Một người bình thường là như thế nào

Có một gã: hắn là tỷ phú nổi tiếng thế giới; thiên tài công nghệ; nhà sáng chế kiêm chủ một tập đoàn lớn. Ngoài ra, hắn chơi thể thao giỏi và đánh nhau tay đôi cũng giỏi nốt. Quai hàm góc cạnh, khuôn mặt đẹp như được chính tay thần Zeus tạo ra trên đỉnh Olympus.

Gã còn có một bộ sưu tập siêu xe, vài chiếc du thuyền sang trọng. Nếu không mang vài triệu USD đi làm từ thiện, hắn thay người yêu như thay áo, toàn siêu mẫu cả.

Nụ cười của gã có thể làm tan chảy bất cứ ai trong phòng. Thậm chí, bạn có thể bơi lội trong sự quyến rũ của gã đàn ông này. Hơn một nửa số bạn bè của gã có tên trong danh sách "Người đàn ông của năm" do tạp chí TIMES bình chọn. Còn những gã không nằm trong danh sách cũng chẳng bận tâm lắm vì họ có thể vung tiền ra mua luôn cả tòa soạn.

Khi không lái máy bay phản lực đi vòng quanh thế giới hay nảy ra những ý tưởng mới để cứu thế giới, gã mà chúng ta nhắc đến sẽ dành thời gian để cứu giúp người nghèo, bảo vệ những kẻ bị ức hiếp...

Bạn đã thấy ngờ ngợ chưa? Không phải Iron Man đâu nhé, đó chính là Bruce Wayne, thường được gọi là Batman. Điều đáng tiếc là gã này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, hắn không có thật.

Có một khía cạnh thú vị của con người, dường như chúng ta cần nhiều thể loại siêu anh hùng giả tưởng để gián tiếp thể hiện những gì ta mơ ước. Châu Âu có những hiệp sĩ diệt rồng cứu công chúa, La Mã cổ đại hay Hy Lạp có nhiều thần thoại về những anh hùng đơn thương độc mã chiến đấu với ác thần. Nền văn hóa nào cũng có những câu chuyện như vậy: màu nhiệm và hết sức bi tráng.

Ví dụ như Superman, về cơ bản thì gã này giống như một vị thần trong hình hài của con người, mặc bộ áo liền quần bó sát quen thuộc để khoe cơ bắp. Hắn gần như bất tử, không thể bị đánh bại, điều duy nhất cũng kiên cường như thể chất của gã chính là lương tri. Với Superman thì công lý trên thế gian này rõ ràng như trắng và đen, hắn không bao giờ ngại ngùng làm những việc mình cho là đúng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Tôi không nghĩ mình có đủ khả năng thay đổi ngành tâm lý học bằng việc cho rằng, chúng ta cần có những anh hùng như vậy để đối phó với cảm giác bất lực của con người. Dù có hơn 7.2 tỉ người trên hành tinh này, thật ra chỉ có khoảng 1000 người có ảnh hưởng lớn đến thế giới trong thời điểm nhất định. Khoảng 7.199.199.000 người còn lại đã quen với phạm vi cuộc sống hạn hẹp của mình, chấp nhận sự thật rằng đa số những gì chúng ta làm được trong đời sẽ chẳng còn lại gì khi nhắm mắt xuôi tay.

Đây không phải điều gì đó dễ chấp nhận hay vui vẻ khi nghĩ đến. Tôi chỉ muốn nêu ra sự lệch lạc của thứ văn hóa: "Làm nhiều hơn, mua nhiều hơn và sex cũng nhiều hơn" và bênh vực giá trị của những con người bình thường.

Không phải là việc theo đuổi để trở thành thứ gì đó tầm thường. Bất cứ ai cũng nên cố gắng hết sức cho việc mình đang làm, để có được kết quả tốt nhất có thể. Trong một thế giới mà đa số đều muốn trở nên đặc biệt, người ta vô tình quên đi giá trị và vai trò của những người bình thường.

Đằng sau điểm cực đại

Mọi thứ trong cuộc sống này đều là sự đánh đổi hoặc bù trừ. Một số người bẩm sinh đã có năng khiếu học thuật, một số khác lại có nền tảng thể lực tốt, số khác giỏi thể thao, một số khác lại có năng khiếu hội họa, một số nhỏ khác nữa thì rất giỏi sex hoặc lấy lòng phụ nữ.

Con người là loài động vật có sự phân hóa đa dạng theo ngoại hình và năng lực. Chung quy, đa số những gì chúng ta đạt được trong cuộc sống chủ yếu đến từ rèn luyện và nỗ lực không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, từ khi sinh ra, con người đã có tiềm năng, năng lực khác nhau.

Đây là đường parabol. Dường như đây là kiến thức toán học căn bản, ai cũng đều nhận ra.

Đồ thị này khá đơn giản, lấy ví dụ về số người chơi golf ít nhất một lần trong năm: trục tung [dọc] đại diện cho số người chơi golf, trục hoành [ngang] thể hiện trình độ chơi golf. Càng về phía bên phải, họ chơi càng giỏi và ngược lại.

Giờ hãy chú ý đến hai "rìa" của parabol, càng rời xa đỉnh thì đồ thị sẽ càng mỏng đi. Như vậy nghĩa là, có rất rất ít người chơi golf cực kỳ giỏi hoặc cực kỳ tệ. Số đông con người rơi vào chính giữa, số đông này cũng chính là những con người bình thường.

Đồ thị đơn giản này với tất cả mọi thứ trong cuộc sống: chiều cao; cân nặng; sự trưởng thành trong cảm xúc; lương tháng... vân vân.

Lấy ví dụ, đây là vận động viên huyền thoại Michael Jordan đang úp rổ:

Là một trong những "ông vua" của làng bóng rổ nhà nghề Mỹ, rõ ràng Michael Jordan phải nằm ở phía bên phải đồ thị. Khẳng định rằng, ông chơi bóng rổ tốt hơn 99% dân số trái đất cũng không ngoa chút nào.

Michael Jordan xứng đáng được xếp ở bên phải, nghĩa là chơi bóng giỏi hơn 99% dân số trái đất

Có Michael Jordan rồi, giờ chúng ta có gã mập này:

Béo múp míp lại chậm chạp, rõ ràng gã này không thể so với Michael Jordan. Còn tỉ lệ những ai đọc bài viết này và chơi bóng rổ tốt hơn gã mập phía trên là rất cao. Vị trí dành cho anh chàng không có duyên với bóng rổ này ở tít bên trái:

Tất cả chúng ta sẽ đều hú hét khi được xem Michael Jordan úp rổ thành công, cười hềnh hệch khi thấy gã béo ngã sấp mặt.

Vấn đề ở chỗ, gần như tất cả chúng ta nằm ở khoảng giữa của đồ thị. Rất có thể, bạn là một siêu anh hùng kiêm tỷ phú giàu có bậc nhất thế giới nhưng khi trở về nhà, bạn là một kẻ cô độc, không người thân thích. Về phương diện đó, chẳng phải bạn vẫn thua kém những người bình thường nhất hay sao?

Tôi chỉ là một người bình thường, việc đó có gì sai trái không?

Rất, rất nhiều người sợ phải chấp nhận sự bình thường vì tin rằng: nếu chấp nhận sống bình thường, họ sẽ không bao giờ có thể đạt được điều gì, không bao giờ tiến bộ, cuộc đời của họ cũng chẳng có gì đặc sắc.

Đây là suy nghĩ đặc biệt nguy hiểm, nhất là với những người trẻ đang xây dựng nhân cách. Họ choáng ngợp bởi những thứ tuyệt vời và sáng bóng ngoài xã hội mà quên đi rằng, mọi thứ đẹp đẽ trong đời này đều bắt đầu từ những gì bình thường nhất.

Nếu bạn mong ước được trở nên thông minh và thành công hơn người khác, bạn sẽ luôn cảm thấy mình là một kẻ thất bại. Nếu bạn mong ước trở thành người nổi tiếng và được quý mến, bạn sẽ luôn cảm thấy đơn độc. Nếu bạn mong ước trở thành người quyền lực nhất, được ngưỡng mộ nhất, bạn sẽ luôn cảm thấy mình non nớt và bất lực.

Nhận thức được, biết chấp nhận sự bình thường của chính mình sẽ giúp bạn tự do đạt được những gì mình mong muốn mà không phải lo ngại bị chê bai. Muốn sống bình yên, có lẽ phải biết trân trọng những trải nghiệm cơ bản nhất, bình thường nhất của cuộc sống.

Theo Mark Manson

Là đàn ông, đừng kêu ca, cũng không cần phải ngụy biện cho mọi vấn đề

Một lần đi uống cafe Hồ Tây, tôi nghe được cuộc nói chuyện của một nhóm các bạn trẻ ngồi cạnh bàn tôi. Các bạn đang bàn tán về những người “thứ ba”- những người không có mặt ở buổi nói chuyện hôm đó. Trong số những cái tên không có mặt được nhắc đến, tôi ấn tượng nhất với A và B [tôi xin đặt tên cho hai bạn như vậy thay vì tên thật].  “Cái A ngày xưa đi học bình thường thế mà bây giờ lại xin được học bổng đi khắp nơi, thằng B ngày trước học giỏi thế mà bây giờ cũng không có gì đặc biệt”. Đó là những nhận xét của nhóm bạn dành cho A và B. Sự ngạc nhiên lúc nào cũng tìm đến tôi mỗi khi tôi nghe những câu nói như thế. Tôi chột dạ tự hỏi: thế nào là người “bình thường”, thế nào là người “giỏi”? Và quan trọng hơn dựa vào tiêu chí nào chúng nào ta có thể đánh giá một người là “bình thường”, và một người khác là “giỏi”? Tại sao mỗi khi một người “bình thường” đi được xa, ta lại ngạc nhiên? Tôi chợt nhận ra rằng những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường đã đóng khung chúng ta trong khái niệm “bình thường”, và “giỏi”. Từ cấp một đến cấp ba, chúng ta luôn nâng niu, ưu ái những học sinh giỏi các môn học chính. [Thật lòng đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao ta lại chia ra “môn chính” và “môn phụ”, tại sao học thể dục lại không quan trọng bằng học toán? Tại sao học giỏi toán lại được coi là thông minh còn học giỏi địa lý thì lại “bình thường”?] Những học sinh không đạt tiêu chuẩn này là những người “bình thường”. Nói một cách khác, ta đánh giá độ “giỏi” của học sinh dựa trên chỉ số IQ [mà thậm chí chỉ giới hạn ở những môn chính]. Và dù sau này có trưởng thành đến đâu ta cũng vô thức sử dụng tiêu chuẩn này như một cơ sở để đánh giá sự thành công của người đó trong tương lai. Chính vì thế, ta mới hay có những nhận xét như “ngày xưa nó học bình thường thôi mà bây giờ lại làm được những việc như thế”.

Tuy nhiên, đôi khi những người “bình thường” lại sở hữu nhiều yếu tố mà người được cho là “giỏi” lại không có. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ số thông minh cảm xúc, khả năng giao tiếp, tương tác với người xung quanh, tính cần cù, bền bỉ, kiên nhẫn là những phẩm chất quan trọng quyết định một cá nhân có thể tiến xa trong cuộc sống hay không. [Tất nhiên nếu một người vừa có chỉ số IQ cao, lại vừa có những đặc điểm của một người “bình thường” thành công thì người đó sẽ đi được rất xa, và tôi sẽ không bàn đến trong bài viết này]. Những tính chất này của “người bình thường thành công” lại khó được đong đếm và “lượng hoá”. Đâu có học bạ nào chấm điểm cho sự cần cù, hay tính bền bỉ phải không?

Tôi rút ra được điều này từ kinh nghiệm làm trợ giảng trong năm đầu nghiên cứu sinh tại Mỹ. Nhiều khi tôi vô cùng ngạc nhiên trước bài viết sắc sảo của những sinh viên mà ban đầu tôi cho là “bình thường”. Các em không hay phát biểu trong lớp, và nhìn qua không quá thông minh. Nhưng tôi dần nhận ra các em có một số điểm chung, đó là sự trách nhiệm, tinh thần cầu tiến, chăm chỉ, luôn lắng nghe góp ý của người khác. Tôi còn ấn tượng bởi cách giao tiếp lịch sự và khéo léo của các em [thật sự trải nghiệm đáng nhớ nhất của một trợ giảng là được nói chuyện với sinh viên của mình]. Meggie và Mary, hai cô bạn thân cùng học lớp “Introduction to Comparative Politics” [Nhập môn Chính trị học so sánh], là hai trong số sinh viên để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Hai em dường như không quá nổi bật trên lớp, bài luận nháp cuối kỳ đầu tiên của các em cũng không quá xuất sắc. [Theo yêu cầu của khoá học, sinh viên được khuyến khích nộp bản nháp để chúng tôi góp ý trước khi nộp bài hoàn chỉnh]. Nhưng tôi thấy ở hai em tinh thần ham học hỏi, sự nỗ lực và quyết tâm. Dựa trên gợi ý của tôi, các em sửa lại bài viết rất cẩn thận. Mỗi một bản nháp mới là một bước tiến vượt bậc so với bản cũ. Và bài luận cuối cùng của Maggie và Mary thật sự xuất sắc. Giáo sư và tôi đều cho rằng, với tính cách này, hai em sẽ đi được rất xa trong cuộc sống.

Tôi nhận thấy thật sai lầm khi đánh giá sự “giỏi” của học sinh dựa trên khả năng học một số môn nhất định. Cách đánh giá này khiến các em được cho là “giỏi” không chú ý đến, hoặc thậm chí xem thường những đặc điểm của những bạn được cho là “bình thường”. Ví dụ, tôi lúc nào cũng mở to mắt kinh ngạc trước những nhận xét như thế này từ các sinh viên và thậm chí là các bậc phụ huynh: “Con gái tôi thi đỗ ĐH điểm cao lắm, mà nó …lười lắm, có học mấy đâu?”, “em lười lắm, chả học bao giờ nhưng thi đâu đỗ đấy, “em chuẩn bị hồ sơ học bổng trong có mấy ngày, mà may mắn là đậu” hay “nó chỉ được cái chăm chỉ mà thôi”. Có lần tôi còn đọc được bài phỏng vấn một du học sinh Mỹ trên mạng. Em kể, trước kỳ thi các bạn cùng lớp học ngày học đêm, em không học mấy mà vẫn được điểm cao nhất lớp. Tôi “kinh hãi” khi đọc comment của các bạn dành cho em “giỏi quá, xuất sắc quá”, “người Việt Nam thật thông minh”. Tôi tự hỏi những lời tự khen như thế nhằm mục đích gì? Thế mới biết xã hội vẫn còn có cái nhìn lệch lạc về sự giỏi và chưa đánh giá đúng những phẩm chất của một người “bình thường thành công”. Tôi chưa thể gọi là thành công, và tôi vẫn đang miệt mài thu thập thêm kinh nghiệm sống cho bản thân, nhưng tôi có thể tự tin nói rằng: Không thành tựu nào nào chỉ đến từ sự “giỏi” mà thôi, mọi bước tiến dù ngắn cũng cần đến sự nỗ lực, bền bỉ và nhiều yếu tố khác. Nhiều người nói rằng sinh viên PhD toàn là những người IQ rất cao, nhưng sự thật không phải thế. Tất nhiên bạn cũng cần thông minh một chút nhưng yếu tố để làm PhD thành công vẫn là sự bền bỉ, nỗ lực, và khả năng làm việc độc lập. Nếu cha mẹ vẫn còn tự hào là con “giỏi” mà lười thì chắc chắn sẽ làm hại con. Nó sẽ quá tự tin vào năng lực của mình, và sẽ dễ dàng chán nản, bỏ cuộc khi phải làm những việc cần nhiều tố chất của một người “bình thường thành công”.

Lại nữa, bạn hãy suy ngẫm kỹ khi nghe ai đó nói “X thật may mắn, không thông minh lắm nhưng lại đi được xa”. Trước đây, tôi sẽ nuốt trôi câu nhận xét đó không một chút hoài nghi, nhưng bây giờ tôi sẽ vặn lại người nói “thế nào là thông minh và thế nào là không thông minh”. Có phải người nói vẫn sử dụng khái niệm thông minh truyền thống [IQ, các môn học chính, vân vân] để đánh giá một người. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng có tất cả chín loại trí thông minh: trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh logic-toán học, trí thông minh vận động cơ thể, trí thông minh không gian, trí thông minh tương tác [giỏi tương tác, giao tiếp với những người xung quanh], trí thông minh nội tâm [khả năng khám phá chiều sâu bản thân], trí thông minh về tự nhiên [khả năng nhận biết và phân loại thực vật, động vật trong tự nhiên], trí thông minh hiện sinh [giỏi triết học, tư tưởng]. Vì vậy, đằng sau một người có vẻ không thông minh theo quan điểm truyền thống, biết đâu lại là một người khéo léo khi tương tác với người xung quanh, một người nhạy cảm trong sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp [nói và viết], một người yêu và hiểu thế giới tự nhiên. Và biết đâu chính sự thông minh “phi truyền thống” này mà họ có thể đi được rất xa trong cuộc sống. Chính vì sự đa dạng này, mà tôi luôn tin rằng thông minh/giỏi, hay “bình thường” là một khái niệm rất tương đối. Chỉ cần thay đổi cách nhìn thì ta sẽ thấy một người mà ta cho là chỉ “bình thường” lại “giỏi” một cách kỳ lạ. Cũng chính vì sự đa dạng này, mà tôi tin rằng mỗi cá nhân đều có một khả năng nào đó, nếu được đặt vào đúng môi trường, hoàn cảnh, họ có thể toả sáng. Và tôi cũng mang theo quan điểm này khi tiếp xúc và hướng dẫn sinh viên của mình. Nếu tôi khăng khăng ôm quan niệm truyền thống, có thể tôi đã không nhận ra rằng Meggie và Mary có những đức tính thật đáng quý, và hai cô bé có thể tiến được rất xa trong tương lai.

Vì thích chia sẻ trải nghiệm du học trên trang blog, mà nhiều bạn lầm tưởng tôi là một người rất…giỏi. Thật lòng, tôi là một người rất bình thường. Tôi chưa bao giờ là người giỏi nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và tin tôi đi, bạn không cần là một người giỏi nhất để đạt được học bổng hay bất cứ thành công nào. Nhưng chắc chắn bạn phải là người cố gắng, chăm chỉ, và ham học hỏi nhất!

Vậy nếu bạn là một người trẻ, một người “bình thường” từ bé đến lớn, và đang hoang mang liệu mình có thể tiến xa trong tương lai hay không, hãy cố gắng phát huy những đức tính của một người “bình thường” thành công. Tôi tin bạn sẽ làm được!

Cảm ơn bạn đã đọc tâm sự của tôi đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui!

Thanh Mai

  • Tuổi trẻ và những hoang mang
  • October 14, 2018
  • In "Học từ cuộc sống"

Video liên quan

Chủ Đề