Indie nghĩa là gì

Theo từ điển Cambridge Learner’s Dictionary, từ Indie có nguồn gốc từ Independent nghĩa dịch ra là độc lập. Như vậy, nói theo cách dễ hiểu, Indie là một xu hướng âm nhạc được tạo ra bởi những nghệ sĩ tự do và không nằm trong bất kỳ khuôn khổ nào. Khái niệm trên xem ra vẫn còn khá mơ hồ. Vậy một nhạc indie sẽ được định nghĩa một cách khoa học nhất ra sao? Dưới đây là 3 tiêu chuẩn để gọi tên một nghệ sỹ hoạt động với tinh thần nhạc indie.

1. Quan hệ của nghệ sỹ với đơn vị phát hành sản phẩm

Sự nghiệp của Nghệ sỹ liên quan nhiều đến đến thỏa thuận giữa các đơn vị như Hãng đĩa [records label], Nhà phân phối [Publishers], và Công ty âm nhạc [Music Company] và chính Nghệ sỹ đó. Tùy vào hợp đồng, Nghệ sỹ có thể ký hợp đồng với các đơn vị trên để phát hành sản phẩm của mình. Các đơn vị sẽ làm việc dựa trên các khái niệm bản quyền như sau:

1.1. Bản quyền [Licensing]

Về mặt văn bản, có tất cả 6 loại licensing cho một bài nhạc: Master License, Sync License, Mechanical License, Public Performance License, Print Right và Theatrical. Trong đó cần chú ý đến hai nhóm:

Master licensing là quyền sở hữu một bản thu của một bài nhạc và quyền cho phép ai đó sử dụng bản thu đó. Tức là việc bán một chiếc CD, việc sử dụng bản thu gốc của một bài nhạc để phát trên radio đều phải trả phí cho master rights, tức người sáng tạo sản phẩm.

Sync, Mechanical và Public Performance License là quyền sở hữu và cho phép người khác sử dụng bài hát trong các ấn phẩm hình ảnh, âm thanh và biểu diễn đại chúng của họ. Tức là một ca sĩ nào khác muốn cover hoặc mang một bài hát mà không phải họ viết ra đi diễn thì họ phải trả phí cho các loại licensing này.

1.2. Các đơn vị phát hành

Đối với một Records label, điều họ quan tâm nhất là Master Licensing, vì họ trả tiền trước cho một nhóm nghệ sĩ để thu âm và tạo ra một bản thu, họ sẽ sở hữu hoàn toàn hoặc ít nhất một phần lớn Master Licensing của bản thu một bài hát của nghệ sĩ. Và nhiệm vụ chính của họ là phát hành, quảng bá và tìm cách để một bản thu được mua, chứ không phải nghệ sĩ. Và trách nhiệm của nghệ sĩ cũng sẽ xoay quanh việc làm cho hãng đĩa bán được các bản thu của bài nhạc đó.

85% thị phần âm nhạc của thị trường Mỹ thuộc về 3 record label lớn: Sony, Universal và Warner. Hầu hết các hãng đĩa nổi tiếng hiện nay như RCA, Columbia, Atlantic đều bị các ông lớn [Big 3] này thâu tóm dưới dạng công ty con. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số record label độc lập như Big Machine [Mỹ], Mushroom [Úc]. Ngoài ra còn một hình thức nữa là vanity label do các nghệ sỹ nổi tiếng thành lập như Maverik của Madonna. Cả independent và vanity đều có thể liên kết với Big 3 để phân phối sản phẩm của mình. Tuy nhiên tính độc lập của hãng đĩa không thể hiện tính độc lập của nghệ sỹ. Ví dụ: hãng đĩa Big Machine của Taylor Swift trước đây là independent label nhưng Taylor không phải là nghệ sỹ độc lập.

Đối với Publisher, trách nhiệm của nhà phát hành sẽ xoay quanh việc phát triển nghệ sĩ, chịu trách nhiệm quản lý các nguồn thu từ Sync, Mechanical, Public Performance của một nghệ sĩ đó. Hiểu một cách đơn giản, Publisher sẽ tìm cách để một nghệ sĩ được nổi tiếng và nhận phần trăm từ các hoạt động có sử dụng âm nhạc do nghệ sĩ đó viết ra. Do đó Publisher thường kí hợp đồng dài hạn với nghệ sĩ.

Những Music Publisher lớn cũng thường cùng tập đoàn với Record Label như Sony ATV, Universal Music nhưng cũng có một số Music Publisher độc lập như Kobalt, Concord, Downtown. Tính độc lập của publisher cũng không thể hiện tính độc lập của nghệ sỹ.

Điểm giống nhau là cả hai đơn vị trên đều có chức năng ứng trước một khoảng phí cho nghệ sĩ để có thu nhập trong quá trình sáng tác. Đó là lí do phần lớn các nghệ sĩ đều tìm cách để kí với 1 trong 2 đơn vị trên. Do các quyền sở hữu khác nhau và trong đa số trường hợp đều không ăn khớp với nhau nên một nghệ sĩ có thể kí hợp đồng với hai Record Label và Publisher khác nhau.

Music Company: đơn vị này giống như một công ty đại diện cho nghệ sỹ để ký thỏa thuận với hai đơn vị trên, đôi khi có khả năng phát hành như hai đơn vị trên. Nhiều music company kèm luôn cả chuyện đào tạo và quản lý nghệ sỹ hay chịu trách nhiệm sản xuất MV hay thu âm. Nhiều công ty âm nhạc trả lương cho nghệ sỹ giống như doanh nghiệp trả lương cho nhân viên. Các Music company thường ký một 360° contract với nghệ sỹ. Đây là một dạng thỏa thuận giữa nghệ sĩ và một Music company về việc Music Company sẽ được nhận một phần từ tất cả mọi hoạt động liên quan tới âm nhạc của một nghệ sĩ, đổi lại cho việc công ty đó sẽ lo tất cả mọi thứ cho nghệ sĩ đó. Ví dụ: YG Entertainment sẽ lo cho Big Bang từ phòng thu đến đến chuyện ăn ngủ, thù lao. Đổi lại, G-Dragon đi đóng quảng cáo hay TOP đi đóng phim thì YG vẫn sẽ được nhận % từ thù lao của các nghệ sĩ này. Khi này thì nghệ sĩ trở thành nhân viên của công ty, họ vẫn tự làm nhạc. Những Music Company là mô hình phổ biến ở các thị trường Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Trường hợp các ca sĩ có tên tuổi như Mỹ Tâm tự mở music company. Tuy nhiên không ai gọi những ví dụ trên là nghệ sỹ indie cả. Lý do như sau:

Cho dù nghệ sỹ có ký thỏa thuận với các đơn vị trên hay không, nghệ sĩ vẫn là người trực tiếp sáng tác, thu âm, phối khí và chịu trách nhiệm lớn nhất cho các tác phẩm cũng như bản thu của họ. Đó là lí do có những nghệ sĩ vẫn được xem là Indipendent artist [tự thu âm, phối khí hoặc tự tổ chức tour] nhưng vẫn có ký thỏa thuận với record label và publisher [Arctic Monkeys, fun., Pixies]. Do đó, khái niệm nghệ sỹ indie không liên quan đến thỏa thuận với hãng đĩa và đơn vị xuất bản. Cho dù họ không ký hợp đồng với đơn vị nào thì chưa chắc họ đã là nghệ sỹ indie. Nghệ sỹ indie được định nghĩa bằng cách thức sản xuất sản phẩm âm nhạc và tinh thần, triết lý hoạt động của họ. Điều này được làm rõ hơn ở phần sau.

Ban nhạc Artic Monkey đại diện cho hãng đĩa độc lập Domino

2. Tinh thần Indie

Nghệ sĩ indie sẽ là nghệ sĩ không bị phụ thuộc và không có nghĩa vụ phải tạo ra các tác phẩm chịu ảnh hưởng bởi hãng đĩa/nhà phát hành/công ty âm nhạc của họ. Nghệ sĩ indie vẫn có thể kí với các hãng đĩa để nhận hỗ trợ phát hành và chia sẻ lợi nhuận. Nhưng hãng đĩa sẽ không có quyền can thiệp thay đổi phong cách, định hướng âm nhạc hay chủ đề và triết lý trong sản phẩm của nghệ sỹ [điều này được liệt kê rõ khi ký hợp đồng]. Tuy nhiên nghệ sĩ vẫn phải đảm bảo đạt đúng tiến độ thu âm album/tác phẩm trên hợp đồng đã cam kết với hãng đĩa từ trước. Do đó các nghệ sĩ indie của nước ngoài đa phần sẽ kí với indipendent labels [Domino của Anh hay Sun của Mỹ] thay vì major labels [Sony, Universal, Warner Bros] vì những nhãn hiệu lớn như Sony có lịch sử can thiệp thô bạo vào định hướng và phong cách âm nhạc của nghệ sỹ như trường hợp của Mariah Carey trước đây.
Tuy nhiên khi nghệ sĩ tự làm âm nhạc của họ thì nghệ sỹ đó mới chỉ thỏa mãn tinh thần Indie nhưng về thể loại âm nhạc thì họ vẫn chưa thỏa mãn khái niệm này. Vậy một nghệ sỹ Indie sẽ phải thỏa mãn một yếu tố nữa, đó là thể loại âm nhạc.

Vũ, hoàng tử Indie Việt Nam

3. Thể loại nhạc Indie

Indie rock là cách gọi thể loại rock ra đời cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 tại Anh Quốc với đặc trưng là thể loại rock có pha trộn và ảnh hưởng với các thể loại khác hoặc đi sâu vào một phân nhánh con hơn của nhạc rock. Định nghĩa này gần giống với thể loại Alternative rock của Mỹ. Tuy nhiên nghệ sỹ Anh khi chơi thể loại này thường được coi là Indie còn ở Mỹ lại thường được gọi là Alternative. Về bản chất, hai thể loại này không khác nhau nhiều nhưng về đặc trưng nguồn gốc và phong cách nên được gọi với hai cái tên khác nhau.

Indie rock và alternative rock khi đi sâu hơn vào các thể loại con [sub-genre] sẽ phân nhánh ra thành math rock, midwest emo, lofi/slacker rock, shoegaze, slowcore, chillwave, chamber pop…

Từ đây ta có thêm khái niệm: Sub-genre hay fusion sẽ dùng để chỉ một ảnh hưởng của một dòng nhạc khác lên một dòng nhạc gốc. Ví dụ như folk rock thì nó sẽ là âm nhạc với các tính chất của nhạc rock [dằn dứ, sử dụng guitar điện và trống jazz, cấu trúc bài bùng nổ tại chorus] kết hợp với một yếu tố đặc trưng của dòng nhạc folk [sử dụng nhạc cụ dân gian].

Vì là một đứa con lai giữa các thể loại nên indie vẫn chưa có một định hình cụ thể về hoà thanh, nhạc cụ hay tính chất âm nhạc. Nét đặc thù của indie rock hay alternative thường mang đậm tính cảm giác như nội dung tự sự, sự dàn trải của âm thanh hay hình ảnh bay bổng của nghệ sỹ.

Trái lại, khi một mainstream artists chơi những sub-genre của Indie, nghệ sỹ đó vẫn không phải là nghệ sỹ Indie. Trường hợp điển hình gần đây nhất là Taylor Swift với hai albums folklore và evermore, đều được gán mác là folk pop và chamber pop. Về thể loại âm nhạc, việc gán mác như thế hoàn toàn không sai bởi album rất gần với thể loại của những nghệ sĩ indie như Phoebe Bridgers và The Mountain Goats. Tuy nhiên Taylor Swift là một nghệ sỹ ký hợp đồng với hãng đĩa lớn [Universal] và tính đại chúng [pop] của hai album vẫn rất rõ nét chứ chưa hoàn toàn thuộc về sub-genre chamber pop/indie folk nên Taylor Swift không được coi là nghệ sỹ indie.

4. Khi những nghệ sỹ Indie dần trở thành mainstream

Tóm lại, do indie là một khái niệm mở và khá lỏng lẻo nên thường nghệ sỹ đạt 2 trên 3 tiêu chí: quan hệ với đơn vị phát hành, tinh thần và thể loại thì đã được coi là nghệ sỹ indie/độc lập rồi. Tuy nhiên vẫn có những người khắt khe hơn sẽ yêu cầu nghệ sỹ phải đạt cả 3 tiêu chí trên mới được coi là indie artist.

Ví dụ: Chillies là một ban nhạc chơi đa thể loại, từ alternative, ballad cho đến R&B và pop gần đây [không hoàn toàn chơi indie rock]. Ban nhạc cũng đã ký hợp đồng với Warner Music Vietnam [một major label]. Tuy nhiên Chillies có hình ảnh và định hướng ban nhạc vẫn khá độc lập, cởi mở và chưa bị quản lý chặt chẽ bởi record label. Ngoài ra các ca khúc thuộc các sub-genre của indie vẫn được band chơi. Nhìn chung về tinh thần, Chillies vẫn được coi là indie band cho dù gần đây họ có nhiều bước đi thể hiện tính mainstream.

5. Sự khác nhau giữa Indie và Underground

Nghệ sĩ indie đem những ca khúc của họ lên những sân khấu nhỏ, các sân chơi âm nhạc chuyên dành cho nghệ sĩ indie để hát, để thỏa mãn đam mê và nhận cát-xê và thậm chí bán nhạc cho các nền tảng nghe nhạc trực tuyến để kiếm thêm thu nhập sản xuất nhạc mới, nói chung là vẫn đi hát kiếm tiền. Một ví dụ điển hình là bài hát Somebody that I used to know của Gotye, tuy nó là nhạc indie nhưng Gotye vẫn trình diễn ca khúc này ở các sân khấu nhỏ và nó cũng được xuất hiện trên Bảng xếp hạng Billboard Hot 100.

Ca sỹ Gotye đại diện cho hãng đĩa Eleven của Úc

Còn về nghệ sĩ underground thì hoàn toàn khác, họ không kiếm sống bằng âm nhạc. Đúng như tên gọi của nó, nghệ sĩ underground không trình diễn, không có nhiều khán giả và tất nhiên, không có tiền. Điều duy nhất khiến họ cứ liên tục sáng tác và hát chỉ là đam mê. Có lẽ vì vậy nên lời hát và giai điệu của underground thường gai góc, mang đậm cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ hơn là dòng nhạc tự tình như indie.

Bài viết có tham khảo tư liệu của tác giả Lưu Thái Quang Khải và anh em VnRock Community

Video liên quan

Chủ Đề