Phương pháp biết thắng từng bước

Nghệ thuật giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta trải qua chặng đường dài 21 năm, diễn ra trên quy mô rộng lớn, với tính chất và cường độ rất quyết liệt. Kẻ thù xâm lược là đế quốc Mỹ - một cường quốc có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần.

Ðể đương đầu và đánh thắng, Ðảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đề ra đường lối chính trị, quân sự độc lập tự chủ, sáng tạo, và đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, đánh thắng địch từng bước, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Có thể nói, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn là chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, điều hành chiến tranh sắc sảo của bộ não cách mạng Việt Nam. Chủ trương chiến lược đó được thể hiện trong đường lối chính trị và quân sự; được thực hiện bằng những biện pháp hiệu quả, thích hợp trong từng giai đoạn kháng chiến. Ðảng ta dự kiến, trên bước đường đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cần thực hiện những bước đi phù hợp với điều kiện thực lực của cách mạng Việt Nam lúc đó. Lực lượng vũ trang của ta ở miền Nam hầu hết đã tập kết ra miền Bắc, Ðảng đã chỉ đạo phát huy thế mạnh về chính trị của ta, dựa vào sức mạnh to lớn là lực lượng chính trị của quần chúng. Và thực tế lịch sử chứng tỏ đó là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Ðảng ta. Ðồng khởi năm 1960 của quân và dân ta ở miền Nam đã làm thất bại một hình thức thống trị điển hình bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công. Trên đà thắng lợi, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ta đề ra mục tiêu phấn đấu trước mắt là tập trung đánh đổ chính quyền Sài Gòn, thành lập ở miền Nam một chính quyền độc lập và trung lập. Mục tiêu đó có sức tập hợp rộng rãi và ngày càng mạnh mẽ mọi lực lượng yêu nước ở miền Nam, làm phân hóa nội bộ kẻ thù, góp phần tạo ra và nhân lên sức mạnh tổng hợp của cuộc kháng chiến. Ðến năm 1968, trên cơ sở thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã chủ động mở rộng mặt trận đấu tranh ngoại giao, buộc phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri, mở ra giai đoạn "vừa đánh vừa đàm". Nhằm thực hiện phương hướng chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" và để biến phương hướng chiến lược đó thành hiện thực, đồng thời với việc tiếp tục đẩy mạnh tiến công quân sự, trong quá trình đàm phán chúng ta chủ trương thiết lập tại miền Nam một chính quyền liên hiệp ba thành phần, xem đó là một bộ phận trong giải pháp cả gói buộc phía Mỹ phải chấp nhận rút hết quân ra khỏi cuộc chiến, chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ ở Việt Nam.

Kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, chúng ta đã triển khai và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân trên ba vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị, thực hành chiến lược tiến công địch cả về chính trị, quân sự và ngoại giao; đánh địch bằng phương thức kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực hợp thành. Quy mô, nhịp độ của đòn tiến công quân sự cũng như thời cơ và chọn hướng tiến công là những nội dung quan trọng trong nghệ thuật đánh thắng địch về quân sự. Trong giai đoạn địch thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt", về quân sự, ta đề ra phương châm đấu tranh "hai chân" "ba mũi" "ba vùng", nỗ lực đánh bại các thủ đoạn "thiết xa vận", "trực thăng vận", "phượng hoàng vồ mồi", "trên đe dưới búa" của địch; tổ chức nhiều trận đánh và tiến đến là một số chiến dịch tiêu diệt từng chiến đoàn quân đội Sài Gòn, phá vỡ từng khu vực phòng thủ của chúng, góp phần đánh thắng chiến lược "chiến tranh đặc biệt".

Khi địch buộc phải thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ" [1965-1968], Ðảng ta đã phân tích rất kỹ những điểm mạnh, yếu của cả ta và địch, chỉ đạo tìm cách đánh Mỹ, trên cơ sở đó, quyết tâm ghìm chặt Mỹ và lãnh đạo toàn quân, toàn dân phát huy sức mạnh tổng hợp đánh bại từng cố gắng chiến lược của đế quốc Mỹ, đánh bại chúng trên chiến trường chính miền Nam. Sau thắng lợi đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất của quân Mỹ [mùa khô 1965-1966], Quân ủy Trung ương quyết định mở Mặt trận Ðường 9 - Bắc Quảng Trị, tạo hướng tiến công chiến lược mới vào nơi yếu của địch trên chiến trường, buộc địch phải tiếp tục phân tán binh lực lên vùng rừng núi, là nơi ta có điều kiện thực hiện tiêu diệt và ghìm chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng trên toàn bộ chiến trường miền Nam, ngăn chặn không để địch mở cuộc tiến công trên bộ ra khu vực nam Quân khu 4. Ðầu năm 1968, bằng cuộc tiến công Tết Mậu Thân, ta đã giáng cho địch một đòn chí mạng, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán, mở ra giai đoạn "vừa đánh vừa đàm".

Chiến lược "chiến tranh cục bộ" bị thất bại, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", tìm cách rút bớt một bộ phận quan trọng quân Mỹ nhưng vẫn duy trì chế độ thực dân mới của chúng ở miền Nam; tiến hành ngoại giao xảo quyệt nhằm cô lập cách mạng Việt Nam và Ðông Dương; mở rộng chiến tranh đặc biệt ở Lào và xâm lược Cam-pu-chia, đồng thời đẩy mạnh đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. Ðảng ta đã chỉ đạo nhanh chóng khôi phục thế trận ở miền Nam, phối hợp chiến trường ba nước Ðông Dương, mở các chiến dịch phản công đánh bại âm mưu và hành động mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải lui về phòng ngự chiến lược. Nhằm làm chuyển biến căn bản cục diện chiến trường, mở ra khả năng giành thắng lợi quyết định, Ðảng ta chỉ đạo mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam; đánh trả thắng lợi các cuộc đánh phá của không quân Mỹ ra miền Bắc, mà đỉnh cao là đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của chúng vào tháng 12-1972. Thắng lợi của ta đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri về lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân về nước.

Sau Hiệp định Pa-ri, Ðảng ta đã kịp thời chỉ đạo khắc phục những sai lầm, hữu khuynh do nhận thức không đúng về địch, không ngừng xây dựng thế và lực, chuyển từ thế bị động sang chủ động phản công, tiến công. Chiến thắng ở Thượng Ðức và Phước Long đã chứng tỏ so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường đã có những thay đổi căn bản, thế và lực của ta đã mạnh hơn địch. Ðánh giá tình hình quốc tế, khu vực và trên chiến trường chính xác, Ðảng ta đã chỉ đạo tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 "đánh cho ngụy nhào" giành thắng lợi quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã minh chứng cho nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh giải phóng: giành thắng lợi từng bước của Ðảng ta đã được nâng lên một tầm cao mới. Ðế quốc Mỹ rất mạnh và hung bạo, trong bối cảnh quốc tế lúc đó, tư tưởng sợ Mỹ vẫn là khuynh hướng không nhỏ. Ðể đánh thắng đế quốc Mỹ, Ðảng ta, trên cơ sở giữ vững ý chí, nêu cao quyết tâm, kiên quyết lãnh đạo toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta bền lòng kháng chiến, giữ vững tư tưởng chiến lược tiến công. Chiến lược tiến công của ta là chiến lược tiến công của một nước nhỏ đối đầu với một nước lớn hùng mạnh, một quân đội nhà nghề, quân số đông, vũ khí hiện đại, dồi dào... Vì thế chúng ta chủ trương trên cơ sở nắm vững phương châm đánh lâu dài, tranh thủ thời cơ, tập trung sức mạnh, đánh thắng lợi từng bước, tiến lên đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của địch. Ðó là một thành công trong chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chiến đấu của ta. Trong từng giai đoạn đấu tranh, để đánh bại từng chiến lược của kẻ thù, Ðảng ta, trên cơ sở khách quan, khoa học, đã đánh giá chính xác tình hình, phân tích rõ những điểm mạnh yếu của địch và của ta để đề ra nhiệm vụ, mục tiêu cho phù hợp. Ðảng đã quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công cho toàn quân, toàn dân, liên tục tiến công địch, liên tục tạo lực, tạo thế, nắm vững thời cơ, đánh bại từng biện pháp và kế hoạch chiến lược của địch. Những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là những nét đặc sắc trong nghệ thuật giành thắng lợi từng bước của ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn nguyên giá trị trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Video liên quan

Chủ Đề