò ra rồi leo lên một ngọn cây ngô đồng cao to mọc ở gần đó. Nó leo thẳng lên ngọn cây và sà vào một tổ chim nuốt chết một con chim mẹ và tám con chim con. Sau đó con rắn biến thành một hòn đá rơi xuống đất. Mọi người xôn xao cả lên, kẻ bảo điềm gở, người bảo điềm lành. Cuối cùng chỉ có nhà tiên tri Calchas bình giải thì mọi người mới hiểu được ý nghĩa: người Hy Lạp phải chiến đấu suốt chín năm trường, đến năm thứ mười thì hạ được thành Troie. Các tướng lĩnh Hy Lạp vô cùng hoan hỉ khi được Số mệnh và thần linh tiên báo trước điềm lành. Họ lễ tạ thần linh rồi ra lệnh xuất phát. Các con thuyền rẽ sóng nhằm hướng Đông đi tới. Không rõ đoàn thuyền vượt biển mất bao ngày nhưng người xưa nói là chặng đường đầu tiên họ đi khá nhanh, vào một đêm tối trời, đoàn quân Hy Lạp đổ bộ lên đất Mysie nhưng lại tưởng rằng mình đã đến vùng đồng bằng Troade. Họ bắt đầu cuộc tiến công đánh chiếm cướp phá vương quốc của Télèphe. Vị vua này vốn là con trai người anh hùng Héraclès và người thiếu nữ Augé. Xưa kia cha nàng là nhà vua Aléos trị vì ở đất Tégée thuộc xứ Arcadie trên bán đảo Péloponnèse. Ông lấy nàng Néère và sinh được ba trai một gái. Trong một buổi đến cầu khấn ở đền thờ Delphes, ông được thần Apollon ban truyền cho biết: người con gái của ông, nàng Augé, sau này sẽ sinh ra một đứa con trai, và đứa con đó sẽ giết chết ba người bác ruột của nó. Quá ư sợ hãi về lời sấm truyền, Aléos đem dâng người con gái cho việc thờ phụng nữ thần Athéna. Như vậy nàng suốt đời sẽ trinh trắng, chẳng hề biết đến chồng con, tai họa hẳn không thể nào xảy ra được. Nhưng người anh hùng Héraclès trong cuộc hành trình của mình đã dừng chân nghỉ lại ở vương quốc của Aléos. Chàng say đắm trước vẻ đẹp trong trắng của người thiếu nữ trông coi việc thờ phụng ở ngôi đền nữ thần Athéna, và trong một phút không làm chủ được mình, chàng đã cưỡng bức Augé. Hành động đó làm ô uế nơi thánh đường trang nghiêm của Athéna khiến nữ thần nổi giận, giáng xuống một bệnh dịch khủng khiếp. Aléos lại phải sắm sanh lễ vật cầu khấn thần linh. Sau khi nhận được lời phán truyền của thần thánh, ông giao Augé con gái mình cho vua đảo Eubée tên là Nauplios, vốn là một thủy thủ lành nghề, để nhà vua này dìm Augé xuống sông, xuống biển cho chết đi. Nhưng Nauplios động lòng trắc ẩn chẳng nỡ làm một việc thất đức bất nhân. Vừa khi đó thì Augé lại sinh một đứa con trai và nàng đặt tên con là Télèphe. Nauplios đem hai mẹ con bỏ vào rừng. Sau bao nhiêu năm trôi nổi, Augé được vua Teuthras cưới làm vợ. Còn Télèphe, những người chăn cừu đón được đem về dâng cho vua Corythos. Có chuyện kể, chú bé Télèphe khi bị bỏ vào rừng đã được con hươu của nữ thần Artémis nuôi. Lớn lên, Télèphe tuân theo lời sấm ngôn xin được ở đền thờ Delphes, sang đất Mysie tìm mẹ. Trên đường đi chàng đã vô tình giết chết hai người bác ruột của mình trong một cuộc xô xát. Kế đến khi vua Teuthras băng hà, Télèphe lên nối ngôi trị vì ở xứ Mysie. Có chuyện kể, hai mẹ con Augé và Télèphe bị truy đuổi, cùng đường phải nhảy xuống biển và bơi được tới đất Mysie. Lai lịch vua Télèphe là như thế.

Lại nói tiếp về việc những người Hy Lạp đổ bộ lên đất Mysie. Xung đột nổ ra dữ dội. Thấy đất nước bị một bọn người từ đâu đến vây đánh, cướp phá, Télèphe liền dốc thúc quân sĩ ra đánh trả. Có thể nói đây là một cuộc hỗn chiến vì hai bên đánh nhau trong đêm đen. Quân Hy Lạp bị tổn thất một số danh tướng. Patrocle, một người bạn chiến đấu thân thiết của Achille bị thương. Achille xông lên trả thù cho bạn. Chàng phóng lao trúng bụng Télèphe khiến nhà vua bị thương. Lừa lúc tối trời, Télèphe ra lệnh thu quân về cố thủ trong thành. Trời sáng, quân Hy Lạp biết rằng mình đã nhầm. Họ đánh nhau với người Mysie chứ không phải với người Troie, và như vậy họ đã đánh nhầm với những người bạn chứ không phải kẻ thù. Thật đau xót. Họ cử sứ giả đến gặp Télèphe xin lỗi về hành động nhầm lẫn vừa xảy ra và trân trọng mời Télèphe tham dự cuộc tiến đánh thành Troie. Télèphe chấp nhận sự hòa giải nhưng khước từ việc tham dự cuộc chiến tranh thành Troie vì lẽ nhà vua hiện đang bị thương. Vả lại nhà vua mới cưới vợ mà vợ của nhà vua lại là em ruột của vua Priam. Không lẽ em rể lại đem quân đánh anh vợ khi chẳng có một nguyên do gì. Những người Hy Lạp sau khi làm lễ an táng cho những tử sĩ bèn tiếp tục cuộc hành quân sang thành Troie. Nhưng thuyền của họ vừa ra khơi thì gặp bão lớn. Sóng gió của Đại dương đã nhấn chìm không biết bao nhiêu con thuyền xuống đáy biển. Bão tan họ chẳng còn biết phương hướng thế nào. Họ đi quanh quẩn mãi trên biển khơi và cuối cùng lại trôi dạt về Aulis, một đô thành hải cảng ở miền trung Hy Lạp mà họ vừa mới từ đó ra đi.

Quân Hy Lạp lại tập trung ở Aulis

Đoàn chiến thuyền của Hy Lạp trở về Aulis. Nhiều tướng lĩnh kéo thuyền lên bờ. Một số tướng khác thì chán nản chẳng ở lại doanh trại trên bờ biền mà bỏ về nhà, trong số này có vị tổng chỉ huy Agamemnon. Không ai biết ngày nào sẽ xuất quân. Chẳng phải các anh hùng, binh sĩ đã mất hết nhuệ khí sau trận bão mà chỉ vì không có người dẫn đường chỉ lối. Cần phải tìm được một người dẫn đường, và người đó chỉ có thể là Télèphe.

Lại nói về Télèphe. Sau khi bị thương vào bụng, Télèphe cố sức chữa chạy nhưng tiếc thay vết thương chẳng những không lành mà lại ngày càng thêm nặng làm cho Télèphe vô cùng đau đớn. Cùng quá, Télèphe phải cho người sang đền thờ Delphes xin thần Apollon một lời chỉ dẫn. Cô đồng Pythie truyền cho biết, chỉ có người làm Télèphe bị thương mới chữa khỏi vết thương. Thế là Télèphe phải lặn lội sang đất Hy Lạp. Chàng giả dạng làm một ông già ốm yếu chống gậy đến đô thành Mycènes của tướng Agamemnon định bụng nhờ chủ tướng nói với người anh hùng Achille chữa chạy cho mình. Người đầu tiên bắt gặp Télèphe đi vào cung điện là nàng Clytemnestre, vợ của Agamemnon. Télèphe bèn nói rõ cho nàng biết mình từ đâu đến và nhằm mục đích gì. Nghe Télèphe nói rõ sự tình, Clytemnestre bày cho người anh hùng bị thương đó một kế phải vào cung bắt sống ngay đứa con trai của Agamemnon, lúc này còn đang nhỏ tên là Oreste và dùng đứa bé làm con tin. Nếu Agamemnon mà không bảo đảm mời được Achille tới chữa lành cho Télèphe thì Télèphe sẽ giết chết tươi đứa bé. Télèphe làm theo kế đó. Phần vì sợ Télèphe giết mất đứa con, phần vì biết Télèphe là người am hiểu đường đến thành Troie nên Agamemnon rất nhiệt tình giúp Télèphe. Ông cho người mời Achille đến và giao cho Achille chữa lành vết thương của Télèphe. Achille rất lấy làm ngạc nhiên khi được giao nhiệm vụ này bởi vì chàng có am hiểu gì đâu về thuật chữa bệnh. Nhưng người anh hùng Ulysse đã nói cho chàng biết: không cần phải đi tìm thuốc men ở đâu xa, chỉ cần cạo gỉ sắt ở đầu ngọn lao của Achille ra rắc vào vết thương là khỏi, nhưng phải nhớ là gỉ sắt ở ngọn lao của Achille. Thế là chỉ ít ngày sau vết thương của Télèphe lành hẳn. Thật là kỳ diệu. Được chữa khỏi bệnh, Télèphe rất vui mừng. Đền đáp lại, chàng sẵn sàng dẫn quân Hy Lạp vượt biển đổ bộ lên đất Troie.

Lại một lần tập trung quân sĩ. Lại làm lễ hiến tế cầu khấn thần linh. Nhưng ác hại thay trời vẫn không thuận gió. Cầu khấn hết ngày này qua ngày khác mà chờ đợi vẫn hoàn chờ đợi. Mọi người lại phải mời nhà tiên tri già đầu bạc Calchas lên tiếng. Cụ già sau khi tính tính toán toán bằng pháp thuật của mình bèn phán truyền rằng nguyên nhân của tai họa này là vì Agamemnon đã xúc phạm đến nữ thần Artémis. Muốn làm nguôi cơn thịnh nộ của nữ thần, theo Calchas, Agamemnon phải hiến dâng cho nữ thần nàng Iphigénie con gái của mình, một trinh nữ, để nữ thần dùng làm người tháp tùng. Vì sao Agamemnon lại phải chịu một sự chuộc tội đau đớn, khủng khiếp đến thế. Ông ta đã phạm tội gì? Người xưa kể: có một lần Agamemnon ba hoa trước bạn bè, quân sĩ rằng trong một cuộc đi săn ông ta đã hạ được một con hươu cái mà vẻ đẹp và tài chạy nhanh của nó thì ngay đến cả hươu của nữ thần Artémis cũng không tài gì sánh nổi. Có chuyện lại kể, vì quân Hy Lạp đã giết mất của nữ thần Artémis một con thỏ tuyệt đẹp, một con thỏ mà xưa nay nữ thần vẫn sùng ái. Nhưng lại có người kể, và xem ra cách kể này có vẻ đúng hơn, rằng xưa kia Atrée, cha của Agamemnon đã bội ước với nữ thần Artémis. Năm ấy, nhẽ ra Atrée phải giết một con cừu có bộ lông vàng (có chuyện kể là con hươu) để dâng Artémis thì Atrée giấu đi và thay thế bằng một con cừu bình thường. Vì lẽ đó bây giờ con của Atrée phải chuộc tội cho cha.

Nghe lời phán truyền của Calchas, Agamemnon sợ hãi rụng rời. Ông muốn ra lệnh bãi binh để khỏi phải giết người con gái yêu quý. Nhưng Ménélas và các tướng lĩnh Hy Lạp đòi ông, buộc ông phải tuân theo ý muốn của thần linh. Cuối cùng, Agamemnon phải sai quân hầu về gọi Iphigénie tới Aulis. Nhưng tới Aulis để làm gì? Agamemnon bịa ra một chuyện: Achille có ý định làm lễ kết hôn với Iphigénie trước khi lên đường chinh chiến. Mặt khác, Agamemnon lại sai người mật báo cho vợ đừng có dẫn Iphigénie đến Aulis. Chẳng may người này bị Ménélas bắt được. Biết chuyện, Ménélas không còn nể nang anh em gì nữa, mắng nhiếc Agamemnon thậm tệ kết tội anh mình là kẻ phản bội lại quyền lợi của con dân Hy Lạp. Cuộc đấu khẩu diễn ra khá căng thẳng. Trong khi đó có người đến báo tin Clytemnestre cùng với hai con là Iphigénie và Oreste tới. Tình cảnh lúc này thật khó xử và đã xảy ra những chuyện lầm lẫn tức cười. Gặp vợ và con gái, Agamemnon không sao che giấu được nỗi buồn, nhưng cũng không dám nói thật cho vợ và con gái biết. Còn Iphigénie thì vô cùng thắc mắc trước vẻ mặt buồn bã, bối rối, lúng túng của cha, nhất là khi thấy cha khuyên mẹ nên trở về Mycènes ngay.

Lại đến chuyện khi Achille đi tìm Agamemnon để thông báo cho chủ tướng biết tình hình binh sĩ đang nóng ruột chờ đợi lệnh xuất phát thì gặp Clytemnestre. Biết vị anh hùng đi tìm chồng mình là Achille, người sắp làm lễ thành hôn với con gái mình, Clytemnestre niềm nở hỏi han và coi chàng như con rể. Achille ngạc nhiên hết sức vì chàng chưa bao giờ ngỏ ý muốn kết hôn với con gái của Agamemnon. Vì lẽ đó, khi rõ chuyện, Clytemnestre rất ngượng. Vừa khi ấy, một gia nhân của Clytemnestre biết sự thật của việc gọi Iphigénie đến Aulis bèn nói rõ cho nàng biết. Clytemnestre kinh hoàng, rụng rời cả người. Trong phút quẫn bách ấy, nàng quỳ xuống trước mặt Achille xin chàng rủ lòng thương bảo vệ cho tính mạng người con gái của nàng. Achille xúc động trước những lời than khóc cầu xin của Clytemnestre, đã thề hứa sẽ bảo vệ cho Iphigénie. Chợt Agamemnon về, thế là xảy ra xung đột giữa hai vợ chồng. Clytemnestre trách chồng tàn nhẫn, dối trá, lừa lọc. Agamemnon ra sức giãi bày, thanh minh với vợ, rằng ông ở vào một tình thế khó xử, rằng ông không thể vì tình riêng mà quên đi việc lớn của cả đất nước Hy Lạp, rằng đoàn quân Hy Lạp đang nóng lòng được sớm bước vào cuộc giao tranh với người Troie. Nếu chống lại, đi ngược lại ý chí của toàn quân ông sẽ bị họ trừng trị và cuối cùng thì Iphigénie vẫn cứ phải làm vật hiến tế để dâng cho nữ thần Artémis.

Lại xảy ra một vụ rối loạn. Achille tuyên bố trước ba quân, không cho một ai đụng đến Iphigénie , không cho một ai đem nàng đi làm lễ hiến tế vì nàng là vợ chưa cưới của mình. Quân sĩ bất bình, nhao nhao phản đối, ném đá tới tấp vào Achille khiến chàng phải chạy về lều của mình và cử những bạn bè tâm huyết ra tay gươm tay giáo để sẵn sàng chống đỡ. Cùng lúc đó, Ulysse dẫn đầu một số quân sĩ xông đến lều của Agamemnon, đòi vị Tổng Chỉ huy phải thực hiện đúng lời truyền phán của thần thánh để đoàn quân Hy Lạp sớm được xuất phát. Nếu kéo dài mãi cái cảnh ăn chực nằm chờ thì quân đội có nguy cơ tan rã.

Đang lúc rối ren khó xử ấy thì Iphlgiêni đứng ra kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh, hòa giải với nhau. Nàng tuyên bố sẵn sàng hy sinh thân mình, tự nguyện hy sinh thân mình cho sự nghiệp lớn của con dân Hy Lạp. Nàng không muốn cưỡng lại ý chí của thần thánh, của nữ thần Artémis, người Trinh nữ Xạ thủ có cây cung vàng. Nàng khuyên Achille hãy từ bỏ lời thề hứa thiêng liêng bảo vệ nàng. Nàng nói:

- Hỡi các vị dũng tướng, anh hùng! Hãy cho ta tiến đến trước bàn thờ của nữ thần Artémis để ta đón nhận một cái chết vinh quang! Một người con gái Hy Lạp dù sao cũng biết hiến thân cho sự nghiệp anh hùng của toàn dân như các anh hùng, dũng sĩ. Xin hãy để cho người con gái đó tiến đến trước bàn thờ nữ thần Artémis để đón nhận cái chết như những anh hùng, dũng sĩ tiến đến trước mũi lao của kẻ thù, đón nhận một cuộc giao tranh đẫm máu! Rồi mai đây khi thành Troie bị người Hy Lạp đánh chiếm, chiến công vinh quang của họ chính là chiến công vinh quang của ta. Vì thế ta không ân hận nuối tiếc gì khi sớm phải từ giã cuộc đời vào lúc đầu xanh tuổi trẻ. Bởi vì chết cho sự nghiệp vinh quang của người Hy Lạp là một cái chết anh hùng, một cái chết đáng được lưu danh muôn thuở.

Nói xong, nàng dũng cảm tiến thẳng đến trước bàn thờ. Nàng đi giữa hai hàng quân khiên giáp sáng ngời, dáng đi uy nghi, lộng lẫy, oai hùng sánh tựa thần linh. Agamemnon nhìn con gái nước mắt lã chã tuôn rơi. Iphigénie dừng lại, đứng thẳng trước bàn thờ nữ thần Artémis, người Trinh nữ Xạ thủ có cây cung vàng, mắt ngước nhìn lên với vẻ thành kính chứa chan. Người truyền lệnh cầm loa truyền báo cho toàn quân biết lễ hiến tế sắp sửa bắt đầu. Một bầu không khí trang nghiêm, lạnh lùng, nặng nề bao trùm lên cả đạo quân đang đứng im phăng phắc. Lão vương Calchas, nhà tiên tri già đầu bạc tiến ra đội lên đầu người trinh nữ một vòng hoa rồi dẫn nàng đến quỳ trước bàn thờ. Sau khi làm những lễ nghi như vẩy rượu thánh, rắc bột trộn với muối lên vật hiến tế, người chủ lễ lên tiếng cầu khấn thần thánh cho đoàn quân Hy Lạp xuất quân được thuận buồm xuôi gió và giành được chiến thắng vẻ vang. Một tên lính hầu đem đến đấng lão vương Calchas một chiếc khay vàng trên đặt một con dao nhọn. Calchas cầm dao tiến đến sát mặt Iphigénie, đưa một tay ra nắm lấy tóc nàng kéo giật về phía sau rồi thọc mạnh mũi dao vào cổ nàng. Nhiều người nhắm mắt lại không dám nhìn cảnh khủng khiếp ấy. Có tiếng khóc nấc lên. Máu từ cổ nàng trào ra đỏ thắm. Nhưng kìa lạ thay, không phải là Iphigénie bị ngã gục trước bàn thờ mà là một con hươu, một con hươu bị đâm vào cổ, máu trào ra đỏ thắm đang nằm quằn quại, giãy giụa. Một phép màu nhiệm đã diễn ra. Nữ thần Artémis đã đến cướp người trinh nữ xinh đẹp ấy đi và thay thế bằng một con hươu. Toàn quân Hy Lạp vô cùng sửng sốt trước kỳ tích ấy. Họ hiểu ngay rằng nữ thần Artémis đã chấp nhận lời cầu nguyện của họ. Lão vương Calchas reo to lên:

- Hỡi những người Hy Lạp thần thánh! Nữ thần Artémis đã chấp nhận lễ vật và những lời cầu xin của chúng ta! Hãy reo vang lên và tin chắc rằng chúng ta sẽ xuất quân thắng lợi!

Toàn quân Hy Lạp đồng thanh thét lớn và chuyển động như một khu rừng gặp trận gió mạnh. Agamemnon chạy vội về báo tin cho Clytemnestre biết kỳ tích vừa xảy ra. Sau đó vị Tổng Chỉ huy ra lệnh cho ba quân nhổ trại xuống thuyền giương buồm vượt biển. Vì trời đã nổi gió, những cơn gió rất thuận lợi cho những con thuyền Hy Lạp thẳng tiến sang phương Đông, vùng bờ biển Tiểu Á.

Còn nữ thần Artémis bắt Iphigénie đưa đi đâu? Nữ thần bằng pháp thuật của mình đưa nàng tới một nơi xa tít tắp mù khơi, đó là đất Tauride ở vùng bờ biển Pont-Euxin. Tại đây Iphigénie trở thành tăng nữ của Artémis.

Chuyện Agamemnon hiến dâng người con gái của mình cho nữ thần Artémis và nữ thần bằng phép lạ của mình thay thế người trinh nữ bằng một con hươu phảng phất giống một câu chuyện trong Kinh Thánh: Đấng Vĩnh hằng thử thách Abraham, ra lệnh cho Abraham làm lễ hiến tế đứa con trai của Abraham là Isaac. Thật ra thì phải nói ngược lại mới đúng. Câu chuyện trong Kinh Thánh phảng phất giống câu chuyện của thần thoại Hy Lạp. Abraham tuân lời của đấng Vĩnh hằng đem cậu con trai Isaac ra làm lễ hiến tế. Chính vào lúc Abraham sắp thọc mũi dao nhọn vào cổ đứa con trai thì một thiên thần được đấng Vĩnh hằng phái xuống ra lệnh cho Abraham dừng tay. Thiên thần nói cho Abraham biết, đây chỉ là một thử thách của Thượng đế. Thượng đế đã chứng giám tấm lòng thành kính của Abraham, dù chỉ có một đứa con trai duy nhất cũng hiến dâng Thượng đế, và bỗng đâu xuất hiện sau lưng Abraham một con cừu đực nằm trong một bụi cây. Abraham bèn bắt con cừu đực đó để làm lễ hiến tế thay cho cậu con trai Isaac. Nhờ ngoan đạo như thế cho nên sau này Thượng đế gọi Abraham lên trời, khen thưởng, ban cho ông con đàn cháu đống, phúc, lộc, thọ, an, khang, ninh đời đời!

Xem thế thì Kinh Thánh chẳng phải được viết ra do thiên khải. Thần thoại Thiên Chúa giáo chỉ là một sản phẩm của lịch sử và chịu những tác động khách quan của lịch sử. Những môtíp và diễn biến của hai câu chuyện thần thoại trên có nhiều nét giống nhau. Nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn khác nhau. Nằm trong truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie, chuyện giết Iphigénie để hiến tế nữ thần Artémis không phải nhằm mục đích chủ yếu là chứng minh cho quyền lực của nữ thần. Nó là thần thoại kết bện với truyền thuyết lịch sử để phản ánh, để khẳng định chiều hướng của lịch sử: Chiến tranh cướp bóc của những liên minh nhà nước sơ khai ở trên đất Hy Lạp đối với thế giới phương Đông, ở vùng bờ biển Tiểu Á.

Tướng Philoctète bị bỏ lại ở dọc đường

Đoàn quân Hy Lạp tiến sang đất Troie được sự phù trợ của thần thánh nên rất thuận lợi. Chẳng bao lâu mà những người Hy Lạp đã sắp tới đảo Lemnos. Gần đảo Lemnos có hòn Chrysé, một đảo nhỏ hoang dại. Tuy nhiên ở đây lại có một ngôi đền thờ nữ thần Chrysé nổi tiếng rất thiêng. Theo lời chỉ dẫn của một nhà tiên tri, đoàn quân Hy Lạp phải tới hòn đảo này tìm ngôi đền thờ nữ thần Crida để dâng lễ, nếu không thì những người Hy Lạp không thể đánh chiếm nổi thành Troie. Người anh hùng Héraclès, con của thần Zeus giáng sấm sét, trong cuộc tiến đánh thành Troie để trả thù Laomédon về cái tội lừa lọc, bội ước cũng đã dừng chân lại chốn này, tìm bằng được ngôi đền thờ để dâng lễ. Những người Argonautes trong cuộc hành trình đi sang xứ Colchide cũng đã cử đích thân thủ lĩnh Jason tới dâng lễ ở ngôi đền thờ này. Giờ đây đến phiên người Hy Lạp, trong cuộc Chiến tranh Troie lần thứ hai để trừng phạt chàng Paris con của vua Priam đã can tội vi phạm truyền thống quý người trọng khách.

Hội đồng Tướng lĩnh quyết định cử tướng Philoctète, một đồ đệ và cũng là một chiến hữu trung thành của Héraclès xưa kia, dẫn đường lên đảo để tìm ngôi đền thờ. Đảo hoang nên cỏ lau, cây dại mọc ngút ngàn, chẳng có đường mòn lối cũ, cũng chẳng có một dấu chân nên rất khó tìm. Philoctète phải vừa đi vừa vạch đường cho anh em đi sau. Khó khăn, nhưng rồi cuối cùng chàng tìm ra được ngôi đền. Philoctète sung sướng reo to lên và bước qua ngưỡng cửa. Bất chợt có một con rắn khá to từ một bụi cây quăng mình ra mổ vào chân Philoctète một cái. Đau quá vị tướng này thét lên một tiếng rồi ngã vật xuống đất. Các chiến hữu nghe tiếng thét vội chạy đến nhưng vô kế khả thi. Chẳng ai là người biết một phương thuốc gì thần diệu để chữa chạy cho Philoctète. Họ dìu Philoctète ra thuyền. Vết thương của chàng bốc lên một mùi hôi thối rất khó chịu. Chàng nằm bất động trên thuyền, rên rỉ, kêu la. Sau khi làm lễ hiến tế, đoàn thuyền Hy Lạp nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng quả thật là khó chịu vô cùng. Vết thương của Philoctète bốc mùi nồng nặc, còn Philoctète thì không sao chịu đựng nổi những nhức nhối, đau buốt, chàng rên la suốt ngày đêm. Tình cảnh phiền toái như thế, Ulysse thấy phải cần vứt bỏ Philoctète lại dọc đường để bảo đảm cho cuộc hành quân được hoàn thành nhanh chóng. Chàng đề đạt biện pháp ấy với Hội đồng Tướng lĩnh, và Hội đồng đã đồng thanh nhất trí chuẩn y lời đề nghị của Ulysse. Đoàn chiến thuyền qua đảo Lemnos dừng lại. Người ta cho khiêng Philoctète lên bờ. Lúc này chàng mệt quá vì đau đớn ngủ thiếp đi nên không hay biết gì hết. Đến khi chàng tỉnh dậy thì thấy mình nằm trơ trọi trên bãi biển vắng hoang, bên cạnh có cây cung, ống tên và một ít lương thực.

Philoctète giận dữ vô cùng. Bọn người Hy Lạp đã bất nhân bất nghĩa đến thế thì thôi. Chúng bỏ chàng lại ở nơi hoang đảo này coi như chúng đã giết chàng. Chàng làm sao có thể sống nổi khi người ốm yếu, chân mang thương tích. Nhưng chàng nghĩ: ta còn cây cung và ống tên của thần Héraclès đây. Chắc rằng thần thánh không nỡ bỏ mặc ta mà không động lòng trắc ẩn, phù hộ, giúp đỡ ta vượt qua khỏi nỗi bất hạnh này. Rồi thì mọi việc sẽ trôi qua. Bây giờ trước hết là không được nản chí. Từ đó trở đi Philoctète bắt đầu cuộc sống của một con người trên hoang đảo. Ý chí và nghị lực cũng như sự giúp đỡ của thần thánh đã giúp chàng sống qua hết năm này đến năm khác.., và chín năm trôi qua cho đến năm thứ mười, theo sự phán truyền của thần thánh quân Hy Lạp nếu không đón được chàng về để chàng tham dự cuộc chiến đấu bằng cây cung và ống tên của mình thì quân Hy Lạp không thể nào hạ được thành Troie. Chỉ đến khi đó những người Hy Lạp mới cho thuyền, cử người đi tìm Philoctète về.

Sau khi bỏ Philoctète lại trên hoang đảo, đoàn thuyền Hy Lạp thẳng tiến tới thành Troie. Cuộc xung đột giữa thế giới Hy Lạp ở Nam Địa Trung Hải với thế giới phương Đông vùng phía bắc ven biển Tiểu Á chỉ còn là chuyện ngày xưa.

Những gì đã xảy ra trong chín năm giao tranh

Theo quyết định của Số mệnh và thần thánh, quân Hy Lạp phải chiến đấu mười năm mới hạ được thành Troie. Những người Hy Lạp biết rõ điều đó. Nhưng họ không vì thế mà nản lòng, không vì thế mà ngồi chờ cho đến năm thứ mười mới tung quân vào đánh những trận quyết liệt. Ngược lại, ngay từ đầu họ đã lao vào những trận đánh lớn dường như chẳng quan tâm gì đến lời phán truyền của Số mệnh và thần thánh. Dường như họ muốn và có hy vọng có thể kết thúc cuộc tiến công của họ trước, sớm hơn điều tiền định của thần thánh.

Đoàn thuyền Hy Lạp cập bờ biển Troie, dàn hàng ngang và chuẩn bị đổ bộ, nhưng họ đã thấy trên bờ biển, quân Troie đông nghịt cũng đã dàn ra không rõ từ bao giờ, sẵn sàng nghênh chiến. Cầm đầu đạo quân Troie đông đảo là dũng tướng Hector luyện thuần chiến mã, con của vua Priam giàu có. Quân Hy Lạp do dự hồi lâu rồi sau mới quyết định tiến công. Mặc dù có một lời phán truyền của Số mệnh rằng người Hy Lạp nào đặt chân đầu tiên lên đất Troie sẽ bị chết, nhưng các dũng tướng Hy Lạp không vì thế mà chùn bước. Ulysse vứt tấm khiên của mình lên bờ và chàng thoắt một cái nhảy vọt lên, chân đặt lên tấm khiên rồi sau đó mới bước xuống đất để lao vào cuộc giao tranh. Làm như thế chàng sẽ chẳng phải là người hy sinh đầu tiên mà vẫn là vị tướng dũng cảm xông lên hàng đầu để lôi kéo binh sĩ. Cùng lúc với Ulysse nhảy lên bờ là tướng Protésilas. Chàng cầm đầu một vương quốc ở xứ Thessalie, đưa đạo quân đông đảo thiện chiến của mình cùng với bốn mươi chiến thuyền tham dự cuộc viễn chinh. Nhìn thấy Ulysse vứt tấm khiên lên bờ, Protésilas bèn chờ Ulysse nhảy là mình nhảy tiếp theo, như vậy mình chẳng phải là người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Troie. Song Protésilas hiểu sao được đầu óc tinh khôn của người anh hùng này, và tuy nhảy sau Ulysse nhưng chàng vẫn là người đầu tiên đặt chân lăn đất Troie. Chàng vung gươm giương khiên lao vào giao đấu với Hector. Người anh hùng con của vua Priam giàu có, bình tĩnh nhằm chàng dũng sĩ đang chạy tới trước mặt mình, phóng đi một ngọn lao ác hiểm. Mũi lao bay đi xuyên qua tấm khiên dày chắn trước ngực, cắm sâu vào trái tim người anh hùng Hy Lạp. Thế là linh hồn Protésilas vĩnh viễn ra đi. Cuộc hỗn chiến bạo tàn mở đầu bằng cái chết của Protésilas bắt đầu. Sau một ngày giao tranh đẫm máu, quân hai bên xác chết đầy đồng. Chiều đến quân Troie lui về cố thủ sau những bức tường kiên cố. Sáng hôm sau hai bên thỏa thuận ngừng chiến để thu nhặt các tử sĩ và làm lễ an táng. Những ngày tiếp sau, quân Troie vẫn cố thủ trong thành, còn quân Hy Lạp thì bắt đầu công việc xây dựng chiến lũy. Họ kéo tất cả những chiến thuyền lên bờ để tập trung lại thành một dãy dài rồi đắp một bức tường cao che chắn lại. Trước bức tường là một con hào sâu và rộng. Doanh trại của quân Hy Lạp đóng dài từ đầu đến cuối bức tường. Lều của chủ tướng Agamemnon nằm ở quãng giữa. Khi xây dựng thành lũy và sắp đặt việc canh gác, phòng thủ đã xong, quân Hy Lạp bèn cử một phái đoàn do tướng Ménélas và Ulysse vào thành Troie thương thuyết. Lão tướng Anténor, anh rể của vua Priam tiếp đãi đoàn sứ giả Hy Lạp rất trọng thể. Ông là người có thiện chí và rất mong muốn giải quyết cuộc xung đột bằng thương lượng. Vua Priam được tin có đoàn sứ giả Hy Lạp đến liền cho lệnh triệu tập ngay Đại hội Nhân dân để cho mọi người được công khai biết rõ mọi sự việc và bày tỏ thái độ. Những người Troie mời Ménélas và Ulysse tới dự và trình bày chủ kiến. Ménélas lên tiếng trước. Chàng nói ngắn gọn, bày tỏ ý muốn người Troie giao trả lại cho mình nàng Hélène cùng với những của cải mà họ đã cướp đi. Tiếp đến là Ulysse, với tài nói hùng hồn, uyển chuyển, hấp dẫn, chàng thuyết phục người Troie nên giải quyết thỏa đáng những nguyện vọng của Ménélas, như vậy tránh cho con dân hai bên khỏi đổ máu mà lại mở ra mối bang giao hòa hiếu sau này. Những người Troie nghe Ulysse nói như uống từng lời. Người ta bảo, không phải Ulysse nói mà là chàng đang rót mật ong vàng pha với rượu vang mời mọi người cùng thưởng thức. Lão tướng Anténor cũng đứng lên thuyết phục nhân dân nên chấp nhận những đòi hỏi khiêm tốn của quân Hy Lạp. Nhưng ngược lại, những người con trai của vua Priam không muốn thế. Người chống lại quyết liệt nhất là Paris. Chàng coi Hélène là báu vật mà nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp-Aphrodite ban cho mình. Chẳng nhẽ chàng lại bị cướp không tặng vật thiêng liêng mà chàng đã được trả công xứng đáng trong cuộc phân xử vụ tranh chấp quả táo vàng “tặng người đẹp nhất”? Paris lôi kéo được một số anh em tán thưởng với mình, thậm chí Antimaque, một người em của Paris, lại đưa ra những đòi hỏi quá khích. Y kêu gào mọi người phải bắt ngay Ménélas và Ulysse đưa ra xử tội trước Đại hội Nhân dân nhưng vua Priam và dũng tướng Hector đứng lên phản đối. Một hành động quá khích như vậy là vi phạm vào những đạo luật thiêng liêng che chở cho những sứ giả, đạo luật do thần Zeus ban bố. Hội nghị Nhân dân nghe rất nhiều ý kiến trái ngược nhau nên chưa thể quyết định theo một ý kiến nào. Đang lúc nhân dân còn chưa định liệu được thái độ của mình thì Hélénos, em của Paris, đứng lên hô hào những người Troie hãy tiếp tục cuộc chiến tranh. Hélénos cất tiếng dõng dạc, bừng bừng nhiệt tình nói những lời lẽ như sau:

- Hỡi những người Troie luyện thuần chiến mã! Nếu chúng ta chấp nhận những kiến nghị của người Hy Lạp đưa ra thì có nghĩa là chúng ta đã vứt bỏ danh dự của những người anh hùng con dòng cháu giống của Dardanos tổ phụ. Paris không cướp nàng Hélène của Ménélas. Nữ thần Aphrodite đã ban người đàn bà xinh đẹp tuyệt vời ấy cho chàng. Lẽ nào chàng trai đẹp nhất ở châu Á phân xử rất sáng suốt vụ tranh chấp rất quyết liệt về cái đẹp, quyết định xem vị nữ thần nào là đẹp nhất lại không xứng đáng được nhận một phần thưởng về cái đẹp, một người đàn bà đẹp nhất châu Âu hay sao? Những người Hy Lạp và người anh hùng Ménélas hãy tìm đến nữ thần Aphrodite mà đòi mà hỏi. Còn chúng ta, chúng ta chỉ biết tuân theo những lời phán bảo của thần linh. Những người Hy Lạp đã xâm phạm vào đất đai thiêng liêng của chúng ta. Chúng đánh chúng ta rồi chúng lại cử người đến đưa ra những lời nghị hòa. Sao chúng không đưa ra những lời nghị hòa trước khi đổ quân lên đồng bằng Troade này? Chúng đòi chúng ta hòa giải, chúng đòi chúng ta nhân nhượng. Không thể được! Hỡi những người Troie luyện thuần chiến mã, con dòng cháu giống của tổ phụ Dardanos phóng lao điêu luyện! Hãy xông lên chiến đấu để bảo vệ đô thành thiêng lêng của chúng ta! Thần Zeus và các vị thần Olympe sẽ giúp chúng ta giành được thắng lợi! Nếu chúng ta nhân nhượng chúng thì liệu chúng có xuống thuyền về nước hay không? Hay là sau khi đòi được nàng Hélène chúng lại cứ tiếp tục vây đánh chúng ta? Không, nhất quyết không, không thể nào tin vào lời chúng được!

Rõ ràng một bầu không khí như vậy không thể tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc thương thuyết. Đại hội Nhân dân xem ra không thể quyết định được giữa tiếp tục chiến tranh với thương lượng, và như vậy có nghĩa là tiếp tục chiến tranh. Đoàn sứ giả Hy Lạp đành phải ra về.

Cuộc chiến tranh diễn ra ngày càng quyết liệt. Quân Hy Lạp bao vây thành Troie. Quân Troie cố thủ trong thành và không tham chiến. Đã nhiều lần quân Hy Lạp mưu đột phá vào trong thành, chọn những chỗ xung yếu cho quân mang thang để trèo tường, vượt tường nhưng đều bị thất bại. Họ bèn đổi cách đánh, không tập trung lực lượng đánh thành nữa mà đem quân đi đánh các lực lượng xung quanh vùng đồng bằng Troade vốn là bạn đồng minh của quân Troie. Vả lại tình thế cũng buộc họ phải đánh theo cách ấy. Nếu không họ chẳng có nguồn lương thực nào để tiếp tục tiến hành chiến tranh. Nhiều hòn đảo bị quân Hy Lạp đổ bộ lăn cướp phá. Nhiều đô thành bị quân Hy Lạp vây đánh triệt hạ. Biết bao tướng sĩ Hy Lạp đã lập được những chiến công to lớn. Tuy nhiên nếu bình công thì chàng Achille con của nữ thần Biển-Thétis phải là vị anh hùng có công lớn nhất. Chàng đã triệt hạ mười hai thành bằng đường thủy và mười một thành bằng đường bộ. Trong số những đô thành bị Achille triệt hạ có thành Thèbes cổng cao ở đất Tiểu Á do vua Éétion bố vợ của dũng tướng Hector trị vì. Chính tay Achille đã giết chết lão vương song không giữ thi hài cụ lại để hành hạ, bêu riếu nhằm đòi của chuộc. Achille đã hỏa táng cho cụ. Bảy người con của cụ cũng bị bàn tay Achille giết chết trong cùng một ngày.

Thật ra suốt chín năm ròng chiến tranh có biết bao nhiêu chuyện. Quân hai bên đều tổn thất và phải trải qua những lúc gian nguy, thiếu thốn, khó khăn. Làm sao có thể kể hết được. Nhưng có một chuyện mà các nghệ nhân xưa không thể bỏ qua. Đó là chuyện Ulysse lập mưu trả thù Palamède.

Như trên đã kể, người anh hùng Palamède bằng đầu óc thông minh, tinh khôn của mình đã khám phá ra được cái bệnh vờ điên, giả điên - cái vở “Ulysse giả dại” - của chính Ulysse, người anh hùng lắm mưu nhiều kế. Trong những năm chiến đấu dưới quyền thống lĩnh và chỉ huy của vị thủ lĩnh tối cao Agamemnon, Palamède đã có nhiều cống hiến khá lớn lao. Uy tín của chàng trong Hội đồng Tướng lĩnh cũng như trong binh sĩ rất lớn. Chàng biết nhiều phương thuốc đã chữa lành các vết thương. Chàng làm ra ngọn hải đăng để soi đường cho những chiến thuyền. Chàng góp nhiều ý kiến sáng suốt, những ý kiến có tầm nhìn xa trông rộng để cho những người Hy Lạp tổ chức các trận giao tranh, tiến công cũng như phòng ngự. Tài năng và hoạt động của Palamède như một ngôi sao tỏa sáng ngời ngợi vô hình trung làm mờ nhạt đi cái ánh sáng của ngọn đuốc Ulysse. Một nỗi ghen tức ấm ức, kèn cựa nhỏ nhen nung nấu âm ỉ trong trái tim của Ulysse. Nhớ lại chuyện cũ xưa kia thì chính Palamède là người đã phát hiện ra, đã moi ra cái vụ Ulysse vờ điên, giả dại để trốn nghĩa vụ tham dự vào cuộc viễn chinh sang thành Troie, Ulysse càng căm thù Palamède. Chỉ vì Palamède mà Ulysse phải ra đi, phải chịu tiếng xấu trước toàn quân. Còn bây giờ chỉ vì Palamède mà Ulysse không được danh tiếng lẫy lừng, không được suy tôn trọng vọng như thánh như thần, và khi con người ta đã suy nghĩ như thế, người anh hùng Ulysse đã suy nghĩ như thế, thì tính người cũng mất mà phẩm chất anh hùng cũng không còn. Từ đây bắt đầu một âm mưu trả thù hèn hạ.

Lợi dụng chuyện có lần Palamède đã khuyên anh em binh sĩ Hy Lạp nên kết thúc cuộc chiến tranh để trở về với gia đình, quê hương vì cuộc chiến tranh đã quá dài, sự hy sinh, tổn thất cũng như những nỗi đau thương và nhọc nhằn gian khổ mà toàn dân Hy Lạp phải chịu đựng là rất lớn, Ulysse nghĩ ra một kế rất là thâm độc: vu cho Palamède tư thông với quân Troie. Vào một đêm tối trời, Ulysse đem giấu một túi vàng vào lều của Palamède, và tiếp sau đó Ulysse tung ra một nhận xét hiểm độc: sở dĩ Palamède đưa ra lời khuyên như thế là vì đã bị Priam, vua của thành Troie mua chuộc; thế là trong toàn quân Hy Lạp lưu truyền cái dư luận ấy. Khá nhiều binh sĩ thậm chí cả đến tướng lĩnh không rõ thực hư đã tin ngay vào cái dư luận ấy. Những người này cho rằng nếu nghe theo lời Palamède thì họ đã hoài công lăn lội sang đây để rồi trở về tay không, không một chút vinh quang, không một thuyền chiến lợi phẩm nào theo họ về nước, và chỉ có một kẻ phản bội mới khuyên nhủ con người ta hành động như thế. Khi dư luận lan truyền khá rộng trong binh sĩ, Ulysse bèn gặp chủ tướng Agamemnon dựng lên một chuyện ám muội: chính Palamède đã liên lạc với vua Priam ở thành Troie qua một tên tù binh, tên này sau khi nhận tin tức của Palamède mưu vượt trạm giam để về Troie nhưng không thành. Quân canh dưới quyền chỉ huy của Ulysse đã bắt được và giết chết tên tù binh đó. Chưa hết, với sự bỉ ổi và hèn hạ vốn không có giới hạn, nhất là trong trường hợp kẻ tạo dựng nên và thực thi sự bỉ ổi và hèn hạ đó lại là một vị tướng có nhiều quyền thế như Ulysse, Ulysse viết một bức thư giả mạo là của Priam gửi cho Palamède. Nội dung bức thư cho biết, Priam thưởng Palamède túi vàng vì đã có công kêu gọi, khuyên nhủ quân Hy Lạp bãi binh, hồi hương. Bức thư giả mạo này được trao cho một tên tù binh người Troie để đem về cho vua Priam. Tên tù binh cầm bức thư và nhận lệnh sung sướng đến nỗi tưởng như mình đang sống trong mơ, hắn cứ lắp bắp không sao nói được lên lời cảm ơn vị tướng đã sinh phúc tha tội cho mình. Như vậy là hắn được phóng thích để trở về với quê hương gia đình. Nhưng hỡi ôi! Hắn chỉ là vật hy sinh cho âm mưu nham hiểm và đê tiện của Ulysse. Vừa ra khỏi doanh trại đi chưa được bao lâu thì hắn bị một người linh Hy Lạp bất thần, nấp ở đâu đó, xông ra đâm cho một giáo chết tươi. Thế là bức thư trong người tên lính Troie được lấy ra đem trình lên chủ tướng Agamemnon. Lập tức Agamemnon cho triệu tập cuộc họp Hội đồng Tướng lĩnh, đồng thời cho mời Palamède đến dự. Trước Hội Đồng, Agamemnon kết tội Palamède phản bội. Palamède vô cùng sửng sốt trước sự kiện mà chàng không thể nào hiểu nổi. Agamemnon đưa ra bức thư, Palamède thanh minh và phản bác lại rằng đó chỉ là một âm mưu vu khống hèn hạ của một kẻ xấu xa nào đó. Đúng lúc ấy, Ulysse đứng ra tỏ vẻ vô tư và sáng suốt, Ulysse đề nghị chủ tướng Agamemnon và Hội đồng Tướng lĩnh cho khám lều của Palamède. Nếu không thấy túi vàng trong lều thì Palamède là người vô tội. Ngây thơ, Palamède tán thưởng ngay. Hơn nữa, chàng còn thầm cảm ơn Ulysse đã mở ra một con đường thoát cho cái chuyện rắc rối này. Kết quả như thế nào hẳn không cần phải kể chúng ta ai cũng rõ. Agamemnon như vậy là có đủ bằng chứng để kết tội Palamède là một tên phản bội, và đối với những kẻ phản bội trong quân ngũ, tư thông với quân địch, ăn ở hai lòng thì chỉ có một hình phạt: xử tử. Quân lính áp giải Palamède lên một ngọn núi cao, xiềng chàng lại, và đứng trên ngọn núi này chàng phải chịu hình phạt ném đá cho tới chết. Palamède không có cách gì để thanh minh nổi, và dẫu chàng có nói thì cũng chẳng một ai để ý lắng nghe. Tội đã rõ. Bằng chứng hiển nhiên, án đã quyết, chàng cắn răng chịu cái chết oan uổng.

- Ôi, Chân lý! Ngươi lại chết sớm hơn cả ta, thật xót xa và cay đắng. - Đó là câu nói cuối cùng của Palamède trước khi nhận những trận mưa đá tới tấp từ các phía ném vào người.

Thế là quân đội Hy Lạp mất đi một người anh hùng thông minh nhất và cao thượng nhất. Công lao to lớn của chàng đối với quân Hy Lạp bị xóa sạch vì đó là công lao của một tên phản bội, và câu nói cuối cùng của chàng cũng chẳng làm ai phải bình tâm lại mà suy nghĩ. Vì đó là lời nói của một tên phản bội.

Palamède chết nhưng đối với Agamemnon hình phạt đó cũng chưa xứng đáng với tội phản bội tày đình của chàng. Vị Tổng Chỉ huy ra lệnh trừng phạt tiếp: cấm không cho ai được chôn cốt thi hài Palamède. Có như vậy mới đày đọa linh hồn hắn được, để cho linh hồn hắn phải lang thang phiêu bạt vĩnh viễn chẳng được yên nghỉ thư thái. Nhưng tướng Ajax Lớn, con của Télamon, phản kháng lại lệnh đó. Chàng đích thân đứng ra lo việc an táng cho Palamède theo đúng nghi lễ long trọng của người Hy Lạp. Riêng về Ajax đối với Palamède, về lý chàng không có bằng chứng gì để bênh vực, gỡ tội cho Palamède nhưng về tình, về sự hiểu biết của chàng đối với con người Palamède, chàng không hề tin rằng Palamède là người phản bội.

Ôi, Chân lý! Ngươi lại chết sớm hơn cả ta, thật xót xa và cay đắng! Câu nói đó của Palamède được Ajax ghi nhận như một bằng chứng về cái chết oan ức của Palamède. Nó cứ giày vò trái tim người anh hùng con của Télamon, chàng Ajax Lớn tính nóng như lửa, trong nhiều năm.

Lại nói về cái chết của Protésilas, vị dũng tướng Hy Lạp đầu tiên ngã xuống trên mảnh đất Troie. Tin dữ bay về đến Thessalie. Người vợ trẻ đẹp của Protésilas mà chàng mới cưới trước khi lên đường viễn chinh chưa được bao lâu là nàng Laodamie khóc than, đau đớn, vật vã không biết mấy ngày đêm. Nàng cầu xin với các vị thần, từ thần Zeus cai quản bầu trời và mặt đất đến thần Hadès cai quản chốn âm phủ tối tăm hãy rủ lòng thương nàng, gia ân cho chồng nàng được trở lại dương gian gặp nàng một thời hạn, một thời hạn ngắn thôi đủ để hai vợ chồng nhìn nhau từ biệt, nói được đôi ba lời cho khỏi ân hận trong lòng. Các vị thần chuẩn y lời cầu xin. Thật quý hóa và nhân đức. Protésilas từ vương quốc tối tăm của thần Hadès trở về với thế giới loài người tươi sáng, nhởn nhơ. Hai vợ chồng gặp nhau. Mừng mừng tủi tủi. Miệng mỉm cười mà nước mắt lã chã tuôn rơi. Nhưng thời gian vốn lạnh lùng và dửng dưng trước tình người. Đã đến hạn kỳ Protésilas phải trở về lòng đất tối đen. Chàng gỡ vòng tay của vợ đang xiết chặt lấy chàng. Còn vợ chàng, nàng Laodamie trước cảnh biệt ly vĩnh viễn ấy đã không chịu đựng nổi. Nàng rút gươm đâm vào ngực tự sát để được sống vĩnh viễn với người chồng.

Như trên đã kể, trong trận quân Hy Lạp tấn công triệt hạ thành Troie cổng cao ở xứ Mysie, đất Tiểu Á, Achille đã lập được những chiến công to lớn. Quân Hy Lạp thu được nhiều chiến lợi phẩm, bắt được nhiều tù binh. Hội đồng Tướng lĩnh và Đại hội Binh sĩ bình công, khen thưởng đã trao cho thủ lĩnh tối cao Agamemnon một thiếu nữ xinh đẹp tên là nàng Chryséis. Còn Achille cũng được tặng thưởng một thiếu nữ xinh đẹp là nàng Briséis. Biết tin con gái mình bị bắt, lão ông Chrysès vốn là người trông coi việc thờ cúng thần Apollon, một viên tư tế sùng ái của thần, đem nhiều của cải đến tận lều của chủ tướng Agamemnon xin chuộc lại con gái. Nhưng chủ tướng Agamemnon không nhận của chuộc, chủ tướng không muốn trả lại con gái cho cụ già. Chẳng những thế, Agamemnon còn lăng nhục cụ già, đe dọa sẽ trừng trị ông cụ nếu cứ còn khẩn khoản vật nài xin chuộc lại đứa con. Lão ông Chrysès buồn rầu và tức giận, ra về. Do chuyện này mà đến năm thứ mười của cuộc chiến tranh, quân Hy Lạp phải chịu một tai họa trừng phạt.

Mối bất hòa giữa chủ tướng Agamemnon với Achille

Bước sang năm thứ mười của cuộc chiến tranh, quân Hy Lạp vẫn chưa tỏ ra có khả năng gì thay đổi được tình thế. Một mặt, họ vẫn bao vây thành Troie, một mặt vẫn đem quân đi đánh phá cướp bóc những vùng chung quanh vùng đồng bằng Troade. Nhưng bỗng nhiên một hôm tai họa từ đâu đổ ập xuống đầu quân Hy Lạp, một tai họa khủng khiếp mà xưa nay những người Hy Lạp chưa từng biết đến. Nguyên là từ chuyện lão ông Chrysès, viên tư tế sùng ái của thần Apollon bị Agamemnon lăng nhục, bị Agamemnon không cho chuộc lại người con gái yêu dấu, cụ già buồn rầu tức giận ra về. Cụ cầu khấn thần Apollon, vị thần mà cụ thờ phụng thành kính, bênh vực cho cụ. Cụ xin thần Apollon trừng phạt quân Hy Lạp về tội đã xúc phạm đến cụ, một người đáng kính trọng về tuổi tác và nghề nghiệp thiêng liêng.

Nghe những lời cầu khấn của cụ, người tăng lữ sùng ái của mình, thần Apollon bèn khoác cây cung bạc và ống tên vàng lên vai rồi vội vã rời đỉnh Olympe bay nhanh xuống doanh trại quân Hy Lạp, lòng tràn đầy giận dữ. Từ một nơi cách xa doanh trại, thần Apollon rút những mũi tên vàng ra lắp vào cung, bắn xuống. Tiếng dây cung bật lên lanh lảnh, tiếng xé gió của những mũi tên vàng thần thánh bay đi, rít lên nghe thật ghê rợn. Cứ thế hết loạt này đến loạt khác, súc vật và người trúng tên chết la liệt. Một bệnh dịch bùng lên, lan lây khắp doanh trại quân Hy Lạp khiến cho những giàn lửa thiêu xác bốc khói mù mịt, không lúc nào ngớt. Tình hình thật nguy cấp. Nếu không tìm cách giải trừ được tai họa thì quân Hy Lạp chỉ có một con đường là xuống thuyền về nước, bởi vì họ không thể nào cùng một lúc chống đỡ được những trận tiến công của quân Troie và chống đỡ được cả với bệnh dịch. Achille, người anh hùng chạy nhanh như gió, đã suy nghĩ như thế. Chàng cho triệu tập Đại hội Binh sĩ để tìm nguyên nhân và cách giải trừ tai họa. Hôm đó là vào ngày thứ mười kể từ khi bệnh dịch giáng xuống. Chàng mời nhà tiên tri danh tiếng lẫy lừng, lão vương Calchas lên tiếng. Cụ già đầu bạc đứng lên và tiến ra trước hội nghị ba quân, nhưng trước khi tường giải nguyên nhân của tai họa, cụ đòi Achille phải bảo vệ tính mạng cho cụ vì cụ biết những mời cụ nói sẽ đụng chạm đến Agamemnon, và khi một người có quyền hành trong tay mà đem lòng thù ghét, căm giận đối với một kẻ dưới quyền thì sớm muộn hay bằng cách này cách khác, kẻ có quyền cũng tìm cách trả thù. Nói thật mất lòng, xưa nay vốn là như thế. Tất nhiên Achille phải đứng ra trước ba quân thề hứa bảo vệ tính mạng cho cụ. Yên tâm, Calchas nhà tiên tri danh tiếng lẫy lừng, đầu bạc trắng bèn nói sự thật:

- Hỡi các vị anh hùng của quân Hy Lạp! Không phải các vị thần giận dữ chúng ta vì chúng ta đã quên không dâng lễ hiến tế đều đặn. Cũng không phải các vị thần giận dữ chúng ta vì chúng ta vi phạm vào những điều răn dạy thiêng liêng. Tai họa mà chúng ta phải chịu đựng là do vị thần có cây cung bạc, người con trai của Zeus và nữ thần Léto, thần Apollon gây ra. Thần nổi giận vì Agamemnon đã xúc phạm đến lão ông Chrysès, một môn đệ yêu quý của thần. Agamemnon chẳng những không cho cụ già chuộc lại con mà lại còn lăng nhục, đe dọa cụ. Chỉ có mỗi một cách và chúng ta đem trả lại cho cụ già người con gái yêu quý của cụ và dâng cụ một lễ vật hậu hĩ: một trăm súc vật để làm lễ hiến tế tạ tội với thần Apollon thì chúng ta mới được tai qua nạn khỏi.

Nghe Calchas nói xong, Agamemnon sa sầm mặt lại. Lòng đầy tức giận, vị chủ tướng quắc mắt nhìn nhà tiên tri già và đáp lại bằng những lời lẽ quá ư thô bạo. Ông ta cho rằng cụ già tiên tri đầu bạc chỉ toàn dự báo những tai ương chướng họa, chẳng bao giờ báo được một tin tốt lành. Giờ đây lại bói toán những điều gây thiệt hại cho ông ta. Nàng Chryséis là phần thưởng của toàn quân đã chia cho ông. Nếu bây giờ toàn quân nhất trí đòi lại phần thưởng đó thì phải bồi thường cho ông một phần thưởng khác tương xứng để ông khỏi bị thua thiệt, khỏi là người bị tước đoạt mất phần. Nghe Agamemnon nói thật chướng, Achille bèn lấy lời hơn lẽ thiệt khuyên nhủ. Chàng khuyên Agamemnon hãy vui lòng trả lại người thiếu nữ xinh đẹp Chryséis cho cha nàng. Còn chuyện phần thưởng thì bây giờ đã trót phân chia hết rồi mà quân Hy Lạp chẳng có kho tàng, chẳng có dự trữ vì thế sẽ xin đền bù lại cho chủ tướng thích đáng khi mai đây sau những trận đánh quân Hy Lạp giành được thắng lợi với biết bao chiến lợi phẩm.

Nhưng Agamemnon không nghe. Ông cho rằng Achille bày kế lừa dối ông và nhất quyết không chịu thiệt. Vị Tổng Chỉ huy ra lệnh cho quân sĩ đưa nàng Chryséis xuống thuyền cùng với số súc vật để làm lễ hiến tế, chở đến tận nơi cụ già Chrysès đang chăm nom việc thờ phụng thần Apollon ở một ngôi đền, và tuyên bố sẽ tước đoạt phần thưởng của Achille hoặc của Ajax, của Ulysse, để khỏi thiệt. Thế là mối bất hòa giữa chủ tướng Agamemnon và Achille bùng nổ. Achille không thể chịu đựng nổi thói hống hách và tham lam của Agamemnon. Chàng dùng những lời lẽ nóng như lửa mắng nhiếc Agamemnon.

- Hỡi Agamemnon! Ngươi là một kẻ trơ tráo và tham lam trắng trợn nhất trong những người Achéens. Hỏi rằng một chủ tướng như thế thì anh em binh sĩ và các tướng lĩnh tùy tòng làm sao có thể đem hết sức mình ra giao chiến với quân thù, làm sao có thể tuân theo lệnh của ngươi với trái tim khâm phục, tin yêu và tận tụy? Hãy nói như ta, ta đến đây tham chiến chẳng phải vì thù ghét những người Troie. Chính vì nể ngươi, tin yêu ngươi, hơn nữa để báo thù cho Ménélas em trai ngươi, mà ta dẫn thân vào cảnh đầu rơi máu chảy. Thế mà ngươi không biết, không hề suy nghĩ về điều đó. Ngươi lại còn dùng quyền lực dọa sẽ tước đoạt phần thưởng mà quân Hy Lạp đã chia cho ta. Đồ mặt chó, đồ vô liêm sỉ. Thử hỏi, sau mỗi chiến thắng khi chia chiến lợi phẩm có bao giờ phần ta được bằng phần ngươi không? Có bao giờ ngươi chịu nhận phần ít hơn hay chia cũng bằng anh em không? Không bao giờ cả. Thế mà chính ta lại là người vào sinh ra tử, xông pha trận mạc, kề vai sát cánh với anh em binh sĩ trước mũi bao ngọn giáo của quân thù! Ngươi đã thế thì ta tuyên bố: ta sẽ không chiến đấu nữa. Ta trở về quê hương ta, xứ Phthie màu mỡ, hưởng một cuộc sống thanh bình bên đàn cừu béo mập với đồng cỏ xanh là hơn cả. Ta không thèm ở lại đây chiến đấu chỉ nhằm mục đích làm giàu cho nhà ngươi.

Đáp lại, Agamemnon, vị Tổng Chỉ huy của biết bao tướng lĩnh và binh sĩ, cũng dùng những lời lẽ gay gắt. Ông mắng Achille là đồ kiêu căng và hay gây sự. Ông nói thẳng thừng ra rằng ông chẳng cần quan tâm đến Achille mà cũng chẳng e ngại làm Achille giận dữ. Dứt khoát ông sẽ bắt nàng Briséis của Achille để cho ông khỏi thiệt. Ông sẽ hành động như thế để cho Achille biết rằng ông là kẻ có quyền lực, ông còn mạnh hơn Achille rất nhiều, và hơn nữa để cho mọi người lấy đó làm gương, phải biết tuân lệnh ông, kính trọng ông, chứ không thể, không có phép coi ông như là người bằng vai phải lứa với họ. Nghe những lời hống hách của Agamemnon, Achille thấy sôi máu, điên đầu. Chàng đưa tay vào chuôi gươm toan xông đến Agamemnon để lấy máu rửa hờn. May thay vừa lúc ấy, nữ thần Athéna từ đỉnh Olympe kịp thời bay xuống can ngăn Achille. Nữ thần bằng pháp thuật của mình, chỉ để cho Achille nhìn thấy mình. Ngoài ra không một ai thấy được. Nữ thần tiến đến bên Achille, ra lệnh cho chàng chấm dứt cuộc đấu khẩu và nghiêm cấm Achille không được rút gươm. Achille buộc phải nén giữ mối giận hờn lại trong tim và tuân theo lệnh của nữ thần. Tuy nhiên không phải cuộc xung đột chấm dứt ngay tức khắc. Hai vị anh hùng Hy Lạp còn dùng những lời lẽ thô bạo mắng nhiếc nhau một hồi lâu. Lão vương Nestor, người cầm đầu vương quốc Pylos, nổi danh vì trí sáng suốt và óc mực thước, đứng lên khuyên can hai người. Lão vương nhắc nhở hai người đến cương vị và trách nhiệm của họ trước ba quân, hơn nữa đến cuộc chiến đấu đang diễn ra ngày càng quyết liệt với quân Troie. Agamemnon không nên tước đoạt phần thưởng của Achille dù có quyền thế lớn lao đến đâu chăng nữa. Còn Achille hãy dẹp nỗi bất bình, hãy nguôi cơn thịnh nộ.

Nhưng cả hai, Agamemnon, vị Tổng Chỉ huy của liên quân Hy Lạp, và Achille, bức tường thành kiên cố của liên quân Hy Lạp, đều không còn tỉnh táo để lắng nghe những lời khuyên nhủ chân thành và quý giá ấy. Achille vứt cây vương trượng xuống đất, biểu hiện thái độ bất hợp tác và mong rằng điều mong muốn này như một lời thề nguyền thiêng liêng phải được thực hiện: sẽ có một ngày quân Hy Lạp phải hối hận vì đã xúc phạm đến một vị tướng dũng cảm nhất, có sức mạnh siêu việt nhất trong những người Hy Lạp.

Thế là mối bất hòa giữa hai vị tướng đã dẫn đến sự chia rẽ. Agamemnon tham lam không chịu nhường nhịn, lạm dụng quyền hành tước đoạt nữ tỳ Briséis của Achille. Còn Achille bất bình vì bị ức hiếp đã tách mình ra khỏi khối liên minh chiến đấu của quân Hy Lạp. Chàng muốn cho quân Hy Lạp vì sự không tham gia chiến đấu của chàng, sẽ bị dũng tướng Hector bên quân Troie, đánh cho thiệt hại nặng nề, và đó là một bài học, một cái giá phải trả cho việc đã xúc phạm đến chàng. Hơn thế nữa, chàng lại còn ra biển cầu khấn mẹ mình là nữ thần Thétis để nữ thần lên thiên đình cầu xin với thần Zeus giúp cho quân Troie giành được thắng lợi, và đó là đòn trừng phạt những người Hy Lạp vì tội đã làm nhục người con trai của Pélée vốn thuộc dòng dõi của đấng phụ vương Zeus.

Achille ngồi ở bờ biển lòng đầy uất ức, nước mắt trào ra giơ tay lên trời cao cầu khấn người mẹ muôn vàn kính yêu của mình. Từ dưới biển sâu, nữ thần Biển-Thétis nghe thấy hết những lời cầu khấn ấy. Nàng liền rời biển sâu, đội nước đi lên mặt đất, đến ngồi bên Achille, an ủi con, lắng nghe con giãi bày tâm sự, nguyện vọng. Nữ thần vô cùng thương xót cho số phận đứa con trai yêu quý của mình, đứa con đã được Số mệnh tiền định một cuộc đời ngắn ngủi nếu nó tham dự cuộc Chiến tranh Troie, đã thế lại bị ức hiếp đến nỗi buồn phiền, cay cực. Nữ thần hứa với con sẽ lên đỉnh Olympe gặp thần Zeus để cầu xin. Nhưng ngay bây giờ thì chưa được vì đấng phụ vương cùng các vị thần đi sang xứ Éthiopie dự tiệc, phải mười hai hôm nữa mới trở về, và sau đó nữ thần từ giã đứa con yêu quý của mình.

Mười hai hôm sau, nữ thần lên đỉnh Olympe. Thần Zeus nghe nữ thần thuật lại đầu đuôi câu chuyện và lời cầu xin của Achille cũng như của nữ thần. Chà, thật là một công việc khó khăn và phiền toái đối với Zeus. Bởi vì nữ thần Héra vợ Zeus vốn nuôi giữ mối thâm thù với người Troie. Nhưng may thay, lúc nữ thần Thétis đang vật nài, năn nỉ thỉnh cầu đấng phụ vương thì nữ thần Héra không có mặt tại cung điện. Thần Zeus, cả nể không thể từ chối được lời cầu xin của nữ thần Thétis, thần liền gật đầu và ưng chuẩn ra lệnh ngay cho nữ thần Thétis phải cấp tốc rời khỏi đỉnh Olympe kẻo nữ thần Héra bắt gặp thì rầy rà. Ấy thế mà một lát sau khi nữ thần Héra gặp Zeus, nàng lại tra hỏi, căn vặn, xem vừa rồi Zeus đã tiếp vị nữ thần nào và nói những chuyện gì. Bị hành hạ bằng những lời mè nheo, đay nghiến, rỉa rói, Zeus nổi giận, quát mắng bắt vợ phải im ngay, nếu không Zeus sẽ vung tay giáng cho một cái tát. Zeus đe dọa, nếu để Zeus nổi nóng thì không một vị thần nào của đỉnh Olympe can ngăn được. Thấy Zeus nổi cơn thịnh nộ và đe dọa như vậy, nữ thần Héra vô cùng khiếp sợ. Nàng đành ngồi xuống ghế vàng, im thin thít không dám nói một lời nào.

Không thể chấm dứt chiến tranh bằng định ước đấu tay đôi

Thực hiện lời hứa với nữ thần Thétis, thần Zeus sai thần Giấc mộng giáng xuống một giấc mộng dối lừa vào lúc Agamemnon đang ngủ say. Agamemnon thấy một người đến nói với mình những lời lẽ chân tình sau đây:

- Này hỡi, người con của Atrée dũng cảm! Làm sao mà một vị thủ lĩnh tối cao được ba quân tín nhiệm, một vị thủ lĩnh lúc nào cũng bận tâm lo lắng đến sứ mạng của cuộc chiến tranh thần thánh này, lại có thể ngủ yên, ngủ say được đến thế. Thần Zeus luôn luôn quan tâm lo lắng đến thắng lợi của quân Hy Lạp đã sai ta đến đây để truyền báo cho ngươi biết một thời cơ thuận lợi. Các vị thần trên đỉnh Olympe hiện nay không còn chia ra hai phe như trước nữa. Cả thần Apollon, nữ thần Aphrodite cho đến thần Chiến tranh-Arès đều đã quy thuận nữ thần Héra. Tai họa đang treo lơ lửng trên đầu quân Troie. Vậy nhà ngươi hãy mau mau chỉnh đốn cơ ngũ, điểm tướng duyệt binh, chớp cơ hội tất mà tiến quân hạ thành. Vì việc thiên đình cơ mật, ngươi khá nhớ kỹ trong lòng, chớ để lộ thiên cơ mà mang họa.

Tỉnh dậy, Agamemnon rất đỗi vui mừng. Ông triệu tập Hội đồng Tướng lĩnh thuật lại giấc mộng đêm qua và mời lão vương Nestor giải đoán mộng triệu. Không còn nghi ngờ gì nữa, lão tướng khuyên Agamemnon hãy theo lời thần dặn. Agamemnon bèn ra lệnh triệu tập Đại hội Toàn quân. Trước toàn thể ba quân, gươm giáo sáng ngời, Agamemnon bỗng nảy ra ý định thử lòng binh sĩ. Nhẽ ra ông cổ vũ mọi người sẵn sàng quyết chiến trong những trận đánh mới mà ông vừa được thần Zeus báo mộng cho biết thời cơ thuận lợi đã đến thì ông lại lên tiếng than thở trước binh sĩ về nỗi chiến tranh đã kéo dài, quá hao người tốn của mà vẫn không thấy hy vọng giành được thắng lợi: “Thành Troie vẫn bền vững hùng cường trấn giữ một góc trời Đông. Như vậy thần Zeus đã lừa dối chúng ta, không thực hiện lời hứa với chúng ta. Chín năm đã trôi qua, trong khi đó vợ con chúng ta ở nhà mỏi mắt trông chờ, ruộng vườn của chúng ta bỏ hoang không người cày cấy”, và Agamemnon kêu gọi:

- Vậy hỡi anh em binh sĩ! Chúng ta hãy kéo thuyền xuống biển, nhổ trại, lên đường trở về quê hương. Về đi thôi, thành Troie không thể nào hạ được. Số mệnh chẳng ban cho chúng ta vòng nguyệt quế. Chúng ta chẳng thể hạ được thành Troie.

Agamemnon nói thử lòng binh sĩ như thế những tưởng binh sĩ sẽ phản kháng lại ý định của mình, những tưởng sẽ kích thích được tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Nhưng không, vừa nghe Agamemnon nói xong, tất cả đoàn quân hò reo vang trời mừng rỡ, rùng rùng chuyển động lao ra bờ biển giống như một cánh đồng lúa chín rộ nổi sóng khi được một cơn gió Tây thổi. May thay nữ thần Athéna vâng lệnh người vợ uy nghi có cánh tay trắng muốt của thần Zeus xuống ngay doanh trại quân Hy Lạp nơi Hội nghị toàn quân, ra lệnh cho Ulysse phải ngăn chặn ngay cảnh hỗn độn ấy. Ulysse lập tức chạy ra bờ biển cản mọi người lại. Chàng kêu gọi anh em binh sĩ trở về quảng trường ngồi họp trật tự để nghe ý kiến của mọi người. Phải vất vả lắm chàng mới lập lại được trật tự. Nhưng Thersitès, một tên lính xấu xí nhất trong những người lính Hy Lạp tham dự cuộc viễn chinh vẫn gây rối. Đầu thì nhọn hoắt, mắt lác, chân thọt, ngực lép, vai so, người xấu làm sao thì tính nết xấu làm vậy. Thersitès là một kẻ chứa đầy trong tim những ý nghĩ bậy bạ lại có thói quen cãi bướng với các tướng lĩnh uy nghiêm. Hắn cứ xúi giục mọi người bỏ họp. Hắn đứng lên công kích chủ tướng Agamemnon, chỉ trích Ulysse. Hắn kêu gọi mọi người phản chiến bãi binh, kéo thuyền xuống biển để trở về quê hương với gia đình, vợ con. Ulysse tức giận tiến đến bên hắn dùng cây vương trượng giáng cho hắn một đòn, bắt hắn phải ngồi xuống và im lặng. Toàn thể binh sĩ đồng thanh hô vang tán thưởng hành động trừng trị của Ulysse và cười rộ lên khoái chí khi thấy Thersitès bị đánh, phải câm miệng và thui lủi ngồi xuống.

Ulysse kêu gọi mọi người hãy kiên trì cuộc vây đánh thành Troie. Chàng nhắc lại điềm báo của thần thánh khi quân Hy Lạp tập trung ở cảng Aulis, và bây giờ là năm thứ mười có nghĩa là cuộc Chiến tranh Troie sắp kết thúc thắng lợi. Lão vương Nestor tiếp tục đứng lên kêu gọi binh sĩ Hy Lạp hãy giữ vững lời thề hứa của mình, chiến đấu cho đến khi hạ được thành Troie. Cụ khuyên Agamemnon hãy mau mau tổ chức lại đội ngũ, phân loại tướng sĩ để chuẩn bị bước vào cuộc giao tranh. Đại hội Binh sĩ kết thúc bằng những lời kêu gọi của Agamemnon. Quân Hy Lạp reo vang, tản về doanh trại, giết súc vật làm lễ hiến tế và mở tiệc động viên toàn quân trước khi khai chiến.

Quân Hy Lạp và quân Troie tiếp tục cuộc giao tranh sau một thời gian tạm nghỉ. Hai bên điểm binh dàn trận. Binh hùng tướng giỏi, khiên giáp sáng ngời, chiến xa náo nức xung trận, ngựa hý vang trời. Hai đoàn quân rầm rập xông lên phía trước. Nếu đứng trên một ngọn núi cao quan sát cảnh xung trận của hai đoàn quân, ta chỉ thấy hai cơn lốc bụi khổng lồ đang cuộn xoáy ầm ầm mãnh liệt, đang từng giây từng phút sáp lại gần nhau.

Paris đi đầu hàng quân Troie khí thế hùng dũng, oai nghiêm tựa một vị thần. Chàng khoác trên người một tấm da báo, lưng đeo cung, và bên sườn một thanh kiếm. Trên tay chàng hai ngọn lao đồng sắc nhọn nhăm nhăm bay vút vào địch thủ nào dám đối mặt đương đầu. Ai là người trong hàng ngũ quân Hy Lạp dám chấp nhận sự thử thách này. Lập tức Ménélas tiến lên khỏi hàng quân. Chàng từ trên chiến xa tung mình nhảy xuống và bước đi những bước dài hùng dũng nhưng bình tĩnh, thoải mái. Thấy khí thế của chàng, người ta chỉ có thể nói đó là một con sư tử. Khi Paris trông thấy Ménélas tách ra khỏi hàng quân với khí thế như vậy thì trong lòng bủn rủn, sợ hãi. Chàng không đủ can đảm để chấp nhận cuộc giao tranh. Chàng quay đầu bỏ chạy. Hector thấy vậy nổi giận, mắng đứa em hèn nhát của mình thậm tệ. Paris đáp lại:

- Hỡi Hector kính mến! Em không trách cứ gì về việc anh nổi nóng với em. Những lời anh nói là rất phải. Trái tim anh bao giờ cũng rắn rỏi, dứt khoát khiến cho người ta tưởng như được thấy ngay trước mắt một cây rìu mạnh trong tay một người thợ giỏi đang bổ xuống cây gỗ, đẽo gọt cho thành một con thuyền. Tuy nhiên anh chưa hiểu ý em. Em muốn giao đấu, nhưng giao đấu chỉ với Ménélas thôi. Anh hãy ra lệnh cho quân sĩ hai bên ngồi xuống thành hai tuyến. Vũ khí đồng và bạc vàng châu báu đặt xuống trước mặt. Em và Ménélas sẽ giao đấu. Ai thắng người đó sẽ giành được nàng Hélène và của cải, và hai bên sẽ cam kết từ nay trở đi sống với nhau trong tình bằng hữu. Chúng ta, những người Troie sẽ an cư lạc nghiệp trên vùng đồng bằng phì nhiêu của mình. Còn họ những người Achéens và những người Argos sẽ xuống thuyền trở về với mảnh đất mẹ hiền đã nuôi dưỡng họ.

Nghe Paris nói như vậy, Hector rất đỗi vui mừng. Chàng bèn tiến lên trước hàng quân ra lệnh cho quân Troie ngồi xuống. Nhưng quân Hy Lạp lúc này vẫn đang ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Những cánh cung giương lên nhằm vào Hector, những ngọn lao nhăm nhăm phóng vào Hector, những dũng sĩ chỉ chờ lệnh là ném những trận mưa đá vào Hector. Thấy vậy, chủ tướng Agamemnon bèn hét lên, tiếng sang sảng như đồng:

- Hỡi anh em binh sĩ! Hãy dừng lại! Dừng lại! Không được khai chiến khi chưa có lệnh của ta! Hector có điều gì muốn nói với chúng ta đấy.

Quả vậy, khi quân Hy Lạp tuân theo lời của chủ tướng mình thì Hector tiến lên đứng giữa hai đạo quân cất tiếng. Chàng nói to dõng dạc cho quân sĩ hai bên biết ý định của Paris. Mọi người lắng nghe chăm chú đến nỗi không có một tiếng động, một tiếng xì xào. Nghe Hector nói xong, Ménélas tán thành ngay ý định dùng cuộc đấu tay đôi để chấm dứt chiến tranh. Như vậy vừa chóng vánh vừa đỡ hao binh tổn tướng cho cả đôi bên. Tuy nhiên Ménélas tỏ ra không tin lắm vào những lời Hector vừa nói. Chưa hẳn những người Troie đã có thiện chí muốn chấm dứt chiến tranh như vậy. Phải đòi lão vương Priam với đây làm lễ thề nguyền cam kết, bởi vì chỉ có thể tin vào cụ được thôi. Chỉ có cụ mới đáng tin, chứ những người con trai của cụ thì vốn là không trung thực và kiêu ngạo. Ménélas vừa dứt lời thì quân sĩ hai bên lòng tràn ngập niềm vui, xôn xao chẳng khác gì những hoa lá cỏ cây được gió xuân thổi tới. Mọi người hạ vũ khí xuống đất chuẩn bị cho lễ thề nguyền. Hector cử ngay hai viên truyền lệnh tâm phúc phi ngựa về thành. Một viên mời Priam ra trận tiền để làm lễ thề nguyền cam kết. Một viên lấy các lễ vật ra để làm lễ hiến tế. Agamemnon cũng vậy, không chậm trễ, chàng phái ngay một vị tướng tâm phúc về doanh trại nơi ác chiến thuyền nằm nghỉ trên bãi cát trắng dài, để truyền lệnh đem lễ vật ra trận tiền làm lễ hiến tế.

Sau khi lễ thề nguyền được cử hành rất trọng thể và trang nghiêm, hai bên bèn chuẩn bị cho cuộc đấu tay đôi. Hector đại diện cho quân Troie và Ulysse đại diện cho quân Hy Lạp thân hành đi đo đạc đấu trường. Tiếp đó là lễ rút thăm xem ai được phóng ngọn lao đồng trước. Thật vô cùng hồi hộp. Quân sĩ hai bên đều giơ tay lên trời cầu khấn các vị thần phù hộ. Dũng tướng Hector đội mũ trụ lấp lánh cầm một chiếc mũ đồng trong đựng hai miếng đồng tượng trưng cho hai số phận của hai đối thủ, giơ cao lên cho mọi người trông thấy. Rồi chàng quay mặt đi phía khác, lắc mạnh cái mũ. “Số phận” Paris nhảy bật ra ngoài. Thế là Paris được quyền đánh trước.

Paris tiến ra đấu trường. Ménélas cũng chẳng chậm trễ. Paris nai nịt gọn gàng, oai phong lẫm liệt thế nào thì Ménélas cũng chẳng hề thua kém. Nhìn hai vị dũng tướng đứng giữa hai hàng quân chờ lệnh giao đấu thật là khủng khiếp. Họ nhìn nhau hằm hằm, nảy lửa. Răng nghiến chặt. Mặt đanh lại lạnh lùng. Có lệnh truyền cho hai người tiến đến chỗ quy định. Cuộc giao đấu bắt đầu.

Paris phóng lao. Ngọn lao đồng nhằm thẳng người Ménélas bay tới. Nhưng Ménélas kịp thời đưa khiên ra đỡ. Ngọn lao không xuyên thủng được chiếc khiên dày rắn chắc, mũi lao chùn lại và rơi xuống đất.

Đến lượt Ménélas. Chàng ngả người ráng sức phóng ngọn lao sắc nhọn của mình. Ngọn lao to chắc, bay thẳng đến Paris xuyên qua chiếc khiên và đâm thủng chiến áo giáp. Nhưng chính lúc đó, Paris cúi gập người xuống nên ngọn lao không thể xuyên sâu hơn được nữa, do đó Paris thoát chết. Trong khi Paris chưa kịp hoàn hồn thì Ménélas rút luôn kiếm bên sườn lao tới. Chàng bổ kiếm xuống đầu Paris. Nhưng lưỡi kiếm chạm phải chiếc mũ đồng rắn chắc bật nảy lên khỏi tay Ménélas và gãy vụn làm thành ba bốn mảnh. Ménélas liền nhảy một bước đến sát Paris nắm lấy chiếc ngù đuôi ngựa ở trên chiếc mũ đồng xoắn xoắn mấy vòng rồi ra sức kéo thật mạnh với hy vọng lôi Paris về phía quân Hy Lạp. Paris bị kéo, chiếc quai mũ dưới cằm căng ra thít vào cổ làm chàng ngạt thở. Tình hình thật nguy khốn. May thay nữ thần Aphrodite kịp thời đến ứng cứu. Nàng bèn làm cho chiếc quai mũ bền đẹp bằng da bò đứt phựt một cái. Ménélas mất đà suýt ngã. Chàng quăng chiếc mũ lại cho quân lính của mình ngồi ở phía sau và nhặt ngọn lao đồng ở dưới đất xông vào địch thủ. Nhưng nữ thần Aphrodite đã đưa địch thủ của chàng đi. Nàng hóa phép làm ra một đám sương mù dày đặc che phủ chiến trường và đưa Paris trở về thành Troie trong đám sương mù ấy.

Vào lúc đó, trên đỉnh Olympe, thần Zeus triệu tập các vị nam thần, nữ thần tới họp trong cung điện vàng. Thần Zeus nêu ra chủ kiến của mình là muốn chiến tranh kết thúc bằng cách bắt Paris trả lại nàng Hélène cho Ménélas, và thần rất hài lòng về cách giải quyết cuộc chiến tranh bằng biện pháp cho đấu tay đôi. Nhưng nữ thần Héra và Athéna một mực chống lại. Nữ thần Héra muốn cho thành Troie phải sụp đổ, và quân Hy Lạp phải giành được một chiến thắng trọn vẹn, lẫy lừng. Nàng đòi người chồng đầy quyền uy của mình phải giao cho nữ thần Athéna khơi lại cuộc chiến tranh, phá vỡ định ước giải quyết cuộc tranh chấp bằng cách đấu tay đôi. Nữ thần Athéna sẽ xúi giục quân Troie vi phạm những lời cam kết thề nguyền để những người Hy Lạp nổi giận tung quân vào giao chiến. Thần Zeus đành phải nhượng bộ người vợ xinh đẹp có đôi mắt bò cái của mình và nữ thần Athéna mắt cú mèo.

Được Zeus gật đầu ưng thuận, lòng dạ nữ thần Athéna sôi sục hẳn lên. Nàng bay xuống hàng ngũ quân Troie, giả dạng làm một người trần thế, chàng Laodoque, một chiến sĩ danh tiếng, con của lão vương Anténor. Dưới hình dạng Laodoque, nữ thần tìm đến gặp dũng sĩ Pandaros một con người có sức mạnh như thần và bằng những lời lẽ dịu dàng và ngon ngọt, nữ thần xúi giục Pandaros bắn một mũi tên vào Ménélas. Bị những lời phỉnh nịnh về vinh quang và phần thưởng, Pandaros người dũng sĩ nổi danh vì tài bắn cung (xưa kia chàng được thần Apollon truyền dạy cho nghệ thuật khó khăn này) đã bắn một phát tên trúng bụng Ménélas. Thế là định ước đấu tay đôi để phân thắng bại trong cuộc chiến tranh kéo dài tới năm thứ mười bị phá vỡ.

Tổng Chỉ huy Agamemnon thấy Ménélas bị thương, máu chảy đỏ lòm bèn hô hoán mọi người đến cứu chữa. Ông cho mời vị danh y Machaon con trai của vị thần Asclépios tới xem xét vết thương cho Ménélas. Tình hình xảy ra như thế thật là tồi tệ. Người Troie đã không tôn trọng những điều họ thề nguyền cam kết. Như vậy chỉ có nghĩa là họ muốn tiếp tục cuộc giao tranh. Agamemnon đi đến doanh trại từng đạo quân, gặp các tướng sĩ để bàn bạc kế sách đối phó với quân Troie. Các vị tướng ai nấy đều nhất quyết phải mau chóng duyệt lại binh mã rồi ra lệnh xuất quân, hỏi tội bọn người Troie ăn gian nói dối, lừa lọc phản bội, và thế là chiến tranh lại tiếp diễn với quy mô to lớn như cũ.

Quân Hy Lạp tấn công. Chiến công của tướng Diomède

Quân Hy Lạp và quân Troie tung vào cuộc chiến đấu tất cả lực lượng của mình. Các đoàn quân Hy Lạp tiến bước từng từng lớp lớp, nom như những đợt sóng ngoài biển khơi dồn dập đuổi nhau xô vào bờ. Các vị tướng đi đầu, binh sĩ tiến bước theo sau nghiêm trang lặng lẽ. Không một tiếng nói chuyện xì xào, không một tiếng cười đùa khúc khích. Chỉ có bước chân rầm rập làm cát bụi bốc lên mù mịt trắng xóa. Vũ khí đồng ánh lên sáng loáng, ngời ngợi.

Các đạo quân Troie xuất trận thì trái hẳn lại. Quân Troie đông như kiến, đội ngũ chẳng vuông vắn gọn gàng. Binh sĩ thì la hét om xòm chẳng khác gì đàn cừu cái tức sữa đang chờ người vắt, bỗng nghe thấy tiếng cừu con bèn be be kêu rống mãi lên. Các vị thần trên thiên đình cũng chia nhau cổ vũ, vị thì bên này, vị thì bên kia, và hơn nữa còn cuồng nhiệt tham chiến. Nữ thần Thù hằn là em gái của thần Chiến tranh-Arès sát nhân, chạy khắp muôn quân gây căm hờn và làm cho tiếng hò hét của binh sĩ trên chiến trường càng nổi lên vang dậy. Cùng tung hoành trong đám quân sĩ với quân Thù hằn còn có thần Khiếp sợ và thần Chạy trốn.

Quân hai bên đã tiến sát đến nhau. Thế là người xông lên phóng lao đấu kiếm, đâm chém, vật lộn. Tiếng người hò hét hòa trộn với tiếng binh khí giao đấu làm thành một không khí náo động sục sôi. Cảnh tượng thật kinh hoàng dữ dội.

Trong số những dũng tướng Hy Lạp tham chiến trận này nổi bật lên người anh hùng Diomède. Chàng là vua xứ Argos, con trai của Tydée. Trong cuộc viễn chinh Troie, chàng cùng với Sthénélos và Euryale chỉ huy tám mươi chiến thuyền đen thon nhẹ gia nhập vào liên minh các bộ lạc Hy Lạp. Đây là lực lượng của hai đô thành Argos và Tirynthe họp lại dưới sự chỉ huy của Diomède, người dũng tướng tài năng xuất chúng có tiếng thét kinh thiên động địa.

Nữ thần Athéna đi tới chỗ Diomède. Nàng thổi bùng lên trong tâm can chàng sự táo tợn và cuồng nhiệt. Nàng muốn chàng nổi bật lên hơn hẳn mọi người Argos và giành được những chiến công rực rỡ. Trên chiếc mũ đồng và khiên đồng của Diomède, nữ thần hóa phép làm cho lúc nào cũng bùng cháy một ngọn lửa hồng. Lửa cháy sáng trên đầu, trên vai nên khi Diomède chạy nom như một ngôi sao chổi rạch trời bay, và nữ thần Athéna đã tung ngôi sao Diomède vào giữa cuộc chiến đấu sôi động, người người lớp lớp.

Diomède tung hoành ngang dọc trong cuộc hỗn chiến bạo tàn, tả xung hữu đột linh hoạt đến nỗi không ai có thể biết chàng đang giao đấu ở trận tuyến nào. Chàng xung trận như một con sông được mùa mưa lũ. Mưa dâng nước lên tràn bờ, nước ào ào đổ xuống cánh đồng cuốn phăng mọi nhà cửa cây cối. Đê cao cũng không cản nổi dòng nước hung dữ. Cũng vậy, những đạo quân Troie dày đặc cũng không cản nổi Diomède. Chàng như dòng nước mạnh thúc vào chân đê làm sụt đê lở dần dần và cuối cùng bị vỡ tung ra. Những đạo quân Troie trước sức tấn công của Diomède cũng vỡ tung ra như vậy. Pandaros, con trai danh tiếng của Lycaon thấy tình hình quân Troie như vậy, trong lòng sục sôi căm tức. Chàng quyết trừng trị Diomède để cản bước tiến của quân Hy Lạp. Với cây cung kỳ diệu, Pandaros nhằm Diomède bắn. Mũi tên xé gió xuyên qua lần áo giáp đâm vào bả vai Diomède làm máu chảy ứa ra. Diomède bị thương. Chàng lui bước và dừng lại trước chiến xa của mình và gọi người bạn là Sthénélos xuống xe rút hộ mũi tên ra khỏi vai. Sau đó chàng lại xông lên tìm kẻ thù quyết bắt hắn phải đền tội. Lúc này bên quân Troie có hai dũng tướng là Énée và Pandaros đang khát khao đọ sức với Diomède. Thấy khí thế họ hùng hổ như vậy, Sthénélos khuyên Diomède hãy tạm lui. Nhưng Diomède nổi giận, sa sầm mặt lại, quát lớn:

- Cấm không được nói đến rút lui! Đừng có nói đến rút lui mà hòng ta để cho yên! Dù địch thủ có gớm ghê đến đâu chăng nữa, ta cũng không sờn lòng. Chí khí ta vững như bàn thạch. Nhiệt tình ta vẫn sôi sục như núi lửa đang phun. Ta sẽ không lên chiến xa để nghênh chiến với họ. Không! Không! Ta sẽ cứ hiên ngang thẳng tiến đến họ. Nữ thần Athéna không cho phép ta được sợ hãi.

Chiến xa của Énée phăng phăng lao tới. Pandaros ưỡn người về phía sau giương ngọn lao. Chàng lấy hết sức bình sinh phóng mạnh. Ngọn lao xuyên thủng chiếc khiên của Diomède nhưng chỉ tới lần áo giáp là dừng lại. Pandaros tưởng Diomède bị thương reo ầm lên. Nhưng niềm vui của hắn quá sớm. Diomède phóng lao. Nữ thần Athéna lái cho ngọn lao hướng vào mũi Pandaros, ngay cạnh mắt. Ngọn lao đâm thẳng vào mũi thúc xuống hàm răng, cắt đứt lưỡi và phá ra ở ngang mé cằm. Pandaros ngã ngửa người từ trên chiến xa xuống. Vũ khí rơi theo kêu loảng xoảng. Đôi ngựa chồm lên hí vang và lui lại mấy bước. Énée từ chiến xa nhanh như cắt nhảy xuống cản Diomède, bảo vệ thi hài Pandaros, vừa đánh vừa lùi. Diomède thấy Énée lui về, chàng bèn bê một tảng đá to lớn nặng có dễ đến hai ba người không khiêng nổi. Chàng nâng bổng lăn trên đầu và ném mạnh vào người Énée. Tảng đá xô Énée ngã quỵ, mắt chàng hoa lên, da thịt bị rách và cắt đứt mất hai sợi gân ở chân. May thay nữ thần Aphrodite, người mẹ kính yêu của chàng, kịp thời đến đỡ con mình vào đôi cánh tay và đưa đi. Biết nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp chẳng có tài năng chiến trận như các vị thần khác, Diomède cầm lao đuổi theo. Chàng phóng lao, và ngọn lao xé rách áo nữ thần đâm vào cánh tay trắng muốt của nữ thần làm máu đỏ trào ra. Aphrodite hét lên đau đớn, buông rơi đứa con. Thần Apollon vội đến đỡ lấy Énée, tung ra một đám mây mù dày đặc, che giấu cho chàng. Nữ thần Cầu vồng-Iris đến dìu Aphrodite, đưa nàng thoát ra khỏi chiến trận, đến bên chiến xa của thần Arès. Thần Arès vội cho Aphrodite mượn cỗ xe để bay về thế giới Olympe chữa chạy vết thương.

Diomède biết thần Apollon đã cứu Énée, nhưng vì lòng khao khát lập chiến công để được vinh quang và danh tiếng đã xúi đẩy chàng đến chỗ khinh thị thần linh. Ba lần Diomède lao vào thần Apollon là ba lần chàng bị thần đẩy mạnh vào chiếc khiên khiến chàng bị bật ra. Lần thứ tư Diomède lại xông vào. Thần Apollon nổi giận cất tiếng quát lớn:

- Này hỡi Diomède! Coi chừng đấy! Cút mau và hãy từ bỏ ý định ngông cuồng muốn đọ sức với thần thánh!

Diomède sợ hãi đành phải rút lui.

Thần Apollon sau khi đưa Énée ra khỏi cuộc hỗn chiến tàn bạo bèn đến bên thần Chiến tranh-Arès nói những lời lẽ kích động như sau:

- Hỡi thần Chiến tranh-Arès, tai họa của loài người! Kẻ uống máu người thay nước lã. Kẻ đánh phá thành trì! Ngươi có muốn loại khỏi cuộc chiến đấu tên dũng sĩ kia không? Người con của Tydée đấy! Tên đó hôm nay ghê gớm lắm. Hắn đã đánh nữ thần Aphrodite bị thương vào tay rồi lao vào ta, coi ta như là một vị thần bằng vai phải lứa với hắn. Tình hình này không khéo hắn dám đánh cả thần Zeus đấng phụ vương của chúng ta nữa.

Arès nghe nói liền sôi máu. Thần sà xuống đám quân Troie, hóa mình thành dũng tướng Acamas, thủ lĩnh quân Thrace, đi khắp chỗ này chỗ khác, khích lệ quân Troie quyết tâm chiến đấu trả thù cho Énée. Quân Troie được thần Arès chi viện liền tổ chức phản công. Các tướng Hector, Sarpédon lao vào cuộc chiến đấu với khí thế ào ạt như thác đổ mưa nguồn. Quân Hy Lạp chống đỡ yếu dần và rồi bỏ chạy, dồn lại thành từng cụm. Thần Chiến tranh-Arès, kẻ uống máu người thay nước lã, chạy khắp chiến trường cổ vũ quân Troie. Thần Apollon đưa Énée trở lại chiến trường. Các vị tướng Hy Lạp ra sức tổ chức lại đội ngũ để cản bước tiến của quân Troie, nhưng không đạt kết quả.

Ở trên đỉnh Olympe, nữ thần Héra thấy quân Hy Lạp bị thua, quân sĩ bị giết thây phơi ngổn ngang trên chiến trường, một số còn sống thì tan tác, tháo chạy bèn ra lệnh cho nữ thần Athéna tham chiến, cứu nguy cho quân Hy Lạp. Sau khi đã trút bỏ tấm áo thần mềm mại, bận nhung y võ phục vào người, hai nữ thần bèn xuất chinh trên một cỗ xe thần. Nữ thần Héra quất roi vào những con thần mã. Thế là chúng tung vó phóng đi trong một niềm hứng khởi tràn trề. Chúng bay trong khoảng không gian bao la ngăn cách giữa bầu trời đầy sao với mặt đất, và chẳng mấy chốc chúng đã hạ vó xuống vùng đồng bằng Troade. Thế là hai nữ thần Athéna và Héra lao vào cuộc chiến đấu, đi khích lệ cổ vũ quân Hy Lạp nhanh nhẹn nhẹ nhàng như đàn chim câu vỗ cánh.

Lúc này thần Chiến tranh-Arès đang tung hoành trên chiến trường. Diomède vẫn không dám nghênh chiến với thần. Nữ thần Athéna đến cổ vũ:

- Hỡi Diomède, con trai của Tydée! Ngươi đừng sợ gì cả, không sợ Arès cũng như không sợ bất cứ một vị thần nào. Ngươi nhớ rằng có ta đây, ta ở bên ngươi, ta sẽ giúp ngươi. Cứ phóng chiến xa đến chỗ Arès và đánh thật mạnh. Đánh thật mạnh vào.

Nói xong, Athéna kéo Sthénélos xuống xe rồi nhảy phắt lên ngồi cạnh Diomède. Athéna cầm roi và giật cương cho ngựa chạy thẳng đến chỗ thần Arès. Thấy Diomède lao đến, thần Arès vừa hạ xong một đối thủ chưa kịp tước vũ khí và áo giáp đồng, bèn bỏ đấy, chĩa ngọn lao nhọn ra sẵn sàng giao đấu. Thần không trông thấy nữ thần Athéna trên xe vì Athéna đã đội lên đầu chiếc mũ của thần Diêm vương-Hadès, chiếc mũ có phép lạ, hễ ai đội nó là hình hài biến mất, người ngoài không trông thấy được. Arès phóng lao, mũi lao bay đi nhằm thẳng ngực Diomède. Nhưng nữ thần Athéna đưa tay nắm lấy ngọn lao và hất ra một bên. Diomède kịp thời đánh trả, phóng mũi lao đồng. Athéna hướng mũi lao bay trúng đích và thúc nó bay nhanh. Mũi lao đâm thẳng vào bụng dưới của Arès nơi mà thần Arès đã cẩn thận quấn chiếc đai bảo hộ. Ngọn lao đâm Arès bị thương. Arès đau quá hét lên một tiếng. Tiếng hét ầm vang kinh thiên động địa khiến cho người ta tưởng chừng có chín, mười nghìn người đang hò la mới to đến như thế. Nghe tiếng hét ấy cả quân Troie lẫn quân Hy Lạp rùng mình kinh hãi.

Lúc này ở chiến trường bỗng nổi lên một trận cuồng phong xoáy lốc. Trận cuồng phong đó cứ hút xoáy cát bụi lên mãi, đưa chúng lên cao tận những đám mây che phủ đỉnh Olympe. Kẻ nhát gan thì bảo có lẽ thần Arès sắp giáng tai họa trừng phạt. Nhưng những người từng trải thì bảo đó là thần Arès bay về trời.

Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Quân Hy Lạp từ khi được nữ thần Héra và Athéna xuống giúp sức đã chỉnh đốn quân ngũ, đánh lui quân Troie và khôi phục lại được thế tiến công ào ạt lúc đầu. Quân Troie phải lui về trấn giữ ở gần cổng thành. Tình thế quân Troie quả là nguy ngập.

Hector từ giã Andromaque trước khi xuất trận

Dũng tướng Hector đi khắp chiến trường hạ lệnh lui quân về ở cổng thành. Chàng vừa chỉ huy việc lui quân vừa tổ chức cuộc chiến đấu phòng ngự. Khi mối nguy hiểm không còn đe dọa gay gắt, căng thẳng nữa chàng trở vào trong thành gặp mẹ, nữ hoàng Hécube, để truyền lại lời phán bảo của nhà tiên tri Hélénos. Theo lời phán bảo, thành Troie phải làm lễ cầu khấn nữ thần Athéna, xin nữ thần giải cứu cho đô thành. Mẹ chàng, lão bà Hécube, lập tức sai gia nhân sắm sửa lễ vật. Lời cầu xin chân thành, khẩn thiết bao nhiêu thì điềm báo đáp lại lạnh lùng, thờ ơ bấy nhiêu. Nữ thần Athéna khước từ lời cầu xin đó.

Hector đến nhà Paris. Chàng tỏ vẻ tức giận khi thấy trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này, Paris ở nhà bên vợ. Chàng ra lệnh cho Paris phải ra ngay ngoài chiến trường, sát cánh chiến đấu cùng với anh em binh sĩ. Tiếp đó chàng về thăm nhà. Nhưng vợ chàng, nàng Andromaque có cánh tay trắng muốt, không có mặt tại nhà. Nghe tin quân Troie thua trận phải lui về giữ thành, nàng vội đi lên bờ thành cao để nghe ngóng tình hình. Theo sau nàng là người nữ tỳ trùm tấm khăn đẹp đẽ, bế đứa con trai xinh đẹp của nàng.

Hector đi tìm vợ. Chàng gặp vợ ở cổng thành Scées. Đi theo vợ chàng là người nữ tỳ bế đứa con trai yêu quý của chàng, một đứa bé còn măng sữa và xinh đẹp như một ngôi sao. Hector lấy tên dòng sông xanh yêu quý chảy trên vùng đồng bằng Troade, dòng sông Scamandre, đặt tên cho đứa con trai đầu lòng của mình. Vì thế đứa bé tên là Scamandrios. Nhưng người ta còn gọi nó bằng một cái tên khác nữa. Đó là Astyanax. Trông thấy con, Hector mỉm cười. Nhưng Andromaque đến bên chồng, nước mắt chan hòa, cầm lấy tay chồng than thở.

- Chàng ơi, chàng mà quên mình liều thân xuất trận thì chàng sẽ chết mất! Chàng không thương con còn nhỏ dại, chàng cũng chẳng thương em rồi đây sẽ trở thành người góa bụa hay sao? Vì nếu chàng ra khỏi thành thì thế nào quân Hy Lạp cũng sẽ xông lại giết chàng. Nếu chàng không may mà bỏ mình ngoài chiến địa thì em chỉ còn biết chết theo chàng thôi. Đời em toàn là những nỗi đau thương bất hạnh. Cha em đã chết vì tay Achille thần thánh. Mẹ em bị Achille bắt sống. Sau khi nhận của chuộc hắn phóng thích mẹ em. Nhưng nữ thần Artémis đã bắn một mũi tên ác nghiệt giết chết mẹ em trong cung điện của thân phụ người. Em có bảy anh em thì cả bảy đều bị Achille giết chết trong một ngày. Hector chàng ơi! Em chẳng còn lại thân thích ngoài chàng nữa. Đối với em, chàng là một người cha, một người mẹ kính yêu, một người anh gần gũi và cũng là người chồng thân thiết đang tuổi thanh xuân. Xin chàng hãy thương em, ở lại đây, trên bờ thành cao này, để cho con chàng khỏi phải là đứa bé mồ côi và vợ chàng khỏi trở thành người góa bụa. Chàng hãy ra lệnh dàn quân ở chỗ cây vả, nơi có thể đột nhập vào thành dễ nhất. Đã ba lần rồi, quân Hy Lạp dưới sự chỉ huy của các dũng tướng Ajax và Idoménée, Agamemnon và Ménélas, cả Diomède nữa đã tấn công nhằm vào chỗ đó.

Nghe vợ nói, Hector rất xúc động. Chàng ân cần đáp lại lời vợ:

- Nàng ơi, chính ta đây cũng đã nghĩ tới những điều nàng đã nghĩ, và ta cũng lo lắng đến điều bất hạnh sẽ xảy ra với ta. Nhưng nếu như bắt chước một kẻ hèn nhát vô liêm sỉ, ta lẩn trốn không dám xuất trận thì ta còn mặt mũi nào mà nhìn họ hàng, bà con, anh em cũng như những người dân trong đô thành này nữa. Vả chăng lòng ta cũng không muốn làm như vậy, bởi vì xưa nay ta đã quen bao giờ cũng anh dũng chiến đấu ở hàng đầu quân Troie để giữ gìn danh tiếng cho cha và cho ta. Chính ta đây, ta cũng linh cảm thấy, rồi ra, một ngày kia, thành Ilion thần thánh cùng với lão vương Priam và thần dân của người sẽ bị tiêu diệt. Nhưng điều khiến ta lo nghĩ nhất, sau này, không phải trước hết là mẹ cha ta và các em ta sẽ gục ngã dưới ngọn lao mũi giáo của quân thù. Ta chỉ lo nghĩ nhiều nhất, lo nghĩ trước hết đến nỗi khổ nhục của nàng khi xảy ra cảnh ấy. Lúc ấy nàng sẽ bị một tên Hy Lạp mặc áo giáp đồng bắt đi trong tiếng khóc than vật vã, chấm dứt những ngày tự do, hạnh phúc của nàng. Nàng sẽ bị đưa về Argos và dưới quyền sai khiến của một người đàn bà khác, nàng phải dệt vải hay đi lấy nước ở sông Messeis hoặc Hypérie. Trông thấy nàng nước mắt tủi cực chan hòa, người ta khẽ bảo nhau: “Vợ của Hector đấy! Hồi còn đánh nhau ở Ilion, chàng là người anh dũng nhất, thiện chiến nhất trong những người Troie đấy!” Người ta bảo nhau như vậy, nhưng còn nàng thì lại càng thấy tủi thân tủi phận khôn cùng. Vì nàng không bao giờ còn có một người chồng như ta để bảo vệ nàng khỏi rơi vào cuộc đời nô lệ. Nhưng nàng ơi! Ta thà chết đi cho đất đen phủ kín lấy ta còn hơn là phải nghe tiếng nàng kêu khóc và trông thấy nàng bị một tên Hy Lạp bắt, lôi đi.

Nói xong Hector cúi xuống bế con. Nhưng đứa bé khóc thét lên nép mình vào người nữ tỳ. Nhìn thấy bố, nó sợ hãi quá chừng. Nó sợ những áo giáp mũ trụ bằng đồng. Nó sợ chùm lông ngựa mà nó thấy rung rinh dữ tợn trên chóp mũ. Hector liền cởi mũ trụ sáng ngời đặt xuống đất. Chàng ôm con vào lòng hôn, đung đưa nó trên tay rồi cầu khấn như sau:

- Hỡi Zeus và chư vị thần linh! Xin cho con ta, đứa bé này, sau đây cũng được lừng danh trong khắp dân Troie như ta, cũng có sức mạnh vô địch như ta và sẽ ngự trị oai hùng trên đất Ilion thần thánh. Xin cho nó một ngày kia, khi thấy nó từ chiến trận trở về, người người đều bảo: “Chà, nó còn hơn bố nó nhiều”. Xin cho nó giết được nhiều quân thù và mang vũ khí đoạt được còn đẫm máu quân thù về dâng cho mẹ nó để mẹ nó được vui lòng.

Cầu xong chàng trao con cho vợ, an ủi vợ và ra đi. Chàng ra đi vì danh dự của một vị tướng cầm đầu binh sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành Troie. Chàng ra đi vì sự cần thiết của nghĩa vụ. Chàng đến với anh em binh sĩ để tổ chức cuộc chiến đấu chống lại quân Hy Lạp. Còn Andromaque, vợ chàng thì trở lại nhà. Nàng vừa đi vừa khóc, vừa ngoái lại nhìn hình ảnh người chồng thân yêu đang nhỏ dần, nhỏ dần và mất hút trong chiến địa.

Zeus thực hiện lời hứa với nữ thần Thétis. Quân Troie phản công thắng lợi

Một buổi sáng khi nữ thần Rạng đông-Éos trùm tấm khăn vàng từ dưới biển đi lên thì trên thiên đình cũng vừa khai mạc một cuộc họp. Thần Zeus gây sấm sét, cho lệnh mời các vị thần tới đỉnh Olympe. Khi các chư vị thần linh đã đến đông đủ và an tọa, đấng phụ vương của thế giới thần thánh và người trần, người con trai của Cronos, bèn cất giọng oai nghiêm lên tiếng:

- Hỡi các chư vị thần linh! Hãy lắng nghe lời ta truyền dạy. Từ nay trở đi, ta cấm ngặt không cho một vị thần nào xuống tham chiến với quân Hy Lạp hay quân Troie. Nếu vị nào không tuân theo lệnh ta, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Ta mà biết được một vị thần nào tùy tiện xuống trần để rồi bị thương phải trở về thiên đình với mặt mày sầu thảm, thân hình tiều tụy thì ta sẽ cầm chân quẳng phắt ngay xuống địa ngục Tartare sâu thẳm dưới lòng đất. Ta không phải nói dọa đâu. Ta nhắc lại để cho các thần rõ, đây là nghiêm lệnh, và đừng có một ai định thử thách sức mạnh của ta trong công việc này. Còn nếu các thần muốn thử thì hãy về phe với nhau mà đọ sức với ta trong một cuộc kéo co. Ta chấp tất cả các nam thần, nữ thần vào một bên ở dưới đất. Còn ta một mình một bên, ở trên trời. Ta bảo thật cho mà biết, các ngươi đừng có hòng kéo thần Zeus này từ trời cao xuống đất thấp, dù có gò lưng ráng sức mấy đi nữa. Còn Zeus này thì có thể kéo các ngươi lên khỏi mặt đất và hơn nữa có thể cứ để cho các ngươi bám sợi dây vàng kéo co đó lơ lửng ở giữa bầu trời. Ta có thể kéo theo cùng với các thần cả mặt đất, mặt biển lên nữa... không tin cứ thử mà xem.

Thần Zeus nói xong, các thần đều im lặng không dám hé răng nói một lời. Mọi người đứng đậy tiễn đấng phụ vương ra cỗ xe ngựa thần. Đây là một cỗ xe có hai con thần mã có bộ vó bằng đồng có hàng lông bờm bằng vàng chói lọi. Thần Zeus khi lăn cỗ xe đều mặc bộ áo vàng, cầm một ngọn roi vàng để điều khiển đôi thần mã. Cỗ xe bay đi trong không gian đưa thần Zeus tới ngọn núi Ida có nghìn con suối. Thần Zeus sẽ ngự trên đỉnh núi cao chót vót này một mình để quan sát thế trận hai bên.

Quân Hy Lạp lúc này đang vội ăn cơm trong những lều trên bờ biển. Chỉ một lát sau đã thấy họ nai nịt gọn gàng, mặc áo giáp vào người, tay cầm vũ khí nghiêm trang trong đội ngũ. Còn quân Troie tổ chức đội ngũ từ trong thành. Họ sẵn sàng chờ lệnh. Lệnh truyền xuống từ trên bờ thành cao, truyền đi các cổng thành. Cổng thành mở. Thế là các đạo quân tuôn chảy ra như dòng suối lũ.

Quân hai bên lại bước vào một cuộc xô xát mới. Đầu rơi máu chảy, cát bụi mịt mù. Thật là dữ dội và kinh khủng. Lúc này mặt trời đã ở giữa bầu trời. Thần Zeus bèn lấy ra chiếc cân vàng để cân “số phận” của quân Troie và quân Hy Lạp. Thần đặt vào hai đĩa cân hai nữ thần của cái chết đau thương rồi cầm lấy chính giữa cân nhấc lên. Đĩa cân bên quân Hy Lạp nặng trĩu xuống. Thế là thảm họa sẽ đến với quân Hy Lạp, và thần Zeus, để báo trước thảm họa này, đã giáng sấm sét ầm vang, rền rĩ lên bầu trời và phóng ra những tia chớp ngoằn ngoèo chói lòa ánh sáng. Quân Hy Lạp nhìn thấy điềm gở đó, từ tướng cho đến quân, ai nấy đều rùng mình sởn gáy, sợ hãi lạnh buốt thấu suốt tâm can.

Cục diện trên chiến trường diễn biến rất bất lợi cho quân Hy Lạp. Paris bắn một phát tên vào giữa đỉnh đầu một con ngựa trong cỗ xe của ông già Nestor, khi con ngựa này đã mệt đến kiệt sức. Mũi tên cắm phập vào sọ não con vật khiến nó vô cùng đau đớn nhảy chồm lên rồi vùng vẫy, giãy giụa làm cho cỗ xe nghiêng ngả, tròng trành. Ông già Nestor một mặt cố gò cương lại, một mặt rút vội con dao đeo bên sườn ra để cắt đứt dây buộc ngựa vào cỗ xe, giải thoát cho con vật. Trong khi ông già mải đối phó với tình cảnh đó thì cỗ xe của Hector phóng đến. Tính mạng của ông già như ngàn cân treo sợi tóc. May thay, Diomède kịp thời phóng xe đến đón ông già sang cỗ xe của mình. Thấy Diomède bỏ chạy không dám đương đầu giao chiến, Hector và quân Troie xông lên truy đuổi, phóng lao, bắn tên như mưa gây cho quân Hy Lạp rất nhiều tổn thất. Hector luôn luôn cổ vũ, kêu gọi quân Troie tiến nhanh, đánh mạnh, truy đuổi thật sát quân Hy Lạp, dồn họ về tận khu vực chiến thuyền ở bờ biển. Chàng cất tiếng dõng dạc, hào hùng nói với ba quân:

- Hỡi anh em! Khi chúng ta tiến đến khu vực để những chiến thuyền của quân Hy Lạp, chúng ta đừng quên ngọn lửa có lưỡi dài có thể nuốt nghiến ngấu tất cả mọi thứ. Ta muốn lúc đó vừa đốt cháy các chiến thuyền của quân Hy Lạp vừa chém giết quân Hy Lạp đang ngạt thở tối tăm mặt mũi vì khói.

Trong cuộc giao chiến để ngăn chặn sức tiến của quân Troie, bên quân Hy Lạp xuất hiện người anh hùng Teucros. Chàng đã hạ lần lượt tám chiến sĩ ưu tú của quân Troie. Gặp Hector, hai lần chàng giương cung bắn hai phát tên thì cả hai lần đều trượt, nhưng lại trúng vào người đánh xe của Hector. Lần thứ ba chàng giương cung lên toan kết liễu cuộc đời Hector thì cũng là lúc Hector nhảy xuống chiến xa vác một hòn đá chạy tới ném vào người Teucros. Lúc này Teucros đang giương cung chưa kịp buông dây cho mũi tên bay đi thì hòn đá đã lao tới. Đá ném trúng vào vai và tay đang kéo dây cung làm dây cung bị đứt. Tay Teucros thì tê dại đi rơi thõng xuống. Còn người chàng thì như một tàu lá héo, lả oặt đi. Quân Hy Lạp phải chạy vội lại lấy khiên che trên người chàng rồi kéo chàng đi trong tiếng rên rỉ đau đớn.

Quân Troie lại tiếp tục tiến lên dồn đuổi quân Hy Lạp. Đêm hôm ấy họ đã hạ trại bao vây áp sát ngay trước doanh trại của quân Hy Lạp. Dũng tướng Hector hy vọng rằng bằng những trận đánh tiếp ngày mai, quân Troie có thể quét sạch quân Hy Lạp. Trong bóng đêm dày đặc, những đống lửa quân Troie đốt cháy bập bùng, rải rác trên khắp chiến trường, đứng trên bờ cao nhìn ra tưởng như nhìn lên bầu trời sao.

Agamemnon nhận ra lỗi lầm xin Achille xuất trận

Tình cảnh quân Hy Lạp rất đỗi nguy khốn. Chẳng phải là người tài rộng trí sâu mới nhận định được cái thế cùng lực tận của quân Hy Lạp. Nếu không có một cuộc phản công quyết liệt khả dĩ xoay chuyển lại thế trận thì chỉ ngày một ngày hai là quân Hy Lạp bị dồn ra bờ biển và chưa chắc có kịp lên thuyền mà tháo chạy được về quê hương.

Ngay đêm hôm ấy, Agamemnon cho mời các tướng lĩnh đến họp. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi vào cuộc họp rồi mà chẳng ai buồn nói. Vắng hẳn đi cái không khí vui vẻ, rộn rã trước kia. Agamemnon buồn rầu nước mắt lăn trên má, nói trước:

- Hỡi các tướng lĩnh đầy tài trí! Tình hình nguy khốn đến như thế này thì ta biết nói sao bây giờ. Thần Zeus đã không phù hộ chúng ta. Thần đã chăng bẫy lừa chúng ta vào vòng thảm họa. Thôi hãy theo lệnh ta: kéo thuyền xuống biển và trở về quê hương Hy Lạp yêu dấu. Thời cơ thuận lợi để đánh chiếm thành Troie đã lỡ mất rồi!

Agamemnon nói xong, cả Hội đồng Tướng lĩnh ai nấy đều ngồi im, vẻ mặt buồn rười rượi. Bỗng Diomède đứng phắt dậy quát:

- Hỡi Agamemnon! Sao nhà ngươi lại ăn nói điên rồ như vậy? Ta lại đánh cho bây giờ, đồ tồi. Thần Zeus đã cho nhà ngươi làm vua xứ Mycènes đầy vàng bạc, làm Tổng Chỉ huy quân đội, nhưng thần Zeus lại không ban cho nhà ngươi phẩm chất dũng cảm kiên cường. Ngươi nói thế và tưởng rằng những tướng lĩnh và quân sĩ Hy Lạp cũng hèn nhát như ngươi, từ bỏ chiến trường để trở về Hy Lạp phải không? Không đâu, những chiến sĩ Hy Lạp sẽ ở lại đây chiến đấu cho đến ngày hạ được thành Troie. Còn nếu như họ muốn đào ngũ chạy trốn thì họ cứ việc hành động theo ý định của họ. Thuyền đây và biển kia sẽ đưa họ trở về quê hương. Ở lại chiến trường chỉ còn lại ta và Sthénélos thôi, dù cho chỉ có hai ta thôi, hai ta quyết tâm chiến đấu cho đến ngày hạ được thành Troie.

Nghe Diomède nói thế, tức thì các tướng lĩnh đồng thanh tán thưởng. Mọi người đều vui mừng khi thấy Diomède đã dũng cảm và thẳng thắn phê phán ý định tháo lui của tướng Agamemnon.

Nhưng tiếp tục chiến đấu như thế nào để đẩy lui được sức tiến công của quân Troie, giành được thuận lợi? Không ai nghĩ đến điều đó ngoài ông già Nestor. Với vốn sống từng trải, biết nhìn xa trông rộng, lão vương Nestor khuyên bảo Agamemnon:

- Agamemnon hỡi! Theo ta tình hình nguy kịch hiện nay chỉ có Achille là người duy nhất có thể xoay chuyển được thôi. Nhưng Achille bị ngài xúc phạm vẫn nuôi giữ mối giận hờn trong dạ. Đó, ngài thấy chưa? Ngài là vua được Zeus ban cho cây vương trượng và luật pháp để cai quản muôn dân một cách công minh và chính thức, nhưng ngài đã không làm như thế! Ta đã khuyên can ngài nhưng ngài không nghe ta. Ngài đã tuân theo trái tim tham lam cướp đi của Achille nàng Briséis. Thôi bây giờ ngài phải làm cho Achille nguôi giận đi. Hãy đến thuyết phục Achille bằng cách hứa bồi thường lại cho hắn ta thật hậu hĩ!

Nghe ông già Nestor nói, Agamemnon đáp lại:

- Hỡi Nestor, cụ già khôn ngoan và dày kinh nghiệm! Những điều cụ phê phán ta, ta xin nhận hết. Phải, tình hình bây giờ chỉ có Achille mới có thể cứu vãn được. Chỉ riêng hắn ta đã mạnh bằng hàng trăm chiến sĩ. Ta sẽ cử ngay một đoàn sứ giả đến thuyết phục Achille để hắn ta nguôi giận. Ta sẽ chuộc lại lỗi lầm đã xúc phạm đến người anh hùng ấy bằng cách trả lại cho chàng người thiếu nữ Briséis cùng với nhiều của cải hậu hĩ khác nữa, và nếu như mai đây chúng ta hạ được thành Troie, trở về đất nước Hy Lạp thần thánh với những thuận lợi vang dội trời xanh, ta sẽ gả cho Achille con gái xinh đẹp của ta. Ta có ba người con gái, Achille ưng cô nào ta gả cho Achille cô ấy. Ta sẽ cho chàng bảy đô thành giàu có đều ở gần biển trong vương quốc của ta. Đấy, đó là tất cả những gì mà ta đã sẵn sàng để chuộc lại lỗi lầm. Chỉ mong sao Achille đừng nuôi giữ mối giận hờn dai dẳng trong dạ.

Theo sự tiến cử của lão vương Nestor, đoàn sứ giả đi thuyết phục Achille gồm có năm người. Cầm đầu là lão vương Phénix, một ông già quắc thước nổi danh về sự mực thước khôn ngoan. Tiếp đến người anh hùng Ulysse mà tài hùng biện và thuyết phục đã từng được ba quân biết đến trong những cuộc hội nghị, chàng Ajax Lớn con của Télamon, một dũng tướng mà tài năng và sức mạnh chỉ chịu thua kém riêng có Ulysse. Cuối cùng là Odios và Eurybate lãnh nhiệm vụ hộ tống.

Achille tiếp đãi đoàn sứ giả của Agamemnon rất long trọng. Lần lượt Ulysse rồi đến Phénix thuyết phục người con trai danh tiếng của Pélée. Nhưng vô hiệu. Achille quyết không thay đổi thái độ của mình. Chàng vẫn nuôi giữ mối giận hờn. Chàng vẫn ghét cay ghét đắng Agamemnon. Chàng kết án Agamemnon đã đối xử bất công với mình: “Chẳng ai là người biết ơn ta đã luôn luôn xung trận giao chiến với quân thù, gian nguy không nề hà, mệt mỏi vẫn ráng sức. Thế mà khi chia chiến lợi phẩm thì kẻ ở doanh trại không xuất trận với người xả thân chiến đấu đến hết hơi hết sức cũng được chia phần bằng nhau. Kẻ hèn nhát với người anh hùng cũng được coi trọng như nhau”. Chàng tố cáo Agamemnon là người tham lam: “Ở bất cứ nơi nào sau mỗi trận đánh, ta cũng thu được biết bao chiến lợi phẩm vô cùng quý giá, và bao giờ ta cũng đem về giao nộp tất cả cho Agamemnon, chẳng hề giữ riêng lại cho mình chút nào. Thế mà hắn, chẳng xông pha nơi máu lửa, chẳng vào sinh ra tử, chỉ ngồi bên đoàn thuyền thon nhẹ hưởng thành quả chiến đấu của chúng ta. Bao nhiêu của cải mọi người đem trao nộp cho hắn, hắn chia cho mọi người thì ít mà giữ lại cho phần hắn thì nhiều. Ấy thế mà hắn lại còn chiếm đoạt phần thưởng mà toàn thể quân Hy Lạp đã nhất trí chia cho ta, chiếm đoạt cả người thiếu nữ xinh đẹp Briséis của ta”.

Achille vẫn không nguôi mối giận hờn trong dạ, mối giận hờn đã làm cho chàng tách ra khỏi liên minh các đạo quân Hy Lạp. Chàng dường như quên mất mình là một người anh hùng danh tiếng đã từng sống gắn bó với lý tưởng cao quý của bộ lạc. Mối giận hờn đã làm Achille mất tỉnh táo, sáng suốt, Achille có ý định sẽ trở về quê hương, lấy vợ, vui thú cảnh ruộng vườn gia đình, mặc cho quân Hy Lạp sống chết với chiến tranh. Chàng đã quên đi những quá khứ oai hùng cùng chia ngọt sẻ bùi, nằm gai nếm mật với đồng đội. Hết người này đến người khác ra sức thuyết phục Achille nhưng không sao lay chuyển được chàng. Đoàn sứ giả đành phải ra về với nỗi thất vọng và tường trình lại cho Agamemnon và các tướng lĩnh biết.

Ulysse và Diomède đột nhập vào doanh trại quân Troie trinh sát

Vào một đêm trời tối đen như mực, doanh trại quân Hy Lạp chìm đắm trong giấc ngủ. Từ các dũng tướng cho đến anh em chiến sĩ ai nấy đều ngủ say mê mệt. Tiếng ngáy vang lên râm ran trong các lều trại. Tuy nhiên có một người không ngủ, đó là vị Tổng Chỉ huy Agamemnon. Tình hình quân Hy Lạp đang trong tình thế hiểm nghèo. Nỗi lo lắng đè nặng lên trái tim vị chủ tướng. Phải làm cách gì để gỡ ra khỏi thế bị bao vây hiện nay, cứu thoát đoàn quân Hy Lạp. Agamemnon trằn trọc trên giường. Sau cùng, chàng thấy tốt hơn hết là tìm đến lão vương Nestor để bàn bạc, định liệu xem có thể hoạch định một thế trận phản công tối ưu như thế nào đó để giải thoát khỏi thế trận hiểm nghèo, và vị chủ tướng rời khỏi giường, bận nhung y võ phục vào người, cầm lao khoác khiên ra đi. Agamemnon vừa ra đi thì gặp ngay người em ruột của mình là Ménélas. Bản thân Ménélas cũng không sao chợp mắt được, trách nhiệm của một vị tướng đè nặng lên trái tim của chàng, chàng sẽ dắt dẫn những binh sĩ của mình trong cuộc chiến đấu sắp tới, ngày mai, ngày kia đi tới đâu: phá được vòng vây và tiếp tục truy đuổi quân Troie về tận chân thành hay làm mồi cho thần Chết-Thanatos? Và thế là hai anh em bàn định việc triệu tập ngay trong đêm khuya một cuộc họp các tướng lĩnh. Cuộc họp được triệu tập lặng lẽ, không dùng viên truyền lệnh xướng loa để khỏi làm mất giấc ngủ của ba quân. Agamemnon đến gọi lão vương Nestor rồi cả hai đến gọi Ulysse, Diomède. Khác với mọi lần, lần này Hội đồng Tướng lĩnh họp ngay ở vọng gác tiền tiêu của quân Hy Lạp, trên một bãi đất bằng phẳng. Lão vương Nestor, người điều khiển chiến xa thành thạo, cất tiếng nói trước tiên:

- Hỡi các chiến hữu! Muốn hoạch định cho trận giao tranh sắp tới, chúng ta cần phải biết được ý đồ của quân Troie. Ta muốn ngay trong đêm nay, lợi dụng lúc tối trời, một dũng tướng gan dạ đột nhập vào doanh trại quân Troie để thám thính, trinh sát tình hình. Có thể anh ta với tài năng của mình bắt sống được một vài tên quân canh ở vọng gác tiền tiêu. Nếu không, anh ta lắng nghe những câu chuyện mà đám lính Troie bàn bạc, anh ta thu lượm chỗ này một chút, chỗ kia một ít. Từ đó, chúng ta sẽ tìm hiểu xem quân Troie có ý đồ gì. Liệu chúng có thể dám mạo hiểm đóng quân trụ lại ngay tại nơi đây ở cách xa thành của chúng không? Hay chúng có thể, mặc dù giờ đây đang có ưu thế, dừng cuộc tiến công lại và quay trở về thành? Chỉ cần người dũng tướng đó trở về an toàn và đem cho ta những tin tức ta cần biết. Như thế cũng là một chiến công to lớn lắm rồi. Hội đồng Tướng lĩnh sẽ trọng thưởng người anh hùng đó, và người anh hùng đó sẽ được mời ngồi vào vị trí danh dự trong những bữa tiệc mừng công cũng như trong các bữa tiệc của mọi lễ hội.

Lão vương Nestor nói xong và ngồi xuống. Cả Hội đồng Tướng lĩnh im lặng một hồi lâu, nhưng rồi tướng Diomède người có tiếng thét kinh thiên động địa, đáp lại. Chàng xin lãnh nhiệm vụ đột nhập vào doanh trại quân Troie để do thám tình hình. Chàng xin Hội đồng Tướng lĩnh cử một người nữa đi cùng với chàng. Có hai người công việc sẽ thuận lợi hơn. Người này yểm trợ cho người khác. Nghe Diomède nói, các tướng lĩnh đều tỏ ra sẵn sàng. Hai chàng Ajax, Ajax Lớn và Ajax Bé, xung phong xin đi trước tiên. Rồi chàng Mérion, con trai của lão vương Nestor cũng tỏ ra không chịu thua kém. Dũng tướng Ménélas, người con của Atrée, một chiến sĩ danh tiếng lẫy lừng, và Ulysse người anh hùng từng trải, đều tỏ ý muốn được đảm nhận nhiệm vụ vẻ vang. Tổng Chỉ huy Agamemnon thấy vậy bèn quyết định trao cho Diomède toàn quyền chọn lựa. Diomède chọn Ulysse. Và hai người ra đi, chìm vào bóng đêm dày đặc.

Cũng trong đêm ấy, bên phía quân Troie, dũng tướng Hector người chỉ huy không thể chê trách được triệu tập Hội đồng Tướng lĩnh tới để nghị hội. Chàng kêu gọi một vị tướng nào đó trong Hội đồng xung phong đảm nhận việc đột nhập vào khu vực chiến thuyền của quân Hy Lạp để điều tra:

- Hỡi các dũng tướng! Tình hình mà chúng ta cần biết là sau những trận thất bại vừa rồi, quân Hy Lạp liệu có còn tinh thần chiến đấu nữa hay không? Quanh khu vực chiến thuyền việc canh phòng có cẩn mật như trước đây hay không? Liệu có dấu hiệu gì tỏ ra quân Hy Lạp đang chuẩn bị rút quân về nước không? Có thể do thất trận, do quân Hy Lạp có ý đồ rút lui mà việc canh phòng lơ là, ý chí rã rời, kỷ luật lỏng lẻo không? Dũng tướng nào dám đảm đương trọng trách này sẽ được ta trọng thưởng.

Hector nói xong, cả Hội đồng Tướng lĩnh im lặng, nhưng một người trong số các tướng lĩnh Troie dự họp, bật đứng dậy xin đảm nhận trách nhiệm nặng nề đó. Đấy là chàng Dolon người anh hùng con trai của Eumède, người truyền lệnh thần thánh, nổi danh vì giàu có, đồng lắm vàng nhiều. Dolon hăng hái ra đi, lao vào bóng đêm đen nhằm thẳng hướng khu vực các chiến thuyền Hy Lạp neo đậu, đi tới, và chính trong khi Dolon đột nhập khá sâu vào khu vực doanh trại của quân Hy Lạp thì bị Diomède và Ulysse phát hiện. Hai người anh hùng Hy Lạp liền dấn bước chạy đuổi theo Dolon. Còn Dolon nghe tiếng chân người chạy liền vội nằm áp tai xuống đất để lắng nghe. Chàng ngờ rằng có thể Hector thay đổi ý định cho người đuổi theo chàng để truyền cho chàng biết lệnh mới, gọi chàng trở về. Bất hạnh thay cho Dolon, khi hai người anh hùng Hy Lạp xuất hiện cách chàng chỉ còn khoảng một tầm lao thì chàng mới nhận ra họ không phải là những chiến sĩ Troie. Chàng bật dậy cắm đầu chạy. Ulysse và Diomède đuổi theo, thét lớn: “Đứng lại! Đứng lại!” Nhưng Dolon vẫn chạy. Tức thời một ngọn lao phóng theo lướt qua vai Dolon và cắm phập xuống đất. Dolon dừng lại và chịu đầu hàng. Không chậm trễ, những người anh hùng Hy Lạp khai thác tin tức. Qua lời khai báo của Dolon, họ biết rõ được những vị trí đóng quân của từng đơn vị quân Troie. Quan trọng hơn cả là họ được biết có một đạo quân của người Thrace vừa tới tiếp viện. Chỉ huy đạo quân này là nhà vua Rhésos có trong tay những chiến mã phi thường, cao lớn, to khỏe chưa từng thấy, chạy nhanh như gió lốc. Đặc biệt là bầy chiến mã hết thảy đều trắng phau như tuyết, còn cỗ xe của vua Rhésos và vũ khí của ông ta đều toàn bằng vàng bằng bạc. Cuối cùng, thấy không khai thác được thêm tin tức gì ở tên tù binh Troie này nữa, hai người anh hùng Hy Lạp kết liễu đời hắn.

Chiến công tiếp theo của Diomède và Ulysse lại còn lớn hơn nữa. Biết đạo quân của Rhésos vừa chân ướt chân ráo mới đến mệt nhọc, canh phòng lơ là, hai vị anh hùng Hy Lạp quyết tâm đột nhập đoạt bầy ngựa quý và cỗ chiến xa. Họ bò sát vào lều trại của quân Thrace mà không một ai hay biết. Tất cả đều ngủ say như chết. Người anh hùng Diomède con của Tydée bật dậy dùng lao đâm vào những chiến sĩ người Thrace đang ngủ. Máu đỏ tràn ra lênh láng trên mặt đất. Chỉ trong phút chốc chàng đã đâm chết mười hai chiến sĩ người Thrace. Còn Ulysse cứ mỗi khi Diomède giết chết một tên quân Thrace là chàng lập tức cầm chân hắn lôi ra ngoài để lấy lối đi cho bầy ngựa: Người thứ mười ba bị Diomède giết chết là nhà vua Rhésos. Lúc này Ulysse đã tháo được bầy ngựa ra. Chàng lùa chúng đi và huýt sáo làm ám hiệu gọi Diomède, nhưng Diomède vẫn muốn tước đoạt nốt cỗ xe của nhà vua, hiềm một nỗi chưa biết xoay sở thế nào. Nữ thần Athéna đã theo dõi công việc của hai người anh hùng Hy Lạp. Biết được nỗi băn khoăn của Diomède, nữ thần liền xuất hiện và phán truyền cho Diomède phải trở về ngay kẻo bị lộ. Thế là Diomède cưỡi ngựa, Ulysse lùa đàn ngựa chạy như bay về doanh trại quân Hy Lạp.

Quân Troie tiến công thắng lợi tràn vào doanh trại quân Hy Lạp, thọc sâu vào khu vực chiến thuyền

Một ngày mới lại đến. Nữ thần Rạng đông rời khỏi chiếc giường của mình ra đi để mang ánh sáng đến cho các vị thần bất tử cũng như cho những người trần đoản mệnh. Một ngày mới đến là những cuộc giao chiến mới lại đến. Tổng Chỉ huy Agamemnon truyền lệnh cho tướng sĩ chuẩn bị bước vào cuộc giao tranh. Các tướng lĩnh mặc áo giáp đồng, tay cầm lao đồng đi kiểm tra cơ ngũ. Người thì xem xét lại các chiến xa, căn dặn các chiến sĩ đánh xe phải tinh tường, nhanh nhạy lái xe tránh các vật chướng ngại hào hố. Người thì kiểm điểm lại những cơ đội cung thủ nhắc nhở các chiến sĩ bắn những mũi tên đồng phải sao cho bách phát bách trúng. Sau khi tường trình lên vị Tổng Chỉ huy việc chuẩn bị đã xong xuôi, toàn quân Hy Lạp chỉ còn việc chờ lệnh xung trận. Đạo quân cung thủ được vũ trang ngoài cung tên còn có đầy đủ cả khiên giáp và dao nhọn, gươm sắc. Đội hình của họ dàn ra trước một con hào sâu. Cách đội hình của các cơ đội cung thủ một quãng không xa về phía sau là đội hình của các cỗ chiến xa sáng loáng ánh đồng. Thần Zeus khơi lên trong các đạo quân một sự phấn khích cuồng nhiệt và hung bạo. Từ trời cao thần giáng xuống một làn sương màu đỏ máu.

Bên quân Troie, các tướng lĩnh chiêu tập binh mã trên một ngọn đồi cao. Toàn quân dàn đội hình dưới sự thống lĩnh của ba vị tướng kiệt xuất. Đó là chàng Hector vĩ đại, tướng Polydamas không thể chê trách được và tướng Énée được suy tôn như thần. Đó là ba vị tướng của ba đạo quân tiên phong. Còn ba vị tướng nữa là ba người con trai của Anténor chỉ huy đạo hậu quân. Hector dẫn đầu hàng quân, đeo chiếc khiên tròn. Là người chỉ huy, chàng thoắt ẩn thoắt hiện, khi thì chạy xuống cuối hàng quân để đôn đốc, chỉnh đốn lại đội hình, cổ vũ các tướng sĩ, khi thì lại trở về dẫn đầu hàng quân. Người ta bảo đấy là một ngôi sao đêm đang đổi ngôi, khi thoát ra khỏi những đám mây đen u ám, sao sáng rực lên trên bầu trời rồi lại rơi chìm vào trong những đám mây khác, sao tắt sáng. Còn ánh sáng đồng của chiếc khiên Hector thì chỉ có thể ví được với ánh chớp của đấng phụ vương Zeus.

Vào cuộc chiến, Hector tả xung hữu đột như một con sư tử. Chàng luôn luôn xông lên phía trước giáp chiến với quân thù. Chàng cũng không quên kêu gọi, thúc giục mọi người tiến lên giành lấy vinh quang trong chiến đấu. Khi ta thấy những cơn gió Tây, gió Nam thổi vào các đám mây tầng do gió Bấc dồn lại thì các đám mây này lớp lớp tan ra và trôi đi bồng bềnh trên bầu trời, nhiều sợi mây tan tác, bay khắp nơi dưới sức mạnh của những cơn gió phiêu lãng. Ở đây cũng vậy, trên chiến trường những chiến binh Hy Lạp bị Hector đánh gục cũng nằm ngổn ngang tan tác như thế.

Bên quân Hy Lạp, Tổng Chỉ huy Agamemnon cũng không chịu thua kém. Chàng đã loại khỏi cuộc chiến nhiều danh tướng và binh sĩ Troie, trong số này có hai người con trai của Priam là Isos và Antiphos. Dưới sự chỉ huy của Tổng Chỉ huy Agamemnon, quân Hy Lạp xông lên ào ạt đánh đuổi quân Troie. Quân Troie hoảng sợ rút chạy. Agamemnon ra lệnh truy đuổi, và đây, quân Hy Lạp đã đuổi quân Troie tới tận chân thành, dàn đội hình trước những cửa Scées và cây sồi. Một chiến sĩ tài năng con trai cả của dũng tướng Anténor bên quân Troie căm thù Agamemnon vừa giết chết em mình bèn tìm cách đánh trả. Đó là Coon nổi danh vì tài phóng lao. Ngọn lao của Coon phóng đi không đến nỗi vô ích. Nó đâm trúng cánh tay trên của Agamemnon làm chàng rùng mình một cái. Mặc dù Agamemnon cố gắng nén đau, giao chiến với một vài địch thủ nữa và giành được thắng lợi song máu chảy ra nhiều, chàng lại thấm đau, thấm mệt nên phải lên chiến xa lui về hậu quân.

Thấy Agamemnon phải từ bỏ chiến trường, Hector đốc thúc, cổ vũ ba quân phản công quyết liệt. Quân Hy Lạp tháo chạy về khu vực doanh trại hỗn loạn. Đúng là cái cảnh quân mất tướng như rắn mất đầu. May thay có tướng Diomède và Ulysse kịp thời đến ứng cứu tổ chức lại quân ngũ làm thành một phòng tuyến ngăn chặn quân Troie, nếu không thì có lẽ quân Hy Lạp đã rút thẳng một mạch về khu vực để chiến thuyền, đẩy thuyền xuống biển, rút luôn về quê hương.

Hector ra sức tấn công, quyết phá vỡ tuyến phòng ngự của Diomède và Ulysse Chàng tung hoành ngang dọc trong phút chốc đã hạ được chín dũng tướng của quân Hy Lạp. Mặc dù Diomède và Ulysse cố gắng chống đỡ và có lúc đã đẩy lui được quân Troie nhưng vẫn không xoay chuyển được tình thế. Tình hình càng trở nên xấu hơn khi Hector được Paris đến chi viện. Nhằm lúc Diomède đang tháo bộ áo giáp và chiếc khiên của dũng tướng Agastrophe vừa bị hạ thủ, Paris giương cung bắn một phát. Mũi tên bay đi và không đến nỗi vô ích. Nó đâm trúng chân phải Diomède, xuyên qua mu bàn chân xuống gần bàn chân và cắm phập xuống đất. Paris reo lên đắc thắng. Ulysse phải chạy vội đến yểm trợ ngay cho Diomède, đứng trấn giữ trước kẻ thù để Diomède rút mũi tên ra khỏi bàn chân. Diomède hết sức đau đớn phải leo lên xe ra lệnh đưa mình về doanh trại.

Lúc này quanh Ulysse không còn một ai. Một mình chàng phải chống đỡ hết tướng này đến tướng khác của quân Troie. Tướng Sokos nhằm Ulysse phóng lao. Mũi lao xuyên qua khiên đâm thủng áo giáp và cắm vào sườn Ulysse làm chàng bị thương nhẹ. Thấy không hạ được Ulysse, Sokos quay người chạy. Ulysse phóng lao đánh trả. Lao đâm trúng tấm lưng rộng và xuyên ra ngực. Sokos đổ xuống đất như một thân cây bị đẵn mất gốc. Lúc này Ulysse mới tháo ngọn lao của Sokos đang còn cắm ở người mình ra. Quân Troie kéo đến bổ vây Ulysse. Ulysse vừa đánh vừa lui và ngoái nhìn về phía sau kêu gào tiếp viện. Chàng kêu gào đến khản cổ đứt hơi mà không thấy có vị tướng nào đến tiếp ứng. May thay một lúc sau tướng Ajax băng đến giải nguy cho chàng và kịp thời gom quân làm thành một tuyến phòng ngự mới. Còn Ménélas thì không thể chiến đấu được. Chàng phải tay đỡ, tay dìu mới đưa được Ulysse ra khỏi vòng hiểm nguy để chờ chiến xa đến đưa Ulysse về hậu quân băng bó. Từ khi Paris đến chi viện, Hector chuyển sang đánh ở một hướng khác. Giờ đây nhìn lại hướng này, chàng thấy quân Troie chừng lại không tiến thêm được mấy nữa và xem ra có nguy cơ bị chọc thủng. Chàng liền ra lệnh cho chiến sĩ đánh xe đưa mình ngay tới chỗ xung yếu đó. Chàng bố trí lại quân ngũ, đội hình và tiếp tục chỉ huy cuộc tiến công. Thần Zeus từ đỉnh núi cao không quên hỗ trợ cho cuộc tiến công của Hector. Thần khơi lên trong trái tim Ajax nỗi sợ hãi, và chàng Ajax một dũng tướng danh tiếng lẫy lừng của quân Hy Lạp đã run sợ trước sự tấn công mãnh liệt của Hector. Chàng không dám đối đầu quyết liệt với Hector. Chàng phải vừa đánh vừa lui, luôn tay giơ khiên che chắn những ngọn lao bay tới tấp về phía chàng. Thấy Ajax núng thế, tướng Eurypile chạy đến chi viện. Chàng phóng lao quật ngã Apisaon và xông đến tước đoạt vũ khí. Paris trông thấy, lập tức giương cung bắn một mũi tên xuyên thẳng vào đùi Eurypile. Người chiến sĩ danh tiếng con của Évemon rùng mình một cái tê dại cả chân và khuỵu xuống.

Quân Troie tấn công như vũ bão và dồn quân Hy Lạp về đến doanh trại, gần nơi để các chiến thuyền. Tại đây quân Hy Lạp đã đào hào đắp lũy để phòng thủ. Một bức thành lũy khá dày sau một con hào sâu là nơi cố thủ của quân Hy Lạp. Cuộc chiến đấu diễn ra tại khu vực xung yếu này.

Hector như một cơn bão lốc trên chiến trường. Chàng rất bực tức khi thấy các chiến xa và đạo quân cung thủ bị dừng lại trước con hào sâu rộng cắm đầy chông nhọn. Tiến lên, tiếp tục tiến lên hay rút về? Đó là câu hỏi đặt ra với người dũng tướng cầm đầu quân Troie. Đương nhiên với vị tướng đã quen lúc nào cũng đi đầu trong hàng quân Troie và biết coi trọng danh dự, bảo vệ danh dự như Hector thì câu trả lời là chỉ có tiến. Hector lập tức ra lệnh cho quân sĩ rời khỏi chiến xa, họp thành từng cơ đội nhỏ, tìm cách vượt qua hào sâu tiến vào phá thành lũy của quân Hy Lạp.

Đạo quân Troie đầu tiên tiến vào đánh cổng thành do tướng Axios chỉ huy. Vượt qua hào sâu tiến vào cổng thành, Axios bị quân Hy Lạp chặn đánh quyết liệt, không sao tiến lên được. Cổng thành do những người Lapithes trấn giữ, chỉ huy do hai tướng Polypétès và Léontée. Quân Hy Lạp gọi hai vị tướng người Lapithes này là hai cây sồi mọc trên ngọn núi cao, gió bão chẳng làm cây nghiêng ngả, nắng mưa chẳng làm cây khô héo, thui chột. Thấy quân Troie kéo đến chân thành. Polypétès con của Pirithoos danh tiếng và Léontée sánh tựa thần Arès hiếu chiến, sẵn sàng nghênh chiến. Từ bờ thành cao quân Lapithes ném đá, bắn tên xuống như mưa. Đá rơi vào mũ và khiên đồng kêu loảng xoảng. Quân Troie thiệt hại vô kể mà vẫn không mở được đường tiến vào phá công thành. Tướng Polydamas thấy đạo quân Axios bị chặn đứng lại, bèn khuyên Hector cho lệnh lui quân, nhưng Hector nổi giận mắng lại:

- Mi là đồ hèn nhát. Mới có thế mà mi đã không đủ sức chịu đựng cuộc giao tranh. Ta truyền cho mi biết, trong giờ phút này bất cứ một kẻ nào tự ý rút lui hay đưa những lời lẽ làm xao nhãng nhiệm vụ chiến đấu, kẻ đó tức khắc bị chém đầu. Mi mà thở ra lần thứ hai nữa cái giọng hèn nhát đó thì chính tay ta chém cổ mi ngay.

Nói xong Hector chỉ đường cho quân tiến. Quân sĩ nghe Hector vừa quở mắng Polydamas xong, ai nấy đều sợ hãi, răm rắp tuân theo quân lệnh, tiến lên ào ạt hò la vang động cả một vùng trời.

Lúc này bên quân Troie xuất hiện một vị tướng vô cùng xuất sắc. Chính vị tướng này đã mở đường tiến vào thành. Đó là người anh hùng Sarpédon, con của Zeus, đấng phụ vương của các thần và những người trần thế, Sarpédon chỉ huy đạo quân của những người Lycie trèo lên tường thành. Épiclès, một chiến hữu của Sarpédon đang trèo lên tường thành thì bị Ajax bê một tảng đá ném xuống. Đá rơi trúng đầu Épiclès làm vỡ mũ đồng, vỡ sọ, hất Épiclès khỏi bờ tường cao. Glaucos, một chiến hữu của Sarpédon bị Teucros bắn một phát tên loại khỏi cuộc chiến đấu. Bị thương, Glaucos phải trở về hậu quân. Sarpédon trước tình hình ấy vẫn không hề nao núng. Chàng tiến lên phóng lao giết chết Alcmaon, sau đó dùng sức phá vỡ một mảng tường thành lấy lối cho quân Troie đột nhập sâu vào phía trong. Cuộc chiến đấu đến lúc này trở nên bội phần ác liệt. Quân Hy Lạp lập tức phải dồn binh hội tướng đến để bịt ngay chỗ cửa mở. Còn quân Troie thì cũng dồn sức tấn công để tạo ra một mũi nhọn chọc thẳng đến khu vực để các chiến thuyền. Thần Zeus, từ khi Hector đốc thúc cuộc tiến công, đã cho nổi lên những cơn gió hung dữ. Những cơn gió từ các ngọn núi cao của dãy Ida cuốn theo bão cát bụi mịt mù rầm rập xông thẳng đến những chiến thuyền của quân Hy Lạp. Thần lại cho con đại bàng, con vật yêu quý của mình, cắp một con rắn đỏ, bay lượn trên trời cao. Con rắn khá to còn sống, giãy giụa trong móng sắc của đại bàng, vươn đầu mổ vào ngực con chim. Chim bị đau buông rơi con rắn xuống giữa đám quân Troie, kêu thét lên và bỏ đi. Điềm báo đó không một nhà tiên tri nào giải đáp, và Hector đã khước từ lời khuyên lui quân của Polydamas để tiếp tục cuộc tiến công, tiếp tục giành thắng lợi cho đến cùng.

Việc tiến hành vào khu vực chiến thuyền bị chững lại, Hector kêu gọi quân Troie:

- Hỡi những người Troie luyện thuần chiến mã! Hãy tiến lên! Phải chọc thủng bằng được tuyến phòng ngự này của quân Hy Lạp để tiến sâu vào khu vực chiến thuyền. Phải đốt bằng hết chiến thuyền của chúng!

Và Hector dẫn đầu đoàn quân tiến lên. Anh em binh sĩ thấy Hector đến chi viện, phấn khởi ào ạt xông lên, kẻ bám vào các mấu tường trèo lên, người quăng dây leo lên. Chợt Hector trông thấy một tảng đá ngay trước cổng thành, tảng đá đầu nhọn hoắt, đáy to bè. Chàng vội chạy đến. Với sức khỏe của một dũng tướng đã từng đoạt giải trong các cuộc thi đấu thể thao, Hector lay được tảng đá và bê nó lên một cách dễ dàng. Hector bê bổng tảng đá lên đầu và cứ thế chàng chạy thẳng một mạch về phía cổng thành, dùng hết sức bình sinh ném mạnh. Tảng đá bay đi, đâm vào cánh cửa kêu đánh rầm một tiếng dữ dội. Cửa gỗ mở toang ra, và thế là Hector băng mình vào trong thành. Mắt chàng nảy lửa, áo giáp đồng và vũ khí đồng sáng lóe. Chàng quay lại ra lệnh cho ba quân vượt tường rào tiến vào. Quân Hy Lạp núng thế rút chạy về bảo vệ các chiến thuyền. Một không khí hoảng loạn rối ren bắt đầu dấy lên.

Hector xông vào giữa cuộc chiến. Chàng thấy Teucros liền phóng lao trả thù. Teucros nhanh mắt nhảy một bước tránh được cái chết, nhưng một chiến hữu khác của Teucros đang tiến đến bị lao xuyên thẳng vào ngực, ngã ngửa người ra phía sau. Tướng Ajax trông thấy Hector liền xông tới chặn đánh. Hector phóng lao nhằm giữa ngực, nhưng ngọn lao bay đi vô hiệu, Hector không còn vũ khí trong tay phải lui về, vào lúc ấy Ajax bê một tảng đá, tảng đá không lớn lắm, nhảy lên chiến xa ném theo Hector. Đá văng trúng ngực Hector xô chàng ngã lăn xuống đất. Quân Hy Lạp hò reo mừng rỡ và ai nấy đều muốn chạy mau tới chỗ Hector để kết liễu đời chàng, nhưng các danh tướng Polydamas, Énée, Agénor cũng như Sarpédon, Glaucos đã vây quanh Hector dựng những tấm khiên tròn lên làm thành hàng rào che chắn. Nhanh chóng, họ đưa Hector ra khỏi vùng nguy hiểm, gọi chiến xa từ phía dưới lên, đưa chàng về thành cứu chữa. Nằm ở trong thành chưa được bao lâu, Hector xin phép vua cha trở lại chiến trường, thần Apollon đến khích lệ chàng trước khi chàng bước vào những cuộc tử chiến. Trở lại chiến trường Hector lại tổ chức tiến công. Chàng kêu gọi anh em binh sĩ:

- Hỡi anh em! Hãy tiến thẳng vào khu vực chiến trường! Bỏ chiến lợi phẩm đấy! Kẻ nào không tuân lệnh sẽ bị chém ngay tại chỗ.

Quân Troie nghe lệnh tiến lên. Lúc này họ đã lấp hào làm đường và bắc cầu cho chiến xa xung trận. Quân Hy Lạp phải rút lui thêm một tuyến nữa về phòng ngự ở gần sát khu vực chiến thuyền.

Cuộc chiến đấu giằng co ác liệt. Có lúc nữ thần Héra phải mưu lừa thần Zeus, mượn chiếc thắt lưng của nữ thần Aphrodite để khêu gợi, quyến rũ Zeus đi ngủ. Nữ thần Héra lại còn nhờ cả thần Hypnos-Giấc ngủ giúp đỡ mình trong việc thực thi ý đồ. Quả nhiên Zeus bị trúng mưu. Lợi dụng lúc Zeus ngủ, thần Poséidon xuống giúp đỡ quân Hy Lạp. Nhờ đó quân Hy Lạp giành được ưu thế trên chiến trường. Tỉnh dậy, biết mình bị vợ lừa. Zeus nổi giận lôi đình, quát tháo ầm ĩ ra lệnh phải triệu ngay thần Poséidon về thiên đình. Tiếp đó, đấng phụ vương của các thần và người trần thế, ra lệnh cho thần Apollon đến khích lệ Hector và cả hai vị thần đều ra sức giúp đỡ quân Troie giành thắng lợi.

Cuộc chiến đấu ở khu vực chiến thuyền diễn ra ác liệt gấp bội phần những cuộc chiến đấu trước. Hector xông vào Ajax. Ajax lúc này đã mệt lả cả người, kiệt hơi hết sức. Tên bắn tới tấp. Chiếc mũ đồng của chàng rền vang lên vì những mũi tên lao tới. Mồ hôi chàng vã ra như tắm. Chàng thở hổn hển. Xung quanh chàng quân Hy Lạp đang chịu hết thảm họa này đến thảm họa khác. Thấy Hector xông đến, Ajax đưa mũi lao nhọn ra chống đỡ. Ngọn lao của Ajax bị Hector chém mạnh, gẫy văng đi rơi xuống đất vang lên một tiếng khô gọn. Trong tay của Ajax chỉ còn lại cái cán lao cụt lủn. Ajax may thay kịp thời lùi lại một bước để tránh nhát kiếm bồi tiếp của Hector. Chàng phải rút lui mau để tránh cái chết đang lơ lửng bám quanh mình. Không còn ai cản được quân Troie. Họ tiến tràn lên như nước vỡ bờ. Họ xông vào khu vực chiến thuyền và quăng ngay những mồi lửa vào một con thuyền. Tức khắc ngọn lửa có lưỡi dài hung dữ bùng lên liếm lem lém. Khói bốc lên cuồn cuộn, mịt mù. Quân Troie đắc thắng hò reo mừng rỡ.

Hector giết chết Patrocle

Từ khi quân Hy Lạp lâm nguy, các vị danh tướng đều bị thương rút khỏi chiến trường về hậu quân. Achille mặc dù không được ai thông báo song cũng biết hết. Ngồi ở căn lều của mình bên những con thuyền trũng, Achille thấy những chiến xa từ chiến trường hối hả trở về là chàng rõ. Chàng gọi người bạn thân thiết của mình là Patrocle truyền cho bạn phải tới chỗ lão vương Nestor để hỏi han tin tức về tình hình chiến sự. Lão vương Nestor tường tình lại cho Patrocle rõ tình thế nguy nan của quân Hy Lạp. Lão vương mong muốn, thôi thì Achille không nguôi nỗi giận hờn, không tham gia chiến đấu thì đành chịu, song Patrocle nên xin với Achille cho mình xuất trận để giúp đỡ quân Hy Lạp. Lão vương Nestor hy vọng rằng Patrocle xuất trận với vũ khí và bộ áo giáp của Achille, biết đâu đấy quân Troie lại không nhầm tưởng rằng Achille đã nguôi giận, trở lại chiến trường cùng với đạo quân Myrmidon của mình, và chúng sẽ hoảng sợ, chối bỏ những cuộc đụng đầu với người anh hùng Achille. Như vậy tình hình có thể trở lại sáng sủa hơn.

Patrocle từ chiến trường trở về tường trình lại cho Achille biết rõ tình hình với một nỗi buồn rầu và lo lắng khôn tả. Nghe xong, Achille chấp thuận cho Patrocle cùng với quân sĩ Myrmidon xuất trận để giúp đỡ quân Hy Lạp. Đang khi Patrocle chuẩn bị thì Achille chợt nhìn thấy khói bốc lên cuồn cuộn. Chàng đập mạnh tay xuống đùi thét lớn:

- Thôi hỏng rồi, hỏng rồi! Patrocle hỡi! Ta trông thấy ngọn lửa hung tàn bốc lên ở khu vực để chiến thuyền. Mau mau ra xem thế nào để cứu lấy chiến thuyền, nếu không thì ngay đến việc rút lui cũng không được nữa. Mặc áo giáp vào, cầm vũ khí đi! Mau lên! Còn ta, ta sẽ cho quân sĩ hội họp.

Achille nói rồi đi từ lều này đến lều khác ra lệnh cho các tướng sĩ chuẩn bị xuất trận. Chỉ phút chốc đoàn quân Myrmidon đã tập hợp thành năm đạo dưới sự chỉ huy của năm vị tướng danh tiếng. Với tư cách là người chỉ huy tối cao, Achille lên tiếng kêu gọi:

- Hỡi anh em binh sĩ Myrmidon thân yêu! Hẳn rằng trong chúng ta không một ai quên những lời Hector kêu gọi quân Troie tiêu diệt chúng ta. Nghe những lời nói ấy, các anh em đã nổi nóng, công kích ta, trách móc ta là người nhỏ nhen, găm giữ mối giận hờn dai dẳng. Các anh em không thể chịu nổi những lời ngạo mạn của Hector. Ai ai cũng muốn xông ra chiến trường quyết một phen tử chiến với quân Troie. Thì đây, hôm nay, cái ngày mà anh em mong muốn được bày tỏ khí phách của người chiến sĩ Myrmidon đã tới. Ta mong rằng mỗi chiến sĩ sẽ giao đấu với quân Troie bằng một trái tim dũng cảm như sư tử.

Nghe Achille nói, anh em binh sĩ Myrmidon bừng bừng khí thế. Đội ngũ uy nghiêm, những khuôn mặt quả cảm, họ hùng dũng tiến bước, Patrocle đi đầu. Chàng móc áo giáp của Achille, tay cầm vũ khí của Achille.

Nhìn thấy đạo quân Myrmidon xuất trận, quân Troie hết sức hoảng hồn. Họ tưởng đâu Achille đã nguôi giận, trở về sát cánh cùng Agamemnon chiến đấu. Hàng quân của họ phút chốc xao động, ai nấy lo lắng đưa mắt tìm chỗ chạy trốn, vào cuộc, Patrocle phóng lao giết ngay Pyrechmes thủ lĩnh của những người Péonien. Ngọn lao đâm trúng vai phải hất Pyrechmes ngã ngửa xuống đất với một tiếng kêu thất thanh. Quân sĩ Péonien thấy chủ tướng bị giết liền bỏ chạy. Patrocle, thế là đã lập một chiến công xuất sắc. Chàng tiếp tục gieo kinh hoàng xuống quân Troie. Chàng xông lên tung hoành trong đám địch quân, đánh bật chúng ra khỏi khu vực chiến thuyền rồi dập tắt ngay ngọn lửa, nhưng quân Troie không phải đã từ bỏ cuộc giao tranh. Họ vẫn ra sức chống đỡ và chỉ rút lui khi nào họ không còn hơi sức để lấn vào khu vực chiến thuyền. Dù sao thì chiếc chiến thuyền mới bị cháy một nửa đã được cứu thoát. Quân Hy Lạp thừa thắng, đánh đuổi quân Troie rất quyết liệt, và cuối cùng quân Troie phải bỏ chạy. Patrocle không chậm trễ, đuổi sát theo sau. Vừa lúc dũng sĩ Arélique quay mình chạy thì Patrocle phóng lao xuyên qua đùi. Arélique ngã chúi đầu xuống đất.

Quân Troie vừa đánh vừa rút. Tuyến đầu của họ đã bị chọc thủng, và bây giờ Patrocle đang tìm cách đánh quật lại khu vực chiến thuyền nhằm chặn đường rút của quân Troie. Tướng Pronoos trong một giây sơ ý, cầm khiên che không kín người, đã bị Patrocle phóng lao trúng ngực. Tướng Thestor bị chết mới đau đớn hơn. Vị tướng này sợ hãi ngồi co mình trong hòm xe, dây cương cuốn chặt trong tay. Patrocle tiến đến gần, thọc một nhát lao vào hàm mạnh đến nỗi xuyên qua hàm răng đâm ra sau gáy. Thế rồi với ngọn lao đó chàng nâng bổng địch thủ lên và kéo ra khỏi hòm xe giống như người ngồi câu trên một mũi đá kéo lên khỏi mặt nước biển một con cá to.

Tướng Sarpédon thấy Patrocle tung hoành ngang dọc trên chiến trường như đi vào chỗ không người, trong lòng rất đỗi bực tức. Chàng quát mắng quân Troie:

- Hỡi những người Lycie! Thật là xấu hổ! Các người chạy trốn đi đâu? Đây chính là lúc các người phải tỏ mặt anh hùng, sáng danh chiến sĩ chứ! Ta, ta sẽ tiến thẳng đến đối mặt và giao đấu với tên tướng lợi hại kia.

Sarpédon nói xong liền nhảy phắt từ chiến xa xuống đất, cầm lao tiến bước. Patrocle thấy vậy cũng nhảy khỏi chiến xa, cầm vũ khí nghênh chiến.

Patrocle phóng lao giết chết người đánh xe của Sarpédon. Sarpédon phóng lao trả thù, nhưng mũi lao không trúng Patrocle mà lại trúng vào vai phải con ngựa Pédase khiến cho con ngựa nhảy chồm lên đau đớn rồi ngã vật xuống đất, hí lên những tiếng ghê rợn. May thay dũng sĩ Automédon đã kịp thời đến giải nguy. Chàng rút ngay thanh gươm đeo bên sườn vung lên, nhảy một bước tới chém đứt dây cương giải thoát cho con ngựa Pédase khỏi cỗ xe. Trên thiên đình thần Zeus theo dõi cuộc giao tranh của hai dũng tướng. Thần bày tỏ với vợ mình là nữ thần Héra nỗi lo ngại đứa con yêu quý nhất của thần trong số những người trần thế đoản mệnh là Sarpédon sẽ bị Patrocle giết chết. Thần phân vân không biết nên cướp Sarpédon đi, đưa chàng về đất Lycie hay bỏ mặc chàng cho tướng Patrocle đánh bại. Nữ thần Héra uy nghiêm có đôi mắt to nghe chồng nói như vậy liền phản bác lại ngay. Thần Zeus đành im lặng, nhưng đấng phụ vương của các thần và những người trần thế đoản mệnh bèn vẫy tay giáng xuống mặt đất đen một trận mưa máu để vĩnh biệt đứa con sùng ái của mình.

Sarpédon lại phóng một mũi lao nữa, và một lần nữa lao bay đi không trúng đích. Ngọn lao bay lướt qua vai trái của Patrocle chàng làm sầy da, chảy máu người anh hùng. Đến lần Patrocle đánh trả. Mũi lao phóng mạnh, đâm trúng ngực, gần tim Sarpédon làm chàng đổ sập xuống như một thân cây bị đẵn mất gốc. Trong phút hấp hối, Sarpédon nhắn lại với người bạn chiến đấu của mình những lời lẽ tha thiết như sau:

- Hỡi Glaucos bạn hiền! Chính đây là lúc bạn phải tỏ ra mình là một chiến sĩ dũng cảm. Bạn hãy kêu gọi các tướng lĩnh Lycie chiến đấu trả thù cho ta, và bạn nữa, với mũi lao đồng này bạn hãy chiến đấu trả thù cho ta, chiến đấu bảo vệ thi hài ta. Ta sẽ mãi mãi là một chuyện xấu xa ô nhục nếu một khi quân Achéens cướp được thi hài ta, tước đoạt được áo giáp và vũ khí của ta. Bạn hãy chiến đấu bền gan và kêu gọi mọi người hăng hái làm tròn bổn phận.

Tin Sarpédon tử trận phút chốc truyền đi khắp quân Troie. Một nỗi đau xót, thương tiếc khôn nguôi cắn rứt trái tim mọi người. Mọi người đều nhớ đến người anh hùng đã từng vào sinh ra tử nhiều phen, khi tiến công thì như bão lốc, khi phòng ngự thì như bức tường thành. Hector là người đau xót hơn cả. Chàng nén đau thương cổ vũ quân Troie tiến lên trả thù cho người dũng sĩ danh tiếng, và quân Troie dưới sự dẫn đầu của Hector hừng hực căm thù tiến lên với những tiếng kêu thét rợn người.

Cuộc chiến đấu diễn ra khá ác liệt quanh thi hài của Sarpédon. Quân Myrmidon mới chỉ đoạt được đôi chiến mã, chưa tước được áo giáp và vũ khí của Sarpédon thì quân Troie đã kịp thời xông đến, Agacles một vị tướng trẻ đầy nhiệt tình của quân Myrmidon vừa cúi xuống đặt tay vào thi hài Sarpédon thì bỗng thấy đánh rầm một cái, trời đất tối đen cả lại. Hector đã bê một tảng đá nện vỡ đôi đầu Agacles làm Agacles ngã sấp mặt xuống thi hài Sarpédon. Patrocle thấy chiến hữu của mình bị đánh ngã liền xông lên trả thù. Chàng từ chiến xa nhảy phắt xuống đất tay trái cầm dao nhọn, tay phải nhặt một hòn đá ném thật mạnh về phía Hector lúc này đang đứng trên chiến xa. Đá ném đi không trúng Hector mà trúng chiến sĩ đánh xe của Hector là Cébrion đang cầm cương ngựa. Cébrion từ chiến xa ngã nhào xuống, hồn lìa khỏi xác.

Hector nhảy từ trên chiến xa xuống cản Patrocle lại. Nhìn hai dũng sĩ giao đấu với nhau quanh thi hài Cébrion, người ta tưởng như thấy một đôi sư tử đang quần nhau trên đỉnh một ngọn núi để tranh giành một con hươu đã chết. Ai thắng trong cuộc giao đấu này? Số phận không cho Patrocle thắng. Thần Apollon được một đám mây mù bao phủ, nhẹ nhàng đến sau lưng Patrocle mà Patrocle không biết. Thần khẽ đập bàn tay vào lưng và đôi vai rộng của Patrocle. Thế là mắt Patrocle hoa lên. Thần còn hất chiếc mũ đồng của Patrocle xuống đất và làm cho ngọn lao dài và nhọn của Patrocle gãy đôi. Chưa hết, cả cái khiên cũng từ vai rơi xuống đất và bộ áo giáp bị tháo rời khỏi người. Đầu óc Patrocle choáng váng, tay chân mỏi rã rời, Patrocle kinh hoảng khôn xiết. Chính trong lúc ấy, một chiến sĩ Troie đã phóng một mũi lao nhọn vào sau lưng Patrocle. Ai? Đó là Euphorbe một dũng sĩ đã từng hạ hàng hai chục địch thủ dưới chân chiến xa. Mũi lao không kết liễu được số phận Patrocle mà chỉ làm chàng bị thương, nhưng Hector đã bắt gặp Patrocle đang lẩn trốn vào hàng quân. Chàng không chậm trễ, tiến lên giáp chiến. Chàng đâm mũi lao vào bụng dưới Patrocle rồi ấn sâu ngọn lao. Patrocle đổ sập xuống như một tảng đá bị lở.

Sau khi tước đoạt bộ áo giáp và vũ khí của Patrocle, bộ áo giáp và vũ khí rất trứ danh vốn của Achille cho mượn, Hector bèn nảy ra ý định làm nhục thi hài Patrocle. Chàng muốn chặt thi hài ra làm nhiều mảnh để vứt cho chó cho chim. Ý định đó không thực hiện được vì Ajax đã tới. Như một cơn lốc, Ajax ào ào xông vào chiến trận. Hector phải lui bước khi thấy cái khí thế ghê gớm ấy. Song nhiều tướng khác đã lao ra đương đầu với Ajax. Cuộc chiến đấu quanh thi hài Patrocle diễn ra rất ác liệt.

Achille nguôi giận, hòa giải với Agamemnon

Tin Patrocle chết được Antiloque con trai của lão vương Nestor, người đưa tin nhanh từ chiến trường chạy về thuật lại cho Achille biết. Lúc này Achille đang ngồi bên đoàn thuyền lòng tràn ngập lo âu khi nhìn thấy từ xa quân Achéens rút chạy hốt hoảng qua cánh đồng về đoàn thuyền. Achille linh cảm thấy có điều gì không lành đã xảy ra. Chàng nhớ lại một lời tiên đoán của mẹ mình, nữ thần Biển-Thétis: “Khi ta còn sống sẽ có một người Myrmidon ưu tú nhất phải từ giã ánh mặt trời vì tay quân Troie”. Phải chăng bây giờ là lúc lời tiên đoán ấy được ứng nghiệm và người Myrmidon ưu tú nhất ấy là Patrocle? Achille suy nghĩ như vậy và chàng cảm thấy hết sức lo lắng cho Patrocle, một chiến sĩ dũng cảm, ham chiến đấu, khát khao lập chiến công. Có thể Patrocle đã quên lời chàng căn dặn, đương đầu với Hector? Trong lúc Achille băn khoăn lo lắng như vậy thì Antiloque từ chiến trường chạy về đến bên chàng với một bộ mặt đau khổ, đẫm nước mắt. Antiloque báo cho Achille biết cái tin đau đớn vừa xảy ra:

- Ôi, thương ôi! Hỡi người con sáng suốt của Pélée! Người sẽ phải nghe một tin buồn đứt ruột đứt gan: Patrocle chết rồi! Patrocle đã bị Hector giết chết rồi, áo giáp và vũ khí đã bị Hector tước đoạt! Hiện nay cuộc chiến đấu đang diễn ra hết sức ác liệt xung quanh thi hài người đũng sĩ xấu số đó.

Nghe Antiloque nói xong, một nỗi đau buồn bao phủ lấy Achille như một đám mây đen, Chàng nằm vật xuống đất, đau đớn như điên như dại, đưa tay lên đầu bứt từng nắm tóc, kêu khóc vang trời. Các chiến hữu và những lính hầu cũng vô cùng xúc động trước nỗi đau đớn của chủ tướng. Họ cũng khóc than thương tiếc cho số phận người anh hùng Patrocle con của Ménétios hào hiệp. Từ dưới biển sâu trong động, nữ thần Thétis ngồi bên người cha già, lão vương Nérée đầu bạc, nghe thấy tiếng đứa con trai yêu quý của mình than khóc. Nữ thần bủn rủn cả người, nỗi nhớ con lại càng thêm day dứt khiến nữ thần không cầm lòng được. Nữ thần than khóc khiến cho các tiên nữ Néréides ở dưới biển chạy đến vây quanh nàng hỏi han, an ủi cùng chia sẻ nỗi buồn thương với nàng. Nữ thần Thétis than vãn:

- Néréides các em ơi! Các em hãy nghe chị nói rồi các em sẽ biết lòng chị đau xót đến nhường nào. Chị đã sinh được một đứa con lỗi lạc, có sức mạnh phi thường, xuất sắc hơn các vị anh hùng. Chị đã nuôi nấng nó, chăm sóc nó, những mong nó sẽ sống gần gũi bên chị, là niềm vui của chị. Cuộc chiến tranh xảy ra đã kêu gọi nó lên đường, và chị đành phải để cho nó vượt biển với những chiến thuyền cong đến thành Ilion. Đứa con ấy, đứa con yêu dấu của chị, như lời tiên đoán của Số mệnh, sẽ không trở về gia đình và chị sẽ không được nhìn mặt nó nữa. Vậy mà giờ đây khi nó còn sống, khi chị đang còn nó, nó gặp những điều bất hạnh, khó khăn đau đớn mà chị không hay không biết, không giúp đỡ được gì cho nó. Thật là cực lòng chị, tủi thân tủi phận chị hết chỗ nói. Thôi bây giờ chị chỉ có cách là đi thăm nó để hỏi xem cớ sự gì đã xảy ra khiến nó đau buồn kêu khóc vang trời.

Nói xong Thétis liền rời khỏi động, đội sóng biển đi lên. Các tiên nữ Néréides vừa đi theo nữ thần vừa sụt sịt rơi lệ. Đến đất Troie phì nhiêu, các nữ thần nối gót nhau lên bờ, nơi những chiến thuyền của quân Myrmidon đang nằm trên cạn.

Achille lúc này vẫn ngồi bên cạnh các chiến thuyền. Chàng đang khóc than thương tiếc cho số phận người bạn chiến đấu thân thiết của mình sớm phải ra đi, không còn được chiến đấu cùng đồng đội thì người mẹ kính yêu của chàng đi tới. Trông thấy con, nữ thần Thétis kêu lên một tiếng rồi chạy tới ôm lấy con, hỏi han:

- Con ơi! Tại sao con khóc? Có chuyện gì đã xảy ra? Có chuyện gì làm con đau khổ? Con hãy nói cho mẹ biết. Con cứ nói hết. Đừng giấu mẹ điều gì! Trước đây con muốn mẹ cầu xin thần Zeus, đấng phụ vương của chúng ta trừng phạt quân Hy Lạp về tội đã xúc phạm đến con, mẹ đã làm theo ý con. Không có con tham chiến, quân Hy Lạp đã bị thua to và chịu muôn vàn tổn thất đau thương rồi đấy! Thế là thần Zeus đã làm con được toại nguyện. Vậy thì con còn nỗi niềm gì nữa?

Achille nuốt nước mắt, thở dài não nuột, đáp lại lời mẹ:

- Mẹ ơi! Đúng là thần Zeus đã làm như ý con mong muốn, nhưng con có biết đâu, chính vì thế mà con chẳng vui mừng sung sướng được. Thử hỏi con còn vui mừng sung sướng nỗi gì khi người bạn chí thiết của con, chàng Patrocle, đã chết rồi, Hector đã giết chàng và tước đoạt những vũ khí phi thường, kỳ diệu vô cùng đẹp đẽ mà con cho chàng mượn. Giá mẹ cứ ở nguyên dưới Đại dương sâu thẳm và giá mà Pélée lấy một người đàn bà trần tục thì hạnh phúc cho mẹ biết bao! Mẹ không phải lo lắng về số phận ngắn ngủi của đứa con mình. Còn như bây giờ lòng mẹ sẽ phải nặng trĩu lo âu và buồn đau về số phận của con. Con sẽ xuất trận và mẹ sẽ không gặp lại con được nữa. Mẹ sẽ không được thấy ngày con trở về với mái nhà thân yêu nữa. Vì nếu với ngọn lao này con không giết được Hector để trả thù cho Patrocle thì con chẳng thiết sống làm gì trên đời này nữa, con chẳng thiết sống với người đời làm gì nữa.

Nghe con nói, Thétis nước mắt tuôn trào khuyên con:

- Con ơi! Con mà xuất trận thì số phận con sẽ rất ngắn ngủi. Vì như Số mệnh đã truyền phán: Hector chết, sớm muộn sẽ đến ngày tận số của con. Con ơi! Con nên nghe mẹ ở lại bên các chiến thuyền, đừng xuất trận làm gì để chuốc lấy tai họa.

Achille đau đớn trả lời mẹ:

- Mẹ ơi! Con chẳng đáng sống để nhìn người đời làm gì nữa. Con đã không che chở, bảo vệ được bạn con, để bạn con phải chết dưới mũi lao của quân thù thì con cũng nên chết đi cho khỏi nhục. Nỗi tức giận đã làm con mất cả tỉnh táo khôn ngoan. Con chỉ ngồi bên đoàn thuyền trũng làm một gánh nặng vô ích cho đất nước. Trong khi đó khắp toàn quân Hy Lạp mặc áo giáp đồng không ai là người tài giỏi thiện chiến bằng con. Ôi, sao con người ta lại có thể giận hờn đến mức tai hại như thế! Nhưng thôi mẹ ơi! Chuyện bất hạnh vừa qua cũng đã qua rồi, dẫu nó có gây cho chúng ta nhiều đau xót thì chúng ta cũng phải nén lòng mà chịu đựng. Còn giờ đây con chỉ có một ý nghĩ là đi tìm Hector kẻ đã giết người bạn thân thiết của con. Nếu như thần Zeus và các vị thần bất tử bắt con phải chết thì con sẽ đón nhận nó với nỗi thanh thản trong lòng. Con chỉ khát khao lập được chiến công hiển hách, bắt những người đàn bà Troie phải trả món nợ bằng những dòng nước mắt và tiếng nức nở khóc than. Mẹ thương yêu con đến đâu chăng nữa, xin mẹ đừng ngăn cản con, không cho con xuất trận. Mẹ chẳng thể nào làm con nghe theo lời mẹ đâu!

Nghe con nói, nữ thần Biển-Thétis nghe ra lẽ phải. Nữ thần cũng thấy rằng không gì xấu xa, hổ thẹn bằng trong lúc các bạn chiến đấu của mình lâm nguy, kiệt sức mà mình lại tách rời khỏi cuộc chiến đấu, thờ ơ với số phận của mọi người, nhưng Achille xuất trận giờ đây không thuận lợi vì vũ khí cùng bộ áo giáp và chiếc khiên của chàng đã bị Hector tước đoạt. Nữ thần quyết định sẽ lên thiên đình cầu xin với thần Thợ rèn-Héphaïstos rèn cho Achille áo giáp và vũ khí mới.

Trong khi nữ thần Biển-Thétis với đôi chân nhanh nhẹn đi lướt trên bầu trời để tới đỉnh Olympe thì ở chiến trường quân Hy Lạp bị Hector tiếp tục dồn đuổi. Cuộc chiến đấu quanh thi hài Patrocle diễn ra vẫn giằng co và hết sức quyết liệt. Ba lần Hector xông đến thi hài Patrocle cầm chân kéo về thì cũng là ba lần hai dũng tướng Ajax đánh bật Hector về phía sau. Nữ thần Héra trên thiên đình nhằm lúc thần Zeus đang ngự trên đỉnh núi cao không chú ý theo dõi liền cử ngay nữ thần Cầu vồng-Iris xuống giục Achille mau xuất trận.

Achille băng mình ra chiến trường. Trên đôi vai kiêu hãnh của chàng, nữ thần Athéna khoác vào một chiếc khiên có tua rủ. Nữ thần còn tô điểm cho vầng trán của chàng bằng một vòng hào quang rực rỡ và làm cho thân thể của chàng tỏa ra một ngọn lửa chói lòa. Achille vượt qua bức tường thành, chàng dừng lại ở bên hào thét lên một tiếng. Tiếng thét ầm vang chói đanh như tiếng thét kinh thiên động địa của Zeus, lập tức gây nên trong hàng ngũ quân Troie một sự rối loạn. Những đôi chiến mã đóng trong các cỗ chiến xa nghe tiếng thét vội chồm lên quay ngay đầu lại. Những chiến binh cầm cương ngựa nghe tiếng thét kinh hồn lại thấy ngọn lửa cháy bừng bừng trên vầng trán người con của Pélée oai phong lẫm liệt, liền hóa điên hóa dại. Ba lần trên bờ hào người anh hùng thần thánh gieo xuống ba tiếng thét lớn là ba lần chàng làm đảo lộn hàng ngũ quân Troie. Mười hai dũng sĩ của quân Troie bị chết dưới chiến xa khi nghe tiếng thét đầy ghê gớm ấy. Nhờ tiếng thét của chàng, quân Hy Lạp thoát khỏi cuộc vây hãm, đưa được thi hài của Patrocle về doanh trại đặt lên trên chiếc giường xinh đẹp. Đi theo sau thi hài là những người Achéens và chàng Achille thần thánh nước mắt tuôn trào. Chàng khóc thương người bạn trung thành đã từng bao phen chia ngọt sẻ bùi, chung nếm đắng cay giờ đây nằm đấy, mình đầy thương tích, vĩnh viễn không còn được hưởng niềm vui trở về quê hương. Nữ thần Héra truyền cho mặt trời phải mau mau trở về Đại dương. Mặt trời lặn, quân Achéens ngừng cuộc chiến đấu bạo tàn nghỉ ngơi cho lại sức.

Hôm sau nữ thần Thétis từ trên đỉnh Olympe đem vũ khí: lao đồng, áo giáp và khiên xuống cho Achille. Đây là một công trình tuyệt mỹ do đích thân vị thần Thợ rèn Chân thọt-Héphaïstos sáng tạo. Chỉ nội chiếc khiên thôi ta cũng thấy quả là một kỳ công, phải là bàn tay khéo léo, tinh tế của con thần Zeus mới làm nổi mà chắc rằng trên thế gian này chỉ có một chứ chưa thể có đến cái thứ hai. Chiếc khiên dày năm lớp, trên mặt khiên, thần Héphaïstos chạm khắc những cảnh đẹp của đất trời: Nào biển cả bao la, bầu trời bát ngát, sóng cuộn vờn cao. Nào cảnh giao tranh giữa hai đạo quân binh khí tua tủa, sáng ngời. Rồi cảnh đám cưới và yến tiệc, cảnh cày bừa đồng áng, cảnh mùa nho chín nam nữ bên nhau hái quả, cảnh đồng cỏ thênh thang, dê, cừu, bò béo mập được chăn thả từng đàn. Lại có cảnh xử kiện ở quảng trường người xem đông nghịt, cảnh vũ hội tưng bừng, trai tài gái sắc cầm tay nhau nhảy múa tươi cười, hớn hở như hoa nở mùa xuân.

Ngày nay trong văn học thế giới Chiếc khiên của Achille (Le bouclier d’Achille) mang một ý nghĩa ám dụ, tượng trưng chỉ một công trình, một tác phẩm hoàn thiện hoàn mỹ phải khổ công lao động, dày công trau chuốt mới hoàn thành được kiệt tác.

Achille đang ngồi khóc bên thi hài Patrocle thì được mẹ đem áo giáp và vũ khí xuống cho mình. Quân sĩ Myrmidon của Achille trông thấy vũ khí đồng chói ngời, mới tinh, rực rỡ, hết thảy đều run sợ không ai dám đến gần, không ai dám nhìn thẳng. Nhận được vũ khí, Achille muốn băng ngay ra trận, nhưng nữ thần Thétis khuyên chàng hãy triệu tập Đại hội Binh sĩ để công bố quyết định của mình. Nữ thần hứa sẽ bảo vệ thi hài của Patrocle được toàn vẹn tươi tắn bằng rượu thánh để cho Achille yên tâm chiến đấu cho tới khi giết được Hector trả thù cho bạn mới làm lễ hỏa táng.

Tuân theo lời mẹ, Achille đi dọc bờ biển có bãi cát trắng dài kêu gọi mọi người đến họp. Đáp lại lời kêu gọi của Achille, tất cả mọi người Hy Lạp, tướng cũng như quân, đều nhất tề rời khỏi lều của mình đi ra quảng trường. Cả những người xưa nay không có nhiệm vụ chiến đấu vì chỉ được giao nhiệm vụ quản lý phân phối quân lương hay những người chuyên việc lái thuyền cũng đến họp. Tướng Diomède con của Tydée, vết thương chưa khỏi, khập khiễng chống lao đến dự họp. Tướng Ulysse bên hông còn đau cũng lê bước đến. Còn chủ tướng Agamemnon đến sau cùng. Trong cuộc hỗn chiến bạo tàn, vị Tổng Chỉ huy này bị một mũi lao đồng phóng trúng tay. Khi mọi người đã đến đông đủ, Achille bèn đứng lên và cất tiếng. Chàng chân thành nhận lầm lỗi của mình. Chàng chỉ ra mối bất hòa giữa chàng và chủ tướng Agamemnon đã làm lợi cho quân Troie và cho tướng Hector. Chàng bày tỏ quyết tâm chiến đấu để trả thù:

- Bây giờ ta đã nhận ra lỗi lầm. Vậy hỡi Agamemnon! Xin ngài hãy mau mau truyền lệnh cho quân Achéens xung trận để ta dẫn quân lên quyết chiến với kẻ thù. Liệu quân Troie phen này có còn dám bám riết lấy chiến thuyền của chúng ta nữa không? Phen này trong bọn chúng, kẻ nào thoát được ngọn lao của ta, rút chạy thục mạng khỏi cuộc giao tranh mang được đôi chân về thành hẳn rằng kẻ ấy sẽ vui sướng, mừng rỡ lắm!

Achille nói vậy khiến cho hết thảy mọi chiến sĩ Achéens lòng vui như hội. Còn Agamemnon cũng đứng lên đáp lại những lời nói chí tình của Achille. Vị Tổng Chỉ huy kết tội Số mệnh và thần Zeus cũng như các nữ thần Érinyes đã gây nên chuyện:

- Chính họ đã làm cho đầu óc ta mất trí, làm cho nó điên dại, lầm lẫn, và cả nữ thần Lầm lẫn-Até con gái của Zeus cũng là kẻ gây nên tai họa.

Cuối cùng Agamemnon nói:

- Tuy Zeus và nữ thần Lầm lẫn đã làm ta mất trí nhưng ta cũng xin nhận lỗi và chuộc lại lỗi lầm bằng những lễ vật hậu hĩ. Hỡi anh em binh sĩ, hãy tiến lên! Hỡi Achille, hãy dẫn anh em tiến lên! Còn ta, ta sẽ cử tướng Ulysse dẫn quân đem tới lều của Achille những lễ vật quý báu như đã hứa.

Nhưng Achille lúc này đâu có màng tới lễ vật. Trước mắt chàng và trong trái tim sục sôi của chàng lúc này chỉ có một điều ham muốn duy nhất: lao vào cuộc chiến đấu, giết bằng được Hector để trả thù cho bạn và cho toàn quân Hy Lạp. Thấy Achille sục sôi, nôn nóng như vậy, Ulysse bèn đứng lên can ngăn khuyên giải:

- Hỡi Achille, con của Pélée! Xin chàng hãy bình tĩnh nén lại lòng căm thù, khoan hãy cho binh sĩ xuất trận. Bây giờ việc trước mắt cần hơn hết là cho anh em được ăn uống no đủ và lĩnh mỗi người một khẩu phần thức ăn mang theo. Cuộc chiến đấu sẽ ác liệt và kéo dài. Anh em binh sĩ có được ăn uống no đủ thì mới có sức giao chiến với quân thù đến chiều tối. Vậy xin chàng hãy cho các cơ đội lui về doanh trại để ăn uống và lĩnh khẩu phần.

Nhưng Achille không nghe, chàng nói:

- Chuyện đó chưa thật cần thiết. Ta quyết định, quân sĩ cứ xuất trận. Chỉ đến khi thần Zeus ban cho chúng ta một chiến thắng lẫy lừng, xác quân Troie phơi ngổn ngang trên mặt đất đen, tướng Hector bị gục ngã trước mũi lao của ta, chỉ đến khi đó các chủ tướng hãy mời chúng ta dự tiệc. Còn từ nay cho đến khi đó, ta và quân sĩ không màng đến chuyện ăn uống.

Biết tính khí Achille nóng như lửa, đã quyết thì làm không ai can ngăn được nên Tổng Chỉ huy Agamemnon và dũng tướng Ulysse cũng như các tướng lĩnh khác không ai tranh cãi với Achille nữa.

Trên thiên đình, thần Zeus được tin Achille xuất trận với tâm trạng sục sôi như vậy, thần e sợ chàng sẽ bị đói, không có sức khỏe dồi dào để giành thắng lợi. Zeus bèn sai nữ thần Athéna đem thức ăn thần và rượu thánh xuống nhỏ vào mũi và tiêm vào ngực chàng để gìn giữ sức khỏe cho chàng.

Thế là mọi việc đã xong xuôi. Vũ khí mới, áo giáp mới, sức khỏe dồi dào, tinh thần hăng hái sục sôi, quân sĩ tướng lĩnh hết thảy đều một lòng một dạ quyết chiến. Cuộc chiến đấu bước sang một giai đoạn mới.

Achille bước lên chiến xa. Đôi thần mã của chàng: Xanthos và Balios vốn là con của thần mã Harpie Podarge. Thần mã Harpie Podarge sinh ra đôi thần mã này cho thần Gió-Zéphyr. Thần Gió-Zéphyr đã nuôi nấng dạy dỗ chúng cho nên chúng chạy nhanh như gió, không đôi chiến mã nào sánh bằng. Chúng lại còn nghe và nói được tiếng người. Khi thấy chủ tướng của mình bước lên cỗ xe, đôi thần mã tiên báo cho Achille biết Số mệnh ngắn ngủi của đời chàng nếu chàng xuất trận. Achille nổi giận quát mắng chúng và ra lệnh cho người chiến sĩ Automédon đánh xe xuất trận.

Achille xuất trận đánh đuổi quân Troie phải chạy về thành

Quân Hy Lạp và quân Troie bước vào cuộc chiến đấu mới. Thần Zeus triệu tập tất cả các nam thần, nữ thần về đỉnh Olympe họp để nghe thần phán truyền lệnh mới. Đó là lệnh từ nay cho phép các thần được tự do tham chiến. Cuộc giao tranh vì thế sẽ khốc liệt song dẫu sao cũng không đến nỗi bất lợi cho quân Troie. Vì nếu để một mình Achille xuất trận giao chiến với quân Troie không có sự can thiệp của các thần thì quân Troie chỉ phút chốc tan tác dưới sức mạnh vũ bão của Achille. Thành Troie có thể bị hạ bởi tay Achille. Như thế không đúng với điều tiền định của Số mệnh. Phải có các thần tham chiến để kìm hãm sức mạnh của Achille. Còn Zeus, Zeus sẽ không tham chiến. Zeus sẽ ngồi một nơi kín đáo trên đỉnh Olympe để xem xét diễn biến của chiến trường.

Sau khi nghe Zeus truyền lệnh, các thần liền lập tức xuất trận, mỗi thần tùy theo trái tim mình, gia nhập vào một trong hai phe đối địch. Nữ thần Héra đi tới đoàn chiến thuyền Hy Lạp cùng với nữ thần Athéna. Theo sau hai nữ thần là thần Đại dương-Poséidon-Lay chuyển Mặt đất, thần Hermès giàu lòng tế độ chúng sinh và thận trọng tuyệt vời. Thần Thợ rèn-Héphaïstos sức lực dồi dào cũng khập khiễng nhấc đôi chân khẳng khiu vội vàng theo họ. Đó là những vị thần sẽ tham chiến cùng với quân Hy Lạp. Còn bên quân Troie có thần Arès mũ trụ sáng ngời, thần Apollon để tóc dài, nữ thần Artémis bắn tên như mưa, nữ thần Aphrodite tươi cười duyên dáng cùng với thần Latone và thần Xanthos.

Cuộc giao chiến lần này diễn ra hết sức ác liệt khủng khiếp đến mức người ta chỉ có thể nói được rằng trong suốt mười năm Chiến tranh Troie cộng tất cả các cuộc giao tranh lại cũng không thể nào sánh nổi. Nữ thần Éris-Bất hòa độc ác xuất hiện khêu lên cuộc xung đột và đốc thúc muôn quân. Rồi đến nữ thần Athéna xung trận. Nàng khi đứng trên chiến hào, khi ở ngoài thành lũy, khi ở bờ biển sóng vỗ dào dạt, rú lên những hồi dài. Tiếng rú bay đi trong gió vang vọng khắp nơi nghe rùng mình sởn gáy. Thế là thần Chiến tranh-Arès xung trận. Từ đỉnh núi cao chót vót hoặc trên dải đồi thoai thoải hay ở cánh đồng thẳng tắp bên bờ sông Simoïs, thần gào thét, rít lên. Cứ như thế từng đợt, từng đợt nối nhau nghe như những cơn gió bão của những đêm tối mịt mùng đang vật mình giãy chết. Trên thiên đình thần Zeus cho dồn mây mù lại và giáng sấm sét ầm ầm. Thần giáng xuống những nhát sét nảy lửa, khói bốc mù mịt. Còn dưới hạ giới, thần Đại dương-Poséidon với cây đinh ba khêu sóng biển lên Lay chuyển Mặt đất bao la và các ngọn núi dốc cheo leo, cao vời vợi. Cả vũ trụ bao la đều rung lên, từ vùng đồng bằng phì nhiêu cho đến ngọn núi Ida lắm suối, từ thành Troie cho đến các chiến thuyền của quân Achéens, đâu đâu cũng là chiến trường. Các vị thần xông vào nhau giao đấu làm náo động đất trời. Thần Hadès, vị vua của giang sơn những vong hồn, mặc dù ở sâu tận dưới đất đen cũng nôn nao, cuống cuồng, rối bời trong dạ. Thần hết sức hoảng sợ. Apollon giao chiến với Poséidon, Athéna đương đầu với Arès, Héra đọ sức với Artémis mang cây cung vàng. Hermès giàu lòng tế độ chúng sinh tỉ thí với Latone. Còn Héphaïstos chấp nhận cuộc giao tranh với con sông lớn nước sâu sóng dữ, Scamandre hay Xanthe, tên tuy hai nhưng sông chỉ là một.

Cuộc giao tranh giữa các thần là như thế. Còn về Achille thì chẳng phải nói chúng ta cũng rõ, chàng chỉ khát khao chọc thủng được lớp lớp quân Troie để tìm được Hector. Quân hai bên đã dàn trận. Cánh đồng dày đặc những người những ngựa và chói lòa lên ánh sáng của những vũ khí đồng. Đất rền vang lên dưới bước chân của những đoàn quân đang giáp trận. Bên quân Troie có một dũng tướng nóng lòng được tỉ thí, đó là Énée con của lão vương Anchise. Chàng tiến bước, mũ đồng với túm lông ngựa rung rinh trên đầu, mặt bừng bừng sát khí, tấm khiên tròn che trước ngực, ngọn lao nhọn chĩa ra phía trước. Achille thấy địch thủ liền xông vào. Énée phóng lao. Lao bay đi đâm trúng khiên của Achille. Nhanh mắt, Achille thấy được đòn ác hiểm. Chàng đưa mạnh khiên ra phía trước không để nó áp sát người. Chàng sợ ngọn lao dài đầy sức mạnh của dũng sĩ Énée xuyên thủng khiên, nhưng Achille đã lo quá xa. Ngọn lao của Énée không thể nào xuyên thủng khiên của chàng được, vàng, báu vật của thần linh ban tặng cho chàng, đã chặn đứng ngọn lao lại. Thần Héphaïstos đã rèn cho chiếc khiên dày năm lớp: hai lớp bằng đồng, hai lớp bằng thiếc, một lớp bằng vàng, chính lớp khiên vàng này đã làm ngọn lao ác hiểm của Énée trở thành vô dụng.

Achille đánh trả. Chàng phóng lao và ngọn lao của chàng đâm trúng khiên của Énée vào vành khiên nơi lớp đồng và da bò mỏng nhất. Ngọn lao xuyên thủng khiên làm vang lên tiếng đồng rền rĩ. Énée co gập người lại, dâng chiếc khiên lên cao và đưa vội ra phía trước trong lòng rất đỗi kinh sợ. Mũi lao của Achille sau khi xuyên qua hai lớp đồng và da bò mỏng nhất, lướt ngang lưng Énée và cắm phập xuống đất. Énée thoát chết. Thấy ngọn lao của mình không hạ được địch thủ, Achille rút gươm xông tới. Énée liền bê một tảng đá lớn nâng lên sẵn sàng đọ sức. Thần Poséidon thấy Énée có thể bị Achille đánh bại đã tung ra một đám sương mù che kín mắt Achille và đưa Énée ra khỏi vòng nguy hiểm. Tại sao thần Poséidon vốn đứng về phía quân Hy Lạp mà nay lại phù trợ một vị tướng thành Troie? Nguyên do là thần biết được điều tiền định của Số mệnh, thành Troie sẽ bị hạ, con dân thành Troie sẽ bị tiêu diệt nhưng dòng dõi Dardanos dù sao cũng phải còn lại một người xứng đáng để kế tục sự nghiệp của tổ tiên, vì lẽ đó Poséidon phải cứu Énée.

Achille xông vào hàng ngũ quân Troie. Hector tiến lên sẵn sàng chấp nhận cuộc giao đấu. Chàng kêu gọi quân Troie xiết chặt hàng ngũ giữ vững chí khí, nhưng thần Apollon đã không muốn cho Hector giao đấu với Achille trong tình thế bất lợi như lúc này, thần khuyên Hector hãy mau mau lui về hậu tuyến. Achille mất địch thủ, gầm thét, lao vào quân Troie. Chàng phóng lao đâm vào thái dương Démoléon làm vỡ xương, vọt óc Démoléon. Thấy Hippodamas nhảy xuống xe chạy trốn, Achille phóng lao vào lưng địch thủ. Hippodamas ngã sấp mặt xuống đất và kêu rống lên. Tiếp đến, Achille giết chết Polydore con của lão vương Priam bằng một mũi lao xuyên thấu bụng. Thấy em mình ôm bụng gục xuống như vậy, Hector tối tăm cả mặt mũi. Chàng không thể nào đứng ngoài cuộc được nữa. Tay giương ngọn lao, chàng bùng lên như một ngọn lửa xông thẳng đến trước mặt Achille. Achille cũng lập tức tiến lên nghênh chiến. Chàng reo lên:

- Chà nó đây rồi, nó đây rồi! Kẻ đã giết người bạn chí thiết của ta, kẻ làm cho ta xót xa đau đớn đây rồi! Mong sao từ nay trong các cuộc giao tranh, hắn với ta không bao giờ lánh mặt nhau nữa.

Rồi nhìn thẳng vào Hector với đôi mắt hung hãn, Achille quát:

- Lại đây mau lên mà nộp mạng!

Không chút sợ hãi, Hector đáp lại:

- Hỡi người con của Pélée! Đừng coi ta là một đứa trẻ, đừng có hòng dùng những lời lẽ hung bạo mà uy hiếp nổi ta! Ta đây, ta cũng biết sỉ vả và chửi bới. Ta biết ngươi là một dũng tướng tài giỏi và ta còn thua kém ngươi xa, nhưng nếu thần linh quyết định thì dù thua kém ta cũng có thể hạ được ngươi vì mũi lao của ta cũng nhọn.

Nói xong, chàng giương lao phóng mạnh, nhưng nữ thần Athéna thổi nhẹ một hơi làm cho cây lao bay ngược trở lại rơi xuống chân Hector. Achille hùng hổ lao vào. Thần Apollon bèn tung ra một đám sương mù dày đặc trùm lấy Hector và đưa chàng thoát khỏi vòng nguy hiểm một cách dễ dàng. Ba lần Achille thần thánh chạy nhanh như gió đâm thẳng ngọn lao đồng, nhưng cả ba lần chàng đều đâm phải đám sương mù dày đặc. Bực tức, Achille quay sang chém giết quân Troie. Chàng phóng lao vào cổ Dryope, chém chết Démuchos, hạ thủ hai người con trai của Bias... Achille cứ thế đánh đuổi chém giết quân Troie. Quân Troie nháo nhào bỏ chạy, nhưng khi quân Troie chạy đến chỗ cạn của dòng sông Xanthe cuộn sóng do thần Zeus bất tử tạo nên thì bị Achille chia cắt chúng làm hai. Achille dồn đuổi một cánh quân về phía thành Troie. Nữ thần Héra đã giăng ra trước mặt họ một đám sương mù để làm chậm bước rút lui của họ. Còn một cánh thì bị Achille dồn đuổi cùng đường phải nhảy cả xuống dòng sông cuộn sóng. Quân Troie bơi lóp ngóp khắp mặt sông bị cuốn đi chìm nghỉm trong những xoáy nước. Dòng sông Xanthe nước sâu sóng dữ vì thế ngập ứ lên những ngựa với người hỗn độn. Achille chạy xuống bờ sông dùng kiếm chém giết quân Troie như chẻ tre, chém chuối. Quân Troie khóc than, la hét đến rợn người. Dòng sông đỏ ngầu những máu.

Achille dồn đuổi quân Troie và bắt gặp Lycaon con của vua Priam. Lycaon lúc này tay không khí giới. Cả khiên, giáp và ngọn lao đồng lẫn mũ đều bị vứt đi trong khi tháo chạy. Achille giương ngọn lao xông đến, nhưng Lycaon nhanh mắt cúi xuống luồn qua cây lao chạy đến ôm lấy đầu gối Achille. Ngọn lao phóng đi bay trượt qua lưng hắn và cắm phập xuống đất. Con Lycaon một tay giữ chặt lấy cây lao nhọn, một tay đặt vào đầu gối Achille cất tiếng van xin thảm thiết, mong được Achille tha chết, nhưng Achille chẳng hề xúc động. Người anh hùng con của Pélée đáp lại hắn bằng những lời nói tàn nhẫn và rút cây kiếm nhọn ra đâm vào cổ Lycaon rồi quẳng xác hắn xuống dòng sông và nói:

- Bây giờ cho ngươi xuống đấy mà nằm với cá, Cá sẽ hút máu ở vết thương của ngươi. Mẹ ngươi sẽ không được đặt xác ngươi lên giường, không được khóc ngươi. Dòng sông Scamandre sẽ đưa ngươi ra biển cả. Các ngươi phải chết. Các ngươi chạy trốn đằng trước, ta đuổi theo chém giết đằng sau, đuổi cho tới thành Ilion thần thánh. Bấy lâu nay các ngươi đã giết bao nhiêu bò mộng, đã ném xuống dòng sông bạc bao nhiêu con ngựa hiến tế nhưng dòng sông có giúp gì được các ngươi đâu. Trái lại, các ngươi sẽ phải đền mạng cho những chiến sĩ Achéens, cho ngươi bạn chí thiết của ta là Patrocle đã gục ngã khi ta vắng mặt trên chiến trường.

Achille nói vậy khiến cho dòng sông Scamandre vô cùng tức giận. Nó suy nghĩ tìm cách chặn tay Achille thần thánh để cứu quân Troie.

Dũng tướng Astéropée xông đến trước mặt Achille quyết một phen tử chiến. Chàng là cháu nội của dòng sông Axios mênh mông. Dòng sông Axios lấy nàng Péribée xinh đẹp và sinh ra cha chàng là Pélégon, và giờ đây Astéropée từ dòng sông nhảy lên hai tay lăm lăm cầm hai ngọn lao. Achille đứng thế thủ, giương cây lao nhọn. Astéropée phóng lao trước, phóng cả hai ngọn lao. Một ngọn trúng khiên của Achille nhưng khiên không thủng vì vàng, tặng vật của các thần linh, đã ngăn nó lại. Còn ngọn lao kia lướt vào khuỷu tay của Achille làm máu phun ra như một đám mây đen, và ngọn lao bay đi tận xa cắm phập xuống đất. Achille đánh trả, nhưng vì nôn nóng nên ngọn lao không trúng địch thủ mà đâm vào bờ sông cắm phập vào đấy đến nửa thân cán. Achille bèn rút ngay thanh kiếm đeo bên sườn nhảy xổ tới Astéropée. Lúc này Astéropée đang ra sức lay ngọn lao đồng của Achille để nhổ nó lên, đánh trả. Vì ngọn lao cắm quá sâu nên Astéropée không nhổ được, và chính lúc Astéropée toan uốn cong bẻ gãy cây lao thì nhát kiếm của Achille đã kết liễu cuộc đời người dũng sĩ con dòng cháu giống của con sông Axios mênh mông. Đạo quân Péonie thấy chủ tướng bị giết liền bỏ chạy theo dọc bờ sông. Achille đuổi theo và giết liền bảy vị tướng nữa. Chàng còn có thể giết nhiều quân Péonie hơn nữa nếu như con sông Xanthe nước sâu, sóng cuộn không nổi cơn thịnh nộ biến thành người, nói với chàng những lời sau đây:

- Hỡi Achille! Ngươi có một sức mạnh siêu việt nhưng ngươi đã làm một việc bất nhân bất nghĩa hơn bao giờ hết bởi vì lúc nào ngươi cũng được các vị thần che chở. Nếu người con của Cronos cho ngươi sát hại quân Troie thì ít ra ngươi cũng nên dồn chúng ra cánh đồng, xa ta, rồi hãy hoàn thành chiến công tàn bạo của ngươi. Dòng nước đáng yêu đáng quý của ta ứ đầy xác chết. Ta bị nghẽn tắc mất rồi không biết tìm lối nào mà chảy ra biển cả thần thánh nữa. Còn ngươi thì vẫn cứ chém giết không biết ghê tay. Thôi đi, dừng lại đi, hỡi Achille! Ta kinh tởm lắm rồi.

Nhưng Achille lúc này đâu có chú ý tới lời nói của con sông. Chàng chỉ có một khát vọng trả thù: đuổi theo quân Troie dồn chúng về thành và giao đấu với Hector. Chàng hung dữ đuổi quân Troie. Chàng lao hẳn xuống giữa dòng sông để chém giết, nhưng con sông không thể chịu đựng được nữa. Thần Sông nổi cơn thịnh nộ dâng nước lên ào ào, dồn sóng, chuyển động ầm ầm, thét gầm như một con bò mộng hay một con sư tử, cuốn đi biết bao xác chết và ném chúng lên bờ. Những người còn sống được thần Sông giấu vào trong dòng nước đẹp. Nó dựng lên những ngọn sóng cao, hung dữ chung quanh Achille, đuổi theo chàng, xông vào chàng, xô đập vào chàng khiến chàng lảo đảo không sao đứng vững. Chàng phải nắm lấy một cây tiểu du, nhô lên ngả xuống dòng sông để làm một cái cầu. Nhờ đó Achille thoát ra khỏi dòng nước, nhảy lăn lên cánh đồng, vùng chạy như bay với đôi chân nhanh nhẹn. Lúc này chàng đã bắt đầu hoảng sợ, nhưng vị thần Sông vĩ đại không tha. Thần khiến mặt nước tối sầm lại và ào ào đuổi theo Achille thần thánh, quyết chặn tay chàng lại và cứu quân Troie thoát khỏi tai họa. Dòng sông đổ nước xuống nhai nghiền bùn nhão dưới chân Achille làm cho chàng đứng không vững, loạng choạng. Trong phút hiểm nguy ấy, Achille những tưởng số phận mình sẽ kết liễu ở đây. Chàng đau xót than thở và cầu khấn thần Zeus. Nghe tiếng cầu khấn của chàng, thần Poséidon và nữ thần Athéna biến thành người bay đến bên chàng nói rõ cho chàng biết, tương lai vẫn dành cho chàng một chiến công chói lọi; chàng sẽ giết được Hector. Được các vị thần chỉ bảo, cổ vũ, Achille yên lòng. Chàng tiến băng băng trên cánh đồng với lòng phấn chấn. Cánh đồng ngập nước mênh mông. Sóng cao ngất vẫn lớp lớp lao thẳng vào chàng, nhưng Achille nhảy cao hơn cả ngọn sóng. Sông mênh mông không cản được bước tiến của chàng vì nữ thần Athéna đã ban cho chàng một sức mạnh vô biên. Tuy nhiên dòng sông Scamandre không chịu ngừng tiến công. Nó căm giận người con của Pélée hơn nữa. Nó dâng nước lên hợp sức đánh Achille. Hai con sông giận dữ dâng sóng cao ngất trời, sôi réo ầm ầm tìm cách bổ xuống, dìm chết Achille.

Tình hình thật nguy ngập. Nữ thần Héra kinh hãi thét lên một tiếng lo sợ cho số phận của Achille. Nữ thần bèn truyền lệnh cho đứa con què yêu quý của mình là thần Thợ rèn-Héphaïstos tung lửa ra giao chiến với các thần Sông. Thế là Héphaïstos làm bùng lên một đám cháy thần kỳ. Lửa cháy ở cánh đồng thiêu đốt những xác chết. Lửa đốt đến khô kiệt, nứt nẻ mặt đất. Tiếp đó, Héphaïstos quay ngọn lửa về đốt cháy những con sông. Cây cối lau, sậy cho đến các loài cỏ dại mọc chi chít bên bờ sông xinh đẹp đều cháy trụi. Điên cuồng vì hơi nóng hừng hực từ ngọn lửa của vị thần Thợ rèn-Héphaïstos, cá lớn, cá bé vùng vẫy, nhảy tứ tung trong dòng nước xoáy. Quá khiếp đảm vì sức mạnh khủng khiếp của ngọn lửa thần kỳ, thần Sông bèn cất tiếng gọi Héphaïstos và nói:

- Hỡi Héphaïstos, đứa con què của nữ thần Héra, vị thần Thợ rèn khéo tay và tài trí! Không một vị thần nào có thể địch nổi người. Người thiêu đốt hung dữ gớm ghê như vậy thì ta không còn hơi sức đâu mà chống đỡ nữa. Thôi, thôi ta xin chấm dứt cuộc giao tranh!

Nữ thần Héra nghe thần Sông nói như vậy bèn ra lệnh cho Héphaïstos thu ngọn lửa về. Còn các thần Sông cũng vội thu những ngọn sóng của mình về cho chúng nằm yên, nghỉ ngơi trong lòng sông bình lặng và xinh đẹp.

Trận chiến đấu giữa Achille, Héphaïstos với các thần Sông vừa dứt thì kế tiếp ngay đến cuộc giao tranh giữa các thần. Đất rộng, trời cao đều chuyển động nghiêng ngửa. Thần Chiến tranh-Arès phóng lao đánh nữ thần Athéna. Athéna nhảy lui lại một bước né tránh ngọn lao và ngay lúc đó nàng cúi xuống bê lên một tảng đá lớn ném mạnh vào Arès. Tảng đá lao trúng cổ vị thần Chiến Tranh, quật thần ngã sóng soài trên mặt đất. Nữ thần Aphrodite vội chạy tới đỡ Arès dậy và tìm cách dìu đi. Nữ thần Héra nhìn thấy bèn gọi ngay Athéna tới chặn đánh. Athéna kịp thời đến ngay sau lưng Aphrodite. Nàng vung tay đánh mạnh vào ngực vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp. Aphrodite bị đau đi được vài bước là ngã lăn quay ra đất. Thế là hai vị thần phù trợ cho quân Troie đã bị đánh ngã. Nữ thần Héra khoái chí cười đắc thắng. Nhìn cuộc giao tranh đó, thần Apollon thấy chán nản không muốn tham gia. Thần muốn thế giới thiên đình không nên can thiệp vào cuộc chiến tranh này, các thần cần chấm dứt ngay cuộc giao tranh để mặc người trần thu xếp với nhau mối bất hòa của họ, nhưng nữ thần Artémis, em gái của Apollon, người nổi danh về tài săn bắn tỏ vẻ bất bình với sự thờ ơ của anh mình. Artémis muốn tham chiến, song không được. Nữ thần Athéna nổi giận, mắng phủ đầu Artémis. Vừa mắng nàng vừa đưa tay trái ra nắm lấy hai cổ tay Artémis, còn tay phải nàng tháo luôn chiếc cung đeo trên vai Artémis ra và rồi với chiếc cung ấy nàng quất liên tiếp vào hai má Artémis. Artémis cứ lắc đầu quầy quậy để tránh đòn, khiến cung tên đeo sau lưng rơi vung vãi xuống đất. Cuối cùng, Artémis vùng ra được, bỏ chạy, vừa chạy vừa khóc sướt mướt.

Lúc này các vị thần đã ngừng chiến. Người chiến thắng cũng như kẻ chiến bại đều trở về đỉnh núi Olympe ngồi bên vị thần phụ vương của mình là Zeus chí tôn chí kính. Riêng có thần Apollon là đột nhập vào thành Troie để theo dõi tình cảnh của quân Troie và tìm cách giúp đỡ họ.

Lại nói về Achille sau khi chiến thắng thần Sông-Scamandre liền tiếp tục truy đuổi quân Troie, giết hại nhiều vô kể. Lão vương Priam đứng trên bờ thành cao thấy quân mình đang cắm đầu chạy thục mạng về thành mà không có một vị dũng tướng nào chặn đánh Achille để yểm trợ cả nên trong lòng rất đỗi lo sợ. Lão vương bèn đi xuống các cửa thành nhắc quân canh phải sẵn sàng mở rộng cửa đón đám bại quân đang rút chạy về và cũng phải nhanh chóng đóng chặt cửa thành lại kẻo Achille đột nhập vào thì rất nguy hiểm.

Quả thật đúng như sự lo xa của lão vương Priam. Quân Troie mệt lả, đói khát chạy về thành tan tác chẳng ra cơ ngũ gì cả. Theo sát bước chân của họ là Achille và các chiến sĩ Achéens bừng bừng khí thế. Đứng trên bờ cao mà trông thấy cảnh tượng này thì đố ai dám bảo Achille và các chiến sĩ Hy Lạp không tràn được vào thành? Chỉ có cách đóng chặt cửa thành, đành lòng để đám quân Troie bị tiêu diệt thì mới thoát khỏi nguy cơ thất thủ, nhưng làm thế nào được. May thay, thần Apollon tìm ra được một kế giúp đỡ quân Troie thoát khỏi tình thế khó khăn ấy. Thần tìm đến người anh hùng Agénor, một dũng sĩ không chê trách được, có sức mạnh hơn người, đưa chàng ra đương đầu với quân Hy Lạp. Thần đặt vào trái tim chàng lòng dũng cảm và chí kiên cường. Cẩn thận hơn nữa để bảo vệ cho Agénor, thần đứng ngay bên chàng, tựa người vào cây sồi và tung ra một màn sương mù để che khuất.

Agénor đứng đợi Achille xông tới. Chàng bình tĩnh đón nhận cuộc giao tranh, và chàng phóng lao. Ngọn lao bay đi và không đến nỗi vô ích. Nó đâm trúng bắp chân Achille ngay dưới đầu gối, song bị chiếc bao chân bằng thiếc mới che đỡ nên lao bật ra. Achille đánh trả, nhưng thần Apollon tung ra một đám sương mù dày đặc đưa Agénor đi tới một nơi an toàn. Kế đó Apollon biến mình thành Agénor và tiến lên đứng đối diện với Achille. Achille xông tới. Agénor chạy. Achille đuổi theo, đuổi mãi đuổi mãi qua cánh đồng rồi vòng trở lại dọc con sông Xanthe có xoáy nước sâu. Chính trong lúc ấy đám bại quân Troie mới có thời gian chạy được vào trong thành.

Nhưng có một chiến sĩ bên quân Troie không chạy vào thành. Chàng dừng lại trước cửa thành hiên ngang đứng đợi quân Hy Lạp tiến đến. Đó là Hector, người anh hùng cầm đầu quân Troie, đã quen lúc nào cũng chiến đấu anh dũng ở hàng đầu quân Troie.

Achille sau một hồi lâu đuổi Agénor thì biết mình bị mắc lừa. Thần Apollon lúc ấy đã hóa phép biến mình trở lại là một vị thần oai phong lẫm liệt. Thần bảo với Achille rằng chàng đã mất trí, lầm lẫn đi đuổi đánh một vị thần bất tử là điều không thể được Số mệnh chấp nhận. Achille tức đến điên người nhưng đành phải nuốt giận cam chịu. Chàng lập tức quay trở lại, chạy như bay về phía cổng thành của quân Troie.

Achille giết chết Hector

Lão vương Priam đứng trên bờ thành cao là người đầu tiên trông thấy Achille chạy từ ngoài cánh đồng tới. Cụ rất đỗi lo sợ. Cụ van xin con trai cụ từ bỏ cuộc chiến đấu, lẫn trốn vào thành, nhưng Hector vẫn đứng trước cổng thành chờ Achille tới.

Mẹ Hector, lão bà Hécube đứng trên bờ thành cao nước mắt lã chã tuôn rơi, khóc than thảm thiết. Cụ gọi con trở vào trong thành, đừng đối mặt đương đầu với Achille, nhưng tất cả những lời van xin của cha mẹ dù có thiết tha và xót xa đến mấy chăng nữa lúc này cũng không lay chuyển được Hector. Chàng suy nghĩ hết mọi đường mọi nẻo. Nếu chàng rút vào trong thành thì chàng sẽ bị Polydamas oán trách vì chính Polydamas đã từng khuyên chàng khi thấy Achille xuất trận, cho quân sĩ lui về giữ thành. Chàng đã bác bỏ kế thu quân cố thủ ấy. Vậy thì giờ đây tốt hơn hết là chấp nhận cuộc giao tranh, hoặc là lập được chiến công lừng lẫy hoặc là chết vinh quang trước cổng thành. Lại một ý nghĩ khác đến với Hector: hay là hòa giải với Achille, trả lại nàng Hélène cho Ménélas cùng với những của cải mà Paris đã lấy mang về thành Troie. Có thể để quân Hy Lạp từ bỏ cuộc vây đánh thành Troie ta phải hứa chia cả cho quân Hy Lạp một số của cải cất giữ trong kho? Nghĩ đi rồi nghĩ lại, Hector thấy rằng giờ đây không phải là lúc đưa ra những lời hòa giải, thương lượng với Achille. Achille không phải là một con người có trái tim khiêm nhường và nhân hậu. Tốt hơn hết là chấp nhận cuộc giao tranh. Các vị thần trên đỉnh Olympe là những người quyết định thắng bại trong cuộc đọ sức. Hector yên lặng đợi chờ và suy nghĩ như vậy. Trong khi đó Achille từ xa chạy như bay tới. Trông thấy Achille khí thế hung hăng, lao đồng giương cao nhăm nhăm, áo giáp mũ trụ sáng chói. Hector hoảng sợ bỏ chạy. Người con của Pélée liền đuổi theo. Achille đuổi với quyết tâm bắt Hector phải chấp nhận cuộc tử chiến phục thù. Cuộc đuổi bắt diễn ra quanh chân thành Troie. Một vòng, hai vòng, rồi ba vòng. Tất cả các vị thần trên đỉnh Olympe đều theo dõi cuộc đuổi bắt và nhìn thấy rõ hai dũng sĩ đang chạy dưới chân thành Troie. Zeus, vị thần phụ vương của những vị thần và những người trần thế đoản mệnh, tỏ ý thương xót cho số phận của Hector vì Hector là người đã từng dâng cúng Zeus biết bao lễ hiến tế trọng thể hậu hĩ. Zeus bèn lên tiếng hỏi các chư thần xem nên cứu Hector hay để cho Hector bị Achille giết chết. Zeus vừa hỏi xong thì nữ thần Athéna đứng dậy phản bác lại. Nữ thần nói cho Zeus biết số phận Hector đã được định đoạt. Các thần không ai là người có ý định cứu Hector. Bị Athéna chống lại, thần Zeus đành từ bỏ ý định của mình và rộng lượng cho phép Athéna được tùy nghi hành động. Thế là Athéna băng mình rời khỏi đỉnh Olympe xuống trần.

Hector vẫn bị Achille đuổi gấp. Mỗi lần Hector chạy về phía cổng thành để lao thẳng tới chân thành, hy vọng trên thành cao sẽ bắn tên xuống để bảo vệ mình thì Achille đều đoán biết được, bức chàng phải chạy tạt ra cánh đồng. Bao giờ Achille cũng chạy sát thành hơn cả. Thần Apollon đến phù trợ Hector lần cuối cùng. Thần kích thích lòng hăng hái và đôi chân nhanh nhẹn của Hector. Còn Achille, chàng lắc đầu ra hiệu cho quân Achéens không được bắn tên vào Hector. Chàng không muốn vinh quang đánh bại Hector trả thù cho Patrocle thuộc về người khác.

Khi hai dũng sĩ kẻ đuổi người chạy quanh thành Troie đến vòng thứ tư thì thần Zeus đem ra một cái cân vàng. Người đặt lên đĩa cân hai “Số mệnh” tượng trưng cho cái chết, bắt con người nhắm mắt xuôi tay: một của Achille có đôi chân nhanh, một của Hector luyện thuần chiến mã. Người cầm chính giữa cán cân nhấc lên. Thế là Hector phải từ giã thế giới vui tươi về sống dưới vương quốc tối tăm rầu rĩ của thần Hadès, và thần Apollon dù có yêu mến Hector chăng nữa cũng không thể cứu chàng thoát khỏi quyết định của Số mệnh. Thần phải bỏ Hector. Chính vào lúc ấy nữ thần Athéna mắt sáng long lanh đến bên người con của Pélée nói:

- Hỡi Achille danh tiếng lẫy lừng được Zeus yêu thương! Dù Hector có khí phách kiên cường quyết lòng tử chiến với nhà ngươi thì hắn cũng không thể giành được chiến thắng. Vì Số mệnh đã bắt hắn phải chết. Giờ đây là lúc ta và nhà ngươi có thể bắt hắn phải ngã gục dưới mũi lao để mang lại vinh quang bất diệt cho chúng ta. Vậy nhà ngươi hãy dừng lại nghỉ ngơi đi. Còn ta, ta sẽ đến gặp hắn để thuyết phục hắn chấp nhận cuộc giao đấu với ngươi.

Nữ thần Athéna nói vậy và Achille mừng rỡ tuân theo. Để dụ Hector quay lại đương đầu với Achille, nữ thần Athéna biến mình thành một chàng trai giống hệt em ruột của Hector là Déiphobe, và chàng Déiphobe đó đến khích lệ anh đừng chạy nữa kẻo hổ danh chiến sĩ. Chàng nói:

- Hỡi Hector không thể chê trách được! Thôi anh đừng chạy nữa! Hãy dừng lại, dừng lại và quyết một phen sống mái với Achille đi!

Hector đáp lại lời em:

- Déiphobe em hỡi! Trong số anh em do Priam và Hécube sinh ra thì em vốn là người được anh yêu mến hơn cả, nhưng hôm nay anh lại càng mến yêu em hơn, quý trọng em hơn vì trong lúc những người khác đều ở cả trong thành mà riêng em thấy anh ở trong vòng nguy hiểm em đã xông ra khỏi thành đến cứu nguy cho anh.

Hector trả lời như thế, còn nữ thần Athéna dưới dạng hình của Déiphobe lại càng khích lệ thêm lòng dũng cảm của Hector để Hector quyết đấu với Achille. Nữ thần lại còn mưu mẹo xông lên trước để Hector tiến bước theo, và bây giờ thì Hector và Achille đang tiến đến mặt đối mặt nhau để đọ sức.

Hector lên tiếng trước:

- Hỡi con của Pélée! Trước đây ta đã chạy quanh đô thành của Priam không dám chờ ngươi tới để giao đấu nhưng bây giờ thì ta không chạy trốn nữa. Ta quyết giao chiến với ngươi. Có thể ta thắng ngươi, mà cũng có thể ta bị ngươi đánh bại. Vậy thì tại đây ta và ngươi hãy cầu xin thần linh chứng giám vì đó là những người làm chứng tốt hơn hết. Nếu Zeus cho ta thắng ngươi thì ta sẽ không phanh thây ngươi đâu. Sau khi lột lấy những vũ khí lừng danh của ngươi, ta sẽ trả xác ngươi lại cho quân Achéens. Còn ngươi, ngươi cũng nên làm như vậy.

Achille quắc mắt nhìn Hector và nói:

- Này, này tên Hector đáng ghét kia! Ngươi đừng có mà nói chuyện giao ước với ta. Giữa ta và ngươi không thể nào có tình nghĩa bạn bè cũng không thể nào có một lời thề nguyền trước khi một trong hai người ngã xuống đem máu mình dâng cho thần Chiến tranh-Arès giải khát. Ngươi hãy trổ hết tài nghệ ra đi. Hôm nay hơn bao giờ hết, ngươi cần phải tỏ ra là một chiến sĩ can trường, một dũng tướng kiệt xuất. Ngươi không còn lối thoát nữa đâu. Giờ đây, nữ thần Athéna sẽ dùng ngọn lao của ta để trừng trị ngươi. Giờ đây là lúc ngươi phải đền mạng cho tất cả các chiến hữu của ta đã ngã xuống vì tay ngươi.

Achille nói vậy và phóng lao. Hector danh tiếng lẫy lừng trông thấy liền cúi mình tránh được. Cây lao đồng bay lướt qua người chàng rồi cắm phập xuống đất, nhưng nữ thần Athéna lại nhổ nó lên và đưa lại cho Achille mà Hector không biết.

Hector đánh trả, phóng mạnh ngọn lao đồng. Lao đâm vào giữa khiên của Achille nhưng không xuyên thủng được mà lại bật ra ngoài. Thấy mất lao mà không hạ được địch thủ, Hector vô cùng tức giận. Chàng thét gọi Déiphobe đem lại cho chàng một ngọn lao nhưng Déiphobe không còn ở bên chàng nữa. Hector biết rằng số phận mình đã bị thần linh định đoạt, nữ thần Athéna đã bày mưu lừa chàng. Song chàng bình tĩnh suy nghĩ: cần phải chọn một cái chết xứng đáng, bảo toàn dũng khí như một chiến công oanh liệt.

Hector rút gươm ra xông đến Achille. Achille không chĩa lao và giơ khiên ra trước để che chắn. Hai dũng sĩ gườm gườm nhìn nhau giữ thế mặt đối mặt nhau. Chính trong lúc ấy, Achille tìm được một chỗ sơ hở ở cổ họng Hector, và khi Hector vừa vung gươm lao tới thì Achille kịp thời thọc mạnh mũi lao nhọn vào nơi sơ hở ấy. Hector ngã bật ngửa người ra nằm phơi mình trên mặt đất. Máu chảy ồng ộc. Achille reo lên khoái chí:

- Thế là ngươi đã bị ta đánh gục. Bây giờ hẳn ngươi biết rằng Patrocle chết nhưng không phải không còn ai đánh thắng được ngươi để rửa hận, trả thù. Thôi ngươi nằm đấy mà chết đi, thi hài ngươi sẽ là mồi ngon cho muông thú.

Hector lúc này đã kiệt sức. Chàng đáp lại lời Achille rất khó khăn và nặng nhọc. Chàng xin Achille cho gia đình chàng đem của cải đến chuộc lại thi hài của chàng để làm lễ hỏa táng, nhưng Achille còn lăng nhục Hector và tuyên bố quyết phơi thây phơi xác Hector trên cát bụi để cho chim chóc rỉa rói, muông thú tha lôi. Và Hector đã chết, linh hồn chàng rời bỏ vĩnh viễn hình hài và ra đi trong nỗi đau đớn khôn xiết như vậy. Thấy Hector nằm bất động trên cát bụi, những chiến binh Hy Lạp kéo nhau đến xem và không một người nào là không lăng nhục chàng, cầm lao hay cầm kiếm đâm tiếp vào thi thể chàng một nhát, nhưng chưa hết, Achille còn nghĩ ra một cách đối xử với Hector vô cùng tàn bạo. Chàng chọc thủng gót chân Hector lấy dây xâu vào và buộc vào sau chiến xa. Thế rồi chàng lên xe quất ngựa cho xe chạy. Thi hài Hector bị kéo lê dưới đất nằm trong cát bụi bẩn thỉu. Đứng lên bờ thành cao, lão tướng Priam và Hécube trông thấy thi hài của đứa con yêu quý của mình bị hành hạ, bêu nhục tưởng chừng như đứt từng khúc ruột. Lão vương khóc nấc lên từng cơn còn Hécube gào khóc đến như điên dại. Nàng Andromaque, vợ của Hector lúc này vẫn chưa hay biết. Nàng ở trong tòa nhà cao của mình dệt vải và nhắc nhở các nữ tì đun nước để khi Hector từ chiến trường trở về có nước nóng tắm. Nghe tiếng khóc từ bờ thành cao vẳng đến, nàng choáng váng cả người. Nàng linh cảm thấy có chuyện chẳng lành đã xảy ra với chồng mình. Nàng vội chạy bổ ra ngoài bờ thành cao. Một cảnh tượng vô cùng đau thương thê thảm diễn ra trước mắt nàng: thi hài chồng nàng đang bị những con ngựa kéo lê trên cát bụi diễu qua trước thành để đi về doanh trại quân Hy Lạp. Nàng ngã vật ra ngất đi. Xung quanh nàng những người nữ tì và các chị em nàng xúm lại vực nàng dậy trong tiếng khóc than ai oán.

Achille kéo xác Hector quanh thành Troie rồi trở về doanh trại nơi có những chiến thuyền thon nhẹ nằm dài trên bờ biển trắng xóa cát. Khi lòng căm thù đã lắng xuống, chàng nhớ lại người bạn chí thiết của mình là Patrocle, người bạn đã chung nếm đắng cay, chia sẻ ngọt bùi với chàng qua bao gian nguy thử thách. Nhớ đến bạn nước mắt lại tuôn trào. Nỗi xót thương làm chàng trằn trọc thâu đêm không sao chợp mắt được.

Và rồi sau những cơn buồn nỗi nhớ như vậy, Achille lại thắng ngựa vào chiến xa và đánh xe kéo xác Hector quanh nơi đặt thi hài Patrocle. Ba lần xe chạy quanh thi hài Patrocle là ba lần xác Hector vật vã trong cát bụi. Thần Apollon xót thương người anh hùng xấu số và căm giận Achille, thần đã bằng phép lạ của mình làm cho da thịt người anh hùng không bị thối rữa, không bị rách nát. Thần đã đem chiếc khiên vàng của mình ra che chở cho thi hài của Hector khi Achille đánh xe kéo lê xác người anh hùng trên mặt đất đen.

Lão vương Priam đi chuộc xác con

Các vị thần Olympe đều nhìn thấy hành động trả thù rất man rợ của Achille. Các thần đều thương xót cho số phận bất hạnh của người anh hùng đã anh dũng chiến đấu bảo vệ thành Troie. Mọi người đều muốn tìm cách giúp đỡ. Các thần liền bàn với vị thần Hermès-Người Truyền lệnh không thể chê trách được, mau xuống trần đánh cắp thi hài Hector để trả lại cho gia đình chàng, nhưng có ba vị thần nhất quyết chống lại ý định tốt đẹp đó. Đó là nữ thần Héra, người vợ có cánh tay trắng muốt của Zeus; Athéna, người con gái của Zeus; và Poséidon, vị thần Đại dương có cây đinh ba vàng gây bão tố. Vì lẽ đó mà đã mười một ngày trời kể từ ngày Hector tử trận, thi hài người anh hùng vẫn bị Achille hành hạ. Đến ngày thứ mười hai thì thần Apollon không thể chịu đựng được nữa. Thần chê trách các thần linh là đồ vô ơn bạc nghĩa, độc ác, tàn nhẫn, đã can tội phụ họa với hành động vô liêm sỉ và bạo ngược của Achille. Nữ thần Héra nghe Apollon kết án, bèn nổi nóng, phản bác lại, thậm chí còn mắng nhiếc Apollon thậm tệ. Nghe vợ nổi nóng ăn nói chẳng có lý có lẽ gì, thần Zeus thấy cần phải ra tay phân xử. Thần nói:

- Chúng ta nên từ bỏ ý định lấy trộm thi hài Hector đi. Việc đó không thể nào thoát khỏi con mắt của Achille đâu. Vì hắn lúc nào cũng được mẹ hắn ngày đêm săn sóc giúp đỡ, nhưng giá bây giờ một vị nào ở đây đi triệu nữ thần Biển-Thétis về ngay đây cho ta thì tốt hơn cả. Ta sẽ nói cho nàng rõ điều hay lẽ phải để nàng bảo Achille con nàng từ bỏ ngay cái lòng căm thù man rợ, nhận lễ vật của lão vương Priam và trả thi hài người con xấu số cho lão để lão làm lễ hỏa táng.

Zeus nói thế và nữ thần Cầu vồng-Iris bay nhanh hơn gió thổi liền phụng mệnh đứng dậy ra đi. Chẳng mấy chốc nữ thần Thétis đã có mặt trên đỉnh Olympe, ngồi bên cạnh đấng phụ vương Zeus. Nữ thần Biển-Thétis liền xuống ngay hạ giới đến doanh trại của quân Hy Lạp, gặp đứa con trai yêu quý của mình truyền lại chỉ lệnh của Zeus, bởi vì thần Zeus không muốn vì chuyện cái thi hài Hector mà thế giới thiên đình kéo dài mãi những cuộc đấu khẩu, bất hòa. Tính từ ngày các vị thần cãi cọ, đấu đá với nhau về chuyện thi hài Hector đến lúc nữ thần Biển-Thétis được lệnh triệu lên thiên đình thì cuộc xung đột làm chia rẽ thế giới thần thánh kéo dài tới chín ngày; chín ngày trời rất căng thẳng, đau đầu, nhức óc đối với đấng phụ vương Zeus! Không thể để kéo dài thêm được nữa!

Trong khi Zeus nói chuyện với nữ thần Thétis thì nữ thần Cầu vồng-Iris theo lệnh Zeus đến báo cho lão vương Priam sắm sửa xe và lễ vật đến doanh trại quân Hy Lạp xin chuộc xác con. Tuân theo lệnh Zeus, lão vương Priam sai quân hầu chất đầy lễ vật quý lên xe rồi xuất hành. Đi trước là chiếc xe bốn bánh do Idaios điều khiển, đi sau là xe ngựa của lão vương Priam. Họ hàng bà con gần gũi tiễn cụ, than khóc chẳng khác gì tiễn cụ về nơi an nghỉ vĩnh viễn.

Mọi người tiễn cụ ra khỏi thành và đi theo cụ một quãng đường ra đến cánh đồng thì quay trở lại thành Ilion thần thánh, và trên đồng không mông quạnh trong đêm tối mịt mùng chỉ còn hai người. Đấng phụ vương Zeus, người có tầm mắt nhìn bao la rộng khắp đã thấy cảnh tượng ấy. Động lòng thương xót số phận tội nghiệp của cụ già, Zeus bèn ra lệnh cho thần Hermès xuống trần dẫn đường cho cụ. Giả dạng làm một chàng trai xinh đẹp, Hermès đứng đón xe của lão vương Priam ở giữa đường và bắt chuyện làm quen. Thần tự xưng là lính hầu của Achille và sẵn lòng dẫn đường cho cụ già tội nghiệp đi đến doanh trại của Achille.

Đến doanh trại của Achille, bằng chiếc đũa thần của mình, Hermès làm cho quân canh ngủ say như chết, nhờ đó mở cổng được dễ dàng. Hai chiếc xe vào thẳng trước lều của người anh hùng Achille. Tới đây, thần Hermès làm xong nhiệm vụ của Zeus giao phó. Trước khi trở về thế giới Olympe, Hermès nói cho lão vương Priam biết rõ sự thật và khích lệ lòng can đảm, tính bình tĩnh của cụ để cụ đi vào trong lều gặp Achille.

Cụ già Priam bước vào lều của Achille. Không một ai trông thấy cụ đi vào cả. Khi ấy Achille vừa ăn xong đang ngồi trước bàn còn bè bạn thì ngồi ở xa. Cụ già tiến đến trước mặt Achille, quỳ xuống ôm lấy đầu gối của người anh hùng và hôn lên đôi bàn tay đã từng sát hại không biết bao nhiêu người con của cụ. Cụ cất tiếng van xin:

- Hỡi Achille sánh tựa thần linh! Xin ngài hãy nhớ đến thân phụ ngài. Thân phụ ngài tuổi tác cũng già nua như ta và cũng gần đất xa trời như ta. Chẳng rõ số phận của người hiện nay như thế nào. Rất có thể ở quê hương, Người sống chẳng được yên bình vì giặc giã luôn luôn quấy nhiễu. Chẳng có ai ở bên người để bảo vệ người lúc tính mạng bị đe dọa, săn sóc người khi trái gió trở trời, nhưng thưa ngài, dù sao khi biết ngài còn sống, đang sống, người vẫn yên lòng mát dạ và người vẫn được hưởng niềm hy vọng nhìn thấy đứa con trai yêu quý từ thành Troie xa xôi trở về. Còn ta thì bất hạnh, khốn khổ biết bao, ngay đến niềm hy vọng đó cũng không còn! Trên đất Troie bao la này, ta đã hạ sinh ra biết bao nhiêu người con trai lỗi lạc, nhưng giờ đây ta không còn lấy một người nào. Vừa mới đây, Hector, đứa con còn lại duy nhất của ta để bảo vệ đô thành cho ta đã bị ngài giết. Nó đã chết mất rồi! Hôm nay ta đến đây là vì nó, là để cứu nó thoát khỏi tay ngài. Hỡi Achille! Xin ngài hãy kính trọng thần linh và rủ lòng thương hại cho số phận tủi cực của ta. Xin ngài hãy nhận số của chuộc ta mang đến và trao cho ta thi hài của nó. Xin ngài hãy nghĩ đến thân phụ ngài mà xót xa cho thân phận của ta. Ta còn đáng thương hơn thân phụ ngài nhiều, bởi vì ta đã dám làm một việc mà trên cõi đời này chưa một ai dám làm: ta đã hôn bàn tay người đã giết con ta!

Cụ già Priam nói như vậy khiến Achille vô cùng xúc động. Chàng nghĩ đến số phận người cha yêu quý của mình mà không cầm lòng được. Chàng nghẹn ngào, nước mắt trào ra lăn trên khuôn mặt rắn rỏi, sạm đen vì nắng gió. Chàng đặt tay lên vai lão vương Priam và khẽ đẩy cụ ra. Cả hai người đều nhớ đến những người thân thích của mình. Quỳ dưới chân Achille là lão vương Priam mái tóc bạc phơ, khóc nhớ thương con. Ngồi trên ghế là Achille khóc nhớ thương người cha và người bạn thân thiết đã tử trận.

Achille sau nỗi xúc động bèn từ trên ghế cúi xuống đỡ cụ già đứng lên. Nhìn cụ già mái tóc bạc phơ trên khuôn mặt hằn nỗi khổ đau, Achille an ủi cụ. Chàng sai quân hầu xức dầu thơm lên thi hài Hector, bọc quấn lại cẩn thận bằng những tấm vải đẹp và đặt lên cỗ xe do những con la kéo của Idaios. Tiếp đó chàng mời lão vương Priam ăn cơm rồi đi nghỉ. Lão vương Priam bày tỏ nguyện vọng đình chiến mười ngày để tổ chức lễ tang cho Hector. Achille chấp thuận kiến nghị ấy. Chàng hứa trong những ngày thành Troie tổ chức lễ tang cho Hector, chàng sẽ không cho quân Hy Lạp xuất trận.

Khi mọi người đang chìm đắm trong giấc ngủ ngon lành, bỗng đâu thần Hermès từ đỉnh Olympe bay xuống. Thần đến bên giường của lão vương Priam để đánh thức cụ dậy, giục cụ phải đi ngay kẻo lát nữa trời sáng e quân Hy Lạp bắt gặp lại phải mất của chuộc mới đi được. Lão vương Priam liền đánh thức Idaios dậy và dưới sự hướng dẫn của thần Hermès, đoàn xe đưa thi hài Hector rời khỏi doanh trại quân Hy Lạp trở về thành Troie.

Thần Hermès từ biệt hai người khi đoàn xe về tới bờ sông Scamandre. Cho đến lúc nữ thần Rạng đông có tấm áo dài vàng óng ả, trải tà áo ra trên mặt đất rộng mênh mông thì đoàn xe về tới chân thành Troie. Người con gái của vua Priam, nàng Cassandre trông thấy đoàn xe đầu tiên. Nàng khóc ầm lên và vừa khóc vừa kêu gọi mọi người ra đón. Thế là lão bà Hécube, nàng Andromaque, các anh em, chị em họ hàng của Hector cùng với những người dân thành Troie, đàn ông cũng như đàn bà kéo nhau ra cổng thành. Họ đến vây quanh lấy thi hài của Hector, than khóc vật vã. Lão vương Priam phải ra lệnh cho mọi người giãn ra để lấy lối cho xe đi vào trong thành.

Lễ tang Hector được cử hành rất trọng thể. Chín ngày trời nhân dân thành Troie đi đẵn củi trên rừng về để lập giàn thiêu. Ngày thứ mười, thi hài Hector được đặt lên giàn củi và làm lễ hỏa thiêu. Sau đó những người dân Troie thu lượm hài cốt của chàng bỏ vào một cái tiểu vàng và chôn xuống dưới một nấm mồ đá. Chôn cất cho Hector xong, lão vương Priam mới làm lễ cúng hương hồn Hector ở trong cung điện.

Cũng cần kể qua một chút về lễ tang Patrocle. Sau khi Achille trả thù được cho Patrocle, chàng ra lệnh cho quân sĩ Myrmidon của mình diễu hành tưởng niệm người chiến sĩ đã hy sinh. Ba lần quân lính diễu hành vòng quanh thi hài Patrocle là ba lần tiếng khóc than ai oán, kể lể vang lên. Achille cho đặt thi hài Patrocle lên một chiếc giường xinh đẹp, nhưng ngay cạnh đấy dưới chân giường, chàng đày đọa thi hài của Hector đằm trong cát bụi. Chàng cho giết cừu, giết bò, nướng thịt mở tiệc ăn mừng chiến thắng. Đêm hôm đó trong một giấc ngủ say, Achille đã gặp linh hồn Patrocle. Patrocle đến đứng trước đầu giường Achille than vãn. Chàng đòi Achille hãy mau mau làm lễ an táng cho mình, khâm liệm cho mình. Nếu không, linh hồn chàng vẫn lang thang chưa được bước vào vương quốc của thần Hadès. Các linh hồn của người đã quá cố ngăn cấm linh hồn chàng, tránh xa chàng, cấm chàng không được qua sông Styx và gia nhập vào thế giới của họ. Chàng cũng bày tỏ nguyện vọng với Achille là xin Achille đừng chôn bình đựng tro thi hài của chàng quá xa Achille. Chàng muốn khi Achille từ giã cõi đời, tro hài cốt của Achille bỏ chung vào bình đựng tro hài cốt của chàng và mai táng chung trong một nấm mồ. Thể theo nguyện vọng của Patrocle, quân Hy Lạp cho làm hỏa thiêu thi hài Patrocle. Tang lễ tổ chức vô cùng trọng thể. Đích thân chủ tướng Agamemnon ra lệnh cho quân sĩ đi lấy củi về thiết lập giàn thiêu. Tướng Mérion được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy quân lính. Sau khi thiết lập xong giàn thiêu, Achille ra lệnh đưa thi hài Patrocle đặt vào đỉnh giàn. Quân sĩ xếp thành một đội ngũ uy nghiêm, chiến xa đi trước, lính bộ đi sau, thi hài Patrocle đi giữa hàng quân, theo sau là Achille. Để chuẩn bị cho lễ thiêu, người ta giết súc vật lọc mỡ béo ra bọc phủ lấy thi hài, còn quanh thi hài xếp những con vật bị giết. Achille còn cho đặt vào giàn lửa những bình mật ong và dầu. Bốn con ngựa chạy nhanh cũng bị đưa vào giàn củi. Hai con chó trong số chín con của Patrocle cũng bị chọc tiết rồi xếp vào giàn. Cuối cùng là mười hai tù binh Troie bị đưa ra trước giàn thiêu. Achille dùng ngọn lao đồng giết chết tù binh mà trái tim không hề xúc động. Tiếp đó, chàng tung ngọn lửa hung dữ vào giàn củi, và chàng vừa khóc vừa cầu khấn hương hồn Patrocle bằng những lời lẽ như sau:

- Hỡi Patrocle! Xin chào bạn dù ở tận nơi sâu thẳm của vương quốc của thần Hadès. Tất cả những gì ta đã hứa với bạn, ta đã hoàn thành. Ngọn lửa hung tàn sẽ thiêu đốt đi mười hai chàng trai dũng cảm và cường tráng của quân Troie cùng với bạn. Còn Hector, con của Priam thì chẳng phải là ngọn lửa hung tàn mà là những bầy chó đói. Xin bạn chứng giám cho lòng ta.

Achille đã khấn hương hồn Patrocle như vậy. Nữ thần Aphrodite, người con gái của Zeus nghe thấy hết. Nàng không cho một con chó nào bén mảng đến gần thi hài Hector. Nàng tưới xuống thi hài người anh hùng một thứ dầu thơm thần diệu của hoa hồng để giữ gìn cho thi thể người anh hùng được toàn vẹn. Còn thần Apollon tung ra một đám mây mù che phủ quanh thi hài Hector để cho không một ai trông thấy, hơn nữa để ngăn những tia nắng mặt trời nóng bỏng thiêu đốt thi thể người anh hùng.

Giàn thiêu mặc dù đã được tưới dầu và châm lửa nhưng vẫn không sao bốc cháy lên được. Achille cho bầy bàn thờ cầu khấn thần Gió-Borée và thần Gió-Zéphyr. Chàng hứa sẽ làm lễ tạ hơn hai vị thần rất hậu. Nữ thần Iris đón nhận những lời khấn nguyện ấy và bay đến nơi ở của hai vị thần Gió để truyền đạt lại. Lúc này các vị thần Gió đang ngồi chè chén quanh bàn tiệc. Biết chuyện, các vị liền đứng dậy và ra tay. Thế là trời nổi gió, dồn mây về phía vùng đồng bằng Troade phì nhiêu. Sóng biển nổi lên cuồn cuộn. Gió ùa vào giàn củi đang cháy lom rom. Chỉ trong chốc lát ngọn lửa có lưỡi dài bùng lên liếm lem lém những thanh củi làm chúng bốc khói cuồn cuộn. Suốt đêm hôm ấy gió quất tới tấp vào ngọn lửa hung tàn và cũng suốt đêm hôm ấy chàng Achille có đôi chân nhanh tưới rượu vang trên mặt đất để cầu nguyện vong hồn Patrocle. Khi củi cháy đã hết, mọi người đem tưới rượu vang để dập tắt những thỏi than hồng. Hài cốt của Patrocle được thu lượm bỏ vào trong một chiếc bình vàng để chờ khi Achille đến hạn kỳ của số phận sẽ bỏ hài cốt vào rồi mai táng chung trong một nấm mồ nhỏ nhắn xinh đẹp bằng đá. Sau đó là những cuộc thi đấu thể thao: đua ngựa, đấu võ, đấu vật, thi chạy, đấu lao, ném đá, bắn cung, phóng lao...

Achille giết chết nữ hoàng Panthésilée

Sau khi Hector tử trận, thành Troie lâm vào một tình cảnh rất khó khăn. Thiếu hẳn một vị tướng có tài để có thể đương đầu với quân Hy Lạp. Chỉ còn mỗi cách là án binh bất động cố thủ trong thành. Trong tình hình nguy cấp ấy, bỗng đâu quân Troie được một đạo quân đến chi viện. Đó là đạo quân của nữ chiến sĩ Amazones do nữ hoàng Panthésilée chỉ huy. Từ vùng bờ biển Pont-Euxin, Panthésilée dẫn đoàn kỵ binh này đi tới đâu thì tưởng chừng như nơi ấy gò đống mấp mô biến thành đường đi bằng phẳng, đồng cỏ xanh mơn mởn chốc lát hóa xác xơ. Người xưa kể sở dĩ Panthésilée đứng về phía quân Troie vì quân Troie được nữ thần Artémis phù trợ. Nữ hoàng hy vọng bằng nghĩa cử này nữ thần Artémis sẽ vừa lòng mà tha thứ cho mình tội đã vô tình sát hại người chị ruột là nàng Hippolyte trong một cuộc đi săn. Có người kể, chính là đích thân lão vương Priam đã làm lễ rửa sạch tội sát nhân cho Panthésilée, và để đền ơn vị vua cai quản thành Troie, nàng kéo đạo quân Amazones xuống vùng đồng bằng Troade đọ sức với quân Hy Lạp.

Đạo quân của vị nữ hoàng Panthésilée, người con gái yêu của thần Chiến tranh-Arès, được lão vương Priam và nhân dân thành Troie đón tiếp rất trọng thể. Trong niềm hân hoan của tình chiến hữu, hội ngộ, Panthésilée đã kiêu căng nói rằng đạo quân Amazones của nàng sẽ quét sạch quân Hy Lạp khỏi vùng đồng bằng Troade, sẽ đốt sạch chiến thuyền của quân Hy Lạp.

Ngày hôm sau những nữ chiến sĩ Amazones xuất trận. Lão vương Priam làm lễ hiến tế cầu khấn thần linh ban cho đạo quân đồng minh của ông thắng lợi, nhưng các vị thần Olympe không chấp nhận lời cầu xin đó.

Cuộc chiến đấu diễn ra khá thuận lợi cho những nữ chiến sĩ Amazones. Với tài cưỡi ngựa bắn cung, phóng lao, các nữ chiến sĩ Amazones đã đánh đuổi quân Hy Lạp từ cửa thành Troie phải bỏ chạy về tận khu vực chiến lũy của mình. Thừa thắng, Panthésilée ra lệnh cho đội kỵ binh tiến công chọc thẳng vào khu vực chiến thuyền. Tình hình quả là cực kỳ nguy hiểm.

Đúng lúc ấy, Achille và Ajax Lớn xuất trận. Nguyên do là trong mấy ngày gần đây hai vị tướng này không tham chiến. Cả hai, ngày ngày đến ngồi bên nấm mồ nhỏ nhắn xinh đẹp bằng đá của Patrocle khóc than, nấm mồ đã được Achille chỉ dẫn cho những người Achéens xây đắp trong lễ hỏa thiêu Patrocle. Được biết tình hình chiến trận đã xấu đến như thế, hai dũng tướng lập tức mặc áo giáp, cầm vũ khí băng ngay ra chiến trường đánh chặn quân địch. Quân Amazones và quân Troie không thể nào địch nổi hai dũng tướng Hy Lạp có sức mạnh như hùm beo ấy. Từ tiến công họ bị chặn đứng lại rồi bị đẩy lùi ra ngoài khu vực chiến lũy của quân Hy Lạp. Nữ tướng Panthésilée thấy vậy bèn xông lên quyết đối mặt đương đầu với Achille. Nàng phóng liên tiếp hai ngọn lao về phía Achille nhưng không hạ được địch thủ. Một ngọn lao trúng chiếc khiên đồng nhưng không xuyên thủng được. Achille đánh trả. Chàng xông thẳng đến đâm một mũi lao trúng ngực Panthésilée. Nàng đưa tay ôm ngực, nhưng còn một tay cố thu hết sức lực còn lại rút thanh kiếm ở bên sườn ra, nhưng Achille lại bồi tiếp một mũi lao nữa vào con ngựa nàng đang cưỡi. Con ngựa đau đớn hất tung nàng từ trên lưng xuống đất rồi ngã vật ra giãy giụa. Achille liền xông đến để lột bộ áo giáp và tước đoạt vũ khí của nữ hoàng. Khi nâng vành mũ đồng che vầng trán và khuôn mặt của Panthésilée lên, chàng vô cùng xúc động trước vẻ đẹp lạ lùng của nữ hoàng, chàng vô cùng xót xa thương tiếc người đẹp sớm phải đón nhận một số phận bất hạnh. Trái tim chàng bâng khuâng như vừa đánh mất, để rơi một báu vật trong đời. Chàng đứng sững sờ, ngơ ngẩn hồi lâu, mắt rớm lệ, bên thi hài Panthésilée. Bỗng đâu Thersitès đến. Anh chàng có hình thù quái dị này, hẳn chúng ta còn nhớ, đã từng bị Ulysse đánh cho một trận nên thân trong Hội nghị vì tội láo xược. Chứng nào vẫn tật ấy, Thersitès thấy Achille xúc động trước cái chết của Panthésilée bèn cất lời chế nhạo:

- Này hỡi Achille! Ngài làm sao mà đứng tần ngần mãi bên cái xác của con giặc cái ấy? Hẳn rằng ngài tiếc cho mũi lao của ngài chứ gì? Giá mà người ta bắt sống được nàng và đem dâng cho ngài như đã dâng nàng Briséis thì có phải hay không? Hay ngài phải nhìn kỹ xem nàng đã chết thật hay chưa? Thôi được, như vậy để ta xin giúp một tay cho ngài yên tâm.

Nói xong, Thersitès đâm một mũi lao nhọn vào giữa khuôn mặt xinh đẹp của Panthésilée làm bật hai con mắt của nàng ra ngoài. Hành động láo xược của tên lính quái dị này khiến cho Achille nổi cơn thịnh nộ. Chàng giáng cho hắn một trái đấm vào đầu. Hắn ngã vật xuống đất, vỡ sọ, chết thẳng cẳng. Dũng tướng Diomède, người có quan hệ huyết tộc gần gũi với Thersitès bất bình với Achille về chuyện này liền đem thi hài của Panthésilée vứt xuống sông Scamandre nhưng Achille tìm được, vớt lên và làm lễ tang trọng thể cho nàng.

Có chuyện kể Achille và quân Hy Lạp trao trả thi hài Panthésilée và mười hai nữ tù binh cho quân Amazones để những người Amazones làm lễ tang trọng thể cho vị nữ hoàng của họ. Cũng có chuyện kể khác đi một chút: Achille bắt sống được Panthésilée và cưới nàng làm vợ. Quanh cái chết của Thersitès cũng có chỗ kể hơi khác. Có chuyện kể Thersitès mưu đồ một cuộc phản nghịch, biến loạn, bị Ulysse phát hiện và giết chết.

Nói về Achille sau khi giết Thersitès, chàng phải được rửa tội, nếu không sẽ bị các nữ thần Érinyes truy đuổi trừng phạt. Achille vì thế phải trở về đảo Lesbos để dâng lễ vật lên nữ thần Léto, thần Apollon và nữ thần Artémis để cầu xin các thần tha tội, tẩy rửa sạch bàn tay ô uế đã nhuốm máu người. Tuân theo lời phán bảo của thần Apollon, dũng tướng Ulysse được lãnh sứ mạng rửa sạch tội sát nhân của Achille.

Achille giết chết chủ tướng Memnon cầm đầu đạo quân Éthiopie

Thấy tình cảnh quân Troie núng thế như vậy, chủ tướng Memnon cầm đầu một đạo quân Éthiopie từ một vùng xa xôi có bờ biển dài quanh năm sóng dữ kéo sang giúp đỡ quân Troie. Chàng là con của nữ thần Rạng đông-Éos và người anh hùng Tithonos. Cuộc đời chàng kể ra cũng khá gian truân. Sau khi vua cha qua đời, chàng bị người em ruột là Émathion cướp quyền thừa kế ngôi báu, nhưng người anh hùng Héraclès trong cuộc hành trình đi đoạt những quả táo vàng ở khu vườn cấm do ba chị em tiên nữ Hespérides coi giữ, đã “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”, giết chết tên tiếm vương, trao lại ngai vàng cho Memnon.

Đạo quân Éthiopie dưới sự chỉ huy của chủ tướng Memnon kéo sang Troie với khí thế hừng hực lửa giao tranh. Quân Hy Lạp phải đương đầu với liên minh quân Troie-Éthiopie, nhất là với dũng tướng Memnon, quả là không thể coi thường. Họ biết Memnon có mối quan hệ họ hàng thân thiết với lão vương Priam và là một vị tướng có sức mạnh và vẻ đẹp sánh ngang thần thánh. Chính tay thần Thợ rèn-Héphaïstos đã rèn cho chàng bộ áo giáp và cái khiên cùng với ngọn lao, thanh kiếm để chàng lập chiến công.

Quân Hy Lạp xuất tướng, Achille ra đương đầu với Memnon, nhưng Achille lại tránh không giáp chiến với Memnon, bởi vì theo điều tiền định của Số mệnh, nếu Achille giết chết Memnon thì sau đó chàng sẽ bị một mũi tên của thần Apollon kết liễu cuộc sống. Vậy ai sẽ là người chấp nhận cuộc đọ sức này? Một ông già tiến lên giương khiên, chĩa lao ra trước mặt đối thủ. Đó là lão vương Nestor đứng trên chiến xa với dáng vẻ quắc thước hào hùng. Tuy nhiên làm sao một vị tướng già nua gầy yếu có thể chống đỡ được những đòn đánh dẻo dai, ác hiểm của một vị tướng trẻ đầy tài năng. Giao đấu được mười đường gươm, mũi lao thì Nestor yếu thế phải bỏ chạy. Thấy vậy tướng Paris giương cung bắn một phát. Mũi tên không trúng ông già Nestor mà lại trúng vào con ngựa trong cỗ xe. Con ngựa bị đau lồng lên kéo vật đổ cỗ xe xuống đất. Cái chết như đang đổ ập xuống đầu cụ già. May mắn làm sao, người con trai của cụ, dũng tướng Antiloque kịp thời đến ứng cứu. Chàng bê ngay một tảng đá lớn có dễ đến hai ba người khiêng mới nổi, ném mạnh về phía Memnon. Tảng đá bay đi trượt trên đầu Memnon, khẽ quệt phải chiếc mũ trụ bằng đồng và vàng dày dặn. Nếu như không có chiếc mũ trụ ấy do thần Thợ rèn-Héphaïstos ban cho thì Memnon đã hồn lìa khỏi xác. Memnon loạng choạng rồi đứng vững lại được ngay. Chàng đánh trả. Một ngọn lao bay đi xuyên thẳng vào ngực Antiloque làm vỡ nát trái tim người con trai của lão vương Nestor, và Antiloque ngã ngửa người ra, hai tay giơ lên chới với. Quân Hy Lạp lập tức xông lên bảo vệ thi hài Antiloque quyết không cho Memnon tước đoạt bộ áo giáp, vũ khí và chiếc khiên. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Lão vương Nestor trước tình hình bất lợi như thế phải cử ngay người đi cấp báo cho Achille biết diễn biến trên chiến trường. Được tin Antiloque chết, Achille hốt hoảng băng ngay ra trận. Chàng biết rằng giáp chiến với Memnon là chàng đã tự rút ngắn đời mình. Song trước tình hình nước sôi lửa bỏng như lúc này đây, Achille chỉ biết xông tới dốc hết sức mình ra để phò cứu nguy khốn. Antiloque chết làm cho Achille vô cùng đau đớn. Bởi vì sau Patrocle, chàng là người bạn gần gũi thân thiết hơn cả với Achille. Thấy Achille, Memnon liền vác ngay một tảng đá ném mạnh. Tảng đá trúng chiếc khiên đồng nhưng không đè bẹp nổi khiên mà lại bị văng ra tận xa. Achille đánh trả. Chàng phóng một mũi lao, và mũi lao bay đi không đến nỗi vô ích. Nó đâm trúng vai Memnon làm Memnon bị thương, nhưng Memnon đâu có phải vừa. Mũi lao đánh trả của chàng làm Achille bị thương vào tay. Không còn lao, hai người rút gươm xông vào nhau. Tiếng vũ khí va chạm, gươm chém gươm, gươm chém khiên vang lên xoang xoảng nghe rợn cả người... Cuộc giao đấu diễn ra bất phân thắng bại vì hai dũng tướng đều là con của các vị thần và đều có sức mạnh và tài năng ngang nhau. Nữ thần Thétis và nữ thần Éos ngồi trên đỉnh Olympe theo dõi cuộc giao tranh của hai đứa con. Hai nữ thần đều cầu khấn thần Zeus bênh vực con mình, ban cho con mình thắng lợi và chiến công vinh quang bất diệt. Thần Zeus bèn lấy chiến cân vàng ra và đặt vào hai đĩa cân hai miếng đồng tượng trưng cho số phận của hai người. Đoạn thần cầm giữa cân nâng lên. Đĩa cân Memnon nặng nghiêng về phía dưới. Thế là Memnon phải chết vì tay Achille. Bằng một đòn ác hiểm, Achille thọc gươm trúng ngực Memnon. Memnon kêu rú lên một tiếng rồi ngã xuống kết thúc số phận của mình. Nữ thần Rạng đông-Éos đau đớn khóc than cho cái chết của đứa con trai yêu quý, còn thần Zeus, xót thương số phận người anh hùng con của Éos, đã ban cho chàng sự bất tử. Thi hài của chàng được quấn bọc trong những tấm vải đỏ rực rỡ và được các vị thần Gió đưa đến bờ sông Ésépe xa xôi để làm lễ an táng. Các nàng Nymphe dựng cho chàng một nấm mồ đẹp và khóc thương chàng. Còn đạo quân Éthiopie được các vị thần biến thành một bầy chim mang tên Memnodides. Bầy chim này mỗi năm một lần bay về hạ cánh ở ngôi mộ của Memnon thăm viếng thủy chung. Còn những giọt nước mắt đau xót của nữ thần Rạng đông-Éos khóc thương đứa con trai yêu quý của mình thì ngày nay chúng ta vẫn thường thấy, đó là những hạt sương sớm long lanh trên ngọn lá cây.

Achille tử trận

Sau khi hạ được dũng tướng Memnon, Achille tiếp tục cầm đầu quân Hy Lạp tiến công quân Troie. Chàng tả xung hữu đột hạ hết danh tướng này đến danh tướng khác của quân Troie. Quân Troie từ lâu đã biết sức mạnh và tài năng của người anh hùng Achille cho nên khi thấy các vị tướng của mình lần lượt ngã xuống trước mũi lao của Achille thì họ chỉ còn nghĩ đến việc tháo chạy cho nhanh về thành. Đứng trước nguy cơ thành Troie bị thất thủ, thần Apollon bèn xông ra ứng cứu. Thần thét lên bắt Achille ngừng cuộc tấn công, nhưng Achille bất tuân thượng lệnh. Chàng cứ lao vào quân Troie. Hơn nữa chàng vẫn nuôi giữ một mối căm tức đối với thần Apollon vì thần đã nhiều lần phù hộ cho Hector và quân Troie làm giảm đi chiến công của chàng. Apollon đến trước mặt Achille ngăn chàng lại. Achille nổi giận, tiện tay đang cầm ngọn lao bèn giương lên chĩa vào mặt vị thần và quát:

- Hỡi vị thần mang cây cung bạc! Hãy mau mau tránh xa khỏi cuộc chiến bạo tàn này, nếu không sẽ bị ngọn lao của Achille làm thủng da rách thịt đó!

Chà, chà! Quả là những lời nói khinh thị thánh thần, muôn phần ngạo mạn. Một số phận nghiệt ngã đã làm cho Achille mù quáng. Thần Apollon làm sao có thể chịu đựng được những lời xấc xược như thế. Thần không còn nhớ đến lời thề hứa trong đám cưới Pélée-Thétis, lời thề hứa sẽ bảo vệ cho người con do nữ thần Thétis sinh ra. Thần quyết bắt Achille phải đền tội.

Lúc này Paris đang giương cung bắn tới tấp về phía quân Hy Lạp và Achille. Nhiều chiến binh Hy Lạp đã ngã gục dưới trận mưa tên của Paris. Song Achille thì vẫn vững như bàn thạch. Bởi chàng xưa kia đã được tôi luyện trong nước sông âm phủ Styx và trong ngọn lửa hồng bất diệt. Chàng tuy không được trở thành bất tử song giết được chàng đâu phải là chuyện dễ dàng. Chỉ có đánh trúng gót chân của chàng mới có thể bắt chàng từ giã cõi đời. Còn đánh vào bất cứ nơi nào trên thân thể chàng thì chỉ có thể làm chàng bị thương. Thần Apollon nắm bắt ngay lấy tình thế đó. Những trận mưa tên đang đổ xuống quân Hy Lạp. Thần bèn hóa thành một đám mây đen để cho không một ai trông thấy và bằng cách ấy thần đón một mũi tên của Paris bắn về phía Achille, điều khiển nó, hướng nó đâm vào gót chân người con của Pélée. Chính xác thay khi các vị thần đã ra tay! Một mũi tên bay đi, xé gió nhanh như một ánh chớp cắm phập vào gót chân của Achille. Đang chiến đấu say sưa, Achille bỗng thấy đau nhói ở gót chân. Chàng biết ngay số phận chàng đến đây là kết thúc. Bởi vì xưa nay với đặc ân của mẹ chàng ban cho, chàng không hề cảm thấy nỗi đau đớn khi mũi lao đồng hay nhát gươm sắc đâm chém vào thân thể chàng. Chàng thu hết sức lực đưa tay xuống gót chân rút mũi tên ra rồi ngã vật xuống đất, nhưng rồi chàng lại bật dậy cầm lấy vũ khí lao vào quân Troie giết thêm nhiều tên nữa. Song chàng đuối sức dần. Chàng lảo đảo như muốn ngã. Chàng nắm lấy lao cắm xuống đất tựa vào nó để cố đứng được. Chàng nhìn vào đám quân Troie hét lớn:

- Hỡi những người Troie không trung thực! Các ngươi sẽ còn phải chịu những tai họa lớn hơn nữa. Đô thành của các ngươi sắp đến ngày bị đốt thành tro bụi. Ta sẽ trả thù các ngươi ngay cả khi ta đã từ giã cuộc sống tràn đầy ánh sáng này! Các ngươi sẽ phải đền tội.

Nghe tiếng thét của Achille, quân Troie kinh hãi quá chừng. Một cảnh tháo chạy cuống cuồng, hỗn loạn diễn ra trước mắt người anh hùng đang hấp hối. Achille đã kiệt sức. Chàng rời tay khỏi ngọn lao và ngã vật xuống đất. Bộ áo giáp đồng sáng choang, vàng chói rung lên những tiếng giận dữ, và mặt đất cũng nghiến răng rền rĩ theo. Thế là người anh hùng con của Pélée và nữ thần Biển-Thétis từ bỏ cuộc chiến đấu sục sôi ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Thấy Achille bị giết, quân Troie sau một hồi thăm dò liền bổ đến bao vây định cướp thi hài. Cuộc chiến đấu quanh thi hài Achille diễn ra hết sức ác liệt. Máu chảy thành sông, thây chất thành núi. Cát bụi mù trời. Cứ như cục diện giao tranh diễn ra thì không ai biết đến bao giờ mới phân thắng bại, nhưng thần Zeus dồn mây mù không muốn kéo dài cuộc giao tranh. Từ đỉnh Olympe, thần vung tay giáng xuống một tiếng sét nổ vang, khói bụi bốc lên như một đám mây dày đặc, lửa cháy bừng bừng. Quân Troie phải lui xa khỏi thi hài Achille. Lợi dụng tình hình đó, tướng Ajax Lớn, con của Télamon lao vào vác thi hài Achille chạy về khu vực chiến thuyền. Tướng Ulysse ngăn chặn quân Troie để yểm hộ cho Ajax, vừa chống đỡ vừa rút lui.

Achille tử trận! Tổn thất này thật là lớn lao đối với quân Hy Lạp. Để bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của một vị tướng kiệt xuất, quân Hy Lạp tổ chức lễ tang cho người anh hùng rất trọng thể. Họ rửa ráy sạch sẽ thi hài Achille, xức dầu thơm cùng với các thứ hương liệu khác, sau đó đặt Achille lên một chiếc giường được trang hoàng rất lộng lẫy. Rồi mọi người từ các tướng lĩnh cho đến chiến binh đứng túc trực quanh thi hài của chàng khóc than, kể lể công lao của chàng và nỗi đau đớn xót xa trước việc chàng phải từ giã cuộc sống chiến đấu với những chiến công vinh quang mà không một vị tướng nào sánh kịp. Tiếng khóc của họ vang lên trời cao, dội xuống biển sâu. Nữ thần Biển-Thétis và các chị em Néréides của nàng nghe tiếng khóc dội xuống, bủn rủn cả người, vội vàng đội sóng biển đi lên mặt đất. Thấy con mình đã chết, nữ thần Thétis thét lên một tiếng. Tiếng thét của vị nữ thần Biển thật khác thường. Quân Hy Lạp nghe tiếng ấy kinh hoàng thất đảm vội vã bỏ chạy. May thay lão vương Nestor kịp thời can ngăn họ lại. Suốt mười bảy ngày liền nữ thần Thétis, các tiên nữ Néréides, các tướng lĩnh cũng như các chiến binh Hy Lạp khóc than bên thi hài người anh hùng Achille. Các nàng Muses, những con gái yêu của Zeus, từ đỉnh Olympe bay xuống, đứng quanh thi hài Achille hát những bài ca tang lễ. Các vị thần Olympe cũng khóc than thương tiếc cho cái chết của người anh hùng con của lão vương Pélée và nữ thần Biển-Thétis vốn là dòng dõi của đấng phụ vương Zeus uy nghiêm. Cho đến ngày thứ mười tám khi giàn củi đã thiết lập xong, người ta mới khiêng thi hài Achille ra làm lễ hỏa táng. Biết bao nhiêu lễ vật quý giá được dâng hiến cho buổi lễ này. Cũng như xưa kia trong lễ tang của Patrocle, quân Hy Lạp đem những tù binh Troie ra giết rồi ném thi hài vào giàn lửa để tế vong hồn người chết. Sau khi giàn củi cháy hết, quân Hy Lạp đi thu nhặt hài cốt của Achille bỏ vào một chiếc bình vàng đẹp đẽ vốn của thần Rượu nho-Dionysos dâng tặng cho nữ thần Thétis, mẹ của Achille. Tiếp đó, quân Hy Lạp lấy hài cốt của Patrocle đem bỏ chung vào chiếc bình đó rồi làm lễ an táng. Người ta đào một cái huyệt để chung ba danh tướng của quân Hy Lạp: Patrocle, Antiloque và Achille. Quân Hy Lạp xây cho những vị anh hùng một ngôi mộ rất to, rất cao để cho thuyền bè đi ngoài khơi xa cũng nhìn thấy. Phần cuối của lễ tang là những cuộc thi đấu thể thao. Nữ thần Thétis mang từ dưới biển lên những tặng vật quý giá để làm phần thưởng cho những người chiến thắng. Quân Hy Lạp bảo nhau: những phần thưởng đó quý giá đến nỗi nếu như Achille còn sống hẳn rằng chàng cũng phải ham thích say mê, và nếu chàng tham dự các cuộc thi, chắc chắn chàng sẽ đoạt hầu hết các giải. Người xưa kể, Achille tuy đã được chôn cất dưới một nấm mồ to đẹp nhưng chàng không yên nghỉ tại đấy. Nữ thần Thétis đưa chàng đến một hòn đảo xa tít tắp ở biển Pont-Euxin và ở đây chàng tiếp tục cuộc sống của mình, một cuộc sống đầy bí ẩn. Cho mãi đến tận sau này mỗi khi thuyền bè đi ngang qua hòn đảo đó, các thủy thủ đôi khi vẫn còn nghe thấy tiếng binh khí va chạm nhau xoang xoảng tưởng chừng như những cuộc giao tranh long trời lở đất vẫn đang diễn ra. Đêm đêm có khi lại nghe thấy vẳng lên những câu ca, điệu hát như trong các buổi yến tiệc tưng bừng. Người ta bảo, đó là Achille và các chiến hữu của mình đang tiếp tục cuộc sống của những dũng tướng anh hùng của thời đại trước.

Ajax Lớn, con của Télamon, tự tử

Sau khi Achille chết, trong hàng ngũ quân Hy Lạp xảy ra một câu chuyện vừa xấu xa bỉ ổi vừa đau đớn thương tâm. Đó là việc quyết định xem ai là người được thừa kế bộ áo giáp và chiếc khiên của Achille, một báu vật do thần Thợ rèn-Héphaïstos đã tốn bao công sức mới tạo nên được. Nữ thần Thétis không thể chỉ định xem ai là người được nhận cái vinh dự này bởi nàng chẳng biết dựa vào điều gì để phán quyết. Achille cũng chẳng dặn lại trao báu vật của mình cho ai. Quả là khó xử. Cuối cùng nữ thần Thétis phán truyền cho hai anh em Agamemnon và Ménélas biết chủ kiến của bà: hãy trao báu vật đó cho vị tướng nào đã chiến đấu xuất sắc nhất trong trận đánh bảo vệ thi hài Achille. Căn cứ vào lời phán truyền ấy thì tướng Ajax Lớn hoặc Ulysse phải được nhận bộ áo giáp và chiếc khiên vì hai chàng là những người đã có công lớn trong việc đẩy lui quân Troie và mang thi hài Achille về doanh trại, nhưng phần thưởng chỉ có một mà người xứng đáng lại có hai. Chỉ còn cách bỏ phiếu kín để quyết định. Người ta nêu ra một câu hỏi cho các tù binh Troie: trong hai vị tướng Hy Lạp, Ajax và Ulysse, ai là người xuất sắc nhất, đáng sợ nhất? Và đặt hai bình đựng phiếu, một của Ajax, một của Ulysse. Tưởng việc làm như thế thì minh bạch và công bằng, nhưng không, nữ thần Athéna vì yêu quý Ulysse và thù ghét Ajax đã xúi giục, bày đặt cách gian lận cho anh em Atrides để khi kiểm phiếu Ulysse được nhiều phiếu hơn. Sở dĩ nữ thần ghét Ajax là vì trong những trận chiến đấu với quân Troie đã có lần Ajax coi thường, khước từ sự giúp đỡ của nữ thần. Đó là một hành động ngạo mạn, kiêu căng đáng phải trừng phạt. Kết quả là bằng những thủ đoạn gian lận, bỉ ổi, xấu xa do nữ thần Athéna bày đặt, Ulysse đã thắng, được thừa hưởng bộ áo giáp và cái khiên của Achille. Căm giận việc làm xấu xa, bỉ ổi của hai anh em Atrides, Ajax tìm cách trả thù. Đêm khuya hôm đó, Ajax mang gươm đột nhập vào đại bản doanh quân Hy Lạp mưu toan giết lũ quân canh rồi hạ sát hai anh em Atrides và Ulysse, nhưng nữ thần Athéna luôn luôn quan tâm đến Ulysse, luôn luôn ở bên cạnh Ulysse cũng như hai anh em Atrides để bảo vệ, giúp đỡ bộ ba tướng lĩnh này. Vì thế, khi thấy Ajax cầm gươm lẻn ra đi, nữ thần Athéna bèn làm cho người dũng sĩ này mất trí đi lạc đường ra bãi chăn nuôi. Nữ thần còn làm cho Ajax mất trí đến nỗi trông cuốc hóa gà, trông thấy đàn bò của quân Hy Lạp bắt được thả trên bãi hóa ra những chiến binh Hy Lạp, và thế là Ajax vung gươm xông vào chém giết và bắt một số giải về lều của mình. Chàng đinh ninh rằng mình đã giết chết hai anh em Atrides và bắt sống được Ulysse.

Trời sáng, quân Hy Lạp thấy súc vật bị giết bị mất bèn truy tìm và phát hiện ra thủ phạm là Ajax. Ulysse được lệnh đi rình bắt Ajax đem về nộp cho hai anh em Atrides để trị tội. Trong khi rình nấp, Ulysse được nữ thần Athéna hiện ra nói cho biết rõ đầu đuôi câu chuyện, và thế là câu chuyện Ajax tả xung hữu đột giữa đàn bò tưởng như là mình tả xung hữu đột giữa quân Hy Lạp, giết Agamemnon, hạ Ménélas, bắt sống Ulysse không cánh mà bay lan truyền từ miệng người này sang miệng người khác khắp trong toàn quân Hy Lạp.

Còn Ajax, sau cuộc tung hoành, hồi tỉnh lại. Nữ thần Athéna đã trả lại trí khôn cho chàng. Vì thế chàng đã tỉnh táo để nghe rõ tường tận câu chuyện do mình gây ra vừa qua, một câu chuyện lố bịch, tức cười do hành động điên rồ của chàng. Chao ôi! Thật quá ư xấu hổ, quá ư đau xót! Đúng là một hành động đê nhục không xứng đáng với danh dự của một dũng tướng danh tiếng, chiến công lừng lẫy. Chàng càng nghĩ lại càng thấy hổ thẹn, đau xót, càng thấy nhục nhã. Chàng thấy không thể sống được khi danh dự đã bị ô uế. Chỉ có cái chết mới giải thoát nổi cho chàng. Ajax nhờ người nữ tì Termesse nhắn lại người em ruột của mình và Teucer trông nom hộ chàng đứa con trai còn nhỏ, sau đó gửi đứa bé về quê hương Salamine để ông bà nội nuôi nấng giúp. Chàng lại dặn khi con chàng khôn lớn, Teucer sẽ trao cho nó chiếc khiên quý của mình, chiếc khiên dày bảy lớp da bò mà không một vũ khí nào đâm thủng được. Chàng mong muốn con chàng sẽ mang tên của chiếc khiên: Eurysaces. Dặn dò mọi việc xong, Ajax lấy thanh gươm mà xưa kia Nestor trao tặng cho mình, ra đi, nói là đi cầu xin các vị thần tha thứ cho hành động phạm thượng của mình và hiến dâng cho thần Hadès thanh gươm báu.

Teucer từ Mysie trở về. Chàng được nhà tiên tri Calchas báo cho biết, phải giữ Ajax lại trong lều trại hết ngày hôm nay, nếu để Ajax đi ra khỏi nhà sẽ gặp tai họa nguy hiểm đến tính mạng. Teucer vội cho quan hầu về phi báo cho mọi người biết, nhưng không kịp nữa rồi, Ajax đã ra đi. Mọi người chạy vội đi tìm Ajax, và người ta thấy chàng đã nằm chết bên bờ biển, một thanh gươm xuyên suốt qua ngực.

Được tin Ajax chết, hai anh em Atrides liền đến tận nơi xem xét. Họ ra lệnh cấm không cho chôn cất thi hài Ajax và coi đó là một hình phạt xứng đáng với tội phản nghịch của Ajax. Mệnh lệnh này của họ ban ra gây cho tướng Teucer một sự phẫn nộ, chàng kiên quyết kháng cự lại lệnh này, sẵn sàng đứng ra chấp nhận mọi thử thách, đương đầu để bảo vệ quyền được chôn cất cho thi hài người anh mình, dù phải trả bằng bất cứ giá nào. Quân Hy Lạp lại đứng trước nguy cơ của một sự chia rẽ phân biệt. May thay, người anh hùng Ulysse tới can thiệp. Chàng chỉ ra cho anh em Atrides biết, hành động trừng phạt đối với thi hài Ajax là vô nhân đạo và không cao thượng, hơn nữa vi phạm vào điều ngăn cấm của thánh thần. Chàng phân giải cho họ rõ, mặc dù Ajax vừa qua đã có hành động chống đối, thù địch đối với họ song dù sao Ajax cũng là một vị tướng có công lớn trong cuộc Chiến tranh Troie. Không thể đối xử bạc nghĩa như thế với một vị tướng có công, không nên căm thù, trả thù đối với một cái xác chết. Ajax xứng đáng được hưởng, và phải được hưởng những nghi lễ trọng thể trong việc an táng.

Cuối cùng hai anh em Atrides phải nhượng bộ. Quân Hy Lạp lại có thêm một nấm mồ được xây dựng to đẹp bên cạnh nấm mồ chung của những người anh hùng: Patrocle, Antiloque và Achille. Đó là nấm mồ của Ajax Lớn, con của Télamon, quê ở Salamine, người anh hùng mà tài năng và sức mạnh trong toàn quân Hy Lạp chỉ chịu thua kém có Achille.

Chiến công của Ulysse. Philoctète tham chiến

Sau khi hai vị tướng kiệt xuất của quân Hy Lạp là Achille và Ajax chết, quân Hy Lạp vẫn không vì thế mà từ bỏ ý định đánh chiếm thành Troie. Ngược lại, họ càng hăng hái hơn, quyết tâm hơn, vì như lời phán truyền của Số mệnh, thành Troie sẽ bị hạ vào năm thứ mười của cuộc giao tranh, và bây giờ chính là thời điểm ấy. Họ, quân Hy Lạp, đang ở vào thời điểm ấy. Từ đây trong hàng ngũ của quân Hy Lạp nổi bật lên một tài năng mới vô cùng kiệt xuất, nếu kể về lòng dũng cảm và tài võ nghệ xem ra chẳng thua kém Achille, Ajax là bao, nhưng về tài tháo vát, trí thông minh, đầu óc đặt mưu sâu, bày kế hiểm thì chưa từng một ai sánh nổi. Đó là Ulysse hay còn gọi là Odyssée, tên tuy hai nhưng người chỉ một, con của lão vương Laerte, quê hương ở hòn đảo Ithaque nhỏ bé nghèo nàn, quanh năm bốn bề sóng vỗ. Chiến công của Ulysse thì nhiều nhưng chúng ta làm sao có thể kể hết được. Chỉ xin kể một chiến công có ý nghĩa quyết định đối với số phận thành Troie.

Trước hết ta phải kể chiến công bắt sống Hélénos, con của lão vương Priam, vốn là một nhà tiên đoán tài giỏi, anh em sinh đôi với Cassandre cũng nổi danh vì tài tiên đoán. Được biết Hélénos giữ kín một lời sấm ngôn của thần thánh về số phận thành Troie, một lời sấm ngôn rất cơ mật và tối ư hệ trọng, Ulysse ngày đêm vắt óc tính kế đoạt bằng được điều bí mật đó. Kế gì? Đem đại binh vây đánh để bắt sống Hélénos ư? Chắc gì đã được? Hơn nữa, trong cuộc hỗn chiến bạo tàn, tên bay đạn lạc, có thể Hélénos bị chết. Như thế thì mưu lớn không thành mà đại sự cũng hỏng. Vả lại quân Troie chẳng dại gì mà để Hélénos xông pha ra nơi trận tiền mà không ai bảo vệ. Tính toán hết mọi đường mọi nẻo, Ulysse thấy chỉ có cách cải trang lọt vào thành Troie bắt sống Hélénos đem ra là hay hơn cả, và chàng đã đích thân thực thi kế hiểm của mình. Sau nhiều ngày đêm lăn lội điều tra, dò xét để biết được nơi ăn chốn ở của Hélénos cùng sự canh phòng của quân Troie, bữa kia nhằm vào một đêm tối trời không trăng không sao, Ulysse đột nhập vào thành Troie bắt sống Hélénos, bắt một cách rất êm thấm, đưa về doanh trại quân Hy Lạp. Thế là quân Hy Lạp đoạt được lời sấm ngôn cơ mật, bí truyền. Theo lời khai của Hélénos, thành Troie chỉ có thể bị hạ nếu quân Hy Lạp thực hiện được những việc sau đây: Một là, đưa dũng tướng Philoctète cùng cây cung của người anh hùng Héraclès mà Philoctète được thừa hưởng tới thành Troie tham chiến. Hai là, đưa người con trai của Achille là chàng Néoptolème từ đảo Skyros tới tham chiến. Ba là, di chuyển hài cốt của người anh hùng Pélops tới đất Troie.

Trong ba việc này thì việc thứ nhất là khó khăn hơn cả. Ulysse dù sao cũng quyết thực hiện bằng được. Trước hết, chàng từ thành Troie trở về đảo Skyros xin với vua Lycomède cho Néoptolème, người cháu ngoại của nhà vua, con của Achille và công chúa Déidamie, xuất trận. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, Néoptolème tính nết cũng như cha, vừa được ông ngoại cho biết là nóng sôi lên sùng sục chỉ muôn bay ngay sang thành Troie. Mặc dù mẹ chàng khóc lóc, khuyên can chàng đừng dấn thân vào cuộc đời chinh chiến, nhưng chàng vẫn cứ lên đường. Chàng đang khát khao những chiến công vĩ đại để tỏ ra xứng đáng với dòng dõi Achille.

Trên đường từ đảo Skyros sang thành Troie, Ulysse cho thuyền ghé lại đảo Lemnos. Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ trong hành trình vượt biển sang thành Troie xưa kia, chín năm trước kia, quân Hy Lạp đã bỏ lại, bỏ lại một cách vô cùng tàn nhẫn tướng Philoctète trên đảo Lemnos. Hồi đó, Philoctète bị rắn cắn, vết thương sưng tấy, mưng mủ hôi thối khiến Philoctète luôn miệng rên la, than vãn. Điều đó ảnh hưởng tới cuộc hành binh, nhất là làm ô uế, phàm tục những lễ hiến tế trọng thể. Giờ đây trở lại Lemnos, nhưng làm sao, làm thế nào mà đưa Philoctète sang tham chiến với quân Hy Lạp ở thành Troie? Ulysse thì không dám xuất đầu lộ diện rồi, chỉ vì trông thấy Ulysse là Philoctète đã bừng bừng nộ khí và chắc chắn rằng sẵn cung tên trong tay, Philoctète không ngần ngại gì mà không nã cho cái kẻ đã đề xuất ra việc làm độc ác, tàn nhẫn đó một phát. Trúng một phát tên tẩm máu độc của con mãng xà Hydre thì không danh y nào, thần y nào cứu chữa được. Ulysse bèn nghĩ ra một kế khá thâm độc. Chàng và một số thuộc hạ đứng chờ Néoptolème ở ngoài thuyền, Néoptolème sẽ lên đảo tìm bằng được chỗ ở của Philoctète, lân la trò chuyện, kể một câu chuyện bịa đặt để gây cảm tình với Philoctète đặng rủ được Philoctète xuống thuyền trở về quê hương Hy Lạp, và khi biết Philoctète đã xuống thuyền rồi thì coi như trót lọt. Nghe Ulysse bày mưu đặt kế, Néoptolème đã thấy ngài ngại. Với tuổi trẻ trong sáng, thẳng thắn của mình, Néoptolème thực tâm không muốn làm một việc dối trá lừa gạt, nhưng trước quyền uy và sự thúc ép, thuyết phục của Ulysse, cuối cùng Néoptolème nhận thi hành kế sách. Néoptolème tìm được chỗ ở của Philoctète. Đó là một cái hang khá sâu có hai cửa, ở bên một dòng suối không bao giờ cạn. Đang khi chờ đợi thì Philoctète từ đâu khập khiễng lê bước về. Vết thương ở chân ông vẫn chưa khỏi, đi lại vẫn rất khó khăn và đau đớn. Sau vài lời thăm hỏi, xưng danh, Néoptolème thuật lại cho Philoctète nghe, nguyên do vì sao chàng đến nơi này. Và đây là câu chuyện do Ulysse bịa đặt ra và giao cho Néoptolème kể:

- Một hôm, Ulysse và lão ông Phénix, người bố nuôi của cha tôi từ thành Troie về tìm tôi. Hai người cho tôi biết, Achille đã tử trận và các đấng thần linh dành cho tôi cái vinh dự kết thúc số phận thành Troie. Nghe những lời nói đẹp đẽ của họ, tôi xuống thuyền cùng với họ vượt biển sang Troie vì trước hết tôi muốn nhìn mặt cha tôi lần cuối trước khi quân Hy Lạp làm lễ mai táng cho người. Khi tôi đến, quân Hy Lạp đứng đón tôi đông nghịt. Gặp tôi, người nào cũng nói cứ như là được nhìn thấy Achille sống lại. Tôi đến bên thi hài cha tôi để vĩnh biệt người. Sau đó, tôi đến gặp hai anh em Atrides và hỏi xin lại những đồ binh khí của cha tôi cũng như tất cả những gì là tài sản của người, nhưng họ trả lời tôi với một giọng lưỡi trắng trợn không thể nào lọt tai được: “Này, hỡi người con của Achille thần thánh! Của cải, tài sản của cha anh thì trước sau vẫn là của anh, sẽ trả lại cho anh thôi! Nhưng còn bộ áo giáp và chiếc khiên cùng với ngọn lao, thanh kiếm thì đã trao cho một vị tướng khác rồi, vị đó và Ulysse. Hiện nay Ulysse đang sử dụng những thứ đó!” Nghe họ nói thế, tôi không thể nín nhịn được sự căm giận. Tôi mắng họ: “Các ông làm ăn như thế là thế nào? Thật là một lũ khốn nạn! Mặt mũi nào mà các ông đem những thứ đồ binh khí của cha tôi đi trao cho người khác mà không thèm hỏi tôi lấy một lời”. Lúc đó Ulysse cũng có mặt tại đấy. Ông ta trả lời tôi: “Các vị ấy làm như thế là đúng đấy cháu ạ! Cháu thử nghĩ xem nếu không có ta thì những đồ binh khí đó cùng bộ áo giáp và chiếc khiên cũng như thi hài của cha cháu đã rơi vào tay quân Troie rồi”. Thế là tôi chẳng còn nể nang gì nữa, tôi làm ầm lên, chửi thẳng vào mặt bọn họ và bỏ ra về. Tôi quyết định không ở lại chiến đấu với họ nữa. Trở về quê hương Hy Lạp, trở về hòn đảo Skyros thân yêu của tôi là hơn hết.

Sau khi thuật hết câu chuyện, Néoptolème rủ Philoctète trở về quê hương Hy Lạp với mình. Còn gì sung sướng hơn nữa, Philoctète nhận lời ngay. Đối với ông, kéo dài mãi cái cuộc sống khổ nhục ở chốn rừng xanh hoang dại này trong cảnh bị vết thương dày vò đau đớn, lê từng bước đi tìm kiếm thuốc, kiếm miếng ăn bằng săn bắn là việc ngoài ý muốn của ông. Chỉ vì không gặp được người đồng hương, đồng chí, đồng tình nên ông mới phải chịu cảnh sống đọa đầy suốt chín năm trường. Ông khắc cốt ghi xương mối thù với bọn người tàn bạo, hai anh em Atrides và Ulysse.

Hai người vừa đi được vài bước thì Ulysse cho một tên thuộc hạ cải trang làm một thương nhân đến gặp Néoptolème báo tin cho biết: quân Hy Lạp cử lão vương Phénix và những người con trai của Thésée xuống thuyền truy đuổi Néoptolème. Tướng Ulysse và Diomède đang trên đường tới hòn đảo này để tìm Philoctète, mời Philoctète về tham dự cuộc Chiến tranh Troie. Nếu Philoctète chống cự lại thì họ sẽ dùng vũ lực cưỡng bức, bắt bằng được Philoctète về. Hãy mau mau đi thoát khỏi hòn đảo này kẻo sa vào tay bọn họ.

Tình cảnh thật hiểm nghèo như vậy mà Philoctète lại không lê nổi bước chân. Mỗi bước đi của ông thật khó nhọc và đau đớn. Ông trao cây cung cho Néoptolème và cầu xin chàng trẻ tuổi đừng bỏ rơi ông, trong bước đường khó khăn gian khổ. Một cơn đau dữ dội khiến Philoctète tưởng chừng muốn ngất. Ông phải nghỉ ngơi một hồi lâu rồi mới tiếp tục lê bước được.

Thấy tình cảnh cơ cực, thương tâm của Philoctète như vậy, Néoptolème không đành lòng che giấu sự thật, lừa gạt một con người trung thực. Chàng nói rõ cho Philoctète biết đầu đuôi câu chuyện, nói rõ tất cả những trò bày đặt ra từ nãy đến giờ chỉ là nhằm dụ dỗ, lừa được Philoctète xuống thuyền để đưa ông sang thành Troie. Chàng thuyết phục ông sang thành Troie với mình để cùng chiến đấu vì sự nghiệp của quân Hy Lạp. Philoctète kiên quyết khước từ. Ông đòi Néoptolème trả lại cho ông cây cung vì đó là chỗ dựa duy nhất của ông, phương tiện duy nhất của ông để kiếm nguồn thức ăn nuôi sống cuộc đời cô quạnh trong hang sâu rừng thẳm. Đang lúc đó thì Ulysse vì chờ đợi quá lâu, từ ngoài biển chạy vào xem sự thể ra sao. Ulysse bực tức ra lệnh cho Néoptolème phải trao cho mình cây cung và thét vang sai đám thuộc hạ xông vào áp giải Philoctète. Philoctète kiên quyết chống lại. Ông quyết định nếu chúng áp sát ông gieo mình xuống vực sâu kết liễu cuộc đời. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy, Néoptolème không thể nào làm một việc tàn nhẫn là trao cho Ulysse cây cung của Philoctète và cùng xuống thuyền với Ulysse, bỏ mặc Philoctète lại. Chàng thấy căm thù Ulysse. Chàng trao trả cây cung cho Philoctète. Được trả lại vũ khí, Philoctète vô cùng mừng rỡ, ông lắp tên, giương cung toan cho Ulysse, cái con người xảo quyệt lừa lọc ấy, một phát để hắn biết thế nào là nỗi uất hận của ông. May làm sao là may! Néoptolème kịp thời ngăn chặn lại được. Nhờ đó Ulysse chạy thoát.

Néoptolème ra sức thuyết phục Philoctète đi cùng với mình sang thành Troie. Vô ích. Thuyết phục thế nào Philoctète cũng không nghe, không chuyển. Thật là vô cùng rắc rối và bế tắc. Nếu Philoctète không ưng thuận sang thành Troie chiến đấu với quân Hy Lạp thì biết đến bao giờ thành Troie mới bị hạ. Số mệnh và lời phán truyền của thần thánh đã tiền định rõ ràng, nhưng muốn thực hiện được điều tiền định của Số mệnh và lời phán truyền của thần thánh thì phải thực hiện được việc mời Philoctète tới thành Troie để tham gia chiến trận.

Bỗng trên không trung có tiếng nổ ầm vang. Thần Héraclès xuất hiện trong ánh hào quang rực rỡ, uy nghi và thiêng liêng. Từ trên cao người anh hùng con của Zeus được gia nhập vào thế giới thần linh bất tử, người anh hùng, sư phụ của Philoctète phán truyền:

- Hỡi Philoctète, người đồ đệ thân yêu của ta, người đã được ta trao cho cây cung và ống tên kỳ diệu, để kế tục sự nghiệp của ta! Ta đã biết rõ tất cả mọi chuyện, nhưng dù sao nhà ngươi hãy dẹp đi nỗi uất hận với quân Hy Lạp vì tội họ đã đối xử tệ bạc với ngươi. Nhà ngươi hãy nghĩ đến sự nghiệp vẻ vang của thần dân Hy Lạp trong cuộc viễn chinh sang thành Troie và trách nhiệm của nhà ngươi đối với sự nghiệp đó. Lẽ nào nhà ngươi thừa hưởng cây cung và ống tên thần của ta chỉ để săn bắt chim muông sống cho qua ngày đoạn tháng ở cái hòn đảo cô quạnh này ư? Nhà ngươi định chôn vùi sự nghiệp của một danh tướng Hy Lạp ở hòn đảo này ư? Và chiến công cũng như vinh quang của nhà ngươi là đã giết thú, hạ chim ư? Không, không thể như vậy được. Nhà ngươi hãy lên đường sang thành Troie để tham gia chiến trận. Chính nhà ngươi lãnh sứ mạng rất quan trọng là góp phần công sức lớn vào việc hạ thành Troie. Quân Hy Lạp phải chữa cho nhà ngươi lành vết thương để nhà ngươi xuất trận. Quân Hy Lạp phải suy tôn, trọng vọng nhà ngươi như một vị danh tướng không thua kém bất cứ một danh tướng nào. Philoctète hỡi! Ngươi khá yên lòng! Ngươi hãy xứng danh là đồ đệ không thể chê trách được của ta - người anh hùng con của Zeus chí kính toàn năng.

Nghe những lời phán truyền ấy, Philoctète chấp nhận việc tham chiến cùng với quân Hy Lạp. Việc đầu tiên khi con thuyền cập bến là người ta khiêng Philoctète lên lều trại để chữa chạy vết thương ở chân cho ông. Vị danh y thần thánh Asclépios, con của thần Apollon cùng với người con trai của ông là nhà danh y Machaon đích thân chữa cái vết thương đã thành ung nhọt ăn sâu vào xương tủy ấy. Thần Apollon cũng đến giúp sức trong việc chữa chạy này. Thế là cả ba thế hệ từ ông cho đến cháu chữa cho Philoctète. Người ta đặt Philoctète nằm trên một chiếc giường đẹp và cao. Thần Apollon bằng pháp thuật của mình làm cho Philoctète ngủ đi một giấc dài, một giấc ngủ thật say, khi đó Machaon xem xét vết thương, lấy dao cắt những chỗ thịt thối vứt đi rồi đem rượu vang thần thánh rửa vết thương cho thật sạch, sau đó đắp vào vết thương một thứ lá thuốc thần diệu mà chỉ có vị thần y Asclépios và người con trai trứ danh của mình là Machaon biết. Thần Asclépios may mắn được thần Centaure Chiron truyền dạy cho. Thần đã lặn lội vào rừng sâu tìm thứ lá thuốc thần diệu để về chữa chạy cho Philoctète. Mấy ngày sau, vết thương ở chân của Philoctète khỏi, khỏi hẳn, và người chiến sĩ, đồ đệ trung thành của thần Héraclès, với cây cung và ống tên thần của mình bước vào cuộc giao tranh.

Qua việc chữa vết thương cho Philoctète, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng vào thời đó người Hy Lạp cổ đã biết cách “gây mê” để thực hiện một phẫu thuật, và vị “bác sĩ gây mê” chính là thần Apollon đã gây ra giấc ngủ thần thánh. Trong trường hợp này, không phải là nhiệm vụ của thần Giấc ngủ-Hypnos, vì Hypnos chỉ là Giấc ngủ nói chung, còn giấc ngủ của Apollon gây ra là giấc ngủ riêng biệt nằm trong “phạm trù” chữa bệnh! Dự đoán nói trên của những nhà nghiên cứu về trình độ y học của người Hy Lạp cổ có những cơ sở khoa học. Trong anh hùng ca Iliade của Homère, tác giả đã miêu tả, thường là khá cụ thể và rõ ràng, một trăm bốn mươi mốt trường hợp các dũng sĩ bị thương, các vết thương. Để chữa những vết thương đó, Homère cũng đã miêu tả cho chúng ta biết vai trò và hoạt động của những thầy thuốc như: rửa vết thương cho sạch máu mủ, băng bó, dịt vết thương bằng cách rắc vào vết thương một loại bột nghiền ra từ những loại rễ cây. Nghề thầy thuốc trong anh hùng ca Iliade được đánh giá rất cao. Một thầy thuốc giá trị bằng nhiều người - Homère đã viết như thế. Ngày nay, Machaon trong văn học thế giới chuyển nghĩa như một danh từ chung chỉ người thầy thuốc tài giỏi.

Lại nói về Philoctète. Bước vào cuộc giao tranh, chiến công đầu tiên của người anh hùng này là kết liễu số phận Paris, kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh núi xương sông máu. Bằng một phát tên, Philoctète bắn bị thương người con trai của vua Priam giàu có. Chất độc ở mũi tên làm cho Paris đau đớn, quằn quại kéo dài. Chàng nói với gia nhân khiêng chàng vào ngọn núi Ida với hy vọng rằng có thể được người vợ xinh đẹp là tiên nữ Nymphe Oenone cứu chữa.

Xưa kia khi Paris còn là một người chăn chiên trong núi rừng Ida trước khi chàng được vinh dự đứng ra phân xử vụ tranh giành quả táo vàng Tặng người đẹp nhất, chàng đã có một mối tình rất trong trẻo và thơ mộng với người thiếu nữ con của thần Sông-Cébren. Oenone yêu Paris say đắm, tha thiết. Nàng có tài tiên đoán. Nàng đã tiên báo trước cho Paris biết sẽ xảy ra cuộc Chiến tranh Troie và trong cuộc chiến tranh ấy chàng sẽ gặp phải một số phận bi thảm cũng như thành Troie sẽ không tránh khỏi thảm họa tiêu vong. Nàng hy vọng vì thế Paris sẽ sống gắn bó với nàng, không bỏ nàng, nhưng Paris lại bị bắt để đứng ra phân xử vụ tranh chấp quả táo vàng, và chàng đã xử cho Aphrodite thắng. Aphrodite giữ lời hứa “hậu tạ” lại chàng. Chẳng nhẽ chàng khước từ tặng phẩm của một nữ thần đầy quyền uy và pháp thuật, và như chúng ta đã biết Paris trở về thành Troie như thế nào, vượt biển sang đất Sparte chinh phục được Hélène như thế nào... Oenone ở lại nơi rừng xanh núi biếc với nỗi giận hờn và buồn tủi. Tuy nhiên trước khi chia tay với Paris, Oenone có dặn lại Paris như sau:

- Chàng ơi! Thế là chàng đã không nghe em, không nghĩ đến những tai họa do điều tiên đoán của em mách bảo. Chiến tranh sẽ xảy ra. Thành Troie sẽ bị vây hãm. Con dân thành Troie sẽ bị ném vào những cuộc chém giết núi xương sông máu, và số phận chàng chắc chẳng thể thoát được những tai họa khôn lường trong cuộc đao binh. Thôi thì trước khi ly biệt, em chỉ biết dặn chàng một điều: nếu rủi ro sau này trong chiến trận chàng gặp phải cảnh ngộ không may, bị lao đâm, gươm chém, tên bắn trọng thương thì chàng hãy nhớ đến em. Chàng hãy trở về vùng núi Ida tìm em. Em có thể chữa lành cho chàng dù bệnh tật của chàng có hiểm nghèo đến đâu chăng nữa. Bởi vì ngoài em ra chẳng ai biết liều thuốc thần diệu và quý giá đó ở vùng rừng núi Ida này.

Vì lẽ đó nên Paris mới bảo gia nhân khiêng mình vào vùng rừng núi Ida, tìm đến nơi ở của tiên nữ Nymphe Oenone. Nhưng sự đời ai học được chữ ngờ, Oenone gặp lại Paris trong cảnh chàng bị trọng thương, hấp hối, nhưng từ trái tim nàng không phải là lòng thương người, và lòng vị tha dâng lên, ngược lại, một nỗi giận hờn ghen tuông bùng cháy dữ dội. Nàng chẳng thấy trước mắt nàng là người bạn tình đang đau đớn vì chất độc của mũi tên, chỉ còn thoi thóp. Nàng chỉ thấy đây là con người đã phụ bạc nàng, bỏ nàng sống trong nỗi cô đơn và buồn tủi, gieo xuống đời nàng bao sầu muộn, khổ đau. Thế là nàng bỏ mặc Paris nằm đấy. Nàng ra đi, nàng chẳng cần giữ lời hứa tình nghĩa và cao thượng xưa kia. Nàng bỏ mặc Paris, và Paris chết. Paris chết không ai biết, không một người thân thích ở bên. Tình cờ những người chăn chiên bắt gặp xác chàng. Họ nhận ra ngay được người bạn xưa kia đã từng sống với họ trong cảnh gió ngàn đồng nội bên đàn súc vật hiền lành. Đau đớn xiết bao! Họ khóc than thương tiếc cho số phận của chàng, và chính họ, những người bạn của Paris, bảo nhau đốn củi rừng thiết lập giàn thiêu để làm lễ hỏa táng cho chàng. Họ chôn bình đựng hài cốt của chàng xuống một cái huyệt sâu và khuân đá xếp dựng cho chàng một nấm mồ to đẹp để tưởng nhớ đến chiến công của chàng. Còn Oenone, sau đó ít lâu, hối hận về hành động của mình đã treo cổ tự tử.

Thế là Philoctète đã tham chiến và lập được chiến công lừng lẫy trả thù được cho Achille. Việc thứ nhất đã được thực hiện.

Việc thứ hai thì không có gì khó khăn. Néoptolème vừa đặt chân lên mảnh đất Troie là chàng xin được thử sức. Ngay trận đầu chàng đã tỏ ra xứng đáng là con dòng cháu giống. Chàng hạ được khá nhiều dũng tướng của quân Troie. Trong số những danh tướng bị hạ, ta phải kể đến chiến công quật ngã tướng Eurypylos người cầm đầu đạo quân xứ Mysie tới chi viện cho quân Troie. Eurypylos là con của nhà vua Télèphe và hoàng hậu Astyoché. Chúng ta hẳn còn nhớ chuyện vua xứ Mysie bị thương vào bụng, được Achille chữa khỏi, sẵn sàng giúp quân Hy Lạp, dẫn đường cho họ đổ bộ lên đất Troie. Đó chính là vị vua đã sinh ra danh tướng Eurypylos giờ đây đang là bạn đồng minh của quân Troie. Mẹ Eurypylos là Astyoché, mà Astyoché lại là chị ruột của vua Priam. Vì lẽ đó bà không thể ngồi yên nhìn thành Troie ngày một tiến gần đến thảm họa. Lão vương Priam đã gửi biếu bà chị một dây nho vàng để cầu xin sự giúp đỡ. Người xưa kể, dây nho vàng này vốn là từ cây nho của thần Zeus trồng cho chàng thiếu niên xinh đẹp Ganymède, con của Tros, mà thần Zeus đem lòng yêu mến đã biến mình thành con đại bàng bắt chàng về thế giới Olympe để hầu hạ. Vì lẽ đó, Astyoché thúc giục người con trai của mình thống lĩnh ba quân sang chi viện cho thành Troie, mặc dù người con trai ấy không hào hứng gì trong việc dấn thân vào cảnh đầu rơi máu chảy. Eurypylos xuất trận. Chàng đã lập được những chiến công xuất sắc đáng làm cho quân Hy Lạp phải kiêng nể. Danh tướng và danh y Machaon con của vị thần y Asclépios đã đọ tài với chàng và phải đền mạng. Néoptolème đụng độ với chàng trong một cuộc giao tranh kéo dài và ác liệt. Đó là lúc sau khi Eurypylos hạ hết vị tướng này đến chiến binh khác của quân Hy Lạp, xông tràn vào khu vực chiến thuyền và toan phóng hỏa, nhưng Số mệnh không cho quân Troie và quân Mysie thắng lợi. Vì thế Néoptolème đã kết liễu đời chàng.

Còn việc thứ ba thì hoàn toàn không gặp trở ngại khó khăn gì. Hài cốt của nhà vua Pélops được đưa sang vùng đồng bằng Troade và mai táng tại mảnh đất nóng bỏng này.

Lại nói về Ulysse. Chàng lại lập tiếp một cuộc chiến công xuất sắc nữa. Đó là việc đột nhập vào thành Troie, vào hẳn trong nội thành, đoạt bức tượng thờ mang tên Palladion. Mặc dù quân Troie ngày càng suy yếu đi rõ rệt, các danh tướng lần lượt theo nhau về vương quốc của bóng tối âm u dưới quyền cai quản của thần Hadès, nhưng quân Hy Lạp vẫn không sao phá vỡ được bức thành cao ngất tận trời xanh. Ulysse quyết định dấn thân vào một công việc cực kỳ mạo hiểm. Chàng làm cho khuôn mặt mình biến dạng đi, thay đổi đi, bằng cách sai người đấm, vả vào mặt mình. Sau đó chàng cải trang thành một ông già ăn mặc rách rưới, một ông lão hành khất, đột nhập vào trong nội thành dò xét tình hình. Chẳng người dân, người lính Troie nào nhận ra được chàng. Chỉ có nàng Hélène là chàng không thể lừa được. Hélène gọi chàng vào nhà, tiếp đãi ân cần. Chàng hỏi Hélène nhiều điều và được Hélène trả lời tỉ mỉ. Nhờ đó chàng biết được thành Troie có một bức tượng hộ mệnh, bức tượng đó tên gọi là Palladion. Chàng quyết định ngay: phải đoạt bằng được bức tượng này thì thành Troie mới có thể bị hạ.

Trở về doanh trại quân Hy Lạp, Ulysse cùng với Diomède chiêu tập một đội tinh binh để thực hiện nhiệm vụ. Cũng bằng cách cải trang đột nhập vào nội thành, hai vị tướng này đã hoàn thành sứ mạng một cách vẻ vang, khôn khéo. Mất bức tượng hộ mệnh này, số phận thành Troie dường như có thể tính trên đầu ngón tay được.

Có một nguồn khác lại kể, Hélénos bị Ulysse bắt sống sau khi Paris chết. Do Paris chết, những người con trai của Priam tranh nhau nàng Hélène, nhưng vua Priam không gả Hélène cho Hélénos mà lại gả cho Déiphobe. Hélénos tức giận bỏ vào núi ở. Do đó anh ta mới bị Ulysse bắt sống.

Thành Troie thất thủ

Cuộc Chiến tranh Troie kéo dài đã mười năm. Từ khi Ulysse xuất hiện như một vị tướng tài giỏi nhất trong Hội đồng Tướng lĩnh thì cuộc chiến tranh dưới sự chỉ huy của chàng được tiến hành theo một hướng khác. Chàng không như Achille chỉ nhất nhất dùng sức mạnh của quân nhiều tướng giỏi vây hãm, công kích thành Troie. Chàng chủ trương phải dùng mưu. Xưa kia khi Achille còn sống, đã có lần hai người, trong một bữa tiệc, tranh cãi nhau rất gay gắt về cách tiến hành chiến tranh. Ulysse cho rằng muốn hạ được thành Troie mà chỉ dùng sức mạnh của quân sĩ và binh khí không thôi thì không thể nào thành công được. Phải dùng mưu, phải biết dùng mưu sâu kế hiểm, dụ địch, lừa địch thì mới có thể hy vọng giành thắng lợi. Nhưng Achille chống lại chủ trương đó, cho rằng không thể tiến hành chiến tranh bằng cách lừa dối được. Phải dùng sức mạnh, và chỉ có thể dùng sức mạnh mà thôi. Mưu mẹo, lừa lọc là xấu xa, là không cao thượng. Quân Hy Lạp suốt mười năm trời đã tiến hành chiến tranh theo cách của Achille, và suốt mười năm đó, quân Troie tuy có bị tổn thất nặng nề nhưng thành Troie vẫn đứng sừng sững uy nghi với những bức tường thành cao ngất như thách thức quân Hy Lạp.

Bây giờ đến lúc Ulysse phải thanh toán sự thách thức, kiêu ngạo ấy. Chàng quyết định dùng mưu để hạ thành Troie, phải dùng một kế hiểm để lừa quân Troie thì mới hy vọng hạ nổi cái đô thành cao ngất, vững chãi, rộng lớn và giàu có này. Chính nhà tiên tri tài giỏi Calchas cũng khuyên quân Hy Lạp nên dùng mưu để tiến hành chiến tranh, bởi vì thần Zeus đã giáng xuống một điềm báo ngụ ý như thế. Sau nhiều đêm suy nghĩ thao thức, Ulysse nghĩ ra một kế hiểm. Chàng tường trình với Hội đồng Tướng lĩnh: đóng một con ngựa gỗ thật to, cho quân cảm tử vào trong bụng ngựa, sau đó quân Hy Lạp giả rút lui để lại con ngựa trên bãi chiến trường, bày mưu lừa quân Troie để chúng đưa con ngựa vào trong thành, quân cảm tử sẽ từ trong bụng ngựa chui ra giết quân canh, mở cổng thành cho đại binh quay trở lại, đổ bộ, tiến vào thành. Không một ai phản bác mưu kế này của Ulysse cả. Ngược lại, mọi người còn tin chắc rằng chỉ có dùng mưu như thế mới mong hạ nổi thành Troie.

Quân Hy Lạp bắt tay vào công việc. Danh tướng Épéios, một người nổi tiếng vì có nhiều sáng kiến và có bàn tay thợ khéo léo được giao nhiệm vụ đóng con ngựa gỗ khổng lồ. Nhà tiên tri Prylis con của thần Hermès, vốn là người biết tài năng của Épeios nên đã tiến cử chàng với Hội đồng Tướng lĩnh. Quả là danh bất hư truyền, Épeios chỉ huy quân Hy Lạp đốn gỗ, xẻ ván, đóng ghép rất tài tình, đâu vào đấy răm rắp như khi chàng chỉ huy đạo quân ba mươi chiến thuyền của chàng đổ bộ lên đất Troie. Thật ra chủ trương của Ulysse không phải được chấp nhận dễ dàng như ta kể đâu. Các chủ tướng Hy Lạp đã bàn đi tính lại đủ mọi phương diện và cũng có không ít người lúc đầu tỏ vẻ không tin và không chấp thuận mưu chước của Ulysse. Nhưng Ulysse đã thuyết phục được tất cả, và tất cả sau khi nghe ra đều nhất trí tán thưởng chủ trương của Ulysse.

Nhưng mới xong được việc đầu tiên. Ulysse lại phải đột nhập vào thành Troie một lần nữa. Lần này chàng giả làm một tên lính Hy Lạp bị bạc đãi, mình mẩy bị đánh đập thâm tím, mặt sưng húp, những vết máu trên người còn chưa khô. Tên lính này chạy sang hàng ngũ quân Troie cầu xin sự che chở. Hắn khai hắn bị Ulysse ngược đãi, ức hiếp khiến hắn không thể nào sống nổi trong hàng ngũ quân Hy Lạp. Quân Troie tưởng thật, đón nhận ngay tên hàng binh đó. Thế là Ulysse tìm cách lẻn đến gặp Hélène, nói cho nàng biết kế sách của quân Hy Lạp giả vờ hồi hương nhưng mai phục ở một vùng biển kín đáo gần đây. Khi quân Troie đưa con ngựa gỗ vào thành thì Hélène, vào lúc trời sẩm tối, phải lên ngay bờ thành cao đốt một đống lửa to làm tín hiệu. Nhìn thấy ánh lửa đó tức khắc các chiến thuyền của đại quân lao nhanh về vùng đồng bằng Troade, đổ quân lên bờ. Trong khi đó quân cảm tử từ trong bụng ngựa chui ra, giết quân canh, mở cổng thành. Nội công ngoại kích, trong đánh ra, ngoài đánh vào như vậy phần thắng có thể cầm chắc. Thành Troie bị đánh bất ngờ như thế chắc không thể nào chống đỡ nổi.

Hélène nghe xong, lòng những nửa mừng nửa lo. Còn Ulysse, chàng phải trở về ngay doanh trại quân Hy Lạp để tiếp tục thực thi kế sách của mình.

Con ngựa gỗ khổng lồ đã làm xong. Épeios được nữ thần Athéna giúp đỡ đã đóng xong một con ngựa gỗ tuyệt đẹp. Bây giờ chỉ còn việc mời các chiến sĩ cảm tử chui vào nằm trong bụng ngựa. Trong số những chiến sĩ đó ta thấy có Ulysse, Ménélas, Philoctète, Diomède, Ajax Bé con của Oïlée, Idoménée, Mérion và Néoptolème, v.v.

Một buổi sáng kia khi nàng Rạng đông có đôi má ửng hồng vừa đặt những bước chân nhẹ nhàng lên mặt biển nhoẻn nụ cười sáng chào đón thế gian thì từ trên bờ thành cao của quân Troie, các tướng sĩ, chiến binh nhìn xuống chiến địa bỗng thấy một cảnh tượng rất đỗi lạ lùng. Họ tưởng như không tin vào mắt mình nữa. Chiến trường vắng bặt bóng quân Hy Lạp, vắng tanh, vắng ngắt. Chỉ còn lại lác đác một số ít đang nhổ trại để đưa xuống dăm ba con thuyền đang chờ ở bờ biển. Bọn này trước khi đi đã đốt hết những gì mà chúng không đem theo được. Thì ra đại quân của chúng đã bí mật cuốn gói rút lui từ đêm hôm trước rồi. Đây chỉ là toán rút cuối cùng. Nhưng trên bãi chiến trường hoang vắng, ngoài những đống lửa đang bừng bừng thiêu cháy những lều trại, quân Hy Lạp bỏ lại một con vật kỳ lạ. Đó là một con ngựa gỗ khổng lồ, một con ngựa đồ sộ, cao ngất tưởng như muốn sánh mình với những bức tường hùng vĩ của thành Troie. Những người Troie đứng trên bờ thành cao tưởng như vừa trải qua một cơn ác mộng. Thế là cuộc chiến tranh núi xương sông máu này tưởng chừng như vô cùng vô tận lại có ngày chấm dứt, chấm dứt một cách không ai ngờ được như thế này. Lại một lần nữa, nữ thần Até-Lầm lẫn làm cho những người Troie phạm sai lầm. Những người Troie loan báo cho nhau biết cái tin vui đó. Thế là mọi người trong thành chạy ùa ra ngoài bờ biển ca hát, reo hò. Họ kéo đến vây quanh lấy con ngựa gỗ khổng lồ ngắm nghía, xem xét, bàn tán. Người thì bảo nên đẩy nó xuống biển, người thì bảo châm cho nó một mồi lửa, kẻ thì lại khuyên nên đưa nó vào trong thành đặt ở quảng trường để ghi nhớ chiến công vĩ đại của người Troie. Đang khi mọi người bàn cãi thì bỗng nổi lên tiếng quát tháo, chửi rủa ầm ầm. Thì ra có người tìm được trong một bụi cây gần đấy một tên lính Hy Lạp. Đó là một tên lính Hy Lạp bị đồng đội bỏ rơi. Người ta xông đến chửi bới, đánh đập tên lính không tiếc tay, tiếc lời. Người ta giải tên lính đến trình lão vương Priam, nhà vua trị vì thành Troie. Priam ra lệnh xét hỏi. Nhưng tên lính mặt tái xanh tái xám đi vì sợ hãi, vì đau đớn cứ ấp a ấp úng không nói được nên lời. Dọa nạt, dụ dỗ, gạn hỏi mãi hắn mới nói, hắn mới hứa xin cung khai hết, cung khai thật đầy đủ, không giấu giếm một tí gì, song chỉ xin lão vương Priam và thần dân Troie sinh phúc tha tội cho hắn. Tất nhiên lão vương Priam sẵn sàng rộng lượng đối với một tên tiểu tốt vô danh.

Hắn khai tên hắn là Sinon. Theo lời Sinon kể thì, hắn bị Ulysse, ngược đãi ức hiếp đủ đường. Sở dĩ Ulysse thù ghét hắn như thế là vì hắn là người có họ hàng máu mủ, bà con với Palamède. Chúng ta chắc chưa ai quên Palamède, người anh hùng đã bằng đầu óc sáng suốt của mình phát hiện ra cái trò giả vờ điên của Ulysse để trốn tránh khỏi phải tham dự cuộc Chiến tranh Troie, và vì thế đã bị Ulysse trả thù lập mưu vu cáo là phản bội, tư thông với quân địch đến nỗi bị xử tử oan uổng.

Tệ hại hơn nũa, Ulysse còn mưu toan giết Sinon. Khi quân Hy Lạp định từ bỏ cuộc vây hãm thành Troie, hồi hương, thì Ulysse bảo nhà tiên tri Calchas phải làm một lễ hiến tế thần linh cầu xin cho hành trình trở về được thuận buồm xuôi gió. Nhưng vật hiến tế không phải là dê, cừu, bò, ngựa... mà phải là một người, một chiến binh Hy Lạp trai trẻ, khỏe mạnh. Lệnh Ulysse ban ra như vậy, Calchas không dám bác bỏ. Nhưng ai sẽ là vật hy sinh trong lễ hiến tế này? Đó là điều Calchas băn khoăn. Nhưng Ulysse đã áp đặt ngay cho Calchas biện pháp thi hành. Calchas phải nhân danh quyền uy của mình và thần thánh đòi hỏi, chỉ định Sinon. Sinon phải là người làm vật hiến tế cho thần linh. Tuân theo lời phán truyền của thần thánh, quân Hy Lạp bắt trói Sinon lại chờ lệnh ban ra là dẫn Sinon đến trước bàn thờ. Nhưng may sao, Sinon lợi dụng sơ hở của quân Hy Lạp gỡ được dây trói, trốn tránh, chui vào nấp trong một bụi cây.

Lão vương Priam nghe xong liền quát hỏi:

- Được, được! Ta tạm coi như nhà ngươi đã khai báo thành thật. Thế nhưng còn chuyện con ngựa gỗ to tướng kia là duyên cớ làm sao? Vì sao quân Hy Lạp lại bỏ lại trên chiến trường một vật quý giá, kỳ công như vậy? Nhà ngươi muốn được ta mở lượng khoan hồng hãy khai báo trung thực rõ ràng. Nếu không đừng trách ta là người tàn ác.

Sinon lại ngoan ngoãn khai báo. Nguyên do là trước kia quân Hy Lạp đã có lần đột nhập vào nội thành ăn cắp bức tượng thần hộ mệnh Palladion, bảo vật của thành Troie. Hành động đó đã gây nên sự tức giận của nữ thần Athéna. Nhà tiên tri Calchas phát hiện thấy trên bầu trời nhiều điềm gở chứng tỏ nữ thần Athéna đang nổi cơn thịnh nộ. Muốn tránh khỏi đòn trừng phạt, những tai ương chướng họa giáng xuống đầu quân Hy Lạp, quân Hy Lạp phải lập tức bồi thường một báu vật thay cho tượng Palladion. Báu vật đó, theo nhà tiên tri Calchas phán truyền, phải là một con ngựa gỗ. Con ngựa gỗ này sẽ được tôn thờ như một vị thần hộ mệnh của thành Troie. Nhưng đáng ra phải làm một con ngựa gỗ với kích thước vừa phải thì người Hy Lạp lại làm một con ngựa gỗ thật to, to đến mức sao cho người Troie không đưa được vào trong thành, và như vậy, theo mưu tính của người Hy Lạp, thành Troie sẽ không còn tượng thần hộ mệnh và quân Hy Lạp mới hy vọng trong cuộc viễn chinh sau này sẽ kết thúc được số phận thành Troie.

Đó là tất cả lời khai của Sinon, nhưng là một lời khai bịa đặt do Ulysse tạo dựng, bày đặt. Nhưng người Troie lại tin rằng Sinon nói thật. Lão vương Priam suy tính; nếu âm mưu của họ là làm cho ta không đưa được con ngựa gỗ vào thành, để không có thần hộ mệnh thì ta phải phá bằng được âm mưu đó. Ta sẽ đưa bằng được con ngựa gỗ vào trong thành, và lão vương lớn tiếng truyền phán chỉ lệnh cho con dân thành Troie:

- Hỡi thần dân Troie! Hỡi ba quân người Hy Lạp đã can tội lấy trộm của đô thành chúng ta bức tượng thần hộ mệnh Palladion. Các vị thần Olympe coi đó là một hành động phạm thượng. Để tránh đòn trừng phạt của thánh thần, họ đền bồi lại cho chúng ta con ngựa gỗ này đây. Chúng bày mưu sâu kế hiểm những tính toán rằng chúng ta phải chịu bó tay trước con vật khổng lồ mà họ làm ra, vì thế thành Troie hùng cường của chúng ta sẽ không có tượng thần hộ mệnh sẽ chẳng có thần thánh bảo hộ. Nhờ thế bọn chúng sẽ ngày một ngày hai trở lại vùng đồng bằng này và chỉ bằng vài trận giao tranh sẽ san bằng đô thành của chúng ta, đô thành Troie hùng vĩ giàu có, danh tiếng lẫy lừng của chúng ta. Nhưng chúng đã lầm. Thành Troie không bao giờ lại cam chịu là một đô thành không có tượng thần hộ mệnh. Hỡi thần dân! Hỡi ba quân! Hãy phá ngay một mảng tường thành và huy động mọi người kéo con ngựa gỗ vào quảng trường.

Lão vương Priam vừa dứt lời thì lập tức Laocoon, một viên tư tế của thần Apollon, xông ra can ngăn mọi người lại. Laocoon khuyên mọi người hãy đề phòng kẻo trúng kế của Ulysse, một tướng nổi danh là con người xảo trá, lừa lọc. Nhưng chẳng ai nghe lời khuyên của ông già tư tế. Người ta gạt phăng ông ta và bắt tay vào việc. Cực chẳng đã, ông liền giật lấy một ngọn lao và phóng thẳng vào bụng con ngựa gỗ. Ngọn lao đâm vào mặt gỗ rắn không xuyên thủng được và cũng chẳng cắm chặt được. Lao bật nảy ra làm vang lên một âm thanh rền rĩ, ngân nga chứ không khô khốc, ngắn gọn. Điều đó chứng tỏ con ngựa là một vật rỗng. Hơn nữa lại nghe thấy dường như có tiếng va chạm lích kích của kim khí. Tưởng thế thì quân Troie phải xem xét lại kỹ lưỡng con ngựa rồi mới đưa vào thành. Nhưng chẳng ai để ý lắng nghe được cái âm thanh ấy, và cũng chẳng ai hiểu được việc làm tinh tế và thận trọng của Laocoon, hiểu được ý đồ của ông khi phóng vội ngọn lao vào bụng con ngựa gỗ. Liền sau đó một sự việc vô cùng khủng khiếp diễn ra trước mắt mọi người khiến mọi người lại càng lầm lạc. Sau khi Laocoon phóng ngọn lao, từ dưới biển bỗng đâu nổi lên hai con mãng xà. Mắt hau háu, màu đỏ lừ chúng lao thẳng vào bờ và quăng mình vun vút tới chỗ Laocoon và hai đứa con trai của ông đang đứng cạnh bàn thờ thần Poséidon. Chúng lao tới chồm lên hai người con trai của Laocoon quấn thắt lại quanh người hai chàng trai như những sợi dây chão của một con thuyền xiết chặt vào gốc cây. Thấy vậy, Laocoon xông vào gỡ cho hai đứa con. Nhưng vô ích. Hai con rắn quấn luôn cả Laocoon và mổ, cắn chết cả ba cha con. Vì sao lại xảy ra câu chuyện khủng khiếp như thế. Ta phải dừng lại một chút để kể qua về Laocoon thì mới rõ được ngọn ngành.

Laocoon là con của một vị anh hùng danh tiếng của thành Troie, Anténor, mẹ của Laocoon là Théano, em ruột của Hécube. Laocoon được giao cho trọng trách chăm nom, trông coi việc thờ cúng thần Apollon. Theo luật lệ của người xưa, những ai đã “bán mình” vào cửa thần thánh như thế, nguyện làm con thần cháu thánh, như thế thì không được lấy vợ, phải thề nguyền hiến dâng trọn đời mình cho thế giới thiêng liêng, cao cả của thần thánh và quên đi mọi lạc thú của cuộc đời trần tục tầm thường. Nhưng Laocoon không làm sao quên được cái lạc thú trần tục tầm thường của những con người trần tục tầm thường. Vì thế chàng Laocoon đã vi phạm điều lệ nghiêm ngặt của những người làm nghề tư tế. Chàng lấy vợ, cứ lấy vợ và chẳng xin phép vị thần mình suy tôn, thờ cúng. Hành động đó khiến thần Apollon nổi giận. Nhưng cho đến bây giờ, đến lúc này khi chàng trai Laocoon đã trở thành một ông già có hai con thì thần Apollon mới giáng đòn trừng phạt. Tai họa khủng khiếp vừa xảy ra trước mắt những người Troie chính là đòn trừng phạt của Apollon.

Nhưng những người Troie lại không hiểu được cội nguồn của sự việc đó. Một lần nữa thần Até-Lầm lẫn lại làm cho đầu óc họ lầm lẫn, mất cả tỉnh táo, khôn ngoan. Họ lại cho rằng Laocoon bị trừng phạt là vì chống lại việc đưa con ngựa gỗ vào thành, là vì đã xúc phạm đến báu vật thiêng liêng mà người Hy Lạp đến bồi thường cho việc lấy mất bức tượng thần hộ mệnh Palladion, chống lại ý định của thần thánh. Và thế là người người nhà nhà, già trẻ gái trai dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, kẻ dọn đường mở lối, kẻ phá tường thành, người trước kéo, người sau đẩy, hò la ầm ĩ, đưa con ngựa gỗ thẳng hướng tiến về quảng trường. Nhưng không phải chỉ có một Laocoon can ngăn. Còn một người nữa, đó là nàng Cassandre. Với tài tiên đoán kỳ diệu của mình, nàng đã nói lên những dự cảm đen tối cho quân Troie biết. Nhưng như đã kể trên, thần Apollon đã làm cho lời tiên tri của nàng từ bao lâu nay, những lời tiên tri kỳ diệu của Cassandre đều bị vô hiệu. Số phận của thành Troie không còn cách gì cứu vãn khỏi thảm họa diệt vong.

Lại có chuyện kể, hai con mãng xà từ dưới biển lên là do nữ thần Athéna ra lệnh. Nữ thần sợ Laocoon can ngăn, thuyết phục được người Troie do đó âm mưu của Ulysse sẽ bị bại lộ, vì thế phải giết Laocoon ngay để “bịt đầu mối”.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ-điển tích Tặng vật của những người Danaens (Les présents des Danaens; Les dons le Danaens; Les offrandes des Danaens) với ý nghĩa ẩn dụ chỉ một sự việc gì, một vật gì bề ngoài thì có vẻ vô sự nhưng bên trong chứa đựng những mối hiểm nguy, hậu họa khôn lường. Nó bắt nguồn từ câu nói Laocoon: “Hỡi những người Troie! Ta sợ những người Danaens và tặng vật của họ đưa tới” (Je crains les Danaens et leurs présents).

Sau khi con ngựa gỗ được đưa vào thành thì tất cả mọi việc diễn ra tiếp theo đúng như sự hoạch định của Ulysse. Hélène được Sinon lẻn đến giúp đỡ, đốt một đống lửa to trên bờ thành cao để làm ám hiệu cho quân Hy Lạp. Nhìn thấy ánh lửa, các chiến thuyền Hy Lạp nấp ở sau hòn đảo Ténédos lập tức rẽ sóng lao về vùng biển Troie. Chờ cho tới nửa đêm, Sinon lẫn đến bên con ngựa gỗ báo hiệu cho các chiến sĩ cảm tử biết đã đến giờ hành động. Các chiến sĩ Hy Lạp thoát nhanh ra khỏi bụng ngựa. Họ hành động hết sức nhẹ nhàng, khéo léo bởi vì chỉ sơ ý một chút là có thể làm tiêu tan công lao, mồ hôi nước mắt và xương máu của bao người. Ulysse và Épeios là hai người thoát ra trước tiên, tiếp đó đến những người khác. Việc đầu tiên là họ tiến thẳng đến chỗ mảng tường thành Troie bị phá, tiêu diệt lũ quân canh ở đó, và trụ lại ở đấy cho đến khi đại quân tới. Ulysse ra lệnh bằng bất cứ giá nào cũng phải đánh chiếm bằng được chỗ đó và giữ bằng được chỗ đó. Nhưng chàng không cho tập trung toàn đội cảm tử đánh vào chỗ đó. Chàng tách ra một bộ phận để làm nhiệm vụ gây rối bằng cách phóng hỏa đốt các kho tàng và nhà cửa. Thành Troie bắt đầu náo loạn. Trong khi đó đại quân Hy Lạp đã đổ bộ và ào ạt tiến vào. Nghe tin quân Hy Lạp tiến đánh, tình hình trong thành lại càng rối loạn thêm. Quân Troie không hiểu sự thể ra sao, hoàn toàn bị bất ngờ và từ bất ngờ chuyển sang hoang mang, tan rã. Chỉ có cuộc chiến đấu ở trong khu vực cung điện là ác liệt song quân Troie chống trả một cách cùng đường, tuyệt vọng và không có tổ chức. Những người Troie có ngờ đâu tới cơ sự, nông nỗi này. Sau khi đưa được con ngựa vào thành, toàn dân Troie vui mừng làm lễ hiến tạ ơn các thần linh và mở tiệc ăn mừng vui chơi cho tới khuya.

Cuộc tàn sát của quân Hy Lạp thật vô cùng man rợ và khủng khiếp. Người già, trẻ em bị giết ngay. Phụ nữ bị bắt làm tù binh. Tướng Néoptolème dùng rìu phá vỡ cửa cung điện của vua Priam rồi xông vào, theo sau là một toán tướng sĩ đông đảo. Con gái, con dâu, cháu chắt, họ hàng thân thiết của vua Priam sợ hãi ngồi quây quần phủ phục dưới chân bàn thờ các vị thần để cầu xin sự bảo hộ. Tiếng cầu khấn, than khóc vang lên ầm ĩ, ai oán. Thấy quân Hy Lạp xông vào, mọi người thét lên, rú lên kinh hãi, nép mình vào nhau. Lão vương Priam toan cầm lao xông ra quyết một phen tử chiến cho hả lòng căm phẫn nhưng bị lão bà Hécube ngăn lại. Trông thấy Néoptolème, Politès, một người con trai của lão vương Priam vùng bỏ chạy. Chàng bị thương trong cuộc giao tranh, giờ đây không còn sức lực để tiếp tục đương đầu với kẻ thù, vì thế chàng bỏ chạy hy vọng tránh khỏi cái chết. Nhưng Néoptolème đã nhanh chân đuổi theo, phóng luôn một ngọn lao trúng lưng Politès khiến chàng ngã chúi xuống tắt thở ngay trước mắt Priam. Thấy Priam tay đang cầm một ngọn lao, Néoptolème xông tới. Priam phóng lao. Nhưng ngọn lao từ tay một người già yếu phóng đi chỉ quệt được vào chiếc khiên của Néoptolème là rơi xuống. Néoptolème hung hãn như cha mình khi xưa, chạy tới túm ngay mớ tóc bạc của cụ già, kéo lôi cụ xềnh xệch trên mặt đất và rút kiếm ra thọc mạnh vào ngực cụ. Số phận những con đàn cháu đống của lão vương Priam cũng kẻ bị giết, người bị bắt làm tù binh rất bi thảm. Néoptolème còn làm một việc tàn bạo không thể tưởng tượng được: chàng giật lấy đứa bé Astyanax, con của Hector, từ tay người mẹ thương yêu của nó là Andromaque, ném từ trên mặt thành cao xuống dưới chân thành. Tướng Ménélas tìm giết Déiphobe, kẻ đã lấy Hélène sau khi Paris chết. Trong cơn tức giận điên cuồng khi gặp Hélène bên Déiphobe, chàng toan kết liễu luôn cuộc đời Hélène, người đàn bà đã gây ra bao nỗi bất hạnh cho chàng và cho cuộc đời của thần dân Hy Lạp. May thay chủ tướng Agamemnon kịp thời can ngăn lại, và đáng quý hơn nữa, nữ thần Aphrodite lại truyền vào trái tim Ménélas lòng vị tha, tình yêu nồng thắm, đắm say đối với nàng Hélène diễm lệ. Vì thế Ménélas nguôi nỗi ghen giận, dắt tay vợ đưa xuống thuyền nghỉ để chờ ngày trở về Hy Lạp.

Nàng Cassandre trong cơn binh lửa, chạy vào trong đền thờ nữ thần Athéna ẩn nấp. Tướng Ajax Bé xộc vào đền bắt nàng. Mặc dù lúc ấy Cassandre đã quỳ trước tượng nữ thần Athéna và ôm lấy chân nữ thần nhưng Ajax Bé vẫn không tha. Chàng nắm lấy cánh tay nàng, giật mạnh lôi đi. Bức tượng Athéna vì thế mà bị đổ, vỡ tan ra từng mảnh. Quân Hy Lạp bất bình vì hành động xúc phạm đến thần linh của Ajax. Còn nữ thần Athéna đương nhiên là giận dữ gấp bội rồi, chắc chắn sẽ có ngày nữ thần trừng phạt.

Thành Troie bị tàn sát, cướp bóc, đốt phá khủng khiếp đến mức các vị thần của thế giới Olympe cũng phải rùng mình hãi hùng, ghê sợ. Xác người chết ngổn ngang. Tiếng người rên la kêu khóc hòa lẫn với tiếng hò la, cười đùa đắc chí của kẻ chiến thắng tạo thành một bầu không khí hỗn loạn điên cuồng. Nhà cửa bị cháy đổ sập, cột kèo nham nhở, gạch ngói ngổn ngang, của cải, đồ đạc vương vãi, hỗn độn. Trong cơn binh lửa bạo tàn ấy chẳng biết ai chết, ai bị bắt làm tù binh, còn mất những ai. Quân Hy Lạp thì đua nhau khuân vác của cải đưa xuống thuyền. Còn quân Troie thì những người sống sót lê bước tìm những người thân. Ở một góc thành Troie dần dần tụ tập một nhóm người. Trong số này có vị anh hùng Énée, con của lão vương Anchise và nữ thần Aphrodite. Chàng cõng người cha già trên lưng, còn tay dắt đứa con nhỏ tên là Ascagne. Chàng không quên đeo, ôm bên người mấy bức tượng thờ của đô thành Troie, những bức tượng tuy nhỏ bé nhưng rất thiêng liêng vì đó là những bức tượng biểu trưng cho dòng giống người Troie và bảo hộ cho giống nòi Troie. Len lỏi qua các đường, ngõ bị nhà cửa đổ, cháy làm tắc nghẽn, chàng đưa được người cha già và đứa con nhỏ đến nơi an toàn. Tại đây, chàng gặp lão vương Anténor. Quân Hy Lạp đã bắt được cụ nhưng không giết cụ vì họ nhớ cụ là người thường khuyên nhủ những người Troie trả lại nàng Hélène diễm lệ cho Ménélas để tránh một cuộc chiến tranh tổn hại cho sinh linh trăm họ. Dưới sự chỉ huy của Énée, những người sống sót xuống thuyền vượt biển đi sang phía tây để tìm đất xây dựng một cơ nghiệp mới, một đô thành mới thừa kế truyền thống hùng mạnh của thành Troie. Đô thành đó, như điều tiền định của Số mệnh sẽ là đô thành Rome trên vùng đồng bằng Latium ở miền trung bán đảo Ý. Nhưng đó là chuyện tương lai, và tương lai nằm trong sự tiên định của Số mệnh và thần thánh. Còn bây giờ, sau lưng đám người Troie rời bỏ quê hương ra đi, đô thành Troie vẫn bốc cháy tỏa khói ngùn ngụt lên tận trời xanh. Các vị thần Olympe xót xa thương tiếc cho một đô thành vĩ đại nhất ở châu Á bị sụp đổ. Nhân dân ở các đô thành láng giềng quanh Troie nhìn thấy quầng lửa sáng rực một góc trời, chẳng cần ai báo tin, cũng biết rằng thành Troie hùng vĩ trấn giữ eo biển Hellespont lối đi vào biển Pont-Euxin đã bị quân Hy Lạp kết liễu cuộc đời oanh liệt của nó.

Ngày nay trong văn học thế giới, thành ngữ-điển tích Con ngựa thành Troie (Le cheval de Troie) chỉ một lực lượng nội ứng, một nhân tố phá hoại từ bên trong, một công việc có tay trong giúp đỡ. Cũng có khi nó được hiểu và sử dụng tương đương với thành ngữ-điển tích Tặng vật của những người Danaens.

Những biến cố trong hành trình trở về của quân Hy Lạp

Hạ được thành Troie, quân Hy Lạp cướp bóc được rất nhiều của cải và bắt được rất nhiều tù binh, nhất là những nữ tù binh trẻ đẹp. Họ chỉ còn lo mỗi việc chất hết mọi thứ đã cướp bóc được xuống thuyền và nhổ neo. Tuy nhiên không phải mọi việc diễn ra đều thuận lợi êm đẹp như lòng mong muốn của người Hy Lạp. Cũng như khi xưa lúc ra đi, thần Zeus và các vị thần Olympe và hơn nữa Số mệnh chẳng dành cho họ toàn là niềm vui và sự may mắn.

Việc đầu tiên xảy ra đối với quân Hy Lạp sau khi hạ được thành Troie là vong hồn Achille hiện lên đòi nàng Polyxène. Polyxène là người thiếu nữ đẹp nhất trong số những con gái của lão vương Priam. Người xưa kể rằng chính Polyxène đã gây ra cái chết của Achille. Không rõ Achille gặp Polyxène ở đâu và vào dịp nào, chỉ rõ sau khi gặp người thiếu nữ đó, người anh hùng kiệt xuất của Hy Lạp bỗng thấy nhớ nhung, bứt rứt. Có người kể, Achille gặp Polyxène trong dịp nàng cùng với lão vương Priam và lão bà Hécube đến lều của Achille xin chuộc xác Hector. Nếu như chuyện này là đúng thì ắt nó phải là lần đi xin chuộc xác không thành của lão vương Priam. Vì quá yêu thương, nhớ nhung Polyxène nên Achille tìm cách bày tỏ tình cảm của mình. Chàng hẹn gặp nàng ở đền thờ thần Apollon. Paris biết chuyện này, mai phục, và như đã kể, với sự giúp đỡ của thần Apollon, bắn một phát tên kết thúc cuộc đời người anh hùng con của lão vương Pélée. Có người còn kể, cuộc hò hẹn đó là để làm lễ cưới trong đền thờ Apollon. Lại có người kể, trong cuộc hò hẹn đó, để chinh phục được tình yêu của Polyxène, Achille đã hứa sẵn sàng rời bỏ hàng ngũ quân Hy Lạp chạy sang hàng ngũ quân Troie, hoặc trở về quê hương Hy Lạp từ bỏ cuộc chiến đấu.

Thành Troie bị hạ, Polyxène bị bắt làm tù binh. Quân Hy Lạp lúc này đã chuyển nàng sang bờ phía Tây (châu Âu) của biển Hellespont. Chính lúc đó, vong hồn của Achille hiện lên đòi phải hiến tế nàng. Nàng Cassandre cũng bị bắt và giải đi cùng với em, tha thiết van xin quân Hy Lạp đừng giết em gái mình. Cả chủ tướng tối cao Agamemnon cũng không muốn đem người con gái trẻ đẹp như thế ra làm lễ hiến tế. Nhưng danh tướng Ulysse đòi hỏi mọi người phải tuân thủ sự đòi hỏi của vong hồn Achille. Riêng Polyxène, nàng không hề cầu xin một sự gia ân khoan hồng. Nàng xem ra sẵn sàng đón nhận cái chết. Người ta đoán có lẽ nàng chỉ nghĩ đến thân phận phải làm nô lệ mua vui cho các tướng lĩnh Hy Lạp, một thân phận nhục nhã, ê chề thì thà rằng chết đi còn hơn. Polyxène thản nhiên đi đến trước bàn thờ Achille quỳ xuống phanh áo ngực. Néoptolème xúc động, cầm kiếm đâm mạnh vào cổ Polyxène. Máu chảy tràn ra, ghê rợn, khủng khiếp.

Đến chuyện trở về quê hương cũng lại xảy ra lắm điều rắc rối. Nữ thần Athéna không rõ vì chuyện gì, bất bình, gây ra mối bất hòa giữa hai anh em Atrides. Tổng Chỉ huy Agamemnon muốn quân Hy Lạp ở lại trên đất Troie làm một lễ hiến tế trọng thể để cầu xin nữ thần nguôi giận, và đoàn thuyền Hy Lạp chỉ khi nào đón nhận được điềm báo tốt lành mới nhổ neo hồi hương. Nhưng tướng Ménélas chống lại ý định đó. Ông muốn cho quân sĩ lên đường ngay, ra đi sớm ngày nào hay ngày ấy, giờ ấy. Hai người tranh cãi với nhau suốt từ sáng đến chiều. Chẳng ai chịu nghe ai và chẳng đi đến một kết luận rõ ràng như thế nào cả. Thế là hai anh em Atrides ra lệnh triệu tập Đại hội Binh sĩ, họp ngay, mà lúc đó chiều đã tàn, nắng đã tắt. Tuân theo lệnh hai vị chủ tướng, các tướng lĩnh và quân sĩ kéo đến quảng trường. Thật ra họ chẳng muốn họp, vì họ vừa mới ăn xong, miệng còn sặc hơi men và bước đi còn chếnh choáng. Đại hội cũng chẳng đem lại kết quả gì. Nói năng cãi vã với nhau một hồi lâu rồi cuối cùng đi đến một tình hình phân liệt. Quân Hy Lạp chia thành hai phái. Phái theo Ménélas, sáng sớm hôm sau ra đi ngay. Phái theo Agamemnon ở lại để làm lễ hiến tế. Tướng Ulysse, lão vương Nestor rồi tướng Philoctète, Diomède gia nhập vào phái Ménélas. Họ ra đi đầu tiên dưới sự cầm đầu của Ulysse. Nhưng thần Zeus lại giáng tai họa xuống họ. Một cuộc bất hòa xảy ra khi đoàn thuyền tới đảo Ténédos, khiến Ulysse cùng một số anh em tách ra quay trở về Troie, nói là để thuyết phục Agamemnon. Số còn lại đi tới đảo Lesbos thì Ménélas đi sau anh em, đuổi kịp và nhập bọn.

Tới đảo Lesbos, các vị anh hùng Hy Lạp dừng lại một ngày nghỉ ngơi rồi cho thuyền đi thẳng về đảo Eubée, và như vậy là đã về tới quê hương Hy Lạp. Đoàn thuyền dừng lại ở đảo Eubée làm lễ hiến tế tạ ơn thần Poséidon rồi ra đi tiếp. Bốn hôm sau thuyền của Diomède về đến Argos, thuyền của lão vương Nestor về đến Pylos. Các dũng tướng Idoménée, Philoctète và Néoptolème cũng về tới quê hương bình yên vô sự. Chỉ có hành trình trở về của Ménélas là gặp nhiều trở ngại. Từ đảo Eubée thuyền của Ménélas đi theo ven biển Attique xuống phía nam. Khi ấy thuyền của lão vương Nestor cùng đi bên thuyền của Ménélas. Tới mũi Sounion thần Apollon bắt gặp. Thần bèn giương cung bắn chết chiến sĩ lái thuyền danh tiếng của Ménélas là Phrontis con của Onétor. Ménélas đành phải cho thuyền ghé vào bờ để làm lễ an táng cho người thủy thủ tài năng ấy. Xong công việc, thuyền của Ménélas đi xuôi xuống phía nam vòng qua mũi Malée. Nhưng vừa tới đây thì thần Zeus dồn mây mù cho nổi lên một trận cuồng phong. Mây đen phủ kín bầu trời. Bão nổi lên. Mưa giáng xuống. Sóng cuồn cuộn dâng cao như những trái núi rồi đổ xuống. Đoàn thuyền của Ménélas không sao chống đỡ nổi. Một số thuyền trôi giạt vào đảo Crète va vào các mỏm đá, vỡ tan tành. Một số người vật lộn với biển khơi đến kiệt sức và may mắn lắm mới sống sót được một số ít. Còn lại có năm thuyền, trong đó có thuyền của Ménélas lênh đênh phiêu bạt trên biển cả không biết bao ngày, sau cùng trôi giạt vào bờ biển xứ Ai Cập, và từ đó bắt đầu một cuộc hành trình phiêu lưu suốt bảy năm ròng, từ Ai Cập sang đảo Chypre, rồi sang xứ Phénicie, Arabie, Sidon, Libye. Đi đến nơi nào Ménélas cũng thu thập được nhiều của cải quý giá. Ông đặc biệt thích thú khi thấy ở những đất nước xa lạ có những đàn súc vật rất kỳ lạ: mỗi năm đẻ ba lứa và bê, cừu, bò vừa mới đẻ ra đã có sừng ngay. Ở Ai Cập cũng như ở các nơi khác, đi đến đâu Ménélas và Hélène cũng được tiếp đãi nồng hậu, được trao cho những tặng phẩm quý giá, trong số những tặng phẩm quý giá ta phải kể đến thứ thuốc tiên mà Hoàng hậu Polydamna, vợ của vua Thon ở Ai Cập tặng riêng cho Hélène. Chỉ cần bỏ một viên thuốc tiên này vào nước và uống đi là bao nhiêu nỗi đau khổ, u uất, phiền não, sầu muộn trong người lập tức tiêu tan. Trái tim dường như rắn lại không còn biết xúc động trước nỗi khổ đau nữa, thậm chí trông thấy những người thân thích đang ngã xuống trước mũi lao đồng của quân thù cũng không hề xót xa, rơi một giọt nước mắt. Trải qua nhiều năm tháng, cuối cùng Ménélas từ giã đất Ai Cập trở về quê hương. Chàng ghé lại đảo Pharos vì không được các vị thần cho nổi gió nên thuyền của chàng phải nằm lại ở hòn đảo này mất hai chục ngày. Trong khi đó thì lương thực cạn hết. Đảo hoang không một bóng người nên không thể tìm ra được một thứ gì để có thể ăn được. Tình hình quẫn bách tưởng chừng chỉ còn cách nằm chờ chết. May sao tiên nữ Idothée con của vị thần Biển-Protée biết chuyện. Động lòng thương cảm, nàng đến gặp Ménélas bày cách cho Ménélas đến hỏi cha mình cách ứng xử trong trường hợp khó khăn như thế này. Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông-Éos vừa xòe những ngón tay hồng trên biển khơi còn mờ đục sương mù, Ménélas cùng ba người bạn đồng hành tới nơi Idothée dặn. Nàng trao cho bốn người bốn bộ da con hải cẩu, bảo mặc vào người rồi nằm phơi mình trên bãi cát để rình cha nàng cùng với đàn hải cẩu từ dưới biển bơi lên nghỉ. Idothée quả là một thiếu nữ tế nhị và chu đáo. Biết mùi da hải cầu hôi thối, tanh tưởi đến lộn mửa, nàng trao cho mỗi người một thứ dầu thơm thần thánh để bôi vào mũi. Nhờ đó bốn người có thể nằm yên trên bãi cát rình đón thời cơ.

Bốn người nằm chờ, chờ mãi trên bãi cát cho đến tận trưa thì thấy một đàn hải cẩu bơi lên nằm phơi mình trên bãi cát gần chỗ họ. Tất cả đều hồi hộp theo dõi. Một lát sau thần Biển-Protée mới từ dưới nước đi lên. Sau khi đi một lượt điểm lại đàn hải cầu của mình, ông già nằm xuống nghỉ ngay bên cạnh Ménélas. Lập tức Ménélas rồi tiếp các bạn xông đến, chồm lên ôm chặt lấy cụ. Bằng pháp thuật của mình, Protée biến hóa ra thiên hình vạn trạng: sư tử, hổ, báo, rắn, gấu, chim, chuột, chó... Nhưng Ménélas và các bạn không chịu rời bỏ cụ. Cuối cùng cụ già đành phải hiện lại nguyên hình và hỏi rõ ý đồ của Ménélas. Tất cả chỉ chờ có lúc này, Ménélas bèn bày tỏ nguyện vọng. Chàng cầu xin vị thần Biển có tài tiên tri nói cho biết rõ con đường trở về quê hương, chỉ dẫn cho cách đối xử với các vị thần để cầu xin được thuận buồm xuôi gió. Protée cho biết đoàn thuyền phải quay trở về Ai Cập làm lễ hiến tế thần linh rồi hãy lên đường trở về Sparte. Thần còn tiên báo cho Ménélas biết số phận của Hélène và những biến cố sẽ xảy ra trên đường về.

Tuân theo lời chỉ dẫn của Protée, đoàn thuyền của Ménélas vì thế về đến quê hương nhanh chóng và bình yên. Hai vợ chồng sống với nhau những năm cuối đời êm đẹp và hạnh phúc dường như cả hai đều quên hết cái kỷ niệm chẳng vui, chẳng đẹp gì lúc tuổi trẻ xưa kia. Sau khi chết, hai vợ chồng được các vị thần đưa tới một hòn đảo xa tít tắp mù khơi ở tận nơi cùng trời cuối đất, nơi mà chỉ dành riêng cho cuộc sống vĩnh hằng của những người anh hùng cao quý. Đó là thế giới cực lạc, toàn thiện, toàn mỹ và người xưa gọi là thế giới Élysées, cõi Élysées (les champs Élysées).

Nhân đây chúng ta dừng lại một chút để nói về thế giới Élysées. Các nhà nghiên cứu cho chúng ta biết nguồn gốc của biểu tượng tôn giáo thần thoại này có từ thời xa xưa, trước khi hình thành cái gọi là thần thoại Hy Lạp. Trong quan niệm chất phác, nguyên thủy, Élysées là thế giới hạnh phúc của những người đã quá cố, những người hiền lành, tốt bụng, chính trực sau khi đã kết thúc cuộc đời ở cái thế giới nhọc nhằn gian khổ này (Cái thế giới này cũng có hạnh phúc nhưng chưa toàn thiện, toàn mỹ). Trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội, khái niệm Élysées đần dần chuyển biến. Khi thì nó được miêu tả là một thung lũng xinh đẹp bên bờ đại dương bao quanh trái đất ở tận miền cực tây, nơi cuộc sống tràn ngập niềm vui, con người không hề biết đến nỗi lo âu và sự thiếu thốn, khí hậu quanh năm ấm áp. Những người trần đoản mệnh không thể nhìn thấy, biết được, tìm được thế giới này, chỉ có những ai được thần Zeus ban cho sự bất tử mới được sống ở đây. Đó là những con người được thần Zeus và các vị thần sùng ái. Đích thân thần Zeus và người con trai Rhadamanthe của thần cai quản cuộc sống ở cái thung lũng tuyệt diệu này. Khi thì Élysées là những hòn đảo hạnh phúc do thần Cronos cai quản, tại đây thần Zeus và các thần Titan cũng như các thần khổng lồ khác đã hòa giải với nhau và cùng chung sống hòa mục. Đây cũng là thế giới dành cho các vị anh hùng. Như vậy, lúc đầu thế giới Élysées không dính líu với những quan niệm đạo đức về tội lỗi, chuộc tội, thưởng phạt... Ngay thế giới âm phủ do thần Hadès và Perséphone cai quản trong biểu tượng thần thoại Hy Lạp lúc đầu chỉ là vương quốc của những bóng đen u ám đã quên hết mọi việc mọi chuyện của cuộc đời. Các vong hồn phải uống một ngụm nước của con sông Léthé để quên hết mọi việc, mọi chuyện của thế giới dương gian. Như vậy có nghĩa là cái quá khứ tội lỗi của vong hồn đã bị xóa sạch, và làm sao người ta có thể xét xử, luận tội, xử tội, bắt chuộc tội bằng những hình phạt này khác khi những vong hồn không còn ký ức, không còn kỷ niệm, không có một chút ý thức về cuộc đời của họ trước kia ở thế giới dương gian? Cuộc đời của những vong hồn ở thế giới âm phủ là một cuộc đời mới hoàn toàn.

Sau này, Élysées chia ra làm hai khu vực: một là hòn đảo hạnh phúc, hai là một khu vực trong âm phủ dành riêng cho linh hồn người có đạo đức, có cống hiến lớn lao. Ảnh hưởng của những nghi lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère) Éleusis và Orphisme cũng như của học thuyết Platon và môn phái Pythagore đã làm cho thế giới Élysées trở thành một cõi vĩnh hằng, cao cả mà chỉ những linh hồn nào đã trải qua sự phán xét của thần Hadès mới có thể vươn tới được. Tóm lại thì trong thời cổ đại, khái niệm về thế giới Élysées là một thế giới hạnh phúc, cao cả ở một nơi xa tít tắp mù khơi trên trái đất hoặc ở dưới đất, giữa lòng địa ngục. Như vậy, điều dễ nhận thấy là huyền thoại về thế giới Élysées có họ hàng thân thuộc với huyền thoại về thời đại Hoàng kim, một huyền thoại mà khá nhiều dân tộc trên thế giới đều có. Tùy hoàn cảnh địa lý của từng dân tộc, cái thế giới vĩnh hằng tuyệt diệu đó khi thì ở bên kia đại dương ngút ngàn sóng nước, khi thì ở bên kia những triền núi cao vời vợi, trùng trùng, điệp điệp, khi thì ở tận đầu cùng của một sa mạc khổng lồ vô cùng vô tận nơi người trần đoản mệnh đang sống với cái thế giới của những vui, buồn, yêu, ghét... của những lo âu, đau khổ và lạc thú hạnh phúc không thể nào tiếp cận được.

Huyền thoại về thế giới Élysées đã là một trong những chất liệu quan trọng để Thiên Chúa giáo sử dụng làm tiền đề, làm cơ sở xây dựng khái niệm Thiên đường của mình. Thiên đường trong Thiên Chúa giáo lúc đầu ở trên mặt đất sau chuyển lên bầu trời. Ngày nay thế giới Élysées, cõi Élysées mang một ý nghĩa ám dụ, tượng trưng nơi an nghỉ cao cả vĩnh hằng, là vương quốc của cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ, hoặc với ý nghĩa đơn giản là nơi an nghỉ vĩnh viễn, cõi chết, thế giới bên kia.

Trở lại chuyện hành trình trở về của các tướng lĩnh Hy Lạp. Số phận đoàn thuyền thuộc phái Agamemnon cũng chẳng tốt đẹp hơn số phận đoàn thuyền của phái Ménélas. Từ Troie trở về đến đảo Eubée, đoàn thuyền của vị Tổng Chỉ huy quân đội Hy Lạp không gặp một khó khăn gì đáng kể. Nhưng khi tới dãy núi đá Gyrée thì một cơn bão ập đến. Cơn bão do nữ thần Athéna gây ra để trừng phạt quân Hy Lạp, trong đó có Ajax Bé, con của Oïlée là kẻ đã phạm tội kiêu căng, ngạo mạn, phạm thượng. Bão vùng vẫy, gầm thét nhấn chìm nhiều con thuyền của quân Hy Lạp xuống đáy biển làm mồi cho cá. Thuyền của Ajax vỡ tan. Thần Poséidon thấy vậy thương tình sai một con sông ném Ajax lên ngọn núi đá Gyrée. Thế là Ajax thoát chết, một cái chết tưởng chừng như không gì cứu vãn được. Nhưng đến thế mà anh chàng này vẫn không chừa được thói kiêu căng, ngạo mạn. Đứng trên ngọn núi anh ta hét lên cho mấy người bạn sống sót biết: “Ajax sống rồi, thấy chưa? Nữ thần Athéna cho dù có nổi cơn thịnh nộ cũng chẳng làm gì được ta. Chẳng thần linh nào cứu giúp, ta vẫn cứ chiến thắng được bão tố và vẫn cứ sống cho các vị ấy xem”, Ajax hét lên trong niềm sung sướng đắc chí như thế. Cả nữ thần Athéna và Poséidon đều nghe thấy, nghe thấy rõ chẳng thiếu một lời. Nữ thần Athéna không thể kìm hãm được nỗi căm tức, nàng bay ngay tới thần Poséidon, xin thần trừng phạt cái tên phạm thượng, nghịch đạo “coi trời bằng vung” ấy. Thần Poséidon lập tức vung cây đinh ba giáng một đòn sấm sét vào ngay ngọn núi đá mà Ajax đang đứng. Ngọn núi đá vỡ làm đôi, một nửa chìm xuống biển kéo theo Ajax.

Như trên đã kể, Palamède bị xử tử, chịu một cái chết oan uổng bi thảm vì Ulysse dựng chuyện vu cáo tư thông với quân Troie. Chuyện vu cáo đó bay tới tai Nauplios, người cha xấu số của Palamède. Ông quyết định phải rửa nhục, trả thù. Ông, cũng lại bằng thủ đoạn dối trá mà Ulysse đã dùng để ám hại con ông, đi chỗ này chỗ khác để tung tin thất thiệt, bịa đặt về những người anh hùng đang chiến đấu ở Troie: nào vị tướng này nghe đâu tháng trước trúng tên vào ngực chết rồi, nào vị tướng kia bị trúng lao thủng ruột xem ra khó bề qua khỏi... hoặc tướng nọ xa vợ lâu ngày đã lấy vợ khác, lấy con gái người anh hùng này, tướng kia sắp cưới công chúa con của lão vương nọ... Những tin tức thất thiệt đó đã làm xói mòn lòng tin của những người vợ xa chồng, chờ chồng trong những năm dài đằng đẵng. Nhiều người tin rằng chồng mình chẳng thể có ngày trở về, hoặc dẫu có còn sống thì cũng chẳng thể giữ được trọn mối tình chung thủy với mình. Kết quả là Égialée vợ của dũng tướng Diomède bắt “bồ” với chàng trai Cométès. Méda, vợ của người anh hùng Idoménée kết bạn khá thân thiết, thân tình, thân... “thể” với Leucos. Còn Clytemnestre, vợ của chủ tướng Agamemnon, mời hẳn một chàng trai tên là Égisthe vào ở đàng hoàng trong cung điện để trông nom nhà cửa cho nó đỡ trống trải...

Nhưng như thế Nauplios chưa hả lòng, chưa coi là đã trả thù được cho đứa con yêu quý của mình. Ông còn rắp tâm giáng một đòn nặng nề hơn nữa, và đòn ấy diễn ra vào lúc quân Hy Lạp chiến thắng trở về, thời cơ thích hợp nhất với ông. Vốn là một thủy thủ lành nghề nên ông hiểu biết rõ tâm lý những người lái con thuyền đi trong đêm đen trên biển khơi mênh mông chẳng biết đâu là bờ là bến. Ông đã từng thuộc hết những chỗ nông sâu, những quãng hiểm nghèo, những đoạn đầy đá ngầm trên mặt biển Égée, nhất là ven biển Hy Lạp. Được tin đoàn thuyền Hy Lạp trở về, ông rình đón suốt ngày đêm ở mũi Capharée, phía nam đảo Eubée. Cứ khi bóng đêm trùm xuống là ông cho đốt những đống lửa to ở những quãng có mũi nhọn, đá ngầm. Các thủy thủ của những con thuyền Hy Lạp nhìn thấy ánh lửa chập chờn xa xa cứ đinh ninh rằng nơi đó là bến tốt và vui mừng. Họ cho thuyền đi hướng thẳng vào nơi có ánh sáng. Nhưng than ôi! Thuyền của họ hoặc va vào đá ngầm, đâm vào núi đá, vỡ tan tành.

Lại nói về Agamemnon, con thuyền của chàng cũng gặp nạn. Bão nổi lên, sóng giập gió vùi đưa con thuyền của chàng ngửa nghiêng, nghiêng ngửa trôi tuột mãi xuống đến mũi Malée, rồi lại trôi tiếp phía nam tưởng chừng như xuôi thẳng đảo Crète hay bạt về phía châu Phi. May thay, các vị thần nguôi cơn thịnh nộ. Trời đổi gió. Con thuyền của Agamemnon ngược lên, đi áp vào vùng bờ biển Péloponnèse rồi ghé được vào bờ. Sung sướng biết bao sau bao nhiêu năm trời xa cách quê hương, giờ đây Agamemnon lại được nhìn thấy những cảnh vật thân yêu, gắn bó với mình từ thời thơ ấu. Nước mắt chàng trào ra. Chàng quỳ xuống kính cẩn cúi mình hôn mảnh đất quê hương. Nhưng số phận của chàng không phải là trở về đô thành Mycènes đầy vàng bạc để hưởng hạnh phúc. Một cái chết khủng khiếp do người vợ không chung thủy của chàng chăng ra để đón tiếp chàng.

Nhưng trong số những người anh hùng Hy Lạp sau chiến thắng Troie trở về thì không ai phải trải qua nhiều gian nan, vất vả, không ai phải đương đầu với những thử thách hiểm nghèo như người anh hùng Ulysse. Hành trình trở về của người anh hùng đa mưu túc kế này kéo dài suốt mười năm trời khi thì ở biển Đông, khi thì phiêu bạt sang biển Tây, nhiều lúc cái chết tưởng như cầm chắc trong tay. Ấy thế mà Ulysse vượt qua được hết để cuối cùng trở về với hòn đảo Ithaque của mình, gặp lại người vợ thủy chung của mình đã kiên định chờ đợi suốt hai mươi năm trời. Chuyện về hành trình phiêu bạt của Ulysse suốt mười năm trời trên mặt biển, nay lạc bước vào xứ sở này mai trôi giạt đến một hòn đảo khác, theo người xưa nói, phải kể hết ngày này qua ngày khác thì mới hết được.

Nói thêm về Diomède. Việc nàng Égialée, vợ của Diomède không giữ được trọn lòng chung thủy như trên đã kể là do Nauplios trả thù, tung tin thất thiệt, phá hại lòng tin của những người vợ có chồng tham gia cuộc viễn chinh Troie. Nhưng người ta lại còn kể, vụ ngoại tình này là do nữ thần Aphrodite trả thù. Xưa kia Diomède trong lúc giao tranh đã ngạo mạn bất kính đối với thần linh, đánh bị thương nữ thần Aphrodite. Nữ thần bèn khơi lên trong trái tim nàng Égialée những dục vọng thèm khát ái ân không sao kìm hãm được. Nữ thần lại đưa đường chỉ lối cho những chàng trai đến thăm hỏi, săn sóc Égialée, và tình hình đã xảy ra như thế, đến thế thì... khỏi phải nói, có mà trời giữ!

Diomède trở về Argos. Biết chuyện, chàng buồn bã âu sầu, chẳng buồn ăn, chẳng buồn nói, và bữa kia chàng lặng lẽ bỏ nhà, từ bỏ vương quốc của mình ra đi. Chàng đi sang miền nam nước Ý, đến vương quốc Apulie, xin nhà vua xứ sở này cho trú ngụ. Cảm phục sự nghiệp anh hùng của chàng cũng như xót xa ái ngại cho tình cảnh của chàng, vua Daunus đã gả con gái cho chàng. Chàng đã lập nghiệp tại đây và có công lao xây dựng nên nhiều đô thành ở miền nam nước Ý. Chẳng rõ xảy ra chuyện gì bất hòa, vua Daunus đã giết chàng. Có chuyện lại kể, không phải Diomède bị vua Daunus giết mà các vị thần đã đưa chàng đến cõi vĩnh hằng, mai táng chàng ở một hòn đảo mà cả quần đảo đó được mang tên chàng. Chàng được nhân dân suy tôn thờ cúng như một vị thần. Còn những chiến hữu của chàng, các vị thần đã biến thành một loài chim.

***

Đọc truyền thuyết về những người Argonautes và truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie so sánh với một số truyền thuyết khác nói về chiến công của những người anh hùng thần thoại, chúng ta có thể ghi nhận được một vài nét khác biệt sau đây.

1 - Chiến công của những người anh hùng Argonautes và chiến công của những người anh hùng trong cuộc Chiến tranh Troie không giống với chiến công của những người anh hùng Persée, Héraclès, Thésée... Chúng ta không gặp lại những anh hùng giết quái vật cứu lương dân, diệt đạo tặc trừ khử tai họa cho đời sống, chinh phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên, khám phá thiên nhiên như Persée, Thésée, Héraclès. Chúng ta không thể tìm thấy một chiến công nào có ý nghĩa nổi bật, sâu sắc, vĩ đại như chiến công của Héraclès. Đó là những chiến công cực kỳ táo bạo và phong phú, trong đó có những chiến công chưa từng có một người anh hùng nào lập được, giành được. (Nắn sông, dời non xẻ núi tạo ra eo biển, dám thay thần Atlas chống đội bầu trời, xuống âm phủ bắt chó ngao Cerbère). Chiến công của những người anh hùng Argonautes là đoạt Bộ lông Cừu vàng để có một báu vật thiêng liêng bảo đảm cho ngôi báu được vững bền. Chiến công của những người anh hùng trong cuộc Chiến tranh Troie là giết được kẻ thù, tước đoạt được vũ khí và những chiến lợi phẩm.

2 - Trong quan hệ đối với thần thánh, con người vốn rất kính sợ và tôn trọng. Tuy nhiên, nhiều lúc con người vẫn phạm vào cái lối ngạo mạn, kiêu căng, dám thách thức, đương đầu “bướng ra mặt” đối với thần thánh, mặc dù đã nhiều lần bị trừng phạt. Song con người vẫn chứng nào tật ấy, dường như cái thói ngạo mạn, kiêu căng, “bướng ra mặt” với thần thánh là bản chất không sửa chữa được của con người.

Chúng ta đã từng biết đến những người anh hùng táo tợn đến mức dám lừa cả thần Hadès, bắt sống thần Chết-Thanatos (Sisyphe), dám thử tài toàn trí toàn năng của thần thánh (Tantale), dám xuống âm phủ bắt nàng Perséphone, vợ của thần Hadès (Thésée, Pirithoos). Nhưng đến cuộc Chiến tranh Troie, chúng ta thấy con người còn táo tợn hơn, dám đánh cả thần thánh, đánh thật sự chứ không kiêng nể gì, đánh cho thần thánh bị thương phải bỏ chạy, và không phải chỉ có một lần.

Số mệnh và thần thánh vẫn tiền định, điều khiển trong một mức độ nào đó cuộc sống của con người. Nhưng con người lại cũng trong một mức độ nào đó tự điều khiển, tự quyết định hành vi, hành động của mình mà không phải trong một mức độ nào đó con người không có quyền lựa chọn. Achille đã lựa chọn con đường tham gia cuộc Chiến tranh Troie mặc dù biết rằng nếu tham gia, cuộc đời sẽ kết thúc ngắn ngủi. Achille tham chiến cùng với quân Hy Lạp không phải như một công cụ thực hiện điều tiền định của Số mệnh và thần thánh mà vì những động cơ tư tưởng của bản thân Achille, một con người trần tục đoản mệnh. Khi không tham chiến với quân Hy Lạp, Achille có ý nghĩ, có quan niệm của riêng mình. Khi trở lại tham chiến với quân Hy Lạp, Achille cũng có ý nghĩ, có quan niệm của riêng mình. Số mệnh và điều tiền định là một chuyện và con người hành động độc lập trong một chừng mực nào đó lại là một chuyện khác. Trong cái quy định tất yếu của Số mệnh và những điều tiền định, con người đã hành động với những quan niệm, suy nghĩ cụ thể của mình, và đó chính là một phẩm chất mới của chủ nghĩa anh hùng thần thoại. Con người đã cố gắng giành cho mình được một quyền độc lập, tự do tương đối nào đó trong cái tất yếu của Số mệnh.

Thần Zeus là người quyết định trong việc trả lại thi hài Hector cho lão vương Priam. Nhưng Achille không phải là một công cụ vô tri vô giác để thực hiện ý định của thần. Những lời cầu xin của Priam đã khiến chàng xúc động, đã thức tỉnh tính người, lòng nhân ái trong con người của chàng, khiến chàng nghĩ tới người cha già thân yêu của mình và xót thương cho số phận của cụ. Hành động ưu ái của chàng đối với lão vương Priam biểu hiện ra trước chúng ta không phải như là kết quả của việc tuân theo mệnh lệnh của thần Zeus mà là kết quả của sự xúc động, sự thức tỉnh tính người trong trái tim Achille. Về nhân vật Hector, chúng ta cũng thấy những nét tương tự. Có thể nói, trước Achille chúng ta chỉ được chứng kiến những anh hùng thần thoại hành động, đến Achille chúng ta được chứng kiến những anh hùng thần thoại suy nghĩ, xúc cảm và hành động. Thế giới nội tâm của người anh hùng thần thoại đã được biểu hiện một cách khá phong phú. Bước tiến bộ này chỉ có thể giải thích bằng sự tiến bộ của lịch sử xã hội loài người. Xã hội Hy Lạp đã đứng trước ngưỡng cửa của thời đại văn minh, và những nhân vật anh hùng thần thoại cũng được văn minh hóa theo với đà tiến triển của xã hội.

3 - Những nhân vật anh hùng thần thoại thường kết thúc với số phận của mình theo mấy cách dưới đây:

  1. Do chiến công vĩ đại của mình có ý nghĩa sâu sắc, tác dụng to lớn đến đời sống mà thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe hài lòng cảm phục, thừa nhận công lao cống hiến bằng quyết định khen thưởng: “đề bạt” vào hàng ngũ những vị thần bất tử (Dionysos, Héraclès). Hiện tượng này chắc chắn không phải chỉ riêng có ở Hy Lạp.
  1. Do hành động bất kính, ngạo mạn, phạm thượng đối với thần linh mà bị thần linh trừng phạt, bắt chịu khổ hình dưới âm phủ hoặc kết liễu cuộc đời (Bellérophon, Tantale, Sisyphe, Thésée).

Nhưng đến những người anh hùng trong truyền thuyết về những người Argonautes và truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie thì chúng ta thấy không một nhân vật anh hùng thần thoại nào được gia nhập vào hàng ngũ các vị thần của thế giới Olympe bất tử.

Achille sau khi chết và được quân Hy Lạp đã làm lễ an táng mới được bà mẹ là nữ thần Biển-Thétis đưa đến một hòn đảo. Diomède cũng tương tự như thế. Hơn nữa, cái chết hoặc nỗi bất hạnh của nhân vật anh hùng là do thần linh trừng phạt vì tội ngạo mạn, bất kính. Apollon trừng phạt Achille, Aphrodite trừng phạt Diomède. Athéna, Poséidon trừng phạt Ajax Bé. Athéna trừng phạt Ajax Lớn. Mặc dù vậy, những cái chết đó vẫn mang một ý nghĩa anh hùng hoặc cao thượng. Nó hoàn toàn không phải là cái chết về mặt tinh thần, đạo đức của nhân vật. Diomède để lại sự nghiệp lớn lao ở miền trung nước Ý. Ajax Lớn để lại khí phách anh hùng của một con người biết trọng danh dự, có ý thức rất cao về danh dự của người chiến sĩ.

Thế nhưng với người anh hùng Jason trong truyền thuyết về những người Argonautes thì hoàn toàn khác. Thần thánh không trừng phạt Jason. Jason không chết ở chiến trường như Achille, không hối hận để rồi tự sát như Ajax Lớn. Jason chết vì một tai nạn ngẫu nhiên, một cái chết không để lại một niềm xót thương nhớ tiếc, một cái chết vô nghĩa, và xét đến cùng, không cần phải suy nghĩ sâu rộng gì cho lắm, chúng ta đều có thể rút ra kết luận Jason chết vì những dục vọng xấu xa của mình, lòng khát khao quyền lực, tiền tài, địa vị. Tóm lại cái gọi là “hạnh phúc” cho bản thân đã thúc đẩy Jason đến hành động phản bội trắng trợn lại người vợ chung thủy, xúc phạm, chà đạp lên quyền sống, nhân phẩm và danh dự của nàng. Vì thế Jason bị người vợ trừng phạt.

Nếu nói đây là truyện thần thoại thì đúng là... thần thoại! Nào tấm khăn choàng, nào chiếc vương miện của Médée có phép lạ, đội vào đầu, choàng vào người là rút da xé thịt, là bốc cháy không sao gỡ ra được. Nhưng nếu nói đấy không phải là truyện thần thoại mà là một chuyện thật, có lẽ rất thật, rất hiện thực, không có gì xa lạ đối với đời sống loài người chúng ta, là của loài người chúng ta, thì chắc chắn không một ai có lý lẽ gì để phản bác. Ở đây, ở câu chuyện này chính con người, mối quan hệ giữa con người với con người quyết định những biến cố trong cuộc sống của họ. Họ là kẻ gieo hạt và họ là kẻ gặt hái. Chẳng có vị thần nào xúi giục Jason phản bội lại lý tưởng anh hùng cao đẹp của mình. Chẳng có vị thần nào khơi lên trong trái tim Jason những dục vọng xấu xa cả. Chúng ta ghi nhận một bước chuyển biến, một bước tiến của thần thoại anh hùng. Bước chuyển biến này có ý nghĩa gì? Trước hết nó đặt ra vấn đề trách nhiệm của con người đối với hành động của mình trong một thế giới thần thoại mà các vị thần thường can thiệp thô bạo, áp đặt vào đời sống con người những lời phán truyền, sấm ngôn này khác. Như vậy thì đâu là trách nhiệm của thần thánh, đâu là trách nhiệm của con người? Vấn đề này không phải chỉ ở câu chuyện này mới đặt ra mà sau này sẽ còn có những chuyện khác tiếp tục đặt ra.

Thần thánh không trừng phạt Jason vì Jason không làm điều gì xấc xược, phạm thượng. Nhưng tại sao thần thánh lại không nhòm ngó, đoái hoài, quan tâm chút gì đến người anh hùng mà xưa kia trong cuộc hành trình sang xứ sở Colchide luôn luôn được sự giúp đỡ của thần thánh? Phải chăng thần thánh sợ dây vào cái con người đã bị biến chất, tha hóa ấy thì tổn hại cho danh dự và uy tín của mình? Ở đây xuất hiện một cách tự nhiên, khách quan, ý nghĩa đạo đức, bài học về đạo đức của truyền thuyết. Sự bỏ rơi của thần thánh đối với Jason chỉ có nghĩa Jason không còn xứng đáng là người anh hùng, Jason xứng đáng với đòn trừng phạt của người vợ. Từ người anh hùng cao thượng đến kẻ hèn hạ, phản phúc, đê tiện, khoảng cách đó không xa. Có giữ được khoảng cách đó hay không là tùy thuộc ở con người. Con người quyết định chứ không phải thần thánh quyết định.

Nhưng cái bước tiến về nhận thức: mối quan hệ giữa con người với con người quyết định những biến cố trong cuộc sống của họ nói lên, phản ánh một sự thật gì? Đó là cuộc sống xã hội đã tiến bộ hơn, phức tạp hơn. Con người trong quá trình tiến bộ của mình cũng phức tạp hơn. Sự phức tạp đó chính là do chủ nghĩa cá nhân và tấn bi kịch của nó. Chúng ta sẽ thấy vấn đề này khá rõ ở cái xã hội của các tướng lĩnh Hy Lạp trong cuộc Chiến tranh Troie.

4 - Trong gia tài thần thoại Hy Lạp không một truyền thuyết nào phong phú, phức tạp và nhiều ý nghĩa như truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie. Chúng ta không thể phân tích hết và đầy đủ mọi vấn đề mà chỉ có thể phân tích những vấn đề nổi bật nhất.

  1. Trước hết chúng ta thấy vai trò và vị trí con người trong mối quan hệ với thần thánh ngày càng được khẳng định. Con người được trao cho nhiệm vụ giám khảo, tối hậu quyết định trong cuộc thi sắc đẹp giữa ba vị nữ thần. Trong chiến tranh, sức mạnh của con người sánh ngang thần thánh và... như trên đã nói.
  1. Trong mối quan hệ giữa con người với con người, bên cạnh những phẩm chất cao quý tốt đẹp như lòng trung thành với lý tưởng, ý thức trọng danh dự, tình chiến hữu, sự trung thực... gắn bó mọi người với nhau, chúng ta thấy bộc lộ ra khá nhiều những tính xấu như: sự lừa dối, tính tham lam, thói ghen tị thù hằn, sự trả thù nhỏ nhen, tính tàn bạo... Mối bất hòa giữa chủ tướng Agamemnon với Achille là một bằng chứng. Bị ức hiếp, Achille những toan rút kiếm ra lấy máu rửa hận. Nếu không có nữ thần Athéna can thiệp thì chắc chắn đã xảy ra một tấn bi kịch đẫm máu. Trong sự thống nhất của khối cộng đồng những đạo quân liên minh của các đô thành trên đất nước Hy Lạp đã xuất hiện sự chia rẽ, sự không thật đồng tâm nhất trí, gắn bó keo sơn. Quyền lực đã có một người bạn đường là sự ức hiếp. Vì lẽ đó nên ông già tiên tri Calchas không đám nói thẳng, nói sự thật, sợ đụng chạm đến Agamemnon thì sẽ bị Agamemnon trả thù. Cụ đòi Achille phải thề hứa bảo vệ tính mạng cho cụ. Và chính Agamemnon đã dùng quyền lực của mình để vơ vét, thu vén làm giàu cho riêng mình. Chiến lợi phẩm quân sĩ thu được đem về nộp thì Agamemnon chia ra thì ít mà giữ lại phần mình thì nhiều... Tóm lại, đã xuất hiện một quan hệ bất bình đẳng và ức hiếp. Sự trả thù của Achille đối với quân Hy Lạp lại càng tồi tệ, nhẫn tâm hơn nữa, quân Hy Lạp đã bị tổn thương nặng nề khi Achille từ bỏ cuộc chiến đấu.

Trong thần thoại và truyền thuyết Hy Lạp đầy rẫy những cuộc trả thù. Thần thánh trả thù con người vì tội bất kính bội ước. Con người trả thù con người vì tội lừa đảo, bội ước, phản phúc, vì những món nợ máu truyền kiếp, vì tội vu cáo. Những chuyện trả thù như thế, có những chuyện khá khủng khiếp như tội ác và sự thù hằn giữa anh em Atrée và Thyeste, truyện hai chị em Procné và Philomèle biến thành chim, song nhìn chung đều đơn giản, và có những chuyện có vai trò chi phối sắp đặt của số mệnh và thần thánh. Nhưng có lẽ không có một câu chuyện trả thù nào lại đau xót, lại khủng khiếp, lại ghê sợ, lại để lại trong trí óc và trái tim người đọc một ấn tượng khó phai mờ và nhiều suy nghĩ như chuyện Ulysse trả thù Palamède. Palamède đã phạm tội gì để đến nỗi bị Ulysse trả thù? Bội ước ư? Không! Vu cáo ư? Không! Sát hại một người nào có quan hệ huyết thống với Ulysse ư? Không! Palamède chỉ có “tội” là đã phát hiện ra sự lừa dối của Ulysse, cái trò bịp giả điên của Ulysse, Palamède chỉ có “tội” là đã tài giỏi hơn Ulysse. Những câu chuyện trả thù khác dù có dã man, khủng khiếp như giết con nấu cháo, làm chả, giết cháu làm cỗ để mời bố đẻ của những đứa trẻ bất hạnh ấy ăn... mặc dù ghê rợn, nhưng cũng là một sự thực hiện công lý ác giả ác báo (như truyện Tấm Cám của chúng ta). Nhưng chuyện Ulysse trả thù Palamède thì hoàn toàn không phải là một sự thực hiện công lý. Các vị thần của thế giới Olympe từ thần Zeus đã biết bao lần giáng đòn trừng phạt người này kẻ khác, chàng nọ ả kia, nhưng cộng tất cả những cuộc trả thù ấy lại cũng không thể nào sánh nổi với vụ Ulysse trả thù. Trí tuệ của thần thánh so với trí tuệ của Ulysse quả thật là thua kém xa, xa lắm. Thần thánh không thể nào xảo quyệt bằng Ulysse, không thể nào thiết kế được một cái “hồ sơ giả” với những bằng chứng có vẻ thật để vu cáo Palamède vào tội tư thông với quân thù, làm gián điệp cho vua Priam. Ghê sợ, bỉ ổi và khủng khiếp đến thế là cùng!

Đó, bước tiến bộ của con người trong việc khẳng định vai trò và vị trí của mình trong cuộc sống, bên những mặt tích cực đã bộc lộ ra những mặt tiêu cực như thế. Cái ngày mà con người biết dùng đầu óc và mưu trí của mình để chống chọi với thú dữ, để chinh phục thiên nhiên thì cũng là cái ngày mà con người biết dùng đầu óc và mưu trí của mình để ám hại đồng loại, thanh trừ, tiêu diệt đồng loại. Ulysse trả thù Palamède, nghĩa là Ulysse đã ám hại người bạn chiến đấu của mình để thỏa mãn tham vọng quyền lực, địa vị, danh tiếng. Palamède chết là người trung thực và có tài năng bị chết, bị thất bại; thói xảo quyệt, kèn cựa, ghen tị nhỏ nhen có đất sống, thắng lợi. Ôi, Chân lý! Ngươi lại chết sớm hơn cả ta; thật xót xa và cay đắng! Màn đầu tấn bi kịch của chủ nghĩa cá nhân khi loài bước vào thời đại văn minh của chế độ tư hữu là như thế đấy!

5 - Xã hội Hy Lạp trong truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie là xã hội công xã thị tộc trên bước đường cùng tan rã. Đặc điểm nổi bật nhất của giai đoạn này là, như F. Engels nói: “Chiến tranh ngày xưa giữa bộ lạc với bộ lạc từ thời kỳ này đã biến chất thành cuộc cướp bóc có hệ thống trên đất liền và trên mặt biển để chiếm đoạt gia súc, nô lệ, của cải, tức là đã biến thành một cách kiếm lợi thông thường, tóm lại của cải được người ta tán dương và coi trọng như là một của báu tối cao, và những thể lệ cũ của thị tộc bị người ta bôi nhọ đi để biện hộ cho sự cướp đoạt của cải bằng bạo lực”. Những cuộc chiến tranh cho phép bóc lột có hệ thống trên đất liền và trên mặt biển như F. Engels chỉ ra đã ngày càng làm tăng thêm quyền hành của thủ lĩnh quân sự, và từ chỗ trong tay có nhiều quyền hành thủ lĩnh quân sự đã từ “người đầy tớ ban đầu biến dần thành người chủ” đồng thời kéo theo “nạn ăn cắp của chung làm của riêng”.

Thói sùng bái của cải dẫn đến tham vọng về quyền lực, bởi vì của cải và quyền lực là đôi bạn đường chung sống với nhau trong mối quan hệ nhân quả, và chính cũng từ thói sùng bái của cải và tham vọng về quyền lực mà đẻ ra biết bao những thói hư tật xấu tệ hại khác nữa như: tính tham lam, dối trá, lừa đảo, đầu óc xảo quyệt, phản phúc, thói ghen tị, kèn cựa, sự tàn nhẫn, sự trả thù, lối trù giập, kiểu sống trắng trợn, vụ lợi, keo kiệt... Tóm lại, tất cả những thói xấu mà ngày nay chúng ta gọi vắn tắt là chủ nghĩa cá nhân hoặc chủ nghĩa cá nhân thú vật.

Đó là cơ sở xã hội-lịch sử của truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie. Chúng ta có thể thấy truyền thuyết về những người Argonautes hoàn toàn gần gũi với cơ sở xã hội-lịch sử này.

Bảng gia hệ vương triều Troie

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

CHUYỆN VỀ ODYSSÉE VÀ NGƯỜI CON TRAI, TÉLÉMAQUE

Odyssée là người anh hùng đã nghĩ ra cái mưu “con ngựa thành Troie”. Chàng có tên là Ulysse. Sau khi quân Hy Lạp hạ được thành Troie, các dũng tướng cùng với quân sĩ của mình lần lượt trở về quê hương Hy Lạp. Biết bao biến cố đã xảy ra làm cho họ khi trở về đến quê hương, mười phần mất bảy, chín phần còn ba, nhưng trong số những cuộc trở về ấy thì hành trình của người anh hùng Ulysse là gian nan vất vả, ba chìm bảy nổi hơn cả.

Các vị thần đều biết việc Ulysse gặp hoạn nạn khó khăn nhưng chưa biết làm cách gì để cứu vớt người anh hùng ngoài việc bày tỏ lòng thương xót. May thay, một dịp tốt đến.

Hôm đó, các vị thần Olympe, theo lệnh của Zeus, được triệu tập để họp. Đấng phụ vương Zeus, mở đầu cuộc họp bằng những lời phàn nàn rằng những người trần thế bất cứ việc gì cũng quy tội, đổ lỗi cho thần linh mà thực ra do chính sự dại dột của họ, không nghe lời răn bảo của thần thánh, nên họ mới gặp bao tai họa. Zeus nói xong, nữ thần Athéna bèn lên tiếng trách móc đấng quân vương sao lại đi thương xót số phận của người khác mà quên mất Ulysse, một người anh hùng đã từng dâng biết bao lễ vật hậu hĩ cho Zeus, một người anh hùng mà số phận còn đáng được các vị thần quan tâm đến rất nhiều. Nàng nói tiếp:

- Hỡi Zeus, đấng phụ vương đầy quyền uy của các vị thần và những người trần thế! Lẽ nào chúng ta lại đối xử bất công như vậy đối với một người anh hùng danh tiếng lẫy lừng? Các vị anh hùng khác đã trở về sum họp với gia đình từ bao năm nay rồi mà giờ đây, người anh hùng ấy vẫn phải lưu lạc, vẫn ngày đêm mong mỏi chỉ được nhìn một làn khói bốc lên, từ trên mảnh đất quê hương của mình mà không được. Lẽ nào, đấng phụ vương Zeus lại thù ghét người anh hùng ấy đến mức như thế?

Nghe nữ thần Athéna nói như vậy, thần Zeus liền thanh minh. Thần nói cho nàng rõ, tất cả mọi chuyện đều không do mình. Thần vẫn không hề quên Ulysse là người anh hùng thông minh, mưu trí hơn hết mọi người trần và là người anh hùng dâng lễ vật nhiều nhất cho các vị thần trên bầu trời cao xa, bát ngát. Cuối cùng, thần đi đến kết luận:

- Hỡi các chư vị thần linh! Giờ đây, chúng ta hãy quyết định số phận của Ulysse chứ không thể để kéo dài mãi sự bất công như thế. Chúng ta phải nghĩ đến việc giúp đỡ cho người anh hùng đó trở về với quê hương, gia đình.

Các vị thần đều nhất trí đồng thanh tán thưởng. Nữ thần Athéna sẽ xuống hòn đảo Ithaque khích lệ người con trai của Ulysse là Télémaque lên đường đi dò hỏi tin tức về người cha thân yêu của cậu.

Hành trình đi tìm cha của Télémaque

Nữ thần Athéna vô cùng hồ hởi. Nàng lập tức bay ngay từ đỉnh Olympe cao ngất xuống hòn đảo Ithaque, quê hương của người anh hùng có nghìn mưu trí Ulysse. Nàng giả dạng là một người khách lạ, vua của xứ Taphos, tên là Mentès đi vào cung điện của Ulysse.

Tình cảnh gia đình Ulysse lúc này thật rắc rối. Lợi dụng việc Ulysse vắng nhà quá lâu, những chàng trai quý tộc trên đảo ngày ngày đến thúc ép vợ Ulysse, nàng Pénélope khôn ngoan, phải chọn lựa một người trong bọn chúng để tái giá. Bọn chúng đến nhà Ulysse, sai gia nhân của Ulysse giết lợn, giết cừu, giết bò dọn tiệc. Chúng chè chén say sưa hết ngày này qua ngày khác, chờ đợi Pénélope trả lời. Trước tình thế bị thúc ép căng thẳng như vậy, Pénélope đành phải trả lời bọn cầu hôn: Nàng sẽ kén chọn trong số 108 chàng trai quý tộc đây, một người xứng đáng nhất để làm chồng, nhưng nàng xin với các vị cầu hôn đầy nhiệt tình hãy cho phép nàng dệt xong tấm vải liệm cho bố chồng nàng, cụ già Laerte đang gần đất xa trời. Có làm xong nghĩa vụ với bố chồng, nàng mới yên tâm tái giá, bằng không nàng sẽ mang tiếng xấu với bà con, họ hàng trên đảo Ithaque. Các vị cầu hôn đành phải chấp thuận lời thỉnh cầu khôn ngoan đó của nàng Pénélope. Nàng Pénélope bắt tay vào dệt tấm vải liệm cho bố chồng. Ban ngày nàng dệt nhưng ban đêm lại sai nữ tì đốt đuốc để nàng tháo, gỡ tấm vải ra. Cứ thế, nàng dệt mãi, dệt mãi, suốt ba năm ròng mà tấm vải không xong, nhưng đến năm thứ tư, bọn cầu hôn, do được một tên nữ tỳ phản bội báo cho biết, liền ập đến bắt quả tang. Chúng khiển trách Pénélope và buộc nàng phải dệt cho xong tấm vải mặc dù lòng nàng không muốn chút nào. Giờ đây đã đến lúc Pénélope không thể lẩn tránh việc trả lời bọn cầu hôn. Ngay cha mẹ nàng cũng thúc giục nàng tái giá bởi vì các cụ không tin Ulysse còn sống để trở về.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Công việc của Pénélope (Le travail de Pénélope) hoặc Tấm vải của Pénélope (La toile de Pénélope) để chỉ một việc làm cần cù, kiên nhẫn, hoặc để chỉ một việc làm cần cù kiên nhẫn nhưng không đem lại một kết quả, một lợi ích gì.

Khi nữ thần Athéna đặt chân đến trước cửa cung điện của Ulysse thì nàng thấy bọn cầu hôn đang ngồi chơi cờ trước sân. Các gia nhân đang dọn tiệc. Télémaque là người đầu tiên trông thấy nữ thần Athéna dưới dạng một người khách lạ từ phương xa tới. Cậu vội chạy đến niềm nở chào khách và mời khách vào dự tiệc. Bọn cầu hôn bước vào bàn tiệc ngồi thành một hàng dài trên các ghế tựa. Sau khi ăn uống no say, chúng ra lệnh cho nghệ nhân Phémios ca hát để cho bữa tiệc thêm vui. Chính trong lúc đó, lúc bọn cầu hôn đang mải nghe hát, Télémaque mới ghé sát vào tai Mentès, kể cho người khách lạ từ phương xa tới biết tình cảnh gia đình của mình, và cũng chỉ đến lúc này cậu mới hỏi tên tuổi, lai lịch của vị khách quý.

Khách tự xưng là Mentès, cai quản những người Taphos, xưa kia đã từng quen biết, giao thiệp với Ulysse. Khách tỏ vẻ ngạc nhiên trước hình dáng và khuôn mặt của Télémaque sao mà giống hệt như người cha danh tiếng của cậu. Trước tai họa đang đe dọa gia đình Ulysse: Bọn cầu hôn phá hoại tài sản, thúc ép Pénélope phải lựa chọn một người trong bọn chúng để tái giá, còn Pénélope thì thân cô thế cô không biết nương tựa vào ai để bênh vực nên cũng không có gan đương đầu với chúng, đòi chúng phải chấm dứt những hành động ngang ngược, Mentès khuyên Télémaque hãy triệu tập Đại hội Nhân dân tuyên bố cho mới người biết rõ ý định của mình: Đòi chấm dứt cầu hôn, chấm dứt phá hoại tài sản và thúc ép Pénélope. Mentès còn khuyên Télémaque sắm sửa thuyền bè để lên đường đi Pylos, xứ sở của lão vương Nestor và Sparte đô thành của người anh hùng Ménélas để hỏi thăm tin tức về người cha thân yêu của mình. Khuyên bảo Télémaque xong, nữ thần Athéna dưới hình dạng Mentès liền vụt biến đi như một con chim. Nàng vội vã ra đi, khước từ cả tặng phẩm của Télémaque dâng nàng để bày tỏ lòng hiếu khách và biết ơn những lời dạy bảo và khích lệ của nàng. Tuy nữ thần không ở bên Télémaque được bao lâu song nàng đã đặt vào trái tim cậu sự dũng cảm, lòng quả quyết và nỗi nhớ thương người cha da diết. Thấy vị khách của mình ra đi vội vã và kỳ diệu như vậy, Télémaque vô cùng sửng sốt, ngạc nhiên. Cậu ngẫm nghĩ và chợt hiểu ra rằng đó là một vị thần đã đến truyền phán cho mình những điều chỉ dẫn quý báu.

Sáng hôm sau, Télémaque cho truyền lệnh đi khắp đảo triệu tập những người Achéens tóc dài đến quảng trường. Chẳng mấy chốc nhân dân đã kéo nhau đến tụ tập đông đủ. Télémaque đi đến cuộc họp với dáng điệu uy nghi, đẹp đẽ như một vị thần. Cậu cầm trong tay một ngọn lao đồng và theo sau cậu là hai con chó to lớn, đẹp đẽ đi hộ tống. Mọi người đều dõi nhìn theo cậu cho đến khi cậu ngồi vào chỗ của Ulysse thường ngồi trong các cuộc hội nghị xưa kia.

Cuộc họp bắt đầu, cụ già Égyptos đứng lên khai mạc:

- Hỡi nhân dân Ithaque, xin hãy nghe ta nói. Đã lâu lắm rồi kể từ ngày thủ lĩnh Ulysse của chúng ta xuống thuyền lên đường sang thành Troie tham dự chinh chiến chúng ta chẳng có họp hành gì. Hôm nay, chúng ta được triệu tập đến đây để làm gì? Ai ra lệnh? Liệu có một ai đó đem lại một tin tức chắc chắn gì về hành trình trở về của đoàn chiến thuyền chúng ta dưới sự chỉ huy của Ulysse không? Hay chúng ta đến đây để bàn luận về một điều công ích gì khác? Dù sao thì ta cũng nghĩ rằng người triệu tập cuộc họp này thật là nhiệt thành và khôn ngoan. Cầu xin thần Zeus ban cho hội nghị sự thành công tốt đẹp, kết quả mỹ mãn.

Télémaque đứng lên giữa hội nghị, tay cầm cây vương trượng. Cậu cất tiếng nói dõng dạc tố cáo bọn cầu hôn là phá hoại tài sản của gia đình cậu, thúc ép mẹ cậu phải tái giá. Cậu tiếc rằng không có người nào như Ulysse đứng ra để bênh vực cho gia đình cậu, còn cậu, thì chưa đủ sức lực và tài năng để làm việc đó. Télémaque xin nhân dân Ithaque bảo vệ gia đình cậu và ngăn chặn hành động bạo ngược, lộng hành của bọn cầu hôn. Cậu cầu thần Zeus, đấng phụ vương của thế giới Olympe và nữ thần Thémis uyên thâm là người triệu tập và giải tán cuộc hội họp của nhân dân, bênh vực gia đình cậu, chấm dứt nỗi đau thương của gia đình cậu... Télémaque nói với một nỗi tức giận ghê gớm trong tim, nước mắt giàn giụa. Nói xong, cậu vứt cây vương trượng xuống đất và ngồi xuống. Toàn thể nhân dân đều thương cảm cho tình cảnh gia đình của người anh hùng Ulysse. Không một ai dám đứng lên dùng những lời lẽ thô bạo để đáp lại sự tố cáo của Télémaque, bênh vực bọn cầu hôn. Chỉ có tên cầu hôn Antinoos là người dám đối lại. Hắn tuyên bố, những chàng trai quý tộc người Achéens đi cầu hôn sẽ nhất quyết không rời cung điện của Ulysse chừng nào mà nàng Pénélope không từ bỏ ý định lừa dối họ, và nếu Pénélope cho đến lúc này còn nuôi hy vọng có thể lừa dối được họ thì quả thật sự tính toán đó không đúng chút nào. Hắn đòi Télémaque phải dẫn mẹ đến hội nghị này, bắt mẹ phải chọn một người đàn ông Achéens mà bà ta ưng ý làm chồng. Chừng nào mà Pénélope chưa quyết định thì chừng đó những người Achéens cầu hôn còn tiếp tục đến ăn uống, chè chén tại cung điện của Ulysse. Télémaque vô cùng phẫn nộ trước thói ngạo mạn của Antinoos. Cậu khấn thần Zeus, xin thần chứng kiến cho hành động vô đạo của bọn cầu hôn và xin thần hãy trừng trị tội ác đó.

Từ đỉnh Olympe cao ngất bốn mùa mây phủ, thần Zeus nghe thấy hết những lời cầu xin của Télémaque. Lập tức thần liền phái ngay hai con chim đại bàng lao về phía đảo Ithaque nơi đang diễn ra cuộc hội nghị nhân dân. Từ đỉnh núi cao chót vót, hai con chim bay đi nhanh như gió thổi, phút chốc đã tới quảng trường đang ồn ào tiếng người. Chúng lượn trên quảng trường và phóng những tia mắt dữ tợn xuống hàng bao cái đầu đang ngửng lên nhìn chúng, như muôn gieo chết chóc xuống. Thế rồi hai con đại bàng bỗng đâm bổ vào nhau, dùng mỏ nhọn, móng sắc cắn xé nhau, máu chảy đầm đìa. Sau đó chúng biến mất sau những mái nhà và đô thành cao ngất trước sự ngạc nhiên và lo sợ của mọi người.

Lúc đó, lão anh hùng Halitherses, con trai của Mastor, đứng lên, cất tiếng nói dõng dạc trước hội nghị. Lão cho biết đó là điềm báo Ulysse sẽ trở về và sẽ trừng trị những kẻ đã xúc phạm đến gia đình, vợ con và phá hoại tài sản của người. Lão kêu gọi mọi người hãy tìm cách ngăn chặn, chấm dứt thói bạo ngược của những kẻ cầu hôn, nhưng bọn cầu hôn không nghe lời khuyên nhủ của lão. Tên cầu hôn Eurymaque lại còn nhạo báng cụ, đuổi cụ về nhà mà trổ tài tiên đoán, bói toán cho các con em. Chưa hết, tên cầu hôn Léocrite còn ngỗ ngược, hắn thách thức, đe đọa, nếu như Ulysse may mắn còn sống sót mà đặt chân lên mảnh đất Ithaque này với hy vọng đánh đuổi được những người Achéens cầu hôn, khôi phục lại quyền thế và tài sản thì ngày trở về của Ulysse chẳng phải là ngày vui mừng của cảnh đoàn tụ với gia đình. Một mình Ulysse không thể nào địch được những chàng trai Achéens cầu hôn. Ngày đó chỉ có thể là ngày kết thúc số phận của Ulysse một cách nhục nhã, và Léocrite ra lệnh cho hội nghị giải tán.

Thế là hội nghị nhân dân chẳng giúp đỡ được chút gì cho Télémaque. Những tiếng nói chân thành, thẳng thắn bênh vực Télémaque đều bị những tên cầu hôn hung hăng trấn áp. Ngay việc Télémaque xin cấp một con thuyền với hai mươi tay chèo để đi hỏi thăm tin tức về người cha thân yêu của mình, nếu đích thực người đã chết thì cậu sẵn sàng để mẹ cậu đi lấy chồng, cũng không được. Tình cảnh thật là hỗn loạn. Bọn cầu hôn lại kéo nhau về cung điện của Ulysse chè chén, tiệc tùng, còn những người Achéens khác ai về nhà người ấy. Riêng Télémaque rất buồn. Cậu một mình đi ra bờ biển có bãi cát trắng dài, giơ tay lên trời cầu khấn nữ thần Athéna giúp đỡ.

Nghe tiếng Télémaque cầu khấn, nữ thần Athéna có đôi mắt sáng long lanh liền hiện ra cách Télémaque không bao xa. Nữ thần hóa mình thành Mentor, một người bạn không thể chê trách được của Ulysse. Ulysse trước khi xuống thuyền lên đường sang thành Troie đã tin cẩn nhờ cậy, giao phó cho Mentor trông nom gia đình hộ mình. Nữ thần Athéna dưới hình dạng Mentor khuyên Télémaque hãy để mặc bọn cầu hôn. Sự hỗn xước ngạo mạn của chúng sẽ chỉ làm cho ngày tận số của chúng đến gần. Nữ thần hứa sẽ lo liệu thuyền bè cho cuộc hành trình của Télémaque.

Trở về nhà, Télémaque gọi người vú già Euryclée đến nói cho bà biết ý định đi tìm cha của mình. Cậu giao cho bà trách nhiệm trông nom, săn sóc người mẹ kính yêu của cậu và phải hết sức giữ kín chuyện cậu ra đi. Vú già Euryclée van xin Télémaque hãy từ bỏ ý định đó. Bà lo lắng cho tính mạng của cậu, người con trai của Ulysse danh tiếng lẫy lừng, nhưng không gì cản trở được ý chí của Télémaque.

Trong khi đó, nữ thần Athéna biến mình thành Télémaque đi vào thành phố. Nàng gặp người này, người khác bắt chuyện với họ, cổ vũ họ tham gia vào cuộc hành trình đi hỏi thăm tin tức của Ulysse. Nàng đến gặp Noémon, người con trai danh tiếng của Phronios hỏi mượn một con thuyền, và Noémon đã sẵn sàng cho mượn. Khi mặt trời lặn, đường phố chìm trong bóng tối, nữ thần Athéna bèn kéo con thuyền ra bờ biển. Cùng lúc đó những tay chèo sẵn lòng tham dự cuộc hành trình với Télémaque lần lượt đến tụ tập bên con thuyền. Xong việc đó, nữ thần Athéna lại trở về cung điện của Ulysse. Bằng tài năng và pháp thuật của mình, nàng lọt vào cung điện mà không ai nhìn thấy. Nàng dội xuống mi mắt của bọn cầu hôn cơn buồn ngủ nặng chĩu, và thế là bọn cầu hôn, rượu uống say mềm, buông tay khỏi cốc, ngật ngà ngật ngưỡng đứng dậy trở về nhà trong thành phố để ngủ. Chúng chỉ vừa mới nằm vật xuống giường là ngủ say như chết. Nữ thần Athéna dưới hình dạng và tiếng nói của Mentor bèn đến gọi Télémaque lên đường.

Ở bờ biển, các tay chèo đã sẵn sàng. Télémaque tới thuyền cho mọi người chuyển lương thực xuống thuyền. Khi mọi việc đã xong xuôi, nữ thần Athéna dưới hình dạng Mentor dắt tay người con trai của Ulysse xuống thuyền. Nữ thần ngồi ở đằng lái, Télémaque ngồi kế bên. Thuyền rời bến. Một cơn gió tuyệt diệu do nữ thần Athéna khơi lên đưa con thuyền lướt nhanh ra giữa biển khơi mênh mông sóng nước.

Télémaque tới Pylos

Sáng hôm sau khi mặt trời vừa rời mặt biển bao la, leo lên vòm trời bát ngát để chiếu sáng cho thế giới thần thánh và mặt đất đen của những người trần thế đang sống thì con thuyền của Télémaque vừa cập bến. Đây là bến cảng của đô thành Pylos, một đô thành được xây dựng kiên cố của Nélée, người đã sinh ra lão vương Nestor. Télémaque đến vào lúc những người dân thành Pylos đang làm lễ hiến tế trọng thể, giết những con bò mộng đen, dâng vị thần Lay chuyển Mặt đất, Poséidon, ngay trên bờ biển. Họ bày chín hàng ghế, mỗi hàng xếp năm trăm người ngồi, và đặt trước chín hàng ghế chín con bò mộng. Gia nhân đông đúc đang tíu tít bưng các món ăn thịnh soạn lên, phục vụ cho bữa tiệc linh đình hiếm có. Người ta vừa ăn món lòng bò cực ngon vừa nướng, vừa đốt những đùi bò để hiến dâng các vị thần bất tử ngự trị trên bầu trời cao xa, mùi khói thơm phức bốc lên ngào ngạt.

Con thuyền của Télémaque cập bến. Nữ thần Athéna dưới hình dạng Mentor đi trước. Nối bước theo sau là Télémaque. Khi những người dân của đô thành Pylos kiên cố nhìn thấy những người khách lạ đang đi về phía bàn tiệc của mình, họ, dù chẳng ai bảo ai, vội đứng lên chạy tới trước mặt các vị khách nghiêng mình thi lễ và trân trọng kính mời các vị khác vào dự tiệc. Pisistrate con trai của lão vương Nestor đích thân cầm tay hai vị khách mời vào ngồi trên ghế có trải những bộ lông cừu mềm xốp như cát trên bờ biển, ở chính ngay giữa em mình và cha mình. Tự tay rót rượu vang vào một chiếc cốc vàng, Pisistrate trân trọng dâng lên vị khách Mentor mà thực ra là nữ thần Athéna chí tôn chí kính, bởi vì trong hai vị khách quý Mentor là người cao tuổi hơn. Nữ thần Athéna đón nhận cốc rượu từ tay Pisistrate, lắng nghe những lời mời trân trọng với một vẻ hài lòng, nàng cầu khấn thần Poséidon ban hạnh phúc cho lão vương Nestor và con trai của lão, cùng với thần dân của lão, cầu khấn thần Poséidon giúp đỡ cho cuộc hành trình của Télémaque đi đến nơi về đến chốn, bình an vô sự.

Sau khi các vị khách quý đã ăn uống no nê rồi, lúc đó lão vương Nestor người điều khiển chiến xa, mới cất tiếng hỏi các vị khách:

- Thưa các vị khách quý, giờ đây các vị đã ăn uống no say rồi và như vậy lúc này chúng tôi xin phép được hỏi các vị hẳn không có chút gì khiếm nhã. Hỡi các vị khách quý, xin các vị cho chúng tôi biết quý danh của các vị, các vị là ai, các vị từ phương trời nào đến? Các vị đến đây vì công việc gì? Hay các vị chỉ là những người lênh đênh trên mặt biển không mục đích, dấn thân vào nghề ăn cướp biển hiểm nghèo, phung phí đời mình và đem lại bao tai họa cho những người khác?

Télémaque đứng lên, trân trọng đáp lại. Nữ thần Athéna đã làm cho trái tim của cậu trở nên bạo dạn, cứng cỏi. Nghe Télémaque kể rõ mục đích của cuộc hành trình, lão vương Nestor hết sức cảm động và vui mừng vì cụ không ngờ lại có ngày được gặp đứa con trai của người anh hùng Ulysse danh tiếng lẫy lừng, một đứa con giống cha như in như đúc cả về hình dạng lẫn vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát thông minh. Lão vương Nestor kể cho Télémaque nghe về cuộc hành trình của những vị dũng tướng Hy Lạp từ Troie trở về, những chiến công và những tai họa, nhưng về Ulysse thì lão vương không biết một chút tin tức gì. Cụ già bày tỏ sự thông cảm trước tình cảnh gia đình Ulysse đang bị bọn cầu hôn quấy nhiễu. Không biết giúp đỡ gì hơn, lão vương Nestor khuyên Télémaque đến đô thành Sparte hỏi thăm vua Ménélas, may ra có thể biết được chút ít tin tức về người cha thân yêu của cậu. Cụ tin chắc rằng các vị thần bất tử và đặc biệt là nữ thần Athéna, người con gái của Zeus, sẽ phù hộ, giúp đỡ Télémaque hỏi thăm tin tức về Ulysse.

Chiều hết, đêm đến, Télémaque xin phép lão vương Nestor xuống thuyền lên đường, nhưng lão vương không để cho Télémaque ra đi. Nữ thần Athéna dưới hình dạng của Mentor khuyên Télémaque nên nghỉ lại. Còn mình thì sẽ ngủ ở thuyền để sáng sớm mai phải đi tới xứ sở của những người Caucones dũng cảm đòi một món nợ lâu ngày. Nàng khuyên Télémaque nên dùng ngựa để đi tới đô thành Sparte. Nói xong, Mentor, mà thực ra chính là nữ thần Athéna, vụt biến thành một con chim ưng và biến mất trước sự kinh ngạc của những người Pylos. Lão vương Nestor được linh tính báo cho biết đó chính là nữ thần Athéna con của Zeus. Cụ liền giơ tay lên trời cầu khấn.

Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông có những ngón tay hồng vừa xòe ra trên mặt biển thì cũng là lúc lão vương Nestor tỉnh dậy, cụ triệu tập thần dân đến hội họp để làm một lễ hiến tế nữ thần Athéna, người con gái vĩ đại của Zeus. Tiếp đó cụ sai gia nhân sắm sửa một chiếc xe đồng bóng nhoáng và những con ngựa khỏe mạnh cùng với lương thực cần thiết để đưa Télémaque sang đô thành Sparte. Đích thân Pisistrate, người đã từng chỉ huy các chiến binh, cầm cương, đánh xe đưa Télémaque đi. Xe đi từ sáng sớm cho đến chiều tối thì tới đô thành Phères dưới quyền trị vì của người anh hùng Dioclès con trai của Ortiloque và là cháu của Alphée. Hai người xin nghỉ lại ở đô thành Phères.

Hôm sau, họ lại lên đường. Đi hết ngày hôm ấy thì họ tới một vùng đồng bằng thẳng cánh cò bay, lúa mì tươi tốt nom đến thích mắt, thỏa lòng. Đó là vùng đồng bằng Lacédémone. Khi bóng tối trùm xuống thì cỗ xe đã vào tới giữa đô thành Sparte.

Télémaque đến Sparte

Pisistrate và Télémaque đến cung điện của vua Ménélas ở đô thành Sparte vào lúc nhà vua đang có cuộc vui vô cùng tưng bừng, náo nhiệt và trọng thể. Đó là lễ cưới của đôi trai gái Néoptolème với Hermione và Mégapenthès với con gái của Alecto. Néoptolème là con trai của người anh hùng Achille. Hồi còn đánh nhau ở thành Troie, chủ tướng Ménélas cảm phục trước tài năng và dòng dõi của chàng đã hứa sau này khi chiến thắng sẽ gả con gái cho chàng. Còn Mégapenthès to khỏe không phải là con trai của Hélène. Các vị thiên thần không cho nàng Hélène sinh nở đứa con nào thêm nữa. Chàng là con trai của một nữ nô lệ, vợ lẽ của Ménélas.

Tiệc cưới đang diễn ra tưng bừng náo nhiệt, thì Pisistrate và Télémaque tới. Họ dừng xe trước cửa cung điện. Người đầu tiên trông thấy họ là Étéonos, một gia nhân nổi tiếng là khỏe mạnh và tháo vát của Ménélas. Thấy khách lạ, Étéonos vội chạy vào bàn tiệc, đến bên chủ trình báo, xin chủ cho biến liệu có nên tháo ngựa ra cho họ, mời họ vào nhà hay chỉ cho đến một nhà khác - ở đó họ sẽ được đón tiếp niềm nở. Nghe Étéonos trình báo như vậy, Ménélas giận dữ, mắng:

- Hỡi Étéonos, con trai của Boéthos kia! Từ xưa đến nay mi có phải và một đứa ngu ngốc đâu mà bây giờ mi ăn nói hàm hồ như một đứa trẻ con vậy! Biết bao lần trước khi trở về, chúng ta chẳng phải được ăn bánh mì của những người khác sao? Thôi hãy ra tháo ngựa khỏi xe của khách và đưa khách vào đây dự tiệc.

Télémaque và Pisistrate bước vào cung điện. Cả hai người đều vô cùng ngạc nhiên và thán phục trước vẻ lộng lẫy của tòa lâu đài này, một tòa lâu đài mà từ xưa đến nay họ chưa từng bao giờ nhìn thấy. Cột vàng, cột bạc, cột đồng sáng nhoáng. Nhìn lên trần nhà, có thể nói chẳng ngoa, tưởng chừng như mặt trời và mặt trăng thay phiên nhau rọi sáng vào đó. Sau khi ngắm nghía thỏa thuê, hai người đi vào phòng tắm, những phòng tắm rất lịch sự để tẩy rửa hết bụi bặm của cuộc hành trình. Những nữ tì phục vụ họ, lấy dầu thơm tắm cho họ rồi đem đến cho họ những bộ áo mới tinh, đẹp đẽ. Khi đó họ mới bước ra ngồi vào chiếc ghế bành bên cạnh chủ tướng Ménélas, dự tiệc. Một nữ tì đem nước đến cho các vị khách rửa tay trước khi ăn. Từ một chiếc bình vàng, nữ tì dội nước lên tay các vị khách quý, hứng dưới là một cái chậu bạc. Người ta dâng các vị khách quý những đĩa thịt bò, thịt dê, thịt cừu mùi thơm bốc lên ngào ngạt, rượu và những cốc rượu bằng vàng. Chủ tướng Ménélas nâng cốc mời khách:

- Nào xin kính mời các vị khách hãy ăn no say đi, lát nữa khi tiệc rượu đã tàn chúng tôi mới xin phép hỏi các vị là ai và ở đâu đến. Dòng máu cao quý của các cụ nhà ta trong con người của các vị hẳn chưa suy thoái chút nào. Các vị thuộc dòng dõi của những vị vua mang cây vương trượng vốn là con của thần Zeus, bởi vì chúng tôi thiết nghĩ, những kẻ đê tiện chẳng thể sinh ra được những đứa con cao thượng.

Télémaque vẫn chưa hết nỗi kinh ngạc và thán phục trước cảnh tượng nguy nga của tòa lâu đài. Cậu ghé vào tai Pisistrate nói rằng cậu chưa từng nhìn thấy ở đâu có một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, giàu có đến mức như thế, hẳn chỉ có cung điện của thần Zeus mới có thể vượt được tòa lâu đài này, nhưng Ménélas nghe thấy những lời nói đó. Ông mỉm cười và bảo cậu, không một người trần thế nào lại có thể sánh đọ được với thần Zeus cả, bởi vì nơi ở của đấng phụ vương Zeus và những của cải của người là bất tử, vĩnh viễn, Ménélas kể lại những của cải mà ông chất xuống thuyền đem từ thành Troie đã vượt bao nỗi gian truân, nguy hiểm suốt bảy năm trời mới trở về được đến quê hương. Cuộc đời ông, sự giàu có chẳng làm ông sung sướng. Ông thương nhớ, khóc thương cho các chiến hữu của mình đã bỏ mình trên đồng bằng Troade. Năm tháng qua đi, nỗi nhớ thương cũng nguôi dần, nhưng có một người trong số các chiến hữu của ông làm ông lúc nào cũng nhớ thương day dứt khiến ngày quên ăn, đêm mất ngủ là người anh hùng Ulysse, người anh hùng đã phải chịu nhiều đau khổ hơn bất cứ một người Achéens nào khác. Cho đến nay, bao năm qua rồi mà ông vẫn không biết người bạn thân thiết của mình còn sống hay chết. Nghe Ménélas kể chuyện nhắc đến cha mình, Télémaque xúc động không cầm được nước mắt. Cậu cúi đầu xuống đưa vạt áo ra che mặt, nhưng Ménélas đã nhìn thấy. Ông biết mình đã gây ra nỗi xúc động cho cậu bé và ông nhận ra cậu chính là Télémaque con của Ulysse, bởi vì về khuôn mặt và hình dáng cậu giống như in, như đúc Ulysse. Đang khi ấy, nàng Hélène vợ ông đi tới. Nàng hỏi chồng về lai lịch những vị khách quý và nàng tỏ ra ngạc nhiên khi thấy trong hai người, có một người rất giống Ulysse, hẳn rằng phải là Télémaque, con trai của Ulysse.

Nghe Hélène nói với chồng như vậy, Pisistrate bèn đứng lên đáp lại. Chàng bảo, đúng là Télémaque đang ở trước mặt mọi người, và chàng lúc này bèn xưng danh, lai lịch và kể rõ cho Ménélas và Hélène nghe tình cảnh gia đình Ulysse. Hai vợ chồng đều vô cùng mừng rỡ. Ménélas kể cho mọi người biết những chiến công của Ulysse trong cuộc Chiến tranh Troie cùng với biết bao khó khăn mà các dũng tướng Hy Lạp đã gặp phải. Télémaque càng nghe kể càng nhớ thương người cha danh tiếng của mình. Nước mắt của cậu trào tuôn trên má. Pisistrate cũng khóc vì nhớ thương người anh ruột của mình là dũng tướng Antiloque đã bỏ mình nơi chiến địa. Ménélas cũng không tránh khỏi xúc động nghẹn ngào. Khi ấy, nàng Hélène bèn bỏ vào cốc rượu mỗi người một viên thuốc tiên mà xưa kia nàng được hoàng hậu Polydamna ở Ai Cập trao tặng. Thứ thuốc thần diệu này hễ ai uống vào thì trong người có bao nhiêu nỗi sầu muộn, ưu tư đều tan biến hết, thậm chí trái tim nguội tắt cả nỗi xúc động trước những cảnh đau thương, tang tóc. Bằng cách ấy, Hélène chấm dứt được nỗi nhớ thương, luyến tiếc đau xót của chồng mình và hai vị khách quý.

Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông có những ngón tay hồng vừa xòe ra trên bầu trời ban mai thì Ménélas đã dậy và tìm đến phòng ngủ của Télémaque. Lúc này ông mới hỏi Télémaque mục đích của cuộc hành trình thăm viếng này. Được Télémaque nói cho biết, ông bèn kể tiếp những nỗi gian truân vất vả của ông trên đường trở về đô thành thân yêu Sparte. Ông kể cho Télémaque biết, chính ông được thần biển Protée cho biết Ulysse bị nàng Nymphe Calypso giữ lại ở đảo Ogygie. Biết được tin tức về người cha thân yêu của mình, Télémaque rất hài lòng. Cậu xin phép Ménélas cho mình ra về, nhưng Ménélas khuyên Télémaque nên nán lại ít ngày nữa, để ông có dịp bày tỏ tấm lòng quý mến của ông đối với người con trai của Ulysse. Và những cuộc hội hè, yến tiệc lại mở ra tưng bừng để thiết đãi những người khách quý.

Trong khi đó ở Ithaque, bọn cầu hôn vẫn tiếp tục đến gia đình Ulysse hạch sách, nhũng nhiễu. Người anh hùng Noémon, con của Phronios chờ đợi mãi mà không thấy Télémaque đem thuyền về trả cho mình. Chàng bèn đến hỏi bọn cầu hôn. Vì lẽ đó, bọn cầu hôn biết được Télémaque đã lên đường đi Pylos từ đâu. Chúng tỏ vẻ lo ngại về chuyến đi này, rất có thể Télémaque đến Pylos và Sparte để cầu xin sự giúp đỡ. Tên cầu hôn Antinoos quyết định phải tìm mọi cách thanh trừ Télémaque. Hắn xin mọi người cấp cho hắn một con thuyền với hai mươi chiến sĩ để mai phục, đón đường Télémaque trở về ở quãng biển giữa đảo Ithaque và đảo Samos.

Biết chuyện này, Pénélope vô cùng lo sợ. Theo lời khuyên của bà vú già Euryclée, nàng dâng lễ vật lên nữ thần Athéna và cầu xin sự giúp đỡ. Nữ thần liền sai vong hồn Ipthime, chị của Pénélope, đến báo mộng cho Pénélope biết, mọi việc không có gì đáng lo ngại, Télémaque nhất định sẽ sống và trở về.

Hành trình trở về của Ulysse

Quân Hy Lạp nhờ mưu “con ngựa thành Troie” của Ulysse đã chiến thắng. Các tướng lĩnh và quân sĩ tước đoạt hết của cải của những người chiến bại, chất xuống thuyền chở về quê hương. Hành trình của họ từ thành Troie trở về đất nước Hy Lạp, và cũng như xưa kia khi xuất chinh, gặp không ít nỗi hiểm nghèo, tai họa. Nhiều người phải gửi xác nơi biển khơi. Có người bị sóng dập gió vùi, lênh đênh phiêu bạt đến tận Ai Cập rồi mới về được quê hương gia đình. Có kẻ đã về tới vùng biển quen thuộc của quê hương lại sơ ý để thuyền va phải đá ngầm, chết oan chết uổng. Biết bao nhiêu chuyện kể sao cho hết. Còn những người may mắn trở về quê hương gia đình thì lại gặp phải cái cảnh éo le duyên tình phai nhạt, đạo nghĩa héo hon. Oan ức, xót xa hơn có người về đến gia đình thì vợ phản bội, tư thông với tình nhân ám hại. Biết bao chuyện ly kỳ, đau xót éo le, thương tâm. Biết bao nhiêu chuyện mừng mừng tủi tủi, “bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa”. Tuy nhiên trong các câu chuyện trở về của những người anh hùng dũng tướng Hy Lạp đã tham dự cuộc Chiến tranh Troie, câu chuyện trở về của người anh hùng Ulysse là ly kỳ và hay hơn cả. Người anh hùng nghĩ ra mưu kế “con ngựa thành Troie” đã phải phiêu bạt trôi nổi suốt mười năm trời trên mặt biển, lạc bước đến hòn đảo này đến xứ sở khác, mất gần hết đồng đội, đội thuyền bè. Cuối cùng, chỉ còn lại một mình trở về được tới quê hương và gia đình thân thiết. Ngay khi về đến quê hương, người anh hùng ấy cũng phải trải qua một cuộc đấu trí, đấu sức với 108 tên quý tộc mưu cướp vợ mình và quyền cai quản đảo Ithaque. Homère đã kể chuyện này trong bản trường ca Odyssée dài tới 12.110 câu thơ. Vì thế chúng ta không thể kể hết những chặng đường phiêu bạt của Ulysse trong tập sách nhỏ này.

Thoát khỏi hang tên khổng lồ Polyphème ăn thịt người

Đoàn thuyền của Ulysse gồm mười hai chiếc, chất đầy chiến lợi phẩm và lương thực rời thành Troie thuận buồm xuôi gió. Chẳng bao lâu họ tới xứ sở của những người Cicones. Một cuộc xung đột xảy ra khiến cho đội ngũ của Ulysse bị tổn thất mỗi thuyền sáu chiến sĩ, nhưng họ đã phá vây được và tiếp tục lên đường. Chẳng rõ đi được bao ngày trên mặt biển thì trời nổi bão. Đoàn thuyền vật lộn với sóng gió hết đợt này đến đợt khác. May thay, cơn bão không kéo dài nên cuối cùng khi trời yên biển lặng, kiểm điểm lại đội ngũ thì vẫn toàn vẹn, nhưng sóng gió của đại dương đã đưa đoàn chiến sĩ Hy Lạp trôi dạt đến một hòn đảo kỳ lạ, hòn đảo của người Lotophages. Ulysse cử ba chiến sĩ lên thăm đảo. Gặp khách lạ, những người Lotophages tiếp đãi rất niềm nở. Họ mời ba vị khách ăn hạt sen, một thứ hạt sen ngọt lịm như mật ong vàng, và họ chỉ có duy nhất món ăn ấy để mời khách vì họ vốn dĩ hoặc chưa biết đến việc trồng lúa mì nên chẳng biết ăn bánh mì, cả thịt cũng không. Nhưng tai hại thay thứ hạt sen của họ. Ba người bạn của Ulysse ăn xong và bỗng nhiên quên hết cả quê hương gia đình, vợ con thân thiết. Họ quên hết cả, cứ như là người chẳng có quê hương gia đình, chẳng có vợ con, chẳng có một ai thân thích để mà thương mà nhớ. Cả ba người không một ai nghĩ đến chuyện trở về nữa. Chờ mãi không thấy họ về, Ulysse phải huy động anh em đi tìm họ, nhưng họ cứ như người mất hồn ấy. Anh em đành phải bắt họ trói lại rồi khiêng họ chạy về thuyền. Ulysse ra lệnh cho đoàn thuyền nhổ neo ngay vì e rằng nếu nấn ná ở lại ắt lại có những người ăn phải thứ hạt sen nguy hiểm đó.

Đoàn thuyền ra đi, đi cho tới một hôm vào tận tối mịt thì đến một hòn đảo. Chờ cho qua đêm, sáng hôm sau Ulysse mới cùng anh em đổ bộ lên đảo để xem xét cảnh vật, tình hình. Đó là một hòn đảo hoang, cỏ cây um tùm, rậm rạp, dê rừng từng đàn chạy tung tăng, Ulysse thấy vậy liền ra lệnh cho anh em chia thành ba nhóm để săn. Nhờ vậy, đoàn thủy thủ của Ulysse chẳng phải dùng đến thức ăn dự trữ mà lại có một nguồn thức ăn vừa ngon vừa nhiều để bổ sung, tích trữ. Bữa chiều hôm ấy đang ăn uống ngon lành, mọi người bỗng nhìn thấy những làn khói xám bốc lên từ một hòn đảo cách đấy không xa, và cũng từ xa vẳng lại, mọi người để ý lắng nghe, thấy có tiếng người nói, tiếng dê kêu. Như vậy rõ ràng là hòn đảo đó có người, nhưng người ở đó là như thế nào? Họ có thể giúp đỡ gì cho đoàn thuyền Ulysse được không? Lương thực, nước ngọt? Họ có những vật phẩm gì quý báu để trao đổi, bày tỏ lòng quý người trọng khách không? Ulysse quyết định sẽ cùng anh em thủy thủ đi sang hòn đảo đó để thám hiểm.

Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông vừa xòe những ngón tay hồng trên mặt trời, Ulysse liền tập hợp anh em lại cất tiếng nói:

- Hỡi anh em! Chúng ta đã đến một xứ sở lạ có tiếng người nói. Song chúng ta chẳng rõ họ là những người như thế nào? Sống thế nào? Họ hung dữ man rợ hay văn minh hữu ái? Họ giàu có hay nghèo nàn? Họ đã từng tiếp xúc với những người khách lạ từ phương xa tới với lòng nhân ái và thái độ chân thành, ưa chuộng lẽ phải, tôn kính thần linh hay họ chỉ là những con người sống cô quạnh, biệt lập hoang dã như những bầy thú rừng? Chúng ta chẳng nên bỏ qua mà không đến thăm hỏi, tìm hiểu. Vậy anh em hãy ở lại đây, còn chúng ta, một số người sẽ đi một con thuyền sang hòn đảo đó.

Thuyền cập bến, Ulysse chọn trong số thủy thủ lấy mười hai người dũng cảm nhất để cùng mình tiến sâu vào trong đảo. Những anh em khác ở lại lo việc giữ gìn con thuyền. Cuộc thám hiểm bắt đầu.

Đây là hòn đảo của những người khổng lồ, một giống người to lớn khác thường, cao ngất ngưởng như một ngọn núi. Những người Cyclopes sống biệt lập mỗi kẻ mỗi hang, không phải là người biết ăn bánh mì. Chúng sống bằng thịt và sữa của súc vật do chúng chăn nuôi được, trong một chiếc hang rộng lớn. Trong hang chúng ngăn ra một góc, lấy những phiến đá to rộng, chôn xuống đất, vây quanh làm chuồng. Vì sống quanh quẩn với đàn súc vật, nên những người Cyclopes chẳng biết đóng những con thuyền để vượt biển khơi mù xám, giao du, trao đổi với mọi người. Chúng cũng chẳng biết thờ cúng thần linh, hội họp với nhau bàn định công việc đặt ra luật pháp để điều hành cuộc sống. Ở cái xứ sở này thôi thì ai sống thế nào biết phần mình thế ấy, cứ cặm cụi thui thủi một mình, chẳng ai quan tâm chăm sóc đến ai, chẳng có chuyện gì để nói năng, thổ lộ với ai. Điều rất kỳ lạ là ngoài thân hình cao lớn khác thường, lông lá rậm rạp, những người Cyclopes lại chỉ có một mắt, một con mắt ở giữa trán, do đó nom chúng lại càng dữ tợn khủng khiếp.

Ulysse và mười hai chiến hữu đi vào hang một tên khổng lồ. Hắn bận đi chăm súc vật. Nhìn trong hang, Ulysse và anh em rất lấy làm ngạc nhiên trước cảnh những bình sữa đầy ắp và những tảng pho mát xếp thành hàng dài trên những tấm liếp. Một góc hang được ngăn ra thành chuồng nhốt súc vật. Trong chuồng lại chia ra từng khu nhỏ để nhốt các con lớn ra lớn, bé ra bé. Anh em ngỏ ý muốn xin Ulysse cho phép lấy pho mát và lùa đàn súc vật ra khỏi hang, đưa xuống thuyền, trở về, nhưng Ulysse quyết không nghe. Chàng muốn gặp chủ nhân của chiếc hang này để hỏi thăm tình hình, bày tỏ tấm lòng ưu ái, và chủ nhân sẽ trao tặng chàng và anh em những sản phẩm của mình để tỏ lòng hiếu khách. Chàng bảo anh em đốt lửa lên và ngồi quanh đống lửa cầu khấn thần linh, đợi chủ nhân chiếc hang trở về.

Chẳng phải chờ đợi lâu, chủ nhân của chiếc hang, không phải một con người bình thường như Ulysse và anh em thủy thủ. Gã khổng lồ Polyphème đã về. Hắn vác theo một bó củi khô to tướng. Vừa đến cửa hang, hắn lăng mạnh bó củi vào trong hang. Sợ hãi quá chừng, mọi người vội chạy dạt vào cuối hang để ẩn trốn. Sau đó hắn lùa đàn cừu cái, dê cái vào trong hang để vắt sữa, còn những con đực thì dồn vào khu chuồng ngoài cửa hang. Tiếp đó, sau khi vào hang, hắn nhấc một tảng đá to lớn có dễ đến hàng chục con ngựa cũng không kéo nổi, đóng chặt cửa hang lại. Xong xuôi, hắn vắt sữa cừu và dê, phần để cho sữa đông làm pho mát, phần để sữa vào những chiếc bình để khi uống cho tiện. Tiếp đó hắn khơi bếp lửa cho ngọn lửa hồng cháy to lên, và thế là hắn trông thấy Ulysse và anh em thủy thủ. Hắn liền cất tiếng nói ầm ầm như sóng biển, hỏi mọi người:

- Bớ này! Những tên lạ mặt kia! Các người là ai mà lại vào hang của ta khi ta vắng mặt? Các người từ nơi nào vượt biển tới xứ sở của người Cyclopes có con mắt tròn giữa trán này? Các người là những kẻ dùng thuyền vượt biển để đi buôn đi bán, trao đổi sản phẩm hay các người là những tên cướp biển lang thang trên sóng cả để gieo tai họa cho những người khác?

Mọi người đều khiếp đảm vì thân hình cao lớn và quái dị của hắn, vì tiếng nói ầm ầm của hắn, nhưng Ulysse trấn tĩnh lại, dõng dạc trả lời hắn như sau:

- Hỡi vị chủ nhân cao lớn của những bầy dê, cừu đông đúc! Chúng tôi là những người Achéens không may trên đường từ thành Troie trở về quê hương bị lạc bước đến đây. Sóng gió của biển khơi đã đưa chúng tôi đi phiêu dạt, trôi nổi không biết bao đêm ngày. Giờ đây chúng tôi đến xứ sở của người. Chúng tôi xin quỳ dưới chân ngài để cầu xin sự giúp đỡ. Hẳn rằng vì tục lệ quý người trọng khách cao quý và văn minh của chúng ta, ngài sẽ ban cho chúng tôi, những người khách bất hạnh, sự chăm sóc ân cần và chu đáo như thần Zeus hằng truyền dạy và mong muốn, và hơn nữa, chúng tôi sẽ được ngài ban cho những tặng vật để bày tỏ lòng hiếu khách. Chính thần Zeus tối cao là người lãnh sứ mạng trả thù cho những người cầu xin và những người khách bị bạc đãi. Chính Người là vị thần của lòng hiếu khách và Người luôn đi cùng với những người khách lạ vốn kính thờ Người.

Ulysse vừa nói xong thì tên khổng lồ đáp ngay bằng một giọng lạnh lùng và tàn nhẫn:

- Này, này... cái thằng lạ mặt kia, mày đúng là một thằng đần nếu không thì cũng là một thằng cha vơ chú váo từ nơi nảo nơi nào xa lắc xa lơ đặt bước đến đây. Có lẽ vì thế mày mới vẽ ra cái chuyện khuyên ta kính sợ thần linh và tránh làm phật ý các vị đó. Ta nói cho mày biết, những người Cyclopes không cần biết đến thần Zeus cầm cây vương trượng, cũng chẳng hề bận tâm đến các vị thần Cực lạc, bởi vì chúng tao về sức mạnh thì hơn hẳn và vượt xa bọn họ rất nhiều. Còn ta đây, Polyphème này, đâu có kể gì đến sự thù hằn ghét bỏ của Zeus. Ta sẽ chẳng sinh phúc tha cho mày và đồng bọn của mày mạng sống đâu. Ta sẽ ăn thịt tất cả bè lũ chúng mày, nhưng thôi này... hỡi tên lạ mặt kia! Thế khi mày đến đây thì mày buộc con thuyền vững chắc của mày ở đâu, ở cuối đảo hay ở gần đây? Ta muốn biết rõ điều đó.

Ulysse nhanh trí biết ngay ý đồ thâm độc của Polyphème muốn dò xét mình. Chàng bèn trả lời những lời bịa đặt khôn khéo:

- Ôi, thật bất hạnh cho chúng tôi! Con thuyền của chúng tôi đã bị thần Poséidon, người Lay chuyển Mặt đất quật vỡ tan tành. Từ ngoài khơi khi con thuyền đã gần cập bến nơi mũi đất hòn đảo của ngài thì gió nổi lên, quăng quật thuyền vào những tảng đá. Thuyền vỡ, nhưng may sao tôi và anh em thoát nạn.

Ulysse nói như vậy nhưng Polyphème chẳng nói chẳng rằng, xông ngay đến chỗ các bạn của Ulysse đưa bàn tay to lớn ra chộp liền một lúc hai người vung lên quật mạnh xuống đất. Sọ họ vỡ tan, óc vọt bắn tung tóe. Tiếp đó hắn chặt họ ra cho vào nồi nấu. Chỉ một chốc hắn bắc nồi ra, và thế là hắn đã ăn thịt hai người bạn của Ulysse ngốn ngấu ngon lành, ăn sạch sành sanh từ ruột gan tim phổi đến xương xẩu. Trong khi đó thì Ulysse và các bạn của chàng chỉ có mỗi một cách đối phó và ngồi im nhìn cảnh tượng thê thảm đau thương ấy, man rợ ấy mà tuôn trào nước mắt, mà lẩm nhẩm cầu khấn thần linh. Gã khổng lồ Polyphème sau khi nhồi nhét đầy bụng thịt người lại còn nốc thêm bao nhiêu là sữa đến nỗi hắn chỉ còn một việc nằm kềnh ra ở cuối hang, giữa những bầy súc vật của hắn mà ngủ. Ulysse căm thù tên khổng lồ man rợ, muốn lợi dụng tình thế thuận lợi này, rút gươm xông đến đâm cho hắn một nhát thấu suốt tim, nhưng một suy nghĩ đã ngăn tay chàng lại. Giết chết hắn rồi nhưng làm sao vần được tảng đá to lớn chặn ở cửa hang? Ta và anh em cũng sẽ chết khô chết mục ở trong hang này.

Và thế là một đêm trôi qua.

Sáng hôm sau, khi nàng Rạng đông chiếu rọi những tia nắng hồng làm chiếc hang sâu tăm tối sáng dần lên thì Polyphème cũng đã ngủ đẫy giấc, hắn dậy và đốt ngọn lửa hồng lên, vắt sữa cừu, sữa dê. Xong việc hắn lại xộc đến tóm hai người thủy thủ của Ulysse quật chết, nấu bữa ăn sáng. Ăn xong, hắn nhấc tảng đá chặn cửa hang ra, lùa đàn súc vật lên núi vừa đi vừa la hét om xòm.

Trong hang chỉ còn lại Ulysse và mấy anh em. Làm gì để thoát khỏi tai họa đang lơ lửng trên đầu mọi người? Chẳng nhẽ cứ ngồi bó gối ở đây để tên Polyphème thịt hết dần người này đến người khác? Ulysse tìm cách trả thù và vượt khỏi hang. Chàng cầu xin sự giúp đỡ của nữ thần Athéna, và nữ thần đã khơi lên trong trái tim chàng một ý đồ táo bạo. Ở trong hang của Polyphème có một cây gỗ dài và khá to. Đó là một thân cây ôliu dựng ở cạnh chuồng cừu. Polyphème đã đẵn nó khi còn tươi mang về chờ cho khô sẽ dùng. Cây gỗ dài khá to tưởng chừng như cột buồm của một chiếc thuyền lớn hai chục tay chèo. Ulysse liền bảo anh em đứng dậy và làm theo lệnh của mình. Chàng chặt một đoạn của thân cây giao cho anh em róc hết vỏ. Tiếp đó chàng đẽo nhọn một đầu rồi bảo anh em vùi cây vào bếp lửa cho khô nhựa săn gỗ. Xong việc phải dấu cây gỗ nhọn cho thật kín đáo dưới những lớp phân cừu dày phủ khắp nền hang. Cuối cùng, Ulysse rút thăm trong số tám bạn đồng hành còn lại để lấy bốn người. Bốn người với Ulysse là năm làm một việc vô cùng táo bạo và đầy nguy hiểm: lao cây gỗ vót nhọn vào con mắt độc nhất của Polyphème.

Chiều xuống, ánh sáng nhạt dần tên Polyphème trở về hang với đàn cừu, đàn dê đông đúc béo mập của hắn. Hắn chặn cửa hang lại với tảng đá to lớn phải đến hàng trăm người mới chuyển nổi. Hắn lại ngồi vắt sữa. Xong việc, hắn lại xộc đến bắt hai người bạn đồng hành của Ulysse quật chết, nấu bữa ăn chiều. Thế là mười hai anh em thủy thủ đi cùng với Ulysse nay chỉ còn có sáu.

Nhằm vào lúc Polyphème vừa ăn xong, Ulysse rót ra một bát rượu nho đen thẫm dâng lên mời tên khổng lồ man rợ. Chàng nói với hắn như sau:

- Hỡi ngài Polyphème thuộc dòng giống Cyclopes! Ngài đã xơi bữa cơm chiều với món thịt người rồi, bây giờ chúng tôi xin trân trọng mời ngài nếm thử thứ rượu nho này để ngài biết rượu chúng tôi ngon đến mức nào. Tôi mời ngài uống thử thứ rượu tuyệt diệu này với lòng mong muốn ngài sẽ rộng lượng thương cho số phận chúng tôi và cho phép chúng tôi được trở về quê hương gia đình. Quả thật sự tàn ác của ngài thật là man rợ và khủng khiếp. Loài người sẽ không một ai dám bén mảng đến xứ sở này để thăm hỏi ngài nữa.

Đến đây ta phải dừng lại một chút để kể về thứ rượu nho mà Ulysse dâng cho Polyphème uống. Đây là một thứ rượu nho có một không hai trên mặt đất này, quà tặng của lão vương Maron người thờ phụng thần Apollon, vốn là cháu của thần Rượu nho-Dionysos. Ông cụ làm nghề tư tế này sống trong từng với gia đình bên ngôi miếu thờ vị thần Ánh sáng có cây cung bạc và những mũi tên vàng. Xưa kia trong một cuộc giao tranh ở đất Troie gần đô thành Ismaros, gia đình cụ Maron bị đoàn quân của Ulysse bắt làm tù binh. Tôn trọng thánh thần, kính nể người làm nghề tư tế, Ulysse đã phóng thích cho gia đình cụ. Đền đáp lại ân nghĩa đó, Maron trao tặng cho Ulysse nhiều vật phẩm quý giá, trong số đó có mười hai vò rượu. Thứ rượu này ngoài Maron, vợ với một bà quản gia ra thì trong nhà, kể từ con trai cho đến đám gia nhân tin cẩn, không một ai được biết đến. Khi uống chỉ cần lấy một cốc nhỏ rồi đem pha với hai mươi cốc nước, vậy mà rượu đã bốc mùi thơm ngào ngạt, uống vào ngọt lịm êm ru song say lúc nào không biết. Đấy chính là thứ rượu nho tuyệt diệu, cực kỳ hiếm quý, sản phẩm của thánh thần đựng ở mười hai vò ấy mà Ulysse đã lấy ra mang đi, mang đi chỉ có một bình da dê, và giờ đây chàng đã rót ra mời Polyphème. Polyphème đón lấy bát rượu uống một hơi sạch, rồi một tay đưa lên quệt ngang miệng, một tay chìa bát cho Ulysse nói:

- Ôi chà... chà! Rượu thế mới là rượu! Nhà ngươi vui lòng cho ta bát nữa đi. À mà người tên là gì nhỉ, nói ngay cho ta biết đi. Ta sẽ tặng ngươi một đặc ân để tỏ lòng hiếu khách. Người Cyclopes chúng ta cũng đã biết đến rượu, nhưng rượu của nhà ngươi thật tuyệt diệu.

Ulysse lại rót cho Polyphème bát nữa. Cũng như lần trước Polyphème nốc cạn và ngu ngốc thay, ba lần Ulysse rót rượu thì cả ba lần Polyphème đều uống một hơi hết sạch. Hắn đã bắt đầu thấm rượu rồi. Bấy giờ Ulysse mới cất tiếng trả lời câu hỏi của hắn lúc nãy.

- Hỡi ngài Polyphème to lớn, vừa rồi ngài tỏ ý muốn biết tên tuổi quang vinh của tôi, vậy tôi xin phép được xưng danh, nhưng về phần ngài, dù sao ngài cũng nên ban cho tôi một tặng vật để tỏ lòng hiếu khách như ngài vừa mới nhắc chứ! Tôi chắc ngài sẽ không quên. Tên tôi là: Chẳng Có Ai. Cha mẹ tôi và anh em bạn hữu của tôi đều gọi tôi là thằng Chẳng Có Ai.

Ulysse nói xong, Polyphème đáp lại bằng một giọng lạnh lùng, tàn nhẫn:

- Này... Này... Chẳng Có Ai nghe đây. Ta sẽ ăn thịt nhà ngươi cuối cùng sau khi các bạn ngươi không còn đứa nào để thịt nữa. Đó là tặng phẩm của ta để tỏ lòng mến khách!

Nói xong hắn lảo đảo chuệnh choạng rồi nằm vật xuống đất, mặt tái đi, mắt đờ ra. Bỗng hắn ngóc đầu dậy, ợ ợ mấy tiếng rồi nôn thốc nôn tháo rượu, thịt người vung vãi lênh láng khắp cả trên nền hang. Polyphème đã say quá. Nôn được một cái nhẹ cả người, hắn lăn ra ngủ, ngủ như chết.

Ulysse lập tức cùng anh em vùi chiếc cọc nhọn vào bếp lửa khi chiếc cọc nhọn đã bốc cháy đỏ rực, Ulysse lôi nó ra và chàng cùng với anh em khiêng nó đến bên gã khổng lồ Polyphème, không một hiệu lệnh nhưng mọi người đều hành động nhịp nhàng và ăn khớp với nhau. Chiếc cọc được đung đưa hai nhịp để lấy đà. Đến nhịp thứ ba nó lao thẳng vào con mắt độc nhất của gã khổng lồ. Ulysse cố dùng hết sức để xoáy chiếc cọc. Chiếc cọc nóng bỏng xoáy sâu vào con mắt độc nhất của Polyphème. Máu vọt ra. Con ngươi và lông mi cháy gặp máu rít lên những tiếng xèo xèo như sắt nung trong lò rèn đem nhúng vào nước lạnh.

Polyphème thét lên một tiếng khủng khiếp. Tiếng thét như sấm đập vào vách vang rền rĩ, vang vọng ra khắp xung quanh nghe rùng mình sởn gáy. Lập tức cả năm người chạy giạt vào một góc hang. Polyphème rút chiếc cọc nóng bỏng đẫm máu ra khỏi tròng mắt lẳng mạnh đi. Hắn loạng choạng đứng dậy, gào thét, gọi tên những gã Cyclopes ở hang lân cận. Nghe tiếng gọi, các gã khổng lồ thuộc dòng giống Cyclopes vội chạy đến đứng xa xa vây trước cửa hang, cất tiếng nói như sấm, hỏi:

- Này hỡi Polyphème! Làm sao đêm hôm khuya khoắt mà anh lại thét chúng ta kinh khủng như thế? Anh đã đánh thức chúng tôi dậy vì chuyện gì thế? Phải chăng có kẻ nào dùng mưu lừa anh hoặc dùng sức mạnh đánh anh để cướp đàn súc vật béo mập của anh?

Từ cuối hang, Polyphème rên rỉ trả lời:

- Các bạn ơi! Kẻ nào cưỡng bức tôi, cướp đàn súc vật của tôi ư? Không! Không phải đâu! Chẳng Có Ai dùng mưu hại tôi chứ không dùng sức mạnh cưỡng bức tôi.

Nghe Polyphème nói, lũ khổng lồ ngu ngốc đứng ngoài cửa hang xôn xao bàn tán. Một tên nói to lên rằng:

- Hỡi ôi! Polyphème! Nếu chẳng có ai dùng sức mạnh ám hại anh, không có ai dùng mưu lừa lọc anh thì chắc là anh bị mê hoảng hay mắc phải một bệnh gì đó rồi. Những cơn mê hoảng và bệnh tật là do thần Zeus đấng chí cao điều khiển thế giới gây nên. Chẳng có ai tránh khỏi bệnh tật cả. Thôi, thôi chúng tôi về ngủ đây để mai còn phải đi chăn súc vật từ sớm. Anh hãy cầu khẩn thân phụ của chúng ta, vị thần Đại dương-Poséidon, người Lay chuyển Mặt đất, phù hộ cho anh tai qua nạn khỏi!

Nói xong, bọn Cyclopes kéo nhau ra về. Ulysse mừng thầm vì thấy cái tên bịa đặt và mưu kế của mình đã lừa được chúng.

Tên khổng lồ Polyphème không ngớt miệng rên rỉ vì đau đớn. Hắn loạng choạng sờ sẫm đi ra cửa hang. Hắn nhấc tảng đá chắn cửa hang ra rồi ngồi chắn ngang lối ra vào. Hắn đưa tay rình đón bắt lũ người đã chọc mù con mắt độc nhất của hắn nếu như bọn chúng định thoát ra khỏi hang. Thấy vậy, Ulysse suy tính chỉ còn cách thoát ra khỏi hang tốt nhất. Đó là: lấy dây miên liễu buộc ba con cừu lại với nhau, buộc một người vào con cừu giữa, còn hai con kèm hai bên để che chở. Cứ thế ba con mang một người. Còn Ulysse chọn một con cừu to lớn nhất nằm dưới bụng nó, tay bám chắc vào bộ lông dày của nó.

Công việc được tiến hành khẩn trương và lặng lẽ. Cho đến khi nàng Rạng đông vừa xòe những ngón tay hồng xua bóng đen âm u của đêm tối, khi chim chóc ríu rít gọi nhau đi kiếm mồi thì tên Polyphème thả đàn cừu đi ăn. Hắn ngồi ở cửa hang sờ nắn lưng từng con vật, nhưng hắn có biết đâu, những con người mà hắn rình bắt lại nằm dưới bụng cừu. Con cừu mang Ulysse ra sau cùng. Tên Polyphème sờ nắn vuốt ve nó. Hắn lại còn than vãn ước gì chú cừu yêu quý mách bảo cho hắn biết cái thằng Chẳng Có Ai trốn ở đâu để bắt nó phải đền tội.

Nói chuyện với con cừu một hồi lâu, Polyphème đẩy con vật ra khỏi hang. Để cho con vật đi khỏi hang một quãng xa, Ulysse mới rời khỏi bụng cừu. Chàng cởi dây cho anh em. Thế là thoát nạn. Không để mất thời gian, Ulysse ra lệnh cho anh em xua đàn cừu ra ngoài biển, nơi thuyền đậu. Anh em coi giữ thuyền thấy Ulysse và các chiến hữu trở về lòng vô cùng mừng rỡ. Song khi thấy vắng mặt nửa số người ra đi thì hết thảy đều ngậm ngùi thương xót. Nhiều người khóc than vật vã. Ulysse cau mày tỏ ý không hài lòng, vì theo chàng bây giờ chưa phải là lúc khóc than bởi tai họa vẫn đang đe dọa, cẩn phải tỉnh táo và nén nỗi đau thương của mình lại. Chàng ra lệnh cho mọi người phải lùa mau đàn cừu xuống thuyền và rời bến. Con thuyền của Ulysse rời hòn đảo của những người khổng lồ Cyclopes chưa bao xa thì Ulysse đứng ra trước mũi thuyền, quay mặt lại nói vọng vào bờ:

- Hỡi tên Polyphème man rợ! Mi hãy dỏng tai lên mà nghe ta nói. Mi đã phạm tội ác tày trời: ăn thịt ngay những người khách đến thăm mi. Bọn ta đâu có phải là những kẻ tầm thường, ngu ngốc và hèn nhát, mi đã bị trừng phạt đích đáng. Đấy chính là ý của thần Zeus và các vị thần Olympe đấy!

Ulysse đã nói bằng tất cả sức lực của mình để cho Polyphème nghe thấy. Từ trên núi cao Polyphème nghe rõ. Thế là cái thằng Chẳng Có Ai chọc mù mắt hắn đã trốn thoát, mà lạ lùng thật? Hắn trốn thoát ra khỏi hang bằng cách nào mới được chứ! Polyphème tức điên người. Gã đứng bật dậy bửa luôn một tảng đá vô cùng to lớn ở một ngọn núi như ta bẻ gãy một ngọn cây, ném đánh vèo một cái về phía Ulysse. Khối đá bay vượt qua con thuyền và rơi cách mũi thuyền một quãng. Sóng dội lên như một cơn bão ập đến đẩy con thuyền vào tận gần bờ.

Ulysse vội lấy sào đẩy thuyền ra và cổ vũ anh em thủy thủ ra sức chèo mạnh, chèo mau để thoát khỏi vòng nguy hiểm. Đi được một quãng xa gấp đôi lần trước, Ulysse lại đứng lên trước mũi thuyền, hét to lên:

- Hỡi tên Polyphème man rợ. Nếu có người nào đến thăm hỏi mi, muốn biết ai là người gây ra nỗi bất hạnh cho mi, chọc mù con mắt độc nhất của mi thì mi hãy trả lời: Đó là Ulysse, người anh hùng đã triệt hạ thành Troie, con trai của lão vương Laerte, quê hương ở hòn đảo Ithaque bốn bề sóng vỗ quanh năm... Mi hãy trả lời như thế để cho danh tiếng của ta càng thêm lẫy lừng, để cho ai cũng biết: người anh hùng Ulysse có nghìn mưu kế quyết không bao giờ chịu bó tay khuất phục trước mọi tình thế hiểm nghèo. Ta truyền đời cho mi biết, mi bị mù hẳn rồi, ngay thân phụ của mi là vị thần Poséidon đầy quyền thế cũng không có cách gì chữa khỏi cho mi. Mi đừng có trông chờ, hy vọng mà uổng công, vô ích. Ta chỉ tiếc rằng ta không giết chết được mi để trả thù cho các bạn của ta đã bị mi ăn thịt một cách vô cùng hèn hạ.

Polyphème nghe những lời nói đó tức giận đến điên đầu, sôi máu. Gã gầm lên nguyền rủa Ulysse bằng mọi lời độc địa. Ulysse lại trêu tức hắn thêm. Thế là hắn quỳ xuống giơ hai tay lên trời cầu khấn thần Poséidon, vị thần có cây đinh ba gây bão tố.

- Hỡi thần Poséidon vị thần Lay chuyển Mặt đất! Nếu người đích thực là cha đẻ của con thì xin Người hãy trừng phạt tên Ulysse, sao cho hắn không trở về được quê hương của hắn, nhưng nếu số mệnh vẫn cho hắn trở về được với những người thân yêu của hắn, trở về được với mái nhà cao cao có làn khói biếc lượn lờ của hắn thì xin Người bắt hắn phải chịu vô vàn tai họa, ba chìm bảy nổi lênh đênh phiêu bạt trên đại dương hết năm này qua năm khác, mất dần hết đồng đội rồi mới trở về được đến quê hương...

Polyphème cầu khấn xong lại bửa phăng khối đá có dễ còn to lớn gấp mấy lần khối đá trước, lấy hết sức lực ném thật mạnh về phía con thuyền. Khối đá bay đi và rơi về phía sau con thuyền suýt nữa là rơi vào bánh lái. Một ngọn sóng to dâng lên đẩy mạnh con thuyền đi, đẩy xa đến nỗi đưa con thuyền về gần đến bờ của hòn đảo nơi đoàn thuyền neo đậu.

Thế là cuộc thám hiểm hòn đảo có tiếng người nói do Ulysse khởi xướng đã phát hiện ra xứ sở của những người khổng lồ Cyclopes. Nhờ mưu trí của Ulysse, đoàn thuyền thám hiểm mặc dù bị tổn thất mất sáu người, cuối cùng đã trở về được với đoàn thuyền để tiếp tục cuộc hành trình về quê hương Hy Lạp.

Một chặng đường với biết bao thử thách hiểm nghèo đang chờ đón, thử thách mọi người.

Bị những người khổng lồ Lestrygons tiêu diệt, đoàn thuyền mười hai chiếc chỉ thoát được có một con thuyền của Ulysse

Đoàn thuyền dưới sự chỉ huy của Ulysse ra đi. Sau một chặng đường khá dài, họ tới hòn đảo của Éole, một vị thần cai quản các ngọn gió vốn được các vị thần trên đỉnh Olympe rất đỗi sùng ái. Đảo của Éole rất kỳ lạ. Đó là một hòn đảo di động nổi trên biển khơi, được bao quanh bằng một bức tường đồng kiên cố, và trên bức tường đó là một ngọn núi đá nhẵn bóng vươn thẳng lên trời. Đặt chân lên hòn đảo kỳ lạ đó, đoàn thủy thủ của Ulysse được đón tiếp ân cần niềm nở. Thần Éole mời các vị khách vào nghỉ trong lâu đài, và suốt một tháng trời, vợ chồng, con cái Éole chiêu đãi trọng thể những vị khách quý. Thần Éole hỏi chuyện tỉ mỉ Ulysse về cuộc Chiến tranh Troie, về các dũng tướng và hành trình trở về của họ. Đến ngày Ulysse xin phép ra đi, thần Éole lại ban cho thủy thủ lương thực và nước ngọt cùng với nhiều tặng phẩm quý giá khác, nhưng quý giá vô ngần là một chiếc túi bằng da bò. Là người được thần Zeus giao cho sứ mạng cai quản các ngọn gió, Éole đã bắt nhốt chặt những ngọn gió vào trong chiếc túi đó. Đích thân Éole đã đem chiếc túi xuống lòng thuyền của Ulysse, buộc chặt miệng túi bằng một sợi dây to làm bằng bạc sáng loáng. Thần ngại nếu buộc không chặt nhỡ ra một ngọn gió hung dữ cựa quậy thoát ra ắt gây nên muôn vàn nguy hiểm. Khi đoàn thuyền nhổ neo, thần Éole lại cho một ngọn gió Tây đưa đoàn thuyền đi, và đoàn thuyền đã lướt nhanh như bay trên sóng biển hung dữ. Đoàn thuyền đi, đi suốt chín ngày chín đêm. Đến ngày thứ mười, Ulysse và anh em thủy thủ đã xúc động khi trông thấy xa xa hiện lên mảnh đất quê hương. Họ lại càng xúc động khi trông thấy những ngọn khói từ đống lửa của những người chăn cừu, chăn dê, uốn lượn nhẹ nhàng, bốc lâng lâng trên nền trời xanh. Chẳng còn mấy nữa thì tới nhà, tới hòn đảo Ithaque quê hương thân thiết, nhưng có ai ngờ một tai biến vô cùng xót xa đã xảy ra.

Chuyện xảy ra như sau: lúc này Ulysse vì mệt mỏi quá nên ngủ thiếp đi. Nhìn vào hoàn cảnh thuận lợi đó, một số anh em thủy thủ cho rằng chỉ có cơ hội này là tốt nhất để họ có thể khám phá xem chiếc túi da bò đựng những gì. Hẳn rằng chỉ có những báu vật: vàng bạc, ngọc quý, tóm lại là châu báu. Thần Éole đã ban tặng cho Ulysse, nhưng hắn ta đã giấu giếm mọi người, không muốn chia cho ai một chút nào cả. Hắn ta định chiếm đoạt tất cả để khi trở về quê hương hắn trở nên giàu có hơn mọi người. Không được, không thể chịu như thế được. Lẽ nào sau bao nhiêu năm chinh chiến, chúng ta trở về quê hương, gia đình với đôi bàn tay trắng! Những người thủy thủ nghĩ như vậy, bàn bạc với nhau như vậy, và họ đã mở tung chiếc túi da bò ra. Thế là các ngọn gió hung dữ được giải thoát. Mặt biển đang yên tĩnh phút chốc trở nên xao động khác thường. Mây đen từ đâu ùn ùn kéo đến. Mưa trút xuống, bão tố nổi lên, gió từ các hướng vật vã, quay cuồng, sóng đại dương dâng lên cao ngút. Đoàn thuyền của Ulysse bị sóng gió đẩy bạt ra khỏi vùng biển quê hương, trôi dạt đến một hòn đảo. Đó là hòn đảo mà chín ngày, chín đêm trước đây nó đã từ giã; hòn đảo của vị thần Éole, Ulysse và anh em thủy thủ lên đảo, đến gập mình tạ tội trước thần Éole. Chàng kể lại sự tình và khẩn khoản kính xin thần cai quản các ngọn gió rộng lượng giúp đỡ mình một lần nữa, nhưng thần Éole nổi giận, quát mắng đuổi bầu đoàn Ulysse cút ngay khỏi hòn đảo của thần, không được chậm trễ. Thần Éole không thể chứa chấp và giúp đỡ một lũ người đã bị các vị thần Olympe và Số mệnh ghét bỏ.

Mọi người đành phải ra đi. Nỗi ân hận và xót tiếc đè nặng trong lòng mỗi người. Sáu ngày sáu đêm đoàn thuyền đi không nghỉ trên biển khơi tím ngắt. Đến ngày thứ bảy đoàn thuyền đi vào bến cảng của một hòn đảo, xứ sở của những người khổng lồ Lestrygons. Đây là một bến cảng kín đáo, một cái vịnh nhỏ ba bề là núi, chỉ có một lối hẹp đi vào. Thuyền của anh em neo đậu sâu vào bên trong, sát bờ. Thuyền của Ulysse đậu ở mé ngoài, chỗ lối của vịnh đi ra khơi. Sau khi các thủy thủ neo đậu buộc con thuyền chắc chắn, Ulysse lên một ngọn núi cao để quan sát phía trong hòn đảo. Chàng chẳng thấy người, chẳng thấy một đàn bò, một đàn dê hay một đàn cừu nào hết. Cũng chẳng nhìn thấy một làn khói nhẹ, mỏng manh nào bốc lên từ hang núi hay đồng cỏ. Chàng bèn cử ba anh em thủy thủ đi sâu vào trong hòn đảo để xem xét tình hình. Ba thủy thủ từ núi cao đi xuống theo một con đường nhỏ, con đường dẫn vào đô thành của những người khổng lồ Lestrygons. Đi một hồi lâu thì những người thủy thủ đã trông thấy cổng thành. Trước cổng thành họ gặp một người. Thật khủng khiếp! Đó là một nàng khổng lồ đang múc nước. Một thủy thủ bình tâm lại, cất tiếng hỏi:

- Hỡi nữ chúa có thân hình cao lớn khác thường! Xin nàng tha lỗi cho sự đường đột của chúng tôi. Chúng tôi từ một xứ sở xa lạ lạc bước đến đây. Chúng tôi muốn xin nàng chỉ bảo cho biết đây là xứ sở nào, vị vua nào được thần Zeus yêu mến ban cho cây vương trượng để trị vì muôn dân. Chúng tôi muốn biết đường vào cung điện để cầu xin sự giúp đỡ của đức vua.

Nàng khổng lồ đáp lại:

- Hỡi những người khách lạ! Đây là xứ sở của những người khổng lồ Lestrygons sống dưới quyền trị vì của nhà vua Antipathès, và ta chính là con gái của nhà vua. Ta từ cung điện trong đô thành ra đây lấy nước, vì chỉ có nước của con suối Gấu này là trong trẻo và ngọt ngào hơn cả. Các người muốn gặp cha ta ư? Thật chẳng khó khăn gì. Đường đây, và nhà kia, ngôi nhà có mái cao hơn cả, đó chính là cung điện nơi mẹ cha ta đang ở. Các người hãy mạnh dạn đi thẳng vào cung điện bày tỏ nguyện vọng của mình.

Ba người bèn cảm tạ lòng tốt của nàng khổng lồ đi thẳng đến ngôi nhà có mái cao. Bước chân vào trong nhà họ gặp ngay một bà khổng lồ cao lớn như một ngọn núi. Mọi người đều kinh hoàng, chân tay run lẩy bẩy. Đó là vợ của vua khổng lồ Antipathès. Vừa thấy những người khách lạ, mụ ta chẳng chào hỏi tiếp đãi. Mụ ta quát ngay gia nhân phải chạy ra quảng trường mời đức vua về. Một lát sau Antipathès trở về tiếp khách. Nhà vua nói:

- Hỡi những người khách lạ! Chúng ta rất sung sướng được đốn tiếp các vị. Các vị đã đem đến cho ta món ăn tuyệt vời vì những người khổng lồ Lestrygons xưa nay không sống bằng bánh mì. Họ ăn thịt, và trong các thứ thịt thì thịt người là ngon nhất.

Antipathès nói xong liền đưa tay chộp lấy một người, cầm hai chân dốc xuống đất. Hắn sẽ rút gươm cắt tiết để nấu ăn đây. Nhanh như một con chim ưng, hai thủy thủ còn lại băng mình chạy. Họ cắm đầu bỏ chạy, chạy thục mạng một hơi về thẳng chỗ đoàn thuyền đang neo đậu. Antipathès thấy vậy liền thét lớn, ra lệnh báo động và truy đuổi. Cả đô thành nhốn nháo hẳn lên. Những người khổng lồ Lestrygons từ khắp các ngả chạy ra tay cầm những ngọn lao và những cây đinh ba. Chúng chạy tắt bằng những con đường lên các ngọn núi cao, và từ trên những ngọn núi cao chúng trông thấy đoàn thuyền đang neo đậu gần bờ. Thế là chúng bửa núi lấy đá ném tới tấp xuống đoàn thuyền. Những tảng đá to, nặng như những con bò béo mập thi nhau giáng xuống như một trận mưa rào. Cảnh tượng diễn ra thật vô cùng khủng khiếp. Thuyền vỡ tan tành. Người chết ngổn ngang. Kẻ vỡ sọ, bẹp ruột, kẻ gãy tay, gãy chân nằm rên la, kêu khóc. Sau khi giáng xuống những trận mưa đá, lũ khổng lồ Lestrygons liền cầm lao và cầm đinh ba chạy xuống núi đến khu vực đoàn thuyền. Chúng vui mừng reo hò trước chiến công lẫy lừng. Cầm những cây lao và đinh ba, chúng xiên người như ta xiên cá mang về đô thành làm một bữa tiệc linh đình mừng chiến thắng.

Vào lúc những tảng đá đầu tiên của lũ Lestrygons trút xuống đoàn thuyền, Ulysse thấy ngay cái chết kề bên. Chàng bèn rút gươm chém đứt phắt các dây buộc thuyền và ra lệnh cho anh em thủy thủ dốc sức chèo mau, chèo mau ra khơi để thoát khỏi tai họa. May mắn làm sao, lũ Lestrygons không để ý đến con thuyền của Ulysse đậu ở ngoài xa, nhưng cũng đau đớn xót xa làm sao vì tai họa quá ư nặng nề, khủng khiếp. Đoàn thuyền mười hai chiếc với bao anh em thủy thủ từ nay chỉ còn lại có một chiếc, một chiếc thuyền do Ulysse chỉ huy. Mười một chiếc kia với bao anh em thủy thủ đã vĩnh viễn không còn được hưởng niềm hạnh phúc của ngày về đoàn tụ với quê hương gia đình.

Cứu đồng đội thoát khỏi kiếp lợn trong tay tiên nữ-phù thủy Circé

Con thuyền của Ulysse ra đi. Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, nỗi đau thương và nhớ tiếc những anh em xấu số đã thiệt mạng nguôi dần trong lòng mọi người. Thuyền dừng lại ở một hòn đảo. Sau ba ngày nghỉ ngơi và săn bắn để có lương thực dự trữ, đến ngày thứ tư khi nàng Rạng đông có những ngón tay hồng xuất hiện thì Ulysse họp tất cả anh em lại và cất tiếng nói:

- Hỡi anh em! Dù chúng ta đã chịu đựng nhiều gian truân khổ ải nhưng chúng ta không thể đành lòng để con thuyền của chúng ta đậu ở mảnh đất này mà không biết rõ nó như thế nào, phương hướng ra sao. Như vậy làm sao chúng ta có thể tiếp tục cuộc hành trình được. Ta đã trèo lên một ngọn núi cao quan sát thì thấy đây là một hòn đảo không lớn, ở giữa đảo là một thung lũng đồng bằng. Hơn nữa, từ giữa đảo, chính mắt ta trông thấy rõ ràng có những làn khói xanh biếc bốc lên lượn lờ, len lách qua rừng cây rậm rạp.

Nghe Ulysse nói vậy, anh em biết ngay là họ sắp phải dấn thân vào cuộc thám hiểm. Họ ngần ngại vì những nỗi khủng khiếp vừa qua đang còn ám ảnh họ. Song Ulysse đã quyết là làm. Chàng chia mọi người ra làm hai nhóm. Một do chàng chỉ huy, một do Eurylochos. Tiếp đó là rút thăm để xem nhóm nào lãnh nhiệm vụ thám hiểm hòn đảo. Toán Eurylochos trúng thăm. Hai mươi anh em thủy thủ lên đường lòng đầy lo âu, nhưng những người ở lại với con thuyền cũng lo âu không kém. Eurylochos dẫn anh em tiến sâu vào trong đảo. Họ đến một căn nhà, đó là căn nhà của một tiên nữ-phù thủy Circé, một tiên nữ xinh đẹp có những búp tóc quăn vàng, nói được tiếng người nhưng lại độc ác và biết nhiều phép thuật ma quái. Tiên nữ là con của vị thần Mặt trời-Hélios. Thần đã giao cho con gái yêu quý cai quản hòn đảo Aiaia. Căn nhà của tiên nữ-phù thủy Circé được xây bằng những tảng đá nhẵn bóng có sói rừng và sư tử canh giữ. Thật ra đây là những người trần thế đoản mệnh, họ bị tiên nữ đùng pháp thuật và bùa ma thuốc quỷ biến thành những con vật. Gặp người lạ đến nhà, kỳ lạ thay, những con thú ấy lại chạy đến vẫy đuôi hớn hở chào mừng, tạo ra một cảnh tượng tưng bừng nô nức khiến cho mọi người dịu bớt nỗi lo sợ đang đè nặng trong trái tim. Tuy nhiên vẫn có nhiều người sợ hãi đến run bắn lên khi những con thú ấy quấn quít bên mình. Lúc này Circé đang ở trong nhà dệt lụa, vừa dệt vừa ca hát véo von. Cửa đóng kín. Mọi người bàn với nhau phải gọi thật to thì chủ nhân mới biết, và một người có tiếng nói sang sảng như vũ khí đồng đã cất tiếng gọi. Nghe tiếng, Circé liền ra mở cửa, mời khách vào nhà, nhưng Eurylochos không vào. Người anh hùng này đề phòng mưu đồ thâm độc. Chàng lủi nhanh, tìm một chỗ kín đáo và thuận lợi giấu mình ở đó theo dõi tình hình. Và tình hình diễn ra như sau:

Circé dẫn hai mươi hai anh em thủy thủ vào nhà. Nàng mời các vị khách ngồi xuống những chiếc ghế bành đẹp đẽ rồi pha rượu vang đỏ với mật ong xanh hòa cùng bột lúa mạch và pho mát để mời mọi người thưởng thức. Mọi người nâng cốc chúc tụng sức khỏe của nữ chủ nhân và nốc rượu cạn một hơi, nhưng họ có ngờ đâu trong khi pha rượu Circé đã pha cả vào đó những liều thuốc ma quái do bàn tay phù thủy của mình chế tạo. Thứ thuốc này ai uống phải là quên hết mọi kỷ niệm êm đềm, ấm cúng của quê hương yêu dấu và gia đình thân thiết. Thấy mọi người đã uống cạn và bắt đầu ngây ngất, Circé liền lấy chiếc đũa phù thủy của mình ra gõ nhẹ lần lượt vào từng người miệng lẩm nhẩm mấy câu thần chú, và lập tức hai mươi hai chàng trai cường tráng và xinh đẹp bỗng chốc biến thành hai mươi hai con lợn to béo, đần độn. Circé chỉ còn mỗi việc xua chúng xuống chuồng. Eurylochos rình nấp ở ngoài theo dõi được mọi diễn biến. Chàng vô cùng kinh hãi. Không còn cách gì đối phó được ngoài mỗi cách chạy cho mau về nơi con thuyền neo đậu tường trình lại cho Ulysse và mọi người biết. Mệt đến đứt hơi, Eurylochos thở hổn hển, vừa thở vừa kể lại cảnh tượng anh em phút chốc biến thành một đàn lợn ngơ ngác và đần độn.

Ulysse nghe xong chẳng nói một lời. Chàng lặng lẽ đeo gươm vào sườn, khoác cung lên vai và lên đường. Chàng ra đi. Giữa đường chàng gặp một chàng trai tướng mạo khôi ngô, hình dáng xinh đẹp, thần thái thông minh. Chàng trai này chính là thần Hermès biến hình định tâm đón gặp Ulysse để chỉ dẫn cho Ulysse cách đối phó với tiên nữ-phù thủy Circé và mưu kế để giải thoát cho các bạn đồng hành, chiến hữu thân thiết, thoát khỏi kiếp lợn. Thần Hermès sau khi chỉ dẫn cho Ulysse còn ban cho Ulysse một cây cỏ tiên rễ đen, hoa trắng là báu vật riêng của thế giới Olympe. Với cây cỏ này mọi pháp thuật, bùa ma thuốc quỷ của tiên nữ-phù thủy đều vô hiệu.

Ulysse dừng bước trước ngôi nhà của Circé và cất tiếng gọi. Tiên nữ-phù thủy xinh đẹp, có những búp tóc quăn vàng ra mở cửa mời chàng vào nhà. Tiên nữ lại pha rượu để mời vị khách quý. Ulysse đón nhận cốc rượu nốc cạn một hơi. Cây cỏ thần chàng giữ trong người làm cho độc dược vô hiệu. Đầu óc chàng vẫn tỉnh táo sáng suốt, nhưng Circé nào có biết. Nàng chỉ mỉm cười lấy chiếc đũa phù thủy ra gõ nhẹ vào người chàng và nói: “Thôi nào, đi vào chuồng lợn mà ngủ với các bạn mày!” Chẳng nói chẳng rằng, Ulysse rút thanh gươm ra đánh soạt một cái, xông tới chĩa mũi gươm vào ngực Circé, tiên nữ thét lên một tiếng kinh hoàng, quỳ vội xuống van xin Ulysse bằng một lời lẽ thiết tha.

- Hỡi người anh hùng có một không hai! Hãy tha cho ta tội chết! Chàng là ai? Ở xứ sở nào đặt bước tới đây. Xưa nay chưa từng có một ai sau khi uống cốc rượu pha độc dược của ta mà đầu óc lại vẫn còn tỉnh táo. Hẳn chàng là người hùng Ulysse có muôn ngàn mưu trí mà thần Hermet đã có lần tiên báo cho ta biết rằng chàng sẽ ghé thăm ta. Nếu đúng vậy quả thật chàng là người anh hùng đã nghĩ ra cái mưu “con ngựa gỗ” để hạ thành Troie, thì xin chàng hãy tra gươm vào vỏ và đón nhận những chuỗi ngày tràn trề hạnh phúc của ái ân, hoan lạc và niềm tin yêu.

Nhưng Ulysse tinh khôn đáp lại:

- Hỡi tiên nữ Circé xinh đẹp có búp tóc quăn vàng! Sao mà ta có thể tin yêu nàng, đền đáp lại tình yêu nồng thắm của nàng khi nàng đã biến các bạn ta thành lợn và nhốt họ trong chuồng. Hẳn rằng nàng nuôi giấu một ý đồ thâm độc: dùng sắc đẹp và tình yêu để quyến rũ ta, để cho chí khí của ta mòn mỏi, sức khỏe ta kiệt quệ đã rồi tới một ngày nào đó hãm hại ta. Không! Không! Không khi nào ta coi nàng là một người bạn tình khi nàng chưa thề nguyền sẽ không bao giờ mưu hại Ulysse.

Circé nghe nói liền đứng dậy trịnh trọng thề. Tiếp đó nàng truyền cho các nữ tỳ bày tiệc. Còn nàng đích thân tắm rửa và xức dầu thơm cho Ulysse. Nàng chọn một tấm áo dài đẹp đẽ mặc cho chàng, sau đó cùng chàng đi vào bàn tiệc. Nàng dâng mời chàng rượu nồng thơm phức, bánh mì và những của ngon vật lạ, sản phẩm của hòn đảo quê nàng, nhưng Ulysse cứ ngồi đăm chiêu tư lự, chẳng hề nhấp một hớp rượu hay ăn một miếng thịt, miếng bánh nào. Thấy vậy, Circé cất tiếng hỏi:

- Hỡi Ulysse kính mến! Vì sao chàng lại ngồi im không ăn không uống, chẳng nói chẳng rằng lấy một lời? Hay chàng lại sợ em bày mưu hại chàng? Không, xin chàng hãy tin em, vì em đã cam kết bằng những lời thề nguyền thiêng liêng độc địa.

Ulysse đáp lại:

- Hỡi Circé xinh đẹp! Xin nàng tha lỗi cho ta. Quả thật ta không còn bụng dạ nào mà thưởng thức những của ngon vật lạ của bữa tiệc thịnh soạn này khi ta nghĩ đến bạn hữu của ta đang còn phải sống trong kiếp lợn. Với thiện ý và tấm lòng ưu ái, nàng đã chăm sóc ta, mời ta dự tiệc. Vậy thì xin nàng hãy giải thoát cho những bạn hữu của ta khỏi kiếp lợn. Trái tim ta chỉ thực sự thanh thản và khao khát tình yêu khi tận mắt trông thấy đồng đội trung thành của ta, những người sẽ cùng ta tiếp tục cuộc hành trình trở về quê hương Hy Lạp.

Circé chấp nhận ngay lời cầu xin của Ulysse. Nàng, tay cầm chiếc đũa phù thủy dẫn Ulysse xuống chuồng lợn. Nàng mở cửa chuồng và đi vào giữa đàn lợn đông đúc, béo trục béo tròn. Nàng lấy trong chiếc túi đeo trên hông một nắm lá thuốc gì đó đem chà xát vào mỗi con lợn. Thế là từ đàn lợn đứng bật dậy hai mươi hai người khỏe mạnh, cường tráng. Họ nhận ra ngay Ulysse đang đứng trước họ, bởi vì Circé chỉ biến được hình hài họ thành con lợn, còn đầu óc họ vẫn là đầu óc của con người. Thế là họ vội chạy đến, kẻ ôm chầm, người xiết tay vị chỉ huy tài giỏi và thân yêu của họ, người đã từng gắn bó với họ qua bao gian truân khổ ải. Căn nhà vang lên tiếng nức nở nghẹn ngào của nỗi mừng tủi, hợp tan. Nhìn cảnh tượng ấy, tiên nữ-phù thủy Circé cũng bùi ngùi trong dạ. Nàng cất tiếng bảo Ulysse:

- Ulysse hỡi! Xin chàng hãy trở về nơi con thuyền neo đậu, cho anh em kéo thuyền lên cạn, cất giấu của cải cùng mái chèo cột buồm vào hang sâu rồi dẫn mọi người tới đây cùng dự tiệc.

Thế là cả đoàn thủy thủ của Ulysse tụ hội trong dinh cơ của Circé. Tại đây họ sống những ngày thỏa thuê, tưng bừng trong yến tiệc hội hè tưởng chừng như quên mất rằng họ đang chờ mong quê hương yêu dấu với những người thân yêu đang chờ mong ngày trở về của họ. Ngày tháng trôi đi như nước chảy mây bay thấm thoát đã một năm ròng, nhưng chẳng gì làm con người quên được mảnh đất quê hương với những người cùng chung cội nguồn máu mủ. Anh em thủy thủ nhắc nhở Ulysse đã đến lúc phải lên đường. Một bữa kia, Ulysse đã trân trọng bày tỏ nguyện vọng xin được trở về quê hương. Nàng Circé xinh đẹp rất đỗi yêu mến người bạn tình của mình nhưng cũng không vì thế mà khước từ lời cầu xin hay cản trở. Nàng chấp thuận lời cầu xin của chàng với tấm lòng hào hiệp. Nàng báo cho chàng biết Số mệnh đòi hỏi chàng trước khi tiếp tục cuộc hành trình trở về phải xuống thế giới âm phủ của thần Hadès để gặp vong hồn những người đã chết và để xin nhà tiên tri mù Tirésias ban cho những lời chỉ dẫn. Circé sẽ đích thân giúp đỡ, chỉ dẫn cho Ulysse hoàn thành chuyến đi đầy khó khăn này.

Cuộc hành trình xuống thế giới âm phủ của thần Hadès

Sau khi Ulysse nói rõ cho các bạn đồng hành biết sự gian nan vất vả của cuộc hành trình sắp tới, họ tỏ ra vô cùng lo sợ nhưng đã quen tuân theo thượng lệnh nên họ vẫn sẵn sàng cùng chàng xuống thuyền để đi về miền bắc xa xôi. Circé phù phép cho con thuyền thuận buồm xuôi gió. Cuối cùng, con thuyền của Ulysse đến được vùng biển Đại dương Đầu Bạc, cập bến vào xứ sở của những người Kimméri, nơi không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng của thần Hélios. Xứ sở này bị che phủ vĩnh viễn bởi sương mù dày đặc, lạnh lẽo và bóng đêm mù mịt. Ở đó, Ulysse và các bạn đồng hành đưa con thuyền lên bờ, dắt một con cừu đực và một con cừu cái đen xuống để làm lễ hiến tế cho các vị thần ở dưới âm phủ. Họ đi đến một mỏm núi cao, nơi hai con sông Cocyte và Pyriphlégéthon đổ vào sông Achéron. Đến đó, Ulysse dùng mũi kiếm của mình đào một cái hố thật sâu rồi đổ vào đó ba chén: một chén mật ong, một chén rượu và một chén nước, rắc bột lúa mạch xuống đó rồi chọc tiết những con cừu hiến tế. Máu của các con vật chảy vào cái hố. Một đám đông vong hồn xúm lại bên hố và xin được là người đầu tiên uống những giọt máu của những con vật hiến sinh. Ở đây có linh hồn các cô gái, chàng trai trẻ tuổi, các ông già, bà già và những chiến binh trong các trận đánh. Ulysse và các bạn đồng hành cảm thấy vô cùng sợ hãi. Họ thiêu những con vật hiến tế và cầu khấn thần Hadès và vợ ông là Perséphone. Ulysse nắm chặt chuôi kiếm và ngồi bên cạnh hố để ngăn cản không cho những vong hồn đi vào trong hố. Người đầu tiên đến gần miệng hố là linh hồn chàng trai trẻ Elpénor. Linh hồn của chàng trai này đã đến bên cổng âm phủ từ trước khi đoàn người của Ulysse tới. Elpénor van xin Ulysse hãy chôn cất thi thể cậu để linh hồn cậu có thể được thanh thản trong vương quốc của thần Hadès. Ulysse hứa sẽ thực hiện nguyện vọng của cậu. Tiếp đến và linh hồn của Anticlée, mẹ của Ulysse, bay đến bên hố. Khi Ulysse rời đảo Ithaque để tham gia Cuộc chiến Troie, bà vẫn còn sống. Mặc dù rất đau lòng nhưng chàng không thể để cho mẹ mình đến gần cái hố vì người đầu tiên uống máu ở cái hố phải là linh hồn của nhà tiên tri mù Tirésias. Cuối cùng thì linh hồn của Tirésias xuất hiện. Uống máu xong, linh hồn của Tirésias cho Ulysse biết rằng thần Poséidon rất giận chàng vì chàng đã chọc mù mắt con trai của thần là tên khổng lồ một mắt Polyphème. Tirésias đoán cho Ulysse biết rằng mặc cho thần Poséidon không muốn, chàng vẫn về được đến nhà nếu chàng và các bạn đồng hành không ăn thịt con bò thần của thần Hélios. Nếu các bạn đồng hành của Ulysse ăn thịt bò thì họ sẽ phải chết hết, chỉ còn một mình Ulysse còn sống trở về quê hương nhưng cũng phải trải qua muôn vàn gian khó. Về đến nhà Ulysse sẽ trả thù được bọn cầu hôn nhưng chỉ sau khi chàng vác chiếc mái chèo đi cho đến một xứ sở mà ở đó người dân không biết chèo thuyền trên biển, không bao giờ nhìn thấy tàu thuyền. Ulysse sẽ nhận biết những người này khi họ hỏi chàng tại sao lại vác chiếc xẻng trên vai. Ở xứ sở này, Ulysse phải làm cho Poséidon thất bại và chỉ sau đó mới được trở về nhà. Ở nhà chàng phải cúng tế thật nhiều sản vật cho tất cả các thần và chỉ đến khi đó, chàng mới được sống yên ổn ở Ithaque cho đến khi chết.

Đó là những điều mà nhà tiên tri mù nói với Ulysse. Nói xong rồi ông ta bỏ đi. Lúc này, Ulysse mới để ý nhìn thấy rất nhiều linh hồn. Linh hồn của mẹ chàng, sau khi đã uống máu, kể cho chàng nghe về những điều đã xảy ra ở Ithaque cho đến trước khi bà chết. Bà an ủi chàng rằng cha chàng, lão vương Laerte; vợ chàng, nàng Pénélope và đứa con trai nhỏ của chàng, bé Télémaque vẫn còn sống. Ulysse muốn ôm chặt người mẹ thân yêu của mình trong vòng tay nhưng ba lần chàng cầm tay bà là ba lần, cái bóng nhẹ bẫng của bà tuột khỏi tay chàng. Chàng nhìn thấy trong vương quốc của thần Hadès bóng dáng của nhiều vị anh hùng nhưng chàng không thể nào kể hết tên vì chỉ có một đêm, làm sao mà nhớ cho xuể. Lúc này cũng đã muộn, chàng cần phải nghĩ tới đường về. Trong vương quốc của Hadès, Ulysse còn nhìn thấy vong hồn của nhà vua Agamemnon. Nhà vua cay đắng than phiền về người vợ Clytemnestre và Égisthe, những kẻ đã giết nhà vua trong ngày ông ta trở về. Linh hồn Agamemnon khuyên Ulysse khi trở về Ithaque không nên tin vào Pénélope, vợ chàng. Ulysse còn nhìn thấy linh hồn Achille, Patrocle, Antiloque. Ulysse kể cho Achille nghe về những chiến công lừng lẫy của con trai chàng, Néoptolème. Achille rất vui vì nghe được tin đó và chàng chua xót phàn nàn về cuộc sống vô vị của những linh hồn trong vương quốc của thần Hadès. Achille nói rằng chàng ước ao được sống một cuộc sống dù là của một kẻ bần cùng trên trần thế vẫn còn hơn làm vua ở vương quốc của những linh hồn chết. Mặc dù Ulysse đã tìm mọi cách lấy lòng Hadès nhưng ông này vẫn giận dữ lặng lẽ bỏ đi vì nghe thấy câu chuyện giữa Ulysse và Achille. Ulysse cũng đã gặp vị quan tòa của những người chết, vua Minos, nhìn thấy sự khổ ải của Tantale và Sisyphe. Cuối cùng thì linh hồn của người anh hùng vĩ đại nhất trong những người anh hùng - Héraclès - đến gần Ulysse. Mặc dù Héraclès đã là vị thần bất tử sống trên thế giới Olympe nhưng linh hồn ông vẫn vật vờ trong thế giới của Hadès. Ulysse còn muốn chờ xem linh hồn của các bậc anh hùng vĩ đại nhất của quá khứ nhưng bỗng nhiên, các linh hồn cùng kêu lên một tiếng kêu thảm thiết. Quá sợ hãi, chàng chạy lao lên con tàu của chàng. Chàng sợ rằng Perséphone sẽ cử Méduse đuổi theo.

Ulysse và các bạn đồng hành vội vàng chèo con thuyền vào Đại dương Bạc Đầu và rời bỏ xứ sở của những người Kimméri.

Ăn thịt bò của thần Hélios, cả đoàn thủy thủ bị trừng phạt chỉ riêng mình Ulysse sống sót

Hoàn thành cuộc hành trình xuống thế giới âm phủ của thần Hadès, Ulysse và đồng đội trở về tòa lâu đài của Circé để cảm ơn và chào từ biệt nàng. Circé ban cho họ lương thực và nước ngọt. Nàng không quên nói riêng cho Ulysse biết những nguy hiểm sẽ gặp phải trong cuộc hành trình cũng như chỉ dẫn cho chàng cặn kẽ cách đối phó.

Con thuyền của Ulysse đi thuận buồm xuôi gió. Chẳng mấy chốc đã tới gần vùng biển của những tiên nữ Sirène là những nàng tiên mà nửa thân người phía trên là một thiếu nữ xinh đẹp còn nửa dưới là chim hoặc là cá, có cánh để bay được trên trời, lại có vây có đuôi để bơi được ở dưới nước. Sirène sống ở một đồng cỏ trên một đảo hoang mà quanh đảo ngổn ngang xương trắng của những thi hài bị thối rữa. Đó là những thủy thủ xấu số đã nghe phải tiếng hát mê hồn của Sirène, bỏ thuyền bỏ lái lao đầu xuống biển cả bơi theo Sirène về hòn đảo, hy vọng tìm được mối tình thắm nồng vĩnh viễn như lời ca đầy quyến rũ của các nàng.

Thuyền của Ulysse sắp đi vào vùng biển của các Sirène. Làm thế nào để thoát khỏi tai họa? Ulysse trước hết nói cho anh em thủy thủ biết rõ mối hiểm nguy, và đây là cách đối phó: chàng sẽ lấy sáp ong gắn chặt vào lỗ tai của anh em thủy thủ, còn bản thân mình thì để anh em thủy thủ trói chặt vào cột buồm. Vì theo lời truyền phán của Circé, dù sao Ulysse cũng không nên bỏ lỡ dịp thưởng thức giọng hát tuyệt diệu của các Sirène. Tuy nhiên, anh em thủy thủ cần nhớ, nếu chàng có vùng vẫy ra lệnh hoặc ra hiệu cởi trói cho chàng thì tuyệt đối không ai được tuân lệnh. Ngược lại càng phải trói chặt chàng vào cột buồm hơn nữa.

Kia là hòn đảo của các Sirène hiện ra. Mặc dù con thuyền đã cố tránh xa hòn đảo nhưng không thoát khỏi con mắt tinh tường của các nàng. Các Sirène thấy con thuyền đi ngang qua hòn đảo liền bơi đến vây lượn quanh con thuyền và cất tiếng hát véo von. Các Sirène ca ngợi chiến công của người anh hùng đã nghĩ ra cái mưu “con ngựa gỗ”, ca ngợi những chiến hữu của chàng. Các nàng ngỏ ý muốn các chàng trai hãy dừng thuyền lại để nghe các nàng hát, và với những giọng hát sâu lắng, ngọt ngào, chứa chan tình cảm, các nàng muốn các chàng trai anh hùng hãy ghé thuyền vào đảo tuyệt diệu của các nàng để nghỉ ngơi và vui chơi hoan lạc... Anh em thủy thủ chẳng ai nghe được tiếng hát của các Sirène. Riêng Ulysse nghe thấy tiếng hát ấy, lòng chàng náo nức, bổi hổi bồi hồi. Chàng vùng vẫy kêu gào ra hiệu cởi trói cho chàng, nhưng vô ích. Hai thủy thủ xông đến quấn thêm mấy vòng dây nữa vào người chàng. Còn mọi người vẫn cúi rạp mình ra sức chèo. Con thuyền lướt sóng đi băng băng. Khi Ulysse không còn nghe thấy tiếng hát của các Sirène vang vọng đến, chàng bèn ra hiệu cho anh em thủy thủ rút sáp ong ở tai ra và cởi trói cho chàng. Thế là con thuyền đi qua vùng biển của những tiên nữ Sirène có sắc đẹp tuyệt trần, có tiếng hát quyến rũ mê hồn, bình yên vô sự.

Qua vùng biển Sirène chưa được bao lâu thì con thuyền lại phải qua một vùng biển nguy hiểm hơn nữa. Đó là một vùng biển có những ngọn núi đá lởm chởm nằm ngổn ngang trên mặt sóng dữ. Để tránh va phải đá ngầm, con thuyền của Ulysse đi tránh ra xa bờ. Nó phải đi qua một eo biển hẹp. Nơi đây hai bên núi đá có hai con quái vật. Một con tên gọi là Scylla, trú trong một chiếc hang sâu, chuyên rình bắt người để ăn thịt. Một con tên là Charypde hút nước vào lòng biển xoáy thành một vực réo lên ùng ục và đáy biển lộ ra với nền cát xanh thẫm. Để đến khi Charypde phun nước ra thì biển khơi chuyển động dữ dội, nước dâng lên cao ngút, nổi sóng nổi bọt tưởng như biển đang bị đun sôi sùng sục trong một cái chảo đặt trên bếp than hồng. Nước phun lên cao rồi rơi xuống dãy núi hai bên như một trận mưa rào trút nước xuống. Anh em thủy thủ thấy vậy vô cùng sợ hãi, mặt tái xanh như không còn một giọt máu. Ulysse mặc áo giáp đồng tay cầm dao nhọn ra đứng trước mũi thuyền chỉ huy, cổ vũ anh em. Chàng điều khiển anh em lái cho con thuyền đi lánh về phía bên Scylla, tránh được vực xoáy lúc Charypde hút nước rồi lại nhanh chóng thoát khỏi cột nước cao ngút của Charypde phun nước ra, nhưng trong khi mải chú ý đối phó với Charypde thì từ một hang núi đá cao, Scylla thò đôi tay dài nghêu đầy lông lá ra tóm bắt ngay sáu thủy thủ ở giữa lòng thuyền. Sáu anh em bất hạnh đó kêu thét lên, giãy giụa, chới với trên không giống như một con cá mắc câu bị người đi câu giật cần kéo cá lên khỏi mặt nước. Scylla đã ăn thịt họ ngay trước cửa hang. Ulysse trông thấy cảnh tượng đau lòng ấy mà không sao cứu vãn được. Đó là một trong những kỷ niệm xót xa của chàng trong quãng ngày lênh đênh tiên biển cả tìm đường về quê hương.

Thoát khỏi tai họa của vùng biển đá ngầm với Charypde và Scylla, con thuyền của Ulysse đi đến hòn đảo của thần Mặt trời-Hélios nơi có những con bò có vầng trán rộng, to béo khác thường cùng với đàn dê, cừu đông đúc. Từ xưa mọi người đã trông thấy chúng, nghe thấy tiếng chúng kêu rống om xòm. Ulysse nhớ lại lời căn dặn của tiên nữ Circé và nhà tiên tri mù Tirésias, chàng nói với anh em thủy thủ:

- Hỡi anh em! Nàng Circé xinh đẹp có những búp tóe quăn vàng và nhà tiên tri danh tiếng Tirésias đã căn dặn ta, phải tránh hòn đảo của thần Hélios, nếu không sẽ gặp phải một tai họa khủng khiếp. Vậy xin anh em hãy cho thuyền lánh xa đảo.

Nhưng anh em thủy thủ chẳng nghe theo lời khuyên bảo của Ulysse. Họ viện cớ trải qua bao nỗi hiểm nguy, sức lực của bọ đã kiệt quệ rồi. Giờ đây là lúc cần phải để cho mọi người lên bờ nấu ăn bữa chiều, nghỉ ngơi để lấy lại sức. Đói và mệt không thể đi suốt đêm được. Nhỡ giữa đường trái gió trở trời thì sức đâu ra mà chống đỡ, Ulysse đành phải tuân theo ý muốn của mọi người song chàng không quên căn dặn họ một điều tối ư quan trọng.

- Hỡi anh em! Anh em đã muốn thế, ta chẳng thể một mình chống lại ý muốn của anh em. Song ta muốn anh em phải hứa với ta bằng một lời thề nguyền thiêng liêng: không một ai được đụng đến một con bò hay một con bê, con cừu trên đảo. Anh em hãy bằng lòng với nguồn thức ăn dự trữ mà nàng Circé bất tử đã ban cho chúng ta.

Nghe lời Ulysse, anh em thủy thủ thề hứa tuân theo lời căn dặn của Ulysse.

Nhưng gần sáng, thần Zeus dồn mây mù khơi lên một cơn bão lớn. Con thuyền không nhổ neo được. Rồi ngày hôm sau, hôm sau, hôm sau nữa cứ thế kéo dài cho đến trọn một tháng thời tiết chẳng thuận lợi chút nào. Buổi sớm thì nắng ủng mưa dai. Buổi chiều thì gió chướng biển động. Lương thực dự trữ hết dần. Anh em thủy thủ phải săn chim, bắt cá để sống cho qua ngày. Cái đói hành hạ mọi người khiến Ulysse vô cùng lo lắng. Chàng bèn đi sâu vào trong đảo, tìm một nơi khuất gió, sạch sẽ, cao ráo, quỳ xuống hướng mặt lên bầu trời cao xanh mà cầu khấn các vị thần Olympe. Chàng cầu xin các vị thần chỉ dẫn cho đường về, giúp chàng và anh em thoát khỏi tình cảnh nguy khốn. Các vị thần từ chốn cao xa nghe thấy hết lời thỉnh nguyện của chàng. Các thần giáng xuống đôi mắt của chàng một cơn buồn ngủ nặng trĩu, và thế là Ulysse ngủ thiếp đi.

Trong khi chàng ngủ say, anh em thủy thủ bị cơn đói giày vò không còn nghị lực và sự tỉnh táo để chế ngự, đã bảo nhau bắt những con bò có vầng trán rộng của thần Hélios giết thịt, nấu ăn. Đến khi Ulysse tỉnh ngủ trở về bờ biển nơi con thuyền neo đậu thì việc đã xảy ra rồi không còn cách gì cứu vãn được. Chàng chỉ con biết quỳ xuống giơ hai tay lên trời than vãn cho nỗi bất hạnh của mình và cầu xin các vị thần Olympe tha thứ.

Nữ thần Lampétie trùm khăn dài tha thướt, con gái của thần Hélios, được giao trách nhiệm cai quản đàn bò, liền bay ngay lên thiên đình tâu cho cha biết cái hành động phạm thượng vô đạo của lũ thủy thủ. Thần Hélios bèn đùng đùng bổ tới ngay cuộc họp của các vị thần. Ngay giữa lúc mọi chư vị thần linh đang họp bàn nhiều công việc trọng đại, thần Hélios cất tiếng nói ầm vang, khiếu nại:

- Hỡi Zeus đấng phụ vương và các chư vị thần linh bất tử! Xin các vị hãy trừng phạt ngay lũ thủy thủ của Ulysse vì tội chúng đã giết bò của ta. Chúng đã hỗn hào láo xược xúc phạm đến báu vật của ta, một hành động phạm thượng không thể nào tha thứ được. Nếu chúng không bị trừng trị vì tội này thử hỏi trật tự kỷ cương của thế giới Olympe còn ra cái gì nữa. Ta sẽ từ bỏ thế giới dương gian này, xuống sống ở thế giới âm phủ của thần Hadès và dùng ánh sáng của mình phục vụ cho những vong hồn. Ta không thể nào làm việc ở cái thế giới hỗn loạn như thế này được.

Nghe Hélios nói vậy, thần Zeus dồn mây mù bèn lên tiếng ngay:

- Hỡi Hélios, vị thần Mặt trời nóng rực! Xin hãy bình tâm! Thần cứ tiếp tục dùng ánh sáng của mình phục vụ cho các vị thần bất tử của ngọn núi Olympe và phục vụ cho lũ người trần đoản mệnh sống trên mặt đất sản sinh ra lúa mì. Còn với lũ người phạm thượng kia, ta sẽ giáng sét chói lòa đánh tan con thuyền chạy nhanh của chúng ra từng mảnh vụn giữa biển khơi.

Thần Hélios ra về yên lòng chờ đợi.

Sáu ngày đã trôi qua kể từ buổi anh em thủy thủ giết con bò tiên của thần Hélios cũng có nghĩa là sáu lần thần Hélios đánh cỗ xe vàng chói lọi của mình từ tòa lâu đài ở phương Đông sang Đại dương ở miền cực tây. Trong sáu ngày ấy, anh em thủy thủ ăn uống thỏa thuê. Họ chẳng bị cơn đói giày vò nữa, nhưng họ cũng chẳng còn đủ sáng suốt tinh tường để nhận ra những điềm gở mà các vị thần của chốn Olympe tiên báo: da bò biết đi, những xiên thịt nướng trên bếp than hồng khi thì khóc than rên rỉ, khi thì kêu rống lên. Cả những tảng thịt sống cũng kêu gào, vật vã.

Đến ngày thứ bảy thần Zeus ra lệnh cho mưa ngừng gió lặng. Biển khơi trở nên hiền hòa. Trời xanh cao lồng lộng, bát ngát. Mây trắng tung tăng bay lượn. Thế là mọi người reo hò mừng rỡ. Họ bảo nhau đẩy con thuyền xuống biển, dựng cột căng buồm. Thuyền ra khơi chạy băng băng, băng băng, nhưng hỡi ôi, chẳng được bao lâu! Thần Zeus dồn mây mù, phủ một đám mây đen sẫm sũng nước lên con thuyền. Biển tối sầm lại. Bão nổi. Gió thổi điên cuồng. Con thuyền của Ulysse vật vã trong sóng gió. Cột buồm bị gió vặn gãy đổ xuống làm vỡ sọ một thủy thủ. Tiếp ngay sau đó, một tiếng nổ kinh thiên động địa. Thần Zeus giáng sét chói lòa xuống trúng giữa con thuyền. Con thuyền quay lông lốc, bốc khói mù mịt khét lẹt rã rời ra từng mảnh. Anh em thủy thủ lao mình xuống biển, bơi lóp ngóp, bị sóng cuốn đi mỗi người mỗi nơi mỗi ngả. Thần Zeus đã không cho họ tiếp tục cuộc hành trình trở về quê hương.

Ulysse bơi trên mặt biển, May thay, chàng bám được vào chiếc cột buồm. Chàng bơi lại ghép chiếc cột buồm này vào với một cây xà ở liền ngay đấy làm thành một chiếc bè rồi ngồi lên trên đó, và trên chiếc bè đơn sơ ấy chàng trôi nổi bập bềnh cho tới sáng hôm sau. Thật khủng khiếp vô ngần khi Ulysse thấy mình bị trôi về đúng giữa eo biển Charypde và Scylla. Lúc này Charypde đang hút nước biển vào. Nước bắt đầu xoáy thành vực sâu hun hút. Ulysse nhìn thấy trên đầu mình ở vách núi nhô ra có một cành vả. Chàng bám vào đó lủng lẳng như một con dơi treo mình trên cành cây. Chàng không thể di chuyển đến một chỗ khác, và cứ lủng lẳng như thể để chờ đợi. Chàng chờ đợi, kiên nhẫn chờ đợi,

Charypde hút nước xong lại nhả nước ra. Đúng lúc chiếc bè gỗ từ miệng Charypde nhả ra nổi bềnh lên mặt sóng, Ulysse buông tay khỏi cành cây cho người rơi xuống nước, chàng lại ngoi lên ngay. Chàng trèo lên chiếc bè. Thế là chàng thoát chết. Sóng gió của đại dương lại tiếp tục đưa chàng đi. Suốt chín ngày trời phó mặc số mệnh của mình cho biển khơi bao la với sóng gió hung dữ, cuối cùng chàng trôi dạt đến hòn đảo Ogygie của tiên nữ Calypso, một nàng tiên có sắc đẹp tuyệt trần, bất tử và nói được tiếng người.

Ulysse thoát khỏi sự giam cầm của tiên nữ Calypso

Chín ngày đêm Ulysse phó mặc số mệnh cho gió dập sóng vùi. Chàng chỉ có mỗi cách đối phó và bám chắc lấy con bè đơn sơ của mình, con bè bằng hai cây gỗ ghép lại. Đến đêm thứ mười chàng trôi dạt vào bờ biển của một hòn đảo. Đó là hòn đảo Ogygie ở giữa biển khơi bao la mà xưa nay chẳng mấy ai biết đến. Cai quản hòn đảo này là tiên nữ Calypso có những búp tóc quăn xinh đẹp và nói được tiếng người, con của vị thần Titan Atlas. Chẳng rõ nàng tiên xinh đẹp dòng dõi của Titan này cai quản hòn đảo từ bao giờ, chỉ biết hòn đảo đầy hoa thơm quả ngọt, thức ăn, vật phẩm dồi dào mùa nào thức ấy chẳng hề thiếu thốn một thứ gì. Hơn nữa, trên đảo ngoài Calypso và những người nữ tỳ hầu hạ nàng, chẳng có một bộ lạc đông đảo nào ở cho nên của cải vật phẩm đã sung túc lại càng sung túc. Calypso sống biệt lập ở đây chẳng hề giao thiệp với thế giới thần thánh cũng như với loài người trần tục đoản mệnh.

Trôi dạt vào hòn đảo, Ulysse lần tìm vào giữa nơi có tiếng hát véo von và làn khói nhẹ lượn lờ trên những lùm cây xanh ngắt, và chàng đã đặt chân đến động của tiên nữ Calypso có những búp tóc quăn xinh đẹp và nói được tiếng người. Calypso đãi người anh hùng Ulysse rất chân thành và nồng hậu. Nàng chiều chuộng người anh hùng, chăm sóc chàng hết sức chu đáo. Duy chỉ có mỗi một điều nàng không thể chiều lòng chàng, làm theo ý chàng được là: giúp đỡ chàng trở về quê hương Ithaque. Bởi vì nàng đã đem lòng yêu mến chàng. Nàng muốn chàng ở lại hòn đảo này, kết duyên với nàng. Nàng hứa sẽ làm cho chàng trở thành bất tử, và hai người sẽ sống bên nhau trong hạnh phúc của tuổi xuân vĩnh viễn.

Ulysse vô cùng xúc động trước tình yêu chân thành và nồng thắm của Calypso, nhưng chàng không thể chiều lòng nàng được. Nỗi nhớ quê hương và gia đình da diết, lòng khát khao được trở về nơi chôn rau cắt rốn đã khiến chàng khước từ nguyện vọng của tiên nữ Calypso. Còn tiên nữ Calypso ra sức chiều chuộng chàng, thuyết phục chàng ở lại hòn đảo này vĩnh viễn với nàng, và cứ thế ngày tháng trôi đi, năm tháng trôi đi, có ai ngờ đâu Ulysse đã bị giam cầm ở hòn đảo Ogygie tới bảy năm trời. Bảy năm trời, người anh hùng nổi danh vì tài trí và lòng kiên định ngày ngày ra ngồi ở bờ biển ngóng nhìn về một phương trời xa lắc mong nhìn được những làn khói nhẹ bốc lên từ hòn đảo quê hương. Đã biết bao lần chàng nhìn biển khơi vỗ sóng vào vách núi mà tưởng như lòng mình đang tan vỡ ra trong nỗi niềm vô vọng.

Nhưng đến năm thứ tám, nữ thần Athéna đã can thiệp để cho Ulysse được trở về quê hương. Nữ thần biết rõ được Ulysse đã chọc mù mắt tên khổng lồ Polyphème con của thần Poséidon. Chính vì chuyện này mà thần Poséidon đem lòng thù ghét người anh hùng. Nữ thần Athéna bèn đem chuyện Ulysse bị giam cầm ở hòn đảo Ogygie ra để trách móc đấng phụ vương Zeus và các vị thần đã đối xử tệ bạc với Ulysse. Nghe Athéna nói, đấng phụ vương quyết định ngay. Thần Hermès sẽ lãnh nhiệm vụ xuống hòn đảo Ogygie, đích thân gặp nữ thần Calypso, thông báo cho Calypso biết quyết định của các thần, đòi nàng phải chấp hành nghiêm chỉnh, buông tha cho Ulysse trở về. Nhận lệnh của thế giới thiên đình và bậc phụ vương tối cao Zeus, vị thần truyền lệnh không thể chê trách được bèn buộc vào chân đôi dép có cánh, bằng vàng, đôi dép có thể đưa thần đi trên mặt biển mênh mông sóng vỗ cũng như trên mặt đất bao la đầy hoa thơm quả ngọt nhanh như mây bay gió thổi. Thần còn mang theo bên mình cây đũa thần, cây đũa có thể làm cho con người ngủ say mê mệt cũng như có thể đánh thức con người ta dậy tùy theo ý muốn của thần. Từ bầu trời cao vời vợi, thần Hermès bay qua bao xứ sở rồi lao xuống mặt biển. Đến đây thần biến mình thành một con chim hải âu để lướt đi trên lớp lớp sóng dữ bạc đầu. Chẳng mấy chốc thần đã đến hòn đảo Ogygie vô cùng giàu có và xinh đẹp của tiên nữ Calypso. Thần bèn trút bỏ hình hài con chim hải âu để trở lại một vị thần với phong thái uy nghi lộng lẫy. Thần tìm đến nơi ở của tiên nữ Calypso, một chiếc động xinh xắn nằm giữa một rừng cây xanh tốt véo von tiếng chim hót. Trước động là một vườn cây đầy hoa thơm quả ngọt với bốn con suối trong vắt, nước chảy róc rách suốt ngày đêm. Thật chẳng làm sao tả hết được cảnh thơ mộng, vẻ thần tiên của chốn này. Dù sao một vị thần bất tử như Hermès đã từng đặt chân lên bao xứ sở, biết đến bao giống người và chứng kiến bao cảnh đẹp mà đến đây cũng phải thán phục và ngợi khen. Chưa từng bao giờ Người Truyền lệnh, con của Zeus, cảm thấy sảng khoái, hào hứng như khi ngắm cảnh đẹp này. Sau khi ngắm nhìn, thưởng thức vẻ đẹp thần tiên ở ngoài động, thần bèn bước vào trong động. Nữ thần Calypso đang dệt vải. Nàng ngồi bên bếp lửa hồng, mùi gỗ cháy thơm ngào ngạt, vừa dệt nàng vừa cất tiếng hát du dương, êm ái lòng người, nhưng Hermès không thấy Ulysse trong động. Chàng lại như mọi ngày ra ngồi ở một phiến đá trên bờ biển ngóng nhìn về quê hương mà nước mắt tuôn trào.

Nhìn thấy Hermès, nữ thần Calypso vội đứng lên kính cẩn chào vị thần con của Zeus. Nàng mời thần ngồi vào bàn dự tiệc. Sau khi đã ăn uống no nê rồi, Hermès mới nói cho Calypso biết mục đích chuyến đi của mình. Nghe Hermès nói, nữ thần Calypso không giữ được bình tĩnh nữa, nàng tức giận đến nỗi lời nói của nàng run rẩy và lạc cả giọng. Nàng oán trách thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe đã phá vỡ cuộc tình duyên của nàng, ghen ghét nàng, không cho nàng kết hôn với một người trần. Tuy vậy nàng không dám chống lại quyết định của Zeus và các thần. Nàng nói:

- Đấng phụ vương Zeus và các vị thần Olympe đã quyết định thì không một vị thần nào dám lẩn tránh không thi hành hay làm ngược lại. Thôi thì Zeus đã xúi giục và ra lệnh cho người anh hùng ấy ra đi thì ta xin để chàng đi, dấn thân vào cuộc hành trình vượt biển khơi mênh mông chẳng lúc nào ngớt gió to, sóng dữ. Còn ta thì chẳng thể dẫn chàng về quê hương của chàng được. Ta chẳng có thuyền bè, cũng chẳng có thủy thủ để đưa chàng vượt biển. Mặc dù vậy ta sẵn lòng chỉ bảo cho chàng, giúp đỡ chàng, chẳng hề giấu giếm để chàng có thể trở về quê hương bình yên vô sự.

Vị thần Truyền lệnh không thể chê trách được liền đáp lại.

- Xin nàng hãy để cho người anh hùng ấy ra đi, ra đi ngay như lời nàng đã hứa. Nàng hãy coi chừng cơn thịnh nộ của Zeus. Đừng có làm đấng phụ vương nổi giận và trở thành thù địch với nàng.

Nói xong, thần Hermès nghiêng mình chào nữ thần Calypso và ra về.

Tuân theo lệnh Zeus, vị thần Calypso xinh đẹp đi tìm người anh hùng Ulysse. Nàng ra bờ biển, đến bên chàng và cất tiếng an ủi. Nàng nói, nàng chẳng cản trở ý định trở về quê hương của chàng nữa. Nàng sẵn lòng để chàng đóng bè ra đi và sẽ giúp đỡ chàng lương thực. Nghe Calypso nói, Ulysse vô cùng xúc động, nhưng chàng cảm thấy hồ nghi. Vì sao nàng lại thay đổi ý định chóng vánh như vậy? Suốt bảy năm trời đằng đẵng nàng đã giam cầm chàng ở hòn đảo này. Có lúc nào nàng từ bỏ ý định thuyết phục chàng ở lại hòn đảo này xe duyên kết nghĩa với nàng đâu? Thế mà giờ đây, không hiểu vì một lẽ gì mà nàng lại đột ngột từ bỏ ý định ấy, sẵn lòng buông tha chàng, để chàng ra về. Ulysse chưa hề tin đó là những lời nói thành thực. Chàng đòi nàng phải thề với bầu trời bao la và mặt đất mênh mông rằng nàng không có ý định làm hại chàng, chăng bẫy để chàng sa vào tai họa. Tiên nữ Calypso oai nghiêm mỉm cười. Nàng khen chàng mặc dù đã nói ra ý nghĩ độc địa nhưng chàng quả là người hết sức thận trọng, khôn ngoan.

Họ ra về, nữ thần Calypso nhanh nhẹn đi trước, người anh hùng Ulysse nối bước theo sau. Tới động, nữ thần Calypso sai các nữ tì dọn bàn, bày tiệc. Ulysse ngồi vào chiếc ghế mà thần Hermès mới đây vừa ngồi. Các nữ tỳ bày trước mặt chàng đủ mọi thức ăn, thức uống ngon lành, sang trọng của người trần tục. Còn Calypso, ngồi đối diện với Ulysse, các nữ tỳ dâng lên nàng thức ăn và rượu thánh, những thức ăn làm cho nàng trở thành bất tử. Sau khi hai người đã ăn uống no nê rồi, nữ thần Calypso uy nghiêm và xinh đẹp bèn cất tiếng:

- Hỡi Ulysse, người anh hùng nổi danh vì đầu óc mưu trí khôn ngoan, con của lão tướng Laerte, dòng dõi của đấng phụ vương Zeus! Vậy là chàng muốn ra đi ư? Thật lòng chàng muốn ngay bây giờ từ giã hòn đảo này để trở về quê hương ư? Thôi thì dù chàng muốn ra đi sớm, muộn thế nào ta cũng xin chúc chàng lên đường gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, chàng cũng nên nghĩ tới một điều: hành trình trở về quê hương biết bao gian nguy, trắc trở đang chờ đón chàng trên đường về. Tai họa, rủi ro là điều cầm chắc trong tay, còn sự may mắn rất mỏng manh. Nếu chàng suy tính tới những điều mà ta nói thì dù chàng có khát khao được trở về với quê hương để gặp lại người vợ vô vàn thương yêu của chàng, chàng cũng nên ở lại đây với ta, cai quản hòn đảo này, trông coi cái động này, và chàng sẽ trở thành bất tử. Vả chăng ta cũng có thể tự hào rằng về thân hình và nhan sắc ta chẳng thua kém gì vợ chàng vì người phụ nữ trần tục dù xinh đẹp đến đâu chăng nữa cũng không thể sánh được với vẻ đẹp của các tiên nữ.

Nghe Calypso nói vậy, Ulysse đáp lại:

- Hỡi Calypso, vị nữ thần uy nghiêm và xinh đẹp! Xin nàng chớ giận. Ta biết rõ về thân hình và sắc đẹp của nàng. Vợ ta, nàng Pénélope khôn ngoan không thể nào sánh được với nàng. Vợ ta chỉ là một người phụ nữ trần tục, còn nàng, nàng là một vị thần bất tử, muôn đời tươi trẻ. Tuy vậy, ta vẫn ngày đêm khát khao mong mỏi được trở về với quê hương, với gia đình thân thiết. Nếu một vị thần nào đó còn giáng tai họa, đọa đầy ta trên mặt biển mênh mông sóng dữ ta cũng cam lòng. Ta đã trải qua bao gian nguy, thử thách trên biển cả và ở chiến trường. Ta đã dày dạn nhiều phen và quen chịu đựng. Bây giờ dù có phải chịu đựng những gian nguy, thử thách nữa ta cũng sẵn sàng chấp nhận.

Ulysse đáp lại như vậy và nữ thần Calypso không nói gì thêm nữa. Nàng biết rằng không thể thuyết phục được chàng.

Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông có những ngón tay hồng xuất hiện thì hai người trở dậy. Nữ thần Calypso ban cho Ulysse những dụng cụ quý báu: một chiếc rìu đồng khá to và một chiếc búa chắc chắn. Nàng dẫn chàng vào rừng để chặt cây và chỉ dẫn cho chàng cách đóng bè. Sau đó, Calypso trở về động sai gia nhân mang khoan đến cho Ulysse. Ulysse chặt cây, đẽo gọt, đóng bè, đẽo cột buồm, làm bánh lái, làm sàn bè, bện dây... Chàng làm việc hăng say và khéo léo suốt bốn ngày trời. Nữ thần Calypso không quên cho người mang vải tới để chàng làm buồm. Thế là mọi việc xong xuôi. Ulysse dùng đòn bẩy đưa bè xuống mặt biển.

Ngày thứ năm, nữ thần Calypso cho phép người anh hùng rời đảo. Cảnh chia tay thật xúc động. Nữ thần đứng trên bờ nhìn con bè đưa người anh hùng thân yêu của mình rời đảo. Còn người anh hùng trước khi giương buồm đón gió, lần cuối cùng đứng trên sàn bè, đưa tay lên ngực, kính cẩn cúi mình chào từ biệt vị nữ thần xinh đẹp và bất tử. Chàng lưu giữ trong trái tim mình mối tình chân thành và nồng thắm của nàng, một mối tình đẹp đẽ và thơ mộng suốt bảy năm trời nhưng không thể kết thúc bằng hôn nhân như nàng mong muốn.

Thần Poséidon gây bão làm đắm bè. Ulysse trôi dạt vào bờ biển xứ Phéacie

Rời hòn đảo Ogygie, con bè của Ulysse được gió căng buồm lướt sóng hướng về quê hương Ithaque. Ulysse lòng tràn đầy một niềm vui phơi phới ngồi trên sàn điều khiển tay lái của con bè vững chắc và thành thục. Chàng nhìn những chòm sao trên trời để định hướng cho mình khi màn đêm buông xuống. Con bè cứ thế trôi đi bình yên trên biển cả. Mười bảy lần Ulysse đón Rạng đông từ phía bên kia đại dương đi lên. Mười bảy lần chàng cũng thao thức với những ngôi sao đêm ngời ngời. Đến Rạng đông thứ mười tám thì con bè của chàng đã đưa chàng tới gần một hòn đảo. Từ xa, chàng trông thấy núi rừng hiện lên một màu xanh thẫm. Hòn đảo giống như một tấm khiên con úp lên trên mặt biển ban mai còn đẫm sương mù.

Chính vào lúc con bè của Ulysse đang đến gần hòn đảo thì thần Poséidon-Lay chuyển Mặt đất từ xứ Éthiopie ra về. Thần từ cỗ xe của mình hạ xuống đỉnh cao một ngọn núi để nghỉ ngơi. Từ ngọn núi cao chót vót này thần trông thấy con bè của Ulysse đang lênh đênh trên biển cả. Lòng sục sôi căm giận, thần tự bảo: “Tệ hại thật! Thế này thì các vị thần đã nhân lúc ta vắng mặt, quyết định cho Ulysse trở về quê hương! Nhưng ta quyết không chịu. Ta phải đọa đày hắn, bắt hắn phải chìm nổi, lênh đênh trên biển khơi tím sẫm màu rượu vang thì ta mới hả lòng hả dạ”.

Cỗ xe của thần Poséidon rời đỉnh núi cao, sà xuống mặt biển. Thần xoay cây đinh ba lại. Lập tức mây đen từ đâu ùn ùn kéo đến che kín cả bầu trời. Gió nổi lên. Thần phóng mạnh cây đinh ba xuống mặt biển dềnh sóng lên. Sóng và gió cùng ào ào kéo đến tung hoành dọc ngang, dữ dội. Con bè của Ulysse lúc thì được sóng dâng cao ngất lúc thì hạ xuống thấp, tròng trành, nghiêng ngửa, chao đảo, Sóng nối tiếp sóng, và từ trên đầu Ulysse sóng đổ xuống, lật úp chiếc bè. Ulysse bị sóng hất ra xa, chìm nghỉm khá lâu dưới nước. Con sóng to và dữ dội làm chàng phải vất vả lắm mới ngoi được từ dưới nước sâu lên mặt nước. Chàng bơi tìm chiếc bè, tìm được nó, bám vào trèo lên ngồi vào bè, và chỉ có bám chặt lấy chiếc bè thì chàng mới hy vọng thoát chết.

Nữ thần biển Leucothée nhìn thấy Ulysse trôi nổi bập bềnh trên sóng dữ. Nàng động lòng thương cảm cho số phận bất hạnh của người anh hùng. Biến thành một con hải âu, nàng vụt từ dưới nước sâu bay lên, đậu vào bè. Tới đây nàng biến thành một tiên nữ xinh đẹp của đại dương. Ngồi trên bè, nàng cất tiếng nói với Ulysse những lời có cánh như sau:

- Hỡi người anh hùng Ulysse! Thật muôn vàn khổ cực đến với số phận của chàng! Sao mà thần Lay chuyển Mặt đất-Poséidon căm tức chàng và gây cho chàng nhiều tai họa đến thế! Nhưng chàng hãy bình tĩnh. Dù vị thần đó có nuôi những ý đồ trả thù độc địa đến đâu chăng nữa thì cũng không thể nào ám hại được chàng. Chàng hãy nghe lời ta khuyên bảo, vì chỉ có nghe theo những lời chỉ dẫn của ta thì chàng mới có thể tránh khỏi cơn hoạn nạn. Trước hết chàng hãy vứt bỏ hết quần áo trên người. Chàng hãy rời con bè, bỏ mặc nó cho sóng trôi gió cuốn. Rời bè, chàng hãy gắng sức bơi, bơi cho tới khi đặt chân lên bờ biển xứ Phéacie, và chỉ có tới đây Số mệnh mới dành cho chàng những điều tốt lành may mắn. Để bơi được vào bờ biển Phéacie, ta ban cho chàng chiếc khăn thần này. Nó sẽ là vị thần hộ mệnh của chàng. Buộc trùm tấm khăn lên ngực, chàng sẽ chẳng sợ sóng gió cuốn chàng về tận góc biển chân trời nào hoặc dìm chàng xuống biển sâu làm mồi ngon cho các loài cá. Tấm khăn sẽ giúp chàng vào đến bờ, nhưng xin nhớ rằng khi đặt chân lên bờ chàng phải cởi ngay chiếc khăn ra, quay mặt đi và ném mạnh nó thật xa bờ. Biển khơi đỏ tía màu rượu vang sẽ đón nó và trả nó về cho ta.

Nói xong tiên nữ Leucothée trao chiếc khăn thần cho Ulysse. Nàng lại biến thành con hải âu để chao mình xuống mặt biển đang réo gầm cuộn sóng, và nàng biến mất tăm dưới mặt nước đen thẫm, nhưng Ulysse chưa vội rời con bè. Mảnh đất mà theo lời tiên nữ chỉ dẫn sẽ cứu sống chàng hãy còn xa tắp. Chàng cố bám lấy con bè vì đấy là chỗ dựa tốt nhất của chàng. Chỉ khi nào không còn bấu víu được vào một tấm ván hay một cây gỗ nào, cây sào nào nữa, lúc đó chàng mới dùng đến tấm khăn. Chàng đã suy tính như vậy.

Thần Poséidon vẫn chưa hả lòng căm giận. Thần tiếp tục khơi sóng biển lên. Một con sóng to dâng cao ngất như một trái núi nhằm thẳng con bè của Ulysse đổ ập xuống. Chiếc bè vỡ tan. Ulysse bám vào được một tấm ván. Chàng trèo lên tấm ván như một người cưỡi ngựa, và cởi bỏ hết quần áo. Bây giờ là lúc chàng sử dụng đến chiếc khăn thần của tiên nữ Leucothée ban cho. Chàng bơi trong biển cả mênh mông giữa tiếng sóng gào gió thét. Chàng đem hết sức lực, ý chí kiên định của mình ra chống chọi với thiên nhiên hung dữ để bảo vệ cuộc sống của mình.

Thần Poséidon thấy người anh hùng Ulysse bị đày đọa tội tình như vậy lấy làm hả lòng hả dạ. Thần gật gù đắc chí khi nghĩ đến số phận của Ulysse còn phải chịu nhiều chìm nổi đắng cay, và thần quất roi cho bày ngựa kéo cỗ xe của mình về tòa lâu đài lộng lẫy của thần ở dưới biển Égée.

Nữ thần Athéna, người con gái mến yêu của thần Zeus, đã nhìn thấy hết cảnh tượng xảy ra. Nàng không thể nào để người anh hùng Ulysse phải chịu đựng một số phận khốn khó như vậy. Nàng ra lệnh cho các cơn gió phải ngừng thổi, sóng ngừng đánh. Làm như vậy thì Ulysse mới có thể bơi được tới đất liền, đặt chân lên xứ sở của những người Phéacie bầu bạn với mái chèo.

Ulysse bơi trên biển cả hai ngày đêm liền. Mệt mỏi rã rời đến nỗi nhiều lúc chàng tưởng chừng như phải gửi thân nơi biển cả, nhưng đến ngày thứ ba khi nàng Rạng đông có ngón tay hồng xuất hiện thì gió yên biển lặng. Bơi trên một ngọn sóng cao, Ulysse phóng mắt nhìn ra phía trước, và chàng đã nhìn thấy đất liền trước mắt, núi rừng xanh thẫm hiện ra, chàng cũng vô cùng mừng rỡ, gắng sức bơi mau để được đặt chân lên bờ, nhưng khi chàng bơi vào gần bờ thì thấy trước mặt mình là những vách núi dựng đứng, không có một cửa sông bãi bến nào thoai thoải để chàng có thể đặt chân được. Sóng từ ngoài xa nối tiếp nhau từng đợt ầm ầm va vào vách núi tung bọt lên trắng xóa. Ulysse phút chốc từ mừng rỡ chuyển sang lo âu, chán ngán. Nếu chàng cứ bơi thẳng vào bờ thì chắc rằng khó lòng mà thoát chết. Những ngọn sóng to hung dữ sẽ quật chàng vào vách núi đá. Còn nếu chàng bơi lảng ra xa để tìm một nơi thuận lợi ghé vào thì biết đâu đấy trong khi đi tìm, chàng sẽ bị sóng cuốn đi và đẩy chàng ra ngày càng xa bờ hơn. Chàng sẽ chết vì kiệt sức. Trong lúc vừa bơi vừa suy tính như vậy thì một cơn sóng lớn ào đến. Nó cuốn băng Ulysse đi và ném chàng vào vách núi dựng đứng. May thay nữ thần Athéna đã nhìn thấy tình cảnh hiểm nghèo ấy. Nàng ban cho chàng sự nhanh trí để đối phó với nỗi hiểm nguy, và khi ngọn sóng vừa ném Ulysse lên cao thì chàng bật nhảy lên bám vào vách núi đá, nếu không kịp thời đối phó như thế thì chàng đã thịt nát xương tan rồi. Bám được vào vách đá cũng chưa yên. Ngọn sóng lớn quật vào vách núi bật dội trở ra, và khi dội ra nó đã cuốn theo Ulysse vứt chàng ra ngoài biển. Chàng lại từ dưới nước sâu ngoi lên. Lần này chàng bơi dọc theo bờ biển để tìm một nơi thuận lợi ghé vào. Bơi mãi, bơi mãi, chàng tới cửa một con sông. Chàng đem hết sức lực còn lại của mình gắng bơi vào dải cát bồi ở cửa sông, và khi chân đã chạm đất chàng loạng choạng bước lên được vài chục bước là nằm vật xuống đất ngất lịm đi. Chàng cứ nằm sóng sượt trên bãi cát dài trắng xóa cho tới lúc sức khỏe hồi phục. Chỉ đến khi đó chàng mới sực nhớ ra là chàng còn mang chiếc khăn thần của tiên nữ Leucothée trên ngực. Chàng bèn đứng dậy cởi chiếc khăn và thả nó xuống dòng sông. Dòng sông đón nhận chiếc khăn, một ngọn sóng lớn được thần Sông sai khiến đã đưa chiếc khăn ra biển cả, và tiên nữ chẳng mấy chốc đã đón nhận được nó.

Ulysse rời khỏi con sông đi sâu vào trong đất liền. Chàng vừa đi vừa nghĩ. Đêm nay chàng sẽ nghỉ ở đâu? Nếu nghỉ ở gần bờ sông thì đêm hôm rét mướt, gió sương, chàng còn hơi sức đâu mà chịu nổi! Nhưng nếu đi vào quá trong kia tìm đến một ngọn đồi có cây cối rậm rạp, kiếm một bụi cây nào đó chui rúc vào ngủ cho qua đêm thì hẳn là tốt. Chỉ sợ, ngủ mệt quá, thú dữ đánh hơi thấy, lần đến thì số phận chàng sẽ ra sao? Suy tính đắn đo, cân nhắc hồi lâu, Ulysse thấy tốt hơn cả là cứ nên đi vào khu rừng sát cạnh bờ sông. Chàng tìm một hồi lâu thì thấy một bụi cây rất tốt. Bụi cây này do hai cây cảm lãm mọc ở gần nhau, nên cành lá giao nhau làm thành một cái tán che kín tưởng chừng như mưa chẳng rơi lọt, nắng chẳng xuyên qua. Ulysse chui vào bụi cây vơ lá khô trải thành một cái ổ rất dày. Chàng nằm xuống và không quên vơ lá khô phủ kín đầy mình. Như người nông dân vùi ủ than hồng dưới lớp tro dày để khi cần là nhóm được lửa khỏi phải đi xin, thì giờ đây Ulysse cũng vùi ủ mình trong đám lá khô như vậy. Nữ thần Athéna ban cho chàng một giấc ngủ ngon lành để chàng hồi phục lại sức khỏe.

Ulysse gặp công chúa Nausicaa. Công chúa đưa chàng về thành

Ulysse vùi mình trong đám lá khô và đắm mình vào trong một giấc ngủ ấm áp ngon lành. Nữ thần Athéna nghĩ ra một cách để giúp chàng thoát khỏi nỗi khó khăn của người lạc bước đến một xứ sở xa lạ. Nữ thần liền bằng phép thuật của mình bay đến đô thành của nhà vua Alcinoos cai quản xứ sở Phéacie. Xưa kia những người Phéacie sinh sống ở xứ sở Hypérie giàu đẹp, nhưng bất hạnh thay, láng giềng của họ lại là giống người khổng lồ Cyclopes man rợ và chẳng biết kính sợ thần linh. Bọn Cyclopes cậy mình to khỏe luôn quấy nhiễu, ức hiếp những người Phéacie. Không thể sống và chịu đựng mãi cảnh khổ nhục như thế, nhà vua Nausithoos phong thái tựa thần linh đã đưa thần dân của mình ra đi, tìm đến hòn đảo này là đảo Phéacie. Nhà vua đã tốn bao công sức để xây dựng nên một cơ nghiệp to đẹp đàng hoàng. Ông chia đất cho thần dân để ai nấy đều có thể dựng cửa làm nhà, chăn nuôi, trồng trọt. Ông lại cho dựng đền thờ các vị thần cao cả của thế giới Olympe để là nơi ai nấy có thể đem lễ vật dâng cúng các vị thần và nơi hàng năm tổ chức những ngày hội lễ. Đô thành của ông ngày càng sầm uất, trù phú. Ông cho xây một lớp tường dày và cao bao quanh để bảo vệ, nhưng Số mệnh chẳng cho ông được hưởng niềm hạnh phúc của tuổi già. Thần Chết-Thanatos đã bắt ông về vương quốc của thần Hadès. Từ đó Alcinoos lên ngôi, kế tục sự nghiệp vẻ vang của ông.

Nữ thần Athéna đến đô thành của nhà vua Alcinoos. Nàng đi vào lâu đài và đến thẳng căn phòng lát gỗ xinh đẹp, nơi công chúa Nausicaa đang ngủ. Như một cơn gió nhẹ, nữ thần lướt qua hai thị nữ đứng hầu biến hình thành một người bạn thân thiết của Nausicaa. Dưới hình dạng đó, nữ thần Athéna đến gần giường của công chúa Nausicaa nói những lời êm dịu như sau:

- Hỡi Nausicaa thân mến! Sao mà chị lại có thể lười biếng đến thế! Ngày cưới sắp đến rồi mà bao nhiêu áo quần đẹp đẽ, quý giá của mình chị chẳng ngó gì tới. Chị không biết, ngày cưới chị phải ăn mặc thật đẹp đẽ và mọi người cũng phải ăn mặc thật đẹp sao? Người ta sẽ trầm trồ khen ngợi, bàn tán về họ nhà gái ăn mặc thật lộng lẫy, sang trọng sánh ngang các vị thần, và như vậy hẳn làm cho cha mẹ kính yêu của chị thật vui lòng đẹp dạ. Thôi, ngày mai chị hãy dậy từ sớm tinh mơ để đem quần áo đi giặt đi. Em sẽ cùng đi với chị, giúp chị một tay. Chị nhớ và phải xin với vua cha ra lệnh cho gia nhân sắp sẵn xe ra để chở quần áo cùng các khăn trải giường, khăn choàng đi ra quãng cửa sông, gần bờ biển. Còn chị hẳn cũng phải đi xe chứ chẳng thể đi bộ được vì nơi giặt rất xa đô thành.

Nói xong nữ thần Athéna lại như một cơn gió nhẹ lướt ra khỏi phòng của Nausicaa để trở về đỉnh Olympe là thế giới tuyệt diệu mà nỗi buồn chỉ thoảng qua còn niềm vui là bất tận.

Đêm qua đi và ngày lại đến. Nữ thần Rạng đông ngồi trên cỗ xe vàng chói lọi của mình lại đến với thế gian. Nàng đánh thức công chúa Nausicaa dậy. Nausicaa dậy trong nỗi bàng hoàng và kinh ngạc vì giấc mộng đêm qua. Nàng lập tức đến gặp vua cha và hoàng hậu để thuật lại chuyện, nhưng Nausicaa không nói gì đến chuyện phải chuẩn bị cho ngày cưới của mình. Nàng chỉ nói đến những người anh nàng chưa thành gia thất vì thế cũng rất cần có quần áo sang trọng, đẹp đẽ sạch sẽ để tham dự vào các vũ hội. Nghe nàng nói thoáng qua như thế, vua cha đủ hiểu hết nỗi niềm riêng tư thầm kín của con.

Vua Alcinoos bèn lên tiếng bảo con:

- Con gái thân yêu của cha! Con xin xe la hay xin cha gì gì đi nữa cha cũng không từ chối. Con cứ yên tâm. Cha sẽ sai gia nhân sắm sửa cho con một chiếc xe cao, bánh tốt do những con la khỏe khoắn kéo. Cha sẽ sai bọn họ xếp lên đó một chiếc hòm để con có thể đựng những thứ cần thiết.

Nói xong nhà vua ra lệnh cho gia nhân. Chẳng mấy chốc áo quần đã chất đầy xe. Hoàng hậu không quên sai các nữ tỳ xếp lên xe bánh trái, hoa quả... và một bình da dê đựng rượu nho ngọt ngào. Hơn thế nữa, hoàng hậu lại còn đưa cho cô con gái yêu quý một chiếc bình nhỏ bằng vàng trong đựng một thứ dầu trong vắt. Thứ dầu này dùng để xoa người sau khi tắm. Nó làm cho da dẻ tươi mát, mịn màng.

Nausicaa lên xe. Cỗ xe đưa nàng ra cửa sông nơi đã xây những bể giặt. Cùng đi với nàng là những nữ tì. Ở cửa sông sau khi đã giặt giũ xong, mọi người đem phơi quần áo thành một hàng dài trên bờ biển. Tiếp đó họ đi tắm. Tắm xong họ đem thứ dầu trong vắt xoa lên da, và trong khi chờ đợi mặt trời làm khô quần áo, họ đem hoa quả, bánh trái ra ăn. Ăn xong lại cùng nhau vui chơi, ca hát, nhảy múa, đánh cầu...

Lúc này Ulysse vẫn ngủ say trong bụi cây. Nữ thần Athéna nghĩ ra một cách đánh thức chàng dậy để chàng gặp người công chúa xinh đẹp con gái của vua Alcinoos hào hiệp. Đó là lúc Nausicaa ném quả cầu cho một thị nữ, Athéna làm cho quả cầu bay chệch khỏi tầm tay đón bắt của người thị nữ rơi xuống nước. Mọi người kêu rú lên khiến Ulysse trong bụi cây giật mình tỉnh giấc. Chàng tỉnh dậy, trong lòng hơi lo ngại, song dù sao nghe thấy tiếng người chàng cũng mừng thầm. Chàng thấy cần phải đi ra xem cho rõ hư thực.

Ulysse bước ra khỏi bụi cây, chàng bẻ một cành lá che thân cho khỏi lõa lồ. Chẳng còn con đường nào khác, vì tình cảnh ép buộc, chàng phải ra đi với thân hình chẳng đẹp đẽ, dễ coi gì. Thấy chàng từ bụi cây bước ra, đám thị tỳ kêu rú lên hoảng sợ, bỏ chạy. Chỉ có một mình Nausicaa, người con gái xinh đẹp của Alcinoos hào hiệp là đứng lại, bởi vì nữ thần Athéna đã khiến cho trái tim nàng trở nên bạo dạn. Ulysse cũng dừng bước lại. Chàng phân vân không biết có nên đến quỳ xuống ôm chân người thiếu nữ xinh đẹp kia cất tiếng cầu xin hay nên đứng xa mà nói. Chàng suy nghĩ và thấy nên đứng xa mà cầu xin nàng có lẽ tốt hơn vì nếu đứng gần, e rằng sẽ làm nàng ghê sợ và tức giận. Nghĩ thế chàng bèn nói những lời lẽ dịu dàng và khéo léo như sau:

- Hỡi công chúa! Xin nàng hãy lắng nghe lời cầu xin của ta. Ta không rõ nàng là ai? Nàng là một nữ thần hay là một người trần thế? Nếu nàng là một nữ thần sống trên bầu trời bao la bát ngát thì xem dung nhan, hình dáng và phong thái của nàng ta thấy nàng giống hệt nữ thần Artémis, con gái của phụ vương Zeus chí kính chí tôn. Còn nếu nàng là một người trần sống trên mặt đất này thì hẳn rằng song thân của nàng sẽ vô cùng sung sướng, anh em nàng cũng sung sướng chẳng kém phần, bởi vì khi thấy một người xinh đẹp như nàng mà bước vào vũ hội hẳn nổi bật lên thì ai là người không vui vẻ, sung sướng tự hào khi người ấy chính là con em mình! Nhưng có lẽ sung sướng hơn hết là chàng trai nào được cái diễm phúc đem lễ vật đến dâng nàng và đón rước nàng đi theo. Quả thật mắt ta chưa bao giờ được chiêm ngưỡng một người thiếu nữ nào xinh đẹp như nàng. Vì thế giờ đây được thấy nàng lòng ta vô cùng khâm phục. Một hôm ở Délos cạnh đền thờ thần Apollon, ta thấy một chồi cọ mọc lên đẹp xinh như nàng vậy. Trông thấy cọ ta ngạc nhiên xúc động hồi lâu vì ta chưa từng thấy một cây gì đẹp như vậy từ dưới đất vươn mình mọc lên. Giờ đây có lẽ ta cũng ở trong một tình cảnh tương tự như vậy. Trông thấy nàng, ta ngạc nhiên xúc động, cảm phục và hơn nữa lại kính sợ. Vì thế ta không dám đến quỳ xuống trước mặt nàng, ôm chân nàng để cầu xin. Hiện nay ta đang ở trong một tình cảnh bất hạnh. Ta rời đảo Ogygie ra đi chẳng may bị giông tố đắm bè. Ta đã lênh đênh trên sóng cả gió to, đầm mình trong sóng biển mặn chát không biết bao ngày. Đêm hôm qua ta mới thoát khỏi tai họa, trôi đạt vào bờ biển mảnh đất này. Nữ chúa hỡi! Xin nàng hãy rộng lòng thương xót cho tình cảnh của ta. Nàng là người đầu tiên ta cất tiếng van xin sau khi đã trải qua bao nhiêu thử thách gian truân. Ở đất nước này, thành bang này ta chẳng quen biết một ai. Xin nàng hãy ban cho ta một mảnh vải che thân và sau đó chỉ đường cho ta về đô thành. Cầu xin các vị thần ban cho nàng mọi điều nàng mơ ước: một người chồng xứng đáng, một ngôi nhà to đẹp khang trang. Cầu xin các vị thần ban cho gia đình nàng một báu vật là sự hòa thuận. Không gì tốt đẹp và quý giá hơn cảnh vợ chồng tâm đầu ý hợp trong việc cai quản cửa nhà. Kẻ thù thấy thế sẽ tức tối và bạn hữu thì ai ai cũng vui mừng, nhưng trước hết, sự hòa thuận đem lại cho đôi vợ chồng biết bao niềm hạnh phúc.

Nausicaa có đôi cánh tay trắng muốt, đáp lại:

- Hỡi người khách lạ! Ta đã lắng nghe những lời cầu xin của ông. Số phận của ông thật là bất hạnh. Có lẽ thần Zeus, người cai quản thế giới thần thánh và loài người đã dành cho ông những nỗi gian truân đau khổ như ông đã kể. Thôi thì ông cũng phải đành lòng mà chịu đựng. Nhưng giờ đây ông đã đặt chân đến xứ sở và thành bang của chúng tôi thì ông có thể yên lòng. Ông sẽ không thiếu áo quần và bất cứ thứ gì mà những người khốn khổ đến cầu xin chúng tôi giúp đỡ. Ta sẽ nói cho ông biết xứ sở này tên gọi là gì và thần dân ở đây tên gọi là gì. Đây là hòn đảo Schérie, xứ sở của những người Phéacie danh tiếng. Còn ta là con gái của nhà vua Alcinoos hào hiệp người cai quản thần dân Phéacie.

Nausicaa đáp lại những lời cầu xin của Ulysse như vậy. Đoạn nàng ra lệnh cho các nữ tỳ có mái tóc quăn xinh đẹp đem bánh trái và quần áo ra ban cho Ulysse. Ulysse xin phép được xuống sông tắm rửa. Khi người anh hùng đã tắm rửa xong, xoa dầu và mặc quần áo tươm tất thì nữ thần Athéna bằng phép lạ của mình làm cho Ulysse đẹp đẽ hẳn lên. Chàng được các nữ tỳ của Nausicaa dọn cho một bữa ăn ngon lành. Chàng ăn uống ngốn ngấu vì đã từ lâu chàng chẳng được biết đến một miếng bánh mì hay một hớp rượu. Ăn uống xong, Ulysse theo lời chỉ dẫn của Nausicaa đi theo sau chiếc xe la cùng với đám nữ tỳ để về thành.

Vua Alcinoos tiếp đãi và cho thuyền chở chàng về quê hương

Ulysse theo sau xe la đi về đô thành rộng lớn của nhà vua Alcinoos. Chàng dừng bước trước ngưỡng cửa tòa lâu đài nguy nga của nhà vua, trái tim bối rối ngỡ ngàng. Chưa từng bao giờ chàng thấy một tòa lâu đài đẹp đẽ và tráng lệ đến như thế. Tòa lâu đài tỏa ánh sáng ngời ngợi, chỗ thì rực rỡ chói lọi như ánh mặt trời, nơi thì dịu dàng trong trẻo như ánh mặt trăng.

Nhớ lời chỉ dẫn của Nausicaa, chàng mạnh dạn bước qua ngưỡng cửa đồng đi vào trong lâu đài. Mỗi bước đi là chàng cảm nhận được những điều kỳ diệu, đẹp đẽ của tòa lâu đài, từ những cánh cửa bằng vàng đến những bức tường đồng, từ căn phòng to rộng với những dãy ghế bọc vải mịn màng đến những bức tượng chàng trai, cô gái xinh đẹp tay cầm đuốc. Rồi vườn cây trĩu quả, vườn nho xanh tốt, rồi suối chảy quanh co dẫn nước đến khắp nơi khắp chốn... Ulysse nhiều lúc phải dừng chân ngây người ra mà ngắm nghía, thán phục quang cảnh đẹp đẽ, sung túc mà vua Alcinoos đã dày công xây dựng nên.

Khi đã ngắm nhìn thỏa thuê vẻ huy hoàng của dinh cơ nhà vua, Ulysse mạnh dạn bước qua ngưỡng cửa đồng đi vào phòng lớn của tòa lâu đài, nơi nhà vua và hoàng hậu cùng các bậc quyền quý đang ngồi nói chuyện. Chàng nhẹ nhàng bước đến quỳ xuống trước mặt hoàng hậu Arété, ôm lấy đầu gối của bà, cất tiếng van xin:

- Hỡi Arété, vị hoàng hậu đáng kính, con gái của người anh hùng Rhexénor sánh tựa thần linh! Ta đến đây sau khi đã chịu đựng biết bao gian truân, khổ cực. Số mệnh nghiệt ngã đã giáng xuống đời ta biết bao tai họa. Giờ đây ta lạc bước đến đây, cúi xin trước nhà vua và hoàng hậu cùng các vị bô lão danh tiếng của xứ sở quý người trọng khách này sự giúp đỡ. Xin nhà vua và hoàng hậu cũng như thần dân của xứ sở này ban cho ta thuyền bè và lương thực để ta sớm được trở về quê hương và những người thân thích mà đã bao năm tháng ta phải chịu nỗi đau buồn của kẻ tha hương. Xin các vị thần ban cho nhà vua và hoàng hậu cũng như thần dân của xứ sở này một cuộc sống ấm no giàu có. Xin các vị ban cho người người nhà nhà niềm vui và cảnh đầm ấm dài lâu.

Ulysse đã cầu xin như vậy. Nhà vua và hoàng hậu cũng như mọi bậc quyền quý đều nghe thấy hết. Vua Alcinoos hào hiệp bèn đi tới chỗ Ulysse đỡ chàng đứng dậy. Lời nói đầu tiên của nhà vua là truyền cho gia nhân dọn tiệc để chiêu đãi người khách lạ bất hạnh lạc bước đến đất nước của mình. Tiếp đó, nhà vua ban lệnh triệu tập các vị bô lão vào sớm mai để bàn định việc giúp đỡ người khách lạ trở về quê hương. Sau khi các bậc quyền quý đã ăn uống no say và ra về, lúc đó hoàng hậu mới cất tiếng hỏi Ulysse về nỗi bất hạnh của chàng. Ulysse kể lại vắn tắt cho hoàng hậu biết: chàng từ đảo Ogygie của tiên nữ Calypso ra đi. Bão táp làm đắm con bè của chàng. Chàng đã phải vật lộn với sóng gió và trôi dạt đến đây.

Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông có những ngón tay hồng vừa xòe nở trên đô thành thì cũng là xúc Alcinoos tỉnh giấc. Vị vua hào hiệp trân trọng mời Ulysse ra quảng trường để tham dự hội nghị. Nữ thần Athéna biến mình thành một người truyền lệnh của Alcinoos đi đến từng nhà các vị bô lão hô hào, cổ động mọi người đến họp. Khi mọi người đã đến đông đủ ngồi vào những phiến đá nhẵn bóng, Alcinoos bèn đứng lên cất tiếng:

- Hỡi các vị thủ lĩnh và bô lão của đất nước Phéacie! Ta có một vị khách lạ bước đến nhà mà ta không biết tên. Khách đến với ta sau khi bị đắm thuyền. Chẳng rõ khách thuộc những dân tộc ở rạng đông hay thuộc những dân tộc từ hoàng hôn tới? Khách cầu xin chúng ta giúp đỡ đưa về quê hương và tha thiết mong muốn chúng ta mau quyết định việc đó. Còn chúng ta như truyền thống tốt đẹp của tổ tiên bao giờ cũng tận tình giúp đỡ những người bất hạnh sa cơ lỡ bước mau trở về được với gia đình quê hương. Không bao giờ, tuyệt không bao giờ lại có người đến nhà ta để sống trong phiền muộn, để chờ đợi vô kỳ vô hạn ngày trở về. Nào, hãy mau mau kéo ngay xuống sóng biển thần thánh một con thuyền mới tinh vững chắc! Hãy chọn lấy trong dân năm mươi hai tay chèo dũng cảm đã từng trải thử thách với biển khơi. Mỗi người sẽ buộc mái chèo vào ghế ngồi của mình, sau đó lên bờ trở về dự tiệc. Ta sẽ khoản đãi tất cả các bạn. Đối với những bạn trẻ thì như thế. Còn đối với các vị bô lão và thủ lĩnh, ta trân trọng kính mời các vị đến căn phòng lớn trong tòa lâu đài của ta để tiếp đãi vị khách lạ bất hạnh với mối tình bằng hữu. Mong rằng không một vị nào từ chối. Ta cũng xin các vị cho mời người ca sĩ mù Démodocos thần thánh tới giúp vui cho bữa tiệc.

Nói xong, Alcinoos cất bước mở đường. Các vị thủ lĩnh cầm cây vương trượng nối gót theo sau, tất cả kéo nhau về tòa lâu đài của Alcinoos. Mọi người chẳng phải chờ đợi lâu la gì cuộc vui mới đến. Các nữ tỳ bày lên bàn tiệc nào thịt lợn, thịt cừu, nào thịt bò, thịt dê thơm phức. Những bình rượu nho đầy ắp tỏa men thơm ngào ngạt, và đây kia, người truyền lệnh của Alcinoos đã dẫn người ca sĩ mù thần thánh Démodocos. Một chiếc ghế bành sang trọng dành riêng cho cụ, và bữa tiệc bắt đầu. Khi mọi người đã ăn uống no say rồi, Démodocos bèn cầm lấy cây đàn lia bật lên những tiếng vàng thánh thót và cất tiếng ca. Cụ kể lại chiến công của những vị anh hùng Hy Lạp trong cuộc Chiến tranh Troie, những chiến công vang dội đến tận trời xanh. Cụ kể lại câu chuyện về mối bất hòa giữa Ulysse và Achille, mối bất hòa xảy ra trong một bữa tiệc. Nghe cụ già kể lại chuyện đó, người anh hùng Ulysse không sao cầm được nước mắt. Kỷ niệm xưa làm chàng xúc động. Chàng vội mở rộng vạt áo choàng ra che mắt, và chàng lau vội nước mắt dể tiếp tục nâng cốc chúc tụng các vị bô lão và thủ lĩnh. Không một ai trông thấy những dòng nước mắt của chàng và để ý đến cử chỉ của chàng. Duy chỉ có nhà vua Alcinoos là nhìn thấy hết vì nhà vua ngồi kế bên Ulysse. Nhà vua còn nghe thấy cả tiếng thổn thức nghẹn ngào của Ulysse khi chàng mở rộng vạt áo ra, giấu mặt vào đó. Alcinoos bèn lệnh cho dừng ca hát để chuyển sang đấu quyền thuật, võ nghệ, chạy nhảy... Thế là tất cả kéo nhau ra quảng trường lần lượt kẻ này người khác thách thức nhau giao đấu, đua tài để tranh giành giải thưởng. Không khí thật là sôi động tưng bừng. Laodamas, con trai của Alcinoos với thái độ bất nhã mời Ulysse tham dự vào các cuộc thi đấu. Mặc dù chàng lấy cớ mệt mỏi và trong lòng chẳng thanh thản để từ chối nhưng Euryale, một chàng trai xốc nổi lại khiêu khích xúc phạm đến danh dự của chàng bằng những lời lẽ khinh thị. Ulysse thấy cần phải tham dự cuộc thi đấu để bảo vệ danh dự của mình. Chàng liền cởi áo khoác, nhảy ra giữa trường đấu, ném đĩa. Chiếc đĩa của chàng ném bay đi và đạt tới một độ xa mà không một lực sĩ nào của xứ sở Phéacie có thể vươn tới khiến cả trường đấu đều trầm trồ khen ngợi. Tiếp đó chàng lên tiếng sẵn sàng chấp nhận thi đấu, chấp nhận sự thách thức của bất kỳ lực sĩ nào, từ đấu quyền, đấu vật, chạy thi cho đến phóng lao, bắn cung... Chàng chỉ khước từ giao đấu với Laodamas, con của vua Alcinoos hào hiệp, vì theo chàng một người khách lạ lạc bước đến xứ sở xa lạ mà lại đi thách thức người chủ đang tiếp đãi mình giao đấu thì thật là đồ mất trí. Thách thức giao đấu như vậy là tự mình làm tổn thương đến mối tình quý người trọng khách mình đang được hưởng. Vua Alcinoos khôn ngoan bèn đứng lên bảo vệ cho Ulysse, chê trách gã Euryale đã ăn nói như một kẻ không có đầu óc, trí khôn. Nhà vua truyền lệnh ngừng thi đấu võ nghệ để chuyển sang ca vũ. Ông lại sai người truyền lệnh về đón vị ca sĩ mù Démodocos với cây đàn lia vàng tới giúp vui.

Vũ hội diễn ra tưng bừng lôi cuốn mọi người vào những nhịp điệu múa. Ulysse ngắm nhìn cuộc vui mà lòng thấy rạo rực. Trong lúc cuộc vui đang diễn ra tưng bừng rộn rã thì cụ già mù Démodocos với tài kể chuyện thần thánh của mình đưa tay vào cây đàn lia bật nẩy lên những âm thanh như rót mật ngọt vào lòng người. Cụ già kể lại câu chuyện tình duyên vụng trộm giữa thần Chiến tranh-Arès với nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp-Aphrodite gây nên bao chuyện phiền hà cho thế giới thần linh. Chồng của Aphrodite là thần Thợ rèn Chân thọt- Héphaïstos bắt quả tang cả anh cả ả. Thần la lối, kiện cáo om xòm... Ulysse vừa xem những người Phéacie nhảy múa rất đỗi khéo léo, vừa nghe lời ca của cụ già Démodocos. Chàng bày tỏ sự khâm phục của mình với nhà vua Alcinoos. Cảnh vui đã kéo dài. Alcinoos đứng lên khen ngợi và bày tỏ lòng biết ơn đối với mọi người. Ông kêu gọi mọi người hãy trao tặng phẩm cho Ulysse để bày tỏ tấm lòng hiếu khách. Chàng Euryale trao tặng cho Ulysse một thanh kiếm vô cùng quý báu để chuộc lại lỗi lầm đã xúc phạm đến chàng, và mọi người đều lần lượt đem tặng phẩm đến trao cho Ulysse, chúc tụng chàng lên đường bình yên.

Trời đã xế chiều. Mọi người lại trở về tòa lâu đài của Alcinoos. Bao nhiêu tặng phẩm quý giá theo lệnh của Alcinoos đều được đem về xếp trong lâu đài, trong căn phòng lớn đẹp đẽ trước mặt hoàng hậu Arété. Hoàng hậu Arété thay mặt nhà vua mang từ phòng ra một chiếc hòm rất đẹp trao tặng Ulysse để Ulysse đựng những quà tặng quý báu của mình. Hoàng hậu cũng không quên trao tặng cho Ulysse những tấm áo sang trọng và quý giá. Xong xuôi mọi người vào bàn tiệc. Ulysse được mời ngồi cạnh Alcinoos. Người ta không quên mời lão ca sĩ mù thần thánh Démodocos đến giúp vui. Bao giờ người ca sĩ cũng được mời ngồi ở giữa những vị khách. Bánh, thịt được cắt ra từng miếng từng phần bằng nhau, rượu vang đỏ pha với mật ong vàng ở trong những chiếc bình đẹp đẽ rót ra hàng cốc lớn. Ulysse sai một gia nhân đem đến dâng mời lão ca sĩ mù Démodocos một miếng thịt ngon lành để bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với cụ. Nàng Muses con của Zeus đã truyền dạy cho cụ nghệ thuật thần thánh kể những bài ca để làm cho những người trần đoản mệnh bớt đi nỗi nhọc nhằn và tăng thêm niềm vui tươi trong cuộc sống. Sau khi mọi người đã ăn uống no say rồi, thể theo yêu cầu của Ulysse, lão ca sĩ cất tiếng ca kể lại câu chuyện mưu kế con ngựa gỗ của người Hy Lạp trong cuộc Chiến tranh Troie. Cụ kể về việc người anh hùng Épéios đóng ngựa khéo léo và tài giỏi đến việc các dũng sĩ Hy Lạp trong cuộc Chiến tranh Troie. Cụ kể từ việc các dũng sĩ Hy Lạp chui vào nằm trong bụng ngựa và con ngựa đã được đưa vào đặt ở quảng trường trong thành Troie. Cuối cùng thành Troie bị hạ như thế nào...

Ulysse lắng nghe lòng bồi hồi xúc động: Từ mắt chàng hai dòng nước mắt lặng lẽ trào ra lăn trên khuôn mặt quả cảm cương nghị. Nhà vua Alcinoos là người nhìn thấy hết. Lập tức giữa bàn tiệc đông vui nhà vua đứng lên cất tiếng nói lớn:

- Hỡi các vị bô lão và thủ lĩnh của đất nước Phéacie! Ta xin các vị tha lỗi cho ta vì hành động đường đột này. Xin lão ca sĩ thần thánh hãy ngừng tiếng đàn và lời ca. Tiếng đàn và lời ca của lão phải làm cho hết thảy mọi người đều vui. Song vị khách của chúng ta lại chìm đắm vào nỗi u sầu. Ta nghĩ rằng trái tim của vị khách có một nỗi đau khổ, xót xa rất lớn. Vậy xin ca sĩ Démodocos hãy nghỉ tay đàn, ngơi tiếng hát để chúng ta người người được hưởng niềm vui thú như nhau. Hiện nay mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi cho hành trình trở về quê hương của vị khách đáng kính của chúng ta. Còn bây giờ, hỡi người khách lạ! Xin người đừng giấu giếm những điều ta mạn phép hỏi. Người hãy nói cho chúng ta biết quý danh của người, quý danh của song thân và những người anh em ruột thịt. Bởi vì, giàu sang hay nghèo hèn ai cũng được mẹ cha ban cho một cái tên khi cất tiếng khóc chào đời. Xin người hãy nói cho ta rõ, quê hương của người ở đâu, đô thị của người tên là gì để những con thuyền của chúng ta, những con thuyền có trí thông minh, chẳng cần hoa tiêu và bánh lái, có thể đưa người về tận nơi đó. Không có xứ sở nào có được những con thuyền có thể sánh đọ với những con thuyền của người Phéacie. Đó là những con thuyền hiểu được tâm tư và ý nghĩ của con người, thuộc lòng mọi đô thành, hải cảng và các đồng quê phì nhiêu. Những con thuyền đó vượt biển khơi mù xám, vượt qua những vực nước xoáy hiểm nguy mà chẳng bao giờ gặp tai nạn. Vậy nào, xin vị khách quý của chúng ta kể lại cho chúng ta biết người từ đâu mà lang thang lạc bước đến đây? Người đã đi qua những xứ sở nào, những đô thành nào? Người đã hiểu biết được phong tục tập quán của cư dân những nơi đó ra sao? Họ tàn bạo, hoang dã bất công hay nhân hậu, văn minh, có biết kính trọng thần linh và niềm nở đối đãi với những người sa cơ lỡ bước hay không? Xin người hãy nói cho chúng ta biết vì sao người lại khóc và nghẹn ngào trong nỗi buồn thầm kín khi người nghe cụ già Démodocos kể về những nỗi bất hạnh của những người chiến sĩ Hy Lạp trong cuộc Chiến tranh Troie? Phải chăng, người có anh em thân thích, bố vợ hay con rể là những dũng sĩ can trường đã ngã xuống trong những cuộc giao tranh? Hay người mất đi một người bạn thân thiết đã từng gắn bó hiểu biết người từ tuổi thơ? Đó là tất cả những điều mà chúng ta muốn biết.

Ulysse liền đứng lên đáp lại:

- Hỡi nhà vua Alcinoos hào hiệp và giàu có! Nhà vua hỏi ta vì sao nghe cụ già Démodocos đàn ca, kể về những chiến sĩ Hy Lạp trong cuộc Chiến tranh Troie ta lại đau buồn và rơi lệ ư? Ta biết nói sao được bây giờ? Ta biết kể bắt đầu từ đâu và kết thúc ở chỗ nào câu chuyện về số phận của ta. Bởi vì các vị thần trên thiên đình đã giáng xuống cuộc đời ta biết bao tai họa. Trước khi vào chuyện, ta xin được xưng danh. Ta là Ulysse, con trai của lão vương Laerte nổi danh vì đầu óc khôn ngoan mưu mẹo. Chiến công và danh tiếng ta đã vang dội đến trời xanh. Chính ta là người đã nghĩ ra cách hạ thành Troie bằng mưu kế con ngựa gỗ. Quê hương ta ở đảo Ithaque bốn bề sóng vỗ. Từ xa nhìn về đảo là thấy ngay một ngọn núi cao tên gọi là Nériton. Đứng trên đỉnh núi mà nhìn thì đảo Ithaque của ta nằm giữa những hòn đảo nhỏ. Đó là những hòn Doulichion, Samé, Zakynthos có rừng cây rậm rạp. Đảo Ithaque của ta đất đai cằn cỗi song đã sản sinh và nuôi dưỡng được những chàng trai cường tráng, giàu nghị lực xứng đáng với truyền thống anh hùng của tổ tiên. Ôi mảnh đất ấy đối với ta thật thiêng liêng và ấm cúng, đáng yêu quý xiết bao! Chẳng đâu hơn được! Chẳng nơi nào hơn được! Nữ thần Calypso xinh đẹp đã giữ ta lại ở trong hang động sâu thẳm của nàng biết bao năm tháng. Nàng khát khao muốn cùng ta kết nghĩa trăm năm. Cũng vậy ở đảo Aiaia, tiên nữ-phù thủy Circé đầy mưu ma chước quỷ cũng muốn giữ ta lại để tính chuyện nên vợ nên chồng dài lâu, nhưng chẳng bao giờ ta ưng thuận. Chao ôi! Không gì ấm cúng, thoải mái hơn nơi quê cha đất tổ với họ hàng thân thiết! Dẫu có ở nơi lầu son gác tía nhưng sống với những người không quen biết, xa quê hương, xa họ hàng thân thiết thì cũng chẳng sung sướng nỗi gì, nhưng thôi, ta đã giãi bày tâm tư, tình cảm của ta quá dài như thế thật là không phải. Giờ đây ta xin kể lại cuộc hành trình muôn nghìn gian truân, khốn khổ mà thần Zeus đã giáng xuống số phận ta kể từ khi ta từ thành Troie lên đường trở về quê hương.

Ulysse kể lại hành trình của mình cặn kẽ, tỉ mỉ lần lượt mọi chuyện như đã kể ở trên. Chuyện về những nỗi gian truân mà Ulysse đã gặp phải trong cuộc hành trình trở về quê hương thật là ly kỳ và xúc động. Thấy chuyện còn dài mà trời đã tối, giờ lên đường ra đi của Ulysse đã tới, hoàng hậu Arété và nhà vua Alcinoos ngỏ ý muốn Ulysse nán lại một ngày để kể hết mọi chuyện cho mọi người nghe. Thế là Ulysse đêm ấy thức suốt cho đến sáng hôm sau kể chuyện cho mọi người nghe. Mọi người chăm chú lắng nghe. Càng nghe càng hấp dẫn, họ càng tỏ ra khâm phục và kính trọng người anh hùng nổi danh vì tài mưu trí và nghị lực muôn phần.

Chiều đến, sau khi đã dự tiệc và đón nhận biết bao những lời chúc tụng đẹp đẽ cũng như những tặng phẩm vô ngần quý giá, Ulysse xuống thuyền từ biệt đất nước Phéacie giàu lòng mến khách. Chàng khắc sâu trong trái tim mình những kỷ niệm đẹp đẽ về một đất nước coi trọng sự hòa hiếu, chẳng hề quan tâm đến chuyện sản xuất cung tên, lao đồng, khiên, giáp mà chỉ lo sao làm ra được những con thuyền thon nhẹ để vượt biển khơi mênh mông. Chàng ghi nhớ trong trái tim mình điều mong muốn của Alcinoos:

- Sau đây khi ngài trở về đất nước với vợ con, bên bàn ăn rồi ngài sẽ phải tiếp một vị anh hùng muốn hiểu rõ những thành tựu của chúng tôi. Lúc ấy ngài phải nói cho vị đó biết. Zeus đã ban truyền và gìn giữ cho chúng tôi những nghề nghiệp gì từ đời cha cho đến đời con cháu. Không! Chúng tôi chẳng hơn ai về võ nghệ côn quyền! Chúng tôi là những người chạy nhanh và những thủy thủ ưu tú, nhưng với chúng tôi bất kể lúc nào, chẳng gì bằng yến tiệc, hội hè, ca múa, có nước nóng tắm, quần áo mới sạch sẽ và tình yêu.

Thuyền rời bến rẽ sóng chạy băng băng như một cỗ xe tứ mã phóng trên mặt đất bằng. Chẳng một giống chim nào nổi tiếng về bay nhanh như đại bàng, diều hâu có thể sánh được với nó. Vừa xuống thuyền là Ulysse lăn ra ngủ. Một tấm đệm êm ấm được phủ lên một tấm vải mới tinh, sạch sẽ, thơm tho mà gia nhân của nhà vua Alcinoos lo liệu trước đã chờ đón chàng. Chàng ngủ say sưa, ngon lành chẳng một phút giật mình thảng thốt, chẳng đắm chìm trong cơn mê hoảng nặng nề, chẳng phiêu diêu trong giấc mộng của ngày hồi hương, đoàn tụ. Chàng ngủ yên, bình thản quên đi bao nỗi đau khổ, nhọc nhằn.

Và lúc ngôi sao Mai hiện ra ở chân trời báo hiệu ánh sáng của nàng Rạng đông sắp tới thì con thuyền tới đảo Ithaque. Thuyền ghé vào một bến cảng. Anh em thủy thủ không muốn đánh thức Ulysse dậy, đã khiêng chàng cùng với chăn êm đệm ấm lên bờ. Những tặng phẩm quý giá được anh em thủy thủ khuân hết lên bờ, cất giấu cẩn thận. Xong xuôi, mọi người xuống thuyền trở về.

Thần Poséidon vẫn nuôi giữ mối thâm thù đối với Ulysse, nhưng giờ đây khi Ulysse về tới quê hương, thần lại căm giận những người Phéacie đã tận tình giúp đỡ Ulysse. Làm như vậy tỏ ra bất kính và ngạo mạn đối với thần vì họ biết rằng số phận gian truân của Ulysse là do thần giáng xuống để trừng phạt Ulysse. Họ đã cậy có những con thuyền thon nhẹ, chạy nhanh giúp Ulysse thoát khỏi sự hành hạ của thần. Giận cá chém thớt, vị thần Lay chuyển Mặt đất lên thiên đình phàn nàn với đấng phụ vương Zeus và đòi Zeus phải chấp thuận cho mình trừng phạt những người Phéacie.

Con thuyền của những thủy thủ Phéacie từ Ithaque trở về. Đang lúc con thuyền ghé vào bờ thì thần Poséidon rình đón sẵn từ trước, xông đến sát con thuyền. Thần vung tay một cái biến con thuyền thành một quả núi đá, một quả núi giống hệt con thuyền nằm chắn ngay trước bến cảng của người Phéacie. Những người Phéacie ở bến cảng nhìn thấy cảnh tượng ấy trong lòng xiết bao kinh ngạc. Họ lập tức cấp báo cho nhà vua hào hiệp của họ biết cái tin dữ ấy. Alcinoos bèn triệu tập thần dân làm một lễ hiến tế để cầu xin thần Poséidon tha tội. Nhà vua truyền cho thần dân từ nay trở đi không được đón tiếp và giúp đỡ một người sa cơ lỡ bước nào đặt chân tới xứ sở của mình. Nhà vua cầu xin thần Zeus và thần Poséidon hãy nguôi mối căm giận và xóa bỏ ý định trừng phạt xứ sở Phéacie bằng cách cho mọc lên một dải núi đá cao ngất sừng sững chắn ngang trước đô thành.

Ulysse trừng trị bọn cầu hôn, đoàn tụ với gia đình

Hai cha con gặp nhau, bày mưu trừng trị bọn cầu hôn

Ulysse, sau một giấc ngủ dài tỉnh dậy. Chàng không thấy mình ở giữa con thuyền nữa mà nằm trên mặt đất. Chàng bật dậy ngơ ngác nhìn khắp chung quanh. Đây chính là quê hương thân thiết của chàng, chàng đang đứng trên mảnh đất yêu dấu mà đã bao năm trời nay chàng không nguôi mong nhớ. Thế nhưng chàng vẫn không nhận ra được. Nữ thần Athéna để bảo vệ chàng đã bao phủ lên cảnh vật xung quanh một màn sương mù dày đặc. Chàng lo lắng băn khoăn tự hỏi, không biết mình đang ở mảnh đất nào đây, mình đã lạc bước đến xứ sở nào, mình liệu có gặp được những người trần thế không. Họ hung dữ, man rợ hay hào hiệp quý người trọng khách. Chàng nghĩ đến những tặng phẩm quý giá mà chàng được những người Phéacie ban cho, giờ đây thật khó xử. Biết cất giấu chúng ở đâu được? Nếu không, chúng sẽ rơi vào tay những kẻ tham tàn độc ác. Vì không nhận được mình đã ở ngay trên mảnh đất quê hương nên chàng đâm ra nghi ngờ những người Phéacie. Ulysse cho rằng có lẽ họ đã đưa chàng tới một mảnh đất nào khác, họ đã nhầm lẫn, và nếu quả thật như vậy thì họ chẳng phải là những người tài giỏi và sáng suốt gì cho cam!

Trong lúc băn khoăn và lo lắng như vậy, Ulysse bỗng thấy trời sáng hẳn lên, và trước mặt chàng hiện ra vị nữ thần Athéna con gái của Zeus. Nữ thần nhìn thấy chàng, mỉm cười, và phẩy tay một cái. Sương mù tan đi. Cảnh vật hiện ra tươi sáng rực rỡ. Ulysse bàng hoàng. Quê hương đây! Quê hương yêu dấu là đây! Còn nỗi vui nào hơn nỗi vui này đối với người anh hùng đã bao nhiêu năm lưu lạc nơi đất khách quê người, Ulysse xúc động. Chàng quỳ xuống cúi hôn mảnh đất quê hương, mảnh đất đã sản sinh ra lúa mì nuôi dưỡng chàng từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành. Chàng giơ hai tay lên trời cầu khấn thần linh, bảy tỏ lòng cảm tạ của chàng, và xin các vị thần phù hộ cho chàng thoát khỏi mọi tai họa, cho con chàng trưởng thành nối nghiệp của chàng.

Nữ thần Athéna có đôi mắt sáng ngời truyền cho chàng phải mau mau đem những quà tặng cất giấu vào trong hang sâu. Nữ thần sẽ giúp chàng một tay để công việc hoàn tất được mau chóng. Thế là hai người, một vị nữ thần và một người anh hùng trần thế bắt tay vào việc. Chẳng mấy chốc bao nhiêu của cải, báu vật đã được giấu kín trong hang sâu, sắp xếp đâu vào đấy. Nữ thần Athéna lấp cửa hang lại bằng một tảng đá to, chắc chắn. Xong xuôi công việc, nữ thần cất tiếng nói với chàng:

- Hỡi Ulysse, con trai của lão vương Laerte, dòng dõi của Zeus! Hỡi người anh hùng có trăm nghìn mưu kế! Giờ đây đã trở về đến quê hương. Công việc đầu tiên của người là phải nghĩ mưu tìm cách trừng trị bọn cầu hôn láo xược. Bọn chúng từ ba năm trời nay ngày ngày đến tán tỉnh, thúc ép Pénélope vợ người phải mau mau tái giá. Chúng đã đem biết bao lễ vật đến dâng nàng, nhưng nàng chỉ đáp lại chúng bằng những dòng nước mắt. Trái tim nàng chỉ chờ đợi ngày về của người chồng thân yêu. Để yên lòng chúng, nàng đã hứa hẹn này khác nhưng trong trái tim nàng suy tính những điều khác chẳng phải như những lời nàng đã hứa hẹn với bọn chúng đâu. Hỡi Ulysse, người anh hùng nổi danh vì lòng kiên định và đầu óc khôn ngoan! Bây giờ ngươi đã về đến quê hương. Để thực hiện ý định trả thù, ngươi không được trở về nhà ngay. Ngươi phải thay hình đổi dạng và giấu kín tung tích. Ta sẽ giúp hai cha con ngươi gặp nhau để bàn định kế sách đối phó với bọn cầu hôn tham tàn và độc ác.

Nói xong nữ thần Athéna cầm chiếc đũa thần đụng vào người Ulysse. Nàng biến người anh hùng cường tráng xinh đẹp thành một ông già hành khất, áo quần rách rưới, thân hình tiều tụy. Nàng ban cho ông già một chiếc gậy và một cái túi vá víu để đi ăn xin. Nàng lại không quên ban cho ông già một chiếc thừng để quấn ngang người thay chiếc đai lưng. Thế rồi mỗi người đi mỗi ngả. Nữ thần Athéna đi đến Lacédémone báo tin cho Télémaque mau trở về gặp cha. Còn Ulysse với thân hình tiều tụy, bẩn thỉu của một ông già hành khất chống gậy cất bước đi về phía trại nuôi lợn do Eumée, một người lão bộc trung thành của chàng trông nom, cai quản.

Ulysse từ bờ biển đi theo con đường mòn đầy sỏi đá chạy qua một khu rừng để đến trại nuôi lợn. Chàng đi từ sáng cho đến quá trưa thì tới nơi. Khi Ulysse đặt chân đến cửa trại thì người lão bộc Eumée đang lúi húi làm dép. Ông lão cắt cắt gọt gọt ở một tấm da bò ra một mảnh và ướm thử vào chân. Chẳng có ai ngoài ông lão cả. Hẳn mấy chàng mục đồng đã xua lợn đi chăn. Bỗng mấy con chó trông thấy người lạ sủa váng lên và lao ra. Ulysse nhanh trí ngồi thụp xuống và đưa gậy ra xua xua trước mặt không cho chúng xông vào gần. Nghe tiếng chó sủa, Eumée liền đứng bật dậy chạy ngay ra cổng. Vừa chạy ông lão vừa thét mắng lũ chó, vừa nhặt gạch đá ném chúng. Lũ chó vội chạy mỗi con một nơi, ông lão Eumée bèn đến an ủi người hành khất già nua và mời cụ vào trong trang trại. Ông lão dẫn Ulysse về lều, trải ổ, lấy da dê phủ lên mời Ulysse nghỉ. Cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của ông già chăn lợn, Ulysse cầu xin thần Zeus và các vị thần bất tử ban cho ông già niềm vui và tuổi thọ. Trong khi Ulysse ngồi nghỉ, ông lão Eumée ra chuồng lợn bắt hai con lợn sữa làm thịt. Ông xiên thịt vào những chiếc que dài và nướng chín chúng trên những ngọn lửa hồng. Sau đó ông pha rượu và bày thịt trân trọng mời Ulysse:

- Hỡi cụ già bất hạnh! Xin mời cụ ăn đi! Đây là lợn sữa, món ăn chỉ dành cho kẻ tôi đòi. Còn lợn to và béo thì dành cho bọn cầu hôn. Thần linh đã bắt tôi phải chịu nhiều đau khổ. Lúc nào tôi cũng khóc than và thương tiếc cho ông chủ của tôi. Tôi nuôi lợn để cho bọn chúng ăn còn chủ của tôi chẳng biết ngài còn sống hay chết. Nếu ngài còn sống thì lại phải sống cảnh màn trời chiếu đất, đói khát, lang thang đây đó nơi đất khách quê người. Chính vì để bảo toàn danh dự cho Agamemnon và Ménélas nên ngài đã tham dự vào cuộc viễn chinh sang thành Troie. Thành Troie đã bị hạ mười năm nay rồi mà ông chủ cho đến nay vẫn chưa thấy về. Ở nhà, những kẻ quyền quý ngày ngày kéo nhau đến cầu hôn, thúc ép nàng Pénélope phải mau mau chọn một người trong bọn chúng để làm chồng. Hẳn rằng chúng nghe ai nói hoặc đoán rằng chàng Ulysse, con của lão vương Laerte, đã chết, vì thế cho nên chúng không đến nhà người ta dâng lễ vật cầu hôn cho đúng đắn rồi ra về mà ngược lại, thật quá đáng quá thể, cứ kéo nhau đến ở lỳ nhà người ta bắt người ta phục dịch cơm rượu, chè chén. Chúng bắt tôi mỗi ngày phải dâng cho chúng một con lợn béo mập, mỗi ngày mỗi người chăn dê của ông chủ phải nộp cho chúng một con dê. Ông chủ tôi có mười một đàn dê thả ăn ở cuối đảo giao cho mười một người tin cẩn trông nom. Còn rượu thì chúng uống vô hồi kỳ trận, bao nhiêu vò rượu, bình rượu, thùng rượu để trong kho đều bị đem ra cho chúng nếm. Cứ thế chúng ăn uống chè chén suốt ngày suốt đêm. Thử hỏi của cải của ông chủ tôi dẫu đã từng nổi tiếng ở hòn đảo Ithaque này, liệu có đến ngày kiệt quệ không? Bọn cầu hôn độc ác này chúng chẳng biết kính sợ thần linh, chúng không biết rằng Zeus và các vị thần Olympe coi trọng lẽ công bằng và sẽ trừng phạt những kẻ đã gây ra những cảnh trái tai chướng mắt, ức hiếp, cưỡng bức, ép buộc những người đồng loại.

Cụ già chăn lợn kể như vậy. Trong khi đó Ulysse cứ lặng lẽ uống rượu, ăn thịt. Chàng chàng nói chẳng rằng một câu nhưng vừa ăn vừa thầm suy tính cách trừng trị bọn cầu hôn. Ăn xong, Ulysse và cụ già trò chuyện hồi lâu. Chàng hỏi ông già về lai lịch nguồn gốc, và chàng cũng kể cho ông già biết nguồn gốc lai lịch của mình, nhưng là một câu chuyện bịa. Chàng kể về dòng dõi cao quý của mình, về những nỗi gian truân của mình trong cuộc chinh chiến thành Troie trở về đã bị bão đắm thuyền, chàng lạc bước đến xứ sở của những người Thesprotes. Ở đây chàng đã được nhà vua Phidon đón tiếp niềm nở, và cũng chính ở đây chàng nghe nhà vua nói đến Ulysse như một vị khách quý đã gửi lại nhà vua bao của cải quý báu, chiến lợi phẩm từ thành Troie đưa về. Sở dĩ Ulysse phải gửi lại của cải là vì chàng phải tới Dodone tìm đến cây sồi thiêng liêng của thần Zeus để xin thần ban cho một lời chỉ dẫn. Trải bao năm xa quê hương, chàng muốn được biết nên trở về bằng cách nào, trở về bí mật, lặng lẽ, âm thầm hay cứ đường đường chính chính mà về? Như vậy Ulysse chắc chắn còn sống và chắc chắn trở về.

Câu chuyện của Ulysse cùng với niềm tin và thái độ quả quyết của chàng đã làm cho ông già chăn lợn Eumée tin tưởng rằng chủ mình còn sống và sẽ trở về khôi phục lại quyền lực ở hòn đảo Ithaque quanh năm bốn bề sóng vỗ này. Đêm đến, trời lạnh, Ulysse lại bịa ra một chuyện kể để gợi ý ông già chăn lợn ban cho mình quần áo để ngủ qua đêm. Làm như vậy thì tốt hơn, bởi vì dù sao lúc này chàng cũng chỉ là một ông già hành khất mà một người hành khất không thể vòi vĩnh xin xỏ quá đáng.

Lại nói chuyện về Télémaque, được nữ thần Athéna giúp đỡ, xin được thuyền và thủy thủ, lên đường đi tìm cha. Chàng đi qua Pylos và tới xứ Lacédémone quê hương của người anh hùng Ménélas. Tại đây chàng được Ménélas và Hélène rất đỗi yêu quý. Nữ thần Athéna đã nhanh chóng tới đây, nhẹ nhàng lướt vào phòng ngủ của Télémaque nhắc nhở chàng trai phải mau trở về quê hương, không nên kéo dài cuộc hành trình. Tuân theo lời chỉ dẫn của nữ thần, Télémaque từ biệt Ménélas và Hélène ra về.

Một buổi sáng kia con thuyền của Télémaque trở về hòn đảo Ithaque. Thuyền cập bến. Télémaque truyền cho bạn hữu và anh em thủy thủ đưa con thuyền về bến cảng ở đô thành. Còn chàng, chàng sẽ trở về đô thành sau, vào chiều tối để mở tiệc thiết đãi anh em. Télémaque đến trại nuôi lợn của ông già Eumée vào lúc trời vừa mới sáng. Lũ chó thấy người quen chạy đến quấn quít vẫy đuôi vui mừng. Lúc này cụ già Eumée đang pha rượu cho bữa ăn. Thấy Télémaque đi vào và đến ngay trước mặt cụ, cụ sửng sốt, ngạc nhiên đến nỗi buông rơi bình rượu trên tay. Cụ chạy đến ôm chầm lấy Télémaque, hôn lên trán, lên đôi mắt đẹp đẽ tinh anh và đôi bàn tay của chàng, người chủ trẻ tuổi của cụ. Nước mắt cụ trào ra vui mừng sung sướng. Cụ nghẹn ngào cất tiếng nói:

- Con ơi! Thế là con đã trở về, con đã về! Télémaque thân yêu của ta! Từ ngày con xuống thuyền để tới đô thành Pylos ta những tưởng chẳng còn được gặp lại con. Vậy mà giờ đây con đã về và lại đến thăm ta ở trại nuôi lợn này. Trước đây ít khi con đi thăm đồng thăm trại. Con chỉ ở trong thành. Mọi người bảo rằng con thích ở trong ấy để đương đầu với bọn cầu hôn láo xược.

Hai người trò chuyện hồi lâu. Télémaque hỏi người lão bộc Eumée về tình cảnh gia đình mình ra sao kể từ khi chàng rời nhà ra đi. Eumée đáp lại, kể cho chàng rõ ngọn ngành. Cụ già còn giới thiệu cho Télémaque biết về lai lịch của người hành khất, và cụ xin phép Télémaque vào thành để báo cho Pénélope biết tin Télémaque đã trở về.

Ở trại nuôi lợn lúc này chỉ có hai cha con Ulysse, nhưng Télémaque chưa nhận ra người cha thân yêu của mình vì nữ thần Athéna đã biến Ulysse thành một người ăn mày già nua và xấu xí. Nữ thần Athéna theo dõi mọi công việc, và nữ thần chỉ chờ có lúc này, khi cụ già Eumée ra đi, chỉ còn hai cha con Ulysse, nữ thần bèn hiện ra dưới dạng một người phụ nữ xinh đẹp. Nàng đứng trước mặt Ulysse nhưng ở xa xa, và chỉ có một mình Ulysse là nhìn thấy nàng, còn Télémaque thì không hay biết gì. Bởi vì các vị thần có quyền, có phép muốn cho ai được biết, được gặp là tùy theo ý muốn của các vị. Nữ thần nháy mắt ra hiệu. Ulysse hiểu ngay. Chàng rời căn lều ra ngoài sân đến trước mặt nữ thần với thái độ kính cẩn. Nữ thần bèn lên tiếng:

- Hỡi Ulysse, dòng dõi của đấng phụ vương Zeus, con trai của Laerte, người anh hùng trăm mưu nghìn kế. Bây giờ là lúc hai cha con nhà ngươi gặp nhau và bàn định với nhau cho thật kỹ kế sách trả thù bọn cầu hôn láo xược. Phải bàn định cách trở về tòa lâu đài sao cho được an toàn, bảo vệ được tính mạng. Ta sẽ luôn theo dõi và giúp đỡ ngươi, bởi vì ta cũng nóng lòng được lao vào cuộc chiến đấu. Nói xong, nữ thần Athéna cầm chiếc đũa thần vàng quệt nhẹ vào người Ulysse. Thế là phút chốc từ một ông già hành khất bẩn thỉu tiều tụy, Ulysse trở thành một người anh hùng tuấn tú oai phong lẫm liệt. Nữ thần Athéna ra đi và chàng Ulysse trở vào trong lều. Télémaque ngỡ ngàng khi nhìn thấy cha mình. Vì sao lại có sự biến đổi đột ngột như vậy. Cậu kinh ngạc cất tiếng van xin:

- Hỡi người khách lạ! Người đã thay hình đổi dạng khác hẳn. Vừa mới đây người còn là một ông già tiều tụy, rách rưới mà bây giờ người như là một dũng tướng, áo quần lành lặn, sang trọng, da dẻ hồng hào. Chắc chắn rằng người là một vị thần sống trên bầu trời cao bát ngát. Vậy xin người hãy phù hộ chúng tôi, rủ lòng thương chúng tôi. Chúng tôi xin dâng cúng những lễ vật thật hậu hĩ để tạ ơn người. Xin người tha chết cho chúng tôi.

Ulysse giải thích cho con biết rõ mọi chuyện. Chàng ôm lấy con hôn, nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt cương nghị và dày dạn nắng mưa. Còn Télémaque sau phút ngỡ ngàng, được lời giải thích của cha, cậu bình tâm lại. Cậu nhận ra trước mặt cậu đích thực là người cha thân yêu của mình. Người cha đã anh dũng chịu đựng bao nhiêu gian truân, khổ nhục, lưu lạc khắp góc bể chân trời, giờ đây đã về với quê hương thân yêu, đã về với cậu. Télémaque ôm lấy cha. Trái tim cậu nôn nao xúc động, và cậu khóc nức nở, khóc vì mủi lòng thương cha, thương cho số phận bất hạnh của mẹ cậu và cậu từ khi cha vắng nhà, khóc vì vui mừng. Còn Ulysse cũng không sao ngăn nổi những tiếng nấc nghẹn ngào và những dòng nước mắt.

Khi hai cha con đã nguôi cơn xúc động, Ulysse bàn bạc với con cách đối phó và trừng trị bọn cầu hôn. Theo mưu kế của chàng, Télémaque phải tuyệt đối không được để lộ ra cho ai biết chuyện Ulysse đã về. Ulysse sẽ cải trang làm người hành khất trở về. Télémaque phải tìm cách đưa vũ khí ở trong phòng lớn giấu vào nhà kho. Ulysse dặn đi dặn lại người con trai yêu quý của mình phải hết sức bình tĩnh và kiên nhẫn, không được nổi nóng, hành động bột phát khi chưa có ám hiệu của Ulysse.

Ulysse gặp Pénélope

Sáng hôm sau, Télémaque từ trại nuôi lợn trở về thành. Việc Télémaque trở về khiến cho Pénélope xiết bao vui mừng và bọn cầu hôn vô cùng tức tối vì âm mưu phục kích ám hại Télémaque bị thất bại. Ông già chăn lợn Eumée và người hành khất Ulysse trở về thành sau. Họ đến tòa lâu đài, lúc này bọn cầu hôn đang chè chén ở gian phòng lớn. Thấy ông già Eumée dẫn một người ăn mày rách rưới vào phòng tiệc, tên cầu hôn Antinoos, tên ngỗ ngược nhất trong bọn cầu hôn, cất lời chửi mắng, sỉ nhục Ulysse. Hắn ném ghế vào đầu Ulysse. Lòng đầy tức giận nhưng Ulysse nhẫn nhục chịu đựng. Nghe tiếng chửi rủa và xô xát, Pénélope đến can ngăn, bênh vực người hành khất bị bạc đãi. Nàng ra lệnh cho ông già Eumée dẫn Ulysse vào phòng bên để nàng hỏi han tin tức về Ulysse, xem người hành khất này liệu có tận mắt gặp Ulysse không hay chỉ nghe nói đến chàng. Ông già Eumée bèn cất tiếng đáp lại lời nàng ngay:

- Hỡi Pénélope kính yêu! Con xin thuật lại cho bà được rõ. Chính lão hành khất này kể cho con nghe những câu chuyện thật ly kỳ và hấp dẫn. Lão ta đã đến trại nuôi lợn của con. Con đã giữ lão ta ở lại đấy ba ngày ba đêm. Chính lão ta nói với con là lão sinh trưởng trong một gia đình quyền quý dòng dõi vua Minos ở đảo Crète. Lão đã tiếp đãi Ulysse như một vị thượng khách của gia đình, nhưng rồi Ulysse lại ra đi, và lão nghe nói Ulysse còn sống, đã gửi lại nhiều của cải ở xứ Thesprotes để sau khi ở Dodone về là lên đường trở về quê hương.

Nghe nói, Pénélope càng nóng lòng được gặp người hành khất, nhưng người hành khất - Ulysse - nhờ Eumée tâu lại với Pénélope xin người hãy bình tâm chờ đến chiều tối. Khi ấy chỉ có một mình Pénélope nói chuyện sẽ thuận tiện hơn. Lúc này nhà cửa đang đông người, lại có những người tính khí chẳng lành e rằng nếu họ biết chuyện có thể sinh sự lôi thôi. Pénélope nghe ra có lý. Nàng khen người hành khất có đầu óc thận trọng, khôn ngoan, và nàng vui lòng chờ cho đến khi chiều tàn nắng tắt.

Bọn cầu hôn vẫn chè chén và bầy ra hết tiệc này đến tiệc khác. Chúng vui đùa một cách khả ố, nhảy múa, ca hát nhộn nhạo chẳng còn ra thể thống gì. Télémaque nhìn thấy chúng vô cùng căm tức. Cậu không chịu được nữa, nhưng cậu phải dằn lòng và khéo léo mời chúng về lấy cớ là trời đã tối.

Sau khi bọn cầu hôn ra về, Ulysse nhắc Télémaque thực hiện việc cất giấu vũ khí. Nữ thần Athéna cầm đuốc soi sáng cho Télémaque hoàn thành mau chóng công việc. Trong phòng chỉ còn lại Ulysse. Lúc này Pénélope mới từ trên lầu cao đi xuống. Nàng xuống để hỏi chuyện người hành khất đã đem lại chút ít tin tức về người chồng thân yêu xa vắng đã lâu ngày của nàng. Nàng sai người nữ tì đem đến một chiếc ghế đẹp đẽ và trải lên mặt ghế một tấm lông cừu để người hành khất già nua ngồi đối diện với nàng, kể chuyện cho nàng nghe. Khi người hành khất ngồi xuống ghế, nàng Pénélope nổi danh vì đức tính kiên trì và thận trọng bèn cất tiếng:

- Hỡi người khách lạ! Trước hết ta muốn hỏi chuyện điều này: cụ là ai, từ phương trời xa xăm nào lạc bước đến đây? Quê hương cụ ở vùng nào, một hòn đảo quanh năm sóng vỗ hay một miền đồng bằng vàng rượi lúa mì?

Ulysse, người anh hùng nổi danh vì mưu kế và tài bịa chuyện, lễ phép đáp lại lời Pénélope, nhưng chàng không trả lời ngay câu hỏi của Pénélope mà gợi ý khéo léo để Pénélope bộc bạch hết tâm tư tình cảm của mình. Pénélope đã kể lể như sau:

- Hỡi người khách lạ! Từ ngày Ulysse chồng ta tham gia cuộc viễn chinh sang thành Troie thì ta sống trong nỗi lo âu và thương nhớ. Ngày đêm ta chỉ mong mỏi ngày về của chàng. Thành Troie đã bị hạ, nhiều người anh hùng Hy Lạp đã trở về quê hương, thế mà Ulysse thân yêu của ta vẫn chẳng có tin tức gì. Ta những tưởng số phận của ta đen bạc đến thế là cùng, nào ngờ giờ đây một vị thần nào đó lại giáng xuống cho ta một nỗi đau khổ nữa. Những lãnh chúa cai quản các hòn đảo xung quanh Ithaque đều đến đây ngỏ ý cầu hôn với ta. Mặc dù lòng ta không ưng thuận nhưng họ vẫn cứ đến thúc ép ta. Tệ hại hơn nữa họ lại ngang nhiên bất kể sớm khuya tiệc rượu, chè chén, tiêu xài phung phí tài sản của gia đình ta. Ta nghĩ ra một cách để trì hoãn câu trả lời. Ta nói với họ: “Hỡi các vị cầu hôn quyền quý! Các vị ngỏ ý cầu hôn với ta, thúc giục ta phải lựa chọn một người trong số các vị, nhưng ta xin các người hãy rộng lòng thư thả cho ta làm xong một việc hiếu nghĩa. Bố chồng của ta là lão vương Laerte hiện nay tuổi già, sức yếu chẳng rõ còn sống được bao ngày. Nỗi nhớ thương đứa con trai lại càng làm cho cụ héo hon, rầu rĩ. Ta lẽ nào đành lòng đi bước nữa khi chưa lo liệu chu tất cho cái ngày cụ nằm xuống từ giã cõi đời. Vậy xin các vị hãy cho phép ta được dệt xong tấm vải liệm dành cho cụ. Nếu ta không lo liệu chu tất việc này thì mai đây khi cụ nằm xuống ta sẽ bị chê trách và mang tiếng xấu không gì rửa được”. Ta đã nói với họ như vậy. Mặc dù họ là những kẻ hống hách, kiêu ngạo song họ cũng phải bằng lòng. Thế là ta bắt đầu dệt vải, Nhưng ngày ta dệt, đêm đêm ta lại tháo ra. Cứ thế ta làm cái công việc dã tràng xe cát ấy suốt ba năm ròng, nhưng đến năm thứ tư do sự phản bội, tư thông của bọn nữ tì nên đám người cầu hôn biết rõ chuyện. Thế là họ kéo đến mắng ta luôn, thậm chí dùng những lời lẽ thô bạo, bất nhã đối với ta. Thế là ta buộc phải dệt xong tấm vải. Giờ đây ta không còn cách gì trì hoãn việc hôn nhân này được nữa rồi. Bọn cầu hôn thúc ép khiến cha mẹ ta cũng phải bảo ta: “Thôi thì con hãy chọn lựa một trong đám ấy mà kết hôn cho nó xong chuyện đi! Chứ chẳng ở vậy mãi như thế này được. Kéo dài mãi cái tình cảnh này bọn họ đâu có chịu”. Đấy, cụ xem, chỉ vì Ulysse vắng nhà mà xảy ra biết bao nỗi cơ cực. Thân ta thì như thế rồi. Còn con trai ta thì bực tức căm giận bọn cầu hôn đã phá hoại tài sản của gia đình nó. Bây giờ nó đã lớn khôn. Nó có thể cai quản lấy tài sản, nhưng mình nó làm sao chống lại được với bọn cầu hôn. Ta mà đi bước nữa thì của cải lại theo ta mà về nhà chồng... Đấy tình cảnh ta là như thế. Ta đã nói hết để cụ biết. Bây giờ xin cụ hãy nói cho ta biết về cuộc đời của cụ.

Ulysse đáp lại Pénélope. Chàng kể, vẫn là câu chuyện bịa, chàng sinh ra ở đảo Crète là con trai của Deucalion hào hiệp và là cháu nội của vị vua Minos, một người được Zeus tin cẩn mến yêu. Tên chàng là Éthon. Chính tại đảo Crète chàng đã gặp người anh hùng Ulysse trên đường sang thành Troie do bị bão phải ghé thuyền dừng lại hòn đảo quê hương của chàng. Chính chàng đã tiếp đãi Ulysse tại lâu đài của vua cha như một vị khách quý. Chàng kể tỉ mỉ từ quần áo của Ulysse đến cả hình dáng người tùy tòng của Ulysse tên là Eurybate... và tiếp theo bao chuyện nữa. Chàng bịa ra nhiều tình tiết nữa nhưng với tài kể chuyện khéo léo của chàng nên câu chuyện cứ như là có thực. Pénélope lắng nghe, trong lòng vô cùng xúc động, nước mắt lặng lẽ tuôn rơi trên khuôn mặt xinh đẹp nhưng buồn bã, ngậm ngùi của nàng. Nhìn thấy vợ khóc, trái tim Ulysse đau đớn xót thương, nhưng chàng cố kìm lòng, cố nín nhịn ngăn không cho nước mắt trào ra, bởi vì chàng phải thực thi kế sách trả thù bằng một lời thề thiêng liêng:

- Hỡi Pénélope, người nổi danh vì lòng kiên định và óc khôn ngoan! Xin thần Zeus và tất cả những người trong gia đình thân yêu của người anh hùng Ulysse không thể chê trách chuyện chứng giám cho lời nói của lão. Lão quả quyết rằng thế nào Ulysse cũng sẽ về, và chỉ trong năm nay thôi khi tuần trăng này hết, tuần trăng khác mọc lên Ulysse sẽ tới mảnh đất này, ngôi nhà này.

Pénélope bày tỏ lòng cảm ơn đối với lão hành khất đã mang lại niềm tin cho nàng. Nàng cầu khấn thần linh cho những điều lão nói được thực hiện. Nàng sai bà già Euryclée rửa chân cho Ulysse để bày tỏ lòng quý trọng khách. Ulysse từ chối nhưng không được. Trong khi bà già rửa chân cho Ulysse trong một chiếc chậu đồng đẹp đẽ bằng nước nóng, bà thấy ở cổ chân Ulysse có một cái sẹo. Bà nhận ra lão hành khất mà bà đang rửa chân chính là Ulysse mà xưa kia bà đã nuôi nấng bế ẵm từ lúc lọt lòng mẹ. Chiếc sẹo này là do vết răng của một con lợn rừng gây ra. Xưa kia vào lúc Ulysse đã trưởng thành, một hôm chàng về thăm ông ngoại. Chàng được ông cho tham dự một cuộc săn, và chính trong cuộc đi săn này chàng đã bị thương, con lợn rừng từ trong bụi rậm thấy bị bao vây đâm bổ ra lao vào Ulysse. Mặc dù bị lợn rừng làm bị thương, Ulysse vẫn không để nó chạy thoát. Chàng kịp thời giáng cho nó một ngọn lao mạnh vào vai khiến nó bị thương nằm vật ra, và chàng bồi tiếp mấy đòn nữa kết liễu cuộc đời con thú.

Bà già Euryclée nhận ra vết sẹo của chính người bà nuôi nấng, chăm nom, người mà bà đã nhớ thương, mong đợi. Bà xúc động, luýnh quýnh buông tay để bàn chân Ulysse rơi mạnh xuống thành chậu. Chiếc chậu bị đổ, nước chảy ra lênh láng trên nền nhà. Nước mắt bà trào ra. Bà nghẹn ngào đứng dậy ôm lấy đầu Ulysse vào lòng, nhưng Ulysse nắm chặt lấy cổ tay bà già, bóp mạnh, ra hiệu. Chàng vội nói và nói chỉ đủ Euryclée nghe thấy:

- Già ơi! Già phải im ngay, không được hé răng nói nửa lời nửa tiếng cho ai biết chuyện con đã trở về, cả Pénélope cũng không được nói. Nếu già để lộ chuyện này là già hại con đấy. Già thương yêu con xin già ghi nhớ cho điều đó.

Nghe Ulysse nói như vậy, bà già Euryclée bèn vào trong nhà bưng ra một chậu nước khác để tiếp tục rửa chân cho Ulysse. Tiếp đó, Pénélope lại cho gọi lão hành khất đến để nghe nàng hỏi chuyện. Nàng kể cho lão nghe một giấc mộng lạ kỳ, một giấc mộng như tiên báo cho nàng biết Ulysse sẽ trở về trừng trị bọn cầu hôn. Nàng nói, nàng không tin vào giấc mộng nói trên sẽ trở thành hiện thực, bởi vì những mộng. triệu thường khó hiểu, khó bề đoán định. Còn bây giờ phải tính đến việc trả lời bọn cầu hôn. Nàng có ý định bày ra một cuộc tỉ thí. Nàng nói cho Ulysse biết:

- Hỡi lão hành khất già nua đáng kính! Dù sao ta cũng phải nói cho cụ biết một điều quan trọng nữa. Ngày mai ta sẽ phải trả lời bọn cầu hôn. Không còn cách gì trì hoãn được nữa rồi. Cụ ơi, ngày mai là cái ngày bất hạnh của ta, ngày mai ta phải từ giã ngôi nhà thân yêu của Ulysse. Ta quyết định nên cho bọn cầu hôn một cuộc tỉ thí. Ta sẽ đem cây cung của Ulysse ra tuyên bố lời thách thức như sau: “Hỡi các vị vương tôn công tử cao quý! Xin các vị hãy thử tài cao thấp! Ai là người giương được cây cung này và bắn một phát tên xuyên qua lỗ của mười hai chiếc rìu xếp thành một hàng dọc kia thì ta xin theo người ấy. Ta sẽ cam lòng từ bỏ những kỷ niệm đẹp đẽ ấm cúng tuổi xuân của ta, những kỷ niệm ta sẽ không bao giờ quên được để về làm vợ người đó”.

Người anh hùng Ulysse nổi danh vì đầu óc mưu trí và tinh khôn đáp lại lời nàng:

- Hỡi Pénélope! Thưa bà, bà đã có lòng tin cẩn đem chuyện đó ra nói cho lão biết thì lão xin thưa rằng bà hãy thực hiện ý định đó ngay, cho mở cuộc tỉ thí ngay trong ngôi nhà này của bà đừng chậm trễ, bởi vì linh tính báo cho lão biết người anh hùng Ulysse sẽ trở về đây trước khi những kẻ đó giương được cây cung và bắn được mũi tên của họ xuyên qua lỗ những chiếc rìu.

Đêm đến, Pénélope trở về nghỉ trên lầu cao, còn lão hành khất Ulysse ở dưới nhà, nằm trên nền đất đã được các nữ tì của Pénélope lót đệm trải chăn.

Cuộc chiến đấu với bọn cầu hôn

Thực hiện ý định của mình, nàng Pénélope thận trọng, con gái của người anh hùng Icarios, hôm sau sai gia nhân sửa soạn gian phòng lớn cho cuộc tỉ thí. Trái tim nàng buồn khôn xiết khi nàng bước vào căn phòng riêng của vợ chồng nàng. Từ ngày chồng nàng ra đi, nàng ngủ ở trên tầng gác cao. Hôm nay nàng lên căn phòng chứa chất bao kỷ niệm êm ấm hạnh phúc của nàng để lấy chiếc cung và ống tên của chồng nàng đem xuống cho bọn cầu hôn tỉ thí, cuộc tỉ thí sẽ quyết định số phận nàng. Ngồi trong phòng, đặt chiếc cung vào lòng, nàng bưng mặt khóc nức nở. Sau đó nàng đem cây cung và ống tên đến gian phòng lớn nơi bọn cầu hôn đã tề tựu đông đủ. Đi theo nàng là hai người nữ tì xinh đẹp rất đỗi trung thành. Đứng trước bọn cầu hôn đông đảo, nàng cất tiếng nói:

- Hỡi các vị cầu hôn hống hách đã ngày ngày đến căn phòng này chè chén khi chủ nó vắng nhà. Đây là một điều kiện mà không một ai có thể khước từ nếu người đó muốn kết hôn với ta. Xin các vị lắng nghe cho rõ. Ta chỉ kén chọn được một người trong số các vị để làm chồng thôi, vì thế đây là lúc các vị phải trổ tài cao thấp trong một cuộc tỉ thí mà ta sẽ nói rõ sau đây. Ta long trọng tuyên bố rằng vị nào giương được cây cung trứ danh này để bắn một phát tên xuyên qua mười hai cái lỗ của mười hai cây rìu xếp thành một hàng dọc kia ta xin theo người ấy. Người ấy sẽ được quyền làm chồng ta. Việc thật đơn giản. Trân trọng mời các vị hãy trổ tài để ta được ngưỡng mộ một anh hùng đã chiến thắng trong cuộc thử thách...

Người đầu tiên xin được tỉ thí là gã cầu hôn Léiodès, nhưng hắn chẳng thể nào giương nổi cây cung. Tiếp đó nhiều vị nữa quyết vượt qua thử thách để đoạt được nàng Pénélope cùng với của cải nhiều vô kể của nàng nhưng không sao vượt nổi. Chỉ còn lại Antinoos và Eurymaque, hai con người danh tiếng cao lớn, to khỏe như hai vị thần xưa nay chưa từng chịu bó tay quy hàng trong những cuộc đua tranh, là chưa vào cuộc. Cuối cùng, Eurymaque đứng ra thử sức. Hắn ráng hết sức kéo dây cung cho căng để có thể khi buông tay làm mũi tên bay đi nhưng ba lần hắn chịu thất bại. Hắn buông cây cung và kêu lên những lời thất vọng. Antinoos thấy vậy liền tuyên bố hoãn cuộc tỉ thí đến ngày mai. Ngày mai những người tham dự cuộc tỉ thí sẽ làm một lễ hiến tế vị thần xạ thủ Apollon, người bắn tên xa muôn dặm, bách phát bách trúng, cầu xin thần phù hộ cho rồi mới tiếp tục, và bọn cầu hôn hết thảy đều tán thưởng. Chúng thét gọi những nữ tì rót rượu vang, dâng thịt tiếp cho chúng chè chén và chúng mơ tưởng đến thắng lợi ngày mai. Bây giờ đến lúc người anh hùng Ulysse thực thi mưu kế của mình. Chàng ra khỏi gian phòng lớn đến gặp hai người đầy tớ trung thành là ông lão chăn lợn Eumée và người chăn cừu Philétios báo cho họ biết rằng mình là Ulysse, người chủ của họ đã cải trang trở về để trừng trị bọn cầu hôn. Họ lập tức đi đóng chặt các cửa ngõ trong nhà. Sau đó Ulysse trở lại gian phòng lớn và đứng lên xin phép được tỉ thí. Bọn cầu hôn nhao nhao phản đối. Chúng khinh thị người hành khất, chế giễu lão chẳng biết thân biết phận nghèo hèn của mình mà lại dám “đũa mốc chòi mâm son”, chẳng biết “Khánh vàng còn chẳng ai ăn ai. Huống chi mảnh chĩnh ở ngoài bờ tre”.

Nhưng nàng Pénélope khôn ngoan đứng ra bảo vệ cho quyền được tham dự thi tài của người hành khất bằng những lời lẽ khéo léo không thể bác bỏ được, và Ulysse đứng ra trổ tài. Chàng cầm lấy cây cung, tay trái đưa lên ngang vai, tay phải cầm dây cung kéo mạnh. Dây cung căng ra và rít lên như tiếng rít của con chim nhạn. Bọn cầu hôn sửng sốt. Chàng buông tay. Mũi tên bị dây cung nẩy bật đi kêu đánh tách một cái và xuyên qua mười hai lỗ của mười hai chiếc rìu bay vọt ra ngoài. Chàng nhìn Télémaque nháy mắt ra hiệu. Télémaque liền đeo gươm vào sườn và lấy dao nhọn cầm tay lăm lăm chờ đợi. Ulysse cất tiếng nói dõng dạc:

- Cuộc tỉ thí vô cùng khó khăn như vậy là đã kết thúc. Giờ đây ta xin nhằm cho một cái đích khác mà các vị quyền quý ở đây chưa ai nhằm bắn. Ta muôn biết xem liệu thần Apollon có ban cho ta vinh dự bắn trúng cái đích đó không?

Nói xong Ulysse nhằm Antinoos bắn một phát tên. Phát tên bay đi xuyên trúng họng tên cầu hôn hung hăng nhất, đúng vào lúc hắn đang cầm cốc rượu sắp đưa lên miệng. Antinoos bật ngửa người ra, máu trào ra mũi, chân giãy giụa đạp vào bàn làm thức ăn, bánh mì, thịt quay đổ xuống đất. Bọn cầu hôn hoảng hốt, chạy nhớn nha nhớn nhác đưa mắt quanh phòng mong tìm được một thứ vũ khí gì đó treo trên tường. Một tên cầu hôn lớn tiếng quát:

- Này hỡi cái thằng tứ cô vô thân, cha vơ chú váo kia! Tại sao ngươi lại lấy Antinoos thần thánh của chúng ta ra làm một cái đích để ngươi nhắm bắn! Ngươi đã phạm một tội ác, giết chết một người cao quý nhất trong số những người cao quý ở hòn đảo Ithaque này. Ngươi sẽ bị trừng phạt khủng khiếp.

Ulysse quắc mắt nhìn chúng, quát lớn:

- Hỡi lũ chó má điên cuồng! Các ngươi tưởng rằng ta đã bỏ mình ở thành Troie rồi ư? Không về nữa ư? Vì thế nên các ngươi đến đây tự do hoành hành phá hoại tài sản của ta, thúc ép vợ ta, cưỡng hiếp những nữ tì của ta. Các ngươi chẳng kính sợ thần linh và cũng không biết đến lẽ phải thông thường là ác giả ác báo. Giờ đây thì đòn trừng phạt đã treo lơ lửng trên đầu các ngươi rồi đấy!

Ulysse nói vậy. Lũ cầu hôn sợ tái xanh xám cả người. Chúng có ngờ đâu đến tình cảnh này, chúng cứ tưởng Ulysse bắn nhầm phải Antinoos. Eurymaque thấy tình cảnh nguy ngập, cửa phòng đóng chặt, vũ khí không có trong tay, nếu muốn thoát chết thì chỉ có cách van xin Ulysse, và Eurymaque đã cất lời van xin tha tội và hứa bồi thường lại gấp bội số của cải mà chúng đã làm tổn hại, nhưng Ulysse quyết không tha cho những kẻ đã gây ra bao nỗi đau khổ, cơ cực cho gia đình chàng. Chàng thách thức giao đấu. Bọn cầu hôn hoảng hồn. Eurymaque lên tiếng kêu gọi bọn chúng bình tĩnh chấp nhận cuộc giao đấu để tìm cách giải thoát:

- Hỡi các bạn thân thiết! Tình hình này buộc chúng ta chỉ còn một phương kế để cứu sống lấy mình là chấp nhận cuộc giao tranh với Ulysse. Hãy rút kiếm ra, hãy lấy bàn làm lá chắn chống lại những mũi tên ác hiểm của hắn. Hãy cùng nhau xông thẳng vào hắn đánh bật hắn ra khỏi ngưỡng cửa để chúng ta vượt ra ngoài đô thành kêu cứu. Hãy dũng cảm chấp nhận thách thức! Tên khốn khiếp kia ắt phải đền tội.

Nói xong Eurymaque vung thanh kiếm đồng sắc nhọn xông vào Ulysse với một tiếng thét lớn, nhưng mũi tên của Ulysse bay nhanh đã xuyên ngay vào ngực y. Y buông thanh kiếm đưa tay ôm ngực ngã lăn ra đất, giãy chết. Tên cầu hôn Amphinomos cầm kiếm xông vào Ulysse toan đánh bật Ulysse ra khỏi cửa. Télémaque luôn sẵn sàng. Từ phía sau, cậu phóng ngọn lao nhọn xuyên qua lưng đâm phá ra trước ngực tên cầu hôn láo xược. Amphinomos đổ sấp mặt xuống đất. Télémaque không chạy đến bên thi hài tên cầu hôn để rút ngọn lao ra. Cậu sợ kẻ thù nhằm lúc đó xông lên đâm kiếm vào người cậu. Cậu chạy vội đi lấy vũ khí cho mình và cho cha, cho hai người gia nhân trung thành: bốn chiếc khiên, tám ngọn lao, bốn mũ trụ đồng. Tất cả bốn người đứng trấn giữ ở cửa. Ulysse tiếp tục bắn tên vào lũ cầu hôn. Mỗi mũi tên bay đi và đã làm tròn nhiệm vụ quang vinh của nó: kết liễu cuộc đời một tên cầu hôn, nhưng ống tên đã cạn. Ulysse bèn đội mũ trụ lên đầu, khoác khiên vào vai và cầm lấy hai ngọn lao đồng để tiếp tục chiến đấu.

Thắng lợi tưởng như cầm chắc trong tay thì bỗng đâu nảy ra một tình hình rắc rối, bất lợi. Tên chăn dê Mélanthios, một kẻ phản phúc đã từng lăng nhục, xua đuổi Ulysse khi chàng giả dạng làm người hành khất đến căn phòng lớn và cung cúc tận tụy phục vụ, hầu hạ bọn cầu hôn, giờ đây tìm cách giúp đỡ chúng. Hắn luồn được ra ngoài nhờ ở một chiếc cửa ngách nào đó và chạy đến chỗ để vũ khí. Hắn chạy đi chạy lại đem đến cho bọn cầu hôn mười hai chiếc khiên, mười hai ngọn lao đồng và mười hai chiếc mũ trụ bằng đồng. Thấy bọn cầu hôn bỗng dưng có khiên, lao và mũ trụ, Ulysse bối rối, chột dạ. Chàng nói với Télémaque:

- Télémaque con ơi! Con xem ngay xem có đứa nào nối giáo cho giặc làm cho cuộc giao tranh của chúng ta sinh chuyện khó khăn như thế này. Tìm cách đối phó trừng trị ngay.

Télémaque đáp lại lời cha:

- Cha ơi! Cha tha tội cho con. Vì con sơ ý không đóng kín bịt chặt hết mọi cửa nên mới còn có một lối thoát ra ngoài, do đó một kẻ phản phúc nào đấy đã đi lấy vũ khí đem về cho bọn chúng. Hẳn lại là gã Mélanthios!

Và cậu ra lệnh cho ông già Eurymaque:

- Lão Eurymaque ơi! Lão tìm cách bịt ngay cái cửa ngách nào đó lại và theo dõi xem tên phản phúc nào đã chi viện vũ khí cho bọn cầu hôn.

Eurymaque tuân lệnh ra đi và chỉ một lát đem tin về:

- Hỡi Ulysse, người anh hùng trăm nghìn kế, con nuôi của Zeus và con đẻ của lão vương Laerte! Chính tên Mélanthios đốn mạt đã làm cái công việc phản phúc nguy hiểm đó. Ta thấy nó chạy đến nhà kho chứa vũ khí. Ta thì già yếu, nghĩ mình giết hắn thì khó mà bắt sống hắn để giải về đây thì chẳng được nên ta phải về đây để trình báo với ngài!

Ulysse người anh hùng kiên định đáp lại:

- Hỡi Eurymaque và Philétios! Dù bọn cầu hôn có liều mạng đến đâu để tìm cách vượt ra khỏi phòng này thì ta và Télémaque cũng quyết đánh bật chúng trở lại. Hai người hãy yên tâm. Ngay bây giờ hai người lập tức đến chỗ nhà kho tìm cách bắt sống bằng được tên phản phúc ấy. Hãy trói hắn lại, nhốt hắn trong nhà kho, đóng chặt cửa lại. Chúng ta sẽ tính chuyện với quân đốn mạt ấy sau khi trừng trị xong bọn cầu hôn.

Tuân lệnh Ulysse, hai gia nhân của chàng vội đến nhà kho. Hai người nấp rình sau cánh cửa, mỗi người một bên. Tên chăn dê Mélanthios lúc này đang lục tìm vũ khí trong kho. Hắn lấy được vũ khí đem ra đến cửa thì ập một cái, như một cơn gió mạnh, ông già Eurymaque và người chăn chiên Philétios xông ra chặn đường quật ngã Mélanthios, túm lấy tóc hắn lôi tuột vào trong nhà kho. Họ trói quặt tay tên phản phúc về sau lưng và không quên quấn thêm nhiều vòng dây nữa quanh người hắn. Sau đó họ treo hắn lơ lửng giữa nhà. Rất nhanh chóng, họ rời khỏi nhà kho, đóng chặt cửa lại, trở lại cùng với cha con Ulysse trấn giữ trước cửa gian phòng lớn. Nữ thần Athéna lúc này cũng đến bên Ulysse khích lệ lòng dũng cảm của chàng. Nàng chưa lao vào cuộc giao tranh đẫm máu lúc này mà biến mình thành một con chim én bay vụt lên đậu ở trên xà nhà.

Bọn cầu hôn dưới sự cầm đầu của Agélaos không hề nản chí. Chúng quyết chiến để thoát ra ngoài bằng được. Agélaos ra lệnh cho sáu người, chỉ sáu người thôi, cùng một lúc phóng lao và chỉ nhằm vào Ulysse. Theo hắn thì một khi Ulysse đã bị đánh gục thì ba người kia đối với bọn chúng chẳng đáng kể gì.

Thế là cả sáu tên cầu hôn cùng một lúc phóng mạnh sáu ngọn lao dài nhọn hoắt. Nữ thần Athéna thấy vậy bèn ra tay. Nàng làm cho những ngọn lao bay không trúng đích như bọn cầu hôn mong muốn. Đứa thì phóng lao trúng tường, đứa thì phóng lao trúng cánh cửa, đứa thì trúng bậu cửa... tất cả sáu ngọn lao phóng đều vô ích. Ulysse liền ra lệnh đánh trả. Bốn ngọn lao phóng đi và bốn ngọn lao đều làm tròn nhiệm vụ quang vinh của mình. Bốn tên cầu hôn đều bị lao nhọn xuyên trúng ngực, trúng bụng ngã vật xuống đất giãy giụa. Bọn còn lại liền lui sâu vào cuối căn phòng. Bốn người liền xông lên rút những ngọn lao đồng ở bốn xác chết đẫm máu ra để có vũ khí tiếp tục chiến đấu. Bọn cầu hôn lại phóng lao. Lần này Télémaque bị một ngọn lao sướt qua cổ tay, không gây nguy hiểm, còn Eurymaque thì suýt chết. Một ngọn lao bay lướt trên vai ông già rơi xuống đất. Phe Ulysse tiếp tục tấn công. Lại bốn tên cầu hôn nữa đền tội. Nữ thần Athéna xuất hiện. Từ trên xà nhà cao nàng hiện ra, giương chiếc khiên danh tiếng lẫy lừng của mình ra. Bọn cầu hôn trông thấy nữ thần với chiếc khiên ấy sợ hãi rụng rời. Chúng không còn hồn vía nào để tiếp tục cuộc giao tranh. Chúng la hét bỏ chạy hòng tìm một lối thoát ra ngoài, nhưng vô ích. Hai cha con Ulysse và hai người đầy tớ trung thành xông vào lũ cầu hôn, phóng lao, vung kiếm đâm chém. Họ không gặp một sự kháng cự nào nữa. Chỉ phút chốc xác bọn cầu hôn nằm ngổn ngang trên nền nhà, máu chảy lênh láng, thật rùng rợn.

Trong đám bọn cầu hôn có người ca sĩ Phémios chẳng có lao dài và kiếm nhọn. Lão chỉ có cây đàn và lời ca. Sợ hãi trước cái chết kề bên, lão vứt vội cây đàn xuống đất, chạy đến quỳ trước mặt Ulysse ôm lấy đầu gối của chàng mà cất tiếng van xin:

- Hỡi Ulysse, ta xin ngài đừng giết ta! Xin ngài đừng cự tuyệt lời cầu xin của ta! Nếu ngài giết một nghệ nhân đã từng hát và chỉ có việc chuyên hát cho các vị thần bất tử và những người trần đoản mệnh nghe để làm vui lòng họ thì sau này ngài sẽ lấy làm ân hận. Chính nhờ thần linh truyền dạy mà ta biết đàn ca. Hơn nữa ta đến nhà này đem tiếng đàn và lời ca của mình phục vụ cho bọn cầu hôn trong những lúc chúng say sưa chè chén chẳng phải do lòng ta muốn và thích thú. Ta phải đến là vì bọn họ đông người có quyền lực và sức mạnh hơn ta, ép buộc ta. Chính cậu Télémaque là người có thể xác nhận điều ta nói là đúng.

Télémaque nghe lão ca sĩ thần thánh nói như vậy. Cậu bèn nói với cha:

- Xin cha hãy ngừng tay! Xin cha đừng trừng trị lão vì lão không có tội, và nếu Médon, người truyền lệnh còn chưa bị ngọn lao hay mũi kiếm của cha con ta hay của ông già Eurymaque và bác Philétios thì xin cha hãy tha cho ông ấy nữa. Ông ta là người tốt bụng. Khi cha vắng nhà chính ông ấy đã chăm nom, săn sóc con.

Télémaque nói vậy và Médon lúc đó nấp dưới một chiếc ghế bành trùm kín người bằng một tấm da bò để tránh cái chết nghe thấy hết. Ông lập tức chui ra, quỳ trước Télémaque, van xin cậu nói với người cha thân yêu đừng giết ông vì ông vô tội, vì ông cũng rất căm ghét bọn cầu hôn.

Ulysse vui vẻ nói với hai người:

- Con trai ta đã bênh vực cho các người thì các người không việc gì mà phải lo sợ. Ta muốn hai người hiểu biết điều này và sẽ nói cho mọi người khác cùng biết: ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp ác. Vì trong cuộc sống, ăn ở hiền lành thì bao giờ cũng tốt hơn, quý hơn là ăn ở độc ác, nhưng thôi các người hãy lui ra ngoài sân kia để chúng ta hoàn thành nốt những công việc phải làm.

Bốn người sục sạo khắp gian phòng lớn xem có còn tên cầu hôn nào lẫn trốn để hòng thoát chết không nhưng không thấy. Ulysse liền lệnh cho gia nhân đưa xác của bọn cầu hôn nằm ngổn ngang trong gian phòng lớn ra ngoài. Chàng chỉ dẫn cho mọi người cách rửa ráy gian phòng và bàn ghế sao cho thật sạch sẽ không còn mùi tanh tưởi của cuộc đổ máu khủng khiếp vừa rồi. Cuối cùng, chàng ra lệnh trừng trị những nữ tì phản phúc và tên chăn dê Mélanthios đốn mạt. Đòn trừng trị thật khủng khiếp và rùng rợn. Thật chẳng đáng kể ra chuyện này vì nó không còn chút gì là văn minh nhân đạo.

Pénélope nhận ra chồng

Tuân lệnh Ulysse, bà già Euryclée lòng tràn đầy mừng rỡ hớn hở lên tầng cao báo cho Pénélope biết tin người chồng thân yêu của nàng đã trở về, đang ở dưới nhà chờ đón nàng. Bà bước đi vội vã, hấp tấp nên cứ luôn bị vấp ngã. Bà đến đầu giường Pénélope cất tiếng gọi:

- Pénélope! Pénélope hỡi! Dậy đi con! Dậy đi, mau lên! Con hãy xuống ngay dưới mà xem. Điều mà con ngày đêm mong ước bây giờ đã thành sự thật. Ulysse đã về. Chàng về rồi, chàng ở dưới nhà ấy! Chàng đã trừng trị bọn cầu hôn hống hách, cậy quyền thế ức hiếp con người. Chàng đang mong gặp con đấy!

Pénélope thận trọng đáp lại:

- Già ơi! Già nói gì mà kỳ lạ như vậy. Già không biết ta đang ngủ sao? Có lẽ già đã mất trí rồi đó vì thế nên mới nói ra cái chuyện vô lý, nhảm nhí như vậy. Ta mấy hôm nay trong người mệt nhọc ưu phiền, ngủ chẳng ngon giấc. Thế mà vừa chợp mắt đi tưởng được ngủ một giấc cho lại sức thì già lại lên đánh thức ta vì một chuyện hồ đồ, khó tin như vậy. Ta giận lắm, nhưng thôi ta tha tội cho. Già hãy xuống nhà đi.

Bà già nhũ mẫu Euryclée đáp:

- Hỡi Pénélope thân yêu! Già không nói sai đâu. Đích thực hai năm rõ mười là Ulysse đã về. Chàng đang ở tại nhà, ở dưới nhà chờ con. Chàng chính là người khách lạ, ông lão hành khất mà con đã tiếp đãi và truyền cho ta rửa chân cho ông lão đấy. Télémaque biết việc này từ lâu nhưng nó khôn ngoan giữ kín mưu kế mà hai cha con đã bày đặt ra để trừng trị xong bọn cầu hôn mới biểu lộ niềm vui.

Bà già nói vậy khiến cho Pénélope mừng rỡ cuống cuồng. Nàng nhảy ra khỏi giường, ôm chầm lấy bà lão, nước mắt chan hòa. Nàng nói:

- Già ơi! Vậy thì đầu đuôi câu chuyện ra sao? Nếu Ulysse đã về thì mình chàng làm sao có thể giết được bọn cầu hôn? Mình chàng làm sao địch lại với bọn chúng đông đảo gấp bội?

Euryclée trả lời:

- Già không biết gì và cũng không được chứng kiến cuộc giao tranh xảy ra như thế nào, vào lúc nào. Ngồi ở trong phòng, già và các nữ tì chỉ nghe thấy tiếng xô xát và tiếng kêu la, rên rỉ của những người bị thương đau đớn đang chờ chết mà thôi. Ôi chao! Già và đám nữ tì sợ run bắn cả lên. Cửa ngõ đều đóng chặt chẳng làm sao mà ngó ra ngoài được. Thế rồi Télémaque đến gọi già. Già sang căn phòng lớn thì thấy Ulysse đang đứng giữa những xác chết nằm ngổn ngang trong phòng. Người chàng bê bết máu đỏ và bụi đen. Bây giờ thì xác bọn cầu hôn đã đưa khỏi phòng, xếp gọn vào một góc sân rồi. Còn Ulysse đã sai nữ tì rửa ráy gian phòng. Chàng sai già đem diêm sinh và lửa đến để chàng tẩy uế gian phòng. Già tuân theo lời chàng làm ngay không chậm trễ. Tiếp đó chàng bảo già lên gác cao mời con xuống. Vậy con hãy cùng xuống nhà với già để gặp chàng, để cho già được chứng kiến niềm vui đoàn tụ của hai con. Xuống đi con! Xuống đi!

Nhưng Pénélope vẫn không tin ngay được vào cái sự thật quá đỗi lạ lùng mà bà già đã kể ra. Nàng có biết đâu được mưu trí cao sâu của chồng nàng. Nàng vẫn chưa tin Ulysse đã trở về. Còn việc bọn cầu hôn bị trừng trị thì nàng cho rằng đã có một vị thần nào phẫn nộ trước sự xấc láo của chúng, bắt chúng phải đền tội. Bà già Euryclée lại thuyết phục Pénélope. Bà kể lại việc bà rửa chân cho người hành khất, bà nhận ra được vết sẹo do xưa kia Ulysse đi săn bị lợn rừng húc. Bà nói đến việc Ulysse đưa tay bịt miệng bà lại và cấm không cho bà được tiết lộ với ai việc chàng đã trở về.

Hai người từ trên lầu cao bước xuống dưới nhà. Pénélope trong lòng thật phân vân, băn khoăn. Có thật là Ulysse đã về không? Nếu thật chàng đã về thì nàng nên đứng xa để hỏi chuyện cho hai năm rõ mười, ngọn ngành sáng tỏ hay nên chạy đến ôm chầm lấy mà hôn, mà đưa tay chàng lên miệng mà hôn? Nàng đi xuống nhà, bước qua ngưỡng cửa bằng đá và đến ngồi trước mặt Ulysse lưng tựa vào một bức tường. Còn Ulysse đã ngồi từ trước, lưng tựa vào một cái cột cao. Cả hai người đều lặng thinh không nói. Ánh lửa hồng cháy bập bùng hắt ánh sáng lên khuôn mặt những người ở trong gian phòng. Pénélope thì ngỡ ngàng, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Ulysse thì cúi nhìn xuống đất chờ xem vợ mình sẽ đối đãi với mình như thế nào. Nhưng Pénélope vẫn im lặng. Khi thì nàng nhìn con người ngồi trước mặt nàng đúng là chồng nàng, người anh hùng Ulysse thân yêu của nàng, khi thì nàng lại ngỡ ngàng cảm thấy như một người xa lạ. Télémaque thấy vậy liền cất lời trách móc:

- Mẹ ơi! Mẹ thật lạnh lùng, tàn nhẫn. Trái tim mẹ độc ác quá chừng! Sao mẹ lại ngồi xa cha con thế kia? Sao mẹ không đến bên cha con, vồn vã hỏi han cha con? Thật không có một người vợ nào cứng rắn, sắt đá đến mức sau hàng chục năm trời người chồng đi biền biệt, chìm nổi trong bao nhiêu nỗi gian truân, bây giờ trở về được đến nhà đến cửa, thấy vợ, thấy con mà vợ thì ngồi cách xa chồng như vậy, chẳng nói chẳng rằng như vậy. Sao mẹ lại lạnh lùng, cứng rắn đến thế?

Pénélope thận trọng đáp lại:

- Con ạ! Lòng mẹ kinh ngạc quá chừng! Mẹ không sao nói được nên lời, mẹ cũng không thể hỏi han, nhìn thẳng vào mặt người mà mới đây chỉ là một lão hành khất kể chuyện cho mẹ về Ulysse còn đang trên đường trở về quê hương mà bây giờ lại đã là người chồng của mẹ. Dù sao con cứ yên tâm. Nếu đích thực đây chính là Ulysse, Ulysse đã trở về thì con có thể tin chắc rằng thế nào cha con và mẹ cũng sẽ nhận được ra nhau một cách dễ dàng, bởi vì cha và mẹ có những kỷ niệm riêng, những dấu hiệu riêng chỉ có hai người biết với nhau, còn người ngoài chẳng ai biết được. Vì thế con chẳng nên vội trách cứ mẹ làm gì.

Pénélope nói như vậy. Ulysse cao quý và kiên định mỉm cười. Rồi chàng nói với Télémaque như sau:

- Télémaque con! Đừng làm phiền lòng mẹ! Mẹ con xem ra còn muốn thử thách cha đấy, nhưng thế nào rồi mẹ cũng sẽ nhận được cha thôi. Chắc chắn là như thế. Hiện giờ người cha còn bẩn thỉu, áo quần rách rưới, đúng là một kẻ hành khất mà. Vì thế nên mẹ con khinh thị chưa dám nhận cha đâu. Tuy nhiên về phần cha con ta thì cũng phải tính đến chuyện đối phó với gia đình bọn cầu hôn. Chúng ta đã sát hại bao nhiêu chàng trai của những gia đình quyền quý. Anh em, họ hàng của những người đó hẳn oán thù chúng ta và sẵn sàng đòi nợ máu. Con nên suy nghĩ.

Nói xong, Ulysse vào phòng tắm, và khi chàng từ phòng tắm đi ra thì trông đẹp đẽ uy nghi như một vị thần. Chàng lại trở về chỗ cũ, ngồi đối diện với Pénélope. Pénélope vẫn im lặng. Bực mình, Ulysse nói:

- Nàng thật là người sắt đá. Trái tim nàng lạnh giá như một tảng băng chắc. Có lẽ các vị thần đã ban cho nàng trái tim ấy để nàng khác hẳn những người đàn bà trần thế vốn mang tiếng là yếu đuối và dễ xúc động. Bởi vì chẳng có một người vợ nào đối đãi với chồng như nàng, người chồng bao nhiêu năm xa cách bây giờ trở về những tưởng được vợ vồn vã hỏi han, ân cần chăm sóc thì lại chỉ được sự im lặng, lạnh lùng. Thôi thôi, già ơi! Già hãy kê cho tôi một chiếc giường để tôi ngủ một mình như hàng bao nhiêu năm nay tôi vẫn thường ngủ. Thật là buồn chán quá đỗi!

Nghe Ulysse nói vậy, nàng Pénélope khôn ngoan đáp lại:

- Thật là kỳ lạ! Không, ta chẳng kiêu kỳ, khinh rẻ một ai, ta cũng không ngạc nhiên đến rối tâm loạn trí. Ta biết rõ chàng, chồng ta như thế nào khi chàng từ giã Ithaque ra đi trên con thuyền có những mái chèo dài. Này, hỡi Euryclée. Già ơi! Già hãy cùng gia nhân vào trong căn phòng riêng của ta khiêng chiếc giường đẹp đẽ, vững chắc do chính bàn tay khéo léo của Ulysse đóng, ra ngoài này. Sau đó già dọn giường, lót đệm trải chăn cho sạch sẽ cẩn thận để vị khách cao quý của chúng ta nghỉ.

Pénélope nói vậy để thử xem con người mà nàng bán tín bán nghi là chồng mình có đích thực thật không. Những Ulysse giật mình sửng sốt nói với Pénélope ngay:

- Nàng ơi! Nàng vừa nói một điều làm cho trái tim ta đau nhói. Quả thật nó xúc phạm đến ta. Ai là người đã khiêng chiếc giường của ta, đã khiêng nó đi, dời nó đi một chỗ khác, trước cái ngày hôm nay rồi? Đây là một việc cực kỳ khó khăn mà chắc rằng nếu không có thần linh giúp đỡ thì một người trần thế có tài khéo léo đến đâu cũng không làm nổi. Đối với một vị thần thì hẳn rằng việc xê dịch dời nó đi chỗ khác thật dễ dàng, nhưng còn đối với người trần thì không có một người nào ở thế gian này dù có sức lực đang trai khỏe mạnh như hùm như sói cũng không lay chuyển được chiếc giường. Bởi vì chiếc giường được đóng rất khác thường, kỳ lạ. Chính ta, ta đo đạc, xẻ gỗ... và đóng nó chứ không phải một người thợ nào hết. Nguyên trong sân nhà ta có một chồi cây ôliu lá dài xanh tốt, to như một cây cột. Ta tính toán xây cất gian phòng riêng của vợ chồng ta quanh cây ôliu đó. Ta đã lấy đá tảng xếp cho thật khít và cất lên gian phòng với bốn bức tường dày dặn. Ta lợp mái kỹ lưỡng rồi mới lắp những cánh cửa bằng gỗ tấm, đóng rất chắc chắn. Sau đó ta chặt hết cành của cây ôliu lá dài, giữ lại một đoạn gốc hơi cao, và ta đẽo gọt đoạn này cho thật vuông vắn để làm một cái chân giường. Ta đã đục, khoan quanh đoạn này để lắp đặt với những bộ phận khác cho được dễ dàng. Ta đã bào nhẵn và đánh bóng chiếc giường đó của ta. Ta lại dùng vàng bạc, ngà voi nạm vào đầu giường. Cuối cùng, ta trải lên chiếc giường một tấm da màu đỏ mới tinh, rất đẹp. Đấy là dấu hiệu riêng biệt mà ta kể lại với nàng, nhưng nàng ơi! Ta muốn biết liệu cái giường đó có còn ở nguyên chỗ cũ hay không? Hay là một người nào đó đã chặt tận gốc cây ôliu để dời chiếc giường đi nơi khác.

Ulysse nói thế. Pénélope lắng nghe từng câu từng lời và nàng bàng hoàng cả người, chân tay như run bên. Ulysse đã kể lại tỉ mỉ, chính xác, rõ ràng đúng như sự thật. Nàng chạy đến ôm chầm lấy Ulysse, nước mắt chan hòa, hôn tới tấp lên vầng trán của chàng.

- Ulysse hỡi! Xin chàng đừng giận! Bởi vì chàng lúc nào cũng là con người khôn ngoan hơn những người khác. Ôi chao! Các vị thần đã giáng xuống cuộc đời chúng ta biết bao nỗi bất hạnh. Các vị thần đã ghen ghét chúng ta. Các vị chẳng muốn cho chúng ta được hưởng niềm vui bên nhau, được cùng nhau hưởng hạnh phúc của tuổi xuân và cùng nhau đi đến tuổi già. Xin chàng đừng giận em, cũng đừng oán trách em về nỗi đã gặp chàng mà vẫn không tin, không chạy tới ôm chàng. Bởi vì từ ngày chàng ra đi trái tim em luôn sống trong nỗi lo âu phấp phỏng. Có người sẽ đến đây dùng những lời lẽ ngọt ngào để dụ dỗ lừa dối em. Trên đời này chẳng thiếu những người mà đầu óc chỉ có tính chuyện lừa đảo và làm hại người khác. Nếu như nàng Hélène người đất Argos, con gái của thần Zeus, biết trước được rằng sẽ có ngày những người con trai anh dũng của những người Achéens lại đưa nàng về nơi quê cha đất tổ thì nàng hẳn chẳng trao gửi tấm thân mình vào một chiếc giường của người khách xa lạ. Chắc chắn một vị thần đã khơi lên những dục vọng thấp hèn trong trái tim nàng chứ không phải chính nàng. Trái tim khốc hại, cái lỗi lầm đã gây ra cho chúng ta bao nhiêu đau khổ. Giờ đây chàng đã nói với em những bằng chứng chẳng thể gì chối cãi được, chàng tả lại chiếc giường thân thiết ấy mà chỉ có chúng ta và một người nữ tì biết, người nữ tì tên là Aktoris mà cha em đã cho theo hầu phòng của chúng ta. Chàng đã thuyết phục được em, trái tim em hoàn toàn thuộc về chàng mặc dù nó vốn rất ương bướng.

Nàng nói như vậy khiến Ulysse rất đỗi xúc động. Chàng ôm lấy người vợ thủy chung của mình, người vợ xiết bao thân thiết của cuộc đời chàng mà khóc. Dịu hiền thay đất liền khi nó hiện ra trước mặt những khi bị thần Poséidon gây bão tố làm đắm con thuyền của họ bằng sóng cả gió to. Họ đã bơi trên biển khơi hung bạo điên cuồng. Họ bị dìm xuống biển khơi trắng xóa không sao thoát nổi để bơi được vào bờ. Còn những người sống sót mình bám đầy bọt nước sung sướng đặt chân lên mảnh đất liền mà họ thiết tha mong đợi. Cũng vậy, Pénélope gặp lại chồng với niềm sung sướng khôn tả. Nàng nhìn chồng âu yếm, nhìn đắm đuối như không biết chán và đôi cánh tay trắng muốt của nàng như không sao rời khỏi được cổ chàng. Hai vợ chồng đã kể lại cho nhau nghe những nỗi đau khổ, nhớ thương mà mình đã phải chịu đựng trong những năm tháng xa cách.

Trong khi đó, Eurynomé và bà già nhũ mẫu Euryclée dọn giường. Télémaque và ông lão chăn lợn Eumée, bác chăn chiên Philétios cùng với những nữ tì tưng bừng ca múa, vui chơi.

Ngày hôm sau, Ulysse rời khỏi đô thành về quê thăm cha là lão vương Laerte. Từ ngày Ulysse ra đi và vắng bặt tin tức hàng chục năm trời, cụ buồn rầu rời bỏ đô thành về quê sống với ruộng vườn. Cụ chẳng thiết ăn ngon, mặc đẹp, chẳng nằm chăn êm đệm ấm, vứt bỏ hẳn cung cách sống sang trọng trước kia ở đô thành. Ngay cả mùa đông cụ cũng ngủ trong nhà với gia nhân, nằm bên cạnh bếp lửa. Cụ sống với nỗi buồn rầu và mong đợi triền miên, ngày trở về của đứa con trai yêu quý. Ngày ngày cụ làm vườn, cuốc đất, tưới cây, trồng rau, chăm bón... thành thạo như một người nông dân.

Ulysse trở về thăm cụ, lòng bùi ngùi xúc động khi chàng thấy cụ không nhận được ra chàng. Cụ không tin rằng con mình còn sống mà trở về, nhưng bằng những dấu hiệu chắc chắn mà chỉ có cụ và những người thân thích trong gia đình biết, những dấu hiệu mang một kỷ niệm không thể nào quên được, cụ đã nhận ra con. Cụ ôm choàng lấy cổ con trai yêu quý, xúc động ngất đi trong vòng tay của con. Chờ đến khi cha mình hồi tỉnh, Ulysse dìu cụ vào trong nhà, và hai cha con đã kể lại cho nhau nghe những nỗi niềm tâm sự trong những ngày xa vắng.

Còn cụ bà, Anticlée, mẹ của Ulysse thì từ khi Ulysse vắng nhà cụ thương nhớ, sầu não khôn nguôi. Tình cảnh lại càng chán nản hơn khi cụ thấy ngày ngày bọn cầu hôn đến thúc ép Pénélope, phá hoại tài sản của Ulysse. Nỗi ưu phiền và lòng thương nhớ con đã làm tuổi già của cụ càng héo hon ủ rũ, và chúng đã cướp đi cuộc sống êm dịu như mật ong của người mẹ kính yêu của Ulysse.

Eupithès đòi trả thù, nữ thần Athéna hòa giải

Nữ thần Tiếng đồn, người đưa tin nhanh nhẹn của thần Zeus có nhiều mắt, lắm mồm, chứng kiến cảnh lũ cầu hôn bị trừng trị đã chạy khắp nơi khắp chốn trong thành kể lại cái chết khủng khiếp của bọn chúng, số phận bất hạnh của bọn chúng. Thân nhân của những kẻ bị giết nghe tin, lập tức mọi đường mọi nẻo kéo nhau đến gào thét, khóc than trước cửa lâu đài của Ulysse. Họ mang thi hài của bọn cầu hôn ra khỏi sân và làm lễ tang chôn cất chúng. Thi hài của những kẻ ở đô thành khác không ở trên hòn đảo Ithaque thì được đưa xuống những con thuyền chạy nhanh và những người đánh cá đảm đương trách nhiệm đưa thi hài của người đô thành nào về đô thành ấy.

Khi việc chôn cất đã xong xuôi, những người Ithaque kéo nhau đến quảng trường họp, lòng bừng bừng căm giận. Eupithès là người đầu tiên đứng lên cất tiếng nói trước hội nghị. Bởi vì ông ta có con bị giết, và con ông là Antinoos, người đầu tiên trong số bọn cầu hôn bị Ulysse thần thánh giết chết. Đứng lên vừa khóc con vừa nói, ông ta kêu gọi trả thù. Những người Ithaque bị kích động lòng bừng bừng phẫn nộ, quyết lấy máu rửa hờn, đòi trả nợ máu. Nhưng Médon, người truyền lệnh khôn ngoan đứng lên can ngăn họ. Ông nói cho mọi người biết việc Ulysse trừng phạt bọn cầu hôn là theo ý muốn của thần thánh. Chính một vị thần đã xuống giúp đỡ Ulysse, khích lệ Ulysse và làm cho bọn cầu hôn kinh hồn táng đởm chẳng có đầu óc và sức lực nào mà giao tranh với Ulysse. Tiếp lời người truyền lệnh Médon là lão anh hùng Halitherses. Trong tất cả những người Ithaque, ông nổi danh vì tài hiểu biết. Ông chẳng những thông hiểu quá khứ mà còn đoán trước được tương lai. Ông lấy lời lẽ ân cần thuyết phục mọi người, chỉ ra cho mọi người thấy lỗi lầm của họ là đã không ngăn cản việc làm rồ dại, bất công của con em mình. Ông khuyên mọi người đừng nên gây chuyện với Ulysse vì như thế là chuốc tai họa vào thân. Sau khi nghe Médon và Halitherses nói, quá nửa đám người dự hội nghị ở quảng trường kéo nhau ra về. Số còn lại dưới sự cầm đầu của Eupithès, nghe theo lời kích động của hắn, lập tức bảo nhau đi lấy vũ khí, võ trang khiên giáp sáng ngời hùng hùng hổ hổ kéo nhau đi báo thù.

Nữ thần Athéna chẳng rời mắt khỏi những diễn biến ở hòn đảo Ithaque dưới quyền cai quản của người anh hùng danh tiếng Ulysse. Nàng lập tức lên thiên đình tường trình mọi việc cho đấng phụ vương Zeus được biết để xin người quyết định: chiến tranh hay hòa giải. Thần Zeus không muốn cuộc tranh chấp kéo dài. Thần phán truyền cho nữ thần Athéna biết chủ kiến của mình. Nữ thần Athéna được lệnh của Zeus liền băng mình khỏi đỉnh Olympe cao ngất bốn mùa mây phủ để xuống Ithaque.

Trong khi đó dưới sự cầm đầu của Eupithès, một khối người đông đảo lao nhọn chĩa nhăm nhăm về phía trước, tiến đến cung điện của Ulysse. Thấy vậy, Ulysse cùng con trai là Télémaque và các gia nhân lập tức khoác khiên vào vai, đeo kiếm bên sườn, lao nhọn cầm tay sẵn sàng nghênh chiến. Cả lão vương Laerte và ông già Dolios, người bạn thân thiết của lão vương, lúc này đã trở về đô thành, cũng vũ trang khiên giáp sáng ngời. Ulysse dẫn đầu, mọi người tiến bước theo sau. Nữ thần Athéna đến bên lão vương Laerte khích lệ cụ, và cụ đã giáng đòn đầu tiên khai chiến. Được nữ thần Athéna truyền cho sức mạnh, cụ giương ngọn lao dài lên đầu, ngả người về phía sau lấy đà rồi phóng mạnh. Ngọn lao bay đi trúng đầu Eupithès. Chiếc mũ trụ bằng đồng chẳng ngăn nổi mũi lao nhọn xuyên mạnh từ bên này sang bên kia. Eupithès đổ xuống không kêu được một tiếng. Thế là Ulysse và các bạn chiến đấu xông vào đám người đông đảo đâm chém. Chúng lần lượt ngã xuống rên la. Bỗng nhiên một tiếng thét ầm vang nổi lên khiến cho quân sĩ hai bên đều rùng mình kinh hãi. Nữ thần Athéna hiện ra trên bầu trời, ngay trên đầu họ truyền phán:

- Hỡi nhân dân Ithaque! Hãy chấm dứt cuộc giao tranh khủng khiếp này ngay! Đừng làm máu chảy đầu rơi thêm nữa! Hãy ngừng chiến ngay lập tức!

Thần Zeus, để làm cho lời nói của nữ thần Athéna thêm phần hiệu quả, liền vung tay. Một đòn sấm sét rung chuyển trời đất giáng xuống ngay trước mặt quân sĩ hai bên. Bên Ulysse lập tức thu quân. Còn bên Eupithès thì như rắn mất đầu vứt vũ khí cuống cuồng bỏ chạy.

Từ đây một cam kết thiêng liêng giữa hai phe đã xóa bỏ mối thù giữa họ với nhau, và mọi người sống hòa hiếu trong tình bằng hữu. Công lao tạo dựng nên sự nghiệp này là của nữ thần Athéna, con gái của đấng phụ vương Zeus.

CHUYỆN VỀ AGAMEMNON VÀ NGƯỜI CON TRAI, ORESTE

Agamemnon bị mưu sát

Việc hoàng tử Paris con của lão vương Priam ở thành Troie sang đất Hy Lạp quyến rũ nàng Hélène xinh đẹp, vợ của người anh hùng Ménélas, đã gây nên một sự căm phẫn trong toàn dân Hy Lạp. Các vị anh hùng theo lời kêu gọi của anh em Atrides tức Agamemnon và Ménélas, đều đồng thanh nhất trí cất quân sang thành Troie hỏi tội lũ người đã xúc phạm đến danh dự và truyền thống quý người trọng khách của người Hy Lạp, đòi bằng được nàng Hélène về. Agamemnon được cử làm Tổng Chỉ huy, thống lĩnh các đạo quân trên toàn đất Hy Lạp vượt biển tiến hành cuộc viễn chinh.

Từ biệt người vợ trẻ đẹp là nàng Clytemnestre ra đi, Agamemnon an ủi nàng và hứa: Chừng nào mà thành Troie bị hạ, quân Hy Lạp giành được toàn thắng, thì chàng lập tức báo tin ngay về nhà để Clytemnestre biết. Cách báo tin như sau: Quân lính theo lệnh chàng sẽ đốt một đống lửa thật to trên một ngọn núi cao. Nhận được tín hiệu này, các nơi sẽ lại đốt lửa, cứ thế ngọn lửa từ ngọn núi này truyền tin cho ngọn núi khác. Chẳng bao lâu ở cung điện của chàng tại đô thành Argos mọi người có thể biết tin thành Troie đã thất thủ, quân Hy Lạp đại thắng, biết rất nhanh, và Clytemnestre có thể yên tâm tính ngày để chuẩn bị đón chàng.

Nhưng cuộc Chiến tranh Troie không thể kết thúc chóng vánh. Các vị thần đã quyết định: Quân Hy Lạp phải mất mười năm trời giao tranh, vây hãm thành Troie, phải hao binh tổn tướng kể có hàng ngàn người, mới có thể giành được toàn thắng.

Và bây giờ đang là năm thứ mười của cuộc chiến tranh. Kể từ năm này, nữ hoàng Clytemnestre đêm nào cũng sai một tên quân hầu leo lên mái cao của tòa lâu đài để canh chờ, ngóng đợi ánh lửa tín hiệu chiến thắng. Ròng rã suốt đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, người lính đêm đêm căng mắt dõi nhìn vào bóng tối. Mệt mỏi, mỗi khi ngả mình xuống chiếc ổ ướt đẫm sương đêm, anh lính không dám buông mình cho giấc ngủ ngon lành lôi cuốn. Anh sợ hãi giấc ngủ sẽ làm anh phạm tội. Buồn chán, anh than vãn cho cảnh gia đình của chủ tướng Agamemnon chẳng còn cái nền nếp như xưa. Anh chỉ có một ước ao, mong sao cho cái ánh lửa tín hiệu chiến thắng xuất hiện, xuất hiện sớm ngày nào hay ngày ấy để chấm dứt cho anh nỗi vất vả nhọc nhằn, nhưng có lẽ người trông chờ, mong đợi cái ánh lửa tín hiệu chiến thắng, nung nấu nhất, khắc khoải nhất chẳng phải là anh lính gác, mà là nữ hoàng Clytemnestre.

Thế rồi vào một đêm ánh lửa xuất hiện. Người lính gác trên nóc lâu đài bỗng nhìn thấy ánh lửa rực sáng lên từ phía xa. Khi đó đêm đen đang nhạt dần và bình minh sắp đến. Ánh lửa xuất hiện xa xa ở dãy núi trước mặt mới đầu sáng lóe, chập chờn rồi ngày càng bùng to lên bốc cao lên. Đích thực là ánh lửa tín hiệu chiến thắng rồi! Người lính gác reo to lên, kêu gào lên cho mọi người trong đô thành được biết: Thành Troie đã bị hạ! Thành Troie đã bị hạ! Ngọn lửa báo tin chiến thắng đang bùng cháy kia kìa! Chủ tướng Agamemnon sắp trở về! Chủ tướng Agamemnon sắp trở về! Người lính gác sung sướng, mừng rỡ đến trào nước mắt. Thế là cuộc Chiến tranh Troie đã kết thúc. Rời nóc tòa lâu đài, chạy vội đến nơi nữ hoàng Clytemnestre đang nghỉ để trình báo tin vui.

Nhận được tin chiến thắng, Clytemnestre ra lệnh cho các nữ tỳ mau mau sắm sửa lễ vật để tạ ơn thần thánh. Bà ta tỏ vẻ vui mừng khôn xiết nhưng thật ra trong thâm tâm mưu tính một vụ sát nhân hiểm độc. Cuộc Chiến tranh Troie kéo dài đằng đẵng hết năm này qua năm khác, Clytemnestre không chế ngự được nỗi buồn khi vắng chồng nên đã thay lòng đổi dạ. Bà đem lòng yêu Égisthe, một hoàng tử con của Thyeste. Hai người đã ăn ở với nhau ngay trong cung điện từ nhiều năm nay. Vì thế nếu Agamemnon trở về thì thật nguy hiểm. Chắc chắn rằng không thể che giấu Agamemnon câu chuyện phản bội đó được. Như lời phán truyền của thần thánh: Thành Troie sẽ bị hạ vào năm thứ mười, và đương nhiên Agamemnon sẽ trở về. Clytemnestre phải tính chuyện này. Nàng mong đợi cái ánh lửa chiến thắng kia nung nấu trong lòng là để lo liệu chuyện đó cho yên. Tình thế bức bách này nếu không hạ sát Agamemnon thì chắc rằng Agamemnon cũng chẳng tha nàng. Lối thoát duy nhất để cứu mạng mình là phải hạ thủ Agamemnon ngay, không để cho Agamemnon biết chuyện mà nổi giận giáng đòn trừng phạt xuống số phận mình. Clytemnestre đã suy tính như thế.

Được tin thành Troie bị hạ, Agamemnon sắp trở về, nhân dân trong đô thành Argos liền kéo đến tụ tập trước cung điện để bày tỏ niềm vui. Người người nhà nhà đều hân hoan chuẩn bị lễ đón mừng vị vua của họ, người lãnh sứ mạng Tổng Chỉ huy các đạo quân Hy Lạp, trở về với vinh quang rực rỡ của chiến thắng. Các vị bô lão muốn lễ đón chủ tướng Agamemnon phải được tổ chức rất trọng thể ở trong cung điện. Tuy nhiên các vị vẫn còn ngờ vực. Các vị chưa thật tin vào ánh lửa tín hiệu đó. Biết đâu, chuyện đó chẳng phải là trò chơi nguy hiểm của các vị thần? Và làm sao mà có thể biết tin nhanh đến thế? Nữ hoàng Clytemnestre thuật lại mật hiệu mà chồng bà, chủ tướng Agamemnon trước khi lên đường, dặn lại. Bỗng một người đưa tin đến báo: đoàn quân chiến thắng dưới sự thống lĩnh của chủ tướng Agamemnon sắp tới. Clytemnestre tỏ vẻ hết sức xúc động trước thông báo của người lính truyền tin. Bà vội vã vào cung điện để sắm sửa những lễ nghi đón tiếp cho xứng đáng với danh dự và chiến công của chồng bà, nhưng thực ra bà cũng đồng thời chuẩn bị cho việc thực thi âm mưu ám hại người chồng.

Chẳng bao lâu đoàn xe của đại quân xuất hiện. Agamemnon oai phong lẫm liệt trên cỗ chiến xa dẫn đầu đoàn quân chiến thắng. Các chiến sĩ hùng dũng tiến bước sau những cỗ chiến xa. Họ đội trên đầu, quàng vào cổ những vòng nguyệt quế cũng như nhiều thứ lá, thứ hoa đẹp khác nữa để biểu thị niềm kiêu hãnh của người chiến thắng. Theo sau họ là những nữ tù binh cùng với những chiếc xe chất đầy của cải chiến lợi phẩm. Ngay chủ tướng Agamemnon cũng có một nữ tù binh dùng làm tỳ thiếp. Đó là nàng Cassandre có tài tiên đoán, con của lão vương Priam. Nàng ngồi trên cỗ xe đi kề bên Agamemnon, mặt buồn rười rượi. Nàng buồn cho số phận bất hạnh của mình và hai đứa con còn măng sữa. Nàng buồn hơn nữa cho tai họa mà nàng đã tiên đoán thấy sắp giáng xuống đầu Agamemnon mà nàng không cách gì cứu vãn được. Nhân dân đứng hai bên đường tung hô, hết đợt này đến đợt khác những lời chúc tụng, ngợi ca đoàn quân anh hùng. Niềm vui rạng rỡ trên từng khuôn mặt, từng khóe mắt, nụ cười. Nhiều người xúc động đến trào nước mắt.

Clytemnestre đích thân ra đón chồng từ ngoài cung điện. Bà đã ra lệnh cho gia nhân trải thảm đỏ suốt một quãng đường khá dài. Bà đón chồng với những nghi lễ trọng thể như những nghi lễ người ta thường hiến dâng cho các vị thần.

Agamemnon từ trên xe bước xuống. Ông kính cẩn cúi chào mảnh đất quê hương Argos. Ông bày tỏ lòng cảm ơn các vị thần đã phù hộ cho ông giành được chiến thắng trong cuộc giao tranh và ban cho ông niềm hạnh phúc tuyệt diệu là có được ngày hôm nay. Ông cầu xin quê hương, tổ tiên, các vị thần đã ban cho đạo quân Argos vinh quang của chiến thắng thì hãy gìn giữ vinh quang đó mãi mãi. Ông tỏ ý hài lòng trước những nghi lễ đón tiếp ông quá trọng thể, Ông nói với Clytemnestre:

- Hỡi Clytemnestre, người con gái của nàng Léda xinh đẹp! Nàng đã tổ chức lễ đón tiếp ta quá ư xa hoa và trọng thể. Nàng đã trải thảm đỏ dưới chân ta. Những lễ nghi như vậy vốn không phải dành cho những người trần thế đoản mệnh. Chỉ các bậc thần linh bất tử mới xứng đáng với những nghi lễ ấy. Còn ta, ta chỉ là một người trần tục, một người trần tục bình thường. Nếu ta đặt chân lên tấm thảm đó thì chính là ta đã tự mua thù chuốc oán vào người. Lẽ nào ta không biết điều đó? Lẽ nào ta lại không biết sợ phạm vào tội ngạo mạn, kiêu căng khi đặt chân lên tấm thảm đỏ được thêu dệt rất công phu này? Hỡi Clytemnestre! Ta muốn được tôn kính hợp với tư cách và cương vị của ta: Một con người chuẩn mực không phải một vị thần bất tử.

Nhưng Clytemnestre cố sức thuyết phục Agamemnon tiếp nhận nghi lễ đón tiếp đã dành cho ông. Agamemnon đành nhượng bộ song ông quyết định tháo dép, đi chân không lên tấm thảm đỏ vô cùng quý giá để vào cung điện. Ông cho rằng hành động như vậy sẽ không gây nên sự giận dữ, ghen tức của thần linh. Còn Clytemnestre, trước khi nối gót theo bước chân chồng vào cung điện, bà khẩn cầu thần Zeus phù hộ cho bà, hoàn tất những điều bà mong muốn. Bà lại còn xin thần hãy suy nghĩ đến những điều mà thần cần phải tiếp tục phù hộ cho bà để mong muốn của bà được hoàn tất trọn vẹn, mỹ mãn. Bà không quên ra lệnh cho Cassandre vào cung điện. Nhân dân vẫn đứng chờ ở ngoài cung điện. Không ai muốn ra về. Dường như họ linh cảm thấy có một điều gì chẳng lành sẽ xảy ra, sắp xảy ra đối với quê hương, đất nước họ.

Cassandre mặc dù được lệnh phải vào cung điện ngay, nhưng nàng vẫn nấn ná đứng ở ngoài. Tài tiên đoán của nàng chẳng giúp ích gì được cho ai, ngay cho bản thân nàng. Nàng đã tha thiết khuyên can Agamemnon, người chủ của mình và cũng đồng thời là người bạn tình của mình, đừng nên trở về quê hương, nhưng không được. Giờ đây nàng biết rõ tai họa thảm thương không chỉ giáng xuống đầu Agamemnon mà còn giáng xuống cả số phận đen bạc của nàng. Nàng nói lên những điều dự cảm đen tối cho mọi người nghe. Nàng nhắc đến mối thù dòng họ giữa hai anh em Atrée và Thyeste ăn thịt con. Nàng nói thẳng ra rằng chủ tướng Agamemnon sẽ bị giết. Nàng than khóc cho số phận của mình, và trước khi đi vào cung điện để đón nhận cái chết, nàng bẻ gãy cây vương trượng và dứt những tua vải của nó ra vứt xuống đất.

Bỗng từ trong cung điện vang ra một tiếng kêu kinh hoàng:

- Trời ơi! Họ giết tôi! Tôi bị đâm chết rồi! Trời ơi!

Một sự im lặng bao trùm lên không khí ở ngoài cung điện, nơi nhân dân vẫn đứng chờ. Lại có tiếng kêu tiếp. Lần này yếu hơn:

- T...ôi bị đâm chết r...ồi. Trời ơi..!

Nhận ra tiếng vị vua của mình, người chủ tướng đã thống lĩnh các đạo quân Hy Lạp giành chiến thắng trong cuộc viễn chinh sang thành Troie, kêu la, rên rỉ, nhân dân nháo nhác cả lên. Họ bàn tán, hò nhau phá cửa cung điện để vào xem sự thể hư thực ra sao. Đang khi ấy thì Clytemnestre từ trong cung điện bước ra. Bà ta xuất hiện trước nhân dân để công bố cho mọi người biết: Chính tay bà đã giết Agamemnon để thanh toán một món nợ máu từ xưa. Với một thái độ lạnh lùng và trâng tráo, Clytemnestre như một con quỷ dữ kể lại mình đã thực hiện việc mưu sát chồng như thế nào. Agamemnon vào cung điện. Chàng đi tắm. Tắm xong, Agamemnon mặc áo, nhưng chiếc áo to rộng và dài đó lại bị khâu bít ở hai cổ tay khiến Agamemnon cứ lúng túng trong tấm áo. Tấm áo như một chiếc lưới chụp vào người Agamemnon. Chính vào lúc đó Clytemnestre xuất hiện với cây rìu hai lưỡi. Mụ dùng rìu chém liên tiếp hai nhát vào người Agamemnon. Agamemnon lảo đảo rồi gục ngã. Mụ bổ tiếp một nhát thứ ba, kết liễu cuộc đời người chồng của mình.

Nghe Clytemnestre thuật lại vụ mưu sát khủng khiếp, nhân dân căm phẫn, chất vấn, kết tội. Bằng giọng lưỡi ngụy biện trâng tráo, Clytemnestre biện hộ cho tội ác của mình:

- Này hỡi chúng dân Argos! Các người thật là ngu xuẩn và bất công. Các người kết án ta, đòi trục xuất ta khỏi đô thành. Các người nguyền rủa ta. Được! Nhưng các người hãy cho ta hỏi lại một điều. Vì sao khi Agamemnon đang tay bắt Iphigénie con gái ta để làm lễ hiến tế thần linh, cầu xin cho đoàn thuyền Hy Lạp được gió để ra khơi, thì không một ai trong số các ngươi lên tiếng kết tội hắn đòi trục xuất hắn ra khỏi đô thành? Vì sao các người lại đóng vai một quan tòa khắc nghiệt như thế đối với hành động của ta? Còn đối với hắn thì lại rộng lòng dung thứ? Các người đừng đe dọa ta. Ta sẵn sàng chấp nhận một cuộc đọ sức. Này ta nói thêm cho các người rõ: Ta không hề mảy may sợ hãi. Chừng nào mà chàng Égisthe thân yêu của ta còn là người bạn tình chung thủy của ta, chàng sẽ là tấm khiên dày và rộng che chở cho cuộc đời ta. Ta thề trước công lý quyết sẽ báo thù cho con gái ta và ta đã thực hiện. Các người cũng nên nhớ rằng Agamemnon đã gây ra cho ta bao nhiêu đau khổ trong nỗi cô đơn. Còn hắn thì vui thú hết với cô ả Chryséis lại đến Cassandre! Cả hai, hắn và cô ả Cassandre giờ đây đã chịu sự trừng phạt xứng đáng. Ta đã cho chúng vĩnh viễn nằm bên nhau như chúng đã từng chung thủy với nhau. Cả hai đứa con của bọn chúng, ta cũng cho đi theo bố mẹ.

Nghe những lời Clytemnestre biện hộ cho tội ác tày trời của mụ, nhân dân lại càng căm phẫn và kinh tởm mụ đàn bà mặt người dạ thú. Égisthe thấy vậy đứng ra đối đáp nhằm trấn áp sự phản kháng của nhân dân. Với giọng nói hống hách, y đe dọa sẽ bắt hạ ngục những ai công kích, kết án hành động của Clytemnestre và của y. Cũng như Clytemnestre, y cho rằng Agamemnon bị giết là hợp đạo lý. Atrée, cha của Agamemnon xưa kia đã giết con của Thyeste, nấu cỗ mời Thyeste ăn. Là con của Thyeste, ngay từ nhỏ Égisthe đã bị Atrée trục xuất cùng với cha, và bây giờ đây, Égisthe được công lý đưa trở về thành Argos, để trả lại mối thù xưa, chính Égisthe là người bày mưu đặt kế cho cuộc sát hại Agamemnon, còn Clytemnestre là người thực hiện.

Sự công phẫn của nhân dân chẳng vì những lời đe dọa của Égisthe mà dịu bớt. Nhân dân vạch trần hành động hèn nhát của Égisthe, phải mượn tay một người đàn bà để sát hại một vị anh hùng. Bất lực và tức giận điên cuồng trước những lời công kích, Égisthe tuyên bố.

- Hỡi dân chúng của đô thành Argos! Ta long trọng tuyên bố cho các ngươi biết: kể từ ngày hôm nay ta là vua của xứ Argos, toàn bộ cơ nghiệp cũng như của cải của Agamemnon, những chiến lợi phẩm mà Agamemnon đã đưa từ thành Troie về sẽ thuộc quyền sử dụng của ta. Kể từ ngày hôm nay, mọi công dân, già cũng như trẻ nhất nhất đều phải tuân theo lệnh của ta. Kẻ nào chống đối, kháng cự, không chấp hành mệnh lệnh sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Oreste báo thù

Agamemnon lấy Clytemnestre sinh được bốn người con: ba gái, một trai. Gái là Chrysothémis, Électre (còn gọi là Laodicé), Iphigénie (còn gọi là Iphianassa); trai là Oreste. Khi Agamemnon bị mưu sát, Oreste mới hơn mười tuổi. Électre nhanh trí cho người đưa em sang lánh nạn ở xứ Phocide. Vua xứ Phocide là Strophios, vốn là em rể của Agamemnon, đã chăm nom nuôi nấng Oreste như con cái trong nhà. Một tình bạn thân thiết đã hình thành giữa Oreste và Pylade, người con trai của nhà vua.

Năm tháng trôi đi, Oreste đến tuổi trưởng thành. Giờ đây chàng đã là một thanh niên cường tráng, thông minh, nhanh nhẹn, tràn đầy sức sống, và nghĩa vụ đầu tiên của người thanh niên này là phải rửa sạch mối thù cho cha để giành lại ngôi báu, nhưng chàng không thể thực hiện ngay được. Một việc trọng đại như thế phải được thần thánh chỉ bảo, chàng lặn lội tới đền thờ Delphes để xin thần Apollon ban cho một lời chỉ dẫn. Thần Apollon tuyền phán: Oreste hỡi! Nợ máu phải trả bằng máu. Công lý chẳng tha những kẻ gây tội ác và tiếm quyền. Tuân theo lời chỉ dẫn của thần, Oreste lên đường trở về quê hương Argos để thực hiện sứ mạng. Cùng đi với chàng có người bạn chí thiết gắn bó từ tuổi thơ là Pylade.

Sau nhiều ngày miệt mài cất bước trên những dặm đường cát bụi, một ngày kia, hai người, Oreste và Pylade, đặt chân đến mảnh đất Argos, quê hương thân yêu của Oreste. Việc đầu tiên của họ là viếng mộ Agamemnon. Nhìn thấy mộ cha, Oreste xúc động quỳ xuống cầu khấn. Chàng cầu xin thần Hadès của thế giới âm phủ hãy rủ lòng thương đến số phận bất hạnh của cha chàng, hãy bảo vệ chàng và giúp đỡ chàng trong sự nghiệp lớn lao mà chàng sắp thực hiện. Chàng cầu khấn linh hồn người cha danh tiếng của mình:

- Agamemnon cha ơi! Hôm nay đứa con trai của cha đã khôn lớn và trở về quê hương. Nó đến nơi yên nghỉ của cha để khóc thương cho số phận của cha, để cầu khấn linh hồn cha. Cha ơi! Cha có nghe thấy không tiếng nói của con, tiếng con đang gọi cha, cầu khấn cha! Con đã cắt một nắm tóc để hiến dâng cho thần Sông-Inachos, vị thần đã nuôi nấng con cũng như nuôi nấng những người Argos, và giờ đây, bên mộ cha, con hiến dâng linh hồn cha một nắm tóc nữa của con để bày tỏ lòng biết ơn công lao nuôi dưỡng của cha. Số phận nghiệt ngã đã không cho con được nhìn thấy cha lần cuối cùng khi cha vĩnh viễn về vương quốc của thần Hadès, không cho con được hôn cha trước khi họ làm lễ khâm liệm và mai táng thi hài của cha, và con cũng chẳng được khóc thương cha...

Bỗng Oreste trông thấy từ cung điện một đám nữ nô lệ trong y phục đen đi về phía chàng. Chàng vội ra hiệu cho Pylade biết. Hai người bèn lui bước tìm một chỗ kín đáo ở phía sau ngôi mộ, giấu mình theo dõi xem đám nữ tỳ đó làm gì. Oreste nhận ra trong đám nữ tỳ có người chị ruột của mình là Électre. Nhìn thấy chị mình trong đám nữ tỳ ăn mặc như họ, tóc bị cắt ngắn như họ, Oreste trong lòng rất đỗi xót xa. Chị đã bị đối xử tàn tệ như thế hẳn vì tội phản kháng, không thừa nhận cuộc hôn nhân của Égisthe với Clytemnestre, hẳn rằng vẫn nuôi giữ trong lòng nỗi thương nhớ người cha danh tiếng lẫy lừng. Đoàn nữ tỳ tới ngôi mộ của chủ tướng Agamemnon. Họ mang theo lễ vật, rượu thiêng để làm lễ cầu nguyện linh hồn Agamemnon theo lệnh của Clytemnestre. Vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy? Vì sao cái người đàn bà đã đang tâm đồng loã với tình nhân giết chồng, đầy đọa con chồng lại sai nữ tỳ đi dâng lễ vật, cầu nguyện linh hồn người chồng? Nguyên do là hôm trước, một cơn ác mộng đã trùm xuống giấc ngủ của mụ. Cơn ác mộng khủng khiếp rắc rối như thế nào ta không rõ. Chỉ rõ mụ thét lên kinh hoàng và rồi tỉnh dậy. Tỉnh dậy mà vẫn chưa hoàn hồn. Phải một lúc lâu sau mụ mới trấn tĩnh lại được và cho mời những nhà tiên tri tới để luận giải. Hết thảy các nhà tiên tri đều nói rằng, cứ như mộng triệu mà suy thì có dễ là được sự chấp thuận của thần linh, những người chết dưới vương quốc của thần Hadès, những oan hồn nổi cơn thịnh nộ đối với những kẻ đã ám hại họ. Những oan hồn này đòi Công lý phải thể hiện quyền lực của mình... Nghe lời luận giải của những nhà tiên tri, Clytemnestre vô cùng sợ hãi, và chính vì lẽ đó mà mụ sai những nữ tỳ đem lễ vật tới viếng mộ Agamemnon cầu nguyện oan hồn Agamemnon tha tội cho mụ, nhưng những người nữ tỳ này vốn không quý mến gì Clytemnestre vì đã phạm vào một tội ác kinh khủng: giết chồng. Hơn nữa vì Clytemnestre thường hay làm tình làm tội, hành hạ họ vì họ là những người phụ nữ thành Troie bị bắt làm tù binh. Nhìn thấy họ là mụ lại nghĩ đến người chồng đã bị mụ giết, người chồng đã vì cuộc chiến với những người Troie này mà gây ra cho mụ biết bao đau khố tới chỗ phạm vào tội ác.

Électre dẫn đầu đám nữ tỳ mang lễ vật đi cầu khấn. Nàng băn khoăn không biết nên cầu khấn như thế nào? Lẽ nào nàng lại cầu khấn cho nguyện vọng của Clytemnestre: Xin oan hồn Agamemnon tha tội? Nàng bày tỏ tâm sự của mình với một người nữ tỳ. Theo lời khuyên của nữ tỳ, lễ cầu nguyện sẽ thực hiện ngược lại với ý định của Clytemnestre. Électre kính cẩn tưới rượu thiêng lên mộ cha và quỳ xuống giơ hai tay lên trời cầu khấn. Nàng cầu xin vị thần Hermès, người đưa dắt các linh hồn và người truyền lệnh nhanh chóng, trung thành nhất tới các thần linh, hãy truyền đạt lại những mong muốn của nàng tới các vị thần âm phủ là những vị thần đã theo dõi và biết chuyện bọn gian phu, dâm phụ mưu sát cha nàng. Nàng cầu xin các vị thần cũng như vị thần Đất Mẹ thiêng liêng đã sản sinh ra muôn giống loài hãy lắng nghe và chấp nhận lời khấn nguyện của nàng. Nàng cầu khấn vong hồn của người cha thân yêu, kể lại nỗi bất hạnh mà nàng và em nàng là Oreste phải chịu đựng từ khi cha bị giết. Nàng xin cha hãy giúp cho Oreste trở về Argos nhanh chóng và bình yên. Nàng cầu xin Công lý hãy trả thù cho cha nàng, lũ người tàn bạo sẽ bị trừng phạt...

Cẩu nguyện, dâng lễ vật, rẩy rượu thiêng... sau khi đã làm đầy đủ và trọn vẹn những nghi lễ thiêng liêng, Électre và đám nữ tỳ thu xếp để ra về thì chợt Électre trông thấy một búp tóc đặt ở chân mộ. Nàng cầm tóc lên và bỗng nhiên bàng hoàng xúc động. Búp tóc cắt dâng ở mộ cha nàng giống tóc của nàng. Phải chăng tóc này là của Oreste, đứa em trai thân thiết xa vắng đã lâu ngày của nàng? Nếu Oreste đã lớn khôn trở về thì sao cậu ta lại không xuất hiện mà chỉ tới đây để đặt một nắm tóc? Có thể là tóc của người Argos nào chăng? Électre để ý thấy quanh mộ có những dấu chân, và đó là dấu chân của hai người. Liệu có thể Oreste trở về cùng với một người bạn không? Đang khi Électre phân vân, trao đổi với một người nữ tỳ thì Oreste xuất hiện. Chàng đến bên người chị thân yêu của mình và khẽ cất tiếng gọi. Électre quay lại. Nàng không nhận ra được đứa em của mình. Đã bao năm trời xa cách, hình ảnh đứa em trai trong trí nhớ của nàng chỉ là một chú bé thơ dại. Còn giờ đây một thanh niên cường tráng đĩnh đạc, phong thái như một dũng sĩ đang đứng trước mặt nàng. Nàng ngỡ ngàng bối rối. Oreste hiểu tình cảm của chị mình. Chàng lấy trong túi ra một bộ quần áo dâng lên trước mặt người chị thân yêu, đây là bộ quần áo xưa kia do chính tay Électre dệt và may cho chàng. Électre xúc động, ôm lấy em, nước mắt tuôn trào. Nàng kể lại cho em nghe nỗi cực nhục, cay đắng mà nàng phải sống trong cái tòa lâu đài tội lỗi. Oreste nói ngay cho chị biết: chàng trở về Argos theo lệnh của vị thần Apollon. Chính thần đã phán truyền cho chàng biết, chàng phải lãnh sứ mạng đương đầu với nỗi hiểm nguy trong cuộc tử chiến với những kẻ đã giết cha chàng. Nếu chàng không hoàn thành sứ mạng trả thù cho người cha vinh quang đã bị ám hại một cách đê hèn thì nhiều thảm họa sẽ giáng xuống cuộc đời chàng. Ngôi báu của chàng sẽ mất vĩnh viễn và cuộc đời chàng cũng tiêu vong. Trí khôn, óc minh mẫn chẳng còn, những bệnh tật kỳ quái sẽ giày vò chàng liên miên hết ngày này sang tháng khác mà không phương thuốc gì cứu chữa nổi. Oan hồn của người cha sẽ nổi giận, chẳng thèm nhìn nhận đến đứa con trai. Những lời cầu khấn của đứa con trai không trả thù được cho cha trước bàn thờ trở nên vô nghĩa, bởi vì linh hồn người cha thân yêu của nó đã từ bỏ nó... Oreste đã nói cho chị mình biết như thế, và giờ đây hai chị em chỉ còn cách thực hiện bằng được sứ mạng mà thần Apollon đã trao. Électre sẽ trở về cung điện trước để theo dõi tình hình. Nếu thấy có điều gì khả nghi thì báo cho Oreste biết. Còn Oreste và Pylade sẽ đến cung điện sau.

Trước khi hành động, Oreste dò hỏi xem giấc mộng khủng khiếp mà đêm vừa qua Clytemnestre vừa gặp phải là như thế nào. Chàng muốn biết tường tận để tìm hiểu xem liệu nó có ứng nghiệm chút gì với những lời phán truyền của thần Apollon. Oreste được một người tiết lộ cho biết câu chuyện mộng mị đó như sau: Clytemnestre nằm mơ thấy mình sinh ra một con rắn. Bà ta đã nuôi nấng con rắn đó như một đứa con với muôn vàn tình thương yêu. Con rắn được quấn bọc trong tã lót và bú sữa từ bầu vú của bà, và trong khi bú sữa ở bầu vú mẹ, con rắn đã hút ra từ bầu vú một cục máu, một giọt máu đỏ tươi, và máu, máu từ vú của bà ta chảy tràn ra lênh láng, khủng khiếp... Bà ta thét lên kinh hoàng...

Nghe xong câu chuyện, Oreste mừng thầm trong bụng. Chàng cảm thấy như thánh thần đã linh báo cho chàng biết sứ mạng trả thù luôn được thánh thần theo dõi, phù hộ.

Oreste và Pylade đến cung điện trong y phục cải trang của người dân miền Daulis xứ Phocide. Hai người được Clytemnestre tiếp đãi trân trọng. Oreste nói:

- Thưa bà! Chúng tôi đường đột tới cung điện nguy nga này vì một việc vô cùng quan trọng mà thực ra những người dân thường như chúng tôi vốn không có công việc gì phải lui tới những chốn cao sang như thế này. Số là nhà vua xứ Phocide tên là Strophios được biết chúng tôi sắp lên đường đi Argos. Nhà vua khẩn thiết nhờ chúng tôi tới cung điện Argos báo cho vị vua ở đây biết một tin chẳng lành: Oreste, người con trai của nữ hoàng Clytemnestre đã qua đời. Nhà vua của chúng tôi muốn được biết thân nhân của chàng trai xấu số quyết định lo liệu việc mai táng như thế nào? Đưa hài cốt về quê hương Argos hay cứ để ở Phocide làm lễ tang ở đó? Thưa bà! Đó là tất cả những điều gì mà nhà vua Phocide giao phó cho chúng tôi tới đây để tâu trình. Chúng tôi cũng mang theo đây bình đựng tro hài cốt của chàng trai bất hạnh đó. Chúng tôi chờ đợi sự trả lời của thân nhân để tâu trình lại cho nhà vua chúng tôi được biết. Vậy cuối cùng, xin bà thứ lỗi, chẳng hay bà có phải là người chủ của tòa lâu đài này không hay bà có phải là thân nhân của chàng Oreste không? Bởi vì chúng tôi muốn chính cha mẹ của chàng trai được biết tin này và trả lời cho chúng tôi rõ ý định.

Nghe xong câu chuyện, trong lòng Clytemnestre rất đỗi vui mừng nhưng bề ngoài lại làm ra vẻ u buồn sầu não. Mụ trân trọng mời hai người khách vào phòng nghỉ. Tiếp đó mụ tức tốc sai người báo cho Égisthe, tên tiếm vương, chồng mụ, lúc này đang bận việc ở ngoài thành đô biết tin vui. Mụ mời Égisthe về ngay để tiếp khách. Như vậy, người lãnh sứ mạng trả thù cho Agamemnon không còn nữa. Mụ không còn phải lo lắng về số phận bản thân mà mối thù giữa hai dòng họ Atrée và Thyeste như lời nguyền rủa độc địa và sự tiên định của Số mệnh cũng chấm dứt.

Égisthe được tin bèn vội vã về ngay cung điện. Hắn vui mừng đến nỗi không gọi lính hộ vệ đi cùng. Vừa bước chân vào cung điện, Oreste rình sẵn từ phòng bên, nhảy sổ ra đâm cho một nhát kiếm. Hắn chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi ngã xuống chết tươi. Gia nhân trong lâu đài thấy chủ tướng bị giết vội hô hoán ầm lên. Clytemnestre từ phòng mình vội vã chạy ra để xem sự thể ra sao. Oreste cầm kiếm xông lên, người mẹ tội lỗi sợ hãi run lên. Mụ quỳ xuống dưới chân đứa con trai van xin:

- Oreste hỡi con! Hãy dừng tay! Dù sao con cũng phải biết ơn và kính trọng ta là người đã sinh nở ra con, cho con bú mớm, bế ẵm con. Lẽ nào con không còn một chút tình thương đối với mẹ?

Oreste bối rối. Người bạn Pylade nhắc nhở chàng thực hiện nghĩa vụ mà thần linh đã giao phó. Chàng phải lựa chọn một trong hai điều khắc nghiệt: hoặc là bị thế gian thù ghét, lên án, kết tội hoặc là bị thần linh ghét bỏ, trừng phạt.

Oreste thấy không thể cưỡng lại lời truyền phán của thần linh. Giết mẹ, chàng sẽ bị những nữ thần Érinyes, những con chó cái của sự báo thù như người ta thường nói, truy đuổi, nhưng không giết mẹ thì các vị thần, nhất là vị thần Apollon, người đã phán truyền những lời sấm ngôn thiêng liêng quy định cho nghĩa vụ và hành động của con người, cũng không tha tội cho chàng. Cuối cùng, Oreste hành động theo nghĩa vụ mà thánh thần đã truyền phán, và đó cũng là Số mệnh đã sắp đặt. Chàng dẫn Clytemnestre, người mẹ của tội ác vào trong cung điện và hành quyết. Xác chết của đôi gian phu dâm phụ Égisthe và Clytemnestre được đặt nằm bên nhau như ngụ ý một lời răn: Công lý chẳng dung tha những kẻ đã gây ra tội ác.

Được tin tên tiếm vương bạo chúa Égisthe và mụ vợ đanh ác đã bị giết, nhân dân đô thành Argos vô cùng hởi lòng hởi dạ. Chẳng một ai thương tiếc, than vãn cho số phận của chúng, nhưng cũng chẳng một ai ca ngợi hành động giết mẹ của Oreste như một chiến công.

Còn Oreste, chàng phải thanh minh trước nhân dân về hành động của mình. Chàng cảm thấy số phận chàng như một người đánh xe ngựa mà những con ngựa đã bung ra thoát khỏi sự điều khiển của chàng. Sở dĩ chàng dám nhẫn tâm làm một việc ghê gớm như thế là vì lời truyền phán của thần Apollon. Chính thẩn Apollon đã làm cho trái tim chàng trở nên cứng rắn, không biết xúc động khi cầm kiếm đâm vào cổ mẹ. Song giờ đây chàng phải ra đi, tự trục xuất khỏi xứ sở này. Ngôi báu xin nhường lại cho Ménélas trong tương lai sẽ trở về.

Bỗng trước mắt Oreste hiện ra những nữ thần Érinyes, những người đàn bà mõm chó, tóc là một búi rắn độc ngoằn ngoèo, đầu rắn cất lên tua tủa quằn quại. Những nữ thần Érinyes mặc đồ đen, chĩa đôi mắt dữ tợn của mình nhìn thẳng vào mặt Oreste như chất vấn, như tra hỏi. Oreste rụng rời sợ hãi. Chàng ôm đầu kêu lên, và chàng ra đi, chàng phải tới đền thờ Delphes cầu xin thần Apollon bảo vệ. Những nữ thần Érinyes quyết không tha tội sát nhân, hơn nữa một tội ác khủng khiếp chưa từng thấy: con giết mẹ. Các nữ thần quyết truy đuổi Oreste đến cùng.

Oreste thoát khỏi sự trừng phạt của những nữ thần Érinyes

Rời Argos ra đi, Oreste ngày đêm mải miết dồn bước sao cho mau chóng tới được đền thờ Delphes, nơi chàng sẽ nhận được sự bảo vệ của thần Apollon. Theo sát bước chân chàng là những nữ thần Érinyes hung tợn lãnh trách nhiệm trừng trị tội sát nhân, đòi nợ máu phải được trả bằng máu.

Trải qua nhiều ngày đi đêm nghỉ từ tận Argos, từ miền nam Hy Lạp ngược lên miền bắc, Oreste đã tới được đền thờ Delphes dưới chân núi Parnasse. Chàng không chậm trễ trong việc chuẩn bị nghi lễ cầu khấn. Chàng đi vào khu thánh đường đền thờ Delphes, đến quỳ xuống bên hòn đá thiêng liêng Omphalos. Thanh gươm đeo bên sườn chàng tuột khỏi vỏ đặt bên. Chàng cầm trong tay một cành cây olive, một cây gậy to và đẹp, quấn len trắng. Còn tay kia chàng giơ cao lên trước mặt để cầu khấn. Cả hai tay chàng đều đẫm máu của tội sát nhân. Chàng cầu xin được rửa tội. Những nữ thần Érinyes đâu có chịu bỏ lơi chàng. Họ xộc thẳng vào khu thánh đường thiêng liêng, chẳng hề ngần ngại về hình thù khủng khiếp của mình cũng như y phục kỳ lạ không thích hợp của mình, và họ tay roi tay đuốc chia nhau ngồi vây quanh lấy Oreste.

Chính vào lúc đó thần Apollon xuất hiện. Thần đã nghe được lời cầu khấn của Oreste. Bằng tài năng và pháp thuật của mình, thần làm cho những Érinyes chìm đắm vào trong một giấc ngủ say mê mệt. Những đôi mắt ngầu đỏ hung dữ của các nữ thần vốn đã bị gỉ bẩn viền quanh phút chốc nhắm nghiền lại. Apollon bèn truyền phán cho Oreste biết ý định của mình:

- Oreste con hỡi! Con cứ bình tâm. Ta đã là và mãi mãi sẽ là người bảo vệ con. Dù ta gần con hay xa con, con cứ tin rằng chẳng khi nào ta để con rơi vào tay lũ quỷ cái hung dữ đó, và con thấy đấy, những con chó cái ghê tởm Érinyes này đã bị ta dìm vào một giấc ngủ say mê mệt. Vậy con mau mau làm theo lời ta chỉ dẫn. Con hãy lập tức rời khỏi đây và dấn mình vào một cuộc hành trình mới. Con trở lại vùng đồng bằng Attique đến đô thành Athènes cầu xin nữ thần Athéna. Con hãy đến quỳ trước tượng nữ thần và xin nữ thần cứu giúp. Chúng ta sẽ tìm cách đến giải thoát vĩnh viễn cho con khỏi nỗi đau khổ, giày vò. Bởi vì chính ta đã quyết định và đòi con phải giết người mẹ của mình.

Nghe lời phán truyền của thần Apollon, lập tức Oreste rời khỏi đền thờ, ra đi mải miết. Thần Apollon còn cẩn thận hơn, trao cho thần Hermès nhiệm vụ dẫn đường và săn sóc cho Oreste.

Oreste vừa ra đi thì linh hồn Clytemnestre vụt hiện lên với vẻ giận dữ ghê gớm. Mụ chỉ tay vào những nữ thần Érinyes đang ngủ say mê mệt, quát tháo ầm ĩ. Mụ đánh thức những nữ thần Érinyes dậy, báo cho họ biết Oreste đã trốn thoát khỏi vòng vây của họ. Mụ nhắc nhở đòi hỏi nữ thần Érinyes phải truy đuổi ngay Oreste, phải làm cho Oreste không được thư thái, yên tĩnh phút nào trong tâm hồn.

Những nữ thần Érinyes chìm đắm trong giấc ngủ chẳng dễ gì tỉnh lại ngay được. Giấc ngủ của thần Apollon giáng xuống cộng với nỗi mệt nhọc trong cuộc hành trình đã làm họ mê sảng khi thì rầm rĩ, khi thì quát thét lên trong khi ngủ, nhưng cuối cùng một Érinyes tỉnh giấc và gọi hai người bạn dậy. Cả bọn tức giận điên cuồng khi biết Oreste đã trốn thoát, không còn ở trong ngôi đền, không còn ở trong vòng vây của họ. Những Érinyes trách móc thần Apollon đã bảo vệ kẻ phạm tội, vi phạm vào đạo luật thiêng liêng của thế giới thần linh từ bao đời nay vẫn được tôn trọng, và họ thề sẽ quyết tâm truy tìm bằng được Oreste. Oreste sẽ không thoát khỏi sự trả thù. Thần Apollon nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh cho những nữ thần Érinyes phải lập tức rời bước ngay khỏi nơi thánh đường tôn nghiêm của thần, nếu chần chừ ắt không tránh khỏi sự trừng phạt. Những mũi tên bạc của thần sẽ không tha những kẻ làm ô uế nơi truyền phán những lời sấm ngôn thiêng liêng, thể hiện ý chí của Zeus. Thần chỉ mặt những nữ thần Érinyes thét lớn:

- Được, các ngươi cứ làm nhiệm vụ của các ngươi! Hãy cứ truy đuổi kẻ phạm tội giết một người cùng huyết thống. Còn ta, ta quyết sẽ bảo vệ con người đó, con người đã vì huyết thống mà lãnh sứ mạng trả thù của ta giao phó. Nữ thần Athéna sẽ phân rõ đúng sai vụ án này.

Các nữ thần Érinyes vội rời bước khỏi Delphes để đi tới Athènes với nỗi hậm hực trong lòng. Như vậy là thần Apollon mưu toan tước bỏ sứ mạng thiêng liêng và cao quý của Érinyes. Không, những Érinyes quyết không chịu. Oreste tới Athènes. Những nữ thần Érinyes cũng tới Athènes. Một bên cầu xin được bảo vệ, che chở về hành động phạm tội của mình là do thánh thần truyền phán, áp đặt. Một bên kêu gào, đòi hỏi quyết liệt thực thi bằng được sứ mạng của mình là trừng phạt kẻ tội phạm sát nhân. Nữ thần Athéna lắng nghe những lời lẽ của hai bên và thấy thật khó phân xử. Nữ thần một mặt thấy mình không thể nào trao một con người đã cầu xin mình che chở vào tay các nữ thần hung dữ Érinyes, nhưng mặt khác, sứ mạng truyền thống từ bao đời nay của các Érinyes là trừng phạt tội sát nhân. Bảo vệ Oreste tức là vô hiệu hóa chức trách quan trọng của những nữ thần Érinyes, tước bỏ sứ mạng cao cả của họ - một việc làm mà chỉ riêng nữ thần Athéna không thể quyết định. Cuối cùng, nữ thần Athéna thấy cách giải quyết tốt nhất là thành lập một tòa án để xét xử vụ việc quan trọng này. Nàng cho mời những vị quan tòa danh tiếng vốn là những bô lão đã từng xét xử những vụ kiện cáo vô cùng rắc rối tới để thành lập tòa án. Tòa án mang tên là Aréopage. Lai lịch của cái tên này vốn bắt nguồn từ một sự tích xa xưa: Xưa kia khi những nữ chiến binh Amazones đem quân đổ bộ lên vùng đồng bằng Attique vây đánh thành Athènes thường hạ trại trên một ngọn đồi. Vào thời ấy, Athènes ở dưới quyền cai quản của người anh hùng danh tiếng Thésée. Chính từ ngọn đồi này trước một lần xuất trận, những nữ chiến sĩ Amazones thường làm lễ hiến tế cầu xin vị thần Chiến tranh-Arès ban cho họ thắng lợi, vì lẽ đó người ta đặt tên cho ngọn đồi là “Ngọn đồi Arès”. Sau này, ở Athènes, ngọn đồi Arès được dùng làm nơi xét xử các vụ việc vi phạm thể chế, tập tục, pháp luật. Vì thế tòa án mang tên “đồi Arès”, tức “Aréopage”.

Theo lệnh triệu tập của Athéna, các vị quan tòa-bô lão kéo đến Aréopage. Mỗi người đều mang theo một cái bình và những viên sỏi để sau khi tranh cãi, kết tội, phản bác, bỏ phiếu quyết định. Nữ thần Athéna tham dự với tư cách là một quan tòa đồng thời cũng là người chủ tọa. Thần Apollon đương nhiên phải có mặt như là một nhân chứng quan trọng của vụ án.

Phiên tòa khai mạc, Érinyes lên tiếng kết tội Oreste và đòi phải giao kẻ phạm tội cho các nữ thần để nghiêm trị vì đó là quyền lực của họ từ nghìn xưa. Oreste đứng lên bào chữa. Chàng chất vấn những Érinyes.

- Vì sao khi Clytemnestre giết Agamemnon các người không kết tội Clytemnestre? Vì sao các người không truy đuổi đòi trừng phạt Clytemnestre?

Érinyes trả lời:

- Vì giữa hai người không có quan hệ huyết thống. Clytemnestre giết một người không có quan hệ máu mủ gì với bà ta.

Oreste vặn hỏi:

- Thế ta có chung một dòng máu với mẹ ta không?

Érinyes đáp:

- Chính bà ta đã thai nghén nuôi dưỡng ngươi trong lòng và cuối cùng sinh nở ra ngươi. Ngươi dám trắng trợn chối bỏ dòng máu thân thiết của người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra cuộc đời của ngươi ư?

Apollon đứng lên biện hộ cho Oreste:

- Oreste đã hành động theo sự phán truyền của ta, một vị thần được Zeus chí tôn chí kính, toàn năng toàn quyền trao cho nhiệm vụ truyền phán những lời sấm ngôn, thể hiện ý chí của Zeus. Oreste đã trả thù cho cha, đó là một việc làm hợp đạo lý. Bởi vì kẻ giết chồng là giết luôn cả người cha của những đứa con. Hơn nữa, Oreste còn trả thù cho một vị vua danh tiếng, một người anh hùng vĩ đại đã có công lớn trong cuộc Chiến tranh Troie. Chính người anh hùng này đã được Zeus ban cho cây vương trượng để thống lĩnh ba quân lập nên những chiến công hiển hách. Một người anh hùng kiệt xuất như thế sau cuộc chiến chinh trở về và bị lừa lọc bởi những lời lẽ tán dương hoa mỹ và sự đón tiếp xa hoa để rồi bị giết chết trong phòng tắm khi đang lúng túng trong chiếc áo đã bị khâu bít ở hai cổ tay. Đó, cái chết của người anh hùng, vị Tổng Chỉ huy các đạo quân Hy Lạp trong cuộc viễn chinh Troie, là như thế! Ta xin hỏi: Ai là kẻ đáng bị trừng trị? Kẻ giết người cha của những đứa con, người anh hùng của nhân dân Hy Lạp hay là kẻ báo thù cho người cha ấy, người anh hùng ấy?

Nhân dân đến xem phiên tòa xử vụ án quan trọng này rất đông. Họ ngồi vòng trong vòng ngoài vây quanh nơi xét xử. Họ lắng nghe chăm chú những lời kết án cũng như những lời phản bác, và quả thật, vụ án này thật rắc rối, lý lẽ bên nào cũng dồi dào, sắc sảo, đanh thép cả.

Đến lượt nữ thần Athéna lên tiếng. Nữ thần tuyên bố, tòa ngừng làm việc để bỏ phiếu quyết định vụ án. Trường hợp khi kiểm phiếu, số phiếu bầu cho cả hai bên nguyên cũng như bên bị đều bằng nhau, nghĩa là Oreste được bằng phiếu với những nữ thần Érinyes thì Oreste được trắng án. Oreste là người vô tội. Các vị quan tòa tùy theo chủ kiến lần lượt đến bỏ những viên sỏi vào một trong hai cái bình: Érinyes và Oreste. Trước khi bỏ phiếu, nữ thần nói:

- Hỡi các vị quan tòa! Hỡi tất cả những người tham dự phiên tòa hôm nay cũng như nhân dân đến xem tòa xử! Ta là người cuối cùng tỏ chủ kiến đối với vụ việc này. Ta bỏ phiếu cho Oreste. Ta đứng về phía những người bênh vực cho Oreste. Những người kết tội Oreste cho rằng Oreste giết mẹ là phạm tội giết một người cùng huyết thống, vì người mẹ và đứa con là cùng chung một dòng máu, người mẹ đã sinh ra con, nuôi nấng đứa con. Không hẳn là thế. Ta thấy cần nhắc lại lời thần Apollon lúc nãy: Không phải tự người mẹ sinh đẻ được cái mà người ta thường quen gọi là con của bà ta. Người mẹ chỉ là người nuôi dưỡng hạt giống mà bà ta đã tiếp nhận được. Người đàn ông mới là người có công sinh đẻ. Người đàn bà chỉ như một người xa lạ, ngược lại chịu trách nhiệm nuôi nấng và gìn giữ chiếc mầm non nở ra từ hạt giống do người đàn ông gieo. Lại nói như ta, ta có phải là do mẹ ta sinh ra đâu. Ta không hề biết đến mẹ. Chính thần Zeus đã sinh ra ta. Vì thế ta thuộc về huyết thống của người cha, hoàn toàn thuộc về người cha chứ không có một chút gì với người mẹ. Đó là lý do vì sao ta bênh vực Oreste, bỏ phiếu cho Oreste.

Athéna nói xong bèn bỏ viên sỏi của mình vào chiếc bình Oreste. Như vậy là cuộc bỏ phiếu đã xong. Nữ thần ra lệnh kiểm phiếu. Thật hồi hộp. Các Érinyes lo lắng cho địa vị và chức vụ của mình. Còn thần Apollon cũng bồn chồn xao xuyến: Một phiếu! Chỉ kém một phiếu thôi là đủ xảy ra một tai họa lớn, còn chỉ thêm một phiếu thôi là đủ để dựng lại, khôi phục lại một gia đình đã bị ly tán, đổ vỡ. Chỉ thêm một phiếu thôi là chấm dứt được mối thù dòng họ lưu truyền từ đời này qua đời khác bắt nguồn từ những lời nguyền độc địa.

Kết quả, số phiếu hai bên ngang nhau: Oreste vô tội. Những Érinyes buộc phải đình chỉ việc truy nã.

Oreste vô cùng sung sướng. Chàng đứng lên kính cẩn cảm ơn nữ thần Athéna và thần Apollon. Chàng cũng không quên cảm ơn nhân dân Athènes và gửi lời chào tạm biệt họ trước khi chàng trở về mảnh đất Argos thiêng liêng. Chàng cầu chúc cho đô thành Athènes sẽ là đô thành bất khả xâm phạm trước mọi cuộc tiến công của những kẻ thù. Chàng cầu chúc cho xứ sở Attique muôn đời thịnh vượng, ấm no.

Việc xét xử như thế là xong, nhưng lại xảy ra một chuyện khác. Những Érinyes bất bình về việc xử án, cho rằng tòa án Aréopage đã tước đoạt quyền lực của họ, phế truất địa vị của họ, một quyền lực và địa vị đã có từ hàng bao đời nay và từ hàng bao đời nay vẫn được tôn trọng. Bất mãn, họ gào thét phản đối, tung ra những lên lẽ hằn học, nguyền rủa. Họ đe dọa sẽ giáng tai họa xuống vùng đồng bằng Attique, làm cho bệnh dịch lan tràn, hạn hán, chiến tranh, đói kém. Tình hình như vậy quả thật là vô cùng rắc rối và nguy hiểm. Nữ thần Athéna phải ra tay dàn xếp. Nữ thần mời những Érinyes từ nay trở đi sẽ đảm đương một chức năng mới: Ban phúc lành cho nhân dân, bảo vệ đời sống cho con người. Với chức năng này, họ sẽ chỉ bảo và dắt nhân dân đi theo con đường quang minh, chính đại của công lý, chăm nom đến đời sống sao cho mùa màng được tươi tốt, súc vật được đông đàn, đạo lý được coi trọng. Họ sẽ là những vị thần sống mãi với nhân dân Athènes, được nhân dân tôn kính và thờ cúng như những vị thần cao cả, thiêng liêng. Sự dàn xếp của nữ thần trí tuệ Athéna đã làm yên lòng các Érinyes. Như vậy họ chẳng thiệt thòi về “quyền lợi” và mất mát chút gì về “địa vị” “chức tước”. Chẳng còn gì để bất mãn nữa, những Érinyes chấp nhận vui vẻ. Thế là từ nay chức năng báo thù, đòi trừng phạt kẻ sát nhân của những Érinyes không còn nữa. Họ cũng không trở về thế giới âm phủ sống dưới quyền cai quản của vị thần Hadès nữa. Chức năng thay đổi thì chức danh cũng phải thay đổi. Họ được mang danh hiệu mới: Những nữ thần Ân đức (Les Euménides).

Nhân dân Athènes, theo lệnh của nữ thần Athéna làm lễ rước những vị thần mới của đô thành mình về nơi ở mới: một ngôi đền ở trong một chiếc hang sâu dưới chân đồi Arès. Đám rước thật vô cùng linh đình và trọng thể. Đích thân nữ thần Athéna và những quan chức bô lão của đô thành Athènes đi đầu đám rước dẫn đường cho những vị nữ thần Ân đức về nơi ở Vĩnh hằng đầy vinh quang cao quý.

Ngày nay, trong văn học thế giới, Érinyes hoặc Euménides chuyển thành danh từ chung chỉ sự truy nã báo thù hoặc người lãnh nhiệm vụ truy nã báo thù. Aréopage chỉ một tổ chức, một cuộc họp mà thành viên là những nhà học giả đầy tài năng và uyên bác. Còn Pylade chỉ người bạn chí cốt, trung thành.

***

Việc những Érinyes đổi chức năng, chức danh, đúng hơn được “đề bạt” lên một chức năng, chức danh mới phản ánh bước chuyển biến tiến bộ của lịch sử xã hội. Érinyes vốn là những nữ thần cư ngụ ở vương quốc của thần Hadès. Đó là những nữ thần gìn giữ và bảo vệ cho huyết thống của thị tộc mẫu hệ và trật tự của thị tộc này. Vì thế, ngoài chức năng chủ yếu là đòi báo thù, đòi trả nợ máu, truy nã, trừng phạt kẻ sát nhân, Érinyes còn đảm đương cả việc trừng trị tội bội ước, không giữ đúng lời nguyền, tội không quý người trọng khách. Thật ra trong thần thoại Hy Lạp, chúng ta thấy việc trừng trị những tội này phần lớn do các vị nam thần, nữ thần thực hiện. Ít thấy nói đến những nữ thần Érinyes thực hiện, Érinyes trừng trị kẻ phạm tội bằng hình phạt tước đoạt của hắn trí khôn và óc minh mẫn, giáng xuống cuộc đời hắn những nỗi bất hạnh khôn lường. Về lai lịch thì có nguồn kể, Érinyes được sinh ra từ máu của thần Ouranos-Trời Cha nhỏ xuống Gaia-Đất Mẹ. Một nguồn khác cho biết Érinyes là con của thần Érèbe-Chốn Tối tăm Vĩnh cửu và nữ thần Nyx-Đêm tối Mù mịt. Lúc đầu chỉ có một Érinyes, sau đó ba chị em là Alecto, Tisiphone và Mégère. Thoạt đầu Érinyes chỉ là linh hồn của người bị giết đòi trả thù. Linh hồn này truy nã những ai không thực hiện, làm tròn nghĩa vụ, luật lệ của sự báo thù thị tộc, thị tộc mẫu quyền cũng như thị tộc phụ quyền. Sự phát triển của kinh tế, nền kinh tế tiền tệ đã khiến cho tổ chức thị tộc phụ quyền bị suy yếu. Sự phân công giữa các ngành kinh tế chăn nuôi, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, v.v. dẫn đến chỗ chia dân cư theo nghề nghiệp và khu vực cư trú, còn lợi ích của nghề nghiệp trở thành chất keo liên kết, gắn bó con người lại với nhau. Quá trình này diễn ra đồng thời với quá trình tư hữu hóa những tài sản của thị tộc, sự phân hóa dân cư thành kẻ giàu, người nghèo, nền kinh tế hàng hóa và trao đổi hàng hóa phát triển... Tất cả những cái đó ngày càng làm cho chế độ thị tộc phụ quyền lung lay tận gốc và tạo điều kiện, đặt cơ sở cho sự ra đời của Nhà nước. Với sự ra đời của Nhà nước, tập tục, luật lệ của thị tộc trở thành một hiện tượng lỗi thời và phản động. Vì Nhà nước là một tổ chức cao hơn tổ chức thị tộc, rộng lớn hơn, văn minh hơn, khoa học hơn tổ chức thị tộc, do đó nó không thể chấp nhận một cách xét xử theo tập tục, luật lệ của thị tộc vốn dựa trên mối quan hệ huyết thống. Từ nay chức năng trừng trị kẻ phạm tội sát nhân thuộc về chính quyền. Do đó hình ảnh và chức năng những nữ thần Érinyes cũng phải thay đổi. Thường những nữ thần hung dữ đòi báo thù, những Érinyes chuyển thành sự giày vò, hối hận, đau khổ, cắn rứt trong lương tâm kẻ phạm tội. Đúng hơn, những nữ thần Érinyes bắt kẻ phạm tội phải chịu hình phạt đó (âu cũng là một cách báo thù). Còn kẻ phạm tội trong hoàn cảnh của giai đoạn quá độ từ chế độ công xã thị tộc phụ quyền chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ có thể thoát khỏi nỗi giày vò, đau khổ, sự truy nã của những Érinyes bằng sự sám hối và tập tục rửa tội của tôn giáo. Sự ra đời và phát triển của Nhà nước đã tăng cường và thúc đẩy sự phân công, đặc biệt sự phân công giữa lao động trí óc và lao động chân tay làm cho đời sống văn hóa-chính trị ngày càng có tổ chức hơn, văn minh hơn, văn hóa khoa học phát triển. Do đó việc xét xử những kẻ phạm tội cũng như xét xử, phân giải những vụ việc tranh chấp trong đời sống phức tạp của xã hội công dân đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên trách, và tòa án đã ra đời. Tòa án ra đời kéo theo sự ra đời của khoa biện luận mà ngày nay chúng ta quen gọi là nghệ thuật hùng biện (đương nhiên cuộc đấu tranh chính trị giữa các phe phái đối lập cũng là một nguyên nhân phát sinh ra khoa biện luận). Công việc xét xử, kết tội, phản bác dần dần trở thành một nghề chuyên môn. Đó là tất cả những mầm mống để sau này trong tiến trình lịch sử hình thành cái mà ngày nay chúng ta gọi là công việc tư pháp, pháp chế, luật học, và đó cũng và nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thay đổi chức danh và chức năng của Érinyes. Nhà viết kịch Eschyle đã khai thác thần thoại Oreste trả thù cho cha để viết nên bộ ba bi kịch thơ Oreste (Orestie 458 TCN). Nhờ có bộ ba bi kịch này mà chúng ta mới có một hiểu biết phong phú và sâu sắc về thần thoại đó. Giải thích ý nghĩa của Oreste, một nhà nghiên cứu người Đức là Bachofen vào thế kỷ XIX đã viết, “đó là cuộc đấu tranh giữa chế độ mẫu quyền đang suy tàn với chế độ phụ quyền vừa nảy sinh và đắc thắng trong thời đại anh hùng”.

Tuy nhiên cũng có một vấn đề nữa đòi hỏi chúng ta làm sáng tỏ thêm: Oreste được trắng án như là một thắng lợi của chế độ phụ quyền. Đúng! Nhưng có phải đích thực là thắng lợi của chế độ phụ quyền của thời đại anh hùng không? Có những bằng chứng cho phép chúng ta đặt lại vấn đề như thế.

1 - Ở thời đại anh hùng không có hình thức xét xử nào giống như hình thức xét xử ở Oreste, xét xử bằng tòa án, có kết tội, có phản bác rồi có quyết án. Đọc anh hùng ca của Homère, Iliade và Odyssée, chúng ta thấy đã có một hình thức xét xử với quan tòa nhưng chúng ta không thấy miêu tả một cuộc xét xử nào đạt tới một trình độ nghiêm túc tương tự như cuộc xét xử trong Oreste.

Ở thời đại anh hùng, thời đại mà tổ chức thị tộc cũ đang sống thật là mạnh mẽ nhưng bắt đầu tan rã, mọi việc tranh chấp, phải xét xử đều do hội đồng gồm có các Trưởng thị tộc và Đại hội Nhân dân đảm nhiệm: Việc tranh chấp giữa Achille và Agamemnon về quyền lợi (người nữ tỳ Briséis) không được giải quyết bằng xét xử. Lúc đầu Agamemnon thắng vì Agamemnon dùng quyền lực ức hiếp Achille, tước đoạt của Achille người nữ tỳ. Sau này Agamemnon “thua” phải trả lại cho Achille người nữ tỳ Briséis cùng nhiều của cải khác. Nguyên nhân trước hết bởi quân Hy Lạp thua to trên chiến trường và quan trọng hơn đây mới là điều quyết định, Achille vì tình cảnh thị tộc bộ lạc, hối hận về hành động giận hờn của mình đã gây nên cái chết của Patrocle, người bạn thân thiết của mình, bằng lòng nhận sự đền bù của Agamemnon, xuất trận với mục đích trả thù cho Patrocle. Hoàn toàn không có quyền lực công cộng nào xét xử trong vụ tranh chấp này giữa hai cá nhân. Trong Odyssée, Ulysse đã giết 108 tên cầu hôn, trả thù bọn chúng đã phạm tội xúc phạm đến tài sản của Ulysse, cưỡng ép Pénélope, vợ Ulysse, phải tái giá, mưu cướp quyền cai quản đảo Ithaque của Ulysse. Giết tới hàng trăm người như thế nhưng không bị đưa ra xét xử ở một tòa án nào cả. Vậy thì nợ máu lại trả bằng máu, thân nhân của những người bị giết tập hợp lại quyết báo thù, và nếu cứ thế thì trả thù báo thù hết đời này qua đời khác. Mỗi bên đều hành động theo cái lý của mình, nếu không có nữ thần Athéna đứng ra bắt hai bên phải chấm dứt hẳn cuộc giao chiến thì không biết sẽ đổ thêm bao nhiêu máu nữa. Ở đây, chúng ta cũng không thấy có một quyền lực công cộng nào đứng ra xét xử.

2 - Oreste được là người vô tội không phải bằng con đường rửa tội. Oreste được là người vô tội bằng con đường xét xử của tòa án, một hình thức xét xử công khai và dân chủ, công bằng và hợp lý.

3 - Như vậy ta thấy từ tập tục của chế độ công xã thị tộc đã chuyển sang cái mà chúng ta có thể gọi là luật pháp của nhà nước. Con đường giải quyết theo tập tục là con đường mòn, luẩn quẩn, bế tắc, không chuẩn và trước hết nó dựa trên cơ sở của tình cảm, nghĩa vụ huyết thống. Con đường giải quyết theo pháp luật của nhà nước là con đường quang minh chính đại, công khai, công bằng, dân chủ hợp lý. Đó là con đường của tư duy và lý trí. Chỉ có giải quyết bằng pháp luật của nhà nước thì mới chấm dứt được mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ Atrée và Thyeste bắt nguồn từ lời nguyền của Myrtilos.

4 - Chúng ta có thể kết luận: Oreste được vô tội là thắng lợi của chế độ phụ quyền trong chế độ chiếm hữu nô lệ vừa mới ra đời, thắng lợi của chế độ phụ quyền của thời đại văn minh chứ không phải thắng lợi của chế độ phụ quyền ở giai đoạn cao của thời đại dã man - thời đại anh hùng. Nghĩa là thắng lợi của thời kỳ Nhà nước đã ra đời với tư cách một quyền lực công cộng, một mặt thực hiện chức năng tổ chức và quản lý xã hội sao cho ngày càng văn minh hơn, một mặt thực hiện chức năng bảo vệ và phát triển lợi ích giai cấp của Nhà nước.

5 - Lại một vấn đề nữa đặt ra: Cuộc đấu tranh với chế độ mẫu quyền có thể còn là một nhiệm vụ lịch sử của thời đại anh hùng nhưng có lẽ nào nó vẫn còn là một nhiệm vụ lịch sử của chế độ chiếm hữu nô lệ với tính thời sự như đã được phản ánh trong câu chuyện thần thoại Oreste? Chúng ta có thể khẳng định rằng: Vấn đề chế độ mẫu quyền không còn đặt ra đối với chế độ chiếm hữu nô lệ. Trong thần thoại Oreste, vấn đề chủ yếu đặt ra, đặt ra với tính thời sự nóng hổi là phải chấm dứt tập tục trả thù, đòi nợ máu theo như truyền thống, nghĩa vụ, tình cảm của quan hệ huyết thống thị tộc. Xã hội đã tiến tới chỗ có nhà nước, nó hoàn toàn không thể chấp nhận được chủ nghĩa vô chính phủ của tập tục, do tập tục sinh ra. Phải xóa bỏ tập tục, nghĩa vụ của truyền thống thị tộc vốn tồn tại với tư cách như là chuẩn mực của Công lý và việc thực hiện những tập tục, nghĩa vụ đó như là sự thực hiện Công lý. Chính vì lẽ đó những Érinyes phải chuyển sang làm một nghĩa vụ mới với chức danh mới: Những nữ thần Ân đức.

6 - Thần thoại Oreste rõ ràng là một thần thoại phức hợp. Có lớp thần thoại ở vào một thời kỳ xa xưa (thời đại anh hùng) và có lớp thần thoại ở vào một thời kỳ muộn hơn (thời đại ra đời Nhà nước). Sự phức hợp đó cho chúng ta thấy thần thoại trong lịch sử của nó diễn ra một sự vận động chuyển hóa. Sự vận động và chuyển hóa này nhằm phản ánh một thực tại hoặc phục vụ cho một khuynh hướng lịch sử -xã hội nhất định nào đó của thực tại.

Oreste đoạt tượng nữ thần Artémis ở Tauride

Những Érinyes mặc dù đã được nữ thần Athéna ban cho một chức danh mới là nữ thần Ân đức mà nhiệm vụ và chăm nom đến hạnh phúc của nhân dân xứ sở Attique và đô thành Athènes, nhưng họ vẫn chưa thật hài lòng. Trong số họ vẫn có người truy đuổi Oreste, giày vô chàng, bắt chàng phải sống trong nỗi đau khổ ăn không ngon, ngủ không yên. Oreste chẳng còn phương kế nào khác ngoài phương kế cầu viện đến sự chỉ dẫn, giúp đỡ của vị thần Ánh sáng và Chân lý Apollon. Chàng đến đền thờ Delphes để cầu khấn thần. Thần phán bảo:

- Con hãy vượt biển sang xứ sở Tauride xa xôi ở phương Đông, đoạt bằng được bức tượng nữ thần Artémis về. Công việc này chẳng dễ dàng. Nhiều nỗi nguy hiểm chờ đón con, nhưng con cứ yên tâm. Ta lúc nào cũng ở bên con và giúp con vượt qua những phút hiểm nghèo.

Oreste lên đường vượt biển. Cùng đi với chàng có người bạn thân thiết và chung thủy Pylade. Trải qua nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển cả, con thuyền của hai chàng thanh niên Hy Lạp đã tới xứ sở Tauride. Họ giấu thuyền vào một hẻm đá kín đáo và lần mò tìm đường đi tới đến thờ nữ thần Artémis. Sau khi dò xét tình hình, hai chàng thanh niên Hy Lạp thấy rằng chỉ có lợi dụng đêm tối, đột nhập vào đền thờ, đoạt bức tượng mang đi, và một đêm kia sau nhiều lần dò xét, tính toán trù liệu, họ thực thi ý đồ của mình. Không may cho hai chàng thanh niên Hy Lạp, vào lúc họ vừa mang được bức tượng nữ thần ra khỏi đền thờ thì bị lộ. Những người dân Tauride phát hiện thấy họ, liền hô hoán ầm ĩ, kéo nhau truy đuổi kẻ cắp. Oreste và Pylade không chạy thoát được về nơi giấu thuyền. Họ bị bao vây và sau một hồi lâu kháng cự rất quyết liệt, họ bị bắt sống cùng tang vật. Những người dân Tauride trói chặt họ lại và giải về cung điện tâu trình nhà vua. Nhà vua nhìn thấy hai tên lạ mặt cả gan làm một việc càn rỡ xúc phạm đến tôn miếu thiêng liêng của xứ mình, lòng muôn phần giận dữ. Ông thét lớn:

- Đem ngay hai tên súc sinh này làm lễ hiến tế tạ tội nữ thần Artémis!

Nhưng trời lúc đó còn chưa sáng. Lễ hiến tế chỉ có thể cử hành được vào ngày mai. Đến đây ta phải dừng lại nói qua một chút về phong tục của người dân Tauride. Là một cư dân ở xa tít tắp tận phía đông bắc, những người dân xứ này hầu như rất ít giao tiếp với những người ở các xứ xa lạ khác. Ở họ không có phong tục quý người trọng khách như người Hy Lạp. Họ nhìn những người ở các xứ sở khác với một con mắt xa lạ, thù địch. Vì thế bất cứ người dân của một đất nước nào đặt chân đến xứ sở của họ thì lập tức bị bắt ngay để làm lễ hiến tế cho nữ thần Artémis. Hai chàng thanh niên Hy Lạp sắp bị giết để hiến tế không có gì là ngoại lệ cả, hơn nữa họ lại phạm trọng tội, nghĩa là đáng bị giết đến hai lần!

Sáng hôm sau khi trời vừa sáng tỏ, nhân dân Tauride rủ nhau kéo đến quần tụ trước đền thờ Artémis để dự lễ hiến tế. Người chủ trì và hành lễ là viên nữ tư tế của nữ thần, nàng Iphigénie xinh đẹp, con gái của Agamemnon và Clytemnestre. Xưa kia để cho đoàn thuyền Hy Lạp được thuận buồm xuôi gió vượt biển sang thành Troie, nàng đã tự nguyện hy sinh thân mình để làm lễ hiến tế cầu xin nữ thần Artémis nguôi giận phù hộ cho quân Hy Lạp, nhưng vào lúc mũi dao nhọn của lão vương Calchas, viên tư tế và nhà tiên đoán tài giỏi của quân Hy Lạp, vừa kề vào cổ nàng thì nữ thần Artémis bằng phép lạ thần thông biến hóa của mình đã cứu nàng, thay vào bằng một con cừu. Nữ thần Artémis đưa Iphigénie người trinh nữ tới xứ sở xa lạ này để nàng trông nom việc thờ phụng nữ thần, và bây giờ người trinh nữ Hy Lạp ấy, viên nữ tư tế ấy, sắp cầm dao nhọn chọc vào cổ hai chàng trai Hy Lạp mà không biết rằng mình sắp giết chết đứa em trai ruột thịt thân thiết của mình. Đêm vừa qua, Iphigénie trải qua một giấc mộng đầy kinh hoàng: Cung điện của cha nàng ở Argos bị một cơn động đất làm sụp đổ, chỉ còn sót lại một cây cột và từ cây cột này rủ xuống những búp tóc vàng. Còn nàng thì phải rửa sạch, lau chùi, đánh bóng cây cột ấy như làm công việc tư tế của nàng: Đưa cây cột đó ra làm lễ hiến tế. Thật kinh dị và khó hiểu. Chẳng ai kịp tường giải giấc mộng kỳ lạ ấy cho nàng. Hơn nữa, bản thân nàng cũng không thể suy ngẫm được điềm báo của giấc mộng ấy vì sau bao năm xa quê hương và gia đình, nàng chắc rằng Oreste, em trai của nàng chẳng còn sống. Vì thế giờ đây khi sắp làm lễ hiến tế, nàng định bụng sẽ giết những người lạ mặt phạm tội để dâng cúng cho vong hồn em trai nàng. Giờ hành lễ đến. Hai chàng trai bị giải đến trước bàn thờ. Iphigénie hỏi lai lịch của họ. Được biết họ là người Hy Lạp, Iphigénie bèn hỏi thăm họ về quê hương Argos của nàng, về cha mẹ nàng, về người em trai của nàng là Oreste. Hai chàng trai Hy Lạp giấu kín tông tích. Họ chỉ cho viên nữ tư tế của nữ thần Artémis biết một tin mừng: Oreste còn sống. “Oreste còn sống! Trời ơi! Em ta còn sống ư!” Iphigénie thầm kêu lên như thế và nảy ra một ý định: Chỉ giết một người để làm lễ hiến tế, còn tha cho một người, để nhờ người đó mang một bức thư về Hy Lạp báo tin cho Oreste biết người chị ruột của chàng là Iphigénie hiện vẫn còn sống, hiện ở Tauride, là tư tế của nữ thần Artémis. Iphigénie bày tỏ ý định này với hai chàng trai Hy Lạp, và thế là hai chị em nhận được ra nhau, gặp lại nhau sao bao năm trời ly tán. Thật là vui mừng khôn xiết! Nhưng họ chẳng có nhiều thời gian để hàn huyên, tâm sự. Lễ hiến tế đến lúc phải cử hành rồi. Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào để trốn thoát khỏi mảnh đất Tauride này? Trước nhà vua và đông đảo dân chúng, Iphigénie cất tiếng:

- Hỡi vị vua đầy quyền thế của xứ sở Tauride! Hỡi dân chúng! Lễ hiến tế sắp sửa bắt đầu, nhưng vừa rồi ta hỏi chuyện hai kẻ lạ mặt càn rỡ này ta được biết chúng đã phạm tội giết người ở quê hương chúng, vì thế chúng mới bỏ trốn tới đây. Như vậy bàn tay ô uế của chúng đã xúc phạm đến nữ thần Artémis linh thiêng của chúng ta. Chúng ta phải làm lễ tẩy uế cho bức tượng, và cả hai tên phạm tội nữa. Những kẻ sát nhân như thế nếu chưa được làm lễ rửa tội mà đem hiến tế thần linh thì không được. Chúng ta sẽ phạm một trọng tội nếu hiến tế cho các vị thần những lễ vật không tinh khiết. Các vị thần sẽ nổi giận, giáng tai họa xuống trừng phạt đất nước chúng ta. Vì thế ta quyết định đưa tượng nữ thần Artémis và hai kẻ phạm tội này ra ngoài bờ biển để làm lễ rửa tội. Nhà vua và chúng dân thấy có điều gì không vừa ý xin cứ truyền dạy.

Nhà vua và dân chúng nghe xong đều lấy làm phải. Vua bèn truyền cho rước tượng nữ thần Artémis ra bờ biển. Những tăng lữ của đền thờ rước tượng đi trước, còn quân lính giải hai tên phạm tội theo sau. Iphigénie dẫn đầu đám rước. Nàng dẫn đám rước ra quãng bờ biển nơi Oreste và Pylade cất giấu con thuyền. Tới nơi, Iphigénie ra lệnh cho đám lính phải lui về phía sau, thật xa, vì nghi lễ tẩy uế, rửa tội đòi hỏi phải tiến hành bí mật. Chỉ có người chịu lễ và các tăng lữ hành lễ được biết. Người ngoài cuộc không được tham dự, không được biết. Đó là tập tục từ nghìn xưa truyền lại. Chẳng cần phải kể dài dòng ta cũng đoán biết được lễ rửa tội tiến hành như thế nào. Iphigénie nhanh chóng cởi trói cho Oreste và Pylade, và hai chàng thanh niên Hy Lạp cũng nhanh chóng chuẩn bị buồm, chèo con thuyền. Đám lính chờ ở phía sau thấy lâu sinh nghi. Chúng phá bỏ lệnh cấm chạy ra ngoài bờ biển xem sự thể ra sao. Thật lạ lùng! Người trinh nữ tư tế của họ đang ở trên một con thuyền. Còn hai tên tội phạm đang ra sức đẩy con thuyền ra khỏi vùng nước cạn. Thế là lũ lính hô hoán ầm lên và xông tới. Chúng cho rằng viên nữ tư tế của họ đã bị bắt cóc, cần phải giải thoát cho nàng. Xung đột nổ ra. Oreste và Pylade chống đỡ. Tài nghệ cao cường của chàng cùng với Pylade đã chặn đứng bọn lính lại, và hơn thế nữa đánh cho chúng thất điên bát đảo phải quàng chân lên cổ mà chạy thoát thân. Mọi người xuống thuyền và ráng sức chèo để thoát khỏi vùng nguy hiểm. Con thuyền dần dần xa bờ. Xứ sở Tauride sau lưng họ chỉ còn là một vật xanh thẳm, nhưng số phận đâu có dành cho con thuyền của Oreste trở về quê hương Hy Lạp dễ dàng như thế. Một cơn bão nổi lên. Con thuyền vật vã trong sóng gió và sóng gió ném nó trở lại nơi xuất phát. Con thuyền trôi giạt vào bờ biển xứ Tauride. Tình hình thật muôn phần nguy ngập. Những người dân Tauride mà bắt được thì những người Hy Lạp cầm chắc cái chết.

Chính vào lúc nguy ngập như vậy, nữ thần Athéna đã kịp thời xuất hiện và ra tay phù trợ. Nữ thần đến cung điện của nhà vua vào lúc nhà vua đang đốc thúc tùy tướng truy đuổi. Lính tráng đã vào cơ vào ngũ. Thuyền bè, lương thực đã chuẩn bị xong xuôi. Nữ thần Athéna bèn lên tiếng phán truyền cho nhà vua xứ Tauride phải đình chỉ ngay việc đuổi bắt. Hãy để cho Iphigénie và hai chàng trai Hy Lạp cùng những người đi theo trở về quê hương Hy Lạp yên bình. Hơn thế nữa, nhà vua phải cho tất cả những tăng nữ phục vụ việc thờ cúng Artémis ở ngôi đền cùng về Hy Lạp với Iphigénie. Thấy nữ thần Athéna xuất hiện và phán truyền như vậy, nhà vua chỉ còn biết cúi đầu tuân lệnh.

Oreste trở về quê hương với niềm sung sướng khôn cùng. Chẳng những chàng đã mang được bức tượng nữ thần Artémis về Hy Lạp mà còn đưa người chị thân thiết của mình sau bao năm xa cách, những tưởng đã thiệt phận, cùng về với bức tượng. Chàng dâng bức tượng nữ thần Artémis cho đất Attique thiêng liêng. Nhân dân Attique dựng luôn một ngôi đền tráng lệ bên bờ biển và rước tượng Artémis về thờ. Tiếp đó chàng trở về quê hương Argos để đoạt lại ngai vàng. Ngai vàng lúc này do Alétès con của Égisthe chiếm giữ. Một cuộc giao đấu xảy ra. Alétès không chống đỡ nổi, bị giết chết. Thế là Oreste lên ngôi vua với tất cả niềm tự hào chính đáng: xóa bỏ được tội lỗi của bản thân, lập được chiến công, dựng lại được cơ nghiệp của vua cha, thanh toán hẳn, chấm dứt được mối thù lưu truyền từ đời ông cha giữa hai dòng họ Agamemnon và Thyeste.

Oreste trở về quê hương. Chàng lấy Hermione, con gái của Ménélas và Hélène, làm vợ. Chuyện Oreste lấy Hermione cũng khá lôi thôi: Xưa kia khi cuộc Chiến tranh Troie chưa xảy ra, Ménélas đã từng hứa gả Hermione cho Oreste, nhưng rồi sau chiến tranh xảy ra và kéo dài tới chục năm trời. Để giành được chiến thắng, theo một lời sấm ngôn cơ mật mà quân Hy Lạp biết được, quân Hy Lạp phải mời được dũng sĩ Néoptolème con của người anh hùng Achille, tới thành Troie tham chiến. Dưới quyền chỉ huy của chủ tướng Agamemnon, quân Hy Lạp đã thực hiện được việc này, và chính Ménélas là người góp phần quan trọng vào việc thực hiện sự việc tối ư quan trọng đó. Ông gả “béng” luôn Hermione cho Néoptolème để Néoptolème phấn khởi nhận nhiệm vụ sang giao chiến với quân Troie. Còn bây giờ cuộc Chiến tranh Troie đã kết thúc. Nàng Hélène đã trở về với Ménélas. Vậy thì nàng Hermione tất phải trở về với Oreste, và cuộc “chiến tranh” giữa Oreste với Néoptolème ắt phải xảy ra. Oreste với khí thế của người giành được những thắng lợi liên tiếp lại được thần thánh phù hộ, đến nhà Néoptolème gõ cửa, đòi lại nàng Hermione. Xô xát, tất nhiên là xô xát vì Néoptolème tính nóng như lửa, kết thúc bằng thắng lợi của Oreste. Néoptolème chết, Hermione về sống với Oreste ở Argos. Đôi vợ chồng này sinh được một con trai tên là Tisaménos.

Còn Pylade, Oreste chắp nối xe duyên với người chị ruột của mình là Électre.

Gia hệ người anh hùng Oreste

Iasion - Vị hoàng tử Thebes trong thần thoại Hy Lạp

Chú thích

[]

Tiếng Hy Lạp logographe: người viết văn xuôi, cấu tạo từ logos và graphe: viết; khác với aède: ca sĩ.

[]

Félix Gaffiot, Dictionnaire illustré Latin-Français. Hachette Paris, cho biết logos đã từng được sử dụng với những ý nghĩa sau đây: 1) Ngôn từ, lời nói ba hoa, diễn văn vô ích, bài hát, lời nói tế nhị, thông minh, truyện ngụ ngôn; 2) Lý trí (raison).

[]

Theo P. Frutiger, sự phân biệt logos và mythos trong Platon không thật rạch ròi. Ở các tác phẩm Timée, luật pháp, ông sử dụng mythos với ý nghĩa: trình bày (exposé), lý thuyết (théorie), mệnh lệnh (prescription), cổ vũ (exhortation). Nhìn chung huyền thoại thấm đượm tính duy lý (rationalité) tới mức con người ta có thể lầm lẫn với tính biện chứng, nếu có thể nói như thế được... (P. Frutiger, Les Mythes de Platon. Aican, 130, p. 4, chuyển dẫn từ Pierre Brunei, Le Mythe de la métamorphose. Paris, 1974, p. 24).

[]

  1. Marx, Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 312.

[]

A.F. Losev, Antichnaja mijologija vee istoricheskom razvtii. Uchpedgisz, Moskva, 1957, tr. 17-23. Losev chỉ ra hai quan hệ phức hợp: phức hợp thêm thắt (complexe d’interpolation) và phức hợp góp nhặt (complexe de compilation). Phức hợp góp nhặt dẫn tới phức hợp nguyên khối nghệ thuật (complexe de monolithe artistique).

[]

  1. Marx, Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 312-314.

[]

Michelangelo Buonarroti (1475-1564), nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư danh tiếng người Ý, thời Phục hưng.

[]

Assyrie là một vương quốc thuộc nền văn minh Lưỡng Hà (Mésopotamie).

[]

André Bonnard, La civilisation grecque (D’Antigone à Socrate) 10/18, Chap II: Sculpter la pierre - Fondre le bronze. Paris, 1963. Có tham khảo thêm: P. Devambez, Le style grec (l’Esprit grec). Larousse, Paris p. 9-11.

[]

  1. Faure, Histoire de l’Art Antique. Livre de poche, Paris. 1964, p. 205.

[]

André Bonnard, La civilisation grecque.

[]

Choéphores: những người thiếu nữ viếng mộ.

[]

Jacqueline de Romilly, L’évolution Pathétique d’Eschyle à Euripide. P.U.F. Paris.

[]

  1. Engels - Chống Dühring, Chương IV: Lý luận về bạo lực. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1959, tr. 304.

[]

“Một tôn giáo tự nhiên rất mờ nhạt trong những tín ngưỡng dân gian, có thể lại còn khá thô thiển nữa, nhưng lại được những ca sĩ cũng như những nhà triết học khai thác ở những ngọn nguồn rất đỗi trong trẻo và rất đỗi thơ mộng. Khi những nhà thơ và nhà triết học tin rằng họ đấu tranh chống lại tôn giáo thì họ chỉ làm toát lên từ tôn giáo cái quan niệm duy lý về thế giới bị những biểu tượng tôn giáo bao phủ. Đúng là con người sợ thần thánh. Nhưng vì các vị thần giống con người nên các vị thần không đảo lộn được cuộc sống của những quan hệ bình thường và tự nhiên vốn gắn bó với cuộc sống của con người. Vị trí của nghề tư tế chẳng quan trọng là bao. Nước Hy Lạp có thể là nước duy nhất trong số những xứ sở cổ xưa mà ở đó đẳng cấp tăng lữ không sống tách biệt với nhân dân để thay mặt cho nhân dân trong nghi lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère) như một lãnh vực dành riêng cho họ...” (Elie Faure, L’Art antique. p. 185).

[]

Ở Việt Nam chúng ta dường như cũng có hiện tượng tương tự. Nhiều khi ngày hội, ngày giỗ thường kèm theo những trò vui như đánh vật, bơi chải, thổi cơm thi, diễn chèo tuồng... Hội đền Hùng Giỗ Tổ, hội đền Kiếp Bạc, hội Phủ Giày, hội giỗ thành hoàng làng đều có những trò vui như thế. Ngay đến hội có tính chất Phật giáo như hội chùa Keo (Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định) cũng có phần hấp dẫn nhất là bơi chải. Hội Lim là hội thi hát.

[]

Những bức tượng ở chùa Tây Phương của chúng ta có thể là một ví dụ gần gũi. Nghệ sĩ giữ lại một số quy phạm của tôn giáo như tai to và dài, ngón tay dài... song đó chỉ là hình thức. Cảm xúc siêu thoát và khô cứng - công thức của tôn giáo - bị phá vỡ. Cảm xúc thẩm mỹ, hiện thực, trần thế đã lấn át cảm xúc tôn giáo. Chính vì lẽ đó nên trong số rất nhiều tượng thờ chùa chiền của chúng ta thì chỉ có tượng thờ ở chùa Tây Phương và một đôi nơi khác được coi là di sản nghệ thuật.

[]

Socrate (468-400 TCN), “... connais-toi, toi-même”.

[]

Bài hát ca ngợi, suy tôn các vị thần; tiếng Hy Lạp: hymno; còn dịch là bài ca tán mỹ. Ngày nay hymno là một bài ca trang trọng.

[]

Tiếng Pháp chant phallique: bài ca dương vật. Tiếng Hy Lạp phallos: dương vật.

[]

  1. Freidenberg, Mif i literatura drevnosti. Izd. Nauka, M. 1978, tr. 12.

[]

Ératosthène de Cyrène. Cyrène là một đô thị ở bờ biển Bắc Phi gần Ai Cập, thuộc địa của Hy Lạp.

[]

Một đô thành xưa là thuộc địa của người Hy Lạp, sau là thủ đô của Đế quốc Đông La Mã (Le Bas-Empire). Từ thế kỷ III, Byzance dường như thay thế vai trò của Rome. Thế kỷ IV, Hoàng đế Constantin lên cầm quyền đã đổi tên Byzane thành Constantinople. Sau này người Turc (Thổ) đổi tên thành Istanbul. Hiện nay là thủ đô nước Thổ Nhĩ Kỳ.

[]

Évhémère, cuối tk. IV - đầu tk. III TCN. Lý thuyết của ông trở thành một trường phái gọi là évhémèrisme.

[]

Xem F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, Lời tựa lần xuất bản thứ tư. NXB Sự Thật, Hà Nội. 1961, tr 11-15.

[]

Có lẽ tác giả nhầm; Wilhelm Maximilian Wundt (1832-1920) là người Đức (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).

[]

Trong bài Những vấn đề lý thuyết folklore, N.I. Kravtsov đã nhấn mạnh: “Không nên để những nhược điểm che lấp những gì có giá trị trong các công trình của các nhà bác học trước cách mạng”, “... cần chú ý nghiên cứu một cách có phê phán những thành tựu khoa học của nước ngoài, kể cả các nước tư bản. Viết về những điều mà nước ngoài đã làm được về lý luận folklore là một việc làm bổ ích...” (Problemy Folklora. Izd Nauka, Moskva, 1975).

[]

Trong Lịch sử văn học và huyền thoại của Robert Weimann, một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Cộng hòa Dân chủ Đức, tác giả phân chia các loại lý thuyết huyền thoại thành bốn khuynh hướng chính: Huyền thoại và tượng trưng - Huyền thoại và nghi lễ - Huyền thoại và nguyên mẫu cổ (archéttypea) - Huyền thoại và cấu trúc. (Robert Vejman, Istorija literatury i niologija. Izd Progress, Moskva, 1975).

[]

M.I. Shakhnovich, Pervobytnaya mifologiya i filosofiya (Stanovleniye grecheskoy filosofii). L. 1971, s. 19.

[]

  1. Tenase, Kultura i religja (dịch từ tiếng Rumani). Izd Politizdat, M. 1975.

[]

Roger Garaudy, Le Marxisme du XXe siècle. Paris, 1966.

[]

Cinquième biennale internationale de poésie: La Poésie et le Mythe, Knokke. 7 au 11 Septembre 1961... imprécision, ambivalence, sorte histoire flottante dont la signifiration change avec le temps... (trích trong tham luận của Roger Caillois, đại biểu của UNESCO).

[]

Xem tham luận của Marie-Madeleine Machet.

[]

Xem tham luận: Mythe, Póesie của Georges Cusdorf.

[]

Tiếng Hy Lạp khaos: vực thẳm; sau này mang nghĩa hỗn độn, rối rắm.

[]

Tiếng Hy Lạp gaea: đất.

[]

Tiếng Hy Lạp kiclope: vòng tròn.

[]

Tiếng Hy Lạp hécatonchires: trăm tay.

[]

Có lúc gọi là gió Đông Nam.

[]

Tiếng Hy Lạp khronos: thời gian.

[]

Cronos chém đứt dương vật Ouranos.

[]

Tiếng Hy Lạp gigantôs: đại khổng lồ (grand géant).

[]

Érinyes gồm ba chị em Alecto, Tisiphone và Mégèe. Có nguồn chuyện kể Érinyes là con của Nyx-Đêm tối và Érèbe-Chốn Tối tăm Vĩnh cửu.

[]

Diodore de Sicile là nhà viết sử người Hy Lạp sống vào quãng cuối thế kỷ I trước công nguyên, đầu thế kỷ II sau công nguyên, dưới triều Hoàng đế La Mã Auguste.

[]

Diodore de Sicile, Bibliothèque Historique.

[]

Évhémère là học giả người Hy Lạp thế kỷ III TCN.

[]

Tiếng Hy Lạp hypnos: giấc ngủ, sau này Pháp hóa mang nghĩa thôi miên. Hypnolist: thôi miên; hypnotisme: thuật thôi miên.

[]

Tiếng Hy Lạp moires: số phận, định phận, phần.

[]

Trong Nhập môn triết học Ấn Độ (1972, Sài Gòn) Lê Xuân Khoa dùng những thuật ngữ: Hữu thể, Thực hữu, Thực tại và Phi thể, Vô hữu, Phi thực để diễn đạt hai khái niệm này, nguyên văn tiếng Sanskrit là Sat và Asat.

[]

Manusmiriti, 32 - trích dẫn và chú thích của Lê Xuân Khoa. Nhập môn triết học Ấn Độ 1972, Sài Gòn, tr. 89.

[]

Tiếng Hy Lạp nymphe: thiếu nữ

[]

Tiếng Hy Lạp machie: chiến đấu giao tranh.

[]

Olympe là ngọn núi cao nhất nước Hy Lạp, cao chừng 3.000 mét phía bắc. Do là nơi ở của các vị thần nên Olympe là ngọn núi thiêng liêng, trang trọng. Trong tiếng Pháp, tính từ “Olympien” với nghĩa bóng, chỉ vẻ oai nghiêm, trang trọng.

[]

Tiếng Hy Lạp gigas, gigantôs: khổng lồ; machie: chiến đấu giao tranh. Pháp hóa: gigantesque: khổng lồ.

[]

Othrys là một ngọn núi thuộc đất Thessalie (Bắc Hy Lạp) ở phía nam của ngọn núi Olympe.

[]

Eschatologie; gốc từ tiếng Hy Lạp eschatos: cuối cùng tận cùng, kết thúc; và logos: ngôn từ, diễn văn, khoa học.

[]

Tiếng Hy Lạp prométhée: người tiên đoán.

[]

Tiếng Hy Lạp épiméthée: người lơ đễnh, đãng trí, đần độn.

[]

Charites gồm ba nữ thần Aglaé (La Brillante), Thalie (La Verdoyante), Euphrosyne (La Joie Intérieure).

[]

Persuasion, Peitho (thần thoại La Mã: Suada).

[]

Heures gồm hai nữ thần Thallo và Carpo, sau thêm một hoặc hai nữ thần nữa là Eiréné và Auxo, cai quản thời gian chín nở của mùa màng. Còn có tên gọi là các nữ thần Saisons (mùa màng).

[]

Theo Hésiode La Théogonie, Les Travaux et les jours.

[]

Người La Mã sau này gọi Hellade là Grèce.

[]

Xem La Sainte Bible, Ancien Testament, La Genèse 6, 7, 8.

[]

Các nữ thần Biển, có tên gọi chung là Néréides, con của lão thần Biển-Nérée.

[]

La Sainte Bible, Ancien Testament, La Genèse. Le jardin d’Eden et le péché d’Adam Louis Segond.

[]

  1. Engels - Chống Dühring, Chương IV: Lý luận về bạo lực. NXB Sự Thật Hà Nội, 1959, tr. 303.

[]

  1. Marx và F. Engels, Về văn học và nghệ thuật, Hài kịch, giai đoạn cuối cùng của một hình thái lịch sử. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958 tr. 106; Hoặc K. Marx, Góp phần phê phán triết học Pháp quyền của Hegel. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1977.

[]

Tiếng Hy Lạp psychopompe: người dẫn đường cho linh hồn.

[]

Thí dụ, ở đền thờ Delphes thờ hòn đá Omphalos, được người xưa coi là cái rốn của vũ trụ. Có truyền thuyết kể rằng đó là hòn đá khi xưa nữ thần Rhéa quấn tã lót vào giả làm Zeus để cho Cronos nuốt; sau này khi Cronus nôn nhả hòn đá đó ra, người ta đem về thờ và coi là rốn của đất Paphos trên đảo Chypre. Nữ thần Aphrodite được thờ bằng hòn đá hình nón. Nữ thần Artémis ở đảo Icarie được thờ bằng một khúc gỗ.

[]

Hespérides gồm có Églé, Érythie và Hespérie.

[]

Argus hay Argos, còn có tên là “Panoptès”, nghĩa là “người nhìn thấy hết”.

[]

Ngày nay eo biển Bosphore còn được gọi bằng một tên khác: Eo biển Constantinople. Tuy nhiên địa danh Eo biển Bosphore vẫn thông dụng. Một số địa danh khác đã thay đổi, thí dụ Biển Đen xưa là Pont-Euxin; các nhà nghiên cứu cho biết lúc đầu người Hy Lạp gọi là Pont d’Axne nghĩa là “Biển không thân thiết”, sau đổi thành Pont Euxin nghĩa là “Biển thân thiết”. Eo biển Dardanelles xưa là Hellespont. Biển Marmara xưa là Biển Propontide.

[]

Tiếng Hy Lạp ortýki: chim cun cút.

[]

Tiếng Hy Lạp phébus hoặc phoibos: rực sáng, chói lọi.

[]

Tiếng Hy Lạp hyperboréens: sống ở phương Bắc, bên ngoài gió Borée.

[]

Delphes là một điểm ở đất Phocide, chân núi Parnasse trước kia tên là Pitho.

[]

Ngày nay Python trở thành một danh từ chung chỉ một giống trăn to ở châu Á.

[]

A.F. Losev, Antichnaja mifologija o istoricheskom razvitii. Moskva, 1957, tr. 37-38.

[]

Lydie là một vương quốc ở Tiểu Á; Crésus (563-548 TCN) là một vị vua nổi tiếng về giàu có đã chinh phục cả vùng Tiểu Á.

[]

Halys là con sông ở biên giới hai vương triều Lydie và Perse.

[]

Tiếng Hy Lạp daphné: cây nguyệt quế; tiếng Pháp: laurier.

[]

Trong văn học Pháp, cueillir des lauriers: giành được thắng lợi (nghĩa đen: hái được cành nguyệt quế); se couvrit de lauriers: được vinh quang, vẻ vang (nghĩa đen: được phủ đầy cành nguyệt quế).

[]

Trong sách báo của chúng ta có người dịch là nàng Ly-tao, chúng tôi thấy dịch như thế không đúng.

[]

Có khi người ta gọi nghệ thuật điện ảnh là nghệ thuật của nàng Muses thứ bảy theo sự sắp xếp: thơ, ca, vũ, nhạc, bi kịch, hài kịch, điện ảnh.

[]

Un nourrisson des Muses: người con của những nàng Muse, chỉ nhà thơ. La muse de Victor Hugo: thiên tài thơ ca của Hugo.

[]

La Sainte Bible, Ancien Testament, Nombres, 21. Les serpents brulants (1-9).

[]

“Soyez donc prudents comme des serpents et simples comme des colombes.” [Nouveau Testament, Evangile selon Matthieu, Mission des apôtres (10:16-17) Louis Segond, Paris, 1949].

[]

Le serpent était le plus rusé de tous les animaux des chamsp, que l’Éternel Dieu avail faits.

[]

L’arbre de la vie, còn được dịch là “cây đời”.

[]

“Le péché originel.” Xem Ancien Testament, La Genèse. La jardin d’Éden et le péché d’Adam.

[]

Xem Nouveau Testament, Apocalypses de Jean. Laemme et le dragon, (12:4-10). Apocalypse còn được dịch là “Thiên khải”, “Lời Tiên tri”, “Tiên báo”; gốc từ tiếng Hy Lạp apokalupticos, apokalupsis: phát hiện (révélation).

[]

Tiếng Hy Lạp peripatein: đi dạo.

[]

Những người con của Niobé gọi là Niobides.

[]

Người La Mã kể có một nàng Manto con của Hercule, con trai nàng đã lấy tên mẹ đặt cho một đô thị trên đất Ý: Mantoue.

[]

Tiếng Hy Lạp ergon: lao động; dịch sát nghĩa là “người lao động”.

[]

Polias xuất phát từ tiếng Hy Lạp polis: đô thị.

[]

Tiếng Hy Lạp Epikloros, chỉ một tên thêm của người bố đặt cho con gái trong trường hợp không có con trai để thay quyền quản lý tài sản ở Hy Lạp xưa kia.

[]

Tiếng Hy Lạp promachos: người nữ chiến binh.

[]

Tritogénia: hồ Tritonis, nơi nữ thần Athéna ra đời.

[]

Tiếng Hy Lạp hygia: sức khỏe.

[]

Rimer malgré Minerve: làm thơ bất cần nữ thần Minerve, bất cần trí tuệ, tri thức. La chonette de Minerve ne prend son vol qu’en crépescule: Con cú của nữ thần Minerve chỉ tay vào lúc trời đã tối (buổi hoàng hôn): tri thức, sự hiểu biết, sự thông minh, sáng tạo là kết quả của một quá trình tích lũy.

[]

Olive, mà chúng ta thường phiên âm là “ôliu”. Olive có màu xanh nhạt, quả olive giống quả nhót.

[]

Rameau d’olivier, se présenter à l’olivier à la main: bày tỏ nguyện vọng, hoặc thiện chí hòa bình, cầu mong sự giúp đỡ hoặc thương lượng.

[]

Cécropia lúc đầu có nghĩa “xứ sở của Cécrops”, sau mở rộng chỉ những đền điện thờ, những công trình kiến trúc ở Athènes. Cécropiades nghĩa là “con cháu của Cécrops”, chỉ những người dân ở Athènes hoặc vùng đồng bằng Attique.

[]

Erichthonios; tiếng Hy Lạp eri: khỏe mạnh, tốt đẹp; chthonic: dưới đất.

[]

Acropole; tiếng Hy Lạp akrôs: trên cao; polis: đô thị. Một đô thị cổ ở Hy Lạp gồm hai khu vực. Khu vực ở dưới thấp và khu vực ở trên cao. Khu vực trên núi cao gồm các đền, điện thờ các vị thần, và một lâu đài, nơi tiến hành các nghi lễ thiêng liêng.

[]

Panathénées; tiếng Hy Lạp pan: tất cả, hoàn toàn. Panathénées: Hội của toàn dân Athènes.

[]

Quadrige là xe bốn ngựa chạy song song.

[]

Pisistrate là nhà cầm quyền ở Athènes khoảng thế kỷ VI TCN.

[]

Périclès là nhà cầm quyền ở Athènes (495-429 TCN).

[]

Từ “cúp” mà ngày nay chúng ta thường gọi, là Việt hóa từ “coupe” trong tiếng Pháp. Coupe tiếng Pháp có nghĩa là một chiếc cốc to, một chiếc bình, đồng thời cũng có nghĩa là phần thưởng trong các cuộc thi đấu thể dục thể thao.

[]

Tiếng Hy Lạp arachné: con nhện.

[]

Pléiades nghĩa là con cháu của Pléioné.

[]

Thí dụ, bảy danh nhân Hy Lạp thế kỷ VI TCN; bảy nhà thơ Hy Lạp triều đại Prométhée thế kỷ IV TCN; bảy nhà thơ Pháp thời đại Phục Hưng (nhóm thi sĩ La Pléiade).

[]

Trong tiếng Pháp và tiếng Nga có thành ngữ Câm như đá có thể bắt nguồn từ điển tích thần thoại này.

[]

Do gắn với chiêm tinh, ma thuật nên ngày nay trong tiếng Pháp có từ “hermétique” với ý nghĩa “bí ẩn, bí hiểm, bưng bít khó hiểu”.

[]

  1. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, Chương II: gia đình. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961, tr. 95.

[]

Tiếng Hy Lạp nghĩa là: cảm hứng, xúc động, nhiệt tình. Từ này đã được Nga hóa. Còn “pathos” tiếng Hy Lạp nghĩa là: đau khổ, căng thẳng, sôi sục. Từ này đã được Pháp hóa và Nga hóa và biến dạng thành từ “pathétique” (Pháp), “pateticheskij” (Nga) với nghĩa: xúc động, cảm động, thống thiết.

[]

Tiếng Hy Lạp écho: tiếng vọng, tiếng vang.

[]

Nữ thần Aphrodite còn có một biệt danh là Cythérée.

[]

Từ điển Đào Duy Anh dịch: hoa bạch đầu ông, hoa thu mẫu đơn.

[]

Ngày nay trong tiếng Pháp có từ “Aphrodisiaque”, gốc từ tiếng Hy Lạp “Aphrodisiakos”, với nghĩa là: (1) kích thích khêu gợi tình dục (érotisme, érotique); (2) tình dục, thói ham mê tình dục, thói đa tình, tình yêu dâm dục, dâm đãng.

[]

Etna là tên một ngọn núi lửa ở đông bắc đảo Sicile, nước Ý.

[]

Tiếng Hy Lạp pyracmon: cái đe.

[]

Tiếng Hy Lạp acamas: không biết mệt.

[]

Éleusis là một khu vực trong vùng đồng bằng Attique cạnh Athènes.

[]

La Sainte Bible, Nouveau Testament, Évangile selon Matthieu, Enfance de Jésus-Christ... 2. Louis Segond, Paris, 1949.

[]

  1. Lenzman, L’origine du Christianisme. Moscou, 1961, p. 103-107.

[]

Tiếng Hy Lạp drus: cây sồi.

[]

Minyades gồm ba chị em Alcithoé, Leucippé và Arsippé.

[]

Bọn cướp biển ở vùng biển Tyrrhénienne, phía tây bán đảo Ý. Chúng thuộc tộc người Étrusques sống trên đất Étrurie, ngày nay là Toscane, nước Ý.

[]

Tiếng Hy Lạp thyoné: điên cuồng.

[]

Le bouc émissaire, nay trở thành một thành ngữ chỉ một vật thí nghiệm, vật hy sinh, kẻ giơ đầu chịu báng, cảnh “trăm dâu đổ vào đầu tằm”.

[]

Lênaia gốc từ Tiếng Hy Lạp lênôs: ép, vắt. Vì thế còn gọi Hội Léné là Hội ép rượu (Fêtes Lénées ou Lénéennes ou Fêtes du Pressoir). Lại còn có tên gọi là Hội Dionysos Lénaios.

[]

Tiếng Hy Lạp dithurambos, dithurambikos; cấu tạo bằng những từ dis: hai lần, thura: cửa, ambaino: tôi đi qua; ý nói đến việc Dionysus đã hai lần đi qua chiếc cửa của đời sống, có nghĩa là sinh hai lần. Lần đầu Sélémé, lần sau Zeus.

[]

Périclès (495 - 492 TCN) là người cầm đầu đảng, phái dân chủ ở Athènes, đã cầm quyền và tạo ra được những bước tiến bộ lớn về kinh tế, chính trị cũng như văn hóa, xã hội cho nhà nước Athènes.

[]

Nhà hát Athènes thế kỷ V có 17.000 chỗ ngồi; nhà hát Épidaure thế kỷ IV có 44.000 chỗ ngồi.

[]

Académos là tên một vị anh hùng Hy Lạp trong thần thoại.

[]

Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc từ “pan” thuộc ngôn ngữ Ấn Âu. Pa: chăn nuôi.

[]

Plutarque (40 hoặc 50-125), La disparitino de l’oracle, XVII: Le grand Pan est mort!

[]

Tiếng Hy Lạp syrinx: ống.

[]

Semer la panique: gieo rắc sự khủng khiếp; la terreur panique: sự khủng khiếp bất ngờ.

[]

Tiếng Hy Lạp phaéton: rực sáng.

[]

Tên những ngôi sao, chòm sao: le Taureau, le Lion, le Scorpion, le Cancer.

[]

Tên những ngôi sao, chòm sao: Le Serpent, L’Autel.

[]

Héliades là con của Hélios, gồm ba nàng Lampétie, Phaéthuse và Phoebé.

[]

Danaïdes là con của Danaus.

[]

Vì lẽ đó nên người xưa gọi là cành olive là “cành lá của sự cầu xin”.

[]

A.F. Losev, Antichnaja mifologija vee istoricheskom razviti. Uchpedgiz, Moskva 1957, tr. 76-77.

[]

Con cháu của Abas gọi là Abantides.

[]

Gorgone gồm ba chị em Sthéno, Euryale, Méduse.

[]

Tiếng Hy Lạp graiai: những bà già. Greée gồm ba chị em Pemphrédo, Ényo, Dino.

[]

Người Hy Lạp xưa kia cũng như người La Mã sau đó coi những vùng đất châu Phi ngoài nước Ai Cập về phía Nam là nước Éthiopie.

[]

Ammon gốc xa xưa là một vị thần đất Thèbes Ai Cập tên Ammon-Ra, một vị thần Mặt trời.

[]

Samson et Delila/Dalila, xem La Sainte Bible, Ancien P. Testament, Juges 13-19. Louis Segond, Paris, 1949.

[]

Ngày nay Hydre trở thành danh từ chung chỉ một loài sinh vật ở nước ngọt không có xương sống. Tiếng Hy Lạp hudra, từ hudor: nước.

[]

Có chuyện kể Hydre có bảy đầu hoặc chín đầu, chặt một đầu thì hai đầu khác lại mọc ra thay thế.

[]

Sông Istros ngày nay là sông Danube. Người Hy Lạp xưa kia tưởng con sông này bắt nguồn từ mạn cực bắc của Trái Đất.

[]

Pont-Euxin ngày nay là Biển Đen (Hắc Hải).

[]

Ở Hy Lạp xưa kia có hai đô thành Pylos, một ở đất Étolie tây bắc bán đảo Péloponèse, một ở đất Messénie tây nam.

[]

Tiếng Hy Lạp mélanippe: con ngựa cái đen.

[]

Tác giả nhầm; Géryon là con của Chrysaor và Callirhoé. Méduse sinh ra Chrysaor (và Pégase) từ vết chém trên cổ, sau khi bị giết bởi Persée (Chương Người anh hùng Persée: Persée giết ác quỷ Méduse), vậy Méduse là bà của Géryon (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).

[]

Méléagrides gồm có Gorgé, Dejánire, Eurymède, Mélanippe.

[]

Pintade, còn dịch là gà Phi.

[]

Trois choses sont considérées comme également impossibles, enlever à Jupiter sa foudre, à Hercule sa massue, à Homère un vers: Có ba việc hoàn toàn không thể nào làm được là tước sét của thần Jupiter, cây chùy của Hercule, câu thơ của Homère. (Macrobe, Saturnales). Prendre la masue d’Hercule pour couper un cheveu en quatre: Dùng cây chùy của Hercule để chẻ sợi tóc làm tư; tương đương với câu Dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà trong văn học Việt Nam.

[]

Tiếng Hy Lạp podarcès: chân nhanh.

[]

Cos là một hòn đảo nằm trong quần đảo Sporades gần bờ biển phía nam Tiểu Á.

[]

Syracuse là một thành bang trên đảo Sicile, thuộc địa của Hy Lạp.

[]

Néron (37-68) cầm quyền từ 54-68 là một bạo chúa đã giết anh, giết mẹ, giết vợ, đốt kinh thành Rome, khủng bố tín đồ Thiên Chúa giáo.

[]

Huyền thoại Sisyphe được triết học hiện sinh sử dụng như một bằng chứng, một biểu tượng tiêu biểu để thể hiện hoặc phản ánh những quan điểm của mình: phi lý và chấp nhận, vô nghĩa và nổi loạn.... Le mythe de Sisyphe là một tiểu luận của nhà văn hiện sinh chủ nghĩa Pháp Albert Camus (1913-1960).

[]

Acrocorinthe nghĩa là “thành Corinthe ở trên cao”. Tiếng Hy Lạp acros: trên cao.

[]

Truyền thuyết này giải thích từ “Amazone” theo tiếng Hy Lạp cổ là “không có vú”. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì sự giải thích này không đúng.

[]

Tiếng Hy Lạp pégase: ngọn nguồn.

[]

Illyrie ngày nay thuộc các nước Ý, Nam Tư, Áo, bờ phía đông biển Adriatique.

[]

Napoli Naples là một đô thành ở bờ biển phía Tây miền nam nước Ý, trên bờ biển Tyrrhénienne.

[]

Arthur Evans (1851-1941) chia nền văn minh phát hiện ra ở đảo Crète đầu thế kỷ XX ra làm ba thời kỳ: Minos cổ, 3000-2100 TCN; Minos giữa, 2100-1580 TCN; Minos cuối, 1580-1200 TCN.

[]

Moloch là vị thần thân người đầu bò, ăn thịt người. Trong lễ hiến tế người ta thui trẻ con để dâng Moloch.

[]

Ammonites là một bộ tộc người cổ thuộc nước Syrie ngày nay, mang tên vị thần thủy tổ là Ammon, con trai của Loth.

[]

Samos là một hòn đảo trong quần đảo Sporade gần đô thành Ephèse, vùng ven biển Nam Tiểu Á.

[]

Tình trạng rối ren không lối thoát: Enchevêtrement labyrinthique; đường ngoắt ngoéo, khuất khúc: Labyrinthiforme. Trong y học, labyrinthe còn chỉ hốc trong tai và bệnh viêm trong hốc tai gọi là labyrinthite.

[]

Épidaure là một đô thành ở bờ biển phía đông vùng đồng bằng Argolide trên bán đảo Péloponèse.

[]

Périphétès còn có tên Corynétès, nghĩa là người cầm côn.

[]

Zeus-Méléchie tiếng Hy Lạp có nghĩa là Zeus-Nhân hậu. Con cháu những người Phytalides sau này thiết lập nên nghi thức tôn giáo thờ cúng nữ thần Đéméter, một nghi lễ làm cơ sở cho những Mystères d’Éleusis.

[]

Naxos là một hòn đảo nằm trong quần đảo Cyclades phía bắc đảo Crète, giữa biển Égée.

[]

Đặc điểm của phong cách nghệ thuật vùng Laconie là giản dị, hàm súc, rõ ràng cho nên ngày nay có danh từ laconisme và tính từ laconique để chỉ một phong cách giản dị, hàm súc.

[]

Vies parallèles, còn được dịch là Tiểu sử đối chiếu; sau này nhà bác học người Pháp Jacques Amyot (1513-1593) dịch và đổi tên là Cuộc đời các danh nhân.

[]

Thí dụ: Post-scriptum viết tắt P.S. nghĩa là: tái bút, ghi thêm (ở bên dưới trang viết sau khi viết xong); Sic nghĩa là: như vậy, thế đấy (với ý nhấn mạnh); Idem viết tắt Id nghĩa là: như trên; Confer viết tắt Cf nghĩa là: xem ở, tra cứu ở.

[]

Có nguồn chuyện kể Althée vứt đoạn củi-số mệnh của Meléagre vào bếp cho cháy hết. Xem chương: Mười hai kỳ công của Héraclès: Bắt sống chó ngao Cerbère.

[]

Thestios là cha đẻ của Althée và ba người con trai là Alcée, Céphée và Ploceppe.

[]

  1. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 205-206.

[]

Apharétides là tên gọi chung các con của Apharée.

[]

Chiến tranh Péloponnèse (431-404 TCN), cuộc chiến tranh do hai thành bang Sparte và Athènes cầm đầu hai khối liên minh nhằm tranh giành quyền thống trị trên bán đảo Hy Lạp. Athènes cầm đầu liên minh Délos. Sparte cầm đầu liên minh Péloponnèse.

[]

Lysandre là một nhà chiến lược và chỉ huy tài giỏi của Sparte đã đánh bại Athènes.

[]

Céphalonie là hòn đảo lớn lên biển Ionien, phía tây bán đảo Hy Lạp.

[]

Có người cho rằng Orphée là người sáng lập tôn giáo Orphisme.

[]

Hébros là một con sông ở xứ Thessalie, ngày nay là sông Naritsa.

[]

Lesbos là một hòn đảo ở ven biển Tiểu Á, ngày nay là Mytilène.

[]

Chòm sao Lyre ở giữa chòm sao Véga.

[]

Tác giả nhầm; Lyre là một chòm sao, Véga là một ngôi sao. Véga là ngôi sao sáng nhất nằm trong chòm sao Lyre (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).

[]

  1. Marx, Bản thảo kinh tế-triết học năm 1884. NXB Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 137-183.

[]

  1. Engels, Biện chứng của tự nhiên. NXB Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 13.

[]

Biển Propontide ngày nay là biển Marmara.

[]

Bán đảo Cyzique còn được gọi là bán đảo Dolion.

[]

Vùng đất ở phía tây đất Tiểu Á có đô thành lớn nhất ở bờ biển Égée là Pergame.

[]

Ba hòn đảo ở phía nam Hy Lạp, đối diện với bờ biển phía tây xứ Messénie.

[]

Nguyên văn đoạn này dịch: Boréades Cléopâtre; chúng tôi sửa lại cho dễ hiểu và đúng với tích truyện thần thoại.

[]

  1. Engels. Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 205.

[]

Những người Hy Lạp xưa kia gọi vùng bờ biển châu Phi ở phía tây Ai Cập là Libye.

[]

Có một nguồn chuyện khác kể: Apsyrtos đã xuống con thuyền Argo đi cùng với Jason và Médée về Hy Lạp, vì sao lại cùng đi thì không nói rõ. Kế đến khi bị những người Colchide đuổi, Jason và Médée đã giết Apsyrtos, chặt xác vứt xuống biển. Rất có thể do Médée bàn định với Jason bắt cóc Apsyrtos đưa đi theo.

Theo các nhà nghiên cứu, xứ sở Colchide ngày nay là nước Cộng hòa Géorgie trong Liên bang Xôviết.

[]

Đảo Égine ở gần vùng bờ biển Corinthe, Mycène.

[]

Có lẽ chi tiết này không đúng, bởi vì ông nội Ménélas là Pélops, sinh cơ lập nghiệp trên đất Pise chứ không phải ở đảo Crète. Một nguồn chuyện khác kể có lẽ hợp lý hơn: Ménélas phải về ngay Crète để tham dự một lễ hiến tế trọng thể.

[]

Đất Tauride ngày nay là vùng Crimée ở Liên Xô cũ.

[]

Xem La Sainte Bible, Louis Segond, Paris 1949, Genèse 21: Abraham mis à l’épreuve par l’éternel, qui lui ordonne d’offrir en holocauste son fils Isaac.

[]

Tiếng Hy Lạp podarge: bộ chân nhanh.

[]

Ésépe là một con sông ở đất Tiểu Á ngày nay là Saltaldere, có chuyện kể ở bờ biển Hellespont.

[]

Un médecin vaut beaucoup d’autres hommes. Xem Homère, Iliade, chant XI, 510-520, traduit par Paul Mazon, Les Belles Lettres, Paris 1956.

[]

Những người Danaens là con, cháu của nàng Danaé, có nghĩa là những người Hy Lạp. Danaé là người đã sinh ra vị anh hùng Persée do thụ thai với thần Zeus khi thần biến mình thành những hạt mưa vàng.

[]

Platon (427-347 TCN), nhà triết học duy tâm nổi tiếng của thời cổ đại, người đã đề xướng ra học thuyết về ý niệm tuyệt đối, bất tử là bản chất của thế giới. Theo ông, linh hồn là bất tử, con người trong cuộc sống muốn vươn tới hạnh phúc, chân, thiện, mỹ cần phải suy ngẫm, hồi tưởng lại bản chất của ý niệm đích thực.

[]

Pythagore (580-500 TCN), nhà toán học và triết học cổ đại. Ông cho rằng bản chất của thế giới là con số, là cái số lượng trừu tượng. Những môn đệ của ông phát triển cách giải thích đó đã thần bí hóa con số, nêu lên học thuyết về sự tạm trú của linh hồn bất tử trong cơ thể và sự nhập hóa của linh hồn bất tử từ cơ thể này sang cơ thể khác.

[]

Apulie (địa danh cổ) ngày nay là miền Fouille ở Nam Ý nằm giữa dãy núi Apennin và biển Adriatique, gồm có những thành phố Foggia, Bari, Tarente, Brindisi, Lecce.

[]

  1. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961, tr. 160.

[]

  1. Engels, Chống Dühring. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1976. tr. 297.

[]

  1. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961, tr.145.

[]

Kimméri là một tộc người thần thoại sống ở vùng cực tây bắc Trái đất.

[]

Những con sông ở âm phủ.

[]

  1. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 12-14.

[]

“Quảng trường, nơi công chúng tụ tập rất đông. Tại đây đang xảy ra một cuộc tranh chấp. Hai người cãi nhau về chuyện bồi thường một vụ giết người. Người này quả quyết là đã trả hết rồi và tuyên bố như vậy trước đám đông, người kia chối là chưa nhận được tí gì. Cả hai cùng đổ xô đến một người làm chứng (un juge: quan tòa - NVK chua thêm) cho rõ trắng đen. Công chúng hò la, người về phe này, kẻ về phe kia, người bênh bên này, kẻ bênh bên nọ. Những người truyền lệnh dẹp đám đông. Các vị kỳ cựu ngồi trên những phiến đá nhẵn bóng, trong vòng tròn bất khả xâm phạm. Quyền trượng của họ ở trong tay những người truyền lệnh đang nói oang oang. Thế rồi họ lấy lại quyền trượng đứng lên và lần lượt phán xử. Chính giữa đặt hai lẵng vàng để thưởng cho người phân xử công bằng nhất”. Xem những cảnh chạm khắc trên khiên Achille trong Iliade của Homère. NXB Văn học, Hà Nội, 1966, tr. 86 (Phan Thị Miến dịch) “... Khi tôi thấy lại được cái bè gỗ của tôi từ miệng Charypde lao ra thì lúc đó là lúc thời gian đã muộn, là lúc mà quan tòa Juge sau khi đã xử biết bao vụ kiện giữa đám người này người khác từ quảng trường trở về để ăn bữa tối...”. Xem Odyssée, Homère, khúc ca XII, câu thơ 435-440. Bản dịch sang Pháp văn của Victor Bérard “Les Belles Lettres” Paris.

[]

  1. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, chương Thị tộc Hy Lạp. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961.

[]

Có lẽ tác giả nhầm; chính xác là con hươu như trên đã kể (Chương Truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie: Quân Hy Lạp lại tập trung ở Aulis). Chưa thấy tài liệu nào khác kể là con cừu (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).