Nhà cung cấp Apple tại Việt Nam

Những năm gần đây chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ của các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, đặc biệt là Việt Nam.

Apple, nhà thiết bị công nghệ cá nhân lớn nhất thế giới với vốn hóa thị trường gần 2.500 tỷ USD là một trong những ví dụ điển hình cho xu hướng này. Công ty "táo khuyết" quản lý một chuỗi cung ứng lớn và hiệu quả nhất với hơn 200 nhà cung cấp, tập trung phần lớn nhà máy tại Trung Quốc.

Năm 2020, các nhà cung ứng thiết bị lớn của Apple đã đồng loạt đầu tư thêm nhà máy hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất và doanh thu tăng vọt.

Việt Nam có thêm những công ty điện tử tỷ đô

Hon Hai Precision Industry hay được biết với cái tên Foxconn (Đài Loan) – nhà cung ứng số một của Apple với ba nhà máy tại Việt Nam. Năm ngoái, công ty đạt tổng doanh thu 114.400 tỷ đồng, tăng 34.400 tỷ đồng so với năm trước đó, tương ứng 43%.

Đầu năm nay, Foxconn đã tiến hành đầu tư thêm một nhà máy tại KCN Quang Châu (Bắc Giang) với tổng mức đầu tư 270 triệu USD nhằm gia công máy tính bảng, máy tính xách tay cho Apple. Công suất nhà máy đạt 8 triệu sản phẩm/năm.

Hai nhà sản xuất lớn khác từ Trung Quốc là GoerTek và Luxshare cũng chứng kiến doanh thu tăng vọt.

Tổng doanh thu của hai nhà máy GoerTek tại Quế Võ, Bắc Ninh tăng từ 13.900 tỷ đồng lên 60.400 tỷ đồng.

Hai nhà máy Luxshare tại Bắc Giang tổng doanh thu từ 7.400 tỷ đồng lên 39.000 tỷ đồng.

Những con số nói trên cho thấy sự dịch chuyển quy mô sản xuất rất lớn của các nhà cung ứng chính cho Apple đến Việt Nam.

Động thái của Apple nằm trong xu hướng lớn là các ông lớn công nghệ toàn cầu muốn giảm sự phụ thuộc hoạt động sản xuất của họ vào Trung Quốc, nơi xưa nay vẫn được xem là công xưởng của thế giới.

Chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc, những căng thẳng thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh, cộng thêm sự bùng phát của đại dịch năm ngoái làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, tất cả dẫn đến nguy cơ phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia. Hơn nữa, chính phủ Mỹ đã khởi xướng một chiến dịch "tái cấu trúc chuỗi cung ứng" và kêu gọi các nhà cung cấp công nghệ rời khỏi Trung Quốc.

GoerTek, nhà lắp ráp tai nghe AirPods chính của Apple đã yêu cầu tất cả các nhà cung cấp của công ty này đánh giá lại tính khả thi của việc chuyển sản xuất sang Việt Nam từ năm 2018. Thực tế, công ty Trung Quốc là nhà cung cấp đầu tiên của Apple xác nhận kế hoạch dịch chuyển sản xuất.

Năm 2019, Apple đã yêu cầu nhiều nhà cung cấp nghiên cứu tác động chi phí của việc chuyển khoảng 15 – 30% sản lượng ra khỏi Trung Quốc cho một loạt dòng sản phẩm. Dòng AirPods của hãng xuất xưởng khoảng 90 triệu chiếc mỗi năm, lần đầu được sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam vào mùa hè năm 2019, sau đó sản xuất hàng loạt vào năm 2020. Một phần sản lượng của AirPods Pro, AirPods Max và HomePod mini cũng đã được phân bổ đến Việt Nam vào năm ngoái.

Luxshare cũng nổi tiếng với việc sản xuất các sản phẩm tai nghe Airpods cũng mới chỉ bắt đầu đẩy mạnh hoạt động từ năm 2019.

Làn sóng dịch chuyển chậm lại vì COVID-19

Mặc dù xu hướng chung là hết sức rõ ràng, nhưng đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đang làm chậm lại đáng kể sự dịch chuyển sản xuất này.

Theo nguồn tin của Nikkei Asia, Apple đã bắt đầu sản xuất loạt tai nghe Airpods mới nhất của mình tại Trung Quốc thay vì Việt Nam như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, thương hiệu "táo khuyết" vẫn hy vọng sẽ chuyển khoảng 20% sản lượng Airpods mới sang Việt Nam.

Kế hoạch đưa một số nhà sản xuất MacBook và iPad của Apple sang Việt Nam cũng bị hoãn lại do thiếu nguồn lực kỹ thuật, chuỗi cung ứng máy tính xách tay chưa hoàn thiện và tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng một chuỗi cung ứng mới đòi hỏi các kỹ sư có kinh nghiệm và đào tạo công nhân địa phương. Khi cả Trung Quốc và Việt Nam đều áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn trong năm nay, quá trình chuyển dịch sản xuất giữa hai nước bị chậm lại.

Theo Nikkei Asia, nhân sự người Trung Quốc của các nhà cung ứng gặp khó khăn trong việc xin cấp phép làm việc tại Việt Nam do những yêu cầu khắt khe hơn.

Để đối phó với làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, Việt Nam có thời điểm yêu cầu các nhà sản xuất buộc phải đóng cửa. Các nhà cung cấp chủ chốt của Apple gồm Foxconn, Luxshare là GoerTek đã phải dừng sản xuất hồi tháng 5 khi dịch bệnh bùng phát tại Bắc Giang.

Theo tìm hiểm, Apple hiện có trên 20 nhà cung ứng thiết bị có nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam.

Theo Nhịp sống kinh tế

Apple là một trong những công ty có giá trị nhất nước Mỹ với vốn hóa thời điểm hiện tại là 2.448 tỷ USD.

Một trong những thành công của Apple là tạo ra cuộc cách mạng về công nghệ cá nhân. Hàng triệu khách hàng trên thế giới sẵn sàng trả nhiều tiền nhất cho chất lượng, thiết kế và tính năng của các thiết bị Apple, khiến các sản phẩm như iPhone, iPad, Mac, iPod và Apple Watch bán "đắt như tôm tươi".

Tuy nhiên, để đạt được quy mô như hiện tại, Apple không chỉ phụ thuộc vào năng lực sản xuất của riêng mình. Công ty Mỹ có hơn 200 nhà cung cấp các linh kiện cho hệ sinh thái sản phẩm.

Apple rất nỗ lực trong việc giám sát các nhà cung cấp của mình. Các mối quan hệ đưa gã khổng lồ công nghệ trở thành nhà quản lý của một trong những chuỗi cung ứng hiệu quả nhất thế giới. Mỗi năm, Apple phát hành một báo cáo qua đó cung cấp danh sách 200 nhà cung ứng hàng đầu, chiếm 98% hoạt động mua sắm của công ty này.

Nhà cung cấp Apple tại Việt Nam

Doanh thu của Foxconn, Luxshare và Goertek tại Việt Nam đều tăng thêm trên 1 tỷ USD trong năm 2020

Dưới đây là 9 nhà cung cấp lớn nhất của Apple:

Đài Loan

1. Hon Hai Foxconn

Hon Hai Foxconn là một trong những lý do chính khiến Đài Loan có mặt trên bản đồ của Apple. Foxconn là một trong những nhà cung cấp lớn và lâu đời nhất của Apple. Tuy nhiên, công ty này lại có rất nhiều địa điểm sản xuất bên ngoài khu vực. Năm 2018, 29 trên tổng số 35 nhà máy sản xuất của Foxconn là ở Trung Quốc. Số còn lại đến từ Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và Mỹ.

2. Wistron

Wistron đang góp phần giúp Apple mở rộng sang Ấn Độ. Công ty này có 5 địa điểm sản xuất với ba tại Trung Quốc và hai tại Ấn Độ. Nhà máy tại Ấn Độ của Wistron tập trung sản xuất bảng mạch in cho iPhone.

3. Pegatron

Cũng là một công ty có trụ sở tại Đài Loan, thế nhưng chỉ có 1 nhà máy tại đây còn lại là 17 nhà máy tại các quốc gia khác nhau. Pegatron có 12 nhà máy tại Trung Quốc, cùng với các nhà máy tại Cộng hòa Séc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Pegatron giống như Foxconn cung cấp dịch vụ lắp ráp iPhone của Apple.

Trung Quốc

Nhìn chung, Trung Quốc là một khu vực toàn cầu rất quan trọng với Apple, Danh sách các nhà cung cấp năm 2019 cho thấy các nhà cung cấp tại Trung Quốc tăng trưởng nhanh, chiếm lấy thị phần của Mỹ và Nhật Bản, vươn lên chỉ xếp sau Đài Loan.

Theo vị trí thực tế, Trung Quốc chiếm 380 trong tổng số 809 cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, Apple đã chia sẻ một số lo ngại về sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc, bao gồm đợt bùng phát đại dịch năm 2020 và quan hệ Mỹ - Trung.

4. Goertek

Goertek và Luxshare là hai công ty Trung Quốc lọt vào tầm ngắm cung cấp cho Apple. Cả hai công ty đều đã đồng ý thiết lập các nhà máy sản xuất tại Việt Nam để cải thiện hiệu quả chi phí sản xuất của thiết bị AirPods. Goertek có ba địa điểm sản xuất, hai ở Trung Quốc và một ở Việt Nam.

5. Luxshare

Luxshare cũng hợp tác với Apple để sản xuất AirPods. Công ty này cũng có 7 nhà máy tại Trung Quốc và hai nhà máy tại Việt Nam.

Nhà cung cấp Apple tại Việt Nam

Luxshare sở hữu hai nhà máy sản xuất tai nghe AirPods tại Bắc Giang - Việt Nam

Mỹ

Mặc dù phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế, Apple vẫn rất cần các công ty sản xuất ở Mỹ, bao gồm: 3M, Broadcom, Qualcomm, Intel, Jabil, On, Micron, Texas Instruments…

6. Qualcomm

Qualcomm được niêm yết trên NASDAQ là công ty hàng đầu thế giới về các sản phẩm và dịch vụ bán dẫn, di động và viễn thông. Công ty này được biết đến là nhà cung cấp nhiều linh kiện điện tử cho Apple, bao gồm bộ theo dõi điện năng, bộ xử lý băng tần cơ sở, mô-đun quản lý năng lượng, bộ thu phát sóng GSM/CDMA…

7. Intel

Tháng 7/2019, Apple đã công bố thỏa thuận với Intel mua lại phần lớn hoạt động kinh doanh modem điện thoại thông minh của công ty này. Với việc mua lại, Apple đã mở rộng quyền sở hữu bằng sáng chế của mình và thiết lập kế hoạch mạnh mẽ phát triển 5G. Sau khi mua lại, Mac sử dụng bộ vi xử lý Intel.

Trong danh sách nhà cung cấp năm 2019, Intel cho biết có tổng cộng 9 nhà máy sản xuất, trong đó 3 tại Mỹ, các địa điểm khác tại Trung Quốc, Israel, Việt Nam, Ireland và Malaysia.

Các quốc gia khác

8. Murata Manufacturing

Murata có trụ sở tại Kyoto, Nhật Bản. Công ty này cung cấp cho Apple 26 cơ sở sản xuất trải khắp Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Singapore, bao gồm 16 nhà cung cấp tại Nhật Bản.

Apple và Samsung là hai khách hàng hàng đầu của Murata, họ mua tụ điện gốm từ nhà cung cấp. Các bộ phận điện tử này được sử dụng để điều khiển dòng điện trong các thiết bị điện tử.

9. Samsung

Samsung có trụ sở tại Hàn Quốc. Tập đoàn này cung cấp nhiều thành thành, bao gồm bộ nhớ flash được sử dụng để lưu trữ nội dung dữ liệu; DRAM di động được sử dụng để thực hiện đa tác vụ các ứng dụng khác nhau trong thiết bị và bộ xử lý ứng dụng chịu trách nhiệm kiểm soát và giữ cho thiết bị hoạt động.

Apple và nhà cung cấp

Nhà cung cấp Apple tại Việt Nam

Apple Store Fifth Avenue, New York

Apple được biết đến là đơn vị duy trì một trong những chuỗi cung ứng được quản lý tốt nhất thế giới. Với tầm vóc và phạm vi toàn cầu, gã khổng lồ công nghệ có thể yêu cầu các sản phẩm chất lượng cao và áp dụng các điều khoản khắt khe hơn đối với các nhà cung cấp. Chẳng hạn, khi một trong những nhà cung cấp quan trọng cho mẫu iPhone 7 từ Trung Quốc tỏ ra không đáng tin cậy, Apple đã ngay lập tức thay thế bằng công ty Nhật Bản Nidec Corp.

Có hàng trăm nhà cung cấp sẵn sàng tuân thủ các điều khoản mà Apple đưa ra. Hơn nữa, bằng cách thuê ngoài chuỗi cung ứng và hoạt động lắp ráp, Apple có thể tập trung làm những gì tốt nhất về thiết kế sản phẩm, phát triển nhiều tính năng và thân thiện hơn với người dùng.

Mặt khác, được liên kết với một thương hiệu như Apple đem lại lợi ích đáng kể cho các nhà cung cấp. Những công ty nhỏ có thể phụ thuộc phần lớn nguồn thu từ việc hợp tác với Apple. Nhưng ngay cả những công ty lớn như Samsung cũng sử dụng mối quan hệ này để làm lợi thế cho riêng mình.

Mặc dù là đối thủ chính của nhau trên thị trường điện thoại di động. Các đơn đặt hàng lớn từ Apple cho phép Samsung tăng cường sản xuất số lượng lớn, giúp giảm chi phí sản xuất linh kiện điện thoại di động của chính mình.

Một lợi thế cho các nhà cung cấp là Apple nổi tiếng về sự đổi mới. Bất kể điều gì xảy ra, tất cả đều mong đợi Apple sẽ tung ra cái gì đó mới và háo hức đón chờ những sản phẩm này. Ở một mức độ nhất định, điều này bảo vệ các nhà cung cấp cho Apple, các công ty sẽ tiếp tục nhận thấy những nhu cầu mới đối với sản phẩm và dịch vụ của họ.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng việc không để đáp ứng những nhu cầu của Apple có thể giống như ngày tận thế đối với các nhà cung ứng vừa và nhỏ với hoạt động kinh doanh được xây dựng xung quanh việc bán sản phẩm cho "nhà táo khuyết". Nếu họ không thể duy trì việc cung cấp hàng hóa chất lượng cao với mức giá phù hợp, Apple có thể thay thế bằng một đối thủ cạnh tranh khác.