Lưỡng quốc tướng quân là ai

Nguyễn Sơn được mệnh danh là “Lưỡng quốc tướng quân” và là một trong hai người Việt Nam duy nhất tính tới thời điểm này được phong quân hàm tướng của hai quốc gia. Điểm đặc biệt ở tướng Nguyễn Sơn đó là cả hai quân hàm tướng mà ông được nhận đều được trao vào đợt thụ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội cả hai nước.

Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn

Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, quê tại làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông sinh ngày 1/10/1908. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tư sản ở Hà Nội ông được tạo nhiều điều kiện để học hành. Từ năm lên năm tuổi, Nguyễn Sơn đã được học tiếng Pháp tại một trường Dòng ở Hà Nội.

Năm mười bốn tuổi, cậu bé Nguyễn Sơn thi đỗ và theo học tại trường Sư phạm Hà Nội. Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra là một người yêu nước và mang đậm tính dân tộc cũng như không bao giờ bằng lòng với việc người Pháp đô hộ Việt Nam. Ngay từ khi còn theo học tại trường Sư phạm Hà Nội, ông đã tham gia các hoạt động đoàn hội chống lại các chính sách phân biệt đối xử của thực dân Pháp lên nước ta.

Năm 1925, ông tới Quảng Châu và đổi sang họ Lý, gia nhập vào đại gia đình của Lý Thụy [tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người hoạt động ở Trung Quốc]. Nguyễn Sơn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Lý Anh Tự, được học chính trị cùng lớp với những “đầu tầu” của Cách mạng Việt Nam sau này như đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Hoàng Văn Hoan…

Thông qua mai mối, gia đình đã cưới bà Nguyễn Thị Giệm – con một gia đình khá giả nổi tiếng cho ông. Tuy nhiên do bản tính hào sảng và yêu nước của mình, ông không cam chịu một cuộc sống an nhàn dưới ách thống trị của Pháp như phần lớn những tri thức của Việt Nam thời bấy giờ.

Sau khi được gặp và tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Công Thu – người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về Việt Nam để thu hút trí thức giác ngộ Cộng sản, Nguyễn Sơn đã giả say rượu, gây sự với cha vợ và kiếm cớ bỏ người vợ trẻ cùng cô con gái mới 6 tháng tuổi để đi theo lý tưởng cách mạnh của mình.

Năm 1926, nhà cách mạng trẻ Nguyễn Sơn được cử đi học Trường sĩ quan Hoàng Phố cùng các đồng chí Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Tạ Thái An… Trong thời gian theo học tại ngôi trường này, ông gia nhập Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch làm lãnh đạo.

Lưỡng quốc tướng quân

Năm 1927, Quốc Dân Đảng làm chính biến, đàn áp phong trào Cộng sản ở Trung Quốc. Bất mãn trước hành động trên của Quốc Dân Đảng, Nguyễn Sơn quyết định xin ra khỏi Quốc Dân Đảng rồi sau đó gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc [tháng 8/1927].

Tháng 12/1927, Nguyễn Sơn chính là một trong số những người Việt Nam tham gia cuộc Khởi nghĩa Quảng Châu. Ông gia nhập Đoàn giáo đạo 4, Phương diện quân số 2 do tướng Diệp Kiếm Anh [nguyên soái Quân đội Trung Quốc sau này] chỉ huy. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa này đã thất bại chỉ sau ba ngày. Tướng Nguyễn Sơn bị lộ thân phận là Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc [lúc này Đảng Cộng sản Trung Quốc bị Tưởng Giới Thạch đặt ra ngoai vòng pháp luật]. Để tránh bị khủng bố, ông phải rời Trung Quốc, sang Thái Lan hoạt động.

Tháng 10/1934, dưới bí danh mới là Hồng Thuỷ, tướng Nguyễn Sơn tham gia cuộc Vạn lý Trường chinh. Vạn lý Trường chinh là cuộc rút lui có quy mô lớn bậc nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Trong cuộc rút lui này, Hồng quân Trung Hoa đã vượt qua hành trình dài hơn 12.000 km, bắt đầu từ Giang Tây, về tới Tây Tạng rồi đi ngược lên phía bắc tới Diên An ở tỉnh Thiểm Tây.

Suốt cuộc trường chinh, Hồng quân Trung Quốc luôn bị quân đội Quốc Dân Đảng truy kích và phải đối mặt với điều kiện tự nhiên cực kỳ khắc nghiệt. Kết quả là hơn 86.000 người tham gia cuộc Vạn lý Trường chinh chỉ có hơn 7000 người sống sót trong đó có tướng Nguyễn Sơn – người Việt Nam duy nhất đã đi hết 360 ngày cùng Hồng quân Trung Quốc, hoàn thành cuộc di chuyển vĩ đại này.

Ghi dấu trên quê hương

Tháng 11/1945, ông trở về Việt Nam hoạt động. Ông được Bác Hồ đặt cho tên mới là Nguyễn Sơn. Lúc ấy cách mạng vừa mới giành được chính quyền. Là nhà quân sự tài ba, ông được tin tưởng giao các nhiệm vụ quan trọng: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Trung Bộ, Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, Hiệu trưởng Trường Lục quân Quảng Ngãi, Khu trưởng Liên khu IV…

Trong buổi đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, ông đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Chiêu hiền đãi sĩ

Thời gian chỉ khoảng 5 năm ngắn ngủi nhưng ông cũng thể hiện được rất nhiều tài năng và tính cách đặc biệt.

Chiêu hiền đãi sĩ là nét đặc sắc của Khu trưởng khu 4 Nguyễn Sơn. Ông thu nạp hết các văn nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức về bên mình. Từ đoàn kịch của vợ chồng nghệ sĩ Phạm Văn Đôn – Nguyễn Thị Kim đến đoàn văn hóa Việt Bắc của nhạc sĩ Phạm Duy và chị em ca sĩ Thái Thanh – Thái Hằng; rồi các văn sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Trương Tửu, Hữu Loan, Bửu Tiến…

Nhà văn Nguyễn Tiến Lãng, thư ký của Nam Phương hoàng hậu, từng bị án của chính quyền cách mạng cũng được Khu trưởng Nguyễn Sơn tin dùng, cử làm giáo viên giảng dạy Trường Thiếu sinh quân Khu 4.

Ông còn mời các nhà trí thức hàng đầu như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Trương Tửu… mở các lớp văn hóa kháng chiến ở Quần Tín [Thọ Xuân, Thanh Hóa] để đào tạo cán bộ văn hóa cho đội ngũ kế cận. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã trưởng thành từ đây như Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Bùi Hiển, Vũ Tú Nam, Hoàng Minh Châu,… Chính điều này khiến đương thời gọi Khu 4 là “căn cứ địa văn hóa”.

Văn võ toàn tài

Giai đoạn này, có nhiều quan điểm, ý kiến không đúng về Truyện Kiều và một số loại hình nghệ thuật, ông đã dùng uy tín cũng như năng lực, tâm huyết của mình phản bác và bảo vệ bằng được.

Trong hồi kí của ông Trần Hồng Lạc, cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân Khu 4, về tướng Nguyễn Sơn có đoạn viết: “Võ thì đánh dư trăm trận trong cuộc Vạn lý trường chinh cùng Hồng quân Trung Quốc; văn thì nói Truyện Kiều chẳng giấy tờ gì, chẳng ngồi chỉ đứng, khu trưởng đi đi lại lại, nói liền một mạch 6 tiếng đồng hồ không nghỉ, khiến người nghe “khiếp vía”.

“Thừa tướng” chứ không “thiếu tướng”

Năm 1948, ông được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt thụ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Xung quanh chuyện này cũng có rất nhiều giai thoại.

Nguyễn Sơn là một tướng tài năng, đã từng tham gia Vạn lý trường chinh, giỏi trên nhiều mặt. Với quân hàm Thiếu tướng, khi ấy Nguyễn Sơn chỉ đứng sau hai người là Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Bình, đứng ngang hàng với Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và nhiều cán bộ quân đội tài năng khác nhưng ông không muốn nhận quân hàm này, ý muốn phải là quân hàm cao hơn. Cũng qua việc này, thêm một lần chúng ta phải ngả mũ kính phục tài đức cũng như cách giáo dục của thiên tài Hồ Chí Minh.

Ông Hà Anh, học viên Trường Lục quân Quảng Ngãi, trong cuốn sách viết về người thầy của mình, kể lại: Hồ Chủ tịch đang ăn cơm chung với ông Hoàng Đạo Thúy, Cục trưởng Cục Quân huấn thì nhận được thư từ Khu 4 ra. Bác nói: “Nguyễn Sơn có tài tổ chức và điều khiển bộ đội nhưng tự cao, tự đại dễ đụng chạm và làm mất lòng người khác. Từ Liên khu 4 đã có dư luận Nguyễn Sơn không nhận sắc phong mà còn xuyên tạc: Nguyễn Sơn là thừa… tướng chứ không có thiếu… tướng”.

Khi Cục trưởng trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tấm thiệp viết 12 chữ, với 4 câu: “Đảm dục đại/Tâm dục tế/Trí dục viên/Hạnh dục phương”. Ngoài thư đề: Thân gửi Sơn đệ – Ký tên: “Người anh họ Nguyễn”. Đây là một bài của Tôn Tử Mạo bên Trung Quốc đời nhà Đường được Hồ Chủ tịch lấy12 chữ của đoạn trước mà bỏ đoạn sau. 12 chữ Hán ấy được giải nghĩa như sau: Ý chí cần quả quyết; lòng dạ cần tinh tế; kiến thức cần trọn vẹn; đạo đức cần đầy đủ.

Bác lấy tình anh em chứ không nhân danh Chủ tịch Chính phủ để nhắn nhủ, điều này khiến Nguyễn Sơn khi nhận được 12 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải thốt lên:
– “Ông cụ khiếp thật!”

Và vui lòng nhận thụ phong thiếu tướng.

Chủ Đề