So sánh công ước berne và luật shtt vệt nam

Khi Việt Nam bắt đầu chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, nộp đơn xin gia nhập là một thành viên của WTO giai đoạn trước năm 1995, quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) của nước ta thực sự còn khá yếu. Tại thời điểm đó, Việt Nam không có luật riêng về SHTT, quy định điều chỉnh vấn đề này được đưa ra tại các Pháp lệnh về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (1989) và quyền tác giả (1994). Mặc dù thế Việt Nam vẫn cần sửa đổi và hoàn thiện lại hệ thống pháp luật về SHTT sao cho gần nhất với quy định của quốc tế (Hiệp định TRIPS), vì đó là cách duy nhất để nước ta không bị bỏ lại phía sau trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội. Năm 2005, Luật SHTT số 50/2005/QH11 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào tháng 01/7/2006 đã chính thức xác định sự tiến bộ của ngành SHTT Việt Nam. Trong đó, pháp luật nước ta đã tuân thủ theo Hiệp định TRIPS bằng việc đưa chương trình máy tính (phần mềm) vào danh mục các đối tượng được bảo hộ bởi quyền tác giả. Nối tiếp những phấn đấu nhằm nhanh chóng được phê chuẩn tham gia WTO, Việt Nam gia nhập Công ước Berne về quyền tác giả ngày 26/10/2004 và ba năm sau đó nước ta chính thức là thành viên của WTO (11/01/2007).

Quốc hội tiếp tục thông qua hai luật sửa đổi Luật SHTT 2005 vào năm 2009 và 2019. Đồng thời nước ta cũng đã gia nhập thêm hai hiệp định thương mại tự do: CPTPP (1/8/2019) và EVFTA (có hiệu lực 1/8/2020). Đặc biệt, EVFTA yêu cầu như sau “Các Bên phải gia nhập các điều ước quốc tế sau đây trong thời hạn 3 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực:

(a) Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, được thông qua tại Giơ-ne-vơ ngày 20 tháng 12 năm 1996” [15]

Vì Việt Nam chưa ký tham gia WCT nên nhiệm vụ đặt ra và phải hoàn thành sớm chính là nhanh chóng gia nhập Hiệp ước quyền tác giả WIPO. Dự kiến nước ta sẽ xin tham gia WCT trong năm 2022 [13]. Do vậy, xem xét tính tương thích giữa pháp luật SHTT quyền tác giả hiện hành của Việt Nam và Hiệp ước WCT là nhiệm vụ cần triển khai thực hiện để phát hiện những điểm cần bổ sung, chỉnh sửa phù hợp với quy định của Hiệp ước. Cho tới nay, Việt Nam vẫn đang làm tốt các cam kết của mình khi gia nhập các điều ước quốc tế về SHTT, và chưa có điều ước quốc tế đa phương nào có trực tiếp nhắc tới việc bảo hộ phần mềm bằng các cơ chế khác ngoài quyền tác giả mặc dù bên cạnh quyền tác giả, phần mềm còn được bảo hộ theo cấp sáng chế, bí mật thương mại, v.v . Nước ta cũng duy trì quyền tác giả là phương án bảo hộ phần mềm chính thức được quy định rõ trong luật SHTT, và các văn bản dưới luật. Vì thế xuyên suốt nội dung phân tích sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về bảo hộ phần mềm dựa trên quy định quyền tác giả về bảo hộ phần mềm theo luật SHTT hiện hành của nước ta. Trong đó hướng đến chủ thể hưởng quyền, điều kiện bảo hộ phần mềm, nội dung bảo hộ phần mềm, thời hạn bảo hộ và các quy định về thực thi quyền bảo hộ phần mềm.

Thứ nhất, cần phân tích, nội dung quy định về bảo hộ phần mềm cho công dân trong nước, công dân nước ngoài của luật Việt Nam không trái với pháp luật quốc tế. Đặc biệt trong vấn đề đảm bảo nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc tối huệ quốc, quy định trên của luật SHTT hiện hành bộc lộ đúng sự tôn trọng với mục đích đặt ra của tại Công ước Berne, Hiệp định TRIPS là duy trì sự bình đẳng giữa các chủ thể trong việc hưởng quyền SHTT về bảo hộ phần mềm.

Thứ hai, điều kiện bảo hộ phần mềm phải đối chiếu với các điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam đã tham gia như Công ước Berne, Hiệp định TRIPS, CPTPP và trong tương lai sẽ gia nhập Hiệp ước WCT, quy định của Việt Nam trùng khớp với quy định của các điều ước quốc tế này. Nhưng khoản 1, điều 6 Luật SHTT 2005, có cách diễn giải chi tiết hơn các điều ước quốc tế, vế đầu tiên đồng thời nói lên điều kiện bảo hộ và thời điểm phát sinh quyền “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định” và vế thứ hai thể hiện đúng tinh thần của pháp luật quyền tác giả, đó là quyền tác giả chỉ bảo hộ sự thể hiện dưới dạng vật chất của phần mềm, không dựa vào yếu tố được liệt kê như nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký của phần mềm làm cơ sở bảo hộ. Ví dụ, phần mềm được tác giả thể hiện dưới dạng mã nguồn hoặc mã máy, bằng tiếng nước ngoài (không phải tiếng Việt), chưa thực hiện nộp đơn đăng ký quyền tác giả tại cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn được luật pháp Việt Nam bảo hộ nếu chủ thể tạo ra phần mềm bị xâm phạm quyền.

Theo luật pháp Việt Nam, quyền tác giả nảy sinh khi phần mềm đủ hai tiêu chuẩn trên, rất sát và không hề mâu thuẫn với nguyên tắc bảo hộ tự động của Công ước Berne và các điều ước quốc tế khác về SHTT, đủ thấy pháp luật Việt Nam đã quy định rất chi tiết, cẩn thận đối với điều kiện bảo hộ phần mềm nhằm tạo tính tương xứng hết sức có thể với pháp luật quốc tế về quyền tác giả.

Ngoài ra, pháp luật Việt Nam còn bổ sung thêm điều kiện nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia và trật tự công cộng. Nghĩa là pháp luật Việt Nam về SHTT chỉ chấp nhận bảo hộ cho các phần mềm không đi ngược lại chuẩn mực xã hội và không gây ảnh hưởng tới trật tự công cộng, hoặc có hại cho quốc phòng, an ninh. Tuy các điều ước quốc tế không nhắc tới vấn đề này, nhưng đây là nội dung quy định cần được đưa vào pháp luật SHTT Việt Nam để ngăn chặn các trường hợp phần mềm độc hại, trái với mục đích tốt đẹp ban đầu của phần mềm là phục vụ sự phát triển của xã hội

Thứ ba, cần so với các quyền nhân thân tại Công ước Berne chỉ bao gồm quyền thừa nhận là tác giả của phần mềm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của phần mềm có thể tác động tiêu cực đến danh dự và tiếng tăm tác giả, phạm vi quyền nhân thân mà Luật SHTT Việt Nam 2005 có sự chênh lệch do quy định rộng hơn Công ước Berne, Việt Nam bổ sung thêm hai quyền nữa là quyền đặt tên đặt tên cho phần mềm và quyền công bố phần mềm hoặc cho phép người khác công bố phần mềm. Nhưng quyền công bố phần mềm hoặc cho phép người khác công bố phần mềm sẽ không thuộc về tác giả nếu người đó được thuê hoặc giao nhiệm vụ theo hợp đồng để lập trình phần mềm, mà quyền này thuộc về chủ thể thuê, giao nhiệm vụ cho tác giả. Nhóm quyền tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam nhìn chung đã quy định đầy đủ các quyền như quyền dịch, quyền sao chép, cho thuê, phân phối… thậm chí Việt Nam đã tổng hợp đầy đủ các quyền tài sản được quy định rải rác tại Công ước Berne, Hiệp định TRIPS và hiệp ước WCT để đưa vào luật SHTT 2005 thành một thể thống nhất.

Thứ tư, cần đối sánh thời hạn bảo hộ của pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế ở mục 2.1.5, Hiệp định TRIPS không chấp nhận các quốc gia thành viên áp dụng thời gian bảo hộ quyền tài sản ngắn hơn năm mươi năm và Việt Nam đã thực hiện đúng quy định của các điều ước quốc tế khi Luật SHTT 2005 đưa quy định của Công ước Berne vào nội dung thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với phần mềm xác định được tác giả lập trình. Còn với phần mềm khuyết danh, Công ước Berne quy định tại khoản 3, điều 7 “Đối với những tác phẩm khuyết danh hay bút danh, thời hạn bảo hộ do Công ước này quy định chấm dứt là 50 năm sau khi tác phẩm được phổ cập đến công chúng một cách hợp pháp”. Có thể thấy, quy định của pháp luật Việt Nam về thời hạn bảo hộ đối tượng phần mềm không rõ tác giả dài hơn hai mươi lăm năm so với Công ước Berne. Nhưng vì con số mà công ước Berne đưa ra với mục đích tham khảo và là mốc tối thiểu của thời hạn bảo hộ các quốc gia thành viên cần quy định cho pháp luật về quyền tác giả, thêm nữa Công ước không bắt buộc các thành viên thuộc Liên hiệp phải quy định theo nên nước ta có thể kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả cho phần mềm khuyết danh thì cũng không xung đột với Công ước Berne “Các nước thành viên Liên hiệp có quyền quy định một thời hạn bảo hộ dài hơn các thời hạn quy định ở những khoản trên đây” (khoản 6, điều 7 Công ước Berne) và các điều ước quốc tế đa phương liên quan về quyền tác giả mà Việt Nam đã ký kết.

Quy định thực thi pháp luật về bảo hộ phần mềm

Thứ năm, cần so với các điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam là thành viên có yêu cầu rõ về nghĩa vụ của các quốc gia phải có các biện pháp thực thi quyền STT như Hiệp định TRIPS và CPTPP, nội dung quy định của nước ta gần như không có sự cách biệt nào. Tất cả các biện pháp thực thi mà TRIPS, CPTPP và ngay cả Công ước Berne có quy định đều đã được Việt Nam luật hóa và phân chia theo từng biện pháp để các chủ thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Nếu phải chỉ ra điểm khác biệt thì sắp xếp các biện pháp của luật SHTT Việt Nam hơi khác so với các điều ước quốc tế này ở chỗ TRIPS và CPTPP gộp quy định biện pháp dân sự và hành chính chung một mục, điều còn Việt Nam tách riêng biện pháp dân sự (Chương XVII) và gộp các biện pháp còn lại thành một chương (Chương XVIII). Nhưng bố cục quy định này cũng không ảnh hưởng tới nội dung hay việc các chủ thể triển khai thực hiện biện pháp xử lý xâm phạm quyền SHTT đối với phần mềm.

Từ đó khái quát được các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về bảo hộ phần mềm cơ bản đã có sự tương xứng hay không. Chính sách pháp luật về bảo hộ phần mềm tại nước ta đã đủ sự phù hợp và vững vàng giúp đảm bảo lợi ích của các chủ thể có quyền đối với phần mềm dựa trên nền tảng cân nhắc kỹ lưỡng, hợp lý giữa lợi ích quốc gia và sự hài hoà với quy định của pháp luật quốc tế chưa và có cần sửa đổi bổ sung để đảm bảo yêu cầu hội nhập trong điều kiện mới là vấn đề quan trọng đặt ra đối với các nhà làm luật.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng, pháp luật SHTT Việt Nam về bảo hộ phần mềm về cơ bản khá hài hoà với pháp luật quốc tế (điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam đã tham gia và đang có kế hoạch nộp đơn gia nhập). Ở một số quy định, nước ta có một vài điểm khác so với các diều ước quốc tế, nhưng sự khác biệt đó không quá lớn và đi ngược lại nguyên tắc, quy định của pháp luật quốc tế về bảo hộ phần mềm. Chẳng hạn nhóm quyền nhân thân trong luật SHTT Việt Nam có bổ sung thêm quyền đặt tên và công bố, cho phép người khác công bố phần mềm, quyền nhân thân của Công ước Berne không quy định hai quyền này. Hay thời hạn bảo hộ quyền tác giả trong quy định của luật SHTT Việt Nam hiện hành thể hiện sự quá “an toàn” khi quy định thời gian bảo hộ cho phần mềm theo quyền tác giả ở một số trường hợp đều dài hơn thời hạn của điều ước quốc tế (Công ước Berne và Hiệp định TRIPS).