So sánh hố ngăn cách giàu nghèo

TCCS - Sau 32 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã tiến những bước thần kỳ, từ một đất nước nghèo khó, lạc hậu, vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao nhất thế giới trong nhiều năm qua. Tuy vậy, như một bức tranh đa sắc, Trung Quốc đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó, sự xuất hiện và gia tăng hố ngăn cách giàu nghèo nảy sinh từ chính sự phát triển, là thách thức lớn trong hành trình tiến tới vị trí siêu cường của Trung Quốc trong tương lai.

Hiện trạng phân hóa giàu nghèo

Phân hóa giàu nghèo hiện nay ở Trung Quốc ngày càng rõ nét. Chênh lệch bình quân thu nhập thành thị - nông thôn Trung Quốc tăng từ tỷ lệ 1,8:1 (năm 1978) lên 3,33:1 (năm 2009). Báo cáo Nghiên cứu tài sản cá nhân tháng 9-2010 của Merrill Lynch và Capgemini cho thấy, số triệu phú USD tại Trung Quốc đại lục hiện nay là 477.000 người (tài sản trên 1 triệu USD), vượt Anh, chỉ đứng sau Mỹ, Đức và Nhật Bản(1). Đặc biệt, Trung Quốc hiện có số tỷ phú USD đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Theo Báo cáo của Tổng cục thống kê Trung Quốc tháng 6-2010, có 10% những người giàu nhất giữ 45% tài sản của đất nước trong khi 10% những người nghèo nhất chỉ được nắm 1,4%. Trung Quốc có tầng lớp trung lưu đông đảo nhất thế giới, hơn cả dân số nước Mỹ(2).

Hệ số Gini (dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) của Trung Quốc đã tăng từ 0,16 trong thập niên 80 thế kỷ XX lên 0,32 (năm 1991) và 0,49 (năm 2009)(3), (trong khi của Mỹ hiện nay là 0,45). Điều đó đã vượt qua 0,5 - mức báo động "đỏ" - tức là mức nghiêm trọng nhất, có nguy cơ biến động xã hội(4). Hệ số Gini áp dụng đối với các gia đình nông thôn Trung Quốc thậm chí còn cao hơn nhiều so với mức chung; năm 2006 đã là 0,64, trong đó, 20% số hộ nông thôn giàu kiếm được gấp 41,5 lần thu nhập so với 20% số hộ nghèo(5).

Sự phân hóa giàu nghèo ở Trung Quốc không chỉ giữa khu vực nông thôn và thành thị mà còn tồn tại giữa các vùng, gần 1/2 số nông dân nghèo sống ở khu vực phía Tây và chỉ khoảng 10% sống tại các tỉnh miền duyên hải. Phân hóa thu nhập cũng diễn ra mạnh ở giữa các nhóm ngành nghề, thu nhập của các ngành như công nghệ, tài chính, ngân hàng, xây dựng, dầu mỏ... cao gấp 10 lần trung bình thu nhập các ngành trong toàn quốc.

Một điều đáng chú ý là, dù GDP Trung Quốc xếp thứ hai thế giới nhưng GDP bình quân đầu người vẫn xếp thứ hạng sau 100. Năm 2009, Ngân hàng thế giới (WB) vẫn xếp Trung Quốc vào cùng nhóm với những nước có thu nhập trung bình thấp cùng với Bô-li-vi-a, Ấn Độ và Xy-ri. Theo Báo cáo tổng kết 30 năm cải cách, trong giai đoạn 1978 - 2007, số người nghèo giảm từ 250 triệu xuống còn 14 triệu(6). Nhưng nếu theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc (thu nhập dưới 1,25 USD/ngày), thì số người nghèo ở Trung Quốc hiện nay khoảng 150 triệu người(7), nghĩa là cứ 11 người có một người bần cùng.

Những nguyên nhân chủ yếu

Lý do chính dẫn tới sự gia tăng về khoảng cách giàu nghèo trong những năm gần đây ở Trung Quốc là chênh lệch về đầu tư giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tăng trưởng chỉ tập trung ở thành phố và thiếu hụt đầu tư tại những khu vực nông thôn. Trong khi đó, sự phát triển ở các khu vực đô thị không đáp ứng đủ việc làm cho nguồn lao động, chủ yếu ưu tiên cho những người có học thức cao.

Tình trạng thu thuế thu nhập cá nhân không minh bạch cũng dẫn đến phân hóa giàu nghèo ngày càng nhiều. Ước tính 20% số người giàu Trung Quốc hiện nay chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân chưa bằng 10% tổng mức thuế thu nhập mà Nhà nước thu được.

Thương mại tự do đã làm giảm bớt khoảng cách giàu nghèo ở cấp độ toàn cầu, nhưng dòng tiền tệ đầu tư toàn cầu không bị hạn chế đã làm tăng xu hướng bất bình đẳng giàu nghèo. Sự hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống đó là cơ hội cho người giàu nâng thêm nguồn vốn giàu có của mình. Đồng thời, xu hướng đó đã quốc tế hóa gần 1 tỉ người vào thị trường lao động thế giới. Tuy nhiên, lao động Trung Quốc cũng bị cạnh tranh, ở mặt nào đó đã gây sức ép làm giảm đồng lương thực tế. Hiện nay, nếu tính thu nhập theo giờ, thu nhập bình quân 1 giờ lao động của Trung Quốc chỉ là 0,2 USD, trong khi các nước châu Âu, Mỹ là 25 - 30 USD.

Một nguyên nhân khác khiến chênh lệch thu nhập tại Trung Quốc hiện nay quá lớn là do chế độ pháp luật còn nhiều lỗ hổng, chưa nghiêm ngặt, dẫn tới sự tha hóa, biến chất, và "thu nhập xám" (thu nhập từ nguồn không minh bạch) như tham nhũng, hối lộ ngày càng nhiều. Nhà nước không kiểm soát được nguồn thu bất chính này và gần như không thống kê được lượng tiền bất chính được gửi tại các ngân hàng nước ngoài, sau đó có thể được “rửa” để đầu tư lại nội địa và gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực.

Thất thoát từ thu lợi đất đai là nguồn gốc cho những món lợi kếch xù của các nhà kinh doanh nhà đất và những người có quyền lực liên quan. Trong quá trình trưng dụng, khai thác đất đai, khoản thu lợi từ đất đai lẽ ra phải dùng để đền bù cho nông dân mất ruộng đất và sự phát triển lâu dài của xã hội nhưng trong rất nhiều trường hợp bị coi là thu nhập ngoài định mức và sử dụng tùy tiện.

Thu nhập của một số ngành nghề, lĩnh vực quá cao. Năm 2008, tổng số công nhân viên chức trong các ngành điện, thông tin, dầu mỏ, tài chính tiền tệ, bảo hiểm, thủy điện, cung cấp hơi đốt, thuốc lá là 8,6 triệu người, chỉ chiếm gần 8% tổng số công nhân viên toàn Trung Quốc, nhưng dự tính tổng mức tiền lương và thu nhập ngoài lương của họ tương đương với 55% tổng mức tiền lương của toàn bộ công nhân viên cả nước, cao hơn tiền lương bình quân của công nhân viên chức cả nước khoảng 1.220 tỉ NDT(8).

Trong 10 năm qua, thu nhập của các gia đình chậm hơn tăng trưởng GDP rất nhiều, thậm chí, tăng trưởng về lợi nhuận của công ty nhanh hơn tăng trưởng GDP, khiến vốn dự trữ của doanh nghiệp tăng. Nguồn vốn đó có thể gây ra bong bóng đầu tư, nhất là bong bóng bất động sản, làm cho người dân ngày càng khó khăn hơn trong việc mua nhà, làm gia tăng cách biệt giàu nghèo.

Những ảnh hưởng

Một trong 10 cảnh báo của Đặng Tiểu Bình là “sự phân hóa giàu nghèo quá lớn có thể thổi bùng lên ngọn lửa mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giữa các khu vực, và mâu thuẫn giai cấp”(9). Thực tế cho thấy, với mức tăng trưởng cao đã xuất hiện tình trạng dự trữ quá mức và chỉ số tiêu dùng của đa số người dân bị giảm, tăng trưởng kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, nghiêm trọng hơn là thành quả phát triển kinh tế thông qua các con đường không chính thức tập trung vào số ít người, dẫn tới mất công bằng trong phân phối thu nhập, xã hội phân hóa hai cực. Đây là nguyên nhân chính gây ra bất mãn sâu rộng và là đe dọa lớn nhất đối với phát triển kinh tế bền vững(10). Theo thống kê không chính thức, năm 2009 ở Trung Quốc đã xảy ra hơn 100.000 vụ “khiếu kiện trên diện rộng”(11), mà phần lớn liên quan đến chiếm dụng đất đai, việc đền bù không thỏa đáng, việc gây ô nhiễm công nghiệp quá mức. Cựu Giám đốc Ngân hàng thế giới, Giêm Uôn-phen-xơn (James Wolfensohn), từng nói, “thành công của lớp người giàu có và của chính Trung Quốc sẽ trở nên bấp bênh trừ phi người nghèo được hưởng đôi phần từ kết quả kinh tế ngoạn mục của đất nước này. Người ta có thể được hưởng đặc quyền trong một khoảng thời gian cụ thể, nhưng không có công bằng xã hội thì thời gian đặc lợi sẽ không kéo dài được bao lâu".

Chênh lệch thu nhập dẫn đến nạn di cư tràn lan vào thành phố. Năm 2009, Trung Quốc có 151 triệu nông dân rời nông thôn làm công nhân, số người này đảm nhận việc nuôi sống 450 triệu người khác. Bên cạnh đó, 60% số dân thành thị Trung Quốc có thu nhập không đủ nhu cầu chi tiêu hằng tháng(12).

Sự mất cân đối gia tăng trong thu nhập giữa nông thôn và thành thị tạo ra chênh lệch lớn về điều kiện giáo dục, là nhân tố chính dẫn đến hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng tạo ra nhiều tiêu cực xã hội khác bao gồm cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Sự bùng nổ của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tư nhân dành cho tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển đã tác động xấu đến lĩnh vực y tế công. Tình trạng “chảy máu” nhân viên giỏi sang các bệnh viện tư, các trung tâm y tế cao cấp hay ra nước ngoài khiến chất lượng chăm sóc y tế dành cho tầng lớp người nghèo ngày càng giảm sút nghiêm trọng.

Một số đối sách

Trước tình hình thực tế và nhu cầu phát triển bền vững, tiến tới vị trí siêu cường trong tương lai, Trung Quốc nhấn mạnh “lợi ích từ nền kinh tế ngày một phát triển phải được phân chia công bằng trong xã hội, chúng ta không những làm cho “chiếc bánh” to hơn mà còn phải phân chia nó thật tốt”(13). Đó là quan điểm chỉ đạo chiến lược, thể hiện tầm quan trọng, tính cấp bách trong việc giải quyết việc thu hẹp chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc hiện nay.

Năm 2006, Trung Quốc đã thực hiện miễn hoàn toàn thuế nông nghiệp, miễn học phí cho học sinh nông thôn ở độ tuổi giáo dục bắt buộc, cung cấp miễn phí sách giáo khoa và phụ cấp sinh hoạt phí cho học sinh nội trú và con em gia đình khó khăn. Trung Quốc còn cải cách hệ thống thuế thu nhập cá nhân, cải cách phân phối thu nhập, chú trọng điều chỉnh cơ cấu phân phối lần đầu. Quyết liệt loại bỏ việc trốn thuế, chống lũng đoạn, chống hối lộ trong thương mại, giảm bớt chi tiêu hành chính.

Trung Quốc đã hoàn thiện các chế độ an sinh xã hội, tăng lương tối thiểu, phát triển hệ thống chăm sóc y tế mới, ban hành chính sách lương hưu mới, phát triển các tổ chức từ thiện... Điều chỉnh kịp thời những hiện tượng không công bằng, không bình đẳng do những mặt trái của kinh tế thị trường. Thông qua việc trưng thu thuế bảo đảm xã hội để hình thành Quỹ bảo đảm xã hội một cách ổn định hơn nhằm kiến lập và hoàn thiện chế độ bảo đảm xã hội.

Cải cách vấn đề đăng ký hộ khẩu cho người lao động nhập cư ở thành thị. Nâng mức trợ cấp cho nhóm thất nghiệp ở thành thị cũng như cho người dân nông thôn, bảo đảm mức lương của công nhân di cư tương đương với mức lương của công nhân thành phố. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân khi ra thành phố làm việc, thúc đẩy tiến trình thị dân hóa đối với lực lượng này, tiến tới bình đẳng việc làm, bình đẳng sinh hoạt.

Tạo ra một môi trường thuận lợi để nông dân có thể sử dụng hiệu quả hơn những nguồn lực sẵn có, tiếp cận với nguồn lực mới và được hưởng thụ một cách hợp lý và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Hình thành cơ chế giá sản phẩm nông nghiệp hợp lý để cân bằng lợi ích quan trọng giữa nông nghiệp và công nghiệp. Cải cách chính sách đất đai nông thôn bảo đảm quyền và lợi ích quan trọng nhất của nông dân, thu hẹp tính cưỡng chế, bảo đảm bồi thường đầy đủ, công bằng, công khai, bảo đảm quyền được biết và và quyền tham dự của nông dân khi trưng dụng đất. Tăng cường xây dựng công trình hạ tầng để cải thiện điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, nâng cao năng lực sản xuất tổng hợp của nông nghiệp.

Mỗi năm, Trung Quốc có thêm khoảng 13 triệu lao động mới, trong đó lao động được đào tạo ở trình độ đại học chính quy là 6,5 - 7 triệu người, vì thế phải phát triển và mở rộng các kênh tạo việc làm, áp dụng những phương thức linh hoạt, đa dạng. Xét từ mô hình và con đường công nghiệp hóa, do tổng số nhân khẩu của Trung Quốc quá lớn, đặc biệt là số nhân khẩu nông thôn (khoảng 900 triệu người), công nghiệp thành thị dù đã phát triển nóng liên tục nhiều năm qua nhưng vẫn không lấp đầy được nhu cầu lao động và sự chuyển dịch sức lao động quá lớn. Trung Quốc không thể mô phỏng theo con đường công nghiệp hóa thành thị đơn nhất mà các nước đã trải qua, mà tiến hành đồng thời phát triển công nghiệp thành thị và công nghiệp nông thôn.

Giải pháp chiến lược là nâng cao năng lực cho người lao động để họ có thể cạnh tranh thắng lợi, giúp người lao động không bị thua thiệt trong quá trình toàn cầu hóa. Đề ra các biện pháp kiểm soát tốt hơn các rủi ro, bảo đảm môi trường bền vững cũng như bảo đảm sự tham gia rộng rãi hơn của dân chúng trong quá trình lập kế hoạch và ra quyết định./.