Nhà nước thượng tôn pháp luật theo quan điểm của Hồ Chí Minh

[Thanhuytphcm.vn] - Trên thế giới có nhiều nước tổ chức Ngày Pháp luật hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội để thượng tôn pháp luật, tôn vinh Hiến pháp - đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Hiện nay có hơn 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để hằng năm tổ chức kỷ niệm “Ngày Hiến pháp” của đất nước mình.

Ở nước ta, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2013 quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Vào ngày này, bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức Ngày Pháp luật góp phần lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội về tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, đặc biệt là Hiến pháp để bảo đảm được việc thực thi quyền lực của nhân dân. Trong An Nam yêu cầu ca, Người viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”[1]. Theo Người, “thần linh” ở đây không phải là một sức mạnh siêu nhân nào đó, mà là sức mạnh của nền dân chủ của Nhà nước pháp quyền. Nhà nước dân chủ Việt Nam không thể thiếu pháp luật. Vì pháp luật là “bà đỡ” cho dân chủ. Dân chủ đích thực bao giờ cũng đi liền với kỷ cương phép nước. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật; ngược lại, hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế.

Sau khi giành được chính quyền, ngày 28/8/1945, Bộ Tư pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò là Chủ tịch nước, đứng đầu Chính phủ. Đến ngày 20/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp. Tại phiên họp tháng 10/1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam. Phát biểu trước Quốc hội, Người nhấn mạnh “Chính phủ sẽ cố gắng làm theo đúng 3 chính sách: dân sinh, dân quyền và dân tộc” trong thực hiện Hiến pháp 1946. Luôn chăm lo hoàn thiện hệ thống pháp luật, ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp [Hiến pháp năm 1946 và 1959], đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác.

Khẳng định vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội,trong Thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 2/1948, Người viết: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”. Người căn dặn: “... Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ…”[2]. Các giá trị đó thể hiện tập trung nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, được kế thừa trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992.

Từ thực tiễn trên thế giới cũng như phát huy tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến pháp mới để chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với tinh thần thượng tôn pháp luật; mọi quyết định của Nhà nước đều phải minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật; Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, bảo vệ quyền dân chủ, tự do, quyền con người, quyền công dân; người dân có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và được quyền làm những gì pháp luật không cấm, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ngày 20/6/2012 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Điều 8 của Luật quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Trước khi Ngày Pháp luật được cụ thể hóa trong luật, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ triển khai từ ngày 4/10/2010, thông qua Công văn số 3535/HĐPH của Hội đồng gửi Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương. Ngoài ra, xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, một số địa phương trên cả nước đã tổ chức một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật và sau đó được một số địa phương khác tham khảo, áp dụng. Bên cạnh đó, việc tổ chức Ngày Pháp luật cũng chính là tăng cường thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Ngày 8/11/2013, lễ công bố “Ngày pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề“Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Ngày Pháp luật được tổ chức tốt sẽ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và củng cố văn hóa lập hiến, văn hóa pháp luật dựa trên các nền tảng“đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do, dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”nhưHiến pháp 1946 quy định… Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta đang định cư sinh sống ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật”.

Theo đó, mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là:

1. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

2. Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật.

3. Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước.

4. Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

5. Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý.

Để hiện thực hóa Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 4/4/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện Ngày Pháp luật. Theo đó, Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức như: Mít-tinh, hội thảo, tọa đàm; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm và một số hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Ngoài ra, theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật được tổ chức đểtôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ngày Pháp luật ngoài nội hàm ghi nhận ngày ban hành bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta mà còn khẳng định mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” 365 ngày trong một năm. Đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam vững mạnh.

Có thể khẳng định, dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Điều đó đòi hỏi, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải có sự thay đổi để gắn với thực tiễn cuộc sống. VàNgày Pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội.

Hiện nay, vai trò làm chủ của người dân ngày càng được khẳng định; Đảng, Nhà nước luôn xem đó là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng trở thành chuẩn mực trong ứng xử của người dân, đồng thời nhu cầu tham gia của người dân vào hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc tổ chức Ngày Pháp luật phải gắn liền với việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

[Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM]

-----

[1] Việt Nam yêu cầu ca - Nguyễn Ái Quốc 1920

[2] Bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950.

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề