Review máy rửa bát 8 bộ


Nếu hết muối làm mềm và nước xả thì sẽ sáng đèn lên như vầy
Vì là một chiếc máy giá rẻ khi so với những chiếc MRB khác nên chiếc máy này không có quá nhiều chức năng, chỉ có 6 chức năng đơn giản là rửa và sấy theo 6 kiểu khác nhau với nhiệt độ khác nhau và thời gian khác nhau. Mình thấy điểm đáng khen là chỉ với mức giá không cao nhưng máy có cả rửa và sấy [hồi mình đi xem thì nhiều máy trong cùng tầm giá chỉ có chức năng rửa]


Chức năng chính đơn sơ Máy chỉ có một số cảm biết cơ bản như cảm biến nhiệt độ để xác định nhiệt độ nước, cảm biến lưu lượng nước đầu vào và cảm biến chống tràn, tuy nhiên mình chưa bao giờ bị tràn nên không rõ lúc đó ngoài báo lỗi thì máy có làm gì không [ví dụ như tạm dừng hoạt động]. Máy có thể ghi nhớ chương trình đang chạy nếu mất điện, tuy nhiên khi có điện trở lại thì máy sẽ tự động chạy lại chương trình đó chứ không chạy tiếp từ lúc bị mất điện. Mình cũng chưa mấy khi bị mất điện nên không biết là điều này có xảy ra ở tất cả chương trình và ở chế độ không [ví dụ khi máy đã sang chế độ sấy mà bị mất điện thì lúc có điện máy sẽ tiếp tục sấy hay máy chạy lại từ đầu với chế độ rửa]. Bạn nào cũng dùng máy này rồi mà biết thì chia sẻ thêm với mình nhé Và đương nhiên máy sẽ không có các cảm biến cho các tính năng của các máy cao cấp hơn như: không có cảm biến để tùy chỉnh mức độ rửa và lượng nước cho lượng đồ nhiều hay ít hoặc đồ sạch hay dơ, không có cảm biến để thay đổi lượng muối làm mềm, không có chế độ half-load [nửa tải - dùng 1 ngăn rửa thay vì cả 2 ngăn], không có chế độ giảm tiếng ồn, không tự động mở cửa sau khi xong, không có chế độ hẹn giờ và vân vân mây mây . . .


Phải điều chỉnh lượng muối thủ công, nhưng cũng không khó vì có hướng dẫn tiếng Việt, còn ai không biết thì cũng không sao vì mức mặc định cũng khá ổn rồi. Mình sau khi điều chỉnh tới lui thì lại quay về mặc định

Mình để chế độ sấy ở mức tạm đủ vì dù sao máy cũng có chế độ này dù nó hoạt động không phải là quá tốt nhưng cũng không hề tệ, vẫn tác dụng rất nhiều, nó khiến bát đũa không ướt sũng và đẫm nước. Tuy nhiên thi thoảng vẫn có nước đọng, đây là nhược điểm của công nghệ sấy cũ và rẻ. Mình sẽ chia sẻ thêm ở cuối bài Nếu muốn bát đũa gần như khô hoàn toàn thì sau khi máy chạy xong [tức là vừa kết thúc chế độ sấy], mình mở máy ra và lôi khay rửa ra ngoài, thì các món bằng sứ và kim loại đang nóng khiến nước còn dư bay hơi rất nhanh thì chỉ 2-3 phút sau sẽ khô. Còn nếu mình để vậy qua đêm sáng hôm sau mới mở ra thì cũng khá khô nhưng vẫn có thể sẽ còn một vài vệt nước dính trên các thứ, nhất là đồ nhựa.

Như các dòng máy châu Âu, thời gian để hoàn thành 1 lần rửa sẽ tầm 2 tiếng rưỡi, có nhanh hơn 1 chút so với máy fullsize [máy 14 bộ mình thấy phải hơn 3 tiếng] vì kích cỡ máy nhỏ hơn rửa được ít hơn. Việc rửa nhanh hơn này có thể giúp mình kịp rửa 1 lô lúc 7h tối và rửa thêm 1 lô nữa lúc 11h trước khi đi ngủ nếu hôm đó có quá nhiều thứ phải rửa Còn nếu so với máy Nhật thì chắc chắn là lâu hơn rồi, nếu mình không nhầm thì chỉ 1.5 tiếng là máy Panasonic của bố mẹ mình rửa xong 1 lô và sấy khô ráo. Tuy nhiên máy Nhật và phần còn lại của thế giới có cơ chế hoạt động khác nhau nên thời gian sẽ khác nhau thôi, mình có chia sẻ thêm ở cuối bài

Mặc dù được bán chính hãng ở VN nhưng khay chứa đồ của MRB Electrolux này có lẽ bê nguyên thiết kế của châu Âu vào đó là sẽ phù hợp hơn với đĩa [dĩa], thìa [muỗng] và dĩa [nĩa], không được thiết kế tốt cho bát con hay đũa như MRB của Nhật [máy Nhật họ thiết kế khu vực để bát con cực ngon, xếp 10 bát con ăn cơm cực gọn]. Và với thiết kế khay chứa như vậy thì mình sẽ mất 1 tuần để làm quen với việc sắp xếp nhưng rồi mọi thứ cũng ổn, mình có thể xếp hầu hết mọi thứ cần rửa vào máy. Mình cũng thay đổi thói quen một chút đó là thay vì đựng thức ăn trong bát thì mình chuyển qua dùng đĩa để tối ưu không gian rửa tốt hơn. Máy cũng đi kèm 1 khay để đũa chuyên dụng nhưng khay đó lại chì để được ở chỗ số 4 trong hình dưới nên mình chả dùng, mình hay xếp đũa nằm trên khay ở tầng 2 chung với chỗ để thìa và dĩa nó sẽ sạch hơn


Cách xếp của Electrolux được in trong HDSD, thậm chí không có bát con mà chỉ có đến tô nhỏ


Cách xếp của máy Panasonic của bố mẹ mình, góc trên bên trái sẽ để được 2 hàng bát con mỗi hàng 5 chiếc

Mặt kính có tác dụng giúp mình nhìn được bên trong máy nhưng họ lại không làm kính trong suốt mà lại chơi kiểu chấm bi, khiến việc nhìn vào trong máy cũng không mấy dễ dàng. Mình hay nhìn vào để xem liệu tay quay phía trên có bị kẹt bởi cái gì mình xếp cao quá không, vì nếu có thì mở máy ra để xếp lại là được, nhưng phải soi đèn pin từ ngoài vào.


Mặt kính lờ mờ, bỏ mặt kính đi để hạ thấp khay đựng bột rửa chắc sẽ hợp lý hơn


Khay đựng bột rửa trong MRB của mình có thiết kế theo kiểu đóng mở, không phải kiểu trượt lên xuống. Và cái thiết kế này cực kì ngốc nghếch [có thể vì nó bị đặt ở vị trí quá cao, hoặc cái nắp quá dài], khi nó mở ra thì sẽ không bung hết ra như bình thường mà sẽ bị chặn lại bởi giá để đồ bên trên, vì thế sau khi rửa xong, khi mở cửa MRB ra thì cái nắp này nó sẽ bật ra thêm 1 lần nữa và tóe nước ra ngoài. Sau vài lần bị bắn nước vào tay thì mình thường lấy cái khăn nhỏ phủ qua chỗ cửa máy để khi cái nắp này bật ra thì nước sẽ chỉ bắn vào khăn.


Nó ngốc thế này đây Và vị trí của khay đựng bột rửa này cũng khá ngốc nghếch, thời gian đầu thì mình không để ý đến nó, nhưng cho đến 1 ngày thì xuất hiện vấn đề, máy rửa xong mà gần như bột rửa còn nguyên mình mới phát hiện ra sự ngốc nghếch trong thiết kế của cái khay này và có lẽ nhà sản xuất không lường trước được điều này vì mình không thấy có cảnh báo gì trong HDSD. Vì cái nắp không bật ra hết mà bị cản bởi khay để đồ bên trên, vì thế tay phun nước trên gần như vô dụng trong việc gạt bột rửa xuống, bột rửa một phần sẽ rơi xuống nhờ trọng lực và phần còn lại là do tay nước bên dưới bắn nước lên đó. Và cái hôm mà bột rửa còn nguyên là vì mình để đồ kín khu vực ngay dưới cái khay bột rửa.


Có thể bị sót bột rửa nếu xếp đồ chắn tầm bắn của tia nước Sau hôm đó thì mình mới nhận ra là khi xếp đồ thì khu vực dưới khay bột nên để thoáng một chút để tia nước từ tay dưới sẽ phun được lên trên. Cái này kể cả khi dùng dạng viên cũng có thể gặp [bố mẹ vợ mình từng bị], có điều sẽ ít bị hơn dạng bột, nên một phương án nữa đó là cũng có thể đổi từ dạng bột qua dùng dạng viên hoặc dạng gel


Lúc xếp bát nên để trống khu vực này, chỉ cần khoảng trống nhỏ thôi để tia nước có thể phun lên

Mình thấy đây là một lỗi thiết kế rất ngốc nghếch và khó hiểu của chiếc máy này, hi vọng trong tương lai NSX họ sẽ cải thiện hơn

Một điểm nữa về thiết kế mà mình không thích đó là cái tay phun nước. Tay phun ở dưới thì ok nhưng tay phun ở trên thì lại ngắn một cách khó hiểu, mặc dù các đầu phun họ có thiết kế để phun chéo lên nhằm với tới những vị trí ở góc, nhưng vì nó ngắn nên đôi khi những món ở góc sẽ không sạch. Vì vậy mình thường tránh 4 góc ở tầng trên, sẽ gần như không để đồ vào đó.


Tay ở trên hơi ngắn, làm dài ra nữa chắc ngon hơn

Dù vỏ máy làm từ kim loại nhưng lại chỉ sơn lên màu trắng, không có màu khác để lựa chọn, không có cách hoàn thiện khác như đánh phay xước. Màu trắng thì trông cũng bóng bảy sạch sẽ nhưng mà không sang trọng lắm, nhìn mấy con Bosch màu kim loại phay xước trông sang xịn mịn manly hơn nhiều lần

Với nhu cầu của mình như đã chia sẻ ở đầu bài viết, thì đây là một chiếc máy rất phù hợp vì sự nhỏ gọn, nhẹ nhàng cho những gia đình nhỏ, những bạn mới cưới hoặc mới chỉ có 1 baby, bố mẹ ở nhà chỉ có 2 người, vì đây là một mẫu có mức giá rất phải chăng và vẫn làm tốt được nhiệm vụ cơ bản nhất của một cái máy rửa bát. Nếu săn khuyến mãi thì có thể mua được với mức giá 6-7 triệu, bằng 1 nửa chiếc MRB của Bosch, sẽ là lựa chọn kinh tế hơn và dễ tiếp cận hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống và giải phóng sức lao động giúp tăng thời gian làm việc khác hiệu quả hơn và có ích hơn. Cũng giúp mình giúp đỡ vợ được nhiều hơn, hai vợ chồng hòa thuận hơn. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn có một vài điểm yếu mà mình sẽ phải chấp nhận, vì khi mua về rồi mới biết, mình nghĩ kể cả máy đắt tiền hơn mà chỉ xem review sương sương ở trên mạng thì chắc cũng vậy. Dù sao thì thông qua bài viết này, mình cũng có thể chia sẻ được điểm mạnh và điểm yếu của chiếc MRB giá rẻ này, giúp mọi người có cái nhìn chi tiết để có thể đưa ra quyết định mua sắm của mình.

Ngoài ra, việc lắp dặt máy cũng dễ dàng và có hướng dẫn chi tiết trong HDSD, anh em có thể tham khảo thêm tại trang chủ. Mình thì thường hay tự lắp đặt đồ gia dụng mà mình đủ khả năng tự làm vì muốn lắp cẩn thận theo đúng quy trình của NSX khuyến cáo do một số thợ [một số thôi nha] của các bên thường hay làm ẩu và ăn bớt công đoạn.

Xem thêm ảnh ở dưới, anh em ấn vào ảnh để xem mình có để thêm nội dung cho ảnh:

  • Đổ muối đơn giản như bao máy khác

  • Nhấc khay chứa ra để có thể tháo lọc ra vệ sinh

  • Chụp thêm về công suất cho anh em tham khảo

  • Vòi nối dễ mua, dùng ren ¾ inch chứ không phải ½ inch nên nếu không rõ về cỡ thì anh em lúc đi mua vòi có thể cầm theo dây đi ướm cho chắc

  • Ống xả mình cho vào bồn rửa luôn

  • Khối lượng máy khoảng 22kg

  • Máy được nhập khẩu chính hãng

  • Máy nhật của bố mẹ mình trông như thế này


Đối với trải nghiệm máy rửa bát của mình thì mình thấy thế giới có chia ra làm 2 loại:

  • Loại 1 là kiểu nước chảy đá mòn, giống như các máy châu Âu như Bosch hay máy của mình, đó là sẽ phun nước ở tất cả tay quay và phun rất lâu để dần dần rửa trôi vết bẩn trên bát đĩa, áp lực phun thì mình thấy cứ nhè nhẹ. Các bạn có thể xem thêm ở Video dưới


  • Loại 2 là kiểu thần công đại pháo của Nhật, họ chia ra từng khu vực rửa và mỗi tay quay sẽ phụ trách 1 khu vực, và nước chỉ phun 1 khu vực trong 1 thời điểm tuy nhiên lại phun rất mạnh, ngoài tay quay thì còn bố trí miệng phun trên thành máy nữa, và cứ luân phiên nhau bắn chất bẩn ra khỏi chén đĩa. Người Nhật có làm cả loại 1 nữa nhưng mình thấy có vẻ ít hơn loại 2. Các bạn có thể xem thêm ở video này

Và với việc áp lực phun mạnh như vậy cùng với số lượng bát ít, nên máy Nhật sẽ rửa rất nhanh, chỉ 90 - 105 phút là có thể đã rửa + sấy xong Còn với trải nghiệm sấy thì với kiểu sấy thông hơi của máy Nhật hay chế độ mở cửa bay hơi của máy Âu thì hơi ẩm sẽ lan tỏa vào không gian [phòng bếp] và điều này có thể không ảnh hưởng gì lắm nếu ở đất nước có môi trường không khí khô. Còn như ở VN thì có khí hậu khá ẩm vì vậy cũng cần đảm bảo thông khí phòng bếp nếu sử dụng những loại sấy này để tránh ẩm mốc. Về chế độ sấy mình có chia sẻ thêm những gì mình tìm được ở bên dưới

Bàn về chế độ sấy trong MRB thì ở Việt Nam mình thấy có ít người quan tâm đến, cả người mua lẫn người bán. Vì thế nên mình có tham khảo trên trang chủ của Bosch [1, 2, 3] và một số trang web khác [4, 5, 6] thì mình tìm ra một số công nghệ sau [có thể mỗi hãng có một tên gọi khác nhau, mỗi nhà bán hàng lại có thuật ngữ khác nhau, nhưng mình sẽ gọi tên theo cách mình đề cập đến bản chất vấn đề thôi nhé] Thế giới MRB sẽ chia ra 2 loại chính, đó là sấy bay hơi [thông hơi] và sấy ngưng tụ, cũng có cả kiểu giao thoa giữa 2 loại này:

  • Sấy bay hơi thụ động: đây là loại cơ bản nhất, đó là ở cuối chu trình rửa, máy sẽ đun thật nóng nước lên để từ đó khi phun vào bát đĩa sẽ khiến bát đĩa thật nóng, sau đó khi kết thúc chu trình rửa, khi bát đĩa còn giữ hơi nóng đó, máy tự động mở cửa/ hé cửa để hơi nước trên bát đĩa bay hơi và thoát ra ngoài
  • Sấy ngưng tụ thụ động: tương tự như trên, cũng dùng nước nóng để bát đĩa nóng, sau đó, hơi nước sẽ bay ra khỏi bát đĩa và ngưng tụ [thành giọt] ở bề mặt lạnh hơn như là phần kim loại ở thành máy, từ đó tách nước ra khỏi bát đĩa [mình nghĩ máy Electrolux của mình là loại này]. Bosch có gọi công nghệ này là PureDry

Ảnh chụp ở MRB của mình. Hơi nước bám vào thành máy và ngưng tụ thành giọt chảy xuống dưới
  • Từ 2 cái trên thì sẽ có một công nghệ kết hợp cả 2 cái, đó là sau khi ngưng tụ 1 khoảng thời gian nhất định thì cửa sẽ tự động mở ra để hơi ẩm tiếp tục bay hơi và khiến bát đũa khô hơn nữa. Bosch gọi nó là AutoAir
  • Sấy bay hơi chủ động [sấy thông hơi]: Đó là sau khi rửa xong, máy sẽ hút không khí từ ngoài vào, làm nóng không khí đó lên, có quạt thổi vào trong lồng rửa và sẽ có một đường để hơi nước thoát ra ngoài, giống máy sấy quần áo thông hơi [máy Panasonic của bố mẹ mình là loại này vì nó có 1 hàng lỗ thoát khi ở trên đỉnh máy, 1 hốc phía sau máy để lấy khí vào, ở đầu chế độ sấy nghe tiếng quạt chạy bên trong là hơi nước nóng lên nghi ngút như nồi cơm điện].
  • Sấy ngưng tụ chủ động: Bình thường thì nhắc đến ngưng tụ thì mình sẽ liên tưởng đến công nghệ giống của máy hút ẩm [hay gọi là bơm nhiệt ở máy sấy quần áo], không khí ẩm đi qua dàn lạnh để ngưng tụ rồi qua dàn nóng để thành nóng khô và tuần hoàn cho đến khi chiết xuất được hết nước. Nhưng để đặt 1 hệ thống như vậy vào MRB thì có lẽ không hợp lý vì thường sẽ tốn diện tích cho nhiều linh kiện như dàn nóng lạnh, máy nén... , chưa kể còn phải có bơm gas cho dàn nóng lạnh. Vì vậy mình đi tìm hiểu thêm thì trong MRB họ dùng hệ thống phản ứng hóa học thay vì hệ thống hút ẩm vật lý như vậy


Ảnh chụp trên trang giới thiệu công nghệ của Bosch

[1] Không khí ẩm có hơi nước được hút vào hệ thống sấy [2] qua quạt gió và đi qua buồng sấy, [3] trong buồng sấy có một khoáng chất tự nhiên [Zeolite], chất này sẽ hấp thụ nước trên bề mặt để phản ứng hóa học và tỏa nhiệt lên tới 80 độ, sau khi không khí ẩm đi qua buồng sấy thì nước sẽ bị hấp thụ và [4] không khí nóng khô sẽ quay trở ra lồng rửa và tiếp tục tuần hoàn lặp lại chu trình. Việc Zeolite hấp thụ nước xảy ra dưới dạng phản ứng hóa học và không tốn năng lượng cho việc này. Mình thấy nó rất hay và mình tin là nhiều bên bán hàng ở Việt Nam cũng thấy nó hay và quảng cáo về nó như những thông tin mình vừa chia sẻ, có điều nếu chỉ đến vậy thì họ đang cung cấp thông tin không đầy đủ. [Đoạn sau này mắng yêu đội quảng cáo của các bên bán hàng một xíu, chỉ mắng yêu thôi nhé ahihi]

Vì nếu chỉ có đi theo 1 chiều như vậy thì nước sẽ đi đâu? Nếu nước không đi đâu thì sau bao lâu phải thay cái Zeolite đó? Rồi lại tiếp tục là các nhà bán hàng quảng cáo “Loại phản ứng tự nhiên này của đá Zeolite có khả năng tái tạo, bổ sung không ngừng. Vì chỉ cần hoạt động nhờ vào việc hấp thụ nước và giải phóng năng lượng nhiệt. Cho nên hoàn toàn không cần phải thay thế chúng trong suốt vòng đời của máy. Bởi vậy, công nghệ sấy Zeolite là một công nghệ vô cùng an toàn, cực kỳ tiết kiệm và thân thiện với môi trường.” Đến đây . . . tái tạo thì có thể, nhưng bổ sung không ngừng rồi chỉ hấp thụ nước và giải phóng năng lượng nhiệt? Thế này thì cần gì lò phản ứng hạt nhân nữa, lấy Zeolite làm năng lượng vĩnh cửu đi nhân loại ơi. Chán quá một số nhà bán hàng Việt Nam ạ, quảng cáo cũng phải đúng và đầy đủ thông tin chứ, như vậy mới có lòng tin của khách hàng!

Mình thấy về mặt năng lượng nó hoàn toàn không hợp lý nên phải lặn lội ngay đi tìm thì hóa ra còn một bước thứ [5] nữa mà hầu như ít thấy ai nhắc đến trong quảng cáo dù trên trang chủ của hãng có rất rõ ràng, đó là ở trong buồng sấy chứa Zeolite sẽ có một bộ phận gia nhiệt [làm nóng] nhỏ, khi làm nóng Zeolite lên thì sẽ đảo ngược quá trình hóa học hấp thụ nước bên trên [1→4] và máy sẽ làm điều này trong lúc rửa chu trình kế tiếp để hơi nước hút được của lần trước hòa vào cùng với nước của lần sau và Zeolite khô ráo sẽ sẵn sàng cho việc sấy. Quả thật giải pháp rất hay và thông minh, và sẽ không gây ẩm ra không khí xung quanh mà sẽ tận dụng luôn lần rửa tiếp theo để giải phóng hơi ẩm của lần rửa trước. Bosch gọi đó là công nghệ CrystalDry. Và đúng là không tốn nhiều năng lượng để sấy nhưng sẽ tốn năng lượng để đảo ngược phản ứng trong lần rửa tiếp theo.

Dù sao thì sau khi đọc xong mình cũng cực ấn tượng với công nghệ sấy cuối cùng này, và mong là nếu có bạn nào đang dùng MRB có công nghệ này thì có thể review nó kỹ hơn vì ở trên mình mới chỉ đọc lý thuyết, chưa có điều kiện trải nghiệm thực tế công nghệ này. Ngoài ra, mình cũng đã có viết 1 bài bổ xẻ về các công nghệ sấy trong máy sấy quần áo, các bạn có thể đọc thêm

Cám ơn các bạn đã đọc đến đây. Nếu thấy bài hay và hữu ích, hãy follow mình để không bỏ lỡ những bài viết tiếp theo, mình còn nhiều điều để chia sẻ lắm.

Video liên quan

Chủ Đề