Self-realization là gì

TTCN - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thiết lập mạng lưới kinh doanh quốc tế thông qua các công ty đa quốc gia, vấn đề vai trò của văn hóa bản địa cũng thường được đặt ra, nhất là trong lĩnh vực xây dựng chiến lược marketing và quản trị kinh doanh. Rất nhiều những thất bại trong kinh doanh quốc tế có nguồn gốc từ việc thiếu hiểu biết những điểm văn hóa đặc trưng bản địa.

Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu với hai chữ "văn hóa". Các học giả chưa bao giờ đồng ý hoàn toàn với nhau về ý nghĩa của hai chữ này.

Trong bài viết ngắn này chúng tôi tạm thời định nghĩa văn hóa là một hệ thống các giá trị chung cho mọi thành viên của xã hội hay cộng đồng. Ví dụ trong văn hóa Việt Nam thái độ khiêm tốn, tự xóa bỏ bản thân, nhún nhường được xem là một giá trị tích cực; nhưng trong văn hóa Mỹ thái độ tự khẳng định [self-assertiveness] thường được đề cao hơn, được xem là một giá trị tích cực.

Tôi còn nhớ một câu chuyện do giáo sư Edward Baker kể [*]. Trong một cuộc phỏng vấn, thấy một người trình bày ý kiến rất hay, ông hỏi: "Nếu tôi đề nghị với viện cấp học bổng cho anh học luôn lên tới tiến sĩ thì anh nghĩ sao?". Anh chàng ứng viên này "khiêm tốn" trả lời: "Dạ... Tôi sợ mình không đủ khả năng". Kết quả anh ta không nhận được học bổng nào cả. Như vậy trong trường hợp này việc ứng xử được xem là phù hợp với các giá trị văn hóa Việt Nam lại không đưa đến một kết quả mong muốn.

Trong văn hóa học còn có một thuật ngữ là "cú sốc văn hóa" [culture shock] để mô tả sự va chạm giữa hai hệ thống giá trị hoàn toàn khác nhau. Người Việt khi mới sang các quốc gia phương Tây thường bị "sốc" trước cảnh nam nữ công khai ôm nhau âu yếm trên các phương tiện đi lại công cộng [xe buýt, tàu điện ngầm...] hay tại những nơi chốn công cộng trăm người ngó vạn người xem.

Tìm hiểu rõ những tập quán ứng xử của nhân dân bản địa, nghĩa là nắm được cơ cấu bề mặt của hệ thống giá trị văn hóa, chính là việc làm bức thiết của những doanh nghiệp khi thiết lập cơ sở kinh doanh tại những quốc gia chịu ảnh hưởng của những hệ thống giá trị hoàn toàn khác.

Chẳng hạn tại một số quốc gia Đông Âu [như Bulgaria], khi đồng ý người ta sẽ lắc đầu chứ không gật đầu như phần lớn các dân tộc vẫn làm. Hệ thống giá trị văn hóa cũng thường thể hiện trong cả ngôn ngữ cơ thể: ví dụ trong khi tiếp xúc, trò chuyện, người châu Á không dùng nhiều tiếp xúc nhãn tuyến như người phương Tây.

Trong một hoàn cảnh bình thường người châu Á cảm thấy không yên tâm nếu cứ nhìn mãi vào mắt của người đối diện, trong khi người phương Tây cho rằng việc lẩn tránh không tiếp xúc bằng mắt là dấu hiệu của sự không trung thực.

Sự xung đột văn hóa thường thể hiện rõ nhất trong bối cảnh đàm phán giữa hai đối tác thuộc hai hệ thống giá trị văn hóa khác nhau. Các doanh nhân Mỹ thường có nhận xét là trong khi đàm phán với các đối tác châu Á họ phải tốn rất nhiều thời giờ để xem ai là người thật sự có quyền lực đưa ra những quyết định quan trọng trên bàn đàm phán.

Thông thường những doanh nhân Mỹ được gửi đến bàn đàm phán có luôn quyền quyết định về những điều khoản đàm phán, nhưng các doanh nhân châu Á thường nói "chúng tôi phải về bàn lại với các cấp cao hơn và sẽ thông báo cho các ngài biết sau".

Điều này phản ánh hệ thống phân bố quyền lực trong cấu trúc văn hóa châu Á: người có quyền lực cao nhất thường không xuất đầu lộ diện, không trực tiếp đàm phán. Một lý do thứ hai là hệ thống phân bố trách nhiệm trong văn hóa Châu Á: với một xã hội được xây dựng trên các giá trị nhấn mạnh về vai trò của tập thể nhiều hơn là nhấn mạnh vai trò của cá nhân, cá nhân rất sợ phải một mình cưu mang trách nhiệm nếu kết quả sau cùng không được như ý muốn. Sự san sẻ rủi ro, phân tán trách nhiệm cho nhiều người là một chiến lược tự bảo hiểm khá thông dụng tại châu Á.

Nhưng dù là theo hệ thống giá trị nào, Đông Phương hay Tây Phương, vấn đề hiện thực hóa lý tưởng của bản thân [self-actualization] vẫn luôn luôn là một giá trị tích cực nếu chúng ta nhìn theo quan điểm của nhà tâm lý học Abraham Maslow như đã được trình bày trong tác phẩm kinh điển Động cơ hành động và nhân cách [Motivation and Personality, 1954].

Thuật ngữ self-actualization" không đơn thuần chỉ có nghĩa là "tự khẳng định" và liên kết nó với văn hóa phương Tây vốn đề cao cá nhân hơn là xã hội. Bản thân danh từ "hiện thực hóa" [actualization] có nguồn gốc sâu xa trong triết học Hi Lạp với Aristotle và thần học Trung cổ với Thomas Aquinas: cả hai đều tập trung tư tưởng của họ vào mối quan hệ biện chứng giữa "tiềm năng" [potentia] và "hiện thực" [actus].

Giáo sư Maslow chỉ kế thừa lại truyền thống triết học này nhưng ông thêm chữ "self" vào phía trước để nhấn mạnh yếu tố phát triển tâm lý nhân cách hơn là một khái niệm triết học hay thần học. Chúng tôi xin tạm dịch lại, theo tinh thần của Maslow, là "hiện thực hóa bản thân" với mục tiêu nhấn mạnh rằng trong bất cứ cá nhân nào cũng có sẵn một tiềm năng, một hoài bão sâu xa, một chí hướng mà sau khi đã thỏa mãn các nhu cầu cấp dưới [nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu tình cảm, nhu cầu xã hội...] cá nhân mới thật sự cảm nhận được và điều này không phải là sự khẳng định bản thân theo nghĩa tự đề cao bản thân, phủ nhận những người khác.

Các ví dụ trong lịch sử cận hiện đại cũng không thiếu: Mẹ Teresa, mục sư Martin Luther King, Hồ Chủ tịch, Thánh Gandhi... Hầu hết các vĩ nhân của nhân loại đều cảm nhận nhu cầu đặc biệt này và họ sẵn sàng hi sinh mọi thứ khác để thỏa mãn "tiếng kêu gọi từ bên trong nội tâm".

Maslow đặt nó trên đỉnh của một kim tự tháp với ý muốn nói rất hiếm người nhận thức và thỏa mãn được nhu cầu này. Lý do đơn giản là vì đối với đại đa số nhân loại thỏa mãn bốn nhu cầu bình thường kia đã là hết sức khó khăn rồi chứ nói gì đến việc... hiện thực hóa bản thân.

Như vậy khái niệm "hiện thực hóa lý tưởng của bản thân" nếu được hiểu chính xác thì không có gì mâu thuẫn với dòng chủ lưu văn hóa phương Đông. Ngay cả hệ thống luân lý Nho giáo, như được phản ánh trong tác phẩm Đại học, cũng nhấn mạnh một cá nhân chỉ ngừng sự tu dưỡng rèn luyện bản thân khi đã đạt đến mức "chí thiện" [chỉ ư chí thiện], có nghĩa là đỉnh cao của sự tu thân chính là việc hiện thực hóa hoàn toàn các tiềm năng đạo đức trong một cá nhân

Trong bối cảnh toàn cầu hóa về mọi phương diện như hiện nay, hiểu biết về văn hóa đặc thù của từng dân tộc vẫn giữ nguyên vai trò quan trọng của nó vì một xu hướng thứ hai, xu hướng khu vực hóa [regionalization] cũng đang là một lực đẩy quan trọng trong thế giới kinh doanh toàn cầu: khối ASEAN, khối EU, khối Bắc Mỹ..., hiệp định NAFTA, Các tổ chức APEC, WTO, AFTA, các quốc gia sản xuất dầu hỏa, khối châu Mỹ Latin...

Các thỏa thuận song phương mang tính khu vực hóa vẫn được hình thành bất chấp lời kêu gọi của Tổ chức Thương mại thế giới là mọi hoạt động tự do hóa thương mại cần phải được xây dựng trên các thoả thuận đa phương mang tính toàn cầu hơn. Điều đó có nghĩa hội nhập là một thách đố - nói theo lời các chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, Trần Nam Bình, Vũ Quang Việt - chứ không phải là một điều tất yếu, vì câu hỏi nóng sốt nhất đặt ra cho mỗi ứng viên của hội nhập là: "Việc hội nhập kinh tế có phải là cơ hội tốt nhất để hiện thực hóa hoàn toàn tiềm năng phát triển của đất nước chúng tôi?".

Trong trường hợp này khái niệm của Maslow được mở rộng để áp dụng cho toàn bộ nhu cầu cao nhất của một quốc gia: vấn đề không phải chỉ là những chỉ số tăng trưởng kinh tế thuần túy định lượng. Cứu cánh cao nhất của một quốc gia phải là nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện để cho từng cá nhân trong xã hội có thể tự thân vận động để hiện thực hóa những nhu cầu sâu xa nhất trong tâm hồn họ.

[*] GS Baker là viện phó Viện Harvard - Yenching, hằng năm thường đến VN phỏng vấn các ứng viên xin học bổng của viện.

Video liên quan

Chủ Đề