Thang đánh giá lo âu bai

Thang đánh giá lo âu Hamilton (HAM-A) là một trong những trắc nghiệm tâm lý đầu tiên được phát triển để đo lường mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lo âu. Được phát triển vào năm 1959 bởi Tiến sĩ M. Hamilton, thang đo đã được chứng minh là hữu ích trong việc theo dõi và nghiên cứu từng bệnh nhân cá biệt, và giữa các bệnh nhân với nhau. Cùng tìm hiểu về lịch sử phát triển và cách sử dụng, tính điểm test lo âu Hamilton này qua bài viết dưới đây nhé!

Mục lục

1. Lịch sử phát triển của thang trắc nghiệm đánh giá lo âu Hamilton

1.1. Tiếp cận khái niệm lo âu theo Max Hamilton

Thang đánh giá lo âu Hamilton (Hamilton Rating Scale for Anxiety/HAM-A) là một trong những trắc nghiệm tâm lý đầu tiên được phát triển để đo lường mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lo âu (Maier et al, 1988). Thang đo được phát triển bởi tác giả Max Hamilton. Theo đó, ông phân biệt “lo âu là một phản ứng bình thường đối với nguy hiểm, là một tình trạng bệnh lý không liên quan đến căng thẳng“. Ban đầu, Hamilton đã sử dụng thang đo chủ yếu ở các bệnh nhân rối loạn lo âu thần kinh chứ không dùng để chẩn đoán lo âu ở những bệnh nhân mắc các rối loạn khác.

Lo âu là tình trạng được đặc trưng bởi trạng thái hỗn loạn nội tâm, như khó chịu và sợ hãi, gây ra phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” (fight or flight) của chủ thể. Hầu hết chúng ta đều trải qua cảm giác sợ hãi, hoặc lo lắng, tại một số thời điểm trong cuộc sống. Khi mức độ lo âu quá giới hạn và gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống chủ thể, thì nó trở thành một triệu chứng của rối loạn tâm thần.

Thang đánh giá lo âu Hamilton là công cụ sàng lọc mức độ rối loạn lo âu được sử dụng rộng rãi (Clark & Donovan, 1994). Test lo âu này được khuyến nghị thực hiện bởi chuyên viên tâm lý lâm sàng đã qua đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thực hành. Điểm trắc nghiệm lo âu Hamilton giúp các bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý đưa ra phác đồ và quy trình điều trị chính xác, thích hợp nhất với từng bệnh nhân.

Xem thêm: 20 nguyên nhân tình trạng lo âu và trầm cảm thường gặp Triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa: Chẩn đoán theo DSM-5-TR
  • Rối loạn lo âu bệnh tật (Hypochondria): Cách thoát khỏi ám ảnh nghi bệnh

Thang đánh giá lo âu bai
Test lo âu Hamilton là công cụ sàng lọc mức độ rối loạn lo âu được sử dụng rộng rãi.

1.2. Lịch sử phát triển thang đánh giá lo âu Hamilton (HAM-A)

Phiên bản đầu tiên của test lo âu Hamilton (Hamilton Rating Scale for Anxiety), viết tắt HAM-A, được phát triển bởi bác sĩ Max Hamilton vào năm 1959. Max Hamilton là một giảng viên cao cấp về tâm thần học tại Đại học Leeds ở Anh. Ông cũng là chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Anh. Sau đó, ông nhận Giải thưởng Pail Hoch cho nghiên cứu Tâm thần học xuất sắc từ Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) năm 1980 (Maier et al, 1988).

HAM-A được sử dụng cho cả người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em. Thang đo này cũng được tạo ra trước khi xuất hiện DSM-III, nghĩa là, chưa cập nhật thời điểm rối loạn lo âu tổng quát được xếp vào một loại của các rối loạn lo âu.

Các triệu chứng mà test đánh giá lo âu Hamilton hướng đến là biểu hiện về hô hấp, tim mạch, hệ tiêu hóa. Đây đều là những triệu chứng không được liệt kê trong danh mục tiêu chí chẩn đoán rối loạn lo âu tổng quát trong DSM-IV. Chính vì thế mà thang đánh giá lo âu Hamilton ngày càng ít được sử dụng hơn trong chẩn đoán lâm sàng, nhất là khi DSM đã được biến đổi đến phiên bản thứ 5.

Thang đánh giá lo âu Hamilton có độ tin cậy, tính giá trị cao khi áp dụng vào thực tế lâm sàng. Theo tác giả Maier và cộng sự (2010), thang đo lo âu Hamilton có độ tin cậy và tính giá trị phù hợp với thực hành chẩn đoán và theo dõi điều trị lo âu bằng cả liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược. Arthur Kummer và cộng sự nghiên cứu năm 2010 cũng đánh giá rất cao vai trò của test lo âu Hamilton (Kummer, Cardoso, & Teixeira, 2010).

Tuy thế, cho đến ngày nay, test HAM-A vẫn được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thực hành lâm sàng và nghiên cứu tâm lý – tâm thần tại Việt Nam. Trắc nghiệm mức độ lo âu Hamilton đã được dịch ra tiếng Việt và sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Cho đến nay, đây là một công cụ có giá trị dùng trong nghiên cứu, theo dõi điều trị thân chủ có triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa.

Tại Viện sức khỏe tâm thần, một nghiên cứu của Trịnh Ngọc Tuân, Đặng Thanh Tùng (2005) cho biết thang Hamilton hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam để phục vụ cho việc nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị các rối loạn lo âu, đặc biệt là rối loạn lo âu lan tỏa (dẫn theo Trần Nguyễn Ngọc, 2018).

2. Quy trình thực hiện và cách sử dụng thang đánh giá lo âu Hamilton

2.1. Chuẩn bị

  • Người thực hiện quy trình kỹ thuật: bác sĩ tâm thần, kỹ thuật viên tâm lý lâm sàng.
  • Phương tiện: Phòng làm trắc nghiệm yên tĩnh, đủ ánh sáng, bàn ghế để ngồi làm trắc nghiệm, phiếu điền kết quả, bút, phiếu làm test, bảng phiếu chấm điểm.
  • Người bệnh: Người bệnh được giải thích kỹ về cách thực hiện trắc nghiệm và đồng ý làm.
  • Hồ sơ bệnh án: Bệnh án được hoàn thiện đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế.
    Thang đánh giá lo âu bai
    Hướng dẫn cho thân chủ cách thực hiện thang đánh giá lo âu Hamilton. Ảnh: Internet

2.2. Quy trình thực hiện thang đo đánh giá lo âu Hamilton

Quy trình các bước thực hiện thang đánh giá lo âu Hamilton:

  • Bước 1: Kiểm tra hồ sơ thân chủ (người bệnh).
  • Bước 2: Giải thích cho người bệnh về nguyên tắc bảo mật kết quả test, giải thích rõ ràng cách tiến hành test.
  • Bước 3: Thực hiện kỹ thuật test. Thang đánh giá lo âu Hamilton bao gồm 14 mục. Mỗi mục được xác định bởi một loạt các triệu chứng lo âu về mặt tâm lý (đau khổ tâm lý, kích động tinh thần) và lo âu về mặt thể lý (phàn nàn về các biểu hiện cơ thể liên quan đến lo âu).

Cách hướng dẫn bệnh nhân: “Thang đánh giá này có 14 câu hỏi. Hãy đánh dấu chọn những câu trả lời mô tả đúng nhất những cảm giác, tình trạng mà anh/chị gặp phải trong thời gian gần đây.”

Cách xử lý kết quả: Test lo âu Hamilton mất khoảng 15 – 20 phút để hoàn thành. Mỗi mục được tính điểm dựa trên thang đo Likert từ 0 đến 4 (Hamilton M., 1959). Cách tính điểm: 0 điểm: không có triệu chứng lo âu; 1 điểm: mức độ lo âu nhẹ; 2 điểm: mức độ lo âu trung bình; 3 điểm: mức độ lo âu nặng; 4 điểm: mức độ lo âu rất nặng.

Kết quả dựa trên tổng điểm thu thập được:

  • Tổng điểm ≤17: Mức độ lo âu nhẹ
  • Tổng điểm 18 – 24: Mức độ lo âu trung bình
  • Tổng điểm 25 – 30: Mức độ lo âu nặng
  • Tổng điểm >30: Mức độ lo âu nghiêm trọng

2.3. Mẫu thang đánh giá lo âu Hamilton

Thang đánh giá lo âu bai
Mẫu Thang đánh giá lo âu Hamilton (HAM-A) được sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai.

2.4. Chỉ định và chống chỉ định trắc nghiệm đánh giá mức độ lo âu Hamilton

Chỉ định: Test lo âu Hamilton có thể được sử dụng như một công cụ sàng lọc ban đầu, cũng như phương pháp đánh giá, trong quá trình điều trị ở người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn lo âu thần kinh, hoặc các rối loạn lo âu nói chung (hoảng loạn, ám ảnh, lo âu tổng quát) (Hamilton M., 1959).

Chống chỉ định: Thang đánh giá lo âu Hamilton không được áp dụng với bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu – trầm cảm, bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân rối loạn cảm xúc, hoặc có triệu chứng lo âu liên quan đến nguyên nhân từ thể lý (Hamilton M., 1959).

2.5. Những chỉ trích thang đánh giá lo âu Hamilton

Mặc dù vẫn được sử dụng trong các thử nghiệm nghên cứu lâm sàng (cả thuốc và can thiệp tâm lý) nhưng thang đo này cũng gặp nhiều chỉ trích vì sự thiếu chính xác, rõ ràng trong việc đánh giá hiệu quả của thuốc giải lo âu (Maier et al, 1988).

Gần đây hơn, Bruss và cộng sự (1994) đã chỉ ra rằng thang đánh giá HAM-A bán cấu trúc ban đầu có thể bị giảm độ tin cậy vì chưa phù hợp với cách mà các bác sĩ lâm sàng đánh giá mực độ nghiêm trọng của các triệu chứng lo âu (Bruss et al, 1994). Do đó, một bản Hướng dẫn phỏng vấn có cấu trúc theo thang đánh giá lo âu Hamilton (Hamilton Anxiety Rating Scale Interview Guide/HARS-IG) đã được phát triển và nổi lên như một công cụ đáng tin cậy hơn so với bản gốc HAM-A.

Mặc dù tồn tại nhiều hạn chế, rhang đánh giá lo âu Hamilton (HAM-A) ngày nay vẫn được sử dụng rộng rãi trong cả môi trường lâm sàng lẫn nghiên cứu. Nhiều báo cáo đã chỉ chứng minh rằng HAM-A là một thước đo đáng tin cậy và hợp lệ để đánh giá mức độ lo lắng ở thân chủ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, bao gồm thanh thiếu niên. Mong rằng những thông tin hữu ích này của Tâm lý PsyCareVN sẽ giúp bạn hiểu biết rõ hơn về HAM-A, cũng như cách sử dụng công cụ này sao cho phù hợp nhé!