Mục đích của văn miêu tả là gì năm 2024

“Trong hang Én, hàng vạn con chim én vẫn hồn nhiên cư ngụ và chưa phải biết sợ con người. Bốn vách hang, trần hang – nơi nào cũng dày đặc chim én. Cộng đồng én thoải mái sống “cuộc đời” của chúng, không mảy may để ý đến sự hiện diện của nhóm du khách. Én bố mẹ tấp nập đi, về, mải mốt mớm mồi cho con; én anh chị rập rờn bay đôi; én ra ràng chấp chới vỗ cánh bên rìa hốc đá,... Nhiều bạn én thiếu niên ngủ nướng, say giấc ngay trên những mỏm đá thấp dọc lối đi. Nếu đặt lên vai, bạn sẽ rúc vào tóc hoặc đậu trên đầu mình để... ngủ tiếp!”

- Hệ thống đề bài tập làm văn miêu tả trong sách giáo khoa Tiếng Việt 4, 5 là các đề bài dùng chung cho học sinh trong cả nước.

Các đề bài thường ngắn, gọn, nêu rõ kiểu bài và đối tượng miêu tả, ví dụ: “Tả một đêm trăng đẹp”, “Tả một ca sĩ đang biểu diễn” [Tiếng Việt 5, tập 2]

Các đề bài tập làm văn đó ngoài những điểm đã phù hợp với học sinh vùng này, không hợp với học sinh vùng khác còn một nhược điểm khác là: thiếu các nội dung: ai miêu tả, miêu tả cho ai nghe, mục đích miêu tả để làm gì? [hay còn gọi là các nhân tố tham gia giao tiếp] chưa rõ nét, làm cho học sinh thiếu điểm tựa, lúng túng khi làm văn.

Để khắc phục nhược điểm này giáo viên cần luyện tập cho học sinh một thao tác quan trọng: cá thể hóa đề bài văn miêu tả.

Thế nào là cá thể hóa đề bài văn miêu tả?

Cá thể hóa được hiểu là làm cho mỗi cá nhân trở thành riêng lẻ [từng thành phần một] không thuộc phạm vi tập thể.

Còn cá thể hóa đề bài văn miêu tả là từ đề bài chung do giáo viên cung cấp cho tập thể lớp, mỗi học sinh vận dụng vào bản thân mình, chuyển hóa đề bài chung thành đề bài của cá nhân, sao cho khi làm bài văn đó học sinh được nói, được viết về bản thân mình, về các sự vật, hiện tượng mà mình đã được quan sát, trải nghiệm với những xúc cảm mạnh mẽ và chân thực.

Các biện pháp để cá thể hóa bài văn miêu tả

Tập cho học sinh lựa chọn, tả đối tượng miêu tả mà mình có hoặc đã được nhìn thấy, được tiếp xúc, được trải nghiệm

- Từ đối tượng miêu tả chung trong đề bài, học sinh xác định một cách cụ thể đối tượng miêu tả của riêng mình. Đó là đối tượng em đã từng tiếp xúc, quan sát, giao tiếp, trao đổi…

Ví dụ: Từ đề bài “tả một ca sĩ đang biểu diễn”, từng học sinh phải nhớ lại xem mình đã từng xem ai biểu diễn [ở trường học, ở nhà hoặc trên ti vi…] để nêu đích danh ca sĩ sẽ tả [Ví dụ: Em tả nghệ sĩ Quang Thọ biểu diễn bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây]

- Tạo cho các em có thói quen nói hoặc viết bằng một câu văn ngắn về đối tượng sẽ miêu tả [kỉ niệm nào, đối tượng nào định tả...]

- Đối với những đề bài quá khó với học sinh giáo viên có thể cho học sinh thay đổi đối tượng miêu tả cho phù hợp với các em.

Ví dụ với đề bài “tả một ca sĩ đang biểu diễn” nếu học sinh chưa bao giờ xem một ca sĩ đang biểu diễn có thể thay đổi nội dung đề bài thành “Em hãy tả một bạn đang biểu diễn [hát hoặc múa] trong một buổi lễ ở trường em [hay ở thôn, xóm] em”.

Từ đề bài này học sinh phải cá thể hóa đối tượng miêu tả [tả bạn nào, biểu diễn ở đâu?]

Xây dựng các tình huống giao tiếp giả định

Sau khi cá thể hóa đối tượng miêu tả, giáo viên cần giúp học sinh xây dựng tình huống giao tiếp giả định phù hợp với đối tượng miêu tả đã cá thể hóa để xác định đối tượng tiếp nhận bài văn miêu tả, mục đích miêu tả.

Cấu trúc của tình huống giao tiếp giả định bao gồm: hoàn cảnh giao tiếp, đề tài hội thoại, không gian, thời gian, mục đích giao tiếp, nhân vật giao tiếp, xuất hiện vấn đề cần giải quyết.

Ví dụ: Với đề bài “Tả chiếc cặp sách của em” [Tập làm văn, lớp 4 - tập 2] giáo viên hướng dẫn để học sinh có thể xây dựng tình huống giao tiếp giả định như sau:

Kết thúc học kì I, em là học sinh tiên tiến, được nhà trường thưởng cho một chiếc cặp sách, em muốn báo tin vui với bố đang đi công tác ở xa nhà và tả về chiếc cặp mới được thưởng cho bố biết.

Trong đề bài trên người miêu tả là em học sinh, đối tượng hướng tới của bài là bố của em học sinh.

Trong quan hệ ấy em cần phải có cách xưng hô, có những lời giao tiếp phù hợp trước khi tả chiếc cặp. Còn mục đích bài văn miêu tả là làm cho bố mình hình dung ra chiếc cặp mới được thưởng.

Mục đích miêu tả này sẽ quyết định cách chọn các chi tiết mới, đẹp của chiếc cặp khi tả.

Giáo viên cần giúp học sinh để các em đưa ra các tình huống giả định phù hợp với hoàn cảnh và mang dấu ấn của từng cá nhân.

Hoàn cảnh đó phải là hoàn cảnh của chính các em và các em đã được tham gia, được trải nghiệm. Điều này sẽ tránh được hiện tượng các bài làm chung chung, mờ nhạt, sáo rỗng.

Xây dựng các bài tập rèn luyện kĩ năng cá thể hóa đề bài.

Dạng 1: Xác định đối tượng miêu tả

Dạng bài tập trả lời ngắn về đối tượng miêu tả sẽ giúp các em dễ dàng lựa chọn đối tượng khi miêu tả, làm cho đối tượng miêu tả không xa vời mà trở lên gần gũi với các em.

Muốn làm được các bài tập này giáo viên cần luôn luôn yêu cầu các em lựa chọn những đối tượng miêu tả mà các em quen thuộc, gần gũi, các em đã từng quan sát hoặc có thể quan sát được, các em có hiểu biết, có tình cảm với đối tượng miêu tả.

Với mỗi đề bài cụ thể giáo viên cần xây dựng các bài tập trả lời ngắn, hoặc bài tập lựa chọn về đối tượng miêu tả để học sinh dựa vào đó thực hiện việc cá thể hóa đối tượng miêu tả.

Ví dụ 1: Với đề bài “Tả một đồ chơi mà em thích”, giáo viên có thể đưa ra bài tập như sau:

Đọc kĩ đề bài và trả lời các câu hỏi để chỉ rõ đối tượng miêu tả:

a/ Em hãy kể tên các loại đồ chơi của em?

b/ Đồ chơi em lựa chọn để miêu tả có tên là gì?

c/ Vì sao em chọn tả đồ chơi đó?

d/ Em hãy viết lại đề bài sau trả lời các câu hỏi trên.

Dạng 2: Bài tập xác định các đối tượng tiếp nhận bài văn miêu tả.

Việc viết văn miêu tả của học sinh tiểu học chưa hay, còn giống nhau là bởi trong đề bài chưa có định hướng về các nhân vật tham gia giao tiếp.

Các em mặc nhiên hiểu là mình viết để cho cô, thầy mình đọc [đối tượng tiếp nhận bó hẹp, bị giới hạn, thậm chí không biết đối tượng tiếp nhận là ai] nên các em không biết xưng hô thế nào trong bài văn, khó khăn khi bày tỏ tình cảm của mình trong bài viết.

Thực tế mỗi người nghe, người đọc đều tiếp nhận bài văn miêu tả theo ý kiến chủ quan của họ, đối tượng tiếp nhận ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng bài viết.

Dạng bài này giúp cho các em có điều kiện để lựa chọn đối tượng giao tiếp khi làm bài [có thể là bạn, em, ông bà, bố mẹ, thậm chí là người nước ngoài...]; những người mà các em có sự hiểu biết hoặc quen thuộc, làm cho các em viết văn tự nhiên hơn, hào hứng và tình cảm hơn]

Giáo viên có thể đưa ra bài tập trả lời ngắn để học sinh xác định đối tượng tiếp nhận bài văn.

Ví dụ: Đề bài “Tả cái đồng hồ báo thức” giáo viên cho học sinh làm bài tập sau:

Đọc kĩ đề bài và trả lời các câu hỏi sau:

a/ Em tả cái đồng hồ báo thức cho ai biết?

b/ Em sẽ chọn từ ngữ nào để xưng hô cho phù hợp với người đọc khi em viết bài văn?

Việc xác định rõ đối tượng tiếp nhận góp phần to lớn trong việc thể hiện mục đích miêu tả của các em.

Dạng 3: Bài tập xác định mục đích miêu tả

Với mỗi đề bài giáo viên cần giúp các em xác định rõ mục đích miêu tả vì mục đích này sẽ chi phối đến việc các em lựa chọn chi tiết miêu tả, chi phối việc thể hiện tình cảm của các em khi miêu tả.

Mục đích miêu tả còn giúp các em sẽ có ý thức trong việc dùng từ, dùng câu đúng, các em sẽ biết lựa chọn hình ảnh thật phù hợp, phong phú nhằm thể hiện ý muốn của mình, đồng thời hình thành ở các em ý thức, thói quen, hành vi ứng xử phù hợp với thực tế cuộc sống.

Giáo viên có thể xây dựng các bài tập từ dễ đến khó để các em tập lựa chọn mục đích miêu tả cho phù hợp với bản thân.

Ví dụ 2: Em hãy chỉ ra mục đích miêu tả trong hai đề văn dưới đây, em hãy chọn cho mình đề văn thích hợp.

Đề 1: Cái trống là người bạn thân thiết với em mỗi ngày đến trường. Năm nay, em theo gia đình chuyển đến nơi ở mới, em được học ngôi trường mới. Ngày khai trường chiếc trống đón em bằng ba hồi ròn rã. Em hãy tả lại tiếng trống trong ngày khai trường cho các bạn cũ của em được biết.

Đề 2: Năm học lớp 1 em được ông ngoại đưa đến trường, em thích thú khi được ông cho ngắm nhìn chiếc trống. Năm học này, trường em thay chiếc trống mới, em tả về chiếc trống mới cho ông ngoại em nghe.

Đề số 1 nêu ra một tình huống: Một học sinh chuyển đến ngôi trường mới, em tả lại tiếng trống khai giảng tại ngôi trường mới cho các bạn ở trường cũ biết. T

rong tình huống này em học sinh sẽ có hai trạng thái tình cảm và cảm xúc đan xen nhau: Những tình cảm và cảm xúc của em với ngôi trường mới và những tình cảm và cảm xúc của em với bạn cũ, trường cũ.

Cả hai trạng thái tình cảm, cảm xúc này em đều muốn bày tỏ với bạn cũ. Vậy mục đích miêu tả của bài là “Kể lại với bạn cũ tình cảm và cảm xúc của em học sinh với ngôi trường mới và với trường cũ, bạn cũ khi nghe tiếng trống khai giảng”.

Giáo viên cần hướng dẫn các em tập trung miêu tả về tiếng trống khai giảng ở ngôi trường mới [sự rung động của mặt trống, thân trống, dùi trống khi được đánh; âm thanh của tiếng trống: độ vang, trầm; sự lan tỏa trong không gian] và cảm xúc của em học sinh trước tiếng trống đó [cảm thấy sự trang trọng, sự dứt khoát, rõ ràng, mạnh mẽ trong những tiếng đầu tiên;

Sự dồn dập, hối hả, vui tươi trong hồi trống dài như chào mừng các em; sự bồi hồi nhớ lại tiếng trống khai trường ở ngôi trường cũ, hình ảnh thầy cô, bạn bè ở trường cũ như thấp thoáng hiện ra cùng tiếng trống ở ngôi trường mới].

Với đề 2, mục đích của đề bài là: tả để khoe với ông chiếc trống mới của trường.

Ngoài việc miêu tả đặc điểm chung về hình dáng, kích thước của cái trống [cao hay thấp, tròn hay hình chum, độ rộng của mặt trống], giáo viên cần hướng dẫn các em chú ý miêu tả sự mới mẻ của từng chi tiết [thân trống, đai trống, mặt trống, dùi trống, tiếng trống] như: trống mới tinh còn thơm mùi gỗ, thân trống vàng óng [hoặc mầu đỏ chóe, sáng rực], mặt trống mầu da lươn [hay vàng ngà] căng đầy, nhẵn thín, sờ vào mát rượi, gõ dùi trống vào nảy tưng tưng; đai trống đen bóng to bằng con rắn cạp nong, nom rắn chắc, hùng dũng; dùi trống sáng bóng...

Hướng dẫn các em dùng câu kể, câu cảm thán để thể hiện sự thích thú trước vẻ mới, lạ của cái trống; sự sung sướng, tự hào, yêu trường lớp cho ông của mình biết.

Dạng 4: Chỉ ra các nhân tố tham gia giao tiếp từ các đề bài đã được cá thể hóa.

Sau khi các em đã cá thể hóa đề bài từ đề chung của cả lớp, giáo viên nên đưa ra bài tập dạng 4. Đây là những bài tập kiểm tra ngược lại việc học sinh cá thể hóa đề bài.

Việc các em chỉ ra các nhân tố tham gia giao tiếp trong đề bài các em vừa xây dựng được nhằm làm cho các em nắm vững hơn cấu trúc của tình huống giao tiếp giả định, từ đó các em dễ dàng hơn khi xây dựng các tình huống giao tiếp giả định.

Ví dụ: Từ đề bài của cá nhân mình là “Em được bác thợ mộc, hàng xóm làm cho một chiếc thước kẻ nhân dịp khai giảng năm học mới. Em tả lại chiếc thước kẻ cho bạn thân của em nghe”.

Cách làm có thể gạch chân các từ ngữ chỉ đối tượng miêu tả, hoàn cảnh miêu tả, đối tượng tiếp nhận bài văn miêu tả.

Chủ Đề