Tài nguyên khoáng sản là gì

TCCS - Tài nguyên khoáng sản là đầu vào của ngành công nghiệp, là tài nguyên không thể thiếu trong phát triển kinh tế mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu quốc gia, là tài sản của toàn dân, do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Chính vì vậy, để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả, việc phân cấp quản lý trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm gắn với thẩm quyền của từng chủ thể quản lý là yêu cầu tất yếu.

Nguyên tắc và nội dung phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản

Về nguyên tắc phân cấp tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, là tài sản của toàn dân, do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, được quản lý và sử dụng có hiệu quả, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản cần bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ, tính tập trung thống nhất và phân định rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, đồng thời bảo đảm được các nguyên tắc cơ bản sau[1]:

Thứ nhất, do là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước và là một yếu tố đầu vào quan trọng đối với nền kinh tế. Vì vậy, việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản phải phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế của mỗi quốc gia.

Thứ hai, để bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất và tăng cường sự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đòi hỏi mọi cơ chế, chính sách trong mỗi cấp quản lý tài nguyên khoáng sản phải thống nhất dựa trên cơ sở quản lý tài nguyên khoáng sản cấp quốc gia. Qua đó, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản.

Thứ ba, việc phân cấp cần phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện và khả năng phát triển của từng khu vực và của các địa phương trong từng giai đoạn. Do đó, việc phân cấp cần bảo đảm công bằng trên cơ sở hạn chế thấp nhất sự chênh lệch phát triển kinh tế - xã hội giữa các cộng đồng và địa phương, giữa các vùng có khoáng sản và không có khoáng sản.

Thứ tư, việc phân cấp cần bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của các bên liên quan, nhất là minh bạch về thu chi, phân chia lợi nhuận giữa tổ chức khai thác tài nguyên khoáng sản, vùng, địa phương và quốc gia sở hữu khoáng sản.

Về nội dung phân cấp tài nguyên khoáng sản: Về cơ bản, phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản tập trung vào các vấn đề sau: Một là, nội dung phân cấp cần tập trung vào các hoạt động liên quan tới quản lý, điều hành, khai thác khoáng sản từ cấp trung ương tới cấp địa phương, như: quy hoạch tài nguyên khoáng sản, cấp phép, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra,... Hai là, phân cấp các vấn đề liên quan tới việc ban hành các văn bản quản lý và trình tự, thẩm quyền trách nhiệm của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương về quản lý tài nguyên khoáng sản.

Phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản tại một số quốc gia và Việt Nam

Việc tiến hành phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản được coi là giải pháp tốt và phù hợp trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản. Hiện nay, 60 quốc gia trên thế giới đã tiến hành phân cấp tài nguyên khoáng sản chuyển giao cho địa phương quản lý [2]. Một số nước phát triển đã đi tiên phong trong thực hiện phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản, nhất là liên quan đến thẩm quyền cấp phép, như Australia, Canada và Mỹ. Một số quốc gia đang phát triển cũng tiến hành phân cấp thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản, như Argentina, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines... Đây là những nước vận dụng hiệu quả việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản để lại nhiều bài học kinh nghiệm tốt trong quản lý tài nguyên khoáng sản.

Tại Indonesia, việc phân cấp quản lý khoáng sản liên quan đến các vấn đề phân bổ lợi ích từ tài nguyên, xung đột giữa các nhóm cộng đồng, sự phát triển vùng và giữa các vùng khác nhau. Việc phân cấp này đã cải thiện được tình hình quản lý tài nguyên. Năm 2004, ở Indonesia chỉ có 350 giấy phép được cấp. Từ năm 2004 đến năm 2013, số giấy phép khoáng sản đã tăng lên 10.092, nhưng trong đó chỉ có 6.042 giấy phép đăng ký được công nhận tuân thủ đúng các thủ tục được quy định. Điều này là do hệ thống quản lý tài nguyên khoáng sản của Indonesia đã có nhiều thay đổi từ quy định việc khai thác khoáng sản phải được thực hiện qua các hợp đồng thầu [CoW] bắt đầu từ năm 1967 cho đến những năm cuối thế kỷ XX, sau đó các quy định cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được quy định cụ thể trong Luật Khoáng sản của Indonesia ra đời năm 2009[3].

Tại Philippines, việc quản lý tài nguyên khoáng sản được thực hiện theo Hiến pháp Philippine năm 1997 [Đạo luật 1997- IPRA] và FPIC [sự đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, phải được thông báo trước và cung cấp thông tin đầy đủ], giúp bảo vệ quyền sở hữu vùng đất đai chứa khoáng sản của người bản địa, cho phép cộng đồng từ chối bất kể dự án khai thác khoáng sản nào gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. FPIC trong luật pháp của Philippines được xem như một công cụ hữu hiệu, đề cao vai trò quản lý của cộng đồng bản địa vào quá trình ra quyết định khai thác tài nguyên. Khi người bản địa không đồng ý nhượng lại quyền sở hữu đất đai của mình trong phạm vi mỏ khoáng sản thì các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không được sử dụng phần đất đai đó. Thực hiện tham vấn, thông báo trước và đồng thuận [FPIC] là giải pháp nhằm hạn chế xung đột trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản ở Philippine.

Tại Việt Nam, theo Điều 80, 81, 82, 83 của Luật Khoáng sản năm 2010 [sửa đổi, bổ sung năm 2018], quy định việc phân cấp quản lý khoáng sản của Việt Nam như sau: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước; ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quản lý trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Việc quản lý tài nguyên khoáng sản được phân cấp khá mạnh mẽ cho các địa phương, làm cho hoạt động khai thác khoáng sản gia tăng nhanh chóng, góp phần tăng thu cho ngân sách và phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường của địa phương nói riêng và của quốc gia nói chung. Cũng theo Luật Khoáng sản năm 2010 [sửa đổi, bổ sung năm 2018] và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Khoáng sản, các tỉnh, thành phố được quyền cấp giấy phép khai thác một số loại khoáng sản [mỏ than bùn, mỏ vật liệu xây dựng, các mỏ khoáng sản không thuộc quy hoạch trung ương quản lý,...]. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg, ngày 29-9-2020, “Về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản”. Theo đó, quản lý tài nguyên khoáng sản được phân cấp quản lý như sau: Cấp Trung ương giữ thẩm quyền cấp phép đối với những loại khoáng sản có giá trị cao, các loại khoáng sản có tính định hướng chiến lược; cấp tỉnh, thành phố quản lý, cấp phép một số loại hình khoáng sản chủ yếu phục vụ cho địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng, như vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và tận thu một vài khoáng sản phân tán nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập bởi một số lý do. Thứ nhất, do công tác điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò, đánh giá tiềm năng khoáng sản bị hạn chế, gặp nhiều rủi ro. Thứ hai, do việc đánh giá kinh tế mỏ khoáng sản không được thực hiện tốt[4], dẫn tới mỏ có tiềm năng lớn thì chưa xác định được tính khả thi của dự án khai thác, ngược lại, mỏ khoáng sản có giá trị nhỏ thì chưa có phương án thu hồi hoặc phương án thu hồi không hiệu quả. Thứ ba, do trình độ, năng lực cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở nhiều nơi còn hạn chế; gặp nhiều khó khăn, bất cập liên quan tới khai thác tài nguyên khoáng sản, như: đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân cư trong khu khai thác tài nguyên khoáng sản; các vấn đề liên quan đến môi trường, an ninh, xung đột về lợi ích ở cộng đồng địa phương có phân bố mỏ khoáng sản,... Một trong những nguyên nhân gây nên các hạn chế, bất cập trên, là do vẫn còn thiếu sự minh bạch trong khâu quản lý, cấp phép, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản và việc thực thi quyền hạn, trách nhiệm trong phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản chưa đầy đủ. Nếu việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản được thực hiện một cách bài bản, phù hợp với từng địa phương sẽ phát huy được sự chủ động, sáng tạo trong việc quản lý tốt tài nguyên khoáng sản trên từng địa bàn, góp phần quản lý tốt tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam.

Khai thác than hầm lò bằng công nghệ cao ở Công ty Than Hạ Long [Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam]_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Giải pháp quản lý tài nguyên khoáng sản hiệu quả

Việc khai thác khoáng sản mang lại nguồn lợi to lớn trước hết cho các doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thường chỉ quan tâm tới lợi ích thu được, mà bỏ qua những hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng dân cư, khu vực có khoáng sản, không chỉ ở hiện tại mà cả tương lai. Những hậu quả này trước hết gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái xung quanh khu vực khai thác khoáng sản, sau đó là sự xuống cấp của hệ thống hạ tầng giao thông khi vận chuyển quặng và tinh quặng, đời sống của cộng đồng dân cư, lợi ích của địa phương và của quốc gia[5]. Trên cơ sở được phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản, từ thực tiễn các địa phương, có thể rút ra một số giải pháp góp phần quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực:

Thứ nhất, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường do khai thác khoáng sản.

Nhiều địa phương đã đề xuất giải pháp, thực thi tốt trách nhiệm quản lý môi trường sinh thái khi có các doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoạt động. Ví dụ, dự án Đầu tư xây dựng công trình mỏ titan sa khoáng Nam Đề Gi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định[6]. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, công ty khai thác khoáng sản đã thực hiện nhiều biện pháp giảm thiểu tác động của môi trường ở khu vực khai thác quặng titan, như triển khai công tác trồng rừng [cây phi lao] trên 71,3ha, bảo đảm tỷ lệ cây sống trên 91%, với mật độ cây trồng 2.000 cây/ha. Đánh giá tác động môi trường của khu vực thực hiện dự án khai thác titan trước, trong và sau khi kết thúc khai thác được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Công ty khai thác khoáng sản cũng thực hiện việc ký quỹ phục hồi môi trường, được gửi vào tài khoản dưới sự quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định; tiến hành xây dựng các công trình bảo vệ môi trường như các hệ thống thu gom xử lý bụi, lọc bụi; hệ thống ngăn, giảm tiếng ồn, xử lý nước ngầm, chất thải nguy hại,… Đồng thời, công khai niêm yết thông tin về các biện pháp bảo vệ môi trường tại khu vực mỏ, như không sử dụng bất kỳ hóa chất nào trong sản xuất, không có nước thải xả ra ngoài mỏ, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, duy trì chăm sóc rừng bảo đảm tính năng rừng phòng hộ, có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phòng, chống, xử lý ô nhiễm môi trường. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ nước thải do khai thác và chế biến quặng, khí thải từ các lò sấy, chế biến quặng; quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại liên quan tới chế biến quặng monazit. Bên cạnh đó, công ty khai thác khoáng sản cũng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức bảo vệ môi trường cho người lao động của công ty.

Thứ hai, thu phí cải tạo đường giao thông từ các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

Trong quá trình khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp phải vận chuyển khoáng sản từ nơi khai thác đến nơi chế biến, tiêu thụ. Phương tiện sử dụng vận chuyển quặng thường là ô-tô có tải trọng lớn, thậm chí siêu tải từ 70 - 80 tấn. Việc thu phí các phương tiện vận tải quặng là sáng kiến đã đươc thực thi ở tỉnh Lào Cai[7]. Tỉnh Lào Cai có tiềm năng khoáng sản, như: apatite, sắt, đồng, cao lanh, feldspar, chì, kẽm, đá, cát, sỏi… Việc vận chuyển hằng ngày các loại khoáng sản này trên các tuyến giao thông của tỉnh [hầu hết chỉ chịu được tải dưới 20 tấn], đã làm cho các tuyến giao thông của Lào Cai chỉ trong thời gian ngắn xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân; các tuyến đường vận chuyển quặng bụi mù mịt; nhiều tai nạn giao thông đã xảy ra, dẫn tới những phản ứng tiêu cực của nhân dân khu vực trên các tuyến đường, như: Tỉnh lộ 151 Xuân Giao - Văn Bàn, 156 Bát Xát - Lào Cai, quốc lộ 4D, 7, 4E và nhiều tuyến đường trong nội thị thành phố Lào Cai, như: Đại lộ Hoàng Liên, Trần Hưng Đạo; đường Lương Khánh Thiện, Phú Thịnh,…

Trước tình hình đó, tỉnh Lào Cai đã có sáng kiến thu phí các phương tiện vận tải quặng theo Điều 5 Luật Khoáng sản là “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm: a] Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật; b] Kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật”. Để tiến hành thu phí các phương tiện vận tải quặng, các cơ quan chức năng đã khảo sát, lấy số liệu của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, cân đối, xác định mức thu cho từng loại khoáng sản, trình cấp có thẩm quyền ban hành các mức thu có điều chỉnh theo từng năm cho phù hợp, ví dụ: quặng sắt năm 1998 là 50.000 đồng/tấn, năm 2005 là 60.000 đồng/tấn, năm 2009 giảm còn 40.000 đồng/tấn. Quặng đồng nguyên khai năm 2007 thu 30.000 đồng/tấn. Tinh quặng đồng năm 2009 thu 300.000 đồng/tấn, năm 2012 thu 400.000 đồng/tấn. Quặng apatite năm 2009 thu 20.000 đồng/tấn cho quặng loại 2, tới năm 2014 thu 20.000 đồng/tấn cho quặng loại 2, 50.000 đồng/tấn cho quặng loại 1... Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND, ngày 10-7-2020, của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai quy định “Về các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai” xác định mức thu phí đối với các loại khoáng sản là 30.000 đồng/tấn hàng hóa thực tế trên phương tiện vận tải. Đến Kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI, năm 2021, đã thông qua nghị quyết mới, quy định mức thu phí đối với xe vận chuyển các loại khoáng sản là quặng, tinh quặng là 50.000 đồng/tấn.

Về phía doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản, mặc dù ban đầu phản đối nhưng sau khi được các cơ quan chức năng giải thích các căn cứ pháp lý, tất cả đã đồng thuận và chấp hành. Nhờ đó, tỉnh Lào Cai đã xây dựng 2 tuyến đường mới để vận chuyển quặng: tuyến thứ nhất từ Văn Bàn về Lào Cai dài 50km, tuyến thứ hai từ Sinh Quyền đi Bát Xát về Lao Cai có chiều dài 20km và tiếp tục xây dựng tuyến đường vận chuyển quặng sắt từ mỏ Quý Sa về Khu công nghiệp Tằng Loỏng dài 30km. Trong đó, tỉnh Lào Cai quy định cụ thể số lượng xe, tuyến đường chạy bắt buộc, thời gian vận chuyển; mỗi xe phải có biển phụ để dễ kiểm soát [biển này do chủ xe tự làm theo mẫu của cơ quan chức năng]. Đồng thời, tỉnh cũng thành lập tổ kiểm soát liên ngành chốt ở cửa khẩu Kim Thành, tổ chức cân trọng tải từng xe quặng trước khi xuất khẩu. Những biện pháp trên có tác dụng thiết thực để quản lý nguồn gốc, số lượng quặng; lập lại trật tự trong vận chuyển và tiêu thụ quặng sắt trên địa bàn.

Thứ ba, tăng cường giám sát của cộng đồng trong khu vực khai thác khoáng sản.

Tài nguyên khoáng sản là thuộc sở hữu toàn dân, nhưng nguồn lợi thu được từ khai thác khoáng sản lại thuộc về chủ doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản bằng mọi cách tăng thu, giảm chi và hậu quả là nguồn tài nguyên khoáng sản bị tổn thất, lãng phí nghiêm trọng; môi trường khu vực mỏ khoáng sản ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái, mất an ninh, an toàn trong khu vực hoạt động khoáng sản, ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt tới đời sống dân cư, cũng như tình hình kinh tế - xã hội của khu vực… Do đó, việc giám sát của cộng đồng là rất quan trọng, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực trên, hướng tới hoạt động khoáng sản phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ thông qua cơ chế Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác [EITI] ở cấp địa phương và tăng cường quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam” năm 2014, do Trung tâm Con người và thiên nhiên [PANNATURE] triển khai ở tỉnh Bình Định có hai nội dung đã đạt kết quả tốt [8]. Một là, đánh giá vấn đề sử dụng các khoản lợi ích do doanh nghiệp chia sẻ ở cộng đồng. Hai là, đánh giá khả năng tham gia của cộng đồng địa phương trong việc giám sát thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Các hoạt động giám sát của cộng đồng bước đầu đã được triển khai; người dân xung quanh nhiều khu vực có hoạt động khoáng sản có những thông tin mới nhất, nóng nhất về tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản. Những thông tin này cần có bộ phận xử lý theo nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình.

Thông thường, các doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản càng gia tăng sản lượng thì mâu thuẫn với cộng đồng xung quanh sẽ tăng tỷ lệ thuận. Việc giải quyết kịp thời, nhanh gọn những bức xúc của cộng đồng sẽ hạn chế được phản ứng tiêu cực có thể xảy ra, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Quyền giám sát của cộng đồng, của người dân luôn được phát huy sẽ là yếu tố quan trọng góp phần quản lý tài nguyên khoáng sản có hiệu quả.

Như vậy, dù còn nhiều khó khăn, song việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, là tác nhân quan trọng để các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến cấp địa phương có nhiều giải pháp, sáng kiến quản lý tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mỗi địa phương./.

----

* TS Trần Văn Hiệp, TS Lê Minh Thống, TS Đỗ Đức Anh [1], [5], [6] Đỗ Hữu Tùng: Đánh giá kinh tế khoáng sản, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, 2004 [2] Emanuel Bria: “Phân cấp trong quản lý tài nguyên khoáng sản ở Indonesia”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: “Phân cấp và các sáng kiến quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương”, Quy Nhơn, tháng 11-2014 [3] Ermy Ardhyanti: “Minh bạch nguồn thu nhằm thúc đẩy quản trị tốt công nghiệp khai thác”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: “Phân cấp và các sáng kiến quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương”, Tlđd [4] Allan Barnacha, Bantay Kita: “Thực hiện tham vấn thông báo trước và đồng thuận [FPIC] nhằm hạn chế xung đột trong khai thác khoáng sản”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: “Phân cấp và các sáng kiến quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương”, Tlđd [7] Tham luận của Công ty BIMICO: “Thực thi chính sách môi trường và xã hội của doanh nghiệp khai thác sa khoáng Titan”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: “Phân cấp và các sáng kiến quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương”, Tlđd [8] Lê Ngọc Dương: “Vấn đề thu phí cải tạo đường giao thông từ các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: “Phân cấp và các sáng kiến quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương”, Tlđd

Chủ Đề