Review sách tôi đi tìm tôi năm 2024

Cũng giữ nguyên quan điểm như nhiều lần trước đã khẳng định: mình cực thích những ai đã đi nhiều nước, trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau. Đã thế lại còn chịu khó viết nữa thì thật tuyệt vời. Cho nên danh sách tác giả Việt Nam được ưa thích của mình dạo này tăng thêm vài người: Nguyễn Phi Vân. Rossi Nguyễn, Nguyễn Phương Mai, Phan Việt... Trên tất cả thì cảm giác thích Nguyễn Phi Vân nhất. Hôm nọ trích dẫn bài viết ngắn của chị mà có người còn tưởng giọng văn của mình. Đúng là: " Đồng thanh tương ứng" á!

"Tôi đi tìm tôi" là một dạng tản văn - những mảnh ghép cảm xúc bất chợt - ở nơi này nơi kia - khi có thời gian lắng lại với chính mình và nghĩ về những ngày đã qua. Kết cấu quyển sách hoàn toàn ngẫu nhiên, chả theo logic hay trình tự nào cả. Những câu chuyện của mình, của người...và những trải nghiệm.

Đúng với tiêu đề " Tôi đi tìm tôi" - cả hành trình lội về quá khứ, suy ngẫm những con người, hoàn cảnh đã trải qua - tôi mới trưởng thành lên, mới tìm thấy giá trị của con người mình.

Hình như đã có lần mình kể về chuyến taxi đầy duyên phận trong một buổi chiều Hà Nội giông bão. Hôm ấy tầm khoảng 2h chiều rồi, tự dưng lên cơn hâm và gọi cô bé em rủ lên chợ Đồng Xuân tìm mua tất cho 2 bạn nhỏ. Thế là 2 chị em gọi taxi phi lên. Thật hay là vừa lên tới nơi thì " trời đổ cơn mưa" không được nhỏ cho lắm. Và nơi hạ cánh là quán nước hoa quả ăn kèm khô heo cháy tỏi. 2 chị em vừa ngồi ngắm mưa vừa tán chuyện đời vớ vẩn. Dứt cơn mưa rồi dắt nhau vào ngõ chợ Đồng Xuân hỏi hàng. Thật chuẩn của " ăn 1 bát cháo chạy 3 quãng đồng" - tất mua theo lố rẻ hơn bán lẻ, nhưng tiền taxi đi lên chắc cũng quá tội.

Mọi sự bắt đầu khi gọi xe đi về. Cả Hà Nội tối sầm xuống và gió bắt đầu nổi lên. 2 - 3 cuốc grap đã bị lái xe hủy ko nhận. Đến lượt chú này thì đang ở khá xa - và chú rất lịch sự gọi hỏi xem chờ được không. Cũng chả còn cách nào khác nên đành chờ chứ biết sao. Và đã có xe về trước khi cơn giông ập tới.

Giờ về đúng vào lúc tan tầm. Lại có cơn giông lớn chắn lối. Rõ ràng thảm cảnh tắc đường không cần phải bàn cãi. Cuốc xe tưởng ngắn hóa ra lại dài đến 3-4 tiếng đồng hồ.

Có thời gian, chú lái xe mới kể chuyện: hóa ra chú vốn là giáo viên trường chuyên Lam Sơn - ngôi trường chuyên mà nhắc tới thì chắc tụi nào khối chuyên trên cả nước đều biết tiếng. Chú đã nghỉ hưu sớm và bây giờ đang tự học tiếng Trung. Oa, nghe đoạn này là ngưỡng mộ nha! Tầm tuổi như chú, lại còn là giáo viên, mà đi học tiếng Trung Quốc - thứ tiếng mà nhiều người tầm tuổi bố mẹ mình đều có định kiến không tốt. Đúng thời gian này m cũng đang mò mẫm học tiếng Trung - hàng ngày tự xem video rồi học đọc học viết. Thế là tự nhiên câu chuyện lại gần gũi hơn hẳn.

Chú bảo: học tiếng Trung vì nghe tuyên truyền nói xấu Trung Quốc nhiều, nên muốn tự mình nghiên cứu văn hóa xã hội của người ta xem sao. Đúng chưa? Đúng với Tony buổi sáng đã viết trong 1 cuốn sách nhé! " Luôn cố gắng nhìn bằng đôi mắt của mình và không phải tất cả sách đều đúng." Còn mình á! Lý do để học tiếng là: Đọc ngôn tình và xem phim Hoa ngữ mà ko cần phiên dịch. Ha ha...

Câu chuyện đưa đẩy thế nào mà về chủ đề: gốc rễ và văn hóa. Có lần nói chuyện với cô bé em, cũng nghe em nói về việc gắn bó với quê hương, lý giải tại sao thế hệ " 1 chốn 4 quê" như tụi mình gần như không có cảm giác gần gũi với lễ hội làng, với lễ giáo và lề thói của làng, của thôn. Và lần này khi nói chuyện với chú, m có nói: " Đôi khi bọn cháu có cảm giác như con diều không có dây, cứ bay đi nơi này nơi khác. Không biết mình thuộc về nơi nào. Không có gì níu giữ để gắn bó hay trông cậy tinh thần."

Đến giờ vẫn nhớ câu trả lời của chú lúc ấy. " Đó là điều không may. Nhưng cũng là điều may đối với các cháu. Con người ta, ai rồi cũng có lúc chênh vênh và tự hỏi: tôi là ai? Tôi thuộc về nơi nào? Tôi sinh ra để làm gì? Những người sinh ra ở làng, lớn lên và gắn bó với làng - rất ít người sớm nhận ra và đi tìm câu trả lời. Vì nó ăn sâu vào tiềm thức một cách tự nhiên rồi. Nhưng các cháu không có ràng buộc nên tự nhiên sẽ nhận ra điều ấy sớm hơn. Đó là một phần lý do tại sao khi đến tuổi xế chiều, nhiều người chọn quay về sinh sống ở quê hương, gắn bó lần nữa với nơi người ta đã từng ra đi." Câu chuyện của chú còn rất dài - nhưng mình đôi lúc lại nhớ lại vụn vặt vài mẩu. Rất nhân văn và ý nghĩa - như thể mình được gặp Tony buổi sáng thật sự ngoài đời ấy!

Cuốn sách Tôi đi tìm tôi của Nguyễn Phi Vân gần gũi với tôi cũng bởi hành trình đi tìm câu trả lời ấy. Những người đã gặp, những người đã lướt qua, những điều trực tiếp trải qua, những điều được nghe kể lại. Tất cả những trải nghiệm đều là bài học cho hành trình trưởng thành.

Sách của Nguyễn Phi Vân là để đọc và ngẫm nghĩ - không thể vừa đọc vừa luyện phim như mình vẫn hay làm. Nghĩ xong lại như được tiếp sức cho hành trình chưa biết điểm đến!

P/s: Đôi khi nhân duyên có những cuộc gặp gỡ rất kì lạ. Cảm ơn cô em rất chịu khó ngồi cà phê tán nhảm chuyện đời với chị. Hôm rồi mới khai quật được cậu em cùng làm ngồi nói chuyện cũng rất hợp. Hết dịch phải tổ chức bữa cà phê gặp gỡ nhau mới được. Lần này mình " ngậm mỏ không hót", ngồi hóng chúng nói chuyện với nhau thôi!